Bàn về Bất Tử, không thể không nói về khoa học Dịch.
Khoa Bất Tử của Á Châu cũng y như khoa Bất Tử ở Âu Châu thời cổ, chủ trương biến con người thành lò bát quái, để tinh luyện những huyền lực/ thần lực phát xuất từ Nhất đến Vạn, rồi lại Vạn về Nhất. Đi Đi Về Về với Đạo Trời(Kinh Dịch) sẽ trở thành Chân Nhân hay Thiên Nhân.
Muốn hiểu Bất Tử trước tiên phải hiểu Dịch.
Dịch chủ trương Thái Cực sinh Âm Dương. Sau khi đã phân Cực, Âm Dương có thể phân kỳ để sinh biến hóa, nhưng cũng có thể hòa hợp lại để tái tạo thành Thái Cực. Nhân đó, khoa Bất Tử cũng cho rằng nơi con người, Đạo thể hay Bản thể cũng phân hóa thành Đạo tâm và Nhân tâm.
Nhân tâm và Đạo tâm bao lâu còn chia rẽ, bao lâu tâm hồn con người còn ngỡ rằng Đạo ở ngoài mình, ở xa mình; thì bấy lâu con người còn sống trong khắc khoải và khổ cực.
Nhưng một khi nhân tâm đã nhận thức được rằng Đạo tâm thực sự chẳng hề lìa xa mình, vẫn đã ẩn ngụ sẵn trong lòng mình, lúc ấy sẽ ra công tu luyện Nhân Tâm ngõ hầu có thể kết hợp được với Đạo tâm để trở thành một thực thể duy nhất. Nếu công phu này mà đi đến chỗ thành toàn, thì con người sẽ thực hiện được Trời, được Đạo, đã luyện xong được Bất Tử, và sẽ sống vĩnh cửu cùng trời đất.
Khẩu quyết của Bất Tử chính là Tâm là Đạo, Đạo là Tâm. Tâm mà lìa Đạo, sẽ nhập vào ma đạo, quái đồ. Tâm cùng Đạo hợp, sẽ tạo được Bất Tử.
Khoa Bất Tử trở nên phức tạp, kỳ bí chính tại là thay vì dùng những danh từ như Thần, Hồn, Đạo tâm, Nhân tâm, các Bất Tử Gia lại ưa dùng những danh từ bóng bảy, hiểm hóc, có lẽ là để đánh lạc hướng, hay ngăn chặn những người không đủ căn duyên/ trình độ vào Khoa Bất Tử.
Phương trình tổng quát của Khoa Bất Tử là:
Âm + Dương = Thái Cực = Bất Tử
Đạo tâm + Nhân tâm = Chân Nhân = Bất Tử
Khoa Bất Tử gọi Kim là vàng - tượng trưng cho sự bất hoại. Gọi Đan là Dược vì chữ Đan đầu là Nhật, chân là Nguyệt. Vậy Đan tức là Thống thể, Toàn thể, bao quát cả Âm lẫn Dương, cả Đạo tâm lẫn Nhân tâm.
Nói theo những từ ngữ bóng bảy của Khoa Bất Tử thì:
1/ Chất liệu, Nguyên liệu để luyện đan chính là Diên Hống (Khí Tiên Thiên), chính là Đạo tâm và Nhân tâm.
2/ Lò để luyện đan tức là vũ trụ, và xác thân con người.
3/ Lửa dùng để luyện cho Đan Thành hay Hỏa Hầu chính là ý chí, chính là bầu nhiệt huyết, nhiệt tâm của mình.
4/ Luyện đan tức là phải khử cặn bã, để lọc lõi lấy tinh hoa.
Đó là phương pháp Sưu (Bớt), Thiêm (thêm). Phải lọc, phải bỏ cho hết những cặn bã của nhân tâm. Phải thêm, phải chau chuốt cái tinh hoa là Đạo tâm.
So sánh Khoa Bất Tử của Á Châu với Khoa Bất Tử của Âu Châu ta thấy các Đan gia Đông Tây đều đề cao chân lý vĩnh cửu này là vũ trụ hữu hình và tâm linh, đều là sự biến hóa của Thần, của Thượng Đế, mà sự biến hóa vĩ đại nhất của Thần, của Thượng Đế được thực hiện ngay trong lòng con người. Thần con người, sẽ trở về được Thiên vị, nếu các tầng lớp các khả năng hạ đẳng nơi con người biết hi sinh cho mục đích cao cả ấy...