Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Tra.My, on 19/01/2016 - 19:56, said:
HỌC ĐỂ KIẾM GẠO
(Phan Bội Châu, Lời hỏi các bạn thanh niên, 1928)
– Đi học để kiếm gạo (1), tệ hại lớn lắm. Vì cốt kiếm gạo thời cái mục đích đã dở hoặc nhân vì mục đích đó mà sinh ra hay giả dối, hay tham lợi riêng, cốt được gạo thời thôi, đạo đức mà chi, hợp quần mà chi, ái quốc mà chi, trăm việc hỏng trớt.
(1) hiểu theo nghĩa rộng: chỉ cốt sinh lợi, có tiền.
====
TÂM LÍ HỌC ĐỂ ĐI THI
(Ngô Đức Kế, Nền quốc văn, Hữu Thanh, năm 1924)
– Người nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, đi học cũng như đi buôn bán hay làm nghề, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi. Tiếng rằng nước mình tôn sùng đạo Khổng, song đó là vì học đi thi mà tôn sùng, chứ không phải vì tôn sùng mà phải học. Cho nên ngày trước triều đình thi Hán tự thì người mình lo học Hán tự để lấy ông cử ông nghè, ngày nay Chính phủ Bảo hộ thi Pháp văn thì người mình lo học Pháp văn để lấy ông thẩm, ông phán.
====
CÓ KHOA CỬ MÀ KHÔNG CÓ SỰ NGHIỆP
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, năm 1931)
– Nho học có lợi cho cái chính thể quân chủ chuyên chế nên các đế vương nước ta lại càng tôn sùng lắm. Cái chế độ khoa cử thật là một cái quà rất hại mà nước Tàu đã từng cho ta. Ngay bên Tàu nó đã hại mà sang đến ta cái độc của nó lại gấp mấy lần nữa. Người Nhật Bản họ hơn mình, chính là vì họ không mắc phải cái vạ khoa cử như mình. Họ bắt chước cái gì của Tàu thì bắt chước, chứ đến cái khoa cử thì họ không chơi. Đời Đức Xuyên (Tokugawa) cũng đã có một hồi thi hành cái chế độ hãm hại nhân tài, nô lệ thân tri đó, những sĩ phu trong nước họ không chịu nên cũng không thể bền được. Ở nước ta thì đến hơn 600 năm sinh trường trong cái chế độ ấy, trách nào cái khí tinh anh trong nước chẳng đến tiêu mòn đi hết cả. Ở Văn miếu Hà Nội còn mấy dãy bia kỷ niệm các cụ đỗ Tiến sĩ về đời Hậu Lê , trong đó chắc có nhiều bậc nhân tài lỗi lạc, nhưng vì mài miệt về đường khoa cử, nên đều mai một mất cả, tên còn rành rành trên bia đá đó, mà có sự nghiệp về đường học vấn tư tưởng được như ai?
====
QUÁ VỤ THỰC TRONG SỰ HỌC
(Phạm Quỳnh Thư, Gửi bạn, năm 1919)
– Coi như nước ta văn hiến đã từ bao giờ, tuy những bậc hiền nhân quân tử chẳng thiếu gì mà trước sau gọi là bậc đại gia triết học có người nào? Chỉ vì cái quan niệm về sự học vấn tư tưởng của các cụ ta ngày xưa thực quá, học để mà làm chứ không học để cho biết, cho nên sự học không ra ngoài phạm vi việc làm, không siêu việt được lên cõi lý tưởng cao thượng thuần túy như ở các nước văn minh khác, đó cũng là khuyết điểm trong văn hóa của ta vậy.
====
CON MA CỬ NGHIỆP GIẾT CHẾT SỰ HỌC
(Nguyễn Trọng Thuật, Điều đình cái án quốc học, năm 1931)
– Bệnh căn của cõi học ta xưa, một là vì xã hội cẩu thả mà toàn mô phỏng, một nữa là vì kẻ học giả ham cái cận lợi(1) khoa cử.
– Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng ta phải hết sức từ bỏ căn bệnh cẩu thả đi, trừ bỏ cái tính tự tiện tự khí đi(2). Không thì về xã hội lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn không có cái tinh thần tự giác tự tín, về kẻ học giả lại cứ tham cái cận lợi nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh. Bộ “lều chiếu chõng lọ" đã phá đập ở trường thi rồi, con ma nghiện cử nghiệp lại bò vào nơi “mễ đỏ bảng đen" ám ảnh. Thì học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc(3), mà dù có sở đắc được tí gì cũng chẳng để ý đến.
(1) cái lợi trước mắt.
(2) tự minh coi rẻ, coi thường mình.
(3) cuối cùng không thu được cái gì.
====
CHỈ BIẾT HỌC CÁI BỀ NGOÀI
(Phạm Quỳnh, giải nghĩa đồng hóa, Nam Phong, năm 1931)
– Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa, nghĩa là có tư cách(1), dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điếu hay điều dở của người ngoài mà hóa làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chứa cái khóe tinh(2), biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để(3), chỗ tinh túy. Tỷ như thợ An Nam thì phỏng chép tài lắm, những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ bắt chước cũng được như hệt cả. Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.
– Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hóa được hẳn những cái người ta dạy mình và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
(1) nghĩa cũ: trình độ khả năng.
(2) mánh khóe ranh ma.
(3) gốc rễ.
====
LƯỜI BIẾNG VÀ HAY NÓI HÃO
(Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)
– Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
– Thứ hai là tật "một tấc đến giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.
(1) não ở đây là một lối suy nghĩ, nay hay thay bằng "óc”.
===
Nguồn:
Tạp chí Thể thao & Văn hóa