Jump to content

Advertisements




CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO


95 replies to this topic

#46 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2011 - 23:31

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

TRÌNH ĐỘ ĐIỂM ĐẠO

Vấn đề muốn biết xem một người đã gần đến mức sẵn sàng được Điểm Đạo hay chưa, gồm có ba điều kiện tùy thuộc lẫn nhau. Điều thứ nhứt là y phải có đủ những đức tánh cần thiết, như đã nêu trong quyển "Dưới Chân Thầy". Điều này ngụ ý rằng y phải mở tất cả những đức tánh đến một mực tối thiểu, và một vài đức tánh trong số đó phải được phát triển nhiều. Để có một ý niệm rõ rệt về vấn đề này, chúng ta hãy lấy thí dụ ở cách chấm bài trong những kỳ thi lớn. Những vị giám khảo chấm thi đã định trước rằng không một thí sinh nào được chấm đậu nếu y không có một sồ điểm tối thiểu cho mỗi môn học. Số điểm tối thiểu này thường rất thấp, thí dụ là hai mươi lăm phần trăm. Thí sinh nào không đủ hai mươi lăm phần trăm số điểm trong bất cứ môn nào, sẽ bị chấm rớt.

Tuy nhiên, một thí sinh chỉ có vừa đủ hai mươi lăm phần trăm số điểm cho tất cả những môn học, cũng không được chấm đậu, vì ngoài ra số điểm tối thiểu định riêng cho mỗi môn học, người ta còn phải đặt ra một số điểm tối thiểu cộng chung cho tất cả, thí dụ là bốn mươi phần trăm. Bởi vậy, một thí sinh chỉ có hai mươi lăm phần trăm hay ba mươi phần trăm số điểm trong một hay hai môn học, phải làm sao cho số điểm vượt trội hơn rất nhiều trong những môn khác, để khi cộng chung tất cả lại những môn học, y sẽ có đủ số điểm trung bình cần thiết.

Đó cũng là phương pháp áp dụng trong khoa Huyền Môn. Người thí sinh muốn được Điểm Đạo phải mở mang tất cả mọi đức tánh đến một mực độ trung bình, nhưng đồng thời y phải phát triển một vài đức tánh đến một mực thật đầy đủ và mỹ mãn. Một thí sinh không thể được chấm nếu y hoàn toàn thiếu hẳn tánh phân biện. Nhưng nếu y chỉ có đức tánh này một cách thiếu sót, còn cách rất xa mực độ trung bình, thì một vòng Bác Ái rộng lớn, chan chứa tình thương đối với mọi vật, sẽ có thể bù trừ cho sự thiếu sót nói trên. Điều thứ hai, là linh hồn phải huấn luyện những hạ thể của nó như thế nào để có thể xử dụng chúng một cách hoàn toàn tùy theo ý muốn. Y phải thực hiện điều mà giáo lý Thông Thiên Học gọi là sự hợp nhứt của Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Điều thứ ba, là y phải có đủ sức mạnh để chịu đựng sự công phu khó nhọc, nó sẽ ảnh hưởng chí đến Thể Xác của y.

Còn nói về trình độ tiến hóa mà y sẽ đạt tới do cuộc Điểm Đạo, thì đây là một điều rất co giãn và không có một tiêu chuẩn nhất định. Thật là một điều sai lầm mà tưởng rằng tất cả những vị được Điểm Đạo đều có một trình độ phát triển bằng nhau, cũng như người ta đừng tưởng rằng tất cả những người có bằng cấp Cử Nhân đều có một kiến thức đồng đều nhau.

Một thí sinh có thể phát triển nhiều đức tánh cần thiết đến một mực độ vô cùng mỹ mãn, vượt khỏi số điểm tối thiểu rất xa, nhưng lại bị sút kém đến một mực quan trọng và thấp hơn mực tối thiểu về một đức tánh nào đó. Trong trường hợp đó, tự nhiên là y cần phải đợi cho đến khi y có đủ số điểm tối thiểu về đức tánh còn thiếu sót, và trong khi ấy thì tự nhiên là y sẽ phát triển những đức tánh khác nhiều hơn nữa.

Bởi đó, chúng ta thấy tuy rằng có một trình độ nhứt định cần thiết cho sự Điểm Đạo, nhưng cũng có vài thí sinh đã vượt khỏi cái trình độ đó rất xa về một vài phương diện. Chúng ta cũng thấy rằng có thể có nhiều sự khác biệt nhau rất xa về thời gian ở khoãng giữa các cuộc Điểm Đạo. Một người vừa mới được Điểm Đạo lần thứ nhứt, có thể đã phát triển được rất nhiều đức tánh cần thiết cho cuộc Điểm Đạo thứ nhì, bởi đó, thời gian cách khoảng giữa hai cuộc Điểm Đạo rất ngắn.

Trái lại, một thí sinh chỉ có vừa đủ mọi điều kiện để qua khỏi cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, sẽ phải tuần tự phát triển tất cả mọi đức tánh và khả năng cần thiết cho cuộc Điểm Đạo thứ nhì, bởi đó, thời gian chuẩn bị sẽ lâu dài hơn.

#47 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2011 - 23:40

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

CƠ HỘI HIỆN TẠI

Hiện thời, chúng ta đã bước vào một thời kỳ của lịch sử thế giới mà sự phát triển ở tất cả mọi trình độ tiến hóa đều có thể rất mau chóng, bởi vì việc đức Chưởng Giáo sắp lâm phàm tạo nên một trào lưu tư tưởng mạnh mẽ vô cùng về các vấn đề tâm linh, tất cả đều hướng về mục đích tiến bộ tinh thần, cho nên bất cứ người nào có một cố gắng công phu theo chiều hướng đó đều nhận thấy rằng họ đi thuận dòng và tiến rất mau. Điều này không phải chỉ là dòng tư tưởng và cảm xúc của con người; thật vậy, tư tưởng của con người chỉ là một phần rất nhỏ của cái trào lưu đó, bởi vì những người biết rõ về việc đức Chưởng Giáo lâm phàm chỉ là một số ít. Điều đáng kể nhứt là cái dòng tư tưởng và cảm xúc vô cùng mạnh mẽ của hằng hà sa số những vị đại Thiên Thần, những vị này biết rõ Thiên Cơ và cố gắng bằng mọi cách để trợ giúp Cơ Tiến Hóa.

Tuy nhiên, sự tiến bộ mau chóng như thế là một việc hao tốn rất nhiều công phu khó nhọc, một điều mà những người học Đạo ít khi biết rõ. Người sinh viên khoa Huyền Môn nhắm mục đích tiến mau lẹ nên nhớ rằng một trong những điều kiện cần thiết là sức khỏe về thể chất. Người ấy muốn thực hiện gấp rút trong một kiếp, một cái kết quả tiến bộ mà trong những trường hợp thông thường, phải kéo dài đến trên hai mươi kiếp hoặc nhiều hơn nữa; và vì sự cố gắng công phu trong cả hai trường hợp này đều bằng nhau, lẽ tất nhiên là y phải tăng gia cố gắng công phu gấp bội nếu y muốn thành công.

Trong một khoa thi ở thế gian, người học trò có thể thâu ngắn thời kỳ học tập thường dành cho một lớp học để chuẩn bị đi thi. Nhưng y chỉ có thể làm như vậy bằng cách làm việc quá sức, nghĩa là bắt buộc bộ óc, sự chú ý, nhãn quang và sức chịu đựng của y làm việc gia bội. Ai cũng biết rằng làm việc quá sức như vậy sẽ rất tai hại cho sức khỏe của y là dường nào. Người học Đạo cố gắng để hối thúc sự tiến hóa tâm linh của mình cũng ở vào tình trạng tương tự như vậy. Điều này có thể thực hiện được, và có người đã thực hiện được. Đó là một điều rất tốt đẹp, để cho y công phu cố gắng làm cho được, nhưng luôn luôn với sự dè dặt này, là y phải cẩn thận đừng làm quá sức mình, nếu không, thì rốt cuộc y sẽ làm trở ngại thay vì thăng tiến sự phát triển của mình.

Có một sức khỏe tốt khi mới bắt đầu công phu tu luyện cũng chưa đủ, mà cần phải giữ gìn nó cho được bền bỉ đến lúc cuối cùng. Sự tiến bộ chỉ là một phương tiện đưa đến mục đích, và chúng ta tu luyện bản thân không phải là để trở nên một nhân vật cao cả và khôn ngoan, mà để cho chúng ta có sự hiểu biết và khả năng hầu phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhứt. Chúng ta đừng quên rằng khoa Huyền Môn luôn luôn chủ trương những hành động hợp lý.

#48 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/10/2011 - 23:49

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

NHỮNG THIẾU NIÊN ĐƯỢC ĐIỂM ĐẠO

Từ trước đến giờ, trừ những trường hợp rất hiếm có, người đệ tử chỉ được Điểm Đạo sau khi xác thân của họ đã đến tuổi trung niên và sau khi họ đã tỏ ra bằng những hoạt động của họ ở thế gian, rằng họ cam kết hiến dâng cuộc đời cho công việc phụng sự Thiên Cơ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một vài linh hồn đã có cái vinh dự được Điểm Đạo mặc dầu thể xác của họ hãy còn trẻ. Khi đức Chưởng Giáo lâm phàm, Ngài có thể xử dụng bất cứ một người nào ở thế gian tùy theo khả năng của y; nhưng một vị đệ tử chánh thức của Chân Sư sẽ hữu ích cho Ngài trên nhiều phương diện hơn là người của thế gian; và càng hữu ích hơn gấp bội phần là vị đệ tử đã bước qua cửa Điểm Đạo, và đã kết những dây nhân duyên nối liền tất cả những nhân viên của Quần Tiên Hội. Chính Linh Hồn, mới là được Điểm Đạo, còn tuổi tác của cái xác thân mà nó khoác lấy trong một thời gian nhất định, không phải là điều quan trọng.

Trong tất cả những trường hợp khi những vị thanh thiếu niên được Điểm Đạo, thì những nhân viên cao niên của Quần Tiên Hội sống ở gần họ hoặc tiếp xúc với họ ở thế gian, bằng thể xác phàm trần, đều lãnh nhiệm vụ giúp đỡ và dìu dắt họ. Điều này rất cần thiết, vì cái trách nhiệm lớn lao mà cuộc Điểm Đạo, đem đến cho người đệ tử cùng với sự mở rộng tâm thức và tăng gia quyền năng.

Một hành động sai lầm hay một bước vấp ngã của một vị đệ tử được Điểm Đạo, sẽ mang đến những nghiệp quả nặng nề hơn là những hành động tương tự của một người chưa gia nhập vào Quần Tiên Hội. Bởi đó, thiết tưởng nên nêu ra dưới đây một vài chỉ thị cho những thanh thiếu niên đó.

Mỗi người đều nên nhớ rằng y được Điểm Đạo bởi vì trong những tiền kiếp của y, hoặc trong kiếp này, y đã giúp đỡ thế gian đến một mực độ khả quan, và người ta hy vọng rằng y sẽ tiếp tục con đường phụng sự đó để trở nên một kinh vận hà rộng lớn hơn cho thần lực của Thượng Đế. Chính bởi vì y có khả năng trở nên hữu ích nhiều hơn cho nhân loại, mà y được Điểm Đạo, và trong cuộc lễ y cam kết hiến dâng cuộc đời để phụng sự và ban hạnh phúc ân huệ cho kẻ khác, cũng như đức Thượng Đế vẫn luôn luôn ban rải lòng Bác Ái vô biên của Ngài cho thế gian. Bởi đó, y nên giữ lời cam kết đó luôn luôn từng giờ từng phút và tất cả mọi sự đều phải lệ thuộc vào đó. Nghiệp quả của y trong những tiền kiếp đưa đến cho y những tánh chất và đặc điểm riêng tư khác nhau; y phải luôn luôn giữ gìn kẻo những điều này làm cho y nghĩ đến hạnh phúc riêng mình, thay vì nghĩ đến hạnh phúc của toàn thể nhân loại.

Trước khi y có thể bắt tay vào công việc phụng sự, người Đạo Đồ trẻ tuổi thường phải tự chuẩn bị bằng một sự học vấn thông thường ở những trường Trung Học hoặc Đại Học. Trong trường hợp này, y sẽ bị lôi cuốn trong những ngành hoạt động của thế gian và những thú vui ích kỷ. Cuộc đời đem đến cho y nhiều sự cám dỗ, và nhiều cơ hội làm cho y quên mất lời cam kết đối với Hội Quần Tiên. Trải qua tất cả những cơ hội này, y phải có một thái độ rõ ràng nhất định, rằng y đã giao tất cả vận mạng của mình cho những mục đích của Quần Tiên Hội. Trong mọi cuộc sinh hoạt của y ở thế gian, trong bất cứ một dịp nào dù là học tập, chơi bời hay giải trí, y phải nhất định nuôi trong trí một tư tưởng này: "Điều mà tôi sắp làm đây có làm cho tôi được hữu dụng hơn trong công việc của đức Thầy, hoặc trở nên một khí cụ hữu hiệu hơn để ban rải tình thương và hạnh phúc cho nhân loại chăng?"

Y phải luôn luôn nhớ rằng Quần Tiên Hội có quyền ưu tiên đối với công việc phụng sự của y, và y đừng bao giờ tự đặt mình ở một hoàn cảnh nào, khiến cho y không thể thi hành nhiệm vụ đối với cơ quan ấy. Không phải là y nhứt định phải sống cuộc đời của một người ẩn sĩ, nhưng trong khi y sống cuộc đời ở ngoài xã hội, nó giúp cho y cái cơ hội tiến hóa mà y cần dùng, y phải luôn luôn coi chừng xem cuộc đời ấy có làm cho y trở nên một khí cụ hữu hiệu hơn hay không, cho công việc phụng sự Thiên Cơ. Từ đó trở đi, bất cứ một kinh nghiệm nào xảy đến cho y, dầu là vô hại hay tốt lành đến đâu, mà không thể làm cho y trở nên một đường vận hà tốt đẹp hơn cho thần lực của đức Thượng Đế, hoặc đưa đến cho y một cơ hội phụng sự, thì đó cũng chỉ là vô giá trị và làm mất thời giờ. Y phải cố gắng nắm lấy mọi cơ hội phụng sự mà y nhìn thấy, và học hỏi những điều gì có thể giúp cho y được hữu ích hơn.

Khi người đệ tử được Điểm Đạo và trở nên một nhân viên của Quần Tiên Hội, y cũng trở nên một huynh đệ của tất cả mọi người, với một ý nghĩa rộng lớn hơn và đặc biệt hơn trước. Điều này không có nghĩa là y phải chỉ huy cuộc đời của họ, và dìu dắt họ bằng sự chỉ trích phê bình. Vai trò của y ở thế gian không phải là nhà phê bình mà là khuyến khích, nhưng nếu y thấy cần phải đưa ra một đề nghị nào, y phải đưa ra một cách rất cẩn thận và có lễ độ. Thế gian không thấy được những đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội, vì vậy họ sẽ xét đoán cơ quan này qua những người đệ tử còn trẻ tuổi mà họ có thể tiếp xúc. Đó chính là ý nghĩa của câu nói trong bài diễn từ đọc trong cuộc lễ Điểm Đạo, nói rằng người tân Đạo Đồ nắm danh dự của Quần Tiên Hội trong tay của y.

Bổn phận của người tân Đạo Đồ là ban rải ân huệ và lòng Bác Ái, để cho bất cứ chỗ nào mà y đi đến đều được vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn vì sự hiện diện của y. Bởi đó y phải luôn luôn chuyển hướng ra ngoài. Từ nay về sau, sự xét đoán của thế gian về những hành động của y như thế nào không phải là điều quan trọng, mà chỉ có sự xét đoán của Quần Tiên Hội mới là điều quan trọng mà thôi. Dầu y có được thế gian trọng vọng hay là chê bai, điều đó không sao cả, nếu ở tất cả mọi trường hợp xử thế, y vẫn luôn luôn trung thành với những lý tưởng của y. Một vài đấng Cao Cả trong Quần Tiên Hội có thể muốn xử dụng y bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào, và đôi khi y không hay biết chi về việc ấy, nhưng y không thể được xử dụng nếu vào lúc mà Bề Trên cần dùng đến y, thì các Ngài lại thấy y đang băn khoăn thắc mắc về những việc ích kỷ riêng tư của mình, chớ không đưa tư tưởng ra ngoài để nghĩ đến việc giúp đỡ thế gian.

Điều cần thiết nhứt cho y là lập hạnh bằng cách nào để cho khi Chân Sư nhìn vào y, thì Ngài sẽ thấy y đang nghĩ đến hạnh phúc của nhân loại, chớ không lo nghĩ rằng cuộc đời thế gian đem đến cho y hạnh phúc hay đau khổ.

#49 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/10/2011 - 00:15

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

CHƯƠNG VIII

CÁC CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHÌ VÀ THỨ BA

QUẢ VỊ TU ĐÀ HÀM (Sakridagamin) và A NA HÀM (Anagami)

BA ĐIỀU CHƯỚNG NGẠI ĐẦU TIÊN

Người thí sinh vượt qua cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, đã vĩnh viễn bước vào đường Đạo thật sự, con đường này đưa đến quả vị Chơn Tiên, tức là giai đoạn cuối cùng đưa y thoát ra khỏi kiếp làm người để bước vào đời sống Siêu Nhân Loại. Nhìn vào con đường này từ bậc dưới thấp, người ta có thể ngạc nhiên mà thấy người thí sinh không bị kiệt sức sau khi đã trải qua những công phu nhọc nhằn đưa y đến cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và cũng không ngã lòng hay chán nản trước những đảnh núi cao vót dựng lên trước mặt y trên con đường Đạo gay go hiểm trở mà y còn phải vượt qua. Nhưng người thí sinh đã hòa mình với sự sống thiêng liêng và sức mạnh của y nay đã tăng lên gấp mười. Đó là nhờ bởi cõi lòng y được tinh khiết, và sự tốt đẹp huy hoàng của một nhân loại lý tưởng, càng ngày càng hiển hiện rõ rệt đối với y có một sự hấp dẫn và một sự cảm hứng dồi dào mà không một thú vui vật chất nào ở trần gian có thể sánh kịp. Cuộc Điểm Đạo thứ nhì kết thúc giai đoạn đầu trên đường Đạo của người thí sinh. Muốn được hai lần Điểm Đạo, y phải dứt bỏ ba điều chướng ngại sau đây:

1. Sakkayaditthi. tức là ảo tưởng về bản ngã.

2. Vichikicchehha. tức là sự nghi ngờ.

3. Silabbataparamasa. tức là sự mê tín.

Chướng ngại thứ nhứt là cái ý thức của bản ngã cho rằng: "Tôi là tôi" nó chỉ là một điều ảo tưởng thuộc về phàm nhơn, và phải được loại trừ ở ngay bước đầu của con đường tiến hóa thật sự. Nhưng dứt bỏ điều chướng ngại đó còn ngụ ý rằng: Người thí sinh phải nhận định rằng cái Chơn tánh của con Người vốn là Một với tất cả, và bởi đó y không thể có những thích thú riêng tư nào trái ngược với những thích thú của những kẻ đồng loại, y chỉ thật sự tiến hóa khi nào y giúp đỡ sự tiến hóa của kẻ khác.

Còn điều chướng ngại thứ hai, thì thiết tưởng cần phải nói rõ vài lời. Những người được hấp thụ văn hóa và tư tưởng của người Âu thường quen thuộc với cái ý nghĩ sai lầm rằng những tín đồ của mọi tôn giáo, đạo giáo hay môn phái, đều phải có một đức tin mù quáng và tuân theo một cách triệt để, không bàn cãi hay biện luận, những tín điều của các tôn giáo đó. Bởi đó, khi họ nghe nói rằng trong khoa Huyền Môn, sự nghi ngờ là một chướng ngại cho sự tiến bộ, thì họ có thể nghĩ rằng trên đường Đạo, có lẽ người thí sinh cũng bị bắt buộc phải có một đức tin mù quáng, giống như những sự mê tín của thời buổi hiện đại. Đó là một điều lầm lạc rất lớn.

Quả thật sự nghi ngờ về một vài vấn đề, là một trở ngại cho sự tiến bộ về tinh thần, nhưng phương thuốc trị sự nghi ngờ đó không phải là đức tin mù quáng (vì chính điều này cũng là một chướng ngại), mà là một sự quả quyết chắc chắn căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân, hay trên sự suy luận bằng lý trí. Khi một đứa học trò nghi ngờ sự đúng đắn của bàn toán cửu chương, thì nó không thể nào học giỏi về khoa Đại số; nhưng sự nghi ngờ của nó chỉ có thể được giải quyết một cách mỹ mãn bằng sự hiểu biết, căn cứ trên sự suy luận và thí nghiệm, rằng bàn cửu chương là đúng. Nó tin rằng: hai nhân cho hai là bốn, không phải vì người ta nói với nó như vậy, nhưng vì điều ấy đối với nó đã trở nên một sự thật hiển nhiên. Và đó chính là phương pháp duy nhất để giải quyết sự nghi ngờ theo ý nghĩa của khoa Huyền Môn.

Danh từ Vichikichchha được định nghĩa như là nghi ngờ những giáo lý về Nhân quả và Luân Hồi, và nghi ngờ sự hiệu quả của phương pháp đưa đến mức Toàn Thiện, tức là con đường Chánh Đạo vậy. Nhưng sự hiểu biết những vấn đề này cũng làm cho ta nhận thức một cách rõ ràng rằng cõi thế gian là một trường học thiêng liêng, rằng Thiên Cơ là sự tiến hóa của sự Sống trường tồn bất diệt xuyên qua những hình thể hữu hoại, và Cơ Trời là một cái gì tốt đẹp và huy hoàng vô cùng.

Nhờ dứt bỏ điều chướng ngại thứ nhì, người Đạo Đồ có được sự quả quyết chắc chắn, căn cứ trên sự hiểu biết cá nhân hoặc sự suy luận rằng giáo lý của Huyền Môn về những điểm nói trên là đúng.

Điều chướng ngại thứ ba, sự dị đoan mê tín, được miêu tả như là gồm tất cả mọi sự tin tưởng mù quáng hoặc sai lầm, và sự tin tưởng rằng những nghi thức, lễ bái bề ngoài là cần thiết cho sự tu tâm luyện tánh. Người Đạo Đồ thấy rằng tất cả những phương tiện giúp đỡ mà những tôn giáo lớn đưa ra, như là sự cầu nguyện, lễ bái, hành hương, nhịn đói, và bao nhiêu những nghi thức cúng tế khác, đều chỉ là những phương tiện "giúp đỡ" bề ngoài mà thôi, chớ không có gì khác hơn.

Người khôn ngoan sẽ áp dụng những phương tiện hoặc nghi thức nào mà y thấy rằng hữu ích, nhưng sẽ không bao giờ tin tưởng rằng những nghi thức bề ngoài đó sẽ đủ sức giúp cho y được giải thoát. Người ấy biết chắc chắn rằng sự giải thoát chỉ có thể đạt tới được do nội tâm, và mặc dầu những phương tiện giúp đỡ bề ngoài có thể là rất hữu ích để phát triển ý chí, Minh Triết và Bác Ái, nhưng chúng không thể thay thế cho sự tự lực công phu cố gắng, nhờ đó người hành giả mới đi đến mục đích. Người dứt bỏ được điều chướng ngại này, sẽ nhận thấy rằng không có một hình thức tôn giáo nào là cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng với bất cứ một tôn giáo nào, và thậm chí ở ngoài vòng tôn giáo, người ta cũng có thể tìm thấy con đường Đạo đưa đến mục đích.

Ba điều chướng ngại này đều có liên lạc chặt chẽ với nhau. Khi người ta đã hiểu rõ sự khác biệt giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn, thì người ta có thể hiểu được sự thật về vấn đề Luân Hồi, và giải tán mọi sự nghi ngờ về vấn đề này. Kế đó, sự hiểu biết về tính cách trường tồn bất diệt của linh hồn, sẽ làm cho người ta tin tưởng nơi sức mạnh linh hồn của chính mình, và dẹp tan mọi điều dị đoan mê tín.

Mỗi giai đoạn trên đường Đạo đều chia làm bốn thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhứt là Maggo, hay phương tiện, trong khi đó người học Đạo cố gắng loại trừ những chướng ngại. Thời kỳ thứ hai là Phala, hay kết quả, trong khi đó người học Đạo thấy rằng những cố gắng của y càng ngày càng đem lại kết quả. Thời kỳ thứ ba là Bhavagga, hay viên mãn, trong khi đó mọi kết quả đã thành tựu một cách trọn vẹn, người học Đạo có thể thực hiện một cách mỹ mãn công việc thuộc về thời kỳ phát triển hiện tại của y. Thời kỳ thứ tư là Gotrabhu, nghĩa là thời kỳ mà y đạt tới một trạng thái có thể trải qua cuộc Điểm Đạo kế tiếp.

Để trở nên một vị Gotrabhu, người học Đạo tuyệt đối cần phải diệt trừ những chướng ngại thuộc về giai đoạn của y trên đường Đạo. Trước khi một người có thể qua cuộc Điểm Đạo thứ nhì, vị Điểm Đạo do đức Ngọc Đế chọn lựa đòi hỏi những bằng chứng, về việc người ấy đã xử dụng cách nào những quyền năng mà y đã thâu thập trong cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và một điều tốt đẹp trong cuộc lễ, là khi những người đã từng được người thí sinh giúp đỡ, tiến lên để chứng minh điều đó. Một điều kiện bắt buộc trong cuộc Điểm Đạo này, là người thí sinh phải có phát triển quyền năng hoạt động tự do trong Thể Trí của y, vì cuộc lễ Điểm Đạo thứ nhứt diễn ra trên cõi Trung Giới, còn cuộc lễ Điểm Đạo thứ nhì diễn ra trên cõi Hạ Thiên.

Điều đó có lẽ khó dung hòa với điều người ta nói rằng, những cuộc Điểm Đạo thường diễn ra trong một gian phòng hay một khu vườn, nhưng sự thực đúng như vậy. Nếu cuộc Điểm Đạo do đức Di Lặc Bồ Tát làm Chủ Lễ, thì cuộc lễ thường được cử hành nơi khu vườn hoặc trong gian phòng lớn của Ngài. Chính Ngài dự cuộc lễ trong Thể Xác của Ngài, và trong nhiều trường hợp đức Bàn Cổ Vaivasvata cũng làm y như vậy, vì Ngài ở gần đó. Tất cả những vị khác có mặt thường đến bằng Thể Vía trong những cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, và bằng Thể Trí nếu là cuộc Điểm Đạo thứ nhì. Những đấng Cao Cả tham dự cuộc lễ đặt Tâm Thức của các Ngài một cách dễ dàng vào bất cứ cõi giới nào khi cần thiết, nhưng vì mọi sự vật ở cõi Trần đều có một sự phản ảnh rõ rệt trên các cõi Trung Giới và Thượng Giới, cho nên những sự miêu tả như trên đều là hoàn toàn đúng sự thật.

#50 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/10/2011 - 00:33

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

MỘT CUỘC ĐIỂM ĐẠO THỨ NHÌ

(Chứng quả Tu Đa Hàm: Sakridagami)

Chúng tôi được tin cho biết sẽ có một cuộc hội họp lớn của các đấng Chân Sư tại nhà của đức Di Lặc Bồ Tát vào đêm trăng rằm, và thừa dip này, sẽ có một cuộc thâu nhận vài thí sinh vào cuộc Điểm Đạo "Tu Đà Hàm" sau khi đó. Chân Sư Morya muốn rằng những vị đỡ đầu cho những thí sinh trẻ tuổi này hãy đến gặp Ngài trước mười giờ tối.

Tối hôm đó, nhiều huynh đệ từ Ấn Độ đến đã thấy lảng vảng chung quanh, và khi những thí sinh cùng những vị đỡ đầu đến nhà đức Chân Sư Kuthumi, thì họ đi theo sau một cách kín đáo và đợi chờ một cách kính cẩn ở gần nơi đó. Sau khi họ đã đến nhà được một lát, thì đức Chân Sư Morya bước vào. Hai vị Chân Sư liền đến nhà đức Di Lặc ngay sau đó, còn những vị đệ tử đi theo và đứng ở ngoài vườn trong khi hai vị Chân Sư vào trong nhà.

Khu vườn này ở trên sườn phía Nam dãy Hy mã lạp sơn, nhìn xuống những vùng đồng bằng bao la của sứ Ấn Độ xa tận chân trời. Vườn có bóng rợp che và giáp với một cụm rừng thông ở bên tay mặt. Bên kia cụm rừng về phía Đông có một ngôi nhà bằng đá rất cổ, với một hàng ba rộng và nhiều cột, tức là nhà của đức Bàn Cổ Vaivasvata. Khu vườn của đức Di Lặc đêm ấy ánh sáng trăng rằm tỏa xuống soi khắp các khóm hoa, và chiếu sáng trên mặt ghế cẩm thạch dưới gốc cây đại thọ, là nơi an tọa thường ngày của đức Di Lặc, và cũng là nơi Ngài ngồi trong dịp họp đêm nay. Các đấng Chân Sư ngồi chung quanh Ngài theo một vòng bán nguyệt trên chiếc bao lơn đầy cỏ mọc ngay phía dưới chỗ Ngài ngồi.

Đứng trên bao lơn, một bực thấp hơn nữa, là hai vị thí sinh giữa hai đấng Chân Sư giới thiệu họ là Chân Sư Kuthumi và Chân Sư Djwal Kul. Ở phía sau những vị này là những vị đỡ đầu cho người thí sinh trẻ tuổi ỡ cõi hạ giới. Đức Bàn Cổ ngồi hơi lui về phía sau ở bên tay mặt đức Di Lặc Bồ Tát, và ở phía trên hai Ngài chiếu diệu hình ảnh Phật Thích Ca. Trong kiếp cuối cùng của Đức Phật ở thế gian, Ngài đã từng nhận ở hai người thí sinh này "lời nguyện thiêng liêng bất diệt" và bây giờ Ngài ban ân huệ thiêng liêng của Ngài cho họ trong dịp tiến bước lên một quả vị mới. Gần bên Ngài là Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan), vị chủ tể của Năm Cung, và ở chính giữa hai Ngài và hơi ở phía trên một chút, lát nữa sẽ chiếu sáng Ngôi Sao của đấng Điểm Đạo Độc Tôn, tức là đức Ngọc Đế, Chủ tể của Quần Tiên Hội, đễ đáp lại lời thỉnh nguyện của đức Bồ Tát. Đó là cái bối cảnh long trọng và huy hoàng của cuộc lễ Điểm Đạo.

Chân Sư Kuthumi và Chân Sư Djwal kul dắt hai vị thí sinh tiến lên một bước, và đức Bồ Tát hỏi rằng:

-"Những người này là ai mà các vị đưa đến đây như vậy?"

Chân Sư Kuthumi đáp:

-"Đây là hai sư đệ, sau khi đã dứt bỏ những chướng ngại cách biệt bản ngã, nghi ngờ và dị đoan và đã lập nhiều công quả, nay muốn được chứng quả vị Tu Đà Hàm (Sakridagamin). Tôi xin giới thiệu họ như những vị Gotraghu".

Đức Di Lặc hỏi:

-"Các vị sẽ tiếp tục dìu dắt những sư đệ này trên đường Đạo mà họ sẽ bước vào chăng?"

Chân Sư đáp:

-"Tôi sẽ tiếp tục".

Đức Di-Lặc nói:

-"Luật lệ của chúng ta bắt buộc phải có hai vị Sư Huynh cao cấp bảo đảm cho mỗi thí sinh trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì. Vậy có Sư Huynh nào khác ủng hộ lời thỉnh cầu của họ chăng?"

Chân Sư Djwal kul đáp:

-"Tôi xin bảo đảm".

Đức Di Lặc quay về phía những người đỡ đầu và nói:

-"Còn các vị, với tư cách là hai Sư Huynh sống ở ngoài thế gian, đã đảm nhiệm coi sóc cho người thí sinh trẻ tuổi. Các vị đã có kinh nghiệm trong chức vụ đỡ đầu. Vậy trong khi thể xác của thí sinh này còn non nớt và trẻ tuổi, các vị có sẵn lòng tiếp tục đỡ đầu cho y và giúp đỡ y trên đường Đạo chăng?"

Hai vị đỡ đầu trả lời:

-"Chúng tôi sẵn lòng".

Đức Di Lặc hỏi:

-"Các vị đối với y có đủ tình thương để cho công việc đỡ đầu được dễ dàng và tốt đẹp chăng?".

Hai vị đáp:

-"Tình thương của chúng tôi đối với y hiện nay còn sâu đậm hơn là lúc ban đầu. Y rất dễ dạy và ham học hỏi".

Đức Di Lặc nói với người thí sinh trẻ tuổi:

-"Còn về phần con, con có thương yêu hai vị Sư Huynh này, và tiếp tục chịu sự hướng dẫn của hai vị một cách tuyệt đối chăng?"

Người thí sinh đáp:

-"Con xin vui lòng, vì con thương yêu cả hai Sư Huynh con và biết ơn cả hai vị đã dìu dắt co trên đường Đạo".

Đức Di Lặc nói với hai thí sinh:

-"Vậy hai con muốn được chứng quả vị Tu Đà Hàm phải chăng?"

Hai người đáp:

-"Chúng con muốn như vậy, nếu chúng con có đủ sức".

Đức Bồ Tát nói:

-"Theo luật lệ của Quần tiên Hội từ ngàn xưa, những thí sinh Điểm Đạo phải trả lời các câu hỏi về việc họ đã xử dụng như thế nào những quyền năng ban bố cho họ. Có ai làm chứng về những việc làm của hai thí sinh này kể từ khi họ đứng tại đây lần trước và được thâu nhận vào Quần Tiên Hội? Họ đã làm những gì để truyền bá Đạo lý? Ai là những người đã được họ giúp đỡ?"

Những lời nói nghiêm chỉnh đó vang rền chung quanh như những tiếng kêu gọi. Một đám người làm chứng từ bốn phía tiến lên rất đông, và đứng trong im lặng, họ nhìn hai người thí sinh đứng ở giữa với những cặp mắt trìu mến và biết ơn. Chân Sư Kuthumi nói:

-"Đây là những người từ nhiều xứ và nhiều địa phương khác nhau, đã nhờ hai đệ tử của tôi đem đến cho họ ánh sáng Chân lý, sức mạnh và sự an ủi. Người đệ tử lớn này đã truyền bá giáo lý của tôi cho hằng ngàn người, và đã hoạt động không ngừng để đem ánh sáng cho những kẻ tối tăm; và những người này hiện có mặt nơi đây để làm chứng. Y cũng có viết một quyển sách và nhiều bài vở, và đó là bằng chứng việc làm của y để phụng sự kẻ khác. Còn người đệ tử nhỏ của tôi. Chân Sư mỉm cười một cách dịu dàng - hãy còn ở trong một Thể Xác quá trẻ để có thể hoạt động; nhưng y đã có viết một quyển sách nhỏ để truyền bá giáo lý mà tôi đã dạy y; có hằng muôn người coi y như người dìu dắt hướng dẫn họ đến gần chúng ta, và họ cũng đang có mặt tại đây để làm chứng".

Có nhiều giọng hô to:

-"Chúng tôi làm chứng".

Và không khí có vẻ như chuyển âm thanh vang rền của hằng bao nhiêu giọng nói cùng một lúc. Đức Bồ Tát mỉm cười một cách rất ngọt ngào không thể tả trong khi Ngài, với tư cách là đấng Cứu Thế, nghe những câu trả lời đáp lại lời kêu gọi của Ngài lúc nãy.

Kế đó, người đỡ đầu thứ nhứt nói:

-"Tôi xin làm chứng cho người lớn tuổi hơn trong hai người thí sinh này. Trong những thời kỳ khủng hoảng, y đã giữ vững lòng trung kiên đối với đức Thầy và đối với tôi. Y cũng đã tận dụng mọi quyền năng của y để phụng sự kẻ khác một cách bền lòng và vị tha. Còn đối với người thí sinh trẻ tuổi hơn, tôi xin chứng minh rằng y luôn luôn tìm cách giúp đỡ người khác một cách khéo léo, và ban rải tình thương, nó làm cho sự có mặt của y là một nguồn ân huệ cho người chung quanh. Mọi người đều biết giá trị của quyển sách nhỏ quý vô giá của y".

Người đỡ đầu thứ nhì cũng ủng hộ hai người thí sinh bằng những lời lẽ như sau:

-"Tôi cũng chứng minh thêm cho hai vị thí sinh này. Người lớn tuổi hơn đã từng giúp đỡ tôi trong công việc một cách trung thành, tận tụy và hy sinh. Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng y đã đem đến nguồn cảm hứng và ánh sáng cho cuộc đời của họ. Còn về người thiếu niên này, tôi xin chứng minh rằng y đã đem đến một nguồn cảm hứng dồi dào về tình thương và lòng sùng tín cho những hội viên ở Adyar và Bénarès, và đem đến một sự thay đổi trong cuộc đời của họ. Tôi cũng có nhận được nhiều thơ từ của những người mộ Đạo, nói rằng họ nhờ đọc quyển sách của y mà có một quan niệm mới về cuộc đời".

Chân Sư Kuthumi kêu gọi trong đám đông những người đã học hỏi và hiểu biết Chân Lý nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của mỗi vị thí sinh này. Nhiều người tiến lên và nhìn nhận sự giúp đỡ mà họ đã thụ lãnh, mỗi người đã nói lên những gì họ cảm thấy trong lòng; và nhiều người nói rằng quyển "Dưới Chân Thầy" đã đem đến cho họ một quan niệm mới về cuộc đời. Những người đã được giúp đỡ, nhưng không thể đến dự cuộc lễ vì họ còn thức giấc và mắc bận công việc ở thế gian, được thay mặt bởi những chiếc hình nộm do Chân Sư tạo ra; và mặc dầu những hình nộm đó không thể nói năng hoặc cử động, nhưng nó có thể chuyển một phần nào cái ảnh hưởng tốt đẹp huy hoàng của cuộc lễ đến cho đương sự. Kế đó, đám đông rút lui dần, trong khi cuộc lễ vẫn tiến hành.

Đức Bồ Tát lúc ấy mới mở lời với các thí sinh, Ngài khen ngợi công quả của họ đã làm, và bày tỏ hy vọng rằng những quyền năng mới từ nay được ban cho họ, sẽ được xử dụng một cách mỹ mãn cũng như trước đây họ đã từng xử dụng những quyền năng đã có. Ngài nói tiếp:

-"Các con đã vĩnh viễn loại trừ ba thứ chướng ngại nó trói buộc người thế gian ở cõi Trần, từ nay các con hãy dùng sự giải thoát của chính mình, để làm giảm bớt sự phiền não của chúng sinh do nơi ba thứ chướng ngại đó gây ra. Các con đã kinh nghiệm một cách chắc chắn rằng, ý thức về bản ngã là một ảo tưởng. Từ nay các con hãy làm cho sự quả quyết đó thấm nhuần tới các hạ thể, để cho các con sẽ không còn có một hành động hay tư tưởng nào thuộc về bản ngã, mà trái lại mọi việc làm đều phải phù hợp với cái đại ngã duy nhất, nó xuyên qua tất cả chúng sinh. Vậy các con có cố gắng thực hiện điều đó hay chăng, cho đến lúc thành công?"

Hai vị thí sinh đáp:

-"Con sẽ cố gắng".

Đức Di Lặc nói:

-"Các con đã diệt trừ chướng ngại nghi ngờ, các con đã biết chắc chắn rằng sự tiến hóa là một điều có thật, và phương pháp tiến hóa của vạn vật là luôn luôn giáng xuống cõi vật chất, dưới sự cai quản của luật thừa trừ. Các con phải xử dụng những quyền năng sẽ ban bố cho các con để giúp cho kẻ khác cũng diệt trừ sự nghi ngờ, để cho họ cũng được chia sớt sự hiểu biết như các con. Vậy các con sẽ dùng những quyền năng đó để giúp đỡ kẻ khác hay chăng?"

Hai người thí sinh đáp:

-"Con sẽ vui lòng làm như vậy".

Đức Di Lặc nói tiếp:

-"Các con đã vượt qua chướng ngại dị đoan. Các con biết rằng người ta có thể tìm thấy ánh sáng trong bất cứ tôn giáo nào. Các con biết rằng những nghi thức lễ bái không có một chân giá trị nào, và tất cả những gì thực hiện do sự lễ bái nghi thức, đều có thể làm được bằng sự hiểu biết và ý chí. Trên hết, các con đã dứt bỏ sự tin tưởng dị đoan nơi một Thần quyền tàn bạo cầm quyền sinh sát trong Vũ trụ, các con biết rằng tất cả mọi loài đều sinh hoạt trong một tình Bác Ái đại đồng, và chính cái tình Bác Ái bao la đó là cái giáo điều mà các con phải phổ biến khắp trên thế gian. vậy các con có tìm cách phổ biến tình Bác Ái đại đồng để dẹp bớt sự tối tăm u ám trên thế gian chăng?"

Hai người thí sinh đáp:

-"Chúng con xin vâng lời dạy".

Đức Di Lặc nói tiếp:

-"Các con chớ quên rằng không có sự tối tăm u ám nào khác hơn là sự tối tăm gây nên bởi vô minh và ảo tưởng. Có câu nói rằng: "Mỗi một ân huệ toàn hảo là từ trên ban xuống, do nơi đấng Cha Lành tuyệt đối. Đấng Thiêng Liêng vốn là Ánh Sáng nơi đó không có sự tối tăm, nhưng con người không chịu hướng về Ánh Sáng của Ngài, mà lầm lũi đi trong bóng tối của chính họ, rồi kêu rằng đâu cũng là hắc ám".

Kế đó những thí sinh phải trải qua một vài điều thử thách về công việc trên cõi Thượng Giới. Họ phải quan sát những nhân vật trên cõi Thượng Giới, chẳng hạn như những nhân vật sẽ được giao cho họ săn sóc về sau này, và đức Bồ Tát hỏi họ sẽ làm thế nào để giúp đỡ họ trong mỗi trường hợp. Một trường hợp đó là của một người tu sĩ thời Trung Cổ, tuy có lòng sùng Đạo chân thành, nhưng lại có những ý tưởng vô cùng chật hẹp về Thượng Đế, về các Thánh và Giáo hội, và đức Bồ Tát chất vấn họ sẽ làm gì để giúp đỡ người tu sĩ ấy?

Tất cả những gì xảy ra trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì đều diễn ra trên cõi Thượng Giới, và tất cả những nhân vật đều hoạt động trong Thể Trí của họ, chớ không phải trong Thể giả tạo (Mayavirupa) mà họ thường dùng trên cõi Trung Giới. Sau cuộc thử thách này, và sau khi những thí sinh đã giải đáp những câu hỏi một cách mỹ mãn, họ được đưa đến đức Di Lặc và quỳ trước mặt Ngài. Ngài đứng dậy, và quay về hướng Shamballa, Ngài hô to:

-"Ôi! Đức Ngọc Đế của Ánh Sáng, Sự Sống và Huy Hoàng, nhân danh Ngài, tôi nên nhận hai vị thí sinh này chăng?"

Khi đó trên đầu Ngài chiếu rạng Ngôi Sao Sáng, biểu hiện sự chấp thuận của Đấng Điểm Đạo Độc tôn, và gương mặt của đức Phật Gautama chiếu sáng rạng ngời, trong khi Ngài đưa tay mặt lên để ban ân huệ. Đức Văn Minh Đại Đế (Mahachohan) cũng đứng dậy để ban ân huệ của Ngài, trong khi đức Bồ Tát đặt hai bàn tay của Ngài trên đầu mỗi vị thí sinh, và tất cả đều cúi đầu rạp xuống một cách kính cẩn trước các đấng Cao Cả. Kế đó thảy đều im lặng.

Trong sự im lặng đó, cái Chìa Khóa Hiểu Biết được ban cho các thí sinh. Đức Bồ Tát phóng ra, từ hai thể Hạ Trí và Thượng Trí của Ngài, những tia thần lực, làm kích động những Thể tương đương của hai người thí sinh, và làm cho những mầm đức tánh và quyền năng của họ thình lình được nẩy nở một cách tốt đẹp. Giống như một cái búp non, được ánh sáng Mặt Trời làm nẩy nở thành cái hoa, những Thể hạ Trí và Thượng Trí của họ thình lình biểu lộ những quyền năng tiềm tàng một cách rất tốt đẹp. Xuyên qua những quyền năng nẩy nở đó, trức giác có thể biểu lộ tự do, và quyền năng mới này bắt đầu hoạt động. kế đó đức Di Lặc nói:

-"Bây giờ các con hãy thâu nhận quyền năng mới mà Ta ban cho các con, và hãy hoàn toàn tin tưởng nơi đó. Các con hãy tập cho các Hạ Thể của các con được vào khuôn khổ trật tự và nhậy cảm, để cho quyền năng ấy có thể đi xuyên qua đến bộ óc và hướng dẫn cách xử thế của các con cho khỏi lầm đường lạc lối. Và như thế, nó cũng soi sáng con đường Đạo mà các con sẽ trải qua để chuẩn bị cho các con bước vào cuộc Điểm Đạo thứ ba".

Nói xong, Ngài ban ân huệ lần cuối cùng, và Ngôi Sao cùng với những đấng Cao Cả đều biến mất. Tất cả mọi người đều cúi rạp đầu một lần nữa, và cuộc lễ chấm dứt. Các vị Chân Sư đều rời khỏi chỗ ngồi, mỗi vị đều nói một vài lời khả ái và ban ân huệ cho hai người mới được Điểm Đạo. Chân Sư Kuthumi cũng nói ít lời ủy lạo đám đông đến chứng kiến, những người này đã rút lui ra phía sau như đã nói trên, nhưng bây giờ được phép lại gần để giã từ những ngưới lãnh đạo của họ. Hai vị này, nhờ sự hiểu biết mới vừa được ban bố thêm, cũng nói một vài lời khuyên nhủ với đám người kia, và ban ân huệ cho họ trước khi từ giã.

#51 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/10/2011 - 23:24

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

Cuộc Điểm Đạo thứ nhì giúp cho người đệ tử tiếp tục mở Trí một cách mau chóng. Ở giai đoạn này, người đệ tử tập xử dụng cái Thể "Ảo tưởng" (Mayavirupa), tức là một Thể Vía tạm thời tạo ra bởi một người đã hoạt động được bằng Thể Trí của y. Khi một người đi chu du trên cõi Trung Giới, thì y thường dùng Thể Vía; và nếu y cần xuất hiện ở cõi Trần trong khi y đang hoạt động bằng Thể Vía, thì y phải tạo nên một xác phàm ở ngoài Thể Vía. Phương pháp này đôi khi được áp dụng, tuy rằng nó không được phổ thông, vì nó làm tiêu hao rất nhiều sinh lực. Cũng như thế, nếu người đệ tử đang hoạt động bằng Thể Trí và muốn xuất hiện ở cõi Trung Giới, thì y phải tạo ra một Thể Vía tạm thời, gọi là "Mayavirupa" (Thể ảo tưởng hay giả tạo). Khi y đã làm xong công việc ở cõi Trung Giới, y lại trở về cõi Thượng Giới, thì Thể giả tạo đó tan rã, và những chất thanh khí mà người đệ tử đã thâu hút bằng ý chí của mình để tạo ra Thể ấy, lại trở về nguồn cội của nó là cõi Trung Giới.

Trước khi được Điểm Đạo lần thứ nhứt, người đệ tử hoạt động ban đêm trong lúc ngủ bằng Thể Vía, nhưng khi y đã hoàn toàn làm chủ được Thể Vía của mình, và xử dụng Thể Vía một cách toàn vẹn, thì y mới bắt đầu làm việc bằng Thể Trí. Đến khi Thể này cũng được hoàn toàn kiểm soát, nó là một Thể uyển chuyển hơn Thể Vía rất nhiều, và nó có thể dùng để làm được nhiều việc mà người ta không thể làm ở cõi Trung Giới. Khi người đệ tử đã có cái quyền năng tạo nên một "Thể ảo tưởng" (Mayavirupa), thì y có thể, trong khoảnh khắc, đi từ cõi Thượng Giới qua cõi Trung Giới và trở về. Y có thể sử dụng bất cứ lúc nào cái quyền năng rộng lớn và cái giác quan tế nhị hơn ở cõi Thượng Giới, và y chỉ cần tạo một Thể Vía tạm thời khi nào y muốn xuất hiện để tiếp xúc với người ở cõi Trung Giới. Như thế, trước hết y cần phải được Chân Sư chỉ dạy cách tạo nên "Thể ảo tưởng", và sau đó, y có thể tự làm lấy một mình, mặc dầu nó không phải là việc dễ làm.

Trong cuộc Điểm Đạo lần thứ hai, Thể Trí của người đệ tử phát triển và khai mở rất nhiều, nhưng thường phải đến vài năm thì ảnh hưởng của nó mới bắt đầu biểu lộ nơi bộ óc vật chất. Khi đó, thì tự nhiên bộ óc chịu một sự căng thẳng và kích thích rất mạnh, vì nó không thể trong chốc lát hòa hợp với mực độ cần thiết.

#52 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/10/2011 - 23:32

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM

Thời kỳ tu luyện sau cuộc Điểm Đạo lần thứ hai, phần nhiều là thời kỳ nguy hiểm nhứt trên đường Đạo, mặc dầu ở bất cứ giai đoạn nào trước khi bước qua cuộc Điểm Đạo thứ năm, người hành giả đều có thể bị vấp ngã, thụt lùi trở lại, hoặc bỏ phí nhiều kiếp, sống cuộc đời vô định không mục đích. Nhưng ở giai đoạn đặc biệt này, nếu người hành giả có sự yếu kém nào trong tâm tánh của mình, thì điều đó sẽ lộ ra ngoài. Một người đã tiến đến một trình độ cao như thế, thì đáng lẽ không có thể nào lại thụt lùi trở lại, nhưng sự kinh nghiệm đã cho chúng tôi thấy rằng việc ấy đôi khi cũng có xảy ra. Trong hầu hết tất cả những trường hợp như vậy, sự vấp ngã đều do tánh kiêu căng; nếu người hành giả có một chút ít sự kiêu căng nào, thì y đang đứng trước một nguy cơ có thể bị vấp ngã.

Sự kiến thức, trí tuệ mà chúng ta nói đến ở cõi Trần, chỉ là một phản ảnh của sự thật; tuy nhiên, vài người trong chúng ta lại tự hào về điều ấy, tự hào về trí tuệ và sự thấy xa hiểu rộng của mình. Bởi đó khi một người vừa thoáng thấy, dầu là một phần rất nhỏ bé, cái trạng thái trí tuệ tương lai của mình, thì đó là một sự nguy cơ rất lớn, và nếu người ấy bắt đầu đi theo chiều hướng đó, thì y sẽ rất khó mà sửa đổi lại về sau này. Chỉ có một sự đề phòng cẩn mật, và giữ mình chặt chẽ luôn luôn mới có thể giúp cho y vượt qua giai đoạn này một cách thành công, và y phải luôn luôn cố gắng diệt trừ mọi dấu vết của thói kiêu căng, ích kỷ và thành kiến.

Khi chúng ta hiểu rõ những điều này, chúng ta sẽ đột nhiên có sự sáng suốt để hiểu những đoạn trong Thánh Kinh. Giai đoạn nguy hiểm trong đời của vị Đạo Đồ được diễn tả trong Kinh Thánh, bằng câu chuyện đức Chúa Christ bị cám dỗ trong chốn hoang địa, "Bốn chục ngày trong bãi sa mạc hoang vu" tượng trưng cho thời kỳ mà sự phát triển Thể Trí của người đệ tử trong cuộc Điểm Đạo thứ nhì, ảnh hưởng đến bộ óc vật chất. Đối với người đệ tử, không phải bốn mươi ngày mà là bốn mươi năm, có thể là cần thiết để thực hiện điều đó. Trong đời của đức Jésus, đó là thời kỳ mà bộ óc của Ngài được chuẩn bị cho đấng Christ xử dụng.

Kế đó quỷ Sa Tăng tượng trưng cho tánh chất thấp hèn của con người, đến để cám dỗ người Đạo Đồ; trước hết nó thúc dục người đệ tử dùng quyền năng để thỏa mãn những sự nhu cầu của mình: "Nếu ngươi là Con của Chúa Trời, ngươi hãy làm cho những hòn đá này biến thành bánh mì". Kế đó, đức Chúa bị sự cám dỗ làm cho Ngài muốn nhảy từ nóc đền xuống đất, tức là làm phép lạ để khiếp phục quần chúng. Và sau cùng Ngài được chỉ cho thấy tất cả những giang sơn trên cõi thế gian cùng sự huy hoàng của nó, và quỷ Sa tăng nói: "Ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ này, nếu ngươi chịu khuất phục và tôn thờ ta". Nghĩa là Ngài bị cám dỗ dùng quyền năng để thỏa mãn lòng tham vọng của mình. Mỗi sự cám dỗ trên đây đây đều ám chỉ một hình thức khác nhau của thói kiêu căng vậy.

Cũng như cuộc Điểm Đạo thứ nhứt là một sự phục sinh, cuộc điểm Đạo thứ nhì có thể ví như cuộc lễ tiếp nhận thần lực của Ngôi Ba hay của Chúa Thánh Thần. Giai đoạn này Phật Giáo gọi là Tu Đà Hàm (Sakridagamin), có nghĩa là người hành giả tiến đến trình độ này, chỉ còn cần phải trở lại thế gian có một lần cuối cùng, trước khi đắc quả La Hán, tức là Điểm Đạo lần thứ tư. Sau quả vị này, người hành giả không còn đầu thai xuống thế gian nữa. Người Ấn Độ giáo gọi giai đoạn thứ hai này là Kuticchaka, tức là người cất am, có nghĩa là người đã đạt đến chỗ bằng an trong tâm hồn.

Trong giai đoạn này, người hành giả không còn phải diệt trừ điều chướng ngại nào nữa, nhưng nó thường là một thời kỳ tiến triển rất nhiều về trí huệ và tâm linh. Nếu trước đó người hành giả chưa có được những năng khiếu thần thông, thì y sẽ khai mở những năng khiếu đó trong giai đoạn này, vì nếu không có những năng khiếu đó, thì y không thể nào lãnh hội được những kiến thức mới sẽ được ban bố cho y, hoặc làm những công việc cao cả hơn để phụng sự nhân loại, mà người Đạo Đồ từ nay đã có cái hân hạnh giúp đỡ. Người ấy phải làm chủ được tâm thức của Thể Vía trong khi tỉnh giấc, và trong giấc ngủ thì cõi Thiên Giới sẽ mở rộng trước mắt y, vì tâm thức của một người trong khi ở ngoài xác thân, luôn luôn ở một mực độ cao hơn là khi y mang gánh nặng của xác phàm.

#53 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/10/2011 - 23:37

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

CUỘC ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ BA

(Chứng quả vị A Na Hàm: Anagami)

Khi người thí sinh đã vượt qua bốn giai đoạn phụ của cuộc Điểm Đạo thứ nhì, và một lần nữa lại trở nên một vị Gotrabhu, thì y sẵn sàng được Điểm Đạo lần thứ ba, để trở nên một vị "A Na Hàm" (Anagami), có nghĩa là "người không trở lại nữa", vì người ta trông đợi rằng y sẽ được vào cuộc Điểm Đạo kế tiếp trong kiếp này. Danh từ Ấn Độ giáo để chỉ giai đoạn này là Hamsa, có nghĩa là con hạc. Tục truyền rằng con hạc có thể gạn lọc chất sữa với chất nước, cũng ví như người hiền giả có thể nhận thức được chân giá trị của sự vật trong cuộc đời phù du giả tạm.

NHỮNG CHƯỚNG NGẠI THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Vị A Na Hàm, trong đời sống hoạt động hằng ngày ở thế gian, vẫn thụ hưởng được mọi sự tốt lành, nhờ có được những khả năng toàn vẹn để hoạt động ở cõi Thượng Thiên, và khi người rời khỏi xác thân lúc ban đêm trong giấc ngủ, thì người lại bước vào cái tâm thức huyền diệu của cõi Bồ Đề. Trong khi người ở vào trạng thái đó, thì người phải diệt trừ mọi tàn tích của những chướng ngại thứ tư và thứ năm, gọi là Kamaraga và patigha, nghĩa là sự ham thích khoái lạc về nhục thể (mà điển hình là tình yêu xác thịt và vật chất), và thói giận dữ hay thù ghét. Người chí nguyện phải tự giải thoát khỏi sự trói buộc của ngoại vật. Điều này không có nghĩa là y phải dửng dưng bất động trước tánh cách hấp dẫn của sự xinh đẹp mỹ lệ, tinh khiết cũng như bất động thản nhiên trước sự xấu xa, dơ bẩn; và y phải gạt bỏ chúng ra ngoài, trong công việc làm ăn hằng ngày. Điều ấy chỉ có nghĩa là y sẽ không để cho ngoại vật trở thành một yếu tố quyết định, trong khi làm việc bổn phận và y sẽ đương nhiên loại bỏ chúng một cách hoàn toàn khi nào cần thiết.

Về điểm này, chúng ta hãy coi chừng một sự hiểu lầm thường xảy ra. Tình yêu trong sạch và cao thượng của con người không bao giờ phai lạt, không bao giờ giảm sút trên con đường Huyền Môn. Trái lại, nó còn tăng trưởng và nới rộng để bao gồm tất cả mọi loài với một sự nồng nàn, mà lúc đầu người ta chỉ dành cho một hay hai người mà thôi. Nhưng trải qua thời gian, người học Đạo sẽ vượt lên trên tất cả những gì liên hệ đến cái phàm nhơn của những người chung quanh y, và như thế y sẽ tránh khỏi tất cả những sự bất công và thiên vị, mà tình yêu thường tình hay mắc phải.

Người học Đạo cũng đừng nghĩ rằng khi y nới rộng tình thương đến tất cả mọi loài, y sẽ mất cái tình riêng dành cho những người thân yêu. Sự liên lạc mật thiết khác thường giữa đức Ananda và đức Phật, cũng như giữa Thánh Jean và đấng Christ vẫn được ghi chép để chứng minh rằng: trái lại, tình thân yêu đó càng tăng trưởng hơn lên. Sợi dây nhân duyên giữa một Chân Sư và các đệ tử còn bền chặt hơn nhiều bất cứ một thứ tình nào của thế gian, vì tình thương nảy nở trên đường Đạo là một thứ tình giữa các Chơn Nhơn, chớ không phải chỉ là giữa những phàm nhơn; bởi đó, nó là một thứ tình mãnh liệt và trường cửu, không sợ bị phai mờ hay thay đổi: vì đó là tình yêu toàn vẹn, bất biến.

#54 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 20:57

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO QUYỄN II

MỤC LỤC

CHƯƠNG IX: CHƠN NHƠN

Sự cấu tạo Chơn Nhơn

Chơn Thần và Chơn Nhơn

Sự giao tiếp giữa Chơn Nhơn và Phàm nhơn

Chơn Nhơn trên cõi giới riêng của nó

Sự chú trọng của Chơn Nhơn đối với Phàm Nhơn

Thái độ của Phàm Nhơn

Thực hiện sự hợp nhứt

CHƯƠNG X: NHỮNG CUỘC ĐIỂM ĐẠO CAO HƠN

Quả vị La-Hán - Khoa biểu tượng Thiên Chúa Giáo

Niết-Bàn

Công việc của vị La-Hán

Cuộc Điểm Đạo lần thứ Năm

Các Quả vị cao hơn

Bảy con đường Siêu Nhân Loại

PHẦN THỨ TƯ

CÁC CẤP ĐẲNG THIÊN ĐÌNH

CHƯƠNG XI: CÔNG VIỆC CỦA CÁC CHÂN SƯ

Khu vực hoạt động của Chân Sư

Sự phân phối Thần Lực

Cách sử dụng lòng sùng tín

Công việc của các đệ tử

Sự thực hiện của mỗi thế kỷ

Các giống dân

Đức Chưởng Giáo lâm phàm

Chủng Chi thứ Sáu

Giống Dân chánh thứ Sáu

CHƯƠNG XII: NHỮNG VỊ ĐẾ QUÂN VÀ CÁC CUNG

Những vị Đế Quân

Bản lược đồ các Cung

Con số Bảy trong Vũ Trụ

Bảy vị Đại Tinh Quân

Bảy hạng chúng sinh trong muôn loài

Những phương pháp hành động của mỗi Cung

Những vị Đế Quân đứng đầu các Cung

Những đức tính cần phát triển

Những sự biến đổi từng chu kỳ

Cung Sùng Tín

Cung Nghi Thức

CHƯƠNG XIII: BA NGÔI VÀ NHỮNG HÌNH TAM GIÁC

Ba Ngôi của Thượng Đế

Đức Mẹ thế gian

Ba Ngôi hình tam giác

Những Quả vị và các Cung

Đổi Cung

Sự hợp nhứt hoàn toàn

CHƯƠNG XIV: MINH TRIẾT TRONG BA NGÔI

Đức Phật

Những hành động bổ khuyết

Lễ Wesak

Nơi hành lễ

Cuộc hành lễ

Ân huệ lớn nhứt

Đức Di-Lặc-Bồ-Tát

Lễ Asala

Tứ Diệu Đế

Bát Chánh Đạo

CHƯƠNG XV: QUYỀN NĂNG TRONG BA NGÔI

Đức Ngọc Đế

Những cuộc Điểm Đạo tối cao

Mục đích cuối cùng

#55 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 21:03

PHẦN THƯ BA

NHỮNG CUỘC ĐIỂM ĐẠO LỚN

(TIẾP THEO)

CHƯƠNG IX

Để hiểu một cách rõ ràng những giai đoạn trên đường Đạo, chúng ta cần phải xem xét Chơn Nhơn, xem bằng cách nào nó được thức tỉnh và xử dụng quyền năng để làm cho Phàm Nhơn được điều hòa với nó, bằng cách nào vượt lên cõi Bồ Đề và thực hiện sự hợp nhứt với tất cả mọi loài. Bản lược đồ kế bên trình bày ba luồng Sóng Sinh Hoạt của Thượng Đế trong cơ Tiến Hóa. Ở trên, ba vòng tròn tượng trưng cho ba Ngôi. Từ mỗi vòng tròn, có một đường dọc đi xuống, và gặp những đường ngang tượng trưng cho bảy cõi trong thiên nhiên. Đường dọc từ Ngôi ba đi xuống mỗi lúc càng đậm thêm để chỉ cho ta thấy bằng cách nào Ngôi Ba chuyển sinh lực vào các cõi, trước hết cấu tạo những nguyên tử của mỗi cõi, và sau đó kết nạp những nguyên tử thành các yếu tố.

Trong vật chất đã được thấm nhuần sinh lực của Ngôi Ba đó, Luồng Sinh Lực thứ Hai giáng xuống từ vòng tròn tượng trưng Ngôi Hai (Đức Chúa Con), và Sức Sống Thiêng Liêng tiềm tàng trong luồng Sinh Lực đó dùng vật chất cấu tạo một hình thể, để cho nó có thể dùng làm những lớp vỏ khoác bên ngoài đặng chuyển xuống các cõi thấp. Ở mực độ thấp nhứt của cõi vật chất, sự sống đó làm thức động Kim Thạch, và khi nó tiến hóa thêm, lần lần nó sẽ chuyển sinh lực vào loài thảo mộc, và kế đó, loài Cầm Thú. Khi nó tiến lên mực độ cao tột của loài Cầm Thú, thì xảy đến một sự thay đổi quan trọng, một yếu tồ hoàn toàn mới mẻ, đó là luồng Sinh Lực thứ Ba, xuất phát từ vòng tròn trên hết, tượng trưng cho Ngôi Thứ Nhứt gọi là Đức Chúa Cha.

Cái sức mạnh từ trước vẫn chuyền sinh lực cho mọi loài, nay đến lượt nó lại chịu tiếp nhận luồng sinh lực của Ngôi Thứ I. Luồng Sinh Lực mới này ảnh hưởng đến linh hồn của loài thú, và cấu tạo nên một Thể riêng biệt bằng chất Thượng Thanh Khí vô cùng tinh anh, đến nỗi giác quan vật chất của con người không thể cảm xúc được. Bằng cách đó, được tạo ra Chơn Nhơn con người trong Thể Thượng Trí, nó liền thâu về mình cái kết quả của tất cả những kinh nghiệm mà linh hồn con thú đã thâu nhập được trải qua những thế hệ tiến hóa dài đăng đẳng trước kia của nó. Như thế, những khả năng và đức tính của nó đã khai mở trong cái lịch trình tiến hóa đó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, không có gì mất đi đâu.

#56 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 22:53

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

CHƠN THẦN và CHƠN NHƠN

Vậy cái Luồng Sinh Lực Thứ Ba vô cùng mầu nhiệm xuất phát từ Ngôi Thứ I của Thái Dương Thượng Đế đó, là cái gì? Thật ra, đó chính là Sự Sống của Thượng Đế vậy. Và ta cũng có thể nói: Sự Sống đó cũng có ở trong hai Luồng Sinh Lực thứ Nhất và thứ Nhì. Thật đúng như vậy, nhưng hai Luồng Sinh Lực này đã giáng xuống một cách tuần tự và chậm chạp xuyên qua tất cả những cảnh giới, làm thức động vật chất đó một cách hoàn toàn chặt chẽ đến nỗi người ta không thể phân biệt và nhìn nhận được rằng đó là Sự Sống Thiêng Liêng. Trái lại Luồng Sinh Lực thứ Ba trực tiếp đi thẳng xuống từ nguồn gốc xuất phát của nó, mà không có hỗn hợp với vật chất của mỗi cảnh giới. Nó là một thứ ánh sáng trong trắng tinh anh, không bị ô nhiễm bởi bất cứ vật gì mà nó đi xuyên qua.

Mặc dầu, vì mục đích để cho được rõ ràng, dễ hiểu, bản lược đồ trên đây chỉ Luồng Sinh Lực thứ Ba như là xuất phát trực tiếp từ Thượng Đế, thật ra nó đã do Ngài hạ xuống từ lâu, và lơ lửng ở một điểm trung gian nơi Cõi thứ Nhì của Thái Dương hệ chúng ta. Khi nó lơ lửng ở cõi ấy, nó được gọi là Chơn Thần (Monad), và chúng ta có thể tưởng tượng nó như một phần tử của Thượng Đế. Một phần tử của cái Toàn Thể không thể phân chia. Nói như thế thật ra có vẻ hơi mâu thuẫn đối với cái Trí phàm tục của chúng ta, nhưng điều ấy có bao hàm một chân lý bất diệt ngoài tầm hiểu biết của con người.

Phương pháp tổng quát do đó Tinh Thần giáng xuống Vật Chất dường như lúc nào cũng giống như nhau chớ không thay đổi, mặc dầu những điều kiện khác nhau của những Cõi giới khác nhau, tự nhiên là có đưa đến nhiều sự sai biệt từng chi tiết. Chính Thượng Đế xạ xuống một điểm Chơn Thần, một mảnh rất tế vi của Ngài, ở một cõi giới thấp hơn cõi của Ngài rất xa. Lẽ tự nhiên, điều ấy là một sự giới hạn không phải nhỏ, mặc dầu nó vẫn còn cách quá xa tầm hiểu biết của chúng ta để cho ta có thể diễn tả hay lãnh hội được. Cũng y như thế, Chơn Thần tự phân ra một mảnh nhỏ của nó để tạo nên Chơn Nhơn, và trong trường hợp này cũng vậy, sự giới hạn của nó lại càng tăng thêm bội phần. Điều này cũng tái diễn một lần nữa, khi Chơn Nhơn phản ảnh một phần nhỏ của nó vào trong các Thể Trí, Thể Vía và Thể Xác của một người, cái phần nhỏ đó, chúng ta gọi là Phàm Nhơn.

