Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ.
(Mệnh Ất sinh tháng Dậu, không nên gặp thêm toàn Tỵ Sửu trong nguyên cục; muốn xem phú quý thì chọn cung Khảm, cung Ly; muốn xem bần cùng thì nhìn cung Thân, cung Dậu)
Nếu ở câu 8 tác giả dùng cách cục Âm Nhật Triều Dương để giới thiệu vấn đề ngũ hành minh ám, thì ở câu 9 này, tác giả đề cập đến một loại hình minh ám khác, dễ nhận biết và ứng dụng hơn: nhân nguyên tàng chi.
Đầu tiên lại xem bố cục bát tự được đem ra làm ví dụ cho câu 9 này: vẫn là mệnh mộc, mà ở đây là Ất mộc, sinh tại tháng Dậu.
“Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu”: Ất mộc sinh tháng Dậu kim vượng, tức Sát trọng, tức Ất mộc thất lệnh. Lúc này sợ địa chi lại toạ thêm Tỵ Sửu, hình thành tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu kim cục, Sát quá trọng mà thân quá nhược. Ất mộc là âm can, nếu có thể tòng Sát thì cơ bản có thể được xem là quý mệnh, nếu không thể tòng Sát thì có nghĩa bát tự có tám chữ mà đã có hết ba chữ là kỵ thần thì xấu. Chưa kể nguyệt chi Dậu là trung thần của tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu, tức kim cục hợp đến nguyệt chi, là hợp đến cung bào (anh em), môn hộ (gia đạo), và tuỳ bố cục có thể xem là cung phụ mẫu. Mệnh như vậy thì gia đạo không yên ổn, quan hệ với anh em và tuỳ trường hợp là bạn bè, hay cha mẹ không giúp ích được cho sự nghiệp.
“Phú quý Khảm Ly cung”: đây là cách giải cứu cho mệnh ở trên. Mệnh Ất sinh tháng Dậu thì thường là thân nhược Sát trọng, vậy dùng ngũ hành đại pháp (ngũ hành sinh khắc chế hoá) để đưa bát tự về trạng thái cân bằng hơn. Mộc nhược bị kim tổn thì có thể dùng thuỷ thông quan tiết kim sinh mộc, hoặc có thể dùng hoả chế kim cứu mộc.
Cách thứ nhất dùng thuỷ thông quan là thường lý, tức tổn cái có dư mà bù cái không đủ (trong trường hợp này là dùng thuỷ tiết vượng kim, sinh nhược mộc).
Cách thứ hai dùng hoả là biến lý, còn gọi là phản cục; cụ thể ở đây chính là cách cục Tử năng cứu mẫu (con có thể cứu mẹ) được Trích Thiên Tuỷ đề cập. Mộc sinh hoả thì mộc là mẫu (mẹ), hoả là tử (con). Mộc mẹ bị kim tổn, lấy hoả con chế kim thì kim không thể tổn mộc được nữa. Vậy là Tử năng cứu mẫu. Tuy nhiên việc sử dụng biến lý như lấy độc trị độc, cần phải hết sức cẩn thận, nếu không sẽ rơi vào trường hợp hoả kim tương chiến mộc t*o ương. Tại sao là hoả kim tương chiến thì mộc t*o ương? Đó là vì mộc sinh hoả vốn là mộc bị tiết khí, kim lại khắc mộc vốn là mộc bị hao tổn. Bây giờ kim hoả gặp nhau mà chiến thì hoả kim đều động, đã động thì biến; vậy hoả càng có lực tiết mộc, kim càng có lực tổn mộc. Mộc vốn đã nhược, nay lại bị tiết, bị hao thêm thì hung.
Vậy khi nào có thể sử dụng phản cục? Đây là một phần rất quan trọng mà tôi thấy ít người đề cập. Tử năng cứu mẫu chỉ phát huy tác dụng khi mẫu (mà cụ thể ở đây là hành mộc) có căn khí. Có căn khí thì có thể chịu được hoả kim tương chiến. Tuy nhiên có lợi cũng có hại. Mộc một khi trát căn (mọc rễ) thì căn khí không thể bị hao tổn, nếu hao tổn tức là gặp địa chiến (chiến tại địa chi) thì càng xấu. Tại sao là càng xấu? Giả sử mệnh cục “Ất mộc sinh cư Dậu”, địa chi gặp Tỵ Sửu là tam hợp kim cục, không thấu Canh Tân kim thì kim không thể trực tiếp tổn Ất mộc. Bây giờ mộc trát căn mà gặp địa chiến kim – mộc thì kim khí lại trực tiếp tổn được mộc khí, là xấu càng thêm xấu.
Tiếp tục lấy mệnh Ất mộc sinh cư Dậu, địa chi gặp Tỵ Sửu làm ví dụ. Nguyên cục Ất mộc vô căn thì không bị kim khí khắc trực tiếp. Đại vận hành đến cung Mão thì Ất mộc trát căn. Mão vốn tương xung nguyệt lệnh Dậu tại nguyên cục, nhưng Mão là vận chi, tính vốn tĩnh, lại thêm Dậu nguyên mệnh khắc đại vận Mão thì lực yếu (có sách cho là không có lực khắc, tức là nguyên cục không thể sinh khắc chế hoá vận niên), thành ra sự xung khắc không lớn, xem như căn khí của Ất mộc được bảo toàn. Ất mộc trát căn thì bắt đầu có thể sử dụng phản cục Tử năng cứu mẫu, dùng hoả chế kim. Tuy nhiên nếu vận Mão lại gặp niên Dậu xung tán thì Ất mộc sau khi trát căn lại bị bạt căn, không những mèo vẫn hoàn mèo, mà niên Dậu xung vận Mão càng tạo điều kiện dẫn động kim khí trong nguyên cục trực tiếp khắc Ất mộc, thì Ất càng bị tổn hơn ban đầu. Thường thân nhược, trát căn lại bị bạt căn thì lấy hung mà luận.
Sẵn tiện tôi giải thích luôn một chút Manh Phái. Trong Manh Phái có lưu phái (nhấn mạnh: có lưu phái) phân biệt hoạt mộc (mộc sống) và tử mộc (mộc chết). Tử mộc là loại mộc vô căn. Lưu phái này thường luận tử mộc gặp trát căn thì hung. Tại sao trát căn thì hung? Đó là do khi trát căn thì tạo thêm cơ hội cho kim khí trong nguyên cục tổn mộc như đã giải thích ở trên.
Lại nói về Khảm Ly cung. Ở đây Khảm Ly có thể hiểu theo nghĩa rộng là thuỷ hoả, cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là cung Khảm, cung Ly. Tại sao trọng thuỷ tại cung Khảm (Tý, Quý) mà không trọng thuỷ tại cung Càn (Hợi, Nhâm); trọng hoả tại cung Ly (Ngọ, Đinh) mà không trọng hoả tại cung Tốn (Tỵ, Bính)?
Phía trên tôi đã chú theo nghĩa rộng thuỷ hoả, ở đây tôi lại chú theo nghĩa hẹp Khảm cung, Ly cung.
Trước hết luận địa chi. Tại Khảm là Tý, tại Càn là Hợi. Dùng Hợi có cái hại là xung Tỵ trong nguyên cục. Mà Tỵ là gốc của hoả, đó là điều kiện hỗ trợ hoàn thành phản cục Tử năng cứu mẫu. Tức nguyên cục có Tỵ, Ất mộc trát căn, dụng hoả chế kim cứu mộc thì Tỵ lúc này có thể xem như một hỷ thần không hoàn bị, chứ không phải thuần tuý kỵ thần như trước đây, vì Tỵ trợ hoả khắc kim. Hợi xung Tỵ thì xung đi hỷ thần, tức hoả căn. Vì vậy dùng Tý an toàn hơn (trừ trường hợp nhị hợp với Sửu có dẫn thần hoá thổ; nhưng nhị hợp lại gặp dẫn thần là trường hợp hiếm hơn nhiều).
Tại cung tốn có Tỵ hoả. Nguyên cục vốn có Tỵ - Dậu - Sửu kim cục không hoá. Lúc này Sửu đến hợp với Dậu. Sửu là kim khố, có tác dụng thu kim, nói nôm na là nó có thể bao bên ngoài để bảo vệ Dậu kim. Nguyên cục có Sửu thâu kim khí, niên vận gặp Tỵ đến tranh hợp Dậu thì cũng không thể chế Dậu được vì Tỵ dẫn động Sửu bảo vệ Dậu. Manh Phái Đoàn Kiến Nghiệp gọi trường hợp này là khử không sạch vì gặp khố thu kim khí. Cho nên dùng Ngọ hoả sẽ tránh được trường hợp dẫn động Sửu thổ vệ kim. Dĩ nhiên còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mà xem Tỵ, Ngọ tác dụng đến đâu.
Bây giờ lại luận thiên can. Tại Khảm cung có Quý thuỷ, tại Càn cung có Nhâm thuỷ. Nguyên cục có Quý thuỷ tàng tại Sửu thổ. Niên vận gặp Quý thuỷ thiết nhập mệnh cục (tham gia mệnh cục, chỗ này cần nắm kỉ thuật thiết nhập mệnh cục) thì sẽ dẫn động thiên nhân hợp nhất, tức niên/vận can Quý gặp căn khí Quý tàng trong Sửu sẽ có lực tiết kim. Nhâm thuỷ thiết nhập mệnh cục không gặp căn khí thì lực tiết kim yếu hơn.
Tại Tốn cung có Bính hoả, tại Ly cung có Đinh hoả. Niên vận gặp Bính hoả thiết nhập mệnh cục dĩ nhiên có thể khắc kim, nhưng thứ nhất Bính hỏa chế Tân kim không hiệu quả bằng Đinh hoả, do Bính hợp Tân, phu thê tương hợp thì lực khắc yếu. Thứ hai là Bính hoả nhập mệnh cục gặp thiên nhân hợp nhất tại chi Tỵ, tức gặp căn khí tại Tỵ, trong Tỵ có tàng Mậu thổ sinh kim, tức lực khắc kim của Bính hoả bị tước nhược. Dùng Đinh hoả vẫn đảm bảo lợi dụng được hoả căn tại Tỵ, lại không dẫn động Mậu thổ sinh kim. Dĩ nhiên, nhắc lại lần nữa, còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mới biết Bính, Đinh nhập nguyên cục có tác dụng đến đâu.
Như vậy, vấn đề tổ hợp bát tự, hay còn gọi là bát tự bày bố là một vấn đề phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm thực chiến (luận bát tự thực tế) để nắm được sự vận hành của những tổ hợp bát tự khác nhau. Phần “Phú quý Khảm Ly cung” này cũng cho thấy sự tinh tế trong việc chọn lựa dụng hỷ thần. Ví dụ dụng thuỷ thì là thuỷ gì, Nhâm Quý Hợi Tý hay Sửu? Dụng hoả thì là hoả gì, Bính Đinh Tỵ Ngọ hay Mùi? Dụng hỷ là hoả thuỷ thì khi nào thuỷ là dụng, hoả là hỷ; khi nào lại chuyển sang hoả là dụng, thuỷ là hỷ?
Việc luận tinh tế từng tổ hợp bát tự, cùng với việc cân đo tỉ mỉ dụng hỷ và tác dụng từng cung trong bát cung, từng nhân nguyên trong địa chi là nền móng để tiến tới luận bối cảnh xuất thân và vận hạn sắc nét. Đây là việc tôi vẫn còn phải thực tập và học hỏi qua từng lần thực chiến.
“Bần cùng Thân Dậu thủ”: dễ hiểu mệnh Ất sinh tháng Dậu, địa chi toạ thêm Tỵ Sửu vây kim thì thường là thân nhược Sát vượng. Hành vận hoặc địa chi gặp Thân Dậu thì kim quá nặng lại dễ dàng bạt căn mỗi khi mộc trát căn, thường luận là mệnh xấu.
Như vậy qua câu 9 “Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ”, tác giả đề cập đến vấn để thuận cục, phản cục hay còn gọi là thường lý, biến lý của ngũ hành. Đồng thời nếu phân tích sâu hơn sẽ bắt gặp vấn đề cân đo tỉ mỉ bố cục bát tự, sự tinh tế khi tuyển chọn dụng hỷ, cũng như luận dụng hỷ biến hoá. Qua đó lại thấy có trường hợp kỵ thần không hoàn bị hoặc hỷ thần không hoàn bị, tức một cung nào đó không thuần tuý là kỵ thần, hoặc không thuần tuý là hỷ thần của mệnh cục.
-----
Ví dụ thực tế:
Càn: Giáp Tuất - Quý Dậu - Ất Sửu - Nhâm Ngọ
Đây là mệnh nam tôi xem số năm 2014, do chỉ xem sơ xài nên không có nhiều thông tin để nghiệm lý tại đây. Hiện nay không còn liên lạc với đương số để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Ất mộc sinh tháng Dậu (1) giờ Ngọ: thất tiết. Tứ trụ không có mộc căn, địa chi toạ Sửu Tuất thì Sát trọng (2), mừng toạ Sửu có tàng Quý thuỷ, lại thấu Quý thuỷ tại nguyệt trụ tiết Sát sinh thân. Dụng thuỷ. Ngọ hoả vừa tổn Nhâm nhưng cũng ám sinh Quý, thành ra là hỷ thần không hoàn bị.
Thời trụ Nhâm Ngọ là môn hộ, thuỷ hoả tương tranh, lại thêm hỷ dụng tương tranh thì trở mặt. Người ngày xuất môn (ra ngoài giao tế) nhiều thị phi, hao tài. Đây là ngược lại của câu “Phú quý Khảm Ly cung”, do dụng hỷ tương chiến thì từ cát chuyển hung. (3)
Vận Giáp Tuất mẹ mất: hai Tuất hình hoại Sửu, bạt căn Quý thuỷ. Tuất là mẫu cung, hình Sửu mà hại Quý là mẫu tinh, tức mẫu cung hại mẫu tinh. Đồng thời hai Tuất hại nguyên thần Dậu của Quý, hai Giáp tiết khí Quý, xem như Quý thuỷ tận diệt.
Càn: Quý Dậu - Tân Dậu - Ất Sửu - Tân Tỵ
Đây là mệnh Hứa Thế Anh, được ông Hoàng Đại Lục lấy làm ví dụ cho phần này, do bác Tamthien đăng ở diễn đàn Huyền Không Lý Số. Nay tôi luận lại cho rõ hơn và bổ sung thêm một số chi tiết.
Ất mộc sinh tháng Dậu (1), địa chi Dậu Dậu Sửu Tỵ vây kim khí (2), lại thấu Tân thì kim khí thái vượng. Tiếc Dậu – Dậu tương hình lại tranh hợp, lại sinh giờ Tỵ chế kim, niên trụ lại thấu Quý thuỷ đắc tiết, đắc địa, đắc thế tiết kim khí. Kim khí có chế có hoá hữu lực, thành ra không tòng kim. Dụng thuỷ hoả.
Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Dậu xuất sĩ (ra làm quan): vận Mậu – Quý – Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi gặp Dậu, nhập cục là ba Dậu tương hình, kim khí vượng động mà khắc mộc. Mừng niên thấu Đinh nhập cục chế Tân kim hữu hiệu (3), lại thêm niên vận thiết nhập mệnh cục tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương, lại thêm Ất giả trường sinh tại vận Ngọ, thành ra Sát có hoả chế mà xuất sĩ (3). Dĩ nhiên kim vượng, lại hình động chế mộc, mà nguyên cục trái phải thấu kim thì năm này dù xuất sĩ, vẫn phải chịu hao tổn ở mặt khác, tiếc là không thấy tài liệu đề cập.
Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Tỵ thăng làm Bố Chánh Sứ tỉnh Sơn Tây: vận Mậu - Quý - Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi thuần hoả nhập cục chế kim càng có lực (3). Năm này vẫn tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương như năm Đinh Dậu.
Niên Nhâm Tý (vận?) thăng làm Đại Lý Viện Trưởng, Bộ Trưởng Tư Pháp: Quý – Nhâm lưỡng Ấn hoá Sát (3), thuỷ - hoả lại không gặp nên tránh được trường hợp dụng hỷ tương chiến mà trở mặt.
Mấu chốt ở bát tự này là bày bố bát tự tránh được hoả thuỷ vị tế, đồng thời tổ hợp đại vận thuận lợi giúp giảm bớt tác hại của tình trạng hoả kim tương tranh mộc t*o ương khi niên vận thiết nhập mệnh cục.
(1) Ất mộc sinh cư Dậu
(2) Mạc phùng toàn Tỵ Sửu
(3) Phú quý Khảm Ly cung
(4) Bần cùng Thân Dậu thủ
Sửa bởi ThienKhanh: 10/04/2017 - 03:42