ThienKhanh, on 17/08/2017 - 02:26, said:
Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân.
(Mệnh Giáp Ất như gặp Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim cũng gặp vượng, chắc chắn có công danh)
Trước khi luận tiếp câu 11, cần nhìn lại câu 10 một chút. Ở câu 10, tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ nêu ra một con đường tắt để xem bát tự có Quan Sát. Đó là lấy Quan Sát làm tâm điểm, lại phân chiến cục để nhanh chóng luận vượng nhược của nhật chủ.
Câu 11 lại tiếp tục bàn về bát tự có Quan Sát nhưng là một trường hợp đặc biệt: tuyệt xứ phùng sinh.
Giáp Ất nhược phùng Thân: Câu 11 tiếp tục lấy ví dụ mệnh Giáp hoặc Ất (nhật chủ là Giáp hay Ất), bát tự gặp chi Thân. Ở đây chữ “phùng” rất tối nghĩa. Nó có nghĩa là “gặp”. Nhưng gặp là thế nào? Là toạ ngay trên chi Thân, tức Thân là nhật chi; hay Thân là nguyệt lệnh (nguyệt chi); hay niên thời có chi Thân? Chỗ này có sách đề cập đến toạ chi Thân. Tức nhật chủ là Giáp nhật chi là Thân. Chú ý nhật can Ất là âm can, không toạ chi Thân là dương chi. Cho nên theo cách hiểu này thì phủ định trường hợp Ất toạ nhật chi Thân. Giả sử trong trường hợp Giáp hoặc Ất không phải là nhật chủ, tức nó là niên can, nguyệt can, hay thời can thì yêu cầu phải toạ Thân, tức chi Thân phải cùng trụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, toạ Thân, hay nguyệt kiến Thân, hay niên thời toạ Thân đều có thể ứng hợp trong trường hợp này. Sự khác nhau trong bốn trường hợp là phải có, nhưng nó là những khác biệt tinh tế, cần dựa vào từng bố cục bát tự cụ thể, tôi không muốn bàn sâu ở đây.
Sát Ấn ám tương sinh: Đầu tiên phải xem cách gọi Sát, Ấn. “Ấn” ở đây cần được hiểu là Ấn thụ, tức bao gồm cả Chính Ấn (thường gọi tắt là Ấn) và Thiên Ấn (thường gọi tắt là Kiêu). Sát ở đây gọi chung cho Quan Sát. Can Giáp gặp chi Thân, chi Thân có bản khí là Canh thì Giáp gặp Thân là gặp Sát. Còn can Ất gặp Thân là gặp Quan, sao lại là Sát? Bởi vì Quan mà nghịch (có hại, là kỵ thần) thì xem là Sát. Cách viết “Sát Ấn ám tương sinh” theo sau là “Quan bào tất quải thân” thì có nghĩa tốt, Sát Ấn đắc dụng. Như vậy, từ cách gọi Sát, Ấn có thể tạm suy luận nhật chủ Giáp, Ất ở đây là mệnh nhược, mệnh nhược nên được Sát sinh Ấn ám sinh cho thân thì mới gọi là đắc dụng.
Mệnh Giáp, Ất mộc nhược, gặp Thân là xấu vì mệnh Giáp, Ất sinh tháng Thân là đất tử tuyệt, hoặc toạ Thân là đất tử tuyệt, hết đường sống. Nhưng tại sao lại thành tốt? Bởi vì chi Thân tàng Canh Nhâm Mậu theo thế liên châu, tức tương sinh: Mậu thổ sinh Canh kim sinh Nhâm thuỷ. Giáp Ất mộc thấy thuỷ xem như được sinh trợ nên mộc “phùng sinh” (gặp được sinh cơ). Mà sinh cơ này (Nhâm thuỷ) lại dài lâu, có nguồn vững vàng vì được Canh kim sinh cho, nên luận là cát, là quý. Từ đó mà có cách nói “tuyệt xứ phùng sinh”. Tức Giáp Ất đến Canh là nơi đất tử tuyệt (“tuyệt xứ”), gặp Ấn thụ có nguồn vững vàng sinh cho là hồi sinh (“phùng sinh”).
