MỘT GÓC NHÌN VUI VẺ (4) - Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ tượng và Ngũ Hành.
Con người quan sát Thế giới Tự nhiên để phát hiện Luật lệ vận động của Trời Đất (Quy luật Tự Nhiên) đang chi phối hết thảy sự vật tồn tại trong ấy, từ đó tìm cách thích nghi, lợi dụng vạn vật để kiến tạo nên cuộc sống như ý mình. Vậy thì thuận theo (định mệnh) mà sáng tạo (số phận), đó là ý của Thánh nhân muốn chỉ bày cho nhân loại thông qua Kinh Dịch, trong đó Bốc Dịch là một trong các phương tiện trực tiếp khai thác Kinh Dịch hiệu quả, nhằm ứng biến với sự vận động (Dịch) tưởng như “hỗn loạn” không ngừng nghỉ của vạn hữu.
Vũ trụ là một Đại Thái Cực, con người là tiểu Thái Cực, trong Vũ Trụ có ánh sáng và bóng tối, trong con người có sự hiểu biết và không hiểu biết. Thái Cực - 太極 – nghĩa là giới hạn cực đại ( “thái” là cực đại, “cực” là giới hạn ). Vũ Trụ là khoảng không rộng lớn vô cùng, không có gì rộng lớn hơn vũ trụ, do đó nó là “cực đại”. Người ta nói biển học vô bờ, sự hiểu biết chẳng bao giờ là đủ, mỗi khi cái không biết được chuyển hóa thành hiểu biết thì lại nảy sinh ra những thắc mắc mới, những điều không biết mới cần được khai thông, do đó “hiểu biết” và “không hiểu biết” cũng chẳng có giới hạn, cũng là “cực đại” đó vậy. Lực hấp dẫn sinh ra từ nội tại các hành tinh (vật chất) không đủ để giữ cho chúng vận động có trật tự, nó cần có “phản vật chất” để góp phần tạo nên sự ổn định của vũ trụ thiên hà.
Lưỡng nghi - 良儀 – là hai nghi thức, khuôn phép, phép tắc hay dáng vẻ; tượng trưng cho Ngày và Đêm, Ánh sáng và Bóng tối, Hiểu biết và Không hiểu biết v..v Cũng là hai phương hướng hành động, hai cách thức hành động, hai kết quả hành động, tạo nên cái mà con người gọi là thiện ác, tốt xấu, phải trái, lành dữ v..v nó gồm thâu hết thảy mọi cách thức mà sự vật vận động. Cho nên, trong 1 thời Hào, của cùng một sự Quẻ, có Âm có Dương, để chi cho vào thời đó, giai đoạn đó của sự mà Quẻ biểu đạt, có thiên hướng hành động như thế nào: âm hay dương, tiêu cực hay tích cực,v..v do đó mà dẫn tới kết quả vào giai đoạn đó là dữ hay lành, là bất như ý hay được như ý v..v
Ngũ hành sinh khắc: chữ Sinh - 生 – được biểu tượng bằng hình ảnh một cây non mọc lên từ mặt đất, chỉ cho sự sinh trưởng, sự thay đổi hình thức, sự chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác của cùng một sự vật. Vậy thì khi ta nói “Kim” sinh “Thủy” chẳng hạn, thì thực nghĩa của nó là “Kim” chuyển thành “Thủy”, như mùa Thu chuyển thành mùa Hạ, vậy thì cũng là Mùa trong năm nhưng nó có Năm hình thái biểu hiện khác nhau, khi thì dưới dạng Xuân, khi thì dưới dạng Đông v..v tương tự như thế đối với Ngũ hành, về bản chất chỉ là một Hành, nhưng có 5 hình thái biểu hiện, giống như Gấu chỉ là một loài, nhưng có đủ hình thái khác nhau như: gấu mèo, gấu trúc, gấu đen, gấu trắng v..v
Thế thì bản chất của “Hành” là gì ? Hành - 行 – trong Ngũ Hành (五行) nghĩa là di động, là lưu thông, sự chuyển động không ngừng tức là Hành đó vậy. Thế thì Dịch tức là vận động, biến đổi; thì Hành là các hình thái biểu hiện chung nhất của Dịch, vì vậy mà vạn sự vạn vật đều quy về Ngũ Hành, mà từ đó xét đoán tính tương hợp hay tương khắc, tính hỗ trợ hay phá hoại, v..v lẫn nhau, giúp cho con người có thể khéo léo hài hòa vạn sự vạn vật mà đạt được cái mong muốn đa dạng không cùng của lòng mình đó thôi. Sự vật có tính sinh khắc lẫn nhau, đã được người xưa nhận thức quy nạp về Ngũ hành, giúp cho việc cân bằng sự vật trở nên dễ dàng hơn, nhằm kéo dài gia tăng sự thịnh, rút ngắn giảm bớt sự suy, rốt sau cùng vẫn là muốn đạt được sự an ổn bình yên lợi ích nhất có thể !
Một sự vật, khi ổn định về mặt hình thái và bản chất, nó có tên gọi nhất định. Vũ trụ nói chung và Địa Cầu nói riêng, hết thảy sự vật trong đó đều tuân thủ quá trình “Tứ Tượng”, tạo nên sự chuyển hóa qua lại nhịp nhàng giữa các sự vật khác nhau về bản chất, VD: một đồng xu từ khi còn ở dưới dạng một khối quặng kim loại được khai thác lên, cho tới khi thành hình đồng xu, trải quá trình sử dụng nó bị oxy hóa rồi tan hoại vào đất trở thành một phần của đất, mỗi giai đoạn tạo nên cả quá trình tồn tại của động xu đều quy nạp về Tứ tượng cả. Thế thì mọi vật đều có Tứ tượng – 4 trạng thái tồn tại lớn rõ nét, như bốn giai đoạn trong một đời người: trẻ con, thanh niên, trung niên và lão niên vậy.
Vậy thì Tứ tượng và Ngũ hành giống nhau và khác nhau chỗ nào ? Chữ Tượng - 象- nghĩa là hình dáng, tình trạng, hình tượng. Dòng suối thì trôi chảy về nơi trũng, cây cối thì vươn lên đón nắng hồng v..v cách thức chúng vận động khi còn dưới dạng nước, dạng cây thì gọi là Hành. Nhưng nước có đó rồi bay hơi lên cao hay thấm xuống đất sâu khuất dạng mất hình tạm gọi là “biến mất”, cây có đó khi thì là mầm non trên đất khi là cổ thụ giữa rừng, lúc lại khô héo lụi tàn quay về nguồn cội, mỗi hình thái gần như cố định không đổi khi quan sát bằng mắt ấy thì gọi là Tượng. Thế thì “Tượng” là vẻ ngoài của sự vật trong mỗi giai đoạn cố định đặc trưng, “Hành” là hình thức vận động trong quá trình sự vật đó tồn tại. Một bên là tình trạng “tĩnh” tạm thời của sự vật, một bên là trạng thái “động” không ngừng của sự vật. Theo góc nhìn này thì chẳng có sự vật nhất định thuộc Hành nào, mà thực ra tất cả sự vật đều đầy đủ Ngũ Hành, tùy theo giai đoạn phát triển trong suốt quá trình tồn tại dựa trên tính nhanh chóng hoặc lâu bên của Hành đó biểu hiện ra ở sự vật, mà người ta tạm lấy cái trạng thái nổi bật đặc trưng quy nạp cho sự vật là Hành này Hành khác mà thôi. Nhận thức như thế thì mới phù hợp với tính bất định, tính lưu động, tính không ngừng Dịch của sự vật, mới hiểu được vì sao nước chảy lại có thể đứng yên, người hiền lại có thể nổi giận và con vật nuôi ve vẩy cái đuôi mỗi khi chủ về cũng có ngày lao ra cắn chính người chủ đã nuông chiều chăm sóc nó vậy ! Mở rộng sang lĩnh vực số mệnh, nhờ có góc nhìn “Ngũ hành nhất thể” này, mới hiểu được tại sao có khi Tuổi này tuổi kia rõ ràng xung khắc, mà có đôi thì chia rẽ chẳng bền, có đôi thì lại sống với nhau tới đầu bạc răng long, ấy là vì trong suốt quá trình sống, con người có thể và có quyền thay đổi tu dưỡng, làm cho cái “Hành” nạp âm đặc trưng cho “Mệnh” vốn vượng thành suy, vốn xung thành hợp, v…v ấy chẳng phải là Trời trao cho sự sống, tuy ấn định “tính tình” – gọi là Trời sinh tính ấy, cũng có thể “thay tính đổi nết” thành người hài hòa, tự tại hạnh phúc đó sao !
Cho nên, người đổ tại “tánh Trời” định rồi cho rằng “tánh tôi thế đấy”, mà chẳng chịu sửa tính đổi nết cho cuộc đời của mình nó đổi sắc thay trang, ấy là kẻ nhận thức lẽ “tính mệnh” của cổ nhân chưa trọn vẹn, là hiểu sai về lẽ “tính mệnh” an bài, cho nên sống một đời cam chịu mà chẳng thể nào “cải mệnh, cải vận” một cách hữu hiệu, triệt để cho được ! Biết mà không thể thay đổi thì biết có ích lợi gì đâu ? Trời đã dạy phép “đoán mệnh” ắt để ngỏ cái lối “cải mệnh”, chẳng qua là có biết, có hiểu và có đủ dũng cảm để thực hành cho tới kỳ thành tựu được hay không mà thôi !
Sửa bởi HieuHcmVN: 23/06/2025 - 17:33