Những câu chuyện nhỏ
#31
Gửi vào 24/04/2017 - 11:27
con muốn nghe già kể chuyện xưa xưa nay nay thì buông bỏ bớt "sỏi đá ngây ngô" - ngôn ngữ nhức đầu ông nhạc sĩ nhớn TCS - cho quang gánh đơ đỡ kẽo kẹt ruồi bu , điếc lỗ tai hàng xóm đi .
già rừng .
Thanked by 5 Members:
|
|
#32
Gửi vào 27/04/2017 - 13:16
Ngoài sáu mươi tuổi ông nghĩ hưu, tất cả để lại Hà Nội. Một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ.
Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng tuổi thơ khi ông là thằng Thiều bé bỏng, đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt ngào để nuôi ông ăn học…
Hai mái đầu bạc của hai mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài…
Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương…
(ST)
Sửa bởi DucBichPham: 27/04/2017 - 13:17
Thanked by 2 Members:
|
|
#33
Gửi vào 29/04/2017 - 04:32
Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
(ST)
Thanked by 7 Members:
|
|
#34
Gửi vào 05/05/2017 - 14:05
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, t*o biểu đến ổng không chịu.
(ST)
Thanked by 8 Members:
|
|
#35
Gửi vào 12/05/2017 - 03:58
Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ cô độc dắt con lánh nạn khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm.
Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố.
Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà...
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ ...mẹ lại một mình
(ST)
Sửa bởi DucBichPham: 12/05/2017 - 04:00
Thanked by 6 Members:
|
|
#36
Gửi vào 25/05/2017 - 04:55
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp.
Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, chỉ cười :" Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui". Chị em nhìn nhau không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
(ST)
Sửa bởi DucBichPham: 25/05/2017 - 04:58
Thanked by 6 Members:
|
|
#37
Gửi vào 31/07/2017 - 05:46
Đêm ngồi làm việc, sinh linh bé nhỏ cựa quậy, lang thang vào đọc bài tự dưng nhớ lại quãng đường đã qua mà xúc cảm...
Từ bài viết đầu tiên ở TVLS gần 4 năm trước trong tâm trạng đau thương nơi đất khách quê người, trước mất mát đầu tiên của cuộc đời mà không biết vin vào ai, cần tìm đến niềm tin tâm linh để giải tỏa bao thắc mắc về số phận, là nhân duyên mà được giúp đỡ, được gặp gỡ thầy và các bậc cha chú, anh chị em chia sẻ và cho lời khuyên bảo. Đó là tình, là nghĩa, là những điều tốt đẹp khó quên từ một diễn đàn.
Lấy chính cuộc đời nho nhỏ của mình những năm gần đây chiêm nghiệm mà vẫn chưa hết ngạc nhiên và khâm phục. Địa Lý nhiệm màu, Tử vi Tử Bình khúc chiết, Quỷ cốc thâm sâu, Bát Tự Hà Lạc hay quẻ Dịch đoán biết... ứng theo từng lời và các thầy, các anh chị em là người giúp diễn giải được những sự bí ẩn trong đời sống tinh thần, mà vẫn còn phải nghiệm mãi, nghiệm hoài.
Chuyển hóa tâm tư từ khổ đau tan nát sang bình thản đón nhận các sự kiện đến trong đời, vẫn phải liên tục rèn luyện để chấp nhận Nghiệp và trau dồi niềm tin, cuộc sống tinh thần hòa hợp với cuộc sống hàng ngày. Đó là điều quý giá nhất đã nhận được trong những năm qua. Việc gì đến sẽ đến, cách ta tiếp nhận sẽ làm cho cuộc sống bình an hơn hẳn. Một sự kiện, một cảm xúc, một mất mát về vật chất, tinh thần là tốt hay xấu thì không ai biết được, dùng tâm phân biệt, đánh giá phán xét có ích chi. Nói lời đả kích, chê trách, oán ghét nhau không giúp được gì.
Khi gặp chuyện thì thấy việc của mình lớn bằng trời, tâm tư rối loạn, gặp ai cũng muốn hỏi muốn biết. Khi qua rồi thì hiểu rõ, để những vấp ngã của tương lai xem như bài học về quy luật của cuộc sống. Đọc những bài của thành viên mới thấy lại mình hồi xưa, ai rồi cũng phải đi qua những đoạn đường gập ghềnh, như hết ngày là tới đêm, hết tối rồi lại sáng. Chi bằng trong lúc gặp thuận lợi thì nhớ khiêm nhường, lúc bất như ý thì nhẫn nhịn và trau dồi tâm, khẩu, ý.
BS thầm cảm ơn và khâm phục những thành viên cây cao bóng cả vẫn hàng ngày nhiệt thành chia sẻ giúp đỡ trả lời câu hỏi như đã từng giúp đỡ mình, mặc cho thời gian và những phiền lòng không đáng có, ngay cả BĐH cũng bị vướng mắc thị phi. Cảm ơn những người đang gieo hạt, nhặt cỏ, để nơi này vẫn tồn tại để những tâm hồn phiền muộn, lạc lối tìm chút niềm tin, là nơi trú ẩn trong những ngày giông bão.
Một ngày mới bình yên !
Thanked by 7 Members:
|
|
#38
Gửi vào 17/10/2017 - 01:51
MẸ ƠI, CON TẠM BIỆT MẸ
TO - Sự chết và cái chết có thể đem lại những bài học gì? Chúng có thể nhắc nhở ta gì về cuộc sống, đem lại chiêm nghiệm gì về cuộc đời? Từ đầu năm, tác giả Đặng Hoàng Giang đồng hành cùng một số người cận tử và những người đã trải qua mất mát. Ông bước vào một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu và hi vọng khôn nguôi. Xin giới thiệu loạt bài từ hành trình này của ông.
CHUYỆN MỘT NGÀY CUỐI NĂM
Hà (*) có trí nhớ như một cái máy tính. Chị nhớ chị cho Nam, con trai đầu của chị, ăn gì vào hôm nào, hôm đó Nam mặc gì, cậu nói gì và chị trả lời ra sao. Có lẽ điều này liên quan tới công việc của chị ở một phòng thí nghiệm hóa sinh. Và có lẽ vì quãng thời gian mà chúng tôi nói tới là quãng thời gian đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời chị.
Tôi gặp Hà lần đầu trong một quán cà phê cách Bệnh viện K chỉ vài cây số. Hà mặc đồ văn phòng. Hai tay chị đặt lên trên cái túi nhỏ để trong lòng. Tuần trước, trên điện thoại, khi biết tôi được bác sĩ Việt Hương giới thiệu, Hà đồng ý gặp ngay. Tên của bác sĩ Việt Hương, tôi nhận ra, gần như có thể mở mọi cánh cửa cho tôi.
"Em có nhớ cái ngày em nhận được tin xấu không?" - tôi hỏi Hà.
"Có chứ anh - chị trả lời ngay - Mùng 7 tháng 12 năm 2014. Hồi đó thằng Nam nhà em học lớp ba, tám tuổi. Cháu ăn uống dễ lắm, rất là mập mạp. Bốn mươi kilôgam, cao một mét tư".
* * *
Ba tháng trước đó, đúng vào khoảng sinh nhật thứ 38 của Hà, Nam bắt đầu kêu đau chân. Liệu Nam đã va đập khi đá bóng? Hay đây là chứng nhức xương của tụi trẻ đang lớn? Hà mua calcium và magnesium B6 cho con uống. Cơn đau chập chờn, đến rồi đi.
Bẵng đi một thời gian, tới một buổi chiều thứ sáu đầu tháng 12, Hà còn nhớ lúc đó Nam sắp thi học kỳ 1, trong lúc cậu giội nước tự tắm rửa thì bà ngoại cậu nhìn thấy đầu gối Nam hơi bị sưng. Tối hôm đó, sau khi cho Thắng, em trai 2 tuổi của Nam, đi ngủ xong, Hà sờ nắn nhẹ chỗ sưng ở chân Nam. "Mẹ sợ là viêm khớp - chị nói với con - Để mẹ đưa con đi khám".
Hôm sau, hai mẹ con có mặt ở bệnh viện gần nhà từ sớm. Trong đầu Hà luẩn quẩn mấy câu hỏi: Liệu Nam có cần giảm cân không? (chị nghe nói béo là một trong những lý do chính gây viêm khớp) Nên uống vitamin với thuốc gì để giúp sụn khớp nhanh phục hồi?