Cái phần nhỏ cuối cùng này là điểm tâm thức mà những người có thần nhãn có thể nhìn thấy luân chuyển bên trong con người. Một khoa biểu tượng cho rằng người ta thấy nó như "một người bằng vàng nhỏ như ngón tay cái" ở chỗ quả tim; nhưng nhiều người thấy nó dưới hình thức một ngôi sao. Tôi luôn luôn có thể thấy nó như một ngôi sao có ánh sáng chói rạng. Người ta có thể trụ ngôi sao tâm thức đó ở chỗ nào tùy theo ý muốn, nghĩa là ở bất cứ trung tâm nào trong bảy bì huyệt chánh trong thân người. Mỗi người có thể chọn lựa một trung tâm nào tùy nơi Cung đặc biệt của họ, và cũng tùy nơi đại chủng hay chi chủng của họ. Những người thuộc Giống Dân thứ năm, phần nhiều đều trụ cái tâm thức đó ở trong óc, nơi trung tâm tùy thuộc bộ hạch óc. Tuy nhiên, có những người thuộc về những Giống Dân khác, thường trụ nơi bí huyệt ở trái tim, yết hầu hoặc nơi rún.

Ngôi Sao tâm thức đó là đại diện của Chơn Nhơn ở những Cõi hạ Giới, và khi nó biểu lộ qua những Hạ Thể của nó, thì nó gọi là Phàm Nhơn, và chính đó là cái mà chúng ta nhìn thấy ở mọi người chung quanh ta trên thế qian.

#57 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 22:56

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

SỰ GIAO TIẾP GIỮA CHƠN NHƠN VÀ PHÀM NHƠN

Nhưng tuy cái Phàm Nhơn đó là một phần của Chơn Nhơn, tuy rằng sự sinh hoạt và quyền năng của nó cũng là Sự Sống và Quyền Năng của Chơn Nhơn, nhưng nó thường hay quên điều đó, và tự coi như là một cái gì hoàn toàn riêng biệt, và chỉ hoạt động cho mục đích riêng của mình. Nó luôn luôn có một đường thông thương với Chơn Nhơn (chữ Phạn gọi là Antahkarana)nhưng nó không hay cố gắng xử dụng đường thông thương đó. Trong trường hợp những người thường, không bao giờ học hỏi về những vấn đề này, thì Phàm Nhơn hoàn toàn ngự trị, và Chơn Nhơn chỉ tự biểu lộ một cách rất hiếm và bất toàn.

Sự tiến hóa của con người trong những giai đoạn đầu tiên gồm có việc khai mở con đường giao thông đó, để cho Chơn Nhơn có thể càng ngày càng tự biểu lộ rõ rệt, và sau cùng, hoàn toàn chủ trị Phàm Nhơn. Bằng cách đó, Phàm Nhơn sẽ không còn có một tư tưởng hay ý chí riêng biệt nào, mà chỉ có thể là một phản ảnh của Chơn Nhơn ở Cõi Hạ Giới. Ta nên hiểu rằng vì Chơn Nhơn thuộc về cõi thanh cao hơn, nên nó không bao giờ có thể tự biểu lộ hoàn toàn ở cõi Hạ Giới. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là Phàm Nhơn sẽ không dung dưỡng điều gì mà Chơn Nhơn không muốn, và nó sẽ biểu lộ Chơn Nhơn đến mức độ tối đa ở cõi Hạ Giới.

Người phàm tục không có sự huấn luyện về đường tu hành, không hề có sự giao tiếp với Chơn Nhơn. Người được Điểm Đạo thì có sự giao tiếp hoàn toàn. Bởi đó chúng ta nhận thấy rằng trong chúng ta có những người thuộc về mọi trình độ ở giữa hai cái cực đoan đó. Nên nhớ rằng chính Chơn Nhơn cũng còn đang ở trên đường tiến hóa, và chung quanh ta là những linh hồn thuộc về những trình độ tiến hóa rất khác biệt nhau. Trong mọi trường hợp, một Chơn Nhơn bao giờ cũng cao cả tốt đẹp hơn một Phàm Nhơn rất nhiều trên mọi phương diện. Mặc dầu, như đã nói ở trên, nó chỉ là một mảnh nhỏ của điểm Chơn Thần, nhưng nó cũng là một Chơn Nhơn toàn hảo trong Thể Thượng Trí của nó, dầu cho nó phát triển hết mọi quyền năng. Trái lại, trong Phàm Nhơn chỉ có một phản ảnh rất nhỏ của Chơn Nhơn mà thôi.

Một mặt khác, sự sinh hoạt ở cõi của Chơn Nhơn vô cùng phóng khoáng và mạnh mẽ hơn là sự sống ở cõi Trần rất nhiều. Cũng như Phàm Nhơn tiến hóa bằng cách cố gắng biểu lộ Chơn Nhơn một cách toàn vẹn hơn. Một Phàm Nhơn chưa tiến hóa tuyệt nhiên không biết gì cả về sự liên lạc của nó với Chơn Nhơn và tưởng rằng nó độc lập.

Một Chơn Nhơn, trái lại, ở trên cõi thanh cao của nó, không thể nào không hay biết về sự liên lạc của nó với Chơn Thần. Chắc chắn là có vài Linh Hồn biết rõ những nhu cầu tiến hóa của họ nhiều hơn những Linh Hồn khác, nói khác đi nghĩa là có những Linh Hồn già giặn và những Linh Hồn còn non nớt, và những Linh Hồn già giặn cố gắng nhiều hơn những Linh Hồn còn non nớt để khai mở những khả năng tiềm tàng của họ.

#58 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 23:00

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

CHƠN NHƠN TRÊN CÕI GIỚI RIÊNG CỦA NÓ

Chúng ta hay quen cho rằng Chơn Nhơn chỉ có thể phát triển xuyên qua Phàm Nhơn, nhưng không phải vậy, hoặc nếu có phải thì sự kiện cũng chỉ liên quan đến một số nhỏ vài đức tánh mà thôi. Như tôi đã giải thích tường tận trong quyển II "Con Người, hữu hình và vô hình". Thể Thượng Trí của người dã man hầu như không có mầu sắc. Càng tiến hóa, y càng phát triển những đức tánh tốt, những đức tánh này có thể tìm thấy những rung động tương đương trong chất của Thể Thượng Trí. Những màu sắc biểu lộ những đức tánh đó mới bắt đầu xuất hiện và Thể Thượng Trí, thay vì trống rỗng, lại chứa đầy sức sống dồi dào. Bấy giờ, thì Chơn Nhơn có thể tự biểu lộ thêm nhiều hơn xuyên qua Thể ấy và bởi đó Thể Thượng Trí càng ngày càng nở lớn thêm gấp bội. Nó vẫn bành trướng thêm mãi cho đến khi đương sự có thể bao trùm hàng trăm, chí đến hàng ngàn người trong vòng hào quang của mình, và như thế, y tạo nên một ảnh hưởng tốt lành trên một quy mô rộng lớn.

Nhưng điều này, dầu là rất tốt đẹp, cũng chỉ là một khía cạnh của sự tiến bộ của y. Người tiến hóa cao có những đường lối tiến bộ khác mà ở cõi thế gian, chúng ta không biết gì cả. Y sống cuộc đời của y giửa các đấng Vô sắc Thiên Thần (Arupa Devas), giữa các hàng Thiên Thần cao cả, ở một cõi giới siêu việt hơn chúng ta rất xa. Linh Hồn còn non nớt có lẽ chưa ý thức được một đời sống siêu việt như thế, cũng như một đứa hài nhi còn bồng ẵm không thể biết được những gì xảy ra trong cái thế giới ở chung quanh nó. Nhưng khi tâm thức nó khai mở lần lần, nó mới thức tỉnh và trở nên say mê cái mỹ lệ, tốt đẹp của đời sống lộng lẫy, huy hoàng đó.

Đồng thời, chính nó sẽ trở nên một nhân vật cao cả và lần đầu tiên nó cho chúng ta một ý niệm về cái tương lai mà Thượng Đế đã định sẵn cho con người.

Giữa những nhân vật cao cả đó, những tư tưởng không còn tượng hình và phiêu bạt như ở cõi Hạ Giới, mà nó di chuyển mau như chớp từ người nọ đến người kia. Trong những trường hợp này, không còn có những Thể mới tạo nên, lần lần được kiềm chế và từ từ tập biểu lộ một cách yếu ớt cái Linh Hồn bên trong. Trái lại, ở đây, nó là một Thể cũ hơn non núi, một sự biểu lộ thật sự của Đời Sống Thiêng Liêng luôn luôn ẩn tàng, càng ngày càng chói rạng xuyên qua Thể ấy trong khi nó vẫn từ từ phát triển các quyền năng.

Ở cõi giới này, chúng ta không còn nói tới cái phần hình hài sắc tướng, mà chúng ta nhìn vào cái thực tại, cái chân tướng ẩn tàng bên trong cái phần hình thức lộ liễu bên ngoài. Ở đây, nhân với quả dính liền làm một, và sự hiệp nhất đó biểu hiện rõ ràng như hai mặt của đồng tiền. Chúng ta đã từ từ bỏ cái cụ thể mà qua cái trừu tượng; chúng ta không còn biết cái sắc tướng thiên hình vạn trạng, mà đạt tới cái lý ẩn tàng bên trong. Chúng ta không cần học hỏi những chi tiết, hoặc thảo luận hay giảng giải về một vấn đề: chúng ta nắm lấy cái lý, hay cái tinh hoa của nó, và hiểu vấn đề một cách toàn vẹn.

Một hệ thống triết học, cần được giảng giải bằng nhiều quyển sách dày ở dưới thế gian, ở đây nó chỉ là một tư tưởng nhất định, có thể được xử dụng một cách cụ thể như người ta ném một lá bài trên bàn. Một vở nhạc kịch mà ở thế gian phải cần đến cả một dàn nhạc để trình diễn trong nhiều giờ, ở đây nó chỉ là một hòa âm mạnh mẽ. Những phương pháp của một Trường Hội Họa được tập trung trong một ý tưởng mỹ lệ, vì những tư tưởng như thế là những phương tiện trí thức mà những Chơn Nhơn dùng để nói chuyện với nhau.

Thật không dễ gì mà giải thích bằng lời nói phàm tục, những sự sai biệt khác nhau giữa những Chơn Nhơn, vì tất cả những Chơn Nhơn đó, trên nhiều phương diện, đều cao cả hơn rất nhiều bất cứ vật gì mà chúng ta quen thuộc ở cõi thế gian. Sự so sánh có thể trở nên phỉnh lừa nếu ta để nó đi quá xa, hoặc nếu ta theo sát nghĩa từng chữ. Tuy nhiên, tôi có thể đưa ra một ý niệm tổng quát, mà những Linh Hồn ở nhiều trình độ tiến hóa khác nhau đã đưa đến cho tôi.

Nếu tôi nói rằng một Linh Hồn tiến hóa, có thể ví như một vị Sứ Thần có cái phong độ nghiêm trang, oai nghi, khôn khéo, lịch sự và hòa nhã, còn một Linh Hồn chưa tiến hóa có thể ví như một kẻ nhà quê thô kệch. Một Linh Hồn đã đi trên đường Đạo, và gần đắc quả Chơn Tiên có nhiều điểm giống như các vị đại Thiên Thần, và ban rải những ảnh hưởng tâm linh rất dồi dào mãnh liệt.

#59 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 23:06

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

SỰ CHÚ TRỌNG CỦA CHƠN NHƠN ĐỐI VỚI PHÀM NHƠN

Như thế, người ta không lấy làm lạ mà thấy Chơn Nhơn lao mình vào sự hoạt động ráo riết trên cõi riêng biệt của nó, mà nó cho là vô cùng thích thú và quan trọng, hơn là những nổ lực tranh đấu của một cái Phàm Nhơn chật hẹp và bất toàn, bị giới hạn trong sự hắc ám tối tăm dày đặc của cõi Hạ Giới.

Trong đời sống hằng ngày của người thế gian, không có gì thích thú đối với Chơn Nhơn; chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra một việc quan trọng thật sự có thể làm cho nó chú ý trong một lúc, và thu nhận được một vài kinh nghiệm. Người thế gian sống một cách vô ý thức, phần nhiều họ không hề thức tỉnh đối với đời sống chân thật và siêu linh. Chúng ta thường hay phàn nàn rằng Chơn Nhơn ít khi chú ý đến chúng ta, vậy chúng ta hãy tự hỏi rằng chúng ta có bao giờ chú ý đến Chơn Nhơn của mình? Thí dụ có mấy lần trong một ngày, chúng ta đã nghĩ đến Chơn Nhơn? Nếu chúng ta muốn cho Chơn Nhơn chú ý đến mình, ta hãy làm sao cho Phàm Nhơn được hữu ích đối với nó. Ngày nào chúng ta bắt đầu dành phần lớn những tư tưởng của chúng ta cho những vấn đề cao siêu, nói một cách khác, khi nào ta bắt đầu sống một cách thật sự, thì chừng đó Chơn Nhơn mới có thể chú ý đến ta nhiều hơn.

Chơn Nhơn biết rằng sự tiến hóa của nó có vài phần chỉ thực hiện được xuyên qua Phàm Nhơn và những Hạ Thể: Xác, Vía, Trí. Bởi đó, nó biết rằng đôi khi nó phải chăm nom săn sóc và chủ trị Phàm Nhơn. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng việc ấy thường có vẻ không được hấp dẫn cho lắm, và Phàm Nhơn thường không được tốt lành và không có hy vọng bao nhiêu!

Nếu chúng ta nhìn vào cái Phàm Nhơn của nhiều người chung quanh với những Thể Xác của họ bị đầu độc bằng rượu, thịt và thuốc lá; những Thể Vía của họ đầy dẫy sự tham lam, sân hận, si mê; và những Thể Trí của họ không có sự thích thú nào ngoài việc chạy "áp phe", hoặc cờ bạc hay cá ngựa, thì chúng ta sẽ hiểu tại sao một Chơn Nhơn, nhìn vào cái thực trạng đó từ trên cõi cao của nó, có thể quyết định đình chỉ những cố gắng của nó lại một kiếp sau, và hy vọng rằng những Hạ Thể mới của nó trong kiếp tới sẽ có thể dễ ảnh hưởng hơn là những Hạ Thể mà nó nhìn thấy một cách kinh khủng trong lúc hiện tại! Chúng ta có thể hình dung Chơn Nhơn sẽ tự nhủ lấy nó như vầy: "Ta không thể làm gì được với cái "ngữ"này. Có thể ta sẽ gặp những Thể tốt lành hơn ở một lần sau. Còn lâu nay thật không có gì tệ hơn, và trong khi chờ đợi, thì ta còn có công việc quan trọng hơn để làm ở đây!"

Trường hợp đó thường xảy ra trong giai đoạn đầu của một Linh Hồn mới đầu thai. Từ khi một hài nhi mới sanh ra, thì Chơn Nhơn của nó lơ lửng ở trên và trong vài trường hợp, Chơn Nhơn bắt đầu ảnh hưởng đến sự phát triển của Thể Xác đứa hài nhi trong khi nó còn rất trẻ.

Theo luật lệ chung, Chơn Nhơn ít khi chú ý đến nó cho đến khi nó lên bảy tuổi, đến khi đó thì việc làm của "vong linh nghiệp quả" đã xong. Những trẻ con khác biệt nhau rất xa, đến nỗi ta không ngạc nhiên mà thấy rằng sự tương quan giữa những Chơn Nhơn và Phàm Nhơn cũng khác biệt nhau rất nhiều. Có những đứa trẻ tư chất thông minh lanh lợi, dễ cảm; có đứa lại ngu si và chậm chạp; trong trường hợp sau này, Chơn Nhơn thường không chú ý đến cái Thể Xác mới của đứa trẻ trong một thời gian, hy vọng rằng về sau khi nó trưởng thành, nó sẽ trở nên khôn ngoan và dễ thụ cảm hơn.

Chúng ta có thể cho rằng một quyết định như thế không được khôn ngoan, vì nếu Chơn Nhơn bỏ rơi không săn sóc cái Phàm Nhơn hiện tại của nó, thì cái Phàm Nhơn tương lai cũng không khá hơn bao nhiêu, và nếu nó để cho Thể Xác đứa trẻ lớn lên mà không chịu ảnh hưởng của nó, thì những thói hư tật xấu đã biểu lộ, rất có thể sẽ tăng trưởng thêm một cách mạnh mẽ hơn, thay vì loại trừ. Nhưng chúng ta không thể xét đoán điều này, vì chúng ta chỉ hiểu biết vấn đề một cách rất thiếu sót, và chúng ta không thấy gì về cái công việc cao cả hơn mà nó định làm.

Do đó, ta sẽ thấy rằng không thể nào xét đoán một cách đúng đắn cái vị trí trong cơ tiến hóa của một người mà chúng ta chỉ thấy ở cõi Trần. Trong một trường hợp, nghiệp quả có thể tạo nên một Phàm Nhơn rất khả quan nhưng chỉ có một Chơn Nhơn tầm thường. Trái lại, trong một trường hợp khác, nghiệp quả có thể tạo nên một Phàm Nhơn thấp kém hay bịnh tật, thuộc về một Chơn Nhơn tiến hóa khá cao. Những chuyện sự tích của Đức Phật có đưa ra những thí dụ về vấn đề này: Một ngày kia, có người đến yết kiến Đức Phật và nói rằng y gặp sự trở ngại lớn trong cơn tham thiền, và không thể nào thiền định cho có hiệu quả, Đức Phậy bèn nói rằng việc ấy có một lý do rất giản dị: trong kiếp trước, y đã có một thói quen rất tệ hại là hay phá phách những người đạo sĩ trong cơn tham thiền của họ.

Người này có thể là một Linh Hồn tiến hóa hơn những người bạn của y đã từng tham thiền có hiệu quả.

Khi một Chơn Nhơn quyết định chuyển toàn lực của nó vào Phàm Nhơn, thì nó có thể đem đến một sự thay đổi rất lớn. Người nào chưa từng thí nghiệm điều này, không thể nào tưởng tượng nổi một sự thay đổi hoàn toàn, mau chóng, và phi thường đến bực nào khi gặp những điều kiện thuận lợi, nghĩa là khi Chơn Nhơn đã đủ sức mạnh, và Phàm Nhơn không đến nỗi quá tồi tệ đến mức bất trị, đặc biệt nhứt là khi Phàm Nhơn tự cố gắng để trở nên một sự biểu lộ hoàn toàn của Chơn Nhơn và làm cho Chơn Nhơn chú ý đến nó hơn.

#60 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/10/2011 - 23:09

CHÂN SƯ VÀ THÁNH ĐẠO

THÁI ĐỘ CỦA PHÀM NHƠN

Sự khó khăn của vấn đề này là chúng ta phải xem xết vấn đề qua hai khía cạnh khác nhau. Phần đông chúng ta sống ở thế gian như những Phàm Nhơn quá rõ rệt: chúng tư tưởng và hành động hầu như hoàn toàn là những Phàm Nhơn. Tuy nhiên chúng ta vẫn biết thật ra chúng ta là Chơn Nhơn, và những người nào, sau nhiều năm tham thiền quán tưởng, đã trở nên nhậy cảm hơn đối với những ảnh hưởng thanh cao, thường có ý thức được sự can thiệp của Chơn Ngã trong cuộc đời của họ.

Ta càng có thói quen đồng hóa với Chơn Nhơn, thì ta càng quan niệm cuộc đời một cách sáng suốt và lành mạnh hơn. Nhưng nếu ngày nào ta còn cảm thấy ta vẫn chỉ là những Phàm Nhơn ngửa mặt trông lên cái Chơn Ngã của mình, thì hiển nhiên là ta có bổn phận phải tự cởi mở cõi lòng để đón nhận lấy những ảnh hưởng của Chơn Nhơn, phải vươn mình lên để tiến đến nó, và luôn tạo nên trong người của chúng ta những sự rung động hữu ích cho nó. Ít nhứt ta hãy làm thế nào để đừng gây chướng ngại cho Chơn Nhơn, mà trái lại, hãy cố gắng làm hết sức mình để hòa hợp với nó tùy theo trình độ phát triển của chúng ta.

Vì thói ích kỷ và sự bành trướng của Phàm Nhơn, nên bước đầu tiên của chúng ta là phải diệt trừ cái thói xấu đó. Kế đó, chúng ta nên nuôi trong trí những tư tưởng thanh cao, vì nếu cái Trí ta chỉ nghĩ đến những vấn đề thấp kém thì Chơn Nhơn không thể dùng nó làm phương tiện để tự biểu lộ mình. Khi Chơn Nhơn tự cố gắng để ảnh hưởng đến chúng ta, chúng ta hãy sốt sắng đón tiếp và mau mau tuân lệnh của nó, để cho nó mỗi lúc càng xâm chiếm lấy cái Trí của ta và làm chủ mọi sự vật ở các cõi Hạ Giới. Bằng cách đó, chúng ta càng ngày càng tiến đến gần mục đích mà chúng ta hằng hoài vọng. Như thế, chúng ta sẽ đặt chân lên đường Đạo đưa thẳng đến cuộc Điểm Đạo đầu tiên, do đó Chơn Nhơn và Phàm Nhơn đều hợp nhứt làm một.

Từ nay sẽ không còn gì trong Phàm Nhơn mà không phải là một sự phản ảnh của Chơn Nhơn, vì Phàm Nhơn chỉ là để biểu lộ Chơn Nhơn mà thôi.

Phàm Nhơn có thể đã có rất nhiều thói hư tật xấu, như thói ghen tương, tánh nóng giận và sự ngã lòng, nhưng những thói xấu này đã bị diệt trừ, và từ nay nó chỉ phản chiếu những gì từ cõi trên đưa xuống. Chơn Nhơn đã làm cho Phàm Nhơn hòa hợp với nó, nay mới vươn mình lên tận cõi Bồ Đề, tức là cỏi Hợp Nhứt vậy. Chỉ có bằng cách đó, con người mới có thể diệt trừ cái ảo vọng của bản ngã nó làm trở ngại mọi sự tiến bộ của y về sau, và đó là lý do vì sao sự kinh nghiệm về tâm thức Bồ Đề là cần thiết ở cuộc Điểm Đạo thứ nhứt, nếu trước kia y chưa có sự kinh nghiệm này. Trong nhiều trường hợp, sự kinh nghiệm đó đến sớm hơn, vì những tình cảm cao thượng xuất hiện ở nơi Thể Vía, đã từng phản chiếu trên Thể Bồ Đề và làm khích động Thể này. Bởi đó, Thể Bồ Đề đã được thức tỉnh phần nào trước khi con người được Điểm Đạo.






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |