“Ăn cỗ lấy phần” vốn là tục lệ ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là một số vùng quê Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình...
Nhiều nơi coi đây là nét đẹp văn hóa khi ông bà, cha mẹ đi ăn cỗ nhưng nhớ đến và lấy phần về cho con cháu. Gia chủ thậm chí còn chuẩn bị sẵn túi nilon cho khách để chia phần. Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến lại cho rằng đây là tục lệ lạc hậu, có phần kém văn minh.
Thời gian qua, tại xã Giao Long (huyện Giao Thủy, Nam Định), bên cạnh việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện quy chế thực hiện nếp sống văn hóa mới, chính quyền cũng đưa ra phương án phạt tiền đối với những gia đình làm cỗ nếu để khách lấy phần mang về.
''Ăn cỗ lấy phần” là phong tục của các vùng quê miền Bắc. (Ảnh: Tin tức Nam Định)
Lý giải về việc xử phạt trên, ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long cho biết, mục đích của việc này là để thực hiện chủ trương của UBND huyện Giao Thủy trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần, đám cưới đám tang chỉ phục vụ người nhà.
Theo ông Nam, có khoảng 5 - 6 xã thực hiện thí điểm từ cuối năm 2016, và việc này thực chất cũng xuất phát từ chính nguyện vọng, đề đạt của người dân. Chính quyền xã cũng tham khảo, học tập mô hình từ các xã của huyện Hải Hậu.
“Quy định này dựa trên chính bức xúc của người dân, khi đi ăn cỗ nhưng không ăn, không uống mà cứ lấy phần rất tốn kém cho gia chủ. Chính người dân đã đề nghị chính quyền có giải pháp để giúp nhân dân loại bỏ việc này”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, chủ trương của xã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của 100% của người dân. Thậm chí bây giờ nếu ai còn lấy phần khi đi ăn cỗ thì chính người dân sẽ bêu riếu ra cả làng.
Cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần... giúp chống lãng phí, giảm chi phí cho gia chủ. (Ảnh minh họa)
Về việc phạt tiền với chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần, ông Nam cho biết thêm, việc này do chính quyền xã và người dân thỏa thuận, thống nhất với nhau để người dân cam kết thực hiện quy định.
“Khi đến đăng ký, các gia đình sẽ cam kết đặt cọc trước một số tiền về xã, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị trừ vào số tiền đã đặt cọc, còn nếu không vi phạm sẽ được trả lại toàn bộ.
Việc quy định này là sự thống nhất của chính quyền với người dân chứ không có văn bản quy định nào. Người dân đều nói chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nếp sống văn hóa, nếu làm sai, chính quyền cứ phạt. Thực tế từ trước đến nay, xã cũng chưa từng phạt một trường hợp nào”, ông Nam cho biết.
Chủ tịch UBND xã Giao Long cũng cho biết, chính các cử tri khi đi họp cũng nói rằng, đời sống của người dân khấm khá, những món ăn trong mâm cỗ hầu hết cũng xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày, lấy phần về ăn không hết lại để tủ lạnh hoặc lại bỏ đi gây lãng phí.
Ngoài ra, bỏ tục ăn cỗ lấy phần cũng là giảm áp lực cho gia đình làm cỗ. Chẳng hạn ngày trước, mỗi mâm cỗ đều có 5 đĩa giò (để lấy phần) nhưng giờ chỉ cần làm 1-2 đĩa để ăn. Hiện nay, người dân chủ yếu làm các món xào, nấu để mọi người cùng ăn đủ, sau đó đi về.
Theo chủ tịch UBND xã Giao Long, kể từ khi cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh văn hóa được triển khai dân làng đều phấn khởi.
“Người dân đều nói như vậy rất là tốt, rất văn minh, người dân rất quý, thực hiện tốt”, ông Nam nói thêm.
Sửa bởi Expander0410: 30/03/2019 - 16:17