TRUYỆN NGẮN
#76
Gửi vào 09/12/2019 - 19:45
Ngày 11-12-1965, một chiếc máy bay C-123 bị rơi trên một vùng hẻo lánh ở Tuy Hòa, Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn phi công Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù Quân lực VNCH thiệt mạng.
Lúc đó, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn 2 ở lại để đánh giải vây cho Sư Đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may, Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 lại đi trên chiếc máy bay C-123 định mệnh đó.
Viên phi công trưởng là Thiếu Tá Robert M. Horsky, từng lái B-52, nhưng vì hôm đó sương mù nên bay thấp, và thế là máy bay đâm vào núi, làm tất cả tử nạn. Vùng máy bay rơi là khu rừng hiểm trở, cách Tuy Hòa 32 cây số về phía Tây, gần như không thể vào được. Mãi đến năm 1974, khi người dân đi sâu vào rừng kiếm củi, họ mới phát hiện xác máy bay và các hài cốt.
Được biết, chiếc C-123 hôm đó bay từ phi trường Pleiku đến phi trường Tuy Hòa thì bị nạn. Tuy nhiên, tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau, nên người ta đưa vào một quan tài và chuyển về Vọng Các (Bangkok) Thái Lan. Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn phi công Mỹ, đem về chôn cất ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Hoa Kỳ. Trong khi đó, không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.
Năm 1986, 81 di cốt này được chuyển về Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.
Cách đây khoảng hai năm, cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, được Bộ Quốc Phòng Mỹ giao trách nhiệm giải quyết số phận của 81 di cốt này.
Với sự quyết tâm cùng sự giúp đỡ của những người bạn chung vai sát cánh, sau cùng ông Jim Webb đã thành công trong việc đưa 81 di cốt về an nghỉ giữa lòng cộng đồng người Việt hải ngoại, một công sức được đánh giá như một hành vi cao thượng.
Hôm thứ sáu, 13-09-2019, một chiếc máy bay của Không Lực Hoa Kỳ chở 81 di cốt này đến California, để trong một căn cứ quân sự.
Bà Lê Thị Sẻ, vợ của Nhảy Dù Nguyễn Văn Thảo nói :
“Vì gia đình chúng tôi ở trong khu gia binh của Binh Chủng Nhảy Dù, nên khi máy bay bị rớt thì tiểu đoàn đã báo cho chúng tôi biết là chồng tôi đã hy sinh. Tôi rất đau lòng vì lúc đó con gái của chúng tôi mới 11 tháng tuổi. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng là chồng tôi vẫn còn sống mà chỉ bị bắt làm tù binh mà thôi.”
Bà gục đầu khóc nói tiếp: “Nhưng, thời gian trôi qua từ tháng này đến tháng nọ, năm này sang năm kia, tin tức chồng của tôi vẫn biền biệt. Con gái tôi bây giờ đã 55 tuổi rồi. Điều vui mừng nhất của chúng tôi là sau 54 năm chồng tôi mất thì mẹ con tôi mới được về trong ngày an táng của chồng tôi. Xin cám ơn những ai đã giúp cho mẹ con tôi được đưa hài cốt của chồng tôi đến nơi yên nghĩ cuối cùng.”
Khi một chiếc quan tài chung được hạ xuống huyệt, ông Webb trân trọng ngắt một nhánh hoa từ vòng hoa rồi trao cho bà quả phụ Lê Thị Sẻ. Bà cầm di ảnh của chồng là cố chiến binh Nguyễn văn Thảo, tiến đến bên huyệt đạo và ngậm ngùi tặng chồng nhánh hoa muộn màng.
(Theo Đằng Giao / Người Việt)
* Hình 1 : Bà Lê Thị Sẻ (Hình của Dân Huỳnh)
* Hình 2 : Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Hình của Dân Huỳnh)
Thanked by 1 Member:
|
|
#77
Gửi vào 09/12/2019 - 19:56
NGÀN NĂM THAO DIỄN NGHỈ
Bức tượng Ngàn Năm Thao Diễn Nghỉ (NNTDN) trong ảnh trên đây đã được một Khóa sinh Hạ Sĩ Quan điêu khắc gia QLVNCH Khóa HSQ đầu tiên thuộc Quân trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế xây trên đỉnh Hòn Khô. Vào thuở ấy, mọi phương tiện trèo núi để hoàn thành công trình xây cất trên đều bằng sức người: chân & tay - Ý chí của con người lúc bấy giờ thật vĩ đại & khủng khiếp!
Bức tượng cao 25m, đứng xoay mặt vào quân trường Đồng Đế, dưới chân núi là Bãi tập tác xạ đầu tiên đối diện cổng sau sân trường. Bức tượng đã bị quân phá hoại CSBV đập phá sau khi chúng chiếm Miền Nam, VNCH 30-4-1975.
Dưới đây là câu thơ mà anh Khóa sinh Hạ Sĩ Quan Điêu khắc gia đã làm sau khi bức tượng hoàn tất:
“Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh”
“Em nằm... đợi anh...” , vì dãy núi Hòn Khô có dáng của một người con gái Việt có mái tóc thề tuyệt đẹp nằm nghỉ với đầu quay về “Bãi Tiên”, một trong những bãi tập chiến thuật của QTĐĐ ngay sát bờ biển năm xưa, hai chân xoay về hướng tây (đèo Rù-rì). Đặc biệt về đêm, hình ảnh người thiếu phụ Việt rất nên thơ in rõ trên nền trời đen kịt được soi sáng bởi ánh trăng rằm, nhìn từ hướng Vũ Đình Trường.
Về sau, vì nhu cầu chiến trường, một số các Khóa Sĩ Quan được huấn luyện tại QTĐĐ đã lập ra một truyền thống rất đẹp & ý nghĩa gọi là ngày “CHINH PHỤC HÒN KHÔ” được tổ chức trước ngày Lễ gắn Alpha cho các tân binh đã trải qua 4 tuần lễ huấn nhục và hội đủ điều kiện để theo học Khóa Sĩ Quan. Buổi trèo núi bắt đầu từ 5:00giờ sáng (khóa của người viết lời ghi chú này) và trở về trường lúc sập tối. Mục tiêu chính của ngày CPHK là tượng NNTDN & Hòn Khô, mỗi Khóa sinh phải sờ được chân của Bức tượng, và dĩ nhiên trước khi sờ được chân “chàng” thì toàn khóa phải bước qua “các ngọn đồi” của “Em nằm đợi anh... ở đây!”. -- bkt
Thanked by 1 Member:
|
|
#78
Gửi vào 09/12/2019 - 20:05
Lê Quang Vịnh - người bị VNCH kết án tử hình được chuyển thành án chung thân bị đày ra Côn Đảo, sau 30.4.1975 là lãnh đạo ngành giáo dục TP. H.C.M đọc hồ sơ của Nguyễn Bá - cựu tù cải tạo 5 năm của CH XHCNVN, nói với Nguyễn Bá:
Chuyện tôi và anh cùng bị tù phía bên này hay phía bên kia qua rồi. Tôi mời anh về sở GD lo việc xây dựng cơ sở GD cho tương lai.
Ông Bá gật đầu.
Tại một trường học ông lại được đề nghị thiết kế cầu tiêu. Ông thiết kế cầu tiêu ba ngăn theo tiêu chuẩn quốc tế. Một ngăn chứa phân tươi, một ngăn để vi khuẩn "tiêu diệt" phân tươi , một ngăn lọc và tái chế nước bẩn thành nước không ô nhiễm môi trường.
Lúc ấy người ta mời thêm một kiến trúc sư ngoài Bắc vào. Tay KTS trẻ này nói với ông Bá: tôi thiết kế hố xí hai ngăn thôi. Ông Bá nghe vậy thì kính nể tài năng của tay KTS trẻ học từ mái trường XHCN quá. Chắc phải giỏi lắm, phải có sáng tạo lắm mới có thể thiết kế hố xí tiết kiệm hẳn một ngăn. Ông Bá bảo: hay quá, anh vẽ bản vẽ đi, tôi sẽ cho thi công.
Ông Bá nhận bản vẽ trên đó có hình hố xí hai ngăn thật. Một ngăn... ị. Một ngăn trống. Ị đầy ngăn này lấy tro lấp lên, ị tiếp ngăn kia. Ông Bá kể: tôi hỏi anh KTS, vậy phân ủ tro đem đi đâu? Anh KTS cười: ông có biết thế nào là phân xanh, phân chuồng, phân bắc để bón cho rau, cho cây trái không? Tôi bảo phân xanh, phân chuồng thì tôi biết nhưng phân bắc thì không biết. Anh KTS lại cười: cái mà ông hỏi để làm gì chính là phân bắc đấy.
Nghe đến đây gã thành thật thú nhận rằng hồi nhỏ gã sơ tán ở làng quê cũng nghe bà con nông dân gọi c*t của người là phân bắc nhưng hỏi bà con vì sao gọi vậy thì mỗi người giải thích một kiểu, đến giờ gã vẫn dốt chả hiểu thế nào là đúng. Bạn đọc của gã ai tỏ tường thì mách cho gã nhá.
Trở lại chuyện của ông Bá, sau cú... huých trên, ông Bá bỏ ra ngoài kiếm sống bằng nghề khác cho nó... lành. Và thế là ông trở thành một hoạ sĩ bất đắc dĩ vẽ tranh trên áo thun bán khá chạy.
Bỗng một hôm không hiểu ai mách, một Công ty Giao thông nhà nước mời ông làm giám sát một công trình xây dựng cầu cảng cho cảng Bến Nghé. Ông coi thiết kế thấy vẽ sắt phi 21 nhưng tại hiện trường lại đo được sắt phi 19, người ta "tiết kiệm" 100 tấn sắt để chia nhau.
Ông phản ứng. Mọi người nhìn ông với con mắt thương hại cho ông. Ông hiểu tất cả và "tạm biệt... chim én" ngay. Mất khoản thu nhập lớn vì không ký giám sát nhưng lòng ông thanh thản.
Một hôm một tay người Úc đến tìm ông đề nghị ông giúp đóng cừ và kết cấu cột bê tông neo khách sạn nổi đặt ở Bến Bạch Đằng, ông đã tính toán chính xác việc neo đậu lên xuống của khách sạn nổi này làm các ông chủ Úc phải kinh ngạc. Chính vì "chiến tích" này các chuyên gia Pháp sửa chữa cầu chữ Y đã phải cầu cạnh ông vì họ không thể tính toán được cách gia cố dây neo sắt của cầu chữ Y khi toàn bộ bản vẽ thiết kế bị thất lạc.
Chỉ với cây đục và búa, đục một số vị trí của cầu ông đã vẽ được kết cấu của dây chằng sắt của cầu bên trong khối bê tông, từ đó giúp cho các chuyên gia Pháp tìm ra phương pháp gia cố dây chằng, tăng tải trọng cho cầu. Cho đến hôm nay cầu chữ Y vẫn bền vững chính nhờ tài nghệ của ông.
Còn nhiều công trình nhà cao tầng ở Sài Gòn, Hà Nội đã được xây lên bởi tính toán kết cấu của ông.
Vậy tại sao ông vẫn ra đi? Gã độp hỏi.
Tôi đã 9 lần vượt biên cùng con trai của tôi. Lý do con trai tôi cần phải có tương lai. Vậy thôi. Cha con tôi trong nhà bao giờ cũng có sẵn cái túi đựng mấy hộp sữa, một ký đường, vài bộ quần áo để bất cứ lúc nào có ai gọi là lên
đường.
Một lần bị bắt ngay tại Sài Gòn, tôi rút tờ 100.000 đồng nhờ thằng bé đứng trên bờ mua ổ bánh mì. Thằng bé thấy trên tờ 100.000 đồng ấy có dòng chữ tôi ghi số nhà, phố. Thằng bé hiểu ý tìm đến nhà tôi đưa cho vợ tôi tờ 100.000 đồng này rồi chạy đi. Tôi nhớ lắm thằng bé gầy gò, áo quần lôi thôi. Nó giờ ở đâu, làm gì, tôi ước được gặp lại nó chỉ để ôm nó vào lòng.
Vợ tôi nhận tờ tiền, hiểu cha con tôi đã bị bắt sẽ tìm cách cứu ra.
Một lần vượt biên tôi lại bị bắt. Tôi không sao liên hệ báo cho vợ tôi biết được. Giấy tờ của tôi là giấy tờ giả. Vợ tôi dò hỏi khắp nơi không biết tôi thoát hay bị bắt ở trại nào.
Một hôm có một sĩ quan an ninh vỗ vai tôi hỏi anh có phải Nguyễn Bá, kỹ sư cầu đường nhà ở Tân Định không. Tôi sợ hãi chối đây đẩy. Nhưng anh ta nói ra những việc tôi làm, tôi đi đâu rất chính xác. Tôi phục lăn an ninh Việt cộng về tài điều tra, nói ra cả điều chính tôi đã quên từ lâu. Tôi đành thú thật mình là ai và bảo với anh ta, tôi chỉ vượt biên vì thằng con trai này của tôi, tôi muốn nó được học tử tế.
Anh ta im lặng, bỏ đi. Ba hôm sau tôi nhận được đồ ăn vợ tôi gửi vào. Khi tôi ăn món rau muống xào thì nghe cái rốp. Tôi nhè ra. Trong cuống rau muống tôi kéo ra một ống nhựa nhỏ. Bên trong là mẩu giấy ghi: anh công an giúp em tìm ra anh. Anh đừng sợ.
Thế là một lần nữa vợ tôi lại cứu tôi thoát trại giam.
Lại vượt biên, lại bị bắt, tôi bị đưa đến Cần Giờ lao động cải tạo. Một ngày tôi phải đào hai khối đất nếu không xong thì không được tắm. Tôi suốt một tuần người đầy bùn hôi thối không được tắm vì không làm sao đào đủ hai khối đất trong một ngày được.
Không chịu nổi dơ bẩn, ngứa ngáy quá mức tôi phải thú thật với ông quản trại tôi là ai, tôi đã làm các công trình gì, tôi chỉ có khả năng thiết kế làm các công trình xây dựng, cầu đường chứ đào đất thì thua.
Nghe vậy, ông quản trại dẫn tôi ra một vùng bùn lầy và nói: chúng tôi mất cả đàn dê cho đám kỹ sư Sài Gòn ăn để làm con đập kia, nhưng cứ nước lên một vài lần là con đập vỡ. Anh làm được không?
Tôi bảo, được, nhưng phải cho tôi chọn 30 người giúp tôi.
Được.
Nhưng có hai điều kiện nữa. Một, các ông phải cho người canh vì tù hình sự tôi không quản được, họ bỏ trốn lỗi ở các anh chứ không phải lỗi của tôi.
Được. Hai?
Các anh phải cho họ ăn no và tắm rửa tử tế.
Được.
Khi biết tôi tuyển chọn nhân công được ăn no, tắm sạch cả trăm tù anh chị, hình sự xin tôi nhận họ. Tôi chọn lựa đâu đó người khoẻ, chăm làm và thông minh cùng làm đập với tôi. Tôi nghiên cứu con nước, dòng chảy, thuỷ triều rồi thiết kế và thi công đập.
Xong. Quản trại nói: hai tuần sau đập không vỡ thì sẽ trả anh tự do.
Và tôi được tự do. Để rồi lại vượt biên tiếp.
Lần thứ 9 thì thành công à? Gã hỏi.
Không phải tôi thành công mà con trai tôi thành công. Khi đó con trai tôi chưa tròn 16 tuổi.
Con tôi một mình trên đất Mỹ vừa đi làm kiếm sống vừa học rồi tốt nghiệp hai đại học của Mỹ. Tôi vượt biên làm gì nữa.
Sao anh giờ này ở Mỹ?
Đoàn tụ gia đình.
Thôi, gã dừng đây, chuẩn bị ra sân bay San Francisco để bay về Sài Gòn. Nếu bạn đọc ngày hôm sau chưa thấy gã lộ diện thì do gã đang trên bầu trời vùng không phủ sóng.
Chuyện của ông Bá còn một kỳ nữa, ông làm cầu đường bên Mỹ thế nào kể ra nghe cũng thú vị đó. Khi về SG gã sẽ hầu kể nốt.
Lưu Trọng Văn
Thanked by 1 Member:
|
|
#79
Gửi vào 09/12/2019 - 20:14
Kỹ sư Nguyễn Bá khuyên gã nên viết về trường đại học Mỹ khi cùng Trần Gia Định dẫn gã thăm đại học Stanford. Gã hiểu điều gì đã làm nên nước Mỹ: các trường học.
Ông Bá nói ở Sài Gòn lúc đó trường Kỹ nghệ Phú Thọ mà ông học nổi tiếng cả châu Á về chất lượng đào tạo. Nói xong ông im lặng. Gã hiểu sự im lặng ấy đồng nghĩa với câu hỏi: hiện giờ chất lượng các trường học ở VN ra sao?
Đột nhiên chuyện chuyển qua những giấc mơ. Lúc này thì nhân vật đi cùng ông Bá là ông Định cao lớn, một thời đẹp giai lên tiếng:
Tôi học lái phi cơ ở Mỹ, về, chiều 30.4.1975 tôi cảm thấy như mình đang bị ai đó soi mói, rình rập và xua đuổi. Tôi bỏ chạy trên sân bay Trà Nóc đến chiếc A37. Tôi lái như kẻ bị rượt đuổi ấy.
Đáp xuống sân bay Utapao căn cứ Mỹ ở Thái Lan. Một nhóm sĩ quan Mỹ ra đón mà tôi vẫn lăm lăm khẩu súng, tôi nghĩ, người Mỹ đã bỏ cả một đất nước thì họ cũng có thể bỏ tôi. Nhưng do nỗi ám ảnh bị rình rập, rượt đuổi nên tôi không còn cách nào khác chạy trốn.
Ông Bá cười: tôi cũng bị cảm giác đó. Đến tận bây giờ hiện về trong giấc mơ của tôi nhiều nhất là những cuộc vây bắt. Có nhiều lần trong mơ tôi thấy mình bị bắt... sợ quá, tỉnh dậy thấy mình đang ở Mỹ, hú hồn...
Ông Định kể: tôi có lần mơ, tôi trở về làng tôi. Mơ ngu dễ sợ, tôi thấy rõ mình mặc bộ áo quần phi công lại còn ngồi trên xe Jeep quân sự nữa chớ. Ồi, tôi còn nhớ là chân tôi đi giầy đinh sĩ quan gác lên thành cửa xe Jeep. Khi tới làng thì thấy thấp thoáng những bóng người họ cứ nhòm tôi, nhòm vô xe, tôi đi đến đâu cũng thấy bóng họ, tôi bỏ chạy, họ cũng chạy theo...
Khi tay ai đó túm vai mình tôi tỉnh dậy, cảm giác cũng như anh Bá: hú hồn.
Ông Bá và ông Định dẫn gã đến dãy hành lang ngút mắt của đại học Stanford và tháp cao vút biểu tượng của ngôi trường đào tạo ra nhân tài của nước Mỹ, tạo nên "Giấc mơ Mỹ " với tuyên ngôn bất hủ: Gió của Tự do thổi.
Ông Bá nói: tôi chỉ mong đám trẻ nước mình trong mơ sẽ chỉ có những giấc mơ đặt chân trên hành lang kia, bước vào giảng đường kia.
Gã hiểu "Gió của Tự do thổi" là thổi đến đâu: những cánh cửa đại học danh tiếng như Harvard, như Stanford... này. Từ đó những tài năng với tâm hồn Tự do cất cánh.
Ông Bá dẫn gã về nhà ông, vợ ông - bà Nghị vốn là một nữ sinh hoa khôi Sài Gòn đi vắng.
Gã nhìn tấm hình của bà vẫn còn nét đẹp dù ở tuổi đã chiều. Gã ngạc nhiên nhà ông Bá lại là một xưởng vẽ trên tường treo đầy tranh. Ông Định nói: Tranh ông Bá vẽ đó. Chắc nhờ cái thuở vẽ trên áo kiếm sống nên giờ bác Bá thành hoạ sĩ bác Bá nhỉ.
Gã ngắm nhìn những bức chân dung Enstein
nhà sáng tạo vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, chân dung mẹ Teresa người đàn bà thánh thiện cả đời dâng hiến với lòng nhân ái bất tận xoá đi bất hạnh kẻ khốn cùng, rồi chân dung Văn Cao, Trần Dần, Hữu Loan những tâm hồn mà "Gió của Tự do" không ngừng thổi ngay cả trong những tháng ngày tăm tối của đời mình.
Ông Bá nói: cứ mỗi lần mơ thấy bị vây bắt tỉnh dậy tôi lại vẽ những con người ấy, vẽ lại giấc mơ khác mà mình muốn để cân bằng lại mình.
Gã độp hỏi ông Bá chuyện mà bạn đọc của gã lúc này muốn biết, ông đã làm việc trên đất Mỹ thế nào.
Thì đó tôi vẽ tranh.
Không, tôi muốn biết ông hành nghề kỹ sư cầu đường của ông ở Mỹ thế nào cơ!
Ông Bá dẫn tôi ra ngoài vườn nơi có chiếc cổng bằng gỗ và chiếc giếng như ở làng quê Việt. Ông khoe: tôi tự làm hết. Gió từ Thái Bình Dương thổi, nơi ông Bá bảo cùng các bạn của mình thường hẹn nhau ra nhìn về Biển Đông quê hương, những chiếc lá phong vào thu ửng vàng lay lay rung nắng chiều tạo nên cái mà người xa xứ e ngại: cảnh buồn...
Tôi kể anh nghe nhé!
1.
Chúng tôi thi công một con đường để giải toả ùn tắc. Mọi việc về kỹ thuật xong đâu đó rồi nhưng có một bà già không chịu rời nhà đi chỗ khác mặc dù chúng tôi nhiều lần vận động bà, xây cho bà căn nhà mới, giá đền bù cao hơn giá nhà thị trường. Bà vẫn không chịu. Lý do bà đưa ra là ngôi nhà này lưu giữ hình bóng người chồng đã mất của bà.
Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể nào đền bù được cho bà hình bóng ẩn hiện trong từng ô cửa, sân vườn, góc bếp, hành lang của người chồng thân yêu của bà. Điều ngạc nhiên là tất cả láng giềng của bà và dân chúng khu vực, những người đã tình nguyện rời nhà cho con đường không ai trách bà mà còn ủng hộ bà vì bà bây giờ chỉ còn một mình, bà chỉ cảm thấy không cô đơn khi sống trong căn nhà có hình bóng của chồng.
Con đường vẫn phải làm. Ngôi nhà của bà duy nhất vẫn tồn tại và dân chúng xung quanh tự hào về ngôi nhà đó, họ gọi đó là "Biểu tượng Tình yêu" của khu dân cư của mình.
2.
Chúng tôi làm một con đường qua một khu đất hoang. Ở Mỹ để được duyệt một dự án rất khó vì các tiêu chuẩn rất cao, không có chuyện cho cầu yếu và đường chờ lún. Càng không có chuyện móc ngoặc giữa nhà đầu tư và nhà thầu. Dự án đâu đó chuẩn bị thi công thì bất ngờ một người dân kiện. Người dân này cho rằng con đường đi qua một vũng lầy ở đó ông ta thấy có bầy cóc chân đỏ sinh sống.
Các chuyên gia bảo vệ động vật nhanh chóng hành động. Mọi việc thi công dừng lại hết. Các chuyên gia bảo vệ động vật di chuyển toàn bộ bùn lầy cùng bầy cóc chân đỏ ra nơi mới có điều kiện dòng chảy, sinh thái tương tự nơi cũ. Công trình chỉ được phép làm khi các chuyên gia theo dõi bầy cóc chân đỏ đã thích nghi được nơi mới.
Gã hỏi: tốn thêm bao tiền?
Một triệu đô la, chưa kể lãI suất ngân hàng, tiền lương nhân viên vẫn phải trả do công trình bị dừng lại trong mấy tháng.
Gã hỏi, thái độ của nhà đầu tư và nhà thầu đối với người kiện họ thế nào?
Họ cám ơn vì nhờ ông ta mà bầy cóc chân đỏ đã được cứu.
3.
Chúng tôi thi công một cầu cảng. Các phương án cọc thông thường bị bác bỏ lý do là ảnh hưởng cuộc sống của bầy cá vốn quen sống ở đó. Tôi đã thất bại không thể nghĩ ra cách nào. Tôi hiểu ra rằng mình chả là gì hết. Đó là nỗi đau, nỗi chua xót cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy tiếc quá nhiều năm tháng cuộc đời mình đã bị uổng phí vì những cái không đáng có.
Ông Bá kể xong các mẩu chuyện làm cầu đường ở Mỹ khác hẳn các mẩu chuyện ông hành nghề ở Việt Nam. Bạn của gã ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Thế rồi, chia tay. Ông Bá sực nhớ điều gì bèn chạy vào trong buồng đem ra cho gã coi chiếc lược cắt tóc kiêm cạo râu. Ông bảo: kỷ vật duy nhất tôi lén lút rị mọ bao tháng trời làm trong tù mà tôi còn giữ được đó.
Ông Định thân mật bá vai gã kể câu chuyện mà gã nghĩ không phải tự dưng ông kể trước khi chia tay:
Khi tôi xuống phi trường Utapao rồi thì một chiếc chiến đấu cơ một người lái của không lực VNCH đáp xuống đường băng. Các sĩ quan Mỹ và tôi ngạc
nhiên, nhô lên từ cửa chiếc máy bay chiến đấu một chỗ ngồi là một mái tóc dài rồi thân hình một cô gái. Mặt cô ngược với đầu máy bay. Điều này chưa từng có trong lịch sử hàng không.
Rồi sau đó từ chân rồi bụng của cô gái ngược lại với cô từ từ nhô lên một chàng trai. Mọi người mới hiểu rằng chàng phi công trẻ kia đã để cho người yêu mình ngồi trên chân mình áp ngực vào mình hai tay và hai chân quặp vào mình trên chiếc ghế duy nhất và bay...
Gã hiểu rồi thông điệp mà ông Định muốn nhắn: Tình yêu!
Nhưng, chưa hết. Cả sân bay vang tiếng vỗ tay khi từ chiếc máy bay kia xuất hiện một cái đầu nữa. Rồi một thân hình nữa. Đó chính là một người bạn thân của viên phi công. Viên phi công đã vứt ba lô dù vật bảo hộ mạng sống của mình đeo sau lưng để dành chỗ cho bạn.
Máy bay có trục trặc thì cùng... chết.
Tình bạn!
Tất cả đọng lại nói cho cùng ở trong ánh mắt của Enstein, mẹ Teresa, Văn Cao, Trần Dần, Hữu Loan... các bức chân dung mà ông Bá ngày đêm vẽ: Tình Người.
Thanked by 1 Member:
|
|
#80
Gửi vào 10/12/2019 - 19:50
Xin giới thiệu bài viết của Barry R. MC Caffrey, một cố vấn quân sự của SĐ Nhảy Dù, ông là con trai của thiếu tướng William J. Mc Caffrey, đến năm 1991 ông đã trở thành đại tướng quân đội Hoa Kỳ.
Quyen Van lược dịch từ : The Forgotten South Vietnamese Airborn . By Barry R. Mccaffrey in The New York Times.
Đặt chân đến VN vào tháng 7 năm 1966, tôi làm việc cho SĐND VNCH như một cố vấn viên. Đó là cái năm cuối mà tôi nghĩ và chắc mẩm chúng tôi sẽ chiến thắng. Đó là cái năm của lạc quan, của sự lớn mạnh của quân đội Mỹ đã thắng thế trong cuộc chiến tại VN- Đó cũng là năm mà số thương vong trong danh sách người Mỹ tăng một cách không tưởng.
Cuối năm 1967, đã có 486.000 chiến binh Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến. Số lính Mỹ tử trận trong năm gần gấp đôi năm 1966.Ngoài số liệu ấy,nhận định về chính trị và giới truyền thông Hoa Kỳ hầu như không quan tâm đến sự hy sinh dũng cảm tham gia cuộc chiến của quân đội VNCH .
Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH mà tôi làm việc với tư cách là một cố vấn viên, là một đơn vị chiến đấu tinh nhuệ. Năm 1967, những người lính ND với bộ quân phục hoa dù cùng chiếc mũ Bê-rê đỏ đặc thù, đã tăng lên con số 13.000 người, tất cả đều …tình nguyện! Chúng tôi đã có vinh hạnh sát cánh bên họ, và đều kinh ngạc bởi sự can đảm cùng với sự năng động trong chiến thuật của những chiến binh nhảy dù ấy. Những người Mỹ mới đến VN có thể chưa biết rằng các nhiều người trong số những vị sĩ quan cao cấp và các sĩ quan hành chánh đó có nhiều năng lực và kinh nghiệm chiến trường đã tham gia quân ngũ từ năm 1951.
Là những cố vấn viên,thông thường chúng tôi hoạt động thành đội ngũ và là sĩ quan liên lạc cấp tiểu đoàn và lữ đoàn. Chúng tôi đã mất cả năm trời chuẩn bị tại Cali, bao gồm 16 tiếng /một ngày chìm đắm trong văn hoá và ngôn ngữ tại Viện Ngôn Ngữ học Quốc Phòng để khi chấm dứt với chứng nhận khá môn nói tiếng Việt. Còn tại trường Fort Bragg, NC.thì được huấn luyện về môn chiến thuật đối kháng và được huấn luyện sử dụng hệ thống vũ khí thời đệ nhị thế chiến mà những người lính VN còn dùng.
Chúng tôi có một loạt công việc phải làm: phối hợp pháo binh và không kích, sắp xếp không vận, tải thương và hỗ trợ tình báo cùng hậu cần. Chúng tôi không đưa ra yêu cầu, đòi hỏi và chúng tôi cũng không cần làm điều ấy. Chúng tôi ngưỡng mộ những người đối tác VN và họ cũng vui mừng khi có chúng tôi- nguồn hoả lực của Hoa Kỳ, ở bên họ. Chúng tôi ăn thức ăn của họ, nói ngôn ngữ họ. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào người VN. Tôi thường có một anh lính dù là cận vệ và cũng là thông tín viên liên lạc.
Bình thường, một đội cố vấn viên như bản thân nhóm tôi gồm có ba người: Một trưởng nhóm Quân đội Mỹ, một trung uý, một hạ sĩ quan thường vụ thường là trung sĩ. Người trung sĩ là nòng cốt: Trong lúc những sĩ quan khác luân chuyển thay đổi chỗ thì người trung sĩ vẫn giữ vị trí ổn định theo lệnh của thương cấp cho đến khi hết chinh chiến, đến khi tử trận hoặc khi bị loại khỏi vòng chiến.
Khúc dạo đầu của tôi tại VN là một kinh nghiệm đẫm máu. Chúng tôi tham gia tác chiến bằng tàu tấn công và trực thăng quân đội của hải quân Mỹ vào vùng đầm lầy đồng bằng phía nam Saigon. Đây là một trận đánh không vinh quang gì, chỉ chiến đấu rồi đắm chìm dưới làn nước mặn ghê tởm. Không có một cuộc giao tranh nào như thế khi chúng tôi được huấn luyện trong trường Biệt Kích.Chỉ huy của tôi,một thượng cấp đứng tuổi, rất chuyên nghiệp và đầy năng lực, đã hy sinh. Trở về căn cứ, tôi phụ giúp một tay đưa thi hài ông ra khỏi trực thăng. Đó mới chỉ là bắt đầu.
Trong lượt đi 4 tháng với Nhảy Dù, chúng tôi tham gia vào một trận đánh lớn và đẫm máu yểm trợ cho những đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ phía bắc Đông Hà, gần bãi biển phía băc, nam VN.Hai trong số những tiểu đoàn được trực thăng vận vào khu phi quân sự hầu kiểm soát một lực lượng hùng hậu quân bắc Việt đang nam tiến.Sự kiện này đã trở thành một trận thư hùng dữ dội và đẫm máu. Người cố vấn thượng cấp của tôi tử thương, người hạ sĩ quan thường vụ cực kỳ gan lì, thượng sĩ nhất Rudy Ortiz, bị thương lỗ chỗ từ đầu xuống chân. Anh ta yêu cầu tôi nạp đạn sẵn khẩu M16 rồi đặt lên ngực anh để anh có thể “một sống một chết” cùng anh em chúng tôi (May mắn thay anh vẫn còn sống !)
Chúng tôi đã có hàng trăm binh sĩ thương vong và chẳng bao lâu sẽ bị địch quân tràn ngập.Nhưng những người lính Dù chiến đấu rất ngoan cường. Vào cái đỉnh điểm căng thẳng ấy, với sự yểm trợ của không lực và hoả lực Hải Quân, chúng tôi đã phản công. Vị sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn đứng thẳng người đi ngang qua dàn hoả lực súng máy hạng nặng đến hầm trú ẩn của tôi. “Trung uý!" Ông ta nói :” đã đến lúc phải chết rồi đấy!” Câu nói của ông làm tôi lạnh người mỗi khi nhớ đến.
Trong chiến trận, người lính VNCH không bao giờ bỏ lại thân xác đồng đội hoặc các chiến binh bị thương và cũng không để lại vũ khí. Ở một trận đánh khác, một trong những người bạn cùng lớp của tôi tại West Point, Tommy Kerns, một cầu thủ bóng bầu dục Quân Đội với thân hình to lớn, đã bị thương nặng và lại bị kẹt trong một giao thông hào chật hẹp trong lúc tiểu đoàn Dù của anh đang cố gắng bẻ gãy sự tiếp tế của một lực lượng hùng hậu quân bắc Việt. Những người lính Dù VNCH đã ở lại với anh, tất cả họ đều nhỏ bé hơn Tommy nhiều, nên không thể nào lôi anh ra khỏi cái giao thông hào chật chội ấy. Thay vì rút lui và để anh lại, họ kiên quyết giữ lập trường và đã dành chiến thắng trên cái thân hình thương tích đồ sộ của anh. Anh đã sống sót nhờ lòng can đảm của người lính VNCH.
Cố vấn Hoa Kỳ và hầu hết sư đoàn Dù đóng quân bên trong và quanh SG.Chúng tôi yêu cái trẻ khoẻ và vui tươi của thành phố ấy, yêu cái văn hoá và ngôn ngữ VN. Chúng tôi vô cùng hãnh diện với bản thân cùng chiếc nón đỏ trên đầu . Tôi tin rằng cả thế giới sẽ ghen tỵ với sứ mạng chúng tôi hiện nay- được làm việc với những tinh hoa của đất nước. Chúng tôi cơ hồ đã có hàng đống tiền nhờ vào những món tiền do đánh trận và nhảy dù chi trả. Được sống trong những khu vực luôn có điều hoà không khí, chúng tôi còn trẻ, sung sức và năng động. Những vị trung tá, đại tá, cố vấn viên thượng cấp già dặn hơn, điềm đạm, gai góc, cũng là những người lính Dù đã tham gia tác chiến những trận đánh còn tồi tệ hơn thời đệ nhị thế chiến và chiến tranh Triều Tiên.
Cuộc sống của cố vấn viên của SĐND VNCH đầy bất ngờ. Công việc do sư đoàn giao phó là hoạt động chiến lược như một nhiệm vụ dự bị, sẽ được đưa vào chiến trường như một mũi nhọn bất cứ khi nào cấp chỉ huy cần đến.
Một tiểu đoàn Nhảy Dù hoặc một lữ đoàn có khi được báo động để khai triển khẩn cấp ngay giữa nửa đêm. Chúng tôi có thể được nhồi nhét để ngồi trong những chiếc máy bay vận tải không lực Mỹ-Việt, với những tiếng gầm rú, xếp hàng dài sọc tại căn cứ Tân Sơn Nhất, gần SG. Đạn dược phát ra sẵn sàng. Thỉnh thoảng, những bộ dù nhảy cũng được triển khai sẵm sàng và một trận đánh vội vàng đã được lên kế hoạch.
Và rồi thì …các tiểu đoàn được điều động đến bất cứ nơi nào cần. Chúng tôi có thể nhào đến bất kỳ chỗ nào trên cái đất nước ấy và chỉ nhận ra chính mình khi đã đến ngay cái trung tâm điểm lửa đạn. Nhiều cố vấn Hoa Kỳ và hàng trăm chiến binh Nhảy Dù VNCH mà tôi sát cánh đã không trở về sau những phi vụ này. Tôi vẫn còn có thể thấy những khuôn mặt non trẻ của họ: Đại Uý Gary Brux., Đại Uý Bil Deuel.,Trung Uý Chuck Hemmingway, Trung Uý Carl Arvin, người thông tín còn rất trẻ của tôi Binh Nhì Michael Randall. Tất cả họ đều đã chết, anh dũng và hào hùng.
VN không phải là đợt đi chiến trường đầu tiên của tôi. Sau khi tốt nghiệp West Point, tôi gia nhập sư đoàn 82 Dù tại công hòa Dominican vào năm 1965. Chúng tôi được điều động đến hòn đảo ấy và dẹp tan làn sóng c.... s.. Cu-Ba, và rồi trụ lại đó với vai trò một tổ chức Hoa Kỳ gìn giữ hòa bình. Tôi cho rằng đó là ý nghĩa của cuộc chiến, và khi tôi trở về trường Fort Bragg, chúng tôi đã háo hức để đến VN- Nhiều sĩ quan trung úy trong tiểu đoàn nhảy lên xe phóng một mạch đến bộ chỉ huy để xin tình nguyện đi tác chiến, chỉ sợ rằng mất đi cơ hội tham gia chiến trường VN.
Giờ đây, chúng ta đã biết đoạn kết của câu truyện. Có lẽ đến 2 triệu người VN đã chết. Người Mỹ tử trận 58.000 và 303.000 thương tật. Trong quá khứ,nước Mỹ đã rơi vào cuộc nội chiến chính trị đắng cay và khập khiễng mà chúng tôi đã không hiểu gì về nó ,mà giờ đây tôi rất đỗi tự hào đã được lựa chọn để phục vụ cùng với các chiến binh Nhảy Dù VNCH. Người vợ xinh đẹp mới cưới của tôi, người tôi yêu quý, cũng hiểu rằng tôi phải tham gia chiến trường. Ngoài ra, cha tôi, một vị tướng quân đội, cũng sẽ vinh danh tôi nếu tôi để lại thân xác nơi chiến trường.
Tất cả giờ đã hơn 50 năm. Những người lính chiến của sư đoàn Nhảy Dù , những người còn sống sót sau ngày miền nam sụp đổ hoặc trốn thoát sang Cambodia hoặc phải trải qua cả một thập kỷ trong trại "cải tạo" man rợ. Phần lớn trong số họ cuối cùng đã đến được Hoa Kỳ. Chúng tôi có một hiệp hội những cố vấn Hoa Kỳ và những đồng đội VN và cũng có một đài tưởng niệm công đóng góp nỗ lực của chúng tôi tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Chúng tôi hội ngộ tại đó mỗi năm để nhớ lại chúng tôi đã chiến đấu cùng nhau như thế nào. Chúng tôi đội mũ đỏ. Cười nói vui vẻ về những câu chuyện cũ, nhưng vẫn có nỗi buồn sâu đậm do đã mất mát quá nhiều mà chẳng đi đến đâu !
Người ta thường hỏi tôi về những bài học trong cuộc chiến VN. Nhưng chúng tôi , những người đã từng chiến đấu cùng sư đoàn Nhảy Dù VNCH không phải những người để hỏi. Tất cả những gì chúng tôi còn nhớ và ý thức được là sự dũng cảm bền bỉ và cương quyết của những người lính chiến được đem vào chiến trường. Họ đã không có được một đài tưởng niệm, có chăng chỉ là còn trong ký ức chúng ta mà thôi.