Tới gần trưa thì có kết quả X-quang và siêu âm, một thứ chị hoàn toàn không tính đến: U xương chày, chưa rõ lành hay ác tính. Hoang mang, Hà gọi điện cho một người bạn bác sĩ. Anh này khuyên chị đưa Nam vào Bệnh viện K hoặc Việt - Đức. Nghe tới chữ K, Hà ớn lạnh. Chị chọn Việt - Đức.
Cả cuối tuần, Hà lùng sục thông tin trên mạng. Ngày thứ hai ở Bệnh viện Việt - Đức dường như dài vô tận. Tới chiều, Hà cầm kết quả trong tay. "Tình hình rất xấu" - người ta nói với chị như vậy. Muốn tránh mà không được, thứ ba, chị đưa Nam tới khoa nhi của Bệnh viện K. Lúc này, chị không thể biết là sau này nơi đây sẽ trở nên thân thuộc như căn nhà thứ hai của chị.
Vợ chồng Hà vốn đã trục trặc từ mấy năm nay. Hầu như chị không nhận được sự trợ giúp gì từ chồng trong cuộc sống hằng ngày. Tôi được biết là rượu đóng một vai trò. Hôm đó thì chồng Hà đi cùng. Bác sĩ nhận phim, vào phòng riêng, một lúc sau quay ra và gọi hai vợ chồng vào. Nam đợi ở bên ngoài. Tim Hà đập thình thịch. Sự hồi hộp khiến mọi thứ hơi bị nhòe nơi khóe mắt chị. Không ai nói gì trong vài giây. Thế rồi, ông bác sĩ mào đầu:
"Anh chị cần xác định tư tưởng - ông trình bày tiếp - Xương đùi, xương mắt cá... tất cả đã bị tổn thương". "99% là ung thư rồi" - ông kết luận, theo cái cách người ta vẫn làm để gạt bỏ mọi hoài nghi và các câu hỏi kiểu "Nhưng mà" và "Liệu còn...?". "Sẽ phải làm sinh thiết - ông chốt lại cuộc nói chuyện - Những ca khác thì còn 50-50, nhưng ca này đã quá rõ ràng rồi, làm sinh thiết chỉ để có ý nghĩa pháp lý và hoàn thiện hồ sơ thôi".
Tất cả chỉ kéo dài có vài phút. Vợ chồng Hà líu ríu ra khỏi phòng. Chị tránh nhìn Nam khi nó chạy tới ôm chị.
Hà không nhớ được là chị đã về nhà như thế nào.
Hà im lặng, rồi quay ra nhìn tôi. "Thực ra lúc đó thì em cũng đã hiểu rồi - chị nói - Nhưng nó tới quá nhanh, mình không nghĩ là nó lại khốc liệt thế". Đằng sau Hà, bên ngoài cửa sổ, trời tháng 3 mù mịt ướt.
MẸ SẼ CÙNG CON CHIẾN ĐẤU
Noel 2014, Nam bắt đầu truyền hóa chất. Trong bức ảnh Hà chụp cho cậu cùng "ông già Noel" (do một cậu sinh viên tình nguyện viên đóng), Nam vẫn còn tóc. Với sự chuyên nghiệp của một thí nghiệm viên, Hà xắn tay áo lên tối ưu hóa mọi thứ.
Hơn hai năm sau, chị vẫn thuộc lòng quy trình do chị thiết kế, thử nghiệm và hoàn thiện trong chín tháng. "Buổi chiều truyền hóa chất xong, qua đêm giải độc, sáng hôm sau em cho nó cấp tốc ăn. Tới ngoài 9 giờ sáng, y tá cắm kim truyền hóa chất lần tiếp theo thì cháu đã có ít thức ăn trong dạ dày".
Với phần lớn các bệnh nhân khác, truyền hóa chất là một cực hình. Nhiều đứa trẻ không ăn được gì, sức khỏe đi xuống, tinh thần đi xuống, chỉ số bạch cầu và hồng cầu đi xuống, chưa phục hồi thì đã đối mặt với đợt truyền tiếp theo. Nhưng trong những ngày truyền, Nam chỉ hơi cảm thấy nôn nao. Cậu vẫn vui vẻ và sau hai ngày giải độc đã có thể ăn bình thường.
Trên giường bệnh, Nam lướt web nhoay nhoáy bằng cái iPad, xem Doraemon và phim siêu nhân. Từ khi bị bệnh, cậu được mẹ thả lỏng trong việc dùng iPad, khiến em cậu, Thắng, nhiều lúc ghen tị.
"Mẹ ơi, con may mẹ nhỉ?" - thỉnh thoảng cậu lại nói với mẹ - "Con may vì con không làm sao cả, con không cảm thấy mệt".
Nam bắt đầu quan tâm tới bệnh tật của mình. Một buổi chiều, Hà kể lại, khi hai mẹ con nằm trên giường bệnh, Nam hỏi:
"Bệnh gì là nặng nhất hả mẹ?"
"Bệnh con đang mắc là bệnh nặng nhất".
"Thế bà không phải là bị nặng nhất hả mẹ?"
Mẹ Hà bị suy tim, tiểu đường, huyết áp thấp và mỡ máu. Nam thấy mỗi ngày bà ngoại uống một vốc thuốc.
"Bà có nhiều bệnh nhưng vẫn có thuốc để chữa trị, còn bệnh của con hiện tại vẫn đang là nặng nhất".
Một hôm khác, đang chơi thì Nam bỏ cái iPad xuống.
"Mẹ ơi" - Nam nói - "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ".
"Sao vậy con?"
"Con bị bệnh nặng như thế này, mẹ và những người trong gia đình phải chăm sóc con, nên là con xin lỗi mẹ".
"Con không cần nói như thế, vì con bị bệnh là nặng nhất rồi. Và đây là bệnh con không mong muốn. Do vậy, con là người đang chịu khổ, bất hạnh nhất chứ không phải là mẹ".
"Thế ạ mẹ?"
Hà khóc thành tiếng. Chị vớ tờ giấy ăn đưa lên má mà không kịp chặn dòng nước mắt. Trước mặt chị là một đống giấy đã bị vo nhàu và đẫm nước. Lúng túng, tôi vô ý ngồi yên. Ở bàn đằng sau, mấy người trung niên huyên náo với nhau.
Nam bắt đầu quan tâm tới cái chết. Một hôm, bỗng nhiên cậu nói với mẹ: "Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?".
"Thằng cu nhà em học văn rất là kém, chỉ có kiến thức xã hội là cao thôi, còn văn vẻ dùng trong các ngữ cảnh rất là tệ - Hà vừa lau nước mắt vừa hơi mỉm cười nhớ lại - Ví dụ như cốc nước này, em lấy ít thì nó sẽ hỏi là: "Mẹ ơi, sao mẹ lấy thấp thế?". Có sửa cho bao nhiêu lần thì vẫn nói thế. Hoặc nó sẽ bảo: "Mẹ ơi, mẹ mở cho con quả bưởi". Mở chứ không phải là bóc".
"Con nói thế nghĩa là thế nào?" - Hà hỏi lại.
"Tức là sau này ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy".
* * *
Dưới sáu tuổi, trẻ em cho rằng cái chết chỉ mang tính tạm thời và trạng thái chết có thể được thay đổi. Chúng không hiểu được tính vĩnh cửu và tính không thể đảo ngược của cái chết. Giống đồ vật hỏng có thể gắn lại được, chúng cho rằng con người hay con vật chết là đi vào giấc ngủ, họ sẽ thức dậy, hay họ đi xa và sẽ quay về.
Từ sáu tới chín tuổi, lứa tuổi của Nam, trẻ em đã hiểu rằng cái chết là vĩnh cửu, chứ không phải là một trạng thái tạm thời. Nhưng phần lớn vẫn không nắm được tính phổ quát của nó. Chúng cho rằng cái chết không xảy ra với tất cả mọi người, nhất là không xảy ra với thầy cô giáo chúng, với bố mẹ chúng, hay với bản thân chúng. Nam đang ở ranh giới mơ hồ của ý thức về cái chết. Cậu kết nối được hoa quả, hương và bàn thờ với khái niệm chết, nhưng nó vẫn là một cái gì trừu tượng không liên quan gì tới cậu hiện nay.
"Sao con lại nói thế?" - Hà hỏi lại.