Tư tưởng luận “tuyệt xứ phùng sinh” là quý – nó quý hơn bình thường – còn bắt gặp ở một số câu khẩu đoán dân gian như “đại nạn bất tử, tất hữu hậu phúc” (gặp nạn lớn mà không chết thì sau này sẽ được phúc báo).
Như vậy thử thống kê các trường hợp tuyệt xứ phùng sinh: Giáp Ất gặp Thân, Bính Đinh gặp Hợi, Mậu Kỷ gặp Dần, Canh Tân gặp Ngọ, Nhâm Quý gặp Tuất hoặc Sửu. Phía trên tôi có đề cập đến lối xét tuyệt xứ phùng sinh khắc khe hơn, đó là bắt buộc phải toạ chi (cùng trụ) thì mới gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Nếu theo cách này thì chỉ còn lại các tổ hợp Giáp Thân, Đinh Hợi, Mậu Dần, Canh Ngọ, Nhâm Tuất, Quý Sửu. Còn ít như vậy là bởi vì theo phương pháp ghép cặp can chi, dương can phải tọa dương chi, âm can phải toạ âm chi. Ví dụ ta thấy có Giáp Tý nhưng không bao giờ có Giáp Hợi hay Giáp Sửu. Trường hợp Nhâm Tuất có sách không luận tuyệt xứ phùng sinh vì quan niệm (1) táo thổ (thổ khô, Tuất) không sinh kim (Tân tàng trong Tuất) nên kim không sinh thuỷ, và (2) Tân kim hầu như không sinh thuỷ.
Ở đây cần chú ý tuyệt xứ phùng sinh hay Sát Ấn ám tương sinh chỉ là tiền đề, còn phải xem bố cục bát tự mà luận cát hung, chứ bản thân tuyệt xứ phùng sinh chưa hản là hoàn toàn cát lợi. Ví dụ, Giáp Ấn gặp Thân là tuyệt xứ phùng sinh, nhưng bát tự thấu Canh cận khắc (khắc gần) thì Thân giúp Canh khắc phạt Giáp Ất hơn là (chứ không phải hoàn toàn không có) giúp Nhâm sinh Giáp Ất. Hoặc Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm thì Thân giúp Nhâm sinh cho Giáp Ất hơn là giúp Canh khắc phạt Giáp Ất. Đến hành vận cũng luận tương tự. Đó là lí do tại sao lại nói là “Sát Ấn ám tương sinh” mà không nói “Sát Ấn tương sinh”. “Ám” tức là nó không hiển hiện lên, chưa có tác dụng mạnh mẽ; nó cần phải gặp điều kiện cụ thể để phát huy ra tiềm lực của nó.
Tuyệt xứ phùng sinh sợ cái gì? Nó sợ bị hao tổn khắc phạt. Ví dụ Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm, nhưng trong bát tự có chi Tỵ kề bên hợp khắc Thân thì Canh kim tàng trong Thân bị tổn, tức nguồn của Nhâm bị tổn. Dụng thần Nhâm thuỷ bị ám tổn, hung.
Qua đó có thể thấy, dù cho có luận cao xa, hệ thống lý luận có sâu rộng, thì tựu trung vẫn phải xây dựng hệ thống lý luận dựa trên các kiến thức cơ bản như ngũ hành sinh khắc chế hoá (có sách gọi là Ngũ Hành Đại Pháp), can thấu, can tàng, nguyệt lệnh đề cương, đặc biệt là bố cục bát tự. Cái gì là bố cục bát tự? Đó là bát tự được hình thành từ những can chi nào, vị trí của chúng ở đâu, mối quan hệ trên dưới xa gần là như thế nào, phía trên can nào thấu, phía dưới can nào tàng. Nắm được bố cục bát tự cũng là đạp bước đầu tiên nhập môn luận khí thế, tức là luận bố cục, và hướng đi của toàn bộ bát tự (chứ không phải chỉ riêng nhật chủ). Khi đến giai đoạn này thì chọn dụng hỷ thần không chỉ để “cân bằng” nhật chủ, bởi vì nhật chủ chỉ có một mình nó thì lấy gì cân bằng? Phải có từ hai phe đảng trở lên mới cần cân bằng. Mà đến mức độ này, chọn dụng hỷ thần là để cân bằng toàn bộ ngũ hành bát tự. Tuy nhiên nhập môn khí thế không chỉ cân bằng bát tự, mà còn phải nhìn đến các vấn đề cân bằng khác, như cân bằng âm dương, cân bằng khí hậu, và lưu thông sinh hoá. Tức là có thể “tinh chọn” dụng hỷ thần kĩ lưỡng hơn. Ví dụ bát tự cần dụng kim thì Canh, Tân, Thân, Dậu, Tuất, Sửu, Tỵ cái nào là tốt nhất (đại cát), cái nào tốt ít hơn (thứ cát), thậm chí có cái xấu, hung hiểm không nên chọn.
Mộc vượng kim phùng vượng: Mệnh Giáp Ất gặp tháng Thân chẳng hạn; tháng Thân kim vượng, mộc gặp ám sinh (như giải thích phía trên) nên cũng vượng theo. Ở đây lưu ý, chữ “vượng” nên hiểu là “cường” như tôi đã phân tích ở câu ngũ ngôn số 2.
Quan bào tất quải thân: Mệnh Giáp Ất nhược đắc tuyệt xứ phùng sinh, gặp đủ điều kiện như thuỷ khí thấu ra chẳng hạn thì đắc Sát lại đắc Ấn, tức Sát Ấn cho mình sử dụng. Sát là đường công danh, đường làm quan. Ấn là quyền lực, là nhiệm sở. Đắc Sát Ấn tương sinh là tượng xuất sĩ (ra làm quan), hoặc công danh thăng tiến, hoặc quyền lực mở rộng hoặc phát triển.
Như vậy câu số 11 luận một ví dụ đặc biệt của bát tự có Quan Sát là tuyệt xứ phùng sinh hay còn gọi là Sát Ấn ám tương sinh. Qua nội dung câu 11 này, còn thấy tác giả đề cập đến vấn đề nhân nguyên tàng độn.
Thường thấy người lập luận bát tự có tam tài: nhân nguyên là thiên can thấu xuất (niên can, nguyệt can, nhật can, thời can), địa nguyên là toạ địa chi (niên chi, nguyệt chi, nhật chi, thời chi), nhân nguyên là can tàng, hay còn gọi là nhân nguyên tàng độn. Trong đó nhân nguyên tàng độn có lẽ là vấn đề “huyền bí” nhất. Sẵn câu 11 sử dụng nhân nguyên tàng độn để luận, tôi muốn thử tóm tắt một chút các công dụng của nhân nguyên.
Công dụng thứ nhất của can tàng là quyết định nhân nguyên tư lệnh. Ví dụ tháng Thân tàng Canh Nhâm Mậu. Sau tiết Lập Thu thì Mậu chủ quản 10 ngày, Nhâm 3 ngày, còn Canh 17 ngày. Tổng cộng là 30 ngày, vừa tròn một tháng. Tôi nhận thấy nhân nguyên tư lệnh có những vấn đề sau. Thứ nhất, nhân nguyên tư lệnh dễ gây nhầm lẫn. Mệnh Mậu sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh thì luận đắc tiết hay thất tiết, đắc khí hay thất khí, đắc lệnh hay thất lệnh? Thứ hai, không có cơ sở xác định lí luận của nhân nguyên tư lệnh. Lấy tháng Thân làm ví dụ, sau Lập Thu, Mậu quản 10 ngày đầu, Nhâm quản 3 ngày giữa, Canh quản 17 ngày cuối. Hiện không có cơ sở lí luận vững chắc và thuyết phục cho việc phân chia này cũng như qui định số lượng này. Thứ ba, áp dụng nhân nguyên tư lệnh quá phức tạp. Ví dụ bát tự sinh tháng Thân, nếu thấu Canh vẫn luận Canh đắc căn, nếu thấu Mậu vẫn luận Mậu đắc căn, nếu thấu Nhâm vẫn luận Nhâm đắc căn. Điều này không thể chối cãi, cho nên có thể cho thấy tại bất cứ thời điểm nào của tháng Thân, thiên địa nhị khí đều tồn tại Canh, Nhâm, Mậu làm chủ. Vậy nếu vào ngày Mậu thổ tư lệnh, vậy ta phải nói Mậu làm chủ, Canh Nhâm là thứ chủ, các khí khác làm phụ. Quá phức tạp.
Có thể phản biện sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh, bát tự thấu Mậu là đắc quý khí, tự bản thân can Mậu có một loại quý khí bên trong nó. Điều này cũng có khả năng, có thể xem xét nó như là một dấu hiệu, kết hợp cùng những dấu hiệu khác (thủ tượng) để xác định quý khí đó là gì, biểu hiện cụ thể của nó trong cuộc sống là gì, là phúc, lộc, hay thọ chẵn hạn. Tuy nhiên đó là bàn về thủ tượng. Còn việc ứng dụng, mặc dù nhiều vị tiền bối vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng (nhưng không giải thích), tôi vẫn thấy ứng dụng vào Vượng Suy quá phức tạp. Tôi đoán rằng nhân nguyên tư lệnh áp dụng vào Cách Cục sẽ có tác dụng rõ ràng hơn.
Công dụng thứ hai của nhân nguyên tàng độn là đảm bảo thiên nhân hô ứng, hoặc thiên địa hợp nhất. Đó là ứng dụng của căn khí (rễ), tôi đã giải thích ở những câu Ngũ Ngôn trước.
Công dụng thứ ba của nhân nguyên là các quan hệ ám sinh, ám khắc, ám hợp chẵn hạn. Chúng góp phần quyết định khí thế của bát tự, cũng như hé lộ cát hung cụ thể của nhiều vấn đề trong một bát tự.
Tôi lấy ví dụ phía dưới:
Càn: Ất Sửu – Bính Tuất – Ất Mùi – Bính Tuất
Bát tự này tôi xem vào ngày 15/12/2015, ở diễn đàn nào hiện này không còn tìm thấy. Tôi chưa xin phép đã đăng ở đây. Nếu đương số có phật lòng, tôi xin được lượng thứ. Tôi trích một phần luận ra đây:
Luận: Ất mộc sinh quý thu toạ kho địa, trái phải thấu hoả. Thân nhược. Ngũ khí suy bại, tàng mà không phát. Khí nhuận, mà tinh cạn, thần khô. Dụng thuỷ kích. Hỷ mộc tuỳ điều kiện. […] Ra ngoài hay có nhiều người giúp đỡ, những người này thường là người thuộc hàng trưởng bối, có uy quyền. Các mối quan hệ xã hội khá rộng rãi. Quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt, hay bị hao tài. […]
Đương số phản hồi: Ra ngoài thường được giúp đỡ của người trên ,thường được người trên và người giỏi giúp đỡ chính vì vậy cũng có nhiều người ghét và đố kỵ.
Thời trụ (môn hộ; xuất môn là ra ngoài xã hội nên thời trụ là cung Thiên Di) Bính Tuất toàn là kỵ thần mà tôi vẫn luận ra ngoài hay có nhiều trưởng bối giúp đỡ mà những người này lại có uy quyền? Tại sao luận quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt? Bát tự toạ Sửu – Tuất – Mùi – Tuất hình xung tạp loạn, phá hỏng Sửu là kim khố mà cũng là nơi dưỡng thuỷ, có thể xem như bát tự không có một chút thuỷ khí nào (sách Tàu hay nói là “không một điểm thuỷ”). Bát tự thấu 2 Bính; 2 Tuất là hoả khố bị hình động gần như mở khố thành ra bát tự này nóng. Cần dụng thuỷ kích khí, nhuận khí mà bát tự khô nóng (táo noãn) thì khí lạnh (hàn) cũng có thể xem là hỷ. Ở đây là tôi luận khí hậu, hoặc nếu xem táo noãn là dương, hàn là âm, thì tạm gọi như xem âm dương cũng được. Bát tự quá nóng cần thêm hàn khí; hàn khí là thuỷ, là kim, vậy kim cũng xem như hỷ thần. Thời trụ (môn hộ) Bính Tuất tàng Mậu Đinh Tân ở thế liên châu, Đinh hoả sinh Mậu thổ sinh Tân kim, tức là noãn khí chuyển hoá thành hàn khí tại thời trụ Bính Tuất. Vậy Tân kim có thể xem là hỷ. Tân kim là Sát nên tôi luận được sự giúp đỡ của trưởng bối, có uy quyền.
Vậy tại sao nói quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí lớn hơn không tốt? Thời trụ thấu Bính, Bính ám hợp Tân (Tân tàng trong Tuất). Trong môi trường quá khô nóng, Bính ám hợp Tân không có ý hướng tại thuỷ khí (Bính – Tân hợp thuỷ) mà có ý muốn tổn Tân kim, đoạt mất Tân kim. Bính là Thực Thần nên tôi luận quan hệ với người nhỏ tuổi hoặc vị trí thấp hơn không tốt (vì những người này có ý muốn chiếm đoạt quý nhân của bản thân).
Phía trên tôi đưa ví dụ cho công dụng thứ ba của nhân nguyên tàng độn là nó có ảnh hưởng đến khí thế, và biểu thị một số thông tin cát hung nếu luận thủ tượng. Thực chất tôi cũng muốn nói rõ, tôi không phải thần thánh gì mà luận như vậy. Để luận như trên tôi dùng vài kĩ thuật khác nhau xem cung Di trên bát tự của đương số, thấy các cách tính đều cho ra cùng một đáp án là có vấn đề như vậy nên tôi mạnh dạn luận. Tức về kĩ thuật ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá là luận như vậy cho thấy có quý nhân và có người muốn đoạt quý nhân, về kĩ thuật khác sẽ luận khác.
Tại sao tôi muốn nói rõ điều này? Vì không nói rõ, người đọc sẽ cảm thấy huyền bí quá, cao siêu quá, Ngũ Hành Đại Pháp khủng bố quá. Nhưng thực chất mỗi một kĩ thuật, như phía trên là ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá, nó sẽ cho ta một thông tin, sau đó ta dùng những kĩ thuật khác hoặc lối suy tính khác để xác nhận thông tin đó, thì khả năng chính xác sẽ cao hơn. Việc một số tác giả viết sách dùng nhiều kĩ thuật để kết luận một vấn đề, nhưng khi công bố chỉ luận một kĩ thuật mà họ muốn nhấn mạnh trọng tâm nên tạo cảm giác huyền bí không đáng có, dễ dẫn người đọc vào con đường mông lung, áp dụng lại y chang nhưng không đúng, từ đó mà mất phương hướng nghiên cứu học thuật.
Tóm lại, câu 11 “Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh, mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân” đề cập đến một dạng đặc biệt của bát tự có Quan Sát: Sát Ấn ám tương sinh, hay còn gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Qua đó, chúng ta thấy thêm một vấn đề cơ bản của Tử Bình được đề cập ở đây: nhân nguyên tàng độn.
-----
Ví dụ thực tế
Càn: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ
Đây là bát tự bản thân tôi.
Phân tích: Mệnh Đinh sinh trọng đông tháng Tý, thất tiết. Thiên can thấu Giáp, Bính, Ất sinh trợ, địa chi toạ căn Tỵ. Đáng tiếc Hợi – Tỵ xung, phạt căn mộc hoả. Thuỷ - hoả tương chiến, địa chiến; hoả bại. Thân nhược, dụng mộc hoả.
Bát tự nhật chủ Đinh nhược lại toạ Hợi, tuyệt xứ phùng sinh (1)(2). Bát tự lại thấu Ấn thụ Giáp Ất lưỡng đầu sinh phù, Sát Ấn minh ám tương sinh tề tựu (2), đủ để khống thuỷ khí (3), lẽ ra làm quan (4). Đáng tiếc Hợi xung diệt Tỵ hoả phá cục tuyệt xứ phùng sinh. Ám sinh không còn, chỉ còn minh sinh. Hợi dẫn động thuỷ khí xung diệt hoả khí nên không thể tính là đắc Sát, chỉ thu được một ít thuỷ khí tại thời trụ Giáp Tý, thành ra phần lớn thuỷ khí (Sát) vẫn là kỵ thần. Mệnh có Ấn hữu dụng mà Quan không hữu dụng, tức có ti sở (cơ quan nhà nước - Ấn) mà không nhậm chức (Quan), tức không thể làm quan. Thu được một ít thuỷ Sát khí tại niên trụ, nên người có uy. Thực tế nhiều lần có cơ hội vào làm cơ quan nhà nước nhưng đều từ chối không làm.
(1) Giáp Ất nhược phùng Thân. Ở đây lấy mệnh Đinh gặp Hợi thay thế.
(2) Sát Ấn ám tương sinh
(3) Mộc vượng kim phùng vượng. Ở đây lấy hoả và thuỷ thay thế.
(4) Quan bào tất quải thân