Hé lộ chuyện Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây cầu Long Biên ở Hà Nội
25/03/2020
Tại Việt Nam, dấu ấn Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thể hiện ở các công trình cơ sở hạ tầng và kiến trúc cổ xưa. Còn ở Hà Nội, cầu Long Biên từng một thời mang tên ông, với bao câu chuyện ít được biết tới.
Trong năm năm nhiệm kỳ của mình, Toàn quyền Đông Dương đã tạo một “bước ngoặt lớn” cho Lào – Việt Nam – Campuchia, cùng với đó là việc nhiều cây cầu và cơ sở hạ tầng để đời khắp cả nước: Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng, hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam… liên tiếp được ông cho triển khai.
Paul Doumer còn đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học: Ngoài khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt, ông lập ra nhiều học viện nghiên cứu, như Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang… mang mục đích phát triển dài lâu tại Việt Nam. .
Vì vậy, cuốn sách Paul Doumer toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): bàn đạp thuộc địa, viết trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa và kho tư liệu của chính quyền Đông Dương lưu trữ tại Pháp (do Nguyễn Văn Trường dịch) của tác giả Amaury Lorin, đã góp phần làm sáng tỏ nhiều trang sử thuộc địa Pháp.
Dinh Toàn quyền Đông Dương tại Sài Gòn
Ảnh: T.L
"Hà Nội trong mắt Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer"
Paul Doumer sinh ngày 22.3.1857 tại Aurillac, thuộc vùng Cantal trong một gia đình 3 chị em, trên ông có hai chị gái. Cha Paul Doumer làm nhân viên lắp đặt đường ray nhưng mất khá sớm, còn mẹ thì không nghề nghiệp. Cuốn sách miêu tả: “Ông xuất hiện bất ngờ như một hiện tượng lạ trong giới chính trị tại Pháp. Sắc lệnh của tổng thống phê chuẩn việc bổ nhiệm ông làm Toàn quyền Đông Dương ban hành vào ngày 27.12.1896 và ngày 17.1.1897 tại bến cảng Marseille, Paul Doumer cùng vợ lên con tàu già nua của công ty Vận tải đường biển đến Sài Gòn mang theo hai cô con gái, một 16 tuổi và một 14 tuổi. Cô con gái thứ ba là Germaine sau này được sinh tại Cap Saint-Jacques (nay là Vũng Tàu). Họ để lại Pháp 5 cậu con trai để khỏi bị ảnh hưởng”.
Sau thời gian gắn bó với Sài Gòn, vẻ duyên dáng của Hà Nội khiến Paul Doumer đặc biệt thích thú. Ông cảm nhận những dòng trong Ký ức Đông Dương thuộc Pháp, như sau: "Khi tôi nhìn thấy Hà Nội vào đầu tháng 3.1897. Thành phố lúc đó thật là duyên dáng với các ngôi nhà trắng cổ kính của và người Hoa chen lẫn nhau ở bờ Bắc khiến nó giữ được vẻ đẹp phương Đông như trong tranh . Các khu phố An Nam với những con phố nhỏ hẹp, hai bên là những hàng nhà thấp có cửa hàng lấn ra cả vỉa hè đông đúc trông thật ấn tượng. Chính đó mới là cái hồn thật sự của Hà Nội”.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902)
Nhìn những con phố run lẩy bẩy trong mùa Đông giá rét, toàn quyền Đông Dương viết tiếp: “Dân cư ở đây thật chăm chỉ, thông minh và khéo léo. Mỗi khi trời mưa dầm, lạnh buốt là họ run lập cập, mình gần như trần ngoài đường mỗi tấm áo nhỏ hẹp bằng rơm che phần thân bị mưa quất vào. Quần áo thường chẳng có gì ngoài một chiếc quần đùi ngắn tới nữa người, bằng vải bông thô có màu nâu giống màu đất…”.
Ông quyết định chọn Hà Nội là trung tâm chính trị để đặt bộ máy toàn quyền khiến Đông Dương thời kỳ chuyển giao để lại nhiều dấu ấn. Bộ máy Toàn quyền Đông Dương chỉ để lại một văn phòng tại Sài Gòn để duy trì liên lạc thư từ với Viễn Đông và châu Âu, còn lại lần lượt chuyển ra Hà Nội. Năm 1902, ông cho xây dựng một nhà khách mới tại góc Công viên Bách Thảo dành cho người kế nhiệm của mình.
Và chuyện xây cây cầu "vượt rào" mang tên Doumer
Mỗi khi ra thăm thủ đô, bất cứ du khách nào có dịp đi ngang qua cầu Long Biên thường nghe người Hà Nội rất tự hào giới thiệu về một di sản, gắn bó với những năm tháng chiến tranh ác liệt khi Mỹ ném bom tàn phá miền Bắc, đó là cây cầu mang tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trước đây vẫn sừng sững như chứng nhân của lịch sử qua bao thử thách của thời gian.
Vì vậy, việc cuốn sách Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): bàn đạp thuộc địa, vừa xuất bản hé lộ nhiều điều cây cầu Long Biên, mang tên Toàn quyền Đông Dương là điều gây nên sự tò mò của nhiều người. Câu cầu đầy vẻ tráng lệ dài hơn 2.000 m này, vắt qua sông Hồng từng được xem là sự “vượt rào thường có trong lịch sử” của Toàn quyền Đông Dương. Theo tác giả Amaury Lorin: “Bất chấp những chỉ trích ngay sau đó va sự hoài nghi xung quanh dự án này, ngài Toàn quyền vẫn cho tiến hành việc khảo sát kỹ thuật và sơ bộ, rồi sau đó mở thầu, lựa chọn thiết kế ngay từ năm 1897. Dự án của công ty Daydé et Pillé được lựa chọn. thi công rất mau lẹ và hoàn thành sau ba năm. Câu cầu tốn 6.1 triệu franc so với mức 5,9 triệu franc dự trù. Mười chín nhịp bằng thép với những trụ cầu cắm sâu tới ba mươi mét dưới mức nước thấp nhất, đã biến câu cầu trở thành một trong những công trình tầm cỡ nhất cả khu vực châu Á xét ở phương diện kỹ thuật”.
Tự hào về cây cầu này, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng có chia sẻ: “Cây cầu xứng đáng khiến cả phải chú ý đến. Công trình tôn vinh đồng thời lao động bản địa và nhân lực của chính quốc. Dàn thép thành cầu và dầm cầu khi nhìn ở khoảng cách gần thật tuyệt vời. Ta cứ ngỡ như nó kéo dài tới vô tận".
Biển ghi tên nhà thầu cùng với năm khởi công và khánh thành
Ảnh: T.L
Cầu Long Biên như "một dải đăng – ten được giăng ra trên nền trời" luôn là niềm tự hào của người Hà Nội
Ảnh: T.L
Tự hào về cây cầu này, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chia sẻ: “Cây cầu xứng đáng khiến cả phải chú ý đến. Công trình tôn vinh đồng thời lao động bản địa và nhân lực của chính quốc. Dàn thép thành cầu và dầm cầu khi nhìn ở khoảng cách gần thật tuyệt vời. Ta cứ ngỡ như nó kéo dài tới vô tận. Nhưng nếu ta ngắm toàn bộ cây cầu từ trên sông thì nó lại giống với một tấm lưới thép thật nhẹ nhàng, chẳng khác một dải đăng – ten được giăng ra trên nền trời”, tâm sự ông viết trong Ký ức Đông Dương thuộc Pháp..
Và như một kỷ niệm tuyệt vời của đời mình, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer để dành thời gian tổ chức lễ khánh thành cây cầu được gọi theo tên mình trước khi ông rời Đông Dương ngày 2.2.1902, nhờ vào những dàn giáo tạm thời được dựng lên khi mà việc xây dựng còn chưa kết thúc.
“Lễ khánh thành còn là dịp tổ chức những hoạt động lễ hội hoành tráng, có sự tham dự của vị khách mời đặc biệt là vua Thành Thái. Ngoài ra còn có Paul Beau – Quốc vụ khanh Pháp tại Bắc Kinh, cùng nhiều nhân vật khác nữa. Đoàn xe được trang trí duyệt binh, diễn văn “nước Pháp tại châu Á” chưa bao giờ hoành tráng và tưng bừng như ngày hôm đó” cuốn sách viết về Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer do Omega và NXB Thế giới vừa ấn hành tiết lộ.
Lê Công Sơn
Sửa bởi tuphuongsg: 25/03/2020 - 20:12