Thường nói bát tự có tám chữ, tám chữ thành bát cung, nhưng rất ít tài liệu hướng dẫn cụ thể cách xem bát cung nguyên cục là như thế nào. Điều này cũng dễ hiểu, vì có vẻ như có "luật bất thành văn" là sách Tứ Trụ chỉ viết kĩ phần lý pháp và tượng pháp, mà bỏ qua phần kĩ pháp. Ngoài lề, trong Tử Vi thì ngược lại, viết rõ phần tượng pháp và kĩ pháp, nhưng lại giấu đi phần lý pháp. Trong khi đó, bát cung nguyên cục thuộc phần kĩ pháp trong Tử Bình, thường dùng để đoán xuất thân bối cảnh, lục thân gia nhân. Điều này được khẳng định trong tài liệu của ông Bành Khang Dân -Thái Tích Quỳnh.
Để tiện theo dõi phần bát cung này, cần có các nền tảng sau đây:
(1) Xuyến cung trong kĩ thuật Xuyến Cung Áp Vận.
(2) Phương pháp vận dụng Thần Sát.
(3) Tiểu thời không định vị
Thực chất, phần bát cung này chính là phần ứng dụng của 2 phần trên. Lí do tôi không giải thích luôn trong các bài đăng trước là vì tôi không thích rập khuôn; tôi thấy phần nào hay thì tôi tách ra thành nhiều thành phần, đưa lên từ từ, như vậy sẽ không hạn chế tư duy của người đọc. Tức là người đọc vẫn có sự tự do tuyệt đối trong việc nghiệm lý và tự do tổ hợp những thành phần đó thành những kĩ thuật riêng thích hợp với hệ thống lý luận của mình.
Trở lại vấn đề bát cung nguyên cục. Trước hết, tôi tóm lại phần Xuyến Cung. Cụ thể kĩ thuật Xuyến Cung Áp Vận, tôi đã đăng ở đây: https://tuvilyso.org...n-cung-ap-van/.
Tôi có thể tóm tắt như sau. Thực chất, Xuyến Cung là tên gọi khác của Nguyên Thân. Cần chú ý, Nguyên Thân và Nguyên Thần là hai khái niệm khác nhau. Nguyên Thân của thiên can chính là địa chi có bản khí là Thiên Can đó. Trong một số trường hợp, Nguyên Thân và vị trí Lộc / Lâm Quan trùng nhau. Ví dụ: can Giáp có Nguyên Thân tại Dần, can Ất có Nguyên Thân tại Mão. Kĩ thuật Xuyến Cung chính là xác định cung Nguyên Thân của một thiên can, sau đó cho phép thiên can đó kế thừa tất cả Thần Sát tại cung Nguyên Thân của nó. Ví dụ, Càn: Giáp xxx - xxx xxx - xxx Hợi - xxx xxx. Niên can Giáp xuyến cung Dần, mà Dần có Vong Thần, nên cung Giáp (niên can Giáp) cũng mang Vong Thần.
Thứ hai, Tôi tóm lại phương pháp vận dụng Thần Sát. Các Thần Sát tôi thường sử dụng, tôi đã đăng ở đây: https://tuvilyso.org...an-de-tu-binh/.
Tôi tóm tắt như sau. Thứ nhất, ưu tiên các Thần Sát theo vòng, bởi vì nó bao quát rất nhiều mặt và rất chi tiết của việc cát hung. Đồng thời, việc sử dụng các vòng Thần Sát giúp việc phi độn, an Thần Sát trên bàn tay trái và ghi nhớ Thần Sát dễ hơn rất nhiều lần so với các Thần Sát riêng lẻ hoặc có cách phi độn kì quặc, không có hệ thống. Từ đó mà giảm bớt khối lượng công việc mà bộ não cần phải xử lí, giúp khả năng phán đoán được chính xác hơn, bởi vì không phải ai cũng có trí nhớ tốt. Việc này đối với nguyên cục bát tự có thể không quan trọng, nhưng với cách xem của tôi ở kĩ thuật Phi Cung (12 cung chức), thì vô cùng quan trọng. Thứ hai, các Thần Sát là các Tượng, và đều có hai mặt, mặt cát và mặt hung. Việc xem một Tượng cứng nhắc chỉ là Thần (thiện tinh) hoặc Sát (hung tinh) sẽ hạn chế đến việc luận cát hung. Ví dụ Thái Tuế, khi cát nó chính là quý nhân phù trợ, là quyền bính, quyền quản lý; khi hung nó chính là phạm quý nhân, vi phạm pháp luật, không được cấp trên tin dùng, quyền lực bị thất thoát. Hoặc như Đào Hoa, khi cát nó chính là yêu đương nồng thắm, tình duyên rộng mở, nhiều người theo đuổi; khi xấu nó là thất tình, ngoại tình, dâm dật. Thứ ba, thiện tinh theo hỷ khí mà đến, hung tinh theo kỵ khí mà đi.
Như vậy, sau khi nắm được kĩ thuật Xuyến Cung trong Xuyến Cung Áp Vận, và cách vận dụng Thần Sát, thì kết quả chính là 4 thiên can trong nguyên cục cũng được an đầy đủ Thần Sát như 4 địa chi, và sự khác biệt giữa thiên can và địa chi được kéo gần hơn. Như vậy ta có 8 cung trong nguyên cục, với đầy đủ Thần Sát cho từng cung.
Thứ ba, muốn dự đoán cát hung cụ thể, cần sử dụng kĩ thuật Tiểu Thời Không Định Vị. Tiểu Thời Không Định Vị nghe có vẻ to tát, nhưng thực chất nó chính là việc gắn ý nghĩa cho bát cung trong nguyên cục. Ví dụ như niên trụ là song thân, trong đó niên can là cha, niên chi là mẹ. Như vậy đến đây có thể thấy, nếu không nắm kĩ thuật định bát cung nguyên cục, chúng ta sẽ gặp hạn chế ở việc luận tượng cát hung của niên can, trong khi luận cát hung của niên chi sẽ dễ dàng hơn, vì nó có đủ Thần Sát. Đây cũng là hạn chế thường thấy của người nghiên cứu Tử Bình. Nói thêm về phép Tiểu Thời Không Định Vị, phép này không chỉ dùng để đoán lục thân như ví dụ phía trước đã nêu, nó còn có cách định vị các cung khác như Quan cung, Tài cung, Phúc cung chẳng hạn. Việc này người đọc xin vui lòng tự nghiệm lý.
Phía dưới, tôi gọt lại bát tự của tôi để minh họa.
Càn: Giáp Tý - Bính Tý - Đinh Hợi - Ất Tỵ.
Luận cung Giáp niên can. Đầu tiên phải nhìn hỷ kỵ. Thân nhược, Giáp là hỷ thần. Kế đến, cung Giáp có Chính Ấn (lục thân), Tang Môn, Tướng Quân, Vong Thần, Dịch Mã tọa chi Tý được địa tái (địa chi sinh phù), tức là được Văn Khúc, Thái Cực đến sinh. Như vậy có thể đoán các khả năng sau:
(i) Cha mẹ học lực tốt (Văn Khúc thiên về học lực hơn bằng cấp). [Vì niên trụ là cha mẹ]
(ii) Cha mẹ tính thẳng, nóng. [Vì niên trụ là cha mẹ]
(iii) Cuộc sống gia đình ít âu lo. [Vì niên trụ là tổ trạch, cố trạch]
(iv) Gia đình hay có người ngoài lui tới. [Vì niên trụ là tổ trạch, cố trạch]
(v) Đương số ít âu lo, không phải là người bi quan [vì Giáp là nguyên thần]
(vi) Đương số học lực tốt [vì Giáp là nguyên thần]
(vii) Đương số đã từng tại quỷ môn quan bồi hồi (chết hụt). [Một phần lí do vì Giáp là nguyên thần, phần còn lại tự suy]
(viii) Đương số có giác quan thứ sáu nhạy hoặc có khả năng tâm linh. [Ví Giáp là nguyên thần]
(ix) Mẹ nắm quyền trong gia đình. [Vì Giáp là niên can, lại là Chính Ấn]
(x) Đương số hưởng phúc của họ ngoại nhiều hơn họ nội [Ví Giáp là nguyên thần tại niên trụ, vì Giáp tàng tại nhật chi]
(xi) Tổ tiên thiên di. [Vì Giáp là tổ trạch]
(xii) Đương số hay lo xa. [Vì Giáp là nguyên thần]
Như vậy khi dùng phép bát cung, an Thần Sát, ứng dụng hỷ kỵ thì từ niên can Giáp, sơ khởi ta có thể suy luận 12 khả năng như vậy. Sau đó để xem khả năng nào có chắc chắn xảy ra hơn, có thể áp dụng những kĩ thuật khác để kiểm chứng. Ví dụ như trong trường hợp của tôi, tôi sẽ dùng Phi Cung để kiểm chứng. Cụ thể, các suy đoán (i), (ii), (ix) tôi sẽ nhìn hai cung Phụ và Mẫu. Các suy đoán (iii), (iv) và (ix) tôi dùng cung Cố Trạch. Chú ý là số (ĩx) kết hợp nhiều cung để xem. Suy đoán số (xi) dùng cung Tổ Trạch để xem. Các suy đoán (v), (vi), (vii), (viii), (xii) dùng cung Phúc để xem. Tương tự cho các suy đoán còn lại. Lưu ý, có suy đoán phải kết hợp nhiều cung để xem nhằm tăng độ chính xác.
Khi một suy đoán được khẳng định bởi nhiều kĩ thuật khác nhau, thì độ chắc chắn của nó sẽ cao hơn, nếu chỉ được 1 kĩ thuật khẳng định thì độ chính xác sẽ thấp hơn. Việc nắm vững nhiều kĩ thuật xem cát hung khác nhau (mà Bát Cung là một trong số những kĩ thuật đó) sẽ giúp tăng độ chính xác khi phải lọc tượng và kiểm chứng các suy đoán. Ở đây cũng có lưu ý là hiếm hoi sẽ có sách viết về một kĩ thuật xem cát hung (kĩ pháp), nhưng thường chỉ dừng lại ở những phần suy đoán dựa trên kĩ pháp đó; tức là dừng lại ở phần 12 suy đoán như ví dụ phía trên. Còn phần kiểm chứng bằng các kĩ thuật khác nhau, họ thường không nói, dẫn đến sự ngộ nhận của người đọc là một kĩ thuật luận đoán một mình nó có sức mạnh toàn năng, rồi khi nghiệm lý trong thực tế và thực chiến thấy vài trường hợp sai thì thất vọng, bỏ cuộc, phủ nhận kĩ thuật đó. Điều đó là rất đáng tiếc.
Phía trên tôi đã trình bày kĩ thuật xem bát cung của một nguyên cục. Hi vọng có thể đem lại dẫn dắt hoặc gợi ý nào đó cho các vị đồng đạo. Chúc mọi người năm mới vạn sự như ý.
Sửa bởi ThienKhanh: 21/02/2021 - 00:01