Ly Van Quyen
Cali 30/3/19
Thanked by 1 Member:
|
|
#81
Gửi vào 10/12/2019 - 19:58
Tác giả: Lê Xuân Mỹ (Việt Báo)
[Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất Mỹ” được rút gọn theo nội dung.]
Vượt qua bao nhiêu cửa ải khó khăn, thủ tục nhiêu khê cuối cùng chúng tôi mới cầm được tờ giấy ra thăm ba tại trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú.
Tháng 2 năm 1979, hai mẹ con ra Hà Nội bằng xe lửa. Sau khi hoàn tất mọi chuẩn bị sau cùng, chúng tôi cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ tuyến Cao Bằng Lạng Sơn để về ga Ấm Thượng. Hành lý mang theo là hai bao tải đồ ăn gồm lương khô, thực phẩm, thuốc men, áo quần… bất kỳ cái gì cũng cần thiết cho người đang “học tập” cải tạo. Năm 1978, tôi đã thăm được ba lần đầu tiên, đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi lần này diễn ra suông sẻ nhanh chóng hơn trước rất nhiều.
Xuống ga Ấm Thượng, vượt qua gần 30 km đường bộ, 2 lần gọi đò qua những dòng sông nước chảy xiết, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 Tân Lập Vĩnh Phú vào lúc nửa đêm. Chuyến đi vất vả nhưng mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được. Nằm bó gối ở một góc phòng, trong tiếng ễnh ương rên rĩ, tôi nhìn ra bên ngoài từ khe hở của vách tre lá của nhà khách ở một vùng đất gần biên giới Việt Hoa xa xôi, và cảm nhận cái nỗi thê lương của những tháng ngày mà ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo, đã và đang trải qua.
Tiếp chúng tôi là một tay công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất hình sự. Tôi đưa giấy tờ, trình bày lý do, và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói:
- Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại chúng tôi sẽ chuyển cho ông.
Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.
Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà bắt đầu nằm lăn ra sàn đất. Vừa la vừa lết, vừa khóc vừa hét. Gã công an lúng túng không biết xử lý cách nào. Những người đến thăm nuôi và cả những cán bộ của các bàn bên cạnh đều hướng về phía chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến tai cấp chỉ huy trại. Một sĩ quan công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu giọng:
- Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỹ luật bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu một thứ gì.
Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển tên cán bộ quản giáo, tôi nghĩ chắc là hết cách. Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt có vẽ hiền lành của viên sĩ quan công an, tôi nghĩ gã có vẻ thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình vê thôi, ba bị kỷ luật. có xin cũng không được. Chịu khó về Hà Nội ngủ lây lất. Tuần sau lên lại hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được ba lâu hơn.
Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba, bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phía chòi vệ sinh sau khi ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi vệ sinh.
Bước vội vào phía trong vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh cái chòi tiêu, tiểu được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa tre nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi cố nhìn thật kỹ. Quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái của cầu tiêu, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông Điềm bệnh nặng.”
Hoảng hốt tôi vội chạy ngược vào phòng tiếp tân. Dằn cơn xúc động tôi kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ bình tĩnh và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói: Xin cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn tru:
- Ông bị biệt giam ở nơi rất xa, phải tuần sau chúng tôi mới đưa ông nhà ra găp bà được.
Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn:
- Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?
Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ là gì nữa, Tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắt. Gã cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi: Xin bà bình tỉnh Mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết. Nói xong gã ra lệnh cho hai tay công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phía trong. Có lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện.
Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên sĩ quan công an nói:
- Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát. Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với công an trực.
Gã công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy. Tôi linh cảm có chuyện không hay. Lần này viên sĩ quan trầm giọng:
- Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ đưa bà đi gặp ông lần cuối cùng.
Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật nào bà không réo tên chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được dẫn di gặp ba. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là bệnh xá nằm sâu trong K2 cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lổm chổm có lẽ được cắt ngắn một cách vội vàng không dài thòn như lần đầu tôi gặp.
Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi bệt xuống đất vói tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phía bên kia. Hai mẹ con ôm choàng lấy ba. Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba và mẹ tôi trong bệnh xá trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi định kéo mẹ đứng lên.
Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba đã rất yếu. Ba nói ba sẽ cố gắng sống để găp mẹ một lần và ba cố gắng húp được vài muỗng cháo trắng. Những muổng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm. Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng. Tức tưởi và uất hận lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ, ba và chúng con sẽ lại gặp nhau một nơi nào đó, trên thiên đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.
Để xoa dịu mẹ con chúng tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng. Từ trước, đã có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các manh chiếu mây tre rách rưới và được chon vùi sơ sài trong các mảnh đất trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên đưọc ưu tiên có hòm làm bằng gỗ ván thông dù rất mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ. Tôi cầm bài vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu của ba còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía một đồi trọc xa xa, phía ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh.
Nơi chôn ba là một ngọn đồi, chỉ có một cây đa thật to. Những người tù đào vội một lớp đất không sâu lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong. Ba tôi, một sĩ quan cảnh sát miền nam thua cuộc, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận cùng biên giới Việt Hoa. Một mình, cô đơn, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Suốt buổi lễ cứ nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở lại một ngày không xa.
Trước khi trở về, tôi cẩn thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ.
Hai năm sau, thương ba nằm một mình hiu quạnh, mẹ con tôi trở ra lại trại Tân Lập cùng với một người đảo mộ thuê từ Hà Nội. Không xin được giấy phép bốc mộ, nửa đêm chúng tôi đã lén lút đào chui và trải qua những giờ phút gian truân, nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đem ba về nằm bên cạnh ôn mệ trong mảnh đất phía sau nhà, dưới chân núi Ngự Bình Huế.
Từ khi đem được ba về nằm ấm cúng bên cạnh những người thân yêu, cuộc sống của gia đình tôi từng bước thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Có quá nhiều cái tình cờ, may mắn mà dù không muốn tin, tôi cũng phải tin có sự che chở của ba, có sự sắp đặt của ơn trên. Và nhờ đó gia đình mẹ và 9 anh em chúng tôi vượt qua được những ngày tháng khó khăn, tủi nhục, đen tối để đến cuối năm 1998 toàn bộ gia đình đoàn tụ trên miền đất thật xa quê nhà nhưng tự do này.
Là những người cuối cùng trong đại gia đình qua Mỹ theo diện đoàn tụ, vợ chồng chúng tôi cùng 3 con nhỏ về sống tại thành phố nhỏ Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma. Vào cuối năm 1998, khi chúng tôi mới đến cư ngụ, Tulsa là một thành phố hiền hoà nhưng cũng thật buồn và trầm lắng. Người Việt không nhiều, nhưng may mắn cũng có một vài chợ Việt Nam, một vài quán ăn người Việt, không ngon lắm nhưng cũng làm vơi đi nỗi nhớ nhà của những đứa con mới vừa lưu lạc.
Lúc vừa mới đến, thấy gia đình 5 người chưa có công việc làm, mấy người bạn đề nghị chúng tôi đi xin housing và chế độ trợ giúp cho người low income. Vào thời đó ở cái thành phố đất rộng người ít này, việc xin trợ cấp của chính phủ tương đối dể dàng. Ai cũng khuyên vì với tuổi đời gần 50, một vợ và 3 con còn nhỏ, tội gì phải đi làm cho vất vả, ở nhà của chính phủ, con cái có nhà nước lo, sáng kéo nhau ra quán café, chiều tập trung tại một nơi nào đó cùng với bạn bè, xem đánh cờ và ngồi tám chuyện ngày xưa. Vừa nhàn, vừa có tiền tội gì phải vất vả mưu sinh. Đâu phải ai cũng có điều kiện để xin được trợ cấp như gia đình tôi đâu.
Nhưng đó không phải là con đường của tôi sẽ đi. Đứa con của một sĩ quan tù cải tạo chết ở biên giới Việt Hoa ngày nào sẽ không thể sống như thế. Thế là, sau thời gian đầu chuẩn bị cho những việc cần thiết, lấy bằng lái xe, ở tạm nhà người em gái, chúng tôi bắt đầu cho một cuộc sống mới trên một miền đất xa lạ này.
Vợ tôi xin vào làm phụ bếp trong một nhà hàng Việt Nam. Tôi và đứa con đầu nhờ có bằng TOEFL nên đăng ký đi học đại học trở lại. Ngoài giờ học, cháu đi làm thêm công việc phục vụ nhà hàng, tôi nhờ có chút tay nghề sửa máy tính và tivi, xin vào làm technician cho hãng bán máy móc điện tử COMPUSA. Hai con nhỏ đi học ở trường gần nhà.
Tiền lương không cao lắm, nhưng với vật giá không đắt đỏ và con người hiền hoà của một thành phố nơi nhà thờ nhiều hơn nhà dân này, chúng tôi đã có những bước khởi đầu hội nhập không quá đỗi khó khăn. Và quan trọng là tôi được đoàn tụ với mẹ, các em, và cùng với gia đình riêng, chúng tôi đã sống không giàu có, nhưng lương thiện, đầy đủ và tự do.
Có quá nhiều điều để kể về những ngày tháng trên một miền đất không phải là nơi tôi sinh ra này, hy vọng sẽ có trong một bài viết khác, ở đây tôi chỉ muốn nói đến những mối nhân duyên mà ông trời đã sắp đặt liên quan đến câu chuyện của ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo chết tại trại K2 Tân Lập Vĩnh Phú tháng Hai năm 1979.
Cuộc sống ở Tulsa phải nói là rất dể chịu và an bình. Với sự tằn tiện và chịu thương chịu khó, chúng tôi cũng mua trả góp được một căn nhà nhỏ, tạm đủ cho một gia đình 5 người, những ngày tháng an bình và hạnh phúc.
Nhưng rồi năm 2000, sau khi lấy lại bằng đại học, tôi xin được việc làm tại KLA-TENCOR ở San Jose, Ca. Nghe tôi định di chuyển về San Jose, bạn bè, người thân ai cũng bàn ra. Thứ nhất tôi đang sống an nhàn, mọi việc ồn định, lên San Jose, tuy lương cao hơn, nhưng nhà cửa, cuộc sống đắt đỏ, lạ lẫm, chắc chắn sẽ khó khăn vất vả hơn nhiều. Làm lại từ đầu, có trụ nổi không hay lại khăn gói trở về như một số người ở bên này.
Nhưng, với tôi, quan trọng không phải là đồng lương cao thấp, đường đi dễ dàng hay vất vả, bằng phẳng hay gập ghềnh, mà là một công việc phù hợp với cái kiến thức và cái khả năng được đào tạo của mình, trong một ngành nghề mình yêu thích. Thế là gia đình nhỏ, 5 người chúng tôi một lần nữa khăn gói đi về một thành phố xa lạ hơn, một nơi được xem như đắt đỏ vào bậc nhất nước Mỹ để kiếm sống.
Cho đến bây giờ trải qua gần 20 năm, với biết bao thăng trầm, thời gian, với tôi, thời gian ở San Jose vẫn là một quãng đời đáng sống. Có nhiều điều để nhớ lại, nhưng trong phạm vi bài viết, tôi muốn nhắc đến, chính là cái duyên, cái tình cờ sắp đặt của thượng đế, của định mệnh khi chính tại miền đất này, tôi đã gặp lại hình bóng của người cha thương yêu.
Đầu năm 2001, khi tôi đang làm tại KLA-TENCOR, lúc đó nhà cửa rất là hot. Tôi tìm mãi mới thuê được căn nhà 4 phòng ngủ. Giá thuê không hề rẻ, 1800USD một tháng. Trả tiền nhà rất vất vả khó khăn, mất toi ½ số tiền lương hàng tháng. Chúng tôi quyết định tìm người cho share lại bớt một phòng. Đúng lúc có một technician mới vào làm trong dây chuyền của tôi mới được tuyển vào làm việc, cần nơi ở. Thế là thoả thuận về ở chung. Vừa tiện đi làm chung xe, vừa sẽ chia tổn phí, tiện lợi đôi bề.
Ở một thời gian, làm chung với nhau cả năm, trong một dịp tình cờ khi nhờ ông bạn share phòng cắt tóc giùm, qua cuộc nói chuyện, phát hiện ra ông bạn cùng nhà mấy lâu nay củng là một sĩ quan từng đi “học tập cải tạo”.
- Anh đi tù ở đâu?
- Tân Lập, Vĩnh Phú.
- K mấy?
- K2. Biết ông Điềm không?
- Biết quá đi chứ.
Thế đó. Quá bất ngờ hơn, khi người share phòng bấy lâu lại chính là người đã đưa cho tôi mảnh giấy báo tin ba tôi đau nặng tại phòng thăm nuôi K2 trại cải tạo Tân Lập ngày nào.
Không thể nói hết sự kỳ diệu của định mệnh, khi sau 22 năm ngày mất, một sĩ quan tù binh cải tạo gặp lại người con của một bạn tù trên một đất nước quá xa vùng đất biên giới xa xôi. Không diệu kỳ sao được, khi trong hàng triệu người Việt lưu lạc, có mặt trên hàng chục quốc gia, sống trên hơn 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, tôi gặp lại đúng một người duy nhất đã đút cho ba tôi những muỗng cháo trắng cuối cùng trước lúc lâm chung. Người đã sống với ba trong những tháng ngày bi thảm đó. Một trong 4 người bạn tù khiêng cha tôi về miền đất lạnh.
Từ xưng anh, từ đó tôi gọi là chú, chú L. Hai chú cháu có những đêm thức trắng để kể chuyện về ba tôi.
Chú là người báo cho ba tôi biết hai mẹ con chúng tôi đang đợi chờ mỏi mòn tại phòng thăm nuôi. Duy nhất, chú là người bên ba để chứng kiến những giọt nước mắt cuối cùng tức tưởi của một người đang hấp hối. Chú là người duy nhất nhìn thấy cặp mắt mong đợi mỏi mòn của ba. Dù chỉ gần nhau trong gang tấc, trước khi ra đi vẫn không thể nhìn nhau một lời sau cuối.
Cám ơn chú L. Người bạn tù của ba tôi, ân nhân không bao giờ quên được của tôi. Sau khi nghỉ hưu, chú về ở với con gái nghe đâu ở tiểu bang Minnesota xa xôi. Chưa một lần chúng tôi gặp lại nhau. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, cháu cũng cầu mong chú và những người thân yêu thật nhiều may mắn và bình an.
Và tôi tin rằng ở một nơi nào đó thật xa xôi, ba vẫn luôn dõi theo và che chở cho gia đình chú cũng như cho mẹ con chúng tôi. Nếu có một kiếp sau, con vẫn sẽ là con của ba, người tù cải tạo chết ở miền đất biên giới Việt Trung, ngày 10 tháng 2 năm 1979.
Lê Xuân Mỹ
Thanked by 1 Member:
|
|
#82
Gửi vào 10/12/2019 - 20:06
Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào lúc 16h30 ngày 24 tháng Bảy năm 1968, một trái bom Mỹ rơi trúng hầm trú ẩn của tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, giết chết cả 10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ (từ 17 tuổi đến 24 tuổi) của tiểu đội ấy.
Ngã ba Đồng Lộc là một trong những điểm giao thông quan trọng trên đường mòn H.C.M trong chiến tranh, thường xuyên bị máy bay của quân đội Hoa Kỳ tập trung đánh phá để ngăn chặn quân đội miền Bắc tiến chiếm miền Nam; nay đã trở thành một trong các di tích nổi tiếng của cuộc chiến tranh Nam – Bắc (1954 - 1975).
Năm 1997, hãng phim truyện Việt Nam đã phát hành phim "Ngã ba Đồng Lộc" – kịch bản của Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, với các diễn viên Thúy Hường, Hương Dung, Ngọc Dung, Xuân Bắc, Yến Vy…
*
Năm 2000 có lần tôi dự đám cưới. Ngồi cùng bàn tiệc với tôi có một người đàn ông miền Bắc cao lớn, đứng tuổi, dáng vẻ phong sương. Khi nghe những người cùng bàn bình luận về bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" thì đôi mắt người đàn ông ấy dần đỏ hoe, rồi ông ta nói như quát bằng giọng run run: "Không có sách nào, phim nào có thể nói đúng về các cô gái này. Văn chương không mô tả được, hình ảnh không thể hiện được. Muốn biết về các cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn như thế nào thì chỉ có thể biết bằng mùi mà thôi. Mùi mồ hôi, mùi máu, mùi người bệnh sốt rét, mùi thuốc ký-ninh, mùi hành kinh lâu ngày không tắm. Trộn hết các mùi ấy vào nhau thì thành ra mùi của nữ thanh niên xung phong…". Nói đến đây ông ta gục đầu xuống bàn khóc rưng rức.
*
Nhiều năm trước đó, trong chiến tranh, tôi theo đoàn TTXGP từ miền Bắc trở về miền Nam. Vì đem theo nhiều thiết bị thông tin rất nặng nên cả đoàn hành quân bằng xe suốt từ Hà Nội vào đến căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. Trên đường Trường Sơn, theo lịch trình, đoàn chỉ dừng lại nghỉ ngơi ở các trạm xăng dầu khi nạp nhiên liệu. Một lần, vào lúc chập tối, vì trời nhá nhem nên cả đoàn vượt qua trạm định dừng mà không biết. Đến khoảng 8 giờ tối thì một số xe hết xăng nên cả đoàn phải dừng lại giữa đường rừng. Tình cờ gần đó có một đại đội nữ thanh niên xung phong đóng quân. Các cô gái kéo ra, cười nói ríu rít. Ăn cơm xong, từng tốp ba bốn cô rủ từng người chúng tôi vào rừng chơi "anh đi với chúng em, trong này đẹp lắm!".
Tôi theo bốn cô gái vào rừng sâu. Hôm ấy có trăng nên rừng đêm rất đẹp. Đi một quãng thì gặp khoảng rừng thưa ở giữa có tảng đá lớn bằng phẳng. Một cô nói: "Anh ngồi đây nhé. Chúng em đi hội ý một tý". Rồi các cô cười vang, kéo nhau chạy mất. Một lúc sau các cô trở lại, đi hàng một, vung tay nhịp nhàng như duyệt binh, đến trước mặt tôi thì dừng lại, đồng loạt quay về phía tôi, đứng nghiêm. Một cô dõng dạc "báo cáo anh…" rồi tắt nghẹn. Một lúc sau cô mới nói tiếp, đứt quãng nghẹn ngào: "Chúng em ở đây hai năm rồi… Hàng ngày xe các anh qua đây nhưng không dừng lại. Chúng em chỉ đứng nhìn và vẫy tay chào mà không nói chuyện được với ai… Hôm nay mới có các anh dừng lại với chúng em. Anh xem… chúng em bốn đứa đang đứng đây nhưng ngày mai nếu anh quay lại chắc gì còn đủ… có khi không còn đứa nào. Chúng em chấp nhận hy sinh. Nhưng anh ơi, chúng em chưa đứa nào biết yêu cả. Đêm nay anh yêu chúng em với... Ngày mai chắc gì đứa nào còn sống!".
Rồi cả bốn cô đồng loạt nhào đến ôm tôi. Khóc. Và mùi. Cái mùi mồ hôi, mùi máu, mùi người bệnh sốt rét, mùi thuốc ký-ninh, mùi hành kinh lâu ngày không tắm quyện lại với nhau. Tôi lặng thinh, nước mắt trào ra, cố nuốt vào lòng rồi vùng bỏ chạy. Bốn cô gái không đuổi theo. Họ ôm nhau khóc òa.
*
Họ từ đâu đến?
Với những cô gái lớn lên từ các vùng quê nghèo đói ở miền Bắc thì không có gì sung sướng hơn khi nghe được cụm từ "giải phóng phụ nữ", bởi vì ít nhiều họ cũng đã từng chứng kiến thân phận của người phụ nữ thời phong kiến. Rồi Đ và BH chiếu phim cho họ xem. Trên màn ảnh là hình ảnh của những chiếc máy gặt đập liên hợp với những người Liên-xô, Trung Quốc tràn đầy hạnh phúc trên những đồng lúa chín vàng. Họ tin rằng những diễn viên tươi vui xinh đẹp người Nga hoặc người Hoa trên màn ảnh kia chính là "nhân dân". Rồi Đ và BH dạy họ hát:
"Dân Liên-xô vui hát trên đồng hoa. Đây bao la hương sắc hoa chan hòa. Hoa tươi trong mùa xuân nhân loại. Hoa vươn trong lòng người công nhân. Gió đưa hoa về ngập miền dân chủ. Cánh hoa muôn màu đẹp đời tự do". "Kia Đông Âu ai hát trong rừng hoa. Đây Trung Hoa muôn đóa hoa tươi màu. Hoa lan sang Triều Tiên khói lửa. Hoa ươm trên đồng Việt Nam ta. Đây vang lời diệt tan quân thù. Đến mai thanh bình còn nhiều đồng hoa".
"Đời mới ai ơi đời mới, tuổi hai mươi như nắng xuân đang reo cười, như nhựa sống dâng trào. Tuổi hai mươi hăng hái theo chí quật cường, yêu mến vâng ý BH vượt qua bao gian khổ. Đời mới thấy chăng lòng ta sục sôi với tuổi hai mươi, tiền phong đi đắp xây đời vui. Đời mới nghe chăng lòng ta sục sôi với tuổi hai mươi, tiền phong đi đắp xây đời vui".
"Đời mới" cụ thể sẽ ra sao không ai biết. Chỉ cần nghe "đời mới" là đủ sướng rồi. Chỉ cần có "nhiều đồng hoa" với những "cánh hoa muôn màu" thì đã là quá đủ, quá hấp dẫn rồi. Vì thế họ sẵn sàng "vâng ý BH" đi "diệt tan quân thù". Những người mà họ gọi là "quân thù" là những người họ chưa hề biết mặt, chưa từng đặt chân lên đất Bắc, không giành của họ manh áo miếng cơm.
Nhưng trên con đường mà Đ và BH dẫn họ đi để đến "nhiều đồng hoa" kia thì có một chặng phải ngang qua núi rừng Trường Sơn… Và tôi đã gặp họ ở đó.
*
Họ chết. Không chết thì sống cũng như chết. Người ta phong họ thành anh hùng. Người ta khóc thương họ như khóc thương những người anh hùng. Người ta dùng họ làm hình mẫu anh hùng cho các thế hệ sau noi theo.
Mười cô gái Đồng Lộc hy sinh. Chỉ tìm thấy xác chín cô, còn một cô – cô Cúc – mất xác. Có người khóc thương họ trong bài "Cúc ơi", trích đoạn như sau:
"Tiểu đội đã xếp hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Các bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi- Rạng-Xuân-Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được)…
Tôi đọc bài này trên FB của một người bạn. Đọc xong tôi sợ quá. Nghe giọng thơ rất chính trị viên. Người ta đã chết rồi mà còn cố gọi về tập hợp. Ác quá. Tôi không thể không viết lời bình luận:
Em đã đầu thai qua kiếp khác
Sống yên vui cùng với chồng con
Sao lại gọi em về tập hợp
Nơi sản sinh ra những oan hồn?
Thanked by 2 Members:
|
|
#83
Gửi vào 10/12/2019 - 20:15
Kẻ thất bại và kẻ siêu thất bại
Stefan Scholl, MK
Cách đây không lâu, tôi có nhìn thấy Perelman. Khi đang ngồi trong quán café “Chaynikoff” tại Kupchino và ngắm phố qua khung cửa sổ thì thấy ông xuất hiện. Perelman đi vội vã. Người đàn ông dáng cao, xanh xao, đầu hói với bộ râu bay lất phất và chiếc túi nhựa trong tay. Tôi không nhìn rõ những móng tay dài huyền thoại của ông.
Perelman có lí do đạo đức để từ chối huy chương Fields và không nhận số tiền một triệu đô.
Tôi trả tiền, bước vội ra khỏi quán và chỉ kịp nhìn thấy ông phía sau lưng và chiếc áo vét nhàu nhĩ. Perelman bước những bước dài, vượt ngã tư và đột nhiên biến mất như thể con đường nhựa ẩm ướt đã nuốt mất ông, hay ông biến vào ảo ảnh của chính mình.
Không phải ma nhưng Grigory Perelman thực sự đã trở thành nhân vật của Gogol: “Perelman ngu ngốc”. Một trong những nhà toán học thiên tài của đương đại đang bước đi trong khu dân cư của Piter (St. Peterburg-ND) với một tấm áo vét nhàu nát và cái túi nhựa trong tay. Với những người như vậy, tiếng Nga vĩ đại đã tìm cho một từ mới “kẻ thất bại”.
Perelman phạm hai sai lầm lớn mà cả nước Nga lẫn nhân loại không thể tha thứ. Sai lầm thứ nhất là ông đã chứng minh được giả thuyết Poincaré, bài toán mà các nhà toán học trên thế giới tìm mãi không ra lời giải. Sai lầm thứ hai còn tồi tệ hơn: ông từ chối nhận số tiền một triệu đô la được trao từ quỹ của Mỹ cho người giải được “bài toán thiên niên kỉ”.
Vấn đề không phải là người ta không hiểu và ghét Perelman, không nằm ở chỗ các ống kính truyền hình luôn bám trực ông như đeo bám người tuyết vừa trốn khỏi sở thú, hay việc Masha Gessen, nhà báo có tiếng của giới báo chí tự do Moscow, đã say mê xứng tầm với nền báo chí lá cải Anh trong việc mô tả cái mùi khó ngửi của tấm đệm mà Perelman từng ngủ. Và vấn đề cũng không phải là việc ông đã dùng đôi giày lạc mốt của mình đạp lên đồng tiền - cái giá trị tối thượng của không gian hậu Xô viết.
Vấn đề nằm ở chỗ Grigory Perelman chính là gương mặt đại diện cho số phận của nền khoa học Nga đương đại. Ông đã thành biểu tượng của cả một thế hệ các nhà khoa học trưởng thành từ nhà trường Xô viết, những người mà sau đó phương Tây tìm cách thu hút, mời chào nhưng họ quyết trung thành với Tổ quốc. Nhưng ngược lại, Tổ quốc đã không quan tâm đến họ, những đứa con của mình, cả tài năng lẫn sự trung thành.
Đầu những năm 90, nhà toán học trẻ Perelman đã từng sống một số năm ở Mỹ, nơi mà tài năng của ông được đánh giá tại nhiều trường đại học. Thế nhưng Perelman đã từ chối mọi lời mời và quay về St. Peterburg. Và ở đó ông đã tạo nên kì tích. Năm 2002 ông công bố chứng minh giả thuyết Poincaré trên trang web khoa học tương đối khiêm tốn .
Nhưng câu chuyện lại tiếp tục chính tại phương Tây. Năm 2004, các đồng nghiệp người Mỹ đã xác nhận chứng minh của ông là đúng đắn và đầy đủ. Ông chính là người đã giải quyết thành công “bài toán thiên niên kỉ”. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà giới cầm trịch của làng toán học thế giới không vội chính thức chúc mừng người chiến thắng. Ngược lại, tại Mỹ xuất hiện một nhóm các nhà toán học Trung-Mỹ trơ trẽn tự cho mình chứ không phải Perelman mới chính là người tạo ra bước quyết định trong việc chứng minh giả thuyết Poincaré. Công bằng mà nói, nhiều nhà toán học Trung Quốc và Mỹ khác đã bảo vệ Perelman và âm mưu đó bị sụp đổ. Nhưng chỉ đến năm 2006, người ta mới trao cho ông huy chương Fields, giải thưởng toán học cao nhất trên thế giới. Và để trao tặng ông số tiền một triệu đô như đã hứa cho người giải được bài toán Poincaré, người Mỹ mất thêm đúng bốn năm. Trong câu chuyện này, ta dễ cảm nhận được sự thiếu tôn trọng.
Perelman có lí do đạo đức để từ chối huy chương và không nhận số tiền một triệu đô.
Thế còn Tổ quốc đã làm gì cho Perelman? Trong những năm đó ai, trong số những nhà khoa học Nga có uy tín đã đứng ra bảo vệ nhà toán học thiên tài? Nước Nga đã trao tặng ông giải thưởng gì? Ông có được mời đến điện Kremli để nhận lời cám ơn vì chiến thắng huy hoàng mà ông đã đem lại cho Tổ quốc? Và tại sao Viện Hàn lâm Khoa học Nga phải mất đến chín năm mới đưa ra được quyết định kết nạp ông vào đội ngũ ưu tú của mình?
Chính quyền của các bạn, xã hội của các bạn lúc nào cũng thích phàn nàn là phương Tây luôn tìm cách lôi kéo và ăn cắp những cái đầu thông minh nhất của nước Nga. Nhưng nước Nga đã làm gì cho những người ở lại?
Số người ở lại không ít. Ví dụ như Sergey Ruksin, nhà toán học và nhà sư phạm, người đã đào tạo cậu bé Perelman tại câu lạc bộ của mình. Ruksin là nhà giáo nổi tiếng thế giới. Ngoài Perelman, học trò của ông còn là Stanislav Smirnov - người cũng được huy chương Fields, Alexander Khalifman – nhà vô địch cờ vua thế giới và hơn 80 người đoạt huy chương Olympic toán học quốc tế (trong số đó có hơn 40 huy chương vàng),…
Còn Tổ quốc đã đánh giá thế nào về những đóng góp của ông? Ruksin, tiến sỹ khoa học Toán học, nhận được lương tháng 14.000 rúp (ND: 14.000 rúp tương đương với 450USD, thấp hơn nhiều lần so với lương của nhân viên bình thường làm tại doanh nghiệp). Nhưng không buồn, ông có thể kiếm tiền ở những nơi khác. Ngoài ra ông còn dẫn dắt câu lạc bộ huyền thoại của mình trên cơ sở thiện nguyện, công ích.
Vẫn như 30 năm trước đây, hai lần mỗi tuần, mỗi lần bốn tiếng, Ruksin và những cộng sự trẻ nhiệt huyết của mình tham gia giảng dạy cho các học sinh tài năng của thành phố Piter. Có hơn 200 học sinh theo học tại trung tâm toán học của ông. Nhà nước không ngăn cản, thậm chí đôi khi còn giúp đỡ, cho học sinh phiếu đi trại hè. Nhưng nói chung là nhà nước không quan tâm đến họ. Ruksin không hề được nhận giải thưởng hay huy chương nào. Và tất nhiên, sau năm năm kể từ ngày trao giải Fields cho Perelman, cả Tổng thống cũng như Thủ tướng đều không thể dành chút thời gian để chúc mừng người thầy hay trung tâm toán học của ông với những thành tựu kiệt xuất của các học trò.
Mà câu lạc bộ hoạt động miễn phí, theo phương pháp Xô viết cổ điển của Ruksin. Phương pháp mà ông tuyên bố là dựa trên những giá trị nhân văn về giáo dục của Humboldt. Học trò của ông giải các định lý từ các lĩnh vực toán học khác nhau. Ngoài ra Ruksin còn gợi tạo sự hứng thú của trẻ đối với các môn sinh học, thơ ca, âm nhạc và lịch sử. Ông dạy cho chúng tìm kiếm các mối quan hệ từ các sự kiện, hiện tượng và ý tưởng khác nhau.
Trẻ em trong câu lạc bộ của ông thông minh và say mê như chính thời Perelman theo học. Ruksin không loại trừ là trong số họ sẽ xuất hiện một Perelman mới. Nhưng ông nghi ngờ là mình và mọi người vẫn sẽ trung thành với Tổ quốc như trước. “Giới trẻ hoặc sẽ bỏ đi hoặc sẽ chuyển sang kinh doanh”.
Điều này dễ hiểu. Liệu có thể mong đợi họ làm hết mình trong trường đại học với tư cách là nghiên cứu sinh, phó giáo sư hay giáo sư với lương tháng không bằng số tiền hối lộ mà một cảnh sát giao thông Moscow kiếm được trong một đêm? Đừng mong đợi ở thế hệ trẻ sự khắc khổ của Perelman hay sự nhiệt tình của Ruksin. Ở nước ngoài, họ được chào đón tại những bộ môn danh giá của các trường đại học Mỹ, Âu và Đông Nam Á, hay tại các trung tâm nghiên cứu của Microsoft và Apple. Còn trên quê hương mình, họ chỉ nhận được tiếng cười khinh bỉ: “Xem kìa, đồ thất bại!”
Ở nước Nga, mỗi thằng ngốc đều có thể mua được tấm bằng đại học hay danh hiệu phó tiến sĩ tại các đường hầm qua đường. Phần lớn các chỗ làm thơm ngon được dành không phải cho những người tài năng mà cho kẻ đục khoét. Chính phủ Nga có tiền để mua tàu chiến Pháp, để xây những thành phố nano sáng tạo và chào mời người Nga quay về, những người đã trở thành ngôi sao khoa học thế giới. Nhưng họ thậm chí không thèm thử kiếm tiền để trả cho những nhà khoa học trẻ của mình một mức lương có tính cạnh tranh.
Hãy thử tưởng tượng một câu lạc bộ bóng đá mà ban huấn luyện đã đào tạo hết cầu thủ siêu tài này đến cầu thủ siêu tài khác nhưng lãnh đạo không thích phong cách lỗi thời của các huấn luyện viên trẻ và không coi trọng học trò của họ. Ban lãnh đạo tiếc rẻ mà không đưa ra những hợp đồng xứng đáng với các cầu thủ. Những cầu thủ này bỏ sang Anh, Tây Ban Nha. Và khi thành siêu sao, câu lạc bộ ruột thịt của chính họ mới sẵn sàng chi số tiền khổng lồ để mời họ quay lại. Đây chính là chính sách khoa học-nhân sự theo kiểu Nga. Nhưng điều buồn nhất là người huấn luyện viên cuối cùng cũng sắp thôi việc.
Còn Perelman? Nghe nói ông là người cực đoan về đạo đức, không công nhận giải thưởng từ những bàn tay không sạch. Nhưng ít ra là ông làm những gì mà ông muốn. Một cách nhất quán. Như vậy, không phải Perelman là người thất bại, mà có vẻ như đất nước mới chính là kẻ thất bại, siêu thất bại.
Người dịch: Boristo Nguyễn
Thanked by 1 Member:
|
|
#84
Gửi vào 22/12/2019 - 13:14
Gã-Lưu Trọng Văn
Ngày này năm 1984 gã dự Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập quân đội. Gã ngồi ở cửa 13 sân Hàng Đẫy xung quanh là màu áo lính.
Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng bước lên Lễ đài. Từ loa vang lên hiệu lệnh yêu cầu mọi quân nhân dự lễ đứng dậy chào lãnh đạo.
Gã ngó ngang, dọc chả mấy ai đứng.
Im lặng. Như im lặng trước cơn bão.
Đến khi Quốc ca vang lên cùng hiệu lệnh chào cờ.
Xung quanh gã không ai đứng dậy.
Gã từ từ đứng dậy.
Gã nhõn mình.
Một sĩ quan đeo lon đại uý ngồi sau gã dựt áo gã kéo gã ngồi xuống cùng cái giọng đặc Nghệ:
Hâm!
Gã lúc đó vừa từ Biên giới với Trung Quốc về thấy cảnh lính trong giá rét cầm súng lạnh cóng nên còn hăng lắm.
Gã quát to:
Cờ là máu lính! Lính là ai? Là ai?
Một số sĩ quan đứng dậy cùng gã. Rồi nhiều người nữa đứng dậy.
Thế mà 35 năm trôi qua rồi.
Gã còn nhớ lời viên sĩ quan gốc Nghệ ấy khi gã ngồi xuống:
Lính là t*o. Nhưng lá cờ bị đánh tráo niềm tin
mẹ nó rồi.
Viên sĩ quan cúi gằm mặt xuống... khóc.
Khi về nhà, gã kể sự thật này cho cha gã nghe. Cha gã gặp Tố Hữu lúc đó là uỷ viên BCT, kể lại cho Tố Hữu. Tố Hữu bảo: Dân đang giận đó mà. Cha gã hỏi: sao các anh biết Dân giận mà không làm gì để Dân thương? Tố Hữu cười rồi... im lặng.
35 năm trôi qua rồi. Đúng ngày này- Ngày Lính.
Thanked by 1 Member:
|
|
#85
Gửi vào 22/12/2019 - 13:24
Tôi đã từng kể trên FB cá nhân câu chuyện về vong hồn những người tử nạn trong vụ máy bay năm 1979 ở núi Sơn Trà. Lúc đó, tôi chưa biết năm 1974 ở vùng núi này cũng có một vụ rơi máy bay quân sự của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Lùi về trước nữa, năm 1954, đã xảy ra một vụ rơi máy bay của hãng Air France mà phi công trưởng chính là cha của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Sau đó, tôi còn “nghe” kể về những điều kỳ lạ quanh điểm máy bay rơi: những người mất đã xui khiến để người sống phải đi tìm họ.
Tôi được nghe những người trong cuộc kể về những trải nghiệm tâm linh khiến tôi biết rằng những người chết bất đắc kỳ tử thường rất khổ sở, nhất là những người mà thân xác họ còn lưu lạc. Và điều khiến họ sợ nhất là bị lãng quên, nhất là bị lãng quên bởi những người thân của mình.
Câu chuyện tôi sắp kể sau đây cũng không ngoài mong muốn người thân của những người đã khuất biết được tin tức về chồng, cha, ông của họ. Câu chuyện này tôi biết cách đây 3 năm. Nhưng vì chưa nắm được thông tin xác thực nên tôi không thể kể ra. Nay tôi đã liên lạc được với những người liên quan đến người mất, những chi tiết mơ hồ cũng dần dần trở nên xác thực, tôi quyết định kể lại câu chuyện này.
Tôi đã day dứt ba năm nay vì không thể nói ra để cho các vong hồn đỡ đau đớn, để người thân của họ biết rằng họ còn sống hay đã chết, họ đang nằm ở đâu. Bài viết này coi như tấm lòng của tôi gửi đến những người đã khuất. Tôi sẽ cầu nguyện để họ thanh thản nơi Suối Vàng. Sở dĩ tôi phải dài dòng mào đầu như vậy vì tôi mong rằng bài viết này sẽ nhận được những lời cầu nguyện dành cho người đã khuất chứ không phải là những lời hận thù, xúc xiểm.
Hơn 44 năm trôi qua rồi, người đã khuất hẳn cũng không còn hận thù nhưng vẫn đau khổ khi biền biệt bóng người thân. Trong khi đó, người thân của họ thì cứ mỏi mòn, đau khổ trong mong đợi, hy vọng rồi tuyệt vọng. Làm sao có thể xoa dịu nỗi đau đớn cho cả người sống lẫn người mất.
CHUYẾN TÀU ĐÊM
Câu chuyện tôi sắp kể sau đây là về một “chuyến tàu đêm”. Xin bắt đầu bằng một chuyến du lịch ở Côn Đảo hồi đầu tháng 10/2017. Tôi vốn khá nhạy với cái mà người ta hay gọi là âm khí. Ở đâu có “nó” là tôi cảm nhận được và thường rất sợ hãi. Nơi tôi đến, hai đêm liền tôi mất ngủ dù nơi đó rất đẹp. Cảm giác sợ hãi, lành lạnh sống lưng khiến tôi không tài nào nhắm mắt được dù ở với người nhà. Lúc nào tôi cũng có cảm giác có những ánh mắt vô hình đang nhìn mình chăm chú khiến tôi cứ quay lại nhìn phía sau lưng mình, rồi nhìn về những góc nhà. Thậm chí, sáng hôm sau, khi ở nhà một mình, không chịu nổi sự sợ hãi vì cảm giác rất nhiều “người” đang ở trong phòng, tôi đã chạy ra ngoài dù ở ngoài nắng đã lên cao và rất nóng. Một cảm giác rất lạ mà tôi chưa bao giờ thấy dù tôi đã từng đi công tác, ngủ một mình ở những nhà công vụ hoang vắng, xa khu dân cư.
Ngày cuối cùng, chúng tôi xuống phòng ăn để ăn bữa sáng. Cô bạn trẻ đi cùng kể cho tôi nghe: “Hồi tối em hết hồn chị ơi. Em đang xếp đồ vô valy để hôm nay về, tự nhiên nhìn qua tấm kính (chỗ chúng tôi ở là những ngôi nhà có vách ngăn các phòng bằng kính) thì thấy một người đàn ông đứng nhìn em. Ông mặc sơ-mi màu nâu, tay dài cài khuy, đeo cà vạt. Em hét lên: Anh ơi, có ai trong phòng. Chồng em chạy ra thì không thấy chi cả. Ảnh nói làm sao trong nhà mà có người lạ được, có lẽ em thấy cái chi đó rồi tưởng tượng ra thôi. Tuy vậy, chồng em cũng muốn yên tâm nên gọi bảo vệ lên cùng để đi quanh ngôi nhà và ngoài vườn nhưng vẫn không thấy ai cả”. Lúc đó, người nhà tôi bật cười: Mấy chị này yếu bóng vía nên nhìn gà hóa cuốc thôi. Nhưng tôi lại cảm thấy lờ mờ có gì không ổn vì hai ngày ở đó là hai ngày tôi cảm thấy tâm trạng mình không được tốt.
Sau chuyến đi, tôi đăng một clip quay ở Côn Đảo lên FB. Không hiểu sao có một chị nick FB là , không có trong danh sách bạn bè của tôi và hoàn toàn không có một người bạn chung nào, lại đọc được bài viết đó và bình luận rất lạ:
- Khi họ xây nơi này đã tìm thấy hố chôn tập thể trong đó có ba tôi. Ks này rất đẹp nhưng tôi không dám ở. Sorry Lâm Nguyễn !
- Xin lỗi ba của bạn trước đây là tù chính trị ở Côn Đảo ạ?
- Lâm Nguyễn ba tôi là bên thua cuộc nên mới bị tử hình .
- Tử hình nhưng tại sao lại tìm thấy trong hố chôn tập thể hả bạn?
- Họ đập đầu xô xuống hố, nghe nói chưa chết vẫn bị chôn, người làm chuyện đó sau này bị điên, họ khai ra mình mới biết.
- Hoa Nguyen ôi thành thật xin lỗi đã gợi lại chuyện đau buồn của gia đình bạn. Cầu mong cho ba của bạn sớm được siêu thoát.
Sauk hi nghe câu chuyện này, tôi đã kết bạn với chị và chúng tôi đã nói chuyện qua messenger. Chị kể lại theo trí nhớ: Đêm 22/12/1975, chính quyền thông báo cho gia đình sẽ đưa hơn 79 người gồm quân nhân, cảnh sát, viên chức chế độ cũ đã từng làm việc tại Côn Đảo lên tàu về Cần Thơ cải tạo. Nhưng thật ra ngay trong đêm đó, họ đã bị đưa đến khu rừng dương xa khu dân cư và bị hành hình bằng cách đập đầu và xô xuống hố.
Tôi hỏi chị vì sao chị biết rõ sự việc như vậy khi các chú, các bác đó đều đã chết. Chị nói theo lời dân đảo kể lại thì ông Tư Đ. trong một lần say xỉn đã buột miệng kể ra. Ông Tư là ai hả chị? Ông ấy là một trong những người của đội hành hình.
Sau này, chị nói thêm là những người trong đội có nhiệm vụ di dời và mai táng hài cốt ra khỏi nơi đang xây dựng nói rằng các hộp sọ đều có vết nứt. Trong đội này cũng có một người địa phương đã nhận ra cặp chân giả của một viên chức tên là Sơn.
Từ đó người dân ở Côn Đảo mới biết về số phận của những người tù cải tạo ở đảo. Câu chuyện này đã giải đáp nỗi thắc mắc cho bà con trên đảo vì sao những người tù cải tạo đưa đi Cần Thơ đều không có ai trở về. Ngay cả khi những người tù cuối cùng ở các trại cải tạo tại miền Bắc đã trở về (1992) và đi H.O thì tin tức của những người tù cải tạo ở Côn Đảo vẫn bặt tăm.
Biết về câu chuyện này nhưng dân trên đảo họ chỉ thì thào với nhau chứ không ai dám nói ra. Bây giờ, chỉ cần nói ba từ “Chuyến tàu đêm” là những người già cả, những người dân sống lâu năm trên Côn Đảo hiểu ngay rằng đang nói về ai.
Ngay khi biết tin, năm 2015, chị Hoa Nguyen đã từ Úc trở về đến vùng đất xây dựng khu du lịch hầu tìm mộ cha mình. Những người làm việc ở đây nói rằng tất cả hài cốt đều đã đem ra ngoài. Chị kể tiếp: Không biết hỏi ai, chị đành đi về. Nhưng khi xe đến Đất Dốc thì tắt máy. Chị linh tính nên hỏi thăm những người dân ở đó. Đúng là có 2 ngôi mộ tập thể, trong đó chị chắc chắn là có hài cốt của ba chị, bác Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1927. Chị nói: “Tôi là người đạo Thiên Chúa, không tin lắm về Luật Nhân Quả. Nhưng những người giết ba tôi hình như cuộc sống không tốt đẹp. Gần đến Noel là tôi thấy ba tôi về, chỉ mặc quần cụt màu đen, không có áo, chắc ba tôi chết khổ như vậy”.
Nói về các hài cốt được phát hiện ỏ khu vực rừng dương hẻo lánh, sau khi di dời ra khỏi khu vực xây dựng, đội mai táng thuộc Phòng Giao thông Công chánh huyện Côn Đảo đã mai táng các hài cốt trong hai ngôi mộ. Ngôi mộ thứ nhất có 26 hài cốt, được ép đá xanh xung quanh. Ngôi mộ thứ hai có 10 hài cốt được xây thành xi măng chung quanh lên ngang đầu gối. Lâu ngày, ngôi mộ thứ nhất bị mưa gió xói cát nên nấm mộ sập xuống. Người dân địa phương không biết đó là mộ nên đã vất rác quanh khu vực đó và thường xuyên đi lại trên ngôi mộ.
Tôi cũng không rõ khi chị Hoa Nguyen đến đây thì hai ngôi mộ tập thể còn sơ sài hay không. Chỉ biết rằng đầu năm 2018, qua liên lạc với bạn thì tôi mới được biết do những cơ duyên kỳ lạ, năm 2015, chị Thu Nguyen phát tâm đứng ra vận động các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng ngôi mộ đầu tiên trong đó có 26 hài cốt. Tiếp đó, chị Thu Nguyen lại tiếp tục xây dựng ngôi mộ thứ hai có 10 bộ hài cốt. Những ngôi mộ đã được xây dựng tươm tất với chỗ đặt bát hương, hoa quả.
Số tiền xây dựng mộ là từ những người dân sống ở Côn Đảo, hoặc là những người từng sống ở đây và nay đang sống khắp nơi trong và ngoài nước đóng góp. Chi Thu Nguyen cũng cho biết thêm trong số tiền đóng góp xây mộ, phần lớn là của một anh, con trai bác Trương Văn Sến. Anh cho biết sở dĩ anh làm việc này là vì người cha của anh, bác Sến đã báo mộng cho anh. Ngoài anh con trai bác Sến, còn có một chị ở Hà Nội cũng phát tâm số tiền lớn để cúng dường xây mộ.
Cũng từ đó, những năm qua, chị Thu Nguyễn là người chăm sóc mộ phần. Vậy là sau bao năm mồ hoang mả lạnh, chẳng ai biết mà thắp cho nén nhang dù là dịp Tết nhất, đến nay, vong linh các bác, các chú cũng đỡ tủi hờn, lạnh lẽo bởi tấm lòng của chị Thu Nguyễn, của những người thương cảm cho người đã khuất mà đến đây thắp nhang.
Dần dà, những thông tin về hai ngôi mộ tập thể của tù cải tạo Côn Đảo đến tai những người quen biết hoặc họ hàng của vợ con những người đã mất. Kể cả chị Hoa Nguyen thì tôi đã gặp bốn người trong số ấy.
Chị kể về người ba của chị là bác Võ Văn Rông cao to như Tây. Khi thấy hài cốt, những người biết bác Rông đều nhận ra đây chính là hài cốt của bác.
Em Thanh Pham lại kể rằng hơn bốn mươi năm nay, mẹ em không chịu lập bàn thờ cũng như làm giỗ cho ba em. Bà tin rằng ba em vẫn còn sống. Nhiều khi bà nói: Có lẽ ba tụi con đã ra nước ngoài và lấy vợ khác, bỏ lại mẹ con mình rồi. Thanh nói rằng đối với mẹ, việc ba còn sống dù có ở với người phụ nữ khác vẫn là niềm hy vọng bấu víu của mẹ còn hơn là ba đã mất. Khi biết tin về số phận của ba mình, mới đây, Thanh và các chị đã đưa mẹ ra Côn Đảo thắp hương cho ba.
Em là con của chú Nguyễn Văn Thái. Em nói em không còn nhớ gì về ba vì hồi ba đi em mới là cậu bé vài tháng tuổi. Tôi nói em vậy bây giờ đã biết mộ ba rồi, em cố gắng sắp xếp dẫn mẹ ra thăm ba một chuyến. Ba em hẳn sẽ vui mừng lắm. Em nói: Mẹ em đã mất hai mươi năm rồi chị ơi.
Tôi hỏi chị Thu Nguyen thì cho đến nay, chỉ có khoảng hơn 10 gia đình đã biết thông tin về ngôi mộ tập thể này. Như vậy vẫn còn lại rất nhiều những bác, những chú chưa được người thân đến thắp hương. Họ vẫn mãi đi tìm các bác các chú, còn các chú bác thì cứ ngóng chờ ngày vợ con đến thăm.
Tôi viết bài này với mong mỏi nếu anh chị nào biết được thân nhân của những người tù cải tạo Côn Đảo thì tìm cách liên lạc để họ biết được mộ phần của chồng, cha mình ở đâu. Đạo lý người Việt, tâm linh người Việt rất quan trọng nén hương của người sống cho người đã khuất. Tôi tin rằng một khi chưa được chính người thân thắp hương, những linh hồn chết tức tưởi khó mà siêu thoát. Họ cũng như những người bị tử nạn trong vụ máy bay rơi ở Sơn Trà năm 1979, sẽ cứ lẩn quất đi tìm người thân trong sự đau khổ khôn nguôi.
Cuối cùng, bài viết này như một nén hương mà con xin gửi đến các chú, các bác và cầu mong con, cháu của tất cả các chú, các bác sẽ biết được thông tin về người thân của mình.
Tôi cũng ước ao sao có một nghi thức tôn giáo dành cho người đã khuất được tiến hành tại hai ngôi mộ để những linh hồn ra đi trong chuyến tàu đêm năm ấy không còn vướng bận trần gian mà nhẹ lòng ra đi.
Sau đây là danh sách những người mất mà tôi thu thập được. Hy vọng anh chị, cô, chú, bác nào biết được ai là thân nhân của họ thì chuyển thông tin này đến những người đó. Thật ra số người mất là 79 công chức, cảnh sát, quân nhân trên Côn Đảo nên danh sách này còn thiếu sót nhiều người. Anh chị nào biết thêm thì xin bổ sung giúp. Xin chân thành cảm ơn!
Danh sách những người mất:
1/ Ô. Nguyễn Văn Tân (1925) (Ba chị Hoa Nguyen)
2/ Đại úy Phạm Huỳnh Trung ((Ba em Thanh Pham)
3/ Ô. Nguyễn Văn Thái (Ba em Loc Nguyen)
4/ Ô. Võ Văn Rông (Ba chị Hang Vo)
5/ Ô. Ba Đang
6/ Ô. Năm Muôn
7/ Ô. Sáu Lợi
8/ Ô. Ba Tâm
9/ Ô. Lục Văn Keo
10/ Đại úy Nguyễn Đăng Ảnh (em họ anh )
11/ Đại uý Võ Kim Vàng (con rễ của ông Lê Văn Tốt)
12/ Ô. Trương Văn Sến (1930) (Ba anh Thu)
13/ Ô. Nguyễn Hoàng Anh (?) (Anh ông Sang Nguyen)
14/ Ô. Hai Danh Sinh.
15/ Ông Tôn Thất Sỹ: Phụ tá HC (cha bạn )
16/ Ông Lê Văn Vui: Trưởng ty Ngân khố
17/ Ông Nguyễn Thái Bình: Đại úy Trưởng ban 5 Đặc khu
18/ Ông Nguyễn Bang Hanh: Chủ sự Văn phòng Cơ sở HC
19/ Ông Lê Văn Lâm: Cảnh sát
20/ Ông Lê Văn Sơn (em ruột ông Lâm): TPB Nha Kỹ thuật
21/ Ông Hà Sỹ Khoan (cha của anh )
22/ Ông Lê Văn Tốt: PGĐ TT Cải huấn Côn Sơn (cha của anh
23/ Ông Lâm Văn Chắc (Út Chắt): Giám thị
24/ Ông Tư Xà: Giám thị
25/ Ông Tư Hào: Cựu giám thị trưởng
26/ Ông Mai: Cảnh sát
27/ Ông Thu: Cảnh sát
28/ Ông Trung: Cảnh sát
29/ Ông Lê Văn Ký: Cảnh sát
30/ Ông Tính: Cảnh sát
31/ Ông Phụng: Cảnh sát
32/ Ông Hiển: Phòng Hành chính
33/ Ông Long: Cảnh sát
34/ Ông Nguyễn Đức Quảng (1938): GĐ Trung Tâm Cải huấn Côn Sơn (cha của anh )
...
Tôi viết bài này vào những ngày mưa dầm đầu tháng Tám âm lịch. Tuy đã qua mùa Xá Tội Vong Nhân nhưng đọc những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du, tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm cho những vong hồn lạc lối:
"...Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen …"
Thanked by 1 Member:
|
|
#86
Gửi vào 22/12/2019 - 13:50
Sống còn một chỉ (vàng) nữa là đủ bảy cây vàng, đây là một lối nói của tôi cho vui, chớ nói tuổi nói bó thì buồn quá, thấy tới rồi.
Tôi mới viết chút ít về một khúc ngắn trong thời kỳ đen tối nhất cuôc đời. Tôi không muốn tả khó kể khổ, vì có người sẽ nói rằng : “Cái khổ của anh có đáng gì mà kể lể.” Nhưng mà cũng kỳ lạ thật, nếu các bạn hay bất cứ ai đọc chuyện, xem hình hay xem phim mà người viết chuyện, chụp hình hay làm phim chỉ đưa toàn là chuyện vui, đẹp, hạnh phúc lên thì các bạn phản ứng ra sao? Tôi có quen biết vài người qua FB, nơi đó, từ ngày này qua ngày nọ, họ cho xem toàn là hình ảnh bản thân, gia đình, bạn bè ăn mặc đẹp, đi chơi đây đó,.. thế là người xem cứ khen ngậu xị đẹp quá, vui quá... và cứ thế mà làm, chán thật.
Trở lại chuyện, tôi nói đen tối đây, vì trong đoạn đời mà mình có khả năng làm gì đó, nhưng không được phép làm, học, di chuyển, cưới vợ, mua, bán,… vì mới được tạm tha, tức là còn trong giai đoạn thử thách và tức là chưa có quyền công dân, và cũng có nghĩa là bạn còn một chân trong tù. Tuy nhiên bạn được quyền tự do ăn ngủ, đói no không là vấn đề.
Vậy đầu tiên, nói đến cái ăn. Tết năm 1984, sau Tết vài ngày vừa mới ra khỏi tù, mẹ tôi nói: “Con kiếm tiền mua gạo thêm cho khẩu phần của con, vì con không có tên mua gạo!” Trời ơi, tiếng sét ngang tai. Theo tôi, bạn đọc tới đây , hãy cho tôi ý kiến, bây giờ mình làm gì và làm sao đây? Không bạn bè, đi Mỹ hết rồi, không một nơi quen biết. Tôi ngơ ngác nhìn tới nhìn lui, đi ra ngoài trước nhà rồi lại đi vào.
“Anh Hai,thôi vô nhà đi!!” thằng Út kéo tôi vô nhà. “Chắc anh con nó điên rồi!”, nghe tiếng má tôi nói thế, vì trước nhà có một đống rác khô, không phải rác sinh hoạt hàng ngày nên chán quá tôi ra ngồi bươi rác. Cả nhà nhìn thấy, nghĩ chắc tôi phát điên vì tôi đem vào nhà vài cái tách chén mẻ, nhưng còn dùng được. Các bạn còn nhớ vào thời điểm vô cùng khó khăn đó, tôi nằm trên 1 chiếc chiếu rách và kê đầu trên một cái poncho cũ tả tơi. Ngoài ra tôi không có một cái khăn tắm, bàn chải đánh răng, áo hay quần... trừ bộ đồ tù đang mặc (trước khi rời trại,tôi cho các anh em áo quần và đồ dùng cá nhân, nghĩ rằng khi về nhà thì chắc khá hơn!!)
Hôm sau, còn chút tiền còm, tôi đi xe buýt ra chợ Sài Gòn, đi mà không biết mình đi đâu làm gì. À quên, lúc đó tôi hỏi hai thằng em, một thằng đang là Thanh Niên Xung Phong và thằng kia làm cái gì đó ở sở thể dục thể thao. Tôi hỏi:”Mấy em có áo quần gì cũ cho anh một cái”. Tụi nó cho, một cái quần bộ đội mất hai nút trước và một cái áo màu cháo lòng chật ngắt dù rằng lúc đó tôi ốm lắm. Tôi tìm được một sợi dây đay cột cái quần lại, thế cũng xong. Tôi mang đôi dép lốp bộ đội vô, vì đi tù về tôi mang theo đôi dép này, thì thằng em kêu lại,”Nè , nè, anh lấy đôi dép này mang. Mang dép đó chúng ghét lắm.” Một đôi dép ấp chiến lược, lúc trước tôi không hiểu sao người ta gọi đôi dép cao su đúc là dép ACL!! À với bộ đồ này xem chừng mình cũng có dáng dân chơi thời đó.
“Đi trình diện công an chưa đó?”, má tôi nhắc. Ra mua một quyển tập 100 trang, tôi vô trụ sở công an, ngó dáo dát rồi ngồi xuống băng nghế chờ. Trụ sở công an, lúc đó hơn 8 giờ sáng mà vắng hoe. “Anh cần làm gì?”, có người hỏi.“Dạ, trình diện.”- “À, chờ đó “, chờ thì chờ mà tôi chẳng biết trình diện ai hay chờ ai, ai quản lý mình không biết. Đến khoảng 11 giờ ,có tiếng kêu: “Anh kia, vô đây”, tôi lật đật,móc giấy ra trại trình cán bộ. “Anh Huệ, anh có đọc tờ giấy này được hay không, mà anh đưa tôi?” – “Dạ thưa anh, đó là bản chính mà. “ –“Tôi hỏi anh có đọc được hay không?” công an phường quát . “Ngày mai, anh lên trại xin đổi tờ giấy ra trại khác.”
Các bạn biết không, khi phát giấy ra trại tôi có hỏi cán bộ: “ Thưa cán bộ, tờ nầy chử không đọc được.” “Anh cứ đi trình diện, chừng nào công an phường bảo đổi lại thì anh lên đây. Mẹ kiếp, số mình đen thui, lại đi lên trại tù, chứ không phải vô tù một lần nửa.
Hôm sau, một bài giảng về lối sống văn minh, dành cho viên chức chế độ củ đuợc anh công an phường lên lớp gần nửa giờ thì anh đóng dấu vào tập và hẹn tuần sau.
Ra Sài Gòn tôi đi lang thang, chợt nhớ mình có thằng bạn, nhà là một tiệm buôn ở đường Lê Thánh Tôn, thôi đến gặp nó xem sao. Đến trước tiệm, tôi nhìn vào thấy nó đứng sau quày, mừng quýnh tôi bước vào, chưa kịp lên tiếng chào thì thấy nó xua xua tay, thật điếng người và ngở ngàng, bộ nó quên mình chắc. Tôi bước ra, nhìn xuống mình, chắc mình giống dân bụi quá hay thằng ăn xin. Sau này, đến khi có bạn gái, tôi nói với nàng về chuyện này, “Bây giờ, nàng nói, anh đến hỏi ảnh xem có biết anh không?”, tôi trả lời “Thôi, nó chỉ cần có nói : Ồ tôi xin lỗi, tôi nhìn anh không ra”. Thế là hết chuyện.
Đi một vòng ngoài phố, tôi ra bến Bạch Đằng, nhìn tới nhìn lui, dáo dát như thằng ăn trộm, dường như bản năng của người cô thế lúc nào trong hành động có vẻ hèn hèn, mà thực vậy. Bộ tướng ốm o, còn diện thêm bộ cánh chắp vá, thì còn hiên ngang chổ nào. Chán quá, tôi kiếm một ghế đá nằm xuống. Bến Bạch Đằng lúc đó vắng hoe, chẳng ma nào đi làm hay đi chơi, lúc đó chắc khoảng 2,3 giờ chiều.
Hồi nảy, đi trên đường Nguyễn Huệ, thấy một xe nước rau má, suy tới nghĩ lui, tôi quyết định thôi làm một ly cho đã thèm rồi tính. Mình lội bộ về không sao mà, dân đi lâm sản (trại tù chọn ra một số tù trẻ thả vào rừng, lấy gổ cho trại. Đúng là Nhất phá sơn lâm) trong tù mới hai tuần trước mình đi bộ ào ào kia mà. Nhưng lúc đó cơn đói bắt đầu, bụng bảo dạ, đi về kiếm cái gì đó ăn. Đưa hai chân xuống tìm đôi dép, ủa sao mà trống trơn. Trời thần đất quỷ thần ơi, đôi dép ACL của tôi mất rồi. Tôi đi vòng quanh ghế đá nhìn xem mình có nằm mơ hay không, mà mất thiệt rồi, thằng chó nào nó chôm rồi. Tôi nhìn chung quanh xem có thằng nào nó đang núp ở đâu đó nhìn mình và cười cho sướng.
Hai chân không, tôi lội bộ về cư xá Chí Hoà, đi trên đường duờng như chẳng ai thèm nhìn tôi xem có gì khác lạ. Ai cũng có dép kia mà, nhưng tôi thì không, mà chừng như có dép hay không cũng đồng nghĩa. Cơn khát bắt đầu hành, tôi còn nhớ có vài phông tên nước trên đường Lê Văn Duyệt kia mà. Sao bây giờ không thấy cái nào. Cuối cùng đến 7, 8 giờ chiều, tôi về đến nhà, bà già hỏi cho có hỏi:” Con đi đâu vậy, còn chén cơm kìa, ăn đi!!”. Đến bây giờ tôi cũng không còn nhớ lúc đó mình ăn cơm với cái gì, muối tiêu hay muối mè.
Tôi dư định trong vài ngày tới viết cho hai thằng em xin viện trợ khẩn cấp. Suy nghĩ tới lui, tìm cách kể khổ cho êm xuôi, đàng nào cũng bí. Ra tù nhưng không có quyền công dân, còn bị quản chế. Ra khỏi thành phố đương nhiên là phải xin phép công an, trong mình chỉ có một photo copy giấy ra trại, bản chánh cất cho kỹ. Hai tay và hai chân còn đủ, mà không ai dám mướn làm gì. Lúc đó nghề đạp xích lô là sang nhất. Môt mình một ngựa rong chơi kiếm ăn, không ai làm khó dễ. Cạnh khu nhà tôi có một ông thiếu tá cùng binh chủng và là bạn tù với tôi. Biết cha tôi, nên tôi gọi ông ấy là chú. Tôi đi lẩn quẩn nghé thăm nói chuyện với ông ấy và các con ông. Thấy trong nhà có chiếc xích lô, tôi bèn dọ hỏi xem của ai. -Thật ra tôi biết chiếc xích lô đó của ổng, về đêm ông ấy đạp kiếm tiền.- Mấy em con ông bèn trả lời tỉnh bơ: ”Của người ta gởi.” Thế là cụt hứng.
Tôi tính tới tính lui, cuối cùng xin 300 đô, nếu thằng em có bớt xén thì chắc cũng còn 200. Mình có thể sắm xe 3 bánh. Thảo bức thư xong rồi, tiền đâu gởi và có chiếc xe đạp của thằng em nào có rảnh không nhỉ?! Đường nào cũng gặp khó khăn. Rồi vài tháng sau, tin mừng đến. Nhưng chỉ - 100 thôi, các em kẹt lắm. Thế là giấc mộng xích lô 3 bánh còn lại 2 bánh. Chưa hết, bây giờ tôi phải mua từng bộ phận ráp lại.
Viết tới đây, ký ức lại đưa tôi quay về thời điểm còn bị đày trên Yên Bái. Có một, hai lần đi tải hàng cho trại. Lúc nào cũng có 2 bộ đội và 1 quản giáo đi kèm. Trước khi đi, cán bộ đọc quy định đi đường, phải giữ khoảng cách, không được nói chuyện với dân khi không được phép, không được nhặt bất cứ thứ gì trên đường, không được mua bán đổi chác linh tinh… (Nhưng mọi việc xảy ra sau đó và mọi lần khác đều ngược lại, thật là hài hước. Nếu kể ra thì phải viết thêm vài chục trang nữa!).
Khi đi đường chúng tôi hay đi kè với nhau, tôi và Chí (Chí chắc khoảng cùng tuổi với tôi, nhưng mắt mủi tèm nhèm, sún răng, râu ria lún phún, mà còn móm móm nữa chứ trông mặt Chí như lúc nào cũng ở lò than chui ra …À quên, tôi không thấy tôi, nên không kể ra đây các bạn nhé) đang nói chuyện lung tung thì có tiếng quát:”Hai anh kia, đứng lại.”.”Dạ, báo cáo cán bộ.”. Chúng tôi đúng nghiêm, thằng vệ binh chỉa súng vào hai chúng tôi. Nó quát “ Cự ny (ly) các anh đâu ?”. Chúng tôi im lặng. Nó xoay qua hỏi Chí, thay vì đi sau tôi Chí lại đi gần : “ Cự ny anh đâu?”. “Dạ, cự ly tôi để ở nhà.” Chí trả lời . Thằng vệ binh lại quát;” Láo lếu nhé, lần sau bắn cho bỏ mẹ. Giữ cự ny đi.” Nó giục chúng tôi đi.
Khi về tới tới trại, Chí hỏi: “Cự ly là gì hả, Huệ?”. Trong bài học về Binh Chủng Pháo Binh, ở Thủ Đức, đại úy Danh Ba (gốc Miên), có dùng chữ cự ly nói về khoảng cách khi điều chỉnh pháo binh. Chứ ngoài đời thường chúng tôi không dùng chữ này. Mà VC quái ác lắm. Họ rất ghét dùng từ Hán Việt, nhưng khi cần muốn dùng thì dùng ( mong có dịp nói về chuyện này).
Trở lại chuyện đi thồ, đôi khi gặp vệ binh hay cán bộ vui vẻ (vì lo tán gái) thì chúng tôi được giải lao lâu một chút. Có lần chúng tôi để ý một thằng bé chạy đến bên chúng tôi nói nhỏ: ”Ông con mời các ông vào xơi nước.”. Chúng tôi nhìn truớc nhìn sau rồi lẻn ra phía sau nhà. Một ông, trạc tuổi cha tôi chỉ vào chén trà và nói:” Xin, các ông tự nhiên. Je fus un corporal de l’Armée Francaise .” Nghe câu sau chúng tôi trố mắt nhìn nhau, tôi bèn hỏi:” Qu’est qu’il est arrivé avec vous après 1954, Mr….”.
Rồi ông ta cho biết đoạn đường khổ ải ông và gia đình phải vươt qua. Một anh bạn hỏi: ”Thế chúng tôi thì sao?”.Ông ta trả lời: “thì các ông ở đồi bên kia. Có vợ con thì dắt lên đây. Nếu chưa thì mấy con Tày, con Mèo ấy!”
Đám tù chết lặng. Nghĩ lại nếu, Trung Cộng mà không đánh năm 1979. Thì giờ này, Katy Huệ tôi sẽ có mấy đứa con tên Đèo A Phúng hay Nòng A Pẹn (người thiểu số theo chế độ mẫu hệ, con lấy họ mẹ)…Cha con sẽ phải quấn cái khố đi vòng vòng trong rừng Tây Bắc. Hết có còn: Hello Saigon. Salut les copains.!!
Một lần khác, ông cho chúng tôi một gói cơm với thịt heo kho, chu choa sao mà nó ngon trên đời. Đoạn ông cho biết, gia đình ông mới bán heo cho hợp tác xã, vượt chỉ tiêu, nên được thưởng phiếu mua trang thiết bị xe đạp. “Các ông vào đây xem này. Cái sát- xi ( chassis: khung xe đạp) này treo đó gần 5,6 năm nay dzồi, mà khi có phiếu mua gi- đông( guidon) thì nó bán pế- đan (pedales), lúc có phiếu mua pế-đan, thì nó bán gát-đờ-bu (garde boue), khi có phiếu mua sel (selle) thì hết hàng dzồi,...”. Ông ta kể hàng loạt đồ xe đạp toàn bằng tiếng Tây và chưa biết chừng nào xe đạp mới đạp được. Lúc chúng tôi ở ngoài Bắc, xe đạp phải có bảng số xe lưu hành. Nếu không là phạm luật XHCN.
Chọn được sườn xe, nhưng cả tháng dài chạy tới chạy lui, con ngựa độp của tôi mới hình thành. Từ nay ta bắt đầu hành nghề, bán thuốc lá giả...lậu. Gặp lại Long Lầu, mừng quá, hai thằng mới tính kế làm ăn. Mổi ngày nó đưa cho tôi mấy gói thuốc lá Samit giả... đi bỏ mối. Đi bỏ mối vài ngày cho các bạn hàng và vài người quen, trong đó có cô KC ( bây giờ là đại gia), đến tuần sau, tôi nói với Long Lầu:”t*o chịu thua, Long ơi. Ai cũng nói ế quá bán không đươc.” Thế là làm nghề khác, gặp Vũ Cao Hiến - dân Võ Bị , Biệt Động Quân- Hiến sáng tác vài nhạc phẩm trong tù, bỏ mình khi vượt biên. Hắn rủ tôi đi bán miếng thiếc dùng để làm nút chai bia..lên cơn. Cầm vài miếng thiếc, đạp đi chào hàng mà chẳng ai thèm mua. Lại gặp Phong Râu- ca sĩ ở Đà Lạt- rủ đi tải vải lậu từ chợ Bến Thành vô… chợ An Đông. Nhưng mộng không thành.
Tuy nhiên, đến chiều tối, tôi cũng mở lớp dạy Anh Văn tại nhà cho mấy đứa em và láng giềng. Có người giới thiệu tôi dạy cho một cặp vợ chồng đang chờ ngày đi Mỹ. Vợ chồng này rất thảnh thơi, bán vàng, chuyển tiền và đổi đô la. Sáng họ học nhảy đầm và chiều thứ 3 và thứ 7 thì học AV. Tôi mừng quá,thế là mình kiếm thêm tí tiền còm. Vào một buổi chiều, khoảng hơn 5 giờ, có 2 công an đến xin gặp chủ nhà, trong lúc họ đang học với tôi. Nói chuyện một chút, thì công an hỏi tôi làm gì trong nhà này. Tôi trả lời:”Dạ, dạy Anh Văn.”.”Thế thì mời anh theo chúng về trụ sở.” Tôi điếng người khi nghe lời mời. Tôi đứng lên theo công an, mà thấy dường như trời đất đang sụp đổ, sấm sét ầm ầm chung quanh.
Đến đồn CA, tôi và 2 vợ chồng học viên được giữ trong 1 phòng riêng có mấy chiếc ghế và 1 bàn. CA gọi 2 vợ chồng ra làm việc và tôi được biết họ bị dân thưa vì ăn chơi đồi trụy (nhảy đầm). Đến thời điểm 1984-1985, tôi biết trong khu cư xá Chí Hòa, có vài đứa trẻ nhảy đầm bị bắt đưa đi cải tạo và chết tại trại Tống Lê Chân. Nhưng họ cho cán bộ ở trụ sở thành đoàn Thanh Niên CS/H.C.M học nhảy đầm, và gọi là: múa đôi; múa giao lưu; múa quốc tế… Có lần khoa Pháp Văn(Đại Học Tổng Hợp, Văn Khoa trước 75) với thầy Nghiêm Hồng, mở partie trong lớp có nhảy chơi cho vui, thế mà CA còn hốt luôn kia mà.
Họ điều tra hỏi tới hỏi lui và 2 vợ chồng ngồi lại viết bản kiểm điểm. Tới phiên tôi, tên CA nhìn vào tờ giấy Ra Trại của tôi mà lắc đầu.
Anh ta hỏi: “Anh dạy AV à? Ai cho phép?”. Tôi im lặng. “Anh có muốn đi cải tạo lại hay không? Anh có biết là anh đã theo đế quốc Mỹ giết hại nhân dân, mà bây giờ lại tuyên truyền xúi dục người khác chống phá cách mạng phải không?”. Tôi chống chế: “Thưa cán bộ, vợ chồng anh... mời tôi đến dạy AV, chớ tôi đâu có tuyên truyển gì đâu!” . Tên CA đâp bàn: “Anh còn quanh co à, được bây giờ viết cho tôi tờ tự khai. Chờ chúng tôi giải giao”. Nghe đến đây là tôi gục mặt tự nghĩ :”Thôi thế là xong, mới ra khỏi tù vài tháng lại vào tù lại. Chắc mẹ tôi chết giấc khi biết tôi bi bắt. Trời ơi, sao cuộc đời mình lai khốn đốn thế này.” Tôi ngồi viết tự khai mà đầu óc không còn nghĩ ngợi gì, bụng cũng chẳng thấy đói. Bây giờ có lẻ là 9, 10 giờ đêm rồi. Lúc đó Sai Gòn giờ giới nghiêm là 10 hay 11 giờ gì đó. Hai vợ chồng học viên chắc đã ra về lâu rồi, tai hại thật.
“ Anh Huệ ra đây” có tiếng gọi, tôi thẩn thờ đứng dậy, bước ra theo CA vừa mở cửa phòng. “Anh viết tờ tự khai chưa? Đưa cho tôi coi.”. “Ngồi xuống đó chờ tôi”. Tôi biết , tụi nó đang làm thủ tục đưa tôi đi. Một lúc sau, tên CA trở ra nhìn tôi hỏi “ Hành trang anh có gì ?” . “Dạ, tôi có cái cặp với 2 quyển sách AV” . Tên CA ra sau cái bục rút ra cái cặp và hỏi “ Cái này phải không?” . “Dạ thưa cán bộ còn cái xe đạp của tôi nửa. Tôi để ở nhà anh ..”. Hắn ngồi vào bàn giấy , rút ra cuốn tập ghi ghi cáí gì đó rồi nói: “Dựa vào chủ trương và đường lối….anh có hứa là sẽ không còn tái phạm hay không?” Hứa à, được lắm hứa liền. Họ tha tôi các bạn ạ. Nhận lại giấy tờ tùy thân, tôi bước ra sân trụ sở CA, kìa chiếc xe đạp thân yêu. Mà trên guidon có ai đó cột theo một ổ bánh mì thịt mềm xèo nguội ngắt. Sài Gòn cúp điện, đèn đêm le lói, trời mưa lất phất. Vừa đạp xe, vừa nhai khúc bánh mì nhão mà mình thấy... mình còn phải tiếp tục sống.
Katy Huệ.
TB: Đến giờ tôi không còn nhớ CA bảo tôi viêt Tờ Tự Khai hay Tờ Kiểm Điểm nữa.
Lúc đc tha ra khỏi trụ sở CA và sau khi đến lấy xe đạp, thì thấy trên guidon xe có cột một ổ bánh mì. Hơn 20 năm sau này gặp lại vợ chồng học viên ở Mỹ, mới biết thì ra họ đem cho ổ bánh mì, nhưng CA ko cho gặp họ đành cột ổ bánh mì trên guidon. Một chút an ủi, xen lẫn với nỗi buồn cay đắng. Mà phải tạ ơn Thượng Đế cho 1 trí nhớ để ghi lại ký ức ko bao giờ phai mờ.
Chú thích: Tác giả đi cải tạo khi chưa có vợ. Sau này ông kể chuyện tán tỉnh cô gái học ngoại ngữ lớp bên cạnh (người vợ bây giờ) ra sao, đọc mà cười no. Hồi xưa các anh em của ông đều tham gia các ban nhạc trẻ nổi đình nổi đám ở Sài Gòn mà bây giờ lớp người khoảng trên dưới 70 tuổi đều biết tiếng. Hiện gia đình ông sống ở Mỹ.
Thanked by 2 Members:
|
|
#87
Gửi vào 22/12/2019 - 20:55
Trong quân trường, nhất là trong đời lính rồi trong tù, thường thằng lính hay thằng tù – đây là từ ngử người VN mình hay dùng khi gọi lính hay tù , mà tôi lại dính cả hai - cái nào cũng có “bí danh”, mà không phải đặt tên khơi khơi vậy đâu. Ai có bí danh, thì cũng có cái gì hay thành tích gì đó đặc biệt chứ. Tôi xin kể ra đây cho các bạn mình cười chơi một chút nào là: Chấn Cò, Luận Quan Công, Giao Tái, Cao Tặc, Tôn Lò, Hài Dón, Hải Dưới, Long Lầu, Minh Bầu, Đạt Héo, Sơn Cú Lủ, Hiệp Cá, Thuận Chó… Như Long Lầu, trong tù Long có nhiệm vụ nấu nước sôi cho anh em, ngoài ra có cái cóc khô nào nửa đâu mà nấu. Sáng nào đôi đi lao động, Long Lầu có nhiệm vụ gánh nước và đem theo 1 con cúi (con cúi là một miếng giẻ áo quần cũ được cột chặc lại rồi đốt lên cho nó giữ lửa), chứ làm gì đám tù ở Miền Bắc mà có quẹt lửa hay que diêm. Và cứ thế, sáng nào trong lúc chờ điểm danh ra trại là Long Lầu chơi con cúi lên. Và bay bổng theo làng khói là một mùi hành thối thoang thoảng bốc lên gợi nhớ. Nó không làm mình khó chịu, vì quen rồi. Người ta nhiếc nhau:” Ở dơ như tù mà!”. Không những anh em tù tránh xa mà chùm nhum lại chổ Long Lầu, hút thuốc lào. Mùi con cúi, mùi thuốc lào,mùi tù ..bảo đảm là không ai có thể tìm lại mùi hương đó trong đời lần hai!!. À mùi đó là mùi con cúi Long Lầu.
“Katy, nộp dang đi.!” , tôi đang “đi bay” (tiếng lóng trong tù, khi nói đến tay nào đi chôm chỉa, cải thiện linh tinh cái gì đó, thì đó là tiếng gọi báo đông của anh Minh Bầu) biết bể rồi tôi liền bò ra khỏi bải sắn (khoai mì). Chiều về., anh Minh Bầu nói:”Sao ông không đào mà lại nhổ cây lên vậy, thằng vệ binh nó đòi bắn vào chổ cây sắn nhấp nhô đó. Tôi phải gọi ông đi nộp dang (loại tre rừng) để báo động ông đó.” Lúc đó đói quá tôi bò vào bải sắn, củ sắn chỉ bằng ngón tay cái thôi, cho nên khi đào bới quá lâu tôi đành phải nhổ cây lên. Khi mình nhổ cây, giữa một cánh đồng sắn chợt có một cây nhô lên thụp xuống thì là ma rồi chứ còn gì nửa.
Tại trại Nam Hà, khu B, vào thời gian 1978-1979 mổi Chúa Nhật là có party văn nghệ. Tôi có đọc hồi ký “cải tạo” của các cựu tù binh CS. Sao mà nó buồn thê thảm quá, có lẽ các ông có tuổi, có thâm niên phục vụ trong quân đội, nhất là có gia đình; còn tôi, không vợ con, không có gì vướng bận. Lúc khai lý lịch, họ hỏi mình thành phần, giai cấp xã hội gì. Cả bọn ngơ ngác, mình là thành phần nào; tư sản, tiểu tư sản, trí thức tiểu tư sản, trí thức..mình không thuộc “loài “ nào hết kìa?? Hỏi cán bộ quản giáo, tụi nó cũng điếc, trả lời xuôi: “ Mấy anh tự đánh giá, thì biết mình là thành phần nào?!?!”.Tụi tôi nói đùa với nhau:” Tụi mình là giai cấp Dân Chơi Thành Phố.”CS rất ngán thành phần : con bà phước. Có nghĩa là, họ nắm chóp không được. Họ ra lệnh viết thư về nhà khuyên chấp hành pháp lệnh nhà nước, trả lời “Tôi không nhà.”. Họ bảo khuyên gia đình chấp hành nghĩa vụ lao đông, nghĩa vụ quân sự, trả lời “Tôi không gia đình.” Thế là tui không “care”, đám nào có hát hò là có tui. Cô ca sĩ Cathy Huệ nổi tiếng trước 75, thì ở tù Nam Hà B, Katy Huệ cũng nổi tiếng không vừa. Nào là “Unchained Melody”, “Twist n’ Shout”,”Help me make it thru the night”..nhiều nhiều lắm. Mổi tuần, các mạnh thường quân có thăm nuôi đặt hàng trước, thì các bạn tù có máu văn nghệ kéo đến hát hò, tân nhạc, cổ nhạc, nhạc ngoại quốc… loại nào cũng chơi hết. Ở tù riết rồi cai tù nó cũng làm lơ.Trong hộp (tù), Chúa Nhật là ngày họ mở cử cho đám tù chúng tôi đi lung tung từ xam này qua láng kia, giao lưu thoải mái. Sáng CN nào, anh Minh Bầu cũng hỏi :” Hôm nay Katy có đi AC hay không?” - “Có .” thì trưa đó anh Minh nhá phần bobo của tôi. Đến giờ này, tôi cũng không biết tiếng lóng AC,từ đâu ra. Không biết có phải là ăn chực, ăn chơi... hay ăn cái gì khác, mà trong tù, ai nói rằng:” Tôi đi AC à nhe.” có nghĩa là cơm no bò cởi!!
Rồi một ngày nọ, đang khiêng đá vá đường, thì thấy từ hướng khu A xuất hiện và tiến về khu B một đám tù. Tụi này đứng nhìn, một đám tù trẻ, khoảng chừng 18,19 hay hai mươi mấy, không có ai lớn tuổi. Có đứa mặc áo ngụy trang, tóc tai bờm xờm, có đứa đeo 1 miếng vải đen che 1 bên mắt y như hải tặc, đi đứng nghênh ngang. Một quản giáo và 4 vệ binh đi theo. Đến chiều về thì biết đó là đội 27, khét tiếng ở khu A, chuyên bẻ anten. Họ là thành phần mà mình gọi là ph... q..., chúng nó bị bắt khi đang đứng xem 1 khẩu hiệu gì đó, có đứa đang đi học, vô lớp thì bị CA bắt, vì trong lớp có truyền đơn. Có đứa nghe bạn rủ đi vượt biên rồi bị bắt… có 2 anh người Hoa, nói tiếng VN không rành bị tình nghi là gián điệp Trung Cộng, có thiếu tá Lộc/ BĐQ (tôi không rõ lý lịch ông này), có trung sĩ chột mắt tên Bùi Bằng Đoàn (Đoàn theo ai đó vào chiến khu thì bị chó của CA rượt bắt). Có trung úy Nguyển Văn Hồng, pháo binh diện địa TK/Phước Tuy, người viết mấy “Tù Khúc” và nghe nói bỏ mình ngoài Bắc .
1/ Này em, ta không quên đâu những ngày tù tội,
Này em, ta không quên đâu những ngày tăm tối,
Này em, ta không quên đâu những ngày nhục nhằn
Này em ta không quên đâu mối thù muôn đời.
2/ Này em, quê hương ta vẩn còn mù mịt
Này em, chị anh em vẩn còn tăm tối
Này em , chi anh em vẩn còn nhục nhằn
Này em, quê hương ta vẩn còn nô lệ.
-Cho tôi xin một lần gục ngã
Cho em tôi muôn đời ngẩn mặt
Cho tôi xin một lần được chết
Cho em tôi một trời yêu thương
Cho tôi xin một lần thù hận
Cho em tôi muôn đời rực rở
Cho tôi xin một thời chiến chinh
Cho em tôi muôn đời thái hoà
Dù rằng không là gì cả, cũng xin làm đôi giày dũng sĩ , trở về đạp nát tan kẻ thù.
Và dù không là gì cả, cũng xin làm đôi giày dũng sĩ. trở về dẫm nát tan xích xiềng.
Nguyễn V. Hồng viết khoảng 10 bài trong tù, mà anh gọi là “Tù ca”, tất cả đều được truyền khẩu với nhau. Tôi còn giữ trong đầu một bài nửa, mong có lúc thuận tiện, mình làm tiếp. Lời bài hát “Tù ca “ trên, tôi thuật lại không chính xác cho lắm, vì thời gian làm thui chột đi trí nhớ. Ng V. Hồng nghe nói, gục ngã vào khoảng năm 1980, chắc lúc đó anh vào tuổi 30, tại trại Mễ, Ba Sao, Nam Hà vì bệnh hoạn và kiệt lực.
Nói đến kiệt sức, tôi còn nhớ lúc ở Nam Hà B, chỉ ăn toàn bobo còn vỏ. Mà vỏ nó thì cứng, đến nổi, bạn nhai kỹ một chút thì niếu răng của bạn rách tưa ra và làm mũ. Còn nếu bạn nhai sơ sơ, khi đi vệ sinh thì phân của bạn trông y như những gì bạn ăn. Rồi chó ăn phân bạn, một lần nửa phân chó lại không tiêu hóa đi được nó lại giống thứ nó và bạn đã nuốt. Suốt thời gian cuối năm 79 này, tôi hoàn toàn kiệt sức. Sau khi nằm một lúc, bạn không còn điều khiển được 2 chân, bạn không còn đứng lên được. Nếu đứng lên được, bạn muốn đi qua phải, chân bạn nó sẽ bước qua trái. Nghe tên gọi được thăm nuôi, tôi mừng không tả, mà ai vậy kìa, tôi đâu có ai trừ mẹ và các em đang te tua tại SG. Có lẽ, mẹ tôi nhờ ai thăm dùm. Ra đến nơi, mới biết đó là Bà Nội tôi đi thăm con cháu lần cuối trước khi chết, bà nói. Sau khi thăm 2 chú và cha tôi, bà còn lại 2 gói cho tôi, 1 gói đường tán và 1 gói bột đậu xanh. Khi về xam, tôi nấu chút nước sôi, khuấy chút bột đậu xanh với đường. Và sau khi nhấp vài ngụm, tôi thấy từng phần trong thân thể nở ra và nghe tiếng nổ lung tưng như bắp rang. Thật kỳ diệu lạ lùng, tôi sống lại.
Katy Huệ đi hát lại... trong tù, và hát mạnh nhất khi về Z 30A năm 1980.
Sửa bởi tuphuongsg: 22/12/2019 - 21:05
Thanked by 1 Member:
|
|
#88
Gửi vào 22/12/2019 - 21:18
Gia đình tôi dọn về xóm Bàn Cờ năm 1953, lúc đó từ nhà tôi có thể nhìn thấy được Vườn Lài vì chợ Bàn Cờ còn gọi là chợ Chồm Hổm, chỉ họp chợ vào buổi sáng mà thôi. Tôi đang học trường Tiểu Học Bàn Cờ, lớp 2 hay lớp 3 gì gì đó, thì đến một lúc Mẹ tôi dắt tôi đi học trường Aurore - quý bạn có đọc xin đừng bắt bẻ tôi về thứ tự thời gian nhé, thú thật tôi không nhớ - trời ơi tôi có biết tiếng Tây tiếng u gì đâu, mà sao tự nhiên từ chương trình Việt thì a lê hấp qua chương trình Pháp. Lúc đó, xin lỗi, tôi ngáo đặc. Đến Noel, tôi còn nhớ cô giáo dặn lấy đôi vớ treo ở đầu giường thì sáng ra sẽ có kẹo và đồ chơi. Chu choa quá đã, tôi về nhà làm y như cô giáo dạy. Mẹ tôi hỏi, tôi còn giải thích cho mẹ biết - Mẹ tôi là dân An Phú, Trảng Bàng lúc nhỏ chỉ chơi đá banh và chuyên môn giữ gôn - là tối nay sẽ có ông già Noel ghé nhà mình cho kẹo bánh và đồ chơi. Đến sáng, lồm cồm bò dậy nhìn thấy đố vớ xẹp lép. Thì tôi chợt nhớ ra là mình chưa ngoan và học giỏi, thế là xong một Noel. (Ngưng viết, Noel 2017)
Bây giờ là sắp Noel 2018, cứ khoảng giữa tháng 11 là đài Sunny 99.1 ở Houston phát liên tục nhạc Christmas làm cho lòng mình rộn ràng, nào là “Santa Claus’ coming to town”, ”Jingle Bell”, “Help yourself a little Merry Christmas”, ” All I want for Christmas it’s you“. Muốn viết vài hàng ghi lại bao nhiêu kỷ niệm, mà sao cứ ngồi thừ người hình ảnh của cái này chồng lên kỷ niệm kia, sự kiện này trộn với nổi nhớ nọ, tôi không cầm trí được. Tôi thả hồn mình bay bổng theo những ngày thương mến đó.
Cần Thơ, Noel 1972, tại văn phòng đai đội E4 Quân Cảnh, ông đại úy đại đội trưởng (ĐĐT) gọi anh thượng sĩ (ThSĩ) chiến tranh chính trị.”Anh Hoàng à, Noel tới rồi đơn vị nào người ta cũng có banderole. Sao mình không có cái gì hết vậy?!”. “Dạ viết banderole cái gì Đại Úy?”, anh thượng sĩ hỏi.”Thì anh ra xem người ta viết cái gì thì mình viết theo họ.” ĐĐT trả lời.
Sáng hôm sau, ông ĐĐT gọi “Anh Huệ à, anh ra xem coi banderole mình có đúng hay không?”. “Dạ” tôi trả lời. …Mèn đét quỷ thần dịch vật ui! “Hoàng ơi! Anh Hoàng” tôi gọi anh ThSĩ. “Dạ, có gì đó thiếu úy?”, tôi liền hỏi “Anh xem ở đâu mà viết kỳ cục vậy?”, “Có gì thế, anh Huệ?” anh thSĩ chưa kịp trả lời thì ông ĐĐT hỏi. “Trời ơi, nó viết sai rồi đại úy ạ” tôi trả lời. “ Nó viết là "Mừng Sinh Nhựt Chúa, trật rồi!”.”Chớ viết sao bây giờ?” ĐĐT hỏi. “Phải viết là ‘Mừng Chúa Giáng Sinh’”, tôi nói. “Ủa sao mà rắt rối quá kìa, người sinh ra đời thì là sinh nhựt, Phật ra đời thì gọi là Phật Đản, Chúa ra đời sao không là Chúa Đản luôn cho rồi !!” anh ThSĩ lên tiếng.
Sau đó, tôi mới biết trong đại đội không có ai Công Giáo hết, ông ĐĐT thì gốc Phật Giáo Hoà Hảo, mấy sĩ quan còn lại không ai biết Noel ra sao, kể cả tôi cũng chẳng có đạo luôn!! Lúc trước, vì doanh trại đóng chung với một đơn vị khác nên họ viết banderole dùm.
Sau ngày tan thương 30/4 đó, những Noel trong tù thì là những ký ức đau buồn nhất trong đời, ...khi tôi nói đến đây chắc sẽ có bạn hỏi có thế thôi à!! Chứ sau ngày đó có ai vui đâu?!
Nhưng giờ này, tôi giải bày quỹ thời gian chúng mình gần cạn rồi, thôi thì các bạn ạ, xin cho mỗi chúng ta san sẻ cho nhau chút gì đó nhé!
Noel 1976, tôi nằm co ro trong conex sắt của trại tù – khu trại An Dưỡng Biên Hòa - (gọi là trại An Dưỡng vì sau khi được VC trao trả, những tù binh VNCH được đưa về đây hồi phục sức khỏe, và sau đó VC dùng khu trại này rào lại làm thành trại giam), sau cuộc vượt ngục bất thành. Trên người tôi lúc đó chỉ còn cái quần xà lỏn, họ lột hết quần áo sau trận đòn bằng bá súng. Trên mặt tôi giờ này vẫn còn vết sẹo một bá súng vào mặt. Chúng đập vào mắt phải, máu từ trán đổ ào xuống hai mắt. Tôi tối tăm mặt mũi, đưa hai tay ra đở đòn và sau đó ôm lấy đầu, hàng chục bá súng khác liên tiếp đập vào người cho đến khi tôi không còn biết gì. Sau khi đánh đập đã tay, tôi được kéo lê trên mặt đường, các bạn tù kể lại, và thẩy vào conex. Hôm sau khi tỉnh lại nằm bất động trong conex. Tôi không còn khả năng nhất được chân tay gì cả, máu me trên người có lẽ hơi khô, nhưng tôi hoàn toàn không cử động được. Vào buổi sáng, chúng mở khóa conex xem tôi còn sống hay không, một thằng lấy chân đá vào người tôi xem xác tôi có cứng chưa. Nó đá thật mạnh khiến tôi điếng người la lên, nó cười nói: “Nó chưa chết, anh ạ.” rồi khóa conex lại. Tôi không thể nào mở mắt ra, chắc mặt mũi đã sưng vù lên, đau đớn rã rời toàn thân. Lúc phút giây tận cùng đó, một ý nghĩ phát xuất: “Đọc kinh đi, đọc kinh đi.”. Tôi thì thầm kinh “Kính Mừng”, mà sau mấy chục năm, nhưng lúc này tôi lại nhớ kinh này, lạ thật!! Mấy ngày sau, tôi nhướng mắt và lấy tay gở nhẹ, thật nhẹ từng miếng máu khô ra khỏi mắt và nhìn thấy có hai cái lon, một đựng nước và một đựng cơm. Tôi cởi quần ra thấm quần vào nước rồi chùi nhẹ vào mắt và từ đó tôi trần truồng nằm trong hộp sắt. Vài đêm sau đó, đêm Chúa Giáng Sinh, chuông nhà thờ đổ vọng vào, tôi lâm râm “Thiên Chúa ơi, Mẹ Maria ơi! Đừng bỏ con.”
Phép lạ xảy ra, tôi còn sống, tôi không còn ý thức nào về những vết thương trên người lành từ lúc nào. Không một giọt thuốc đỏ, không một miếng băng hay bông gòn, mà họ cũng chẳng màng xem tôi ra sao!! Miễn sao không chết là được.
Tiếng chuông nhà thờ vào đêm Chúa Giáng Sinh gợi lại những gương mặt thân mến, những người yêu xưa, những giây phút êm đềm nơi Sài Gòn ngày đó, những tô phở tô mì, dĩa bánh cuốn, con đường Phan Đình Phùng, rạp Rex, passage Eden, công viên Mê Linh nơi có lá bay bay khi vào Thu, tiệm kem Xuân Hương, nhà hàng Văn Cảnh (khi đi thực tập hành sự tại Sài Gòn, tôi không dám đi ngang qua nhà hàng Văn Cảnh, vì sợ mấy thằng bạn trời đánh có thể đang ngồi trong đó), cơm Bà Cả Đọi, tiệm giày Gia… Tất cả qua qua rồi. Kỷ niệm thân yêu xâm nhập vào trí tượng làm tê tái cả người, tôi rơm rớm nước mắt. Đêm Giáng Sinh 1976 lặng lẽ trôi qua..
Trong cái hộp sắt này, có một chú Mickey, nói là Mickey cho nó đỡ buồn chứ thực ra nó là con chuột cống. Nó đi tìm thức ăn. Một hai ngày đầu, tôi bỏ ăn, Mickey lục tung lon cơm của tôi. Mấy ngày sau tôi ăn hết, Mickey chui vào conex không thấy thức ăn, nó tà tà đi vòng vòng trong hộp sắt nhìn tôi tỉnh bơ, nó biết thằng tù trước mặt bất lực không nhút nhít được. Nhưng sau đó, tôi suỵt suỵt đuổi nó, nó chạy ra kẹt cửa quay mặt vào nhìn tôi, thế là huề.
Nói conex là hộp sắt thì đúng hơn hết, đến trưa, đó là giờ tra tấn bắt đầu. Ở trong đó bạn không còn nằm, ngồi, dựa vào chỗ nào được, sắt hấp lực bởi nắng… nói đến đây tôi nghẹn lời... cái hộp sắt nó có thể giết tôi lúc đó. Tôi cố đứng, nhưng hai tay phải chống vào vách sắt người mới ít chạm vào chung quanh. Trần truồng, tôi dùng quần đùi làm vật cách nhiệt, tôi thấm chút nước, lúc mệt quá, ngồi xuống thì - xin phép quý bà, quý cô thứ lỗi cho tôi - bộ đồ nghề phải nhờ một bàn tay nâng lên tránh nóng, còn mông thì chắc chai rồi nên nhờ có cái quần đệm mà chiụ trận. Rồi khi mưa đến nước thấu qua các lổ sét làm ướt hết hộp sắt, nằm chèo queo trên sàn sắt ẩm ướt, thế mà tôi sống trong đó ba tháng; muỗi mòng chẳng thèm thân xác hôi hám này. Lúc đó thú thật sao ruồi muỗi bay đi đâu hết, chẳng ai thèm ghé thăm. Còn đại tiểu tiện à, mấy ngày đầu tôi giải quyết tại chỗ. Ăn ngủ chỗ đó, đái ỉa chỗ đó, hít thở mùi của mình. Khi chúng mở cửa dẩn tôi đi lấy cung hay đưa cơm, bọn họ bịt mũi và quay mặt chỗ khác, có lẽ vì tôi thối quá. Lúc nào đó, chúng thảy cho tôi thêm một cái lon để đựng chất thải. Dường như tôi đi lạc đề rồi, thôi mong bài khác nói về chuyên hậu quả của cuộc vượt ngục… tệ hại này.
Mỗi lần đến chiều 24/12, là họ căn dặn chúng tôi không được cúng kiếng, nhang đèn, cầu cơ, lên đồng lên bóng, mê tín dị đoan... (nguyên văn) tôn trọng nôi quy trại cải tạo học tập tốt hòng sớm về nhà!! Nhưng sau khi điểm danh và đóng cửa phòng giam, ngay lập tức anh em tù binh chúng tôi, có đạo hay không, tất cả ngồi yên, im lặng hiệp thông cầu nguyện hướng về đêm Chúa Giáng Sinh. Tôi cầm đàn hát “Đêm thánh vô cùng…” ...mắt tôi nghẹn ngào vì ngày mai, có lẽ, sẽ không bao giờ đến.
Vọng Giáng Sinh 2018
Katy Huệ.
Sửa bởi tuphuongsg: 22/12/2019 - 21:23
Thanked by 1 Member:
|
|
#89
Gửi vào 28/12/2019 - 21:32
Có lần đi thắp hương mộ bên nội, mình thấy tên ông cố, tức là ông nội của ba. Mình đã nghĩ tên ông đẹp quá. Thời của ông hiếm ai có cái tên đẹp như vậy. Nhất định, cha của ông cố phải giỏi chữ Nho mới có thể đặt cho các con những cái tên đầy chữ nghĩa.
Bữa nay rãnh rỗi ngồi hỏi ba về ông cố. Thì ra ông đã từng thi đỗ và được gọi là ông Nghè. Đến thời ông, chữ Nho không còn được trọng dụng, ông bèn quyết định cho con học chữ Tây. Vậy là ba người con trai của ông gồm ông nội bác, ông nội của mình và ông nội chú rẽ qua một hướng khác.
Ông nội chú làm việc cho một ngân hàng ở Hà Nội. Sau đó thời cuộc đưa đẩy, ông khoác áo nhà binh và trở thành sĩ quan quân đội của Việt Nam Cộng Hoà. Mình ít gặp ông. Hồi nhỏ thỉnh thoảng ba chở đến nhà ông ở đường Độc Lập, nay là đường Trần Phú để chúc Tết ông bà. Cho đến nay, trong trí nhớ của mình, ông đậm người, tướng mạo oai vệ trong bộ quân phục. Gương mặt ông phúc hậu, hiển từ và nụ cười của ông rất đẹp. Bên nội mình có hai người cô và một ông anh con bác đều sở hữu nụ cười có hai cái ngấn bên khoé miệng nhìn rất có duyên như của ông.
Rồi đến tháng Giêng hay tháng Hai gì đó năm 1975, ông nội chú bị đột quỵ bất ngờ và từ trần. Hồi đó sự ra đi đột ngột của ông khiến ai cũng đau buồn nhưng giờ nghĩ lại, có khi đó là cái may. Bởi nếu còn sống, hẳn ông cũng khó chịu nổi đời lao tù trong trại cải tạo khi ông lúc đó đã cao tuổi.
Người con trai giữa của ông cố là ông nội của mình. Ông mất khi má mình chưa về làm dâu bà nội. Cái chết của ông thật tức tưởi.
Ông nội như theo lời của bà con bên ngoại mình và những người ở quê thì ông hiền như Phật đất. Nhà có ruộng vườn nhiều, ông phải thuê người làm nhưng ông đối xử với người ăn kẻ ở trong nhà rất tử tế. Bây giờ nhiều người già vẫn còn nhắc đến ông với sự kính trọng và lòng thương mến. Mình thấy bà nội hiền lắm, vậy mà nghe nói ông còn hiền hơn cả bà. Cả đời không to tiếng với ai kể cả con cái.
Ông có 5 người con trai và 3 người con gái. Các con đều được ông cho đi học. Năm người con trai thì có bác và một chú của mình học đại học sư phạm Huế và Quy Nhơn. Còn ba và một chú thì học xong đi làm ở Sài Gòn tại Nha Kỹ thuật và Nha Viễn thông. Chú út lúc đó còn đang đi học.
Do thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của ông đối với làng xóm nên chính quyền địa phương mời ông ra làm đại diện hội đồng xã, ông không thể từ chối vì năm con trai của ông đều không phải đi quân dịch. Vậy là ông làm. Một thời gian, thấy trẻ con ở làng phải đi bộ xuống Vĩnh Điện học, xa xôi quá, ông nội mình đứng ra vận động, kêu gọi mọi người góp tiền xây trường cho con em. Nói là trường nhưng thời đó cũng chỉ có ba phòng học đơn sơ.
Khi đã có trường, ông lại nghĩ tiếp đến chuyện kêu gọi xây một trạm y tế. Mơ ước dở dang chưa thành thì ông ra đi. Nếu ai đã từng đọc cuốn “Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì sẽ thấy chi tiết vụ du kích Ba Đoát giết ông. Phong trào diệt tề điệp thời đó bị thực hiện một cách mù quáng bởi những du kích ít học, một ngày nọ, khi ông đang ngồi làm việc ở hội đồng xã, một du kích bước vào hỏi: Ai là ông H? Ông nội mình đứng lên trả lời tôi đây và lãnh nguyên hai phát đạn vào đầu.
Những chuyện này là do má và cô kể lại với mình chứ ba và các chú hầu như không bao giờ nhắc tới. Mình hỏi thì ba cũng nói sơ qua thôi. Ba hay nói: chuyện đã qua rồi. Có lẽ đàn ông thường hay ghìm nỗi đau vào trong.
Cũng những ngày đó, người cậu ruột của má mình là liên gia trưởng (kiểu như tổ trưởng tổ dân phố bây giờ) cũng bị giết như ông nội. Oái ăm là ông cậu này có một người con rể là liệt sĩ. (Sau khi mình viết bài này, qua một người cậu, mình mới biết ông còn có một người con trai là liệt sĩ).
Sau đám tang ông nội, ba mình bỏ công việc ở Sài Gòn để về ở gần bà nội vì lúc này bác và hai chú đi làm xa, chú út còn quá nhỏ. Vậy là đường đời của ba bắt đầu rẽ ngoặt sang hướng khác.
Nói về ông nội bác. Trong số ba ông nội thì ông nội bác lại là người mà mình có dịp gặp gỡ, nói chuyện với ông nhiều nhất, đến năm tiếng đồng hồ và sau đó thì mình không còn có cơ hội gặp ông nữa.
Sau khi học hành ra thì ông được mọi người gọi là ông Thông Phán. Ông chuyên đi vẽ thiết kế nhà cửa mà ba mình nói như thời nay gọi là kiến trúc sư. Ông sống ở Huế cùng gia đình. Vì vậy tuy là gốc Quảng Nam nhưng các con, cháu của ông nói rặt giọng Huế.
Mình gặp ông nội bác khi đất nước đang ở thời khốn khó nhất. Do không có may mắn được nhìn thấy ông nội ruột, nên cuộc thăm viếng ông nội bác tại Huế năm đó khiến mình luôn nhớ về ông với những tình cảm trân quý và thương yêu.
Cuộc đời là một chuỗi những sự ngẫu nhiên được ai đó sắp đặt. Mình tin như vậy khi đi tìm nhà ông ở Huế.
Năm 1982, ra Huế thi đại học. Nghe ba nói ông nội bác hiện đang sống ở đó nên mình nghĩ là thi xong, mình sẽ đi tìm ông.
Hỏi ba, ba nói ông ở đường Nhật Lệ trong Thành nội. Sau 75, cuộc sống quá khó khăn, ai cũng lo kiếm sống nên chẳng ai đến thăm được ai. Ba chỉ biết ông nội bác sống ở đường đó chứ không biết số nhà.
Vừa thi xong, rủ nhỏ bạn là người gốc Huế, sinh ra ở Đà Nẵng cùng đi để có… Huế bên cạnh cho yên tâm.
Hai đứa hai chiếc xe đạp, đạp từ 7h30 đến 10h30. Gặp ai mình cũng hỏi: “Anh, (chị, chú, bác, o, dì…) có biết nhà ông Phán T. ở đường Nhật Lệ không?”. Khổ nỗi đến Huế lần đầu tiên nên cứ ngỡ Thành nội chắc nhỏ xíu như trong lòng bàn tay, nhà đầu phố biết nhà cuối phố. Nắng Huế chang chang, hai đứa khát khô cả cổ mà không dám ghé vô đường uống nước.
Đứa bạn bắt đầu nản, đòi về, mình năn nỉ nó đi với mình thêm tí xíu nên trấn an: “t*o chắc chắn là sẽ tìm ra ông của t*o” dù lúc đó cảm thấy nản lòng lắm rồi. Nói xong, thấy có một ông già cao, ốm đạp xe đạp thong dong đi ra hướng cửa Thượng Tứ.
Trong cơn “tuyệt vọng”, mình quýnh quíu đứng bên ni đường kêu giật giọng (nghĩ lại thấy hỗn hào quá): “Ông ơi, cho con hỏi ông có biết nhà ông Phán T. ở đâu không”. Chừng như chưa kịp nghe ra, ông chà chân xuống đường cho xe dừng lại, nhìn mình thắc mắc.
Mình chạy sang đường vừa thở hổn hển vừa nói: “Ông ơi, ông biết nhà ông Phán T. ở đâu không. Con tìm từ sáng đến giờ mà không ra”. Chắc vẻ mặt của mình lúc đó thiểu não lắm vì vừa đói, vừa khát, lại tràn đầy nỗi thất vọng. Ông nhíu mày hỏi: “Ủa con là con cháu nhà ai mà đi tìm nhà ông Phán T?”.
Mô Phật, lúc đó nghe giọng nói Quảng Nam thân thiết giữa đất Huế mà mừng muốn rớt tim vì thấy như đã được trở về nhà, lại vừa hy vọng ông là dân Quảng, chắc ông biết ông nội bác của mình. Mình hối hả trả lời: “Dạ con là cháu nội ông Cửu H., là con gái ông Ch.”. Ông thốt lên: “Trời đất, con thằng Ch. đây hả? Ông là ông Phán T. đây”. (!!!!!!!!)
Theo ông về nhà, mình thấy vẻ mặt ông rất hiền. Đúng là mẫu người ông nội như mình hay tưởng tượng ra những ông nội, ông ngoại khi còn nhỏ. Dáng ông cao gầy, vẻ mặt hiền từ, nói năng chậm rãi, từ tốn. Nhìn ông thấy toát lên phong thái của những trí thức thời xưa.
Nhà của ông nằm trong một khu vườn rộng yên ắng như những ngôi nhà thường thấy ở Huế thời ấy. Nhà vắng vẻ. Thời gian đó, các bác đều đi tù cải tạo chưa về, ông sống với bà và Chiến, một đứa cháu nội của ông. Bà do đau ốm của tuổi già nên ông đi chợ, nấu ăn.
Mình nhớ rõ trưa hôm đó, ông đi chợ về và bảo mình ngồi nói chuyện với bà dù mình định giúp ông làm bếp. Đến trưa, một bữa cơm với canh thơm nấu thịt bò, rau sống, cá chiên (một mâm cơm khá sang của những năm 80) được bày ra.
Vừa ăn, ông vừa hỏi thăm về gia đình của mình, về chuyện ở làng Phong Nhị ra sao. Ông gắp thức ăn cho mình, ngồi nhìn mình ăn rồi kể chuyện về những ngày còn ở quê, những kỷ niệm thời mấy anh em của ông sống dưới mái nhà của ông bà cố. Tuyệt nhiên không nghe ông than thở về cuộc sống hiện tại ví như chuyện bệnh tật của bà, cuộc sống hiện tại khó khăn ra sao, hay những người con trai và con rể của ông khi nào mới được trở về.
Khi mình chào ông bà ra về, ông nói: “Để ông dẫn con ra chớ không con chưa quen lại lạc đường”. Ông đạp xe thong dong bên cạnh mình, dặn dò ân cần như dặn dò một đứa cháu nội lâu ngày không gặp.
Ra khỏi cửa Thượng Tứ, ông dừng lại. Mình đạp xe đi một đoạn, quay đầu lại thấy ông vẫn còn đứng nhìn theo (mỗi lần nhớ đến cảnh này là mình thấy sống mũi cay cay).
Năm đó, mình thi rớt vì điểm số không đọ nổi với các bạn do cái lý lịch đen thui. Không thấy mình ra lại, hẳn ông cũng đoán được vì sao. Đám cháu của ông là các anh chị họ của mình đều rớt đại học dù các anh chị học rất giỏi, thi vào y khoa, bách khoa vói điểm cao.
Không có dịp ra Huế để thăm ông như đã hứa. Sau này ông lại vào sống ở Sài Gòn cùng các bác. Mình không gặp ông nữa cho đến khi ông mất. Từ đó đến giờ con cũng chưa lần nào thắp hương được cho ông, ông nội đáng kính.
Nhưng dù sao, con cũng có được năm tiếng đồng hồ sống với ông nội như mơ ước thuở còn bé.
Lâm Nguyễn - 17/12/2019
Đọc cuốn Học phí trả bằng máu mới biết ông nội bị giết bởi đồ tể Ba Đoát, nghĩ tội cho con cháu ổng vì luật nhân quả không bỏ sót ai hết
Có một đoạn ngắn trong bài viết, làm cậu thấy nghĩ ngợi nhiều quá. Người cậu ruột của má sau khi bị chúng bắn chết, sau đó chúng còn bắt đi biệt tăm người con trai của ông cậu, nghe đâu phải đi tải thương khiêng đạn gì đó và rồi cũng chết. Sau 1975 cậu ấy được Chính quyền công nhận và cấp bằng Liệt sỉ, vì có công tham gia chống Mỹ cứu nước ! Chẳng những con rể là Liệt sỉ, con ruột cũng lại là Liệt sỉ, thấy có oai không ???. Mới đây đọc bài viết về 10 cô gái trẻ chết ở ngã ba Đồng lộc, cậu thấy giống cảnh nhà. Người ta cũng công bằng đấy chứ, vì họ đưa người vào chỗ chết rồi cấp bằng Liệt sỉ, tạc tượng và làm thơ ca tụng đàng hoàng, không có vắt chanh bỏ vỏ những người đã chết đâu nha. Còn chuyện khi họ còn sống như thế nào và cảm nghĩ của họ khi đó ra sao ? Ai muốn biết, hãy cứ đi tìm họ, những người đã chết mà hỏi.
Ghi chú: Ông Phán T chính là ông ngoại của nữ nhạc sĩ D.H
Thanked by 1 Member:
|
|
#90
Gửi vào 28/12/2019 - 21:42
Hôm qua cả nhà đi thắp hương ông bà nội ngoại. Xong việc, khi ngồi nghỉ ở một quán nước bên đường, chú kêu riêng mình ra nói chuyện. Chú là người con thứ năm trong gia đình. Chú cũng là người con trai của ông nội có tín ngưỡng tâm linh sâu đậm nhất. Chú hay đi chùa niệm Phật và thấm nhuần các bài học từ đạo.
Chú thong thả nói: Chú đã đọc bài con viết về ông nội. Chuyện nhà mình hồi đó cũng như bao nhiêu gia đình khác thời chiến tranh. Con đã đọc “Giải khăn sô cho Huế” với “Học phí trả bằng máu” chưa? Ở miền nào thì người dân cũng gánh chịu mất mát, đau thương. Ở miền Bắc, có nhiều bà mẹ thờ chiếc mũ cối trên bàn thờ. Ở miền Nam cũng vậy, những chiếc mũ sắt cũng được các bà mẹ đặt lên bàn thờ. Trước hôm ông nội con mất, ông có lên ngủ với chú một đêm và ông tâm sự với chú nhiều lắm.
(Ở đây mình nói rõ thêm là do ông ngoại của ba và các chú bác không có con trai nên chú sống với bà cố ngoại. Nhà bà cố ở La Qua,cách nhà ông nội mình khoảng hơn hai cây số. Ông nội thì từ khi làm đại diện hội đồng xã, đêm nào ông cũng đi ngủ nơi khác vì thời đó, cách mạng hay tổ chức ám sát những người làm việc cho chính quyền).
Đêm đó, không hiểu sao ông tâm sự với chú rất nhiều. Ông nói: Cuộc chiến tranh này khốc liệt quá. Khốc liệt hơn cả thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Một cuộc chiến nhồi da xáo thịt. Người dân thường khổ lắm. Vì vậy cậu muốn các con đi theo hai cái nghề mà có thể giúp ích cho đời là nghề giáo và nghề thầy thuốc.
Có lẽ vì vậy mà ba người con trai của ông đều làm thầy giáo. Người chú thứ năm mình nói ở trên lẽ ra chọn con đường trở thành bác sĩ nhưng sau khi ông nội mất, chú từ bỏ con đường đã chọn để học sư phạm.
Chú lại trầm ngâm một lát rồi nói: Hai ngày sau thì ông nội con mất. Hôm đó 8 người có mặt ở hội đồng xã đều bị giết, trong đó có một người tình cờ có mặt đúng vào thời điểm đó. Người thanh niên khoảng hơn 20 tuổi, tên Chương. Anh vừa mới ra trường và đi nhận nhiệm sở của Nông Tín Cuộc. Theo như mình hiểu, sở này cũng tương tự như ngân hàng nông nghiệp bây giờ.
Anh Chương được phân về Phú Phong nhưng do rẽ ngược đường, anh lại đi về làng Thanh Phong. Biết bị lạc, anh vào hội đồng xã hỏi đường. Gặp ông nội mình, ông nói rằng con đi lộn đường rồi. Phú Phong là con phải rẽ trái. Anh Chương cảm ơn và chưa kịp đi ra thì các du kích ập đến và oan nghiệt là anh cũng nhận ngay phát súng vào đầu. Một thanh niên mới ngày đầu đi nhận nhiệm sở. Thật là tội nghiệp. Anh đã có hôn thê. Có lẽ họ chờ anh có việc làm xong sẽ làm đám cưới. Nhưng sau đó, không chịu nổi đau đớn về cái tang của chồng sắp cưới, đúng 49 ngày làm tuần của anh Chương, cô gái ấy đã tự vẫn để cùng được chết với chồng.
Ngày đưa tang ông, chú kể, cả làng ứa nước mắt. Nhiều người dân làng vào khiêng quan tài cho ông. Họ cùng mặc áo trắng, đội mũ trắng. Trong số những người thương ông, muốn ghé vai chia sẻ nỗi đau của gia đình ông, có một thanh niên tên Thái nhưng dân làng hay gọi là Thái Từ Hai. Anh Thái tính vui vẻ, xởi lởi thích hát hò. Hôm tang ông, anh Thái làm người hát đưa linh. Vậy rồi vài ngày sau, anh Thái bị bắt đi vì tội tham gia đám tang người bị cách mạng xử bắn.
Chú nói: vậy rồi đến nay là gần 50 năm, gia đình anh Thái không bao giờ còn thấy anh nữa. Không biết bây giờ xương cốt anh nằm ở đâu.
Câu chuyện đến đây thì tạm dừng vì cả nhà phải ra về. Chú ngược lại về quê. Mình hẹn chú khi nào con về quê ở với chú một ngày, chú kể cho con nghe chuyện ngày xưa.
Tụi mình rất thương chú vì chú còn hiền hơn cả ba mình. Nhiều khi có chuyện gì mà chưa muốn cho ba má biết, tụi mình hay chia sẻ với chú. Chú, thầy giáo, hiệu trưởng một trường tiểu học trước 1975. Sau ngày hoà bình, chú đã trở thành một nông dân thứ thiệt. Nhưng mình thấy chú thản nhiên đón nhận bước rẽ ngoặt của số phận. Cũng chưa bao giờ thấy chú oán trách những ai gây ra bất công đối với chú. Chú hay nói: Do thời cuộc ta có thể bị đối xử bất công nhưng không nên lấy oán báo oán, sân hận sẽ chất chồng.
Nghĩ lại chuyện hai người thanh niên tên Chương và Thái, mình thật lòng mong sau gần nửa thế kỷ, oán khí từ hai anh đã tiêu tan để linh hồn họ chuyển đến một cảnh giới khác không còn đau khổ.
Lâm Nguyễn - 27/12/2019
Thanked by 3 Members:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối | |
---|---|---|---|---|---|
Văn khấn cổ truyền Việt Nam |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | danhkiem |
|
||
Truyện thần tiên- Cát Hồng |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | danhkiem |
|
||
Túc Kê Linh Quái (Phương pháp coi giò gà bí truyền) - Hồ Quang |
Tủ Sách | administrator |
|
||
Michelle Obama BẢO VỆ Gus Walz sau Khoảnh khắc DNC lan truyền với Bố Tim Walz |
Linh Tinh | FM_daubac |
|
||
Tử vi Nam Phái chân truyền tiếng Trung quốc, bên trung quốc truyền, rất hiếm |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Elohim |
|
||
Dòng Họ (dòng di truyền) |
Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian | Elohim |
|
|
12 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 12 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |