Jump to content

Advertisements




NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN QUẢ


86 replies to this topic

#31 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 04/05/2012 - 06:19

31. VƯƠNG MÃ TỬ

Đời Thanh, ở Giang Tô, Dương Châu có một thương nhân là Trình Bá Lân rất tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm. Một năm nọ, ở Dương Châu có loạn. Trình Bá Lân hết lòng cầu nguyện xin Bồ Tát phù hộ. Một hôm mộng thấy Bồ Tát Quán Thế Âm bảo ông :

- Cả nhà ngươi mười bảy người, thì mười sáu người đều được thoát nạn; riêng ngươi thì kiếp nạn khó tránh !

Trình thức dậy rất sợ lại cầu khẩn. Đêm đó lại mộng thấy Bồ Tát nói :

- Người kiếp trước giết Vương Mã Tử, chém hắn hai mươi sáu đao. Kiếp này phải trả. Ngươi nên bảo mọi người tránh đi, còn ngươi ở lại chờ, tránh cho người nhà bị liên lụy.

Trình đối với giấc mộng rất tin, làm y lời Bồ Tát dặn. Năm ngày sau, quả nhiên một loạn binh đến nhà. Trình ra đón :

- Ông có phải là Vương Mã Tử không ? Tôi kiếp trước thiếu ông hai mươi sáu đao; kiếp này phải trả lại. Ông hãy giết tôi đi.

Loạn binh nghe rồi rất ngạc nhiên :

- Ông làm sao biết được tên tôi ?

Trình bèn kể lại hai giấc mộng. Loạn binh nói :

- Kiếp trước ông giết tôi, kiếp này tôi lại giết ông, oan oan tương báo bao giờ mới dứt ? Thôi đi ! Tới đây là ngưng !

Nói rồi lấy sống dao khẻ vào người Trình hai mươi sáu lần.



Thanked by 2 Members:

#32 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 04/05/2012 - 23:43

32. HÀM HUY HÒA THƯỢNG

Ở chùa Quán Âm tỉnh Chiết Giang có một hòa thượng pháp danh Hàm Huy vào khoảng bốn mươi tuổi. Ông là một người giữ giới luật rất nghiêm. Một hôm đi tản bộ ngang qua một tiệm bán thịt chó. Nhà hàng đang làm món chả chìa, nướng thịt trên bếp than hồng. Mùi thịt nướng thơm lừng. Hòa thượng ngửi thấy thèm rỏ rãi, có cảm giác khoái cảm như ăn thật.

Ông về chùa rồi, toàn thân nóng hổi, trên người mọc lên mười tám cái nhọt đau không chịu được. Nếu có người nhìn vào nhọt thì cơn đau liền dứt. Nếu dấu không cho người xem thì đau buốt đến tận xương tủy, hình như sinh nhọt này ra để cảnh giới người đời vậy. Đã đi chữa chạy nhiều danh y, nhưng ai cũng lắc đầu chào thua. Tự biết kiếp trước đã tạo nên tội nghiệp, ông quỳ trước bàn thờ Phật tụng kinh, hết lòng sám hối. Một hôm nằm mộng thấy mười tám binh sĩ cụt đầu bảo ông :

- Ông có nhận ra chúng tôi không ?

- Không nhận ra.

- Dưới trào Kim, ông là lãnh binh, chúng tôi là binh sĩ dưới quyền ông. Ông sai chúng tôi canh giữ một ngọn núi. Trong bọn có hai người không giữ kỷ luật, cưỡng gian một thiếu phụ. Bà ta mách chồng, chồng bà thưa kiện lên ông. Đáng nhẽ ông điều tra, phạt hai người phạm pháp là phải. Nhưng ông không hỏi han gì lập tức ra lệnh chém đầu cả mười tám người chúng tôi. Mối oan đó không thể không báo. Chúng tôi tìm ông đã hai trăm năm rồi, đến giờ mới gặp lại. Nhưng vì ông giữ giới nên có thần hộ pháp bảo vệ, không xâm phạm được. Nay ông thấy thịt chó động niệm muốn ăn là phá giới; không có thần bảo hộ nên chúng tôi mới xâm nhập được. Ngày nay ông tụng kinh cầu giải oan nên chúng tôi hoãn cho ông ba năm, sau sẽ đến lấy mạng.

Từ đó các nhọt không làm đau nữa. Ba năm sau quả nhiên hòa thượng Hàm Huy qua đời.


Thanked by 3 Members:

#33 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 04/05/2012 - 23:50

33. CHA PHÓNG SINH CON THOÁT NẠN

Lâm Tra Mỗ, chủ tiệm tạp hóa Ích Nguyên ở Kim Bao Lý là một người nhân từ, thích làm việc thiện. Một hôm thấy dân chài bắt được một con rùa nặng gần năm trăm cân, liền lại gần xem thấy nó vươn cổ, gục đầu hai mắt nhỏ lệ như van xin thì động lòng trắc ẩn, bỏ tiền ra mua để phóng sinh.

Lại sợ dân chài lại bắt làm thịt nữa, nên sai khắc hai chữ Ích Nguyên hiệu phóng sinh trên mai rồi mới thả xuống biển. Trước khi lặn xuống nước nó còn quay lại nhìn Lâm lão khấu đầu ba lần. Dân chài cảm động vì lòng nhân của Lâm lão và linh tánh của con rùa này đều thề nếu có gặp nó cũng sẽ không bắt làm thịt.

Chuyện xảy ra đã mười sáu năm rồi, Lâm Thanh Kỳ là con thứ của Lâm lão, là sinh viên đại học Đài Bắc nhân được nghỉ bèn đáp tầu về thăm nhà. Nào ngờ tai nạn xảy ra, tầu bị đắm. Lâm Thanh Kỳ khi rơi xuống nước, bị sóng nhận chìm trong lòng sợ hãi đến ngất đi. Một lúc sau tỉnh lại thấy mình nằm ngữa nhìn lên trời xanh, có vật gì đỡ lưng bèn xoay người lại thì thấy mình nằm trên lưng một con rùa to như một cái bàn, trên mai có khắc chữ Ích Nguyên hiệu phóng sinh.

Liền nhớ lại chuyện cũ, bố mình có phóng sinh một con rùa lớn. Bèn vui mừng hai tay ôm chặt mai rùa, miệng không ngớt niệm Phật. Con rùa bơi vào bờ đến chỗ nước cạn, đợi Thanh Kỳ bò xuống. Thanh Kỳ chắp tay bái tạ, con rùa cũng gật đầu như đáp lễ rồi mới từ từ lặn xuống nước.



Thanked by 3 Members:

#34 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/05/2012 - 00:16

34. MƯỢN THÂY HOÀN HỒN

Năm Dân quốc năm mươi, nhân Tinh Vân pháp sư được mời đến Hổ Vĩ giảng kinh, chúng tôi (nữ ký giả Lý Ngọc của báo Kim Nhật Phật Giáo) cùng vài vị cư sĩ tháp tùng đến Hổ Vĩ.

Khi pháp sư giảng kinh thì chúng tôi đến thăm ni sư Trí Hạo ở Mạch Liêu. Mạch Liêu là một địa phương ở ven biển, giao thông không tiện lợi, lại không có thắng cảnh nào để xem. Chúng tôi đến thăm ni sư Trí Đạo ở Tố Vân Tự rồi, định trở về Hổ Vĩ, thì vị trụ trì mời ở lại độ ngọ. Trong khi trò chuyện thì vị Hứa cư sĩ có kể cho nghe chuyện mượn xác hoàn hồn, xẩy ra vài năm trước ở Mạch Liêu. Những người trong chuyện không nói, thành ra chỉ có người ở Mạch Liêu biết mà thôi. Những người ở vùng khác có nghe cũng không tin cho là chuyện thần kỳ quái đản không thể tin được.

Nghe xong chuyện chúng tôi quyết định sau khi thọ trai sẽ đến phỏng vấn những người trong chuyện. Nhân vật trong chuyện là ông Ngô Thu Đắc, ở số nhà 95 đường Trung Sơn, chủ một tiệm bán vật liệu xây cất. Khi mới gập ông có vẻ không vui, sau vài lần hỏi han, ông mới chịu thố lộ :

- "Năm Dân quốc bốn mươi tám, tôi có tham gia việc xây cất ở Hải Phong Đảo, khi làm việc tôi ít về nhà. Khi tôi đi thì bệnh nhà tôi đã đỡ, nhưng rồi bệnh càng ngày càng nặng, tinh thần không bình thường. Chúng tôi định đưa bả đi Dưỡng trí viện. Hai ba người định lôi bà đi, nhưng bà kháng cự lại, và còn nói :

- Tôi không điên, đừng đưa tôi đến Dưỡng trí viện. Tôi là Chu Tú Hoa, người Kim Môn, mượn thây hoàn hồn đó.

Vợ tôi chính tên là Lâm Cương Yêu mà bà lại nói cái gì là Chu Tú Hoa. Tôi không tin là thân bà đã bị một hồn khác chiếm cứ. Nhưng khẩu âm của bà thì đổi khác. Khi ở Hải Phong đảo, mỗi khi đạp xe về nhà, tôi cảm thấy trên vai như nặng hơn, nhưng tôi nghĩ có lẽ là do đường không tốt, nên không để ý. Sau này tôi mới biết là do cô gái ở Kim Môn ngồi sau xe cùng tôi về nhà".

Nói tới đây, ông kết thúc và đi pha trà mời khách. Hứa cư sĩ là người kể chuyện và dẫn chúng tôi đến đây ra ngoài tìm Chu Tú Hoa. Khi ông Ngô đi pha trà thì cháu vợ ông, một thanh niên khoảng hai mươi tuổi bảo :

- Khi dì ba tôi bị bệnh, tôi giúp dượng ba săn sóc dì. Có lúc dì khóc, có lúc lại lẩm bẩm nhưng chúng tôi không hiểu dì nói gì ? Có lúc dì nhỏm dậy chúng tôi cố ghì dì xuống nhưng không thể được mà còn bị dì xô ra. Một người phụ nữ không thể nào khỏe như thế, có lẽ dì có bạn giúp sức. Khi chúng tôi biết dì là người khác thì chỉ đành để dì dưỡng bệnh. Mới đầu dì dường như không quen. Khi dượng ba tôi kêu dì là A Cương thì dì bảo :

- Tôi tên Chu Tú Hoa, không phải là A Cương.

Khi bà ngoại và dì hai tới, dì cũng không nhận ra.

- Tôi không biết các người, các người là ai ?

Dĩ nhiên là hàng xóm của chúng tôi dì cũng đều không nhận ra. Nói đến đây, cậu liếc mắt vào bên trong sợ ông cậu đi ra, hạ giọng kể :

- Dượng ba là một người có trách nhiệm với gia đình, nhưng với dì ba cũ (Lâm Cương Yêu) không hợp. Tuy nhiên ông không có lăng nhăng với bà nào khác. Khi ông làm việc ở Hải Phong Đảo, có nhiều công nhân nói thấy bên cạnh ông luôn có người con gái. Lúc tán gẫu thường đem chuyện này ra nói, khen ông có số đào hoa. Mỗi lần dượng nghe nói, đều phủ nhận, nhưng chẳng ai tin.

Cậu lại thêm :

- Làm công việc xây cất thường hay xẩy ra tai nạn, không lớn thì nhỏ khiến công nhân bị thương. Nhưng lần làm việc ở Hải Phong đảo này thì rất thuận lợi, như là có người phù hộ.

Lúc đó ông Ngô bưng trà ra mời khách. Cậu cháu nói :

- Nói quý vị không tin, nhưng khi dì hơi khỏe, nói có khách đến chơi, bảo chúng tôi lấy ghế và đốt thuốc. Chúng tôi chỉ thấy dì cười cười, nói nói và ghế tre có tiếng cọt kẹt như có người ngồi trên di động vậy. Ít lâu sau thì không có khách nào tới thăm nữa. Khi dì hoàn toàn khỏe mạnh rồi thì dì thay đổi hẳn. Lúc trước, thịt cá gì dì cũng ăn, nhưng giờ thì hoàn toàn ăn chay. Lúc trước, thổi cơm, làm bếp là công việc của dì nay dì không làm nữa, nói là không biết. Nhưng những việc khác thì dì làm được cả. Lúc trước dì mù chữ, nay có thể coi việc sổ sách, làm ruộng, làm những việc nặng nhọc đều được cả.

Cậu lại chỉ lên bàn thờ Phật :

- Lúc trước, dượng tôi chỉ thờ cúng ông bà, nay dì mới xin thờ Phật.

Tới đây thì Hứa cư sĩ đi tìm Chu Tú Hoa về, ông nói :

- Cô ấy không chịu về, chỉ khóc.

Tôi cùng một chị bạn bèn ra ngoài mời; khi chúng tôi tìm đến thì cô đang đứng dựa vào cột, hai mắt nhắm lại, hai dòng lệ chảy dài xuống má. Tôi nghĩ cô đứng đây khóc đã lâu. Chúng tôi đến an ủi và mời cô về nhà. Có lẽ chúng tôi đến phỏng vấn khiến cô nhớ đến Kim Môn nên bị cảm xúc. Hôm đó cô chỉ cho chúng tôi biết sơ lược cô tên Chu Tú Hoa, sống ở Kim Môn, cha cô là Chu Hải Thanh, mẹ cô là Sái Diệp. Năm đó cô mười tám tuổi, vì Kim Môn bị pháo kích, lúc hỗn loạn cùng nhiều người khác xuống thuyền đánh cá ra khơi lánh nạn.

Về sau vì thuyền mất phương hướng, hết lương thực, nước uống, nhiều người chết đói, chết khát. Sau thuyền trôi đến Đài Tây, được lay tỉnh nhưng ngư phủ đoạt hết tiền bạc trên thuyền rồi xô cô xuống biển. Nói tới đây, cô ôm mặt khóc chạy vào trong nhà. Chúng tôi định hỏi thêm nhiều nữa nhưng không tiện, đành cáo từ ra về, hẹn lần sau sẽ đến tặng cô một chưỗi tràng hạt. Khi đưa chúng tôi ra bến xe, Hứa cư sĩ kể thêm :

- Gia đình ngư phủ cướp của giết người đó, không lâu theo nhau mà chết, chỉ còn lại một đứa con bị bệnh thần kinh. Khi Chu Tú Hoa khỏe mạnh rồi, có người dẫn đứa nhỏ bị bệnh thần kinh ấy đến gập Tú Hoa. Thực lạ, Chu Tú Hoa ngăn không cho vào nhà, lại mắng :

- Người nhà mày hại tao chưa đủ à ? Mày còn đến đây làm tao thương tâm nữa sao ?

Lúc trước Lâm Cương Yêu chưa bao giờ đến Đài Tây, và đứa trẻ điên đến nhà cũng không ai biết trước, vậy mà Tú Hoa lại biết. Mấy tháng sau, nhân Năng cư sĩ đến Hổ Vĩ để dạy các liên hữu xướng Phật tán, chúng tôi lại theo cư sĩ đến Mạch Liêu. Năng cư sĩ đã từng ở Kim Môn một khoảng thời gian, cho nên ông biết nhiều về phong tục, tập quán, kiến trúc ở Kim Môn.

Hôm đó trời mưa phùn nên khi đến nhà Chu Tú Hoa thì cô ở nhà không ra làm ruộng. Vì nhóm chúng tôi có vài người nên cô hơi do dự mãi mới chịu ra. Gặp chúng tôi cô gật đầu mỉm cười. Chúng tôi đưa tặng cô xâu chuỗi rồi nói chuyện gẫu. Vì có kinh nghiệm lần trước nên chúng tôi chỉ nói về Phật sự. Chu Tú Hoa nói :

- Từ nhỏ tôi đã tin Phật, ăn trường chay. Bây giờ dù bận mấy, sớm chiều tôi đều lễ Phật. Tôi biết Phật nói không sai. Mọi người phải làm việc lành, đừng làm việc ác, làm ác sẽ bị ác báo.

Tôi đã nghe nhiều người nói cô chăm lễ Phật, có lẽ cô được sống trở lại cũng là do nguyên nhân này. Tôi nhân cơ hội hỏi :

- Cô nói cô tin Phật, vậy ở Kim Môn có niệm Phật đường không?

- Tôi không biết, nhưng nhà tôi có thờ Phật, tôi chỉ lễ Phật ở nhà.

- Bây giờ cô còn nhớ chuyện gì ở Kim Môn không ?

Cô thở dài :

- Nhớ thì nhớ được, nhưng chuyện qua rồi còn nhắc lại làm gì ?

- Nếu có người tìm giùm cha mẹ cô thì cô có chịu không ?

- Đương nhiên, nhưng mà ai giúp tôi, nhưng dù có giúp sợ rằng cha mẹ tôi cũng không nhìn ra tôi. Thân tôi bây giờ không phải là thân tôi khi lìa Kim Sơn.

Nói tới đó mắt cô đỏ lên, nhưng cô giữ không khóc. Tôi chỉ Năng cư sĩ ngồi bên cạnh :

- Đây là Năng cư sĩ, ông cũng tin Phật, đã từng ở Kim Môn, ông hãy còn nhiều bạn bè ở đấy, có thể giúp cô dò hỏi tin tức. Như quả tìm ra cha mẹ cô thì cô có nhận ra họ không ?

- Đương nhiên rồi ! Nhưng lúc đó cô có dám theo tôi tới Kim Môn không ?

Cô hỏi lại và đợi tôi trả lời.

- Dám chứ.

(Về sau, ông Ngô có nhờ bạn đến Kim Môn dò tìm tin tức song thân Chu Tú Hoa theo địa chỉ cô nói, người bạn về cho biết quả có gia đình Chu Thanh Hải thật, nhưng sau khi cộng quân pháo kích thì toàn gia đã thất tích. Do đó Chu Tú Hoa không cách gì về Kim Môn nhận người thân nữa).

Tôi lại nhân cơ hội hỏi cô khi lìa Kim Môn như thế nào ? Cô nói :

- Sự tình phát sinh năm đó, tôi không biết là năm nào. Lúc đó tôi mười tám tuổi, có người nói quân đội định rút lui, do đó dân chúng đều đổ xô xuống thuyền đánh cá để trốn. Tôi cũng theo người ta xuống thuyền.

- Cha mẹ cô không đi cùng sao ?

- Không ! Vì lúc đó rất hỗn loạn, cộng quân pháo kích, nhà chúng tôi là nhà buôn bán, không có thuyền, tôi theo mọi người xô đẩy mà xuống thuyền, lạc cha mẹ không ngờ lại là vĩnh biệt. Bữa đó cộng quân pháo kích rất dữ, mọi người xuống thuyền cũng chẳng biết đi đâu. Bình thời dân chài cũng chỉ đánh cá ven bờ. Khi ra biển lớn chẳng biết phương hướng gì, về sau cứ mặc cho sóng biển đưa
đẩy. Qua bao ngày, nhiều người chết đói, chết khát. Một hôm thuyền trôi đến hải đảo, có một thuyền ngư dân cập vào. Có người phát hiện ra tôi, họ lay tôi tỉnh lúc đó tôi mới biết đã đến Đài Tây của Đài Loan. Họ hỏi tôi nguyên nhân ra biển. Tôi kể thật cho họ hay, về sau...

Nói tới đó cô thổn thức không ra lời. Tôi bèn góp lời :

- Nghe nói họ cướp tiền của cô, lại xô cô xuống biển. Về sau cả nhà họ bị chết, chỉ còn lại một đứa con dở điên, dở khùng có phải không ?

- A! thì ra cô đã nghe nói rồi ! Sự thực không phải vậy. Tiền của không phải hoàn toàn của tôi, tôi chỉ có một phần, còn là của tất cả những người trên thuyền. Họ cướp tiền và cả nhà họ chết là sự thực. Tôi tuy thấy họ không có lương tâm, nhưng tôi là người tin Phật, tôi không muốn kết oán thù. Đó là những người cùng thuyền bất bình mà thôi.

- Trước khi cô đến ở nhà ông Ngô thì cô ở đâu ?

- Tôi ở Hải Phong Đảo, chỗ đó cây xanh, biển xanh đẹp lắm.

- Cô có thích chỗ đó không ?

- Thích, tôi ở đó ít lâu. Khi bị ném xuống biển thì hồn du Hải Phong đảo, quanh quẩn ở đó chừng mười ngày thì bị Trương Lý Mạc Tam Phủ Vương Bang thâu làm môn hạ. Vương Bang công cho biết thọ mạng của tôi chưa hết, có thể mượn thây của vợ Ngô Thu Đắc để hồi dương, hãy tạm trú ở Vương Bắc miếu. Không lâu, may gặp Ngô Thu Đắc đến Hải Phong Đảo làm việc, liền theo Ngô Thu Đắc. Khi Ngô Thu Đắc làm xong việc về nhà nhà bèn về theo chờ cơ hội. Được vài hôm Lâm Cương Yêu bệnh tình trầm trọng, hồn về Ly hận thiên, tôi liền thừa cơ mượn thây hoàn hồn. Nhưng mượn thây không phải là dễ. Để vào nhục thể người khác là một việc rất khổ não, may có Vương bang công giúp đỡ, khoảng hai mươi ngày sau mới hoàn thành.

- Cảm giác cô lúc ấy thế nào ?

- Rất tự nhiên, nhưng không được quen mấy (ám chỉ lúc trước là một thiếu nữ, nay là phụ nữ có chồng).

- Mạch Liêu so với Kim Môn như thế nào ?

- Kim Môn toàn nhà gạch, đường xá ngay hàng thẳng lối, chứ không lộn xộn như ở đây, cái thò ra, cái thụt vào.

Năng cư sĩ đồng ý với những gì cô nói, theo như ông tính thì đó là năm Dân quốc bốn mươi ba. Nhiều người thấy quân đội vận chuyển súng đạn đi tưởng quân đội rút lui, nên xuống thuyền di tản. Lần trước chúng tôi đã biết ông Ngô đối với vợ cũ (Cương Yêu) không hợp lắm, nay đối với Tú Hoa thì rất hợp. Cô săn sóc con của Cương Yêu như con mình vậy. Hơn nữa từ khi Tú Hoa đến nhà, gia cảnh càng ngày càng khá hơn. Cô vốn quen buôn bán nên cô bảo buôn bán thứ gì, không buôn bán thứ gì đều đúng cả.

- Cô ở Mạch Liêu gần hai năm đã quen chưa ?

- Cô nghĩ coi, tôi ở căn nhà cũ có quen không ? Không những thế còn phải chăm sóc con cái, làm việc nhà...Lúc chưa đến đây tôi còn là con gái, nay là vợ là mẹ người ta. Tôi từng bảo ông Ngô để tôi ở Niệm Phật đường, nhưng ông không chịu.

- Nghe nói mẹ chồng và các con đều khen cô.

- Đúng rồi ! Họ đối xử tốt với tôi, làm sao tôi không tốt với họ cho được ?

Cô đỏ hồng đôi má. Nếu tính tuổi thì cô mới chừng mười mấy đôi mươi lại có con sấp sỉ cùng tuổi kêu mẹ, thật khó mà quen. Lúc từ biệt ra về, tôi cầm tay cô :

- Mọi người đối với cô tốt, cô cũng nên quên đi chuyện cũ. Phật giáo nói tất cả đều là nhân duyên. Cô và Ngô gia có duyên, vì vậy mới từ nơi xa xôi là Kim Môn mà tới đây chung sống.

Cô gật đầu.

- Hơn nữa, mỗi ngày cô đều niệm Phật. Dù ở đâu cũng thế thôi, cần gì phải ở Niệm Phật đường. Phật giáo chủ trương lợi tha rồi mới cầu tự lợi. Cô vì gia đình họ khó nhọc là làm công đức đấy.

Cô im lặng nghe. Tôi lại thêm :

- Nếu cô thích đến Niệm Phật đường thì khi nào rảnh tôi sẽ dẫn cô đến Hổ Vĩ. Hy vọng từ đây cô an tâm không còn thấy khổ não nữa.

Cô cảm kích nắm tay tôi cảm tạ. Khi từ biệt thì Ngô Thắng Ngạn, con trai của ông Ngô Thu Đắc đưa chúng tôi ra bến xe. Vừa đi tôi vừa hỏi anh nghĩ gì về mẹ anh. Anh nói :

- Mẹ tôi sanh trưởng ở Mạch Liêu, chưa hề đi Đài Tây hay Kim Môn bao giờ. Khi khỏi bệnh trở thành một người khác. Sự thực tôi không tin. Tuy xác thân là mẹ nhưng bà cương quyết không nhận là Cương Yêu, thân bằng quyến thuộc bà đều không nhận biết. Tôi thật không biết sao.

- Bây giờ thì sao ?

- Dĩ nhiên tôi vẫn kêu bà là mẹ.

- Anh có tin chuyện mượn xác hoàn hồn không ?

- Lúc trước thì tôi không tin, nhưng khi tham dự trại họp bạn Hướng Đạo ở Phi Luật Tân, trong đoàn có một anh người Kim Môn, có giọng nói y hệt khi mẹ tôi khỏi bệnh. Do đó, tôi tin bà là người Kim Môn.


Thanked by 2 Members:

#35 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/05/2012 - 23:06

35. BẠCH KHỞI

Đời Chiến quốc, Bạch Khởi là danh tướng nước Tần, đánh trận rất giỏi được Chiêu Tương Vương trọng dụng. Võ công hiển hách, đánh chiếm hơn bảy mươi thành trì được phong là Võ An Quân.

Một lần Bạch Khởi đánh với tướng nước Triệu là Triệu Quát ở Trường Bình. Ông trá bại rút lui, rồi dùng kỳ binh cắt đứt đường tiếp tế của địch, bắn chết Triệu Quát. Quân Triệu hơn bốn chục vạn người đều xin hàng. Bạch Khởi nhận định hàng binh có thể phản lại lúc nào không biết, bèn đem giết sạch. Cả nước Triêu rúng động, kinh hãi.

Nhiều năm sau, Tần quốc lại sai tướng khác đi đánh Triệu nhưng bị thất bại. Vua Tần lại sai Bạch Khởi đi đánh. Bạch Khởi cáo bệnh kháng chỉ. Vua nổi giận lột tước Võ An Quân và ban cho một thanh gươm bắt tự sát. Bạch Khởi than :

- Ta phạm tội ác gì chớ ?

Sau một lúc ngẫm nghĩ lại nói :

- Trong trận đánh ở Trường Bình ta đã giết nhiều tù binh, quả thật tội đáng chết !

Nói rồi rút gươm tự tận !


Thanked by 2 Members:

#36 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/05/2012 - 23:11

36. THẤY CHẾT KHÔNG CỨU

Mùa xuân năm Dân quốc mười lăm, ở tỉnh Chiết Giang có một phú ông, nhà hàng xóm bị cháy, cửa trước bị lửa cháy ngăn đường ra, phía sau có bức tường giáp vách với nhà phú ông. Cả nhà kêu cứu thảm thiết. Con cháu phú ông muốn mở cửa hông để cứu họ, nhưng phú ông không cho :

- Hiện nhà mình chỉ nhờ bức tường ngăn đám cháy. Nếu mở cửa ra thì lửa sẽ luồn sang, đốt luôn nhà mình thì sao ? Không được, không thể mở cửa được !

Do đó, mọi người chỉ ngồi nhìn, không cứu. Một lát sau, không còn nghe tiếng kêu cứu nữa. Cả nhà hàng xóm bảy mạng đều bị thiêu trong biển lửa. Ngay mùa hè năm đó, phú ông bị ngã mà chết. Ít lâu sau, con cái trong nhà đều nằm mộng thấy phú ông về thảm thiết bảo :

- Ta vì thấy chết không cứu, bị âm ty bắt đầu thai làm heo. Trong một thôn của Lâm An, ở nhà Triệu A Bảo, có một con heo nái đẻ ra một bầy con trong đó có một con bị què chính là ta đó.

Con cái phú ông tìm đến nhà Triệu gia gập Triệu A Bảo, A Bảo nói :

- Tối qua, con heo nái nhà tôi có sinh ra một lứa bảy heo con, trong đó quả thật có một con bị què.

Bèn đem ra trao cho con phú ông mang về nuôi dưỡng. Chuyện này là do chính bạn của phú ông kể nên xin được dấu tên.


Thanked by 2 Members:

#37 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/05/2012 - 23:14

37. SỬ TIÊN SINH

Sử tiên sinh người Hiển huyện, Hà Bắc tánh tình hào hiệp ngay thẳng, không câu nệ tiểu tiết, được mọi người yêu mến, kính trọng. Một hôm Sử tiên sinh trên đường về nhà đi qua một thôn nọ, thấy hai vợ chồng nông dân còn trẻ ôm nhau khóc lóc rất thảm thiết. Sử hỏi :

- Các người có chuyện gì mà khóc lóc thương tâm như vậy ?

Nông phu đáp :

- Tôi thiếu tiền một nhà phú hộ, không có tiền trả, phải bán vợ cho người ta. Hai vợ chồng tôi rất thương yêu nhau, hơn nữa con còn nhỏ cần sữa mẹ. Hiện nay gia đình sắp phải ly tán. Vợ lìa chồng, mẹ xa con không thương tâm sao được ?

- Anh thiếu nợ bao nhiêu và bán vợ được bao nhiêu ?

- Tôi thiếu nợ ba chục lạng và bán vợ được năm chục lạng.

- Có tiền có thể mua lại vợ anh không ?

- Khế ước đã làm, nhưng tiền chưa trao, đương nhiên có thể chuộc lại.

Sử nghe xong không do dự lấy ra bảy chục lạng trao cho nông phu.

- Anh hãy lấy ba chục lạng trả nợ, còn bốn chục lạng giữ lại làm vốn buôn bán không cần phải bán vợ nữa.

Hai vợ chồng nông phu cảm kích, mời Sử vào nhà làm cơm khoản đãi. Uống vài ly rượu rồi chàng nông phu ghé tai vợ nói nhỏ :

- Tôi bế con ra ngoài, mình ở lại ngủ với ông ta một đêm.

Nói rồi, mời Sử cứ ăn uống tự nhiên, mình có việc phải ra ngoài. Sử thấy nông phu đi ra, không tiện ở lại cũng đứng lên cáo từ. Thiếu phụ bèn nắm tay ông thỏ thẻ :

- Sử tiên sinh cứu giúp cả gia đình thiếp, đại ân đại đức không biết lấy gì báo đáp. Đêm nay hãy lưu lại đây, thiếp xin hầu hạ chăn gối.

Đối diện với thiếu phụ mơn mởn, gái một con trông mòn con mắt, Sử không hề động tâm, chính sắc bảo:

- Tôi bỏ tiền ra giúp hai vợ chồng nàng là vì lòng thương sót, không cần báo đáp. Vợ chồng nàng mời tôi ăn cơm uống rượu, tôi đã tiếp nhận. Còn như cùng nàng chung chăn gối, tôi tuyệt đối không làm.

Nói rồi bỏ đi không ngoảnh cổ lại. Nữa tháng sau, hàng xóm Sử phát sinh hỏa hoạn. Lúc đó mùa gặt đã xong nhà nào cũng chứa đầy đụn rơm rạ, do đó lửa lan ra rất mau, tiến gần tới nhà Sử. Nhà Sử tứ bề tường gạch khó bề chạy thoát. Bỗng nhiên có tiếng sấm nổ, sét đánh sạt một góc tường phía lửa chưa tới. Cả nhà Sử do đó thoát ra được biển lửa. Trận lửa làm chết chín người, Sử vì làm lành nên cả nhà được thoát.

Sửa bởi hiendde: 05/05/2012 - 23:19


Thanked by 2 Members:

#38 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 05/05/2012 - 23:31

38. CHỊ EM THIỀN HUỆ KHOAN

Thiền sư Huệ Khoan người Miên Trúc, Tứ Xuyên. Phụ thân là Dương Vỹ, một nhân vật có danh trong đạo giáo. Nhân dân trong vùng từ các nơi mang thóc gạo đến nhà để đổi lấy chương phù (bùa), mục đích hy vọng bảo hộ bình an.

Vợ Dương Vỹ mang thai, tâm tánh thay đổi, ghét thịt cá, sinh ra một bé gái đặt tên là Tín Tướng. Đứa nhỏ này thích yên tĩnh, thường tự mình tĩnh tọa. Lần mang thai sau, sinh ra một bé trai chính là Huệ Khoan. Huệ Khoan khi được sáu tuổi thường cùng chị ngồi thiền. Cha mẹ lấy làm lạ, hỏi thì đáp :

- Phật đến dạy chúng con bát nhã trí, chúng con bàn luận về pháp tướng.

Phụ thân là một đạo sĩ, đối với Phật giáo không biết gì cả. Hai đứa nhỏ tuy là sanh trong nhà Đạo gia, nhưng lại không theo đạo giáo, mà tự nghiên cứu Phật pháp. Có một lần hai đứa nhỏ tranh luận, phụ thân hiếu kỳ bèn lấy giấy ghi chép lời hai đứa tranh luận cộng hơn trăm trang giấy. Lúc đó ở Long Hoài tự có Hội pháp sư nghe tiếng hai đứa nhỏ lại thăm. Phụ thân mang tập giấy ghi chép ra cho Hội pháp sư xem. Hội pháp sư xem xong kinh dị bảo :

- Hoàn toàn phù hợp với kinh Phật.

Về sau có một dị tăng ở Tĩnh Tuệ tự nhập Hỏa Quang Tam Muội, phái người đến gọi Tín Tướng. Tín Tướng đến nói không lại gần được vì có lửa. Thiền sư bảo :

- Nếu đã thấy lửa, sao không lấy nước diệt đi ?

Tín Tướng bèn nhập thủy quán, bèn vào được. Thiền sư thấy cô có căn cơ bèn khuyên xuất gia. Tín Tướng muốn xuất gia, nhưng ở nhà đã hứa gả cho người và thông gia không chịu để cô xuất gia. Sau phải nhờ Đạo, tục, Tăng quan ra mặt mới được như nguyện. Huệ Khoan cũng cùng xuất gia một lượt với chị. Thục Vương Tú lúc đó ở Ích Châu mời Tín Tướng vào thành. Vương phi lại lập tịnh xá cung dưỡng. Tín Tướng xuất gia rồi, một lần khi ra đường, có người trông thấy nổi lòng tà niệm. Cô gọi người ấy lại bảo :

- Đừng có dị tâm đối với Tam bảo, sẽ tự thọ tội.

Người đó kinh hoảng, sam hối rồi đi. Điều này chứng tỏ Tín Tướng đã đắc tha tâm thông. Cô có khi cả tháng không ăn uống, khi muốn ăn thì không biết cơm từ đâu tới. Đương thời xưng tụng là thánh ni. Chùa cô cư ngụ sau được gọi là Thánh Ni tự.

Huệ Khoan năm mười tuổi theo Hội thiền sư ở Long Hoài tự học tập kinh luận, chỉ liếc mắt xem qua là thuộc. Hội thiền sư có hơn hai trăm đồ đệ, có chuyện đều sai mọi người làm chỉ riêng Huệ Khoan là không bị sai bao giờ. Đại chúng cho rằng thiền sư thiên vị. Thiền sư bảo :

- Người này là bổn sư của ta, ta làm sao dám sai bảo ? Khi Chu Võ diệt pháp ta theo tùy tướng thiền sư ẩn ở Nam Sơn, đến khi Tùy Đế khôi phục Phật giáo, ta từ biệt về Thục. Thiền sư bảo ta khi về Thục sẽ có nhiều đồ đệ, trong đó có Huệ Khoan có thể thu nhận. Ta nhớ chuyện này, lại tính ngày tháng thì ngày sư phụ ta mất trùng với ngày sanh của Huệ Khoan.

Từ đó không ai còn thắc mắc với vị tiểu sư đệ là sư công tái sinh nữa. Năm ba mươi tuổi Huệ Khoan về Miên Trúc tự hoằng dương Phật pháp. Trước hết ông độ cho phụ thân cải theo Phật giáo, sau lập nhiều chùa chiền khiến cả một vùng dân chúng đều tin theo Phật.

Có một ông tăng tên là Sách, trì chú rất có hiệu nghiệm. Một hôm, bỗng chết đi đến gặp Diêm vương. Diêm vương sai ông tụng chú cho tội nhân nghe, lại bảo ông mời Huệ Khoan giảng kinh Địa Tạng cho tội nhân nghe. Khi sống lại một tháng rồi mà không thi hành. Bỗng lại chết đi bị Diêm Vương thạnh nộ bảo ngưu đầu đánh đòn :

- Ta bảo ngươi tụng chú, lại bảo ngươi mời người giảng kinh Địa Tạng để giúp chúng sanh, sao ngươi dám không tuân ?

