Jump to content

Advertisements




TRUYỆN NGẮN


312 replies to this topic

#286 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 05/01/2022 - 23:08

HỒI ỨC CỦA MỘT TRÍ THỨC CŨ TRONG XÃ HỘI MỚI SAU 1975
Đây chỉ là những ký ức vụn được ghi chép theo trí nhớ về những con người và sự kiện nay thuộc về một quá khứ đã xa. Mục đích duy nhất của người viết là kể lại những gì mắt thấy tai nghe, hoặc những gì bản thân mình đã trải qua vào các thập niên 1980-1990, nhằm giúp cho các bạn trẻ có được một chút nhận biết về một thời kỳ đất nước còn trải qua nhiều khó khăn, gian khổ…

***
III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
1) NHỮNG “PHÓ THƯỜNG DÂN” (tiếp theo)
Trong giới xích lô bất đắc dĩ sau 1975, còn có Tô Minh Tâm (1944-2017), một người bạn chí thân của tôi trong suốt 7 năm trung học. Sau khi hết bậc trung học (1962), mỗi đứa một đường đi, Tâm tốt nghiệp ban Triết Đại học sư phạm (1967), dạy Triết học vả Công dân Giáo dục lớp đệ nhất tại trường trung học Cường Để, Qui Nhơn. Hiện nay, có một vài người bạn Facebook của tôi từng học với anh ta.
Tất nhiên, sau tháng 4.1975, triết học duy tâm không có chỗ đứng trong chương trình giáo dục, Tâm còn có chút may mắn, đã không phải đi cải tạo, còn được cho dạy môn sinh vật lớp 6 tại một trường trung học cơ sở ở Gia Định. Lương giáo viên thời bao cấp không đủ sống, hàng ngày anh dành cả buổi sáng để đạp xích lô, trưa về lua vội 1- 2 chén cơm rồi đạp xe đi dạy. Bữa nọ, anh ta nhận đưa một phong thư của ai đó nhờ chuyển đến một địa chỉ lạ, với thù lao trả trước. Tất nhiên là chở một phong thư hời hơn chở một người năm sáu mươi ký, anh ta phấn khởi nhận thư, nhận tiền và lên đường.
Trưa hôm ấy, anh ta không về, và suốt 14-15 ngày, vợ con không biết tìm anh ta ở đâu. Điều này khá vô lý nếu chúng ta gắn với thì hiện tại, song nó là một trong nhiều sự thật của những năm sau 1975. Ngày thứ 16, anh ta đạp xích lô về, kể rằng hôm ấy, trên đường mang phong thư đi, anh ta bị cơ quan an ninh chận bắt. Hóa ra món hàng anh ta nhận chuyển đi là thư liên lạc nội bộ của một băng cướp đang bị an ninh theo sát. Anh ta bị nghi ngờ là thành viên của băng cướp, bị điều tra lên điều tra xuống suốt 2 tuần liền, cuối cùng được thả sau khi cơ quan an ninh xác tín anh ta là người vô can.
Một kỷ niệm khác của Tâm, chỉ nghe kể một lần mà tôi nhớ mãi. Buổi trưa đó, đạp xe mệt quá, anh ta ngồi dựa lên ghế dành cho khách, thiu thỉu ngủ, bỗng dưng có ai đó lại gần khều nhẹ. Anh ta mở mắt ra, thấy một cậu xích lô khác đang đứng nhìn mình trân trân. Cậu ta lên tiếng trước:
- Có phải thầy Tâm không?
- Tôi là Tâm đây, cậu là ai mà biết tôi?
Cậu xích lô trẻ ôm chầm lấy Tâm, nỗi xúc động làm cho giọng của cậu ta lạc hẳn:
- Em là D. đây, em học với thầy tại Cường Để, Qui Nhơn đây!
Một cuộc tái ngộ thật bùi ngùi, từ đó, trên những nẻo đường xuôi ngược, thỉnh thoảng thầy trò lại gặp nhau, dừng xe lại, kỷ niệm cũ cứ theo đó mà tuôn trào.
Tháng 4.1982, khi vừa trờ về với cộng đồng xã hội, tôi vẫn thường đến thăm Tâm, thỉnh thoảng gặp cậu học trò cũ của Tâm ở đó. Trong cái nghèo, con người còn tìm thấy niềm an ủi ở chút nghĩa thầy trò.
Nhiều đồng môn của tôi không đủ sức chọn lấy một nghề lao lực. Họ tham gia vào chợ trời thuốc tây, đóng đô dài dài từ đường Trần Quang Khải đến chợ Tân Định, mỗi khi cơ quan quản lý thị trường tảo thanh thì ôm thùng thuốc chạy như vịt.
Song không lâu sau, nghề chợ trời thuốc tây cũng lụn bại. Đó là khi tổ chức Vina Paris (Vietnam Diffusion) hoạt động mạnh ở Pháp, người ở nước ngoài chỉ cần mua một thùng thuốc tây đủ loại trị giá khoảng 100 USD gửi về thì người nhận có thể mang ra bất cứ một hiệu thuốc tây nào để bán lại và thu hồi gần đủ khoản tiền này.
Sự xuất hiện của Vina Paris là một bước chuyển hết sức cần thiết, kết thúc cảnh “người bóc lột người” rất phổ biến vào nửa đầu thập niên 1980. Họ bóc lột nhau bằng cách sau đây: anh A ở Mỹ chuyển 100 USD cho anh B cũng ở Mỹ, người thụ hưởng là C, bạn của A, đang sống ở Việt Nam. Anh B thông báo cho người nhà tại VN trả cho C một khoản tiền Việt, “tương ứng” với 100 USD đã nhận từ anh A. Song điều tệ hại ở chỗ là trong hầu hết trường hợp, số tiền Việt Nam mà những người như C nhận được chỉ bằng hơn 50% trị giá của 100 USD trên thị trường đen lúc đó!
Bản thân tôi không ít lần đi nhận tiền với “tỉ giá” như thế. Lần ấn tượng nhất là vào năm 1986, một người bạn rất thân đang sống ở Mỹ, xa cách nhau mười mấy năm, ngày nọ, anh ta lần ra tung tích tôi qua một người bạn chung, chủ động gửi thư thăm và gửi về cho tôi 100 USD. Người có trách nhiệm giao khoản tiền Việt cho tôi lại là thân nhân cật ruột trong gia đình vợ anh ta, và cuối cùng, khoản tiền tôi nhận được tương đương … 50 USD tính theo giá thị trường đen!
Gọi là thị trường đen – đúng hơn là thị trường bất hợp pháp - là vì vào thời điểm trên, vàng và đô la là hai mặt hàng quốc cấm, mọi mua bán, hoán đổi giữa tư nhân với nhau đều bị cấm chỉ triệt để. Tôi nhớ vào năm 1982, có lần cần bán nửa chỉ vàng để chi xài, tôi phải nhờ người bạn thân dẫn đến ngôi nhà cùa một người quen từng giao dịch mua bán với anh, nhìn thấy anh, họ mới dám mua lại nửa chỉ vàng của tôi. Họ không bao giờ tiếp kẻ lạ, sợ bị gài và bị bắt giữ.

***
Khi nghĩ về bản thân mình cũng như nhiều người cùng thế hệ với mình, tôi đặc biệt ấn tượng với hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên:
Đời vốn không nương người thất thế,
Thì thôi, ô nhục cũng là danh!
Ông viết hai câu thơ ấy trước năm 1975 mà không hiểu sao, nó như một lời tiên tri vận vào số phận của thế hệ mình sau 1975. Tôi nhớ những ngày sống ở trại Xuyên Mộc (1979-1982), trong một buổi xét đồ đạc riêng của từng trại viên, không rõ trao đổi qua lại như thế nào, một anh coi tù khoảng hơn 20 tuổi đã hét vào mặt cụ Cao Xuân Th., lúc ấy đã hơn 60, chỉ 3 từ ngắn gọn: “kệ mẹ anh!”. Cụ Th. từng là một viên chức cao cấp của chế độ cũ, cháu trực hệ của quan đại thần Cao Xuân Dục dưới các triều Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, và là anh ruột ông Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Giám Đốc Thanh Niên trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau khi lãnh đủ 3 tiếng gọn lỏn ấy, cụ Th. im lặng, tiếp tục cúi xuống đống đồ tế nhuyễn của mình, sắp xếp chúng lại. Tôi đứng đó, lặng nhìn cụ. Và tôi khóc trong lòng.
Đúng vậy, đã là người thất thế sa cơ, thôi thì, ô nhục … cũng là danh!
Điều đáng nói ở đây là tôi và nhiều người thuộc thế hệ của mình đã nhẫn nại, chịu đựng, và gượng đứng lên, không để ô nhục làm cho tinh thần mình suy sụp. Vì thế, tôi yêu biết mấy một Tô Thùy Yên, sau 10 năm tù cải tạo trở về, vẫn thản nhiên, hào sảng, nhìn lại cuộc đời mình như một kẻ đạt đạo:
Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời,
Cảm ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi (Ta về)
Tôi hàm ơn anh rất nhiều. Anh đã nói thay cho nhiều người, trong đó có tôi, tâm trạng của một thế hệ đã đi qua chiến tranh, đã chịu đựng rất nhiều sau chiến tranh, song vẫn nuôi dưỡng trong lòng mình tình yêu thương cuộc sống, vẫn tin vào những giá trị tốt đẹp còn tiềm tàng trong cuộc sống.
Ngày 12.4.1982, tôi cầm tấm “Giấy ra trại” trong tay, trở về trong tâm trạng như thế. Lòng không nặng trĩu những oán hờn như nhiều người khác, tôi tự coi đó là vận hạn của mình, mắt cố nhìn về con đường phía trước để dò bước, vì mình còn nặng nợ với bao nhiêu người thân đã gian khổ và hi sinh rất nhiều trong những tháng ngày chia cách.
Câu nói “bắt đầu lại cuộc đời từ con số âm” không phải là một cách nói phóng đại hay hài hước, mà là một thực tế, dù có hơi đau lòng. Bởi vì khi người tù cải tạo trở về, ngôi nhà mình từng ở hàng chục năm không còn là nhà của mình nữa. Nói đúng hơn, nhà thì vẫn còn đấy, nhưng mình chỉ được tạm trú ở đó, với sự cho phép và chịu trách nhiệm của những người thân từng sống nhiều năm trong sự bảo trợ của mình.

Lê Nguyễn
4.1.2022

Thanked by 3 Members:

#287 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 10/01/2022 - 20:52

ĐI BẢO VỆ DỰ ÁN

Tháng 12 năm 1984 Chủ tịch UBND Tp.H.C.M Phan Văn Khải ra Hà Nội công tác, được Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cho biết "Chính phủ cho phép Thành phố H.C.M lập các dự án hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP). Thời gian lập dự án là 7 ngày trước khi bảo vệ trước các cơ quan của Chính phủ". Đây là thông báo miệng. Văn bản chính thức theo đường công văn sẽ chuyển vào sau.

Thời đó (thời bao cấp và bị cấm vận), những việc gì liên quan đến quyền lợi – một cách không chính thức, thường chỉ dành cho các bộ/ngành hay tỉnh/thành của miền Bắc. Các tỉnh phía Nam dù có được thông báo để tham gia thì cũng thường hoặc là đã quá muộn, hoặc đã có đủ sẵn các lý do để bị bác bỏ, từ chối. Các dự án hợp tác với UNDP (ở Việt Nam bắt đầu từ tài khóa 1982-1986) thuộc loại "cực ngon": quy mô đầu tư của Liên Hợp Quốc cho mỗi dự án khoảng 1 triệu USD, trong đó thường thì 50% dành để cung cấp trang thiết bị, 25% trả lương cho chuyên gia, 25% dành cho đào tạo (gồm khảo sát và thực tập tại các nước tư bản). Có năm cơ quan của Chính phủ xét duyệt dự án, gồm: Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính. Không có sự nhất trí chấp thuận của cả năm cơ quan này thì dự án đương nhiên bị bác bỏ. Khi thông báo cho Thành phố H.C.M, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng không hề có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào (vì khi đó hầu như chưa ai biết thế nào là "dự án" mà chỉ quen làm "kế hoạch"), cũng không cung cấp danh mục các dự án mà chính phủ đang hợp tác với UNDP (trong khi UNDP không bao giờ thực hiện hai dự án có nội dung trùng nhau cho một chính phủ).

Ông Phan Văn Khải lập tức điện về Sài Gòn. Ông Sáu Tường (ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp) – khi đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố – nói với tôi: "Đất nước và nhân dân mình nghèo khổ lắm. Hiện nay một quận của thành phố cả năm chỉ làm ra được khoảng 1 triệu USD. Em ráng làm sao thiết kế và bảo vệ thành công được từ một đến ba dự án thì thật là quý lắm. Em có cần hỗ trợ gì không?". Tôi trả lời: "Nhờ anh gọi điện cho các Giám đốc các Sở, yêu cầu họ phải tiếp tôi ngay bất cứ lúc nào, kể cả buổi tối, để kịp thời gian cho tôi khảo sát nhu cầu và khả năng thực hiện dự án, trước khi tôi thiết kế dự án. Tôi chỉ cần có vậy thôi".

Tôi hỏi thăm các vị trí thức danh tiếng của chế độ cũ trong nhóm "trí thức yêu nước" đang phục vụ cho chế độ mới (như Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước…) về khái niệm "dự án" nhưng không ai biết. Tình cờ một anh trung úy chế độ cũ, theo Thiên Chúa giáo – đang làm công nhân xí nghiệp Cơ Điện-tử, quen tôi trước đó – đến nhà tôi chơi, nghe nói, về nhà lấy đưa cho tôi một bản "văn kiện dự án" tiếng Anh từ trước năm 1975. Tôi hỏi "ở đâu anh có?" thì anh ấy chỉ cười, nói: "Tôi cũng không biết. Tôi thấy ngoài bìa có chữ "Project" thì đưa cho anh, xem anh có dùng được không". Tôi đọc, thấy cách thiết kế "văn kiện dự án" giống như cách thiết kế "máy thu thanh" trong kỹ thuật điện tử: từ các kết quả (outputs) giống như "công suất ra loa" thiết kế trở ngược đến đầu vào (input) giống như "điện áp trên antene" và các hoạt động (activities) giống như các hoạt động xử lý của "các tầng khuyếch đại trung gian"… mà tôi rất thành thạo. Tôi tính toán thiết kế các "Dự thảo Văn kiện Dự án" theo kiểu đó ngay.

Tôi dành ba ngày đi các nơi khảo sát, dành bốn ngày và hai đêm thức trắng để thiết kế, đến đêm cuối cùng trình bày và bảo vệ trước UBND Thành phố 21 dự án, được UBND Thành phố chấp thuận 18 dự án. (Trong hai đêm thức trắng ấy có một đêm ngồi làm việc ngay tại trụ sở UBND Thành phố, có người sẵn sàng phục vụ cà phê và thức ăn bất kỳ lúc nào tôi muốn).

Có ba cán bộ của Thành phố H.C.M được cử ra Hà Nội làm việc mười ngày với năm cơ quan của Chính phủ, gồm: 1- Tiến sĩ Phạm Hùng Phi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Thành Phố. 2- Kỹ sư Trương Công Dũng, chuyên viên. 3- Kỹ sư Đỗ Lệnh Hùng, Phó giám đốc Xí Nghiệp Hóa Màu.

1- Tiến sĩ Phạm Hùng Phi (ông Tư Phi) có chức vụ cao tương đương với các cán bộ cấp vụ của các cơ quan trung ương mà chúng tôi sẽ giao tiếp, được cử đi để có sự bình đẳng khi làm việc. Ông Phi là người đạo đức, sống chân thành và thân thiện với mọi người. 2- Kỹ sư Trương Công Dũng là người bảo vệ các dự án. 3- Kỹ sư Đỗ Lệnh Hùng quê ở Hà Nội, có nhiệm vụ lo hậu cần cho hai người kia. Việc lo hậu cần rất quan trọng vì khi đó chưa có internet nên những người sống ở Sài Gòn nếu chưa ra Hà Nội thì không thể biết tình hình đời sống thực tế ở Hà Nội ra sao. Tôi và ông Tư Phi thuộc số người đó.

Khó khăn đầu tiên là mua vé máy bay. Chúng tôi ra Hà Nội vào thời điểm cán bộ miền Bắc làm việc ở Sài Gòn bắt đầu về quê ăn Tết. Khi đó chỉ có một hãng bay duy nhất là "Hàng không Việt Nam" của Trung ương. Biên chế của hãng này khi đó toàn là người miền Bắc và họ cũng chỉ ưu tiên bán vé cho người miền Bắc. UBND Thành Phố H.C.M không viết "giấy giới thiệu" để chúng tôi mua vé như thông thường mà gửi hẳn "công văn đề nghị" Ban Giám đốc sân bay bán vé cho chúng tôi để ra Hà Nội kịp ngày bảo vệ các dự án, nhưng cũng không mua được vé (họ không bán thì làm gì được nhau?).

Tôi chợt nhớ ra cô Trần Hồng Nhung là điện báo viên của Thông Tấn xã Giải phóng trước đây có người anh là Chính ủy sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ cô Nhung giúp. Anh cô viết mấy chữ vào công văn của Thành phố. Có vé ngay.

Máy bay đến sân bay Gia Lâm khoảng 5 giờ chiều. Tôi thật sự sợ hãi khi nhìn thấy một đàn bò đang yên lành gặm cỏ ngay sát đường băng lúc máy bay hạ cánh. Chúng đã quá quen nên chẳng hề để ý đến chiếc máy bay đang lướt qua ngay sát bên cạnh.

Chúng tôi thuê xe đến một khách sạn quốc doanh trên đường Phùng Hưng gần nhà anh Đỗ Lệnh Hùng. Làm thủ tục giấy tờ xong cô tiếp viên chỉ mấy cái ghế gỗ đen thui, nói "các bác đợi đấy" rồi bỏ đi. Chúng tôi chờ lâu không thấy cô ta trở lại, bước ra phòng sau thấy mấy cô ngồi ăn, hỏi "sao các cô không giao phòng cho chúng tôi?". Một cô trả lời: "Đến giờ ăn rồi, chúng tôi phải ăn đã. Các bác cứ ngồi đợi đấy". (Không đợi thì làm gì được nhau?).

Hôm sau chúng tôi đến làm việc với Văn phòng Hội Đồng Bộ trưởng. Cán bộ của cơ quan này đặt phòng cho chúng tôi chuyển về khách sạn Thống Nhất là khách sạn sang trọng nhất Hà Nội thời bấy giờ. Những ngày tiếp theo họ cấp cho chúng tôi một chiếc xe hơi và lái xe để chúng tôi lần lượt làm việc với từng cơ quan trong số năm cơ quan của Chính phủ. Làm việc ở cơ quan nào chúng tôi cũng nhận được sự hứa hẹn ủng hộ hết sức nồng hậu "chúng tôi mà không ủng hộ Thành phố H.C.M của các đồng chí thì chúng tôi còn ủng hộ ai nữa".

Năm cơ quan Chính phủ trước đó đã thành lập "Nhóm công tác của Chính phủ làm việc với UNDP" gồm các cán bộ cấp vụ và một số chuyên viên cao cấp. Đứng đầu nhóm này là ông Vũ Tất Bội – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (V7) của Văn phòng Hội Đồng Bộ trưởng. Ông Bội là trí thức thời Tây, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió. Người thứ hai trong nhóm này là ông Trần Đức Giang – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Giáo dục của Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước. Đây là một nhân vật rất đặc biệt. Ông làm Vụ trưởng từ năm 30 tuổi, trong giai đoạn mà tuổi tác của lãnh đạo phải rất già, vì "năm mươi tuổi vẫn bị xem như là trẻ con". Ông làm Vụ trưởng cho đến khi về hưu. Trong thời gian làm việc, ông có hai cán bộ dưới quyền là Trần Đức Lương, sau này làm Chủ tịch nước, và Phạm Gia Khiêm, sau này làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Các cán bộ tham gia "nhóm công tác của Chính phủ làm việc với UNDP" đều là những người trình độ cao, được huấn luyện bài bản, vì UNDP trong thời chưa mở cửa được xem như "tư bản". Họ khác hẳn với các cán bộ làm công tác đối ngoại với phe XHCN phần đông là con ông cháu cha, làm việc theo cách "đi buôn là chính".

Ngày bảo vệ chính thức tổ chức tại phòng khách của Chính phủ. Tất cả cán bộ của các cơ quan Chính phủ (khoảng 20 người) đều mặc complet, thắt caravat, mang giày da, xách cặp khóa số sang trọng. Tất cả họ đều lớn tuổi hơn tôi. Tôi may mắn mang đôi giày da giống họ (vì ở miền Nam thời đó mọi người đi làm chỉ mang dép da) còn thì chỉ mang một chiếc áo khoác đơn giản bên ngoài. Về trình độ không biết ai hơn ai nhưng tôi thì thuộc những người được nhà nước đưa ra chiến trường để "bảo vệ tổ quốc" còn họ thì thuộc những người được nhà nước đào tạo để "xây dựng đất nước". Tất cả họ đều là đảng viên c.... s.. còn tôi thì không (nhưng vào họp thì gọi nhau là "đồng chí").

Tôi trình bày 18 dự án trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, sau đó trả lời các chất vấn. Cả năm cơ quan của Chính phủ đều ủng hộ Thành phố H.C.M. Mỗi cơ quan ủng hộ ba hoặc bốn dự án, lệch nhau hoàn toàn. Tuy không có kết luận chính thức nhưng ai cũng biết như vậy là cuộc bảo vệ đã thất bại.

Sau ngày làm việc hôm đó, ông Tư Phi định quay về Sài Gòn. Tôi nói "anh đề nghị họ tổ chức bảo vệ lại, tôi chịu trách nhiệm". Ông Tư Phi đồng ý. Vụ 7 đồng ý. Vào cuộc bảo vệ lại, tôi nói: "Tôi đề nghị bảo vệ lại nhưng nếu như tôi trình bày lại các nội dung mà các đồng chí đã nghe thì thừa. Các đồng chí nếu có đặt thêm câu hỏi mới thì tôi đoán trước là cũng thừa. Vấn đề tôi chỉ tóm tắt như thế này thôi: với tất cả các dự án mà tôi đã thiết kế và trình bày ở đây ngày hôm trước, ngoài vài dự án có nội dung trùng với các dự án các Bộ đang làm mà chúng tôi không biết ra, đương nhiên là bị loại, thì các dự án còn lại đều hết sức quan trọng. Tôi xin khẳng định với các đồng chí rằng, đó là các dự án hết sức cần thiết để phát triển đất nước, mà không một cơ quan bộ nào có đủ năng lực tiếp nhận như Thành phố H.C.M. Trong thời gian chưa đến bảy ngày tôi đã phải bỏ ra cả hai đêm thức trắng để thiết kế 21 dự án, được Ủy Ban Nhân dân Thành phố thông qua 18 dự án, đem ra đây không phải để bảo vệ thất bại đâu…".

Nói đến đây, đang đứng, tôi đá chiếc ghế ngồi ra phía sau, chắp tay sau lưng đi vòng vòng quanh bàn họp, vừa đi vừa nói: "Tôi nói thật nhé. Các đồng chí chơi kiểu mỗi cơ quan ủng hộ một số dự án không trùng nhau như vậy là không được đâu. Các đồng chí chơi kiểu đó thì chơi với ai? Tôi nói trước nhé, nếu các đồng chí tiếp tục chơi kiểu đó thì các cơ quan trong Sài Gòn sẽ không ai chơi với các đồng chí đâu…".

Trong khi tôi nói, Ông Trần Đức Giang vừa nhìn theo sát tôi vừa ghé tai ông Vũ Tất Bội thì thầm. Tôi nói xong, ông Vũ Tất Bội đứng lên nghiêm giọng: "Xin mời đoàn Thành phố H.C.M rời cuộc họp, qua phòng bên chờ chúng tôi hội ý". Chúng tôi rời phòng họp. Ông Tư Phi buồn bã "cậu nóng quá". Đỗ Lệnh Hùng nói ngắn gọn "thôi xong". Hai mươi phút sau chúng tôi được mời trở lại phòng họp. Ông Bội vẫn mặt lạnh như tiền. Ông Trần Đức Giang đứng lên tuyên bố: "Chính phủ đồng ý để Thành phố H.C.M hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc 10 dự án sau đây…".

Khi ra về, ông Bội bắt tay tôi: "Đừng cám ơn tôi nhé!". Ông Trần Đức Giang về sau kể lại: "Khi cậu đá cái ghế rồi chắp tay sau lưng vừa đi vừa chửi, tớ ghé tai nói với ông Bội: thằng này chơi được!". Về sau hai ông Vũ Tất Bội và Trần Đức Giang mời tôi tham gia "Nhóm công tác của Chính phủ", quản lý các dự án của các Bộ, Ngành đóng trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Chiều hôm đó tôi mở tiệc rất trọng thể tại khách sạn Thống Nhất chiêu đãi các bên liên quan. Chưa bao giờ không khí vui vẻ, cởi mở, thân mật như bữa tiệc hôm đó.

Chúng tôi ở lại Hà Nội một ngày để dạo chơi. Hà Nội khi đó chưa có xe hơi riêng nhưng cũng đã có khá nhiều xe gắn máy. Mùa đông, những người đi xe gắn máy thường mặc complet, thắt caravat và đi giày tây sang trọng. Ở ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài, đèn đỏ. Một ông sang trọng đi sau dừng xe không kịp, chạm nhẹ vào bánh sau của ông sang trọng đi trước. Ông sang trọng đi trước quay phắt lại: "Đ. mẹ mày, mày đi thế à!". Trên vỉa hè đường Tràng Tiền hai cô gái Hà Nội xinh như mộng, khoác áo cổ lông trắng muốt, mang bốt đen bóng, nói chuyện rất to như ở chỗ không người. Một cô liên tục dùng tiếp đầu ngữ "Đ.mẹ" khi kể chuyện với bạn: "Đ.mẹ thằng già tin t*o sái cả cổ".

Tôi tìm mua mấy chai Ararat là loại rượu thượng hạng của Nga và phô-mai tổ ong của Nga để đem về Sài Gòn nhậu với bạn bè. Quà từ Hà Nội về Sài Gòn chỉ có bấy nhiêu thôi.

Ở khách sạn Thống nhất, ông Tư Phi ở một phòng đơn còn tôi và anh Đỗ Lệnh Hùng ở chung một phòng đôi nhưng tối nào anh Hùng cũng về ở với gia đình. Hôm cuối cùng anh ấy nói tối sẽ vào ngủ ở khách sạn để sáng hôm sau cùng ra sân bay sớm.

Đối diện phòng tôi là phòng của một cô người Nga khoảng 25 tuổi. Hàng ngày gặp nhau chào hỏi nhau dăm ba câu. Ăn trưa và ăn tối gặp nhau ở restaurant có lúc cũng nói chuyện. Buổi chiều hôm đó tôi nói lời chia tay với cô để sáng mai trở về Sài Gòn.

Mười giờ rưỡi tối tôi đã lên giường, chui vào chăn bông sắp ngủ thì nghe tiếng gõ cửa. Tưởng anh Đỗ Lệnh Hùng vào, bước ra mở cửa hóa ra là cô bạn người Nga. Tôi để cho cô ấy vào phòng rồi lấy rượu và phô-mai ra mời. Uống hết chai rượu mới đi ngủ.

Sáng ra đang còn ngủ ngon lành thì ông Tư Phi gõ cửa. Thấy cô gái Nga đang nằm trên giường, ông chỉ nói "sáng rồi, cậu chuẩn bị cho nhanh để ra sân bay kẻo trễ". Suốt chuyến bay ông im lặng mãi, cuối cùng mới tủm tỉm cười "cậu đi Hà Nội lần này sướng y như đi nước ngoài".

Ông Tư Phi rất thương tôi. Vợ chồng ông đại diện nhà trai trong đám nói, đám hỏi, đám cưới của tôi. Hai ông bà đã qua đời từ nhiều năm trước.
Công Dũng Trương

Thanked by 1 Member:

#288 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 18/01/2022 - 11:52

HƯƠNG GÂY MÙI TẾT

(Tác giả: nhà văn Lê Văn Nghĩa)

Mùi Tết của gia đình tôi đến bắt đầu từ mùi thơm... nồi thịt kho tàu! Tất nhiên khi nói vậy có hơi quá đáng một chút vì có vẻ như loại bỏ những yếu tố thời gian, không gian do tạo hóa mang lại.

Nhưng từ nhỏ và cho đến bây giờ, mùi thơm của nồi thịt kho tàu vẫn làm tôi biết Tết đã đến.

Ấy là khi mẹ tôi đi chợ về với một cục thịt ba rọi, hai chục trứng vịt tươi và trái dừa xiêm nằm trong giỏ. Không cần mẹ phải nói, tôi biết là bà sắp chuẩn bị một nồi thịt kho tàu cho Tết.

Gia đình nghèo nên những ngày thường nồi thịt kho tàu đã hiếm hoi vì thịt kho tàu là phải có thịt mà thịt là thứ thực phẩm "quý hiếm" cho một gia đình lao động đông con.

Bữa cơm hằng ngày thường là cá, là mắm, là ba khía, là rau tập tàng luộc chấm nước mắm kho quẹt nên một nồi thịt kho tàu thường tượng trưng cho những ngày quan trọng, những ngày lễ nghĩa với tổ tiên với trời phật, những ngày mà các đứa con được tiếp xúc với thịt một cách cụ thể đếm được bằng số lượng.

Trong mâm cúng trưa 30 món thịt kho tàu gần như là món chính mà má tôi dâng cúng cho ông bà. Và nó cũng sẽ là món chủ lực đi suốt gia đình tôi trong nhiều ngày Tết - cho đến tận giọt nước thịt kho cuối cùng được vét bằng những mẩu bánh mì quọt quẹt tận đáy nồi.

Cũng tất nhiên thôi, cho đến tận tuổi cổ lai hy tôi thấy nồi thịt kho tàu của mẹ tôi vẫn là số một.

"Dù đi trăm núi ngàn sông ấy
Chỉ có mơ về mâm cơm xưa
Bóng mẹ ngàn thu như ngồi đấy
Bếp lửa chiều xuân ướp ấm êm…"

Tôi biết, có rất nhiều sự thiên vị không hề nhỏ khi chỉ độc tôn nồi thịt kho tàu ngày Tết của mẹ tôi. Ngày Tết nhà nào ở miền Nam này lại thiếu nồi thịt kho tàu. Đi đâu và đến gia đình nào, nếu trúng bữa thì cũng sẽ thịt kho tàu, dưa giá, canh khổ qua dồn thịt. Nồi thịt kho tàu gần như tượng trưng cho mâm cỗ Tết, là món ăn chính của các gia đình miền Nam.

Chỉ cần có nồi thịt kho, hâm đi hâm lại hàng ngày là họ có thể thoải mái rong chơi ta bà ba ngày Tết mà không phải lo đến chuyện nấu nướng trong những ngày có níc-nêm là mùng.

Chất liệu chính để nấu nồi thịt kho thì nhà nào cũng như nhà nào nhưng tài nghệ kho cho ra hồn nồi thịt thì lại rất khác nhau.

Cũng thịt ba rọi, hột vịt, dừa xiêm. Chỉ hơn nhau là bao nhiêu ký thịt, bao nhiêu trứng hột vịt ở trong nồi và cách ướp gia vị cho những nguyên liệu ấy. Có người cho rằng ướp đường cho những cục thịt ba rọi trước khi kho thì sẽ làm cho mỡ trong hơn, ăn bùi hơn.

Có người thì cho rằng nên ướp mật ong rồi vắt chanh ướp thịt sẽ làm cho thịt ngọt và thanh. Rồi nào là tỏi, hành, nước mắm ngon, nước màu ướp thêm vào kho rục.

Nồi thịt kho tàu không chỉ ăn trong ba ngày Tết mà còn thể kéo dài trong nhiều ngày, có khi cho tới hết mùng. Càng kho lâu thì trứng vịt càng ngon, miếng thịt trở nên mềm rục, miếng mỡ của thịt càng phao, bỏ vào miệng như tan đi chất béo, chất ngậy.

Khi nồi thịt bị tụi nhỏ dùng đũa "tiêu diệt" gần hết mà nước kho thịt còn nhiều, mẹ tôi mua cá lóc, tàu hủ bỏ vào để cá và tàu hủ hấp thu phần nước cốt ấy. Hết thịt ăn cơm với tàu hủ, với cá vẫn thấy ngon.

Chỉ một nồi thịt kho tàu là bao nhiêu cách nấu. Nhưng tôi chỉ thấy nồi thịt của mẹ tôi kho là ngon nhất vì do chính bàn tay mẹ tôi cắt từng cục thịt, gỡ bỏ vỏ từng cái hột vịt, ướp hành tỏi, đường… Thật thơm sao bàn tay của mẹ! (Sao hồi mẹ còn sống chẳng nhận ra điều này kìa?).

Người mẹ miền Nam nào cũng biết cách nấu một nồi thịt kho tàu. Nhưng chẳng ai biết tại sao được gọi là thịt kho tàu. Đơn giản nhất là nghĩ rằng cách kho thịt và hột vịt nầy do người Tàu truyền lại. Nhưng những gia đình người Tàu chính gốc trong Chợ Lớn thì chẳng thấy ai có một nồi thịt kho tàu để ăn tết mà họ thay thế bằng thịt lạp, bằng lạp xưởng, bằng thịt vịt khô...

Trong các món ăn của người Hoa chưa bao giờ thấy dùng nước dừa để nêm nếm. Còn thịt kho tàu của dân ta thì lại luôn kho bằng nước dừa. Nước mắm cộng với nước dừa khi kho thịt sẽ bốc một mùi thơm rất là đặc trưng của món ăn nầy.

Chính nước mắm pha với nước dừa kho thịt với hột vịt lâu ngày sẽ tạo thành một loại nước chan cơm, một loại nước dùng không thể nào quên để chấm với bánh tráng cuộn dưa giá, một chút mỡ, một chút thịt hoặc bèo lắm là mua ổ bánh mì không ăn cũng rất là không chê được. (Chảy nước miếng rồi nghe).

Đó là một loại nước chấm không mặn, không lạt mà lờ lợ. Chính sự lờ lợ của loại nước trong nồi thịt kho hột vịt đã giải thích cho chữ tàu.

Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc thì chữ "tàu" nói theo ngôn ngữ miền tây có nghĩa là "mặn ngọt lờ lợ". Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ gọi là sông Cái Tàu thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này có nước lờ lợ.

Còn GS Trần Văn Khê đã xác định rằng món thịt kho "tàu" hóa ra lại là "ta" hoàn toàn.

Thưởng thức nồi thịt kho tàu không chỉ bằng vị giác của lưỡi, của khứu giác, thị giác mà còn cả một tâm thế háo hức, chờ đợi.

Trưa ba mươi, chờ mâm cỗ cúng ông bà về ăn Tết tàn cây nhang thì lũ trẻ con mới được khai muỗng, múa đũa vào cục thịt kho tàu ngậy những mỡ, nằm tắm trong xâm xấp nước màu hổ phách, thơm lừng lẫy, vang dội võ lâm thực khách.

Không phải món thịt kho tàu chỉ có vào những ngày Tết. Những quán cơm tấm ngày, cơm tấm đêm, quán cơm trưa thì món thịt kho tàu cũng nằm trong thực đơn làm thực khách chảy nước miếng.

Nồi thịt kho tàu không làm nên cái Tết nhưng chắc chắn Tết phải có nồi thịt kho tàu. Nồi thịt kho tàu trong những ngày Tết quả thật là… "bá chấy bọ chét".

Có cần phải khen vậy không ta ?!?

.

Trích "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ" - NXB Trẻ

Thanked by 1 Member:

#289 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 28/01/2022 - 23:05

“ÔI NHỚ XUÂN NÀO THUỞ TRỜI YÊN VUI…”

… Chỉ dăm ngày nữa tết Nhâm Dần 2022.

Năm 2020 nhen nhúm Covid-19. 2021 Covid-19, trong và ngoài nước lảo đảo. Ông Tạ cũng vậy, lao đao. Việc giải tỏa nhà dọc đường Cách Mạng Tháng Tám để mở tuyến Metro tạm dừng, để lại những ngổn ngang.

Nhưng đã là một thói quen của gần 70 năm (từ 1954) trên vùng đất mới, trên quê hương mới của bao thế hệ Ông Tạ, từ trung tuần tháng Chạp, những sạp lá dong, khuôn gỗ gói bánh chưng lại thấy xung quanh trường Tân Bình (trước 1975 là Thánh Tâm). Từ sáng sớm, đã thấy dưa hành, kẹo lạc Quế Hương, giò chả Ông Tạ… bày dọc các cung đường, lối ngõ khu Ông Tạ. Gần nửa đêm, hai cửa hàng Tơ Hồng (tiệm ảnh Á Đông cũ), Ngọc Vân… ngay ngã ba Ông Tạ vẫn giăng đèn kết hoa rực rỡ đến gần nửa đêm. Chợ lá dong trước trường Thánh Tâm (nay là Tân Bình) vẫn chong đèn suốt đêm.

Không chỉ vậy, mấy chục “shop” lá dong vỉa hè vẫn ngồn ngộn lá trải dài từ hai bên cầu Ông Tạ ra đến ngã ba. Nửa đêm, trên đường Phạm Văn Hai, tôi về qua, tiệm Hồng Thắm thuở nào, xéo chợ Ông Tạ cũ, với bột sắn, trà Bắc, thuốc lào Ba số 8… vẫn mở đèn bán tết suốt đêm. Như hồi chợ vẫn còn, trước 1989…

Thoáng bùi ngùi một thuở, khi chợ Ông Tạ chưa dời về chợ Phạm Văn Hai hiện nay; khi cầu Ông Tạ chưa bị phá bỏ năm 1999 làm hai cầu mới hai bên mang tên số 2, 3 mà tới giờ, hơn 20 năm rồi nhiều người vẫn chưa thuộc tên cầu…

ÔNG TẠ THUỞ ẤY, TRƯỚC TẾT LÀ MỘT TRỜI VUI

Trước 1975, từ 23 tết, con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), đoạn từ ngõ Cổng Bom (nay là hẻm chùa Khuông Việt), cổng ấp Hàng Dầu (nay là đường Lưu Nhân Chú) đến ngã ba Ông Tạ đã bị đóng mấy thanh gỗ ngang ngăn xe cộ qua lại; tạo thành một cái chợ ngay trên mặt đường. Nhà lồng chợ Ông Tạ cũ (nay là đường vào trường tiểu học Phạm Văn Hai) không còn sức chứa nổi sức mua bán, hàng hóa tết ê hề của khu Ông Tạ.

Xe cộ qua lại buộc phải đi ngõ Con Mắt (nay là 766 Cách Mạng Tháng Tám), ngõ Cổng Bom (nay là hẻm Chùa Khuông Việt, 202 Phạm Văn Hai)… lúc ấy còn rộng, hai xe cam nhông (camion) qua lại thoải mái, không chật chội, ứ hự như bây giờ.

Các lò giò chả của ông trùm Bệ xứ bên Tân Chí Linh, ông đội Ngân xứ Vinh Sơn đối diện… bên kia cầu Ông Tạ gần nhà tôi tiếng giã giò thình thịch suốt đêm ngày. Thợ toàn trai tráng trong nhà, cứ hai tay hai chày nện liên tục vào cối; quăng mẻ này ra là mẻ thịt mới ném vào. Gần ngã ba có lò Tuyết Hương cạnh nhà in Minh Tâm, đối diện nhà sách Ngọc Lan cũng một thời lừng lẫy. Chủ tên Thành, bà con gọi là Thành “giò”. Ngay chợ có lò ông Phán “giò”, nằm giữa hẻm vô chợ Gà (264 Phạm Văn Hai) và hẻm Đông Kinh. Hàng chục lò giò chả ngõ Con Mắt tràn hàng ra chợ Ông Tạ ra. Một loạt tiệm giò chả Ông Tạ xưa tới giờ vẫn còn…

Tất cả lò giò chả Ông Tạ chỉ vài bước chân là tới lò heo trong ngõ Cổng Bom, nơi cung cấp thịt heo ra lò còn nóng hôi hổi. Trước và sau 1975, một số lò vẫn còn giã tay.

Bao nhiêu đòn giò lụa, chả quế ra lò trong một cái tết xưa ấy, tôi không rõ. Chỉ biết là hầu như không gia đình khu Ông Tạ nào không mua một vài cây giò ăn tết. Đến 1975, khu Ông Tạ có khoảng 150.000 dân/250.000 dân xã Tân Sơn Hòa; tức khoảng 25.000 gia đình. Không chỉ vậy, giò Ông Tạ còn lên xích lô máy, xích lô đạp, xe máy lẫn xe đạp… chạy sang nhiều chợ khác. Chẳng hạn lò nhà ông trùm Bệ mở cả cửa hàng giò chả Hòa, Nghĩa bên chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3). Nhiều gia đình Bắc ở Bảy Hiền, Bùi Phát, Lăng Cha Cả, Tân Phú, Phú Nhuận, xóm Lách (quận 3)… thì tết dứt khoát phải về Ông Tạ mua giò chả mới gọi là có tết.

Không chỉ giò chả, có những mặt hàng hầu như chỉ làm và bán dịp tết và nhiều gia đình khu Ông Tạ coi là món tết không thể thiếu như kẹo lạc, “thèo lèo c*t chuột”… chẳng hạn thì hàng chục lò cho ra hàng tấn kẹo lạc mỗi ngày. Nghĩa Hòa có một loạt lò kẹo ông Xót, ông bà chánh Chuyên, lò chú Thi, lò chú Xuyên… Đặc biệt là hai lò Hòa Thành, Thủ Đô với hai anh em ông Hòa, ông Thủ làm chủ. Nam Thái có lò Quế Hương cho tới giờ vẫn bọc kẹo vuông vức thành từng ký. Lò Quế Hương gốc trong hẻm bánh mì Nam Thành Phong, gần nhà thờ Nam Thái; miếng kẹo giòn thanh… tới giờ vẫn là mặt hàng kẹo lạc chủ yếu ở Ông Tạ. Lò nào cũng đầy thợ và… trẻ con. Đám trẻ con vừa coi vừa chực ăn mấy rìa kẹo chủ lò dúi cho.

Hàng chục tiệm bánh kẹo, tạp hóa lớn nhỏ dọc đường Thoại Ngọc Hầu, khu ngã ba Ông Tạ như Quang Minh, Tiến Thành, Lan Hương…, không tiệm nào không bày bán kẹo lạc, bánh xu xê, bánh in…

Rồi măng khô, bóng bì, trà B’lao… từ Gia Kiệm, Long Khánh, Bảo Lộc đưa về ngồn ngộn. Rồi bột sắn, miến dong có nhà tự mua hàng tấn sắn dây, củ dong… về ngâm, làm suốt ngày đêm cho kịp chợ tết. Gạo nếp, đậu xanh từ miền Tây đưa lên để nấu xôi, làm bánh chưng… vun đầy các cửa hàng. Xe chở gạo đậu ở ngã ba, thợ vác hàng tấn đi thoăn thoắt hoặc kéo xe kéo, đẩy xe ba gác bỏ mối cho các sạp. Gà vịt trong từng bu (lồng) tre đan chen chật đường vô hẻm Gà…

Bên ngoài khu ngã ba Ông Tạ, cơ man là hàng hoa, chợ hoa, chợ lá dong, quầy dưa hấu trải suốt từ hồ tắm Cộng Hòa đến nhà sách Ngọc Lan, gần đầu đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân). Hàng hoa từ Hóc Môn, Bà Điểm đưa xuống. Hàng củ quả như su hào, súp lơ.. từ Hố Nai đưa lên. Xe tải đổ hàng liên tục, vun hàng đống hai bên đường…

Những con hẻm thông từ ngõ Con Mắt, đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) ra Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)… người qua lại suốt ngày đêm. Học trò đi học qua cũng vui tươi chen lấn - trẻ con nào không thích đông vui; trẻ con Bắc càng vui sướng lắm. Tôi và chúng bạn ngồi học chỉ mong về, ra chợ tết chơi, lượm cong lá dong làm súng, làm gươm. Cha mẹ thấy con vắng là biết chúng đi đâu, làm gì. Đang tối mày tối mặt làm, buôn bán hàng tết không ngơi tay, ngớt miệng nên cũng chẳng buồn gọi về…

Những đêm cuối năm ấy, không biết bao nhiêu nồi bánh chưng sôi sùng sục khắp đường ngang ngõ tắt, hẻm hóc khu Ông Tạ. Nhà nào cũng con đàn cháu đống. Để nhà ăn, biếu hàng xóm, láng giềng và đặc biệt bà con, làng mạc cùng quê Bắc xưa, anh em, họ hàng vốn sống quần tụ quanh đấy, gần đấy – vào Nam nhiều nhà đi gần cả làng, cả họ, cả nhà.

Những chiếc bánh chưng được gói chăm chút. Cả nhà xúm vào làm. Riêng gói bánh, cột bánh thường là chuyện của đàn ông thanh niên khỏe tay để bánh chắc. Trẻ con bu quanh cũng được ông bà, cha mẹ gói cho những chiếc bánh tí hon để chúng có phần tết, khoe chúng bạn, khỏi quẩn chân.

Anh Nguyễn Ninh, một dân Ông Tạ quả quyết: “Bánh chưng Ông Tạ ngon không đâu bằng. Mở chiếc bánh ra: nếp, đậu, thịt thơm phưng phức – đúng hương vị Bắc 54 mang từ quê nhà, không lẫn vào đâu được. Màu lá dong xanh biếc trong những cọng lạt mềm buộc chặt”.

Lạt phải chẻ thật mỏng, ngâm nước, buộc mới chặt tay. Đêm 30, cứ cách vài nhà lại một nồi bánh chưng đầu nhà cuối sân. Chuyện canh nồi bánh thường của nam thanh nữ tú, trải chiếu ngồi, nằm canh; chuyện trò, chọc phá nhau ran như pháo tết. Tình làng nghĩa xóm quyện bay trong khói nồi bánh chưng đêm se lạnh cuối năm, trong tiếng pháo lẻ của trẻ con không biết nhà nào đốt trong xóm…

“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui”, đông đủ; tứ xứ vùng miền mà như một nhà.

QUÊ HƯƠNG ÔNG TẠ VẪN CÒN ĐÂY, ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG

Đến cuối thập niên 1980, chợ Ông Tạ cũ - nơi khởi phát cả một khu Ông Tạ sầm uất từ năm 1954, bị giải tỏa để chuyển sang chợ Phạm Văn Hai hiện nay.

Chợ đâu lò đó. Lò heo trong ngõ Cổng Bom cũng ngưng hoạt động để dắt díu, tùm húm theo nhau ra chợ Phạm Văn Hai. Trước khi về chợ đầu mối của thành phố, chợ Phạm Văn Hai trở thành chợ heo lớn nhất thành phố H.C.M. Thịt heo từ đây đi nhiều chợ trong thành phố. Tuy nhiên, chợ Phạm Văn Hai không còn lò heo mà chỉ nhận heo giết mổ từ nhiều nơi về phân phối lại.

Từ hai, ba giờ sáng, chợ heo Phạm Văn Hai cách nhà tôi vài chục mét, đối diện rạp hát Đại Lợi (lúc đó vẫn còn) này đã rần rần người mua kẻ bán thịt heo. Từ 23 tết thì một, hai giờ sáng đã náo nhiệt. Ngày 28, 29 tết, ngay sau 0g đã ồn ào cho tới sáng...

Xe tải chở thịt heo đậu hai bên đường trước chợ cho thợ heo vác heo mảnh từ xe tải xuống, tấp nập và chạy tới chạy lui tấp nập, có khi rất “hỗn”, bất chấp xe qua lại. Có thợ vai vác heo mảnh, tay cầm dao xẻ thịt sắc lẹm nhìn rất sợ. Vừa vác heo họ vừa la hét xe cộ qua lại nhường đường ầm ĩ.
...

Thịt heo từ chợ lên các xe máy, hầu hết không biển số, cũ rích, tơi tả. Có xe để nguyên từng tảng thịt nửa con heo vắt qua yên sau, có xe cẩn thận xả sơ mảnh, bỏ vô hai thùng nhôm hay inox sau xe. Thế là các anh tài rú ga chạy bạt mạng cho kịp buổi chợ sớm của các chợ khác.

Chợ Ông Tạ cũ, thật kỳ lạ, nó vẫn hoạt động, tết vẫn sôi động. Tất nhiên các mẹ các chị không thể buôn bán ở khu nhà lồng chợ cũ vì nó đã thành trường tiểu học Phạm Văn Hai. Các cửa hàng dọc đường Thoại Ngọc Hầu cũ lên đến ngã ba Ông Tạ vẫn buôn bán những mặt hàng như ngày nào. Mới đây thôi, trước khi nhà bánh kẹo Tiến Thành giải tỏa cho Metro, bà con xung quanh đã thấy mọc lên hai tiệm Tiến Thành mới: một đối diện tiệm cũ, một trên đường Phạm Văn Hai – đối diện hẻm Gà. Tiệm nào cũng một kiểu bảng hiệu, cũng bánh cốm, trà Bắc, kẹo lạc… như thuở nào…

Ngoài những tiểu thương trong nhà chợ Ông Tạ cũ mua, sang sạp buôn bán tiếp tục ở chợ Phạm Văn Hai, không ít bà con, nhất là hàng rong vẫn tiếp tục “bám trụ” cho tới giờ, với hàng trăm sạp hàng, bạt trải nilông trong hẻm 264, tức hẻm Gà xưa, chạy dài dài vòng ra hẻm Đông Kinh cũ… Không quy mô bằng, nhưng cũng không thiếu thứ gì…

Kẹo lạc Quế Hương từng khối vuông vức, hũ dưa hành, măng khô, trà Bắc, thuốc lào Ba số 8… vẫn thấy bày dọc đường Phạm Văn Hai, từ ngã ba Ông Tạ xuống ngõ Cổng Bom xưa, trên đường Lưu Nhân Chú, Nghĩa Phát và khu Lộc Hưng, Chí Hòa… Dù nhiều người Ông Tạ “muôn năm cũ” đã đi đâu về đâu, hay không còn trên cõi thế gian này, nhưng tất cả đã chọn nơi này định hình cho mình một quê hương…

… Tôi nhớ hồi nhỏ và cả lúc lớn lên, không chỉ tôi, nhiều người Ông Tạ cũng có phần tủi thân không có quê để về dịp tết. Quê Bắc xưa đã xa lắm rồi, có về chắc cũng chỉ để thăm chứ không để ở lại: “Mai đây hòa bình, con tàu chở đoàn người di cư, về thăm quê Bắc thân yêu đã xa lìa cả thời niên thiếu…” (“Hòa bình ơi! Việt Nam ơi” - Trầm Tử Thiêng).

Thế hệ F0, ông bà cha mẹ đến đây khi tuổi 20, 30, 40… sau 1975 cũng có người sau 1975 về thăm quê, giờ hầu hết đã về với Trời, với Đất. Con cháu F1, F2, F3… đa số chỉ nghe quê Bắc xưa qua lời kể, “phai nhạt mấy màu”. Nên dù đi đâu, kể cả ra nước ngoài, quê hương cụ thể của họ hôm nay vẫn là Ông Tạ; “là con diều biếc con thả trên đồng” rau muống ông Nghi ở An Lạc. Một vùng đất mới nay đã thành cũ – để nhớ để thương… Ngay California (Mỹ) cũng có tiệm Bánh Cuốn Ông Tạ, giò chả Ông Tạ đấy thôi…

GIAO THỪA, NĂM HẾT, TẾT ĐẾN

Ầm ĩ, chộn rộn những ngày trước tết, đêm 29 rạng sáng 30 tết, nhiều người Ông Tạ cũng không ngủ. Chợ Ông Tạ càng không ngủ - đêm cuối trước tết còn chợ, sau đó sẽ nghỉ đến mùng ba, mùng bốn tùy năm. Thực tế mùng bảy mới hy vọng chợ hoạt động như cũ. Ấn tượng thuở nhỏ của tôi là chợ búa khu Ông Tạ nghỉ tết khá lâu, mùng sáu vẫn loe hoe ít sạp hàng buôn bán. Phải mùng bảy hạ nêu, chợ mới chính thức vào công việc một năm mới.

Đêm 29 rạng 30 là một chợ Ông Tạ của nhà nghèo, hàng hóa bán rẻ cho xong buổi chợ. Có bà vừa bán vừa mừng tuổi cho khách: dúi thêm ít hàng, ít bánh kẹo “mang về cho cháu ở nhà”. Lò heo cũng vào mẻ thịt ra chợ cuối cùng trong năm. 30 tết và sau đó mấy ngày, chợ nghỉ, lò heo cũng phải nghỉ theo.

Chín, mười giờ sáng 30, hầu như các chợ đã quang hẳn; ai cũng vội về nhà. Trưa 30, xe rác vừa xong những mẻ rác cuối đã xe cứu hỏa của Gia Định trờ tới, phun rửa đường ồ ạt. Nhà nhà cũng dọn dẹp nhà mình lần cuối, mai mùng một sẽ không quét nhà. Chị tôi bảo: “Không được quét nhà mùng một kẻo quét tiền bạc ra khỏi nhà”. Dân Công giáo mà cũng tin như vậy, bảo sao bà con các đạo khác.

23g đêm 30, các nhà thờ xong lễ nửa đêm, các chùa thơm phức mùi hương trầm… Cả Ông Tạ im lặng trong đêm, chỉ còn mùi nhang trầm trên bàn thờ Chúa, bàn thiên ngoài trời. Ông bà, bố mẹ réo con về khi những tiếng pháo lẻ đã lác đác, ngày càng nhiều.

Đang im lặng thênh thang
Chợt vỡ ra náo động
Pháo nổ rung mặt trống
Trời đất chuyển giao thừa

… Có lẽ Ông Tạ là khu vực pháo nổ nhiều nhất Sài Gòn, có khi hơn cả Chợ Lớn. Giàu nghèo gì cũng ít là một phong, thường cả thước. Những nhà cao tầng khu ngã ba có nhà nổ cả chục thước. Đường sá ngập hồng xác pháo, không ai quét dọn. Xe cộ qua lại cuốn tung xác pháo. Người đi lễ nhà thờ, chùa, chúc tết đầu năm, chân đi như reo trên màu hồng pháo…

Nồi bánh chưng đêm giao thừa cũng đã ra lò, đưa lên ép cho ráo nước cúng gia tiên, ông bà. Trẻ con đã xúng xính quần áo mới chuẩn bị theo cha mẹ đi chúc tết ông bà, có thể ở Ông Tạ, có thể ở Bình An, Xóm Mới, Phú Nhuận… Các ông trùm, ông quản vào chúc tết các cha, các dì (soeur) để nhận lì xì, chỉ vài đồng.

Khác với hiện nay, tết khu Ông Tạ thời ấy ít nhà đóng cửa. Đa số mở cửa đón khách với phòng khách trang hoàng ấm cúng, sạch sẽ - như một cách “báo cáo” một năm “ăn nên làm ra” của nhà mình. Cả chủ lẫn khách đều ăn mặc lịch sự, nói năng vui vẻ, từ tốn, lịch sự. Tôi nhớ ba tôi đi chúc tết một vòng xóm, mỗi nhà ít phút, đến trưa mới xong.

Các ông đi chúc tết hàng xóm, bạn bè; các bà đón khách viếng thăm. Trẻ con mon men chờ lì xì. Thanh niên nam nữ thì hồi đó còn nhỏ, tôi không biết họ tếch đi đâu không biết, hay kéo nhau đi xem phim ở Đại Lợi. Tết cuối cùng trước 1975, nếu tôi nhớ không lầm thì mùng một rạp Đại Lợi chiếu phim Thái Lan “Tình cô gái rắn”, nam nữ chen nhau chật rạp. Trẻ con thì cha mẹ cấm cửa không được coi. Mùng hai là phim về 108 vị hảo hớn Lương Sơn Bạc, mùng ba là một phim Mỹ.

Đâu đâu cũng thấy các sòng bầu cua, kể cả trước rạp hát Đại Lợi. Xung quanh, nam phụ lão ấu đủ mặt, đông nhất vẫn là thanh thiếu niên. Thỉnh thoảng cũng có kẻ thua, xót, giựt tiền bỏ chạy. Có lúc một đám thanh niên bên Bảy Hiền mò xuống một sòng bầu ngõ Con Mắt, vơ tiền trên bàn bầu cua. Chẳng may, trong sòng bâu cua ấy có nữ võ sĩ đấm bốc nổi tiếng khu Ông Tạ, tên Tâm. Chị là em anh Tư “dê”, con bà Phúc nhà cạnh đền Phúc Trí linh điện trong ngõ. Chị Tâm xách dao chặt đá tua tủa răng nhọn xông trận. Cả đám giựt tiền bỏ chạy mất dép, cạch mặt hẳn. Có năm, tiền lì xì trong túi bỗng cảm thấy nặng, tôi lén nhà mò ra rạp hát Đại Lợi đặt tiền vào ô bầu cua. Thua sạch, tôi lủi thủi về, bỗng thấy như… hết tết. “Xuân ơi xuân, nếu chẳng vui gì, hãy đừng, đừng tìm đến chi…”.

… Từ 23 tháng Chạp trở đi, dân mình đã gọi là tết: 23 tết. Tết năm nay đâu đâu cũng vất vả cuộc mưu sinh khó khăn vì Covid chứ không chỉ Ông Tạ. Nhưng ngay cả những năm sau 1975, khó khăn đến tận cùng, người Ông Tạ vẫn gói bánh, vẫn nổ pháo rền vang. “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết”. Thời ấy, thịt thà thiếu thốn, năm bảy nhà, cả chục nhà trong các khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Tân Chí Linh… đã mở những đường dây ‘hụi heo” để cuối năm mổ heo chia nhau.

Trong hẻm Gà và cả chợ Phạm Văn Hai, những phần thịt đông vẫn như thuở nào. Chỉ khác là xưa các nhà tự nấu, giờ ra chợ, có người nấu sẵn rồi. Cạnh trụ sở Công an phường 3, có năm, mấy nồi bánh chưng đỏ lửa suốt ngày đêm. Nấu và bán tại chỗ… Nhiều nhà thờ đã ra mẻ bánh chưng thứ hai cả trăm cặp cho bà con nghèo…

Ông Tạ nhìn bên ngoài nhà cửa xây mới nhiều, có vẻ không như xưa - đâu chả vậy chứ riêng gì Ông Tạ. Ngày xưa ấy, tối lửa tắt đèn có nhau; nhà nào có chuyện gì cả xóm biết, cả xóm chung tay. Nhưng nếp nhà, nếp Ông Tạ gần 70 năm dễ gì phai nhạt.

… Những ngày này, từ sáng sớm đến gần nửa đêm, dọc đường Phạm Văn Hai, hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, dài dài mấy trăm mét hai bên ngã ba, cả một trời xuân, mùa tết Ông Tạ vẫn ê hề lá dong, bánh chưng, dưa hành, kẹo lạc… từ sáng tới tối, tấp nập hơn nhiều chợ khác. Nhiều nhà thờ, nhà chùa trưng bày lộng lẫy, tết lắm. Khuôn viên sân nhà thờ Tân Sa Châu những ngày này, qua cổng như bước vào một làng quê ngày tết.


Như ngày nào ông bà chúng ta, cha mẹ chúng ta mới lần đầu bước chân đến đây, mái tranh - vách ván - nền đất nện, lập “làng Ông Tạ”…
Cù Mai Công
28/1/2022

Thanked by 1 Member:

#290 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 01/02/2022 - 20:08

CÂU CHUYỆN ĐẸP CÁCH ĐÂY 80 NĂM: DƯƠNG CẦM RA TRẬN

Vác súng ra trận chứ làm gì có chuyện đưa dương cầm ra chiến trường! Nghe tưởng chừng “hoang đường” nhưng đây là một trong những câu chuyện ít được kể khi nhắc lại bi sử Thế chiến thứ hai, xảy ra cách đây 80 năm, khi hãng dương cầm lừng danh Steinway & Sons đưa hàng ngàn cây piano ra mặt trận…

Thời chiến gạo châu củi quế, như mọi quốc gia tham chiến Thế chiến thứ hai khác, Mỹ cũng siết chặt mọi thứ. Chính quyền thậm chí yêu cầu nhiều hãng nhạc cụ phải đóng cửa, dành nguyên liệu thiết yếu như sắt, đồng, thau và các vật liệu khác cho công nghiệp vũ khí. Tuy nhiên, khi cuộc chiến lê thê dai dẳng, việc tìm cách giúp quân đội giải trí để vực dậy tinh thần binh sĩ bắt đầu trở nên quan trọng không kém. Steinway & Sons - hãng sản xuất piano do một người Đức nhập cư (Heinrich Engelhard Steinweg; tên tiếng Anh là Henry Engelhard Steinway) thành lập năm 1853 tại Manhattan, New York – đưa ra ý tưởng chế tạo những cây dương cầm đứng (upright piano, dây đàn được lắp dọc; khác với dây đàn ngang của grand piano), rộng không quá bốn mươi inch (khoảng 101 cm) và nặng 455 pound (chừng 206kg) nhưng được thiết kế thật chắc chắn. Chúng sẽ được thả dù từ máy bay, xuống chiến trường.

Họ gọi những cây piano này là “Victory Verticals” hay “G.I. Steinways”. Để tránh cồng kềnh và không bị gãy khi được thả từ không trung trong những thùng gỗ đóng kín, đàn được thiết kế không có chân. Ngoài ra, người ta sử dụng keo chống nước; và thân đàn được xử lý chống mối mọt côn trùng; phím được làm bằng celluloid thay vì ngà; dây bass được quấn bằng sắt mềm (soft iron) thay vì đồng.

Tổng trọng lượng kim loại trên toàn bộ thân đàn chỉ bằng 1/10 so với piano bình thường. Ngoài ra còn có các tay cầm đặt dưới bàn phím và mặt sau để bốn người lính có thể khuân chuyển. “Lính trận Steinway” không mặc “trang phục” đen hay nâu truyền thống. Nó được sơn màu xanh dương, xanh olive hoặc xám. Từ năm 1942 đến khi chiến tranh kết thúc (1945), Steinway & Sons sản xuất khoảng 5,000 cây “Victory Verticals” - gần một nửa trong số đó được đưa ra chiến trường; những cây còn lại cung cấp cho trường học và nhà thờ…

Sau Thế chiến thứ hai, Steinway & Sons tiếp tục phục vụ quân đội Mỹ. Khi tàu ngầm USS Thomas A. Edison được đóng năm 1961, theo yêu cầu thuyền trưởng, người ta đã mang một chiếc Steinway thẳng đứng xuống tàu. Cây đàn vẫn nằm suốt trên con tàu cho đến năm 1983 khi USS Thomas A. Edison “giải ngũ”. Hiện nó được trưng bày tại Trung tâm lịch sử Hải quân Hoa Kỳ ở Washington DC.

Câu chuyện những cây piano xanh lá cây của Steinway & Sons ngoài chiến trường nhắc nhớ hình ảnh một số nghệ sĩ dương cầm có mặt trong cuộc chiến khốc liệt Thế chiến thứ hai, trong đó có nghệ sĩ xuất chúng André Tchaikowsky (gia đình ông bị giết thảm bởi Đức quốc xã); và đặc biệt nghệ sĩ Władysław Szpilman, nhân vật được thuật trong tuyệt tác The Pianist trình chiếu cách đây đúng 20 năm của đạo diễn Roman Polanski, với diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody (phim giành Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2002; giành Oscar Đạo diễn cho Roman Polanski; và Oscar Nam diễn viên cho Adrien Brody – chưa kể vô số giải lớn khác)…

Không phải ai cũng biết câu chuyện những cây “dương cầm thẳng đứng” của Steinway & Sons thời Thế chiến thứ hai. Theo bài báo Detroit Free Press, một lần vào năm 2008, giáo sư nhạc Đại học Eastern Michigan, Garik Pedersen, đến New York City tìm mua một cây Steinway & Sons. Ngẫu nhiên Pedersen được đưa đến văn phòng ông Henry Ziegler Steinway (lúc đó 94 tuổi; cháu cố của người sáng lập Henry Engelhard Steinway). Hôm đó, Pedersen được Henry Z. Steinway đích thân kể lại câu chuyện về “Victory Verticals”. Garik Pedersen ngạc nhiên đến mức tự trách: “Làm thế nào một người có bằng tiến sĩ âm nhạc chuyên về piano như mình mà chưa từng nghe câu chuyện này?!”.

Vài tháng sau cuộc gặp trên, ông Henry Z. Steinway từ trần. Giáo sư Garik Pedersen muốn câu chuyện ông biết không kết thúc sau cái chết của một hậu duệ Steinway. Suốt nhiều năm, từ Arizona, Texas, Florida đến Washington, tại bất cứ nơi nào đến để giảng dạy và biểu diễn, giáo sư Garik Pedersen luôn kể lại lịch sử những chiếc dương cầm thẳng đứng. Cũng nhờ vậy, Garik Pedersen tìm được một số cây “G.I. Steinways” còn lưu giữ được ở Iowa, Alabama, Tennessee và Ann Arbor (thành phố thuộc tiểu bang Michigan)…

Thật khó có thể hình dung niềm vui của những người lính trận khi nghe tiếng dương cầm ngay giữa trận địa vừa ngưng tiếng đạn và mùi thuốc súng vẫn còn cay nồng khét lẹt. Nhìn những tấm ảnh lưu trữ, có thể thấy nét rạng rỡ tràn đầy hạnh phúc trên gương mặt họ; có thể cảm nhận cảm giác trân quý giây phút quý giá vô ngần của họ khi họ thấy mình vẫn còn sống và còn nghe tiếng nhạc; có thể thấu hiểu được giá trị cuộc đời của từng người trong bọn họ khi họ thấy mình vẫn còn thở và còn cười. Họ chỉ chờ ngày cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt kết thúc.

Nhưng ngày mai, tiếng súng lại nổ… Kho lưu trữ dữ liệu Steinway & Sons vẫn còn lưu một bức thư năm 1943 của binh nhì Kenneth Kranes, đóng quân ở Bắc Phi, gửi cho mẹ ở New York. Anh viết: “Tất cả tụi con đều thích thú và cứ sau bữa ăn thì tụ tập quanh cây đàn. Con ngủ với nụ cười hạnh phúc và đến tận hôm nay con vẫn còn ngân nga vài ca khúc mà tụi con hát với nhau quanh cây đàn”… Một tuần sau khi gửi bức thư, anh lính Kenneth Kranes tử trận…
Manh Kim
29/1/2022

Một ban nhạc quân đội Mỹ đang biểu diễn cho lính tại Philippines (STEINWAY & SONS PHOTO COLLECTION / SAN DIEGO AIR AND SPACE MUSEUM ARCHIVE)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 1 Member:

#291 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 03/02/2022 - 14:22

MẬU THÂN 1968 ĐỢT 1
Tuỳ bút ..........
Chiều mồng 3 tết một miếng miễng bom khoảng 500gr ,tua tủa lưỡi răng cưa sáng quắc, còn nóng hổi ,bay từ bên phía Cầu Bà Tàng , Đình Bình Đông Q7. Rơi một cái cản trước sân nhà tôi . Tính theo đường chim bay thì miếng miễng bom bay hơn 1km . May mà nó không trúng người , nếu trúng chắc đi theo ông bà luôn , chứ sống gì nỗi ! Ông Nội tôi bắt đầu lo âu sợ giặc giả đến , ban đầu chỉ nghỉ là chiến tranh cục bộ một nơi nào thôi , chứ chưa bao giờ nghỉ là ngày tư ngày Tết lại có chiến tranh , mà lại là tại khắp Đô Thành Saigon , chứ chưa nói đến xảy ra trên khắp cả miền Nam .

Sáng sớm mồng 5 Tết , Nội tôi đi vệ sinh sớm (thời đó xóm tôi và các nhà cặp mé sông thường đi cầu trên kinh rạch , chớ hiếm có nhà làm toilet như bây giờ , loại WC như bây giờ hồi đó gọi là CẦU TIÊU MÁY ) . Nội tôi lẵng lặng thì thào nói nhỏ , kêu cả nhà chuẩn bị đồ đạt để tản cư , tôi thức dậy nghe bập bỏm sơ qua câu chuyện mắt còn đổ ghèn , miệng còn dính ke , hé cửa nhìn ra ngoài lộ thì đường vắng vẻ im lìm , rải rác trước cửa nhà tôi và các nhà lân cận ,cờ vàng bị xé nát bỏ nằm đầy dưới lộ . Bà Nội , Má và anh em tụi tôi ,bắt đầu lo gom góp đồ đạc và mang theo một ít gạo để chuẩn bị lên đường lưu diễn tản cư . Còn Ông Nội tôi thì sang các nhà kế bên , cũng toàn là bà con cùng quê , cùng xứ Cần Đước cho hay để liệu bề lo tính .

Ban đầu định đi bằng đường bộ ,trên chiếc xe lam ba bánh của gia đình , nhưng xe vừa đến ngã ba Phú Định thì mấy ổng đã lấy bàn ghế đồ đạc ra cản bít đường , cắm một tấm bảng ghi chữ nguy hiểm ,vẽ một cái sọ người có hai khúc xương gác chéo , giống như đắp mô ở dưới quê trên những đường tỉnh lộ , mà tôi thường thấy mỗi lần theo má về nhà ngoại . Cả xóm đành quay về nhà , tìm cách khác . Thế là kế hoạch mới tản cư bằng ghe hình thành .

Lục đục khuân đồ xuống ghe xong xuôi , máy nổ chuẩn bị rời bến thì mấy ổng xuất hiện , bắn lên trời cái đoành kêu ghe quay vô , may mà trong nhóm chỉ huy có một người ở dưới cùng xứ Cần Đước . Nội tôi quen ,nên khi nghe trình bày cho xuống ghe để về quê ,thì ông ta bùi tai cho ghe đi , khi ghe chạy qua khỏi bến đò Hoà Lục Phú Định khoảng 100m ,thì một xe jeep cảnh sát Q7 đậu trên bến Bình Đông ngoắc lại, và bảo là giới nghiêm ,nên ghe không thể đi được .

Thế là ghe đành tấp vô ,đậu cặp theo một số ghe chài Nam Vang thường ngày chở lúa chở gạo ,đang đậu tại chóp nhọn đường Lê Quang Liêm , địa điểm là ngay tại Cây da ,đầu cầu Lò Gốm P7Q6 ngày nay .

Ghe đậu xong ,cứ hàng ngày anh Ba tôi , lại bơi xuồng về nhà cũ ,lấy thêm đồ đạt quần áo ,gạo muối để ăn , các kho chứa hàng hoá tại đường Lê Quang Liêm bắt đầu bị cháy , kho gạo , đường , sữa hộp , ghê nhất là kho chứa thùng khí đá ,cứ vài ba phút nó nổ cái đùng như bom mìn nổ , ban đêm mỗi lần nó nổ sáng rực cả bầu trời , kho khí đá nó nổ hơn một ngày đêm , cứ mỗi sáng sớm đám nhóc tụi tôi năm ba đứa ,chuyền theo các ghe leo lên bờ đi dọc theo các cửa kho gạo , gạo cháy sương sương ,nó giống như gạo rang thành cơm cháy ấm ấm thơm phức , xong đến kho sữa bò , lấy cây khều ra hộp nào còn nguyên cởi áo ra bỏ vào , xách xuống ghe , còn mấy lon bị cháy xém chưa bị khét đen ,nó sền sệt màu nâu , màu sắc mùi vị giống Sô cô la trét lên gạo cháy ăn ngon vô cùng , giống như cơm cháy dòn rụm ăn với so cô la bay mùi thơm ngào ngạt . Một buổi chiều , ông chủ hãng pha lê bình thủy ,vô mở cửa hãng ôm bình thủy ra thả trôi lềnh bềnh trắng sông kênh Tàu hủ .Tụi tui xin, ổng bảo muốn lấy bao nhiêu cứ lấy , chớ nếu hãng mà bị cháy thì sau này dọn dẹp còn cực hơn, thà thả trôi sông cho bà con lượm được thì mang về xài chớ nó cháy thì quá uổng . Nhờ vậy mà cuối cùng không hiểu ông trời cảm động hay sau ,đám cháy không lan tới hãng pha lê bình thủy !

Còn dưới sông thì xác chết nổi lềnh khênh thú vật , trâu , bò , heo , chó gà vịt đều có đủ , còn xác người cũng không ít , ghê nhất là xác mấy người Mỹ đen phình tròn vo, mặt mài nhăn nhó , tay chân huynh hoang hàm răng trắng xác , thời đó dân Saigon sống gần sông gọi là thằng chỏng chết trôi , ban đêm mắc tè nín luôn , chớ không dám đi , rủi tè lên mình thằng chổng chắc xỉu luôn .

Một cái điềm hay sau , mà năm 68 nhà nào cũng chưng trái bôm (táo) Mỹ quá trời , nhất là trái bôm da xanh ăn ngọt mà dòn , ngon hơn những trái màu đỏ . Thông thường đám nhỏ tụi tui mỗi khi được cho ăn bôm là mừng hết lớn , mà mỗi đứa được một miếng khoảng 1/4 trái mà thôi , bao giờ được một trái . Đêm đêm nằm dưới đáy ghe bên trên lợp một tấm vải bố che mưa nắng , Nội đưa bom bảo ăn đi , mà không hiểu sao ăn không nổi , khi đêm đêm nghe tiếng nổ đều trời vang vọng đến , không hiểu đó là tiếng pháo mừng Xuân , hay tiếng đạn nổ bom rơi trên quê hương trong mùa ly loạn . Năm đó tôi mới 11 tuổi Tây 12 tuổi ta , vậy mà cũng biết sợ giặc giả , nhứt là sợ chết .

Một buổi chiều không nhớ là ngày mười mấy tết . Một chiếc xe nhà binh GMC kéo theo một khẩu đại bác đậu gần phông tên nước , cách đài chiến sĩ trên bến Bình Đông khoảng vài trăm mét , bắn về phía Q6 đợt đầu 100 quả , xong quay xe về lấy thêm ,đến chổ cũ bắn tới trái thứ 99 thì bị mấy ổng núp bên Phú Định hay Lò Gốm gì đó , bắn sang một quả B40 trúng ngay trốc chiếc xe nhà binh . Nguyên một đám đông người dân chạy giặc ngồi trên mui các ghe coi thụt mọt chê gần cả buổi chiều hoảng hồn chui hết vô mui , nên không biết xe lính có người nào tử thương hay không , sáng hôm sau lên hứng nước phông tên thì thấy có nhiều vệt máu còn dính trên lộ .

Cũng trong buổi sáng hôm đó cảnh sát Q7 phối hợp cùng tàu Hải Quân vô hành quân khám xét bắt người tình nghi , nhà tôi dượng Tư và anh Ba tôi bị bắt , dù lúc đó anh Ba tôi khai sanh mới 15 tuổi . Mang về nhốt tại ty CSQG Q7 gần nửa tháng trời thả ra ốm như con chó đói ,

Chiếc tàu Hải Quân đậu sát mé sông ngay cái miễu có cây da cổ thụ (dưới chân cầu Lò Gốm đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ) bắn vô xóm Phú định Q6 từ 9 giờ sáng đến nhá nhem tối thì nghỉ rồi chạy đi ,xóm nhà sàn cặp mé sông Lò gốm và Rạch Ruột Ngựa cháy rụi cả , trong đó có một chiếc xà lan xáng thổi , đậu trên kinh Lò Gốm để thổi nạo vét đất cát dưới sông lên lấp chổ đất trống phía sau trường Phú Định dọc theo hảng Bitis và cư xá Phú Lâm D ngày nay . Sáng hôm sau mấy người lớn leo lên bến Bình Đông đi đến cầu Vĩnh Mậu nhìn sang ngôi nhà của gia đình , má tôi thấy cái mặt dựng (Ô quăng) nhà tui còn nguyên thì mừng lắm nghỉ là nhà chưa bị cháy !!!

Mấy ngày sau má tôi và bà con bơi xuồng định về nhà lấy đồ , từ dưới sông nhìn lên thì hởi ơi , ngôi nhà thân yêu đã cháy sạch , chỉ còn lại cái mặt dựng bằng bê tông là còn như hồi đứng bên Bình Đông nhìn thấy . Của cải nhà của cháy sạch , bàn ghế tủ giường đều cẩn ốc xà cừ , nhất là bộ ván đôi bằng gõ đỏ dầy cả gang tay bóng như gương cháy không còn một cục than dù chỉ bằng ngón tay út .

Nhà cửa cháy sạch , không còn gì quyến luyến , cả nhà đành bước lên bờ , lội bộ sang ở nhờ nhà mấy dì , em của má tôi ở bến Nguyễn Duy Q8 gần cầu Hiệp Ân khoảng 2- 3 tháng , mới quay về cất lại nhà trên nền nhà cũ , vài tháng sau lại tiếp tục thêm màn chạy giặt đợt 2 .
Sau chiến cuộc Mậu Thân năm 1968 , chính quyền Saigon cấm luôn đốt pháo , vì sợ sẽ xảy ra Mậu Thân thêm một lần nữa , vì tiếng nổ giữa pháo mừng xuân và tiếng súng công đồn người ta khó mà phân biệt được giả chân trong những đêm hưu chiến đón Xuân về .

Nhớ lại hãy còn rùng mình một mùa xuân của tuổi thơ thời chinh chiến .
Trần Ngọc Hiếu
2/2/2022

Thanked by 1 Member:

#292 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 03/02/2022 - 20:06

Lời dẫn:
Nguyễn Khắc Niêm sinh năm 1889. Năm 1907, mới 18 tuổi, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế.
Vào năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ Đệ nhất giáp. Học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa không còn trên khoa bảng từ đó. Vậy là Tiến sĩ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) là hàng cao nhất. (Do đó có thể gọi Cụ là Thần đồng được).
Trong cuộc cải cách ruộng đất, ông từng bị dân địa phương đấu tố và bắt giam. Ông mất trong Trại Đưng - trại giam địa chủ ở vùng núi Hương Khê.
Xin giới thiệu lại bài của báo Lao Động.
***
Tìm lại dấu tích cuộc đời của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm
LĐO | 12/07/2018 |

Là danh sĩ đất Nghệ An, quan to trong triều Nguyễn, thân phụ của nhiều trí thức nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhưng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong những người mất đầu tiên trong những ngày đầu của cuộc cải cách ruộng đất.
Cái chết của cụ Hoàng giáp là một nỗi đau của gia đình, nên không được đề cập chi tiết. Sau khi cụ mất, những dấu tích trong cuộc đời cụ cũng không còn nhiều, do các tài liệu, văn tự của gia đình đã bị thiêu hủy trong hai lần nhà bị đốt vào các thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 và cải cách ruộng đất năm 1954.
Trong sách của các con
Trong Hồi ký của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ viết sơ lược: Ông cụ nhà tôi xuất thân là một nho sĩ, quê ở làng Gôi Vị, Hương Sơn, Hà Tĩnh, có trí nhớ đặc biệt, nổi tiếng học giỏi. Tiếng tăm của ông chính là thi đỗ Hoàng giáp rất sớm, lúc mới 19 tuổi. Xét ra, cụ Nguyễn Khắc Niêm là một trong 4 người đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1907 ấy, vì kỳ đó không lấy ai đỗ hạng Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân, chỉ có 4 thí sinh được đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp.
Bác sĩ viết tiếp: Ông cụ lúc đầu làm Đốc học tỉnh Nghệ An, vừa làm Giám đốc vừa dạy. Sau làm Tư nghiệp, tức Phó Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám. Khi Pháp bỏ học chữ Nho, tất cả hệ thống đó bị đóng cửa, nên cụ chuyển ra làm quan, quan hành chính.
Cuốn Hồi ký nhà văn Nguyễn Khắc Phê mang tên “Số phận không định trước” có ghi lại bài văn ghi trong bức trướng của danh sĩ Cao Xuân Dục, thay mặt các thân sĩ An – Tĩnh tặng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm thi đỗ, trong đó viết: “Lúc 12 – 13 tuổi đã nổi tiếng giỏi văn chương.
Con của hổ báo đã có đủ chí khí nuốt trâu rồi! Khoảng 15 tuổi, mũi kiếm sắc mới thử một lần, văn chương hầu như đã hợp quy cách song quan giám khảo mùa thu (khoa thi Hương) cho rằng tuổi còn quá nhỏ nên gác lại, có lẽ là muốn để cho mở rộng thêm con đường giao du và trường kiến văn đó thôi.
Quả nhiên, mùa thu năm ngoái thi Hương một lần là đỗ, được đặc cách vào thẳng Kinh đô thi Hội mà không cần địa phương tiến cử, và mùa xuân năm nay, mới 19 tuổi, đã đỗ liền thủ khoa”.
Hoạn lộ của cụ Hoàng giáp được nhà văn Nguyễn Khắc Phê dựng lại theo các tư liệu gia đình như sau: Ông vinh quy vào mùa xuân thì đến tháng Bảy âm lịch, thân phụ của ông qua đời, ông về quê cư tang ba năm, đến năm 1910 mới vào Huế nhậm bổ nhậm của triều đình.
Trong cuốn sách tiếng Pháp mang tựa đề “Vua chúa và danh sĩ xứ Đông Dương” do Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1943, phần giới thiệu về “Tổng đốc hưu trí Nguyễn Khắc Niêm” có viết sơ lược về lý lịch của ông như sau: Được nhận vào trường Hậu bổ năm 1914 và tốt nghiệp năm 1916. Từ năm 1911 làm Giáo sư Trường Quốc Tử Giám, sau bổ làm Đốc học Nghệ An...
Hoạn lộ của cụ Nguyễn Khắc Niêm có bước ngoặt lớn vào năm 1925, khi đang quan trong ngạch giáo dục, cụ được chính quyền cai trị và triều Nguyễn chuyển sang ngạch quan cai trị, được bổ làm Án sát tỉnh Nghệ An – chức quan to thứ ba ở địa phương, phụ trách hoạt động luật pháp trong tỉnh.
Sau đó, cụ được thăng làm Bố chánh Nghệ An, chức quan to thứ nhì tỉnh (sau Tổng đốc), phụ trách lĩnh vực hành chính, có lẽ vào năm 1929 - 1930. Sau đó, cụ được triệu về triều làm Thị lang, rồi Tham tri Bộ Hình, sau đó được cử làm quan đứng đầu một tỉnh nhỏ, với chức Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa. Tiếp đó, cụ được triệu về làm Phủ doãn (tỉnh trưởng) Thừa Thiên và Chủ tịch Hội đồng Cải lương hương tục ở Huế.
Trước khi nghỉ hưu, cụ Nguyễn Khắc Niêm được bổ đến chức Quyền Tổng đốc Thanh Hóa (1941). Tuy nhiên, ông Tổng đốc đã có vẻ chán nản cái quan lộ được chỉ vẽ từ tay các quan Pháp rồi. Chả thế mà cụ đã trả lời một người cháu khi anh này
chúc mừngcụ được bổ Tổng đốc bằng một câu tiếng Pháp mà dịch ra có nghĩa rằng: “Mừng gì cháu. Họ có thể đặt bất cứ ai vào bất cứ đâu để làm bất cứ gì chẳng được”.
Năm 1942, ở tuổi 53, cụ Niêm nghỉ hưu trước tuổi. Sau cách mạng tháng Tám, cụ tích cực tham gia công tác ở địa phương và được cử vào Ủy ban Liên Việt Liên khu Bốn. Ấy thế mà đến khi diễn ra cuộc cải cách ruộng đất, tất cả những người quan lại cũ ở Nghệ Tĩnh đều bị đưa lên tập trung ở một trại miền núi ở Hương Khê. “Do thầy đã già, lại đau ốm không có thuốc men, nên chỉ sau thời gian ngắn thì mất”, bác sĩ Viện viết.
Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê kể rằng, trong đợt “Phát động quần chúng” mở đầu cho cuộc Cải cách ruộng đất, chính ông cùng anh trai là Nguyễn Khắc Phi, một người chị dâu, một người em họ đã khiêng cụ Hoàng giáp đến trại giam những người bị xử tù. Chỉ ít ngày sau, cụ Hoàng giáp kiệt sức và qua đời sau nhiều ngày bị kiết lỵ. Sau này, gia đình mới biết ngày cụ mất là ngày 13 tháng Tám âm lịch, năm 1954.
Từ trong tài liệu triều đình Huế
Dù các tài liệu của gia đình không còn, nhưng rất may, trong hệ thống tài liệu lưu trữ của triều đình Huế, đặc biệt là châu bản (tập hợp văn bản có bút phê của nhà vua) của các vua Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, vẫn có thể tìm thấy một số tư liệu liên quan đến cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.
Đầu tiên, tại Châu bản Duy Tân, tờ 112 tập 6, tai bản Tấu ngày 24.2 năm Duy Tân thứ hai (1908), Bộ Lại tâu rằng: “Phụng xét thấy lệ trước các tân khoa là Tiến sĩ, Phó bảng vinh quy về thăm nhà xong thì đến bộ trình. Tháng Chạp năm ngoái bộ thần đã xét bổ người giúp các việc học tập chính sự cho các phủ bộ. Người trẻ tuổi đến trường Quốc học học tập. Khoa này đỗ Tiến sĩ, Phó bảng tổng cộng gồm 13 viên. Trong đó trừ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh chọn sung đi Tây du học và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm, phó bảng Phan Duy Phổ... báo xin chịu tang ra còn nhị giáp Tiến sĩ Lê Hoàn, Nguyễn Đức Lí, Đồng Tiến sĩ Lê Chí Tuân, Trần Đình Tuấn bàn xét bổ theo lệ...”.
Theo bản tấu này, các bạn đồng khoa của cụ Nguyễn Khắc Niêm đợt này đều được bổ dụng, như Đệ nhị giáp Tiến sĩ Lê Hoàn, Nguyễn Đức Lí được Bộ Lại xin bổ thụ làm Tu soạn Viện Hàn lâm, Đồng Tiến sĩ Lê Chí Tuân, Trần Đình Tuấn xin bổ thụ làm Biên tu Viện Hàn lâm. Các đề xuất này đều được Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ chuẩn y và vua Duy Tân phê duyệt.
Cũng trong Châu bản Duy Tân, tờ 7 tập 52, Biên bản, ngày 2.4 năm Duy Tân thứ tư (1910), có ghi lại Biên bản cuộc họp ngày 10.5 dương lịch cùng Khâm sứ tại toà Khâm sứ về các vấn đề như tổ chức kỳ thi Hội sắp tới; thiết lập Cục Ảnh kịch tại Kinh; xây dựng các công trình sau Cấm thành trong Thành Nội... còn có ghi “việc Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm hết hạn chịu tang sẽ xem xét sau”.
Việc bổ nhiệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm được thể hiện rõ hơn tại Châu bản Duy Tân, tờ 70 tập 52, biên bản ghi cuộc họp ngày 4.6 dương lịch năm Duy Tân thứ tư cùng Khâm sứ tại Viện Cơ mật về các vấn đề: Bổ Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm làm Thừa biện Bộ học; xét cho 27 viên quan về nghỉ hưu; tình hình ngân sách chi tiêu; xét cấp bổng cho các Quản suất thuộc Bộ Binh chờ bổ; xét cho Đề đốc Nguyễn Khắc Sinh nghỉ hưu và thưởng cho Kim khánh hạng nhất... Tất cả các đề xuất này đã được Phủ Phụ chính đồng ý.
Dấu vết các hoạt động của cụ Nguyễn Khắc Niêm trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn gián đoạn đến đời vua Bảo Đại. Tại châu bản Bảo Đại, tờ 192 tập 2, bản Tấu ngày 11.4 năm Bảo Đại thứ 8 (1934) của Viện Cơ mật tâu lên nhà vua rằng: Nay nhận được tờ tư của Bộ Tư pháp trình bày: Nhận được tờ trình của quan Tham tri Nguyễn Khắc Niêm ở Bộ đó trình bày: Do có việc nhà nên xin được nghỉ phép hạn 3 ngày và 2 ngày đi, cộng là 5 ngày về quê thăm gia đình. Bộ ấy xét nên theo tờ tư thi hành. Tuy chỉ là một thủ tục hành chính, nhưng qua đó, hậu thế của cụ có thể căn cứ để biết vị trí cụ nắm giữ lúc đó.
Châu bản Bảo Đại, tờ 180 tập 33, ghi bản Tấu ngày 17.1 năm Bảo Đại thứ 15 (1941), Bộ Lễ - Công tâu: “Phụng xét hàng năm đều có lễ tế ở Văn Miếu và Đàn Xã tắc. Bộ thần phụng chọn ngày 7 tháng tới cử hành lễ tế tại Văn Miếu và ngày mồng 8 cử hành lễ tế tại Đàn Xã tắc. Xin chọn cử Thượng thư sung Chủ tọa hội đồng Cải lương hương lệ Nguyễn Khắc Niêm khâm mệnh làm lễ tại Văn Miếu, Chưởng vệ vệ tứ Trần Như Luận khâm mệnh làm lễ tại Đàn Xã tắc. Hai viên ấy đều 3 giờ sớm hôm đó mặc triều phục chỉnh tề đến hành lễ. Xin kính tâu lên Hoàng thượng xem xét, đợi Chỉ tuân theo thi hành”. Vua Bảo Đại đã phê chuẩn bằng một châu điểm (điểm một nét son ở đầu văn bản).
Đến năm 1943, khi cụ Nguyễn Khắc Niêm đã về trí sĩ, triều đình nhà Nguyễn và chính phủ Pháp ban tặng một số quan lại huân chương Bắc đẩu bội tinh. Châu bản Bảo Đại, tờ 87 tập 21, Tấu, năm Bảo Đại thứ 17 (1943), thể hiện lời Bộ Lại tâu: Nhận được bản sao điện văn của quan Toàn quyền đại thần về việc phụng chiếu Sắc lệnh ngày 14.3.1942 chuẩn thưởng Tứ hạng Bắc đẩu Bội tinh cho Bộ trưởng Tài chính Hồ Đắc Khải và Bộ trưởng Tư pháp Bùi Bằng Đoàn; thưởng ngũ hạng Bắc đẩu Bội tinh cho Hiệp tá Đại học sĩ Trí sự Nguyễn Khắc Niêm, Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Trí sự Phạm Văn Tường và Tuần phủ Quảng Ngãi Võ Chuẩn. Xin kính tâu lên Hoàng thượng đợi xem xét. Vua Bảo Đại đã châu phê mấy chữ “Chuẩn y, khâm thử”.
Do không còn để lại di cảo, cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ còn được người sau nhớ đến qua bài “Tứ tôn châm” nguyên văn chữ Hán:
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy.

Tạm dịch nghĩa:
Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp
Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.
Cùng với đó, là đôi câu đối cụ tặng ông Hoàng Xuân Hãn, người đầu tiên ở miền Trung đậu Tú tài Tây ở trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), hay những đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của kinh đô Huế ghi trên trên 4 cột trụ Thương Bạc bên bờ sông Hương, hoặc bài thơ đề Động Từ Thức ở Nga Sơn, Thanh Hóa lúc cụ làm Tổng đốc ở tỉnh này.
Hồng Nhung - Tiên Long
Ảnh: Cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tuy vậy, trước hết ta cũng nên tìm hiểu qua về thân thế cụ Hoàng Giáp.
Nguyễn Khắc Niêm sinh năm 1889 tại làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1906, ông thi đậu cử nhân, trường thi Nghệ An. Năm 1907, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế.
Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu.
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy.
· Trần Đại Vinh đã tạm dịch:
Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp
Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong.)
Ông được bổ nhiệm làm Giám khảo khoa thi Hội năm 1910 ở Huế, thi Hương năm 1912 ở Bình Định. Năm 1920, ông được bổ nhiệm Đốc học Nghệ An, đảm trách việc tổ chức các trường học Pháp Việt ở Nghệ An. Sau đó ông được điều về kinh đô giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham tri Bộ Hình, hai lần giữ chức Phủ Doãn phủ Thừa Thiên (1936 và 1938), Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu Cải lương hương ước ở Huế. Tháng 8 năm 1941 là quyền Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa. Tháng 2 năm 1942, ông xin về hưu trước tuổi.
Như thế nào là Hoàng Giáp?
Ta đã biết là ngày xưa, việc Khoa cử thì có thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thi Hương ba năm tổ chức một lần, gồm bốn kỳ, song thi lần lượt, có đậu kỳ này mới được vào thi kỳ sau. Đậu 3 kỳ thì được gọi là Tú Tài. Đậu cả bốn kỳ thì mới được là Cử Nhân (còn gọi theo dân gian là ông Cống), và năm sau đi thi Hội. Con số tốt nghiệp là do Triều đình quy định, hạn chế trước cho mỗi Trường Thi. Thông thường thì: 1 Cử nhân lấy 3 Tú tài. Chỉ có những Cử nhân mới được tham dự tiếp thi Hội. Các sĩ tử đi thi Hội ở Kinh đô sẽ được gọi là Cống sinh hay Cống sĩ.
Ý nghĩa của các danh xưng: Cử nhântiến cử người tài, dâng người tài. Cống sĩkẻ sĩ được tiến cử.
Thi Hội thường lệ cũng 3 năm tổ chức 1 lần tại Kinh đô, sau kỳ thi Hương 1 năm, để tuyển chọn người có tài, học rộng và cũng có bốn kỳ thi như thi Hương. Người đỗ cả bốn kỳ của khoa thi Hội là đậu đại khoa (sẽ vào tiếp Đình thí xếp hạng Tiến sĩ), đậu cả ba kỳ của khoa thi Hội là đậu Tam trường thi Hội. Vì khoa thi Hội khó nên Tam trường thi Hội và Tiến sĩ đều có thể được bổ nhiệm chức vụ quan trọng. Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè).
Kỳ thi cao nhất là thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm số, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ.
Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:
Bậc 3: Đỗ Tiến sĩ Đệ Tam Giáp (Đồng tiến sĩ xuất thân - tên dân gian là ông Tiến sĩ)
Bậc 2: Đỗ Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến sĩ xuất thân, Hoàng Giáp - ông Hoàng)
Bậc 1: Đỗ Tiến sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến sĩ cập đệ - gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: Đỗ hạng ba là Thám Hoa (ông Thám), hạng nhì là Bảng Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng nguyên (ông Trạng)
Vào năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ Đệ nhất giáp. Học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa không còn trên khoa bảng từ đó. Vậy là Tiến sĩ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) là hàng cao nhất.
Cụ Nguyễn Khắc Niêm mới 18 tuổi đã thì đậu Hoàng Giáp, vậy là người cực giỏi (tất nhiên là quy chiếu theo hệ thống Khoa cử ngày xưa). Thường thì cũng khoảng 30 tuổi, sau khi thi đi thi lại, người ta mới đậu thi Đình. Chưa nói cụ đã giữ nhiều trọng trách, nhưng được bổ làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tức là hiệu phó, chỉ sau Tế Tửu – Hiệu trưởng) thì cũng thấy người khác đã công nhận tài học của cụ ra sao. Trong lịch sử hàng ngàn năm của Quốc Tử Giám, những bậc danh sĩ giữ chức Tư nghiệp bao gồm cả:
• Chu Văn An, Thái học sinh, Tư nghiệp
• Nguyễn Phi Khanh, Thái học sinh năm 1374, Tư nghiệp
• Ngô Sĩ Liên, Tiến sĩ năm 1442, Tư nghiệp
• Lê Quý Đôn, Bảng nhãn năm 1752, Tư nghiệp và rồi giữ Thự Tế tửu
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, cụ tích cực tham gia công tác tại địa phương từ Hội đồng nhân dân xã, ủy ban phòng vệ huyện Hương Sơn, Ban văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, ủy viên chấp hành Mặt trận Liên Việt, kiêm Trưởng ban cứu trợ thương binh Liên khu 4. Năm 1952, cụ được Chính phủ mời ra Việt Bắc họp hội nghị Liên Việt Trung ương, nhưng vì sức khỏe yếu không đi được. Trong cuộc cải cách ruộng đất, ông từng bị dân địa phương đấu tố và bắt giam. (theo Wikipedia tiếng Việt, mục từ Nguyễn Khắc Niêm).
Có một chi tiết này cũng đáng để chúng ta hiểu thêm về cụ. Khi cố vấn Vĩnh Thụy trở về lập Chính phủ quốc gia, cho máy bay rải truyền đơn vào vùng Nghệ Tĩnh kêu gọi nhân dân ủng hộ. Trong một cuộc trao đổi giữa các quan lại cũ của triều Nguyễn, cụ Nguyễn Khắc Niêm đã dứt khoát tuyên bố: “Cố vấn Vĩnh Thụy ly khai, lập Chính phủ mới tự xưng là Quốc trưởng. Chúng ta đã được cựu Hoàng đế Bảo Đại tháo bỏ mọi bổn phận đối với nhà Nguyễn. Chúng ta không có bổn phận gì đối với Quốc trưởng Vĩnh Thụy cả! Và mệnh trời đã rõ khi ấn kiếm đã được trao vào tay Chính phủ Cụ Hồ”.
Giờ thì mời các bạn đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, khi đi viếng mộ cụ thân sinh của mình:
“Sau buổi Lễ, NKP cùng bà chị Nguyễn Thị Nhuần và các cháu về quê thăm và dâng hương các vị tiên linh tại hai khu mộ Phúc De và Chò Rú (ảnh: hai chị em bên mộ phụ thân vừa được tôn tạo hồi đầu năm), thăm và chụp ảnh lưu niệm bên tượng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng vừa được đặt tại Phòng Truyền thống Trường THCS An Hòa Thịnh mùa xuân 2020; ngay sau đó, Công ty Nhật Linh LiOa đã tài trợ tôn tạo lại toàn bộ sân trường (xem ảnh).
Đêm ngủ lại Nhà Tưởng niệm Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm. Hai phòng ngủ vừa được LiOa lắp máy lạnh, nhưng chẳng phải dùng, nhờ trận mưa mát mẻ đầu hôm. 4 giờ sáng đã tỉnh dậy. Phòng bên, hai đứa cháu còn ngủ. Bật đèn Phòng Thư viện, hiện rõ trước mắt là khung ảnh trình bày bài thơ “Mừng Tết Trung Thu” mà phụ thân viết 67 năm trước - mùa thu 1953. “Tết Trung thu tới / Gió mát trăng trong / Thiếu niên nhi đồng / Sung sướng vô cùng / Trông lên ảnh Bác / Như ngắm trăng tròn / Được đọc thư Bác /Hơn bánh quà ngon…” Vị Hoàng Giáp biết Cải cách ruộng đất đã cận kề, mẹ tôi khốn khổ chạy nạp cho đủ thuế nông nghiệp, nhưng Cụ vẫn viết những câu thơ ca ngợi Cụ Hồ hết lời! Ngay trong gia đình tôi, cũng có người cho rằng Cụ bị… lừa, hoặc quá ngây thơ. Có thể như thế. Nhưng lại có người nghĩ rằng, Cụ vẫn tin Cụ Hồ chính là chàng thư sinh Nguyễn Sinh Cung mà Cụ từng gặp khi chàng được cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đưa về quê tôi thăm thầy học là cụ Cử Hà Học Văn sau ngày thi đỗ (theo nhà văn Sơn Tùng trong bài “Còn”…). Lại còn việc Cụ Hồ hơn 1 lần mời thân phụ tôi ra Việt Bắc và Tết năm nào cũng gửi Thiệp mừng…
Trong buổi mờ sáng, làng xóm còn yên ngủ, tôi bước lên tầng trên có bàn thờ. Chiều qua, các cháu đã đặt bánh trái thắp hương như tục lệ cúng “tiên thường” trước ngày giỗ. Cũng chỉ vài ngày nữa là đến lễ giỗ lần thứ 66 của thân phụ tôi. Có thể chính những ngày tháng 8 như thế này, 66 năm trước, tôi, anh Phi, chị dâu Đinh Thị Thiệm (vợ anh Chuyết) và Cúc (người em họ) đang gánh bố tôi lên Trại Đưng - trại giam địa chủ tại vùng núi Hương Khê) và Cụ đã qua đời ngày 13 tháng 8 (âm lịch) 1954. Trớ trêu thay, đó cũng là những ngày Hà Nội rộn ràng chuẩn bị đón bộ đội về giải phóng, đúng như hai câu thơ “tiên tri” cuối bài “Mừng Tết Trung thu” (Đến Tết năm sau / Bác về Thủ Đô)!
Thân phụ tôi nằm lại mãi ở vùng núi xa xôi hẻo lánh ấy từ mùa thu ấy cho đến năm 1976, Khu 4 hết bom đạn, anh Viện cùng anh Phi mới đưa di hài Cụ về Hà Nội và đến năm 1995, Cụ mới thật sự được yên nghỉ trên đồi Phúc De quê nhà…
Từ ngày ấy, cũng đã 25 năm - một phần tư thế kỷ – trôi qua! Kể từ những giờ phút cuối đau đớn, cô quạnh của thân phụ tôi ở Trại Đưng đã 66 năm qua! Liệu CÒN gì không? Nhà văn Sơn Tùng khẳng định là CÒN! Tại Lễ Khai trương Nhà Tưởng niệm HGNKN năm 2012, ông Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã nói: “… Cụ đã để lại một di sản hết sức quý báu – là những trước tác, là các thế hệ con cháu tiếp nối xứng đáng truyền thống của dòng họ, của quê hương…” Và minh chứng “tươi mới” là tượng đồng con trai cả của Cụ – Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã được nhà trường mang tên ông trân trọng rước về; còn hôm nay thì đứa con dám trái lời Cụ, tưởng là “ăn phải bùa mê thuốc lú” theo “tả đạo”, lại được cả ngàn con người đón rước vinh danh long trọng có khi còn hơn cả lễ vinh quy bái tổ ngày Cụ đậu Hoàng Giáp năm 1907!... Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh đã công nhận nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Khắc xã Sơn Hòa cùng Nhà Tưởng niệm HGNKN và phần mộ cụ trên đồi Phúc De là “Di tích lịch sử -văn hoá” của địa phương. Còn đòi chi nữa?
Tuy vậy, rời Phòng Thư viện Nhà Tưởng niệm HGNKN chứa cả ngàn cuốn sách, ngày càng ít người đến mượn - cả những cháu, chắt của Cụ cũng không mấy đứa đam mê đọc sách, phải nói thật là… buồn!
Cách nghĩ của một ông già trên 80 tuổi đã “lỗi thời” chăng? Lớp trẻ hôm nay sẽ có cách “tiếp nối truyền thống” khác? Chẳng biết Cuộc sống còn biến động nghiệt ngã, ngoài dự tính của con người đến mức nào nữa!...” (Hết trích)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Một người cháu khác trong họ cũng ghi lại nhưng hồi ức đau buồn: “Mừng các cố và ông bà có nhà mới to đẹp, mà sao trong lòng cháu cảm giác thật buồn, thưa chú NKP. Quá khứ vẫn đè nặng như đá tảng trong tâm can Bà nội tôi là cô ruột của các chú Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Phê mà thân phụ của các chú, ông Nguyễn Khắc Niêm, là em ruột của bà. Cả hai chị em đều bị chết thảm.trong CCRĐ: ông Niêm bị đày đọa và chết trong tù, còn bà nội tôi, vì quá phẫn uất, đã thắt cổ tự tử!”
***
Biết nói gì nữa đây!?
@

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:

#293 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 05/02/2022 - 12:25

50 NĂM NHỚ VỀ TẾT MẬU THÂN
*(Đây là câu chuyện thật 100% của Bích Hải không hề hư cấu )
Một cái Tết hải hùng của dân Saigon ,Huế cũng như cả miền Nam . Còn với riêng tôi đó là một cái Tết ám ảnh suốt 50 năm qua .Sau nhiều lần chạy giặc tạm cư tại trường Phú Lâm ,hảng dệt của người Hoa ở khu Lò Gốm (chứ hổng phải hảng dệt gần đó của dân miền Trung ) gia đình tôi chạy vào chùa Gò (còn có tên là Phụng Sơn Tự) ở đường Trần Quốc Toản ,một ngôi chùa cổ vì lúc đó em gái tôi bịnh nặng Mẹ nghĩ vào chùa nếu em có chết thì xin đất chùa chôn em gái .Ngôi chùa rất rộng lớn nhiều nhà sư nhưng chỉ có một ghế bố duy nhất dành cho vị sư cao tuổi ,thấy em gái tôi bịnh nặng vị sư đó đã nhường ghế bố cho em gái tôi .Thời gian chạy giặc đám con nít như tôi rất thích ,vì khỏi đi học lại được rong chơi với nhiều bạn đồng trang lứa khác (chắc tại tôi không được đi ra đường chơi thường chăng ) .Một buổi sáng bọn con nít tập trung chơi dưới sân kẻ bắn bi ,người nhảy dây ,tạt lon ...còn những đứa không tham gia trò chơi như tôi thì đứng trên thềm của ngôi chùa xem ,xin nói rõ ngôi chùa được cất trên nền nhà rất cao theo trí nhớ của tôi chắc cả thước so với sân chùa đó .Chen nhau xem thiên hạ tạt lon ,bắn bi ,đánh chỏng...đứng sát trước mặt tôi là một cậu bé nhỏ hơn tôi khoảng 2 tuổi ( bằng thằng em kế tôi ) đang chăm chú xem trò chơi ,tự nhiên như có linh tính khiến tôi nhìn lên ngôi nhà lầu gần chùa ..tôi đã thấy rất rõ một người đàn ông cầm cây súng đang nhắm xuống ngay tôi ,với đầu óc một đứa trẻ chưa đến 8 tuổi tôi không bao giờ nghĩ ông ta sẽ bắn ,nên cứ nhìn chăm chăm lên ông ta phải nói là khá lâu ..đột nhiên một loạt đạn từ ông đó bắn ra bọn con nít mạnh ai nấy chạy tán loạn ,tôi cũng quay lưng chạy ,thay vì chạy sang tay mặt thì tôi chạy lộn qua tay trái ,đành quay đầu chạy ngược lại ,tôi chạy vào trong chỗ Mẹ ngồi ,vừa trông thấy tôi Mẹ hốt hoảng rối rít hỏi con có sao không ? Tôi nói con không sao chỉ sợ thôi nhưng Mẹ không tin tôi không bị thương gì ,dù sau loạt súng nổ đó thì đạn bắt đầu bắn liên tục rất nhiều vào Chùa ,dân thì chun dưới các bàn thờ núp đạn ,đạn rơi tứ tung mà không ai bị gì ,mặc đạn rơi ào ào Mẹ đem tôi ra chỗ lộ thiên có một cái hồ nuôi rùa ,múc nước đó xối lên người tôi mong tìm ra chỗ tôi bị thương ,lúc đó tôi mới biết trên người tôi từ đầu đến chân ..toàn là óc và máu của cậu bé đứng trước mặt tôi ..nên Mẹ lo sợ cứ nghĩ ít ra tôi cũng bị thương khi người đẫm đầy máu và óc như vậy .Nhưng may mắn tôi không bị gì ngoài hoảng sợ .Chiều đó lính Quốc Gia hành quân vào Chùa ,em gái tôi được đem vào bịnh viện nhi đồng ,còn em trai hứng nguyên băng đạn đó thì nát như tương ,các Thầy đóng hộp gỗ cở hộp giầy lượm xác em vào và chôn ngay trong chùa .Riêng Mẹ tôi nhờ người ta mua dùm nải chuối về cúng tạ ơn trời Phật đã che chở cho tôi .Hình ảnh người đàn ông cầm súng nhắm xuống tôi đã in sâu trong tôi cùng nhiều câu hỏi thắc mắc tại sao lại có thể nhẫn tâm bắn vào đám toàn con nít tụi tôi như vậy ?Tại sao và tại sao? Thắc mắc đó đã theo tôi suốt 50 năm qua và có một bí mật là dù ở khá gần Chùa , đã bao lần rất muốn trở lại thắp cho cậu bé đó nén nhang tôi vẫn chưa dám bước chân trở lại Chùa .Đã 50 năm rồi ,chiến tranh đã đi qua và chắc hẳn lý lẽ luôn đứng về bên thắng cuộc nhưng với tôi những ký ức khủng khiếp vẫn hằn sâu . Điều dĩ nhiên là chân lý luôn nằm trong lẽ phải và lòng người cho dù xã hội luôn đầy ắp những thông tin , những lý luận để giành giật cái chân lý và lẽ phải ấy về phía mình . Những người trong cuộc , những người đã từng sống , đã trải qua thời khắc đón giao thừa với tiếng súng rền đạn pháo thay vì tiếng pháo rộn ràng hoan hỉ đón Xuân sang mới hiểu được sự thật nằm ở chỗ nào ... Nhớ về cái Tết Mậu Thân với những bùi ngùi xót xa cho quê hương ,những người đã mất đi thậm chí còn không hiểu rõ vì lý do gì , để lại những tiếc thương , những thắc mắc cho đến tận bây giờ ...Nhớ về cái Tết Mậu Thân như nhớ về một niềm đau của cả dân tộc còn hơn là những huênh hoang , khoe khoang công trận ... Những chiến công trên những xác người ...Thời gian trôi đi cho những nguôi ngoay , những vết thương lành lặn ...Biết đến bao giờ người ta mới nhận thức đúng đắn và thừa nhận được đâu là chân lý, đâu là sai lầm...Có lẽ rồi sẽ đến một ngày như thế phải không? Khi hết đau thương và không còn thù hận và những linh hồn oan khuất được thoát thai ... hóa kiếp luân hồi...
Bích Hải
* Chuẩn bị đón Tết 2018. Tôi viết bài nầy khi đang nằm bên Mẹ , viết xong tôi đọc Mẹ nghe ,sau đó Mẹ nói với tôi .. Mùng một Tết đi Từ Đường thắp nhang xong , Mẹ sẽ đi cùng con vào chùa Gò để thắp nhang chứ sợ gì . Nhưng sáng mùng một hai mẹ con đi Từ Đường về, cả hai thấy trong người không khoẻ nên về thẳng nhà luôn . Mấy tháng sau thì Mẹ tôi mất nên tính đến tết này là 54 năm tôi chưa dám trở lại chùa Gò.
Bích Hải Trần

Thanked by 3 Members:

#294 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 05/02/2022 - 18:02

Hồi Ký Của Một Bác Sĩ

Một bác-sĩ “cách-mạng” từ Bắc vào, hăm-hở đến tiếp-thu bệnh-viện Vĩnh-long sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thốt ra câu nói đầu tiên với chúng tôi : "Các anh là kẽ thù của nhân-dân, đáng tội chết..." Tuy mới mấy ngày sau khi "giải-phóng" nhưng tai chúng tôi cũng đã quen với câu nói đó, chỉ có khác là lần này được phát ra từ miệng một bác-sĩ mà chúng tôi chờ đợi để hy-vọng thấy được một nụ cười hay một chút thông-cảm trong tình đồng-nghiệp. Chẳng khác gì những cán-bộ khác, bác-sĩ cũng tuông ra câu học thuộc lòng: "Nhưng Đảng và Nhà-nước khoan-hồng tha tội chết cho các anh..."

May thay, chúng tôi được tha tội chết, nhưng thay vào đó, phải lảnh cái án "dở sống dở chết " kéo dài năm này qua năm nọ trong các nhà tù, nhường sự-nghiệp lại cho các đồng-nghiệp mới, huênh-hoang trong cái độc-quyền nhân-đạo với các bảng hiệu « Lương Y như Từ-mẫu » treo nhan nhản khắp xó xỉnh trong bệnh-viện.
Có lẽ Cụ Hippocrate ở dưới suối vàng cũng không khỏi phẫn-nộ khi các môn-đệ ở Miền Bắc không chịu học lời thề Cụ dạy trước khi ra trường:
"Tôi thề sẽ giúp đở các đồng- nghiệp và gia-đình họ trong cơn ngặt nghèo, tôi sẽ mất hết danh-dự và bị khinh-bỉ nếu tôi không giữ lời thề đó".
Trước mặt thì đồng-nghiệp gọi chúng tôi bằng "anh", nhưng quay lưng lại là "thằng", là "chúng nó" ngay, không hiểu là vì thói quen, vì văn-hóa, vì mặc-cảm hay vì chính-sách.

Ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Bắc trên con đường lưu đày, khi mà tầm mắt đang còn ngỡ-ngàng với rừng sâu núi thẳm, khi mà thể xác và tinh-thần chưa lai tỉnh qua cuộc hành trình định-mệnh kinh-hoàng, thì chúng tôi được đón tiếp vồn-vã bởi một đồng-nghiệp. Vồn-vã không phải để thăm hỏi sức khỏe hoặc để an-ủi một lời nào, mà để tịch-thu thuốc men và dung cụ y-khoa mà chúng tôi mang theo, nhất là để tò mò tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống "phồn-vinh giã-tạo" ở trong Nam.

Câu nói đầu tiên và gần như là câu chào hỏi ở cửa miệng mỗi khi gặp nhau: "Anh ăn mấy lạng ?" (gạo mỗi ngày), làm chúng tôi bở ngở không biết đâu mà trả lời. Thì ra cái quan-tâm hàng đầu của nền y-khoa miền Bắc là cái bao-tử, và xã-hội được chia ra làm nhiều loại bao-tử khác nhau tùy theo đẳng-cấp và sự trung-thành với Đảng: 120 lạng ,150 lạng, 170 lạng.... cái hàn-thử-biểu để đo vị-trí mình trong xã-hội. Kế đó là thắc mắc về những phần thịt đươc bồi-dưỡng trong những ngày lể, ngày Tết…

Thấy chúng tôi không ở cùng một tần-số trong cái hội-chứng đường ruột đó, bác-sĩ bèn lên mặt chỉ-đạo: "Chớ có trốn trại nghe, không thoát đâu ". Quả-nhiên lời khuyên có chấp-chứa ít nhiều tình thật đó lại là không sai. Chỉ có vài ngày sau khi đặt chân đến cái nơi núi rừng chằng chịt mang tên Sơn La đó, khi chưa xác định được vị-trí trong cái bản-đồ mênh-mông của miền Thượng-du Bắc Việt, thì một số anh em đã lần lượt trốn trại rồi lần lượt bị bắt lại để gánh chịu những hình phạt ghê gớm đang chờ sẵn. Trong số đó phải kể đến hai đồng-nghiệp, một Thiếu-tá Y-sĩ- trưởng Trung-tâm Hồi-lực ở Sài-gòn và một Y-sĩ Đại-úy Thủy-quân Lục-chiến, đã thoát khỏi lao tù vì đã trốn qua "bên kia thế -giới" sau khi không thành-công trong cuộc tổ-chức trốn qua "bên kia biên-giới".

Sau một thời gian xáo trộn, chúng tôi gồm có 8 bác-sĩ, 1 nha-sĩ, 2 dược-sĩ được tập-trung lại để thành-lập một "trạm-xá " có nhiệm-vu săn sóc sức khỏe cho anh em tù trong vùng. Bằng những phương-tiện của thời-đại đồ...tre, với kỹ thuật từ thời Hoa-đà, chúng tôi cũng được an-ủi bằng một số thành-công trong nhiệm-vụ chửa trị, và đã lưu lại cho chúng tôi nhiều kỹ niệm khó quên. Anh T. bị bệnh phung cùi, bọn cai tù ghê sợ, biệt giam trong một cái chòi giữa rừng, thường ngày chúng tôi đến thăm viếng, theo dỏi bệnh tình, chia nhau từng củ sắn củ khoai, khích lệ cho nhau cho đến ngày về. Anh H. bị mất trí vì trúng độc khi ăn phải trái cây rừng, suốt ngày la hét, phải cách ly trong một túp lều ở giữa rừng, chúng tôi chia phiên nhau túc trực ngày đêm bên cạnh để canh chừng, nhưng cuối cùng anh cũng qua đời.

Phải kể đến những trường hợp giải-phẩu theo kiểu...rừng, với tất cả liều lỉnh rủi may. Trang-bị bằng một bộ trung-phẩu dã-chiến của Trung quốc và một lò hấp ướt (autoclave), với mấy bình ê-te (ether) và cái masque Ombredane là dụng cụ đánh thuốc mê hở (circuit ouvert) cổ lổ sĩ dùng trước thế chiến 1914-1918. Trong những "bloc" được ngăn cách bởi những tấm phên tre và tấm vải mùng, muổi mòng tha hồ bay lượn, dưới ngọn đèn dầu và đèn pin, mà nhờ trời chúng tôi cũng thành-công được trong nhiều trường hợp, những chấn-thương vì tai-nạn lao-động, hay trường hợp anh N. bị tắc nghẻn ruột, phải giải-phẩu để tái tạo một hậu-môn tạm thời, phải theo dỏi và săn sóc từ A đến Z trong nhiều tháng với sự tận-tình của mọi người nên kết quả rất khả-quan, vân vân và vân vân.

Chúng tôi đã đóng tất cả các vai trò trong việc điều trị, từ lao-công, y-tá, phụ mổ, gây mê, cầm dao, rồi hậu-phẩu, vệ-sinh, giặt giủ v...v...bù lại khỏi phải đi lao-động đốn vầu, đốn nứa, đẩy xe trong những lúc đó.

Một sự tình cờ khiến chúng tôi phải giải-phẩu cấp cứu thành-công cho một tên cán bộ bị viêm ruột thừa cấp-tính mà không biết chở đi đâu. Mấy tháng sau, nhân dịp Tết Nguyên-đán 1978, có mấy cán-bộ trong ban chỉ-huy trại đến cám ơn chúng tôi, và tưởng-thưởng bằng một tấm hình chụp chung mấy anh em chuyên-môn trong bệnh-xá, một kỹ-niệm độc nhất vô nhị của những ngày tù ở Sơn La. Tiếng đồn lên tới Bộ chỉ huy Đoàn. Một số cán-bộ có thiện tâm muốn mở tầm hoạt động của chúng tôi cho dân chúng trong vùng Mường Thải, huyện Phù-yên, nơi mà xưa nay dân chúng chưa hề thấy đươc cục xà bông chớ đùng nói chi đến viên thuốc tây. Thế rồi dân chúng đến xin chửa trị mỗi ngày một đông, tuy thuốc men chẳng có gì nhiều nhưng cũng giúp ích được một số lớn trường hợp và ít ra cũng giúp họ làm quen với y-khoa ngày nay thay vì phải uống lá rừng suốt đời. Khi đặt ống nghe vào ngực, có người đã huênh-hoang khoe rằng là được... rọi điện.


Đông nhất là phần chửa răng. Ngậm một cái răng sâu năm này qua tháng nọ như một cái đinh đóng vào óc, nay được nha-sĩ nhẹ nhàng xoi xỉa với một cái máy quay đạp bằng chân, hoặc nhổ đi mà không đau đớn gì, thật là một điều mà dân Mường ở đó không bao giờ mơ tới.

Một đêm nọ, đang lúc giữa khuya, một cán bộ VC cầm cây đèn bảo xăm xăm bước vào phòng giam chúng tôi, bảo rằng một người đàn bà trong bảng Mường đang nguy kịch vì đẻ không ra đã hai ngày nay. Anh Thức, chuyên môn về phụ-khoa được cử đi cấp-cứu. Trong môt gian nhà sàn rộng rải không có vách ngăn, ở giữa là cái bếp lửa cháy suốt ngày đêm, dăm ba người đàn ông ngồi quanh nói chuyện ồn ào tỏ vẻ lo lắng, ở trong góc một người đàn bà đang quằn quại rên la một cách tuyệt-vọng. Trong khi mọi người bu quanh chăm chú và nghiêm-nghị nhìn anh Thức khám bệnh như nhìn một phù thủy đang làm phép, anh Thức bình tỉnh khám thấy rằng đó là một trường hợp song thai, hai đứa bé ôm quàng lấy nhau mà lại nằm ngang, không đẻ ra bằng đường tự-nhiên được. Phải chở đi bệnh-viện để mổ lấy con ra, nhưng anh Thức quên rằng chuyện đó không thể có được ở đây. Không làm gì hơn được, anh bèn tạm thời dẹp sách vở qua một bên mà cố gắng xoay một đứa cho cái đầu ở vị trí thuận-lợi để ra trước, rồi đến đứa kia, cuối cùng được mẹ tròn con vuông, trong sự rối rít cám ơn của mọi người mà trước đó đã được học tập để coi chúng tôi như những kẽ ác ôn, lúc nào cũng sẳn sàng "cho một mũi tên độc".

Từ đó các cô gái Mường trong bản cũng tự -nhiên hơn, cưới đùa mỗi khi tắm suối mà có chúng tôi đi lao động ngang qua, có khi còn chọc ghẹo nửa. Có anh trong phút chốc bốc đồng đã quên mình là tù đang đói rách, cũng gồng mình nhảy xuống tắm theo, chỉ tiếc là không có sẵn cục xà bông để tặng mấy cô Mường, lúc đó hẳn là muôn phần quý giá hơn cả viên kim cương đem tặng đào ở Sài–gòn nửa. Về sau mỗi cô gái Mường lại đươc đặt cho cái tên của một ca sĩ nổi tiếng, nào là Mai-Lệ-Huyền, Phương-Dung, Giao-linh, Phương-Hồng-Quế v…v…, để rồi lúc chiều về, trong khi ngậm-ngùi nhai từng hột bo bo, thường kể cho nhau nghe rằng hôm nay đi rừng gặp được ca-sĩ nào, ai nghe tưởng như mới đi phòng trà về mà tạm quên trong giây lát cái cảnh nước sông công tù mình đang sống.

Một hôm, một cô giáo hớt ha hớt hãi tìm tới chúng tôi, vì chồng cô, một bộ đội công-tác ở trong Nam được về nghỉ phép, bổng nhiên thấy mình mẩy nổi mề-đay lên đỏ rần, ngứa khắp cả người. Chúng tôi đoán là bị dị-ứng với trứng gà, vì thường ngày đi lao-động ngang qua trường học, thấy cô giáo cứ o bế mấy con gà để chờ ngày chàng về mà bồi-dưởng. Chúng tôi bèn lục lạo đươc mấy viên thuốc Phénergan đưa hết cho cô.

Mấy hôm sau đi lao-động gặp lại, chúng tôi hỏi : "Sao ? Anh nhà đã đở chưa ?" Cô vui vẻ trả lời : "Thuốc các anh cho hay quá, khỏi ngay". Chưa kịp hỏi thêm thì bổng thấy cô cúi mặt e thẹn, ấp úng nói thêm như không muốn cho chúng tôi nghe: " Nhưng ngủ li bì, về phép có năm ngày mà ngủ như chết suốt cả năm ngày" .Chúng tôi hối hận vì đã cho thuốc ngủ mà không dặn trước, làm cho cô phải bỏ lở một cơ-hội bằng vàng !

Thế rồi trạm-xá càng ngày càng đông khách, dân chúng từ xa cũng nghe đồn kéo lại để cho trạm-xá được hoạt-động đúng với danh-nghĩa y tế của nó. Thiện-cảm và uy -tín càng tăng thì, ngược đời thay, cấp chỉ-huy Trại càng lo lắng. Cuối cùng, Uỷ-viên Chính-trị trên Đoàn lập tức ra lệnh không được khám bệnh cho dân nửa, vì trái với chính-sách, và ný-nuận rằng từ mấy ngàn năm nay họ đã chửa trị bằng lá rừng thì đã sao đâu !

Chúng tôi trở lại lao-động, cũng đốn vầu đốn nứa như những anh khác.
Phải cái tội cao giò, tôi thường được chọn đi công tác gánh hàng ở xa, để gánh luôn tất cả tủi nhục của kiếp làm… tôi mọi. Buổi sáng ra đi thì còn dể chịu, trời mát, gánh nhẹ. Nhưng buổi trưa lúc trở về, trời nắng gắt miền núi như đốt cháy da, lại phải leo đèo, mồ hôi chảy giọt, bụng đói cồn cào, cái đầu nặng trỉu, chiếc đòn gánh đè nặng trên vai đang nghiền nát da thịt như những con dao. Người cán-bộ đi theo cũng không quên máng thêm vào chiếc nón cối, cái áo trấn-thủ mà hồi sáng mang trong người vì trời lạnh, nay không cần nửa thì tội gì mà không để cho rảnh tay, vì tay đang bận cầm cây roi, một thứ thời trang của cán-bộ quản-giáo khi đi bên cạnh tù. Đã thế mà khi gặp một bạn đồng-hành, cán-bộ cũng không quên niềm-nỡ mời :"Đồng-chí có mang gì không, đưa cho nó gánh luôn". Tôi nghe mà rụng-rời, mắt hoa lên mà không dám nhắm lại vì sợ ngả sẽ không bao giờ dậy lại được, cũng không dám nhìn xa hơn mấy đầu ngón chân vì sợ không đủ can-đảm để bước thêm...

Một hôm vì nhu-cầu cấp-cứu một bệnh-nhân tù đang nguy kịch, tôi được cử theo một cán-bộ đến bệnh-viện Phù-yên để xin mấy chai nước biển. Đã lâu bị giam hãm giữa bốn bức tường núi, nay được dịp thấy lại làng mạc với cảnh sinh-hoạt của nhân-dân, lòng cũng không khỏi thích-thú vì tầm mắt đươc hé rộng ra một chút và thỏa -mãn thêm tánh tò mò nghề-nghiệp muốn biết tổ-chức y-tế miền Bắc ra sao mà các "đồng-nghiệp " đề cao như là đúng hàng đầu trên thế-giới.

Huyện Phù-yên thuộc tỉnh Sơn La, nằm giữa một thung-lũng nhỏ, bốn bề là núi nhưng rất nên thơ. Từ trại tới huyện phải đi qua ngọn đèo Bang xinh xinh, có con đường mòn uốn quanh, có hoa rừng thơm ngát. Từ trên nhìn xuống gần giống như một bức tranh Tàu, mờ mờ ảo ảo., rải rát nơi nơi là nhũng túp lều lụp xụp bám theo sườn núi.. Bước vào huyện phải qua một con suối lớn, mùa khô thì chỉ là một suối đá hiền-hòa thơ-mộng, nhưng khi mưa xuống thì trở nên một thác lũ kinh-hoàng. Bắt ngang qua suối là một cây cầu treo, gió thổỉ đu đưa, mà lại được anh em tù gán cho cái tên rất hấp-dẩn để cho trí tưởng-tượng được nâng cao là cầu Golden Gate. Mỗi khi gánh hàng qua Golden Gate, tôi có cảm-tưởng như mình đang là một nghệ-sĩ đu giây trong một đoàn xiệc mà có thể hụt tay bất cứ lúc nào..

Bên kia cầu là một túp lều không vách, gió lộng bốn phía, đó là trường học với dăm bảy em bé ốm tong teo, bụng ỏng thề lề, mỗi đứa cầm một que củi đang cháy quơ qua quơ lại trước người cho đở lạnh trong những bộ áo Mường mỏng manh. Trong khi các em nghêu ngao hát bài "Hôm qua em mơ thấy Bác Hồ...." thì cô giáo đang chăm chú ngồi vá áo, mắt đăm chiêu, hình như cũng đang mơ thấy những chuyện mà dĩ-nhiên khác hơn là thấy Bác Hồ. Hình ảnh đó làm cho tôi có cảm tưởng rằng Cụ Cao-Bá-Quát đã đi ngang qua đây để cảm-hứng mấy câu thơ:"Một thầy một cô một chó cái, Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi."

Bên cạnh trường là một cái "cối giả gạo" có lẽ đã được sáng chế từ đời vua Thần Nông. Nước từ con suối nhỏ đươc dẩn qua một máng xối đục từ một thân cây, chảy xuống một thân cây dài khác, một đầu là cái chày, đầu kia đục thành một máng chứa nước. Hể máng đầy nước thì cái chày tự -động ngóc lên, rồi nước bị đổ ra ngoài để cho chày giả xuống cái cối ở đằng trước. Cứ thế mà tiếp-tục, cối cứ giả ngày giả đêm, tạo nên một tiếng đập nhịp nhàng khô khan để đánh thức cô giáo và lủ học trò khỏi ngủ gật.. Năm thì mười họa, một năm vài lần cối mới có gạo để giả, vì dân phải đóng cho nhà nước hết ba phần tư số thu hoạch, vốn đã nghèo nàn trên những mãnh ruộng bằng bàn tay xếp thành từng tầng trên sườn núi.

Khi đến cổng bệnh-viện, tôi được chứng-kiến một cảnh tấp-nập khác thường, nghỉ bụng rằng chương-trình y-tế ở đây đã thành-công vì được dân-chúng hưởng-ứng đông đảo. Mọi người bu quanh một tấm bảng, hình như để theo dỏi một thông-báo gì quan-trọng của bệnh-viện về một biện-pháp y-tế nào đó chăng. Lại gần, tôi thấy rõ thông-báo như sau "Hôm nay bệnh-viện có mổ lợn, bán theo giá chính-thức. Đồng-bào nào muốn mua xin ghi tên ở phòng ngoại-chẩn". Tôi suýt té ngửa vì sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành y- tế tôi vẫn chưa biết được rằng cung-cấp thực-phẩm cho dân chúng cũng là một khía cạnh trong chương-trình y-tế.

Trái với cảnh xôn-xao ngoài cổng, trong bệnh viện lại vắng tanh. Tìm cho ra người thủ-kho để xin thuốc thì được biết cô gái Mường này bận đi hái bông lau về làm nệm để tặng một cô bạn gái sắp về nhà chồng, một tục-lệ không thể bỏ được của người Mường. Lân la mãi mới gặp được bác-sĩ trực, vị này không mấy niềm-nỡ vì đang bận cải-hoạt (có nghĩa là cải-tiến sinh-hoạt để cho đời sống vui tươi hơn) bằng cách ngốn nghiến mấy củ khoai. Bác-sĩ trực cho biết "Chỉ có bác-sĩ thủ-trưởng mới có quyền quyết-định, nhưng bác-sĩ đang bận mổ."

Tôi thất-vọng chán chường, nghỉ đến bệnh-nhân ở trại đang hấp-hối mong chờ mấy giọt nước hồi-sinh, nghỉ đến con đường về vừa nắng gắt vừa phải leo giốc, nghỉ đến cái dạ-dày đang cồn-cào vì sáng nay không may đọc được mấy chữ "thịt lợn" trên bảng thông-cáo mà nước bọt cứ chảy dài (chẳng lẽ tôi lại biến thành con chó của Pavlov, hể nghe tiếng chuông là dịch tiêu -hóa cứ tuôn chảy, rồi hay sao?) Tôi buồn rầu thất vọng, không biết bao giờ bác-sĩ trưởng mới mổ xong, vã lại áo quần lem-luốc thế này làm sao gặp được bác-sĩ ở khu giải -phẩu. Tôi đánh bạo tìm đến bác-sĩ trực hỏi : "Thế tôi có thể gặp bác-sĩ thủ -trưởng được không ?"

Lần này vị y-sĩ trực vui vẻ trả lời (vì đã ngốn xong mấy củ khoai): " Được chứ, có gì đâu, anh ấy đang bận mổ lợn dưới ao đấy mà". Tôi như từ cung trăng rơi xuống !
Quả nhiên, cách đó không xa, cạnh bờ ao, năm ba người đang bao quanh một con lợn đã cạo lông trắng nõn nằm trên một tấm thớt lớn. Trong khi đó, bác-sĩ thủ-trưởng bệnh-viện, mình trần, quần xắn tới bẹn, áo bờ-lu vắt ở hàng rào, đang nhanh nhẹn ra tay mổ bộ đồ lòng với tất cả sự nhanh nhẹn và khéo léo của một...đại giải -phẩu gia. Lẽ tất nhiên tôi phải chờ cho ông bạn đồng-nghiệp thanh toán xong con lợn để giải -quyết cho mấy chai nước biển rồi mới hân-hoan ra về. Ra tới cổng, tôi gặp lại đám dân-chúng cũng đang hân hoan thở phào nhẹ nhõm như tôi khi được tin bác-sĩ đã mổ xong... lợn.

Trên đường về, lần này chiếc đòn gánh đè nặng lên vai không còn cho tôi cảm-giác đau đớn như trước nửa, vì đầu óc tôi đang bị ám-ảnh bởi một ý-tưởng muôn phần nặng-nề hơn, vì tôi đã nhìn thấy được sự thật, đã chứng-kiến tận mắt một hiện-tượng sinh-hoạt phản-ảnh lối sống của những "đồng-nghiêp" bên kia bức màn tư-tưởng.

Phương-vũ VÕ Tam-Anh

Thanked by 1 Member:

#295 PMK

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1540 Bài viết:
  • 1689 thanks

Gửi vào 05/02/2022 - 19:58

Theo cách thức thể hiện của hội viên tuphuongsg, tôi cảm nhận thấy một sự thù hận dai dẳng triền miên. Trên diễn đàn này, hội viên tuphuongsg thường xuyên cổ động hận thù, ko biết trong gia đình cũng sẽ thường xuyên rỉ rả mỗi ngày vào tai con cháu cổ động lòng hận thù hay chăng?

Nếu ai cũng bụng dạ hẹp hòi không nghĩ đến đại nghĩa thì mong chi đến đại đoàn kết hòa hợp dân tộc, mong chi đến thành rồng thành hổ.

Cổ động hận thù, cổ động chia rẽ dân tộc, cản trở toàn dân tộc đồng tâm hiệp lực phát triển đi lên. Đấy là việc làm BẤT THIỆN.

Cá nhân người nào làm sai, cá nhân người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta ko nên giận chó đánh mèo, gây hại cho người vô can, vô tội.

Đừng để cho hận thù cá nhân, hận thù gia tộc làm lu mờ lý trí, lu mờ sự thiện lương.

Thanked by 1 Member:

#296 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 08/02/2022 - 13:58

Nguyễn Hiến Lê nói về việc đốt sách sau 1975
Nguyễn & Bạn Hữu
March 4th, 2020

Việc đốt sách là một tội ác trước lịch sử. Nó không chỉ xảy ra dưới thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu mà đã xảy ra ngay trên đất nước ta sau 1975. Ngọn lửa phần thư ngày ấy cháy bùng trên các đường phố Sài Gòn. Từng đoàn thanh niên nam nữ của chính quyền lùng sục vào các tiệm sách, nhà tư nhân thu hết sách đem tiêu hủy.
Học giả Nguyễn Hiến Lê một danh sĩ Miền Nam trong Hồi Ký của mình đã ghi lại hiện tượng đốt sách ngày ấy. Đoạn văn dưới đây được trích từ chương Văn Hóa của cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê Tập III, từ trang 74 đến trang 80-Văn Nghệ xuất bản gợi cho người đọc bao nỗi khóc cười về một thời kỳ lịch sử. NGUYỄN & BẠN HỮU
Nguyễn Hiến Lê
Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Ðôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm 1976 một ông thứ trưởng Văn hóa ở Bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc.
Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kỹ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lý, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải hủy hết ráo.
Năm 1975, sở Thông tin văn hóa thành phố H.C.M đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt: sau mấy tháng làm việc, họ lập xong một danh sách mấy chục tác giả ph.... đ.... hay đồi trụy và mấy trăm tác phẩm bị cấm, còn những cuốn khác được phép lưu hành.
Nhưng đó chỉ là những sách còn ở nhà xuất bản, những sách tuyệt bản còn ở nhà tư nhân thì nhiều lắm, làm sao kiểm duyệt được? Cho nên sở Thông tin văn hóa ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách ph.... đ...., đồi trụy trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kỳ loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó…
Lần đó sách ở Sài Gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại bán với giá cao.
Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba hủy”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không phải là loại ph.... đ.... (một hủy), thì cũng là đồi trụy (hai hủy), không phải ph.... đ...., đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lý… Mọi người hoang mang, gặp nhau ai cũng hỏi phải làm sao. Có ngày tôi phải tiếp năm sáu bạn lại vấn kế.
Mấy bạn tôi luôn nửa tháng trời, ngày nào cũng xem lại sách báo, thứ nào muốn giữ lại thì gói riêng, lập danh sách, chở lại gởi nhà một cán bộ cao cấp (sau đòi lại thì mất già nửa); còn lại đem bán kí lô cho “ve chai” một mớ, giữ lại một mớ cầu may, nhờ trời.
Một luật sư tủ sách có độ 2,000 cuốn, đem đốt ở trước cửa nhà, chủ ý cho công an phường biết. Rồi kêu ve chai lại cân sách cũng ngay dưới mắt công an.
Ông bạn Vương Hồng Sển có nhiều sách cổ, quý, lo lắng lắm mà cũng uất ức lắm, viết thư cho sở Thông tin văn hóa, giọng chua xót xin được giữ tủ sách, nếu không thì ông sẽ chết theo sách.
Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên Thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Hủy hết, hủy hết.
Bà Ðông Hồ quen ông Giám đốc thư viện thành phố, bán được một số sách cho thư viện, tặng thư viện một số khác với điều kiện được mượn đem về nhà mỗi khi cần dùng tới.
Tôi nghe lời khuyên của một cán bộ Văn hóa, làm đơn xin sở Thông tin văn hóa cho tôi giữ tủ sách để tiếp tục làm việc biên khảo, đơn đó ông bạn cán bộ đem thẳng vô ông chủ sở, ông này chỉ đáp miệng rằng tôi là nhân sĩ thành phố, cứ yên tâm. Họ có thói việc lớn, việc nhỏ gì cũng không trả lời bằng thư, sợ lưu lại bút tích mà chịu trách nhiệm.
Ít tháng sau tình hình dịu lần rồi yên, không nhà nào bị kiểm kê, Chính quyền bảo để xét lại và một năm sau, nạn “phần thư” kể như qua hẳn (1). Tủ sách của tôi không mất mát gì cả, nhưng từ đó tôi không ham giữ sách nữa, ai xin tôi cũng cho.
Ngành báo chí và ngành xuất bản, chính quyền nắm hết vì coi đó là những công cụ giáo dục quần chúng, ở Sài Gòn chỉ thấy bán vài tạp chí Nga, Ba Lan, tư nhân muốn mua dài hạn phải đăng ký trước ở sở Bưu điện. Một người cháu tôi từ Pháp gởi về cho tôi một tờ Nouvel Oservateur (của khối cộng), số đó bị chặn lại. Nghe nói tờ Humanité của đảng c.... s.. Pháp cũng không được bán trong nước. Tôi chưa thấy một cuốn sách Nga hay Trung Hoa nào bán ở Sài Gòn, trừ mấy cuốn về Lénine, về khoa học đã được dịch ra tiếng Việt, ở các thư viện Hà Nội có thể có sách bằng Nga văn hay Hoa văn nhưng chỉ cán bộ mới được phép coi, mà cán bộ trong ngành nào chỉ được coi về ngành đó thôi. Cũng có người đọc lén được.
Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được. Một nhà văn hợp tác với viện khoa học xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt để dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có 50 nhà dịch cũng không nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành Informatique trong 30 năm nay đã có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không. Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ Văn hóa vào hàng chỉ huy mà dốt tới mức đó!
Tháng 4-1980, có một thông cáo cấm kiều bào hải ngoại gởi một số đồ nào đó về cho thân nhân trong nước, như quần áo cũ, các thực phẩm đóng hộp, các thuốc tây không có prospecties cho biết cách dùng, trị bệnh gì…mà chỉ cho người ta một thời hạn không đầy một tháng để thi hành. Kẻ nào thảo thông cáo ra quyết định đó không hề biết rằng những gia đình có thân nhân là kiều bào ở những nơi xa xôi, hẻo lánh khắp thế giới, phải viết thư cho họ thì họ mới biết mà thi hành chỉ thị được; và ở thời này, thư máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mất có khi một tháng (trường hợp của tôi), từ Sài Gòn qua Pháp, Gia Nã Ðại mất hai tháng, có khi bốn tháng. Báo chí vạch điểm đó ra cho chính quyền thấy, họ mới gia hạn cho thêm 5 tháng nữa. Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ có vận dụng trí óc của họ không?
Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75, vô Sài Gòn, lóa mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh.
Một anh bộ đội đi xe đò từ Long Xuyên lên Sài Gòn nghe hai chị bình dân miền Nam nói với nhau lên Sài Gòn sẽ mua xe tăng, máy bay, tàu chiến… mỗi thứ vài chục cái; anh ta hoảng hồn, tới trại kiểm soát vội báo cho kiểm soát viên hay có gián điệp trên xe. Chiếc xe phải đậu lại ba bốn giờ để kiểm soát, điều tra rất kỹ, sau cùng mới hay rằng hai chị hành khách đó đi mua máy bay, xe tăng, tàu chiến bằng mủ về bán cho trẻ em chơi. Hành khách trên xe nổi đóa, chửi thậm tệ anh bộ đội; khi xe tới bến Phú Lâm, họ còn đánh anh ta tơi bời nữa. Kết quả của nền giáo dục miền Bắc như vậy. Chính một cán bộ nói với tôi: “Càng học càng ngu. Thầy ngu thì làm sao trò không ngu? Nhồi sọ quá thì làm sao không ngu? Có được đọc sách báo gì ngoài sách báo của chính quyền đâu thì còn biết chút gì về thế giới nữa?”
Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà Nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi. Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được.
Trước 1975, thấy cuốn nào in ở Bắc cũng từ 10,000 bản trở lên, có thứ 30,000, 100,000 bản, tôi và các bạn tôi phục đồng bào ngoài đó ham đọc sách. Bây giờ tôi hiểu lý do. Hà Nội mỗi năm xuất bản không biết được 100 nhan đề không (trong này, thời trước được khoảng 1,000 nhan đề); sách được gởi đi khắp nơi không có sự cạnh tranh, mà ai cũng “đói sách”; lại thêm nhiều sách có mục đích bổ túc cho sách giáo khoa, nhất là loại dạy chính trị, như vậy in nhiều là lẽ dĩ nhiên. Sách bán rất rẻ, nên cuốn nào viết về văn học, sử học mới ra cũng bán hết liền. Mấy năm nay, giấy khan, in ít, sách vừa phát hành đã bán chợ đen ở Hà Nội, không vào được tới miền Nam; những cuốn như lịch sử tỉnh Vĩnh Phú, ngay cả bộ H.C.M toàn tập, ở Long Xuyên không làm sao kiếm được một bản, các cơ quan giáo dục cũng không mua được. Trái lại bộ Lê Nin toàn tập giấy rất tốt, thì ở khắp miền Nam bán chạy veo veo; người ta mua về để bán kí lô.
Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng; nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì, sống nghèo khổ, bất mãn.
NHL
(1) Tôi lầm. Giữa năm 1981 vì ở khắp các thành phố, thị xã, các sách đồi trụy, băng nhạc ngụy, cả phim đồi trụy nữa lại lưu hành, nên có vụ kiểm kê các quán cà phê, sách cũ, nhưng lần này các sách khảo cứu Việt miền Nam và các sách Anh Pháp không bị hốt.


Thanked by 3 Members:

#297 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 14/02/2022 - 22:53

Ba giờ với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường

Hòa Khánh
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1996), người Việt Nam duy nhất đậu hai bằng Tiến sĩ Luật khoa và Tiến sĩ Văn chương năm 23 tuổi ở Đại học Montpellier (Pháp). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp đến khi hòa bình lập lại (1954) thì trở về Hà Nội và làm giáo sư trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, LS Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đã đọc một bài diễn văn phân tích sâu sắc những sai lầm trong cải cách ruộng đất và đề ra phương hướng để tránh mắc lại sai lầm. Vì phát biểu này, LS Nguyễn Mạnh Tường đã bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp và phải sống khó khăn thiếu thốn như một “kẻ bị khai trừ” (tên cuốn sách tự thuật của ông xuất bản năm 1992 tại Pháp). Ông mất năm 1996 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.)
Lâu nay, tôi cứ đinh ninh là luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã mất. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, tên tuổi của ông bặt đi. Có tin đồn là ông đã chết đâu đó ở một góc khuất tối tăm nào ở Hà nội.
Thế rồi, bỗng dưng tôi lại nghe là ông vẫn còn sống, hơn nữa, đang có mặt tại Paris: ông được phép sang Pháp ba tháng để thăm viếng một số bạn bè cũ của ông.
Được sự giới thiệu của một người quen, tôi và một anh bạn đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường tiếp trọn cả buổi chiều ngày thứ hai 27.11.1989.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường năm nay đúng 80 tuổi. Dáng người tầm thước, lưng hơi gù, da dẻ nhăn nheo, nhưng sức khoẻ khá tốt, đi đứng vững vàng, đặc biệt trí tuệ còn rất minh mẫn. Suốt hơn ba tiếng đồng hồ chuyện trò, chúng tôi không hề bắt gặp ở ông một dấu hiệu nào của sự đãng trí vốn thường xuất hiện ở người cao niên. Ông nói năng lưu loát, đôi khi hùng hồn. Ông nhớ chính xác chi tiết những sự kiện cũ hoặc mới. Cách lý luận rành mạch.
Điều chúng tôi thích nhất ở ông là sự thành thật. Ở vào hoàn cảnh của ông, thành thật cũng có nghĩa là can đảm. Hơn ba chục năm bị đày đoạ, luôn luôn sống trong tâm trạng phập phồng chờ đón những thảm kịch thảm khốc nhất, ông không khiếp sợ đến nổi phải tự biến mình thành một con vẹt chỉ biết lải nhải lập lại những câu nói đã thành khẩu hiệu của chế độ hoặc co rút lại trong câm lặng, từ khước đối thoại để tránh khỏi nguy cơ bị hớ hênh, bị chụp mũ,.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một người đầu tiên tôi gặp, từ chế độ công sản, vẫn giữ được cái sĩ khí của một người trí thức, “uy vũ bất năng khuất”. Ông không hề từ chối bất cứ câu hỏi nào của chúng tôi dù những câu hỏi đó bắt ông phải công khai bày tỏ thái độ với cái chế độ đã, đang, và có lẽ sẽ tiếp tục dập vùi ông.
Chúng tôi xin phép ghi âm buổi nói chuyện với một sự thiếu tự tin rõ rệt. Chúng tôi nghĩ là ông sẽ từ chối. Nhưng, không. Ông đã vui vẻ chấp nhận. Để bảo đảm sự trung thực, những chi tiết dưới đây, chúng tôi đều dựa vào bản ghi âm này.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước năm 1945, luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức xuất sắc nhất của Việt Nam với thành tích đến nay tại Việt Nam dường như chưa có ai theo kịp: 22 tuổi đậu hai bằng tiến sĩ quốc gia tại Pháp, một bằng về luật và một bằng về văn chương. Về nước, ông hành nghề luật sư và dạy học. Ở cả hai lãnh vực, ông đều thành công và tạo được một uy tín to lớn.
Chúng tôi hỏi luật sư Nguyễn Mạnh Tường:
– Luật sư có thể cho biết luật sư đã tham gia phong trào Việt Minh và sau đó, tham gia kháng chiến như thế nào?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đáp:
– Thật ra tôi không hề tham gia Mặt trân Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Do đó tôi đã từng từ chối nhiều lời mời ra làm bộ trưởng của nhiều chính phủ. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền. Người trí thức chỉ nên đứng ở lãnh vực thuần lý chính trị (politique spéculative). Nghiên cứu, thúc đẩy các trào lưu.
Cách mạng tháng Tám làm tôi rất vui mừng. Tôi mong muốn đóng góp vào việc xây dựng đất nước trong hai lãnh vực sở trường của mình: luật học và nghiên cứu văn học.
Năm 1946, một hôm, ông Nguyễn Hữu Đang, người sau này tham gia Nhân văn Giai phẩm và bị c.... s.. kết án 15 năm tù, đến văn phòng luật sư của tôi nói là Cụ Hồ mời tôi đến gặp Cụ có việc cần. Nguyễn Hữu Đang chở tôi đến cái chỗ sau này gọi là Phủ Chủ tịch. Ở đó Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, ra tiếp và đưa vào gặp Cụ Hồ. Cụ gọi tôi là Ngài. Cụ nói: “Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới, giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của chính phủ (thèse gouvernemental) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị”. Tôi đáp: “Công việc này quan trọng quá, xin Cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi”. Cụ Hồ nói: “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi”. Cuối cùng tôi nhhận lời, về nhà, đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường. Đến khi đem trình, được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, buộc tôi phải tham dự Hội nghị Đà Lạt.
Chúng tôi hỏi:
– Luật sư giữ vai trò gì tại Hội nghị này?
– Tôi là trưởng ban văn hóa và là uỷ viên trong ban chính trị.
– Cuộc hội nghị thành công tốt đẹp?
– Vâng, về cuộc hôi nghị này, đã có nhiều ngườ viết. Chỉ có một điều ít ai biết là, kết thúc cuộc hôi nghị, hai bên đã tổ chức một bữa tiệc chung. Trong bữa tiệc ấy, tên tuỳ viên của thuỷ sư đô đốc Argenlieu đến cạnh tôi, nói là thuỷ sư đô đốc muốn gặp tôi để nói chuyện. Tôi bảo là tôi không phải trưởng đoàn do đó không có tư cách gì để gặp gỡ thuỷ sư đô đốc cả. Tên tuỳ viên lại bảo đây là sự gặp gỡ thân mật có tính cách cá nhân thôi chứ không phải để bàn bạc điều gì quan trọng cả. Nghe thế, tôi đứng dậy, rời bàn tiệc ra ngoài hành lang gặp Argenlieu. Lúc ấy trong bàn tiệc ai cũng thấy cả. Và cuộc nói chuyện cũng rất vu vơ, thăm hỏi xã giao về công ăn việc làm thôi. Thế nhưng, về Hà Nội bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước…
Chúng tôi hỏi:
– Luật sư có biết tin đồn đó xuất phát từ đâu không?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười:
– Thì cũng phải có người phát thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một chiến dịch được tổ chức hẳn hoi. Anh Hoàng Xuân Hãn lúc ấy phải đến gặp hình như là Võ Nguyên Giáp thì phải, bảo Tường làm cái gì mà người ta lại tung tin đồn là nó bán nước, theo giặc ghê quá vậy. Nguy cho nó lắm. Mà nguy thật, chỉ cần một phát súng, một mũi dao là xong đời chứ gì. Từ khi anh Hãn can thiệp, tin đồn ấy mới lắng xuống rồi biến mất.
Chúng tôi hỏi:
– Có thể coi đó là nguyên nhân khiến cho về sau c.... s.. bạc đãi luật sư chăng?
– Không phải. c.... s.., những người tham dự hội nghị cùng với tôi, họ biết thực hư, đầu đuôi thế nào hết chứ. Đâu có phải vì tin đồn ấy mà ngườ ta bạc đãi tôi. Đối với trí thức, nói chung c.... s.. dùng thì dùng, nhưng bảo là họ có mến yêu không thì tôi… không dám nói là có.
Chúng tôi hướng câu chuyện vào vấn đề chúng tôi quan tâm nhất và có lẽ nhiều người cũng quan tâm đến nhất:
– Theo các tài liệu được phổ biến tại miền Nam trước đây cũng như ở ngoại quốc, luật sư có tham gia vụ Nhân văn Giai phẩm vào những năm 56, 57?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đáp nhanh:
– Thật ra tôi không hề tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm. Mãi sau này khi người ta kết án nhóm Nhân văn Giai phẩm, tôi mới biết đó là một tổ chức chống đảng với những tên tuổi như Trần Dần, Trần Duy, Hoàng Cầm… gì đó.
– Thế nhưng luật sư cũng có mấy bài viết cùng chung lập trường với họ.
– Vâng, tôi có cả thảy hai bài viết mà ông Hoàng Văn Chí có đăng lại trong quyển Trăm hoa đua nở trên đất Bắc ấy mà. Nguyên là, một hôm ông Nguyễn Hữu Đang và ông Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức đến gặp tôi để xin bài. Cả hai đều quen biết với tôi từ trước. Chuyện gặp ông Nguyễn Hữu Đang tôi có kể qua lúc nãy. Còn ông Trần Thiếu Bảo thì tôi gặp ở Thái Bình thời kháng chiến chống Pháp. Lúc ấy, ông Bảo cũng làm nhà xuất bản. Tôi có đưa cho ông ấy xuất bản quyển “Một cuộc hành trình”, quyển sách đầu tiên của tôi bằng tiếng Việt.
– Đó là một quyển hồi ký?
– Không. À mà cũng có thể gọi là nửa hồi ký, nửa nghị luận. Đại khái tôi kể chuyện cuộc đời mình, từ một người trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho đất nước như thế nào…
– Xin trở lại vụ Nhân văn Giai phẩm…
– Vâng, thì cái bài đăng trên Giai phẩm mùa thu năm 1956 là thế. Còn bài viết về vụ cải cách ruộng đất thì là thế này: đó là bài tôi nói chuyện trong một cuộc hội nghị của Mặt trận Tổ quốc. Các anh cũng biết là vụ cải cách ruộng đất đã thất bại nặng nề đến nổi ông Trường Chinh đã phải mất chức Tổng bí thư đảng cơ mà. Lúc đó có phong trào sửa sai ghê lắm. Trong cái cuộc vận động sửa sai như thế, ông Tố Hữu rồi ông Trường Chinh rồi ông Xuân Thuỷ đã lần lượt gọi tôi đến nhà riêng của các ông ấy để yêu cầu tôi, trong hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, trình bầy cho mọi người biết thế nào là dân chủ. Các ông ấy nói là sau sai lầm của cải cách ruộng đất, chúng ta phải cố làm sao cho chế độ xã hội chủ nghĩa trở thành một chế độ thực sự dân chủ. Nghe thế, tôi mừng quá nên nhận lời ngay. Thế rồi hội nghị được tổ chức. Tôi thuyết trình trọn cả ngày, ba giờ buổi sáng, ba giờ buổi chiều. Thuyết trình xong, người ta khen ghê lắm. Ông Trường Chinh, Ông Xuân Thuỷ, ông Dương Bạch Mai sau đó lại yêu cầu tôi viết lại bài nói chuyện đó để đưa mấy ông xem.
– Thế, trong hội nghị, luật sư chỉ nói miệng chứ không đọc bài viết đã soạn sẵn?
– Không, thì giờ đâu. Chính mấy ông ấy bảo thì tôi mới viết lại chứ. Tôi đánh máy bài viết thành hai bản, nộp hết cho mấy ông. Thế mà, không biết tại sao, bài viết đó lại lọt ra nước ngoài, bọn báo chí ngoại quốc làm ầm ỉ lên thế mới chết chứ.
– Luật sư có nhớ chắc là không hề đưa bài viết ấy cho ai khác?
– Chắc chắn. Cả hai bản đánh máy tôi đều nộp hết cho ông Trường Chinh và ông Xuân Thuỷ. Tôi chỉ giữ lại bản nháp viết tay thôi.
– Thế thì luật sư có thể đoán được là tại sao, từ nguồn nào, bài viết của luật sư lại lọt ra nước ngoài được không?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười lắc đầu:
– Chịu thôi. Ở đời vẫn có những bí mật mật như thế đó, các anh ạ.
Chúng tôi lại hỏi:
– Thế sau khi bài viết bị tiết lộ ra ngoài thì c.... s.. đối xử với luật sư như thế nào?
– Thì còn đối xử như thế nào nữa. Kiểm điểm rồi đuổi việc thôi.
– Luật sư có thể cho biệt nội dung của nhửng cuộc kiểm điểm ấy được không ạ?
– Được chứ. Thì ở đâu cũng giống nhau thôi. Cứ khăng khăng buộc tội tôi chống đảng.
– Khi buộc tội như vậy người ta dựa vào nôi dung bài thuyết trình của luật sư hay dựa vào sự kiện bài tham luận được chuyển ra nước ngoài?
– Dựa vào nội dung bài thuyết trình mới chết chứ. Còn chuyện tại sao bài ấy lọt ra nước ngoài thì tôi có biết đâu. Và cũng không ai ghép tội tôi được: bằng chứng đâu?
– Nhưng nội dung bài thuyết trình, như luật sư cho biết là được soạn theo yêu cầu của ông Trường Chinh, Xuân Thuỷ, Tố Hữu mà…
– Thì đấy…
– Tại sao luật sư không nói cho họ biết điều đó?
– Có. Tôi có nói chứ. Nhưng ai nghe? Người ta bảo cán bộ yêu cầu tôi phát biểu về nội dung khái niệm dân chủ chứ đâu có yêu cầu tôi chống lại đảng?
– Thế luật sư có chống lại đảng không?
– Ít ra, trong cuộc thuyết trình tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc cũng như trong bài viết lại mà tôi nộp cho ông Trường Chinh, ông Xuân Thuỷ… thì tuyệt đối không có một câu, một chữ nào chống đảng cả. Tôi chỉ phê phán những sai lầm trong cải cách ruộng đất thôi. Mà những sai lầm ấy thì quá hiển nhiên, ngay cả đảng cũng nhìn nhận mà, chứ đâu phải mình tôi.
– Luật sư có đi tham gia cải cách ruộng đất?
– Có. Hồi ấy tất cả mọi cán bộ đều phải về các địa phương để tham gia cải cách ruộng đất cả. Tôi cũng phải đi
– Luật sư về địa phương nào?
– Phủ Nho Quan
– Công việc của các cán bộ cụ thể là làm gì?
– Để phụ với nhân dân tổ chức các cuộc cải cách ruộng đất thôi.
Trầm ngâm một lát, luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể tiếp:
– Chính trong những đợt đi xuống điạ phương ấy tôi mới thấy rõ, thấy hết sự tàn bạo của nó.
Lại im lặng. Chúng tôi cũng im lặng chờ đợi. Giọng của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trầm trầm, buồn buồn:
– Đầu tiên, về Phủ Nho Quan, chúng tôi được học tập là theo lệnh từ trên, tại điạ phương này có cả thảy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ. Tôi điếng cả người. Phẩn nộ thấy ngay cách làm việc như vậy là rất trái khoa học. Khoa học nào cũng phải sử dụng phương pháp quy nạp, phải căn cứ trên quá trình điều tra thực tế cẩn thận, từ thực tế mà đúc kết thành nhận định. Đằng này thì mấy ông từ Trung ương cứ tưởng tượng ra các chỉ tiêu rồi ra lệnh xuống bắt các địa phương phải thực hiện. Cán bộ địa phương muốn hoàn thành công tác thì phải kích thôi. Có nhiều gia đình nghèo xơ nghèo xác, ở trong một căn nhà hẹp có hai gian, tài sản đâu chỉ được một hai mẫu ruộng, thế mà cũng bị khép vào thành phần địa chủ. Để cho đủ số lượng ấy mà ! Tội lắm. Oan ức nhiều không sao kể hết được.
– Luật sư có tham gia vào cuộc xử án nào không?
– Không. Người ta đâu có cần luật sư. Mình đi cốt là để rèn luyện quan điểm, rèn luyện lập trường thôi chứ đâu phải để xử án hay để biện hộ cho ai.
– Thế thì ai làm chánh án, luật sư trong các vụ đấu tố?
– Chẳng có chánh án, luật sư gì cả. Phiên toà được tổ chức ở một bãi sân rộng đâu đó trong làng. Mấy anh thuộc thành phần bần cố nông ngồi ngất ngưởng trân bàn để luận tội, còn mấy người bị gọi là địa chủ thì bị xích cổ, trói chân, trói tay quỳ mọp giữa sân…
– Có cả chuyện xích cổ ư?
– Có. Suốt “phiên toà”, hết bần cố nông này lên tiếng chửi thì bần cố nông khác lên chửi tiếp. Xong rồi thì đến lượt hành hình địa chủ, vậy thôi.
– Luật sư có bao giờ can thiệp vào những vụ đấu tố dã man như vậy không?
– Có mà muốn chết à? Không. Có chảy nước mắt thì cũng ráng mà giấu đi.
– Có địa chủ nào được quyền tự biện hộ, tự thanh minh cho mình không?
– Không. Lúc đó ai cũng hồn kinh phách tán cả rồi, mặt mũi xanh rờn, đứng còn không nổi nữa thì nói gì đến chuyện tự biện hộ. Mà ai cho? Cứ bị khép vào thành phần địa chủ là coi như đã chết.
– Luật sư có phỏng đoán được số lượng những người bị giết chết trong đợt cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào hồi ấy là bao nhiêu không?
– Không. Chỉ biết được ở cái điạ phương mình về thôi.
– Cụ thể, ở Phủ Nho Quan là bao nhiêu người bị giết chết?
– Tôi không nắm con số. Nhưng nhiều, nhiều lắm. Hơn nữa, sau các đợt cải cách ruộng đất còn có các đợt chỉnh phong trong hàng ngũ cán bộ cũng làm cho nhiều người bị oan ức lắm.
– Nội dung các cuộc chỉnh phong là sao?
– Là trừng phạt những đảng viên, những cán bộ có quan hệ ít nhiều với điạ chủ, với ph.... đ..... Thậm chí, có nhiều người lúc trẻ là đảng viên Quốc dân đảng, từ năm 45, 46, đã theo kháng chiến rồi vào đảng c.... s.., vậy mà người ta còn truy quá khứ ra để hành tội.
– Sau mấy chục năm, nhìn lại, luật sư đánh giá thế nào về cải cách ruộng đất?
– Dĩ nhiên là nó sai rồi. Không những sai, nó còn ác, cực ác nữa. Tôi nghĩ nó không có chút gì Việt Nam cả. Người Việt Nam, trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, chưa bao giờ tàn bạo đến như vậy. Nó là dấu ấn của Mao…
– Dấu ấn trực tiếp hay gián tiếp?
– Tôi không biết. Ngay thời kháng chiến chống Pháp, tôi có gặp Đại sứ Trung Quốc trên các chiến khu. Bận một bộ đồ trắng toát, cưỡi ngựa, trông oai quyền ghê lắm. Ông ấy tên Lã Quý Ba. Người ta nói ông ấy chính là kẻ chỉ huy, vạch kế hoạch cho các phong trào cải cách ruộng đất tại Việt Nam.
– Nhưng Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền kia mà?
– Thì đấy. Ngay cái chuyện bắt chước Liên Xô, bắt chước Trung Quốc đã sai rồi thì những chuyện khác theo đó sai theo…
Chúng tôi trở lại chuyện Nhân văn Giai phẩm:
– Xin luật sư kể tiếp về những hình phạt đối với luật sư?
– Kiểm điểm rồi đuổi việc. Tôi có kể khi nãy.
– Cụ thể, trước đó, luật sư làm gì?
– Tôi làm giám đốc Đại học Luật, phó giám đốc Đại học Sư phạm, chủ nhiệm Câu lạc bộ trí thức và nằm trong ban chấp hành của 10 tổ chức quần chúng ở miền Bắc.
– Đó là những tổ chức gì?
– Uỷ ban Hoà bình thế giới; Hội hữu nghị Việt Xô; Hội hữu nghị VIệt Pháp; Hội Luật gia Việt Nam…
– Luật sư có bị bắt, có bị giam cầm gì không?
– Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi tất cả những nơi đang làm việc. Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên luỵ đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi, đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chổ khác. Tôi cũng không trách gì họ. Vì sự an toàn của họ, họ phải làm thế thôi. Nhưng đau xót lắm.
– Trong thời gian suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống?
– Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận. Thoạt đầu, cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu. Bán bàn ghế, giường tủ, rồi bán quần áo, giầy dép… cuối cùng phải bán đến cả sách vở tôi dành dụm thu thập sắm trong hai mươi năm. Bán theo giá bán giấy ký thôi. Rẻ mạt. Nhưng cần sống thì phải bán. Cứ mỗi lần bán sách là mỗi lần tôi có cảm tưởng như có ai lấy dao găm đâm vào tim của mình. Rồi tất cả đồ đạc cạn dần, cạn dần. Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè. Lâu lâu người này cho cái đồng hồ, người khác cho một ít tiền.[1]
– Những người giúp luật sư thuộc thành phần nào?
– Một số là học trò cũ của tôi; một số là những bạn bè cuả tôi lúc tôi còn ở Pháp và một số khác nữa là những người hoàn toàn xa lạ vì nghe tiếng tôi, thương cho hoàn cảnh của tôi, từ Pháp thỉnh thoảng cho một ít quà.
– Họ là người Việt Nam hay người Pháp?
– Người Việt có, người Pháp có.
Thấy cuộc nói chuyện đã khá thân mật, chúng tôi dè dặt nêu ra câu hỏi khác, một câu hỏi thú thật chúng tôi rất tò mò:
– Ba mươi lăm năm sống dưới chế độ c.... s.., luật sư nhận xét gì về cái chế độ này?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đắn đo một lát rồi đáp:
– Mình nên khách quan. Người c.... s.. họ vừa có công lại vừa có tội.
– Luật sư nghĩ gì khi có người gọi chế độ c.... s.. tại Việt Nam là một nhà nước công an trị (état policier)?
– Đồng ý thôi. Điều đó thì rõ quá.
– Có người còn phân tích thêm, cái nhà nước công an trị ấy tồn tại bằng ba cơ chế: thứ nhất là công an khu vực; thứ hai là hộ khẩu; thứ ba là chế độ quản lý lương thực. Luật sư nghĩ sao?
– Đúng. Từ khi bị thất sủng, tôi vô cùng thấm thía những cái chuyện đó. Không đi làm được, sống bằng cách bán đồ đạc hoặc bằng sự bố thí của người khác mà phải mua lương thực tự do giá cao gấp trăm lần giá chính thức thì khó khăn ghê lắm. Có lúc tưởng không vượt qua được. Còn chuyện hộ khẩu và công an khu vực thì khỏi phải nói. Những chuyện ấy bây giờ vẫn còn đấy nhé
– Luật sư qua Pháp đã gấn hai tháng nay, luật sư có theo dõi tình hình tại các nước Đông Âu không?
– Có chứ.
– Luật sư nghĩ sao?
– Mừng. Mừng lắm.
– Tình hình Việt Nam hiện nay thì sao?
– Khó khăn lắm.
– Phong trào đổi mới rồi sẽ tới đâu?
– Chưa biết được. Nhưng có điều chắc chắn là sẽ không có gì đổi mới cả nếu chưa có dân chủ, trước hết là chưa tôn trọng luật pháp . Vì luật pháp không anh minh cho nên có kêu gào đầu tư đến mấy cũng không có ai dám liều lĩnh đầu tư cả. Kinh tế vẫn kiệt quệ mải.
– Tại sao c.... s.. lại cho một người như luật sư sang Pháp?
– Tôi nộp đơn xin xuất cảnh đúng vào thời điểm họ tuyên bố đổi mới. Chứ nếu bây giờ, chưa chắc đã đi được.
– Luật sư nộp đơn xin xuất cảnh từ lúc nào?
– Năm ngoái. Hai tháng sau thì cầm được giấp phép của Việt Nam Nhưng nộp vào Toà đại sứ Pháp thì phải chờ đúng tám tháng.
– Luật sư có ý định ở lại Pháp luôn không?
– Không. Tháng 12 tới tôi sẽ về lại. Trong thần thoại Hy Lạp có chuyện một vị thần chỉ mạnh mẽ khi đứng trên mặt đất, hễ ai nhấc lên khỏi mặt đất thì thành ra yếu ngay. Tôi nghĩ một người trí thức hay một văn nghệ sĩ cũng vậy. Phải ở trong nước, giữa những thử thách mới tìm ra được sức mạnh.
– Có một số anh em trí thức yêu nước, muốn về Việt Nam để canh tân đất nước, luật sư nghĩ là có nên hay không?
– Không. Cứ ở đây làm việc. Đừng về. Về sẽ bị kẹt.
– Tại sao?
– Tôi có nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Thế hệ của tôi, bao nhiêu người tài giỏi, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước… Về nước họ có làm được gì đâu? Thì cũng có một vài đóng góp đấy, nhưng tôi nghĩ, hoàn toàn không tương xứng với khả năng của họ. Đó là chưa kể đến những người kém may mắn hơn. Như tôi chẳng hạn. Có làm gì được đâu?
– Lâu nay, luật sư có viết lách gì không?
– Có. Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được bốn công trình nghiên cứu. Môt là “Lý luận giáo dục” (ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là “Eschylle và bi kịch cổ đại Hy Lạp”; ba là “Virgile và anh hùng ca latin”; bốn là dịch vở kịch của Eschylle.
– Luật sư viết bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp?
– Tất cả đều bằng tiếng Việt. Dụng ý của tôi là để cho người Việt đọc. Tôi mượn những vấn đề trên để cho người Việt đặc biệt là những người lãnh đạo hiểu thế nào là con người, thế nào là dân chủ, tự do, thế nào là quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, v.v…
– Những quyển sách ấy có được in ra chưa?
– Chưa. Tôi có gửi lên Ban khoa giáo Trung ương. Người ta khen là nghiên cứu công phu. Nhưng đến nay không ai chịu in cả. Người ta bảo là không có giấy.
Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 6 giờ chiều. Mùa đông trời tối sớm. Chúng tôi cám ơn luật sư Nguyễn Mạnh Tường để chấm dứt câu chuyện đã kéo dài hơn ba giờ liền. Và hỏi:
– Thưa luật sư, chúng tôi ghi âm buổi nói chuyện hôm nay với mục đích giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên không biết luật sư có đồng ý cho phép chúng tôi công bố những điều luật sư phát biểu chăng?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười dễ dãi:
– Các anh cứ tự nhiên. Những điều tôi nói toàn là sự thật cả.
– Sắp về lại Việt Nam, luật sư không sợ sao?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười to:
– Các anh nhớ là tôi đã 80 tuổi rồi. Tính theo tuổi ta là 81 đấy.
Chúng tôi ra về, lòng phơi phới vui. Vui vì được gặp một người lâu nay mình ngỡ đã chết. Vui hơn nữa, vì thấy Nguyễn Mạnh Tường, cái tên tuổi mình từng kính phục từ thưở bùng nổ vụ Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc, sau bao nhiêu đoạ đầy, vùi dập, vẫn giữ nguyên cái sĩ khí của một người trí thức uy vũ bất năng khuất. Ở Việt Nam giờ đây, còn được bao nhiêu người như thế nhỉ?
Nguồn: (FB Loc Pham)

Thanked by 3 Members:

#298 Đinh Văn Tân

    Ban Điều Hành

  • Ban Điều Hành
  • 7719 Bài viết:
  • 17622 thanks

Gửi vào 15/02/2022 - 02:34

Tôi đã in ra giấy quyễn "Dứt phép thông công" đọc lại 2, 3 lần . Nay đọc thêm những tiết lộ khi nói chuyện mà không có trong sách .

Thanked by 1 Member:

#299 nahtlee

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 350 Bài viết:
  • 255 thanks

Gửi vào 15/02/2022 - 16:09

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

PMK, on 05/02/2022 - 19:58, said:

Theo cách thức thể hiện của hội viên tuphuongsg, tôi cảm nhận thấy một sự thù hận dai dẳng triền miên. Trên diễn đàn này, hội viên tuphuongsg thường xuyên cổ động hận thù, ko biết trong gia đình cũng sẽ thường xuyên rỉ rả mỗi ngày vào tai con cháu cổ động lòng hận thù hay chăng?

Nếu ai cũng bụng dạ hẹp hòi không nghĩ đến đại nghĩa thì mong chi đến đại đoàn kết hòa hợp dân tộc, mong chi đến thành rồng thành hổ.

Cổ động hận thù, cổ động chia rẽ dân tộc, cản trở toàn dân tộc đồng tâm hiệp lực phát triển đi lên. Đấy là việc làm BẤT THIỆN.

Cá nhân người nào làm sai, cá nhân người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta ko nên giận chó đánh mèo, gây hại cho người vô can, vô tội.

Đừng để cho hận thù cá nhân, hận thù gia tộc làm lu mờ lý trí, lu mờ sự thiện lương.

Cháu thấy những bài bác tuphuongsg đăng cũng hay, cho những người chưa biết được biết quá khứ một thời đã ra sao, còn ai đọc xong nghĩ gì thì là do căn cơ cá nhân mỗi người thôi.

Thanked by 2 Members:

#300 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3833 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 17/02/2022 - 22:57

RẢI TRO THEO GIÓ

ngoquangtruong
Tặng Nhung, “đứa con đầu lòng” của nhà văn Thạch Lam. (NTT)

Tôi gặp anh tất cả bốn lần. Bốn lần đó trải dài hơn ba thập niên. Không nhiều. Đã thế dường như trong cả bốn lần đó ngoài cái gật đầu chào chúng tôi không hề trao đổi với nhau lấy một tiếng. Anh vốn ít lời. Còn tôi thì e dè. Tôi vốn có tính rất ngại bắt chuyện với một người nổi tiếng, đặc biệt nếu người ấy lại là người có quyền thế. Trong thâm tâm tôi biết nếu tôi mở chuyện thì anh cũng sẽ vui vẻ bắt chuyện ngay. Đằng sau gương mặt lầm lì ít nói ấy anh là người rất bình dị. Nhưng lần nào cũng thế sau cái gật đầu chào, tôi không bao giờ cất tiếng. Để đến bây giờ ngồi trước bàn máy vi tính một buổi sáng mùa thu miền Tây Bắc nước Mỹ, tôi viết đôi dòng về anh mà lòng không khỏi gợn chút nuối tiếc: bài viết của tôi vì thế sẽ không ghi lại một mẩu đối thoại nào, dù ngắn, để làm kỷ niệm giữa anh và tôi. Mà nào giữa chúng tôi đâu có phải người xa lạ gì cho cam? Anh là nguời rất thân cận trong đại gia đình Nguyễn Tường chúng tôi, là chồng của người em họ tôi, trưởng nữ của nhà văn Thạch Lam.

Tôi nhớ lại hình ảnh anh trong bốn lần gặp ấy. Bốn lần thì có đến ba anh hiện lên trước ly rượu. Đó cũng là hình ảnh cha tôi thường thoáng hiện mỗi lần tôi nhớ về ông. Trước ly rượu anh trầm ngâm yên lặng. Cha tôi cũng thế. Và bao giờ cũng vậy mỗi lần nghĩ về anh lòng tôi không khỏi có ngầm một sự hãnh diện thầm kín rằng dòng họ tôi có được một người rể như anh nổi tiếng là người thanh liêm. Cách đây sáu năm khi tái bản cuốn truyện của cha tôi, cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, tôi đã viết lời đề tặng anh trên trang đầu cuốn sách những lời thật lòng: “Tặng anh Ngô Quang Trưởng, với cả tấm lòng quí mến và ngưỡng mộ”.

deohaivan2

Cơ duyên nào mà một vị tướng lừng danh của quân lực miền Nam Việt Nam lại kết duyên với cô con gái lớn của nhà văn tài hoa nhất Tự Lực Văn Đoàn? Tôi không biết nhiều để trả lời thật đúng cho câu hỏi này. Người có thẩm quyền trả lời là bà Trưởng. Mang dòng máu của nhà văn Thạch Lam tôi nghĩ Nhung nếu muốn viết cũng sẽ dễ thôi. Tôi cũng không có ý định viết hồi ký về anh vì thật tình tôi không biết nhiều. Chỉ xin ghi lại đây đôi chút kỷ niệm với anh trong dăm lần gặp gỡ hiếm hoi.

Trước khi gặp anh lần đầu tiên vào năm 1962 tôi đã nghe lan truyền câu chuyện về một mối tình tay ba của hai sĩ quan trẻ thuộc hai binh chủng khác nhau của QLVNCH, một không quân và một nhẩy dù, với cô con gái lớn của một nhà văn nổi tiếng. Hai quân nhân cùng yêu một cô gái. Đó là chuyện thường tình trong cuộc chiến. Điểm đặc biệt họ lại là đôi bạn rất thân nhau. Trước cái chết có thể đến bất cứ khi nào, họ giao ước với nhau trong tình bạn là nếu người nào nằm xuống trước thì người kia nguyện sẽ suốt đời chăm lo cho cô gái kia. Người phi công sau đó tử nạn máy bay và định mệnh đã đẩy cô em họ tôi gắn liền cuộc đời với anh Trưởng. Sau này nhiều lần gặp Nhung tôi toan hỏi Nhung về câu chuyện tình này có đúng sự thực hay không, nhưng tôi lại thôi không hỏi. Với tôi đó là một huyền thoại đẹp, hãy cứ để nguyên vẹn như thế trong trí tưởng tượng của tôi.

Năm 1962 tôi ở Sài Gòn và dậy học tại trường trung học Minh Tân ở Biên Hòa. Một bữa anh Triệu tôi, hiệu trưởng trường Minh Tân, chở tôi từ Biên Hòa về Sài Gòn trên chiếc xe lambretta của anh. Đến Thủ Đức anh tôi đề nghị ghé thăm Nhung lúc này đang ở đó. Trong lúc nói chuyện với Nhung thì có tiếng xe đỗ ở ngoài cửa. Tôi nhìn ra. Từ trên xe jeep một sĩ quan bận đồ dù nhẩy xuống. Hai bông mai trên ve áo trận. Anh Trưởng lúc ấy cấp bậc Trung úy giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù. Anh người tầm thước, nước da ngâm đen, khuôn mặt sần sùi khắc khổ. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là anh không những không đẹp trai, lại không có cái “tướng” hùng của một quân nhân. Trí tôi lúc ấy thoáng hiện câu chuyện tình tay ba và tôi hình dung khuôn mặt anh chàng phi công tử trận chắc là phải hào hoa và đẹp trai hơn anh Trưởng.

Năm 1967 tôi gặp anh Trưởng lần thứ nhì ở Huế thì trên ve áo trận của anh hai bông mai đã thay thế bằng một ngôi sao. Anh đã lên tướng! Người sĩ quan tôi trông không có “tướng” ấy, năm năm sau đã được thăng tướng trong một thời gian ngắn kỷ lục. Trong họ tôi bắt đầu có lời đồn đãi là từ khi anh Trưởng lấy Nhung thì như diều gặp gió đường binh nghiệp của anh lên vùn vụt. Từ một Trung úy Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù anh bây giờ là Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Bộ Binh. Năm ấy từ Sài Gòn tôi bay ra Huế hai tuần lễ và tá túc tại đại học xá Nam Giao, nơi mà hai năm trước tôi đã từng là sinh viên nội trú để theo học ở Đại Học Khoa Học Huế. Từ Nam Giao tôi đi bộ đến thăm cô em họ, lúc này đã khó gặp vì ở một nơi rất “kín cổng cao tường”. Tư dinh của tướng Trưởng là một biệt thự trên đường Lê Thánh Tôn gần nhà bưu điện Huế. Chung quanh tòa nhà giây thép gai giăng đầy, ở bốn góc là bốn lô cốt thiết lập bằng những bao cát với những họng súng chĩa ra từ lỗ châu mai. Người lính gác cổng vào trong nhà báo và Nhung đã ra tận cổng để tiếp tôi. Chúng tôi đang nói chuyện ở sa lông thì anh Trưởng về. Trông anh mệt nhọc nhưng oai phong hơn hẳn lần tôi gặp anh 5 năm trước. Thuở ấy tôi chưa nhập ngũ, vẫn còn là sinh viên, dù vậy trông anh tôi cũng có cảm giác hơi khớp. Không biết có phải vì ngôi sao trên ve áo anh khiến tôi thấy anh oai vệ hơn không. Tôi đứng dậy chào anh trong lúc Nhung nói với anh Trưởng: “Anh Thiết, con bác Tam đấy!”. Anh không nói gì, chỉ khẽ gật đầu, rồi lẳng lặng ra chỗ quầy rượu nơi có đặt mấy chai Martell có ngâm những củ sâm bên trong, anh rót rượu vào ly rồi cầm ly rượu trên tay không uống, anh chậm rãi bước tới bước lui trong phòng khách, đầu cúi nhìn sàn nhà vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ.

Năm 1970 khi tôi gặp lại anh lần thứ ba thì tôi đã là một quân nhân. Sau biến cố Tết Mậu Thân tôi nhập ngũ khóa 2/68 Thủ Đức. Ra trường tôi phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Tổng Cục CTCT ở Sài Gòn. Năm ấy khoảng gần tết thím Sáu tôi tức là bà Thạch Lam mất tôi đi viếng thím trong bộ quân phục. Quan tài thím đặt tại tư dinh tướng Trưởng trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Họ hàng chúng tôi đứng chật hai bên quan tài đặt chính giữa phòng khách. Xe jeep đậu trước cửa. Anh Trưởng bước vào. Bỏ chiếc mũ lưỡi trai cặp tay – chiếc mũ gắn hai ngôi sao đen – anh đứng yên lặng trước quan tài mẹ vợ cúi đầu. Đứng ở bên này quan tài, đối mặt anh lần đầu trong tư thế một quân nhân, một Thiếu úy trước một Thiếu tướng, tôi cảm nhận tất cả cái trọng trách lớn lao của vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn IV, quân khu IV, hằn trên gương mặt khắc khổ của anh. Hai phút sau anh đội mũ lên đầu rồi vội vã bước ra xe đi mất.

Năm 1972 sau “mùa hè đỏ lửa” tôi là một trong ba sĩ quan của Khối Kế Hoạch/ Tổng Cục CTCT đi thanh tra vùng giới tuyến. Ba người ấy là Trung tá Vĩnh Huyền, Thiếu tá Nguyễn Công Luận và tôi với cập bậc Trung úy. Phái đoàn bay ra Huế trú đóng hai tuần lễ ở Mang Cá trong cổ thành Đại Nội. Không khí nơi đây đượm mùi chiến tranh. Lần đầu tiên kể từ ngày ra trường tôi trực diện với cuộc chiến. Cộng quân lúc này thỉnh thoảng vẫn tiếp tục nã pháo vào cổ thành Huế. Mỗi lần nghe tiếng đạn rít trên không trung tôi quơ nón sắt chụp lên đầu nhào xuống giao thông hào nơi hàng trăm binh sĩ thuộc đủ loại binh chủng và cấp bực cùng nhào xuống trú pháo. Theo bản năng tự nhiên mỗi lần nghe tiếng đạn pháo rít trên cao là tôi lại chúi đầu xuống đất mặc dù tôi biết rằng nghe được tiếng đạn rít tức là mình đã thoát chết vì đạn đã bay qua khỏi đầu. Chính trong lúc trú pháo này mà tôi hiểu được nỗi kinh hoàng mà anh vợ tôi Trung úy Nguyễn Thái Hòa và những chiến sĩ sư đoàn 5 Bộ Binh tử thủ An Lộc đã phải hứng chịu trước những trận mưa pháo dữ dội hơn gấp cả ngàn lần. Trước khi ra Huế lần này tôi đã đi chôn anh Hòa tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Anh tử trận ngày 7-7-1972 đúng ngày Tổng thống NVT bay xuống An Lộc gắn lon Đại úy cho anh và ngay đêm đó anh bị pháo chết. Nội trong 24 tiếng đồng hồ ông anh vợ tôi đã lên chức hai lần, từ Trung úy lên cố Thiếu tá. Và cũng chính trong lần ra Huế này mà tôi được nghe được rất nhiều giai thoại về anh Trưởng, “người hùng tái chiếm Quảng Trị” lúc này đã được vinh thăng Trung tướng với ba sao trên ve áo và giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân khu I. Tất cả những giai thoại đó nếu được ghi lại đầy đủ tôi nghĩ có thể viết thành một quyển sách. Giai thoại về sự thanh liêm trong sạch của anh cũng có. Giai thoại về tác phong chỉ huy của anh cũng có. Giai thoại về lòng thương lính dưới quyền của anh cũng có.

Tôi nhớ là trong giao thông hào giữa hai đợt pháo kích một vị sĩ quan cạnh tôi sau khi biết sự liên hệ rất gần giữa tôi với anh Trưởng hỏi tôi có đi thăm tướng Trưởng trong lần ra Huế này không. Tôi trả lời không. Rồi tôi nói thêm: “Mình chả dại. Đang ngon lành trong ngành CTCT lại ở hậu cứ, gặp ổng nhỡ ổng lại ký giấy tống mình ra tiền tuyến thì mệt lắm. Mà không phải tôi nói giỡn đâu. Một người anh họ tôi cùng khoá với tôi 2/68 đã bị lãnh búa rồi. Ông tướng hãnh diện đi khoe với cố vấn Mỹ là có người anh họ đang chiến đấu ở ngay tuyến đầu!.

Lần thứ tư tôi gặp anh Trưởng là vào tháng 7 năm 1993 tại Virginia, tiểu bang êm đềm của nước Mỹ. Như một khúc phim được quay nhanh, hai mươi ba năm sau ngày tôi gặp anh lần chót ở Việt Nam tôi lại thăm anh Trưởng tại tư gia, một căn nhà khiêm nhường tại vùng thủ đô Hoa Kỳ. Cuộc chiến Việt Nam như một giấc mơ hãi hùng nhưng không thực lúc này đã trở thành dĩ vãng. Năm đó vào tháng 7 chúng tôi bay qua miền Đông nhân ngày giỗ thứ 30 của cha tôi được tổ chức tại nhà anh cả tôi, anh Việt, ở Virginia. Lần đầu tiên gặp anh Trưởng trong bộ thường phục, trông anh là lạ. Anh bận chiếc áo mông-ta-gu màu đỏ trông anh mập ra, trẻ trung và khỏe mạnh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở anh vẻ an bình hiện trên gương mặt. Nhưng đó chắc chỉ là bề ngoài. Bên trong chắc hẳn anh mang nặng nỗi đau và niềm cay đắng của một vị tướng bại trận sẽ mang theo anh cho đến tận cuối đời. Anh đích thân rót rượu và ân cần mời tất cả mọi người. Tôi toan tiến lại gần anh, nói với anh vài lời, đặc biệt là bầy tỏ tấm lòng của tôi đối với anh, nhưng tôi lại thôi. Tôi nghĩ trong bụng anh có thể đã nghe những lời bầy tỏ tương tự như thế rất nhiều lần rồi, nói ra lại thành khách sáo, vả lại chúng tôi là người nhà, còn thiếu gì những dịp khác để gặp anh tâm tình. Nhưng tôi đã lầm. Dịp khác để gặp anh đã không bao giờ đến, cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 1 năm 2007. Tôi không thể ngờ lần thứ tư tôi gặp anh ở Virginia đó cũng là lần chót. Và chúng tôi vẫn chưa bao giờ trao đổi với nhau được lấy một lời. Tôi chỉ còn cách tự an ủi là ba năm trước khi anh mất anh đã đọc những lời chân tình của tôi viết về anh trên trang đầu cuốn sách Giòng Sông Thanh Thủy tôi gửi tặng.

o O o

Trưa hôm nay tôi lái xe đến thăm anh Phạm Hậu. Nhà anh Hậu ở Bothell, cách Shoreline chỗ chúng tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Từ mấy năm nay chúng tôi có một giao ước. Cứ cách khoảng hai tháng là hai đứa phải ới cho nhau một tiếng, hẹn nhau tại một quán ăn, ăn trưa rồi ngồi hàn huyên. Luân phiên chúng tôi trả tiền. Nhưng dạo này anh hơi lẫn, ngại lái xe, nên tôi thường đến nhà anh chở anh đi.Từ trong nhà bước ra anh nói ngay:
– Tôi quên mất rồi. Không biết lần này ai trả tiền, ông hay tôi?
– Tôi cũng không nhớ. Nhưng nhầm nhò gì. Để tôi trả cho. Anh cứ “vô tư” đi cho tôi nhờ!
– Này này! Ông đừng có lợi dụng cái bệnh Alzheimer của tôi nhé! Cái gì cũng phải cho nó sòng phẳng…

Trong lúc lái xe tôi nghĩ đến sự tình cờ hi hữu đã khiến chúng tôi gặp lại nhau và ở gần nhau trên nước Mỹ. Bốn mươi năm trước chúng tôi có một thời gian cùng phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT. Anh Hậu lúc ấy là Thiếu tá nhưng anh chỉ tạm trú ở Tổng Cục vài tháng trước khi chờ biệt phái sang Phủ Tổng Thống. Hồi đó tôi nghe đồn anh có “gốc” lớn lắm. Sau này kể anh chuyện ấy anh cười nói: “Gốc mẹ gì! Toàn là đồn nhảm không à!”. Tôi cũng nhớ là sau khi biết tôi là con của ông cụ, anh Hậu, tác giả tập thơ Chuyện Chúng Mình, có đọc cho tôi ngay câu thơ mà anh đã làm trước đó mười năm: “Yêu Nhất Linh tôi chọn tên Nhất Tuấn”. Cùng sang Mỹ năm 1975 và cùng chọn tiểu bang miền Tây Bắc nước Mỹ để định cư, chúng tôi đã có dịp gặp nhau thường xuyên từ hơn ba mươi năm nay.

Ăn trưa xong, bên tách trà nóng, chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ. Lẫn trong câu chuyện hình ảnh của những người mà chúng tôi đã từng quen biết năm xưa, người mất kẻ còn, lần lượt hiện ra. Tội nghiệp Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT, xếp của chúng tôi, đã chết vì ngộp thở trên chuyến tàu hỏa chở những tù nhân cải tạo ra Bắc. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Trưởng phòng Nghiên Cứu Kế Hoạch, xếp trực tiếp của tôi, cũng đã ra đi tại tiểu bang New Jersey miền Đông nước Mỹ. Trung tá Vĩnh Huyền, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 50 CTCT, người mà anh Hậu vẫn khen là có gương mặt và tác phong rất bảnh, đã từ lâu tôi mất liên lạc, không biết còn ở Calgary bên Canada hay không. Và Thiếu tá Nguyễn Công Luận nữa, không biết anh còn ở San José hay không, sức khoẻ anh hiện ra sao…

Bên ngoài lướt qua khung kính của nhà hàng mưa nhẹ bay bay. Bãi đậu xe lá vàng phủ ướt nhẹp. Bây giờ là cuối thu, những chiếc lá của hàng cây phong trồng trên bãi đậu xe đã bắt đầu chuyển từ màu vàng óng sang màu đỏ tía. Mỗi lần cơn gió mạnh thổi lá rụng lả tả bay đậu trên mui trên kính những chiếc xe hơi nằm trên bãi.

Tôi nhìn anh Phạm Hậu ngắm hàng râu mép của anh và bỗng thấy anh cũng bảnh y như Trung tá Vĩnh Huyền trong hình ảnh ký ức tôi năm xưa. Chỉ khác là bây giờ râu tóc của nhà thơ này đã chuyển sang màu muối tiêu. Nhớ đến Trung tá Vĩnh Huyền tôi lại liên tưởng đến lần chúng tôi ra Huế năm 1972 và tôi nói với anh Hậu:
– Tôi đang viết giở một bài về tướng Ngô Quang Trưởng, nghe nói anh có làm bài thơ về ông Trưởng hay lắm, anh có thể đọc cho tôi được không?

Năm ngoái cũng trong một lần đi ăn trưa như hôm nay tôiđã kể cho anh Hậu nghe về ước muốn sau cùng của anh Trưởng là sau khi anh chết tro của anh được thả trên đèo Hải Vân. Vào mùa hạ năm 2008, một năm sau khi anh chết, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện. Theo lời Nhung kể cho tôi trong một lần điện đàm thì anh Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam. Từ phi trường chú tài xế chở mọi người về nhà chú tại ngoại ô thành phố Sài Gòn. Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở sâu trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói. Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân. Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặt nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó Nhung quyết định chọn chỗ này để rải tro.

deohaivan2
Đã hơn 10 năm qua, trời nắng cũng như mưa, ông Bừa vẫn lặng lẽ túc trực, quét dọn, hương khói ở cái miếu thờ những người không may tử nạn nằm cô quạnh trên đỉnh đèo Hải Vân (ranh giới giữa Đà Nẵng và tỉnh TT-Huế)…

Suốt ngày hôm đó trời âm u giông gió. Mấy mẹ con và chú tài xế khấn nguyện trước miếu. Một lát lâu sau khấn xong ngửng lên thì trời đất bỗng dưng quang đãng hẳn lên mây tan và trời trong xanh. Vợ con anh Trưởng từng người một kể cả người tài xế trung thành lần lượt rải tro theo gió, tro của vị tướng lừng danh của quân sử VNCH bay trên ngọn đèo hùng vĩ Hải Vân nơi mà chú tài xế kia đã nhiều lần chở vị tướng ba sao qua lại trên trục lộ Huế-Đà Nẵng, ngọn đèo đã đưa vị tướng chấn lĩnh vùng địa đầu lên đỉnh vinh quang và cũng là ngọn đèo đã kéo vị tướng ấy xuống chốn cùng thảm bại.

ngoquantruong raitrotheogio
Trên đèo Hải Vân, gió mạnh thế mà từ tay bà Trưởng, tro vẫn vón lại thành một khối vấn vương rồi mới tan ra, tung bay theo gió.
(Hình: Người Việt, từ video do bà quả phụ Ngô Quang Trưởng cung cấp)

Rải tro theo gió… trên đỉnh đèo Hải Vân… ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Ngậm ngùi tôi lắng nghe anh Phạm Hậu đọc bốn câu thơ sau đây của anh:
Lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế!
Bao chiến công… cũng thế mà thôi
Hải Vân… tro rắc bốn trời
Hạt tro nào… lạc vào nơi cổ thành?
-Nhất Tuấn-
Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù VN (3/1954-9/1954).

Nguyễn Tường Thiết

Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

10 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 10 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |