III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
2) ĐIỀU BẤT NGỜ TRONG CUỘC SỐNG
Nỗi lo sợ lớn nhất của người tù cải tạo trở về là bị bứng ra khỏi thành phố, kết thúc những dự định tạo dựng lại cuộc sống mới cho gia đình. Thời đó có một quy định “không thể hiểu nổi” liên quan đến tờ hộ khẩu, đó là: muốn được nhập hộ khẩu (trở lại) tại thành phố thì phải có việc làm ổn định; còn muốn có việc làm ổn định thì phải có hộ khẩu tại thành phố! Một sự đánh đố không hề nhẹ. “Việc làm ổn định” ở đây được hiểu là một việc làm chính thức trong cơ quan nhà nước, việc làm tại các hợp tác xã, tổ hợp tư nhân không được xem là việc làm ổn định.
Trong những ngày đầu tạm trú ở thành phố, được nghe kể rằng tại các tỉnh, huyện, nhiều chính quyền sở tại áp dụng với những người tù cải tạo trở về nhiều biện pháp thật “cứng rắn”, có khi ban đêm gõ cửa lôi họ đi đến một vùng kinh tế mới xa tăm tắp nào, một thời gian sau thân nhân mới biết là họ ở đâu.
Ở TPHCM, không khí “dễ thở” hơn, song trong thời gian quản chế (từ 1 đến 3 năm), họ phải thường xuyên trình diện Công an phường và Ban quản lý người cải tạo trở về của quận. Tại phường, họ được yêu cầu viết tờ kiểm điểm khai báo là trong tuần qua, hay nửa tháng qua, họ đã làm những việc gì, đã tiếp xúc với những ai; ở quận thì họ cầm theo tờ đơn xin tiếp tục tạm trú tại địa phương có sự bảo lãnh của người chủ hộ là vợ hay con của chính họ. Dòng bảo lãnh ghi đại khái “tôi là Trần Thị Ổi đồng ý cho ông Lê Văn Xoài tạm trú trong ngôi nhà của tôi và tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm”. Cụm từ “phó thường dân” áp dụng trong trường hợp này không có chi là quá đáng.
Phải hiểu được quan hệ gia đình cùng cơ chế lương bổng và phụ cấp của công chức, quân nhân miền Nam trước 1975 thì mới cảm nhận được hết sự nhục nhằn của những người tù cải tạo trở về với đời sống bình thường. Thời đó, ở hầu hết các gia đình quân nhân, công chức, người phụ nữ không phải đi làm, chỉ lo việc nội trợ và nuôi dạy con cái, vì người chồng, từ anh binh nhì hay bác tùy phái trở lên, đều có phụ cấp gia đình kèm theo lương bổng. Khoản phụ cấp hàng tháng trước thập niên 1970 là 800 đồng cho vợ và 500 đồng cho mỗi đứa con, bất luận là bao nhiêu con.
Từ thập niên 1970, khoản phụ cấp này được tăng gấp đôi để đối phó với vật giá gia tăng. Tiền cơm tháng cho một sinh viên ở trọ vào thập niên 1960 khoảng 600 đồng, nên riêng phần phụ cấp gia đình cũng gần đủ để người quân nhân, công chức nuôi vợ, nuôi con. Vào thời này, lương một ông hạ sĩ đông con cao hơn rất nhiều so với lương một ông trung úy độc thân là chuyện bình thường. Nhắc lại như thế để hiểu được hết nỗi nhục nhằn của những người từng là trụ cột gia đình, một tay gánh vác mọi thứ, nay trắng tay, sống dưới “sự bảo lãnh và chịu mọi trách nhiệm” của những người là vợ, là con mình!
Được biết không lâu sau tháng 4.1975, chính quyền Sài Gòn-TPHCM thành lập “Hội trí thức yêu nước” trụ sở đặt tại đường Nguyễn Thông. Như cái tên đã chỉ rõ, đây là tổ chức kết hợp giới trí thức lại để cùng sinh hoạt dưới sự dẫn dắt của các tổ chức chính quyền. Nghe kể rằng khi tiếp quản trường Quốc gia Hành chánh, có người lên án mạnh mẽ các giáo sư, giảng sư ở đây, cho rằng họ đã đào tạo một thành phần ph.... đ.... chuyên “kìm kẹp” người dân trên cả nước. Cũng vì thế, những người có thẩm quyền lúc ấy không công nhận bằng tốt nghiệp Học viện QGHC là bằng đại học, và tất nhiên những ai có bằng này không được sinh hoạt trong Hội trí thức yêu nước.
May sao, người giữ chức vụ Tổng thư ký của hội này, anh Huỳnh Kim Báu (1944-2020), từng là một sinh viên miền Nam thoát ly ra chiến khu, bằng sự hiểu biết của mình, anh giải thích cho những người có trách nhiệm biết rằng Học viện QGHC như một trường Đại học luật thứ hai, sinh viên được học nhiều bộ luật khác nhau, bởi vì công việc hành chánh mà họ sẽ làm là chặng cuối cùng của việc thi hành các bộ luật.
Nhờ sự can thiệp của anh Báu mà văn bằng tốt nghiệp Học viện QGHC mới được công nhận là bằng đại học, và khi một người tù cải tạo được trở về xã hội, việc đầu tiên anh ta sẽ làm là đi ra hai nơi, một là Hội trí thức yêu nước, hai là Trung tâm nghiên cứu và dịch thuật thuộc Sở Văn hóa-Thông tin thành phố. Tại những nơi này, họ xuất trình giấy ra trại và bằng tốt nghiệp đại học để được ghi tên vào sổ, được mời tham dự các buổi nói chuyện tại Hội hay nhận các tài liệu về dịch thuật.
Về thực chất, những động thái trên chẳng cải thiện được gì đời sống vật chất của người tù cải tạo trở về, các buổi nói chuyện diễn ra vài tuần một lần, còn tài liệu dịch thuật thì chẳng thấy mặt mũi ở đâu. Song điều họ trông mong là những tờ chứng nhận của hai cơ quan trên giúp cho họ được dễ thở hơn tại địa phương, nhất là khi xin gia hạn tạm trú trong chính ngôi nhà của mình.
Chỉ mấy ngày sau khi trở về nhà, tôi được biết người anh bạn rể (anh em đồng hao) của tôi tên Trần KM (1928-2004) là em vợ ông Ba Nam, Trưởng ban liên lạc công thương thành phố, cơ quan đã đẻ ra Công ty XNK trực dụng Ficonimex. Anh M. thúc giục tôi lập hồ sơ xin việc để anh tự tay mang ra cho ông Ba Nam. Với một “phó thường dân” chưa có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, đây là việc câu trăng đáy nước, song với sự nhắc nhở thường xuyên của anh M, tôi cũng cứ thử một phen xem sao.
Hôm anh M mang hồ sơ xin việc của tôi đến nhà ông Ba Nam thì ông đã đi đâu đó với ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng Công ty Ficonimex. Hỏi ra thì đúng là ông Hòe, nhân vật số 3 trong vụ án Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ, bị tù chung thân tại Côn Sơn (Côn Đảo), được ra làm “công nhân văn phòng” ở Ty Ngân khố Côn Sơn, và trong loạt hồi ức về Côn Đảo, tôi có kể rằng vào mỗi sáng chủ nhật, ông Hòe vẫn thường đến thăm tôi và ngồi trao đổi với nhau những vấn đề thời sự thế giới. Đó bất ngờ đầu tiên khi tôi trở về với cuộc sống bình thường!
Biết được mối quan hệ sẵn có giữa tôi và ông Hòe, ông Ba Nam đưa hồ sơ xin việc của tôi cho ông Hòe để trình cho ông Giám đốc Đinh Xáng.
Ngày nọ, ông Hòe nhắn tôi ra gặp ông. Tay bắt mặt mừng sau 10 năm không gặp, sau một hồi nhắc nhở kỷ niệm cũ đã qua, ông Hòe nói: “tôi mời anh cộng tác với tôi”.
Về sau, tôi được biết khi chuyển đơn của tôi cho ông Xáng, ông Hòe có nêu hai nhận xét:
- Trong thời gian làm việc ở Côn Đảo, tôi từng giúp đỡ anh em tù chính trị (trên thực tế, tôi chả có tiền bạc dư dả gì để giúp họ về mặt vật chất, chỉ có đối xử với họ trên tinh thần những người có tri thức và lòng tự trọng)
- Văn phòng của ông đang cần người phụ việc.
Và cuối cùng ông Đinh Xáng phê “thuận”. Dễ dàng như thế, bất cần hộ khẩu hay quyền công dân, vì Ficonimex là một công ty công tư hợp doanh, theo nội quy hoạt động, vị giám đốc có toàn quyền trong việc tuyển dụng người.
Đó là một khúc quanh thật bất ngờ, không những đối với riêng tôi, mà còn trong con mắt mọi người, kể cơ quan công an địa phương là đơn vị quản chế tôi.
Một buổi sáng, ông Đỗ N.C., Phó Giám đốc Tổ chức của công ty Ficonimex nhắn gặp tôi và câu hỏi đầu tiên ông đưa ra là tôi đã sẵn sàng làm việc chưa. Tôi đáp rằng tôi đã sẵn sàng.
(còn tiếp)
Lê Nguyễn
18.1.2022
-----------_____
7) HỒI ỨC CỦA MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI SAU 1975
III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
3) SỰ GIẰNG XÉ GIỮA MIẾNG CƠM MANH ÁO VÀ LÒNG TỰ TRỌNG
* Gửi những người thân đã chứng kiến một quãng đời của tôi
Thế là một buổi sáng tháng 7.1982, tôi đến nhận việc tại công ty Ficonimex. Bộ phận của tôi chỉ có hai người: ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng, và tôi, anh cạo giấy bất đắc dĩ, vì sự an toàn của bản thân, vì miếng cơm manh áo cho gia đình.
Trong vụ án “gián điệp” tại miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960, tầm quan trọng của ông Hòe chỉ xếp sau hai nhân vật đầu sỏ Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ. Ông nhận bản án tù chung thân ngang với ông Nhạ. Chắc là quyển “Ông cố vấn” do ông Hữu Mai chấp bút, viết lại những chuyện kể của ông Nhạ, có nhắc nhiều đến ông Hòe.
Vào lúc ấy, chuyện cũ cũng chỉ mới cách đó 10 năm. Tôi vẫn nhớ như in những ngày của năm 1971-1972 ấy, hầu như chủ nhật nào, anh tù chính trị Nguyễn Xuân Hòe cũng tới chơi nhà của “Phó đảo” Cẩn (lúc ấy hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn ở trại Chí Hòa). Và bao giờ cũng vậy, bằng sự khiêm tốn cố hữu, khi đến giữa khoảng sân rộng trước nhà tôi, ông Hòe cũng đứng chụm hai chân lại, hơi nghiêng người xuống, cúi đầu chào. Tôi bước ra sân, dẫn ông vào nhà, như một người quen cũ.
Ông Hòe là người hiểu biết rộng, vẫn được người nhà gửi từ đất liền ra những tạp chí ngoại quốc như Time, Newsweek để đọc…. Và khi đọc xong, ông thường mang những tờ báo đó tặng tôi. Ông có những nhận định thời sự khá sắc bén, bàn luận với tôi hăng say như hai người bạn vong niên.
Trong hầu hết những buổi gặp gỡ, mạn đàm đó, gia đình tôi đều mời ông Hòe một tô hủ tiếu tự biên tự diễn. Chi tiết này tôi chỉ nhớ thấp thoáng, về sau chính miệng ông Hòe nhắc lại với một vài người thứ ba, khi tôi đã là nhân viên dưới quyền ông.
Tất nhiên, từ thời điểm ấy, hơn ai hết, tôi nhận thức rõ ý nghĩa của hai chữ “đổi đời”, khi người cựu tù chính trị Côn Đảo trở thành ông sếp và ông Phó đảo Côn Sơn ngày nào trở thành kẻ thuộc quyền! Điều may mắn cho tôi là ông Hòe hành xử như một người có hiểu biết, vẫn còn nhớ đến quá khứ của tôi, đến sự cư xử của tôi đối với ông cách đó 10 năm. Song dù cho ông có tế nhị đến đâu, trong lòng của kẻ thất thế cũng có những lúc đau thầm, khi nghĩ đến những thăng trầm mình đang trải qua.
Như tôi đã tự nhủ với mình ngay từ những năm tù cải tạo, phải biết nhẫn nhục, chịu đựng và giữ vững lòng tự trọng để không phải có những lúc xấu hổ với chính mình.
Song sự nhục nhằn không chịu dừng ở đó. Nó còn đậm đà hơn, dai dẳng hơn, khi tôi trở thành đề tài chính trong mối bất đồng âm ỉ từ lâu giữa ông Hòe và ông Đỗ NC, Phó giám đốc Tổ chức của công ty. Trong thế giằng co giữa hai bên, sự hiện diện của tôi là cơ hội tốt cho ông C. phản đòn đối thủ. Qua câu chuyện với những người khác, ông ám chỉ việc ông Hòe đưa vào công ty một “viên chức ng... q...” đi cải tạo về, không có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, là một điều không đúng nguyên tắc.
Đã đành là theo nội quy hoạt động của công ty, ông Giám đốc Đinh Xáng có toàn quyền tuyển dụng nhân viên, song với tư cách Phó Giám đốc Tổ chức, người “cầm cân nảy mực” bảo vệ “sinh mạng chính trị” của cơ quan, ông C. tự thấy mình có quyền nêu lên vấn đề một cách chính đáng. Điều kiện tối thiểu mà ông C. đặt ra là ông Hòe phải chính thức làm giấy bảo lãnh tôi.
Điều kiện đó mới nghe qua có vẻ nhẹ nhàng, song với một đảng viên như ông Hòe, nó không hề nhẹ, không nhẹ như cách cư xử của tôi đối với ông Hòe 10 năm về trước. Và tôi không có chút ngạc nhiên nào khi biết ông Hòe không đồng ý làm giấy bảo lãnh cho tôi. Tôi hiểu cái khó của ông Hòe lúc đó, nhất là khi nhớ về câu chuyện nhỏ vào một buổi sáng, sau khi tôi vào làm việc tại công ty Ficonimex chưa đầy một tuần lễ. Hôm ấy, ông Hòe chưa đến văn phòng thì ông K., một viên chức già thuộc Phòng Tổ chức của công ty đến mời tôi qua phòng ông “nói chuyện chơi”. Sau mấy câu xã giao, ông K. hỏi tôi rằng hồi ở tù Côn Đảo, ông Hòe làm việc gì. Tôi nói rõ là hồi đó ông Hòe làm công nhân văn phòng, một dạng nhân viên hành chánh không lương, ở Ty Ngân khố.
Chuyện chỉ có thế, tôi không thấy có gì quan trọng. Khi ông Hòe vào văn phòng, tôi kể lại chuyện ông K. gặp tôi và đã hỏi tôi về ông. Mặt ông Hòe đanh lại và chỉ thốt mấy tiếng “họ tò mò”. Về sau, tôi mới biết rằng, trong nhận định và đánh giá của những cơ quan có thẩm quyền về chính trị của bên thắng cuộc lúc ấy, có sự phân biệt rõ rệt giữa những người tù chính trị Côn Đảo chống đối lại mọi quy định của Trung tâm cải huấn chế độ cũ với những người tù chính trị chấp hành đúng nội quy, đi lao động bên ngoài hay làm việc ở những cơ sở hành chánh như ông Hòe.
Với thực tế đã diễn ra và những suy nghĩ như vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì trước việc Hòe không chịu làm giấy bảo lãnh cho tôi. Song trong bạn bè của tôi, có người tỏ ra bất bình về chuyện này. Anh ta không chịu kìm nén cảm xúc khi phát biểu:
- Ngày xưa ông là Phó đảo, ông không sợ gì khi đối xử tốt với những người tù CS như họ, sao bây giờ chỉ có việc ký tờ bảo lãnh mà họ cũng không dám làm cho ông?
Tôi biết, sự xúc động làm cho anh ta cạn nghĩ, bởi vì mối quan hệ giữa ông Phó đảo và người tù chính trị CS ngày xưa rất khác với mối quan hệ giữa một đảng viên với người cựu tù cải tạo bây giờ. Chỉ một hành vi nào đó của tôi như gia nhập một tổ chức chính trị bất hợp pháp hay phổ biến hơn như xuống tàu vượt biên thì tiền đồ chính trị của người đảng viên đó bị vấp váp ngay. Vì thế, cho dù chán nản với tình thế của mình đến mấy, tôi cũng không trách ông Hòe.
Đó là khoảng thời gian mà tôi bị giằng xé nặng nề giữa một bên là lòng tự trọng của người có cảm giác mình đang “cố đấm ăn xôi”, với một bên là miếng cơm manh áo của một gia đình đã rách nát từ lúc tôi còn là một anh tù cải tạo. Để thỏa mãn lòng tự ái của mình, chỉ cần một đơn thư xin nghỉ việc là xong ngay. Song kéo theo đó sẽ là sự thiếu thốn vật chất trong cuộc sống chung, là nỗi buồn lo, thất vọng của những người đã gian khổ rất nhiều trong gần 7 năm thiếu vắng bóng người đàn ông trong gia đình.
Trong công việc hàng ngày, tôi cố che giấu nỗi dằn vặt, ngay cả với ông Hòe. Vậy mà vẻ mặt, nỗi buồn của tôi không qua mắt được một cô gái trẻ có cái tên Lê C. H.. Cô để ý đến tôi và những biểu hiện của tôi lúc nào chẳng biết. Tôi chỉ khám phá ra điều này vào một buổi chiều mưa gió ngập trời …..
Chiều hôm đó, mưa giông, sấm sét đến nổi tất cả nhân viên công ty Ficonimex dù có áo mưa cũng không dám ra về. Mọi người tập hợp trong sảnh lớn ở tầng trệt, nói cười rôm rả. Tình cờ cô H. đứng gần tôi, sau một vài câu trao đổi, đột nhiên, cô nhìn tôi bằng một cái nhìn rất khác, rồi cất tiếng:
- Bấy lâu nay theo dõi anh, em hiểu tâm trạng của anh lắm. Song anh nên nhớ một điều, là bây giờ anh sống không phải cho anh, mà là sống cho gia đình anh.
H. trẻ hơn tôi nhiều lắm, song câu nói của cô xoáy buốt trong tâm can tôi. Tôi lờ mờ đoán rằng nhiều người trong công ty Ficonimex biết chuyện tôi là đề tài chính trong sự bất đồng giữa ông Hòe và ông Phó Giám đốc tổ chức và H. kín đáo theo dõi, nhìn thấy vẻ buồn trên gương mặt tôi và đoán trúng phóc tâm trạng của tôi. H. là con dâu anh Đinh Tấn D., một nhà nghiên cứu văn học có bút danh Khổng Đức, vừa qua đời cách đây mấy tháng. Anh D trước là đồng nghiệp với tôi tại công ty Ficonimex, sau trở thành bạn vong niên với nhau.
Dù sao, câu nói chí tình của H. cũng có đủ trọng lượng khiến cho cán cân tình cảm đang chông chênh trong lòng tôi nghiêng về phía gia đình, và tôi hiểu ra rằng để thỏa mãn lòng tự ái của riêng mình, tôi sẽ trở thành kẻ vô ơn đối với bao nhiêu người thân đã từng chịu đựng gian khổ vì mình.
(còn tiếp)
17.2.2022
Lê Nguyễn
---------------
*Bài viết có nhắc đến ông Nguyễn Xuân Hoè:
Chút hồi ức
VỀ NHỮNG NGƯỜI TÙ CÔN ĐẢO CÓ THỂ BẠN CŨNG BIẾT
Trong hồi ức này, tác giả viết đầy đủ tên của hầu hết nhân vật được đề cập đến mà không viết tắt tên theo tập quán thường thấy, để bạn đọc biết rõ hơn, và những người trong cuộc, nếu còn sống, hoặc thân nhân của họ, có thể bổ sung, cải chính, nếu cần … Cũng như bài trước đây về Côn đảo, ở bài này và những bài tiếp sau, trang LN xin không đón tiếp những ý kiến, bình luận có thể gây ngộ nhận về mục đích của người viết như so sánh các chế độ lao tù khác nhau, miệt thị các chế độ chính trị đã hoặc đang tồn tại, hay khơi gợi những bất đồng, hằn thù không đáng có trong cộng đồng dân tộc trong và ngoài nước hiện nay.
Tôi ra Côn đảo vào cuối tháng 12 năm 1970, giữa mùa gió chướng gầm rú từ đêm này qua đêm khác. Gió mạnh đến nổi tôi nghe kể, có những đêm sóng biển hất tung những viên đá nhỏ từ bãi văng lên đường nhựa, sáng sớm các tù nhân phải đi lượm quăng xuống biển để xe có thể chạy được. Kẻ xa quê, đêm nằm nghe gió chướng thổi buồn ghê lắm. Lòng còn nặng nề hơn khi biết ra rằng mình đã có một sự chọn lựa sai lầm.
Chức vụ tôi giữ là chức vụ được thiết lập lần đầu tiên, trước đó, tại Cơ sở hành chánh Côn Sơn, các trưởng phòng làm việc trực tiếp với ông chúa đảo (Đặc phái viên HC), vai trò của họ là vai trò của những người phụ tá, nay mình xuất hiện, chen vào giữa, làm mất đi sự gần gũi, gắn bó của họ từ bấy lâu nay. Với người sếp trực tiếp là ông chúa đảo, mình là hiện thân của một loại “tai mắt” được trung ương cử ra để “dòm ngó” những việc làm của ông ta. Vì thế, sự cô lập ngấm ngầm đến với tôi từ cả hai phía.
Có lần, tôi viết cho ông chúa đảo, Trung tá Nguyễn Văn Vệ, một “tờ trình” với dòng cuối cùng mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ nguyên văn: ”nếu Trung tá thấy sự hiện diện của tôi tại Côn Sơn là không cần thiết thì xin vui lòng giao hoàn tôi về Bộ Nội vụ để tôi được cử giữ những nhiệm vụ khác hữu ích hơn”. Sau đó, nghe ông Trưởng văn phòng Cơ sở HC kể lại, ông Vệ xem xong tờ trình, có vẻ cũng “đau đầu” lắm. Ông ấy thay đổi thái độ với tôi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng chưa bao lâu thì ông được thuyên chuyển về đất liền, người thay thế là Trung tá Cao Minh Tiếp, một sĩ quan nguyên ở phòng nhì Bộ Tổng tham mưu, giỏi tiếng Anh, có những giao dịch tốt với các đơn vị Mỹ trú đóng trên đảo. Lúc ấy gần như ông Tiếp và tôi đều là người mới cả nên sự phối hợp trong công việc nhịp nhàng hơn.
Những ngày chưa có sự thay đổi người đứng đầu trên đảo, chiều chiều tôi ra gộp đá cạnh bãi biển ngay phía trước nhà, ngồi ray rứt với những hối tiếc về sự chọn lựa của mình. Một bài thơ thất ngôn ra đời vào lúc này. Thơ có 5 khổ, nhưng sau những dâu biển cuộc đời, tôi không còn giữ được trong tủ sách, chỉ giữ được trong đầu hơn 3 khổ.
BUỒN CÔN SƠN,
Từ ta cất bước rời đô thị,
Nhân thế còn vui giữa loạn cuồng,
Ai kẻ vùi quên bao chí cả,
Ai người cúi mặt với tang thương?
Bước chân lưu lạc phương trời lạ,
Đâu biết mùa Xuân đã đến rồi,
Ôi những mùa Xuân vàng quá khứ,
Phương này kỷ niệm cũng xa xôi.
---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------
---------------------------------------
Nửa đêm trừ tịch buồn khôn tả,
Biết gửi tình quê một hướng nào.
Tay níu trời cao tìm ảo ảnh,
Trông vời biển rộng những chiều say,
Bỗng nghe tê đắng dâng đầu lưỡi,
Nước mắt ai trong chén rượu này!
Bài thơ cũng là một nguyên nhân xa đưa tôi đến gần với hai nhóm tù đặc biệt nhất trên đảo lúc bấy giờ. Đó là nhóm tù Trần Đình Vọng, nguyên tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn khoảng những năm 1967-1969; và nhóm tù Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ mà hoạt động “tình báo chiến lược” được các phương tiện truyền thông sau 30.4.1975 khai thác triệt để, với nhân vật VNN được thổi lên tận mây xanh.
Khoảng năm 1968-1969, “vụ án tham nhũng” tại Bình Định, nơi Trung tá Trần Đình Vọng là Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn, làm tốn rất nhiều giấy mực của các báo. Vụ án liên quan đến việc giải tỏa và đền bù đất đai để làm phi trường Phù Cát, dính đến cơ quan thi công chính là Khu tu bổ Qui Nhơn (quân sự) và nhiều quận, xã, nơi dân chúng có đất đai bị giải tỏa và được đền bù.
Trong những ngày kết thân với tôi tại Côn đảo, ông Vọng kể cho tôi nghe nhiều “uẩn khúc” của vụ án này, song chuyện đó không thuộc về chủ đề chính hôm nay. Nhóm tù của Trung tá Trần Đình Vọng, ngoài ông, còn có Thiếu tá Võ Đình Giai, Trưởng khu tu bổ Qui Nhơn, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi, Quận trưởng Phù Cát, Đ/úy Trương Văn Tuyên, Quận trưởng An Nhơn, Đ/úyLộc, QT(?) và trung úy Thuần. Anh Tuyên là bạn đồng môn QGHC, khóa đàn anh của tôi, nhận mức án nhẹ nhất nên khi tôi ra Côn đảo vào tháng 12.1970, anh đã được trả tự do.
* Như đã viết ở một bài trước, nhóm tù Trần Đình Vọng được cấp riêng một ngôi nhà gạch để ở, khá thoải mái. Ngoài ông Vọng không phải làm gì, những người khác làm “công nhân văn phòng” ở các công sở. Riêng Thiếu tá Võ Đình Giai, nhờ khá tiếng Anh, được đưa xuống tàu làm thông ngôn cho toán chuyên viên Mỹ thuộc hãng thầu RMK đang thi công đài vô tuyến trên núi Chúa.
Người trong nhóm Trần Đình Vọng thường xuyên đến chơi với tôi là … ông. Ông là thông gia với ông Nguyễn L., cháu nội của một đại thần triều Nguyễn, lúc cuối đời lên đến phẩm hàm Cần chánh điện đại học sĩ. Người con trai lớn của ông Vọng, anh Trần Đình Liên, là bạn đồng môn của tôi, học sau tôi một khóa (khóa 11 QGHC), lúc ấy đang làm việc tại Biên Hòa. Mặt khác, tại Bình Định, nhiều bạn đồng môn của tôi như Trương Văn Tuyên, Phạm Hữu Độ … cũng từng là cộng sự của ông Vọng, nên mối quan hệ giữa ông và tôi sớm trở nên thân thiết.
Nghe kể rằng lúc bấy giờ, bà Vọng được Phó Đại sứ Mỹ Colby cấp cho một “giấy tùy thân” để đi nhờ máy bay Mỹ, ưu tiên đến mức nếu cần phải bỏ bớt người khi máy bay không còn chỗ thì người bị bỏ xuống là 1 lính Mỹ chứ không phải bà Vọng. Người có thẩm quyền cấp giấy phép thăm nuôi đặc biệt lúc bấy giờ là Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, nguyên Tỉnh trưởng Vĩnh Long, bạn “đồng liêu” của ông Vọng, nên bà Vọng vẫn thường được cấp giấy phép đặc biệt ra Côn đảo thăm chồng. Mỗi lần như thế, tôi lại cho chiếc Scout của tôi chạy ra phi trường Cỏ Ống cách trung tâm đảo hơn 10 km để đưa bà Vọng về thị trấn.
Khi Trung tá Cao Minh Tiếp ra nhậm chức tại Côn đảo khoảng tháng 2.1971, số phận của ông Trần Đình Vọng thay đổi khá nhiều. Với bản tánh quí trọng những người mà ông coi như là đàn anh, bất luận có là một người tù dưới quyền quản lý của mình, vừa đặt chân đến đảo buổi sáng thì buổi chiều ông Tiếp đã cho xe đi rước tù nhân Trần Đình Vọng đến chơi với mình. Tôi khâm phục và trân trọng cách hành xử đó của ông Tiếp. Tuy nhiên, do ông Tiếp bận nhiều việc, ông Vọng đến chơi với tôi nhiều hơn, thường là vào ban đêm.
Trong những buổi nói chuyện bên tách trà, hai thế hệ chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, vui cũng như buồn. Ông Vọng kể cho tôi nghe nhiều tình tiết trong “vụ án tham nhũng” mà ông là bị cáo cao cấp nhất. Cần nhắc thêm là lúc bấy giờ, theo một đạo luật do Quốc Hội VNCH thông qua, người nào tham nhũng từ 500 ngàn đồng trở lên là bị án tử hình (những năm 1968-1969, một lượng vàng giá khoảng 18-19 ngàn đồng).Tôi nhớ ông Vọng kể tôi nghe hai chi tiết quan trọng trong vụ án này. Một, đây là hệ quả sự bất đồng đang ngày càng gay gắt giữa 2 “ông lớn”. Về điều này, ông Vọng có cho tôi xem một bức ảnh đã ố vàng, chụp từ nửa đầu thập niên 1950 tại một đơn vị ở quân khu 2. Trong ảnh, ông Vọng mang lon trung úy, còn hai ông NVT và Trần Thiện Khiêm mang lon đại úy.
Chi tiết thứ hai là nguyên nhân gần của vụ án: với tư cách Tỉnh trưởng Bình Định kiêm Thị trưởng Qui Nhơn, ông Vọng đã thẳng thừng từ chối lời yêu cầu của mẹ ruột một bà “mệnh phụ” muốn được mở casino tại Qui Nhơn, một thị xã có rất nhiều lính Mỹ.
Trong những ngày tháng đó, ông Vọng và tôi rất gần gũi, đồng cảm với nhau, tôi coi ông như một người cha, người chú của mình. Có những đêm mưa lất phất, trời đã khuya, tôi cầm đèn pin tiễn ông ra đến cổng nhà, rọi đường cho ông đi. Nhìn bóng người tù tử hình bước liêu xiêu trên con đường ven biển, giữa hai hàng cây bàng, tôi chùng lòng trong một nỗi thương cảm mênh mang, thương ông, và thương cho cả đời mình.
* Với ông Nguyễn Xuân Hòe, nhân vật số 3 trong vụ án “điệp báo” Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ, mối quan hệ với tôi diễn ra trong một chiều hướng khác. Khi tôi ra đến Côn đảo thì hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn thụ án ở trại Chí Hòa, ông Hòe là người có vai vế lớn nhất ở Côn đảo, tính theo bản án chung thân mà ông nhận lãnh.
Hồi đó, trong cái nhìn của các viên chức chính quyền ở đảo, nhóm tù Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ đơn giản là những công chức VNCH có liên hệ bất hợp pháp với đối phương, bản thân ông Hòe cũng tự nhận như thế, và còn hơn thế, ông cho là nhóm ông thực hiện việc liên lạc theo mật lệnh của Tổng thống NVT.
Cũng vì thế mà trước khi tôi ra, chính quyền Côn đảo cư xử với nhóm tù Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ không khác nhóm tù Trần Đình Vọng. Họ cũng được cấp một ngôi nhà gạch chung vách với nhà của nhóm ông Vọng. Họ gồm có Nguyễn Xuân Hòe, Bửu Chương, Vũ Hữu Ruật, Vũ Văn Hiếu … Trong số này, chỉ có ông Bửu Chương có chút “dây mơ rể má” với tôi: khi tôi làm ở Nha Thanh Tra bộ Xây dựng Nông thôn năm 1966 thì ông Chương là Chánh sở tại Nha Cán bộ của bộ này. Chút quan hệ nhỏ nhoi ở chốn tha hương cũng đủ để tôi có lần cho ông Chương sử dụng một căn trong ngôi nhà ở 4 căn của tôi để gặp người vợ của ông từ đất liền ra thăm ông.
Còn về ông Hòe thì khi đọc bài thơ tôi vừa làm tặng ông Vọng, ông đã làm một bài họa lại và chút duyên bút mực đó đã nối kết giữa tôi với ông cho tới ngày tôi rời đảo. Thường là mỗi sáng chủ nhật, ông Hòe đến thăm tôi, mang cho tôi mượn các tạp chí Time, Newsweek do người nhà từ đất liền gửi ra cho ông đọc.
Với tôi, ông Hòe không có một dấu hiệu nào chứng tỏ ông là một cán bộ CS, khác hoàn toàn với một người mà tôi sẽ kể sau. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều vấn đề liên quan đến thời sự quốc tế như hai người bạn không khác biệt nhau về chính kiến và tôi đặc biệt khâm phục sự nhạy bén trong nhận thức chính trị của ông Hòe. Tôi còn nhớ một “tiết lộ” quan trọng của ông về hai vụ án tưởng chừng tách biệt nhau mà thật ra có liên hệ nhân quả với nhau. Chuyện này tôi có kể trong một bình luận ở đâu đó, nay nhắc lại ở đây để nhiều người đọc thêm.
Theo ông Hòe, hai vụ án cách nhau chỉ một thời gian ngắn là đòn ngầm giữa Đại sứ quán Mỹ và Phủ Tổng thống VNCH. Vụ thứ nhất liên quan đến Đại úy Trần Ngọc Hiền của MTGPMN, bị an ninh VNCH bắt khi từ chiến khu vào Sài Gòn tiếp xúc riêng với sứ quán Mỹ. Việc bắt ông Hiền được xem là phản ứng của phía VN trước người đồng minh đã tự ý quyết định một việc hệ trọng mà không tham khảo mình. Ông Trần Ngọc Hiền là anh ruột ông Trần Ngọc Châu, người từng là Trung tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), sau làm dân biểu Quốc hội VNCH. Ông Hiền bị đưa ra tòa và thụ án tù tại Côn đảo.
Vụ thứ hai, cũng theo ông Hòe, lại là cú phản đòn của sứ quán Mỹ đối với Phủ Tổng thống VNCH. Khi Tổng thống Thiệu ra lệnh cho người phụ tá chính trị Huỳnh Văn Trọng cùng các cộng sự của ông Trọng tìm cách tiếp xúc riêng với đối phương, phía Mỹ bắt được những chứng cứ qua liên lạc vô tuyến và tung ngay ra trước công luận, ông Thiệu ở vào tình thế phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ra lệnh truy tố người phụ tá thân cận của mình. Chuyện này không biết có ai đặt ra như một giả thuyết hay không, nay xin phép vong linh ông Nguyễn Xuân Hòe được kể lại, để may ra có thể giúp làm sáng tỏ thêm nhiều góc khuất trong đời sống chính trị của VNCH trong một thời kỳ nhiều biến động.
Người bạn thứ hai của tôi trong nhóm Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ là ông Vũ Hữu Ruật. Ngày ấy, TyThanh niên Côn Sơn có cho tôi mượn một bàn ping pong (bóng bàn) và ông Ruật là bạn chơi gắn bó với tôi ở bộ môn này. Thời đó, công chức làm việc đến 12g rưởi trưa thứ bảy thì được nghỉ cuối tuần cho đến sáng thứ hai.
Mỗi tuần, cứ khoảng 2g chiều thứ bảy, ông Ruật lại xách vợt đến chơi với tôi. “Giơ” (jeu) ping pong của tôi với ông Ruật rất hợp nhau nên cả hai trở thành một cặp đối thủ tương đắc của nhau. Bàn ping pong ngày càng lôi kéo các tù “công nhân văn phòng” đến chơi hay dự khán đông đảo… Khoảng cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, tạp chí Tài Hoa Trẻ có loạt phóng sự viết về ông Ruật, tôi dự định tìm dịp thăm hỏi ông, song chưa kịp làm gì thì đã được tin ông qua đời.
Khoảng tháng 3.1972, tức 3 tháng trước khi tôi rời Côn đảo về nhiệm sở khác trong đất liền, hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ được đưa từ Chí Hòa ra đảo. Có lẽ do ngôi nhà được cấp riêng đã đông người hay vì một lý do nào không rõ, hai ông ở tại Trại lá, nơi dành cho những người tù làm công nhân văn phòng.
Ông tr.... l.c đó đã nhiều tuổi, song ông vẫn còn giữ được cái phong thái của một quan chức xưa, điềm đạm, ít nói. Ông Nhạ thì tôi chỉ gặp một lần, trong phút chốc. Gần ngày chính thức rời nhiệm vụ, một chiều nọ, tôi đến thăm và từ biệt 2 ông Trọng và Nhạ. Đó là lần gặp cuối cùng.
Khi hiệp định Paris 27.1.1973 vừa ký xong, trong các đợt trao đổi tù nhân, tôi đọc báo thấy ông Huỳnh Văn Trọng “xin ở lại miền Nam”. Điều đó dễ hiểu, vì ông Trọng có phải là người CS đâu. Và cũng vì thế mà sau 30.4.1975, tên tuổi ông chìm nghỉm bên cạnh người cộng sự Vũ Ngọc Nhạ được bơm thổi đến trời. Tôi không có đọc quyển Ông Cố Vấn viết về ông Nhạ, vì ngay cái tựa sách đã sai rồi, Cố vấn và Phụ tá chính trị cho ông Thiệu là ông Huỳnh Văn Trọng, chứ chẳng phải là ông Vũ Ngọc Nhạ. Song có điều chăc chắn là trong quyển này, ông Nhạ sẽ nhắc nhiều đến những người cộng sự của ông trong “cụm tình báo chiến lược” như ông Hòe, ông Ruật, ông Bửu Chương...
Riêng ông Nguyễn Xuân Hòe, “duyên nợ” với tôi còn kéo dài đến sau 1975. Đã 10 năm kể ngày chia tay, tôi gặp lại ông mấy tháng sau khi tôi từ trại cải tạo trở về (1982). Khi đó, ông đang là trợ lý giám đốc của công ty xuất nhập khẩu Ficonimex mà giám đốc là ông Đinh Xáng, từng là giáo sư trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt trước 1975. Nhớ lại mối quan hệ cũ ở Côn đảo, ông Hòe ngỏ ý “mời” tôi cộng tác với ông và ghi vào đơn xin việc của tôi là văn phòng ông đang thiếu người, và tôi từng “giúp đỡ” nhiều anh em tù chính trị trước 1975. Ông Đinh Xáng phê “thuận” trong đơn xin việc của tôi.
Thế là một người vừa đi tù về, chưa có quyền công dân, chưa có hộ khẩu, phải “tạm trú” ngay trong ngôi nhà của chính mình, lại nhảy phóc vào làm ở một công ty xuất nhập khẩu cấp thành phố. “Chuyện lạ” ấy khiến chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm “quản chế” tôi, đâm ra … ngơ ngác. Riêng tôi, lúc bấy giờ trở thành một anh nhân viên cạo giấy dưới quyền sai khiến của ông Hòe, những lúc ngồi chống cằm trong văn phòng Trợ lý Giám đốc, tôi vẫn còn hình dung rõ hình ảnh người tù Nguyễn Xuân Hòe mỗi sáng chủ nhật đến nhà tôi, khi vừa đến giữa khoảng sân rộng, đã đứng chụm hai chân lại, nghiêng người chào tôi rồi mới từ từ bước lên bậc tam cấp để vào nhà. Nếu có một chút ray rứt nào đó gợn lên từ lòng tự trọng hay tự ái thì những thứ tình cảm “tiểu tư sản” ấy phải chịu lép vế trước miếng cơm manh áo cho gia đình, giữa cuộc đua tranh khốc liệt đang diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Lê Nguyễn
10.9.2017
Sửa bởi tuphuongsg: 18/02/2022 - 13:46