"Ờ, thì con vào Google tra thì họ bảo 'Mấy ca này đi hết ấy mà' mẹ".
"Ừ thôi, cái gì đến thì nó sẽ đến con ạ".
"Ơ, thế thì con sẽ chết hả mẹ?" - Nam hỏi lại.
"Mẹ không biết, mọi việc bây giờ mẹ cũng chịu rồi. Mẹ đã giải thích cho con là bệnh của con là bệnh nặng...".
Sự mơ hồ khiến cậu không quá buồn. Ngẫm nghĩ một chút, Nam thốt lên:
"À mẹ ơi, con biết rồi, chết vẫn gặp được nhau".
"Con nói cái gì vậy?".
"Ra mộ ấy, gặp nhau ở ngoài mộ ấy" - Nam cười, hài lòng về sự thông thái của mình.
Tháng 5 tới cùng những cơn nóng đầu tiên của năm. Hồi đó, khoa chưa có điều hòa. Phòng của Nam thường xuyên đông đúc, có khi có tới ba bệnh nhân trên một giường. Trẻ nhỏ không hiểu sao chúng phải ở đó. Chúng kêu khóc và đòi về nhà.
Tình hình của Nam tiến triển không tốt. Vài ngày sau sinh nhật tròn 9 tuổi của cậu, các bác sĩ đề xuất với Hà là Nam cần phải được cắt bỏ chân.
Ngày đầu vào khoa nhi, Nam nép sát vào mẹ, kinh hãi nhìn mấy bạn chống nạng qua lại. Có bạn không có cẳng chân, có bạn mất cả đùi. "Mẹ ơi, sợ nhỉ!" - cậu lấy tay bịt mắt, nhưng vẫn nhìn qua kẽ ngón tay. Đó đều là những ca ung thư xương, Hà giải thích cho tôi. Ung thư lan tới đâu phải tháo bỏ phần đó. Chân, đùi, tay. Thậm chí hàm dưới, hay con mắt.
"Mẹ ơi, thế sau này con cũng phải cắt chân như thế kia à?"
"Mẹ cũng không biết, bây giờ mình xác định bệnh con là nặng rồi, bác sĩ bảo sao thì mình nghe vậy". Quan điểm của Hà là không bao giờ nói dối. Chị cố lấy giọng cứng cỏi và bình thản: "Bác sĩ bảo cắt thì mình cắt thôi con. Cái chân của con như cái cành cây mục ấy. Cái gì đã bị tổn thương rồi thì con nên bỏ nó đi, rồi mình đi nạng".
Thỉnh thoảng, chị lại giải thích lại cho con, mà cũng như để trấn an bản thân: "Con bỏ cái chân đi là để con không đau đớn con ạ. Con để lại chân, nó ăn lên phần mềm thì con đau lắm". Hi sinh cái chân để con không bị đau, chị nhiều lần tự nhủ. Chị cố không nghĩ tới những trường hợp chị chứng kiến đứa trẻ bị tháo đầu gối, rồi tháo khớp háng, rồi bị di căn vào phần mềm. "Ông trời cho thế nào thì được như thế" - chị thầm nghĩ. Lần đầu tiên trong đời chị cảm thấy sâu sắc rằng số phận của mình được đặt vào tay của một thế lực siêu nhiên bên ngoài.
"Thực ra thì khuyến khích, động viên con vậy, nhưng trong lòng em thì đã đến mức tận cùng của nỗi đau" - chị nói với tôi.
Tuy đã tự trấn an như vậy, nhưng khi bác sĩ lần đầu đề xuất bỏ chân Nam, chị vẫn không thể gật đầu. Khác với tiêm thuốc hay lấy máu, mất chân, mất tay tấn công vào bản thể của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy mình không còn là mình nữa. Hơn cả những cơn đau thể xác, sự mất mát này nằm ngoài khả năng chịu đựng của nhiều đứa trẻ, tới mức chúng cương quyết cự tuyệt.
Mọi lời khuyên bảo từ bác sĩ đều vô ích, có những đứa đến chết cũng không để bị cắt tay, cắt chân. Có đứa lớn hơn dọa sẽ nhảy lầu tự tử. Trong nửa năm ở bệnh viện, chị đã nhìn thấy những cái chân to như cột đình, những cái tay phình ra như gốc cây, gắn vào những thân thể trẻ em.
Trong một khoảnh khắc, chị đánh mất tư duy khoa học của một thí nghiệm viên, tìm tới một ông bác sĩ tư nhân mà chị nghe người ta đồn là "rất giỏi" và "tu học ở Mỹ về". Khi Hà tới, phòng khám của ông này đông nghẹt người. "Việc gì mà phải cắt chân!" - ông này mắng chị, rồi kê cho chị một loạt thực phẩm chức năng, nói rằng chỉ sau vài tháng là Nam sẽ "chạy nhảy, đá bóng bình thường".
Nghe những từ này, Hà bán tín bán nghi, nhưng chị thấy như có những giọt nước mát chạm vào cổ họng khát khô của mình. Sau một tháng, Nam uống hết 7 triệu đồng tiền thuốc thì chị bừng tỉnh. "Vớ vẩn, anh ạ" - chị nhớ lại.
Tới tháng 7, chân của Nam đã sưng lên gấp đôi. Giữa tháng, chị đưa Nam sang Việt - Đức làm phẫu thuật bỏ chân. Hôm đó, cũng như mọi hôm khác, chỉ có hai mẹ con đi với nhau.Từ đầu năm, Hà hoàn toàn một mình trong việc chăm sóc Nam và chăm lo cho Thắng ở nhà. Đó là giai đoạn sống mà Hà mô tả "bố nó thì say rượu, con thì đầu trọc lốc, ông bà thì bỏ đó".
Tối hôm trước, Hà viết trên Facebook của mình: "Vẫn biết phải cố gắng, nghị lực để cùng con đi tiếp, nhưng thực sự là rất rất đau: đau trong tâm, đau trong tim và nỗi đau này ngày càng nhân lên".
Mấy tiếng sau, chị viết thêm: "Chính thức đầu hàng số phận".
* * *
Nam bị cắt chân sau đợt truyền hóa chất thứ sáu. Thông thường, cứ sau ba đợt, bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm tổng thể, nếu kết quả tốt thì sẽ cho dừng điều trị trong 3, 6 hay 12 tháng, tới lần xét nghiệm sau. Nhưng ở Nam, những chỉ số ung thư không bao giờ lùi.
Sau khi bỏ chân, Nam được truyền thêm ba đợt hóa chất, tổng cộng là chín đợt, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Phác đồ điều trị nặng, nhưng tốc độ di căn vẫn rất nhanh. Tới tháng 10 thì bác sĩ trả Nam về nhà. Hóa chất sẽ chỉ ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng của Nam, họ nói, chứ không thay đổi được gì. Lúc này, ung thư đã tấn công vào phổi. Phổi cậu sẽ dần trở thành một căn phòng bị đóng kín, không có oxy nữa. Đó là hình ảnh ông bác sĩ dùng để giải thích cho Hà.
Vậy là cánh cửa hi vọng cuối cùng đã khép lại. Y học chính thức đầu hàng. Với nhiều gia đình, những lời này từ miệng bác sĩ như một tiếng sét, khiến họ sụp đổ. Họ khóc lóc, van xin được điều trị tiếp. Họ bán nhà bán cửa để chi trả 150 triệu đồng cho một mũi tiêm. Họ xin thử phác đồ này, phác đồ kia, đày ải người bệnh bởi các hiệu ứng phụ như ở địa ngục trần gian tới phút chót. Họ tìm tới các loại thuốc bắc, thuốc nam, lá này, cao kia, quay cuồng với những hứa hẹn của các ông thầy lang, trong khi thời gian vùn vụt trôi.
Hà muốn tôi hiểu rằng chị là người cứng cỏi và hiểu biết.
"Với em, em là người hiểu biết nên em không bao giờ xin bác sĩ điều trị thêm - chị nói - Với em, khi bác sĩ bảo dừng thì em ok. Cái bệnh của cháu đến cả thế giới còn chưa có biện pháp. Lúc bác sĩ nói thì em hiểu là số trời đã định rồi". Dường như việc coi bản thân là "con người hiểu biết" giúp chị chấp nhận sự thật trần trụi dễ hơn.
Cuối tháng 10 năm ấy, trời vẫn nóng. Hà cho Nam, Thắng cùng hai đứa con của người anh trai Hà, cũng trạc tuổi Thắng, đi chơi công viên. Tuy vết thương đã lành, nhưng Nam vẫn khước từ dùng nạng. Hà đẩy Nam trên xe lăn, chiếc dép đơn nhựa tổ ong của cậu cắm ở một bên. Ba đứa "tiểu yêu", theo cách gọi của Hà, lít nhít đi bên cạnh.
Tới chỗ chơi, Nam, vẫn tròn trịa, áo phông đỏ, quần soóc tím than, hò hét chỉ huy. Tuy chỉ còn một chân nhưng cậu vẫn leo trèo, lăn lộn trên cái nhà phao dập dềnh, mồ hôi chảy từ má xuống ngực. Cái ống quần rỗng bên phải của cậu cuộn lại nhăn nhúm.
Hà cho tụi nhỏ lên đu quay rồi ngồi trên ghế đá dõi theo. Hình ảnh Nam thoăn thoắt trên đôi chân của mình ở công viên Linh Đàm năm trước thoáng qua đầu chị. Nam và Thắng trôi ngang qua, quay lại vẫy gọi, khiến chị gắng gượng mỉm cười.
Khi nào thì chị có thể quen được với sự mất mát này? Chị cảm thấy sức mình đã cạn kiệt. Sự rạng rỡ, vô tư của Nam khiến chị vừa được an ủi vừa đau đớn. Chị chọn những từ ngữ nghiêm túc để gửi lên trời. "Xin tạ ơn Trời Phật đã phù hộ độ trì cho cháu Nam. Nam hiện nay vẫn giữ được thể trạng tốt và tinh thần lạc quan, dù bệnh của cháu vẫn rất nặng".
Chiều xuống, Hà lái xe chầm chậm về nhà, trôi theo dòng người trên phố. Ở ghế bên, Nam lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Đằng sau, ba đứa trẻ ngủ lăn lóc. Ngoài kia, những cửa hiệu và quán ăn bắt đầu sáng đèn. Một ngày nữa lại qua đi. Hà hiểu rằng những giây phút hạnh phúc như hôm nay sẽ không còn nhiều. Nhưng chị không biết rằng Nam sẽ chỉ còn sống 10 tuần nữa.
Sang tháng 11, Nam yếu đi. Cậu không ăn được, cứ sau một vài thìa cháo, cậu lại nôn. Hai mẹ con lại quay vào viện. Bác sĩ phỏng đoán ung thư di căn vào não gây cảm giác buồn nôn, nhưng không phải. Vào lại viện, được truyền dịch một chai, cậu lại ăn được bình thường. Hà cho rằng đó là do Nam khao khát được chữa bệnh. Không gian bệnh viện khiến cậu yên tâm hơn. Mặc dù các bác sĩ đã ngừng mọi can thiệp, nhưng chỉ một chai truyền dịch cũng khiến cậu nghĩ rằng mình đang được chữa chạy.
KHAO KHÁT ĐƯỢC SỐNG
Lại một Noel nữa qua đi. Hai mẹ con quanh quẩn trong bệnh viện, không có xét nghiệm, không trị liệu gì nữa. Hồ sơ của cậu đã được khép lại. Cậu vẫn thích xem phim trên iPad và pha trò với mọi người.
Nam bắt đầu ho nhiều, thể lực cậu đi xuống, tuy cậu không bị đau. Về sau này, Hà vẫn luôn miệng cảm ơn Trời Phật đã cho Nam một cái chết nhẹ nhàng, mà không quằn quại đau đớn như nhiều bệnh nhân khác. Lúc Nam mệt, không xem được phim nữa, cậu bám chặt lấy mẹ. "Con chỉ cần mẹ thôi, con chẳng sợ chết. Đi đâu có mẹ là được" - cậu hình dung là mẹ sẽ đi theo cậu cả cuộc đời, cả cuộc đời cậu nằm trong vòng tay mẹ, do vậy cậu không hề sợ.
"May mắn quá, may mắn quá - Hà nhắc đi nhắc lại - Con không hiểu đến tận cùng của bệnh là sự chia ly, nó nghĩ là khi chết cũng có mẹ đi theo".
Tới đầu tháng 1, 13 tháng sau khi Nam nhập viện lần đầu, bỗng nhiên Nam muốn về nhà, mặc dù trước đó cậu vẫn nằng nặc đòi ở tiếp trong viện. Nam nói: "Con về chơi với em, con nhớ em lắm". Điều này xảy ra với nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối, Hà kể. Nhiều khi bỗng nhiên người bệnh đòi về. Mọi người cho rằng đó là một "cái điềm". Do vậy, kể cả khi đang truyền hóa chất mà bệnh nhân đòi về thì bác sĩ cũng phải giải quyết cho về.
Vài ngày sau khi trở về nhà, Nam bắt đầu thở nặng nhọc. Ung thư xâm chiếm phổi cậu, khiến nó xẹp xuống. Không chịu được tư thế nằm nữa, cậu ngồi trên xe lăn, cả ngày lẫn đêm, đầu gục xuống ngực. Nửa đêm, Hà ngồi nhìn con thở, chập chờn, mê sảng ú ớ. Bình oxy Hà đặt lúc tối khiến cậu dễ thở hơn một chút. Bên ngoài, trăng sáng, trời khá lạnh. Hà biết là cái kết đang đến gần. Còn ba tuần nữa là Tết Nguyên đán.
Chiều hôm sau, bình oxy hết đột ngột. Do không có kinh nghiệm, Hà đã mở van to hơn cần thiết, oxy thoát hết ra ngoài mà cũng chẳng vào phổi Nam được nhiều hơn. Nam ngoi ngóp, giẫy giụa như một con cá trên thớt... Hà điên cuồng gọi bình oxy mới, nhưng nó tắc ở trên đường. Hà gọi xe cấp cứu, đưa Nam ngược vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Nam khao khát được sống. Cậu nghe như nuốt lời của bác sĩ. Thấy bác sĩ đi ngang qua, cậu nói với theo: "Bác sĩ ơi, bác sĩ cứu cháu". Từ khi bác sĩ dặn Hà rằng chỉ số trên cái màn hình cạnh giường mà dưới 90 là nguy hiểm, cậu cứ nhìn chằm chằm vào nó, không rời mắt. Khi con số tụt xuống 85, cậu cuống quýt: "Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ gọi cô y tá đi".
Giữa Hà và chồng nổ ra một cuộc tranh cãi. Hà muốn đưa con về nhà để còn "trợ niệm", tức là gọi người tới tụng kinh niệm Phật, giúp Nam được siêu thoát. Từ khi Nam bị bệnh, chị tìm đến đạo Phật và tôn giáo ngày càng quan trọng với chị hơn. Chồng Hà không đồng ý, anh vẫn không tin rằng con mình sẽ chết, bởi trông cậu vẫn khá mập mạp.
Sáng ngày 15 tháng 1, Nam lên cơn. Cậu giằng dây truyền dịch ra. Hà nói đó là hiện tượng "buồn chết". Những người sắp chết mà lên cơn buồn chết thì cáu gắt, chửi tục, kể cả những đứa trẻ hai, ba tuổi. "Họ bồn chồn, họ sắp được đón đi".
* * *
Giờ nghỉ trưa đã qua, quán cà phê trở lại vắng vẻ, chỉ còn lại tôi và Hà cùng vài nữ sinh viên ngồi xa xa. Mái tóc dày và mượt của họ chảy dài xuống trước mặt. Họ gõ khe khẽ trên những chiếc laptop, tạo ra những tiếng động lách tách yên bình.
Hà đã dùng hết cả tệp giấy ăn người chạy bàn lúc nãy đem tới. Chị dùng mu bàn tay lau má ướt. "Lúc nó lên cơn như thế, em đã tưởng nó đi rồi. Lúc ấy là lúc nó nằm giữa cái sống và cái chết rồi. Nhưng nó bình tâm trở lại. Em bảo nó: "Nam ngoan của mẹ". Nó đòi đi vệ sinh, nhưng mà không đi được. Nó mệt, không nói hay trả lời gì nữa".
Bỗng nhiên Hà nhoài người ra phía trước. "Anh ơi, có một chuyện này nữa".
Chị nhớ lại, buổi chiều hôm đó, tự nhiên Nam nói:
"Mẹ ơi, con nhìn thấy thiên đường".
"Lại mê sảng à con?" - Hà hỏi lại, mặc dù lúc đó chị thấy Nam tỉnh, nó chỉ mệt và thở khó nhọc.
"Mẹ đừng nói nhiều, con mệt lắm, con nói thật".
Chị giật mình: "Con nhìn thấy gì?".
"Con nhìn thấy mây".
"Con còn nhìn thấy gì nữa?"
"Con nhìn thấy đàn, thấy chim, thấy cá. Thôi mẹ đừng hỏi nữa để con nghỉ". Rồi Nam chìm vào giấc ngủ.
Sau này, khi đọc nhiều tài liệu về giờ phút lâm chung, tôi biết là người sắp chết hay "nhìn" thấy trong phòng những người thân đã qua đời và cố gắng chuyện trò với họ. Họ cũng hay nói về việc đi xa, họ hỏi vé tàu của họ đâu, vali đã được chuẩn bị chưa. Nhưng tôi chưa đọc được sách nào nói tới cảnh trí mây, chim và cá. Liệu có sự khác nhau giữa phương Tây và phương Đông? Hay mọi thứ chỉ diễn ra trong đầu Hà?
"Tức là nó thấy mây, thấy thiên đường, chim, cá - Hà nhắc lại - Buồn lắm chứ, nhưng lại nghĩ là có một điều gì đó mà em chưa hiểu".
Tối hôm đó, bác sĩ khuyên Hà và chồng cho Nam về nhà, nếu không sẽ có khả năng cậu chết ở viện. Chồng Hà vẫn không chịu. Cả đêm hôm đó Nam không nói thêm gì. Sáng sớm hôm sau, Hà đi phát từ thiện ở tầng trên. Đến 8 giờ sáng thì chồng Hà đồng ý.
Tới lúc đó, Nam vẫn không muốn về nhà. Cậu vẫn muốn ở lại để được các bác sĩ cứu sống. Hà nhờ bác sĩ tiêm một mũi an thần cho cậu, để cậu "vẫn hiểu hết mọi cái nhưng không vùng ra được". Hà đẩy xe lăn dọc hành lang. "Như trong phim Hàn Quốc" - mọi người đứng hai bên tiễn cậu, một trong những bệnh nhân dễ tính, "hợp tác", hòa đồng, bắng nhắng, vui vẻ, thân thiện nhất của khoa.
Hơn 10 giờ sáng thì Nam về tới nhà. Lúc đó, Hà đã nhờ bạn bè bày ảnh Đức Phật A Di Đà trong nhà để "đón Nam và dẫn đường chỉ lối". Điều này vô cùng quan trọng đối với chị.
Nam mất lúc 12 giờ 20 trưa.
"Những phút giây cuối cùng của cháu như thế nào?" - tôi hỏi.
"Cháu mở mắt nhưng không nói được gì nữa. Lúc đó em biết thuốc an thần đã tác động rồi".
"Mắt mở nhưng có nhìn được mình không?" - tôi băn khoăn.
"Vẫn nhìn được, anh ạ, mãi cháu mới giãn đồng tử. Con nhìn một lượt rồi con đi. Người nó cứ lạnh dần, lạnh dần. Chân lạnh đầu tiên...".
Tôi nhìn những chuyển động li ti trên khuôn mặt Hà, chị nhìn vào khoảng không trước mặt. Vài giây sau, khi hình ảnh lâm chung của Nam đã trôi qua trong đầu, chị nói thêm: "Mà em may mắn anh ạ".
Sáng hôm đó, ở bệnh viện, khi chưa tiêm thuốc an thần, Hà nói với con:
"Nam ngồi đây nhá, để mẹ phát đồ từ thiện cho các em ăn rồi mẹ xuống ngay với con".
Nam gật đầu.
"Nam của mẹ cố gắng nhé".
Cậu lại gật đầu.
Khi Hà chuẩn bị xoay người bước đi, bỗng nhiên Nam nói với mẹ:
"Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ".
Hà đóng băng, người chị vừa bị phá hủy vừa tràn ngập cảm giác biết ơn.
"Mẹ cũng tạm biệt con, Nam của mẹ. Mẹ mong con thanh thản...".
"Vâng, vâng... - Nam trả lời, rồi bỗng cậu hốt hoảng - Mẹ ơi, thế con sắp chết hả mẹ?".
Hà không bao giờ nói dối. Chị chỉ nói: "Thôi, con nghỉ đi".
"Thế em mới bảo là em may mắn hơn các mẹ khác, anh ạ" - Hà nhắc lại một lần nữa. Tôi hiểu rằng đây là một nguồn an ủi vô biên với người mẹ này, rằng chị nhìn thấy những điều may mắn trong thảm họa. "Em may mắn vì con nó nói được những cái gì cần nói với mình, anh ạ".
Buổi chiều, vừa về tới nhà, Thắng nằng nặc đòi lên phòng anh chơi. Hà nhờ người quen mang Thắng sang nhà khác. Từ phòng của Nam, tiếng tụng kinh và tiếng mõ âm vang vọng xuống. Vừa bị kéo đi Thắng vừa khóc rất to, cậu cứ ngoái đầu lại và đòi quay lại chơi với anh.
Chiều hôm sau, Hà gọi điện cho Thắng. Cậu hỏi liên tục:
"Mẹ ơi, anh Nam đâu?"
"Anh lên trên trời rồi".
"Bay cao hả mẹ, là như thế nào cơ?".
"Anh bay như chim ấy".
"Anh Nam đâu rồi? Anh Nam đâu rồi?" - Thắng lại gào lên trước khi bị lấy điện thoại ra khỏi tay.
Buổi chiều hôm đó, tôi về lúc bốn rưỡi, thành phố chuẩn bị vào giờ tan tầm, cuộc sống vẫn tiếp tục quay cuồng. Câu chuyện của Hà vọng lại trong tôi, xa xôi như một giấc mơ. Tôi kinh hoàng nhận ra rằng với tôi, những điều tôi nghe được lúc trưa chỉ như một bộ phim, tôi có thể rời khỏi rạp để quay lại với "đời sống bình thường". Nhưng với Hà, nó là thực tại không gì thay đổi được. Nó bám dính như một làn da thứ hai, đi theo Hà cả đời.
Bữa tối, Mai An, con gái nhỏ của tôi, vừa sắp xếp bát đũa vừa bắt đầu hát theo bài Shape of you của Ed Sheeran phát ra từ cái điện thoại để trên bàn. Mai An sinh trước Nam đúng 19 ngày. Con bé nhảy theo nhạc, cánh tay chuyển động liên tục, đầu lắc lư, mắt long lanh, say sưa. Bên cạnh tôi, Mai Chi, con gái lớn, lẩm nhẩm hát theo. Đây là bài ưa thích của cả hai chị em. Tôi và vợ nhìn nhau, rồi lại nhìn An. Tôi không muốn giây phút này kết thúc, tôi muốn nó kéo dài mãi mãi.
* * *
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Việt Nam xếp vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người.
Thanked by 8 Members:
|
|
#39
Gửi vào 18/10/2017 - 18:08
Sửa bởi T.AO: 18/10/2017 - 18:11
#40
Gửi vào 18/10/2017 - 21:19
T.AO, on 18/10/2017 - 18:08, said:
Ahihi, chị vừa search coi everwing là cái game gì, trò này chỉ chơi trên Facebook thôi em ha
Tháng trước thì chị nằm nhiều quá mới chơi trò Simcity xây thành phố, trước đó thì chơi Travian xây dựng làng, toàn mấy trò phải suy nghĩ nhức đầu
Bi giờ bỏ rồi hông chơi game gì nữa, chuẩn bị chơi với baby ^^
Thanked by 1 Member:
|
|
#41
Gửi vào 26/11/2017 - 03:03
Thanked by 1 Member:
|
|
#42
Gửi vào 03/12/2017 - 04:08
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.
Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: "Em à, anh thích bánh mì cháy mà."
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
"Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.
Rồi ông nói tiếp: "Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.
Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó."
(st)
Sửa bởi Đức Bích Phạm: 03/12/2017 - 04:13
Thanked by 5 Members:
|
|
#43
Gửi vào 08/12/2017 - 04:07
Hãy để con dắt mẹ đi 700 cây số cuộc đời
Tuần trước con trai nói dắt mẹ đi chơi hơn 700 cây số ở tận miền Trung bằng máy bay. Mẹ vừa mừng vừa sợ. Mẹ sợ. Hồi đó tới giờ mẹ có đi đâu xa, luẩn quẩn trong quê nhà bé tẹo, chèo xuồng đưa đẩy dọc dòng kênh, đội thúng bán buôn lơn tơn ra tới hết Xóm Chòi là xa lơ xa lắc.
Cho đến khi con trai đi làm xa, mẹ mới nhịn tiền bán vịt lên Sài Gòn thăm con. Leo lên chiếc xe đò cũ mèm chạy ầm ầm, thấy cảnh vật chuyển động vù vù, là bụng mẹ bắt đầu lạnh ngắt, tay chân bủn rủn rồi nôn thốc nôn tháo chẳng còn biết trời trăng, cho đến khi chú lơ xe la làng, dì ơi, tới bến hết tiền rồi xuống giùm con! Nghe mấy bà hàng xóm nói đi máy bay còn ác nghiệt hơn nữa. Nó bay ào lên trời rồi nhào độp xuống đất như mình chơi thả diều, làm ruột gan lộn tùng phèo một đống. Nghe mà ớn!
Nhưng mẹ mừng. Cả xóm này có ai được như mẹ. Mỗi lần về quê, con trai của mẹ khệ nệ rinh về từng cái nồi, cái chảo mua ngoài siêu thị mà mẹ thích, rồi dúi cho mẹ vài trăm nghìn. Mẹ nghe xốn xang trong dạ.
Mẹ nghèo. Đến lúc biết chạy chơi thì con phải đi chăn vịt chạy đồng. Lớn lên rồi con đi theo bè bạn đập đá trên Gia Kiệm, Đồng Nai để kiếm tiền đóng học phí và mua đồng phục cho năm học sau, mà không kỳ kèo xin một đồng của mẹ. Mẹ không biết làm gì hơn, lén ra gốc dừa ngồi khóc rưng rức.
Ba tháng sau con về. Đen thui, cao nhồng, ốm nhách. Mẹ sợ điếng cả người, chợt nhận ra con mình lao lung đến dường vậy. Mẹ sợ mất con. Lúc còn nhỏ, con trai của mẹ đứt ngón tay chút xíu mà mẹ tưởng như dao cắt vào lòng. Vậy mà nắng gió đồi Soklu nỡ làm hư hao con mẹ, trái tim của mẹ quặn thắt.
Mẹ khóc rấm rứt một mình trong chòi bếp. Con trai vô tư, ngồi kế bên dúi đầu vào nách mẹ. Mẹ phải giả vờ nói củi dừa chưa khô, hun nhiều khói xanh cay mắt. Con lẳng lặng ra ngoài sau vườn, chặt mớ trâm bầu, phơi áng chừng vài đợt nắng để củi khô cháy đượm không còn làm cay mắt mẹ.
Con trai lớn rồi. Mẹ mừng. Cả xóm này có con cái nhà ai đẹp đẽ như con trai của mẹ. Mũi thẳng băng, cao ngời ngời giống hệt cha nó. Trán rộng, sáng trưng, mà mỗi khi vuốt lên tóc của con, mẹ lại khấn cầu Phật Bà Quan Âm độ trì cho con trai được sáng sủa học thành tài. Không như mẹ chẳng biết mặt chữ con số là gì. Đến cái tên còn phải nhờ người ta viết hộ. Hồi đó đi làm giấy chứng minh nhân dân, chú công an cứ hỏi tên bà là Vĩnh hay Dĩnh. Mẹ ấm ớ nói, cái gì cũng được. Dớ mèn ơi, bà này giỡn mặt chánh quyền hả? Nghe mắc sợ. Dạ, chú mần ơn, tui hổng biết chữ. Để kêu sắp nhỏ về hỏi ông ngoại nó…
Mẹ mừng. Cả xóm này có ai được đi máy bay như mẹ. Ai cũng đầu tắt mặt tối ruộng vườn, heo cúi. Đẻ con ra, nuôi nó đặng người đặng nết thì dựng vợ gả chồng. Rồi đời chúng nó cũng như ông bà, cha mẹ mà thôi. Đẻ con, rồi heo cúi, vịt gà. Con trai của mẹ sớm đã có chí lập thân. Phải tội mẹ nghèo, học xong cấp ba thì con đi lên Sài Gòn kiếm sống.
Người ta kháo rằng muốn làm diễn viên phải đi học đóng kịch ở Sài Gòn. Con khăn gói lên Sài Gòn để đi làm có tiền học làm diễn viên. Kiếm được miếng cơm manh áo làm con cứng cáp, nhưng làm mềm lòng của mẹ.
Con đi làm thuê làm mướn, chật vật ở xứ người. Bẵng qua mấy năm thì ước mơ tàn lụi. Lắm khi con về quê xem phim cùng mẹ, mẹ thấy ánh mắt của con đượm buồn vời vợi nhìn lơ đãng lên màn hình. Mẹ biết, con chỉ có thể là diễn viên của cuộc đời con, và mẹ là khán giả duy nhất ngồi xem cuộc đời ấy mà thôi. Mẹ lén chui vào mùng nằm chùi nước mắt.
Lần này mẹ mừng. Con trai nhín tiền, nói mẹ đi chơi nhe, con mua vé máy bay rồi, mẹ hổng đi bỏ uổng tiền lắm. Mẹ ừ. Mừng chứ sao hổng mừng. Mẹ đi khoe với bà con dòng họ bên nội lẫn bên ngoại. Chưa hết, gặp ai mẹ cũng khoe. Khoe với ông bán dừa, rồi khoe luôn với con nhỏ bán bún mắm ngoài chợ. Gặp ai thì kiếm cớ hỏi này hỏi nọ, vậy chứ chú/thím/con biết Đà Nẵng chưa? Chưa hả? Mèn ơi, chị/bác/dì/thím sắp đi ra ngoài đó nè. Có mần ăn gì đâu, đi du lịch chơi thôi. Con trai nó bao. Đi bằng máy bay…
Hàng xóm tụ tập. Bà con cũng hỏi thăm. Chắc là tò mò, hay là ghen tỵ? Mẹ mặc kệ. Đi máy bay trên trời, chứ phải đi xe đò thì khoe làm gì cho hao nước miếng! Mẹ không dám kể lại với con chuyện người ta thắc mắc, sợ nó mặt mày chù ụ khi biết mẹ khoe. Khoe gì nỗi mà khoe. Máy bay giá rẻ, chẳng dám mua thêm hành lý ký gửi sợ tốn tiền nữa kìa mẹ!
Mẹ khoe con, chứ khoe làm chi chuyến đi du lịch, càng khoe làm gì chiếc máy bay đâu phải sở hữu của mẹ. Mẹ mát lòng khi người ta xúm vào chắt lưỡi hít hà, con trai có hiếu quá trời quá đất!
Vậy là mẹ bắt vịt nấu cháo, mời người ta ở lại. Không dám nói là tiệc tùng, chỉ nói đại khái rằng thôi thì huỡn huỡn ở lại ăn cháo vịt chơi! Cứ như là mẹ sắp từ biệt họ để đi nước ngoài không bằng.
Khách khứa về rồi, mẹ ngồi rửa chén và khóc một mình. Mẹ sợ tốn tiền của con. Nghe bà con tới chơi nói rằng có người phải bán vàng để mua vé máy bay. Mẹ sợ điếng hồn. Vội vàng nín khóc, hỉ mũi, chùi tay vào quần, mẹ vào buồng lục tìm khoen vàng mẹ may giấu trong lớp áo bà ba để phòng khi gia đình có người đau yếu. Mẹ xỏ nó vào ngón tay, lẩm bẩm, thôi kệ, lên Sài Gòn rồi bán cũng được…
Mẹ lấy cớ đường xa, lên Sài Gòn trước một đêm để được ở với con. Con trai nằm kế bên, thình lình quay sang ôm mẹ chặt cứng. Nó cười hăng hắc, nói mẹ nôn lắm sao mà ngủ hông được, lêu lêu, con nít sáu mươi tuổi đây nè! Tổ cha mày…
Mẹ nằm im nghe con ngáy đều đều, rồi lén rờ bàn tay của con. Lâu rồi mẹ chưa đụng vào da thịt của con. Bàn tay chai sần, nóng hổi. Mẹ nghe như máu thịt của mình đang tan chảy dần sang bàn tay của con. Người ta giàu có cho con cái của mình bàn tay hồng hào phúc đức. Mẹ nghèo hèn chỉ đủ mua phong trần chai sạn vào lòng bàn tay của con mà thôi.
Con trai của mẹ nằm nghiêng một bên. Sống mũi cao cao, trán rộng ngang tàng. Mẹ thèm được vuốt lên tóc của nó một chút, rồi hít vào trán của nó, ngửi mùi mồ hôi của nó, nghe mùi nắng Sài Gòn làm săn lại những vết chân chim bên khóe mắt của nó. Mẹ chỉ dám nhìn, không dám chạm vào con, sợ nó trở mình, sợ nó buông mình ra rồi lăn qua bên kia ngủ tiếp.
Mẹ thao thức suốt cả đêm, ước gì ngày nào mình cũng có cớ đi du lịch như thế này để được nằm bên con. Đó là ước mơ xa xỉ, còn hơn cả việc đi máy bay. Sài Gòn rộng lớn biết bao, cuộc đời bất tận. Đêm trường rồi khép lại, bình minh sẽ đưa con đến tận đâu, hả con?
Lúc ra sân bay, mẹ sợ thiệt. Thấy ai ai cũng ăn mặc xinh đẹp, giàu sang, đi ngang bốc mùi thơm phức. Nghe giọng cô nào đó phát loa báo hành khách lên chuyến bay này chuyến bay nọ, lại thấy người ta nói tiếng tây xí xô xí xào. Mẹ sợ quéo cả người. Sợ người ta hỏi mình không biết đường trả lời. Mẹ bám vào tay con.
Cô gái ở quầy kiểm tra vé quát vào mẹ. Dì này, kỳ vậy nè! Giấy chứng minh nhân dân hết hạn từ đời cố lũy nào, lúc con còn chưa sinh ra nữa là, vậy làm sao mà đi được! Quái lạ, đi xe đò có ai kiểm thẻ căn cước của tui đâu cô! Dì này, kỳ vậy nè! Đi máy bay chứ phải xe đò sao dì nói!
Con trai đứng bên năn nỉ, em thông cảm, mẹ anh ở quê ra, anh lại sơ ý mua vé mà quên hỏi mẹ giấy tờ! Thông cảm gì mà thông cảm… Ngó mặt ra chợt thấy anh chàng đẹp trai, nên cô dịu giọng, thôi anh lại đằng phòng vé, đổi vé ngày mai đi, rồi tranh thủ làm một tờ đơn xác nhận bà này là bà này nè, không có đi tù phạm tội gì hết… Trời, đi máy bay phải xét cả tù tội nữa hả con?
Con buồn vì phải tốn thêm tiền đổi ngày đi. Mẹ mừng thầm vì lại ở được với con thêm một đêm, được nhìn cái trán rộng, sống mũi cao của nó cho đến sáng. Nhưng lại sờ sợ, vì thời gian cứ trôi. Đêm trường sẽ hết và ngày mới lại bắt đầu. Mẹ bỏ bàn tay của con ra, lúc con vừa trở mình ban sáng…
Hôm sau mẹ con ra sân bay lần nữa. Mẹ lập cập trình tờ giấy nhăn đùm mà thằng cháu cố công chạy ra công an xã chứng nhận lúc nửa đêm rồi hộc tốc chạy xe máy một lèo lên Sài Gòn để trao tận tay cho bà dì để đi máy bay. Lạ thiệt, lần này cô gái kiểm tra vé chỉ nhìn con trai của mẹ chằm chằm, cười tươi roi rói, nói anh đi vui vẻ nhe. Vậy là xong. Tự nhiên mẹ thấy mừng mừng, thì ra con mẹ trông cũng bảnh bao. Bây giờ mẹ mới nhìn kỹ con. Nó đẹp trai thiệt, ăn mặc lịch thiệp đàng hoàng, nào ai dám nói nó là con của bà già nhà quê như mẹ nữa.
Nhưng mẹ lại chạnh lòng. Quần áo bóng bẩy này phải đổi bằng những vết chai sạn trong lòng bàn tay, mà lẽ ra tất cả những chai sạn đó phải thuộc về phần của mẹ. Như quán tính, mẹ nắm lấy bàn tay con, sợ rằng vết chai sần đó sẽ thuộc về người khác…
Chân mẹ quíu lại khi bước lên cầu thang chiếc máy bay. Sao chiếc máy bay này dài thòng bằng mấy chiếc xe đò vậy ta? Mẹ lóng ngóng đi đằng trước. Con trai lịch sự nhường đường cho một cô gái trẻ đẹp nũng nịu nên đứng lại đằng sau. Một ông tây hỏi mẹ cái gì đó, mẹ ậm ừ, nói bừa, dạ tui đi Đà Nẵng chú ơi! Chú đi đâu mà có mình ênvậy hả? Anh thanh niên đứng kế bên cười sằng sặc, bà bác ơi, ổng hỏi bác ngồi ghế số mấy, phải 9A không? Dạ, vậy ha? Mèn ơi, bác có biết đâu nè con, bộ không phải ngồi ghế nào cũng được hả con?
Mừng quá, con trai đến rồi. Nó cười cười, nói con nhỏ đằng sau dễ thương ác đạn thiệt! Nhìn theo ánh mắt của con, mẹ thấy cô gái đang cong môi đỏ chót với con của mình. Xem ra con cái nhà giàu có, son phấn đủ đầy, nhưng sao ăn mặc lại kém cỏi đến thế, không sợ đi máy bay lạnh run người sao mặc chi cái áo mỏng mảnh thế hở con?
Mẹ nén tiếng thở dài, chẳng trông mong đứa con gái đó để mắt đến con của mình. Quần áo lượt là của con trai cũng chỉ là quần áo che đậy thân thể mà thôi. Tự nhiên mẹ muốn mua hai tờ vé số, giống như bữa hổm ngồi chồm hỗm ở bến xe chờ con trai đến đón, mẹ mua cầu may hai tờ vé số vậy mà. Có tiền rồi mẹ sẽ hỏi cuộc đời bao nhiêu tiền một vết chai sạn trong lòng bàn tay của con. Và mẹ cũng sẽ nắm lấy tay con đi lên Sài Gòn hỏi trường nào dạy con tôi đóng kịch, để được một lần con hát trên vô tuyến cho mẹ xem. Mẹ quay qua con càm ràm, quái lạ, bến máy bay này không bằng một góc bến xe miền Tây, muốn mua vé số ở đây cũng khó nữa con ạ!
… Con trai dắt mẹ vào ghế ngồi cạnh cửa sổ, rồi vòng người qua để thắt dây an toàn cho mẹ. Mẹ bảo, thôi cứ để thí đại nó đi, cột lại không thoải mái cái bụng con à! Con cười ha hả, mẹ ơi, phải thắt dây lại cho an toàn, nếu không sẽ té nhủi về phía trước hay bay bổng lên trên khi máy bay có chuyện bất thường! Ấy chết, đừng có nói chuyện gở như vậy nghe con!
Máy bay chạy ào ào trên đường băng. Mẹ không dám nhìn ra bên ngoài. Tự nhiên mẹ sợ. Nó chạy nhanh hơn xe đò nhiều lắm, đèn bên trong lại bị tắt tối mờ mờ, nhìn sang con chỉ thấy nó đang mỉm cười nhìn mẹ. Ánh mắt của nó trong veo, hệt như năm lên sáu tuổi mẹ dắt nó băng qua bờ cơm nếp ngoài đồng để đến trường và nó ngây ngô hỏi, mình đi qua nhà ngoại chơi hả mẹ? Không phải, mẹ dắt con vào đời từ đây con nhé!
Máy bay bỗng đột ngột cất mình lên. Đôi tai của mẹ lùng bùng như có ai lấy bông cỏ may ngoái vào. Trời đất đảo lộn tùm lum. Sài Gòn nhỏ xíu xanh xanh, ngang hông mẹ là mây lớp lớp. Máy bay rùng rùng đi vào đám mây trắng xóa, Sài Gòn mất tiêu. Tim mẹ đập thình thịch. Mẹ chưa từng lên cao như thế này bao giờ. Nếu lỡ máy bay lên cao hết nổi nữa thì sao? Thì nó sẽ rớt tan tành chứ sao!
Mẹ hoảng sợ. Mẹ niệm kinh cứu khổ cứu nạn, lạy đức Quan Thế Âm từ bi cứu lấy con trai của con, con chí thành đảnh lễ, nguyện cầu cứu giúp con trai của con! Mẹ muốn quay qua con và nói, thôi con ơi, mình về nhà thôi con ơi! Con trai của mẹ không thể nào rớt ịch xuống đất được! Vầng trán đó, sống mũi đó là của con. Con là diễn viên của cuộc đời riêng con. Mẹ không thể nào đánh mất con được! Mẹ giơ tay lên, muốn chạm vào da thịt của con, mẹ không thèm đi máy bay, mẹ cũng không thèm đi du lịch!
Máy bay vẫn bay đều đều, bồng bềnh lâng lâng trong những tầng mây. Tay mẹ bất chợt nằm gọn lỏn trong bàn tay của con, nằm thật ngoan trong những vết chai sạn của cuộc đời.
Hãy để con dắt mẹ đi 700 cây số cuộc đời mẹ nhé!
Chỉ 700 cây số trong khoảng một tiếng đồng hồ,
Như mẹ từng nắm tay con đi hơn vạn dặm,
Từ hồi lẫm đẫm tập đi cho đến khi giang hồ bụi bặm.
Con cầm bàn tay run run của mẹ và bước vào cuộc đời.
Lần đầu mẹ đi máy bay,
Lúc sáu mươi tuổi, tóc mẹ bạc tựa mây bên trời.
(Tác giả:Nguyễn Hồng Chí)
Sửa bởi Đức Bích Phạm: 08/12/2017 - 04:15
Thanked by 4 Members:
|
|
#44
Gửi vào 20/12/2017 - 03:18
[color=rgb(0,0,0)]
[indent]
[indent]
[color=rgb(102,0,0)]Khâm phục con người nhân hậu ở Đồng Nai mua 2 xe cấp cứu chở người miễn phí[/color]
[color=rgb(39,78,19)]Ông Trần Huy Thông và chiếc xe cấp cứu miễn phí mới mua. (Hình: Báo điện tử Ngày Nay) [/color]
[color=rgb(0,0,255)]ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Thấy nhiều người bị tai nạn giao thông mà không được đưa đi cấp cứu kịp thời, một ông ở huyện Nhơn Trạch bỏ tiền mua xe và thuê người chở miễn phí ngày đêm.[/color]
[color=rgb(0,0,255)]Đó là ông Trần Huy Thông (47 tuổi, ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), theo báo điện tử Ngày Nay.[/color]
[color=rgb(0,0,255)]“Nó (ông Thông – NV) nổi tiếng cả cái huyện này đến tỉnh luôn đấy! Ban đầu nhiều người bảo nó khùng quá, có tiền thì để lo cho gia đình ai đời lại đi mua xe cấp cứu chở miễn phí cho người dưng. Thế rồi thấy nó làm vậy mà nhiều người thay đổi suy nghĩ, quý và thương lắm ở cái tình người,” ông Năm, một người dân ở xã Long Thọ, nói. [/color]
[color=rgb(0,0,255)]Nói về mình, ông Thông cho biết: “Tôi con nhà nghèo, quê ở Cần Thơ. Sau khi học hết bổ túc văn hóa, tôi lên Sài Gòn mưu sinh đủ nghề. Vợ chồng tôi đồng cam cộng khổ nên cả hai hiểu nhau rất nhiều, sau khi làm có của ăn của để, tôi bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người quanh mình.”[/color][color=rgb(0,0,255)]“Trong lúc đi làm, thấy những người bị tai nạn nhưng chỉ có người đứng xem chứ không có ai đưa đi cấp cứu. Tôi biết, họ không phải vô cảm mà do sợ ảnh hưởng đến mình như người nhà nạn nhân đánh, bác sĩ giữ lại… Trong khi đó, việc người bị tai nạn không được cấp cứu sớm rất có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nên tôi quyết định mua xe cấp cứu miễn phí,” ông nói.[/color][color=rgb(0,0,255)][/color][color=rgb(39,78,19)] Một vụ tai nạn xe gắn máy tông nhau trên đường được ông Thông giúp đỡ, đưa đi cấp cứu. (Hình: Báo điện tử Ngày Nay)[/color][color=rgb(39,78,19)] [/color]
[color=rgb(0,0,255)]Theo ông Thông, sau khi mua chiếc xe đầu tiên với giá 340 triệu đồng (khoảng $14,957) tại Đồng Nai, ông thông báo rộng rãi cho mọi người ở huyện Nhơn Trạch biết để có ai bị nạn gọi ông tới chở đi cấp cứu.[/color]
[color=rgb(0,0,255)]Người gọi đến nhờ ông mỗi lúc một nhiều, thấy một xe không đáp ứng được nhu cầu nên mới đây ông lên Sài Gòn mua thêm một chiếc xe thứ hai hết 310 triệu đồng (khoảng $13,637).[/color]
[color=rgb(0,0,255)]“Hai xe cấp cứu này giờ hoạt động không chỉ ở huyện Nhơn Trạch mà sang cả huyện Long Thành. Bất kể ngày đêm, khi có ai gọi điện là xe lại lên đường vận chuyển miễn phí,” ông nói. [/color]
[color=rgb(0,0,255)]Do nhu cầu tăng, không thể làm một mình, ông thuê ba tài xế để cùng mình làm công việc thiện nguyện. Mỗi tài xế đều được ông trả lương 6 triệu đồng/tháng (khoảng $264). Các chi phí xăng xe, bảo dưỡng xe, tiền lương lái xe mỗi tháng rất lớn, ông lấy từ nguồn thu cho thuê nhà nghỉ và hồ bơi. Tháng nào thiếu thì bỏ thêm tiền tích góp dành dụm để trả.[/color][color=rgb(0,0,255)]“Những chuyến đi cứu người thấy mọi người vượt qua cơn nguy hiểm, người nhà vui cười đó là điều tôi hạnh phúc nhất. Dự định trong thời gian tới, tôi sẽ mua thêm một xe cấp cứu khoảng 700 triệu đồng với đầy đủ trang thiết bị để giúp những người dân vùng sâu vùng xa gặp khó khăn,” ông cho biết thêm. (Tr.N)[/color][/indent][/indent][/color][/color]
Thanked by 4 Members:
|
|
#45
Gửi vào 25/12/2017 - 16:29
Tấm lòng trẻ thơ
Có một bà mẹ đơn thân nọ vừa mới chuyển nhà, bà ta phát hiện hàng xóm là một gia đình nghèo khó, gia đình đó có một bà mẹ góa chồng và hai đứa con. Có một hôm mất điện, bà ta đành phải thắp nến lên cho sáng. Một lúc sau, có tiếng người gõ cửa. Bà ra mở cửa, thì ra đó là con của nhà hàng xóm. Đứa bé nghiêm túc hỏi: “Con chào dì, dì cho con hỏi nhà dì có nến không ạ?”. Bà ta thầm nghĩ: “Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả nến cũng không có sao? Tốt nhất không cho, cứ như thế họ sẽ ỷ lại mất”.
Nghĩ rồi, bà liền nói to một tiếng: “Không có!”. Đúng lúc bà ta đang chuẩn bị đóng cửa, đứa bé đó liền cười rạng rỡ và nói: “Con thừa biết là nhà dì không có nến mà!”. Nói xong, đứa bé liền lấy ra hai cây nến: “Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên con đem sang tặng dì hai cái để thắp sáng ạ!”. Lúc này, bà ta vừa tự trách bản thân, vừa cảm động rơi nước mắt, sau đó liền ôm chặt đứa bé vào lòng.
(ST)
Thanked by 5 Members:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối | |
---|---|---|---|---|---|
những góc nhìn khác nhau về chuyện cưới xin, xung - hợp vợ chồng |
Tử Bình | hieuthuyloi |
|
||
Nhật ký những giấc mơ |
Vài Dòng Tản Mạn... | gaido111 |
|
|
|
Những năm tháng tuổi trẻ |
Vài Dòng Tản Mạn... | Tre |
|
|
|
Cần Những Tứ Trụ Nam Không Có Ta`i Tinh Để Nghiệm Lý |
Tử Bình | lymenhoc |
|
||
Pinned Minhminh kể chuyện . |
Linh Tinh | minhminh |
|
|
1 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |