

ĐỌC BÁO DÙM BẠN
#601
Gửi vào 29/06/2019 - 21:17
Nhập hàng Trung Quốc từ rau quả đến máy móc
29/06/2019
Việc nhập khẩu gần 80% linh kiện từ Trung Quốc để sản xuất ti vi không khiến nhiều người bất ngờ. Mỗi tháng, VN vẫn chi hàng tỉ USD nhập khẩu từ rau quả đến máy móc, nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng từ nước này.
5 tháng nhập gần 30 tỉ USD
Với đặc thù buôn bán mậu biên, hàng hóa từ Trung Quốc rất dễ dàng được đưa vào VN. Tình trạng này cũng khiến cho hàng lậu hay gian lận thương mại dễ diễn ra
Ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing VNThống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã chi 29,9 tỉ USD (bình quân mỗi tháng gần 6 tỉ USD) nhập khẩu hàng hóa các loại từ Trung Quốc.
Đặc biệt, Trung Quốc dẫn đầu trong 8 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của VN gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày; nhóm hàng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại... Riêng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng như chất dẻo nguyên liệu thì Trung Quốc đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Chỉ mặt hàng xăng dầu là không thấy tên quốc gia này trong nhóm các nhà cung cấp cho VN...
Không chỉ thế, ngay cả mặt hàng rau quả, trái cây nhập khẩu cũng ngày càng tăng. Đáng nói là các loại trái cây nhiệt đới mà VN trồng rất nhiều như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt... cũng được nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cho biết trong 5 tháng đầu năm, giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu đạt 878 triệu USD, cao gấp rưỡi so với con số 601 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó Trung Quốc đứng thứ hai sau Thái Lan xuất khẩu vào VN lượng sản phẩm này khi chiếm 19,6%, tương đương khoảng 172 triệu USD.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy mức nhập siêu của VN đối với Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2018, VN nhập siêu từ Trung Quốc hơn 24 tỉ USD, tăng thêm 1 tỉ USD so với năm 2017. Đến 5 tháng đầu năm nay, VN nhập siêu từ Trung Quốc là 16,2 tỉ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiềm ẩn , trốn thuế
Lý giải về nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng cao, ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, cho rằng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc được áp dụng từ lâu. Đến nay, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ASEAN nói chung và VN nói riêng đều được hưởng mức thuế ưu đãi, thậm chí còn 0%, khiến cho các sản phẩm từ quốc gia này vốn đã rẻ nay càng rẻ hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nguồn cung dồi dào, đủ sản phẩm “thượng vàng hạ cám”, từ rẻ tiền đến cao cấp nên các doanh nghiệp dễ lựa chọn. Đặc biệt, Trung Quốc có chung đường biên giới với VN nên tồn tại đặc thù loại hình kinh doanh biên mậu. Do nhiều yếu tố trên khiến hàng hóa Trung Quốc dễ dàng được đưa vào VN. Vì vậy trên thị trường, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến đồ điện tử, điện gia dụng.
Vị chuyên gia này chia sẻ, khi còn làm ở một công ty giày dép trong nước, ông có chuyến khảo sát thị trường tại các tỉnh biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc và nhận thấy việc kinh doanh qua lại giữa hai bên cũng giống như buôn bán ngay trong thị trường nội địa. Những chuyến xe chở hàng hóa chính thức qua lại cửa khẩu với thủ tục khá nhanh chóng. Ví dụ, nhập vải theo đường chính ngạch, thủ tục kiểm duyệt chặt chẽ hơn, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn về thuốc nhuộm, về kiểm dịch; nhưng khi nhập khẩu qua đường biên mậu thì hàng rào kỹ thuật rất lỏng lẻo. Đó là chưa kể hàng đi đường tắt, qua sông... mà cơ quan hải quan không thể kiểm soát được.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, chuyên gia tư vấn về thuế, phân tích thêm, đặc thù buôn bán mậu biên là được phép để người dân địa phương dễ dàng trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, chính sách này dễ bị lợi dụng để các công ty tuồn hàng vào thị trường nội địa hoặc thậm chí là buôn lậu. Đồng thời, việc cũng tiềm ẩn nguy cơ kê khai giá thấp hơn giá trị thật để đóng thuế thấp. Hoặc đơn vị nhập khẩu kê khai không đúng mã hàng hóa, chuyển sản phẩm từ mã có thuế nhập khẩu cao sang mã hàng có mức thuế nhập khẩu thấp hơn (đây là hình thức gian lận thương mại).
Mai Phương
VN nhập khẩu gần 30 tỉ USD hàng Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019
Ảnh: Ng.Nga
Thanked by 2 Members:
|
|
#602
Gửi vào 30/06/2019 - 20:08
Tiền đâu hoàn thiện giao thông khu vực Nam bộ?
30/06/2019
Bổ sung , hoàn thiện mạng lưới kết nối từ TP.H.C.M đi các tỉnh là nhiệm vụ cấp bách, nhưng nguồn vốn ở đâu vẫn là bài toán khó.
Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển” do ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.H.C.M phối hợp với UBND TP tổ chức sáng qua 29.6.
Vốn chỉ đáp ứng hơn 10% nhu cầu
Mở đầu hội thảo, TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.H.C.M, cho biết hạ tầng giao thông yếu kém đang là nút thắt lớn kìm hãm sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Toàn bộ quy hoạch đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không đã được vạch ra chi tiết nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn.
Theo ông Hùng, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông VN giai đoạn 2016 - 2020 gần 1 triệu tỉ đồng nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỉ đồng. Riêng khu vực TP.H.C.M - địa phương được coi là trung tâm kết nối, trung tâm kinh tế của toàn vùng - nhu cầu vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn này là khoảng 500.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được hơn 1/5, tức 122.000 tỉ đồng.
Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), thông tin chi tiết: Trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến khu vực Tây Nam bộ có khoảng 64 dự án giao thông được triển khai, khu vực Đông Nam bộ có khoảng 38 dự án. Tổng mức đầu tư cần cho khu vực Tây Nam bộ từ nay đến 2030 là khoảng 162.000 tỉ đồng; khu vực Đông Nam bộ là khoảng 361.000 tỉ đồng, trong đó chưa bao gồm Cảng hàng không Long Thành. Tính riêng giai đoạn 2021 - 2025, Tây Nam bộ cần có nhu cầu khoảng 108.000 tỉ đồng và Đông Nam bộ khoảng 175.000 tỉ đồng. “Đây chỉ là nhu cầu vốn dự kiến được tính toán dựa vào nguồn lực và khả năng thu hút vốn. Để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Nam bộ, số tiền cần lớn hơn dự báo này rất nhiều”, vị này đánh giá.
Khó thu hút vốn tư nhân
Thực tế, ngay cả các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu đầu tư về hạ tầng, 2/3 còn lại phải huy động từ các nguồn khác mà cách duy nhất là thu hút vốn tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thế nhưng ông Lê Đỗ Mười nhận định khu vực ĐBSCL rất khó để . Thứ nhất, theo đúng chủ trương của Chính phủ, tất cả các tuyến đường không phải độc đạo, có đường chạy song song mới được làm dự án BOT. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các tuyến đường tại ĐBSCL đều là độc đạo do địa hình không cho phép xây dựng thêm các tuyến song song. Bên cạnh đó, tỷ suất đầu tư cho các dự án quốc lộ rất lớn và không khả thi về mặt lưu lượng, dẫn đến việc khó khăn trong thu hút vốn tư nhân. Do đó, chỉ một số dự án đầu tư đường cao tốc và các dự án khả thi, đáp ứng đủ điều kiện mới có thể xã hội hóa. Còn lại hệ thống đường bộ và trên các quốc lộ đa phần phải sử dụng ngân sách nhà nước.
“Trong tổng nhu cầu vốn nêu trên, dự kiến nguồn vốn huy động từ xã hội hóa chỉ chiếm khoảng từ 10 - 22%, còn lại là vốn vay ODA, vốn nhà nước. Dù khó khăn nhưng muốn phát triển, nhà nước buộc phải ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, mọi người hay nói vốn đầu tư dành cho ĐBSCL là ít nhưng không phải. Khu vực này được bố trí vốn lớn, thậm chí lớn hơn nhiều vùng khác nhưng do suất đầu tư từng dự án lớn nên công trình ít đi, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó trong giai đoạn tới, cần ứng dụng triệt để khoa học công nghệ mới để giảm thiểu tối đa suất đầu tư, đặc biệt là các đường cao tốc và một số dự án đường thủy”, ông Mười đề xuất.
Hầu hết các chuyên gia tại hội thảo đều thống nhất ý kiến phát triển giao thông cần gắn với việc sử dụng đất. Phải sử dụng tăng trưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa để quay trở lại tái đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng không chỉ các rủi ro về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính khiến các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước e ngại, một vấn đề cần quan tâm hiện nay là quỹ đất phát triển vào tay các doanh nghiệp tư nhân rất nhiều nhưng các dự án giao thông chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được vốn xã hội.
“Về vấn đề gắn giao thông với sử dụng đất, thu phí để tái đầu tư cho giao thông hiện nay cũng khó thực hiện do chưa có hành lang pháp lý, hệ thống tổ chức phù hợp. Nếu muốn thật sự phát triển, cần thống nhất chủ trương đối xử với giao thông như những loại hình dịch vụ khác”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Liên kết nguồn lực các địa phương
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.H.C.M, cho biết chủ trương của TP hiện nay là liên kết cùng các tỉnh, thành, góp vốn ngân sách chủ trì giải phóng mặt bằng đối với các dự án liên tỉnh để tháo gỡ rủi ro, tạo điều kiện thu hút vốn tư nhân. TP xác định rõ muốn cùng Bộ và các tỉnh thúc đẩy nhanh các dự án giao thông, hỗ trợ phát triển liên kết vùng.
Hà Mai
Thanked by 2 Members:
|
|
#603
Gửi vào 30/06/2019 - 20:20
'Mở lon Việt Nam' trái thuần phong mỹ tục ra sao?
30/06/2019
Trong khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) cho rằng cụm từ ' ' trong quảng cáo sản phẩm của Coca-Cola có vấn đề về ngữ nghĩa, không phù hợp thuần phong mỹ tục thì các chuyên gia ngôn ngữ, truyền thông lại có ý kiến khác.
Chưa tham vấn chuyên gia
Nó mà ở ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ, thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất khủng khiếp nếu chữ đó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Công văn nhấn vào slogan “Mở lon Việt Nam” của nhãn hàng này. Cụm từ “Mở lon Việt Nam” được cho là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Slogan này cũng bị cho là không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 luật Quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho rằng “Mở lon Việt Nam” là cụm từ không rõ ràng về sản phẩm. Nó không rõ là mở lon gì và cụm từ “lon Việt Nam” không có nghĩa. Chưa kể, chữ “lon” này theo bà, có thể bị thêm mũ, thêm dấu trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời. “Nó mà ở ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ, thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất khủng khiếp nếu chữ đó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời. Quan điểm của tôi là không cấm nhưng phải sửa”, bà nói. Bà Hương còn cho biết, đặt từ “lon” cạnh từ “Việt Nam” là việc rất nhạy cảm.
Về việc trước khi ra văn bản đã tham vấn chuyên gia quảng cáo và ngôn ngữ hay chưa thì bà Hương trả lời chưa. Tuy nhiên, bà phân tích: “Tôi nghĩ việc đã rõ trong luật rồi. Về ngôn ngữ, các chuyên gia có thể có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Việc vi phạm đưa ra rõ ràng thì không cần ý kiến của chuyên gia quảng cáo”.
Cần phải có căn cứ
Người ta vẫn nói là đong mấy lon gạo... Nó chả có gì xấu cả. Còn ai liên tưởng tới từ gì đó gần với lon thì là liên tưởng, suy luận không có cơ sở
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt NamPGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng nếu muốn cấm hay yêu cầu sửa thì phải có căn cứ về từ có nghĩa xấu. “Ta phải xem từ lon như thế nào, nó có quá xấu không? Nó là một từ bình thường và có nhiều nghĩa. Theo từ điển, nó còn có nghĩa là một loại thú rừng cùng họ với cầy móc cua nhưng nhỏ hơn. Nó cũng là từ thuần Việt chỉ một loại cối - lon giã cua ấy. Nó còn có nghĩa lon sữa bò, hay lon bia. Người ta vẫn nói là đong mấy lon gạo... Nó chả có gì xấu cả. Còn ai liên tưởng tới từ gì đó gần với lon thì là liên tưởng, suy luận không có cơ sở. Nên tốt nhất khi nghiêm cấm thì phải có căn cứ là từ nghĩa xấu”, ông nói. Trên phân tích từ “lon” như vậy, ông cho rằng tổ hợp từ “lon Việt Nam” trong quảng cáo nếu không rõ nghĩa lắm cũng không sao và lưu ý tới tính đặc thù của ngôn ngữ quảng cáo: “Có thể anh có quyền cho rằng tổ hợp đó không được hay lắm. Nhưng bắt lỗi nó thì lại là chuyện khác. Ngôn từ quảng cáo có cách của nó, có cấu trúc lạ, gây ấn tượng”.
Còn ông Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ truyền thông văn hóa ĐH Paris Dauphine, đồng sáng lập Elite PR School, cũng cho rằng cụm từ “lon Việt Nam” được sử dụng kết hợp ghép với động từ “mở” là trong một ngữ cảnh của quảng cáo. Khi đó nó được kết hợp với hình ảnh trên quảng cáo và được gắn với một thương hiệu chuyên bán nước giải khát nổi tiếng toàn cầu thì khả năng hiểu nhầm, hiểu sai là gần như không có.
Ông Lê Quang Vũ, chuyên gia truyền thông, Giám đốc Công ty truyền thông Blue C, nhận xét slogan “Mở lon Việt Nam” trong quảng cáo của Coca-Cola đã đạt hiệu ứng khá tốt. “Nó đáp ứng đúng công thức của content là ART. Attention: gây chú ý, Relevant: liên quan, Talkability: khiến mọi người bàn tán. Hay hay không còn tùy người nhưng nếu chỉ hẳn ra sai ở đâu thì cũng không dễ, kể cả áp dụng điều 8, luật Quảng cáo mà Cục nói”, ông Vũ phân tích. Về khả năng chính Coca-Cola Việt Nam chủ ý dùng slogan này để gây tranh cãi, ông Vũ cho rằng: “Không loại trừ khả năng đó. Có thể họ cố tình đi vào vùng mờ để gây tranh cãi. Tính đến giờ thì hiệu quả của quảng cáo là khá tốt. Ai cũng nhắc đến nó”.
Hà Nội phạt 25 triệu đồng biển
Sau văn bản kiểm tra hồ sơ liên quan đến quảng cáo của Coca-Cola Việt Nam do Cục Văn hóa cơ sở ban hành, đã có vi phạm quảng cáo của nhãn hàng này bị phát hiện tại Hà Nội. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, xác nhận đã có biển quảng cáo với slogan “Mở lon Việt Nam” không phép trên địa bàn. Sở đã yêu cầu dỡ và phạt hành chính 25 triệu đồng với trường hợp này.
Trinh Nguyễn
Coca-Cola đã thay tên quảng cáo "Mở lon Việt Nam"Ngày 29.6, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã có văn bản phản hồi về việc quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19, luật Quảng cáo về tính phù hợp thuần phong mỹ tục.
Theo đó, ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vào ngày 22.6, công ty đã thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác. Hiện quy trình đang được diễn ra nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang tích cực diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.
Mai Phương
Bảng quảng cáo Coca-Cola (đã được che phủ) tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (TP.H.C.M) tối qua 29.6
Ảnh: Khả Hòa
Thanked by 2 Members:
|
|
#604
Gửi vào 30/06/2019 - 21:49
Học sinh Pháp học triết để làm gì và học như thế nào?
- DANH ĐỨC
- 30.06.2019
Tôi có chút may mắn đã được học triết trong “chương trình Pháp” 50 năm trước, nên mỗi năm vẫn hay tìm xem “năm nay đề ra thế nào?” để tìm về tuổi học trò, cũng để xem người ta đang sống, nghĩ như thế nào ở thời điểm này. Trong góc nhìn đó, bộ đề thi môn triết tú tài Pháp năm nay có thể coi là một bức ảnh chụp nhanh về cách hiện hữu và tư duy của xã hội Pháp vào năm 2019 này.
Có rất nhiều định nghĩa của triết học, trong đó có câu trả lời cơ bản là để đặt câu hỏi “Tại sao?”. Không ít người nhất định đặt câu hỏi đến tận kỳ cùng như là một cách tồn tại, thể hiện. Cũng có thể học triết, theo một kiểu nào đó, như sắm một thứ hành trang tiến thân không thể thiếu.
Ở những xã hội như Pháp, người ta dạy và học triết ở cuối cấp trung học vì những mục đích mà nói chung là để “làm người”, như “một cây sậy biết suy nghĩ”.
HỌC TRIẾT ĐỂ MỞ RỘNG ĐẦU ÓC, CHÂN TRỜI
Stéphanie Martini - giảng sư đại học sư phạm môn triết, chuyên đào tạo các giáo sư trung học tương lai thi lấy chứng chỉ hành nghề dạy trung học (người Pháp gọi là giáo sư chớ không gọi là giáo viên) - đã thử giải thích câu hỏi “Tại sao lại học triết?” cho các học sinh lớp 12 như sau: “Học một môn học mới, năm cuối trung học, có vẻ lạ đối với các bạn: Tại sao không tiếp tục học môn tiếng Pháp? Tại sao không bắt đầu học triết sớm hơn?”.
Thay vì trả lời trực tiếp, tác giả đề nghị: “Thay vì tự đặt ra những câu hỏi đó - điều sẽ làm nảy sinh những cuộc tranh luận bất tận, tốt hơn hãy tự hỏi: điều này sẽ mang lại cho tôi điều gì? Theo tôi, môn học mới này chính là một cơ hội tuyệt vời cho các bạn, để mở rộng đầu óc các bạn, chân trời của các bạn”.
Tác giả đặt câu hỏi giùm các học sinh: “Làm thế nào học triết năm lớp 12 lại có thể mở rộng đầu óc các bạn?”. Và trả lời ngay, trong vị trí người thầy dạy triết:
“1. Môn triết cho phép chúng ta xem xét môi trường quen thuộc của chúng ta từ một góc độ hoàn toàn mới và đôi khi hoàn toàn bất ngờ. Đây chắc chắn là lý do tại sao các nhà triết học thường được coi là những người sống trong thế giới riêng của họ.
2. Trong thực tế, triết học cho phép chúng ta khám phá lại chính thế giới quen thuộc của chúng ta bằng cách khiến chúng ta nhận thức các định kiến của mình”.
Qua đây, tác giả cho các học sinh trên chặng cuối đi đến sự trưởng thành thấy rằng học triết là để mở rộng đầu óc ra một chân trời mới, với một cách nhìn “vạn vật” hoàn toàn khác cách nhìn quen thuộc vốn mang tính định kiến và “để nhận thức các định kiến của mình”. Từ nhận thức đó, người học triết, theo tác giả, sẽ có một thái độ khác trước “vạn vật”:
“3. Bằng cách dạy chúng ta nhìn thấy thế giới khác đi, triết học cũng cho phép chúng ta nhìn nhận bản thân khác đi. Triết học cho phép chúng ta tìm hiểu được nhau, bởi triết học mời gọi chúng ta nhận thức lại về những điều mà chúng ta xác quyết là chắc chắn, tương đối hóa chúng, đối chiếu với những xác quyết của những người khác. Do đó, triết học còn dạy chúng ta lắng nghe họ, để làm phong phú và hoàn thiện nhận thức của chúng ta về thực tế”.
Một khi đã nhận ra những định kiến của bản thân, người ta sẽ tương đối hóa cái nhìn cũ của mình, sẽ bỏ bớt định kiến, sẽ nhìn khác về bản thân và người khác cùng các ý kiến của họ để có thể lắng nghe người khác.
Đến đây, giáo sư Stéphanie Martini đi đến điểm tự thú: “4. Trong truyền thống cổ đại, triết học được coi là một nghệ thuật sống, một con đường để đi theo nhằm sống hạnh phúc. Nói điều đó luôn khiến các học sinh mỉm cười, khi các em nghe thấy liên hệ hạnh phúc với triết học. Cười là do cách nhìn về triết học của chúng ta đã thay đổi từ lâu rồi. Thật vậy, triết học đã không còn là một nghệ thuật sống, mà đã trở thành một môn học được dạy ở nhà trường trung học và đại học”.
Tác giả phân bua: “Việc giảng dạy môn triết mà các bạn sẽ nhận được phải chịu một số hạn chế về học thuật và nhằm chuẩn bị thi cử (và nghĩa vụ phải hoàn thành một chương trình). Đây là lý do tại sao môn này có vẻ như quá lý thuyết hoặc khô khan đối với một số người”.
Rồi ông đi đến vấn đề cốt lõi: “Họ thích có những thảo luận, tranh luận trong lớp hơn. Tuy nhiên, tranh luận theo kiểu trong đó mỗi người trong chúng ta chỉ biết đưa ra những ý kiến của mình và do đó cũng là các định kiến của người ấy, chớ không thực sự lắng nghe người khác thì điều đó chắc chắn không phải là học (làm) triết”.
Đây chính là điều làm nên sự khác biệt giữa những xã hội có học triết như là một cách mở cửa tâm hồn và những xã hội không học triết như là một hành trang vào đời, hoặc học triết theo kiểu “nhất bổn” mà kết luận đã có sẵn, thảo luận chỉ với những định kiến hoặc những lý sự gắn chặt với môi trường sống quen thuộc, không dựa trên những viện dẫn tham khảo đa giác, không dựa trên phương pháp thực chứng...
Và rồi người thầy dạy cách dạy triết giải thích cách học triết ở lớp 12: “Ngược lại, bài giảng của giáo sư của các bạn về những khái niệm nằm trong chương trình sẽ là một ví dụ “sống” về sự suy nghĩ triết học dành cho các bạn. Đừng thụ động ghi chép, mà hãy suy nghĩ về những gì đã được nói ra và đặt câu hỏi, để bắt đầu cuộc thảo luận. Ngoài ra, cũng đừng lấy các bài luận và phân tích văn bản mà các bạn sẽ phải làm như là các bài tập đơn giản ở trường, làm để đạt điểm cao trong học bạ và kỳ thi tú tài. Hãy xem chúng như những bài tập huấn luyện thành nhân cho bạn, mà ở đó các bạn sẽ phải “chiến đấu” với suy nghĩ của chính mình!”, trước khi mời gọi tự vấn: “Còn các bạn, các bạn hình dung môn triết như thế nào? Mong đợi của các bạn là gì?”.
Mở rộng ra, dường như cách học nêu trên cũng có thể được áp dụng cho việc học triết ở những cấp khác, không chỉ ở bậc trung học.
NHÌN “VẠN VẬT” QUA ĐỀ TRIẾT NĂM 2019
Từ chủ trương dạy và học triết ở lớp 12 như trên, qua các phân môn luận lý học, tâm lý học, đạo đức học, các học sinh sẽ được làm quen một cách hệ thống với những tư tưởng, suy nghĩ “mới” của mấy mươi nhà triết học tự cổ chí kim, mà có khi đã trở thành những “con đường đi, sống” cùng những phương pháp suy luận mới.
Càng làm quen, càng tự trang bị những “lý đoán” tối thiểu mà nhân loại cùng chia sẻ để có thể thảo luận hiệu quả. Tỉ như các “cặp đối kháng”: Tự do - Nghĩa vụ, Công bằng - Bác ái trong đạo đức học mà cuối cùng người học sinh học triết sẽ tự mình phóng chiếu các tham khảo đó vào vấn đề đang thảo luận hay cần cân nhắc, đối chiếu để tự rút ra hoặc cùng rút ra kết luận. Tất nhiên, không còn chỗ cho các định kiến “phải như vầy”, “phải thế kia”...
Chính vì thế, ở ban văn chương, môn triết có hệ số điểm 7 (dạng “khủng”), đề thi gồm các câu hỏi sau: (1) Có thể nào thoát khỏi thời gian?; (2) Giải thích một tác phẩm nghệ thuật để làm chi?; (3) Giải thích một đoạn dài 326 chữ của Hegel, trích từ “Các nguyên tắc triết học về luật pháp” (1820).
Ở câu (1), thí sinh phải “mở mắt” nhìn và thấy thời gian là gì trong các khung cảnh khác nhau, từ cá nhân đến xã hội và tại sao người ta tìm cách thoát khỏi thời gian (Sợ già? Sợ chết? Muốn “dừng thời gian lại” để tận hưởng hoặc để “mãi mãi hóa” hiện tại - có thể từ hạnh phúc cá nhân hay thể chế...)? Có những phương tiện gì? Liệu điều đó là có thể?
Thí sinh, trong năm lớp 12, đã phải đọc một số trích dẫn của Platon, S.Kierkegaard, H.Bergson... để “lý luận” về tình yêu, về nửa kia và hạnh phúc, về các giai đoạn của cuộc đời, về thời gian..., thậm chí nhớ và đưa vào được những bài thơ danh tiếng từng học trong các năm trước...
Ở câu (2) “Giải thích một tác phẩm nghệ thuật để làm chi?”, có ý kiến cho rằng phải giải thích để cho thấy ý nghĩa của tác phẩm, bên cạnh ý kiến cho rằng một tác phẩm nghệ thuật là để cảm nhận chớ không để giải thích và rằng giải thích là tạm bợ, chủ quan, tương đối. Học sinh, theo đáp án, sẽ phải nhớ lại một chút Aristote, Schopenhauer, Nietzsche, Heidegger...
Thế các học sinh có đọc thực không? Câu (3) Đọc một đoạn của Hegel về “Các nguyên tắc triết học về luật pháp” là minh họa cho thấy các học sinh ấy đọc những gì, để làm gì, được gì.
Rút ngắn sau từ đề thi sẽ cho thấy đọc những gì: “Luật của tự nhiên không sai, mà chỉ những thể hiện mà chúng ta có mới có thể sai... Kiến thức của chúng ta không bổ sung gì cho chúng và không cải thiện chúng. Chỉ có kiến thức chúng ta có về tự nhiên có thể phát triển. Kiến thức về luật pháp, ở một số khía cạnh, cũng tương tự như kiến thức về tự nhiên, nhưng ở một số khía cạnh khác thì không. Trên thực tế, chúng ta học để biết luật pháp khi chúng được đưa ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt là, trong trường hợp luật pháp, sự suy nghĩ dẫn đến sự can thiệp... Luật pháp là một cái gì đó được đặt để, một cái gì đó đến từ con người”. Thí sinh phải giải thích được khác biệt luật của tự nhiên và luật của loài người.
Những xã hội mà các công dân tương lai được giáo dục và đào tạo để có khả năng và nhu cầu tự đặt ra những câu hỏi là những xã hội còn thấy tiền đồ. Bởi biết tự đặt câu hỏi tức là sẽ biết tự trả lời.■
Đề triết ban kinh tế, xã hội, điểm hệ số 4, gồm các câu hỏi sau: (1) Đạo đức là chính sách tốt nhất? (2) Lao động có phân hóa con người không?; (3) Giải thích một đoạn dài 209 chữ của Leibniz, trích từ “Nhận xét phần chung của các nguyên tắc của Descartes” (1692).
Đề triết ban khoa học, điểm hệ số 3, gồm các câu hỏi sau: (1) Sự đa dạng của các nền văn hóa có gây trở ngại cho sự đoàn kết, thống nhất của loài người?; (2) Nhìn nhận các bổn phận của mình, liệu có phải là khước từ tự do của mình? và (3) Giải thích một đoạn dài 286 chữ, trích từ “Tương lai của một ảo tưởng” của Freud (1927).
Đề triết ban kỹ thuật, điểm hệ số 2, gồm các câu hỏi sau: (1) Chỉ những gì có thể trao đổi được mới có giá trị?; (2) Luật pháp có thể làm cho chúng ta hạnh phúc?; (3) Giải thích một đoạn dài 345 chữ trích từ “Các tiểu luận của Montaigne” (1580)”.
Thanked by 1 Member:
|
|
#605
Gửi vào 01/07/2019 - 20:48
Không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở Đà Nẵng
Theo UBND TP Đà Nẵng, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng.
Ngày 1/7, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2019 gửi HĐND nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11, HĐND Khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, các địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với thực hiện cải cách hành chính và quy chế dân chủ ở cơ sở.
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng nêu, các đơn vị, địa phương chưa phát hiện trường hợp tặng quà, nhận quà trái quy định và sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi. Đặc biệt, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng.
6 tháng qua, toàn ngành Thanh tra TP Đà Nẵng triển khai 388 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực tại 4.438 tổ chức, cơ sở, cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra, Đà Nẵng phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi số 749 triệu đồng nộp ngân sách, 7,617 tỷ đồng nộp quỹ BHXH, ban hành 2.543 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6,846 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp, ngành và các tổ chức thanh tra tiếp nhận 38 đơn tố cáo nhưng qua công tác giải quyết tố cáo chưa phát hiện hành vi tham nhũng.
Báo cáo của UBND thành phố cho biết, 6 tháng còn lại của năm 2019, UBND TP Đà Nẵng sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
XUÂN TIẾN
1/7/2019
Thanked by 1 Member:
|
|
#606
Gửi vào 01/07/2019 - 21:03
Anh lính cứu hỏa ở Hà Nội bị nhầm lẫn trong vụ cháy rừng Hà Tĩnh, tác giả bức ảnh lên tiếng
01/07/2019
Sau khi bức hình về anh lính cứu hỏa chữa cháy kho hàng ở quận Hoàng Mai bị nhầm lẫn thành ảnh chụp lính chữa cháy rừng Hà Tĩnh và được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội thì tác giả Nguyễn Khánh đã lên tiếng đính chính thông tin và mong mọi người hãy kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
Những ngày gần đây, không chỉ khiến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực bị đảo lộn mà còn làm người dân cả nước không khỏi xót xa, lo lắng.
Theo đó, vào đầu giờ chiều ngày 28/6, do thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo gió Lào thổi mạnh đã khiến rừng thông thuộc tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) bị cháy. Sau đó, đám cháy lan sang tiểu khu 92, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Vụ cháy nhanh chóng lan rộng, do vậy hàng nghìn cán bộ, bộ đội và người dân cùng các phương tiện chữa cháy được tăng cường xuyên đêm nỗ lực để dập lửa. Dẫu trong đêm 28/6 đám cháy đã được khống chế nhưng do thời tiết oi bức, khô hanh nên ngay trong sáng 29/6, đám cháy đã bùng phát trở lại.
Để nhanh chóng dập lửa và đảm bảo đám cháy không lan rộng gây nguy hiểm cho những khu dân cư, hàng trăm chiến sĩ PCCC cùng bộ đội túc trực, hỗ trợ dập lửa. Giữa sức nóng từ đám cháy, cùng khói bụi ngột ngạt, các chiến sĩ PCCC tranh thủ ăn vội và chợp mắt ngay tại hiện trường.
Hình ảnh những người chiến sĩ với gương mặt lấm lem, mệt nhoài sau nhiều giờ chữa cháy. Cùng với đó là những gói cơm hộp, những chiếc bánh mì chống đói, hay những giấc ngủ tạm bợ, chập chờn ngay trên nền đất được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa.
Và trong đó, hình ảnh một người lính PCCC với gương mặt vất vả, mồ hôi nhễ nhại hướng mắt nhìn xa xăm vào đám cháy được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người chú ý. Ngay sau đó, bức ảnh này cũng được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội nhận được sự đồng cảm của mọi người về sự quả cảm cũng như nỗ lực dập lửa quên mình của các chiến sĩ.
Thế nhưng ngay sau đó, mọi người nhanh chóng nhận ra, bức ảnh về người lính cứu hỏa này đã được chụp trong vụ chữa cháy tại một kho hàng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) từ năm 2014 chứ không phải hình chụp mới đây như mọi người đã lầm tưởng.
Và trong trưa ngày 1/7, nhà báo Nguyễn Khánh - tác giả của bức hình trên cũng đã lên tiếng về sự hiểu lầm trên.
Trên trang cá nhân của mình, Nguyễn Khánh chia sẻ, "Bức ảnh này tôi chụp vào ngày 15/04/2014 tại một vụ cháy tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) và đã được đăng tải trên báo Tuoitre online. Ấy vậy mà mấy ngày hôm nay nó lại được share và "chuyển khẩu" từ Hà Nội về Hà Tĩnh - nơi đang diễn ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Tôi có nhìn thấy điều này trên facebook lác đác từ hôm vụ cháy diễn ra. Tuy nhiên đến hôm nay thì nó lan tràn trên mạng xã hội và một số báo và trang tin điện tử dẫn lại để minh hoạ cho sự kiện.
Tôi chỉ mong, khi chúng ta share điều gì việc đầu tiên là phải kiểm chứng thông tin rõ ràng vì nếu không hậu quả của nó khôn lường, hãy share có ý thức và tỉnh táo".
Ngay sau những dòng chia sẻ trên, một số fanpage trên mạng xã hội cũng đã gỡ bức ảnh bị nhầm lẫn này xuống và thay thế bằng những tấm hình khác. Nhưng có lẽ đây chỉ là một "sự cố" không đáng có bắt nguồn từ việc chủ quan chưa kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
Chẳng thể phủ nhận tinh thần quả cảm, gan dạ của hàng trăm người lính PCCC và bộ đội cùng những người dân, khi đã oằn mình chống lại giặc lửa cứu lấy đồi thông ở Hà Tĩnh trong vài ngày vừa qua. Tuy nhiên việc ghi ơn chiến sĩ PCCC cũng nên "đúng người, đúng thời điểm" để không gây khó xử cho nhân vật chính trong một bức ảnh đã được chụp từ rất lâu trước đó.
Chuyện trực thăng Việt Nam chở... gầu nước 4 tấn đi cứu hỏa tại Indonesia
Năm 2016, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) thực hiện bay cứu hỏa tại Indonesia để chữa cháy rừng. Phi công Trần Hồng Nam cho biết, khó khăn lớn nhất là việc trực thăng phải mang theo gầu múc nước, với tổng trọng lượng cả gầu cả nước là gần 4 tấn, “tấn công” chính xác vào điểm cháy…
Binh đoàn 18 thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) trực tiếp cung cấp dịch vụ trực thăng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Hoạt động gắn với bầu trời, những “đường bay” của Binh đoàn 18 không phải lúc nào cũng “êm ái”, không ít thời điểm Binh đoàn phải vượt qua những cung đường ghập ghềnh tựa như những “cú xóc” của máy bay trên bầu trời…
Năm 2015 được coi là thời điểm phát sinh những thách thức mới đối với Binh đoàn 18, giá dầu thế giới liên tục giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí khiến doanh thu của đơn vị bị sụt giảm.
Thượng tá Bùi Thế Anh - Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 18 - cho hay: “Có những giai đoạn, lương của cán bộ, sĩ quan thấp hơn mức lương quân hàm. Chúng tôi một mặt ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, nhân viên, người lao động, một mặt khơi dậy sự năng động, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận” kinh tế để tìm những đường bay mới”.
Qua nghiên cứu, đánh giá, năm 2016 Binh đoàn 18 “khai mở” hoạt động bay cứu hỏa tại Indonesia và hợp đồng xuất khẩu máy bay sang Ấn Độ. Đây là loại hình bay hoàn toàn mới đối với những cánh bay của Binh đoàn 18.
Phi công Trần Hồng Nam - Công ty Trực thăng miền Nam, một trong những người đã tham gia bay chữa cháy rừng tại Indonesia - bộc bạch: “Một trong những khó khăn lớn nhất là việc mang theo gầu múc nước, với tổng trọng lượng gần 4 tấn, “tấn công” chính xác vào điểm cháy”.
Khi trực thăng vận chuyển nước trên không, độ rung lắc, quán tính, gió... gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận điểm cháy.
Theo phi công Trần Hồng Nam, công tác huấn luyện phải bắt đầu từ việc treo cẩu những khối bê tông có trọng lượng tương tương gầu chứa nước cứu hoả, tiến hành cất hạ cánh, rồi bay cơ động. Đến khi thuần thục với việc bay mang theo một chiếc gầu múc nước tiêu chuẩn tiếp tục được treo lên trực thăng, rồi tiếp đến là huấn luyện cất cánh, múc nước và thả “bom nước” vào điểm cháy giả định.
Việc huấn luyện đã hoàn thành trong vòng 2 tháng. Những phi công và các thành phần liên quan đã tự tin tham gia các vụ chữa cháy rừng bằng trực thăng tại Indonesia, được phía bạn đánh giá cao bởi sự hiệu quả cũng như tính chính quy, kỷ luật của người lính.
Năm 2018, Binh đoàn 18 tiếp tục cung cấp 2 tổ bay Mi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng trên đất bạn Indonesia.
Để có thể phát triển bền vững, không hể chỉ trông chờ vào loại hình bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí mà cần phải mở rộng thêm nhiều loại hình bay khác như bay du lịch, cấp cứu y tế; Duy trì xuất khẩu dịch bay trực thăng ra nước ngoài, đáp ứng các nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế đất nước.
Từ năm 2015, Bộ Quốc phòng giao cho Binh đoàn 18 nhiệm vụ bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, quân đội. Những năm gần đây, yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Binh đoàn 18 ngày càng cao, năm 2017 Binh đoàn 18 cũng chính thức triển khai thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu cấp 2, trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…
Châu Như Quỳnh
Trực thăng của Binh đoàn 18 bay chữa cháy rừng tại Indonesia
---------------
P/S: trên mạng bảo sao ko nhờ Qua Vũ gọi mưa?
Thanked by 1 Member:
|
|
#607
Gửi vào 02/07/2019 - 19:46
Từ ngày 1-7-2019: Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm chủ quyền
01/07/2019
TTO - Từ ngày 1-7-2019, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp sau: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia...
Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm chủ quyền
Nội dung này được quy định trong Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018. Theo đó:
Từ ngày 1-7-2019, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp sau: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp theo quy định;
Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
THÁI AN
Hoàng Anh Thơ: Tại sao đến bây giờ mới cho lực lượng Cảnh sát biển truy đuổi tàu xâm phạm hải đảo? Vậy trước đây đơn vị nào làm nhiệm vụ đó nhỉ?
Thanked by 1 Member:
|
|
#608
Gửi vào 02/07/2019 - 20:02
Cách chức hiệu trưởng trường mầm non cắt xén 1.746 suất ăn của trẻ
01/07/2019
Bà Ngô Thị Hồng Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa), người đã và dính nhiều sai phạm khác đã bị kỷ luật cách chức.
Ngày 1.7, thông tin từ Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa vừa ký các quyết định kỷ luật đối với những cá nhân mắc sai phạm tại Trường mầm non Quảng Thắng mà Thanh Niên đã phản ánh.
Theo đó, bà Ngô Thị Hồng Lê, . Bà Nguyễn Thị Tấn, Phó hiệu trưởng nhà trường; bà Phạm Thị Oanh, kế toán và bà Lê Thị Hải, giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân nhà trường, đều bị khiển trách. Ngoài ra, một số giáo viên chủ nhiệm khác cũng bị phê bình rút kinh nghiệm.
Việc kỷ luật những cá nhân trên là do trong quá trình công tác đã mắc nhiều vi phạm, khiến gửi đến Báo Thanh Niên và các cơ quan chức năng thành phố Thanh Hóa. UBND thành phố Thanh Hóa sau đó đã thành lập đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra và kết luận hàng loạt sai phạm tại trường này.
Cụ thể, đoàn thanh tra xác định, bà Lê đã chỉ đạo thu hơn 116 triệu đồng của phụ huynh để mua đồ dùng học phẩm nhưng không qua sổ sách, . Đáng lẽ, khoản tiền này phải được sử dụng để mua đồ dùng học tập, thì bà Lê lại chỉ đạo và quyết chi hơn 30,5 triệu đồng để trả nợ cho giáo viên, chi công thu tiền, dùng mua tài liệu tại Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Thanh Hóa.
Năm học 2018 - 2019, trường thu hơn 101 triệu đồng để phục vụ các hoạt động lễ hội, nhưng cũng không mở sổ sách theo dõi. Năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, thu tiền mua đồ dùng phục vụ bán trú, nhưng không mua bát, thìa, chăn mùa đông, chậu, nồi, tủ bảo ôn, bếp gas công nghiệp như dự toán ban đầu...
Một trong những sai phạm do bà Lê trực tiếp chỉ đạo thực hiện khiến phụ huynh bức xúc và đã được đoàn thanh tra làm rõ, là từ tháng 9 đến tháng 12.2018, bà Lê . Cụ thể, mỗi bữa ăn phải cắt bớt từ 20 - 25 suất ăn so với thực tế. Tổng số suất ăn bị cắt là 1.746 suất ăn, trị giá gần 42 triệu đồng. Bà Lê giải thích cắt bớt suất ăn để lấy tiền thi thoảng tổ chức tiệc buffe cho học sinh(?).
Với những sai phạm về kinh tế đã được làm rõ, UBND thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu Trường mầm non Quảng Thắng phải hoàn trả tổng số tiền hơn 57 triệu đồng do thu chi không đúng mục đích, không sử dụng cho phụ huynh.
Riêng nội dung các giáo viên tố cáo bà Lê gợi ý và nhận của 3 giáo viên tổng số tiền 130 triệu đồng để "chạy" ký hợp đồng dài hạn, hiện Công an thành phố Thanh Hóa đang vào cuộc hành điều tra, làm rõ.
Để ổn định công tác chăm sóc trẻ tại trường, UBND thành phố Thanh Hóa đang tiến hành các bước để kiện toàn lại ban giám hiệu nhà trường. Trước mắt, công tác điều hành trường được giao cho bà Nguyễn Thị Tấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, phụ trách.
Minh Hải
Nóng trên mạng xã hội: Cư dân mạng truy tìm, buộc kẻ trộm trả lại ví tiền
Chỉ chưa đầy một ngày sau khi tài khoản N.C đăng tải lên mạng xã hội đoạn clip “bắt quả tang” kẻ trộm ví tiền trên xe giường nằm, thủ phạm đã lộ diện và trả lại tài sản, xin nạn nhân tha thứ cho mình.
Chưa bao giờ sôi sục vậy
Bài viết truy tìm kẻ trộm của tài khoản N.C được đăng trên Facebook thu hút gần một vạn người bày tỏ cảm xúc, hàng ngàn lượt bình luận và hơn 6.000 lượt chia sẻ. Cụ thể, hình ảnh từ camera của xe cho thấy trong khi một phụ nữ nằm ngủ say, người đàn ông ở giường bên cạnh đã ngồi dậy, chồm người sang phía người phụ nữ và lấy một chiếc ví. Người này còn bình tĩnh mở ví xem có gì trong đó, rồi mới trở lại giường nằm và đếm số tiền trộm được.
Theo thông tin đăng tải đi kèm, vụ việc xảy ra trên chuyến xe Lào Cai - Thái Bình. Chiếc ví bị trộm chứa toàn bộ tiền bạc, giấy tờ tùy thân của chủ nhân. Chưa kể, dòng ghi chú chưa biết thực hư thế nào nhưng hoàn cảnh của nạn nhân bị lấy trộm ví là cực kỳ đáng thương. Đó có thể là số tiền chắt chiu, dành dụm được bấy lâu nay của chị để lo cho gia đình và con trai.
Chính từ đó mà mạng xã hội sôi sục, ào ạt chia sẻ với mong muốn truy tìm ra thủ phạm để giúp nạn nhân tìm lại được số tiền đã mất. Sự đồng lòng diệt cái xấu của đã khiến kẻ trộm phải “lộ diện”.
Trộm xin tha thứ
Trả lời PV Thanh Niên, anh Giang Chung (quê Thái Bình), con trai người phụ nữ bị mất ví trên xe, xác nhận mẹ anh đã nhận lại được tài sản bị trộm. “Quê mình ở Thái Bình. Mẹ mình làm việc ở Lào Cai. Tối hôm đó mẹ đang trên chuyến xe trở về nhà. Do đi làm mệt quá nên mẹ mình bị say xe, ngủ rất say, không hề hay biết bị trộm. Kẻ trộm lên xe ở cầu Thăng Long, “hành sự xong” thì xuống xe ở Pháp Vân - Cầu Giẽ. Còn mẹ mình khi xuống xe mới phát hiện mất chiếc ví. Trong ví có số tiền rất lớn, cùng với nhiều giấy tờ tùy thân, làm mẹ mình hoảng luôn, liền báo cho nhà xe để trích xuất camera”, anh Chung nói.
Sau đó, chính anh Chung đã nhờ người quen đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội để tìm thủ phạm. Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã khiến cộng đồng mạng bức xúc, quyết tâm truy tìm. Anh Chung cho biết thông tin lan truyền quá mạnh, khiến người đàn ông này và cả gia đình người này rất lo sợ và tìm cách liên hệ với gia đình anh.
“Chỉ tầm 4 - 5 tiếng sau thôi, gia đình họ đã liên hệ với mình rồi. Do người này ở Hà Nội, nên mình đã nhờ một người thân sống ở Hà Nội nhận giúp. Họ đã đến và trả lại toàn bộ số tiền cùng giấy tờ. Đồng thời cũng tỏ ra ăn năn, cầu xin gia đình mình bỏ qua”, anh Chung nói.
Vụ việc như một lời nhắc nhở mọi người cẩn thận về tài sản của mình trên những chuyến xe.
Đủ yếu tố để cấu thành tội “trộm cắp tài sản”
Luật sư Trần Ngọc Hòa (Đoàn luật sư TP.H.C.M) cho biết với các tình tiết và hành vi của người đàn ông trong clip đã đủ yếu tố cấu thành tội “trộm cắp tài sản”. “Do đó, cần xem xét rõ số tài sản bị trộm, cũng như nhân thân, lý lịch của nghi can. Cũng có thể thấy, người này đem trả lại số tiền là do sức ép của cộng đồng mạng, của dư luận. Nếu không có đoạn clip đăng tải, liệu đối tượng có đem trả lại hay không? Cho nên, việc nhận lỗi và hoàn trả tài sản chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, luật sư Hòa phân tích.
Trộm xong còn bình tĩnh xem trong ví có gì, sau đó trở về giường nằm và đếm tiền
Ảnh: Cắt từ clip
Hoài Nhân
Thanked by 1 Member:
|
|
#609
Gửi vào 02/07/2019 - 20:15
Khách lội hồ hái trụi sen, công viên sinh thái Trung Quốc phải đóng cửa
02/07/2019
TTO - Một công viên sinh thái ở tây nam Trung Quốc phải đóng cửa đến hết năm nay vì hàng trăm khách lội xuống hồ sen hái hết sen mang về, theo báo SCMP.
Công viên văn hóa và sinh thái Longqiao ở tỉnh Tứ Xuyên, nổi tiếng với cánh đồng sen bát ngát rộng 250.000m2, lớn hơn cả nhà ga trung tâm New York (Mỹ).
Công viên đã đóng cửa từ tháng 3 năm ngoái để xây dựng hệ thống dẫn nước, và dự kiến sớm mở cửa lại.
Nhưng tháng trước, khi hoa sen nở, hàng trăm du khách tự do vào công viên để hái sen. Mỗi người thản nhiên cầm một bó lớn mang đi khiến công viên phải tiếp tục đóng cửa đến hết năm nay.
"Chúng tôi không thể kiểm soát nổi. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo làm tốt phần việc của mình, như đặt bảng cấm ở cửa công viên và gần đầm sen. Chúng tôi cũng thay phiên đi tuần nữa", một nhân viên tên Zhou tại công viên cho biết.
Zhou cho biết thêm, việc xây dựng trong công viên đã hoàn tất nhưng không mở cửa lại được vì công viên không còn bông sen nào.
Mỗi ngày có khoảng 200-300 người đột nhập vào công viên khiến ban quản lý phải tăng số lượng bảo vệ đi tuần.
Du khách vào công viên hái sen - Ảnh: Red Star News
Du khách bất chấp nguy hiểm, trèo rào vào hái sen - Ảnh: Red Star News
Thanked by 2 Members:
|
|
#610
Gửi vào 03/07/2019 - 20:05
Tổng giám đốc đi xe Lexus chuyên trộm cắp tài sản
Thứ Tư, ngày 3/7/2019
(PLO)- Để tạo “vỏ bọc” cho hành vi trộm cắp, Khoa dùng chiếc ô tô hạng sang hiệu Lexus trong quá trình gây án.
Ngày 3-7, Công an tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự Phạm Văn Khoa (50 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra hành vi .
Khoa hiện là tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại Hà Nội.
Để tạo “vỏ bọc” cho hành vi trộm cắp, người này dùng chiếc ô tô hạng sang hiệu Lexus 29A-701.51 trong quá trình gây án.
Khoa bị bắt khi đang đột nhập vào trụ sở một cơ quan của tỉnh Lào Cai để trộm cắp.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận xuất hiện tình trạng kẻ gian liên tiếp gây ra các vụ phá cửa đột nhập vào trụ sở cơ quan, phòng của các lãnh đạo, kế toán… trộm cắp tiền, tài sản.
Tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh đã chủ trì, phối hợp với công an các huyện có xảy ra vụ việc như: Yên Thế, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn, TP Bắc Giang… lập chuyên án đấu tranh.
Sau một thời gian theo dõi, lực lượng công an xác định nghi phạm gây ra một số vụ trộm là Phạm Văn Khoa.
Tại cơ quan điều tra, Khoa khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Trước khi gây án, Khoa đỗ xe ô tô cách xa hiện trường, bịt biển số, sau đó nhảy qua tường rào đột nhập vào bên trong cơ quan, sử dụng đồ nghề đã chuẩn bị sẵn như dây cáp kích nổ, kìm điện, mỏ lết, tua vít, kìm bấm… để phá khóa cửa.
Với thủ đoạn trên, Phạm Văn Khoa đã gây ra nhiều vụ trộm cắp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, trong đó có vụ trộm tại 7 phòng làm việc của lãnh đạo huyện Yên Thế và một số huyện khác.
PHÚC BÌNH
Phạm Văn Khoa bị lực lượng công an bắt giữ.
Thanked by 1 Member:
|
|
#611
Gửi vào 05/07/2019 - 20:56
'Có tiền đi du lịch sang chảnh mà không đem theo ý thức thì nên ở nhà'
- 05/07/2019
Nhóm thanh niên thuê villa ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) để nghỉ dưỡng, sau đó ra đi bỏ lại "bãi chiến trường" từ vỏ lon bia, nước uống vương **** trên sàn nhà đến đống thức ăn thừa gói trong chăn vứt ngoài ban công.
Nhóm bạn trẻ vô tư ném vỏ cốc nước ngọt và bỏng ngô rơi **** tại rạp chiếu phim ở Hà Nội, rồi thản nhiên nói "sẽ có nhân viên dọn" khi được nhắc nhở.
Căn phòng đầy đủ tiện nghi của một khách sạn ở Đà Nẵng ngập ngụa trong vỏ lon, túi nylon... sau khi khách thuê rời đi khiến dân mạng ái ngại cho những người phải dọn dẹp.
Từ bãi biển, đường phố, nơi làm việc cho đến phòng khách sạn - dường như hành động xả rác có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Và chủ nhân của việc làm này dĩ nhiên bị đám đông ngoài cuộc "ném đá", cho rằng "có tiền đi du lịch mà không có tiền mua ý thức".
Tuy nhiên, một số ít coi hành động xả rác là đương nhiên, bởi "bỏ tiền ra mua dịch vụ thì có quyền làm mọi thứ".
"Mua mâm phải đâm cho thủng"
Chứng kiến những hình ảnh xấu xí của người Việt khi đi du lịch, tài khoản Nguyễn Cường chia sẻ: "Đành rằng chúng ta bỏ tiền đi nghỉ dưỡng để được phục vụ và trải nghiệm dịch vụ, nhưng hãy tội nghiệp cho người lao công dọn dẹp".
Nguyễn Hiền (25 tuổi, Thanh Hoá) - nữ nhân viên dọn phòng - chia sẻ việc thường xuyên phải lau dọn những phòng nghỉ, khách sạn như "bãi chiến trường".
Cô viết: "Ít ai biết rằng, để làm những công việc trên, ngành dịch vụ chúng tôi phải qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp mới có thể vào làm việc. Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt ngăn nắp, lịch sự và tip cho phục vụ phòng".
Chia sẻ của nữ nhân viên này nhận được nhiều sự đồng tình, song cũng có một số ý kiến phản đối.
Trần Tiến (30 tuổi, Hà Nội) cho rằng người ta bỏ tiền ra mua dịch vụ để hưởng thụ thì họ có quyền làm mọi thứ mình muốn, kể cả quyền được xả rác. Còn nhân viên dọn phòng, làm công ăn lương thì dọn rác là chuyện đương nhiên, không có gì phải kêu ca hay phàn nàn.
Thậm chí thành viên Hoa Cỏ May đặt câu hỏi: "Thế không lẽ bỏ tiền ra thuê villa xong ăn uống ngủ nghỉ phải tự dọn à?".
Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ cho việc "bỏ tiền là có quyền xả rác" chỉ là số ít. Phần lớn những quan điểm bao biện cho hành vi bất chấp văn hóa, văn minh đều bị lên án.
"Vậy cứ có tiền là vô ý thức à?", "Cứ đóng tiền là có quyền quăng rác ra đường phải không?"... là những ý kiến phản đối việc trả tiền là có quyền được xả rác.
Làm sạch phòng nghỉ, khách sạn hay rạp chiếu phim là trách nhiệm của nhân viên dọn phòng. Tuy nhiên, bạn Kim Dung cho rằng nếu chúng ta có ý thức bỏ rác đúng chỗ thì sẽ phần nào giảm tải lượng công việc cho những người lao công. Đây cũng là cách để hình thành thói quen giữ vệ sinh chung, xây dựng cuộc sống văn minh.
"Những người làm nghề dịch vụ như tôi đều ý thức được công việc đang làm. Tuy nhiên tôi muốn nhận được sự cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn từ phía khách hàng", người này nói.
Độc giả Nguyễn Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) cho rằng xét về lý khách hàng không sai vì không có quy định nào yêu cầu họ phải giữ gìn vệ sinh trong phòng.
"Việc dọn phòng, xếp chăn màn vốn không phải việc khách phải làm. Nhưng xét trên khía cạnh 'tình' và cách ứng xử, chúng ta có thể làm những việc đơn giản nhất như vứt rác vào sọt. Những hành động đó giúp chúng ta trở nên lịch thiệp hơn", người này nêu quan điểm.
Nickname Minh Phương bình luận: "Đã đến lúc tâm lý 'mua mâm phải đâm cho thủng' cần được đào thải. Bởi tâm lý này sẽ dẫn đến thói quen xấu. Khi thói quen trở nên khó bỏ, những điều bạn nghĩ rằng chỉ là chuyện nhỏ sẽ biến hình ảnh của bạn trở nên 'kém sang' hơn".
Ác mộng của nhiều nước
Không chỉ tại Việt Nam, những hành động "xấu xí" khi sinh hoạt ở nơi công cộng, nhất là tại các điểm du lịch của một bộ phận người dân cũng trở thành nỗi ác mộng của nhiều nước trên thế giới.
Dù bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ, chủ nhân những hành vi này vẫn bị nhiều người lên án vì thể hiện ý thức kém.
Giữa tháng 9 năm ngoái, trong chuyến du lịch đến Nhật Bản, 3 nữ sinh viên Trung Quốc đã thuê một căn hộ thông qua ứng dụng cho thuê phòng trung gian. Sau 5 ngày cư trú, nhóm nữ sinh rời đi và để lại căn hộ ngập trong "núi" rác.
Chủ sở hữu rất tức giận khi nhận lại căn hộ này. Loạt ảnh được ông ghi lại cho thấy nhà cửa lộn xộn, rác trong phòng chất thành từng đống, đồ dùng cáu bẩn và nhiều thứ bị thất lạc.
Không chỉ vậy, nhóm nữ sinh này còn viết, vẽ nhiều hình ảnh thô tục vào cuốn sổ hướng dẫn dành cho khách.
Sau khi được chia sẻ lên mạng, hành động vô ý thức của 3 cô gái vấp phải làn sóng chỉ trích của nhiều người. Theo Toutiao News, chủ căn hộ đã yêu cầu nhóm sinh viên trả gấp đôi chi phí dọn dẹp song bị từ chối.
3 cô gái bao biện rằng không tìm thấy thùng rác trong căn hộ và bản thân "không có nghĩa vụ phải dọn dẹp vì đó không phải nhà của mình".
"Chúng tôi trả tiền để đến đấy ở, không phải để dọn dẹp. Đó không phải nhà của chúng tôi. Chúng tôi không cần dọn sạch nơi đó", một người nói.
Sau khi chủ căn hộ đáp lại bằng bức ảnh chụp 3 thùng rác ở ban công, nhóm nữ sinh viên đành xin lỗi và phải trả cho chủ nhà 6.666 yên (khoảng 60 USD).
Theo South China Morning Post, dựa vào hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội, các công ty du lịch đã lên danh sách một số quốc gia "nổi tiếng" có người dân hành xử kém ở nơi công cộng khi đi du lịch.
Theo đó, những quốc gia được "điểm mặt" gồm Trung Quốc, Anh, Đức, Mỹ, Israel và Nga. Trong khi các khách Trung Quốc thường bị bắt gặp gây gổ, tấn công phi hành đoàn hay đi vệ sinh bừa bãi, người Đức lại nổi tiếng với việc uống bia quá đà và phóng bạt mạng ngoài đường.
Liên tục mất điểm với bạn bè quốc tế bởi ý thức kém của một bộ phận người dân, năm 2013, chính phủ Trung Quốc phải ban hành các quy định và hướng dẫn người dân khi đi du lịch nước ngoài để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, người dân phải tuân thủ trật tự công cộng và các chuẩn mực đạo đức xã hội khi đi du lịch, tôn trọng phong tục, văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, bảo vệ môi trường và không gây tổn hại đến các di sản, công trình xây dựng ở khu du lịch.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Trung Quốc cũng ban hành cuốn sách dài 64 trang hướng dẫn người dân về các lưu ý khi du lịch nước ngoài.
Cuốn sách này chỉ ra những điều “không nên làm” ở nơi công cộng như: khạc nhổ, cởi giày và tất, đi tiểu tiện hay ra ngoài với trang phục, cơ thể không sạch sẽ.
Hình ảnh căn villa bừa bộn, bị xả rác bừa bãi ở Quảng Ninh khiến nhiều dân mạng bức xúc. Ảnh: Rio Nguyễn.
Sửa bởi tuphuongsg: 05/07/2019 - 20:58
Thanked by 2 Members:
|
|
#612
Gửi vào 05/07/2019 - 21:09
Melbourne đối phó nạn 'ăn xin giả' đến từ Trung Quốc
- 05/07/2019
Theo trang news.com.au, cảnh sát bang Victoria phối hợp cùng lực lượng thuộc Hội đồng thành phố và tổ chức Quân đội Cứu tế đã truy quét người ăn xin tại các giao lộ đông đúc ở trung tâm thành phố từ đầu tháng 7.
Bảy người bị cáo buộc các tội liên quan đến hành vi ăn xin và sở hữu tài sản bị nghi ngờ là có được nhờ hoạt động phạm pháp. Cảnh sát cũng tịch thu một lượng tiền mặt.
Hồi tháng 6, news.com.au đã đưa tin về tình trạng lừa đảo này sau khi video xuất hiện trên mạng cho thấy một phụ nữ ăn xin hoảng loạn khi người qua đường quay phim mình. Trong đoạn băng, người phụ nữ này ra hiệu cho người đàn ông tránh xa mình, trước khi cầm lấy đồ đạc và rời đi.
Một lát sau, tại một con hẻm gần kề, một phụ nữ khác nhìn thấy máy quay và lập tức gom đồ bỏ đi.
Ricky Liu, người chia sẻ video trên Reddit, nói những người "ăn xin giả" này đã nhắm đến người qua đường trên phố Elizabeth và gần trung tâm Melbourne trong hơn 6 tháng.
Một người phát ngôn của cảnh sát Victoria nói "chiến dịch trấn an cộng đồng tăng cường" được thực hiện để "chế tài" những người lợi dụng "lòng tốt tại thành phố chúng ta".
"Dù phần lớn người ăn xin ở Melbourne là những người dễ bị tổn thương và cần sự giúp đỡ, vẫn có một lượng nhỏ những người ăn xin chuyên nghiệp hoạt động chủ yếu tại khu vực trung tâm trong thời gian dài", người phát ngôn nói.
Báo Herald Sun ghi lại được hình ảnh những người ăn xin khóc lóc xin xỏ khi cảnh sát tiến đến truy hỏi và tịch thu đồ đạc của họ. Nhiều người mang hộ chiếu với visa du lịch.
Phó thị trưởng Arron Wood nói ông chưa bao giờ chứng kiến những chuyện tương tự.
"Điều này không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trên đường phố Melbourne trước đây, đặc biệt là cảnh ăn xin trên vỉa hè ngay giữa giao lộ", ông nói. "Đơn giản là có gì đó không đúng đang diễn ra và điều này chứng tỏ chiến dịch của hội đồng và cảnh sát là đúng đắn".
Năm 2015, nghiên cứu được ABC đăng tải cho thấy một số người "ăn xin chuyên nghiệp" ở Australia kiếm được tới 400 AUD/ngày.
"Chúng tôi tìm được một người thú nhận là anh ta kiếm được gần 300-400 AUD một ngày hay chỉ một buổi tối và anh ta làm như vậy thường xuyên", một thành viên nhóm nghiên cứu cho hay. "Tức là khoảng 6 ngày một tuần và anh ta thấy đó là cách kiếm thu nhập rất có lợi nhuận".
Cảnh sát thu giữ một lượng tiền mặt từ những người "ăn xin giả". Ảnh: News Corp Australia.
Thanked by 2 Members:
|
|
#613
Gửi vào 06/07/2019 - 19:21
Mỹ cảnh giác giới học giả Trung Quốc
Các nhà khoa học Trung Quốc hoặc gốc Hoa trở thành mục tiêu điều tra tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng song phương chưa dịu.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi đầu tuần thông báo khởi tố Giáo sư Thạch Di Trì thuộc Đại học California tại Los Angeles về tội ăn cắp bí mật chế tạo tên lửa và chiến đấu cơ của Mỹ. Bị can quốc tịch Mỹ nhưng vẫn giữ giấy thông hành Đài Loan hiện đối diện bản án lên đến 219 năm tù giam. AFP dẫn cáo trạng cho hay ông Thạch tiếp cận một công ty chuyên cung cấp thiết bị cho Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc để mua bất hợp pháp mạch tích hợp vi sóng nguyên khối (MMIC) và chuyển về cho một công ty ở Thành Đô, Trung Quốc. MMIC là linh kiện có thể được dùng trong hoạt động chế tạo hệ thống dẫn đường dành cho , chiến đấu cơ, radar và tác chiến điện tử.
Trước đó, Đại học Emory tại bang Georgia, bất ngờ chấm dứt hợp đồng với hai vợ chồng giáo sư khoa học thần kinh Lý Tiểu Giang và Lý Thạch Hoa với lý do âm thầm nhận tài trợ từ Trung Quốc. Tờ South China Morning Post dẫn lời một số nhà khoa học Mỹ gốc Hoa khác kể họ đã nhận các cuộc gọi điều tra từ Cục Điều tra liên bang (FBI) hoặc bị các đặc vụ đến tận nhà. Chưa hết, Đài NPR loan tin các cơ quan tình báo Mỹ khuyến khích nhiều đại học chuyên về mảng nghiên cứu thiết lập các cơ chế giúp theo dõi hoạt động của các sinh viên và học giả đến từ Trung Quốc.
Về phần mình, cộng đồng nghiên cứu người Hoa tại Mỹ cho rằng họ đang “vạ lây” từ căng thẳng song phương. “Tình hình hết sức đáng quan ngại”, AFP dẫn lời Giáo sư Hi Tiểu Tinh, cựu Trưởng khoa vật lý của Đại học Temple ở Philadelphia, nói. Bản thân ông cách đây 4 năm cũng dính cáo buộc đánh cắp bí mật liên quan đến công nghệ siêu dẫn cho Bắc Kinh. Cuộc điều tra được hủy bỏ sau 4 tháng vì thiếu chứng cứ nhưng kể từ đó ông cho hay mình mất hầu như mọi kinh phí đầu tư của chính phủ Mỹ cho các dự án nghiên cứu. Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại Mỹ Fred Yan cho hay các thành viên của tổ chức phi chính phủ do ông quản lý nhận được yêu cầu từ FBI “phải báo cáo bất kỳ trường hợp tình nghi nào liên quan đến mà họ biết”. “Người Mỹ gốc Hoa và các sinh viên Trung Quốc sinh sống hợp pháp tại đây đang hứng chịu những hệ quả không đáng có từ đối đầu Mỹ - Trung”, trang Inkstone News dẫn lời ông Yan cảnh báo.
Bên cạnh xung đột thương mại, một trong các lý do dẫn đến bầu không khí ngột ngạt gần đây là chính quyền ngày càng lo ngại nguy cơ Trung Quốc tìm cách chiếm đoạt bí mật công nghệ Mỹ để phục vụ mục tiêu vươn lên dẫn đầu về công nghệ và sản xuất theo kế hoạch Made in China 2025. Chưa kể các vấn đề về an ninh và tình báo, tờ Financial Times dẫn thống kê của Nhà Trắng ước tính tình trạng đánh cắp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc gây tổn thất 600 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ. Khi điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 2, Giám đốc FBI Christopher Wray cũng cáo buộc Trung Quốc “đang lợi dụng môi trường nghiên cứu rộng mở và tự do của Mỹ để mưu đồ lợi ích”.
6/07/2019
Thụy Miên
#614
Gửi vào 06/07/2019 - 20:01
Singapore bị đánh bật khỏi vị trí quốc gia đáng sống nhất hành tinh, Việt Nam nằm trong top 10
Linh Anh | 04/07/2019
Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé ở châu Âu, vừa soán ngôi Singapore để trở thành nơi đáng sống và làm việc nhất trên thế giới trong khi Việt Nam nằm trong top 10.
Quốc gia nhỏ ở châu Âu lên ngôi
Đảo quốc Sư tử từng được vinh danh ở vị trí này trong 5 năm liên tiếp trước khi bị Thụy Sĩ đánh bật. Mức sống cao và lương cạnh tranh khiến Thụy Sĩ luôn nằm trong nhóm những quốc gia đáng sống nhất thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm bất ổn toàn cầu gia tăng, quốc gia Bắc Âu vốn nổi tiếng với ổn định chính trị và kinh tế đã được HSBC Expat vinh danh là quốc gia đáng sống nhất thế giới.
Năm ngoái, Thụy Sĩ đứng thứ 8 trong danh sách này. Trong năm nay, đã số những người nước ngoài tới định cư và làm việc ở Thụy Sĩ tỏ ra hài lòng với cuộc sống ở đây. 80% số người được hỏi hài lòng với kinh tế và 86% tỏ ra hài lòng với môi trường chính trị. 82% số người chuyển đến Thụy Sĩ làm việc cũng cho biết cuộc sống của họ được cải thiện hơn so với ở quê nhà.
Cụ thể, 7 trong số 10 người cho biết họ có khả năng được hưởng mức thu nhập cao hơn 111.587 USD/năm, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 75.966 USD/năm. 70% cho biết môi trường quanh họ sạch sẽ hơn và 42% cảm thấy họ khỏe mạnh hơn.
Bản báo cáo năm nay của HSBC Expat được đưa ra sau khi tổng hợp ý kiến của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mới. Đây là lần đầu tiên Singapore tuột mất vị trí này dù thống trị suốt 5 năm qua. Singapore hiện đứng thứ 2 trong danh sách này.
Ngoài Thụy Sĩ và Singapore, các nước còn lại trong top 10 bao gồm Canada, Tây Ban Nha, New Zealand, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và .
Vì sao Việt Nam đáng sống với người nước ngoài?
HSBC Expart từng chỉ ra 8 lý do khiến Việt Nam trở nên đáng sống và làm việc với người nước ngoài.
Cơ hội việc làm: Sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định của Việt Nam đã tạo ra hàng triệu việc làm mới. Các công việc về giáo dục, tài chính, ngân hàng hoặc công nghệ thông tin rất rộng mở đối với bạn. Điều duy nhất quan trọng là bạn cần sử dụng được tiếng Anh.
Thu nhập cao: Theo khảo sát HSBC Expat Explorer, nếu bạn muốn kiếm được lương sáu con số (USD), hãy đến Việt Nam! Trong đó, 15% người nước ngoài ở Việt Nam kiếm được hơn 250.000 USD một năm, so với mức trung bình toàn cầu là chỉ 7%.
Chi phí sinh hoạt rẻ: Người nước ngoài có thể sống một cuộc sống dễ chịu ở Việt Nam với một khoản chi tiêu vừa phải vì giá các loại hàng hóa và dịch vụ là tương đối rẻ so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Nền văn hóa phong phú đa dạng: 64% người nước ngoài ở Việt Nam cho biết đây là một nơi có nền văn hóa rất đa dạng phong phú.
Con người thân thiện, cởi mở: Mặc dù đã trải qua nhiều năm lịch sử chiến tranh khốc liệt, người Việt Nam vẫn luôn giữ lòng hiếu khách và sự hào phóng đối với người dân quốc tế. Người Việt Nam khéo léo, dễ gần và nhiệt tình, có chí cầu tiến và lạc quan.
Một đất nước hòa bình: So với một vài quốc gia láng giềng trong khu vực, Việt Nam dường như an toàn hơn để sống và làm việc.
Thời tiết tương đối dễ chịu: Việt Nam có sự khác biệt về khí hậu giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Có nghĩa là trong năm sẽ luôn có một vùng nào đó có thời tiết rất đẹp.
Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời: Việt Nam nổi tiếng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn và truyền cảm hứng với vô số bãi biển đẹp, các vùng cao nguyên mát mẻ với những hồ nước và dòng suối trong lành.
Tin cũ: 23/9/2016
Tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất: Bộ GD-ĐT lên tiếng
( ) - Việc xây dựng chương trình nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình học ở các bậc sẽ đạt được các chuẩn đầu ra.
Trước ồn ào của dư luận trái chiều về việc Bộ GD-ĐT có kế hoạch thí điểm đưa chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm vào các trường, ngày 22/9, Bộ GD-ĐT giải thích, quy định “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc.
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.
Ngoại ngữ thứ hai là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong những ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.
Về kế hoạch thực hiện chương trình tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, Bộ GD-ĐT giải thích việc này nằm trong nhiệm vụ nêu tại quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ban quản lý Đề án cho biết thêm: "Hiện, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành 7 năm.
Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 tiểu học đến lớp 12 THPT cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay".
Việc chọn ngoại ngữ nào và dạy học theo hình thức bắt buộc (ngoại ngữ thứ nhất) hay tự chọn (ngoại ngữ thứ hai) tùy nhu cầu, điều kiện của địa phương, trường học, người học nên sẽ không xảy ra tình huống bị "chối bỏ" hay gặp phản ứng của dư luận.
Trong các trường THPT chuyên, tiếng Trung, tiếng Nga vẫn được giảng dạy bình thường. Riêng tiếng Trung Quốc hiện được dạy ở các tỉnh thành Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP H.C.M.
Nếu được phê duyệt, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ phối hợp với các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm, từ năm học 2017-2018.
Việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ 2 đến 5 lớp mỗi ngoại ngữ. Điều này còn phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học.
Trước đó, đề án của Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cụ thể, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học VN cho biết: "Việc làm này trong tương lai có thể được, không chỉ ngoại ngữ trên, nhưng hiện tại tôi thấy chưa hợp lí.
Cần có một khảo sát thực tế xem nguyện vọng của người học với ngoại ngữ này, tiếng Trung - đúng ra phải là tiếng Hán, tức là tiếng của dân tộc Hán được người Trung Quốc sử dụng là ngôn ngữ quốc gia.
Bây giờ cả thế giới dùng tiếng Anh và Việt Nam không phải ngoại lệ. Học tiếng nào rồi cũng phải quay về tiếng Anh.
Tất nhiên, với nhiều lĩnh vực, nhiều người, có thể chọn một ngoại ngữ chuyên sâu (Anh, Nga, Pháp, Trung, Tây Ban Nha...). Nhưng cho triển khai đại trà thì e rằng chưa phù hợp''.
Đồng tình quan điểm, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi đưa ra đề án nào cũng đều phải lắng nghe, chứ không nên cái gì cũng vội vàng thiếu có căn cứ, phải có ý kiến của xã hội, của các chuyên gia.
Còn PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, mọi quyết sách phải xuất phát từ thực tế. Ở đây phải xem xét tới nguyện vọng người học và khả năng đáp ứng nguyện vọng đó. Điều này liên quan tới cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hệ thống sách giáo khoa...
Tất cả đều mất thời gian khảo sát, phân tích, trao đổi chứ không thể làm trong một sớm một chiều.
"Nếu nóng vội, tôi e sẽ có nhiều hệ lụy khó lường. Mà môi trường giáo dục, chúng ta không thể lấy học sinh làm vật thí nghiệm khi chưa tính đến những cái được và mất", ông Tình nhấn mạnh.
Thanked by 1 Member:
|
|
#615
Gửi vào 06/07/2019 - 20:09
Trần Đình Sơn: chưa tốt nghiệp bổ túc cấp 3 vẫn làm Viện trưởng viện kiểm sa’t Đăk Lăk
.
Trần Đình Sơn sinh ngày 14/2/1963.
Vào ngành Kiểm sát chưa tốt nghiệp văn hóa 10/10.
Tuy chưa có bằng cấp 3 nhưng năm 1992 ông Sơn đăng ký học đại học luật hệ tại chức và được cấp chứng nhận “dự thính”.
Năm 1996, được bổ nhiệm chức phó viện trưởng.
Năm 2003, Trường Phổ thông trung học Hàm Rồng xác nhận ông có học chương trình Bổ túc văn hoá hệ 10/10 vào năm học 1977-1978 nhưng không thi tốt nghiệp.
Ngày 17/6/2004 Sở Giáo dục và đào tạo Đăk Lăk mới chứng nhận cho ông Sơn đã tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông khoá thi ngày 2/6/2004.
Năm 2005 ông Sơn học lại Đại học Luật tại chức, đến năm 2007 ông chưa có bằng cử nhân luật nhưng vẫn được cho ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi của ngành Kiểm sát Đăk Lăk.
Trong khi đó ông Sơn được bổ nhiệm Phó viện trưởng từ năm 1996 do khai man lý lịch nên được ngồi ghế Viện phó suốt 7 năm.
Ngày 1/3/2008 ông Đỗ Khắc Tiệp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Đắk Lăk nghỉ hưu và ông Sơn giữ quyền phụ trách đến 2010 thì được bổ nhiệm Viện trưởng tới khi ông Sơn về hưu 2/2018.
Trong thời gian 8 năm làm viện trưởng của ông Sơn đã gây ra không biết bao nhiêu án oan sai cho người dân Đắk Lắk, đồng bào Tây nguyên ít học. Không những thế ông Sơn còn gây ra thất thoát hơn 1,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Ấy vậy mà vừa qua tỉnh ủy Đăk Lăk đem ông Sơn ra để kỷ luật dằn mặt một cách quá nặng nề bằng hình thức “Khiển trách”.
Qua đây mới thấy cái áo đảng viên quả thật là lớn lao vừa bảo vệ thân thể vừa thăng quan tiến chức lại làm giàu cho bản thân và gia đình rất chính đáng. Bài của nhà báo Đường Văn Thái
Báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đăk Lăk Đỗ Khắc Tiệp năm 2004.
Thanked by 1 Member:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối |
---|
9 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 9 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ:












