Jump to content

Advertisements




Địa Lôi Phục

Kinh Dịch

13 replies to this topic

#1 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 05/12/2011 - 10:41

ĐỊA LÔI PHỤC

地 雷 復

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



復 序 卦 - Phục Tự Quái

剝 者 剝 也, 物 不 可 以 終 盡。 剝 窮 上 反 下,故 受 之 以 復。
Bác giả bác dã. Vật bất khả dĩ chung tận. Bác cùng thượng phản hạ. Cố thụ chi dĩ Phục.
Bác có nghĩa là lột bỏ đến cùng kiệt. Sự vật không thể cùng kiệt mãi được. Bị lột bỏ cùng kiệt ở trên, tất sẽ quay lại ở dưới. Cho nên tiếp đó là quẻ Phục, tượng trưng cho sự hồi phục.

Một trong 64 quẻ, là quẻ thứ 24 trong Kinh, do hạ Chấn thượng Khôn hợp thành. Quẻ Phục thuyết minh về tình trạng chính khí của sự vật được phục hồi, sức sống mới nảy nở như vẽ ra cảnh tượng mặt đất dương khí nhỏ bé mới lay động nhen nhúm, mùa Xuân sắp quay trở lại.

Dịch Đồng tử vấn - Âu Dương Tu nói: "Lòng trời đất thể hiện ở hành động. Phục là dương khí mới nhen lên ở dưới. Trời đất sinh ra và nuôi dưỡng muôn vật là dựa vào đây, cho nên nói thiên địa chi tâm".

Bác cực thì trở lại, âm cực thì dương sinh, là quẻ một dương sinh ở dưới năm âm, đó là âm cực mà dương phục. Dương tiêu cực thì trở lại.

Thanked by 1 Member:

#2 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 05/12/2011 - 10:46

復, 亨。 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。 反 復 其 道,七 日 來 復,利 有 攸 往。
Phục. Hanh. Xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng.
Quẻ Phục tượng trưng cho sự hồi phục, hanh thông. Dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không tật hoạn gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì; quay trở lại theo một quy luật nhất định, qua bảy ngày thì quay lại như xưa. Lúc này có lợi cho việc tiến tới.

Phục, là tên quẻ, tượng trưng cho sự hồi phục, xuất nhập, là chỉ dương khí trưởng ở bên ngoài và sinh từ bên trong; vô tật là không hại gì; bằng ở đây là chỉ Khí dương.

Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Hà Thỏa nói: “Nói Phục, là tên gọi sự trở về gốc. Bầy âm phá (bóc) dương hầu như suy kiệt, âm phá dương đến tận cùng; một dương đến phía dưới, cho nên gọi là quay trở lại. Khí dương trở lại, mà mọi vật được lưu thông, giao hòa, cho nên nói phục là hanh thông”. Quẻ Phục một hào dương bắt đầu sinh trưởng , thì các hào âm lấy nó làm bạn, cho nên nói bằng lai; phản phục chỉ dương cương quay lại hồi phục; đạo cũng như nói quy luật; thất nhật ý nói tượng trưng cho sự hồi phục nhanh chóng, cũng như nói "không đến 7 ngày".

Trình Di nói: “Xuất nhập nghĩa là sinh trưởng. Sinh, rồi quay trở lại bên trong, là nhập; lớn rồi tiến ra ngoài, là xuất. Nói xuất trước là nói cho thuận mà thôi. Dương sinh ra không phải từ bên ngoài, mà là đến ở bên trong, cho nên gọi là nhập. Lại nói “ Khí dương mùa xuân phát ra khí âm lạnh tan dần đi, cứ xem cây cỏ vào lúc sớm tối có thể thấy rõ. Xuất nhập vô tật, nghĩa là khí dương nhỏ sinh ra rồi lớn lên, không có gì làm hại nó”.

Vương Bật giải thích về thất nhật nói: “Khởi đầu thì Khí dương bị ‘bác’ hết đến khi hồi phục là 7 ngày”. Ý nói là hồi phục nhanh.

Toàn văn Lời quẻ có thể chia làm ba phần để lý giải: Một, trước tiên nói Khí dương bắt đầu hồi phục thì tất lưu thông mà được hanh thông; Hai, nêu rõ Khí dương khi đã phục hồi thì tất là có lợi mà không thể có hại, Khí âm có được Khí dương, thì phát huy tác dụng mà hướng tới giá trị có ích, không gây nên tai hại. Con đường ‘phục dương’ lại thuận với quy luật nội tại, gặp thời thì hồi phục rất nhanh; Ba, đó là tổng kết ý nghĩa phục, hanh, nói rõ việc vào thời ‘hồi phục’, khí thế dương cương phát triển thuận lợi, mạnh mẽ, cho nên có lợi cho việc tiến tới. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Với sự phương trưởng của Khí dương, nếu mà có sự đi, thì đạo của tiểu nhân sẽ bị tiêu mòn”.

Cùng ở trên thì trở xuống dưới, dương bị Bác cực ở trên thì ở dưới sinh. Cùng ở bên ngoài thì trở lại bên trong, dương bị Bóc đến tận cùng ở bên ngoài thì bên trong lại sinh. Đây là quy luật của đại tự nhiên.

Một dương lại sinh ở trong đất, đó là thời điểm tháng 10 âm đã cực thịnh. Chu Hi nói: “Tháng 10 là quẻ Khôn, thuần âm tự giao. Quá tháng 10, tiết khí vẫn là thuần âm nhưng dương đã ngầm sinh ở dưới đất, chứa tích đầy tháng. Vả lại một tháng chia làm 30 phân, lại chia ra Giờ là 360 phân, đó là thời Dương đến. Đến tháng 11 tiết Đông chí mới sinh được một vạch dương, đó là một phần trong sáu phần trong quẻ, mà ở dưới đất có hai vạch, lại cứ đi lên đến ba vạch, là đã đủ cả ở trên đất, đến 4 dương, 5 dương, 6 dương, cứ chồng lên mãi cho tới Đông chí thì đủ sinh một dương. Đó là cơ mật chuyển vận của trời đất. Phàm một khí tiến lên cũng chẳng thấy, một hình bớt đi cũng chẳng biết. Cũng như thân thể người ta từ trẻ tới già vậy”. Xét, tháng 5 quẻ cấu một âm mới sinh, đến hào Sơ quẻ Phục là hào 7, dương lại đến, cũng là thiên vận tự nhiên.

Thất nhật lai phục, theo Bùi Văn Nguyên đưa ra một kiến giải: “Thất biến viết lai phục” (Bảy lần biến gọi là phục). Theo truyền thống tượng số học, số 7 tượng trưng cho chu kỳ tuần hoàn trong vũ trụ, sự tuần hoàn giữa mặt trời với mặt trăng, cứ theo chu kỳ 7 tháng lại giao hoán vị trí một lần, từ tháng Ngọ tới tháng Tý, hoặc từ tháng Tý tới tháng Ngọ gồm 7 tháng. Trong một quẻ Dịch chỉ có sáu hào, đến hào thứ 7 tức là bắt đầu lại từ đầu (tức là bắt đầu hào mới), đây là nguyên tắc vận hành sinh hóa trong vạn vật. Từ quẻ Cấu, kế tiếp đến quẻ Phục, đứng hàng thứ 7 trong thứ tự nói trên.

Trong Chấn ngoài Khôn, dương động ở dưới mà thuận ở trên là tượng đi, đây là lời chiêm ra vào không hại, bạn đến không lỗi. Đến đó là 7 hào mà 1 dương lại đến cũng là thiên vận tự nhiên. Trở lại với đạo, tức là đến 7 ngày thì được trở lại. Cho nên, quẻ Bác thì nói bất lợi hữu du vãng là để chỉ âm nhu lớn lên (tiểu nhân),Lời quẻ Phục nói lợi hữu du vãng là để chỉ dương cương lớn lên (quân tử).

Thanked by 3 Members:

#3 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 05/12/2011 - 10:48

彖 曰 : 復, 亨。 剛 反 。 動 而 以 順 行,是 以 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。反 復 其 道,七 日 來 復,天 行 也。 利 有 攸 往,剛 長 也。 復, 其 見 天 地 之 心 乎?
Thoán viết: Phục, hanh. Cương phản. Động nhi dĩ thuận hành. Thị dĩ xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Thiên hành dã. Lợi hữu du vãng. Cương trưởng dã. Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ.
Thoán nói: Hồi phục là hanh thông, nói dương cương vừa mới quay lại. Dương động quay trở lại mà tiến tới thuận lợi, thông suốt, cho nên dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không bệnh tật gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì. Trở lại hồi phục theo quy luật nhất định, không quá 7 ngày thì sẽ quay trở lại. Đây là quy luật vận hành của tự nhiên. Lúc này có lợi cho sự tiến tới, nói rõ dương cương ngày càng lớn mạnh. Quy luật hồi phục là thể hiện tấm lòng trời đất sinh sôi và nuôi dưỡng muôn vật chăng ?

Phục, hanh. Cương phản. - câu này nêu tượng một hào dương, ở dưới quẻ hồi phục đi lên, dụ ý chỉ dương cương quay trở lại phát triển, hẳn sẽ hanh thông, để giải nghĩa tên quẻ và Lời quẻ là Phục, hanh.

Động nhi dĩ thuận hành. Thị dĩ xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. - câu này nêu tượng quẻ, hạ Chấn là động, thượng Khôn là thuận, nói rõ ở vào thời hồi phục, dương động mà phát triển đi lên thuận lợi không có trở ngại, quần âm vui mừng nhận dương là bạn, để giải nghĩa câu Lời quẻ xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu.

Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Thiên hành dã - câu này nói rõ quy luật vận hành của tự nhiên là Bác hết thì Phục đến, để giải nghĩa câu từ Lời quẻ phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục.

Lợi hữu du vãng. Cương trưởng dã - câu này nêu tượng thế của dương cương trong quẻ Phục ngày càng lớn mạng, để giải nghĩa câu từ Lời quẻ lợi hữu du vãng.

Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ - câu này nêu việc dương phục là tấm lòng của trời đất sinh sôi nuôi dưỡng muôn vật, ca ngợi đại nghĩa của quẻ Phục.

Thanked by 1 Member:

#4 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 05/12/2011 - 10:53

象 曰 : 雷 在 地 中,復。 先 王 以 至 日 閉 關,商 旅 不 行,后 不 省 方。
Tượng viết: Lôi tại địa trung, Phục. Tiên vương dĩ chí nhật bế quan, thương lữ bất hành, hậu bất tỉnh phương.
Tượng nói: Tiếng sấm cựa mình trong lòng đất, tượng trưng dương khí phục hồi. Bậc tiên vương vì thế trong ngày Đông chí, dương khí bắt đầu lay động thì đóng cửa quan để tĩnh dưỡng, người buôn bán, khách lữ hành không được đi xa, vua chúa không đi tuần thú bốn phương.

至 日 chí nhật, tức ngày Đông chí, Vương Bật nói: "chí nhật là Đông chí và Hạ chí", theo Thượng Bỉnh Hòa giảng: "Chí nhật là cả hai ngày chí". 后 hậu, chỉ vua chúa. 省 方 tỉnh phương, là đi thị sát bốn phương.

Lời Đại tượng trước hết nêu lên tượng quẻ Phục, dưới Chấn là lôi, trên Khôn là đất, chỉ sấm nổ trong lòng đất, chính là tượng trưng cho dương khí hồi phục; sau đó suy ra việc Tiên Vương nhìn tượng đó, thì vào ngày Đông chí dương khí bắt đầu hồi sinh, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, để giúp cho sự phát triển đi lên được thuận lợi, khách buôn đều không đi xa, vua chúa cũng không đi tuần sát bốn phương, cả thiên hạ cùng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhằm giúp cho dương khí phục hồi.

"Bạch hổ thông - Chu phạt thiên" viết: "Vì lẽ gì mà ngày Đông chí không cất quân? Không làm việc? Thương nhân lữ khách không đi xa? Bởi ngày đó dương khí còn nhỏ yếu, bậc vương giả tuân theo Lý thiên, để cho thiên hạ được yên tĩnh, không làm công việc gì nhằm giúp cho dương khí còn bé nhỏ, thành tựu muôn vật".

Chu dịch tập giải - Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Tống Trung nói: "Thương gia lữ khách không đi xa, từ thiên tử đến công hầu không đi tuần thú bốn phương, cốt để nâng đỡ dương khí, thành tựu vương đạo. Định ra chế độ là việc của vương giả, chấp hành chế độ là phận sự của quân hậu, cho nên trên thì nói tiên vương mà dưới nói hậu".

Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ ?
Phục, là thấy tâm của trời đất sao ?

Quy luật vận hành của Trời, lấy thuyết "Bác tận Phục lai" để giải thích ý nghĩa câu trong Quái từ quẻ Phục: "Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, thiên hành dã". Nghĩa là chuyển vần theo quy luật nhất định, không quá 7 ngày, nhất định sẽ quay lại. Đây là pháp tắc vận hành của đại tự nhiên.

Vương Bật - Chu dịch chú viết: "Trời vận hành, chuyển động không quá 7 ngày lại quay lại, quay lại thì không thể đi xa". Chu Hi - Chu dịch bản nghĩa viết: "Âm dương tiêu tức, âm dương hao mòn rồi phát sinh, vận hành của Trời là như thế".

Dịch đồng tử vấn - Âu Dương Tu nói: "Lòng trời đất thể hiện ở hành động. Phục là dương khí mới nhen lên ở dưới. Trời đất sinh ra và nuôi dưỡng muôn vật là dựa vào đây, cho nên nói 'thiên địa chi tâm. Sinh sôi nuôi dưỡng vạn vật ấy là lòng trời".

Ý nghĩa của thất nhật lai phục, từ góc độ quy luật dương phục để chỉ dương cương lai phục rất nhanh. Một số di vật đồng thau mà ngành khảo cổ mới khai quật được, có minh văn còn giữ được cách tính ngày đầu đời Chu mà chưa sách vở nào ghi chép. Đó chính là theo quy luật Trăng tròn khuyết, được chia một tháng thành 4 kỳ, mỗi kỳ gồm 7 ngày, có khi vì tháng đủ hay tháng thiếu mà trở thành 8 ngày.

Thuyết "Tám sự thần thánh” viết: “Khi trăng lưỡi liềm, khí huyết [sinh lực cấu thành cơ thể người và duy trì sự sống] bắt đầu tăng cường, và an khí bắt đầu lưu chuyển. Khi trăng tròn, khí huyết đầy đủ, các cơ bắp khỏe mạnh. Khi trăng khuyết, các kênh năng lượng yếu đi, an khí ra đi, và chỉ còn lại hình thù”. Các tuần trăng đóng một vai trò trong trạng thái tinh thần của con người. Người Babylon cổ đại gọi chứng rối loạn tâm thần ở bệnh nhân là chứng “lunatic” (mộng du đêm trăng tròn), có nghĩa là căn bệnh bị ảnh hưởng bởi mặt trăng. Ngày nay, các nghiên cứu cho thấy người bệnh tâm thần có xu hướng rối loạn tâm thần cao hơn vào lúc trăng tròn. Mặt trăng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của con người. Trăng tròn có thể khiến người ta lo âu, bồn chồn, khó chịu, và phát triển ảo giác. Ngoài ra, trong lúc trăng tròn, người ta có xu hướng hồi tưởng lại những ký ức đã qua nhiều hơn, khiến họ cảm thấy buồn và trầm cảm. Nhiều nhà thơ đã sáng tác những áng thơ bất hủ của họ vào lúc trăng tròn. (tham khảo thêm)

Quan đường tập lâm - Sinh bá tử bá khảo - Vương Quốc Duy viết: "Giai đoạn đầu thời nhà Chu, người xưa lấy ngày từ đầu tháng đến cuối tháng chia làm 4 kỳ, 4 kỳ này có tên theo thứ tự là: Sơ cát, Ký sinh bá, Ký vọng, Ký tử bá. Theo đó, bảy ngày chính là con số của chu kỳ chuyển hóa.

Thất nhật lai phục là tượng trưng cho nghĩa chuyển hóa rất nhanh, như ngày nay ta nói: "chỉ trong một tuần lễ". Liên hệ với hai quẻ Chấn và Ký tế, hạ kinh đều nói đến bảy ngày thì được, thì "bảy ngày" là đồng nghĩa với "bảy ngày" trong Lời quẻ Phục.

"Dịch vĩ - Kê lãm đồ" lấy các quẻ Khảm Chấn Ly Đoài trong 64 quẻ làm 4 quẻ chính ứng với 4 chính phương Bắc Đông Nam Tây. Trong đó 24 hào của 4 quẻ chính này ứng với 24 tiết khí, 60 quẻ còn lại, mỗi một hào ứng với 6 ngày 7 phân. Từ hào Cửu ngũ quẻ Trung phu đến quẻ Phục ứng với 6 ngày 7 phân, cũng gần như 7 ngày, cho nên nói 7 ngày thì hồi phục.

Thuyết Thập nhị tiêu tức quái, theo Hầu Quả nói từ quẻ Cấu, dương bắt đầu tiêu, rồi qua quẻ Bác đến quẻ Phục, gồm 7 quẻ thì dương phục, 7 quẻ vốn chỉ 7 tháng. Thi Mân phong gọi 'nguyệt' (tháng) là nhật (ngày), cho nên nói "thất nhật".

Chu dịch tập giải - Lý Đỉnh Tộ cho rằng, trong quẻ tiêu - tức, quẻ Bác tháng 9 thì dương tận, tháng 10 thuần Khôn chuyên quyền, Khôn hết thì dương phục sinh, sáu hào quẻ Khôn thêm Sơ dương quẻ Phục là 7 hào, là thất nhật, thuyết này được đa số người đời sau theo.

Sửa bởi HaUyen: 05/12/2011 - 10:59


Thanked by 3 Members:

#5 daicoviet

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 244 Bài viết:
  • 96 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 01:02

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

HaUyen, on 05/12/2011 - 10:53, said:


Trình Di nói: “Xuất nhập nghĩa là sinh trưởng. Sinh, rồi quay trở lại bên trong, là nhập; lớn rồi tiến ra ngoài, là xuất. Nói xuất trước là nói cho thuận mà thôi. Dương sinh ra không phải từ bên ngoài, mà là đến ở bên trong, cho nên gọi là nhập. Lại nói “ Khí dương mùa xuân phát ra khí âm lạnh tan dần đi, cứ xem cây cỏ vào lúc sớm tối có thể thấy rõ. Xuất nhập vô tật, nghĩa là khí dương nhỏ sinh ra rồi lớn lên, không có gì làm hại nó”.


Xuất nhập cũng hàm ý nói về sự hiện và ẩn, đến và đi , xuất thế nhập thế của hào dương (dương khí). Như ở thời Bác âm thịnh thi` đạo Dương xuất thế đến thời Quẻ Phục thì Dương nhập thế . Xuất nhập đúng thời , thuận tự nhiên nên nói vô tật .

Thanked by 1 Member:

#6 daicoviet

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 244 Bài viết:
  • 96 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 01:38

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

HaUyen, on 05/12/2011 - 10:53, said:

Thất nhật lai phục là tượng trưng cho nghĩa chuyển hóa rất nhanh, như ngày nay ta nói: "chỉ trong một tuần lễ". Liên hệ với hai quẻ Chấn và Ký tế, hạ kinh đều nói đến bảy ngày thì được, thì "bảy ngày" là đồng nghĩa với "bảy ngày" trong Lời quẻ Phục.
Quẻ Ký Tế hào nhị tượng viết : Thất Nhật đắc, dĩ trung đạo dã .

Đây là nói hào nhị của quái Ly . Tại sao tượng hào nhị của quái Ly lại nói "Thất Nhật đắc, dĩ trung đạo dã" ? Bởi Ly có tượng là Nhật, hào âm nhị là hào đắc trung đắc chính và do phép biến quái từ Càn đến Ly là 7 lần biến rồi trở lại Càn.

N



#7 daicoviet

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 244 Bài viết:
  • 96 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 03:08

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

daicoviet, on 06/12/2011 - 01:38, said:

Quẻ Ký Tế hào nhị tượng viết : Thất Nhật đắc, dĩ trung đạo dã .

Đây là nói hào nhị của quái Ly . Tại sao tượng hào nhị của quái Ly lại nói "Thất Nhật đắc, dĩ trung đạo dã" ? Bởi Ly có tượng là Nhật, hào âm nhị là hào đắc trung đắc chính và do phép biến quái từ Càn đến Ly là 7 lần biến rồi trở lại Càn.

N

Xin sửa lại hào âm nhị là hào đắc trung. Đắc chính sau khi phục đạo thành hào cửu nhị của quẻ Thái .

#8 daicoviet

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 244 Bài viết:
  • 96 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 03:49

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

daicoviet, on 06/12/2011 - 03:08, said:

Xin sửa lại hào âm nhị là hào đắc trung. Đắc chính sau khi phục đạo thành hào cửu nhị của quẻ Thái .

Lúc này sau khó edit qu'a .
Đắc chính sau khi phục đạo thành hào cửu nhị của quẻ Thái xin hie^ủ la` phối vơi hào dương ngũ trung chính mà thành quẻ Thái.

#9 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:08

初 九, 不 復 遠,無 只 悔,元 吉。
Sơ Cửu, Bất viễn phục, vô chỉ hối, nguyên cát.
Đi chưa xa (trên đường mê) mà biết quay trở lại chính đạo, thì không có hối hận gì, sẽ dẫn đến tốt lành.

Theo Cao Hanh giải nghĩa Bất viễn phục 不 復 遠, là "chưa đi xa đã quay trở lại". Hệ từ hạ có dẫn câu vô chỉ hối 無 只 悔, theo Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Hầu Quả giảng: "只 chi, có nghĩa là lớn", như vậy, chi hối có nghĩa là đại hối (ân hận lớn). Theo Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ căn cứ vào Trịnh Huyền chú kỳbệnh, và giải thích là tai ương hoạn nạn. Thượng Bỉnh Hoà theo Thoán Truyện nói xuất nhập vô tật, cho nên câu vô chi hối nên hiểu là vô tai hối. Thuyết này rất nên theo.

Lời hào thuyết minh về hào Sơ, là hào dương ở dưới các hào âm trong quẻ, là khởi đầu của con đường phục thiện, có tượng chưa đi xa đã biết phục (quay lại), cho nên vô tai, vô hối mà được nguyên cát. Vương Bật nói: "Chưa đi xa đã biết quay lại, vì hối hận mà quay trở lại, lấy đó sửa mình, tai ương hoạn nạn ắt lùi xa".

Phát huy suy diễn ngụ ý tượng của Lời hào, thì Tiểu tượng truyện của hào này, nói nghĩa của câu bất viễn phục là tu thân (sửa mình). Khổng Tử căn cứ vào đây, giảng về nghĩa của câu này là "tri bất thiện vị thường phục hành" (biết rõ là không tốt, thì không bao giờ lặp lại). Trình Di theo đó chú giải: "Chưa đi xa đã biết quay trở lại, đó là con đường sửa mình của người quân tử. Con đường học vấn không có gì khác, chỉ có một điều: biết là không tốt thì sửa ngay để theo cái tốt mà thôi".

象 曰: 不 遠 之 復,以 修 身 也。
Tượng viết: Bất viễn chi phục. Dĩ tu thân dã.
Tượng nói: Đi chưa xa thì quay lại dường ngay. Chứng tỏ hào Sơ là biết sửa mình vậy.

Dương trở lại, đó là đi chưa xa mà biết trở lại, cũng như mất rồi sau lại có, vì cái mất chưa đi xa, thì không đến nỗi phải ăn năn. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Sở dĩ đi chưa xa, đã quay trở lại sớm, là vì biết sửa mình cho tốt, biết lỗi thì sửa ngay".

Thanked by 1 Member:

#10 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:12

六 二, 休 復,吉。
Lục nhị. Hưu phục. Cát.
Lục Nhị, Sự hồi phục tốt đẹp, cát tường.

hưu, nghĩa là tốt, theo Cao Hanh dẫn Nhĩ Nhã chú hưu là chuyện vui mừng (hưu, khánh dã), Quảng Nhã giải nghĩa "hưu là chuyện vui vẻ" (hưu, hỷ dã), nên Cao Hanh chú thích: "hưu phục, nghĩa là vui vẻ quay về". Theo Trương Thiện Văn giải nghĩa: "Hưu, là tốt đẹp" (mỹ hảo), còn Từ Tử Hùng giải nghĩa: "Hưu là tròn đầy".

Lời hào thuyết minh về hào Nhị, ở vào thời dương khí hồi phục, là hào âm cư ngôi giữa hạ quái, nhu trung đắc chính, dưới gần gũi với hào Sơ dương ví như gần người nhân, có chí theo dương, mà biết xuống với hiền nhân, đó là trở lại vui đẹp, cho nên nhờ hồi phục sự tốt đẹp mà được cát tường.

Vương Bật nói: "Đắc vị, cư trung, ở trên gần hào Sơ mà phụ thuộc vào nó, như vậy tức là hạ nhân (ở dưới người nhân). Đã ở ngôi giữa, gần nhân, cạnh thiện, đó là hưu phục vậy". Theo đó Khổng Dĩnh Đạt chú giảng: "Đắc vị xử trung, gần gũi nhất với Sơ. Dương là đức nhân, mình lấy đức đó, hạ mình xuống thuận theo nó, thì là hạ nhân, là hồi phục một cách tốt đẹp. Vì hạ xuống với người nhân, cho nên cát".

Trong Dịch, dương cương tượng trưng cho nhân, cho thiện, hào Nhị có tượng khéo gần người nhân, đây là điều quan trọng để được cát. Chu Hi chỉ rõ: "Học không gì thuận tiện hơn là gần người nhân. Đã có người nhân gần gũi, nhờ đức thiện của người ấy mà bồi đắp cho mình, thì sức đỡ tốn mà học tốt".

象 曰: 休 復 之 吉,以 下 仁 也。
Tượng viết: Hưu phục chi cát. Dĩ hạ nhân dã.
Tượng nói: Quay trở lại một cách tốt đẹp thì được cát tường. Chứng tỏ hào Nhị có thể hạ mình xuống gần gũi người có đức nhân.

Nhân là cái công lý, là cái gốc thiện lớn trong thiên hạ. Trong Dịch, 384 hào chưa từng thấy hào nào nói đến Nhân, duy có hào Sơ quẻ Phục là nói đến. Cho nên Khổng Tử giảng là: "Khắc kỷ phục lễ vi nhân". Hào Sơ trở lại với nhân, Nhị biết xuống mà theo với nó, nên được vui đẹp và tốt.

Thanked by 1 Member:

#11 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:18

六 三, 頻 復,厲 無 咎。
Lục tam, Tần phục. Lệ vô cữu.
Buồn khổ mà phải cấp bách quay trở về, tuy có nguy hiểm nhưng không có tai hại.

tần, là Danh từ, thì hàm nghĩa: cấp bách, gấp, cần kíp, như nói: "Vận nước đã nguy cấp lắm" = Quốc bộ tư tần 國 步 斯 頻, theo Vương Bật chú: “Tần, là dáng vẻ buồn bã” (Tần súc chi mạo); theo Trình Di chú thích “tần là tần số 頻 率 tần suất (nhiều lần)". Cụm tự tần phục theo Từ Tử Hùng dịch là: "Mặt buồn đau khổ trở về". 厲 lệ, là nguy.

Lời hào thuyết minh hào Lục tam ở vào thời dương khí hồi phục, là hào âm, ở ngôi vị trên cùng của hạ quái, thất chính vô ứng, trên dưới đều là âm, có nhiều khó khăn trong việc "phục thiện", cho nên có tượng "buồn bã hồi phục"; lúc này ngôi vị của Lục tam tuy nhiều nguy hiểm, nhưng nếu biết là nguy, mà cố gắng hồi phục thì cũng không có tai hại. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Lục tam thất vị, cho nên tần phục. Vì là thất vị, trên dưới đều âm, lại vô ứng, khó khăn có thể nói là cùng cực, cho nên tần phục, lệ. Biết nguy hiểm mà phấn đấu hồi phục, thì sẽ được vô cữu”. Thể nhu mà ở ngôi cương, thì thường dẫn tới lẫn, lệ, ứng với người thì có tượng cứ sửa lỗi rồi lại sửa tiếp lỗi, là loại người không can đảm.

Trình Di cho rằng "Hào Tam âm táo, ở ngôi vị động cực, nhiều lần phục mà không được vững chắc. Phục quý ở vững chắc, nhiều lần phục thì nhiều lần hỏng, không thể yên ổn hồi phục. Phục thiện mà chẳng được, lại bị liên tiếp, thì con đường nguy. Thánh nhân mở ra con đường quay về thiện, nay phục mà nguy vì liên tiếp thất bại, cho nên nói lệ vô cữu". Thuyết này khảo chứng thấy mang tính thực tiễn, tham khảo thêm.

象 曰: 頻 復 之 厲。 義 無 咎 也。
Tượng viết: Tần phục chi lệ. Nghĩa vô cữu dã.
Tượng nói: Buồn khổ cấp bách hồi phục vì có nguy hiểm, nhưng Lục tam cố gắng quay lại chính đạo. Xét về ý nghĩa của vật, thì không có hại gì.

nghĩa, như nói: Sự tình đúng với lẽ phải, thích hợp với đạo lý. Trình Di giảng: “Nhiều lần hồi phục nhiều lần thất bại (tần phục). Tuy có nguy hiểm, nhưng về ý nghĩa của sự phục thiện thì vô cữu”.

Lý Sỹ Trân nói: “Sửa lỗi mà hướng thiện, tuy nguy nhưng vô cữu”. Lễ ký nói: "Hoặc ở yên mà trở lại, là tượng của hào Sơ. Hoặc lợi mà trở lại, là tượng của hào Nhị. Hoặc cấp bách mà gắng gượng trở lại, là tượng của hào Tam". Những câu này dẫn lời trong Lễ KýTrung dung để giải thích tượng của ba hào Hạ quái, cũng có thể chấp nhận.

Thanked by 1 Member:

#12 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:24

六 四, 中 行 獨 復。
Lục tứ. Trung hành độc phục.
Ở ngôi trung vị thực hành chính đạo mà chuyên tâm hồi phục.

trung, chỉ hào Lục tứ ở ngôi vị giữa trong 5 hào âm quẻ Phục, 5 âm thì Tứ làm trung, tuỳ thời mà lấy nghĩa, nên gọi là thời trung. 獨 độc, cũng như nói chuyên tâm, độc tài 獨 裁, dụ ý một người hay một nhóm ít người nắm hết quyền định đoạt, ở đây chỉ ý duy có Lục tứ ứng với Sơ cửu, ý tình chuyên nhất, cho nên có tượng độc phục.

Hán thượng Dịch truyện dẫn lời Trịnh Huyền nói: “Hào ở giữa năm hào âm, ở giữa mà vào hàng chính vị, riêng có hào Tứ là ứng với hào Sơ thôi”. Trong Dịch, hai chữ trung hành 中 行 còn được nói tới ở lời hào Tam quẻ Ích: “trung hành cáo công dụng khuê", và trong lời hào Ngũ quẻ Quải: “nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô cữu”. Cao Hanh giải thích trung hành độc phục là: “Cùng với người đồng hành, đến giữa đường thì bản thân lại một mình quay trở lại”.

Lời hào thuyết minh hào Lục tứ ở vào thời phục, ở ngôi vị giữa năm hào âm, lại ở chính vị, trong năm hào âm chỉ mình hào này là ứng với hào dương Sơ cửu, tình càng chuyên nhất. Theo Vương Bật nói: “Hào Lục tứ, trên dưới mỗi bên có hai hào âm, mà ở vào giữa lại được chính, dưới ứng với Sơ cửu, riêng một mình có thể hồi phục. Thuận đường này mà quay trở lại, không gì xâm phạm được, cho nên nói trung hành độc phục”.

Chu dịch chiết trung dẫn lời Liêu Xương Kỳ nói: “Đại để phục sở dĩ là phục, toàn là ở hào Sơ, cũng như ý nghĩ ban đầu của con người vậy. Năm hào âm đều phục thế thôi, chỉ có Tứ trong các hào âm là có hướng riêng, cho nên có nghĩa ấy”. Lấy chất âm mà ở ngôi âm thì rất nhu nhược, tuy có chí theo cương mà cũng chẳng giúp được, cho nên không thể nói vô cữu. Ở giữa bầy âm cho nên cũng không nói là cát hay hung. mà chỉ có thể nói trung hành độc phục vậy. Người có nhân, thì muốn chính lấy nghĩa, chẳng mưu lấy lợi, làm cho sáng Đạo mà chẳng kể công.

Hào Tam ở quẻ Bác và hào Tứ ở quẻ Phục về nghĩa cũng giống nhau, quẻ Bác thì lấy thất thượng hạ để ứng với dương, quẻ Phục thì lấy độc phục để theo đạo dương cương.

象 曰: 中 行 獨 復。 以 從 道 也。
Tượng viết: Trung hành độc phục. Dĩ tòng đạo dã.
Tượng nói: Ở ngôi trung vị, thực hành chính đạo mà dốc lòng hồi phục. Chứng tỏ hào Lục Tứ tuân theo chính đạo.

Lời Tiểu tượng truyện hào Tứ giải thích nội hàm tượng trưng của lời hào Lục tứ Trung hành độc phục, đi ở giữa mà biết ở nơi chính, như thế là có chí phục thiện. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Theo đạo mà quay trở lại, cho nên tượng nói dĩ tòng đạo dã”. Trình Di giảng là: “Nói độc phục là do nó theo đạo thiện của quân tử dương cứng”.

Sửa bởi HaUyen: 06/12/2011 - 09:24


Thanked by 1 Member:

#13 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:31

六 五, 敦 復,無 悔。
Lục ngũ, Đôn Phục, vô hối.
Hồi phục một cách chân thành đôn hậu, thì không có hối hận.

đôn, là đôn hậu 敦 厚, thật thà, trung hậu. Lục Đức Minh dẫn Hàn thi ngoại truyện giải nghĩa đôn là "ép buộc". Cao Hanh giải nghĩa chữ đôn nguyên gốc là: 敦 篤 đôn đốc, tức là "đôn đốc ép buộc". Khi ta coi đây là chính sách thu phục nhân tâm của ngôi tôn quý, thì ta hiểu đôn phục có nghĩa là "bị người đôn đốc ép buộc thì mới chịu quay về". Lưu ý trong Mạnh Tử, thì chữ đôn cũng được dùng theo nghĩa "đôn đốc, giám sát".

Lời hào thuyết minh hào Ngũ ở vào thời Phục, thể nhu mà ở vào ngôi vị tôn quý, giữ được trung chính, có tượng chân thành tự xét mình, thành khẩn vươn tới thiện, cho nên tuy thất vị, vô ứng, vẫn có thể đôn phục, mà tránh được hối hận. Vương Bật nói: “Đôn hậu mà lại ở ngôi trung, thì có thể tự xét mình, tuy chưa đến mức hưu phục để được cát, nhưng đôn hậu hồi phục thì cũng tránh được hối”. Trình Di nói: “Lục ngũ có trung thuận, ở ngôi quân vị, là biết đôn hậu chân thành phục thiện, cho nên vô hối. Tuy vốn là thiện, nhưng vẫn có sự nhắc nhở trong đó. Khi dương phục đang yếu, với chất âm nhu mà cư tôn vị, dưới không có phụ trợ, chưa thể hanh cát, chỉ có thể vô hối mà thôi”.

象 曰: 敦 復 無 悔。中 以 自 考 也。
Tượng viết: Đôn Phục vô hối. Trung dĩ tự khảo dã.
Tượng nói: Quay trở lại một cách đôn hậu, thành khẩn thì không hối hận gì. Chứng tỏ hào Lục Ngũ cư trung và có thể tự xét mình để quay về điều thiện.

khảo theo Trịnh Huyền giảng là thành, theo Hướng Tú giải thích khảo là sát, Tự khảo như nói "tự phản tỉnh xem xét mình, để thành tựu mình".

Trong Dịch, lấy quẻ Dương mà xét, ta nhận thấy âm nhu cư tôn, thì luôn luôn phụ vào, mà thuận theo với dương ở dưới. Xét, quẻ Phục hào Sơ dương lớn, thì Lời hào Ngũ nói đôn phục vô hối, tới quẻ Lâm hai hào dương lớn, thì Lời hào Ngũ nói tri lâm vi nghi; tới quẻ Thái ba hào dương lớn, thì Lời hào Ngũ nói Đế Ất quy muội; tới quẻ Đại tráng gồm bốn hào dương lớn, thì lời hào Ngũ nói táng dương. Qua đây, ta nhận thấy một quy luật định lệ trong Dịch: đó là hào Ngũ âm nhu đều thuận theo với dương lớn ở dưới vậy.

Trần Mộng Lôi đưa ra thuyết phân tích nghĩa hào rất sát rõ: “Hào Ngũ và hào Sơ không gần gũi, không ứng nhau mà trở lại, đó là biết nguy khốn song mệt mỏi gắng gượng mà làm, cho nên nói tự khảo. Tự, tức ý nói là "người thì một phần ta thì trăm phần". Cho nên hào Ngũ vốn xa hào dương, nhưng vốn ở ngôi giữa mà có thể thuận. Nhờ hào Tứ tự trở lại mà mình càng có quyết tâm hơn, lại thêm có được sự đôn hậu, cho nên có thể thành tựu cho mình”.

Thanked by 1 Member:

#14 Hà Uyên

    Hội Viên Đặc Biệt

  • Thượng Khách
  • 1518 Bài viết:
  • 4987 thanks

Gửi vào 06/12/2011 - 09:39

上 六 : 迷 復,凶,有 災 眚。用 行 師 終 有 大 敗。 以 其 國, 君 凶, 至 于 十 年 不 克 征。
Thượng Lục, mê phục, hung, hữu tai sảnh. Dụng hành sư chung hữu đại bại. Dĩ kỳ quốc, quân hung. Chí vu thập niên bất khắc chinh.
Đã đi vào lối mê mà không biết quay trở lại, sẽ có hung hiểm, có tai họa. Dùng vào việc hành quân đánh giặc, sẽ thất bại thảm hại. Dùng vào việc trị nước, thì nước loạn vua nguy, đến mười năm sau cũng không thể chấn hưng phát triển được.

迷 復 mê phục, là mê không biết quay trở lại, cũng như nói làm mất hoặc là bỏ lỡ cơ hội có một không hai. 災 眚 tai sảnh là tai ương hoạn nạn. Trịnh Huyền chú giảng là : “Tai dị sinh ra từ bên trong gọi là sảnh, từ bên ngoài gọi là tường. Làm hại vật gọi là tai”. Trình Di tiếp theo ý của Trịnh Huyền chú giải: “災 tai là tai hoạ từ ngoài đưa đến, trời giáng sự không may; 眚 sảnh là lỗi của mình, tự mình gây ra”. 用 dụng, là dụng vào, như nói công dụng 功 用, cũng hàm nghĩa ảnh hưởng, hiệu quả như nói tác dụng 作用. Thập niên, ý nói thời gian dài. 征 chinh, là tiến lên, như nói chấn hưng phát triển, như nói .viễn chinh 遠 征 là đi xa, hay nói chinh phạt 征 伐 là đem binh đánh giặc.

Chữ 迷 , theo Từ Tiến Trai chú giảng là: "Hào Thượng ở ngôi cao cùng cực, chẳng còn biết đường xuống với Nhân, xa dương cương là mất cơ thiện, cực đầy thì không thể mở, nhu đến cực mà không đủ can đảm để sửa lỗi, đó là hôn mê chẳng biết trở lại".

Lời hào thuyết minh rõ về hào Thượng ở vào thời Phục, thể âm ở cuối quẻ, không ứng với hào dương Sơ cửu, không thừa theo ai ở trên, là tượng mê muội không biết quay lại, cho nên nói hung, hữu tai sảnh, có nghĩa là hoạn nạn vừa ở trong vừa ở ngoài. Lúc này hào Thương lục đã bước vào lối mê mà không biết quay lại, nếu dùng để hành quân, trị nước, thì tất sẽ thất bại, hại vua, sẽ đem lại hậu quả rất nguy hại, cho nên nói chung hữu đại bại, quân hung, thập niên bất khắc chinh.

Trình Di nói: “Thể âm nhu ở ngôi cuối quẻ Phục, đó là mê mà không biết quay lại, mê mà không biết quay lại thì sự hung không nói cũng rõ. Hữu tai sảnh, tai là thiên tai, sinh ra từ ngoài, sảnh là lỗi của mình, do mình gây ra. Đã mê mà không biết phục tỉnh, thì với mình, làm gì cũng sai, tai họa cũng từ ngoài đến, và cũng do tự mình mời gọi lại. Lạc đường không quay trở lại, không làm còn đỡ, dùng vào việc hành quân ắt sẽ đại bại; dùng vào việc trị nước thì nguy cho vua. Mười năm, là cực số chỉ sự nhiều nhất, còn như nói thập niên bất khắc chinh, chính là nói ‘cuối cùng không thể làm gì được”.

Thượng Bỉnh Hòa giảng là: “Bất khắc chinh, là nói "không thể hưng khởi được". Nước và vua chịu tai họa, cái gốc chịu lay chuyển, cho nên hung đến mười năm”.

Hồ Bính Văn nói: “Mê phục là trái với bất viễn phục; thập niên bất khắc chinh là trái với thất nhật lai phục vậy”. Có thể thấy hào Thượng quẻ Phục ở mãi tận cùng quẻ Phục, đã hoàn toàn lìa bỏ con đường hồi phục, cho nên Lời hào dùng ‘hung’, ‘tai sảnh’ để cảnh báo.

象 曰: 迷 復 之 凶。反 君 道 也。
Tượng viết: Mê phục chi hung. Phản quân đạo dã.
Tượng nói: “Sự hung hiểm của việc lạc vào đường sai lầm mà không biết quay trở lại”, chứng tỏ hào Thượng lục đi ngược lại con đường của bậc quan chủ dương cương.

phản, là trái, ngược lại, đối lại với chính, như nói: phản diện 反 面 là mặt trái. Âm là bề tôi, Dương là vua. Hào Thượng đi sai đường mà không biết con đường phục dương, cho nên nói phản quân đạo.

Tả truyện – Tương công năm thứ 28 giải thích mê phục hung là "bỏ mất gốc". Mã Kỳ Sưởng giảng là: “Âm không theo dương”. Thuyết này rất nên theo.

Lời Tượng nói cho thấy hào Thượng có tượng vật dục, chìm đắm làm mất cả bản tâm, thì còn nói gì đến Phục. Giữ một thái độ khăng khăng mù quáng như vậy, không chịu cải hối, thuộc thành phần bất trị, và hậu quả của thái độ u mê đó là nước mất nhà tan.

Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |