---
Trôi hoài biền biệt như vậy sao? Ngày đêm không ngơi nghỉ!
Dòng nước Hoàng Hà cứ trôi mãi, mang nét tính chất đời sống của người Trung hoa đổ vào biển. Người ta bắt gặp trong thi ca của họ bàng bạc những cánh nhạn lẻ loi trong bóng chiều tà ý nghĩa biến dịch trở thành mối ngậm ngùi của tuế nguyệt. Trong cuộc lữ: người đi còn có hẹn ước của ngày trở về; nhưng năm tháng trôi qua như con chim đã đốt tổ bay đi, không còn cơ hội nào để trở lại nữa:
Nhân hành do khả phục
Tuế hành na khả truy?
(Tô Đông Pha)
Lòng sông càng lúc càng rộng; lòng người càng lúc càng nhỏ hẹp; nhỏ cho vừa những qui ước giới hạn của ngôn ngữ. Làm thế nào để được như mặt hồ trên đỉnh núi, đem lòng trống ra mà đối đãi với mọi người? Làm thế nào để có thể nói cạn những gì cần phải nói và sau đó là sống bằng hơi thở của trời đất?
Đấy là những ý tưởng được gợi hứng từ Kinh Dịch: cùng lý tận tính dĩ tri vu mệnh.
Nơi đây, người viết chỉ cố ghi lại một vài hình ảnh rải rác trong thi ca của Trung Hoa. Đối với họ, thi ca là những khát vọng thầm kín được phát hiện thành lời; phát hiện theo tiết điệu nhịp nhàng của vũ trụ. Điều này cũng đã được ghi lại trong Kinh Dịch: Thám trách sách ẩn, cầu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung. Bươi móc những gì đang dần khuất, thăm dò cho thấu đáo những gì trong sâu xa. Qua câu nói ấy, người ta muốn biết bởi sự thúc đẩy nào mà từ thế hệ này sang thế hệ khác người ta tiếp nối nhau mà nói, nói hoài không thôi; nói đủ mọi cách, và hầu như không cần biết trong những điều được nói có gì mới lạ hay không:
Mỗi phùng Thục tẩu đàm chung nhật
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không.
(Tô Đông Pha)
...
Sửa bởi Tre: 13/11/2023 - 11:10