Trạch Thiên Quải (Quyết)
夬: 揚于王庭, 孚號.
Quải (Quyết): Dương vu Vương đình, phu hiệu.
有厲, 告自邑.不利即戎, 利有攸往.
Hữu lệ, cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.
Chữ “夬”, âm Hán Việt có nhiều cách đọc khác nhau như: “Quái”, “Quải”, “Quyết”; nó cũng giống trong tiếng Việt chữ “chơn” và “chân” là đồng nghĩa, nhưng do âm vực mỗi vùng mà đọc khác nhau, nên khi phiên âm ra cũng có chữ khác nhau, mặc dù về mặt ngữ nghĩa là đồng nhau.
Ở đây lấy chữ “Quyết” trong quyết định vì nó thể hiện rõ ràng ý nghĩa của từ, chẳng những về mặt hình, còn về mặt thanh và lại có tính liên hệ phổ biến. “Quyết” nghĩa là dứt khoát, không còn phân vân, sau khi đã suy nghĩ về một vấn đề gì thật thấu đáo.
Kinh nói: Quyết, dương vu Vương đình, phu hiệu.
“Dương” nghĩa là giơ lên, là phô bày ra. “Vu” nghĩa là đối với cái gì. “Đình” là cái sân, cũng nghĩa là triều đình. “Vương” nghĩa là Vua, người có quyền quyết định cuối cùng và cao nhất. “Phu” nghĩa là thành tín. “Hiệu” nghĩa là kêu to, khóc lớn; cũng nghĩa là báo hiệu – cơ sở thực tế phải chấp nhận và làm theo.
Toàn câu Kinh trên nghĩa là: Quyết định dứt khoát, đưa sự việc này ra trước triều đình cho Vua xem xét, kèm theo bằng chứng chân thật rõ ràng nhất.
Người Quân tử phàm làm việc gì đều thận trọng cân nhắc trước sau, không tùy tiện vội vã, một là tránh phạm phải sai lầm gây tổn hại cho mình và người, hai là để lòng mình được an yên, tránh phải hối hận dằn vặt về sau. Có những vấn đề không thể tự mình quyết định là đúng hay sai, là tốt hay xấu, là được hay mất, là tiến hay lui, là thuận hay nghịch v..v tóm lại là việc mình không biết phải làm sao cho phải. Thì khi ấy nên đưa nó ra trước “ánh sáng” Trí tuệ của những người có khả năng phân định và quyết định sáng suốt hơn. Ấy là nghĩa “dương vu”.
“Vương đình” là triều đình của nhà Vua, là nơi các quan Đại thần nghị sự, quyết trạch những việc trọng đại của đất nước. Ở đây hội đủ các ban văn võ, hội đủ các bậc trí tuệ trên nhiều lĩnh vực, phàm mang việc gì ra đây thảo luận quyết định, thì luôn được sự lợi ích lớn lao. Hàn Phi Tử nói: “ Vô tham nghiệm nhi tất chi giả, ngu dã” – không hỏi han khảo cứu kỹ càng, rồi kiểm chứng trong thực tế mà đã vội vã quyết định thì đó là ngu xuẩn. Thế thì người Quân tử kết giao khắp chốn, tứ hải giai huynh đệ, đem chỗ thắc mắc chưa sáng tỏ ra hỏi han rồi thu nạp ý kiến, sau đó tự mình khảo cứu lại cơ sở thực tế của nó thế nào, cuối cùng tổng hợp lại cân nhắc kỹ càng sự lợi hại thiệt hơn, mà quyết định tiến lui, ấy là cách làm đúng đắn để giải quyết vấn đề mà Thánh Hiền xưa nay đều khuyên dạy.
“Phu Hiệu” là thật thà nói ra, lấy cái sự thực tế khách quan làm cơ sở, không tùy tiện tin vào lời đồn hay suy diễn chủ quan của mình hay của bất kỳ ai, chỉ có thành thực và dựa trên sự thật đang là, mới giúp cho mọi nhận định và quyết định không phạm phải sai lầm “chủ quan duy lý trí”, như biết bao bài học đắt giá đã từng trong lịch sử trước đây, hậu quả của sai lầm ấy nhiều khi còn ảnh hưởng tới tương lai cả một Quốc gia, một Dân tộc. Rất cần phải thận trọng !
Kinh nói: Hữu lệ, cáo tự ấp
“Hữu” là có, “lệ” là gắng sức, cũng có nghĩa là nghiêm khắc. “Cáo” là đưa ra, nói cho biết một cách công khai. “Ấp” là thủ đô, “tự ấp” là thủ đô, là kinh đô của mình; ý chỉ nơi quan trọng mình thuộc về, có vai trò quyết định tới sự tồn tại của mình.
Việc nói ra vấn đề khó khăn đúng với sự thật, đôi khi không phải dễ dàng, tại sao lại như vậy ? Vì trước nay chỉ có mình mình biết, nay nói ra cho người thì chẳng biết người suy nghĩ đánh giá ra sao, có suy nghĩ tiêu cực hay tích cực gì về mình chăng ? Nhỡ như người không hiểu, thì chẳng những vấn đề không giải quyết được, còn lại tự chuốc lấy cái sự dèm pha, coi thường. Do đó, cần “hữu lệ” – tức lòng can đảm, sự cố gắng mới có thể mở lời chia sẻ đầy đủ chân thật, mà không sợ hãi hay lo lắng bất an.
“Tự ấp” là kinh đô, khi vấn đề thuộc về Đất nước; là trung tâm của một nơi, khi vấn đề nó thuộc về khu vực đó; cũng là hội nhóm, là gia đình, là tập hợp những người có mối liên hệ với người đang gặp phải vấn đề. Vì thế, “tự ấp” là lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào giới hạn và sự ảnh hưởng của kết quả mà vấn đề đó mang lại.
Ví du: nếu người chồng, người cha đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, thì “cáo tư ấp” nghĩa là thông báo rõ ràng đúng sự thật không che dấu cho gia đình vợ con được biết; một là có sự đồng cảm chia sẻ kịp thời, hai là có thể hỗ trợ san sẻ bớt gánh nặng, ba là làm cho mọi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn.
Vì việc “cáo tư ấp” này rất quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết hiệp đồng, nên Thánh nhân đặc biệt lưu ý mà dặn dò cẩn thận.
Kinh nói: Bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.
“Nhung” nghĩa là binh khí. “Tức nhung” ý chỉ chính là cái binh khí này – tức là một thứ binh khí đã được xác định đang tồn tại trong không gian thời gian cụ thể, không nói chung chung.
“Binh khí” là phương tiện chiến đấu của chiến sỹ, của người lính trong chiến trận nơi chiến trường. Thương trường lại như chiến trường, cạnh tranh khốc liệt, cạm bẫy lừa lọc phức đạp đủ loại, thế thì binh khí của người Quân tử nơi chiến trường kinh tế chính là Tài Đức, là kỹ năng nghề nghiệp, là lĩnh vực chuyên môn, là thứ mình sử dụng để “kiếm cơm”, để tồn tại. Nay nói “bất lợi tức nhung” thì ý chỉ là, vấn đề hiện tại dù là gì đi nữa, gốc rễ của sự không như ý và không được lợi ích là do mình, là do Đức Tài của mình quyết định. Quả thực như vậy, nếu mình đủ Tài Đức thì nó chỉ là thử thách, đâu còn gọi là vấn đề nữa. Mà đã là thử thách, thì như viên mài dao, nó ở đó để giúp dao gươm sắc bén hơn, chứ nó ở đó đâu phải để cản trở sự phát triển mà lại lo ngại mà suy nghĩ tới mức bất an.
Vậy nếu như vấn đề sinh ra không thể giải quyết được bằng Tài Đức hiện có, do đó thử thách biến thành nghịch cảnh bất như ý thì thế nào ? Không sao hết, hãy “hữu du vãng” – đi học hỏi, đi rèn luyện thêm, để cho Tài Đức mình “sắc bén” hơn, thì ắt được “lợi” ích mà thôi. Đừng quá lo lắng, mà đánh mất sự tự tin !
Ô hay ! Thánh nhân trên cao mà tỏ rõ tới chỗ thầm lặng nhất của tâm hồn người Quân tử trong bước đường mưu cầu Danh Lợi, mà đưa ra lời dạy trọng yếu, hòng giúp người Quân tử vượt qua được chướng nạn, đạp bằng được khó khăn , lợi dụng được thử thách mà thành tựu được như nguyện. Quả đúng như lời Y Xuyên Tiên sinh - Trình Di nói:“Thánh nhân lo cho đời sau như thế, có thể nói là tột bực !”
Sửa bởi HieuHcmVN: 01/06/2025 - 17:53