Tôn Trung Sơn
Người sáng lập Trung Hoa Dân Quốc
Khi nhắc đến lịch sử hiện đại của Trung Quốc thế kỷ 20, không thể không nhắc đến ông Tôn Trung Sơn, và Tống Khánh Linh. Nếu ông Tôn là người tiên phong của cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc hiện đại, người sáng lập Trung Hoa Dân Quốc và Quốc Dân Đảng Trung Quốc, thì Tống Khánh Linh, vợ của ông, đã có những đóng góp to lớn trong việc giáo dục quyền và nhân văn cho phụ nữ và trẻ em Trung Quốc.
Khi nhắc đến Tôn Trung Sơn thì không thể không nhắc đến người vợ của ông là Tống Khánh Linh – một trong “ba chị em nhà họ Tống” với “ba cuộc hôn nhân nổi tiếng”: chị cả Tống Ái Linh (vợ của Khổng Tường Hi, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính 1933-1944 và cũng là người giàu nhất Trung Quốc thời điểm đó); chị thứ hai Tống Khánh Linh (vợ của Tôn Trung Sơn, bà cũng từng giữ chức đồng Chủ tịch CHND Trung Hoa với ông Đổng Tất Vũ nhiệm kỳ 1968-1972; và Chủ tịch danh dự năm 1981); cô út Tống Mỹ Linh (vợ của Tưởng Giới Thạch, sau này là Tổng thống Đài Loan).
Trong ba chị em thì Tống Ái Linh được xem là "một người yêu tiền" (一個愛錢), Tống Khánh Linh được xem là "một người yêu nước" (一個愛國), Tống Mỹ Linh được xem là "một người yêu quyền" (一個愛權). Năm 1997 có một bộ phim của Hồng Kông nói về ba chị em nhà họ Tống có tên "Hoàng triều nhà Tống" (Tống gia hoàng triều - 宋家皇朝), có sự tham gia diễn xuất của nữ minh tinh Trương Mạn Ngọc đã miêu tả cuộc sống của ba chị em.
Tôn Trung Sơn (12/11/1866 – 12/03/1925), nguyên danh là Tôn Văn, tự Tải Chi, hiệu Nhật Tân, Dật Tiên là nhà cách mạng vĩ đại, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Ông được người dân yêu mến, tôn kính và xưng ông là quốc phụ. Cuộc đời của Tôn Trung Sơn đầy sóng gió, lưu lạc, thăng trầm, nhiều lúc tính mạng như chỉ mành treo chuông.
Thời niên thiếu, ông sang Honolulu (quần đảo Ha-oai) ở với người anh buôn bán kinh doanh, ở bên đó ông theo học các trường tiểu học và trung học của người Âu Châu. Năm 1883, Tôn Trung Sơn trở về nước, theo học trường Đại học Y khoa ở Hương Cảng và trở thành bác sĩ. Trong hoàn cảnh đất nước đang bị đế quốc xâu xé, ông thấy việc cứu nguy cho toàn xã hội quan trọng hơn là trị bệnh cho một vài người, nên ông bỏ nghề y tham gia hoạt động chính trị.
Thời trung học, ông học tại trường Iolani, Honolulu được dạy dỗ bởi những người Anh theo Anh giáo. Tại đây, ông lần đầu tiếp xúc với Kitô giáo và bị ấn tượng sâu đậm. Sau đó ông tham dự Nhà thờ Đạo Tế (được sáng lập bởi Hội Truyền giáo London vào năm 1888) trong khi học Y khoa ở Hồng Kông. Việc ông theo đạo Ki-tô liên hệ tới những lý tưởng cách mạng và nỗ lực cải tiến đất nước.
Chiến tranh Nhật – Thanh là cuộc chiến tranh giữa đế quốc Đại Thanh và đế quốc Nhật Bản diễn ra từ ngày 01/08/1894 đến ngày 17/04/1895. Cuộc chiến tranh này đã trở thành biểu tượng về sự suy yếu của nhà Mãn Thanh.
Năm 1894, Tôn Trung Sơn thành lập Hưng Trung Hội ở Honolulu (Ha-oai) là Hội cách mạng đầu tiên của giai cấp tư sản Trung Quốc đề ra Cương lĩnh: “Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, sáng lập chính phủ hợp quần”. Hội đã thu hút nhiều nhân sĩ và thanh niên Trung Quốc yêu nước tham gia, quyên góp kinh phí, mua sắm vũ khí chuẩn bị các cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (1895), Huệ Châu (1898) dự định kết hợp với phong trào phản đế của Nghĩa Hòa Đoàn ở miền Bắc, nhưng đã không thành công, ông lại phải lưu vong ra nước ngoài.
Năm 1895 ông bị vây bắt ở Hương Cảng về tội chuyên chở võ khí lậu về Trung Hoa, ông nhờ may mắn nên thoát nạn.
Năm 1896 ông bị giam giữ ở Tòa lãnh sự Trung Hoa tại Luân Đôn, chỉ chờ giờ là giải ông xuống tàu về nước thọ lãnh án tử hình, may nhờ Bộ Ngoại giao Anh can thiệp kịp thời nên thoát chết.
Năm 1905, Tôn Trung Sơn hợp nhất Hưng Trung hội với một số tổ chức cách mạng ở trong nước, lập thành “Trung Quốc Đồng Minh Hội” do ông làm Tổng lý. Trên tờ Dân báo, cơ quan ngôn luận của Hội, ông đã đề xướng Chủ nghĩa Tam dân: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Từ đó, phong trào cách mạng tiến mạnh hơn trước.
Từ 1905, Trung Quốc Đồng Minh Hội tổ chức nhiều cuộc binh biến ở các tỉnh miền Nam, nhưng không thành công. Thời điểm đó, bất mãn vì nhà Thanh quốc hữu hoá đường sắt Xuyên-Hán, Việt-Hán để gán nợ cho Anh, Pháp, Đức, Mỹ; nhân dân các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên nổi dậy phản đối.
Ngày 10/10/1911, lợi dụng thời cơ nhà Thanh điều quân đội từ Vũ Xương đến Trùng Khánh, vào ban đêm binh lính ở Vũ Xương đã nổi dậy. Đây là kết quả của một cuộc vận động lâu dài của Trung Quốc Đồng minh Hội. Mờ sáng hôm sau thì quân cách mạng chiếm được Vũ Xương. Sách sử gọi là Khởi Nghĩa Vũ Xương. Thắng lợi này đã cổ vũ các tỉnh khác tuyên bố ly khai với nhà Thanh, làm nên cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911.
Ngày 02/11/1911, Viên Thế Khải (họ Viên là một đại thần cuối thời nhà Thanh) cho quân đánh chiếm lại Hán Khẩu, sau đó cho bao vây Vũ Xương.
Ngày 15/11/1911, đại biểu quân cách mạng ở các tỉnh về Thượng Hải dự hội nghị, nhưng đến ngày 24/11/1911 thì bị vây phải dời về Vũ Xương. Nơi này lại bị vây, hội nghị phải họp trong tô giới Anh ở Hán Khẩu.
Ngày 02/12/1911, quân cách mạng chiếm được Nam Kinh, hội nghị liền dời về đây để bầu đại Tổng thống, lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 25/12/1911, Tôn Trung Sơn từ Mỹ về nước.
Ngày 29/12/1911, Tôn được đại biểu của 17 tỉnh dự họp bầu làm Đại tổng thống lâm thời, và lấy ngày 01/01/1912 làm ngày khai sinh của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Ông đã ban bố bản Lâm thời ước pháp (Hiến pháp lâm thời) để làm cơ sở cho việc xây dựng nước Trung Hoa dân quốc.
Được tin, Viên Thế Khải liền tìm mọi cách tấn công vào chính quyền mới. Vừa bị quân đội của Viên Thế Khải uy hiếp, vừa bị các nước đế quốc thu hết thuế quan (họ không công nhận chính phủ của Tôn Dật Tiên), nên chính phủ Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn.
Tôn Trung Sơn xuất thân từ ngành y, nhưng các hoạt động chính trong suốt cuộc đời của ông lại tập trung vào đấu tranh vũ trang. Từ khởi nghĩa Quảng Châu năm 1895 đến khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu) ngày 27/04/1911, cả 10 lần bạo động vũ trang đều do ông lãnh đạo phát khởi từ Đồng Minh hội và Trung Hưng hội. Ảnh hưởng to lớn từ tư tưởng Tôn Dật Tiên và tổ chức bí mật Đồng Minh hội trong quân Thanh đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, cuối cùng khiến triều đình Mãn Thanh bị lật đổ. Sau khi Tôn Trung Sơn được bầu làm đại tổng thống lâm thời, không chỉ Viên Thế Khải và các thủ hạ quân đội Bắc Dương mới của Viên luôn chực chờ như hổ đói, mà các đội quân khác cũng đang hùng cứ các nơi. Khi đó, Trung Hoa Dân Quốc vừa mới thành lập, Đại Tổng thống Tôn Trung Sơn nắm đảng cầm quyền nhưng trong tay lại không có quân đội, vậy nên ông khó có thể thi triển được hùng tâm tráng chí của mình. Ngay ở những ngày đầu tiên khi Trung Hoa vừa thoát khỏi ách chuyên chế phong kiến, lãnh tụ Dân quốc của họ (Tôn Trung Sơn) đã có chủ trương sai lầm. Chỉ sau một tháng kể từ khi nhậm chức, Tôn Trung Sơn đã thoái lui, nhường ghế Đại Tổng thống lại cho Viên Thế Khải, chỉ kèm theo điều kiện đã hiển nhiên diễn ra: Viên Thế Khải phải bắt Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, xếp lịch sử phong kiến Trung Hoa vào viện bảo tàng và phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Chính phủ Cộng hòa.
So với lời thề trung thành với chế độ cộng hòa thì mộng bá vương với Viên Thế Khải còn quan trọng hơn gấp bội. Sau khi thu tóm được quyền lực, họ Viên lập tức tiến hành hàng loạt động thái chống lại nền Cộng hòa non trẻ. Ông ta cách chức một loạt tỉnh trưởng, đốc quân các tỉnh.
Ngày 20/03/1913, một đảng viên trọng yếu của Trung Quốc Đồng Minh hội là Tống Giáo Nhân bị mưu sát mà người chủ mưu là một viên chức cao cấp trong Chính phủ của Viên Thế Khải. Vì việc này mà Tôn Dật Tiên tuyên bố chống Viên Thế Khải.
Tháng 08/1913, vì sợ Viên Thế Khải lộng quyền, Trung Quốc Đồng Minh Hội do Tôn Trung Sơn thành lập (từ trước) được cải tổ thành Quốc dân Đảng, lấy ưu thế chiếm đa số, tìm cách nhanh chóng thông qua Quốc hội kiềm giữ tham vọng xưng Hoàng đế của Viên. Đáp lại, người của Viên Thế Khải đã thủ tiêu, ám sát một số nhân vật quan trọng của Quốc dân Đảng. Đồng thời, Tôn Trung Sơn cũng tập hợp các lực lượng cách mạng ở các tỉnh phía Nam chống lại họ Viên, nhưng bị đàn áp nhanh chóng và thất bại (lịch sử gọi là Cuộc cách mạng lần thứ hai). Để lên ngôi Hoàng đế, Viên Thế Khải đã thỏa hiệp cho Nhật chiếm đóng một phần lãnh thổ để được họ làm lực lượng hậu thuẫn.
Sau thất bại, Tôn Trung Sơn và nhiều đồng chí của mình đã phải sống lưu vong tại Nhật Bản. Người bạn thân thiết của Tôn Trung Sơn là Tống Diệu Như (Tống Gia Thụ - sau này là cha vợ), một thương gia giàu có nhưng rất có cảm tình với Đảng cách mạng, đã hỗ trợ ông rất nhiều trong thời gian hoạt động tại Nhật Bản. Lúc đó, người con gái lớn của Tống Diệu Như là Tống Ái Linh làm thư ký tiếng Anh cho Tôn Trung Sơn và người con gái thứ hai là Tống Khánh Linh vẫn đang lưu học tại Mỹ. Tống Khánh Linh nhiều lần gặp mặt và rất sùng bái Tôn Trung Sơn, cô mang hy vọng cháy bỏng được theo ông tham gia cách mạng. Khi Tống Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hi (sau này là Bộ trưởng Tài chính 1933-1944 và cũng là người giàu nhất Trung Quốc thời điểm đó) và không thể tiếp tục đảm nhận vai trò thư ký tiếng Anh cho Tôn Trung Sơn, thì Tống Khánh Linh liền chủ động đề xuất đảm nhận công việc này. Kể từ đây tình yêu bền chặt keo sơn giữa hai người đồng chí cùng chung chí hướng đã nảy sinh. Mối tình giữa ông Tôn Trung Sơn và bà Tống Khánh Linh đã bị những định kiến xã hội ảnh hưởng rất lớn vào thời điểm đó. Trong thời đại đầy biến động đó, Tống Khánh Linh kém ông Tôn Trung Sơn 27 tuổi nên đã có rất nhiều người đồn đoán ác ý về mối quan hệ của họ. Trải qua nhiều khó khăn, thị phi, cả hai đi đến kết hôn vào năm 1915 sau khi Tôn Trung Sơn ly dị người vợ đầu tiên là Lư Mộ Trinh. Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh chung chí hướng rằng phải tạo ra một cuộc cách mạng mới, để tương lai Trung Quốc ngày càng tốt đẹp hơn, cuộc sống dân chúng ngày một tốt hơn.
Trong thời gian Tôn Trung Sơn bỏ sang Nhật sống lưu vong. Các nghị viên thuộc Quốc dân đảng chiếm đa số cũng nhanh chóng bị Viên Thế Khải tống cổ ra khỏi Quốc hội, buộc số còn lại phải thừa nhận quyền lực của ông ta.
Năm 1914, Viên Thế Khải giải tán luôn Quốc hội, vay 25 triệu bảng từ các nước đế quốc Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức để củng cố quân đội riêng, chống lại nền Cộng hòa. Không chấp nhận được điều đó, hàng loạt thủ lĩnh quân sự, chính trị Trung Quốc ở khắp nơi đã nổi lên chống Viên Thế Khải, tuyên bố ly khai, hình thành nên nạn cát cứ, đưa Trung Quốc bước vào giai đoạn hỗn loạn Bắc Dương quân phiệt. Bản thân Viên Thế Khải sau đó đã lên ngôi, làm hoàng đế Trung Hoa được 83 ngày thì chết ở tuổi 57.
Năm 1916 cái chết của Viên Thế Khải đã dẫn đến sự phân hóa sâu sắc cả hệ thống chính trị Trung Quốc và sự kết thúc của Chính phủ Bắc Dương với tư cách là cơ quan trung ương của Trung Hoa Dân quốc.
Tháng 09/1917, Tôn Trung Sơn đi về phía nam đến Quảng Châu, đảm nhiệm chức vị đại nguyên soái của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và tổ chức quân đội bảo vệ Hiến Pháp. Ông sử dụng “Kế hoạch tác chiến đối kháng lại quân đội phương Bắc” do Tưởng Giới Thạch đề xuất để phát động cuộc chiến bảo vệ Hiến Pháp và thảo phạt Đoàn Kỳ Thụy, mấy tháng liền thường xuyên có tin vui. Không ngoài dự liệu của quân chủ lực bảo vệ Hiến Pháp, các sứ quân của Đường Kế Nghiêu và Lục Vinh Đình vì lợi ích cá nhân đã tự ý cầu hòa với phương Bắc và âm mưu với các tướng lĩnh nhằm lũng đoạn quyền lực của đại nguyên soái. Bởi vậy nên vào tháng 05/1918, Tôn Trung Sơn tức giận từ chức đại nguyên soái.
Ngày 05/04/1919 khi phong trào Cách mạng Ngũ Tứ chống phong kiến cát cứ, chống đế quốc thôn tính đất đai Trung Quốc, chống hiệp ước Verseille cắt tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang giao cho Nhật Bản… thành công, Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh từ Nhật Bản trở về Thượng Hải, tiếp tục lãnh đạo cách mạng.
Năm 1920, ông xuống Quảng Châu đảm nhận chức đại nguyên soái và triển khai “Phong trào hộ pháp”, tuy nhiên đã bị tập đoàn quân phiệt và giới chính khách phản bội, Tôn Trung Sơn phẫn nộ từ chức trở về Thượng Hải.
Tháng 01/1921, hội nghị đại hội Quốc hội bất ngờ diễn ra tại Quảng Châu. Vào tháng 4, Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng thống và Trần Quýnh Minh được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Quảng Đông, một lần nữa chuẩn bị cho cuộc Bắc phạt để thống nhất Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch đã sớm nhìn ra Trần Quýnh Minh là loại người không đáng tin cậy, nên đã sớm cảnh báo cho Tôn Trung Sơn nhưng ông bỏ ngoài tai và cái gì phải đến đã đến, Tôn Trung Sơn đã trả một cái giá rất đắt.
Ngày 16/6/1922, Trần Quýnh Minh trở mặt phản bội và ra lệnh hơn 4.000 binh lính vây chặt phủ Tổng thống, lại dùng đại bác và máy bay bỏ bom bắn phá phủ Tổng thống. Tôn Trung Sơn buộc phải liều mạng vượt qua rừng súng mưa đạn, rời khỏi phủ Tổng thống, đi bộ tới Bộ tư lệnh Hải quân trên con đê dài. Sau đó bước lên chiến hạm Vĩnh Phong, chỉ huy hải quân đánh trả quân phiến loạn. Trong lúc hoạn nạn, Tôn Trung Sơn đã nghĩ tới Tưởng Giới Thạch. Lúc này Tưởng Giới Thạch đang cúng giỗ một năm ngày qua đời của mẹ ở Triết Giang. Tôn Trung Sơn liền sai người đánh đi một bức điện khẩn: ”Việc nguy cấp, mong tới đây ngay”. Sau khi Tưởng nhận được bức điện, đã cấp tốc tới Quảng Đông lặng lẽ bước lên chiến hạm Vĩnh Phong, hộ vệ Tôn Trung Sơn, sau đó Tôn Trung Sơn thoát nạn. Sự kiện phiến quân Trần Quýnh Minh một lần nữa nêu bật sự cần thiết phải thành lập quân đội quốc gia. Sau sự kiện đó, Tôn Trung Sơn bắt đầu xem xét khả năng khi liên minh với các lực lượng quân sự khác.
Sau khi kết hôn với Tôn Trung Sơn, Tống Khánh Linh vẫn làm công việc phụ giúp ông Tôn Trung Sơn. Cô đã chăm sóc ông Tôn Trung Sơn bằng mọi cách có thể. Do hết lòng với cách mạng và công việc bận rộn nên cả hai vẫn chưa có con sau nhiều năm chung sống. Mãi đến năm 1922, bảy năm sau khi hai người kết hôn, Tống Khánh Linh mang thai, đây là lần mang thai duy nhất trong đời cô. Vào tháng 06/1922, khi Trần Quýnh Minh phát động một cuộc binh biến ở Quảng Châu, đã bắn phá dinh tổng thống. Khi đó, Tống Khánh Linh đang mang thai và khả năng vận động hạn chế. Chính bà Tống Khánh Linh đã nhất quyết yêu cầu ông Tôn Trung Sơn rời khỏi Phủ Chủ tịch trước, Tống Khánh Linh cũng rời khỏi Phủ Chủ tịch sau đó, nhưng trong quá trình này, bà cũng mất đi đứa con duy nhất của mình.
Đầu năm 1924 Tôn Trung Sơn cử Tưởng Giới Thạch lập kế hoạch xây dựng Trường quân sự Hoàng Phố, cử Tưởng Giới Thạch làm chủ tịch ủy ban trù bị của Học viện Quân sự Hoàng Phố để thành lập trường quân sự và lực lượng quân sự của riêng mình. Năm 1924 trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã tuyên bố thực hiện 3 chính sách lớn “liên Nga, liên Cộng và giúp đỡ nông dân”, tiếp nhận sự trợ giúp của Đảng CSTQ và Đảng CS Liên Xô, cải tổ Quốc Dân Đảng.
Lúc này, bản đồ Trung Quốc đã bị băm nhỏ, mỗi địa phương bị cát cứ bởi một tập đoàn tướng lĩnh quân phiệt, khi hợp tung, lúc liên hoành đánh nhau hỗn loạn. Trước tình hình đó, Tôn Trung Sơn đã quyết định liên minh với Đảng CSTQ vào năm Dân quốc thứ 5 (năm 1924) nhằm đoàn kết tạo sức mạnh chính trị chống nạn cát cứ quân phiệt. Ông phong cho Tưởng Giới Thạch làm Tư lệnh quân Bắc phạt.
Năm 1924 biểu hiện bệnh gan của Tôn Trung Sơn cũng chưa rõ ràng, nhưng tới tháng 01/1925, bệnh tình của Tôn Trung Sơn bỗng trở nên trầm trọng. Lúc này, ông đang khổ sở chống chọi căn bệnh ung thư gan. Ngày ngày, Tống Khánh Linh túc trực bên giường bệnh của chồng. Bà chăm sóc ông hết mực, một bước không rời đức phu quân. Đau khổ xót xa, nhưng người phụ nữ ấy vẫn cứng cáp, vững vàng. Bà nén buồn thương, giấu nước mắt trong lòng. Ngày 12/3/1925, nhà lãnh đạo họ Tôn vĩnh viễn rời xa cuộc đời với biết bao tâm nguyện còn dang dở. Phút lâm chung, ông cố góp chút hơi tàn căn dặn mọi người hãy đối xử thật tốt với người vợ yêu của mình.
Sau khi Tôn Trung Sơn mất, quyền lãnh đạo Quốc Dân đảng do Tưởng Giới Thạch nắm giữ. Cái chết của Tôn Trung Sơn là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng Trung Quốc lúc đó.
Năm 1925, khi Tôn Trung Sơn qua đời tại Bắc Kinh, bà Tống Khánh Linh vô cùng đau buồn. Ba bức thư mà Tôn Trung Sơn để lại cũng là người trao gửi những thành quả cách mạng và tâm nguyện cuối đời của ông cho Tống Khánh Linh. Chính với sự giao phó của ông Tôn Trung Sơn, trong mấy chục năm sau, bà âm thầm chịu đựng nỗi cô đơn và làm việc chăm chỉ để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông Tôn. Sau cái chết của Tôn Trung Sơn cũng mở ra nửa thế kỷ hỗn loạn nhất ở Trung Quốc.
Để ghi nhớ những đóng góp của vị lãnh tụ vào cuối thời kỳ nhà Thanh, Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn được xây dựng tại Đài Bắc và hoàn thành vào năm 16/05/1972. Với lối kiến trúc cổ xưa pha lẫn nét hiện đại, tòa kiến trúc tráng lệ và uy nghiêm được đặt trong không gian quảng trường Chung Shan với tượng đài Tôn Trung Sơn uy nghi, vững chắc như cánh tay vững chắc bảo vệ cho nhân dân cả khu vực, nhiều hoa tô điểm xung quanh.
Tại đại lục, Tôn Trung Sơn được xem là “Cách mạng tiên hành giả” (người tiên phong của cách mạng) và tên của ông thậm chí còn được đề cập tới trong lời tựa Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có thể nói, ông là một nhà cách mạng vĩ đại, người cả đời theo đuổi lý tưởng cách mạng, trải qua bao thăng trầm để khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc.
Tại TPHCM, Quận 7 hiện nay chúng ta cũng thấy có con đường mang tên Tôn Dật Tiên tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Sửa bởi NhatHanh: 16/07/2023 - 15:06