Jump to content

Advertisements




TRUYỆN NGẮN


312 replies to this topic

#226 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 28/06/2021 - 21:29

Mẹ đẻ của điện thoại di động

Tác giả: An Nguyên

Heidi Rama, nữ khoa học gia sở hữu nhan sắc không đối thủ

Nổi tiếng xinh đẹp suốt 40 năm của thế kỷ 20 nhưng ít ai biết rằng, ngoài ngôi sao của Hollywood, cô còn là một nhà khoa học nổi tiếng và được mệnh danh là "mẹ đẻ của điện thoại" ngày nay.

Heidi Rama (Hedy Lamarr), trước đây gọi là Hedwig Eva Maria Kiesler sinh ngày 9 tháng 11 năm 1914 tại Vienna, Áo. Cha cô là chủ ngân hàng của người Do Thái nổi tiếng trong nước và bà nội là một nghệ sĩ dương cầm.

Xuất thân từ một gia đình nổi tiếng, Heidi sống trong nhung lụa và được hưởng một nền giáo dục hoàn hỏa. Tuy nhiên, trái tim cô có một dấu vết của cuộc nổi loạn. Năm 15 tuổi, để chống lại mong muốn của cha mẹ, cô đã bắt tay với giám đốc nhà hát nổi tiếng và đến Đức lập nghiệp.

Heidi Rama sinh ra trong gia đình quý tộc và được hưởng nền giáo dục hoàn hảo

Với vẻ đẹp nổi trội của mình, năm 1931, ở độ tuổi 16, cô bước vào Hollywwod với vai diễn đầu đời trong phim "Tiền đường phố". Bộ phim đã được đánh giá rất cao và cái tên Heidi Rama vụt sáng trở thành ngôi sao ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Cô luôn toát lên vẻ đẹp quý phái

Các năm tiếp theo, một công ty Séc đã mời cô đóng phim với thù lao rất hời, cam kết sẽ phủ sóng bộ phim trên toàn thế giới với điều kiện duy nhất là cô phải khỏa thân. Heidi Rama đồng ý và trở thành diễn viên khỏa thân đầu tiên trên thế giới. Nhưng do sức "nóng" của bộ phim qua lớn, các nhà bình luận đã đưa ra rất nhiều lời chỉ trích, bộ phim đã bị cấm ở nhiều quốc gia.

Cô nổi danh trong nền điện ảnh thế giới với sắc đẹp không đối thủ

Tuy nhiên, đến năm 1937, 6 năm sau khi Heidi đóng phim, cô vẫn phá vỡ kỷ lục Hollywood về vẻ đẹp quý tộc, mặn mà và số lượng người hâm mộ trên khắp thế giới. Dù một số chuyên gia không đánh giá cao về khả năng diễn xuất sáng tạo của cô, nhưng Heidi quá đẹp, điều đó khiến khán giả chỉ chú trọng đến vẻ đẹp của cô mà không quan tâm đến diễn xuất.

Bằng cách này hay cách khác, bộ phim của cô luôn đạt thành công vang dội. Suốt 40 năm giữa thế kỷ XX, Heidi là một hiện tượng sắc đẹp khiến rất nhiều báo đài và tạp chí tốn giấy mực. Người ta tung hô cô là "người phụ nữ đẹp nhất thế giới".

Heidi là nữ diễn viên khỏa thân đầu tiên trên thế giới

Tuy nhiên, Heidi than phiền rằng cô luôn luôn gặp rắc rối bởi vẻ đẹp của mình. Để chứng minh mình không phải là một "bình hoa di động", Heidi Rama đã bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học - đó là bước ngoặt đúng đắn nhất cuộc đời cô.

Với vốn kiến thức tự tích lũy được nhờ tham gia các cuộc họp kinh doanh của chồng, cô đã học được cách kiểm soát tín hiệu vô tuyến đáng kinh ngạc. Nhưng các tín hiệu radio thu được thường xuyên bị chặn, Heidi đã nhận ra rằng, việc thay đổi thường xuyên các tần số vô tuyến để ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương.

Không muốn mình là bình hoa di động, cô thử sức với nghiên cứu khoa học

Đầu năm 1940, cô bắt tay cùng nhà soạn nhạc George thiết kế một hệ thống điều hướng máy bay. Cô đã phát minh ra một bộ điều khiển và ngư lôi được đặt bên trong máy bay. Để chắc chắn những thay đổi trong thứ tự tần số, Heidi và George đã cho nhảy tần số liên tục.

Phát minh này thành công mỹ mãn, Heidi và George được tặng bằng sáng chế và họ quyết định tặng phát minh này cho chính phủ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã từ chối thử phát minh trên và yêu cầu được bảo mật thông tin. Chính vì vậy, trong thời điểm đó, Heidi không nhận được sự công nhận công khai nào.

Đến những năm 1950, phát minh của Heidi đã được cải tiến và sử dụng rộng rãi trong các máy tính quân sự. Kể từ đó, công nghệ này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực truyền thông, được áp dụng rộng rãi cho điện thoại di động, điện thoại không dây và nghiên cứu Internet...

Cô thành công với phát minh vĩ đại được cho là tiền đồ của điện thoại di động

Năm 1997, khi công nghệ thông tin liên lạc dựa trên phát minh của Heidi bắt đầu bước vào đời sống công cộng, cộng đồng khoa học đã nhớ đến Heidi năm đó 83 tuổi, và trao tặng danh hiệu " Electronic Frontier Foundation" của giải thưởng Pioneer.

Tuy nhiên đến thời điểm này, bằng sáng chế đã hết hạn nên giải thưởng cũng không mang lại quyền lợi cho cô trong cuộc sống. Mặc dù vậy, cho đến ngày hôm nay, với phát minh của cô từ gần một thế kỷ trước, nhiều người vẫn khẳng định rằng, đó là tiền đề cho những phát minh lớn sau này.

Có thể nói, Heidi là "mẹ đẻ" của điện thoại di dộng, những đóng góp của cô cho khoa học thế giới là những điều không phải ai cũng làm được.

Heidi được mệnh danh là người phụ nữ tài sắc nhất thế kỷ 20

Ngày 19/1/2000, Heidi Rama trút hơi thở cuối cùng trong căn hộ của mình ở Florida. Luật sư của cô cho biết: " Đối với tôi, cô ấy đã trở thành ngôi sao điện ảnh hoàn hảo nhất và luôn luôn sống ngẩng cao đầu". Nhiều năm sau ngày Heidi Rama mất, thế giới vẫn truyền nhau về những giai thoại của cô, về cuộc đời của người phụ nữ tài sắc nhất thế kỷ 20.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:

#227 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 30/06/2021 - 13:42

Trong bài chia sẻ “Hồi ức một người tù cải tạo” của FB Lê Nguyễn, mình có bình luận về chuyện những người tù cải tạo trên chuyến tàu đưa ra Bắc khi đi ngang các tỉnh ngoài vĩ tuyến 17 đã bị ném đá tới tấp (theo lời kể từ ba của bạn mình). Sau đó anh Lê Nguyễn có bình luận nói thêm về chuyện này như sau:

“Ông cụ ấy nói đúng đấy Lâm Nguyễn, chuyến tàu nào ra Bắc cũng bị ném đá, ném thực lòng. Khi anh em tù đi "lao động" gần rừng, người dân còn chưa hình dung "ngụy" ra sao. Có lần bọn trẻ chăn trâu lén mon men lại gần chỗ anh em chặt cây, đốn gỗ để nhìn cho rõ, rồi sau đó ù té chạy lại chỗ bọn chăn trâu chung, hét to:
- Tụi bây ơi, bọn ngụy sao giống mình quá!
Có lẽ chúng được cho biết bọn ngụy mặt xanh nanh vàng, chuyên ăn gan uống máu đồng bào.
Lợi hại của tuyên truyền là ở chỗ này.
Song, theo bạn bè kể lại, dần dà người dân chất phác hiểu rõ chân tướng bọn "ngụy", tình cảm nảy nở dần giữa hai bên, nhiều anh em lúc có danh sách chờ về, được vào xóm thăm bà con, có gia đình làm gà thết đãi để chia tay. Nghe nói lúc đó gia đình nào làm gà phải giấu lông đi để không ai biết là mình đã làm thịt gà, làm gà đãi nhau như vậy là quý cái tình ghê lắm”.

Thật lòng lúc nghe kể mình cứ nghĩ do người dân vùng nông thôn bị tuyên truyền nên căm ghét “nguỵ” tận xương tuỷ mới sinh ra hành động như vậy. Nhưng nay đọc bài của tiến sĩ Lê Hiển Dương, hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp mình cảm thấy bàng hoàng. Chuyện nghe như thời Trung cổ mông muội và man rợ.

“Ném đá vào nguỵ” đã được đưa vào chỉ tiêu phấn đấu thi đua y như hồi xưa cậu Hai của mình bị ấn chỉ tiêu diệt hai địa chủ trong CCRĐ. May là cậu đã đi về tay không và chấp nhận kỷ luật bởi theo cậu, cố nông làng đó toàn nói tốt về địa chủ của mình khi cậu đến đó tìm hiểu. Vì lẽ này mình tin cậu sau khi mất đã đến Thiên Đường chứ không sa xuống hoả ngục.

Còn bây giờ mời mọi người xem một cuốn phim ngắn. Mình nói vậy vì với mình, những chi tiết trong bài hiển hiện lên rất rõ ràng trong tâm trí mình, đọc đến đâu hiện đến đó.

Bài viết của Ts Lê Hiển Dương

GIẢI PHÓNG... MIỀN NAM

Ngày nay hầu như nhân loại trên khắp hoàn cầu đều lấy năm Chúa Kitô Giáng sinh làm mốc định thời gian, chúng ta đang ở vào năm 2010, tức là 2010 năm kể từ ngày Chúa Giáng thế.
Nhiều sự kiện khoa học hay lịch sử cũng được xác định dựa trên mốc thời gian này cho dù những dữ kiện đó hoàn toàn không liên quan gì đến niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng. Chẵng hạn nhà toán học Pythagore sinh năm 580 và mất năm 500 trước Công Nguyên, Tề Hoàn Công trị vì từ năm 685 đến năm 643 trước Công Nguyên … Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng xảy ra năm 42 sau Công Nguyên … Các văn bản bằng tiếng Anh thì dùng BC (Before Christ) hoặc AD (Anno Domini) để chỉ những sự kiện xảy ra trước hoặc sau Thiên Chúa giáng thế. Riêng người Việt nam chúng ta từ trong Nam ngoài chí Bắc từ sau 30 tháng Tư năm 1975 lại có một mốc định thời gian mới: “hồi trước giải phóng” hay “hồi sau giải phóng”, tất nhiên người Việt mình nghe mãi rồi quen tai và không thấy gì phản cảm khi dùng hoặc nghe cụm từ này … Nhưng khi tôi vô tình dùng nó lúc nói chuyện với một đồng nghiệp người nước ngoài rằng “…After the liberation of the South …” thì ông ta sững sốt hỏi ngay rằng “… Liberation from what?…” – Giải phóng khỏi cái gì? Thì tôi mới hốt hoảng với cách dùng cụm từ này để định mốc thời gian của người Việt … bởi đối với hầu hết người Việt, nhất là người Miền Nam hoặc đối với cả đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 nữa, thì “giải phóng” là một nỗi ám ảnh trong cả đời người …

Còn nhớ ngày 30 tháng Tư năm 1975, lúc đó chúng tôi còn là sinh viên của đại học sư phạm Vinh đã hồ hởi, phấn khởi hò reo meeting nhiều đêm ngày để mừng Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bởi chúng tôi tin rằng từ đây đồng bào Miền Nam ruột thịt của chúng tôi sẽ không còn đói rách lầm than và không còn sống trong cảnh “ngụy kềm, Mỹ hãm” nữa … Họ đã được đảng và Bác cùng nhân dân Miền Bắc chúng tôi giải phóng.
Và những tháng tiếp theo đó chúng tôi được tận mắt nhìn thấy hàng đàn hàng lủ “bọn ng... q... ác ôn” bị sự trừng phạt của chính quyền cách mạng, của nhân dân Miền Bắc và của chính chúng tôi …

Số là mỗi tuần một lần, chúng tôi được chính quyền và ban Giám hiệu nhà trường thông báo vào những ngày giờ có những ô tô của cục Quân pháp chuyển tù cải tạo là những “sỹ quan, ng... q... ác ôn” của chính quyền Mỹ Thiệu đi ngang qua địa phương để đến các trại cải tạo ở mạn ngược.
Cùng với đồng bào địa phương, mỗi sinh viên chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ cơ số đá trứng nhặt từ đường ray xe lửa để khi đoàn xe tù đi ngang qua là hô hào toàn dân trút những trận mưa đá lên đầu những tên “ng... q... ác ôn” này, bởi chúng có quá nhiều nợ máu với nhân dân, với đất nước … Và sau mỗi lần trừng trị “bọn ng... q... ác ôn” đó, chúng tôi đều có hội họp, báo công và được tuyên dương khen thưởng, được kết nạp vào đoàn, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của đảng vì đã đả thương được bao nhiêu “sỹ quan ng... q...” đó.
Tất nhiên là cũng có nhiều buổi họp báo công, chúng tôi cũng bị phê bình kiểm điểm vì đã không có trường hợp thương vong nào được ghi nhận trong những vụ “tập kích” đó …

Kết thúc 4 năm Đại học với vô số những cuộc tập kích để ném đá vào những xe chuyển tù, rồi chúng tôi cũng tốt nghiệp Đại học, rồi được đảng và nhà nước chi viện vào Miền Nam để mang ánh sáng văn hóa vào cho đồng bào Miền Nam ruột thịt sau bao năm qua sống trong u tối lầm than vì cứ liên miên bị ngụy kềm, Mỹ hãm chứ đâu có được học hành gì …

Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi xe qua khỏi vùng chiến sự Quảng Trị, đến Huế, đến Đà Nẵng ... rồi Nha Trang, Sài Gòn rồi về Miền Tây, đến thị trấn Cao Lãnh, đâu đâu cũng lầu đài phố xá chứ có tường đất mái tranh như ở thành phố Vinh chúng tôi đâu!

Nhận xong nhiệm sở từ Ty Giáo dục Đồng Tháp, chúng tôi được đưa về công tác tại trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp ngay tại trung tâm của Thị trấn Cao Lãnh, và tại đây, trong suốt nhiều năm liền chúng tôi được bố trí ở tại khách sạn Thiên Lợi mà chính quyền cách mạng đã tịch biên từ tên tư sản Thiên Lợi … Chúng tôi đi từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được thế nào là “Khách Sạn”, biết được thế nào là lavabo là hố xí tự hoại, bởi cả thành phố Vinh, cả tỉnh Nghệ An chúng tôi hay thậm chí cả miền Bắc XHCN lúc bấy giờ chỉ sử dụng hố xí lộ thiên, để còn dùng nguồn “phân Bắc” này để canh tác, để tăng gia sản xuất theo sáng kiến kinh nghiệm cấp nhà nước của đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà được bác Hồ khen thưởng và có thơ ca ngợi rằng:
“Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân Bắc, phân xanh đầy nhà”…

Thậm chí ở xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên quê tôi lúc bấy giờ còn có cả những vụ án các tập đoàn viên, các hợp tác xã viên can tội trộm cắp phân bắc từ các hố xí của láng giềng để nộp cho hợp tác xã … Tôi thấm thía hơn với những câu thơ ca ngợi Miền Bắc đi lên XHCN của Tố Hữu mà ngoài sinh viên học sinh chúng tôi ra thì hầu như cả nhân dân Miền Bắc lúc bấy giờ ai cũng thuộc nằm lòng:
“Dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than mẩu thóc cân ngô
Hai tay ta gom góp dựng cơ đồ…”

Tôi bắt đầu nghi ngờ với cụm từ “giải phóng Miền Nam”… Rồi những trận đổi tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó… tôi bắt đầu hiểu đích thực ý nghĩa của cụm từ “giải phóng Miền Nam” và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân … mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội …

Dần dần tôi hiểu sâu hơn cái sự mỉa mai chua chát của hai từ “GIẢI PHÓNG” đang được dùng trong kho tàng Tiếng Việt của nước nhà… “Giải phóng Miền Nam” thực sự có mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên và cả sự thịnh vượng nữa với gia sản có thể đột ngột tăng lên cả 16 tấn vàng ròng … nhưng tất nhiên chỉ cho một thiểu số trong xã hội, chỉ chừng 16 người trong tổng số non 50 triệu dân lúc bấy giờ thôi … Còn lại thì “giải phóng” đồng nghĩa với cảnh côi cút vì “sinh Bắc tử Nam” mất con, mất chồng, mất cha, mất anh mất em bởi họ đã vào chiến trường và không bao giờ trở về nữa …
Giải phóng cũng có nghĩa là tù đày, là cải tạo nơi rừng thiêng nước độc, là mất vợ... mất con, mất nhà cửa ruộng vườn, mất bao nhiêu người thân trên biển cả và mất hết tự do dân chủ nhân quyền và mất luôn cả tổ quốc!

Rồi “giải phóng mặt bằng” cũng chỉ mang nguồn lợi lớn lao cho một nhóm quan phương, nhưng lại là nỗi ám ảnh nỗi hãi hùng của muôn dân, bởi sau “giải phóng mặt bằng” là hàng trăm đồng bào lại phải vô tù ra khám bởi tội “chống người thi hành công vụ”, bởi sau giải phóng mặt bằng là cái chết của thiếu niên Lê Xuân Dũng và Lê Hữu Nam, là thương tật của nông dân Lê Thị Thanh…
Chẳng biết người dân Việt nam từ nay còn dùng cụm từ “trước ngày giải phóng” hay “sau ngày giải phóng” để định mốc thời gian nữa không… Riêng tôi, tôi cảm thấy quá căm thù nhân loại bởi đã bịa ra từ ngữ “giải phóng” và “giải phóng mặt bằng” mà chi để dân Việt chúng tôi vì nó mà phải khổ lụy đến dường này.

Tiến Sỹ Lê Hiển Dương
Hiệu Trưởng-Đại Học Đồng Tháp
(Đồng Tháp ngày 29 tháng 5 năm 2010)

Phần bình luận đầu tiên dưới đây là bài phản hồi của một cựu tù cải tạo. Rất cảm động.
Cùng với bài viết của Ts Lê Hiển Dương, mình đọc được bài phản hồi từ một cựu tù cải tạo. Đọc xong cảm thấy có chút gì đó ấm lòng:
Ðêm đó qua đây lúc trời đã tối, nhà ga tỉnh lẻ, tôi nhìn qua vách xe, trong ánh sáng vàng đèn trứng vịt mù mờ, vài người bán hàng rong hỏi vọng vào trong xe, mời chúng tôi mua bánh. Vài anh tù vô tình trả lời họ, và thế là sau khi họ biết chúng tôi là tù miền nam, thì những viên đá nhặt từ đường ray ném tới tấp vào thùng xe, kèm theo lời chửi thô tục, nghe đâu có vài anh tù ở xe phía trước vì tò mò, thò đầu ra khỏi tấm bạt để nhìn cho rỏ, đã nhận ngay viên đá củ đậu vào đầu, máu ra ướt áo. Cán bộ sau đó qua sự việc này để mà lên lớp chúng tôi, anh ta nói do thấu triệt chính sách khoan hồng nhân đạo, mà đảng đã giáo dục, nên nhân dân chỉ ném đá mà thôi, nếu không có đảng dạy, thì nhân dân đã cắt cổ chúng tôi rồi(?).
Ðoàn xe từ từ vào ga, kinh nghiệm của lần ra, nay lần về phải cẩn trọng, chúng tôi không muốn ăn đá củ đậu. Chúng tôi giữ im lặng, không trả lời bất cứ tiếng mời mua hàng, hay tiếng gõ vào thành tàu của người mua đồ cũ… Bánh mật… mía… chuối… ai mua không?… Quần áo cũ… đồ cũ… ai bán không?… khung cảnh nhà ga ồn hẳn lên, với lời rao của kẻ mua người bán, và đặc biệt là trong toa càng lặng tiếng, thì người mua kẻ bán đứng dưới đường ray càng gào to.
Bỗng quản chế áp tải tù, chúng được lịnh cho phép nghỉ giải lao, chúng í ới gọi nhau vào nhà ga để chè lá, thấy thế các người mua bán rong, vội ùa đến gần con tầu hơn, áp sát miệng vào khe hở thành toa mà rao to. Một anh mua đồ cũ, vô tình rao đúng chỗ của anh Khanh “mù” ngồi, anh Khanh xuất thân võ bị Ðàlạt và cận nặng, nên anh em thêm chữ mù sau tên anh mà gọi cho vui. Máu tếu nổi lên anh Khanh hỏi: -Có bộ đồ tù rách mua không?… Một bất ngờ và ngỡ ngàng đến với chúng tôi, thay vì là câu chửi thề, hay chuyện gì đó như ném đá, để đáp lại câu nói của anh Khanh như chúng tôi nghĩ, thì lại là tiếng reo vui thật to: -Tầu chở tù về Nam bà con ơi… sau đó qua các khe hở của vách tầu… chuối, mía được nhét vào cho chúng tôi, thật tôi không tin những gì tôi thấy. Bấy giờ buổi sáng trời vừa nắng lên khoảng chín giờ sáng, đâu phải đêm đen đâu mà không thấy những gì đang diễn ra trước mắt mình. Từ khe hở ngay chỗ tôi, tôi cũng được một cái bánh mật, bánh còn ấm nóng, đây là bánh của người dân quê xứ Nghệ, làm từ bột trộn với đường mật, gói lá chuối xong đem hấp hay luộc, đường mật mà trong nam ta gọi là đường chảy hay đường thùng.
Ăn bánh mật hơi giống như ăn bánh ếch trong nam, không ngon bằng bánh ếch, vì nó không có nhân. Nhưng quí vị ạ, miếng bánh mà tôi đưa vào miệng , tôi ngậm nó mà nghe ngọt tận tâm can, tôi không muốn nuốt vì sợ mất, mất những gì đang đến với tôi trong suy nghĩ, trong cảm xúc. Tới đây chắc quí vị nghĩ là tôi càn rở ăn nói lung tung chăng, không đâu, cảm xúc đang trào dâng trong tôi, thật ngọt ngào và ấm áp lắm…trong nhà ga này, nhà ga Vinh, quê ngoại tôi, mà hơn năm năm về trước, họ ném vào chúng tôi bằng những viên đá xanh, to bằng nắm tay, mà họ nhặt từ đường ray.

Bài viết của Lâm Nguyễn

Thanked by 2 Members:

#228 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 04/07/2021 - 19:30



ANH NĂM KIM
(FB Công Dũng Trương)

Tôi trở về miền Nam, đến căn cứ TTXGP vào buổi tối. Đang bắt tay những người ra đón thì có người vỗ vai: "Ông là Trương Công Dũng phải không?". Thấy lớn tuổi hơn, tôi trả lời "dạ phải". Người đó nói: "Tôi là Năm Kim. Tối nay ông về nhà tôi ngủ. Đi với tôi". Tôi hỏi: "Cây đàn acordéon giao cho anh phải không?". Anh cười mừng "ông để đâu?". Tôi nói "trên xe, để tôi lấy xuống".

Tôi đưa cái thùng đựng cây đàn cho Anh Kim vác đi trước còn tôi khoác ba lô bấm đèn pin theo sau. Đi gần một cây số đường rừng mới tới nhà anh. Một người lớn tuổi hơn đang ngồi bên bếp lửa đứng dậy chìa tay ra cười vui vẻ: "Chào người anh em. Tôi là Hai Thu, Lâm Quang Thu, dân mọt-xít đây". Tôi bắt tay. Tuy mới nghe lần đầu nhưng tôi cũng đoán được nghĩa của từ "mọt-xít" là điện báo, vì từ chữ "morse" mà ra. Anh nói: "Cháo gà đãi bạn đã sẵn sàng rồi". Anh cúi xuống mở nắp nồi. Mùi cháo gà bốc lên thơm lừng.

Anh Kim khui thùng lấy cây đàn đeo vào vai và ngay lập tức giai điệu pasodoble của bản "Dừng bước giang hồ" vang lên sôi động giữa rừng đêm thanh vắng. Rồi anh chơi tiếp mấy bản "The Blue Danube", "Flots du Danube", "La Cumparcita"… Những ngón tay anh lướt nhanh trên các phím đàn. Trong ánh lửa bập bùng khuôn mặt rắn rỏi đầy vẻ đàn ông của anh sáng ngời hạnh phúc.

Tôi và anh Năm Kim gặp nhau lần đầu như thế. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm.

*

Anh Nguyễn Nam Kim sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức ở Sài Gòn. Cha mẹ và anh chị của anh tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc, dẫn anh theo. Anh qua Liên-xô học kỹ sư điện tử rồi trở về miền Nam từ năm 1966.

Ông Hai Luận (sinh năm 1923) – trưởng phòng Kỹ thuật (B8.1) – khi ra miền Bắc tổ chức đoàn 14 xe đưa thiết bị và nhân lực từ miền Bắc tăng cường cho TTXGP đã tìm mọi cách có cho được cây đàn acordéon mới nguyên đem về căn cứ chỉ để dành riêng cho anh Năm Kim. Đây là một sự việc hết sức đặc biệt bởi vì ngoài anh Kim ra thì cả cơ quan không ai biết chơi loại đàn này còn anh Kim thì không tham gia đội văn nghệ của cơ quan. Không ai biết tại sao ông Hai Luận phải đem từ Hà Nội vào cho anh cây đàn ấy nhưng cũng không ai thắc mắc. Còn tôi thì biết, bởi vì khi giao cho tôi giữ cây đàn trên đường hành quân, ông Hai Luận chỉ nói một câu: "Ông Năm Kim là trí thức. Ông ấy sống ở trong rừng bảy năm rồi".

Tôi ở nhà anh Năm Kim một tháng trước khi làm xong nhà cho mình. Nhà tôi cách khá xa nhưng tôi vẫn thường xuyên đến nhà anh Kim chơi, đem những con thú tôi săn được đến nấu nướng ăn uống với nhau. Anh Hai Thu bên căn cứ của phòng Điện báo (B8.2) cách đó 2km cũng nhập hội. Cả ba chúng tôi đều không phải đảng viên.

Trong tháng đầu ở nhà anh Năm Kim vì đang trong giai đoạn lắp ráp chiếc máy thu teletype rất hiện đại mới đem từ Hà Nội vào nên tối nào anh Kim và tôi cũng đọc tài liệu kỹ thuật hoặc trao đổi với nhau những vấn đề liên quan. Nhưng khi đã lắp ráp xong thì không còn việc gì để làm nữa, cả hai chỉ làm những việc riêng của mình. Có lần tôi hỏi anh: "Từ hồi về trong này anh làm những việc gì?". Anh cười: "Chạy càn. Đi chiến dịch Mâu Thân rồi chạy lên Campuchia. Rồi về đây. Có còn việc gì để làm nữa đâu". Chúng tôi hầu như không bao giờ trao đổi với nhau về những vấn đề chính trị vì trong chiến tranh đó là điều đại kỵ. Với chúng tôi khi đó, việc duy nhất là "chống Mỹ cứu nước".

"Cứu nước" là truyền thống yêu nước của cha anh chúng tôi từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ độc lập của tổ quốc, và chúng tôi kế thừa truyền thống ấy. Ông Ngô Đình Diệm và nhiều người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa cũng xuất thân từ phong trào chống thực dân Pháp. Mỹ giúp Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương chỉ để ngăn chặn sự bành trướng của c.... s.. ở Đông Nam Á nhưng với sự tuyên truyền của c.... s.. thì rất nhiều người Việt Nam yêu nước lại lầm tưởng rằng Mỹ giúp Pháp xâm lược Việt Nam, và vì thế "chống Mỹ cứu nước" là đương nhiên.

Khi tôi về đến căn cứ thì nhân sự của TTXGP gồm năm thành phần: các cán bộ lãnh đạo là những người lớn tuổi đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam; những người thuộc lớp kế thừa từ miền Nam ra Bắc học tập rồi trở về (hầu hết đều có trình độ đại học); những người thuộc lớp kế thừa lớn lên ở miền Nam ít được học hành; các phóng viên trẻ người miền Bắc (tất cả đều có trình độ đại học); các cán bộ trẻ là kỹ thuật viên người miền Bắc. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình đang "chống Mỹ cứu nước".

Trong thời gian ở trong rừng tôi thấy các cô điện báo viên (nhiều cô xinh đẹp và dễ thương) thường rủ nhau qua nhà anh Năm Kim chơi. Họ còn trẻ, lớn lên ở nông thôn miền Nam trong chiến tranh nên ít được học hành. Anh Kim là thần tượng của họ trong khi anh luôn xem họ như những đứa em. Anh đang độ tuổi cường tráng nhưng luôn giữ mình không thân thiết với bất kỳ cô gái nào, vì không ai trong số họ có thể hiểu được tâm trạng của anh, không ai đồng cảm được với anh, không ai hòa hợp được với lối sống văn hóa của anh. Tôi nhận thấy rất rõ điều đó.

Tối nào anh Kim cũng chơi đàn. Nhưng khác với đêm đầu, tiếng đàn của anh tuy có lúc theo nhịp điệu sôi động của bản nhạc nhưng lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn. Khuôn mặt của anh trầm ngâm, lặng lẽ. Đôi mắt anh khi nhìn vào đống lửa, khi nhìn ra ngoài trời đêm. Có lần khi gỡ dây đeo đàn ra khỏi vai tôi nghe anh thở dài.

*

Anh Năm Kim và tôi có một kỷ niệm mà hai người không thể quên.

Đó là vào giữa năm 1974. Khi đó phía bên Việt Nam ông NVT ra lệnh ngăn chặn mọi đường tiếp tế cho Việt Cộng, còn phía Campuchia thì Khmer Đỏ không chỉ cắt đứt các tuyến hậu cần của Việt Nam mà còn lén lút giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam công tác trên đất của họ. Bị phong tỏa từ cả hai phía, các cơ quan của Trung ương Cục (nằm sát biên giới) bắt đầu bị thiếu đói.

Khi đó TTXGP có một rãy trồng đậu phộng ở gần làng 13 bên đất Campuchia đã vào vụ thu hoạch, được xem như một nguồn lương thực lớn. Làng 13 là làng Việt kiều gần thị trấn Suôn, cách biên giới khoảng 30 km. Việc thu hoạch đậu phộng có thể nhờ nhân dân ở đây nhưng không ai biết làm cách nào để chuyển về Việt Nam vì không thể đưa qua các trạm kiểm soát dày đặc của Khmer Đỏ. Ông Hai Luận cho mời anh Năm Kim và tôi đến gặp, thông báo sự việc và chỉ nói ngắn gọn: "Hai anh qua bên đó tìm cách đem đậu phộng về".

Đi công tác qua Campuchia lúc này cực kỳ nguy hiểm vì lính Khmer Đỏ luôn muốn giết cán bộ, bộ đội Việt Nam. Tôi không hỏi ông Hai Luận tại sao lại đẩy cùng một lúc hai kỹ sư đi đến chỗ dễ chết như vậy vì tôi biết lý do: anh Năm Kim đã từng sống bên Campuchia nhiều năm (trước khi các căn cứ của Trung ương Cục chuyển về bên đất Việt Nam) nên thông thạo đường sá bên đó, còn tôi tuy mới từ miền Bắc trở về nhưng đã nổi tiếng về khả năng sử dụng vũ khí (khi săn bắn) cũng như một số kỹ năng khác. Chúng tôi thân nhau, biết ý nhau, dễ phối hợp trong mọi việc.

Vấn đề phải cân nhắc trước tiên là vũ khí đem theo. Nếu đem theo AK thì không thể dấu trong người, mà khoác bên ngoài thì chắc chắn là lính Khmer Đỏ sẽ bắn lén để lấy súng. Nếu đem theo súng ngắn và dấu trong người, lỡ lộ ra thì lính Khmer Đỏ giá nào cũng chơi, vì chúng rất thích súng ngắn. Đi tay không thì miễn bàn. Anh em làm công tác quan hệ biên giới truyền miệng nhau câu nói "qua đất Miên mà đem theo súng ngắn là mang theo án tử hình".

Chúng tôi bàn nhau, quyết định mang theo "án tử hình". Anh Kim có một khẩu K54. Tôi có một khẩu K59 và một khẩu K54 nhưng quyết định đem K54 theo vì K59 tuy gọn hơn nhưng nòng ngắn hơn, bắn không căng và chính xác bằng K54. Hai anh em chúng tôi chở nhau bằng xe Honda 90, xuất phát từ căn cứ đi thẳng đến làng 13.

Ngày đầu Kim để tôi ở lại trong làng cùng dân làng tách vỏ đâu phộng đã thu hoạch còn anh đi đâu không biết. Việc tách vỏ đậu phộng đã bắt đầu từ mấy ngày trước nên qua ngày hôm sau thì xong, cả thảy được gần 4 tấn hạt. Anh Kim trở về nói: "Căng lắm, phải có giấy phép của Bộ Tư lệnh Quân khu 203 (của Khmer Đỏ) mới vận chuyển được".

Không ai biết Tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Quân khu 203 đóng ở đâu, chỉ nghe loáng thoáng ở trong một khu rừng cao su gần thị trấn Chup (trên đường đi Kampong Cham). Anh Kim nói "tôi với ông đến mấy khu rừng cao su gần đó kiếm". Nghe anh Kim nói vậy tôi hơi ngán nhưng không dám bàn ra.

Hôm sau anh Kim, tôi và một thanh niên Việt kiều ở làng 13 lên đường. Chàng trai này đi xe Honda 67, theo chúng tôi để làm phiên dịch. Chúng tôi quần khắp mấy khu rừng cao su suốt buổi sáng nhưng không tìm ra.

Đến gần trưa chúng tôi chợt gặp giữa rừng cao su có một khu đất trống khá rộng với một ngôi nhà lợp lá trung quân giống như một hội trường lớn. Chỉ có một người đàn bà Khmer lớn tuổi mặc xà-rông, vóc dáng to cao đang đứng bên bếp có nồi nước lèo khá to thơm phức. Hỏi "có biết Bộ Tư lệnh Quân khu 203 đóng ở đâu không" thì bà ấy lắc đầu. Hỏi "có bán hủ tiếu không" thì bà ấy gật đầu. Cái quán ăn bề thế với người đàn bà này làm chúng tôi nhớ đến hắc điếm trên Lương Sơn Bạc được tả trong "Thủy Hử". Không biết có thuốc mê và ở đây có làm bánh bao nhân thịt người hay không nhưng đang đói thì cứ mua ăn cái đã.

Ăn xong, biết không bị làm nhân bánh bao thì trả tiền rồi đi tiếp sâu vào phía trong. Nhưng vừa đi được chừng 500 mét thì gặp một doanh trại lớn có lính gác. Hóa ra đây chính là Tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Quân khu 203.

Ba người lớn tuổi tiếp. Một người nước da trắng, dáng vẻ nho nhã giống người Việt. Hai người kia "đen như Miên". Một trong hai người ấy được giới thiệu là Tà Mốc – Tư lệnh quân khu. Cả ba mặt lạnh như tiền. Cậu phiên dịch giới thiệu anh Năm Kim là "ông Tà" tức là chỉ huy, còn tôi là cố vấn của Thông tấn xã AKI của Khmer Đỏ (điều này đúng sự thật vì tôi có lần làm công tác ấy). Chủ và khách đứng nói chuyện quanh một cái bàn rộng.

Chúng tôi trình bày lý do. Anh Năm Kim nói rằng đây là đậu phộng do chúng tôi trồng trước khi có lệnh cấm nên không vi phạm lệnh cấm, nay xin cấp giấy phép để đem về Việt Nam. Cả ba viên chỉ huy đều lắc đầu. Tôi đứng cạnh người nước da trắng, quay sang hỏi anh ta "anh nói được tiếng Việt không?". Anh ta lắc đầu. Lúc đó trời rất nóng, mồ hôi trong người tôi chảy đầm đìa. Tôi rút khẩu súng ngắn giắt trong thắt lưng ra để lên bàn rồi lấy khăn tay lau mồ hôi. Tà Mốc nhìn tôi. Tôi cười. Tà Mốc quay đầu ra phía sau nói một tràng dài. Một người lính đem nước đến mời chúng tôi uống.

Uống nước xong chúng tôi lại năn nỉ và cả ba viên chỉ huy Khmer lại lắc đầu. Biết không thuyết phục được, chúng tôi chào ra về.

Trên đường về, gần ra đến quốc lộ, tôi nghe có tiếng chặc lưỡi "tắc, tắc" và nhìn thấy từ xa một người lính Khmer Đỏ đánh xe ngựa chở bốn bao lương thực chạy về hướng chúng tôi. Tôi bảo anh Kim dừng xe. Tôi xuống xe, bước ra giữa đường, rút súng chặn người lính lại. Anh lính sợ tái mét mặt. Tôi bảo phiên dịch bắt anh ta xuất trình giấy vận chuyển lương thực. Có lẽ đây là lần duy nhất trong quan hệ hai nước có sự kiện quân Việt Nam xét giấy lính Khmer Đỏ trên đất Campuchia. Anh lính đưa ra một tờ giấy viết tay có đóng dấu mà cậu phiên dịch nói đó là dấu của Văn phòng Quân khu 203. Tôi tịch thu giấy, thả cho anh lính đi, rồi cả ba chúng tôi lên xe lao hết tốc độ trở về làng Việt kiều.

Trong chiến tranh, giấy tờ của cả phía Việt Cộng lẫn phía bên Khmer Đỏ thường chỉ viết tay, rất hiếm khi có giấy in sẵn hoặc đánh máy. Chỉ cần có con dấu là có đủ giá trị. Tôi lấy một lưỡi dao lam làm thành con dao khắc chữ, để tờ giấy có con dấu của Khmer Đỏ lên mặt cắt ngang của một củ khoai lang khô, khắc thành con dấu giả, bôi thuốc đỏ rồi đóng lên tờ giấy do cậu thanh niên ở làng 13 viết tay bằng chữ Campuchia như sau: "Bộ Tư lệnh Quân khu 203 chứng nhận có đổi 4 tấn hạt đậu phộng cho phía Việt Nam để lấy 1000 lít xăng phục vụ mặt trận Kampong Cham. Yêu cầu các trạm kiểm soát để cho phía Việt Nam đem 4 tấn đậu phộng qua biên giới".

Ngày hôm sau chúng tôi thuê chiếc xe REO của một người Hoa ở thị trấn Suôn chở bốn tấn đậu phộng ấy vượt biên giới trở về căn cứ. Chuyến đi hoàn toàn thuận lợi. Ông Hai Luận đãi chè đậu xanh, nói: "Tôi biết hai anh đi là xong ngay mà".

*

Sau ngày 30-4-1975 tôi và anh Năm Kim không ở nhà của cơ quan bố trí mà về với gia đình. Buổi trưa chúng tôi ăn cơm ở cơ quan nhưng thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn tiệm bên ngoài. Chúng tôi chứng kiến tất cả những gì xảy ra ở Sài Gòn trong những ngày đầy các biến cố đó. Anh Kim nói với tôi: "Việt cộng tụi mình vào Sài Gòn giống y như giặc Tác-ta vào Kiev". Trong những lúc ngồi ăn với nhau chúng tôi bắt đầu nói chuyện thẳng thắn về những vấn đề chính trị xã hội của đất nước.

Chúng tôi nói về chữ "ngụy", rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì ai mới đúng thật là ngụy? Chúng tôi nói về hai chữ "giải phóng", rằng giải phóng ai, giải phóng ra khỏi cái gì, giải phóng hay cướp bóc, đày đọa nhân dân? Chúng tôi nói về việc không hề có sự hòa giải hòa hợp nào cả mà chỉ có các binh sĩ và công chức Việt Nam Cộng hòa hoặc bị lừa bắt đi cải tạo trong các trại tập trung hoặc phải liều mạng vượt biển để tự cứu mình và gia đình. Chúng tôi nói về hàng triệu người miền Bắc đang chen nhau tràn vào miền Nam để chiếm đoạt nhà cửa, ruộng đất, tài sản của người miền Nam. Chúng tôi nói về những người lính miền Bắc sau bao nhiêu năm trời chiến đấu nay trở về quên hương chỉ với mấy cái khung xe đạp và những con búp-bê rẻ tiền. Chúng tôi nói về những tên "cách mạng ba mươi" đang ra sức khủng bố nhân dân để tâng công với chính quyền mới. Chúng tôi nói về những chính sách kinh tế XHCN điên loạn sắp tới sẽ đẩy đất nước xuống vực thẳm…

Anh Kim và tôi hoàn toàn đồng cảm với nhau trong một nỗi cay đắng khôn cùng: rốt cuộc chúng tôi đã chiến đấu hy sinh, đã chịu đựng muôn ngàn gian khổ hiểm nguy để vì cái gì? Hóa ra rốt cuộc chúng tôi không đem được lợi ích gì cho dân cho nước mà chỉ góp phần hại nước hại dân. Với những người yêu nước, có nỗi đắng cay nào lớn hơn thế hay không?

Anh Kim nói với tôi: "Tôi không thể sống ở Việt Nam được. Ở đây chúng ta sẽ không thể làm được gì có ích cho dân cho nước. Ông cũng nên tính chuyện ra nước ngoài sinh sống thôi". Tôi trả lời anh Kim rằng tôi còn mẹ già nên không thể bỏ đi, vả lại ấn tượng về cuộc sống "đất khách quê người" sau gần hai mươi năm trên đất Bắc của tôi nặng nề quá nên tôi không muốn đi đâu hết.

Giữa năm 1976 anh Kim xin được một suất nghiên cứu sinh ở CHDC Đức. Ông Hai Luận giúp kết nạp anh vào đảng để tạo thuận lợi cho anh đi. Sau khi trở thành tiến sĩ công nghệ thông tin anh ở lại CHDC Đức làm việc theo diện hợp tác khoa học. Sau đó anh vượt biên qua CHLB Đức, cưới vợ Đức rồi cả gia đình qua Mỹ định cư. Anh Nguyễn Nam Kim đã qua đời ở Mỹ.

*

Năm 1988 khi qua CHLB Đức công tác tôi tìm cách liên lạc với anh nhưng không ai biết anh sống ở đâu. Khi nghe tôi hỏi thăm về anh, tay tùy viên văn hóa của Đại sứ quán cau mày trả lời: "Ông này tham gia các hoạt động chống cộng, quyết liệt lắm".


Thanked by 1 Member:

#229 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 13/07/2021 - 11:32


LÁ THƯ GIỮA TRỜI

Chiều tháng bảy năm ấy, một buổi chiều mưa rả rích; trong thơ văn gọi là mưa ngâu, với những hình ảnh rất lãng mạn.... Bầu trời giăng mây tím, có đàn quạ bắt cầu cho Ngưu Lang Chưc Nữ gặp nhau… đó là trong truyền thuyết.

Mùa mưa ngâu năm 1978 có cả những giọt nước mắt tức tưởi của Mẹ con chúng tôi, khi chiếc xe ô tô loại jeep lùn và chiếc “ba càng” đỗ xịch trước cổng nhà.
Ba tôi, hai tay bị trói ra phía sau, bộ áo quần bảo hộ lao động màu xanh thẩm còn vương cát bụi công trường, nét mặt phờ phạc...từ ghế sau xe Jeep nhảy xuống, bên cạnh là hai cán bộ ngành công an, áo vàng, cùng với tài xế cũng đồng phục công an... tất cả bước vào nhà. Họ đọc lệnh và lục soát mọi nơi trong nhà, từ phòng ba má tôi đến phòng học của anh chị em, nhà bếp... nói chung là mọi ngõ ngách. Để kiếm tài liệu!
Vợ con ngơ ngác, không biết tài liệu gì? Kết quả…. không có gì để ghi vào biên bản, họ cũng đưa ba tôi ra xe với tội: Tình nghi tham gia Đảng phái ph.... đ.... chống phá chính quyền.
Hình ảnh cuối cùng cả nhà được thấy là ba nói nhỏ; đúng hơn là xin phép được ngồi xuống để đứa con gái út 4 tuổi đến gần, ôm ba một cái. Ba xin được lột chiếc đồng hồ hiệu Titani dây vàng đang đeo trên tay để lại nhà, dường như ông đã linh tính được một tương lai trăm bề khó khăn của vợ con sau này.
Với những bước chân vô hồn năm Ba 49 tuổi, Ba tôi đi giữa hai cán bộ công an ra xe. Trời đã tối, trăng tháng bảy le lói, như tương lai mù mịt của đàn con tám đứa sau ngày ba bị bắt.

Cũng như bao nhiêu gia đình có người thân bị bắt đi tù cải tạo không rõ ngày về, gia đình tôi như rắn mất đầu. Má tôi chạy vạy, khóc lóc, van xin những dì, những bác, những người thân bên tộc nhà Ngoại tôi; kẻ làm cán bộ cao cấp, người làm trong ủy ban... người xênh xang áo mũ dù trước kia họ đều là thành phần “nằm vùng” hoặc du kích đã từng chịu ơn ba má tôi trước sự lùng bắt của chính quyền VNCH ở miền nam.

Tất cả đều vô vọng; không ai biết Ba tôi bị đưa đi đâu. Những cái lắc đầu, những cái nhìn vô cảm không chút lương tâm. Chồng một bà dì ruột thì lên giọng đạo đức: “Đảng sẽ có chế độ khoan hồng nếu chú chịu hợp tác...”
Trong khi đó, tất cả những máy móc dùng trong nghề nghiệp của Ba tôi đem theo khi lên công trường làm việc cũng bị niêm phong. Đó là những cái máy Trắc địa nhập cảng từ Pháp, rất quý giá, Ba tôi dùng để ngắm tọa độ trước khi thi công một đoạn đường hay cây cầu, cái đập nước ... Cho đến những lô củi Ba tôi chặt trong rừng, chờ có dịp là chở về ĐN để gia đình dùng... Tất cả đều bị tịch thu, không có giấy tờ.

Sau nhiều tháng biệt tăm, Má tôi hỏi thăm thì được biết thời là từ trại giam Kho Đạn các tù nhân sẽ được đưa vào trại giam Hội An rồi mới chính thức đưa vào các trại lớn khác rải rác khắp cả nước. Không nhớ bằng cách nào Má tôi biết là Ba đang ở Hội An; Má liều mạng đi Hội An; may quá, được gởi chút thực phẩm chứ họ không cho gặp mặt. Theo thông lệ, sau khi bị giam ở Hội An thì tuỳ theo tội lỗi, phạm nhân sẽ bị chuyển giao đến một trong nhiều trại tù đang có rải rác từ Bắc vào Nam mà không hề có một thông báo nào cho gia đình biết. Có người khi biết thì chỉ là một nấm mồ nơi rừng núi hoang vu hoặc may lắm có bạn đồng tù nhắn với gia đình báo dùm.

Tình cảnh gia đình tôi thời đó thật bế tắc. Tôi đang ở Sài gòn, trọ tại nhà một người bạn của Ba để chờ đi vượt biển. Anh trai lớn nguyên là học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng Dn, anh vỡ mộng làm chàng sinh viên Bách Khoa Phú Thọ vì nạn lý lịch. Anh tôi ôm ba lô đi làm công nhân cầu đường. Chấp nhận đi khuân gạch đá, cưa bom, vét cống khi tuổi đời vừa chạm 20. Đứa em gái kế tôi, tuổi xuân phơi phới như các bạn cùng lứa thì theo đoàn thanh niên đi đào kênh Phú Ninh để giảm bớt miệng ăn ở nhà. Mặc dù nơi đó cũng chẳng hơn gì. Những bữa ăn “một cục sắn gắn 3 hột cơm”. Ở thì tù túng trong các lán trại mà suốt ngày phải chạy theo chỉ tiêu, năng suất và luôn miệng hát hò ngợi ca sự sáng suốt của lảnh đạo.

Đàn em còn lại của tôi, đứa đi bán bánh mì, đứa bán cà rem, bán thuốc lá, đi đổi nước (không phải bán nước), những đứa lớn hơn thì đạp xe thồ… Má tôi thật sự trong tình thế bước vào con đường cùng. Buôn bán khó khăn và không có vốn liếng. Vì ba má tôi vừa xây nhà xong là biến cố 1975 ập đến.
Gia đình tôi lây lất sống còn nhờ… Chợ Trời xuất hiện. Không buôn, chỉ có bán những thứ trong nhà: từ quạt máy, tủ lạnh, máy giặt… đến TV, tủ bàn, chén bát… rồi áo quần, xe cộ… tất cả lần lượt ra đi. Những cánh cửa sổ, cửa kính cũng không cánh mà bay… Gia đình tôi đương nhiên gia nhập vào hội vô sản. Không còn gì cả ngoài ngôi nhà to đùng, trong đó có người phụ nữ mới trên 40, hai vai gánh đàn con tám đứa không tương lai, chồng biền biệt lao tù không biết nơi nao?

Một ngày mùa hè, anh trai lớn của tôi từ công trường xây dựng cầu đường Tam Kỳ, đón xe đò về Đà Nẵng, anh hớt hải tuyên bố: “Ba bị đưa lên trại giam Tiên Lãnh”, (lúc đó hình như còn là huyện Tiên Phước QN.)
Má tôi ngơ ngác, anh Hai gở kính cận lau bụi rồi từ từ kể:
“Con đang ngồi đập đá ở công trường, có một thằng bé bán cà rem mặt mày nhem nhuốc vì nắng và bụi đất đỏ, bước vào rụt rè hỏi:
- Dạ, đây có phải Đội Cầu số 1 không?
- Mi hỏi làm chi?
(Buồn cười cho kiểu nói của dân Xứ Quảng. Luôn luôn trả lời bằng một câu hỏi)
- Dạ con lượm được tờ giấy ni, con đi kiếm chú Tuấn ở Đội Cầu 1.
Ngay lúc đó anh Hai tôi bỏ cái búa xuống bước tới. Thằng bé tiếp:
- Dạ, con đọc ở đây nè chú: Ai lượm được giấy này nhờ đưa cho con trai tôi là: Nguyễn … Tuấn…, đang làm ở Đội Cầu 1 Tam Kỳ QN, chú coi đi!

Anh Hai tôi lật qua lật lại tờ giấy, thấy nét chữ bằng bút chì của Ba tôi, mặt sau ông viết chỉ một dòng: “Ba đã bị đưa đi trại 1 Tiên Lãnh.”

Ôi, thì ra Ba tôi tuy ngồi trong xe bịt bùng nhưng cũng biết “nhắm tọa độ” khi xe chạy ngang vùng đất Tam Kỳ. Không biết sao ông đã chuẩn bị sẵn “tờ rơi” này và thả xuống ngay đoạn đường mà ông nghĩ may ra có người lượm được sẽ chuyển dùm cho con trai ông đang làm công nhân ở đây.
Viết tới đây thì tôi cũng rùng mình vì sự nhiệm màu của niềm tin với ơn trên. Không ai có thể tưởng tượng được, Trưa hè, một mảnh giấy nhỏ thả xuống dọc đường; một cậu bé bán cà rem với sự tử tế, có tâm có lòng… tất cả như có phép lạ đưa đến một kết quả như ý.
Mảnh giấy đã đến tay người nhận không những chính xác mà còn đúng lúc. Càng khâm phục Ba tôi… đã xuất sắc như một điệp viên chuyên nghiệp . Mọi diễn biến như có sự sắp đặt từ bàn tay của thượng đế; điều mà chúng ta gọi là kỳ tích.

Sau này, khi Ba đã được thả về, tôi thường tò mò hỏi lại “vụ án” này, Ba tôi thường trả lời rằng: “Ba cầu xin nên Trời Phật cho thôi. Thử hỏi mảnh giấy bằng bàn tay thả bay trong nắng gió trên quốc lộ 1, chỉ có Trời Phật đưa đẩy thì mới gặp chú bé bán cà rem cũng biết chữ và có lòng của một vị Bồ tát… chứ chẳng ai tài giỏi gì! Mình có cầu khẩn thì có niềm tin, có hy vọng mới đạt được chứ buông xuôi thì … sống sao nổi?” Quan niệm sống này của Ba tôi đã giúp ông vượt qua những tháng bị bỏ đói, biệt giam, hai chân bị cùm, tiêu tiểu tại chỗ, không ánh sáng, không cử động… một cách giết từ từ rất thâm độc của phe thắng cuộc.

Những chuyến thăm nuôi được tiếp tục ròng rã hơn mười năm. Niềm tin và những suy nghĩ tích cực giúp Ba tôi vượt qua những gian lao thử thách trong trại tù Tiên Lãnh. Một trại tù khét tiếng của miền trung Việt Nam do công an quản lý.

Ba tôi rời trại tù một ngày giáp Tết. Cụ ông sáu mươi tuổi sau những ngày bịnh hoạn được hồi phục nhờ sự giúp đỡ của những người thân trước kia từng xem Ba tôi là ân nhân, thời Ba còn huy hoàng. Ba tôi có công việc làm, kiếm được tiền và dường như bắt đầu có tiếng tăm trở lại trong lãnh vực xây dựng cầu đường và nhà cửa. Nhiều chú thầu khoán đã giúp Ba tôi có đủ tiền để làm hồ sơ xuất cảnh theo diện HO. do chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ.

Tháng bảy, ngày 12 năm 1994 Ba cùng 4 người con và 1 cháu ngoại giã từ người thân từ Sài Gòn chúng tôi bay sang Hồng Kông; ghé qua đảo Guam để máy bay được tiếp nhiên liệu và đặt chân đến Los Angeles tối ngày 13 tháng 7. Được tổ chức Di Cư Quốc Tế (IOM) đón tiếp vào ngủ lại ở Hotel, đêm đó có 6 phần Fried Chicken được mang tận phòng cho bữa tối nhưng cả nhà không dám ăn vì sợ không có tiền trả, hơn nữa cũng chưa quen với mùi bơ chiên.

July 12 2021, hôm nay, hai mươi bảy năm đúng, con của ba từ những đứa đi cùng ba cho đến 3 gia đình ba bảo lảnh sau này tất cả đều có cuộc sống ổn định. Người làm việc ở Hãng xưởng thì được thăng tiến, đứa kinh doanh thì đều là chủ nhân Tiệm Nail, salon Tóc, tiệm ăn…
Những đứa cháu ra đời trên quê hương thứ hai có bàn tay ba chăm bón, nay đã tốt nghiệp đại học, trung học. Có cháu thành công trên con đường kinh tế, có cháu vượt bao trở ngại để thành danh bằng chữ nghĩa. Nói chung mọi thành công mà thế hệ con và cháu đang có được, ngoài nổ lực của bản thân còn phải nhớ đó là công đức của Ba, là đánh đổi hơn mười năm tù tội của một cụ ông bây giờ đang ngày ngày ngồi nhìn ra cửa, không vui không buồn, không biết ngóng trông gì?....và luôn luôn có một người phụ nữ đứng sau lưng ông: Má tôi, thân cò… lặn lội nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Người mẹ, người vợ đã chịu rất nhiều thiệt thòi mất mát như bao người phụ nữ Việt Nam từ thời chiến đến thời bình… Nay cũng bắt đầu quên hiện tại mà chỉ nhớ những gì không đáng nhớ trong quá khứ.

Tháng bảy đối với gia đình tôi có nhiều chuyện không thể nào quên: vui buồn, đau khổ, tuyệt vọng rồi thành công….
Xin tri ân tất cả những gì đã trải qua, những ơn phúc được ban bố, những kết quả trong hiện tại. Và tận trong lòng tôi, mãi mãi câu chuyện mảnh giấy nhỏ Ba tôi thả từ xe bịt bùng báo tin: Ba đã bị đưa đi trại 1 Tiên Lãnh và cậu bé Bồ Tát nhặt được đem giao tận tay anh Hai tôi luôn là câu chuyện nhiệm màu không giải thích được.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
July 12 2021

Thanked by 1 Member:

#230 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 15/07/2021 - 17:54

MIẾNG THỊT TRÊN GHI-ĐÔNG .
Thời giữa 1980's khi tôi đã lên học chuyên ban Kế Toán Thương Nghiệp thì gần như 2/3 số tiết học đều tập trung tại cơ sở B đường 3 tháng 2 quận 10 sát góc đường Sư Vạn Hạnh gần bịnh viện Nhi Đồng. Hồi đó được vào Đại học chỉ có 1 hệ chính qui duy nhất là thi tuyển vào. Tất cả sinh viên trúng tuyển kể từ nhập học đều được 18 đồng tiền mặt học bổng mỗi tháng, và được mua giá mậu dịch 9 kilo gạo hạng bét , 1/2 kilo đường cát vàng sắp chảy ra nước , 1/2 kilo thịt heo. May sao nhờ có đứng chủ quyền chiếc xe Honda dame 50cc biển số Saigon nên tôi xin địa phương chứng thực để nhà trường cấp tem mua xăng 4 lít /tháng tạm đủ để đi chuyện nhà hay đi đám tiệc còn hơn là đổ xăng pha dầu lửa từ người bán xăng dạo dọc đường, hay là phải còng lưng đạp xế điếc Kể ra công đèn sách 12 năm để được 4 năm Đại Học được miễn đi quân dịch thì với tôi cũng tạm ổn. May mắn cho tôi và những ai được là sinh viên thời bao cấp là có thể tạm lo cho mình, không phải lệ thuộc cơm gạo của gia đình, vậy là tốt hơn hoàn cảnh nhiều người trong xã hội lắm rồi. .
Lúc đó cứ trưa chiều tôi lại đạp xe đi học và về nhà 2 bận dọc theo con đường 3 tháng 2 tức Trần Quốc Toản trước 1975 nắng tứ bề và nhìn "chán phèo". Bởi vì lúc đó con đường chỉ có 1 bên lề là có nhà phố, bên số chẵn suốt mấy cây số toàn là tường xây cao và các cổng vào nhiều trại lính nối tiếp liền nhau đã có từ trước 1975. Con đường 3 tháng 2 thời đó có ít cây xanh lưa thưa ở đoạn giữa. Bên dãy nhà phố không buôn bán gì trừ vài xe bánh mì buổi sáng. Đã̃ đôi lần tôi ngại nắng trưa làm biếng đạp xe về̀ nhà mà ở lại trường, hậu quả tôi đã phải nhịn đói luôn tới chiều vì bên phía đối diện toàn là khu quân sự nên cư dân sinh sống đó không được tự do buôn bán kinh doanh. Và từ sau 12 giờ thì khó mà tìm ra nơi bán cơm trưa kể cả gánh xôi hay xe bán bánh mì ( cũng là do thói quen dân Sài Gòn xưa là hầu hết ai đi làm đi học đều phải về nhà ăn cơm trưa trừ ra khu trung tâm quận 1 có nhiều cơ quan công sở )
Thường thì trưa về tôi vừa đạp xe vừa khẽ hát dọc theo dãy nhà phố. Vô tình tôi đã chú ý một gia đình hay ngồi bệt xuống ăn cơm trưa bên ngoài hiên nhà lúc giờ tan học. Có lẽ họ ngồi ăn ngoài hiên cho vừa sáng vừa thoáng mà không phải tốn điện mở đèn, mở quạt, nhất là thời kỳ đó toàn dân thi đua không xài điện, chấp nhận bị cúp điện 4 ngày 3 đêm mỗi tuần. Gia đình đó còn chút may mắn là ở ngay căn phố tuy nhỏ nhưng là mặt tiền đường nên được phép mở tiệm sửa xe đạp để kiếm sống và cũng là phục vụ khách đi xe đạp ven đường. Nhiều lần đi qua tôi cứ thấy gia đình họ ăn cơm trưa gồm có anh sửa xe trên 30 tuổi, chị vợ ít tuổi hơn, 2 đứa con nheo nhóc và một bà già chắc là mẹ chồng hay mẹ vợ luôn ngồi xa khỏi mâm cơm. Tôi nhớ bà luôn có vẻ ăn qua loa như nhường cơm cho con cháu Điều tôi tò mò nhất là họ ăn cơm với gìTrời hỡi, bao lần tôi đi qua là thấy họ ăn giống y chang như một chỉ toàn rau. Một rỗ lớn rau luộc một rỗ rau tươi, tô nước luộc rau làm canh bên chén nước mắm, chấm hết
Riết rồi thành thói quen , cứ đi ngang là tôi lại nhìn coi gia đình họ ăn gì, cũng chỉ toàn là rau với rau. Tôi không nhớ rõ đã bao giờ nhìn thấy họ được ăn thịt kho, cá chiên hay là trứng. Thật là thương hại cho mấy đứa nhỏ, nhất là bà già 60 ngồi rìa mâm cơm, ăn gì mà cứ ngậm đũa nhìn đâu đâu như ăn cho có lệ. Hèn gì cả nhà họ nhìn da dẻ cứ xanh mét như tàu lá chuối, rất là đáng thương tội nghiệp
Nhiều lần tôi được ban đời sống lớp chia thịt tiêu chuẩn đem về nhà là thịt nọng hay là toàn da với mỡ có dính xíu thịt, cứ đem thịt về Má́ tôi cười nói thịt này đem thắng lấy mỡ để chiên cá thôi con chứ không có nhiêu thịt để kho đâu. Vì vậy có lần Má nói mai mốt con hãy nhường thịt lại cho bạn nào nhà khó khăn. Rồi lần đó tôi đã quyết định lấy phần thịt tiêu chuẩn đến tặng gia đình anh sửa xe đạp. Cả nhà anh mừng lắm cứ cảm ơn rối rít, hết anh chị rồi bà già cứ nói mai mốt tôi có đạp xe ngang thì ghé nhà nghỉ chân uống nước chơi, xe đạp có hư gì thì đem tới để anh sửa miễn phí cho, rồi hôm nào gặp sẵn bữa trưa không về nhà cứ ghé nhà ăn chén cơm với gia đình cho vui
Tôi không nhớ rõ đã mấy lần treo miếng thịt trên ghi-đông xe đạp đến tiệm sửa xe tặng gia đình anh sửa xe đạp thì đã đến lúc phải rời xa mái trường. Và từ sau đó tôi cũng ít có dịp đi ban ngày trên đoạn đường 3 tháng 2 đơn điệu cảnh vật nhà cửa. Má biết chuyện tôi làm việc thiện rất vui nên đi đâu cũng kể người ta nghe để được khen là bà có thằng con trai học giỏi mà lại tốt bụng và biết nghĩ đến ai đang sống khổ hơn mình. Riêng tôi chỉ làm theo câu nói đã được dạy từ nền giáo dục xưa "Một miếng khi đói bằng cả gói khi no".
Lê Tuấn
15/7/2021

Thanked by 1 Member:

#231 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 25/07/2021 - 10:33

Trích đoạn một bài viết cũ, một thời tôi phải đau lòng chọn lựa...

DỊCH CHUỘT – DỊCH NGƯỜI
...
Ban Mê Thuột năm 1979, tôi là bác sĩ điều trị của khoa nhi bệnh viện tỉnh Daklak. Bệnh dịch hạch đang hoành hành.

Chúng tôi, ngoài tôi là bác sĩ, chị y sĩ làm chủ nhiệm khoa, sáu y tá và hai y công, có thêm hai bác sĩ ở trường Đại học Y Tây nguyên qua hợp tác vào mỗi buổi sáng (buổi chiều họ về giảng dạy tại trường), đầu tắt mặt tối suốt 10 giờ (qui định của tỉnh trong thời kỳ đặc biệt) cũng không xuể công việc. Chúng tôi kêu gọi chi viện nhưng bệnh viện trưởng cứ lắc đầu, tình hình các khoa phòng khác cũng chẳng khả quan gì.
...
Nhân lực thiếu đã đành, thuốc men lại càng thiếu hơn. Bản thân bác sĩ điều trị chính là tôi lại chưa có một hiểu biết và kinh nghiệm cụ thể về bệnh dịch hạch. Ở trường Y Huế, sinh viên chỉ được dạy qua lý thuyết, chưa hề thấy có bệnh này.

Chừng năm sáu chục bệnh đang nằm viện, chừng hai chục bệnh nhân chờ khám mỗi buổi, chúng tôi tả xung hữu đột, lực bất tòng tâm, mất phương hướng.
Đa phần các cháu sốt cao, trên 38 độ C, có chung một triệu chứng, viêm hạch ở bẹn (háng) hay nách. Hạch nhỏ nhưng bệnh nhi khóc thét lên khi bác sĩ thăm khám.

Viêm hạch ở nhiều trẻ cùng một lúc trong bối cảnh chuột chết hàng loạt khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng dịch hạch hoành hành. Tôi trình bày tình trạng chung cùng khả năng nhân lực, thuốc men của khoa để xin ý kiến của bệnh viện trưởng. Trước mắt, chúng tôi chỉ giải quyết các vấn đề cấp cứu, điều trị các triệu chứng, điều trị viêm nhiễm với thuốc kháng sinh(2).

Bệnh nhẹ điều trị Xuyên tâm liên (3), DVS (3), Sulfamit. Bệnh nặng hơn điều trị Tétracycline, Streptomycine, Chloramphénicol. Đó là những gì chúng tôi có, mà có rất hạn chế, đặc biệt các loại tây dược.

Tôi một mặt tìm đọc lại tài liệu căn bản mang theo khi rời trường Y, một mặt hút dịch ở các hạch viêm để tìm vi trùng. Quả như tôi nhận định: bệnh phẩm lấy từ hạch có vi trùng ăn màu lưỡng cực khi nhuộm Giemsa. Đối với tôi đây là vấn đề mới mẽ và có phần “lí thú”. Lần đầu tiên tôi đối mặt với căn bệnh mà nhà bác học người Pháp Alexander Yersin đã tìm ra vi trùng hơn một trăm năm trước (1894). Và đây cúng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con trực khuẩn Yersinia Pestis ăn màu lưỡng cực mà hồi còn là sinh viên tôi chỉ được thấy qua hình ảnh trên sách và bài học vi trùng của thầy Lê Bá Nhàn.

Tôi vừa sợ hãi, vừa “háu hức” trở lại “chiến trường” của mình với những kết quả ở phòng xét nghiệm.

Ban đầu bệnh chỉ xảy ra rải rác vài trường hợp ở các buôn làng người Ê Đê ở Krong Buk về sau lan dần đến các xã quanh thị trấn: Ea Kao, Ea Sup…Trẻ em Ê Đê, Chăm và Kinh đều bị.

Những ngày tiếp theo bệnh nhân nhập viện nhiều và nặng hơn. Một số em đã xuất hiện hoại tử khô(4) ở đầu ngón tay, đầu ngón chân, đầu mũi hoặc vành tai. Bệnh đã chuyển sang thể nhiễm trùng máu. Chỉ cần lấy máu đầu ngón tay nhuộm Giemsa là chúng tôi đã thấy có vi trùng.

Bệnh diễn biến rất nhanh. Có trường hợp tử vong sớm do choáng nhiễm trùng(5), có trường hợp kéo dài do hoại tử khô. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tử vong.

Ngày lại ngày, nhìn những đứa trẻ khóc la rên rỉ với những đám hoại tử đen xỉn, hôi thối, tôi rối bời, đau đớn. Có em rụng một hay hai lóng tay, có em rụng mất ngón chân, có em sứt vành tai, có em đầu mũi đã khuyết đi một phần để lại lỗ đen nham nhở. Có em nặng hơn, một phần mô mềm ở bả vai, đùi hay mông khô quắt, đen xạm. Chung quanh tôi chỉ thấy một màu đen. Vết thương hoại tử đen, áo quần của những bà mẹ, ông bố đen xì nhiều ngày không giặt. Những con gà quạ(6) con mổ vội úp lên bụng những đứa trẻ sốt cao máu me bê bết cũng màu đen…

Cái màu đen đó cùng với màu hồng của những đám vi trùng ăn màu thuốc nhuộm dưới kính hiển vi đã khiến tôi liên tưởng và quay quắt suy nghĩ về cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa diễn ra suốt bốn năm trên mọi miền của đất nước với hai cuộc chiến tranh khủng khiếp khó hiểu giữa những người c.... s.. đã một thời là đồng minh – liên minh – quốc tế – vô sản – tình nghĩa – tót vời – đỉnh cao – nhân loại.

Trước mắt tôi hiển hiện hai hình ảnh, hai màu sắc nghịch chọi. Những con vi trùng ăn màu lưỡng cực hào nhoáng trên lam máu xét nghiệm, và khoa nhi của chúng tôi với mấy căn phòng nham nhở màu gỉ xám với những con bệnh đen rên rỉ, khóc than đợi chết từng ngày. Và cả chúng tôi nữa, những người thầy tìm không ra thuốc, cũng là nạn nhân của trận dịch lớn đang tàn phá đất nước, hủy hoại con người.

Ôi! lý tưởng và hiện thực. Không phải hai mà là một.

Tôi đã rời phòng xét nghiệm sau khi vứt lam máu với những vi trùng ăn màu lưỡng cực, đẹp như một thảm hoa hồng vào hộp xử lý chất thải.
Trở lại với khoa nhi, với cuộc đời, với chính tôi. Tất cả đang nhuộm một màu đen.

Tôi muốn có thêm một ít thuốc đặc trị và giảm đau, nhưng những yêu cầu của tôi hình như đã bị thượng đế bỏ qua, vì tất cả đang dành cho cuộc chiến chống bành trướng Trung Quốc, cuộc chiến diệt chủng ở Campuchia và câu chuyện thần thoại mái nhà chung Đông Dương.

Buổi sáng thứ bảy cuối tuần, ngày mai là ngày nghỉ, tôi thận trọng thăm khám các bệnh nặng. Bé H’Zoan 8 tuổi, bàn chân phải sưng tấy, ngón chân út đã rụng, các ngón còn lại khô teo, đen xạm và chờ rụng. Nằm bên cạnh H’Zoan là đứa em trai 5 tuổi, Y’Bloc, đang rên rỉ vì cái hạch sưng đỏ ở bẹn.
Lúc tôi khám bệnh, H’Zoan quì gối trên giường, hai tay chắp trước ngực van xin:

– “Thưa bác, con không muốn tiêm thuốc nữa, thuốc tiêm đau quá, bác hãy dùng phần thuốc của con cho Y’Bloc, em nó cần hơn. Hôm qua con thấy em bé giường bên bị rụng ngón chân như con đã chết, chắc con cũng chết thôi. Bác hãy dành thuốc của con cho Y’Bloc, vì nó chưa bị thối tay chân. Con không muốn Bloc chết”.

Lời của H’ Zoan làm tôi xúc động, tôi nói với em:

– “Con yên tâm tiêm thuốc, bệnh viện có đủ thuốc cho cả hai”. Tôi nói, nhưng lòng thì rối bời. Thuốc ở đâu?

Thế rồi H’Zoan ra đi vào một chiều tháng 5, khi bệnh viện phát động phong trào học tập thi đua làm theo lời Bác.

H’Zoan ra đi, đứa em trai suốt ngày nằm úp mặt xuống giường đòi chị đút cơm. Không khí khoa phòng thêm nặng nề u ám, lòng tôi đau đớn, rối bời.

Lời đề nghị của H’Zoan làm tôi suy nghĩ. Giá như được điều trị ngay từ đầu bằng Streptomycin và Tétracycline có lẽ sẽ giảm đi tình trạng nhiếm trùng máu. Phát đồ điều trị của bệnh viện không dùng Tétracycline và Streptomycine ở thể viêm hạch vì ngại tác dụng phụ của thuốc lên sự tăng trưởng của trẻ nhỏ, một phần cũng do tây dược quá thiếu. Mặc khác nền y tế lúc này có khuynh hướng chung là muốn Đông – Tây y kết hợp. Do vậy Xuyên tâm liên và DVS vẫn phải dùng dù chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về hai loại thuốc Đông y này.

Nhưng xem ra Xuyên tâm liên và DVS kết hợp với sulfamite không còn tác dụng nữa rồi. Tình trạng dịch bệnh không cải thiện mà trầm trọng thêm. Tôi trao đổi với bác sĩ Thới, vị bác sĩ đã bàn giao nhiệm vụ điều trị tại khoa nhi cho tôi hai năm trước. Ông bị điều ra trạm chống lao theo mệnh lệnh của tỉnh ủy. Suốt hai năm qua ông trở lại khoa nhi mỗi sáng, mỗi chiều để đưa đón vợ làm tại khoa lây nhiễm. Đưa đón vợ là một nhiệm vụ, nhưng trở lại khoa nhi là trở lại với nhiệm vụ của người thấy thuốc mà ông nhận ra là mình đã bị tướt đoạt. Ở trạm chống lao, ông ngồi chơi xơi nước. Ông tranh thủ về sớm đến muộn để có nhiều thì giờ đứng ở hiên trao đổi, chia sẻ cùng tôi những khó khăn, bế tắt tôi đang đối mặt. Bác sĩ Thới cũng nghĩ như tôi. Tôi đem chuyện ra bàn với chị y sĩ trưởng khoa, ban đầu chị ngại làm trái phát đồ chung, nhưng sau khi tôi phân tích giải bày, chị đồng ý giải pháp của tôi.

Tôi quyết định thay đổi phát đồ, dùng Streptomycine và Tétracycline ngay từ đầu cho các bệnh nhân ở thể viêm hạch nhẹ, thay vì dùng Xuyên tâm liên, DVS, sulfamite và chấp nhận những tác dụng phụ nếu có.

Vấn đề mới đặt ra cho tôi là do thuốc quá thiếu, khoa dược chỉ cung cấp theo cơ số họ có. Tôi không có đủ thuốc cho tất cả các bệnh nhân. Tôi phải chọn lựa thuốc dành cho bệnh nào và phải cắt đi ở bệnh nào. Tôi bắt buộc phải cắt thuốc ở những trường hợp mà có thể nói là đã “vô phương cứu chữa”. Tôi không đủ tự tin để tự mình quyết định việc cắt thuốc các trường hợp này. Hội ý với hai bác sĩ trường Đại học Y Tây nguyên: Cao xuân Thanh Phương và Ngô Thị Nhân (khóa đàn em của tôi) là một lựa chọn của tôi.

Cả hai bác sĩ ở trường Y đã không đồng ý với tôi về việc cắt giảm thuốc ở một số trường hợp vì cho rằng: “còn nước còn tát”. Bản thân tôi cũng không muốn sự lựa chọn này nhưng không có cách nào hơn. Bác sĩ Thới lại khuyên tôi nên chon lựa như vậy may ra giảm được số tử vong về sau. Ông nói thêm:

– “Chúng ta chỉ biết đối phó trong phạm vi bốn bức tường của bệnh viện với những gì bệnh viện cung cấp. Ngoài kia diệt chuột, mua thêm thuốc là chuyện của người khác. Có muốn, chúng ta cũng không làm gì khác được. Buộc phải rời bỏ một số ít trường hợp để cứu nhiều trường hợp khác, đế sớm chấm dứt cơn dịch đen đang hoành hành. Đây là một chọn lựa quá đau đớn, nhưng không thể khác”. Bác sĩ Thới nói với nỗi thất vọng ê chề.

Bác sĩ Thu Sa, một bác sĩ ở trường Y Tây nguyên nhưng ở khoa nội người lớn, bạn học của tôi từ tiểu học đến trung học qua trường Y ủng hộ giải pháp của tôi. Sa bảo:

– “Vấn đề là chấm dứt trận dịch càng nhanh càng tốt, nếu không bệnh nặng không cứu được, bệnh nhẹ sẽ trở nên nặng, cuối cùng đều chết, dịch cứ lan tràn”.

Hai tuần sau khi thay đổi phát đồ, tỷ lệ tử vong vẫn cao và nhất là sau cái chết của bé Ma Cẩm Vân, một em bé người Chăm có đôi mắt nâu to, làm tôi suy sụp tinh thần. Em chết trong bệnh cảnh viêm màng não do vi trùng dịch hạch. Tôi phát hiện triệu chứng màng não của em chỉ trước khi em ra đi ba ngày. Sáng hôm đó em nằm li bì, không ăn được cháo, bà mẹ khai từ đêm qua em nôn ói nhiều. Tôi lấy dịch tủy sống(7) kiểm tra và đã tìm thấy vi trùng dịch hạch. Streptomycine và Tétracycline không qua được màng não, chloramphénicol không có tác dụng là bao. Em đã ra đi.

Bé Ma Cẩm Vân không còn nữa, nhưng mỗi lần đi qua giường số 8 nơi em từng nằm, tôi vẫn nghe văng vẳng giọng đọc nửa trong nửa đục của em:

“ Bố tan ca đêm.
Mẹ vào ca sáng.
Bố về trong nắng.
Áo thơm mùi dầu.
Em ra đầu cầu.
Dang tay đón bố”.

Bài thơ mới nghe qua lần đầu tôi cảm thấy vui. Nghe lần thứ hai tôi thấy buồn. Nghe lần thứ ba tôi thấy đau. Nhớ lại tôi muốn khóc.

Bài thơ tả cảnh sinh hoạt của hai vợ chồng công nhân trẻ, có đứa con đến trường mẫu giáo. Cái gia đình ấy không có nhà, cha con vợ chồng gặp nhau ở đầu cầu. Trời nắng áo thơm chỉ là lời bẻo mép của đứa văn nô. Ma Cẩm Vân và những bệnh nhân nhỏ bé tội nghiệp của tôi chỉ có đói khát, bệnh tật với những cơn sốt ba mươi chín, bốn mươi độ C, những cơn đau khủng khiếp thiếu thuốc men và chết chóc.
Lòng tôi chùng lại và tinh thần tôi suy sụp sau cái chết của Ma Cẩm Vân.
Để động viên tôi, bác sĩ Thới thường bảo:

– “ Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”.

Chị Bê vợ ông cũng luôn bảo:

– “ Cố gắng lên em nhé”

Tôi nhìn thấy nơi hai người đó một sự chịu đựng gan lì.
Cũng để động viên tôi bác sĩ Thu Sa(8) lúc bấy giờ đang là bác sĩ điều trị ở khoa nội đã nói đùa với tôi:

– “Thoa ơi! Thoa có biết: – Cái vấn đề của vấn đề là cái vấn đề… không biết cái vấn đề nào cơ bản và cũng không biết cái vấn đề nào là phải tiên quyết…” Sa lặp lại lời của một giảng viên trong một buổi học tập chính trị và đưa ra lời bình luận với những ngôn từ của y.

May mắn cho chúng tôi và cũng có lẽ do dùng thuốc mạnh ngay từ đầu khi bệnh còn ở thể viêm hạch nhẹ, vào đầu tháng mười tình hình bệnh dịch ở khoa nhi bắt đầu khả quan. Tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm, số bệnh vào viện cũng giảm đi đáng kể.
Cơn dịch tạm lui, nhưng theo kinh nghiệm của bác sĩ Thới, nó chỉ tạm lui, sẽ tái phát vào tháng ba năm sau nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt. Chu kỳ của dịch bệnh là hai năm.

Tôi gặp lại bác sĩ Cao xuân Thanh Phương và Ngô thị Nhân trước tết âm lịch tại khu nhà tập thể của đại học Y Tây nguyên trong một buổi chiều mây vần vũ. Phương và Nhân chuẩn bị rời Tây nguyên để về Đồng Nai.

Chúng tôi ngồi ôn lại câu chuyện dịch hạch. Cả ba đều buồn và nhớ đến những bệnh nhân mà mình đã đành thôi “tát nước”.
Nghĩ rất nhiều đến những em bé đã qua cơn dịch nhưng không biết rồi sẽ ra sao. Không hiểu Phương nghĩ gì khi nói với tôi:

– “Nếu phải chọn lựa cái sống tật nguyền và cái chết đau đớn, em sẽ chọn cái chết đau đớn”.

Buổi chiều hôm đó tôi đã ngồi lại rất lâu nghe Phương đánh đàn ghita và hát khúc Paloma trên cái nhà sàn ọp ẹp khi ngoài trời gió thét rồi mưa tuông. (Tôi viết mấy dòng ký ức này khi Phương đã ra đi. Có lẽ Phương đã chọn cái chết đau đớn, để khỏi phải sống tật nguyền).

Đầu năm 1980 tôi rời Ban Mê Thuột do bản thân suy kiệt trầm trọng, chồng bị bệnh nặng, chúng tôi không còn đủ sức để đương đầu ở nơi đây. Rời Ban Mê Thuột lòng tôi băn khoăn, giằng xé. Chẳng hiểu những em bé sống sót sau trận dịch rồi sẽ ra sao, và bệnh dịch có tái phát như lời của bác sĩ Thới hay không? Tôi mang tâm trạng của người thầy không tìm được thuốc, bất lực, chạy trốn khỏi cái nơi mình đã chọn. từ đầu.

Ghi chú

(1) Xuyên tâm liên là thuốc Đông y làm từ lá cây Xuyên tâm liên, DVS: thuốc đông y có tính kháng viêm làm từ các cây Sâm Đại Hành, lá Vằng, Sài Đất
(2) Kháng sinh: antibotique, trong Nam trước 1975 gọi là trụ sinh.
(3) Hoại tử khô: gangrène sec
(4) Choáng nhiễm trùng: shock septique
(5) Người Ê Đê cũng nhu người kinh hay làm khi trẻ bị sốt cao là lấy con gà quạ con (gà đen) mổ đôi và úp lên bụng đứa trẻ đến khi con gà hết nóng. Họ cho rằng gà đen sẽ hút bớt chất độc trong người đứa trẻ.
(6) Lấy dịch tủy sống: ponction lombaire. Từ hay dùng hiện tại là chọc tủy sống.
(7) Bác sĩ Phạm thị Thu Sa ở trường Y Tây nguyên đã làm một tổng kết về trận dịch này. BS Sa ghi nhận các thế của dịch là thể viêm hạch và thể nhiễm trùng máu.
(8) Ghi chú thêm: Ỏ bệnh viện Đa khoa Daklak lúc bây giờ có đủ bốn khoa chính là Nội, Ngoại, Sản, Nhi cùng các khoa lẻ khác là Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Lây (trước 1975 trong Nam gọi là khoa truyền nhiễm). Khoa lây điều trị các bệnh lây ở người lớn và một số bệnh lây trực tiếp như lao, sởi, thủy đậu, ho gà, uốn ván ở trẻ em… còn những bệnh lây gián tiếp qua vật trung gian (sốt xuất huyết, dịch hạch…) điều trị tại khoa nhi. Ngoài ra những bệnh lây nặng như viêm màng não mũ, viêm não được điều trị tại khoa nhi.

Những bông hoa tặng các bé ra đi ngày nào.
Nguyễn thị Kim Thoa

Thanked by 1 Member:

#232 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 01/09/2021 - 12:28

“TÀN DƯ TƯ BẢN “
(Trích tự truyện “Nơi làng quê heo hút” )

Sau sự kiện Tháng Tư, 1975, tôi rời đất Bắc vào kiếm sống ở miền Nam ( Sài Gòn, Vĩnh Long).
Ở vùng đất mới này, có thời gian, tôi giống như một người nội trợ.
Đôi khi, tôi cảm thấy thú vị từ công việc chợ búa, mua bán này. Vì ở môi trường ấy, tôi biết thêm được nhiều thứ, về một xã hội tư bản cách đó chưa lâu , mà tôi chỉ biết qua sách báo xã hội chủ nghĩa miền Bắc từng mô tả..
Cái “văn hóa mua bán” của người miền Nam, khác người miền Bắc rất xa .
Sau năm 1975, ở miền Nam, tuy xã hội chủ nghĩa đã thay thế , nhưng “tàn dư chủ nghĩa tư bản”* vẫn còn “rơi rớt lại” rất nhiều.
Câu nói: “Thuận mua vừa bán”, luôn thể hiện rất rõ . Người bán không nói thách quá, hay hét giá , để rồi người mua phải cò kè bớt một thêm hai .
Hồi đầu, lúc mua cái gì đó ở chợ, ở tiệm, tôi cũng thường bắt chước người miền Bắc, mặc cả (trả giá). Nhưng đều được người bán nhẹ nhàng trả lời : “Giá nhứt định”.Có người còn giải thích thêm là, giá mua vào bao nhiêu, chỉ lời được bao nhiêu, và mong khách hàng hiểu cho. Nghe rất sòng phẳng, thỏa đáng, dễ chấp nhận.
Những tiểu thương buôn bán ở chợ, không hề trương lên những khẩu hiệu như là : “Vui lòng khách đến , vừa lòng khách đi”; hoặc: “Khách hàng là thượng đế” như trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước sau này.
Nhưng họ luôn tìm cách làm hài lòng người mua.
Họ có vẻ rất hiểu về nguyên lý “cộng sinh” của vạn vật trên thế giới này. Nghĩa là “dựa vào nhau mà sống, đôi bên đều có lợi”.
Tôi còn nhớ, chỉ mới vài lần ra chợ mua đồ ăn thức uống, rau củ quả, mà những lần sau, tôi vừa xuất hiện, thì người bán hàng đã vồn vã, như là quen biết từ lâu rồi.
Những câu chào hỏi kiểu như là:
- “Hôm nay ‘cưng’ lấy mấy kí ( kilogam , kg, cân)?” Hoặc:
- “Lấy một chục như hôm qua hen ?” Hoặc:
- “ Cân loại chiên (rán) rồi , đặng về khỏi chiên nghe ! v.v..
Miệng họ vừa nói, tai vừa nghe , tay thì thoăn thoắt chọn lựa, cân, đong, đếm , bỏ vào bịch (túi) ni lông, buộc lại gọn gàng, đưa cho người mua , rồi tính tiền. ( khách đi rồi, còn dặn với theo : Hôm sau nhớ ghé ủng hộ nghe !)
Đôi khi người bán tự ý cho người mua, thêm một thứ gì đó , làm cho người mua cảm thấy vui. Chẳng hạn, mua bó rau thì cho thêm trái ớt , hay cọng hành, cọng ngò v.v..
Có lần, tôi ghé hàng trái cây, nói là tôi mua một chục trái vú sữa ( loại trái cây tôi thấy lần đầu), Chị bán hàng tay thoăn thoắt lựa mười hai trái, bỏ vào bịch đưa cho tôi. Tôi nhắc chị đếm lộn rồi, dư hai trái. Chị nhìn tôi cười vẻ trìu mến và "thương hại", rồi nói ,không lộn đâu, "chục" của người Nam đó chú ạ. Chị còn nói, nếu chú đi về miền Tây như Vĩnh long, Cần Thơ ... , thì "chục" là mười bốn hoặc mười sáu. Còn về miệt vườn thì chục không biết là bao nhiêu ! Chị lại cười. Còn tôi thì tròn xoe mắt vì thấy lạ !
Chính những câu hỏi thân thiên , những câu chuyện cởi mở, những hành vi đẹp trong buôn bán ấy của người bán hàng, đã giúp kéo người mua lại gần, tạo tinh thần hợp tác.
Đồng thời ngầm ý khẳng định cuộc giao dịch, mua bán, nhất định phải được xảy ra !

Tôi nghĩ, thì ra xã hội theo “cơ chế thị trường của tư bản” không phải mọi thứ đều xấu, như tôi từng được giáo dục trước đó.(mà dường như trái ngược).

Khi sống ở miền Bắc, vào những năm đầu thập niên bảy mươi, hàng tháng tôi phải đến các cửa hàng quốc doanh của nhà nước, xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dầu hỏa v.v..
Việc mua bán, vào thời kỳ mà người ta quen gọi là “quan liêu bao cấp” ấy, diễn ra thật đáng khiếp sợ:
Cảnh chen lấn, tranh giành, ẩu đả, chửi bới nhau, xảy ra thường xuyên.
Khách hàng giống như một đám ăn mày đói khát, chầu chực để được phát chẩn bần, hoặc được bố thí..
Phiếu mua thịt (dùng để mua thịt), nhưng người bán đưa cho da hoăc xương ; mua gạo nhưng đưa cho ngô ( bắp) hoặc sắn (khoai mì) cũng phải chịu, nếu như không “móc ngoặc”* được với nhân viên bán hàng.
Những người “mậu dịch viên” ấy mới thật sự là thượng đế. Họ muốn quát mắng ai cũng được. Dù khách hàng là những người đáng tuổi cha mẹ ông bà của họ!
Vì miếng ăn mà phải nhẫn nhịn cho qua. Người mua không hề có lựa chọn. Những nơi như thế là đất sống của “giai cấp” lưu manh, bọn móc túi, bọn “phe phẩy” *

Vì thế , thời kỳ đầu mới sống ở miền Nam, tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Không riêng tôi, mà bất kỳ ai đã từng sống ở miền Bắc XHCN, rồi vào Nam thì đều có cảm giác như vậy
Kể cả những trí thức từng du học ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu về cũng thế...

Có mấy em sinh viên lớp ngữ văn Đại học Cần Thơ, đã kể lại cho tôi nghe, câu chuyện về một “giáo sư thỉnh giảng” từ Hà Nội vào, nghe thật thương cảm .


Câu chuyện thế này: Thầy Nguyễn Xuân Khu, vốn là người từng du học Liên Xô, trở về làm giáo sư ngôn ngữ học, ở một trường đại học danh tiếng Hà Nội.
Sau năm 1975, chưa lâu, có lần thầy Khu được thỉnh giảng chuyên đề “phương pháp dạy ngôn ngữ” ở khoa ngữ văn Đại học Cần Thơ.
Thầy được bố trí ở trong một căn phòng, khu tập thể giảng viên. Suốt hơn một tháng trời, ngoài giờ giảng bài trên lớp, thầy chỉ đóng cửa lại ngồi trong phòng, không đi đâu cả.
Nhiều hôm sinh viên đến mời thầy đi uống cà phê , giao lưu cho khuây khỏa, vì sợ thầy xa gia đình nên buồn. Nhưng thầy đều từ chối. Sinh viên nghĩ rằng, các thầy ngoài Bắc vào hay giữ thể diện, ngại tiếp xúc với sinh viên, nên mới như thế!
Không ngờ, những ngày cuối, sắp kết thúc chuyên đề của thầy, các cô cậu sinh viên miền Nam mới hiểu được sự tình, khá bất ngờ.
Thì ra, thầy chỉ có một bộ quần áo mặc khi lên lớp, hoặc đi ra ngoài. Cho nên, hôm nào nghỉ ở nhà , thì cởi ra giặt, chờ nó khô, vì vậy không thể đi đâu được.
Thầy nói ở ngoài đó (miền Bắc), giáo sư như thầy, được cấp phiếu mua năm mét vải, để mặc trong một năm.
Cho nên, các thầy cô giáo ngoài miền Bắc mặc quần áo vá lên lớp, là chuyện bình thường! ( Đợt này thầy không đem theo mấy bộ quần áo vá mà thầy thường mặc, vì sợ “mang tiếng” !)

Thầy còn kể, khi biết thầy sắp đi giảng trong miền Nam, vợ thầy dặn , lúc về nhớ mua vài cân (kg) đường, vài ba hộp sữa cho con. Vì nghe nói, trong Nam giá đường sữa rẻ, và hiện bán tự do , không cần tem phiếu.
Một hôm thầy ghé chợ Cần Thơ, đảo qua các hàng bán đường sữa, và thực phẩm chế biến, xem thử. Thầy đã bị choáng, trước cảnh tượng buôn bán tấp nập, và “hoành tráng” ở đấy.
Chỉ mới nhìn hàng mẫu thôi , thầy Khu đã thấy ngây ngất.! Cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước ở ngoài Bắc, cũng chẳng được như thế.
Có đến hàng mấy chục loại đường khác nhau. Mỗi loại đựng trong một cái thau bự chảng, đổ vun đầy lên, thành hình ngọn núi, trên “đỉnh núi” cắm một bảng tên loại và giá cả, để khách hàng tiện lựa chọn.
Sữa hộp cũng đủ các loại, được chồng lên thành những “tòa tháp”, giá cả rõ ràng, khách hàng tùy ý chọn mua.
Lần đó thầy lúng túng chẳng biết mua gì.
Chuyện đi chợ mua quà bất thành ấy của thầy, không biết sao, đã lọt vào mắt đám sinh viên mấy lớp thầy đang dạy. Nên họ đã bảo nhau nhanh chóng tổ chức liên hoan trước thời hạn để tiễn thầy.

Hôm ấy, lớp trưởng và một số bạn đại diện, khệ nệ mang quà đến, chất đầy cả bàn viết trong phòng thầy. Mươi ký đường cát trắng, dăm ký đường thốt nốt( Một đặc sản của người Khmer Nam Bộ, lấy từ tinh chất của hoa cây thốt nốt); mươi hộp sữa; một giỏ trái măng cụt (loại trái cây đắt tiền ,chỉ có ở miền Nam ) . một túi ni lông đựng sáu xấp vải, đủ may ba bộ đồ tây; cùng với một số cà vạt, và dây nịt ( thắt lưng) v.v..
Lớp trưởng và các thành viên khoanh tay, đứng phía bên này bàn, đối diện thầy, kính cẩn nói lời cảm ơn công lao giảng dạy của thầy trong thời gian qua..
Rồi thuyết minh giới thiệu những món quà “của ít lòng nhiều”, mong được thầy nhận cho.
Thầy cũng đứng dậy đáp lễ, vẻ đầy xúc động. Có vài âm thanh nhỏ, đứt đoạn, từ trong cổ họng thầy thốt ra :
- “Tôi….tôi….tôi…”
Rồi không nghe thầy nói gì nữa !
Mắt thầy rơm rớm !.
Có thể, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm giáo chức của mình, thầy cảm nhận được lòng quý trọng, và sự quan tâm rất cụ thể.
Cũng rất có thể , thầy bỗng nhớ đến những đứa học trò thân yêu của thầy ở ngoài Bắc, mà lòng thấy xót xa !
Chúng còn đói rách, thiếu thốn hơn thầy nhiều, nên dù muốn có chút quà để bày tỏ lòng thành kính đối với thầy, thì cũng không thể làm được ! ( Phú quý sinh lễ nghĩa mà. Nghèo khổ quá đành thất lễ thôi ! )

Câu chuyện về giáo sư Khu, làm tôi nhớ đến một người rất nổi tiếng, cũng gặp tình huống tương tự. Đó là tác giả bài quốc ca Việt Nam và nhiều nhạc phẩm trữ tình bất hủ khác.
Bạn tôi kể lại, về nhạc sĩ Văn Cao, lần đó , thế này:
Vì nổi tiếng, cho nên sau năm 1975, có lần ông được người phụ trách câu lạc bộ một nhà văn hóa ở Sài Gòn, mời đến giao lưu, nhân dịp ông vào thăm người bà con trong Nam .
Cụ thế là ông đến an tọa trên sân khấu, để người ta mua vé, vào chiêm ngưỡng cái dung nhan vô cùng khắc khổ của ông.
Thỉnh thoảng, ông cũng phải trả lời những câu hỏi của những người tò mò. Đại loại như:
- “Thưa bác, bác đã sáng tác bài ‘Tiến Quân Ca’ lúc bác bao nhiêu tuổi ạ ?” Hoặc:
-” Trong bài hát có câu ‘ Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước’. Máu đó, là bác muốn nói đến máu của ai ạ ? v.v..
Nghe nói , chẳng những Văn Cao có công lớn , làm ra bài quốc ca, mà ông còn trực tiếp cầm súng lục đi ám sát, thủ tiêu kẻ bị nghi là Việt gian phản bội, trong đội ngũ cách mạng, theo lệnh của lãnh đạo c.... s.. nữa.
Tuy có công lớn; nhưng rồi ông bị xem như đã từng dính líu đến vụ án “Nhân văn-Giai phẩm chống đảng”, nên dường như không bao giờ được tiếp xúc với công chúng.
Lần này, cuối buổi giao lưu, cả hội trường đứng dậy, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Các cô gái mặc áo dài, ôm hoa đến tặng. Người tổ chức nói lời cảm ơn chân thành, và gửi ông chiếc phong bì đựng tiền thù lao.
Ông đã sững người ra, và ... khóc!
Có lẽ đây là lần đầu tiên, người nhạc sĩ tài ba, đã cảm nhận được sự tôn vinh thật lòng, và cụ thể của đám đông công chúng !

Thì ra, “tàn dư tư bản” còn hàm nghĩa tốt, chứ không phải chỉ là nghĩa xấu, như tôi từng được học trong các giờ chính trị !

P/S.
-”Móc ngoặc” : Cách giao dịch lén lút , vụng trộm, đi đêm với nhau của kẻ có quyền thời đó.
- “Phe phẩy”: buôn gian bán lậu, cách kiếm sống của đám người thất nghiệp ở thành thị ,rất đông đúc thời ấy.
- “Tàn dư tư bản “: những thứ xấu xa do xã hội tư bản để lại (cách nói của người cs cầm quyền).
Lê Đình Khẩn

Thanked by 1 Member:

#233 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 01/09/2021 - 16:39

Lời hứa của người lính Mỹ và cậu bé VN. (báo Tuổi Trẻ)
Phil Seymour là một Trung Sĩ thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ. Anh qua Việt Nam vào tháng 12 năm 1966. Đơn vị của anh đóng quân tại một hòn đảo nhỏ (Cù Lao Chàm) gần Hội An. Họ thường vào chơi nơi phố thị này. Khi đi chơi, anh luôn mang theo chú chó cưng được gài sau ba lô, tên chú chó này là Boot. Mỗi khi từ đảo vào đất liền, các anh lính GI này thường được một đám con nít đứng đón để xin kẹo, bánh, đồ hộp và cả thuốc lá.

Thường thì các anh lính trẻ này phân phát đầy đủ cho đám trẻ. Trong đám trẻ có một cậu bé tên Cam (có thể là Cầm hay Cẩm) luôn mặc bộ đồ ngủ màu xanh, đi chân đất. Cam không nhao nhao như đám con nít chung quanh mà luôn luôn đứng ở phía sau để chờ đợi tới lượt mình.

Lúc đó Cam chỉ khoảng 9 tuổi. Có lần em mang một trái chuối tặng cho Phil, Phil rất cảm động. Anh hỏi Cam thích gì anh sẽ mua cho, cậu bé chỉ vào chiếc đồng hồ Phil đeo trên tay, anh hứa có dịp sẽ mua tặng Cam.
Nhưng đời lính chẳng biết mai này sẽ ra sao? Đơn vị của Phil phải rời Hội An ra vùng phi quân sự ngay sau đó. Đầu năm 1968, Phil được trở về Mỹ. Về nhà, anh vẫn khó chịu vì không thực hiện được lời hứa với cậu bé nghèo ở VN. Lời hứa vẫn canh cánh bên lòng trong khi anh nghĩ chắc tới chết cũng không thực hiện được.
Anh tại ngũ thêm 27 năm. Chịu khó học lấy được bằng Master về luật, Phil trở thành luật sư của bộ Quốc Phòng. Năm 1995 ông nghỉ hưu.

Ông thường cùng một nhóm bạn đi du lịch khắp nơi. Năm 2007, nhóm du lịch này dự tính tham gia một tour tới vùng Đông Nam Á, có ghé Hội An. Vợ ông, bà Lynne, thúc giục ông phải tham dự chuyến này để trở lại Hội An, tìm gặp Cam để thực hiện lời hứa từ 40 năm trước. Phil đồng ý tuy trong thâm tâm ông nghĩ chuyện tìm lại Cam như chuyện mò kim đáy biển. Tuy vậy, ông vẫn mua sẵn một chiếc đồng hồ để mang theo trong chuyến đi.

Ông tới Hà Nội trước và mấy ngày sau vô Hội An, hướng dẫn viên của đoàn du lịch là một người Hà Nội nhưng quen biết nhiều người ở Hội An. Anh chàng này hứa sẽ liên lạc tìm Cam giùm ông. May là ông Phil còn giữ và mang theo trong người được mấy tấm hình chụp với Cam ngày xưa.

Anh hướng dẫn viên cầm tấm hình đi hỏi thăm. Anh gần như trúng số khi gặp được một người em của Cam. Chỉ cần một cú điện thoại, Cam chạy vội tới khách sạn. Lúc này Cam không còn là một đứa trẻ 9 tuổi mà là một bác thợ mộc 49 tuổi, tên thật là Lê Đình Cẩm. Anh hướng dẫn viên hỏi anh Cẩm có biết ông Mỹ này không. Anh nhận ra Phil liền. “Ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng.”

Gặp lại nhau ông Phil rất vui mừng, ông nói vì lời hứa năm xưa nên ông quyết tâm đi tìm gặp lại anh, và ông tự tay đeo chiếc đồng hồ cho anh Cẩm, cả hai người cảm động đến rơi nước mắt. Hôm sau, anh Cẩm mời vợ chồng ông Phil và anh hướng dẫn viên tới nhà dùng cơm. Bữa ăn do vợ của anh Cẩm và con gái 28 tuổi tên Vy nấu nướng. Được hỏi về ước muốn của Vy, cô chỉ ước được học Đại học như bốn người anh em trai. Vì lúc trước GĐ khổ quá nên Vy không được học hành như các anh em của mình.
Vợ chồng Phil không ngần ngại chu cấp cho Vy vào Sài Gòn học Đại học. Cô đã đậu bằng Cử nhân vào năm 2012.

Quá vui mừng, 5 năm sau vợ chồng ông Phil đã qua VN dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng mua vé máy bay cho vợ chồng anh Cẩm vào Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp của con gái. Đó cũng là lần đầu tiên vợ chồng Cẩm được đi máy bay.
Hiện Vy đang làm việc tại Sài Gòn và thường điện thoại liên lạc với vợ chồng ông Phil.
Vậy là lời hứa của ông Phil một cựu binh Mỹ đối với cậu bé 9 tuổi ở VN ngày nào đã thực hiện xong. Lòng ông cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản như vừa trả xong một món nợ nghĩa tình của 40 năm trước.
Như ai đó đã nói:” Một lời từ chối nhã nhặn vẫn tốt hơn gấp nhiều lần so với lời hứa hoa mỹ để rồi lại thất hứa”.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 1 Member:

#234 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 03/09/2021 - 16:56

MỐI TÌNH ĐẦU
Công Dũng Trương
Tôi theo mẹ từ miền Nam vượt tuyến ra miền Bắc giống như rơi từ thiên đường xuống địa ngục. Hơn một năm đầu mẹ tôi không có việc làm, sau đó mới được học dược tá ở Hà Nội rồi về Hưng Yên công tác. Tiền mà mẹ tôi đem theo từ miền Nam chỉ đủ sống trong hai năm rồi dựa vào lương 36 đồng/tháng của mẹ tôi. Tôi không được nhà nước nuôi như tất cả các "học sinh miền Nam trên đất Bắc" khác.

Nhưng đó chỉ là về vật chất. Đời sống tinh thần nặng nề hơn. Trong khi nhà nước nghi kỵ và bạc đãi mẹ con tôi thì bất kỳ người miền Bắc nào khi nghe tôi nói giọng Nam cũng đều có ác cảm ngay, bởi vì bất cứ ai cũng đều từng nghe tiếng quậy phá đáng sợ của đám kiêu binh "học sinh miền Nam" con cưng của chế độ. Tuy vậy tôi vẫn giữ giọng của mình cho đến ngày trở về miền Nam, không nói lai hay nói rặc giọng Bắc như hầu hết những người đã từng sống nhiều năm trên đất Bắc.

Năm học lớp 5 tôi có một bạn nữ tính tình hiền lành, tên Hồng Nga. Tôi thường đến nhà bạn ấy chơi. Một buổi tối ở nhà bạn ấy tôi nghe mấy người lớn trong buồng nói chuyện với nhau: "Thằng này là người miền Nam. Mấy ông mấy bà cán bộ miền Nam ghê lắm. Đừng cho nó chơi với con nhà mình". Rồi họ đuổi tôi về. Tôi ra về. Ngoài đường không có đèn, trời tối đen như mực. Tôi bước đi trong nỗi tủi nhục đến tận cùng. Bạn Hồng Nga đến bây giờ vẫn là bạn tốt và vẫn giữ liên lạc với tôi. Trước khi nghỉ hưu bạn ấy là bác sĩ Viện phó Viện Mắt Trung ương.

Tôi có nhiều bạn nhưng không thể chia sẻ với họ tâm tư của mình. Những người bạn của tôi không biết rằng tôi đã từng được sống trong một thế giới văn minh mà không ai có thể hình dung ra được. Nhưng chính vì thế mà các suy nghĩ của tôi không giống với họ. Tôi hoàn toàn cô đơn.

Năm tôi học lớp 9 nhà nước có chủ trương đưa học sinh đang nội trú trong các "trường học sinh miền Nam" mà có cha mẹ ở miền Bắc về ở với cha mẹ mình. Khai giảng năm ấy, trường cấp ba thị xã Hưng Yên nhận sáu học sinh thuộc diện này vào học. Có hai bạn nữ vào học lớp 9 nhưng khác lớp tôi. Một trong hai người dáng thon thả, khuôn mặt trái xoan, da trắng, tóc dài. Khác lớp nên giờ ra chơi tôi chỉ có thể nhìn thấy bạn ấy từ xa.

Một hôm bạn ấy đến chỗ tôi đang đứng trên sân trường và hỏi bằng giọng dịu dàng "bạn là người miền Nam phải không?". Sau mười năm sống ở miền Bắc đây là lần đầu tiên tôi mới được nghe một thiếu nữ nói giọng Nam. Cái giọng tròn trịa ngọt ngào của người miền Trung mà khi đó tôi không phân biệt là Trung hay Nam, vì ở miền Bắc thì bên kia vĩ tuyến 17 đều là miền Nam cả.

Chúng tôi trao đổi vài câu làm quen với nhau. Bạn ấy tên Tố, quê ở Quảng Ngãi. Tố mời tôi sáng chủ nhật, trùng vào ngày trung thu, đến nhà chơi. Tôi từ chối, nói hôm ấy bận làm việc nhà.

Thật ra thì tôi không hề bận việc gì. Chẳng qua là trước đó có một ông cán bộ miền Nam tên Hòe rủ tôi xuống nhà ông ấy ở huyện Tiên Lữ ăn liên hoan. Ông Hòe là bí thư huyện ủy. Ông từ lâu đã rất quý tôi. Tôi nhận lời đến nhà ông rồi thì không thể đến nhà Tố được. Tôi tiếc đứt ruột.

Sáng hôm trung thu tôi đạp xe xuống huyện Tiên Lữ, cách thị xã 12 km. Khi tôi đến thì trong nhà có ba bốn bác cán bộ miền Nam đang ngồi bên một mâm cơm khá thịnh soạn. Tất cả họ đều biết tôi vì từ nhiều năm trước đó tôi là đứa học sinh người miền Nam duy nhất ở tỉnh Hưng Yên này.

Tôi vừa chào hỏi và ngồi vào bàn thì ông Hòe nói ngay: "Hôm nay bác có một việc muốn nhờ cháu. Bác có một đứa con gái ở trường học sinh miền Nam nay chuyển về học ở đây. Bác gửi nó ở trong Ty Tài chính trên thị xã. Nó lần đầu học ở trường miền Bắc, lạ nước lạ cái. Mà nó học cũng không giỏi bằng cháu. Bác muốn cháu giúp đỡ cho nó học và làm quen với môi trường mới".

Rồi ông kêu con gái ông từ dưới bếp lên. Hóa ra là bạn Tố, người mà tôi từ chối không đến nhà chơi với lý do "bận việc". Tôi vừa mừng vừa ngượng, không nói được câu nào. Sau bữa ăn tôi và Tố đi dạo một lúc trong vườn, chỉ nói với nhau vài câu ngắn ngủn trong khi cả hai đều bối rối.

Mặc dù nhận lời giúp Tố học nhưng suốt cả nửa tháng sau đó tôi không đến nơi Tố ở. Bạn ấy ở phòng cuối của một dãy nhà làm việc. Chúng tôi đi học buổi sáng, nếu tôi đến buổi chiều thì phải đi ngang qua chỗ đông người đang làm việc, còn nếu đến buổi tối thì chỉ có một mình Tố ở dãy nhà ấy, càng không nên. Ở trường chúng tôi chỉ gặp nhau vài lần trong giờ ra chơi, chào nhau hoặc hỏi thăm nhau vài câu ngắn gọn.

Một hôm Tố nói với tôi "tối nay Trung qua nhà tôi nhé". Tôi hỏi "có việc gì vậy?". Tố nói: "Suốt tuần rồi thầy Cự tối nào cũng đến nhà tôi, tôi sợ lắm".

Thày Cự dạy sử là giáo viên chủ nhiệm lớp Tố, sống ở nhà tập thể giáo viên trong trường, cách nhà Tố gần năm cây số. Ban đêm đường tối đen vì không có đèn mà ông ấy cũng ráng đạp xe đến nhà học sinh nữ đang sống một mình thì không phải là bình thường rồi.

Tối hôm đó tôi đến sớm. Đang học với nhau thì thầy Cự đến. Thấy có tôi, ông ta không nói gì, ngồi lại một lúc rồi về. Cảnh đó diễn ra thêm hai buổi tiếp theo rồi ông ấy không đến nữa. Ông ấy không đến thì tôi cũng không đến. Ở trường ông Cự nhìn tôi bực bội ra mặt.

Khoảng một tuần sau, khi gặp nhau ở trường Tố làm mặt giận không nói chuyện với tôi rồi tránh gặp tôi. Tôi lo lắng, không biết lý do tại sao. Khi đó có một cô bạn học đang "mê" tôi và tung vài chuyện bịa về tôi. Tôi nghĩ có thể Tố giận tôi vì việc ấy. Tôi viết vào một mẩu giấy nhỏ "Tố đừng vì người khác mà ảnh hưởng đến tình bạn của chúng ta" rồi giờ ra chơi đưa cho một bạn ở lớp Tố, nhờ chuyển. Ông Cự đứng gần đó nhìn thấy. Khi tôi vừa quay về lớp mình thì ông ta tịch thu mẩu giấy, đem nộp cho thầy hiệu trưởng, nói rằng đang xảy ra chuyện yêu đương trong học sinh.

Thầy hiệu trưởng gọi tôi lên. Tôi kể cho thầy nghe mọi chuyện. Thầy hiểu, không trách tôi lời nào.

Vài ngày sau có bài kiểm tra môn sử. Tôi bị ông Cự chấm điểm 3. Tôi xin bài làm của một bạn được điểm 5, đem cùng với bài của tôi nộp cho thầy hiệu trưởng. Ông Cự bị Ban Giám hiệu phê bình. Không chỉ vậy. Trong giờ ra chơi hôm sau, tôi lễ phép thưa với ông Cự xin được nói chuyện riêng. Tôi và ông ta đến đứng ở góc sân trường. Tôi nhìn về phía các bạn đứng gần đó, miệng cười vui vẻ trong khi nói nhỏ với ông: "Ông mà đụng đến chúng tôi một lần nữa là tôi đấm ông đấy!". Qua tuần sau ông Cự xin đổi giáo viên, thôi không dạy sử lớp tôi. Năm sau ông chuyển sang trường khác.

Tôi đến nhà Tố, định hỏi Tố xem vừa rồi giận tôi vì việc gì nhưng khi gặp tôi thì Tố rất vui. Hai đứa lại nói chuyện với nhau thân mật như chưa hề có việc gì xảy ra. Sáng hôm sau ở trường, khi thấy tôi từ xa Tố cười rất tươi. Hình ảnh tuyệt đẹp của Tố buổi sáng hôm ấy vẫn còn đọng lại trong tôi cho đến bây giờ.

Sang học kỳ 2 có thêm cô bé học lớp 6, con một ông cán bộ của Ty Tài chính, đến ở chung phòng với Tố. Thế là không còn gì để tôi ngần ngại nữa. Tối nào tôi cũng qua nhà Tố học chung.

Để giúp Tố học, tôi phải học giỏi hơn hẳn bạn ấy. Trong lớp tôi chú ý nghe giảng đến độ về nhà khỏi phải học bài. Sau này có lần anh Cao Xuân Hạo kể với tôi: "Sở dĩ tôi giỏi tiếng Pháp là vì hồi trẻ tôi có yêu một cô đầm nhỏ. Phải giỏi tiếng Pháp mới nói chuyện với cô ấy được". Nghe anh Hạo kể, tôi nghĩ mình có phần giống với anh ấy.

Chưa bao giờ tôi hạnh phúc như thời gian đó. Tối nào tôi và Tố cũng ngồi đối diện nhau bên một cái bàn nhỏ để học và làm bài. Có những lúc chúng tôi nhìn nhau rất lâu mà không ai nói với ai một lời. Tôi thỏa sức ngắm nhìn khuôn mặt thon thả xinh đẹp, làn da mặt trắng mịn với vài vết nám nhẹ trên gò má, đôi mắt đen sâu thẳm và đôi môi hồng trên khuôn miệng cười tươi thân ái.

Rồi một hôm khi tôi về thì Tố tiễn tôi ra đến ngoài đường. Tố hỏi tôi "Trung có nghe người ta đồn về chúng mình không?". Tôi trả lời thành thật "mình là bạn với nhau thì sao người ta lại đồn điều gì?". Tố đặt tay lên tay tôi đang để trên tay lái xe đạp "nhưng không có lửa thì sao lại có khói". Tim tôi đập mạnh. Lần đầu tiên trong đời có một người con gái đặt tay lên tay mình và nói về tình yêu. Cả người tôi rạo rực như có một luồng điện kỳ lạ chạy qua. Tôi không thể thốt nên lời. Cả đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được.

Hôm sau đúng vào kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Tôi làm bài thơ "Tố Như" dán lên báo tường của lớp. Không ai phát hiện ra rằng nếu ghép chữ đầu của mỗi câu lại thì sẽ có thông điệp của tình yêu:

Tố Như sống cách đây hai thế kỷ
Là một người mà nhân dân yêu quý
Người đi đầu trong lĩnh vực văn thơ
Yêu quý ông, quần chúng vẫn tôn thờ
Người thấy được đời bơ vơ bất hạnh
Thương nhớ vô cùng ngàn đời cái cảnh
Của cuộc đời, hình ảnh đau thương
Tôi luyện trong oan khổ bến Tiền Đường.

Tất nhiên là tôi chép một bản khác bằng chữ viết thật đẹp để tặng cho Tố mà không nói gì. Gặp lại sau hơn bốn mươi năm, tôi viết:

Sao nỗi lòng anh tỏ cùng em
Lại ghép bằng tên nhà thơ
Và chuyện tình bi thương dang dở
Bơ vơ lạc một kiếp người.

Tôi thương yêu Tố vô cùng. Nhưng tình yêu trong tôi luôn là ý muốn che chở bảo bọc cho người mình yêu chứ không phải để hưởng thụ khoái lạc. Chính vì thế tôi rất có ý thức về hoàn cảnh của mình. Tôi biết lý lịch gia đình của mình dưới chế độ c.... s.. thuộc vào loại xấu nhất miền Bắc trong khi Tố là con của một ông bí thư huyện ủy. Tôi đã từng bị c.... s.. bắt ở lại lớp và bị dọa đuổi học để gây sức ép buộc mẹ tôi phải ly hôn vắng mặt với cha tôi, một trí thức Việt Nam đang sống ở Pháp. c.... s.. dạy mọi người, nhất là học sinh phải phân biệt giai cấp và đấu tranh giai cấp nên tôi rất có ý thức về việc này. Từ những năm đó tôi đã hiểu ý nghĩa của câu "giai cấp vô sản sử dụng bạo lực để tước đoạt và phân phối lại" chính là "những tên lưu manh vô học cướp của giết người, cướp bóc và chia chác" nên tôi không bao giờ chấp nhận các lý tưởng c.... s.., không bao giờ chấp nhận "phấn đấu" để gia nhập đảng c.... s... Tố đương nhiên sẽ trở thành đảng viên c.... s.. để đi theo con đường của cha mình còn tôi thì đi ngược lại. Tương lai như vậy thì làm sao chúng tôi có thể chung sống với nhau.

Điều tôi suy nghĩ quả không sai. Chỉ vài ngày trước khi kết thúc năm học lớp 9, hai ông cán bộ miền Nam mà tôi đã gặp trong ngày trung thu ở Tiên Lữ đến tìm tôi. Họ nói thẳng với tôi rằng cha của Tố không muốn tôi quan hệ với con gái của ông ấy nữa. Họ khuyên tôi đừng làm điều gì ảnh hưởng đến tương lai của con ông bí thư huyện ủy khi mà Tố sẽ được đi học ở Liên Xô còn tôi thì chưa chắc gì đã được vào đại học trong nước. Tôi chỉ im lặng.

Tôi biết mình không thể chống lại sự ngăn cấm để bảo vệ tình yêu của mình. Đây không phải là sự tranh chấp với chỉ một người như với ông Cự trước đây. Đây cũng không phải là sự ngăn cấm đến từ hai gia đình như Roméo và Juliette. Đây là sự cấm đoán khắc nghiệt của cả một chính quyền, của cả một chế độ tàn ác. Tôi không lạ gì các phương pháp của chế độ c.... s.. ấy.

Suốt ba tháng hè Tố về huyện Tiên Lữ sống với cha, chúng tôi không gặp nhau. Rồi chín tháng của năm học lớp 10 trôi qua, chúng tôi tránh mặt nhau và không hề nói với nhau một lời. Đầu óc tôi giá lạnh trong khi trái tim đau đớn đến cùng cực. Tôi cố lãng quên bằng cách vùi đầu vào học và đọc sách. Tôi bắt đầu hình thành ý thức đối phó với c.... s.. bằng cách thu thập thật nhiều kiến thức cho mình.

Rồi Tố hẹn tôi đến nhà vào một buổi tối mà cô bé ở cùng với Tố về quê. Sau gần cả một năm trời chúng tôi mới lại ngồi gần nhau, đối diện nhau qua cái bàn nhỏ. Chúng tôi ngồi im nhìn nhau từ chiều tối cho đến quá nửa đêm. Rồi Tố nói khẽ "Ba tôi nghiêm lắm, tôi không dám làm trái ý ông đâu". Tôi đưa tay qua bàn, vuốt nhẹ lên má Tố, lùa bàn tay vào mái tóc của nàng, để yên như thế một lúc. Rồi tôi đứng dậy, nói "vĩnh biệt" và quay đi. Đến ngưỡng cửa, tôi nghe tiếng Tố kêu rất nhỏ "anh!". Tôi dừng lại vài phút rồi bước tiếp trong khi trong đầu chỉ có một câu hỏi "người ta đang giết chết tình yêu của mình hay chính mình đang giết chết tình yêu của mình?".

Vài năm sau, trong một đoản văn về mối tình đầu, tôi viết:

"Sao em còn gọi ta khi ta đã quay đi? Khuôn mặt tái mét của em sau lời vĩnh biệt của ta đã không thể giữ ta ở lại. Nhưng giờ đây tiếng kêu thảng thốt của một mối tình tuyệt vọng khiến ta dừng chân trên ngưỡng cửa này.

Ta muốn quay lại lắm. Vì đằng sau ta là một niềm vui to lớn. Vì đằng sau ta là một mối tình trong trắng đang đợi chờ ta. Vì đằng sau ta … là Em!

Ta muốn quay lại lắm. Nhưng ngoài kia, khi ngôi sao mai đang còn lấp lánh, ánh bình minh đang le lói ở chân trời xa. Ngoài kia đất trời và nắng gió đang vẫy gọi ta. Ngoài kia, mỗi bước đi ta có quyền kiêu hãnh".

Tôi sống những ngày cuối cùng của năm học lớp 10 trong trạng thái gần như không còn biết gì hết. Ngồi trong lớp tôi chỉ mong đến giờ ra chơi để nhìn thấy Tố. Nhưng Tố không ra sân chơi. Tôi khát khao được nhìn thấy nàng đến mức tuyệt vọng.

Đến buổi tối liên hoan tổng kết cuối năm thì tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi biết rằng sau buổi tối hôm đó sẽ chẳng bao giờ được gặp lại Tố. Tôi đi bộ đến trường để đến lúc tan trường sẽ xin nhờ xe đạp của Tố đi về.

Tôi chở Tố đi trong đêm, trên con đường tối đen, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không còn có một cảm giác hay một ý nghĩ nào. Dọc đường trời mưa lớn. Không ai có áo mưa. Tôi cởi áo đưa cho Tố che. Gặp lại sau gần bốn mươi năm, Tố hỏi "đêm đó anh không biết là em đã hôn lên lưng anh sao?". Tố nói "nhiều năm qua em vẫn mơ thấy tấm lưng trần của anh".

Sao em trao nụ hôn đầu đời
Cho tấm lưng trần ướt lạnh
Giữa đêm mịt mùng gió mưa
Nhẹ đến mức anh không cảm nhận.

Nụ hôn chưa từng được biết
Âm thầm trong tim tha thiết
Tấm lưng trần trụi rất xa
Lặng lẽ trong mơ nhạt nhòa.

Bảy năm sau đêm đó tôi không gặp lại Tố nhưng hình ảnh của nàng vẫn luôn ở trong trái tim tôi. Những bài thơ tình ra đời trong những năm đại học, mỗi khi tôi nhớ đến nàng.

Sau khi tốt nghiệp đại học khoảng hơn một năm thì tôi được điều động theo đoàn Thông Tấn Xã trở về miền Nam, chỉ ba ngày trước khi đoàn lên đường. Hôm làm lễ xuất phát tại trụ sở cơ quan, ai cũng có người thân tiễn đưa, chỉ riêng tôi là đứng một mình tách ra một góc để ngắm nhìn quang cảnh chung. Bỗng Tố xuất hiện trước mặt. Tôi giật mình ngỡ ngàng đến mức không thể thốt nên lời. Tôi hoàn toàn không biết rằng Tố tốt nghiệp kỹ sư điện tử ở Liên-xô, đã về công tác tại Phòng kỹ thuật của Việt Nam Thông Tấn Xã từ mấy tháng trước. Phải một lúc lâu tôi mới hỏi "Tố sống ra sao?". Tố nín lặng, cố nén xúc động rồi trả lời bằng tiếng Nga "свобода” (tự do). Tôi không nói gì. Tố nói tiếp "т.е независимость от кого" (nghĩa là không phụ thuộc vào ai cả). Tôi hiểu ý của Tố. Tôi chỉ muốn ôm chầm lấy người mà tôi luôn nhớ mong, yêu quý. Nhưng bỗng nhiên tôi chợt nhớ "lấy chồng thời chiến tranh, mấy người đi trở lại. Lỡ khi mình không về…". Tôi nói nhỏ: "Cám ơn Tố. Tố hãy đến tiễn những người khác đi". Tố ngạc nhiên nhìn tôi, đưa tay lên che ngang miệng rồi quay lưng bỏ chạy. Tôi đau đớn đứng lặng nhìn theo.

Tố không thể nào biết rằng trong túi áo ngực của tôi khi đó có một tấm ảnh đã nhạt mờ của Tố.

Tấm ảnh nào trong ngực áo anh
Nghe tiếng em "tự do, không ràng buộc"
Mà không thể ngăn chân anh bước
Về chiến trường xa, đạp nát con tim.

Ngày hôm đó còn có một chuyện khác. Khi Tố đi rồi có một cô gái dắt xe đạp đến hỏi tôi "anh cho em hỏi thăm, anh biết đoàn kinh tài tập trung ở đâu không. Anh của em tên Tân, lái xe cho đoàn kinh tài, hôm nay cũng lên đường?". Tôi trả lời không biết, nói cô hỏi anh em lái xe xem có ai biết hay không. Cô gái dắt xe đi. Nửa giờ sau cô quay trở lại, khuôn mặt lo lắng. "Em tìm khắp nơi cả mà không ai biết đoàn kinh tài tập trung ở đâu". Cô đứng tần ngần một lúc rồi hỏi "không ai tiễn anh sao?". Tôi trả lời "không". Cô nói "Em đi tiễn anh của em mà không gặp, còn anh thì không có ai tiễn. Thôi thì em tiễn anh vậy nhé". Tôi thật sự cảm động "cám ơn cô, thật may mắn cho tôi quá". "Cầu chúc anh lên đường bình an, luôn luôn khỏe mạnh. Nếu có gặp anh Tân, nói có em gái của anh ấy đi tiễn nhưng không gặp anh ấy". Chỉ ba ngày sau, khi đã nhập vào đường Trường Sơn vượt qua vĩ tuyến 17, lúc dừng lại ăn cơm trưa tôi nghe đám lái xe nói chuyện với nhau "đoàn kinh tài đi trước có cậu Tân lái xe bị sốt rét chết rồi!".

Về đến miền Nam tôi gặp lại cậu Sung là thủ trưởng của mẹ tôi từ thời kháng chiến chống Pháp. Khi đó ông là một trong số cán bộ lãnh đạo Ban An ninh của Trung ương Cục miền Nam. Ông hỏi và tôi kể rất tỉ mỉ cuộc sống của mẹ con tôi trên đất Bắc, và cả mối tình đầu của mình. Ông nói "cậu sẽ làm tất cả những gì mà cháu muốn". Tôi trả lời "cháu chỉ muốn thường xuyên biết tin tức về má cháu, và cả cô ấy nữa". Ông hỏi "cháu có muốn cậu can thiệp với cha của cô ấy không?". Tôi trả lời: "Đừng. Cháu đang ở chiến trường. Bây giờ đang chiến tranh, ai biết sống chết ngày nào mà bắt cô ấy đợi. Cậu đừng can thiệp vào đời sống riêng tư của cô ấy".

Tôi nói vậy nhưng biết rằng đó không phải là lý do chính. Cái chính là sự khác biệt rất lớn giữa hai người: một người chắc chắn sẽ là cán bộ của đảng c.... s.. còn người kia sẽ không bao giờ gia nhập đảng c.... s... Làm sao có thể chung sống với nhau được.

Cậu Sung giữ lời hứa. Thông Tấn xã Giải phóng ở miền Nam và Việt Nam Thông tấn xã ở miền Bắc đều có cán bộ an ninh làm việc dưới danh nghĩa là điện báo viên của hai cơ quan. Theo nhiệm vụ, họ chỉ bí mật giám sát hoạt động của các điện báo viên khác, nhưng nhờ cậu Sung nên thỉnh thoảng họ chuyển cho tôi một số tin riêng, trong đó có các tin tức về Tố.

Một hôm vào lúc 7 giờ tối, tôi nhận được bức điện "8 giờ tối nay T. làm đám cưới". Tôi lặng lẽ khoác khẩu AK đi vào rừng sâu. Hôm ấy trời có trăng nên tôi không đem theo đèn. Tôi cứ thế đi mãi, xa căn cứ dần mà không hề suy nghĩ điều gì. Rồi tôi dừng lại, gỡ khẩu AK ra khỏi vai, trút hết đạn lên trời tiễn biệt. Tôi biết rằng mối tình đầu của mình đã thật sự chấm dứt từ đây.

Nhưng hơn hai mươi năm sau tôi vẫn không thể quên được nàng. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại Tố trong những giấc mơ.

Trong giấc mơ đêm qua anh gặp lại em
Sao mái tóc em đà bạc trắng
Em nhìn anh im lặng
Vẫn đôi mắt buồn và sâu thẳm như xưa.

Chỉ khi tôi gặp bà xã tôi bây giờ thì tôi mới bắt đầu quên dần mối tình đầu của mình. Đôi khi tình cờ nhớ đến Tố thì tôi cũng không còn cái cảm giác xốn xang như trước nữa. Một lần tôi gặp một phụ nữ đã từng làm việc lâu năm ở Thông tấn xã Việt Nam ngoài Hà Nội, khi chuyện trò người ấy tình cờ kể về Tố, nói rằng Tố đã chuyển công tác về một Đài phát thanh ở một tỉnh miền Trung. Tôi nghe mà không hề có chút xúc động nào. Tôi nghĩ "tại sao mình không thử nói chuyện với Tố một lần xem sao".

Hôm sau tôi gọi đến Đài phát thanh của tỉnh. Tố nghe máy. Tôi nói "tôi là Trung ở trường cấp ba Hưng Yên đây". Tố trả lời ngay "Anh Luân đừng đùa. Anh Trung không bao giờ gọi điện cho tôi đâu". Luân là một bạn học sinh miền Nam học cùng với chúng tôi ở Hưng Yên. "Tôi là Trung đây mà". "Nếu là Trung, anh hãy kể việc gì mà chỉ có hai chúng ta biết mà thôi". "Đêm tổng kết cuối năm tôi đưa Tố về, Tố nhớ không?". "Anh đang ở đâu? Ngày mai Tố sẽ vào Sài Gòn gặp anh".

Hôm sau chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau gần cả một ngày trời. Kể cho nhau nghe hết, nói hết với nhau, không giấu giếm nhau điều gì cả. Tôi cũng không ngần ngại nói với Tố – bí thư đảng ủy của đài phát thanh – về quan điểm chính trị của mình, rằng đó chính là lý do mà chúng tôi không thể đến được với nhau. Tố hiểu.

Tôi chợt tính ra, kể từ khi tôi trút lên trời 30 viên đạn trong băng và 1 viên đạn gài sẵn trong nòng vào đêm đám cưới của Tố cho đến ngày chúng tôi gặp lại lần này thì vừa đúng 31 năm. Một sự trùng hợp thật kỳ lạ.

Ba mươi mốt viên đạn nào bay xé trời đêm
Đau lòng tiễn biệt
Xuyên cháy ba mươi mốt năm dài thương tiếc
Đưa ta về bên nhau.

Nhưng bên nhau lần này là hai người U60 ngồi đối diện nhau chứ không còn là cặp nam nữ thanh xuân ngồi đối diện nhau như thuở nào. Giờ đây mỗi người đều có sau lưng mình một cuộc đời khác và mang trên vai mình những trách nhiệm khác.

Bên nhau rồi chia tay lần này là cuối cùng và mãi mãi.

Thanked by 3 Members:

#235 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 05/09/2021 - 11:30

TRƯỜNG XƯA

Có lần tình cờ thấy một bức ảnh trên FB "Đà Nẵng xưa", mình đã nhận ra ngay đó là bức ảnh ngôi trường cũ của mình: Trường Trung tiểu học Vinh Sơn ở Sơn Chà. Ngay khi thuyên chuyển đến nơi này, việc đầu tiên ba làm là đi tìm trường học cho mấy chị em. Dù má là giáo viên trường công, ba vẫn muốn cho các con học trường tư. Ở khu vực này chỉ có duy nhất một trường tư của Công giáo.

Mình bắt đầu học trường Vinh Sơn từ năm lớp hai. Hồi đó sĩ số lớp khá đông. Mình nhớ lớp mình ít khi nào có sĩ số dưới 80 học sinh. Năm lớp 3 mình học thầy Nghiêm đã già, mình chỉ nhớ thầy rất hiền và ngoài ra không có ấn tượng gì rõ rệt. Năm lớp 4, mình học cô Hát. Cô có dáng người tròn trịa, tóc dài, hay mặc áo dài màu tím. Cô dạy mình được một học kỳ (thời đó gọi là lục cá nguyệt) thì nghỉ dạy đột ngột. Hồi đó, mình nghe tụi bạn trong lớp thì thầm với nhau là nghe người lớn nói cô nhảy núi. Hỏi tụi nó nhảy núi là gì tụi nó cũng không biết, chỉ vì thấy người lớn thì thầm với nhau thì cũng bắt chước rỉ tai nhau vậy thôi. Mình còn nhỏ nghe bạn bè nói vậy cứ tưởng là cô đi kiếm củi nên cứ thắc mắc sao cô làm cô giáo không oai hơn à, lại đi làm nghề kiếm củi.

Sau đó, trường điều cô Trang về dạy lớp mình. Phải nói bọn học trò lớp mình mê cô Trang quá cỡ. Cứ như bây giờ thì phải gọi tụi mình là fan của cô Trang. Bây giờ mình vẫn còn nhớ dáng cô cao dong dỏng, thanh mảnh trong tà áo dài bước khoan thai vào cổng trường. Gương mặt của cô đẹp quý phái, và nhất là khi cô cất cái giọng Bắc 54 ngọt lịm lên giảng bài thì đứa nào cũng nghệt mặt ngồi ngắm cô mà quên luôn cô đang nói cái gì. Cô rất hiền dịu, lúc nào cũng nở nụ cười he hé trên môi nên bọn học trò hồi đó rất thần tượng cô, cứ xem cô như là cô tiên trên trời. Hết năm học, lớp mình năn nỉ cô theo dạy lên lớp 5 luôn nhưng cô cười cười nói: “Mấy em lên lớp 5 sẽ có người giỏi hơn cô dạy để cho các em chuẩn bị thi đệ thất”. Đứa nào đứa nấy buồn xo khi không còn được học với cô giáo xinh đẹp và hiền dịu.

Vậy rồi bỗng đùng một cái như sét đánh khi lớp 5A của mình nghe tin soeur Báu sẽ phụ trách lớp. Từng nghe các anh chị lớp trước học soeur Báu nói về độ nghiêm khắc và có phần dữ dằn của soeur, đứa nào cũng nơm nớp lo sợ. Thậm chí có đứa còn nói nhỏ mong cho soeur bị đau nặng không đi dạy được. Mình cũng đã từng thấy soeur Báu tay lăm lăm chiếc roi mây với cặp kính cận dày cộp, gương mặt lạnh tanh đi lại trên sân trường nên đây quả là hung tin đối với bọn trẻ tụi mình. Mình lo sợ đã nói ba xin cho đổi qua lớp khác nhưng ba không cho.

Nhưng cuối cùng, năm học với soeur Báu lại là năm học đầy thú vị đối với mình. Hồi đó, từ lớp bốn là nhà trường đã cho học sinh thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ một và hai) theo danh sách Alphabet, xáo trộn học sinh các lớp ngồi với nhau, thi đề chẵn lẻ. Năm lớp 5, bọn mình phải tập làm quen với việc thi trắc nghiệm qua những lần kiểm tra một tiết.

Học với soeur Báu có hai mục mình thích nhất. Ngoài những bài giảng rất hay của soeur về tất cả các môn học, soeur còn thường xuyên cho tụi mình làm toán chạy. Bây giờ mới nghĩ ra là soeur làm vậy để tạo cho bọn mình phản xạ nhanh. Đề toán vừa ra, đứa nào làm nhanh nhất chạy lên bàn nộp sẽ được 10 điểm. Mình, Lệ Chinh và lớp trưởng tên Thoại là ba đối thủ của nhau trong môn toán chạy. (Hồi đó học toán khá hơn văn nhiều mà sao càng lớn càng dốt toán, khổ dễ sợ).

Ngoài môn toán chạy luôn gây hào hứng cho cả lớp, soeur Báu hay tổ chức thảo luận nhóm. Đối với môn khoa học, nhất là các bài học về sinh học, soeur hay cho tụi mình chia nhóm theo tổ. Túa ra sân trường, mỗi nhóm tìm một gốc cây rồi ngồi xúm xít cùng nhau vẽ, chia nhánh theo cách vẽ sơ đồ bài học mà soeur đã hướng dẫn, tự đặt câu hỏi cho nhau rồi tìm câu trả lời dựa theo bài học. Nhờ vậy mà các bài học khô khan bỗng trở nên sinh động và hấp dẫn khiến tụi mình ham học và luôn chịu khó tìm hiểu.

Mình nhớ có lần có ông thầy dạy toán lớp đệ thất bên cạnh qua gặp soeur Báu nói nhỏ gì đó. Soeur vẫy mình ra và nói đi theo thầy. Mình run gần chết, không biết có chuyện gì. Thì ra lớp thầy có một anh không biết giải bài toán đặt giả thiết của lớp 5 (kiểu như bài toán vừa già vừa chó bó lại cho tròn, hỏi bao nhiêu con một trăm chân chẵn). Cứ tưởng tượng một con bé lớp 5 ăn mặc theo kiểu tiểu học, bước vào lớp 6 với các chị mặc áo dài trắng, mấy anh mặc quần tây xanh chững chạc, bên cạnh là ông thầy mặt mày nghiêm khắc như quan tòa, hồn vía lên mây mình không còn nhớ chi hết, đầu óc thăng thiên dù dạng toán này mình làm hoài đến nhão như cháo chảy.

Sau một hồi trấn tĩnh, mình cũng giải được bài toán. Ông thầy bảo mình cầm cây roi đét đít anh lớp sáu đang nằm dài trên bục giảng từ khi mình bước vô. Mình cầm cây roi đứng ngẩn người ra, ông thầy nói: “Trò mà không đánh trò này là tui đánh trò, học lớp 6 mà không giải được bài toán lớp 5, xấu hổ”. Vậy là mình đét đít nhẹ anh lớp 6 ba roi. Ông thầy nói tiếp: “Đánh gì mà nhẹ hều thế”. May là nói xong thầy cho mình về lớp chứ không bắt mình đánh lại lần nữa cho đáng đồng tiền bát gạo. Mình ra khỏi cửa chạy ù về lớp mà tim còn đập thình thịch. Viết đến đây mình hy vọng biết đâu anh lớp 6 ngày đó đọc được những dòng này sẽ tìm gặp mình để nói môt lời cảm ơn: Nhờ em giơ cao đánh khẽ nên hồi đó anh không bị đau thấu trời xanh

Do được ma soeur chủ nhiệm nên lớp mình có được một ưu đãi: mỗi tháng một lần được ăn cơm tại ký nhi viện của trường. Mình nói thêm là hồi đó tuy nói là trường trung tiểu học nhưng trường Vinh Sơn còn có lớp ký nhi viện (kiểu như lớp mầm non và mẫu giáo bây giờ) với học phí khá cao. Hai đứa em 5 và 4 tuổi của mình cũng đang học ở đây. Dù thức ăn ở ký nhi viện cũng không khác chi ở nhà nhưng mỗi lần đến kỳ ăn ở trường là đứa nào cũng háo hức. Tan học, tụi mình xếp hàng đi xuống phòng ăn của ký nhi viện trong ánh mắt ganh tỵ, thèm thuồng của mấy đứa lớp khác.

Lớp mình hồi đó sĩ số 65 thì chỉ có mình là dân Đà Nẵng, Xuân Hương nói tiếng Sài Gòn (ba Xuân Hương là đại tá từ SG thuyên chuyển ra), một bạn nói tiếng Huế mình không nhớ rõ tên, còn lại là người Bắc 54. Trong số đó, mình thân nhất với nhỏ Lệ Thanh. Thanh là con út trong gia đình có 5 anh chị em: chị Lệ Trinh, anh Khiết, chị Lệ Thu, anh Tịnh Đông và Lệ Thanh. Chiều nào mình cũng chui ra khỏi hàng rào (chứ không đi cổng chính) cho nhanh để băng qua đường, chạy đến nhà Thanh. Hai đứa lục cơm nguội ăn rồi lang thang ra bãi biển Nam Thọ đùa giỡn với nhau đến chiều mới về. Có lần Thanh rủ mình ra bãi rau má gần nhà hái về gói thành bó để mang đi bán, về xin má, má không cho nói dang nắng rồi đau, bỏ học. Đổi lại, có hôm Thanh đến nhà mình chơi. Thanh cứ nói thích đến nhà mày, mát quá (vì nhà hồi đó có gắn cái máy lạnh của Mỹ to như cái ti vi nội địa,chạy rầm rầm). Thỉnh thoảng mình cũng hay cùng Lệ Thanh vào nhà thờ nằm ngay trong trường để cầu nguyện. Mình hay cầu nguyện thi đậu đệ thất và không bao giờ xa Lệ Thanh. Do học trường công giáo nên mình cũng thuộc khá nhiều giáo lý dù không bắt buộc (vì mình là ngoại đạo) và cũng biết được một số nghi thức bên đạo như làm dấu Thánh, ăn bánh phép … Mình và Thanh còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày cuối tháng 03/75, khi mà tin tức chiến sự tràn về nóng hổi mỗi ngày trên báo và trên ti vi, còn tụi mình được nhà trường cho nghỉ học. Bây giờ không biết người bạn thân nhất thủa thiếu thời của mình đang ở nơi nào.

Hiệu trưởng của trường lúc đó là Cha Trinh. Cha rất hiền. Buổi trưa, mấy chị em mình hay ngồi trên bậc thềm nhà thờ để chờ ba đến đón. Hồi đó nhà đông con hay cho mặc đồ kiểu giống nhau. Mỗi lần thấy mấy chị em, Cha lại xoa đầu hỏi thăm. Có hôm thấy bọn mình chơi cò cò trong khi chờ ba, Cha cũng nhảy vài bước với bọn mình. Bọn mình không sợ sệt khi gặp Cha nhưng lại rất sợ khi gặp thầy giám thị tên Tâm.

Mình còn nhớ khu rừng dương liễu sau trường rộng mênh mông. Đó là nơi chơi đùa lý tưởng nhất của bọn học trò tiểu học và các anh chị lớp 6 thời đó. Bọn mình vẫn xem nơi đó như là một khu vườn bí ẩn và mặc sức thả trí tưởng tượng theo những câu chuyện thần tiên, ma quỷ do bọn nhóc truyền miệng nhau. Còn sân trường thường là nơi các anh chị trung học dạo bước vào giờ ra chơi.. Các chị mặc áo dài, các anh mang giày tây đi đứng chững chạc chứ không lau chau như bọn mình. Giờ ra chơi, các anh đứng nhìn các chị đi lại khoan thai trong sân trường chứ không hùng hục ví nhau như bọn mình. Chỉ riêng điều này đã làm bọn mình nhìn các anh chị đệ tam, đệ nhị và đệ nhất đầy vẻ ngưỡng mộ.

Giờ chào cờ đầu tháng luôn có vinh danh tên các học sinh được xếp hạng nhất, nhì, ba của lớp. Mình thì chập chờn, lúc có lúc không vì môn tập viết và tập vẽ luôn bị điểm kém. Thích nhất là giờ tập hát toàn trường, thường đó là những ngày gần Tết. Thầy Nhất Túy dạy nhạc sẽ lên bục và tập hát các bài hát về mùa Xuân như: Xuân đã về, Đón Xuân, Xuân miền Nam… Nhưng thích nhất vẫn là mùa Noel. Từ trước đó cả tháng, soeur Báu đã lập ra đội văn nghệ và bày bọn mình hát múa và hoạt cảnh. Mình cùng một số bạn ở trong đội múa làm tiên nữ, còn Lệ giả vai chú Cuội. Lệ Thanh trong một tiết mục khác là vừa hát vừa diễn hoạt cảnh bài hát Ca dao mẹ. Phải nói Lệ Thanh hồi đó còn nhỏ mà sao hát bài Ca dao mẹ truyền cảm và hay hết biết luôn.

Cũng năm học lớp 5, bọn con trai lớp mình và bọn con trai lớp 5 trường Hùng Vương sát bên cạnh đấu võ mồm. Đứa bên này hét lên: Hùng Vương là hột vịt, đứa bên kia hét lại: Vinh Sơn là vét xoong. Mình xớ rớ đứng nhìn hai bên khẩu chiến hứng ngay một cục đá vào trán, máu chảy ròng ròng (đến bây giờ vẫn còn vết sẹo). Vậy là sau đó, một soeur của trường sau khi băng bó cho mình xong đã dẫn mình qua mách lại với thầy giám trị trường Hùng Vương. Mình xấu hổ quá chừng khi ôm cái đầu băng bó như thương binh lẽo đẽo đi theo soeur qua "mắng vốn" trường bạn.

Chuyện đã 43 năm mình vẫn còn nhớ rõ mồn một. Hôm nay,thấy bọn trẻ đi khai giảng tự dưng ngồi nhớ lại thời đi học của mình. Thật sự hồi đó không có cải cách giáo dục, thầy cô giáo cũng không cần giáo án mà sao thầy cô dạy như có lửa, học trò thì há hốc mồm ngồi nghe say sưa, vui buồn theo từng thời kỳ hưng thịnh hay suy vong của các triều đại lịch sử, thích thú khi nghe câu chuyện viên tướng Carnot về thăm thày cũ trong Quốc văn giáo khoa thư, ngạc nhiên khi khám phá ra những điều kỳ thú của các châu lục.

Đối với lứa học trò tuổi học ngày đó, mỗi ngày đến trường là một niềm vui vô bờ bến vì được tìm đến những chân trời mới lạ qua từng trang sách, từng bài giảng của thầy cô giáo.

* Hè 2019, mấy cô em ở xa về. Bốn chị em học trường Vinh Sơn đã về thăm trường cũ… để ghi dấu một kỷ niệm đẹp.

Tác giả: Lâm Nguyễn

Thanked by 2 Members:

#236 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 06/09/2021 - 13:21

CHÓ SÓI VÀ NAI CON

Công Dũng Trương

Khi tôi đưa vợ sắp cưới ra mắt ban bè, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn than thở: "Moa không ngờ đến từng này tuổi đầu mà vẫn còn phải chứng kiến câu chuyện chó sói ăn thịt nai con". Đó là anh Sơn vô tình nói thế thôi chứ anh ấy đâu biết nột dung câu chuyện là như thế nào.

*

Năm đó tôi bốn mươi, nghĩ đến chuyện phải cưới vợ. Đối tượng dự kiến sẽ là cô giáo hoặc bác sĩ. Tôi có ông bạn thân, tên Vũ Xuân Quang, quen từ trên rừng, đang công tác tại Phòng Chính trị của Đại học Sư Phạm Tp.H.C.M, nên nhờ ông ấy giúp giới thiệu.

Quang vui vẻ nhận lời, giới thiệu ngay một cô sinh viên Anh văn năm cuối rất đẹp và rất thông minh. Nhưng tôi và cô ấy không đến được với nhau còn Quang thì không biết lý do thật sự nên giận trách tôi. Cô sinh viên ấy là một nhân vật rất đặc biệt: cha là trung tá chế độ cũ nhưng khi ra trường thì cô ấy lại được điều động ngay ra Hà Nội làm việc ở Bộ Công an. Về sau cô lấy chồng là một sĩ quan KGB người Nga gốc Do Thái và họ trở thành những người cung cấp vũ khí của Israel cho Việt Nam.

Một hôm Quang nói với tôi "có một đứa sinh viên khoa Nga, tính tình hiền lành, muốn công tác tại Thành phố, ông giúp được không?" Tôi từ chối "tiếng Nga bây giờ khó kiếm việc lắm". Khoảng mười ngày sau gặp lại, Quang nói "ông ráng giúp cho cô bé ấy, nó muốn công tác ở thành phố để có điều kiện học lên thêm, nó hiền và ngoan lắm". Thấy Quang năn nỉ, tôi nói "vậy ông hẹn nó đến cơ quan tôi để tôi xem sao rồi có nơi nào cần tiếng Nga thì tôi giới thiệu".

Đến ngày giờ hẹn, Quang và cô sinh viên đến nhưng tôi đi vắng vì quên mất lời hẹn. Quang trách. Tôi xin lỗi: "Thôi, ông hẹn lại đi, gặp ngoài chùa Vĩnh Nghiêm". Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Quang chụp ảnh dạo để có thêm thu nhập. Đến ngày hẹn tôi ra chùa nhưng lần này thì cô sinh viên không đến. Mọi chuyện coi như xong.

Khoảng hai tuần sau, buổi trưa tôi và Quang rủ nhau uống bia ở một quán trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận). Hôm đó tôi rảnh buổi chiều nên hai anh em uống hơi nhiều. Lúc ngà ngà say, Quang trách "việc tôi nhờ ông giúp con bé xin việc ở Sài Gòn, với ông thì quá dễ mà ông chẳng giúp cho". Tôi hỏi "bây giờ nó ra sao?". Quang trả lời "tôi không biết, có khi nó đã nhận quyết định phân công công tác về tỉnh rồi". Tôi hỏi "lâu nay nó ở đâu?". Quang nói "nó ở ký túc xá". Đang ngà ngà say, tôi bảo "vậy thì đến ký túc xá xem sao".

Thế là giữa trưa nắng hai anh em chạy xe gắn máy từ quận Phú Nhuận đến ký túc xá trên đường Trần Hưng Đạo quận 1. Hỏi bảo vệ rồi lên tầng hai gõ cửa vào phòng thì thấy chỉ có hai cô gái đang ngồi uống nước vì khi đó sinh viên đang nghỉ hè về quê hết cả. Quang giới thiệu một trong hai người, tên Thơ.

Nhìn cô sinh viên tôi thấy ngay đây chính là mẫu người mà mình đang tìm. Nhưng điều đó không quan trọng và cấp bách bằng nội dung của câu hỏi mà tôi mở miệng ra nói với cô ấy lần đầu tiên: "Cô cho hỏi, toilete ở đâu?".

Trên đời này chắc chắn không thể có một sự quen biết nào khác bắt đầu bằng câu hỏi thực dụng đến thế. Toilete ở ngay trong phòng tập thể nữ. Cửa toilete bể một miếng lớn. Đứng bên trong mà gây ra chỉ một tiếng động nhỏ thôi thì bên ngoài nghe hết. Vậy mà cái bụng bia của tôi lại thải ra ồng ộc, kéo dài chắc cũng đến năm phút.

Tôi cũng biết cả đời mình chưa bao giờ ở trong tình trạng tệ hại đến như thế: da mặt đen thui bóng lưỡng, mồ hôi mồ kê đầm đìa, cộng thêm mùi bia hôi rình, lại còn đứng trong toilete nữ mà xả như trâu. Thật kinh khủng. Đó là chưa kể tôi còn lớn hơn cô sinh viên kia đến 15 tuổi.

Khi bước ra và ngồi xuống ghế, nhìn hình mẫu lý tưởng của mình, tôi nghĩ: "Chắc chắn đã từng có rất nhiều chàng quỳ gối trước cô nàng này rồi. Làm sao bây giờ? Phải khác người mới được. Khác bằng cách nào? Khi mọi người đều quỳ xuống thì mình chỉ còn cách vênh mặt lên thôi".

Tôi lên giọng: "Anh Quang nói cô muốn công tác ở Sài Gòn nên nhờ tôi giới thiệu chỗ làm. Tôi quen cũng nhiều nơi nhưng trước khi giới thiệu cô cho họ thì tôi cũng phải biết trình độ của cô đến đâu đã. Nào, hãy thử xem". Rồi tôi hỏi bằng tiếng Nga. Cô sinh viên trả lời điềm đạm, trọng âm khá tốt. Tôi cố tình dùng vài từ cổ chỉ có trong văn học Nga. Cô không hiểu. Tôi nói: "Thôi, cũng tạm được. Để tôi hỏi xem có nơi nào cần phiên dịch tiếng Nga không. Khoảng một tuần sau cô đến cơ quan tôi, tôi sẽ cho biết kết quả".

Tôi cùng Quang ra về nhưng tôi vô cùng lo lắng. Nếu cô ấy không đến thì tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ được gặp lại. Nhưng làm sao bây giờ. Lúc đó tôi không biết rằng cô đã nhận quyết định của nhà trường điều động về công tác ở Tây Ninh; còn hôm đó, trước khi chúng tôi đến vài phút thì cô đã thu dọn đồ đạc, trả chìa khóa phòng cho bảo vệ, đứng chờ xe buýt để ra bến xe đò về quê. Xe buýt đến, cô em út từ trên xe bước xuống. Hóa ra cô Út đi đón chị mình. Trời nắng gắt, cô Út khát nước nên hai chị em lại kéo nhau lên phòng ngồi nghỉ một lát thì tôi và Quang đến. Nếu chậm một chút thôi thì chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau.

Sau này cô Út kể: "Em chưa từng thấy ai xấu xí và phách lối như anh hôm đó. Em nói với chị Tám, ông này dễ ghét quá, chị cua ông ấy đi rồi đá cho biết mặt".

Sau bữa đó tôi bắt đầu đếm từng ngày. Một tuần dài như một năm. Rồi một tuần trôi qua, mười ngày trôi qua, cô sinh viên không đến. Thua là cái chắc.

Trong quan hệ với người nữ tôi vốn có chút kiêu hãnh, không bao giờ phải hạ mình. Nhưng lần này có một linh cảm gì đó khiến tôi cứ bồn chồn mãi. Tôi quyết định quay lại ký túc xá. Tôi gặp một cô sinh viên, hỏi thăm thì tình cờ đó là bạn của cô Thơ, tên Vân. Vân nói cô Thơ hẹn một tuần trở lại ký túc xá nhưng đến nay vẫn không thấy đâu nên bạn bè đang lo lắng. Hỏi tôi, tôi nói mới xin được chỗ làm nên đến báo cho biết, vì nếu trễ thì có thể người khác chiếm mất chỗ. Vân gợi ý "hay anh với em lên nhà chị ấy ở Gò Dầu xem sao". Tôi đồng ý ngay.

Tôi đi xe gắn máy chở theo Vân đến nhà Thơ ở Gò Dầu. Chỉ gặp cha mẹ và hai người anh trai của cô ấy. Mọi người cho biết Thơ bị sốt xuất huyết, đang điều trị ở bệnh viện Tây Ninh. Họ hỏi tôi tìm có việc gì. Tôi trả lời về việc cô ấy xin công tác ở Sài Gòn. Tất nhiên là tôi chỉ có thể nhờ gia đình nhắn lại chứ đâu có lý do nào chạy tiếp lên Tây Ninh được.

Sau khi ra viện về nhà, Thơ nghe cha nói "t*o hai thứ tóc trên đầu rồi nghe. Không có ông cán bộ nào mà lo cho cái đứa đi xin việc như vậy đâu". Còn bà mẹ thì nhận xét: "Ông này coi bộ cũng thiệt thà. Mời ăn cơm với cá chiên và rau sống không thôi mà ổng cũng ăn hết cả nồi cơm luôn".

Hai tuần sau Thơ xuống Sài Gòn, đến cơ quan tìm tôi. Tôi nói: "Nơi tuyển người biết tiếng Nga đã có người vào làm rồi. Bây giờ thế này vậy: tạm thời cô làm thư ký cho tôi. Tôi quản lý nhiều cơ quan. Trong quá trình làm việc cô thấy thích hợp với cơ quan nào thì sẽ xin công tác ở cơ quan ấy, tôi sẽ nói giúp". Thơ đồng ý.

Từ hôm sau, đi công tác đâu tôi cũng dẫn Thơ theo. Buổi tối thì đi cà phê. Tôi luôn xưng hô "cô", "tôi" còn khi cà phê thì luôn ngồi đối diện. Nói chuyện thì chủ yếu là bổ sung kiến thức cho một sinh viên mới ra trường. Tôi dạy cho cô ấy các phương pháp quản lý và điều phối các dự án phát triển vì khi đó không chỉ riêng cô ấy mà ở đất nước này khái niệm "dự án" cũng chưa được nhiều người biết đến. Cũng có nói chuyện đời nhưng không tán tỉnh.

Khoảng hai tuần sau Thơ nói "anh với em quen nhau đã lâu, anh không thể kêu em bằng em cho thân mật được sao?". "Cũng được. Từ nay thì anh em vậy".

"Anh", "em" thì khác. Anh phải săn sóc em. Tôi dẫn Thơ đi mua sắm. Mua toàn đồ thiết yếu, không phải loại cao cấp. Mua cho chứ không phải mua tặng. Vừa giống như anh mua cho em, vừa giống như chồng mua cho vợ chứ không giống như mua tặng người yêu. Tôi chăm lo cho cô từng ly từng tí vì biết rằng đây sẽ là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mình. Đi cà phê thì chúng tôi bắt đầu ngồi bên cạnh nhau chứ không ngồi đối diện nhau như trước. Nhưng tôi tuyệt đối không đụng tay đụng chân.

Mấy tháng trời như vậy. Mục đích của tôi là để Thơ qua công việc và sinh hoạt biết được con người thật của tôi. Tôi dự định sẽ tìm cho Thơ việc làm chính thức, sẽ làm điều phối viên ở một dự án thích hợp, nghĩa là độc lập với tôi, rồi tôi sẽ cầu hôn. Nhưng chuyện đời đâu dễ gì diễn ra theo ý của mình.

Môt hôm, vào tối thứ sáu, tôi và Thơ đi cà phê như thường lệ. Nói chuyện vài câu tôi chợt nhận ra Thơ có vẻ đang rất buồn, ít nói hơn mọi ngày. Tôi gạn hỏi nhưng Thơ trả lời không có gì. Gần cuối buổi Thơ mới nói: "Anh cho em xin phép ngày mai nghỉ làm việc, về quê. Sáng thứ hai em xuống". "Ở nhà có việc gì vậy?". Thơ ngập ngừng "chủ nhật nhà em có đám nói; ba em đã hứa gả em từ mấy năm trước". "Cho ai?". "Anh ấy làm ở Ủy ban Huyện".

Tôi lặng người. Mọi thứ trôi tuột hết cả. Mắt tôi tối sầm. Tôi ngoắc người phục vụ "tính tiền!". Trả tiền rồi tôi đứng dậy, nói gọn lỏn "đi!".

Tôi chở Thơ đi. Trong dòng xe cộ đông đúc, chiếc xe của tôi lướt đi mà tôi như không nghe một tiếng động nào. Tôi đã từng có lần đưa người yêu trong mối tình đầu đi trong trạng thái cũng gần giống vậy: lạnh lẽo và trống rỗng. Nhưng lần này có khác. Một anh cán bộ cấp huyện không thể chỉ nhờ hai gia đình "hứa gả" mà có thể tranh đoạt hạnh phúc của cuộc đời tôi. Tôi cũng không còn là một cậu học sinh trung học năm nào mà đã là một con sói có đủ nanh vuốt. Con sói ấy lặng lẽ mang theo con nai con, sải chân nhịp nhàng dưới ánh trăng lạnh ngắt.

*

Câu chuyện về chó sói và nai con là như vậy. Chỉ có điều, hôm đó, khi ăn thịt nai con, con sói mới biết là nó bị lừa.

Thanked by 4 Members:

#237 hoadung

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 307 Bài viết:
  • 380 thanks

Gửi vào 06/09/2021 - 14:54

truyện kể của tuphuong ở trên quá là hay! haha, mấy cô đang đi tìm trâu bên topic tình cảm của hieuthuyloi nên học hỏi cô này, còn các anh thì thôi rồi, tuổi nào cũng ngây ngô vậy thôi, haha.

Thanked by 1 Member:

#238 nahtlee

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 350 Bài viết:
  • 255 thanks

Gửi vào 06/09/2021 - 17:06

Hay thật, cuối cùng thì sói già cũng có thịt ăn, nai con có đc điều kiện để đến với a voi con ở huyện. Chỉ tiếc sói già bị bóp mất 1 nữa quả tim, nhưng sói già chỉ cần nữa quả cũng sống đc, và sống khỏe hơn.

Thanked by 1 Member:

#239 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 06/09/2021 - 19:35

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

hoadung, on 06/09/2021 - 14:54, said:

truyện kể của tuphuong ở trên quá là hay! haha, mấy cô đang đi tìm trâu bên topic tình cảm của hieuthuyloi nên học hỏi cô này, còn các anh thì thôi rồi, tuổi nào cũng ngây ngô vậy thôi, haha.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

nahtlee, on 06/09/2021 - 17:06, said:

Hay thật, cuối cùng thì sói già cũng có thịt ăn, nai con có đc điều kiện để đến với a voi con ở huyện. Chỉ tiếc sói già bị bóp mất 1 nữa quả tim, nhưng sói già chỉ cần nữa quả cũng sống đc, và sống khỏe hơn.
Hai bạn nên đọc thêm mục #234 của tác giả Công Dũng Trương là bài Mối tình đầu để hiểu rõ hơn về chuyện tình (có thật) của tác giả! Họ bgio là 1 gdinh hạnh phúc đã có cháu ngoại, cháu nội đủ cả và vợ của tác giả đúng là hiền thục, là người mà tác giả mong muốn!

Thanked by 3 Members:

#240 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 11/09/2021 - 12:16

VỀ TỐ HỮU -TRÍCH HỒI KÍ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
Tố Hữu trông người nhỏ nhắn, nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”. Tôi đã chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co dúm người lại trước con ếch.

Tôi đã nghe Hoàng Ngọc Hiến thuật lại về Tố Hữu trong cuộc họp nhà văn đảng viên hồi tháng sắu năm 1979. Nguyên Ngọc trình bầy bản đề cương chống Mao-ít. Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận, cho đây là hiện tượng “ngược dòng”, ông có cách nói mỉa mai rất ác. Nhân thấy Nguyên Ngọc, người thấp, nhân làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoàn, ông nói: “Cái bục này đối với tôi hơi cao, đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá!”. Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng: “Để râu sớm quá đấy, để trốn họp chi bộ chứ gì!”. Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói: “Dạo này viết ít quá đấy!”. Kim Lân buột miệng nói: “Bác lại phê bình em rồi!”. Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá. Kim Lân nói: “Tôi nhớ trong truyện Tam quốc, có hai anh bạn thân, sau một anh làm to, anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỉ niệm thuở hàn vi. Sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá!”.

Tôi chắc Kim Lân sợ thì có sợ, nhưng làm gì đến nỗi thế. Bọn nhà văn là chúa hay phóng đại.

Nguyễn Khải cũng kể lại, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh: “Ông Lành đang nói sao cậu lại cười?” Khải sợ quá, vội chối: “Không, răng tôi nó hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu!”.

Gần đây anh Hoàng Dũng cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm Thành phố H.C.M, học trò thân thiết của Nguyễn Tài Cẩn, cho biết, Tố Hữu có lần gọi Huy Cận, bảo phải biên soạn cuốn từ điển về thơ Tố Hữu: “Pouchkine có từ điển, sao Tố Hữu không có từ điển”. Huy Cận nhờ nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn giúp cho việc này. Cẩn từ chối không được, bèn dùng mẹo, nhận nhưng không làm, tuy thỉnh thoảng lại giả vờ đến Tố Hữu “xin” ý kiến về câu này, chữ khác của thơ ông. Bây giờ Tố Hữu chết rồi, chẳng có trang từ điển nào cả. Anh đồ nghệ láu thật!

Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI. Tố Hữu mất hết mọi chức vụ. Tự tột đỉnh vinh quang tụt xuống đất. Đau lắm! Từ Sơn đến chơi thấy nhà như có tang. Ông nói với Từ Sơn: “ Chúng nó tiếc gì mà không cho mình làm cố vấn!”. Rồi kéo Từ Sơn ra ngoài vườn như sợ có kẻ nào nghe trộm: “Có gan lên chiến khu làm cách mạng lại không?” Đúng là cay cú đến mức điên rồ!

Tố Hữu rất ghét thi hoa hậu. Ông nói với Hoàng Điệp, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin: “Thi hoa hậu để khoe mông khoe đùi chứ gì! Làm như thế những phụ nữ xấu người ta tủi. Sao không thi bắn súng?” Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Gooc bachốp. Chị Tố Nga, vợ Hoàng Ngọc Hiến, bắt chước giọng Huế của ông rất vui: “Miềng có H.C.M của miềng chứ! Thấy người ta chốp chốp, cũng chóp chóp”.

Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ: thường phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm. Trong cuốn Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa nói đến chuyện Phù Thăng một thời bị qui chụp chính trị rất nặng. Khoa cũng thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về việc sáng tác bài Hoan hô chiến thắng Điện Biên. Tố Hữu nói, không hề biết chuyện Phù Thăng, còn những điều Trần Đăng Khoa hỏi ông về bài Chiến thắng Điện Biên là bịa. Thực ra Tố hữu từng viét bài phê phán Phù Thăng, còn về cuộc phỏng vấn ông về bài Chiến thắng Điện Biên thì Khoa nói với tôi: “Em có ghi băng hẳn hoi, đâu có bịa”

Lại có chuyện Nhật Hoa Khanh công bố một bài phỏng vấn Tố Hữu rất dài. Đọc bài phỏng vấn này, thấy Tố Hữu nói ngược hẳn những điều ông nghĩ, ông viết và ông làm trước đây đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm. Ngược hẳn lại như quay 180 độ, khiến rất khó tin là có thật. Trần Đăng Khoa cho rằng, Tố Hữu quả cũng hay phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm, nhưng không đến nỗi quá quắt như trong bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh. Tô Hoài thì nói, những sự kiện, những chi tiết trong bài phỏng vấn đều có thật cả, chỉ có điều Tố Hữu nói ngược lại. Nhật Hoa Khanh thì nói, anh có ghi âm, còn giữ băng ghi âm.

Hiện tượng này tôi vẫn thấy khó tin và cũng khó giải thích. Hay là giải thích bằng tính cách của người Huế chăng: “Sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”

Tố Hữu ngay khi đã mất hết chức vụ, vẫn rất hách. Trong một cuộc gặp mặt của các nhà văn lão thành (Hữu Thỉnh hằng năm cứ vào đầu xuân lại mời các nhà văn ở Hà Nội từ 70 tuổi trở lên đến gặp mặt để chúc Tết và mừng tuổi), người đã đến đông, Tố Hữu đến sau, ông nhìn khẩu hiệu trên tường: “Hoan nghênh các nhà văn lão thành cách mạng”, nói thủng thẳng: “Lão, nhưng liệu có thành không chứ!”

Tính cách như thế nên nói chung văn nghệ sĩ không ưa. Khi ông có chức có quyền, người ta sợ, người ta phải đến – như xếp hàng chúc Tết ông chẳng hạn. Nay hết chức quyền rồi, người ta lảng hết. Tôi nhớ đám tang Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ở 51 Trần Hưng Đạo, người đến viếng đông lắm. Viếng xong, mọi người sang phòng bên uống nước và trò chuyện. Tôi thấy Tố Hữu ngồi một mình. Chả có ai đến nói chuyện. Ông ngồi một lúc rồi lẳng lặng bỏ về.

Hết mọi quyền lực rồi, Tố Hữu vẫn có tật nói nhiều. Hôm báo Văn nghệ tổ chức hội thảo về cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, ông có đến dự. Một mình ông nói hàng tiếng đồng hồ.

Lúc Tố Hữu đã mệt nặng, Nguyễn Khải có đến thăm. Khải nói, ông đã mệt lắm, nói không ra tiếng, vậy mà miệng vẫn mấp máy, lắp bắp. Đúng là mắc bệnh nói.

Hình như Gala cười có diễn một tiết mục văn nghệ về một anh chàng mắc bệnh nói nhiều thì phải.

Ca dao có câu:

Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm, dẫu hay cùng nhàm.

Láng Hạ, ngày 22 – 5 – 2007.

Thanked by 3 Members:





Similar Topics Collapse

16 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 16 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |