Gửi vào 30/11/2014 - 08:45
Hữu duyên, hữu duyên...
Kính mời các đạo hữu uống trà, thưởng hoa rồi lại đàm đạo tiếp.
Trong lúc giải lao thấy có bài viết khá hay, mời các vị tham khảo.
Tánh Không là nền tảng cho mọi kinh điển Đại thừa, và do đó là nền tảng cho mọi tông phái, cả lý thuyết và thực hành, như Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông…
Kinh nói: “Cái này có nên cái kia có; cái này sanh khởi nên cái kia sanh khởi. Cái này không có nên cái kia không có; cái này diệt mất nên cái kia diệt mất.” Đó là duyên sanh.
Hãy nhìn một đóa hoa ở trước mặt. Sự hiện hữu của nó là do rất nhiều nhân duyên: hạt giống, người trồng, thời tiết đất đai…. Và tự đóa hoa, nó hiện hữu nhờ vào những chất liệu tạo ra nó (chẳng hạn, đất , nước, lửa, không khí), nhờ vào những phần tử của nó như cành, lá, những cánh, nhụy, mùi hương, màu sắc… Hơn nữa, nó hiện hữu vì có các thức giác quan và ý thức của tôi hiện hữu. Bông hoa này hiện hữu là do duyên sanh. Sự hiện hữu bông hoa là duyên sanh.
Một bông Địa hoa (nơi đất kết huyệt) cũng có rất nhiều yếu tố tạo nên nó: Tổ sơn, tay long, tay hổ, sa thủy, minh đường, quan quỷ, cầm diệu… mà thực chất là do đất, đá, gió nước…tạo nên.
Lại do sơn mạch đến đấy thì dừng, khí ngưng tụ, âm dương giao cấu…mà khai Hoa
Lại do ta học (sách, thầy) rồi nhận biết trong ý thức của ta mà biết nó tồn tại….
Cũng giống y như bông hoa trên vậy, tất cả là do duyên sinh nên mới hiện hữu.
Bản chất của con người và sự vật là duyên sanh, nên chúng không có thực thể (vô tự tánh), không có hiện hữu thực (vô sở hữu), không có một thực tại có thể nắm bắt (bất khả đắc), là Vô sanh, là tánh Không.
Lấy ví dụ 2 đóa hoa ở trên. Đóa hoa này mai mốt sẽ tàn và đang tàn. Nó là vô thường. Bởi vì nó vô thường, nên nó là vô tự tánh. Nó là tánh Không.
Có thể nói rằng, duyên sanh và nhân quả là hiện tượng, tánh Không là bản thể. Nói theo Trung luận, duyên sanh là chân lý tương đối, quy ước (tục đế) và tánh Không là chân lý tuyệt đối, tối hậu (đệ nhất nghĩa đế). Duyên sanh là hiện tượng của bản thể tánh Không. Và tánh Không là bản thể của hiện tượng duyên sanh.
Đệ nhất nghĩa đế là tánh Không được ngài Long Thọ tóm tắt trong bài kệ mở đầu của Trung luận:
Không sanh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Bậc thuyết giáo đệ nhất
Nói pháp nhân duyên ấy
Khéo diệt các hý luận
Con cúi đầu lễ Phật.
Dù vũ trụ này được sanh ra theo những nguyên nhân nào và theo cách nào, hoặc Big Bang (Vụ nổ lớn) hay Big Bounce (Vụ nẩy bật lớn), hay diễn biến theo thuyết Nhất>Nhị>Tam, 2>4>8…thì nó là duyên sanh, được duyên sanh trên nền tảng vô tự tánh hay tánh Không.
Trung luận nói:
Do vì có nghĩa Không
Tất cả pháp được thành
Nếu không có nghĩa Không
Tất cả pháp chẳng thành
(Phẩm Tứ Đế)
Kinh Kim Cương, một kinh thuộc hệ Bát- nhã tánh Không, đã chấm dứt bằng bài kệ:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt ảnh
Như sương cũng như chớp
Hãy tu quán như vậy.
Trong Pháp bảo đàn Kinh Lục tổ nói: “Thiện tri thức, chơn như tự tánh thường khởi niệm, lục căn dù có kiến văn giác tri mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chơn tánh thường tự tại nên khéo phân biệt được các Pháp tướng mà nơi đệ nhất nghiã thường chẳng động là vậy”