Sách sống lại, vội đi mời Huệ Khoan. Huệ Khoan bảo ông tụng chú, rồi họp đại chúng lại giảng kinh Địa Tạng. Quan địa phương ở Miên trúc là Tống Úy thường chống đối Phật giáo. Ông ta nói :

- Ta chỉ tin Khổng, không tin Phật. Tuy nhiên có nhờ Phật lực được hai chuyện :
Thứ nhất, ở bên hông nhà, thường có người tiểu tiện, ta cấm không được bèn đem tượng Phật đặt ở chỗ đó, không ai dám tiểu tiện nữa. Thứ hai, có lần gặp mưa bị ướt như chuột lột, liền đem tượng Phật gỗ ra đốt sưởi ấm và hơ quần áo.

Huệ Khoan nghe được chuyện này bèn gửi kinh sách và thư khuyên bảo. Tống Úy nhận được thư bảo :

- Ta nghe nói người này có nhiều linh dị, ta thử coi sao .

Bèn xé kinh làm giấy đi cầu. Không lâu, hậu môn đau nhức, hai chân đứng dậy không nổi, kêu lên :

- Ta chết mất ! Ta chết mất !

Một tháng sau, quả nhiên qua đời.



Thanked by 3 Members:

#39 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/05/2012 - 15:24

39. ĐẬU PHƯƠNG

Tỉnh Hiệp Tây có ông họ Đậu, có một đứa con trai đặt tên là Đậu Phương. Phương rất thông minh, sách vở chỉ liếc mắt qua là thuộc, nhưng đáng tiếc là có tánh kiêu ngạo khác thường, không coi ai vào đâu, lại luôn chống lại phụ thân. Hễ Đậu lão bảo trắng thì Phương bảo đen, bảo đi Đông thì Phương đi Tây. Phương thường gọi phụ thân là lão ngoan cố, cổ hủ không bắt kịp thời đại. Đậu lão đối với đứa con ngỗ nghịch không sao dạy dỗ được chỉ lắc đầu than thở. Một hôm bảo con :

- Đạo hiếu cốt yếu là vâng lời cha mẹ, nay ta bảo gì con cũng không nghe sao gọi là có hiếu ?

- Thời đại đã thay đổi, nay bảo con phải nghe lời lão ngoan cố chẳng là đi ngược lại thời đại sao ?

Đậu lão chán nản từ đó mặc kệ không nghe, không nói gì nữa, để cho Đậu Phương toàn quyền xử lý. Thân bằng có chuyện thương lượng đều do Đậu Phương quyết định. Do đó mọi người chỉ biết Đậu Phương, chẳng ai thèm để ý gì đến Đậu lão nữa. Đậu Phương có một bà chị đã đi lấy chồng, nhưng nhà chồng rất nghèo, về nhà mẹ mong được giúp đỡ. Đậu lão thương con bảo Đậu Phương giúp đỡ. Đậu Phương đối chị ruột hầu như chẳng có chút tình cảm nào, nhất định không giúp, mặc cho chị đói rách.

Một hôm Đậu Phương theo bạn đến Báo Ân Tự chơi, thấy chùa có quyển “Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh” trong có ghi chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ bèn bình luận :

- Chết là hết chuyện làm gì có linh hồn với địa ngục; hơn nữa mẹ Mục Kiền Liên lúc sống ăn thịt, cá, không coi trọng Tăng, Ni có tội lớn lao gì mà phải đọa dưới mười tám tầng địa ngục, chỉ là nói bậy không à !

Nói rồi xé nát quyển kinh. Lúc đó cảm thấy hơi mệt bèn mượn một tăng phòng để ngủ trưa. Khi ngủ thấy đến một tịnh xá, có một đồng tử ra mời vào :

- Bồ Tát mời ông vào.

Khi vào thấy Bồ Tát Địa Tạng, tay cầm gậy giống hệt như tượng trong chùa, dạy rằng :

- Mục Kiền Liên cứu mẹ là chuyện thật, được chép trong kinh. Lời Phật là thật không dối. Ngươi xé kinh Phật là tội đại bất kính. Mục Kiền Liên cứu mẹ là đại hiếu, còn ngươi không nghe lời phụ thân là đại bất hiếu. Ngươi vừa bất kính vừa bất hiếu há đáng làm người sao ? Nếu không chịu sám hối, sửa đổi e rằng ác báo sẽ khó tránh.

Bồ Tát từ bi khuyên dạy, nhưng Đậu Phương nghiệp ác quá nặng không tỏ lòng sám hối. Ít lâu sau trở nên si khờ, phải có hai người săn sóc cho ăn uống. No, đói cũng không tự biết, lúc khóc, lúc cười. Một người thông minh lanh lợi, bỗng chốc trở thành si khờ há chẳng là do ác báo sao ?



Thanked by 2 Members:

#40 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/05/2012 - 01:05

40. CON HƯƠU SAO

Năm Dân quốc bốn mươi bốn, vào một chiều tháng chín, ở A Lý Sơn, trong một quán trọ chủ quán là Liệu Thạch Thủy cùng vợ đang sửa soạn bữa cơm chiều. Bỗng nhiên, thấy ở sau vườn có một con vật gì xông vào. Vì trời tối nhìn không rõ, hai vợ chồng vội thắp đèn chạy ra sau vườn xem thì ra là mộ con hươu sao đang hoảng hốt chạy quanh quẩn trong vườn. Thật kỳ lạ con hươu sao trông thấy hai vợ chồng chủ quán thì hai chân khuỵu xuống, mắt lệ long lanh nhìn họ như cầu cứu. Hai vợ chồng nhìn kỹ thấy là một con hươu cái đang mang thai, bụng lại bị thương, có lẽ là do thợ săn bắn. Hai vợ chồng vốn có lòng từ bi không thể thấy chết mà không cứu, hai người bàn nhau làm sao giúp hươu. Bỗng nhiên lại có một gã thanh niên người sơn cước chạy đến hỏi :

- Các người có thấy một con hươu bị thương chạy qua đây không ?

Hai vợ chồng đã nhất định cứu con hươu nên không muốn trao ra, lại biết người sơn cước thích nhậu, bèn mời gã ăn nhậu. Sau đó lại đưa ra hai trăm đồng bảo :

- Không sai ! Con hươu bị anh bắn trúng chạy đến nhà tôi, đáng nhẽ phải giao trả nhưng nó bị thương lại đang mang thai. Anh có bắt nó về thì cũng đem bán làm thịt, chi bằng bán cho chúng tôi, không biết anh có bằng lòng không ?

Gã thanh niên ưng thuận, hai vợ chồng vội chạy đi mời một vị thú y đến giúp băng bó vết thương, lại dọn dẹp một khoảng trống ở vườn để hươu tịnh dưỡng, đợi hồi phục sức khỏe sẽ lại thả về rừng. Chuyện này nhanh chóng được loan truyền trong thôn xóm. Mọi người bàn tán xôn xao. Có người khen vợ chồng chủ quán có nhân, có người chê là ngu xuẩn. Mặc kệ mọi người nói sao, hai vợ chồng vẫn không đổi ý, đã cứu thì cứu đến cùng. Trong thôn có hai tên vô lại là Ngô Thuần Hòa và Trần Lịnh thích ăn nhậu nhưng lại biếng làm việc, cả ngày chỉ ngồi nghĩ cách lừa người kiếm tiền. Nghe được chuyện này Hòa bảo Lịnh :

- Sao trên đời lại có những đứa ngu như thế nhỉ? Trả hai trăm đồng cho thằng sơn cước đã là ngốc rồi, lại còn mời thú y chữa trị nữa chứ...Nếu là tao thì tao không khờ như vậy, tao sẽ bán lấy tiền tiêu rồi !

- Nghe nói sau khi hươu bình phục, hai đứa ngu ấy sẽ thả về rừng. Chúng mình sẽ rình bắt ăn thịt, mày thấy sao hả ?

- Được lắm ! Nghe nói thịt hươu không những ngon mà còn bổ nữa.

Hươu sao được hai vợ chồng chủ quán săn sóc không lâu bình phục. Một sáng hai vợ chồng mở cổng sau cho hươu về rừng. Khi ly biệt hươu còn ngoảnh cổ lại nhìn hai vợ chồng chủ quán như không nỡ rời. Không ngờ hai gã vô lại rình ở gần đó chụp bắt giết làm thịt. Hôm sau, hai gã vô lại còn cố ý đến quán bảo :

- Hôm qua bắt được một con hươu có chửa, thịt thật là ngon !

Hai vợ chồng buồn bã, hối đã không giữ hươu lại nuôi khiến nó bị giết thảm như vậy. Xuân đi, thu tới mọi người hầu như quên hẳn chuyện này, chỉ có hai vợ chồng chủ quán vẫn thương nhớ tới con hươu sao đáng yêu, đáng thương này. Một chiều nọ, hai gã vô lại từ sòng bạc trở về. Qua một đêm thức trắng bài bạc, hai tên dừng lại một gốc cây để nghỉ. Đó chính là nơi hai gã đã giết con hươu sao. Bỗng nhiên trời đổ mưa, sấm sét đùng đùng, hai gã nấp dưới gốc cây tưởng được an toàn, nào ngờ một luồng sét đánh cây bị tiện ngang, đè chết hai tên vô lại. Làm ác bị báo oán, còn hai vợ chồng chủ quán tốt bụng dĩ nhiên được hảo báo, buôn bán ngày càng phát đạt, con cái đều thông minh lanh lợi.

Sửa bởi hiendde: 08/05/2012 - 01:05


Thanked by 3 Members:

#41 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/05/2012 - 01:11

41. CON CHÓ TRỤI LÔNG

Năm Dân quốc ba mươi bảy, tại một chùa ở tỉnh Hồ Nam, một hôm xảy ra chuyện tranh cãi giữa sư giám viện và sư kế toán. Giám viện nói tiền bán lúa đã giao cho kế toán, nhưng kế toán lại nói chưa nhận được tiền. Hai người cãi qua cãi lại, không ai chịu ai. Chùa phải họp để giải quyết. Sư kế toán nói :

- Nếu quả tôi thâu tiền của giám viện, tôi nguyện đời đời ở địa ngục thọ vô lượng khổ.

Đại chúng nói :

- Nếu ông ta đã thề như thế thì chắc là ông ta không nhận tiền rồi, còn giám viện thì sao ?

- Nếu tôi lấy tiền này thì là tôi không tốt !

- Không được ! Không tốt nghĩa là sao ? Là chột một mắt hay què một chân ?

- Đúng vậy ! nếu tôi lấy tiền này thì kiếp sau sẽ làm chó.

- Không được ! Thế gian này có biết bao nhiêu là chó, làm sao nhận ra ông ?

- Nếu thế thì sẽ đời đời làm chó trụi lông.

Nói rồi có vẻ buồn. Một năm sau giám viện mất. Lại một năm nữa trôi qua trong nhà một nông phu, con chó cái sinh ra một lứa bốn chó con, trong đó có một con không có lông. Nuôi năm, sáu tháng mà nó cũng không mọc lông. Nông phu không dám giết vì các thầy khuyên không nên sát sanh. Một hôm đem chó lên chùa. Đại chúng xúm lại xem và nhớ lại lời thề của giám viện lúc trước. Thật là kỳ, con chó tới chùa liền chạy lại giường của giám viện nhẩy lên rồi không chịu xuống nữa, ăn uống tiêu tiểu đều ở trên đó. Chùa đành nuôi nó, được một năm thì nó chết.




Thanked by 3 Members:

#42 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/05/2012 - 01:18

42. CỨU NGƯỜI ĐƯỢC TĂNG THỌ

Năm Dân quốc mười bảy, bắc bộ tỉnh An Huy bị thiên tai, bá tánh không đủ cơm ăn, áo mặc. Nhiều người di chuyển về trung bộ để ăn xin. Có hai người ăn xin, một là mẹ chồng đã nhiều tuổi, một là nàng dâu đang mang thai, quần áo rách rưới đói, lạnh đến gõ cửa nhà Trương mỗ xin ăn. Trương mỗ ra mở cửa. Lúc đó hai mẹ con người ăn xin đứng run lập cập dưới trời tuyết lạnh lẽo, Trương thấy nếu không cứu chắc họ phải chết. Trương vội mời vào, sai người nhà mang quần áo ấm và dọn cho một bữa cơm nóng.

Ăn xong hai người cảm tạ định đi. Trương thấy người con dâu sắp sanh, lại không biết đi về đâu và ai săn sóc cho khi sanh. Đã thương thì thương cho trót, Trương bèn giữ hai mẹ con lại. Khi người con dâu sanh lại mời bà mụ đến đỡ đẻ cho. Đến mùa xuân ấm áp Trương lại tặng tiền lộ phí để ba bà cháu trở về.

Mùa hè hai năm sau, ở trung bộ tỉnh An Huy phát sinh bệnh dịch người chết rất nhiều. Trương mỗ bất hạnh cũng bị nhiễm bệnh, tình huống nghiêm trọng bị hôn mê đã nhiều ngày. Người nhà đã chuẩn bị đầy đủ chỉ chờ Trương tắt thở là đem chôn ngay. Lúc đó bệnh dịch hoành hành nên xác chết không được giữ ở nhà. Nào ngờ Trương bỗng nhỏm dậy, thở một hơi dài rồi bảo :

- Tôi đã sống lại rồi. Vừa rồi tôi chết đi, tiểu quỷ dẫn đến gặp Diêm Vương. Diêm Vương sai tra sổ sanh tử thì có một viên quan mặc hồng bào, trình lên một tờ giấy hồng trên có ghi Trương mỗ cứu ba mạng người, được tăng thọ ba kỷ. Do đó sai tiểu quỷ dẫn tôi về. Khi tôi đi ra thì gặp biểu ca bị còng tay dẫn vào.

Vừa lúc đó người nhà biểu ca của Trương ở cách đó bốn chục dậm đến báo tin biểu ca đã qua đời.



Thanked by 3 Members:

#43 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 08/05/2012 - 02:43

43. NGỘ THIỀN SƯ

Triều Tống, thiền sư Đạo Ngộ hiệu Phật Quang, người tỉnh Hiệp Tây, còn trẻ mà đã có vẻ người lớn. Năm mười sáu tuổi xin được xuất gia, cha mẹ không cho; ông tuyệt thực để phản đối, ngắc ngoải gần chết; cha mẹ đành phải chấp nhận cho tu ở chùa gần nhà. Qua hai năm, một hôm đi chơi Đào Huyện, ngủ lại một đêm, mộng thấy một ông phạm tăng hét một tiếng lớn. Khi tỉnh dậy lại nghe có tiếng ngựa hý bỗng nhiên tỉnh ngộ bèn làm bài kệ :

Thấy rồi la, thấy rồi la !

Chỉ là cái ấy, khắp ta bà !

Trở về nhà ông bảo mẹ :

- Con ở trên đường nhặt được một vật, con rất cao hứng .

- Là vật gì ?

- Là vật từ xưa đến nay không thấy .

- Vậy có vui gì ?

- Con muốn đi tham phỏng .

- Con định đi đâu ?

Ông ngâm hai câu thơ :

Sông đều chảy về biển rộng

Chim hạc bay ra từ ngọn Bạch Vân .

Lại nói, ở Hùng Nhĩ có một vị Bạch Vân Hải thiền sư đã trụ trì lâu năm rồi mà vẫn chưa có một vị đệ tử nhập thất. Có người hỏi :

- Hòa thượng sao không lựa một pháp tử ?

- Trong muôn hoa đã chọn một .

-Người đó bao giờ đến ?

- Đã bắt đầu hành cước rồi .

Khi Ngộ thiền sư tới núi, Hải hòa thượng sai đánh chuông tập hợp đại chúng bảo :

- Đệ tử ta đã đến rồi. Chùa này là do Quách Tử Nghi tạo dựng. Nay ông tự đến trụ trì. Các ngươi mau ra đón tiếp !

Khi Ngộ thiền sư bước vào, Hải thiền sư kêu lên :

- Tướng công, sao đến chậm vậy ?

Ngộ thiền sư thi lễ :

- Cũng không chậm gì lắm .

Hải thiền sư bèn truyền pháp y rồi lui vào ẩn tu ở bên chùa. Lúc trước ở núi Hùng Nhĩ có bọn ăn cướp trú ngụ cướp bóc lương dân, có người thỉnh cầu Hải thiền sư tìm cách trừ khử. Ông nói :

- Lão tăng không có khả năng làm việc này, không lâu Quách lịnh công tới sẽ thu phục bọn chúng .

Mọi người không hiểu ý là sao. Ngộ thiền sư tới được ba ngày bèn tập họp đại chúng lại, tới tận sào huyệt bắt trói cả bọn. Ông làm bộ nổi giận quát to :

- Lôi cổ bọn chúng ra chém đầu hết .

Bọn cường đạo nghe nói bị chém đầu đều khóc lóc xin tha .

- Các ngươi cướp của giết người, tội không thể tha .

Bọn chúng lại dập đầu đến chảy máu thề không dám hại người nữa. Ngộ thiền sư thấy chúng đã hồi tâm chuyển ý bèn giảng cho một thời pháp rồi thả cho đi. Từ đó về sau vùng đó được an ninh không còn trộm cướp. Mọi người do câu nói của Hải thiền sư mới biết Ngộ thiền sư là Quách lịnh công chuyển thế .




Thanked by 3 Members:

#44 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 09/05/2012 - 03:44

44. SÁI TIỂU HÀ

Sái Tiểu Hà là bố chánh tỉnh Hiệp Tây, có bộ hạ là tri huyện mỗ nhân già lão lại hay bệnh nên thối quan. Khi bàn giao tri huyện mới kiểm tra thấy công khố thiếu ba ngàn lạng bèn trình lên Sái Tiểu Hà. Lúc đó luật lệ rất nghiêm khắc. Ai thiếu tiền công khố thì bị tịch thu tài sản, bắt bỏ tù. Đến hạn không nạp đủ sẽ bị tội tử hình. Tri huyện mỗ là quan thanh liêm, tiền ông thiếu là ứng cho việc công cả, nhưng lại không biết cách bù đắp. Trong tay không có một xu ông chỉ đành chờ chết. Sái Tiểu Hà cho gọi ông vào, bảo tả hữu lui xuống rồi bảo ông :

- Ta biết ông thanh liêm, không có tiền bù đắp. Ông hãy trình công văn hoàn trả; ta sẽ chứng nhận cho ông.

- Tôi sao dám làm vậy ?

Sái công cười bảo :

- Ta không đùa đâu, ta biết ông thanh liêm nên đem tiền dưỡng liêm để dành mà bù cho ông. Nhưng thủ tục giấy tờ vẫn phải làm thì ông mới thoát khỏi bị tù.

Huyện mỗ vui mừng theo lời, ngày hôm sau trình lên giấy tờ bồi hoàn. Sái công thân ấn ký chứng nhận, lại đưa tiền nộp vào công khố. Huyện mỗ cảm động thưa :

- Ty chức được ân công giúp đỡ thực chẳng bao giờ dám quên ơn. Kiếp này đã già yếu sợ không báo đáp được. Chết rồi nhất định nguyện đầu thai làm con ân công để báo đáp.

Sau đó huyện mỗ về quê. Thời gian trôi qua rất nhanh. Mười năm sau Sái công cũng cáo lão hồi hưu. Một trưa nọ ông ngồi ở sảnh đường ngủ gục, bỗng mơ thấy tri huyện mỗ mặc quan phục đến vái lạy. Ông nghĩ chỗ này không phải là Hiệp Tây, tri huyện mỗ cũng đã cáo quan rồi sao lại đến đây ? Còn đang nghi hoặc lại thấy tri huyện mỗ xông vào phòng phu nhân. Ông kinh hãi hét lên và giật mình tỉnh dậy. Ngay đó tỳ nữ vào báo tin mừng :

- Phu nhân vừa sanh một công tử.

- Tri huyện mỗ đã đến rồi, nhất định sẽ làm rạng danh gia đình ta.

Do đó, ông đặt tên con là Chấn Võ. Quả nhiên Chấn Võ rất thông minh, về sau thi đậu tiến sĩ làm quan đến Đạo Đài tỉnh Quảng Đông.



Thanked by 2 Members:

#45 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 09/05/2012 - 03:47

45. PHÍ PHÁP QUAN

Triều Thanh, dưới đời vua Càn Long, tỉnh Giang Tô bị nhiều thiên tai. Dân chúng ở huyện Giang Âm nổi loạn tập thể. Tri huyện báo lên tỉnh. Quan Tuần vũ nhận được báo cáo, thân đến Giang Âm. Khi đi ngang Thường Châu, Phí pháp quan và tri phủ đều lên thuyền đón tiếp Tuần vũ. Tuần vũ thấy Phí pháp quan tướng mạo uy nghiêm bèn hỏi :

- Hiện giờ vụ dân làm loạn ở Giang Âm đã bắt được tên cầm đầu và đồng bọn mười đứa. Còn dân chúng hùa theo làm loạn, theo lệ phải chém hết. Ông giữ việc xử án lâu năm, ý ông phải làm sao cho thỏa đáng ?

- Đại nhân định dùng nghiêm hình hay ân đức ?

- Xin ông nói rõ để tôi lựa.

- Nếu dùng nghiêm hình thì toàn dân Giang Âm đều phải đem chém hết. Nhưng xét cho cùng, họ vì đói phải làm loạn để kiếm cơm nhét bụng mà thôi, chứ không phải là chống lại triều đình. Nếu đem chém hết thì sợ không hợp ý hoàng thượng có lòng thương dân. Theo ý hạ quan thì nên chém tên cầm đầu, đầy đi xa bọn tùy tùng, còn những người khác thì miễn truy cứu.

Tuần vũ đồng ý và giao Phí pháp quan xử vụ này. Người đương thời đều khen ngợi nhờ lời nói của Phí pháp quan đã cứu cả vạn người. Do âm đức của Phí pháp quan, con cháu ông đều học hành giỏi giang, có người làm đến Tuần vũ.



Thanked by 4 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |