TRUYỆN NGẮN
#46
Gửi vào 16/06/2019 - 21:33
Stt truớc kết thúc bởi khẩu hiệu chống nguời tỵ nạn "Chiếc thuyền đã quá đầy rồi"
Nhưng làm gì có thuyền nào đầy bằng những chiếc thuyền vượt biển Đông ba chục năm trước. Tôi nghĩ đến chiếc thuyền gỗ nêm chặt 52 người Việt trên đó để vượt biển Đông trong thập kỷ 80 cuả thế kỷ trước. 52 đồng bào này đã may mắn được tàu Cap Anamur của Đức cứu vớt vào phủt chót, truớc khi họ chết khát. Chiếc thuyền này hiện đang được trưng bày tại khu tưởng niệm người Việt tỵ nạn tại thị trấn Troisdorf.
Chỗ đó cách nhà tôi khoảng 40 km nên khi có dịp, tôi vẫn ghé qua. Mọi người ai cũng kinh ngạc khi nghĩ đến 52 người chen chúc nhau như cá mòi trong một không gian 1,5m x 7,5 m. Cũng có lẽ vì đây là chiếc thuyền có kỷ lục về mật độ người tỵ nạn nên thủy thủ đoàn Cap Anamur đã quyết định trục nó lên tàu, mang về Đức nhằm cảnh báo dư luận Đức về thảm cảnh đang xảy ra trên biển Đông.
Hồi đó, không phải người Đức, người Pháp, người Mỹ nào cũng sẵn sàng giang tay đón nhận những người được gọi là „Boat peoples“ này. Hình ảnh của „khủng bố trắng“ và „khủng bố đỏ“ từ cuộc chiến Đông Dương vẫn còn đó. Hơn nữa, người ta sẽ nghĩ gì về một dân tộc khi biết rằng những kẻ may mắn đứng truớc mặt họ đã chấp nhận cái chết thê thảm trên biển để chạy trốn chính đồng bào mình? Đã có tờ báo Mỹ cảnh báo dân chúng coi chừng VC trà trộn trong Boat peoples.
Nhưng lòng nhân đạo trong những con người như thủy thủ đoàn Cap Anamur và hàng ngàn thiện nguyện viên khác đã thức tỉnh thế giới. Điều này đã giúp cứu sống hàng trăm ngàn thuyền nhân, để rồi hôm nay mới có những người được hưởng thành quả của „Khúc ruột ngàn dặm“.
Nói đến thoát chết gang tấc trên biển Đông, tôi lại nhớ đến anh Hải Long ở Liège (Bỉ). Anh và bà con đi cùng chuyến thuyền mùa hè năm 1979 đã sắp chết khát khi nhìn thấy một tàu Nga. Các thủy thủ Nga không cứu vớt họ, nhưng ném xuống thuyền một ít cam. Những trái cam đó đã cứu họ khỏi chết khát, tuy vẫn bị đe dọa bởi một cơn bão biển ở phía trước. Mọi hy vọng đã gần như dập tắt thì may sao một tàu chở dầu Mỹ vớt họ lên kịp trước khi cơn bão ập đến.
Ngày đó quốc tế đạt được thỏa thuận về phân chia hạn ngạch người tỵ nạn Đông Dương. Anh Long được nhận về định cư tại Liège, thành phố đại học của nuớc Bỉ.
Với 20 tuổi, không nghề nghiệp, không ngoại ngữ, anh Long phải chấp nhận làm thuê mọi việc. Cuối cùng cũng như hàng chục ngàn người Việt tha hương khác, anh chuyển sang nghề ăn uống và bắt đầu từ việc đẩy xe đi bán chả giò (nguời bắc gọi là nem rán) tại các chợ trời vùng Wallone.
Vậy mà từ chiếc xe bán chả giò đó anh Long đã mua được lô đất 6.500 m² tại trung tâm siêu thị Rocourt , xây thành khu VINACITY, bao gồm cả Restaurant bán buffet, có khu vực Drive-In để bán cho khách mang về. VINACITY lúc nào cũng đầy ắp khách Bỉ, vì nó rât hợp với thị hiếu của họ. Điều cực kỳ thú vị: VINACITY mới có thêm một Restaurant à la carte mang tên BOAT PEOPLE.
Trung tâm của nhà hàng mang cái tên gắn bó với ký ức của hàng triệu người Việt là một quầy rượu (bar) bằng gỗ đóng theo hình con thuyền đã đưa anh thanh niên Long vượt biển năm nào
Ngày anh khai trương nhà hàng Boat People, tôi thấy rất nhiều bạn bè ,Việt có, Bỉ có, đến chia vui với anh. Đón nhận những lời chúc mừng của khách, chắc anh cũng ngậm ngùi nghĩ về những nguy hiểm và vất vả trong cuộc sống để có ngày hôm nay.
Cuộc đời có hậu của anh thuyền nhân Long chỉ là một trong muôn vàn số phận của người Việt chúng ta trong 40 năm qua. Sự thành đạt của bà con thuyền nhân xuất phát từ những khát vọng vươn lên của những con người chịu nhiều mất mát. Nhưng hoài bão và quyết tâm chỉ phát triển được trên mảnh đất của lòng nhân đạo, của tình thương.
Ngược lại, những ý thức hệ nuôi dưỡng hận thù, chủ trương giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực sẽ là mảnh đất để biến khát vọng của những thanh niên nhiệt huyết thành tội ác man rợ. Đó chính là điều Daesch đang làm với nhiều thanh niên hồi giáo, như TS Nguyễn Phương Mai đã viết trên BBC: „Stalin, Hitler, Mao là những nhà lãnh đạo kiệt xuất trong việc có thể khiến cho hàng triệu trí thức sẵn sàng cống hiến, giết chóc và hy sinh cho những lý tưởng ngày nay rất nhiều người không thể đồng tình.“
Nếu thấu hiểu những điều này, chúng ta sẽ cảm thấy dễ hơn khi phải nhìn nhận: đâu là kẻ khủng bố, đâu là những nạn nhân khủng bố cần giúp đỡ và tại sao phải trân trọng những người giang tay giúp đỡ nạn nhân của khủng bố.
Thọ Nguyễn
Thanked by 2 Members:
|
|
#47
Gửi vào 17/06/2019 - 20:15
Qua nhóm Hướng Thiện, gia đình tôi ở Vỹ Dạ trở nên thân thiết với gia đình chị Tịnh Minh ở Nguyệt Biều, cách nhau gần mười cây số. Chúng tôi gặp nhau vào những dịp đi hành thiện. Chúng tôi còn gặp nhau trong những cuộc thăm viếng lẫn nhau của hai chúng tôi. Chị Tịnh Minh lớn hơn tôi năm tuổi, ở với mẹ trong khu vườn rộng, xanh um cây trái. Nhà vườn không có đàn ông nên có vẻ hoang sơ vắng lặng. Cha chị đi kháng chiến từ 1946, 1954 tập kết ra miền Bắc. Hai mẹ con thui thủi như hai cái bóng nên ngôi nhà vườn ba căn hai chái và hai công trình phụ là nhà dưới và bếp vốn đã rộng càng có vẻ rộng hơn.
Chị Tịnh Minh xinh đẹp, hiền từ, đã lớn tuổi (khoảng 30 vào năm 1975) nhưng không chịu lấy chồng. Tôi hỏi, chị trả lời nhỏ nhẹ: “Không có duyên”. Có lần chị tâm sự:
“Mình sinh năm 1945, năm đó mạ mình hai mươi tuổi. Cha mình hơn mạ mình hai tuổi, tham gia cách mạng tháng Tám, đi kháng chiến 9 năm, năm 1954 đi tập kết. Mình biết về cha qua lời kể của mạ và những tấm ảnh mạ cất giữ như là báu vật. Mình cũng biết về cha qua lời của ông bà nội. Ông bà nội có ba người con trai, cha mình út. Hai bác mình tham gia cách mạng từ 1940, thoát ly gia đình đi hoạt động tận đâu ngoài Thanh Hóa hay xa hơn nữa, sau Genève ở lại ngoài đó. Cách mạng, kháng chiến đối với mạ và ông bà nội là con đường không thể không đi, là nghĩa vụ mà mọi người phải làm. Ông bà nội mình qua đời trong nhớ thương và niềm hãnh diện về ba người con trai đều đã ra đi theo tiếng gọi của non sông. Mạ mình hai mươi tuổi, ở vậy nuôi con chờ chồng. Chờ chồng đối với mạ mình là đức hạnh, là niềm tin, là hy vọng đối với kháng chiến và cách mạng. Mình lớn lên cùng với niềm tin và hy vọng đó. Tên mình: Tịnh Minh là do cha đặt. Tịnh Minh là đốm lửa nhỏ. Ông bà nội, mạ mình nhiều lần nhắc nhở mình là đốm lửa nhỏ của cha. Mình tối dạ, học hành không đến nơi đến chốn, xong tú tài 2 phải kiếm việc đi làm chia sẻ khó khăn cùng mẹ. Đốm lửa cứ nhỏ dần, nhỏ dần, nhưng mình quyết không để nó tắt. Mình quyết giữ nó để chờ ngày cha và cách mạng về. Trong làng mình có đôi ba đứa bạn trai, có đứa ngắm nghé, có đứa thư từ hò hẹn, nhưng tất cả đến tuổi đều phải vào lính. Lấy chồng lính Cộng hòa có nghĩa là phản bội cha, phản bội kháng chiến, phản bội cách mạng, cả hai mẹ con mình đều đinh ninh như thế...”
Sau 1975, suốt hai năm liền, hai mẹ con chị Tịnh Minh quay quắt, không thấy cha về. Kháng chiền dần lui xa, chỉ có cách mạng về với bộ mặt hung bạo với lao động tập thể, với ngăn sông cấm chợ, với học tập cải tạo, với vượt biên và đói khổ trăm bề. Năm 1977 họ mới được tin chồng và cha đã chết trong kháng chiến, thi hài chôn ở nghĩa trang Trường Sơn. Họ thuê người di dời hài cốt đem về chôn ở trong vườn. Năm 1980 mẹ chị qua đời vào tuổi 62. Cũng trong năm này, người bác từ miền Bắc vào vỗ ngực là con trai trưởng có quyền hạn và trách nhiệm coi sóc bàn thờ, quản lý hương hỏa, đuổi chị ra khỏi khu vườn nhà – nơi chị mở mắt chào đời, lớn lên, cùng mẹ phụng dưỡng ông bà nội, tổ chức kị chạp, trùng tu nhà cửa, chăm sóc vườn tược, coi trong ngó ngoài suốt 40 năm.
Năm 1982, tôi gặp lại chị trong đám tang mẹ tôi ở Vỹ Dạ. Tôi nhìn chị ái ngại. Chị già đi trước tuổi, người ốm o, da xanh tái, tóc lốm đốm bạc. Chị tiếp tục tâm sự: “...Sau khi bị ông bác đuổi, chị rời khu nhà vườn với bao nhiêu kỷ niệm. Bốn mươi năm trông chờ, mong ngóng: Cha thì còn lại nắm xương tàn, mẹ rồi cũng lìa xa, kháng chiến cách mạng chỉ là chuyện viễn mơ. Chính quyền c.... s.. và ông bác chẳng giống gì những điều mình nghe được từ mẹ và ông bà nội. Cũng may mình còn có Phật Pháp và các cháu nhỏ ở cô nhi viện Diệu Viên – nơi mình nương náu và làm mẹ của nhiều đứa con.”
Ôi, đốm lửa nhỏ, đốm lửa nhỏ! Trước mắt tôi chỉ còn lại niềm chua xót đắng cay.
Nguyễn Thị Kim Thoa
17/6/2019
Thanked by 1 Member:
|
|
#48
Gửi vào 19/06/2019 - 21:27
Cố Bác Sỹ Trần Vỹ, cựu bộ trưởng Bộ Y Tế thời Đệ nhất Cộng Hòa, người thầy rất đáng kính của tôi, viết trong cuốn hồi ký Tù Nhân Chính Trị của ông về cái chết của một người bạn đồng đội, chết trong trại tập trung 52-A ngoài Bắc: Trung Tá Đỗ Kiến N., cựu Phó Cảnh sát trưởng một quận Saigon. Người khá vạm vỡ, anh ấy thuộc thành phần những người chịu đựng rất khó khăn việc ăn uống thiếu thốn. Anh ấy phì ra, bị phù tất cả người và đi đứng khó khăn.
Cán bộ y tế ngây thơ cứ tưởng rằng chỉ cần kiêng muối cho cơ thể là làm biến mất bệnh phù, đã cho anh ăn đường. Điều này đã làm cho anh suy yếu thêm. Một buổi sáng, sau một đêm lạnh hơn thường lệ trong mùa, không thấy anh cử động khi tới giờ thức dậy, nhiều bạn bè nằm gần đến đánh thức anh nhưng anh không trả lời dù còn thở một cách yếu ớt! Trung Tá Đỗ Kiến N. đã chết sau đó.
Thầy Trần Vỹ viết tiếp: Vì sao N chết? Vì đói, Tất cả các bạn tù thì thầm. Vì bệnh phù thủng, cán bộ công an tuyên bố.
Ba chục năm đã qua đi kể từ cái chết đó. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn bi thảm này để suy nghĩ về những bệnh tật trong trại cải tạo.
Người tù cải tạo suy yếu từ thể xác đến tinh thần nên rất dễ mắc bệnh. Sức đề kháng của cơ thể họ xuống thấp một cách trầm trọng nên một cơn gió, một sự thay đổi thời tiết tầm thường cũng là một lý do đủ để làm người tù bỏ mạng hay liệt giường liệt chiếu nhiều tháng trời. Một cách tổng quát, ta có thể chia ra những bệnh tật trong tù ra làm ba nhóm bệnh chính:
1) Nhóm bệnh thứ nhất gây ra bởi sự thiếu dinh dưỡng.
Tôi đã ở trong trại cải tạo nhiều năm trời nên đã hiểu một cách rất rõ thế nào là cái đói trong những ngày tháng đen tối đó. Hãy nghe BS Trần Vỹ kể chuyện tù tội của ông: Một buổi xế trưa, khi đến bệnh xá để lấy thuốc cho các bạn tôi, tôi đã thấy cách một vài thước trước cửa vào, một người thường phạm đã suy mòn, ngồi ngay dưới đất bụi bậm, năn nỉ không ngừng với giọng rên rỉ:
-Ối ông cán bộ ơi, xin hãy thương xót tôi, hãy cho tôi ngay bây giờ chén cơm và cái trứng mà ông sẽ để lên quan tài khi tôi chết. Tôi đói quá, tôi không cần chúng sau khi tôi chết.
Quả đúng là như vậy, cái đói đưa tới cái chết một cách dễ dàng. Người Y Sỹ nào cũng biết được là sự thiếu sinh tố B1 có thể làm người ta chết. Một sự thiếu sinh tố A có thể làm người ta mù, thiếu sinh tố B12 sinh ra thiếu máu, vân vân và vân vân. Nếu sự thiếu thốn đó ngắn hạn, người ta có thể chịu đựng được nhưng nếu bị cải tạo năm này qua năm khác, làm sao tránh được những cái chết thê thảm như cái chết của Trung Tá Đỗ Kiến N. như đã mô tả ở trên.
2) Nhóm bệnh thứ nhì cũng rất quan trọng là những bệnh nhiễm trùng:
Khi bị đưa vào U Minh để cưỡng bách lao đông vào năm 1976, hai chân tôi nổi đầy những vết ghẻ lở. Vết thương này chưa lành thì lại có các vết thương khác nổi lên. Cho đến nay những vết thẹo vẫn còn đầy nơi hai cẳng chân của tôi.
Cuối năm 1976, tôi được chỉ định làm y sỹ cho những người tù đồng đội. Một đàn anh của tôi, cựu dân biểu của một tỉnh mà tôi quên mất tên, Kiến Phong thì phải, hai mắt và da bỗng trở nên vàng khè, nước đái sậm đen như nước mắm. Tôi biết anh bị đau gan nặng mà đề nghị gửi đi bệnh viện cán bộ không cho nên cứ phải nhìn anh thoi thóp giữa đồng không mông quạnh của rừng Cà Mau. Không hiểu vì sao mà anh ta không chết và bệnh đau gan cũng không gây nên một cơn dịch đau gan như tôi sợ. Có lẽ vì đa số chúng tôi đã có được kháng thể trong người từ lâu rồi mà không hay, không biết.
Thầy Trần Vỹ kể lại trong sách đã nêu: Trong số những bệnh nhân có một cựu thiếu tá đã làm việc tại phủ Thủ Tướng. Anh ấy đã sốt nhiều ngày và bị đau ở ngực. Tôi đã áp tai vào lưng anh. Lúc bấy giờ tôi nghe rõ những dấu hiệu của chứng viêm phổi nhưng người ta nói không có gì trầm trọng và chích cho anh sinh tố B1. Tôi khuyên anh nên hỏi xin các bạn tù vài viên thuốc kháng sinh. Tôi không bao giờ biết được anh ta có tìm được kháng sinh hay không nhưng anh ta tiếp tục đi tới cái chòi nhỏ «bệnh xá» và vài ngày sau anh ta qua đời.
Thật sanh mạng một người tù cải tạo rẻ như bèo.
Người chỉ huy cũ của tôi, cựu Trung Tá Y Sỹ chỉ huy trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ trong thời gian bị cải tạo ngoài bắc đã phải mổ gấp một trường hợp sưng ruột dư cấp tánh cho một bạn tù trong những điều kiện rất là trung cổ, khi nghe kể lại trong lần anh ghé Montréal thăm chúng tôi, tôi còn rợn tóc gáy, nổi da gà. Nghĩa là chẳng có dao mổ, có khử trùng gì cả. Biết làm sao hơn, không mổ thì cầm chắc cái chết. Ông thầy của tôi mát tay nên đã cứu được bệnh nhân tuy anh khiêm nhường nói là: "Thằng ấy số nó chưa chết!".
3) Nhóm bệnh thứ ba là nhóm bệnh thuộc về tâm thần.
Sự tuyệt vọng gây nên những chứng bệnh mà chúng tôi gọi là Depression majeure. Người bệnh không còn thiết sống nữa. Những trường hợp tự tử tôi nghe kể lại rất nhiều tuy không chứng kiến, lý do là thời gian cải tạo của tôi tương đối ngắn, chỉ không bằng một phần nhỏ thời gian tù tội của những người khác.
Tuy nhiên có một trường hợp mà tôi là nhân chứng đàng hoàng. Một cựu đại úy được đưa vào cưỡng bách lao động với tôi tại Kim Quy, Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau. Anh ta vốn là lính kiểng, con nhà giàu, học xong bị động viên và vào quân đội mà thôi chứ tôi nghĩ cũng chưa từng giết ai bao giờ. Vào tù được ít lâu thì vợ bỏ theo cán bộ CS trung úy công an gì đó. Cha mẹ già yếu lo buồn sau đó cũng qua đời. Ít lâu sau anh lại nhận được tin đứa con trai 5 tuổi cũng chết luôn không hiểu tại sao.
Một đêm cuối tháng 12 chúng tôi đang nằm ngủ trong những cái chòi dựng tạm bợ giữa núi rừng Cà Mau thì bỗng thấy tiếng ai gào lên trong đêm trường tịch mịch « ĐM..., ĐM... »
Anh bạn đồng tù của tôi đã phát điên lên vì đau khổ.
Ba mươi năm đã qua đi từ những kỷ niệm đau thương đó. Lòng tôi bây giờ giá lạnh. Tôi không còn hận thù gì những người đã từng làm cán bộ quản giáo của tôi. Tôi biết là họ cũng như tôi chỉ là những phần tử thụ động. Tôi sẵn sàng tha thứ cho những khuôn mặt một thời hét ra lửa mửa ra khói đó nhưng làm sao quên được những người bất hạnh? Sinh ra không đúng thời, sống không đúng chỗ./.
BS Trần Mộng Lâm
Thanked by 3 Members:
|
|
#49
Gửi vào 21/06/2019 - 21:09
Tôi cưới vợ vào ngày 29-5-1971.
Sẽ chẳng có gì phải nói lại, nếu như cái ngày vui nhất của một đời người đó đươc diễn ra trong vui vẻ, hạnh phúc. Tôi đã ko có được cái điều may mắn đơn giản ấy vì đã bị người ta phá tan đám cưới của mình, mà nguyên nhân chỉ vì miếng ăn bị dừng lại trong ít phút.
Chuyện là thế này
Sau khi tốt nghiệp Đại học, có công ăn việc làm ổn định,tôi quyết định lấy vợ.
Tôi đã dồn hết tâm lực để chuẩn bị cho đám cưới của mình.
Hồi ấy ở Hà Nội, Sau khi có “ Giấy đăng lý kết hôn “, người ta mới cấp cho cặp đôi mấy cái phiếu để mua hàng .
- Phiếu mua giường tủ ở phố Hàng Tre.
- Phiếu mua chăn mùng ở phố Hàng Bông
- Phiếu mua bánh kẹo, thuốc lá, thiệp mời… ở phố Tràng tiền.
- Phiếu mua các thứ lật vặt khác nữa mà giờ tôi chịu ko nhớ nổi.
Hồi ấy người ta quan niệm : trong đám cưới,để tượng trưng cho sự trinh bạch của cô dâu, mọi thứ đều phải dùng sắc trắng, tức là áo dài của cô dâu, hoa, khăn trải bàn…tất cả đều trắng. Chúng tôi đã phải lên tận Ngọc Hà đặt mua các loại hoa trắng. Xuống BV Bạch Mai mượn khăn trải bàn trắng , lên phố Hàng Đào may, thuê áo váy cho cô dâu cũng trắng…
Hồi ấy ở Ha nội, những đám cưới sang trọng thường phải có nhạc sống, vậy là chúng tôi lên phố Hàng Thuốc Bắc thuê một dàn nhạc sống. Những nhạc công này đều là những tay đàn lão luyện được đào tạo từ thời Pháp.
Trang trí phòng cưới thì khỏi phải lo. Các bạn của tôi ở trường ĐH Mỹ thuật và ĐH Mỹ thuật công nghiệp đảm nhận cho việc này.
Khâu cuối cùng là thuê hội trường để tổ chúc đám cưới. Sau nhiều ngày tìm kiếm và lựa chọn, chúng tôi quyết định thuê hội trường của Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tại số 9 phố Vọng Đức. Mọi thủ tục thuê hội trường, chúng tôi thực hiện đúng quy trình, tiền bạc đóng trả đầy đủ.
Theo như thỏa thuận thì đúng 4h30 chiều ngày 29-5 Tôi đến nhận hội trường để trang trí, xếp bàn ghế, bày tiệc trà, hoa lá (hồi ấy chỉ có vậy chứ ko dùng mặn như bây giờ . Tiệc mặn chỉ hạn hẹp trong hai nhà trai, nhà gái )
Lo xong những việc quan trọng đó, hai đứa chúng tôi mới đưa nhau lên Hàng Đào may áo cưới và ra chợ Đồng Xuân mua thêm một số hàng lặt vặt khác.
Rồi chúng tôi ra phố Hàng Khay ở bờ hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh kỷ niệm tại hiệu ảnh Quốc Tế nổi tiếng. (Hình dưới)
Rồi ngày cưới đến. Đúng 4h30 chiều ngày 29-5, tôi và gia đình đến số 9 phố Vọng Đức. Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy trong hội trường người ta đang tiệc tùng linh đình, quan khách đông nghẹt. Tôi hớt hải chạy đi tìm ông quản lý hội trường. Phải mất nhiều thời gian tôi mới moi được ông ấy ra khỏi một bàn tiệc. Tôi chết lặng người khi đươc biết là chiều hôm ấy MTTQ TP HN mở tiệc mừng một sự kiện gì gì đó. Và đặc biệt là có cả Chủ tịch MTTQ VN đc TĐT có tới dự.(TĐT năm ấy là Chủ tịch MTTQVN ). Sau nhiều phút điều đình, đấu tranh căng thẳng trong uất ức đến phát khóc, người ta mới chấp nhận trả lại hội trường cho tôi. Tôi có hóa đơn thuê tầng trệt, sao họ kg mở tiệc ở trên lầu, lại bày xuống dưới trệt, nơi đã cho tôi thuê??
Lúc này khách đến dự đám cưới đã đến khá đông. Thế là nhân viên của MTTQ cùng người nhà, bạn bè của tôi lao vào để chuyển cỗ bàn lên tầng lầu . Phải mất khá nhiều thời gian,toàn bộ các bàn tiệc mới được đưa xong lên trên đó. Khi ấy dù phải tả tơi chạy đi chạy lại tôi vẫn thoáng nhìn thấy có 2 người dìu Chủ tịch TĐT từ trệt lên lầu và hình như miệng CT còn đang nhai nhai thức ăn. Tôi thấy lạnh gáy khi bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của người cận vệ cho Chủ tịch!
Khi tầng trệt được giải phóng, chú rể cùng hai nhà trai gái, bạn bè, khách mời lao vào bày biện cho tiệc cưới, trang trí hội trường trong cái nóng ngột ngạt của tháng năm ở Hà Nội. Mọi người mặt mày bơ phờ, áo quần đẫm mồ hôi. Tôi, chú rể thì như kẻ mất hồn.
Rồi buổi hôn lễ đã diễn ra dù bị trễ mất nhiều thời gian. Các nhạc công chơi những bản nhạc trữ tình của Pháp và Việt. Bố vợ tôi thay mặt hai nhà lên phát biểu. Đúng lúc này ở phía cuối hội trường có ai đó oang oang:
- Chú rể đâu, Chú rể đâu?
Tôi ko hiểu có chuyện gì lại xảy ra nữa thì có người nhà ở cuối hội trường hớt hải chạy lên nói với tôi:
- Xuống cho mấy ông ấy gặp kẻo họ phá tan đám cưới mất.
Tôi thất thần chạy xuồng phía cuối hội trường , lập tức tôi bị một đám người mặt mũi đỏ gay, miệng toàn hơi bia rượu vây quanh. Họ xỉa xói , cặn vặn tôi là tại sao lại dám tổ chức đám cưới tại hội trường này? Ai cho thuê?. Rồi mặc cho tôi đã đưa hóa đơn thuê, nói rõ là ban quản lý hội trường cho thuê... những đồng chí lãnh đạo của MTTQ đang nát rượu ấy vẫn ko chịu. Họ hoa chân múa tay mắng mỏ tôi, mặc cho cha mẹ, cô bác 2 nhà chúng tôi ra sức can xin, bà con từ tòa chung cư bên hội trường kịch liệt phản đối.
-Vứt mẹ cái hóa đơn đi!
-Hội trường của MTTQ đâu phải nơi cưới xin đú đởn?
Biết bao lời lẽ thô thiển mà những người biết điều, có văn hóa sẽ ko bao giờ dùng đều đươc các đ/c lãnh đạo ấy tuôn ra, văng vào mặt cái chú rể khốn khổ là thằng tôi.
Trước tình thế căng thẳng như vậy, vị chủ hôn phải tuyên bố kết thúc buổi hôn lễ.
Vậy là tan tành đám cưới của của chúng tôi.
Thương người vợ của tôi quá. Trong suốt những giờ phút hãi hùng ấy, nàng ngồi im như một pho tượng, hai tay ôm chặt bó hoa lay ơn trắng. Khi khách khứa đã về hết, tôi nói với nàng:
- Em ơi, về đi .
Nàng ngước đôi mắt ngấn lệ lên nhìn tôi :
- Về hả anh, mọi người đâu rồi?
Tôi thương nàng quá. Cả một đời người có một lần thôi mà lại thế này sao? Vợ tôi là một nhà giáo, người quê gốc Hà Nội. (Theo gia phả thì dòng họ nhà vợ tôi đã nhập cư vào Hà Nội từ hơn 750 năm về trước). Tôi nói điều này ra để mọi người hiểu giúp: vì là người Hà Nội gốc nên khách đến dự hôn lễ của chúng tôi có rất nhiều những vị đầu râu tóc bạc, có học thúc. Những con người cả cuộc đời sống trong sự văn minh,từ tốn của chốn đô thành nên trước thực tế này ai cũng ngán ngẩm và thương cho vợ chồng tôi. Thầy Uyển Diễm, một cây bút trong "Phong trào Thơ mới", cũng là người dạy văn của tôi ở trường cấp 3 Lý Thường Kiệt Hà Nôi rất thương trò của mình và sau đó có tặng cho tôi một bài thơ chữ Hán nói về sự kiện này...
Có một điếu rất cảm động và thật đặc biệt là trong suốt thời gian nhốn nháo ,căng thẳng ấy, dàn nhạc luôn chơi ko ngưng nghỉ. Khi khách khứa ra về gần hết chỉ còn lại hai chúng tôi và những người thân trong gia đình, cùng một số bạn bè, dàn nhạc vẫn mải miết chơi. Những bài mà vợ tôi thích như “ Phiên chợ Ba Tư “ “Sông Danube xanh “… họ chơi sau cùng như bù đắp cho sự thiệt thòi của nàng.
Khi tôi đưa tiền thù lao trả cho các nhạc công, người phụ trách dàn nhạc, một bác sĩ về hưu, đã cương quết ko nhận. Tôi đã phải nói mãi ông mới thay mặt anh em trong dàn nhạc nhận một túi bánh kẹo.
Tôi cảm ơn bác sĩ kiêm nhạc công. Người bác sĩ già đã chua chát khẽ ngâm câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ “!
Đêm hôm ấy, trong căn phòng hạnh phúc ở một con phố trước ga Hàng Cỏ Hà Nội, vợ tôi để nguyên trên mình bộ áo cưới nằm bất động. Tôi đứng yên, lặng lẽ nhìn ra cây bàng bên cửa sổ, miệng liên tục rít thuốc lá. (hồi ấy tôi còn hút thuốc lá). Khói thuốc lan tỏa khắp căn phòng, tràn ra làm mờ những tán lá bàng xanh mơn mởn ngoài ban công.
Vậy đấy, với những người cs, chỉ cần chạm đến chút quyền lợi của họ, mà ở đây là lỡ làm chậm lại một bữa rượu, là họ sẵn sàng nghiền nát chúng ta, người mà gọi là “ Nhân dân”!
TB: Nhiều người đi dự đám cưới của tôi, nay vẫn còn, có người hiện là bạn F của tôi nữa.
Thanked by 3 Members:
|
|
#50
Gửi vào 23/06/2019 - 20:18
Sự thật về những tấm huy chương vàng Olympic toán quốc tế của Việt Nam
Phải thừa nhận rằng nền giáo dục Mỹ tốt hơn Việt Nam. Chúng ta thường gửi con đi Mỹ học, không thấy người Mỹ nào xin học ở Việt Nam.
Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy… Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán…
Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.
Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.
Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.
Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ…
Thực ra là thế nào?
Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.
Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.
Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?
Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.
Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.
Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại “gà nòi” chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)…
Rồi “bọn gà” này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 “con” vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 “con gà” để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.
Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
– Các cháu có nguyện vọng gì?
Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
– Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.
Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.
Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:
– Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?
Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.
Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.
Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:
– Phải có đủ thành phần nam, nữ.
– Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm “gà” (hồi đó là Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm).
– Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho “gà” của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
– Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm “gà” bài cho học sinh trường mình. Lý do: “Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức”. Có lẽ cũng là vụ “Đồi Ngô” đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.
Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn “con gà” khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Theo tôi biết thì hàng chục ngàn “con gà” đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.
Thế khác nhau chỗ nào?
Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.
Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar… phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ…
Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông.
Theo lời kể của nguyên phó chủ tịch FPT Đào Quang Tiến
Thanked by 1 Member:
|
|
#51
Gửi vào 27/06/2019 - 21:57
Trời Đà Nẵng nóng như rang suốt cả tuần. Tôi đến phòng hồi sức đúng 11 giờ 30 phút. Y tá Nguyễn Thị Tâm chờ sẵn có ý mong. Tâm nói: “Bác Thoa ơi, cháu em lại vào viện, bệnh trở rất nặng. Thằng bé tội nghiệp quá, cứ gọi bác Thoa hoài”.
Tôi vội chỉnh đốn y trang nghề nghiệp. Nhìn quanh không thấy bác sĩ trực kèm, nhìn tổng thể các giường bệnh, các bảng minitoring không thấy có gì trở ngại, tôi bắt đầu khám từ giường số 1... Đến giường số 4, tôi nhận ra Nho Khôi, cháu của Tâm, và cũng là cháu của thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc. Nho Khôi là bệnh nhân của khoa nhi hơn nửa năm rồi. Cháu ra vào viện liên tục và trở nên thân thiết với tôi. Tôi quan tâm nhiều đến Nho Khôi vì bệnh cháu khó chữa và cũng vì những câu hỏi ngộ nghĩnh khó trả lời, những ví von, biểu hiện lạ lùng đến quặn thắt tâm can. Nho Khôi bị suyễn mãn tính. Sáng nay sau giờ ra chơi, Nho Khôi lên cơn khó thở, nhà trường liên hệ với gia đình và đưa cháu vào viện lúc 11 giờ. Các bác sĩ hồi sức đã cho cháu thở oxy ngắt quãng với liều lượng 1 lít/phút, Ventolin khí dung mặt nạ 0,10mg/kg lặp lại sau 30 phút, nhưng không cắt được cơn.
Tôi bắt mạch kiểm tra, đếm nhịp thở rồi ra lệnh cho y tá Tâm:
– Aminophillin (250mg) 1/3 ống + glucoza 5% 200 ml chuyền tĩnh mạch 30 giọt/phút. Nho Khôi nắm chắc một bàn tay tôi, nở nụ cười khô khốc. Khoảng 10 phút sau, cơn vật vã của Nho Khôi có giảm, nhưng tình trạng khó thở không cải thiện chút nào. Cháu nói trong cơn thở hổn hển:
– “Bác sĩ ơi, con nóng quá, con ngạt thở quá, con muốn... con muốn... làm con trâu ...mẹp trong vũng nước”
Tôi sờ trán cháu, cảm giác mát lạnh; tôi sờ chân cháu, chân cháu lạnh ngắt. Kiểm tra thân nhiệt thấy cháu không sốt. Tôi hỏi y tá Tâm nhiệt độ trong phòng. Tâm bảo 27 độ.
Tôi cởi nút áo cổ cho Khôi, bảo cháu nằm yên để tôi lau mát cho cháu.
Tôi vào nghề đã hơn 20 năm. Đây là ca suyễn ác tính thứ hai tôi gặp. Lần đầu một cháu bé 14 tuổi tên Táo ra đi trong đêm 23 Tết tại bệnh viện Daklak. Cái tên Táo và đêm 23 tháng chạp làm tôi nhớ mãi. Ảo giác thiếu khí là một triệu chứng báo bệnh trầm trọng. Tỷ lệ tử vong các trường hợp suyễn ác tính rất cao. Tôi nhìn Nho Khôi với lòng quặn thắt.
– “Khát nước, khát nước, cô ơi cho cháu uống nước”. Nho Khôi cầm tay tôi chắc hơn nói tiếp:
– “Bụng con căng quá, con ngạt thở quá”. Tôi khám bụng, bụng cháu xẹp lép, chỉ cảm nhận mấy làn nhu động ruột nhẹ. Nho Khôi nói từng tiếng đứt quãng:
– “Bụng con căng, căng như cái trống ở hiên trường. Cái trống... cái trống bị ràng chặc... ràng chặc bởi những sợi dây thừng. Ước gì... ước gì ai đó đánh thật mạnh... đánh thật mạnh để sợi thừng bung ra”. Khôi vừa nói vừa đưa tay bứt nút áo ở bụng.
Tôi bất lực trước cơn vật vã liên tục và bồi hồi cảm xúc trước những liên tưởng ví von của Khôi.
Một ca trầm trọng nữa ập vào phòng hồi sức. Tôi rời Nho Khôi để đến với một cháu 17 tháng tuổi bị sặc cháo ở nhà trẻ. Tôi cùng các chị y tá làm các thủ thuật cần thiết để cứu chữa. Nhưng cơn khó thở tím tái của bệnh nhân này quá trầm trọng. Tôi hỏi y tá bác sĩ Khánh trực kèm đã đến chưa? Có tiếng trả lời của Khánh:
– “Em đến rồi đây, xin lỗi chị. Em đến trễ vì ngồi ăn trưa với đứa bạn quá lâu”. Bác sĩ Khánh nói xong liền đi đến bàn điện thoại gọi chồng ở nhà:
– “Anh ơi cho con ăn cơm trưa chưa, nhớ cho con đi ngủ đúng giờ...”
Bác sĩ Khánh vẫn như thế, từ hơn ba năm làm việc tại khoa nhi, trước cái sống, cái chết của bệnh nhân, mặc kệ, cô chỉ quan tâm đến bản thân mình, gia đình, bạn bè trước đã. Chồng cô là một ông lớn bên thành ủy. Chúng tôi, những bác sĩ gốc “miền Nam”, góp ý, cô chẳng coi ra gì. Các đảng viên lãnh đạo khoa cũng chỉ nói qua loa cho có chuyện. Do vậy mà cô vẫn thong dong sinh hoạt và chữa bệnh theo ý riêng của mình.
...
Càng về chiều những cơn khó thở của Nho Khôi càng gia tăng. Chúng tôi đã dùng qua hết các thuốc dãn phế quản của các nhóm Adrenalin, Theophilline, corticoide, cả uống, chích và khí dung, nhưng chẳng có chút hiệu quả. Dùng thuốc và theo dõi suốt 6 tiếng mà không cắt được cơn suyễn ác tính. Bệnh nhân có dấu hiệu của toan hô hấp, dần đi vào hôn mê. Hội chẩn viện được triệu tập. Thông khí nhân tạo được thực hiện với sự trợ giúp của phòng hồi sức trung tâm.
Điều trị toan hô hấp là một thủ pháp khó đối với các bác sĩ nội khoa, nhất là nhi khoa, vì liều lượng phải chính xác đến từng milimol. Tôi vào phòng trực mở hai cuốn Harrison’s principles of internal medecine và Nelson Textbook of Pediatrices đọc lại phần điều trị toan hô hấp ở bệnh suyễn rồi nói với bác sĩ Khánh:
– “Em đọc kỹ hai phần này. Tối nay hai chị em mình vất vã rồi đó. Đây là một trường hợp khó ít khi gặp. Em cần theo dõi sát bệnh nhân để rút kinh nghiệm. Khánh đáp lại:
– “Dạ vâng thưa chị ạ”. Khánh trả lời với tiếng ạ kéo dài mà không đá động gì đến sách, nhìn bệnh nhân qua loa rồi đi gọi điện thoại về nhà...
Theo quy định của khoa mỗi đêm có hai bác sĩ trực. Thông thường cô bác sĩ phó khoa chia một người vững tay nghề và một bác sĩ non tay hơn vì được đào tạo và học tập qua loa hoặc mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Những đêm không có bệnh nặng chúng tôi ngầm chia nhau một người thức, một người ngủ nửa đêm để có đủ sức làm việc cho nửa ngày hôm sau. Trong trường hợp có bệnh nặng cả hai cùng thức. Nhưng Khánh không muốn thức mặc dầu cô ấy biết hôm đó phòng hồi sức của chúng tôi có hai ca trầm trọng: Một Nho Khôi bị suyễn ác tính và một bé 17 tháng tuổi sặc cháo từ nhà trẻ.
Mặc dù đã nghe tôi nói như thế, nhưng Khánh vẫn hỏi tôi: “Chị đi tua đầu hay tua sau (9 giờ tối đến 2 giờ sáng, 2 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau).
Tôi nói:
– “Đêm nay chúng ta cùng thức, không chia tua; bệnh nặng, phải chịu khó thôi”. Lời nói của tôi không tác động gì đến Khánh. Cô ấy lẳng lặng bỏ đi vào phòng nghỉ. Từ ba năm qua, tôi và các số bác sĩ khác trong khoa đã quen với thái độ như vậy của Khánh, bởi vì cô là vợ của một ông lớn bên thành ủy. Đêm đó hầu như tôi trực một mình.
11 giờ, bệnh nhân 17 tháng tuổi sặc cháo qua đời. 2 giờ 15 phút sáng, Nho Khôi ra đi. Tôi mệt nhoài, buồn bã và thất vọng với chính mình.
Thông thường sau đêm trực, hai bác sĩ cùng tổng kết tình trạng trong đêm, cùng đi kiểm tra, rà soát các giường bệnh để báo cáo trước khoa trong buổi giao ban sáng. Sáng hôm đó không thấy Khánh ở đâu, tôi làm tất cả một mình. Khi nghe tôi báo cáo có hai bệnh nhân tử vong trong đêm, bác sĩ chủ nhiệm khoa ngạc nhiên hỏi:
– “Sao khi nãy gặp bác sĩ Khánh trên hành lang, tôi hỏi về hai trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Khánh trả lời đều ổn cả”. Cả phòng giao ban nhìn về phía chúng tôi cười òa. Có tiếng rì rầm: “Bác sĩ trực mà không biết trong đêm có bệnh nhân tử vong sao?”.
Tôi với Nho Khôi không chỉ gắn bó trong ngày cuối của đời cháu. Như trên đã nói: Nho Khôi là bệnh nhân của khoa nhi hơn sáu tháng trước đó. Nhiều lần trong sáu tháng đó, tại phòng hô hấp, chúng tôi trở nên bầu bạn. Cháu đặc biệt muốn hỏi han và trò chuyện cùng tôi. Còn tôi thì bị thu hút bởi những câu hỏi khó trả lời, những ý tưởng xa xôi, những ví von đầy thi vị, những câu chuyện kỳ lạ nho nhỏ; và ba tiếng gọi “bác sĩ ơi” của Khôi nhiều lần làm tôi thương cảm:
– “Bác sĩ ơi, khi khó thở con mơ về những con bướm bay lượn trong nắng sớm. Mơ làm bướm, nhưng con rất sợ mùi của nhụy hoa”.
– “Bác sĩ ơi, gió mưa lớn quá, tiếng rít hú qua các khung cửa nhôm làm con ngột thở. Con nhớ tiếng hú của bầy sói trong truyện cổ tích. Ước gì sói và con cùng chơi”.
...
Bác sĩ ơi, bác sĩ ơi,...,ba tiếng đơn sơ trìu mến ấy vẫn vang vọng trong tâm thức tôi suốt mấy chục năm trời. Nó thường xuyên khiến tôi giằng xé vì đã không giúp được cháu vượt qua cái chết, và cũng không trả lời thỏa đáng những câu hỏi chẳng bao giờ dứt của một tâm hồn phong phú đầy ý thơ; và cả ý...thức.
Có một lần, tại phòng hô hấp, lúc bệnh chưa chuyển nặng, Nho Khôi nói với tôi lời tự sự khá dài và đặc biệt “rắc rối” làm tôi sửng sốt:
– “Bác sĩ ơi, nhiều lúc trời đột ngột đổ mưa, ngồi trong phòng học, nhìn qua cửa sổ, con thấy lá cờ rủ trên đỉnh cột cờ. Con buồn quá. Lá cờ trông giống một đứa bạn đứng xuôi vai, thõng tay, mặt mày bí xị vì bị thầy cô mắng do không thuộc bài hay vi phạm kỷ luật. Những lúc trời nắng con thấy lá cờ bay trên đỉnh cột cờ. Lá cờ bay trông giống bạn khác nhơn nhơn tự đắc được thầy cô khen, hay khi đánh thắng thằng bạn trên sân trường. Con không thích cờ rủ hay cờ bay kiểu đó. Con thích lá cờ thoát khỏi sự trói buộc của sợi dây và cái ròng rọc trên đỉnh cột cờ bay tự do lên tận trời xanh.”
Cờ rủ. Cờ bay. Suốt mấy trăm năm nay, nhân dân Việt Nam cay đắng cảm nhận về những lá cờ. Ôi, Nho Khôi, Nho Khôi. Cháu đã ra đi để nhập vào hồn thiêng của Dân tộc.
Một lần khác, cháu đưa ra câu hỏi làm tôi làm tôi sửng sốt hơn:
– “Bác sĩ ơi, trên bức tường trước phòng hội đồng của trường con có câu khẩu hiệu màu đỏ chữ thật lớn “Tiên học lễ hậu học văn”. Con hỏi thầy, hỏi cô, con cũng hỏi mẹ cha, mọi người trả lời, nhưng con không hiểu gì hết: Lễ là gì? Văn là gì? Tại sao học lễ trước học văn sau?”
Tôi chỉ gượng cười, không trả lời câu hỏi của Khôi. Lý do gần là chúng tôi đang ở trong phòng bệnh không thể “bàn luận” một vấn đề nghiêm túc như thế. Lý do xa là tôi cũng lúng túng chưa hiểu hết các từ lễ, văn và tại sao lễ trước văn sau?
Câu hỏi của Nho Khôi làm tôi trăn trở mãi đến lúc này. Bài này tôi viết để gởi tới Nho Khôi và thế hệ của cháu (trong đó có con tôi) như một lời xin lỗi, và cũng để nhắc nhở chính mình rằng sống không thể không có lễ không có văn. Có điều nội hàm của từng khái niệm như thế nào và phương cách vận dụng chúng ra sao trước những chuyển động của đất nước và thế giới?
Tiên học lễ, hậu học văn – thành ngữ này tôi đã nghe cha mẹ tôi căn dặn anh chị em chúng tôi khi còn học ở trường tiểu học Thế Dạ. Tôi cũng nghe thầy cô nào đó nhắc nhở một bạn học nào đó thiếu lễ phép. Lên trung học Đồng Khánh, tôi không nghe ai nói nữa. Trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (ở miền Nam 1945 – 1975) thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” không biến thành khẩu hiệu kẽ trên tường ở bất kỳ trường lớp nào. Có lẽ trong nền giáo dục đó: văn, lễ nằm trong các tiêu chí Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, và được thể hiện qua các môn Đức dục, Công dân, Văn học (Việt Nam và thế giới: các bài tập đọc, chính tả, học thuộc lòng, tập làm văn, giảng văn, luận văn...), Sử địa (Việt Nam và thế giới), Triết học (Tây – Đông: Luân lý học, Tâm lý học, Đạo đức học, Siêu hình học, Triết học Đông phương). Đặc biệt tất cả các môn học này từ sách giáo khoa cho đến các bài giảng của thầy cô giáo có thể chưa đầy đủ chứ không bị làm méo mó, lệch lạc theo ý thức hệ chính thống của chính quyền. Sách giáo khoa khá hoàn chỉnh, thầy cô giáo tự do soạn giảng bài, học sinh, sinh viên tự do tranh luận. Đại thể như thế, nhưng vẫn có một số trường hợp cá biệt hai chữ tự do được thể hiện với sự khéo léo, tinh tế. Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa un đúc được những con người lương thiện, những nhà chuyên môn vững tay nghề và có lương tâm nghiệp vụ; một số trong họ có khả năng quan hệ bình đẳng với các nhà chuyên môn thế giới, và hầu hết hội nhập được với nhân dân.
Theo thiển ý của tôi: thành ngữ “Tiên học lễ – hậu học văn” xuất phát từ nền giáo dục thời nhà Nguyễn. Trong nền giáo dục này:
Chữ lễ là phép tắc ứng xử trong mọi quan hệ ở đời. Người đàn ông thì Tam cương, Ngũ thường. Tam cương (quân, sư, phụ) là ba giềng mối phải tuân thủ suốt đời: trung thành với vua, nhớ ơn tôn trọng thầy, hiếu với cha. Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí. Tín) là 5 việc phải làm hằng ngày, không ngừng nghỉ cho đến hơi thở cuối cùng. Người đàn bà thì Tam tòng, Tứ đức. Tam tòng là ba người phải theo (phụ thuộc): lúc còn ở nhà thì theo cha, lúc đi lấy chồng thì theo chồng, lúc chồng chết thì theo con. Tứ đức là bốn đức tính (công, dung, ngôn, hạnh) phải học hành un đúc: quán xuyến, đảm đang việc nhà, chăm sóc nhan sắc, chú trọng lời ăn tiếng nói, trau dồi cách ăn ở để thành người tử tế nhân hậu. Nói gọn: học lễ là học làm Người trong ý thức hệ Nho – Việt.
Chữ văn là văn chương, chữ nghĩa, là kinh sách thánh hiền, là tứ thư, ngũ kinh, lịch sử và văn học Trung Quốc: Những lý thuyết chính trị và xã hội được đúc kết từ thời thượng cổ bên Trung Quốc bởi Khổng Tử, Mạnh Tử...,và được chú giải, sáng tác bởi các triết gia học giả đời sau, được vận dụng theo nhu cầu tồn tại của nền quân chủ chuyên chế và hệ thống quan liêu thư lại triều Nguyễn. Người đi học cốt yếu giành một mảnh bằng, một chức vụ nào đó do triều đình ban cấp. Nền giáo dục theo trình tự “Tiên học lễ hậu học văn” đó đã đào tạo được những con người tinh tế, một vài ông vua văn trị, yêu nước, một số quan lại thanh liêm cần mẫn và rất nhiều nhà nho trở thành kẻ sĩ gắn bó máu thịt với đất nước và nhân dân.
Những thành tựu đó đáng kể. Tuy nhiên, những thành tựu đó không đủ sức để đương cự trước một tình thế thù trong giặc ngoài. Ở trong, nhân dân, 90% là nông dân, lực lượng sản xuất chính của nền kinh tế, phải gánh chịu gần hết mọi nhu cầu của đất nước (thuế khóa, lao dịch, binh dịch) được áp đặt bởi nền quân chủ chuyên chính với hệ thống quan liêu ngày càng thiển cận, hẹp hòi, khép kín, bất động và lần hồi trở nên xơ cứng, bất lực, tham nhũng, cửa quyền. Không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, đó đây nông dân đã nổi dậy, nhóm này với sự đồng tình ủng hộ của một số nho sĩ, nhóm khác với sự xúi dục của ngoại nhân. Ngoại nhân lần này đến từ phương Tây. Phương Tây sau cách mạng Mỹ 1772, cách mạng Pháp 1789, nhiều nước đã trở nên giàu mạnh nhờ những thành tựu vượt bậc trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật, triết học, giáo dục và tư tưởng chính trị tân tiến. Phương Tây có nhu cầu, có khả năng, có tham vọng bành trướng và xâm lược. Vua quan, sĩ phu và cả nhân dân vào thời điểm đó (đầu thế kỷ 19), mãi đến đầu thế kỷ 20 thiếu hiểu biết về chính mình, về thế giới, không chịu chuyển biến để thích ứng với thời đại mới, không biết nhìn xa trông rộng, chỉ bị ám ảnh bởi một phương Tây “mọi rợ” và xâm lược, mà không hề biết đến một phương Tây khác với những tinh hoa của thế kỷ ánh sáng (thế kỷ 18),
Đất nước bị đô hộ, nhân dân nghèo đói, dốt nát và nô lệ là hệ quả tất yếu của nền chính trị chuyên chế và sách lược giáo dục lạc hậu, lỗi thời dẫn đến ph.... đ.... với thành ngữ “Tiên học lễ hậu học văn”.
Tôi không nhớ chính xác thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của triều đình nhà Nguyễn đã được đảng c.... s.. biến thành khẩu hiệu treo dán khắp các trường trung, tiểu học từ lúc nào sau khi làm chủ đất nước từ Nam chí Bắc (1975). Nếu tôi nhớ không lầm thì một ngày chủ nhật nào đó gần cuối năm1990, khi đi họp phụ huynh cho con gái Hảo Nhiên ở trường Trần Cao Vân (cơ sở 2 trên đường Hoàng Hoa Thám Đà Nẵng) tôi đã thấy câu khẩu hiệu đó trên tường và nghe bà hiệu trưởng nhắc nhở chúng tôi nhiều lần trong buổi họp hai câu ca dao: Muốn sang thì bắt cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy. Hai câu ca dao này tôi cũng đã nghe ông giám đốc sở giáo dục nói qua đài truyền hình mấy ngày trước.
...
Trong nhà trường, tuyệt đối học sinh, sinh viên không được đưa ý kiến nào khác ngoài sách giáo khoa, giáo trình và lời giảng của thầy cô, cho dù sách giáo khoa và lời giảng của thầy cô sai trật và dối trá như thế nào. Học sinh, sinh viên chẳng khác nào cái máy ghi âm ghi vào, phát ra trong quá trình học tập và thi cử. Mà học tập, thi cử và “xin việc” thì “thi đua” và gian lận theo lợi ích bất chính của hệ thống quản lý chính quyền từ trung ương xuống địa phương, Việc mua bán kết quả học tập, bằng cấp giả là tình trạng phổ biến. (Thực tế này không tuyệt đối, vì còn có một thiểu số Thầy, Cô, Học sinh, Sinh viên và Phụ huynh còn có lương tri và bản lĩnh, biết lợi dụng những kẽ hở và huyền thoại tuyên truyền của chế độ, tự phấn đấu giữ mình và vươn lên làm Người chân chính với bản sắc đặc thù.)
...
Lá xanh rụng, gợi ý thơ
Lá vàng còn nuối lơ mơ làm người
Làm người khó lắm tôi ơi
Trừ gian diệt bạo mới ra Con Người
Nguyễn thị Kim Thoa
Sửa bởi tuphuongsg: 27/06/2019 - 22:05
Thanked by 1 Member:
|
|
#52
Gửi vào 28/06/2019 - 19:49
Khi tôi hỏi chú Vladimir: Có phải các chú là những người Tiệp-Khắc đầu tiên đến Việt Nam? Chú bảo :
-Không phải, đó là những „Ông Tây Tiệp Bata“, như người Việt quen gọi những người Tiệp-Khắc đầu tiên vào Việt Nam cuối những năm 1920.
(Tiệp Khắc là liên bang giữa hai nước Tschech (Czech) và Slowakei (Slovakia). Người Đức, Áo, Hung gọi là Tschekoslowakei (Czechslovakia), nói ngắn là Tschekei. Người Việt gọi theo phiên âm Hán Việt hai từ Tschek-Kai là Tiệp-Khắc. Thế mà sau khi hai nước này tách ra thành Czech và Slovakia, không ai gọi là nước Tiệp và nước Khắc, mà lại gọi là Séc và Slovakia. Ông ngôn ngữ nào vào đây gỡ rối hộ cái.:-) )
Chú Vladimir từng làm việc cho hãng Bata, là hãng giày lớn nhất thế giới hồi đó. Nói như vậy không ngoa, vì trong nửa đầu của thế kỷ 20, chẳng có hãng giày nào qua mặt được Bata. Bata không chỉ sản xuất giày, mà còn đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác như chế tạo máy, cao su, thuộc da. Bata là một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của nước Tiệp-Khắc, một trong những nước phát triển sớm nhất châu Âu. Bata có một phi đoàn máy bay riêng, có đội thương thuyền riêng để vận tải hàng hóa và có một công ty xây dựng chuyên phát triển nhà máy, nhà ở cho công nhân.
Ở Việt Nam, Bata không còn là thương hiệu, mà trở thành một khái niệm cho giày vải. Có nghĩa là cứ giày vải thì người ta gọi là „Giày ba-ta“, bất kể hãng nào sản xuất, dù của Thượng Đình, Replay hay Bata.
Sự nhầm lẫn này làm cho tôi nhớ đến năm 1975. Người Bắc vào Nam ai cũng gọi xe máy là xe HONDA, và dùng từ AKAI để ám chỉ máy ghi âm stereo. Cười bể bụng luôn.
-Này chú Thọ, chú ra đợt tới có mua cho anh được một cái xe HONDA không?
-Dạ, anh muốn xe HONDA loại nào ạ?
-Kiếm cho anh cái HONDA SUZUKI nam ấy. Và nếu được thì mua cho anh một dàn AKAI hiệu TEAC nhé, bao tiền anh trả :-)!
Trong thực tế thì Bata là một thương hiệu lớn, sản xuất rất nhiều loại giày dép bằng da, bằng mút đế nhựa, đế cao su và tất nhiên cả giày vải.
Hãng giày Bata được thành lập ngày 24.08.1894 tại thành phố Zlin, ngày đó thuộc đế quốc Áo-Hung, bởi ba anh em nhà Bata, đứng đầu là Tomas Bata. Đến đầu thế kỷ 20 Bata đã tạo ra dây chuyền sản xuất công nghiệp, mở đầu cho cuộc cách mạng về giày dép. Năng suất cao tạo ra giá thành thấp khiến mọi người lao động đều có thể dễ dàng mua. Hơn thế nữa, Bata đã xây dựng hệ thống phân phối quốc tế với các cửa hàng giày đa chủng loại, xóa bỏ dần các cửa hàng giày đơn chiếc của các ông thợ giày truyền thống. Năm 1909, Bata đã có đại diện tại tất cả các Châu Lục và các quốc gia lớn. Tomas Bata nêu tiêu chí „Đối với Bata, chỉ cái gì tốt nhất mới là tốt“.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, mặc dù đế quốc Áo-Hung bị thất bại triền miên và kết cục là bị xóa sổ, nhưng Bata thì lớn lên như thổi. Lúc đầu Bata được giao sản xuất giày dã chiến cho quân đội Áo-Hung. Khi đế quốc này sụp đổ, nước Tiệp Khắc ra đời thì Bata thầu luôn giày da cho quân đội của nước cộng hòa trẻ tuổi.
Rồi Bata còn lấn sang các quân đội châu Âu khác, trong đó có Pháp và thế là Tây Tiệp theo Tây Tây vào Việt Nam. Đó là khoảng cuối những năm 1920. Lúc đầu Bata chỉ có hai đại lý bán giày da và giày cao cấp cho người Pháp và giới thượng lưu. Cửa hàng ở Sài Gòn thì đâu không rõ, nhưng cửa hàng Bata ở Hà nội lúc đầu nằm ở phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay, đoạn nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ, gần tòa nhà Cá Mập nhìn xuống cột đồng hồ.
Về sau, theo hồi ký của nhà văn Tô Hoài[1] thì Bata có rất nhiều cửa hàng giày cao cấp tại Hà nội, mà cửa hàng lớn nhất là ở 89 Hàng Đào. Tại tất cả các tỉnh, Bata đều có đại lý bán buôn bán lẻ. Có nghĩa là dân có máu mặt ở ta đa số đi giày Tiệp Khắc. Bata có tất cả các loại giày đầm, giày trẻ em, giày công tử, giày thể thao và tất nhiên có cả giày vải. Hồi đó Bata sản xuất giày da cao cấp tại Zlin và các nhà máy ở mẫu quốc Tiệp Khắc. Còn giày vải rẻ tiền thì sản xuất ở Pháp.
Ngày đó mà đi giày Bata “made in France” thì y như bây giờ đi xe Mercedes “made in China”, tức là chỉ có dân nghèo. Thế là giày vải Bata bán chạy như tôm ở Việt Nam và dần dần đi vào tiềm thức người Việt, cứ giày vải thì gọi là “giày ba-ta”.
-Chị ơi bán cho em một đôi ba-ta Thượng Đình nhé :-)
Quay lại số phận của hãng Bata.
Đến năm 1930 thì Bata trở thành hãng giày đứng đầu thế giới, với hàng chục nhà máy khắp năm châu, trong đó có cả nhà máy sản xuât lốp cao su khổng lồ mang tên Barum (Sau này Barum là hãng lốp xe lớn nhất phe XHCN, sản xuất cả lốp máy bay). Thậm chí xung quanh các nhà máy là những khu dân cư mang tên Bata, ví dụ như làng Batadorp ở Hà-Lan, khu Batawa ở Canada, thành phố Bataville ở Pháp, Bata Park ở Thụy sỹ và …. Batanagar ở Ấn Độ.
Khi Hitler chiếm Tiệp-Khắc thì anh em nhà Bata chạy sang Brasil, nơi có nguồn cao su dồi dào và họ lại lập ra hàng loạt các công ty khác như Bataiporã, Batatuba v.v và vv.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với việc ra đời nhà nước XHCN Liên bang Tiệp-Khắc. Anh em nhà Bata mất trắng các nhà máy ở quê nhà. Khu nhà máy ở Zlin trở thành tổ hợp quốc doanh SVIT (Chiếu Sáng). Thương hiệu SVIT trong hàng chục năm sau vẫn là một đối thủ đáng gờm với công nghiệp giày phương tây, kể cả với mẹ đẻ là Bata. Thành phố Zlin được đổi tên thành thành phố Gottwaldov để tôn vinh chủ tịch Klement Gottwald của đảng CS Tiệp Khắc.
Công ty mẹ Bata tiếp tục được duy trì và phát triển tha hương ở khắp phương Tây. Sau cách mạng nhung 1989, Thomas Jan Bata, con trai của Tomas Bata từ Canada trở về Tiệp-Khắc trong niềm hân hoan của hàng triệu đồng bào.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Toàn cầu hóa đã không cho phép Jan dựng lại xí nghiệp quốc doanh SVIT đang vỡ nợ. Ông chỉ mua một phần các bộ phận nghiên cứu, phát triển kinh doanh và một nhà máy nhỏ để chế mẫu. Ông xây một nhà bảo tàng giày dép ở ngay Zlin. Còn toàn bộ giày Bata đã đươc chuyển sang sản xuất ở các nước nghèo, để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác
Năm 2001, con trai của Thomas Jan là Georg Bata lên cầm quyền ở vương quốc mang tên ông nội. Trường đại học Zlin được mang tên Tomas Bata. Và giày Bata hiện được sản xuất ở các nước nghèo, có thể cả ở Việt Nam.
-Chị ơi bán cho em đôi ba-ta Thượng Đình!
Có thể có lý!
Köln 19.5.2019
Tho Nguyen
Chú Vladimir cùng du kích Tiệp Khắc và Hồng quân Liên Xô, tiếp quản văn phòng hãng Bata tại Teplice năm 1945
Thanked by 1 Member:
|
|
#53
Gửi vào 28/06/2019 - 20:18
Hôm nay hoàn toàn bất ngờ nhận được một bức ảnh từ một người bạn, nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Sokolov. Bức ảnh chắc được chụp vào khoảng những năm 1956-1957, không biết ai chụp, chụp vào lúc nào. Người bạn trong ảnh là Kleiman Naum, một người Do Thái, bị đầy đi Sibir thời Stalin, may mà sống sót trở về. Anh trở thành một chuyên gia về Eisenshtein, viện trưởng Viện điện ảnh (xô-viết rồi Nga). Còn người Việt Nam trong ảnh là một anh trông rất nhà quê, rất ngố, là tôi. Giật mình nhìn lại thấy đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mình chẳng thành cái gì, trừ một cái rất vô duyên – nhân chứng bất đắc dĩ của vô vàn sự kiện trong thời gian đó.
Gây tội với người do thái không chỉ có mỗi Hitler. Người Do Thái bị lùa lên nhũng toa tàu, cửa đóng chéo chạy đi Sibir. Những người còn sống được thả xuống, cho tự kiếm sống.
Vũ Thư Hiên
7/7/2018
.
Thanked by 1 Member:
|
|
#54
Gửi vào 30/06/2019 - 20:41
Phần (1):
*** Duyên phận cùng khổ
Dân
Ông Bảy có 7 anh chị anh. Chị lớn lấy chồng còn lại sáu anh em trai ế vợ đều hết do nghèo quá không ai lấy. Theo phong tục miền Nam, ông Bảy dù thứ 7 nhưng là con thứ 6 trong nhà. Má ông Bảy đẻ ông Tám khó quá nên lìa đời. Hai năm sau, ba ông cũng đi chầu ông bà. Chị Hai nghèo ráng lo thằng Tám còn lại mấy anh em đi ở mướn cho nhà giàu. Ông Bảy đi ở hồi 7-8 tuổi, còn nhỏ chỉ phụ cắt cỏ, gieo hột giống, phụ việc vặt trong nhà chủ kiếm cơm. Chủ thương cho học được học chữ nho để đọc được thôi, về sau ông được học lỏm thêm được thêm chữ Việt. Vậy là ông biết hai tuồng chữ, đọc thì được viết như cua bò. Sau lớn lên ông thích tuồng chữ Nho hơn, coi hát đình quệt cho nó oai.
Năm ông Bảy hơn 10 tuổi, chủ giao ông chăn bò, chăn được chục năm thì ông lấy vợ. Vợ ông Bảy là cô ở đợ chung nhà luôn. Năm sau, bà Bảy đẻ được thằng con trai coi bộ cũng được lắm. Ông sáng lùa bò ra đồng, đi chợ về nấu cơm cho vợ. Nhưng ai có dè bà Bảy ở nhà chờ đói quá, bà ra sau nhà thọc ( hái) trái đu đủ chín hòm hòm vô gọt ăn. Ông Bảy đi chợ về nghe con khóc dữ, chạy vô thì vợ sùi bọt mép cứng đơ rồi. Đám ma bà Bảy diễn ra đơn giản, ông Bảy xin nghỉ ôm con đi xin sữa. Đứa nhỏ thiếu sữa, bịnh ngặt ko lâu cũng chết. Ông Bảy buồn xin chủ cho nghỉ, ông bán mấy con bò. Bị vì hồi đó chăn lâu nên ông bà cho con bò cái già, nó đẻ được mấy lứa. Ông nhập chung bầy bỏ chủ chăn luôn. Ông lãnh lương cũng được một mớ, ông chia cho mấy anh em, rồi quẩy giỏ bỏ xứ mà đi. Năm đó , ông mới hơn 20 tuổi. Mang tiếng bỏ xứ chứ cũng ko xa lắm, cách có con sông thôi. Bỏ từ thành Tuy Hạ qua Cát Lái (đi xa ghê, cách 5 cây số ������������������).
Ông Bảy bỏ xứ đi mần mướn tiếp. Ông cứ cặm cụi mần không để ý chuyện vợ con, bao nhiêu tiền ông đi đá gà, đá cá. Chơi hết tiền thì thôi, không trộm cắp ai hết. Nhà ông Bảy ở kế bên một nhà làm thuốc. Thầy thuốc nhà đó già rồi, thiên hạ đồn có tay phục dược dữ lắm. Gia đình giàu có quan trong huyện cũng phải tìm tới. Nhà đó có đứa cháu ngoại coi cũng ngộ. Con nhỏ hay chạy chơi vòng quanh mấy bụi bông trang, da trắng phau, mắt to tròn, mũi thanh thấy thương lắm. Mấy bữa đi đá gà về ông Bảy hay mua cho nó mấy cái bánh. Con nhỏ khoái lắm.
Rồi nhà con nhỏ phá sản, ông ngoại nó khám bịnh cho quan. Dần lâu sa đà vô bàn đèn, thuốc phiện, gia sản bán hết, không ai tới khám. Ông ngoại nó chết vừa chôn người ta siết nhà luôn. Cả gia đình mười mấy người dọn ra bờ ruộng ở, nhà làm thuốc nên không trữ ruộng. Tới lúc bại sản không có nổi công ruộng để mần. Nên đi cắt cỏ bàng, cỏ lát về đan đệm, đan giỏ. Con nhỏ lớn lên đẹp lắm, nó cao nhong nhỏng. Ông Bảy đứng tới mang tai con nhỏ. Nó lớn lên lấy chồng gặp phải thằng âm hồn, con nhỏ sanh đứa con gái. Thằng chồng bỏ tại hổng biết sanh, trước đó thằng chồng lấy hai bà vợ đều sanh con gái. Con nhỏ năm đó mới 18, trẻ măng như bông chớm nở, ôm đứa con gái khóc không nên tiếng. Đêm ông Bảy nằm nghe đứa nhỏ khóc mà tội. Ông nhớ thằng con trai ông, năm đó nó cũng khóc như vậy, rồi lịm dần trên tay ông. Được đâu một tháng sau khi, cô Bảy hàng xóm bị chồng bỏ. Ông Bảy mê đá gà bên này bỏ đá gà, qua xin chắp nối với cô Bảy ( đây gọi là gì nếu không gọi là lợi dụng thời cơ ������������������).
Nhà cô Bảy đan chiếu mừng húm. Có thằng rước dùm đỡ miệng ăn, nghèo quá mà. Ngặt nổi cô Bảy hông chịu, do anh Bảy lớn hơn cô 18 tuổi. Má cô Bảy đánh cô dữ lắm, roi phướn đánh tím mình mẩy. Cuối cùng cô chịu về ở với ông Bảy, ngày theo chồng cô Bảy chỉ quẩy cái giỏ mấy bộ đồ cũ, ôm theo đứa con nhỏ.
Ông Bảy tính tới tính lui. Hồi đó, một mình ênh sao cũng được giờ có vợ con phải lo cho vợ con. Ông được người chỉ đi xin ruộng quan Tây. Nào giờ , ông có biết quan Tây đâu. Ông sợ Tây lắm, Tây nó lớn lắm, tóc cũng khác màu. Ông cũng đánh liều ra đồn Cát Lái xin ruộng. Hên sao, ông gặp quan Việt với quan Tây. Ông thấy đỡ lo, có quan Việt là mừng. Ông nói qua hoàn cảnh rồi cũng thiệt tình kể qua có người chỉ qua xin ruộng. Quan Việt nói gì đó với quan Tây, ông Tây nghe xong cười haha, rồi lại nói gì đó với ông Việt. Hai ông cùng cười, cuối cùng ông Việt nói lại :
- Đất gì là đất xin, đất này là của trời đất. Mày khai được tới đâu, cho tới đó. Miễn thuế 3 năm đầu.
Ông Bảy mừng quá, bái lạy lia lịa. Quan Việt tiếp lời:
- Mày biết mấy tuồng chữ.
- Dạ, thưa quan . Con biết hai tuồng chữ mà rành chữ nho hơn. Có điều con biết đọc thôi à!
- Mày đỡ hơn thằng hồi nãy. Mày tên gì?
- Dạ, thưa Quan. Con tên Nguyễn Văn Cát, tên thường kêu là Bảy Hạt. Vợ con là Nguyễn Thị Siêng, tên thường kêu là Bảy Siêng.
- Mày nghèo là đúng rồi. Siêng cỡ nào cũng số hột cát à con. Dìa đi!
Ông Bảy bái quan rồi dìa. Cái ông lo là lấy gì ăn trong lúc khai hoang? Vợ thì còn con nhỏ?
Kể từ bữa đó, ông nghỉ đi ở. Ông lên rừng đào củ mài về luộc đem theo ra đồng cắt cỏ khai hoang. Bà Bảy ban đầu ở nhà sau thấy chồng cực quá cũng ra đồng phụ. Ông bà bẻ tràm dựng cái lều nhỏ bỏ con trên bờ còn mình đi cắt cỏ. Ông lựa khoản đất gần chỗ nước dô ra cho có nước. Lần đầu, ông bà bắt tay mần ruộng. Vợ chồng ăn củ mài thay cơm. Đứa con thiếu sữa ốm nhách. May sao, bữa đó thằng Chín đi ngang. Nó hỏi:
- Chú Bảy! Cơm đâu mà chú thím hổng ăn, đi ăn củ mài chi cho khổ dạ?
- Gạo đâu mà ăn, hổng ăn củ mài cho đói hả?
- Hông có thì đi xin, tía con cũng xin mà. Hồi đó đói y như chú thím đi xin lúa về ăn.
- Ở đâu mà xin?
- Quan Tây chứ đâu trời, quan thiếu gì lúa!
Ông bà Bảy hết hồn nhìn thằng Chín.
Nguyễn Thùy Dương
Ngày 21/06/2019
Sửa bởi tuphuongsg: 30/06/2019 - 20:53
Thanked by 1 Member:
|
|
#55
Gửi vào 30/06/2019 - 20:51
Phần (2):
***Cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh
Ngã ba sông
Ngày hôm sau, dù là sợ nhưng ông Bảy cũng tới phủ quan trong thành Cát Lái. Gặp quan ông khúm núm chắp tay xá hai Quan. Quan Việt nhai trầu, Quan Tây phì phèo điếu thuốc phất tay ra hiệu cho ông Bảy nói chuyện:
- Dạ, thưa hai quan. Hôm bữa trước, con có tới xin ruộng. Được hai quan cho, con mừng lắm. Hai vợ chồng con nhờ bà con phụ mần cỏ, dọn bàng cũng được khá khá, ngặt nỗi. Vợ chồng con nghèo, có đứa con gái nhỏ, vợ con thì bầu bì. Tình thiệt với quan, tụi con phải đào củ mài ăn qua ngày. Nay qua đây xin quan thương cho con xin lúa giống về làm tiếp.
- Mày mần được mấy mẫu rồi? Hồi giờ, mày có mần ruộng chưa? t*o nghe lính báo mày khai hoang gần mé sông.
- Thưa quan lớn! Sáu mẫu hơn . Hồi giờ, con chỉ chăn trâu bò, cắt cỏ, mần mướn thôi quan. Con tính khai gần mé sông cho đỡ dẫn nước thưa quan!
- Ừa! Liệu mà làm, ba năm hông đóng thuế là t*o lấy lại ruộng. t*o cho mày hai chục giạ lúa, dư để làm giống. Còn thì để cho vợ con làm cái ăn, mần mà gặp Việt Minh ở đâu về báo quan chưa?
- Dạ, thưa quan! Việt Minh ra sao quan? Con hổng biết.
- Mày về thấy người lạ lúp lén báo t*o. Thôi đem lúa về đi.
Ông Bảy xá hai quan rồi theo chú lính qua cổng sau lấy lúa.May sao có xe bò dân đi qua, ông gửi nhờ đi về chứ làm sao mà vác cho nổi. Bà Bảy thấy xe bò bỏ lúa xuống bà mừng lắm. Bữa đó, nhà ông bà có một bữa cơm trắng với cá lóc kho, rau muống luộc.
Mùa lúa năm đó, ông Bảy không trúng lắm nhưng cũng đủ ăn, đủ sống. Ruộng gần sông tiện thì có tiện về con nước mà khổ cũng khổ vì con nước. Ông lên quan xin khai khúc ruộng trên rồi chịu khó khai nước lên làm dưới này đắp lại bờ không cũng muốn chết. Xong mùa lúa cũng là lúc bà Bảy đẻ được cho ông đứa con trai đầu. Ông cưng lắm, vừa được con trai. Trong nhà vừa có cái bồ hơn ba trăm dạ lúa. Ông vừa lo chợ búa, vừa khai ruộng trên, làm ruộng dưới, đi sớm về khuya. Ra tháng bà tự lo được, ông với mấy anh em trong xóm phụ nhau làm dần công. Mãn mùa năm đó, ông mua được hai con trâu. Ruộng trên thì qua mùa lúa năm sau là làm được. Cách năm sau đó bà Bảy đẻ được đứa con trai nữa. Cũng năm đó, dịch trái rạ bùng phát. Đứa con gái lớn may mắn qua khỏi nhưng hai đứa con trai nhỏ không qua nổi. Bà Bảy ngồi nhìn con như vô hồn, bà không chịu cho ai đem con bà ra đồng chôn. Ông Tám em trai bà đứng ôm vai chị : Chị Bảy ơi! Đừng buồn mà. Tui thương chị mà chị Bảy! Tui cũng thương thằng Tí với thằng Tèo nữa.
Bà Bảy như manh lá chuối khô quắt queo trong gió, ông im lặng hút thuốc. Xóm không có thầy chùa, phải qua xóm trong kiếm thầy. Hòm đóng bằng mấy tấm ván đóng lại. Ông Bảy đem con đi chôn ở đâu bà cũng không biết. Năm sau , ông bà trúng lúa đóng đủ thuế lúa cho quan. Trong nhà lúa ngàn giạ. Ông Bảy qua sông về quê thăm anh chị em, gói ghém mua mấy bao thuốc vấn cho anh em trai, sấp vải cho chị hai.
Ông về tới nhà ông Sáu đã giữa trưa. Ngồi hút điếu thuốc, uống ly nước trà rồi thủng thẳng nói chuyện. Đêm đó, ông ngủ lại nhà ông Sáu. Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông Bảy ngủ ở nhà trên lên tiếng: Ai?
Ngoài kia im bặt, ông Sáu bưng đèn dầu ra dấu cho ông Bảy giữ im lặng rồi nói nhỏ: "Thằng con lớn của anh Năm với chú Tám mình. Họ đi Việt Minh, ban ngày Tây lùng dữ lắm. Tối mới về đây"
Ông Sáu mở cửa hé cho đám người mặc đồ đen đi vô. Người có súng, người có dao. Vợ chồng ông Sáu dọn cơm ra cho họ ăn, cửa đóng chặt lại. Ánh đèn dầu loe loét sáng, ăn xong họ nói chuyện gì mà ông Bảy không rõ. Họ rút đi, ông Tám với thằng hai ở lại nói chuyện với ông Bảy:
- Sao tụi mày đi theo Việt Minh, phạm pháp, quan bắt chết, sống chui nhũi như vậy nữa.
- Anh Bảy à! Để giặc Tây trên đất nước mình mới là phạm pháp, phạm cái pháp làm người, cái pháp quân tử với ông cha. Tây họ đâu phải người mình đâu anh Bảy. Tui mấy lần qua bên anh, ngặt nỗi tui thấy anh thân với quan Tây quá tui hông ghé. Quan Tây cho anh ruộng để mần chẳng qua lấy lòng dân, bình định lòng dân thôi chứ họ thương gì dân mình. Mình tiếp tay cho Tây là phường phản quốc đó anh Bảy!
Ít học thiệt nhưng nghe tới chữ phản quốc là ông biết rất nghiêm trọng. Ông hỏi ông Sáu:
- Vậy t*o làm sao để không phản quốc?
- Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, mỗi người phụ một tay, hi sinh một chút để quốc gia sớm ngày độc lập. Nhiệm vụ tui sẽ báo anh sau. Hẹn anh đêm mùng 1 tháng sau , tui sẽ ghé thăm anh.
Ông Sáu với thằng Hai đi rồi ông Bảy ngồi châm thuốc hút, một lát cũng ngã lưng lên tấm ván chợt mắt. Sáng ra ông về sớm, phần vì lo vợ con, trâu bò ở nhà, phần vì nhiều suy tư. Ghe qua tới bến sông, ông đi vô xóm. Vừa đi vừa lên tiếng: "Hai à! Siêng à!"
Đứa con gái nhỏ chạy ra ôm chân ông. Ông đồng đồng con gái lên cổ đi vô nhà. Ông cởi áo dài, máng lên sào,lấy đôi guốc trong giỏ ra bỏ lên kệ. Đời nghĩ cũng ngộ mang guốc cho khỏi đau chân, dậm gai. Mà mang thì sợ mau hư nên không kẹp nách thì cũng bỏ trong giỏ xách. Ông vấn thuốc rê hút rồi hỏi bà: "hai bữa rày, ai coi trâu bò?"
- Tui nhờ cậu Tám coi dùm, cẩu được nghỉ học mấy bữa. Tui nấu cơm đem ra cho công cấy họ ăn. Cậu Tám giờ lớn bộn, cao hơn tui luôn, tiếng Tây nói cũng rành. Hôm qua, quan xuống thăm xóm, cẩu ra nói chuyện chạy ro ro. Quan khoái lắm. Cẩu nói, nửa mà cẩu lớn cẩu đi lính như quan Tây.
Ông Bảy nghe như sét đánh ngang tai ! Ông thở dài rồi vô nhà trong nằm. Ông nghĩ tới ngày ăn củ mài của hai vợ chồng, ông nhớ vẻ hoảng sợ của bà Bảy khi nước vô lở bờ, ông nhớ ngày bà lấy ông cả người toàn dấu đòn roi, ông nhớ ánh mắt đẹp mà vô hồn của bà ngày chiếc xe bò chở hai cái hòm đi. Ông muốn bà sung sướng, ông muốn bà vui vẻ sau bao nhiêu đau khổ mà sao khó quá. Cái câu: Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách và hai chữ phản quốc cứ lởn vởn trong đầu ông. Đời! Sống khó lắm!
Nguyễn Thùy Dương
Ngày 22/6/2019
Thanked by 1 Member:
|
|
#56
Gửi vào 30/06/2019 - 21:03
*************
Sinh nghèo, chết khổ
Phần (3):
***Sống nghèo, chết khổ (3)
Cô Tiếu ngồi ở bờ mương nước mắt tự nhiên chảy ra. Cô không khóc mà cũng không biết tại sao lại như vậy. Từ hôm qua tới hôm nay, cô không có hột cơm bỏ bụng. Cô đi năn nỉ mấy chỗ bán nhu yếu phẩm bán cho cô một hộp sữa đặc. Hay bán cho cô một ít thôi cũng được, cô trả gấp đôi, gấp ba tiền. Dù cô nghèo nhưng cũng ráng gom hết tiền đi mua sữa đặc cho ba mình - ông Bảy. Ông Bảy bệnh nặng lắm, chắc không qua nổi ngày mai. Từ lúc nhà nước mở ra Hợp Tác Xã bắt ông hiến đất, ông đâu có chịu, ông nói :"đất của tui có gần chục mẫu , dân nghèo xin tui cho bớt bây giờ còn có năm mẫu mấy. Hiến nữa là sao sống được ? Mỗi nhân khẩu mấy ông chia 900 thước thì chỉ có chết thôi. Tui hổng hiến gì hết". Họ đưa gia đình ông Bảy vào diện bất hợp tác với chính quyền. Họ kiểm tra nhà liên tục vì nghi ngờ có chứa ph.... đ..... Ông Bảy tức lắm vì họ không bán phân bón cho ông, ông làm gì họ cũng làm khó. Ông chửi thẳng luôn : Mịe! Tụi mày, anh em cháu t*o chết sạch. Cả dòng họ t*o chết hết vì đi theo tụi bây. Dòng họ bên vợ t*o cũng chết vì nghe tụi bây, t*o có một đứa con gái một là con Tiếu, cũng để theo tụi bây đưa đường, đưa tin, đưa đạn dược tới mức tù đày mang tật. Mà bây giờ, bây ăn ở như vậy, bây phải người không?
Chửi thì chửi vậy, qua năm sau ông cũng bị ép vô Hợp Tác Xã. Từ hồi vô HTX, ông Bảy xuống sắc rõ, ông không mần ruộng nữa mà để hết cho cô Tiếu và mấy đứa cháu ngoại mần. Ông chỉ ngồi nhìn ruộng rồi đôi mắt già nua đỏ lên, ông vấn thuốc hút, vừa hút vừa cười sằng sặc, nước mắt tuông ra. Ông lấy cái khăn rằn lau mặt, đứng lên chống gậy về, vừa đi vừa nói mấy câu trong vô định : Vô ơn là lính, bạc nghĩa là làng.
Đất của ông Bảy đo được năm mẫu hai. Họ trừ đủ thứ còn lại bốn mẫu tám. Họ cấp cho nhà ông một mẫu hai với công khai hoang là năm công nữa. Vị chi được một mẫu bảy. Một công mần trúng lắm thì cũng chỉ được 20 chục giạ một mùa. Đằng này chiến tranh kết thúc thì hạn hán xảy ra, phân bón không có đói nghèo một năm. Quan năm sau lúa trúng hai mùa tưởng đâu có được chén cơm đủ ăn thì họ chở lúa đi hết. Họ cấp phát lúa theo đầu người, dùng lúa trả công cho công thợ. Lỗ lãi ra sao dân không biết.
Nửa đêm ông nghe tiếng bước chân, tiếng mở cửa nhà, ông hắng giọng. Người kia lên tiếng : "tui nè ba." Ông Bảy giở mùng chui ra, thấy con gái ướt như chuột, quần săn ngang gối: "Bây đi đâu giờ này về "
- Tui đi ra ruộng, ăn trộm lúa. Lúa của mình, để mai mốt cắt rồi họ chở đi hết.
Bà Bảy kêu con đi thay đồ. Hai ông bà nhìn nhau nằm xuống ngó lên nóc mùng. Đèn dầu tắt rồi mà hai cặp mắt già nua còn mở trừng trong bóng tối. Con mình phải đi ăn trộm trên chính mảnh đất còn lại của gia đình, trên chính lúa nó trồng ra. Nếu bị bắt còn có thể bị ở tù. Hồi xưa, con ở tù một lần ở Chí Hoà vì tình nghi hoạt động c.... s.. ông bà đã sợ lắm rồi. Khi con đi nó bình thường khi nó về mắt đã lệch đi. Tội hoạt động c.... s.. là nghiêm trọng lắm. Người phụ nữ nhỏ bé đã nhất quyết không khai một lời nào về Đồng Bưng Sáu Xã, về những ai đang hoạt động đưa tin từ Cát Lái, Bình Trưng tới Đồng Bưng. Lính VNCH đã có gần như đầy đủ bằng chứng hoạt động của cô Tiếu. Đặc biệt người chiêu hồi đã khai rõ Tiếu giấu thùng đạn trong đống cỏ chở đi, mắc nối đưa tin đắc lực, giữ các thông tin về mắc xích hoạt động. Gia đình có một dòng họ bên nội kháng Pháp chết sạch, bà ngoại bị giết vì tiếp tay Việt Minh, cậu là công chức Pháp lại dẫn Việt Minh về đánh bót Pháp, sau chết mất xác. Cô Tiếu nhớ lại mỗi lần nghe tiếng cán bộ mở cửa là tim treo lên cổ, là ám ảnh khủng khiếp, gai óc nổi lên. Hai tháng ko lấy được tin gì. Nha cảnh sát Chí Hoà phải thả cô Tiếu ra, cô không biết đường về. Lúc họ bắt cô ở nhà, còng lại rồi chở đi. Cô không biết mình bị chở đi đâu. Từ nhỏ, cô chỉ quanh quẩn ở huyện Thủ Đức chứ chỗ này lạ lắm. May sao cô gặp một bà Đầm, bà cho tiền mướn xích lô chở về tới bến Bạch Đằng, cô đi đò về Thủ Thiêm, rồi đi bộ về nhà. Bữa đó, thấy con Bà Bảy đã khóc nhiều lắm. Bà tưởng đời này bà mãi là tre già khóc tiễn măng non. Khuya đêm đó, cán bộ ghé thăm nhiều lắm. Họ động viên hỏi thăm coi cô khai gì, cô có tính chiêu hồi không? Họ nói năng thâm tình lắm tới gần sáng mới rút đi.
*******
Cô Tiếu vẫn thẩn thờ. Tại sao hồi ba mình cầm đèn dẫn lối cho họ đi trong đêm hành quân, nấu cơm cho quân ăn không ai đòi ba mình giấy chứng nhận. Mà bây giờ, ba mình sắp chết rồi, họ đòi giấy chứng nhận của bác sĩ họ mới bán sữa. Mà bác sĩ đâu chịu vô cái vùng heo hút này để khám, ba mình lại không nằm xe bò nổi. Cô nhớ thùng sữa hộp quan Pháp cho ba mình lúc quan tới thăm kêu nhà cô đi qua Pháp khi họ rút về nước. Ông Bảy từ chối vì không muốn bỏ mồ mả ông bà, bỏ anh em chiến sĩ. Ông quan vỗ vai ba cô rồi đi. Ông nói không biết còn có cơ hội gặp lại không. Bây giờ thì cô Tiếu chắc rồi không bao giờ gặp lại.
Chiều hôm đó, nhằm ngày 23 tháng chạp năm 1979, ông Bảy tắt thở mà không được uống một giọt sữa nào trong cơn thèm của người sắp chết. Đứa cháu ngoại lớn đang đi nghĩa vụ không kịp về nhìn mặt ông ngoại lần cuối. Trước khi đi ông Bảy dặn con: "Tiếu! Ruộng của ba khai hoang, kêu họ trả đủ lại cho mình nghe con. Của ba để lại cho con nghe Tiếu. Ráng lo cho má nghe con"
Ánh mắt tật nguyền của cô Tiếu không rõ là căm giận hay đau thương. Cô không khóc, cô chỉ nắm tay ba mình. Cô nhớ ba cô từng nói: t*o khổ nhiều rồi đặt bây tên Tiếu cho bây vui cười cả đời. Tiếu là cười mà sách nho viết vậy.
Nguyễn Thùy Dương
Ngày 23/6/2019
Sửa bởi tuphuongsg: 30/06/2019 - 21:04
Thanked by 1 Member:
|
|
#57
Gửi vào 30/06/2019 - 21:14
***Sống nghèo, chết khổ (4)
Ông Bảy qua đời đến cái hòm cũng phải mua thiếu, trại hòm cho mượn cặp chim phụng chạm khắc đóng đầu hàng. Họ nói nếu hỏng có tiền thì ra tới huyệt mộ họ cạy cặp chim đem về cũng được. Nhưng cô Tiếu hông chịu bị vì ngày cô lấy chồng ba cô làm đám cưới hết 2 con bò, đãi ăn hai ngày hai đêm, quần áo, vàng bạc, vải vóc không thiếu. Nay cha chết mà để người ta cạy đầu hàng, cô chịu không đặng.
Ông Bảy được bầu làm ông hương đình. Cô Tiếu lớn lên gặp lúc chiến trận dữ dội không được học nhiều do chạy nạn. Chạy từ Xóm Mới chạy riết vô Bình Trưng. Nhờ có bà cô của ông Bảy hiếm muộn không con cái nên cho ông phần đất thừa tự ở xã Bình Trưng. Cô Tiếu không được học nhiều cô biết mặt chữ, biết nói tiếng Pháp.
Cô thích đi chăn bò, chăn trâu kiếm lúa, mấy bữa thả trâu về Xóm Mới. Cô mon men cùng đám bạn leo lên tường nhìn vô thành Cát Lái... Thời Pháp thành Cát Lái chưa có bến Cảng cho tàu ra vô, con chim sắt bay từ cái đường láng, bay xuống mặt nước sông rồi bay vút lên trời. Đám trẻ chăn trâu, bò khoái lắm. Cô Tiếu được coi là dữ tinh nhất trong đám trẻ. Bữa trước, cô đang cho bò ăn cỏ máy bay đáp xuống, bầy bò chạy tán loạn. Cánh quạt quạt cô sấp mặt xuống cỏ. Cô trườn lên phía mặt trước máy bay cho đỡ gió theo kinh nghiệm gặp con chim sắt mấy lần. Cô bật dạy chạy ù vô thành, không thèm nói chuyện với quan Việt. Cô liếng thoắt với quan Tây, đại khái là ông phải cho con chim sắt hạ chỗ khác, tránh bầy bò của tui ra, cô vừa nói vừa nhảy nhót. Một con nhóc 12 tuổi đòi quan bắt lính đi kiếm bò về cho mình. Nếu không đền đủ tiền cả bầy bò cho mình. Cả phủ quan cười ầm lên rồi bắt lính đi lùa bò phụ.
Mười 14 tuổi, cô đi đưa thư liên lạc, gửi thuốc men cho Việt Minh từ Rạch Chiếc cho tới Tam Đa (Long Trường bây giờ). 19 tuổi lấy chồng, sinh được hai con thì chồng chết. Sau đi bước nữa, sinh được hai đứa con nữa thì cũng gãy đổ. Cô một mình phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con, giúp đỡ cách mạng. Chỉ với ý nghĩ đơn giản : người Việt làm chủ nước Việt, khi đó cuộc sống của ai cũng sung sướng hơn gấp ngàn lần. Tây dù sao cũng tóc vàng, mắt xanh. Hông phải người mình, hông được.
******
Sau khi chôn cất ông Bảy ở mảnh đất sau nhà, chủ trại hòm cho lính vô đòi tiền liên tục. Cô Sáu phải vô trại hẹn nợ để thủng thẳng cô trả chứ cô quyết không quỵt đâu mà lo. Nghĩ thói đời cũng bạc, chủ trại hòm đó ngày xưa nghèo khó từng ở nhờ nhà cô, cả cha lẫn con. Ông Bảy đối người không tệ, cho ăn uống, giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Vậy mà tới khi ông nằm xuống họ quên mất cái nghĩa hàn vi.
Nghĩ chủ trại hòm đã bạc vậy mà thói đời nhiều thứ còn chua chát hơn. Ông Bảy mồ chưa nảy đậu, Hợp Tác Xã gạch tên ông, thu lại 900 thước đất ruộng. Có nghĩa là ông không để lại được phần ruộng của chính ông được chia trên chân đất cũ của mình cho con cháu mình. Đời còn gì nghẹn ngào hơn cha chết, nợ chồng chất, mẹ già hai đứa con sau còn nhỏ, phần ruộng của cha mình bị thu lại. Cô Tiếu trở nên khắc nghiệt hơn hẳn.
Sau này, Hợp Tác Xã không còn chở lúa đi nữa. Họ chở một phần thôi, phần còn lại thuộc về dân. Nhưng trừ tiền phân bón, thuốc thang cũng không còn gì nữa. Cô Sáu nuôi mấy con heo, lấy vỏ trấu xay ra làm cám cho heo ăn, mót vỏ mít, cắt rau dền gai về băm ra nấu cháo cho heo ăn. Bà Bảy lớn tuổi không làm được gì. Bà ở nhà cho heo ăn phụ con gái mấy lúc nó đi làm đồng, đi xúc tép, cắm câu, đặt truôn..... Mấy bữa, bà Bảy bằm rau dền gai, gai đâm hai bàn tay bà nhốm đỏ hết. Bà vẫn vô thức xếp rồi băm.
*****
Năm 1990, HTX giải thể vì hoạt động không hiệu quả. Bà Tiếu nhớ lời cha dặn đi đòi ruộng lại. Bốn mẫu tám, anh chia tui một mẫu , bảy trăm bốn mươi bảy mét. Cha tui chết anh trừ 900 thước vị chi còn một mẫu sáu tám trăm mét. Bốn mẫu tám là 48.000m2 - 16800= 31200m2. Nhưng cán bộ trừ sao không hiểu : 48000m2 - 16800m2 = 20.396m2. Và thông báo phần đất này đã giao cho dân không trả lại bà Tiếu.
Trước đó, cuối năm 1989, bà Tiếu gả con gái Út cho một chàng trai dân gốc An Phú huyện Thủ Đức. Con trai của một chủ lưới chim. Ngày 28/8/1990, cô Út sinh được đứa con gái đầu lòng ở trạm xá Ấp Tây, xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức. Cô mong con lớn lên hiền lành nhu mì như cây liễu trong ngôi chùa bên xóm nên đặt con tên Thuỳ Dương. Đứa nhỏ dặt dẹo khó nuôi, khóc miết, trái tính. Cô Út ẵm con đi coi thầy thì được phán: không cọp cũng hùm chứ thuỳ mị gì mà mong. Về kiếm ai tuổi cọp cho nhận làm con nuôi người ta. Về lấy cái thúng, bỏ vô, đem ra đầu đường, nhờ người tuổi cọp đó lượm về nhận đỡ đầu.
Cô Út nghe lời về nhờ chị Ba mình tuổi Dần đi lượm con nhỏ vô dùm. Đặt tên ở nhà là Xí Được ý là con lượm được chứ không phải con ruột.
Nguyễn Thùy Dương
Ngày 24/6/2019
Sửa bởi tuphuongsg: 30/06/2019 - 21:18
Thanked by 1 Member:
|
|
#58
Gửi vào 30/06/2019 - 21:30
Phần cuối:
***Sống nghèo, chết khổ (5)
Lấy của người nghèo chia cho người nhà
Bà Tiếu đi hái rau mát ngoài ruộng về thấy hàng rào kẽm gai rào trước nhà đâu mất. Bà vô hỏi má mình là bà Bảy :
- Má! Cái hàng rào kẽm gai của mình đâu rồi má?
- Tám Thuận nó tháo qua rào mì nó trồng rồi!
Bà Tiếu thủng thẳng qua nói chuyện với Tám Thuận:
- Anh Tám ! Hàng rào của em , anh tháo rào mì. Chừng nào mì lớn , anh trả hàng rào cho em nha anh Tám !
Tám Thuận trợn trừng nhìn bà Tiếu, ổng đang là cán bộ xã lấy hàng rào mà con mẹ dân đen dám ăn nói như vậy. Tám Thuận quát luôn:
- Hàng rào gì của mày? Mày liệu hồn t*o còng đầu mày đó!
Bà Tiếu không nói gì, bà quày quả về nhà tháo bó rau mát xuống. Dặn má mình xắt rau trộn cám cho vịt ăn. Bà đạp thẳng lên xã gặp cán bộ xã
- Anh Năm! Khoẻ hả anh? Tui lên hỏi anh Mỹ nó rút về nước hết chưa anh?
Ông Năm Ghẻ lạ gì tính bà Tiếu hồi đi hoạt động. Từ ngày thống nhất bà không liên hệ gì với chính quyền, bà mà tới thì lo nhiều hơn vui. Nên ông cũng nhẹ nhàng đáp lời:
- Dạ, họ rút về hết rồi chị.
- Tụi này bậy quá, rút về mà để quên đồ anh ơi!
- Sao kì vậy chị?
- Hồi Mỹ Nguỵ nó chỉ kiềm kẹp thôi là nó có cái kiềm với cái kẹp. Nó về nó đem theo cái kiềm với cái kẹp. Không biết nó có để quên cái còng , còng đầu không mà thằng Tám Thuận vừa ăn cắp kẽm gai, vừa đòi còng đầu tui vậy anh? Anh kêu nó về đây còng đầu tui thử ?
Nói rồi bà bỏ về, sáng hôm sau, Tám Thuận đem cuộn kẽm gai qua rào lại cho bà, lẳng lặng chuồn mất.
****
Năm con Xí Được 3 tuổi, nó ý thức được chiều chiều bà cố nó dẫn nó lên bờ hầm cá trên đường lộ ngồi. Bà cố nó già lắm rồi, da nhăn, tóc bạc búi một cục đằng sau đầu. Bà cố nó hay ăn trầu, bà có cái ngoáy trầu bằng đồng cầm nặng trịch à.
Cố dẫn nó lên ngồi đầu lộ, lâu lắm mới dẫn nó về. Cố chống gậy nó lủng chủm chạy theo. Bên đường là con kênh chạy dọc về nhà. Lâu lâu, nó hỏi Cố : Lên đây chi vậy cố? Ngày nào cũng ngồi chán lắm!
Bà cố nó chỉ nói : Cứ lên đợi đi, thế nào nó cũng về à!
- Chờ ai vậy Cố ? Con chán rồi! Con hông chờ đâu, Cố dẫn con đi uống nước trái vải đi!
Con nhỏ khoái chai nước trái vải bằng thuỷ tinh trong suốt, thơm phức. Mà tới 1000 đồng 1 chai lận. Lâu lâu, Cố nó cũng dẫn nó đi. Lúc trả tiền, Cố nó mở mấy lớp túi nilon lấy ra hai tờ 500 đồng đỏ chói đưa cho chủ quán.
Cứ như vậy, mỗi buổi chiều , nó chạy chân sáo theo Cố nó chờ. Cho đến khi nó gần 6 tuổi, Cố nó yếu lắm rồi. Nhưng cứ ngày nào đi nổi , Cố đều dẫn nó lên đầu đường để chờ. Rồi Cố cũng nói :
- Cố chờ thằng Tám. Ông cố Tám của con. Nó tên Nguyễn Văn Tấn - Tám Tấn nó đánh bót Thủ Thiêm cuối thời Pháp mà chưa về nữa. Hồi đó, nó hứa Pháp về nước là nó về nhà ở với chị Bảy là ở với Cố con biết hôn. Cái thằng nó tệ lắm. Hơn 50 chục năm rồi mà nó chưa về. Người ta nói nó chết rồi, xác thả xuống sông. Cố có lên Thủ Thiêm kiếm mà không có. Nó đẹp lắm, cao ráo, trắng trẻo. Nó đi lính Pháp mà nghĩ lại người Pháp không phải người mình nên bỏ theo Việt Minh. Quan Pháp kêu vợ nó làm sao bắt được nó về thì quan thưởng, con đó giả bệnh dụ má của bà cố qua cắt giác. Rồi để cho lính bắt bà sơ con luôn, thằng Tám nghe tin về cứu mẹ thì họ giết bà sơ rồi. Nó điên lên đánh bót Tân Lập, bót Cả Bảy. Nó về kiếm vợ nó mà nó không giết con nhỏ. Nó chỉ bắn một phát lên trời rồi bỏ đi. Lần cuối nó về nhà là lúc nhà còn ngoài Xóm Mới, đêm đó mưa lắm. Nó ướt nhem, nó nhìn cố, nắm tay cố, nó rờ ngoại con. Nó hứa Pháp rút nó về, nó còn kêu Cố lên báo quan nó về ăn trộm tiền. Chứ không thì họ cũng biết nó về, liên luỵ Cố. Ngoại trừ ông Cố con, con cháu trong nhà. Nó là người thân duy nhất của Cố. Cái thằng cũng bạc hơn 50 chục năm rồi mà nó hổng về!
24/2 âm lịch năm 1996 , bà Bảy mất, bà thọ 83 tuổi. Bà mất khi không được nhìn đứa em trai mình thương yêu nhất - thằng Tám của bà. Để khi đứa cháu cố của bà năm nào lớn lên nó cảm nhận được nổi đau của người đàn ông mất mẹ do vợ hại. Nó cảm nhận được nổi đau, giằng xé của người chị chờ em hơn 50 năm trường vẫn không tin em đã chết. Nỗi đau của người đàn ông trẻ về thăm chị đêm mưa, để rồi phải tự mình kêu chị đi báo quan. Có những thứ trên vạn dặm chiến trường vẫn khiến người ta ngoảnh lại đau thương, nhung nhớ muốn được tựa vào đó là tình thân ruột thịt. Suốt bao năm nay, tôi tự hỏi ai trả lại được cho những con người thiên cổ nghẹn ngào đó một kết cục tốt đẹp. Mong sao họ gặp nhau khi đã mất, có thể ôm nhau, cái ôm của thương nhớ đợi chờ.
*****
Bà Tiếu suy tính nếu thằng cán bộ đã nhất quyết trừ sai, nó nói ruộng mình trừ phần mình nhận lãnh ra còn 20.396 m2 thì mình cứ đi đòi số đó. Bà ráng viết đơn đạp xe đi gửi lên huyện nó trả lời ko trả dù có chủ trương của ông Nguyễn Văn Linh nào đó kêu trả dân về chân đất cũ. Thế là bà Tiếu và 10 hộ dân được lãnh ruộng của ba má bà xảy ra tranh chấp. Người dân được cấp ruộng thì chắc rằng đây là phần ruộng nhà nước cấp cho mình. Bà Tiếu thì đòi phần ruộng của ba má mình, bà nói thẳng: "Nhà nước chia lắm! Chia lên kinh tế mới đó, không làm hợp tác xã nữa thì trả ruộng cho tui."
Khi người dân đứng giữa cuộc tranh chấp chính quyền địa phương không hoà giải mà cứ mặc tình họ. Dân lúc đó dùng vũ lực để nói chuyện với nhau. Ngày nào, cánh đồng Cát Lái cũng xảy ra đánh lộn, chém lộn, phản , mát, dao phay luôn có sẵn. Khung cảnh dành ruộng cứ như cuộc chiến thời phong kiến. Sai lầm bắt nguồn từ đâu ? Có phải chăng từ cải cách ruộng đất đưa đất vào Hợp Tác Xã ?
Năm 1998, thành phố H.C.M ra quyết định thu hồi phần đất trên giao cho Uỷ Ban Nhân Dân Quận 2 quản lý. Họ nạy ra lý do là phần đất trên do ông bà Bảy thuê của chế độ cũ. Nhưng họ quên mất trong quyết định giao 17.747m2 đất có 1 chi tiết rất nhỏ nhưng khẳng định đó không phải là đất thuê.
Năm 2002, 11 hộ dân vẫn tiếp tục kiện tụng tuy nhiên có một điều vi diệu đã xảy ra. Vào thời điểm này, Quận 2 bắt đầu Công Nghiệp Hoá Hiện Đại Hoá đất nước, ống khói công nghiệp là biểu tượng phát triển. Họ quy hoạch một phần phường Cát Lái để làm khu công nghiệp. Họ chia thành 4 khu, khu Công Nghiệp Cát Lái cụm 1 ( KCNCL) , cụm 2, cụm 3, cụm 4. Ở phần đất của KCNCL cụm 1,2 giá đền bù chỉ có 60-80 nghìn đồng/1m2. Nhưng ở khu CNCL 3,4 có giá từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng cho 1m2. Đất bà Tiếu và 10 hộ xã viên tranh chấp nằm ở cụm 4. Nó được chuyển đổi công năng thành khu dân cư nên giá đền bù cao hơn khu 1,2.
Thật ra chính sách về giá đền bù đã sai ngay từ đầu khi bắt hàng trăm hộ dân ở khu CNCL cụm 1 chịu hi sinh nhận đền bù thấp để phát triển đất nước. Không có một truyền thống hay chính sách nào có thể hút máu dân 1 khu vực để nuôi dân 1 nước cả. Nếu có nó chỉ là chính sách của giống khác loài. Xui rủi thay người nhà cán bộ toàn có đất ở khu CNCL cụm 1,2. Khi hàng trăm hộ dân đau khổ thì họ vẫn bình chân như vại. Họ ko nhận tiền đền bù, họ nhận đất. Tất cả các phần đất đang tranh chấp của dân ở khu CNCL cụm 3,4 được hoán đổi cho người nhà cán bộ. Đúng là mọi con vật đều bình đẳng nhưng có một số con bình đẳng hơn.
Khu Cụm 3,4 ngoài bà Tiếu và 10 hộ dân còn hàng chục gia đình đang tranh khác cũng mất đất. Để đến khi các hộ dân hoà giải tỉ lệ xong, Quận 2 trả lời không còn đất để đền. Khó vậy mà họ cũng nghĩ ra được. Đúng không cô Thái Thị Hạnh người xuất thân là lính của Bác Hai - LTH trong phong trào Thanh Niên Xung Phong? Lúc đó ai ký hoán đổi đất vậy cô?
Nguyễn Thùy Dương
Ngày 25/6/2019
Thanked by 1 Member:
|
|
#59
Gửi vào 12/07/2019 - 21:04
Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước, một tổng kết được công bố chính thức của khoa nhi về tình hình bệnh nhi tại bệnh viện Đà Nẵng cho thấy mô hình bệnh tật của địa phương này đảo nghịch so với mười năm về trước (những năm cuối thập niên 70): các bệnh lý nhiễm trùng đã xếp hàng thứ chín, thứ mười và các bệnh lý về bẩm sinh, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng chiếm hàng một, hai, ba.
Thế tuy nhiên, tại phòng hô hấp nơi tôi trực tiếp điều trị, các bệnh viêm phổi, viêm phế quản phổi vẫn còn nhiều. Đặc biệt vẫn còn nhiều bệnh nhi viêm màng phổi mủ.
Một ngày vào cuối tháng 5 năm 1989, cái nóng oi bức của miền Trung như bao trùm cả bầu trời, phòng bệnh số 2 của tôi có mười giường, nhưng hết bốn giường là trẻ bị viêm màng phổi mủ. Hàng ngày ngoài công việc khám bệnh cho thuốc, tôi còn phải làm các thủ thuật bơm hút, súc rửa màng phổi, đặt máy hút áp lực âm... Công việc cần sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn, phải chịu mùi hôi thúi của các vi khuẩn sinh bệnh. Chúng tôi tất bật cả ngày.
Bé Lê Hồng Đức 4 tuổi vừa nhập viện, qua thăm khám và kết quả của cận lâm sàng, em được chẩn đoán là viêm màng phổi mủ. Tôi chọc dò màng phổi thấy có mủ màu vàng đục, đặt dẫn lưu, cho cấy vi trùng và điều trị.
Gia đình bé Lê Hồng Đức cư trú tại thành phố, khá giả, người mẹ xin được nằm ở phòng điều trị theo yêu cầu, nhưng khoa nhi chúng tôi không có phòng điều trị theo yêu cầu; chúng tôi sắp xếp cháu nằm cạnh giường một bé trai 12 tuổi cũng bị viêm màng phổi mủ đã được điều trị hơn 10 ngày. Quả thật khi nhìn những đứa bé với những ống dẫn lưu cùng một bình mủ ở góc giường ai cũng phải e ngại, sợ lây lan. (điều trị theo yêu cầu – kế hoạch 3 sẽ đề cập sau).
Cháu Đức điều trị bảy ngày, mủ khô, rút ống dấn lưu và ra viện. Trong khi đó, bệnh nhi vào trước cháu Đức 10 ngày vẫn tiếp tục nằm lại, bệnh chưa dứt.
Vào một buổi trưa, vừa đạp xe về đến nhà, tôi thấy có một người phụ nữ nông thôn, áo quần nhăn nhúm, xộc xệch, nách ở hông một bao cát 10kí nhìn lại tôi nhận ra chị ấy là mẹ của cháu Nguyễn Văn Lợi 13 tuổi bị viêm màng phổi mủ, nằm giường số 8 cạnh bé Lê Hồng Đức 4 tuổi vừa ra viện sáng nay. Tôi hỏi:
– Chị đi đâu thế?
– Thưa bác, cho tui gặp bác thưa tí chuyện. Chị ấy nói.
Tôi mở cổng, mời chị vào nhà.
Loay hoay đặt bao cát lên bàn làm việc của tôi, chị nói:
– Gia đình tui ở nông thôn không có gì, biếu bác 10kg nếp để bác dùng, mong bác chú tâm điều trị cho cháu Lợi nhà tui, nó điều trị đã 17 ngày nhưng chẳng thuyên giảm chút nào. Thấy cháu Đức mới vào mà được ra viện sớm làm tôi càng lo lắng.
Một thoáng buồn giận nhen nhóm trong lòng tôi. Tôi đi lấy nước mời chị ấy uống và cố giải thích cho bà mẹ nôn nóng đó hiểu:
– Cháu Đức bị viêm mủ màng phổi giống cháu Lợi nhà chị nhưng thể trạng cháu khỏe, bệnh phát hiện sớm, vi trùng gây bệnh là loại ít độc, không đề kháng thuốc, do vậy việc điều trị đáp ứng nhanh hơn. Còn cháu Lợi nhà chị, thể trạng chung không tốt, bệnh phát hiện chậm, vi trùng độc hơn, lại đề kháng thuốc, nên đáp ứng điều trị chậm hơn.
Bà mẹ cháu Lợi vẫn chưa hiểu được hết lời tôi, hoặc có thể chị ta cho rằng tôi nói dối.
– Mong bác sĩ quan tâm điều trị cho cháu Lợi, chúng tôi sẽ không quên ơn bác. Chị ấy nói với đôi mắt đỏ hoe và đẩy bao nếp vào tận mặt tôi.
Tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng cố kìm lòng, đi lấy nước uống. Làm sao tôi có thể giải thích cho chị ấy hiểu được đây. Biết chị không hiểu hết nhưng tôi vẫn cứ nói:
– “Cháu Đức bụ bẫm, đến điều trị sớm, bệnh do phế cầu khuẩn* lại có điều kiện dùng thuốc ngoài danh mục. Còn cháu Lợi con chị đến bệnh viện khi mủ đã quá nhiều, dẫn lưu gần nửa lít, thể trạng suy dinh dưỡng, vi khuẩn gây bệnh là tụ cầu vàng**, dùng thuốc trong danh mục. Sau 5 ngày dùng methicillin, không hiệu quả, làm kháng sinh đồ thấy vi trùng kháng thuốc, chúng tôi phải huy động quỹ bệnh nhân nghèo (quỹ do chúng tôi tự lập) đóng tiền viện phí cho cháu Lợi để cháu được dùng thuốc ngoài danh mục, bệnh có chiều hướng tiến triển tốt hơn. Thế nhưng do thể trạng chung của cháu quá yếu nên mủ chưa khô, vẫn phải súc rửa hàng ngày”.
Tôi tiếp tục giải thích:
– Bệnh của cháu cho đến giờ phút này xem có tiến triển tốt, nhưng cần phải theo dõi thêm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, chị hãy mang 10kg nếp về bán lại đi, lấy tiền lo thức ăn cho cháu.
Người mẹ vẫn lúng ta lúng túng không chịu ra về. Để chị yên tâm, tôi nhận bao nếp của chị, và nói:
– Thôi chị về đi kẻo không ai trông cháu Lợi ở bệnh viện.
Ngày hôm sau tôi khệ nệ chở bao nếp sau xe đạp từ nhà đến bệnh viện, ôm nó lên phòng làm việc, nhờ chị y tá Ngò đi bán lại, lấy số tiền ấy đóng thêm viện phí cho bệnh nhân Lợi.
Thế rồi em Lợi cũng được ra viện sau 25 ngày điều trị. Lòng tôi nhẹ nhỏm.
Ngày 25 tết năm đó, vào bữa trưa, trời se se lạnh, đạp xe về đến cổng nhà tôi thấy hai mẹ con cháu Lợi đứng chờ tôi ở cổng với con gà trống nhốt trong cái lồng tre. Người mẹ ăn mặc sạch sẽ, cháu Lợi đã hồng hào hơn. Tôi mời hai mẹ con vào nhà. Đặt chiếc lồng tre có con gà trống xuống nền nhà chị ấy nói:
– Gà nhà nuôi đem biếu bác ăn tết.
– Cám ơn hai mẹ con, tôi nói và cầm cái lồng gà đem xuống bếp.
Sau khi hàn huyên vài ba câu chuyện quê làng, tết nhứt, tôi vào bàn làm việc của anh Chu Sơn ở phía trong tìm một cái phong bì và lấy tiền bỏ vào – số tiền nhiều hơn giá con gà cọng với tiền xe đi về và tiền ăn uống dọc đường của hai mẹ con cháu Lợi một chút. Trở lại phòng khách tôi đưa phong bì cho cháu Lơi và nhỏ nhẹ nói với bà mẹ:
– Đây là tiền lì xì Tết cho cháu Lợi, chúc cháu ngoan, gia đình yên vui khỏe mạnh.
Người mẹ ngần ngại không muốn lấy. Nhưng tôi cố thuyết phục chị.
Sau khi dặn dò đôi ba câu về sức khỏe cho chị, cho cháu Lợi, tôi hối thúc hai mẹ con ra về kẻo đường sá xa xôi.
Trước khi ra về người mẹ nói nhỏ với tôi:
– Bác có áo quần cũ không cho tui xin một ít.
Nghe chị hỏi, tôi ngẩn ngơ giây lát, nhưng rồi kịp định thần và nói:
– Chị ngồi chơi đợi tôi một chốc nhé.
Tôi vội vã lên gác mở tủ áo quần của chồng con tôi, của tôi và lựa những cái ít mặc, gói vội vào một túi ni lông đem xuống cho chị.
Hai mẹ con vui vẽ nhận lấy và ra về.
Từ đó, hàng năm vào mấy ngày cận Tết âm lịch, tôi lại tiếp hai người khách đặc biệt từ Đại Lộc xuống với một con gà trống, có khi là con trống thiến. Hai mẹ con cháu Lợi nhận lại một ít tiền và áo quần cũ, bánh mứt của tôi.
Té ra cái kế hoạch 3 của ông LD cũng có một tý khía cạnh tích cực của nó.
(Tôi không biết kế hoạch 1, kế hoạch 2 là gì chỉ nghe được kế hoạch 3 từ các chị đảng viên trong bệnh viện).
Ông LD quả là thiên tài kế hoạch. Sáu năm trước, năm 1976, sau cuộc chiến tranh long trời lở đất chống Mỹ - Ngụy, ông thừa thắng xông lên lùa đẩy nhân dân cả nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Ở miền Nam ông tiến hành một loạt các cuộc cải tạo: Cải tạo ng... q... ng... q..., cải tạo văn hóa văn nghệ, cải tạo tư sản công thương, cải tạo nông nghiệp nông thôn. Cả miền Nam biến thành một đại công xã cải tạo. Mà cải tạo là gì? Cuối năm 1975, một giảng viên môn Mác Lênin từ Hà Nội vào đã định nghĩa với sinh viên năm cuối chúng tôi tại đại học y khoa Huế rằng: “cải tạo là cướp lại những gì đã bị ăn cướp”. Cuộc diện ăn cướp và bị ăn cướp đã diễn ra suốt bốn năm tại miền Nam giữa hai phe cách mạng và tư sản ph.... đ..... Thắng thua thế nào người đời sau có thể nhận biết qua thành ngữ: “Miền Nam nhận họ - miền Bắc nhận hàng”. Nhận họ để khỏi hoặc giảm nhẹ tình thế bị ăn cướp. Nhận hàng thì mênh mông chi xứ những gì ăn cướp được: Vàng bạc, nhà đất, xe cộ, hàng hóa...(nhiều hơn bất cứ nước c.... s.. nào!). Cái chở được thì chở, cái không chở được thì bên thắng cuộc chia nhau tại chỗ. Bên thua cuộc thì hàng trăm ngàn người chết trong các trại cải tạo, hàng triệu người chết trong các cuộc vượt biên, vài ba triệu người tứ tán trên khắp thế giới, hàng mấy chục triệu người ngỡ ngàng, tuyệt vọng, căm thù trong đói nghèo, bệnh tật, lang thang đầu đường xó chợ. Cải tạo chưa xong, đảng c.... s.. hô hào quân dân đoàn kết đương đầu hai cuộc chiến tranh với hai cựu đồng chí: Trung Cộng ở phía bắc, và Campuchia ở phía tây nam. Lại hàng triệu thanh niên chết chóc, tật nguyền. Cả đất nước điêu linh. Cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội long trời lở đất hoàn toàn bị phá sản. Trước tình hình đó TBT LD nghĩ ra kế hoạch 3.
Như thế là cả nước tạm thời quên khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” để mà thi nhau thực hiện kế hoạch 3. Cán bộ, cơ quan, lãnh đạo, nhân viên, trong đảng, ngoài đảng, người ồn ào hăm hở, người âm thầm thận trọng, gần như tất cả mọi người ai cũng muốn “no cái bụng cái đã”. Kế hoach 3 thực chất là một giải pháp tạm thời nhằm mục đích “chữa lửa” hơn là một kế hoạch chiến lược như tên gọi của nó. Nó thể hiện tính chất bản năng hơn là hành động lý trí.
Chuyển động theo kế hoạch 3 dễ thấy nhất trong hai khu vực giáo dục và y tế. Thời bao cấp – thời đảng c.... s.. lùa đẩy nhân dân “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” – đảng c.... s.. bao sân tất cả: giáo dục, y tế miễn phí toàn dân. Cán bộ giáo dục, y tế cũng như tất cả mọi người trong quỹ đạo (quân đội, công an, viên chức hành chánh...) sống bằng lương và tem phiếu. Cuộc sống bao cấp ấy dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất: bụng thì thiếu đói, đầu thì lơ láo bần thần, nghẹn ngào căm giận. Nay thì đảng cho phép mọi người làm cái gì đó để kiếm thêm ngoài giờ: Bác sĩ mở phòng mạch tư, giáo viên dạy thêm ở nhà... Xã hội chuyển dần từ tình trạng ngăn sông cấm chợ qua tình trạng “chợ hóa” mọi nơi. Trường học, bệnh viên, cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội, lãnh địa công an biến thành chợ. Mọi người, mọi thứ đều có thể mua bán là hậu quả của “kế hoach 3”.
Năm 1986, người sáng tạo ra kế hoạch 3, TBT LD chết. Nhân vật kế nhiệm, TBT TC, tiếp tục cuộc chữa cháy bằng sách lược: “Kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa”. TBT CT là lý thuyết gia hàng đầu của đảng c.... s.. thời chiến tranh Việt – Pháp, là tổng chỉ huy công cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, là người chủ trương đàn áp nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm; ông chứng tỏ là một lý thuyết gia lão luyện của đảng c.... s... Ông sửa sai học thuyết cách mạng của LD. LD chủ trương: Sau khi đánh thắng đế quốc Mỹ, trong hòa bình và thống nhất, Việt Nam từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, nhưng với sự giúp đỡ của Liên xô, đảng c.... s.. Việt Nam quyết đưa đất nước tiến thẳng lên Xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Kết quả là đất nước điêu linh. Không có chủ nghĩa xã hội gì cả.
TC chủ trương: Vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội, nhưng có thể làm một bước thụt lùi: áp dụng kinh tế thị trường với đầu tư nước ngoài và đảng viên biến thành tư bản đỏ. Như thế là đảng c.... s.. một tay thu tóm tài nguyên quốc gia, vơ vét sức lao động của nhân dân, hợp tác với tư sản ngoại bang, bất chấp quyền lợi quốc gia dân tộc; một tay nắm súng và chìa khóa nhà tù, đưa đất nước trở lại thời kỳ tư bản man rợ. Bởi vì: “Thà mất nước, mất dân, không thà mất đảng”... Nhưng đây là chuyện về sau. Xin trở lại kế hoạch 3 với góc nhìn của người thầy thuốc trong cuộc.
Kế hoạch 3 bắt đầu âm thầm nhưng đều khắp trên toàn quốc vào mấy năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ 20). Có lẽ ông LD không muốn công khai thừa nhận sự sai lầm... của mình.
Tại khoa nhi bệnh viện Đà Nẵng của chúng tôi, sau một buổi giao ban đầu tuần, chủ nhiệm khoa làm như tình cờ hé lộ một “ân huệ” của đảng: “Mọi cán bộ công nhân viên ngoài giờ hành chánh và nghiệp vụ có thể làm thêm việc gì đó ở bất cứ đâu để cải thiện sinh hoạt. Bác sĩ có thể mở phòng khám tại nhà, bệnh viện sẽ mở thêm phòng khám ngoài giờ, các khoa phòng tổ chức dịch vụ “chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu” trong khuông viên của khoa phòng, của bệnh viện..
Nghe qua như thế nhưng những gì chúng tôi thấy thì chóng cả mặt. Tôi có cảm tưởng như có một luồng sóng ngầm dữ dội phát xuất từ các văn phòng và nhà riêng của các nhân vật quyền lực trong đảng, trong ngành y tế. Họ đang thi đua chớp thời cơ.
Phòng khám tư và nhà thuốc tây mọc lên như nấm chung quanh các bệnh viện và các chợ. Bác sĩ, dược sĩ đa phần chân trong, chân ngoài nhập nhằn mờ ám. Bác sĩ không mở được phòng khám tư thì có phòng khám ngoài giờ hoặc phòng điều trị chăm sóc theo yêu cầu tại bệnh viện và các khoa phòng. Trình dược viên đại diện các công ty dược tư bản chạy tới, chạy lui suốt ngày đêm từ phòng khám của bác sĩ này đến nhà riêng nhân vật quyền lực nọ. Một trong số họ đã nói với tôi: “Các công ty dược và các công ty thiết bị y tế tư bản đã trao cho các cấp lãnh đạo đảng có thẩm quyền và ngành y tế những chìa khóa vàng. Bù lại, các công ty đó gần như có toàn quyền quyết định giá cả và phẩm chất và mẫu mã hàng hóa. Chính sách y tế chuyển dần từ bao cấp qua chế độ y tế thị trường. Ngoại trừ bệnh nhân nhi dưới 6 tuổi, tất cả các bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên đều phải nộp viện phí. Nói y tế thị trường là cưỡng từ đoạt lý. Không có cạnh tranh, không có kiểm soát chuyên môn, pháp luật và lương tâm gì cả. Thực tế là nền y tế tại Việt Nam bắt đầu từ đó được quyết định bởi lợi ích của các công ty dược và công ty thiết bị y tế tư bản với lợi ích của đảng. Đất mặt bằng là sở hữu công, nhân dân – người bệnh đóng thuế để xây dựng cơ sở, trả lương nhân viên các cấp, mua sắm thiết bị thuốc men ... lại trở thành nạn nhân, là đối tượng khai thác của sự liên kết ma quỷ ấy.
*Phế cầu khuẩn: Streptococcus Pneumonia.
**Tụ cầu vàng: Staphylococcus Aureus.
Nguyễn Thị Kim Thoa
8/7/2019
Thanked by 2 Members:
|
|
#60
Gửi vào 12/07/2019 - 21:15
Nha Sĩ Lý Văn Quý tiếp chúng tôi tại tư gia. Chiếm trọn một phòng lớn trong nhà ông là một sân khấu mini với đủ thứ loa, máy móc, nhạc cụ như dành cho một ban nhạc thứ thiệt, còn ở một góc phòng khách là hệ thống máy điện toán với bốn màn hình sát nhau. Nha Sĩ Quý năm nay 68 tuổi, sắp bước vào tuổi thất thập nhưng trông ông “trẻ hơn tuổi” khá nhiều.
Vốn là một cán bộ phụ trách quân nha của trường Quân Y, sau khi ra trường phục vụ hơn bốn năm với tư cách y sĩ nha khoa trong quân đội VNCH, Nha Sĩ Lý Văn Quý cũng như nhiều người khác phải đi “học tập cải tạo” ngay sau Tháng Tư, 1975. Ông qua Mỹ theo diện H.O. từ Tháng Ba, 1991.
Đặt chân đến Mỹ, ông không nghĩ mình có thể tiếp tục hành nghề như một nha sĩ tại đất nước Hoa Kỳ. Lúc đó ông đã sẵn sàng làm một người thợ lao động chân tay cho các hãng xưởng, hoặc chạy bàn cho một tiệm McDonald’s nào đó miễn là có thể sinh sống và lo cho tương lai con cái. Nhưng những bạn bè quân y qua Mỹ trước đó, báo cho ông là tại Mỹ ông có thể thi lại để lấy bằng hành nghề.
Theo ông, nhờ các giảng sư, nhất là Giáo Sư Nguyễn Văn Thơ – cựu khoa trưởng Nha Khoa, cựu bộ trưởng Giáo Dục VNCH – đã vận động với Hiệp Hội Nha Sĩ Hoa Kỳ ADA (American Dental Association) để họ công nhận bằng nha sĩ của VNCH. Sở dĩ được như vậy, là vì thời của Nha Sĩ Quý học tại Sài Gòn, tất cả sinh viên đã được đào tạo theo tiêu chuẩn và giáo trình của Hoa Kỳ, có giáo sư Mỹ qua Sài Gòn giảng dạy. Vào trường, ông còn gặp lại các vị thầy cũ đó tại các trường UCLA, USC, UT (The University of Texas)…
ADA cho phép các nha sĩ Việt Nam mới qua được thi lại để lấy bằng hành nghề, tất nhiên việc thi lại này cũng giống hệt như cuộc thi của các nha sĩ Mỹ. Cũng khởi đi từ “Dental National Board,” Part 1, rồi đến Part 2, sau đó mới thi “State Licence” (bằng hành nghề của tiểu bang). Ngoài ra, đối với người “ngoại quốc” như người Việt, còn phải thi thêm Part 3 trên mẫu, như thế còn khó hơn một sinh viên học tại Mỹ. Có nhiều người đành vào trường để “học lại cho khỏe,” hoặc sẽ học hai năm theo chương trình “Foreign National Program” rồi thi lấy “License.”
Theo ông, nếu muốn đổi đời thì phải cố gắng học để thi đậu. Ông cho biết ông có may mắn là sau ba tháng đến Mỹ ông đã thi đậu Part 1, sáu tháng sau ông đậu tiếp Part 2 và chỉ khoảng một năm ông đã vượt qua cả bốn kỳ thi. Ông cũng may mắn có khoảng thời gian hành nghề lại tại Sài Gòn sau khi ra khỏi trại tù nên tay nghề không bị thui chột. Theo ông, ngoài việc nhờ các thầy cũ vận động, bạn cũ giúp đỡ còn phải ghi nhận rằng do xã hội Mỹ cởi mở và tạo cơ hội ngang nhau cho tất cả mọi người. Nếu có đủ trình độ thì đều có thể hành nghề như nhau.
Với vấn đề trở ngại về ngôn ngữ, Nha Sĩ Quý lại cho rằng do mình may mắn đã được cha ông – một trung tá Nhảy Dù – cho đi học trường Pháp, nên khi đến Mỹ ông không khó khăn lắm khi “chuyển hệ.” Một cách học tiếng Mỹ hiệu quả theo ông là chịu khó coi ti vi, xem thật nhiều phim Mỹ để tập nghe và đến siêu thị bắt chuyện với người Mỹ để luyện diễn đạt và mau chóng hội nhập. Đối với ông, việc hòa nhập không mấy khó khăn.
Một phần quan trọng, theo ông là do từ khi thi tuyển vào trường y vốn đã rất khó, sau đó thi tiếp vào quân y lại là một tầng khác của cuộc tuyển lựa tài năng. Như thế, mỗi một y sĩ quân y đã phải trải qua nhiều lần gạn lọc về khả năng, thêm nữa ở trong môi trường quân đội phải trải qua những kỳ huấn nhục, trải qua những kỷ luật để rèn luyện ý chí, tinh thần. Đó cũng là lý do hầu hết các y sĩ quân y khi qua đến Hoa Kỳ hầu hết đều có thể hành nghề trở lại, và coi như đều thành công tại đây.
Nha Sĩ Lý Văn Quý trong lễ mãn khóa trường Quân Y. (Hình: Lý Văn Quý cung cấp)
Từ năm 1992, Nha Sĩ Quý đã trở lại với nghề, vài năm sau ông đã tự mở phòng mạch riêng và theo ông nhờ có đông đảo đồng hương hỗ trợ, nhất là thời gian các gia đình H.O. qua Mỹ, họ đã đến với ông để được khám chữa. Ông hay nói nhờ may mắn, nhưng rõ ràng nếu không có ý chí vươn lên thì khó có thể gặt hái được kết quả. Từng lấy bằng MBA về thị trường chứng khoán, từng học và kiếm thêm tiền nhờ thiết kế website, đối với ông, sự thành công trước hết là do cố gắng, nỗ lực của bản thân nhưng quan trọng vẫn do Thượng Đế phù trợ, ông khiêm tốn và thật tâm nghĩ vậy.
Hiện tại, phòng mạch của ông vẫn hoạt động toàn thời gian nhưng riêng ông chỉ còn làm bán thời gian. Thời giờ của ông hiện nay còn dành phần lớn cho trang Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y, mà ông là người điều hành như một chủ bút suốt gần sáu năm nay.
Cứ mỗi hai tháng một lần, diễn đàn online đó lại ra một số để thành một nhịp cầu nối những người đã một thời từng là sinh viên quân y, hệ thống máy điện toán đồ sộ ở nhà ông là để phục vụ cho tờ báo online này. Ông cũng viết những bài về chuyên môn nha khoa hoặc đăng tải các bài về y tế thường thức để hướng dẫn, giúp đỡ đồng hương. Diễn đàn online đó còn cập nhật mục Quân Y Nha Dược Sĩ QLVNCH Hy Sinh Trong Cuộc Chiến với nhiều chi tiết về nhân thân, góp phần soi rọi lại các gương hy sinh của người chiến sĩ VNCH.
Ý thức dân tộc của một trí thức: ...Được biết ông cùng với ông Nguyễn Hiền là đồng dịch giả tác phẩm “Cưỡi Ngọn Sấm” (Ride the Thunder) của Richard Botkin. Ông còn là đồng sản xuất cho cuốn phim cùng tên, kể về cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam, tái hiện thảm cảnh trong các trại tù “cải tạo” ngày xưa.
Cũng đam mê âm nhạc, Nha Sĩ Lý Văn Quý còn là một tay đàn guitar, một giọng ca bán chuyên nghiệp cho nhóm nhạc…
Có lẽ cũng giống như Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, âm nhạc vừa là môn nghệ thuật không biên giới vừa là nhịp cầu khiến con người dễ gần gũi với nhau, mang những tâm hồn lại gần bên nhau. Họ đang sống đẹp như những bông hoa đang tỏa hương lặng lẽ.
Như trong một bài báo của nhà báo Thanh Thương Hoàng: “Theo sự nhận xét của tôi với sự quen biết lâu năm trong giới y sĩ, tôi thấy các bác sĩ Việt Nam hầu như ông nào cũng có ‘máu’ văn nghệ trong người. Ông thì sáng tác nhạc và ca hát, ông thì viết văn làm thơ hay họa. Có lẽ do nghề nghiệp với tấm lòng cứu nhân độ thế, tình cảm chan chứa với đời, với người, nên ngoài những giờ phút hành nghề, các vị trải lòng mình lên trang giấy hay qua tiếng đàn ca hát góp thêm nguồn vui sống cho đời.”
(Uyên Vũ)
11/7/2019
Thanked by 1 Member:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối | |
---|---|---|---|---|---|
Văn khấn cổ truyền Việt Nam |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | danhkiem |
|
||
Truyện thần tiên- Cát Hồng |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | danhkiem |
|
||
Túc Kê Linh Quái (Phương pháp coi giò gà bí truyền) - Hồ Quang |
Tủ Sách | administrator |
|
||
Michelle Obama BẢO VỆ Gus Walz sau Khoảnh khắc DNC lan truyền với Bố Tim Walz |
Linh Tinh | FM_daubac |
|
||
Tử vi Nam Phái chân truyền tiếng Trung quốc, bên trung quốc truyền, rất hiếm |
Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Elohim |
|
||
Dòng Họ (dòng di truyền) |
Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian | Elohim |
|
|
6 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 6 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |