Tiền nhân có câu "
富贵必要谦恭 衣禄务需俭致" tức "
PHÚ QUÝ TẤT YẾU KHIÊM CUNG, Y LỘC VỤ NHU KIỆM TRÍ"
Giải nghĩa: PHÚ QUÝ PHẢI KHIÊM CUNG, Y LỘC CẦN TIẾT KIỆM
>>> Phú quý dễ sinh ra mối hoạ, cho nên nhất định đối với người phải thành khẩn khoan hậu, đối với mình phải cung kính khiêm tốn, mới không gây hoạ hoạn. Phúc lộc của đời người nguyên có số, cần phải tiết dụng giản tỉnh, mới có thể có được dài lâu.
Điều mà gọi là “Mĩ phục hoạn nhân chỉ. Cao minh bức thần ố” 美服患人指, 高明逼神恶 (y phục đẹp, sợ người ta chỉ trỏ. Cao minh khiến thần ghen ghét), tức nói phú quý dễ bị người khác đố kị. Tài phú dễ khiến người khác nảy lòng tham, nếu làm giàu mà bất nhân, hoặc cậy thế khinh người, ấy là đem lòng đố kị và lòng tham của họ giúp cho tâm kị hận và tâm mưu đoạt của họ lớn lên. Địa vị hiển quý lại thích thể hiện khắp nơi, vô hình trung đối với cấp trên cũng gây nên sự uy hiếp, khiến cấp trên cần trừ khử. Chỉ có phú mà nhân hậu, quý mà khiêm tốn, mới có thể có được sự kính trọng của mọi người, mới giữ được phú quý dài lâu mà không có hoạ hoạn.
Y lộc của một đời người, thường có số, người mà cho dù không có số lại được giàu có, về dài lâu cũng không tránh được sự lãng phí xa hoa. Gia tài có vạn xâu tiền, càng phải nghĩ đến nhiều người nghèo khổ trên đời, đang đợi sự cứu giúp của người khác. Đồng thời, luôn nhắc nhở bản thân mình, một khi phú quý được lâu dài, ấy là “từ chỗ cần kiệm đi đến chỗ xa xỉ dễ, mà từ chỗ xa xỉ đến chỗ cần kiệm khó”, dạy bảo con cháu đời sau lấy kiệm ước mà giữ nhà mới có thể hưởng phúc được mãi mãi.
Y Lộc, hiểu nôm na là cơm áo, gạo tiền và bổng lộc... thứ mà trên lá số Tử Vi được quyết định phần nhiều bởi cung Quan Lộc. Theo đó, xem cung Quan Lộc, ta luận đoán được khuynh hướng phát triển của sự nghiệp, nên phát triển theo hướng nào. Ví dụ như mệnh tạo nên sáng lập sự nghiệp hay là đi làm công ăn lương, thích hợp lao tâm hay thích hợp lao lực...
Thời xưa, khi phụ nữ còn chưa được coi trọng, cuộc đời chỉ xoay quanh chồng con, nội trợ thì "cung Quan Lộc" của họ được gọi là "cung Y Lộc". Thời nay, ta gọi chung cung này là Quan Lộc, hay trung châu gọi là cung Sự Nghiệp, cho cả nam và nữ.
Có ý kiến cho rằng không xem số được cho giới tăng sĩ. Nhưng kì thực những người thuộc giới này có khi lại rất tinh thông huyền học. Quan điểm không xem (được) số cho người xuất gia có lẽ chỉ đúng phần nào, với các vị mà tu tập viên mãn, có thể thoát khỏi chi phối bởi "số"... Nhưng thiết nghĩ, đời có mấy ai. Nên giới tăng nhân nói chung, dẫu có tu tập nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của cái gọi là "số phận" mà thôi. Cổ nhân, đối với người xuất gia làm tăng nhân hay đạo sĩ, cũng xem số như thường, chỉ là đặt tên gọi 12 cung khác với người bình thường, như sau: Cung Mệnh, cung Huynh Đệ, cung Đạo Tình, cung Đồ Đệ, cung Tài Bạch, cung Tật Ách, cung Thiên Di, cung Nô Bộc, cung Sư Hiệu, cung Điền Trạch, cung Phúc Đức, cung Tướng Mạo (hay Phụ Mẫu).
Nhân nói về cách gọi khác của các cung vị, xin chia sẻ thêm rằng cung Phụ Mẫu xưa được gọi là "Tướng Mạo Cung", xem cung này thì luận đoán được tướng mạo của mệnh tạo. Cũng bởi "cơ địa tiên thiên" của đương số (mà tướng mạo là thứ thể hiện ra ngoài nhiều nhất) đều thụ hưởng từ cha mẹ, nên về sau đổi thành cung Phụ Mẫu. Xem cung này, ta đoán định được cha mẹ trong mắt đương số như thế nào, tình cảm đương số với cha mẹ, rồi hoàn cảnh, tình trạng hôn nhân, sức khỏe của cha mẹ lúc đương số còn nhỏ...
Ngoài 12 cung trên lá số Tử Vi, còn có một cung vô cùng quan trọng, đó là cung an Thân, được ký thác vào một trong 6 cung sau: Phúc Đức, Phu Thê, Sự Nghiệp, Tài Bạch, Thiên Di, và cung Mệnh. Có chỗ ghi rằng:
"Tính chất của cung Thân, thông thường được xem là khuynh hướng nỗ lực hậu thiên, tức mệnh tạo có thể làm được gì, có xoay chuyển xu thế của mệnh vận được không. Đồng thời cũng có thể xem mệnh tạo đối với dục vọng và sự hưởng thụ vật chất như thế nào, khác với cung Phúc Đức chủ yếu chỉ hiển thị về phương hướng xu thế tinh thần của mệnh tạo, tương phản với tính vật chất của cung Thân. Cung Mệnh tốt mà cung Thân không tốt mệnh tạo hưởng thụ vật chất chưa chắc được dồi dào; cung Thân tốt mà cung Mệnh không tốt mệnh tạo khó phát triển được toàn lực."
Nguồn: Sưu tầm có chỉnh sửa
Sửa bởi Expander: 20/01/2022 - 07:05