Jump to content

Advertisements




Liên đới lượng tử và thuyết vạn vật nhất thể


82 replies to this topic

#1 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 30/10/2015 - 00:08

Cách đây hơn 2000 năm, các nhà triết học Hy-lạp đã đưa ra một tiên đoán mà cũng khoảng ngần ấy năm sau mới được chứng minh là đúng, đó là mọi vật đều được hình thành từ các nguyên tử. Họ gọi nguyên tử là Atom, nghĩa là không thể phân chia được được nữa.

Tiên đoán này vĩ đại là bởi khi đó chưa hề có thứ mà ngày nay gọi là khoa học, nó hoàn toàn đúng trong khi không hề có công cụ nào để kiểm chứng. Tất cả chỉ nhờ vào suy luận mang tính tư biện.

Tuy nhiên ngày nay một người bình thường cũng biết rằng nguyên tử không phải là thứ không thể phân chia, mà được hình thành từ các thành phần nhỏ hơn, gọi là các hạt hạ nguyên tử.

Cấu trúc kiểu thái dương hệ là hình dung sơ khai nhất về nguyên tử, theo đó nguyên tử có một phần mang điện tích dương- gọi là hạt nhân- ở chính giữa (tương tự như mặt trời), và các điện tử (electron) quay xung quanh (giống như trái đất). Khối lượng của nguyên tử chủ yếu tập trung ở hạt nhân, rất giống như mặt trời chiếm hầu hết khối lượng của cả hệ.

Hạt nhân lại được hình thành từ các hạt gọi là Proton (mang điện tích dương) và Neutron (trung hòa về điện).

Proton và Neutron lại được hình thành từ các hạt nhỏ hơn gọi là Quark.

Hiện Quark và Electron được coi là các hạt không thể phân chia được nữa và thuộc về các hạt cơ bản.

Bên cạnh Quark và Electron, các hạt cơ bản còn bao gồm những hạt trung gian và gọi là các hạt tương tác.

Nếu hình dung nguyên tử có cấu trúc như thái dương hệ, thì nguyên tử hầu như trống rỗng. Hình dung hạt nhân to như quả bóng đá, khi đó các điện tử ví như những quả bóng bàn quay xung quanh hạt nhân và cách hạt nhân khoảng một vài chục ki-lô-mét. Theo hình dung này thì 99,9999% nguyên tử là trống rỗng. Mà nguyên tử lại là đơn vị cơ bản cấu thành vạn vật. Vậy nhưng con người không hề cảm nhận được sự trống rỗng ấy. Trái lại, vật chất quanh ta lại rất liền lạc, và có thể rất rắn chắc.

Rõ ràng có điều gì đó rất bất hợp lý, thậm chí rất vô lý giữa bản chất của thế giới và cách con người cảm nhận về thế giới.

#2 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 30/10/2015 - 14:11

Khoa học chính thống cho rằng thế giới được hình thành từ vật chất và năng lượng. Vật chất cấu tạo từ các hạt cơ bản, còn năng lượng hình thành bởi các photon ( loại "hạt" năng lượng không có khối lượng nghỉ). Các hạt cơ bản cùng photon gọi chung là các lượng tử (quanta). Như vậy cả vật chất và năng lượng đều không liền lạc (liên tục), mà ở dạng tập hợp rời rạc (discrete) của các lượng tử. Trong khoa học, thế giới của các lượng tử được gọi gần đúng và gần gũi là thế giới vi mô.

Lĩnh vực vật lý nghiên cứu thế giới lượng tử gọi là vật lý lượng tử (Quantum Physics), nghiên cứu hành trạng và tính chất của các lượng tử gọi là cơ học lượng tử (Quantum Mechanics), Lý thuyết chung về thế giới lượng tử gọi là thuyết lượng tử (Quantum Theory), là một trong hai thuyết vật lý căn bản hiện nay (thuyết còn lại là Thuyết tương đối dành cho thế giới vi mô).

Khác với thế giới vĩ mô, trong thế giới vi mô luôn xuất hiện những hiện tượng trái với trực giác, trái với suy nghĩ thông thường khiến cho kiến thức về thế giới vi mô luôn bị nghi ngờ, ngay cả từ người trong cuộc. Thế nhưng cơ học lượng tử sẽ chẳng có gì khác biệt với cơ học cổ điển nếu không có những cái "trái trực giác" đó. Đó cũng chính là lý do xuất hiện lĩnh vực khoa học này.

Hiện tượng "trái trực giác" kinh điển nhất trong thế giới lượng tử chính là lưỡng tính sóng-hạt của các lượng tử (về sau tính chất này còn được mở rộng ra cho cả những vật thể vĩ mô). Một đối tượng được gọi là Hạt nếu có kích thước, có hình dạng, có khối lượng, có vị trí xác định trong không gian, có tính đặc và cứng, nghĩa là về nguyên tắc người ta có thể quan sát, có thể chạm vào, có thể "sờ mó" được. Khác với Hạt, Sóng là đối tượng phân tán, không tập trung ở một nơi cụ thể nào, vô hình vô ảnh. Có sự đối nghịch hết sức rõ ràng giữa Sóng và Hạt, vậy mà hiện nay, lưỡng tính sóng-hạt được công nhận là hiểu biết đúng đắn cho các lượng tử. Như vậy một lượng tử (mở rộng ra là một đối tượng) có thể "co lại", "hiện hình" như Hạt, hoặc lại có thể "phân tán", "vô hình" như là sóng.

Hiện tượng "trái trực giác" tiếp theo được Heigenberg (Nobel 1932) tìm ra và gọi là nguyên lý bất định Heigenberg, theo đó không thể nào xác định chính xác đồng thời vị trí và động lượng (giản dị hơn là vận tốc) của một hạt. Tức là càng xác định chính xác vị trí của một hạt thì việc xác định vận tốc của nó lại càng kém chính xác. Nói một cách ngắn gọn, không thể nào có câu trả lời chính xác cho câu hỏi "Đối tượng đang ở đâu?".

Cùng thời với Heigenberg còn có một nhà vật lý lượng tử lừng danh khác, đó là Schrodinger (Nobel 1933). Theo Schrodinger, mỗi đối tượng được đặc trưng bởi một hàm, gọi là hàm sóng. Điểm đặc biệt của hàm sóng Schrodinger là nó không đại diện cho sự tất định, tức là không thể căn cứ vào đó để đoán biết chính xác trạng thái (vị trí, tốc độ...) của một hạt, mà hàm sóng này đại diện cho xác suất trạng thái hạt. Mà xác suất thì có thể xảy ra hoặc không xảy ra, nghĩa là có thể đúng hoặc sai. Tuy nhiên phát biểu "Mỗi đối tượng có một hàm sóng của riêng nó" đã được thực nghiệm khẳng định và hiện trở thành tiên đề của cơ học lượng tử.

Ngụ ý sâu xa cho tính xác suất của hàm sóng là mỗi đối tượng không có một trạng thái duy nhất, thay vào đó là sự chồng chất của các trạng thái. Ta có thể nói một đối tượng vừa đứng yên lại vừa chuyển động, vừa ở chỗ này đồng thời lại vừa ở chỗ khác, một ai đó vừa ngủ lại vừa thức.

Để diễn giải ý tưởng hàm sóng, Schrodinger đã đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng: hình dung một con mèo được nhốt trong một hộp kín cùng với một cơ cấu khiến cho con mèo có thể chết nếu chạm vào. Và Schrodinger đã dùng ý tưởng hàm sóng để đi đến kết luận gây Shock: Con mèo vừa sống lại vừa chết!

Thanked by 2 Members:

#3 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 30/10/2015 - 17:02

Lưỡng tính sóng-hạt của một hạt (một lượng tử) không còn là suy đoán mà đã được khẳng định bằng thực nghiệm. Thí nghiệm khe đôi (Double Slit Experiment) là thí nghiệm nổi tiếng cho thấy lưỡng tính sóng-hạt của một đối tượng lượng tử. Bằng cách gửi các lượng tử (các hạt) qua hai khe hở đặt cạnh nhau và quan sát trên một màn hứng phía sau, người ta nhận thấy hiện tượng giao thoa, là hiện tượng đặc trưng cho sóng. Để loại trừ hiện tượng tán xạ của nhiều hạt, người ta gửi đi từng hạt và hiện tượng giao thoa vẫn xuất hiện. Đây là bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi về tính Sóng của Hạt.

Tuy nhiên điều khó hiểu là ở chỗ, nếu có người quan sát quá trình gửi hạt qua khe thì hạt luôn là hạt, nếu vắng mặt người quan sát thì hạt lại có biểu hiện rõ ràng của sóng. Nói cách khác, chính hoạt động quan sát đã làm thay đổi hành trạng của các lượng tử, trong trường hợp này thì chính quá trình quan sát đã "biến" sóng thành hạt. Người ta gọi hiện tượng này là sự suy sụp (hay sụp đổ - Collapse) của hàm sóng: một hạt là kết quả của sự suy sụp của một sóng.

Sự suy sụp của một sóng dưới tác động của quan sát có ngụ ý lớn lao: nó chứng tỏ rằng yếu tố chủ quan (người hoặc đối tượng quan sát) đã ảnh hưởng lên và làm thay đổi thế giới khách quan (trong trường hợp này là hàm sóng). Nói cách khác, nếu đây là nguyên lý chung, thì không có cái gì gọi là khách quan cả. Nó còn ngụ ý rằng thế giới như thế nào hoàn toàn do cách nhìn nhận của con người, phụ thuộc vào việc con người muốn thấy cái gì!

Sóng là đối tượng vô hình vô ảnh, sau khi suy sụp sẽ biến thành Hạt, là đối tượng có hình khối, có vị trí trong không gian, có tính đặc và rắn, là thứ mà con người có thể nhận thấy. Điều này rất quan trọng, nó chứng tỏ rằng nếu không có người quan sát thì thế giới hoàn toàn trống rỗng (chỉ là những Sóng vô hình vô ảnh), thế giới chỉ hiện lên khi có người quan sát nó! Đây chính là lý luận nòng cốt của lối biện giải Copenhagen (Copenhagen Interpretation), đứng đầu là Niels Bohr (Nobel 1922)- người đầu tiên đưa ra mô hình thái dương hệ cho nguyên tử, là một trong những cha đẻ của Thuyết lượng tử.

Lối biện giải Copenhagen qui tụ rất nhiều nhà khoa học và triết học xuất sắc, như Niels Bohr, Heigenberg, Schrodinger. Mặc cho những tranh cãi, hiện nay lối biện giải này vẫn nhận được sự tôn trọng lớn của giới khoa học.

Điều gì xảy ra nếu lối biện giải Copenhagen là đúng? Nếu đúng thì nó ngụ ý rằng thế giới khách quan chỉ là ảo tưởng (an illusion), nó chỉ hiện lên khi có người quan sát. Nếu vắng mặt người quan sát thì nó lại trở nên trống rỗng. Hình dung có một chiếc bánh mỳ trên bàn, nó chỉ ở trên bàn nếu ta nhìn nó, và nó sẽ biến mất nếu ta quay mặt đi.

Mặc dù còn rất nhiều người phản đối lối biện giải Copenhagen, nhưng có một điều chắc chắn là: Khi bạn nhìn vào Nó thì Nó không còn là Nó nữa!

P/s: "Nó" là bất cứ cái gì thuộc về Ngoài kia (Out There), tức thế giới khách quan. Nghĩa là việc phân biệt chủ quan- khách quan đơn thuần là cảm tính.

Thanked by 2 Members:

#4 secretsoflife

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 496 Bài viết:
  • 1550 thanks
  • Location0

Gửi vào 30/10/2015 - 18:16

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Theviolet, on 30/10/2015 - 00:08, said:

Cách đây hơn 2000 năm...

Tôi đưa ra cái nhìn từ hướng tâm linh. Khi mà 99,9999% nguyên tử là trống rỗng thì thân thể ta cũng không khác. Nhưng tại sao chúng ta không cảm nhận được điều đó? Bởi vì quy luật trật tự vũ trụ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Nguồn gốc của vạn vật vốn là ba động, mỗi một vật, mỗi một loại nguyên tử đều mang một tần ba động khác nhau. Xác thân chúng ta vốn được hợp thành bởi nguyên tử với tần ba động sâu hơn, nhưng để cảm nhận và tương tác với thế giới vật chất này, thân thể sinh hóa chúng ta phải dựa vào công cụ "ngũ uẩn" ở tầng ba động thô hơn. Chúng ta không thể dùng công cụ "ngũ uẩn" ở tần ba động thô tạp để mà có thể cảm nhận được tần ba động vi tế hơn nó, vì lý do đó mà ta không thể cảm nhận được "tánh không" ở tần ba động của hạ nguyên tử.

Câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ, ta là gì trong vũ trụ này đã được đặt ra từ ngàn xưa và sẽ mãi mãi về sau. Chúng ta mượn vào khoa học thực nghiệm để truy tìm đáp án cho những câu hỏi này nào ngờ đâu tâm linh thực nghiệm đã "quy nguồn" từ lâu. Lược bản Bát Nhã Ba La Mật vốn ẩn chứa lộ trình "quy nguồn" từ cả 2000 năm trước:

"Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không..." là nói đến thể nghiệm của ngài Quán Tự Tại khi Ngài nhập định vào nơi thâm sâu của Bát Nhã Ba La Mật. Nơi mà tần ba động cực kỳ vi tế của thế giới lượng tử vượt xa tần ba động thô tạp của "ngũ uẩn" để "THẤY" nó là không. Cái "THẤY" này không thuộc về "ngũ uẩn", cái thấy này là của Phật tánh, của Chủ Nhân Ông khi đã thức tỉnh làm chủ trên thân xác. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa phạm trù "xuất thế" và "nhập thế", chớ nên lầm lẫn đan xen vào nhau. Thể nghiệm về "Tánh Không" của ngài Quán Tự Tại là trong lúc Ngài nhập định thâm sâu, những gì Ngài thể nghiệm và kể ra sau đó là thể nghiệm "xuất thế" của Ngài. Để rồi sau đó bị nhồi nhét thể nghiệm "xuất thế" vào "nhập thế", "có cũng như không, không cũng như có, ăn chay cũng như ăn mặn, giết cũng như không giết, v.v..." Chúng ta không thể đem quy luật "xuất thế" để mà gán ghép vào quy luật "nhập thế". Mọi hành động của chúng ta trong thế giới nhị nguyên đồi đãi này, cho dù chúng ta cố ảo tưởng nó là không, chúng ta vẫn bị luật nhât quả của thế giới này ràng buộc. Cũng như chúng ta không thể gán ghép Chân Lý Tuyệt Đối "vượt thoát" vào Chân Lý Tương Đối của thế giới nhị nguyên (liên quan đến chủ/khách và nghịch lý lượng tử). Chân Lý Tuyệt Đối là chân lý vượt thoát những quy luật về xác thân và chỉ có thể thể nghiệm được bằng tiến trình "quy nguyên" của tâm linh, trong khi Chân Lý Tương Đối là chân lý của trí lự đối đãi với thế giới này. Liên quan đến Bát Nhã (trên những posts khác nhưng sẵn tiện đề cập đến), cốt tủy của Bát Nhã đâu nằm ở "Tánh Không"? Một viên sỏi thảy giữa mặt hồ tĩnh lặng làm gợn lên những con sóng, trí lự con người chạy đuổi theo những con sóng lan ra mà quên mất đi viên sỏi. Cũng vậy, "Tánh Không" của Bát Nhã ví như con sóng, cốt tủy của Bát Nhã không nằm ở đó. Khi thấy được cốt tủy của Bát Nhã, lúc đó sẽ thấy được sự xuyên suốt của lộ trình Bát Nhã, không những trên kinh văn mà còn trên những tấm thangka được những vị Đại Khai Ngộ để lại, ẩn giấu quá trình thâm nhập nội giới của lộ trình Bát Nhã Ba La Mật để những hành giả đời sau có thể ấn chứng.

Ps.

1. Những nhà triết học Hy lạp cổ đại nói chung đa phần đều theo huyền môn. Khi Demoritus nói đến atoms, ông ta không phải tiên đoán mà đã thể nghiệm được nó. Từ "atom" dùng hiện nay không còn đồng nghĩa. Không ngoài Demorrirus, còn có Pythagoras (để lộ liễu về phần huyền môn nhiều người không hiểu nên cho rằng ông ta khùng), Leibniz với Đan tử luận (Monadology), v.v....

2. Electron chưa phải là hạt cơ bản: Electron >>> Holon + Spinon + Orbiton. (

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

)

3. Tùy theo thời gian, có thể tôi sẽ không tiếp tục trao đổi thêm.

Thanked by 2 Members:

#5 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 30/10/2015 - 21:10

@secrete: Phần trích dẫn theo Phật Giáo tôi không dám và không thể luận bàn. Tôi cũng rất ngưỡng mộ và tôn trọng Đạo Phật.

Về việc coi Electron không phải là hạt cơ bản: bài báo anh dẫn nói về việc phân chia electron thành các giả hạt (Quasiparticles), các giả hạt không tồn tại biệt lập (non-isolated), thế nên hiện vẫn không được coi là hạt cơ bản. Mô hình chuẩn của vật lý hạt chỉ mới cập nhật thêm hạt Higgs (2013). Anh có thể tham khảo Standard Model bản cập nhật mới nhất:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Do diễn đàn này không chuyên về khoa học nên các trình bày của tôi cũng không thể (và không cần thiết) phải hoàn toàn theo ngôn ngữ khoa học. Mục đích của tôi là tìm hiểu cái chung giữa khoa học và huyền học. Hy vọng anh cũng hiểu thế.

Thanked by 2 Members:

#6 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 30/10/2015 - 22:58

Albert Einstein là nhà khoa học có trực giác vật lý rất mạnh, chính điều này khiến ông nghi ngờ tính đúng đắn của Thuyết lượng tử. Ông là người phản đối mạnh mẽ lối biện giải Copenhagen qua câu nói nổi tiếng (ở sự đơn giản và rõ ràng) : Chẳng lẽ không ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao? Rõ ràng khó mà không đồng ý với Einstein, thế nhưng lối biện giải Copenhagen vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó, khiến người ta không sao dứt ra được. Theo Einstein, dường như có những biến ẩn chưa tìm ra khiến cho Thuyết lượng tử đầy những nghịch lý, và đặc biệt là không tương thích với Thuyết tương đối của ông.

Thanked by 1 Member:

#7 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 31/10/2015 - 09:37

Liên đới lượng tử (Entanglement) và nghịch lý EPR

Các lượng tử (các hạt) gọi là liên đới (entangled) nếu hành trạng của mỗi lượng tử không độc lập mà có quan hệ chặt chẽ đến hành trạng của các lượng tử (các hạt) khác.

Năm 1935, để phản biện Thuyết lượng tử, ba nhà khoa học là Einstein, Poldonsky và Rosen đã công bố một công trình, trong đó họ trình bày một thí nghiệm giả tưởng về hai lượng tử liên đới và đi đến kết luận gây sốc: một khi hai lượng tử liên đới với nhau thì liên đới này luôn tồn tại, bất kể khoảng cách giữa hai lượng tử này là xa như thế nào. Dường như lượng tử này "biết" lượng tử kia hành xử như thế nào để "ngay lập tức" hành xử tương ứng. Nó ngụ ý thông tin truyền giữa 2 lượng tử có thể vượt quá tốc độ ánh sáng, điều bị cấm trong Thuyết tương đối (Không có gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng, khoảng 300.000 km/s).

Công trình của ba nhà khoa học nêu trên đã gây ra tranh luận lớn trong giới khoa học. Trước đó, tính định xứ(locality) của các đối tượng là một chân lý, theo đó mỗi đối tượng có một vị trí "riêng" trong không gian, và phải mất một khoảng thời gian nhất định để thông tin truyền từ đối tượng này tới đối tượng khác. Vậy nhưng công trình của họ lại phủ nhận tính định xứ và nêu bật tính phi định xứ (nolocality) của các đối tượng: hai lượng tử liên đới có thể thông tin cho nhau ngay lập tức, có nghĩa là khoảng cách giữa chúng không có ý nghĩa gì! Người ta gọi đây là nghịch lý EPR (viết tắt theo tên của ba nhà khoa học). Nghịch lý này gói trọng trong câu nói của Einstein: Spooky action at a distance (tác động ma quỷ qua khoảng cách).

EPR là nghịch lý là bởi người ta coi tính định xứ là một chân lý của thực tại và gọi chung là thực tại định xứ (local realism), theo đó mỗi đối tượng thực tại chiếm cứ một vị trí độc lập trong không gian, do đó phải mất một khoảng thời gian nào đó để truyền tin giữa các đối tượng. Chẳng hạn thông tin truyền giữa trái đất và mặt trăng phải mất hơn một giây, giữa trái đất và mặt trời- 8 phút, trái đất và sao hỏa - từ 5 phút đến 20 phút, tuỳtheo vị trí tương đối giữa chúng.

Như đã nói, Einstein, Poldonsky và Rosen công bố một thí nghiệm giả tưởng, ở đó có hai lượng tử liên đới với nhau, là bởi thời điểm đó chưa hội đủ các điều kiện để tiến hành thí nghiệm thực. Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể thực hiện những thí nghiệm thực về việc tạo ra các lượng tử liên đới và đang đi đến kết luận rằng nghịch lý EPR không còn là nghịch lý nữa!

Nếu EPR không còn là nghịch lý, thì phải hy sinh hoặc là tính định xứ (locality), hoặc tính hiện thực (reality) của thế giới, hoặc cả hai!

Sửa bởi Theviolet: 31/10/2015 - 09:38


Thanked by 1 Member:

#8 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 01/11/2015 - 22:33

Mặc dù chưa thể khẳng định hoàn toàn " Nghịch lý EPR không phải là nghịch lý", xong ngày càng nhiều thí nghiệm khẳng định điều này.

Thí nghiệm mới nhất được công bố vào tháng 10/2015, trong đó các tác giả khẳng định rằng đã "đóng hết" những sơ hở (loopholes) có ở các thí nghiệm trước. Đây là công trình còn rất mới nên cần có thêm thời gian để chứng nghiệm.

Như đã nói, nếu nghịch lý EPR rốt cuộc lại không phải là nghịch lý, thì phải có một nhãn quan mới khi nhìn nhận thế giới, theo đó hoặc phải bỏ đi hoặc tính định xứ, hoặc tính hiện thực, hoặc cả hai.

Nếu bỏ đi tính hiện thực thì thế giới này là ảo, vì thế con người cũng ảo nốt. Như thế mọi suy nghĩ, hành vi của con người liệu còn có nghĩa gì? Chính vì hệ quả đó mà hiện nay không nhiều người ủng hộ cách suy nghĩ này.

Phương án an toàn hơn (và cũng "đời" hơn) là giữ lại tính hiện thực của thế giới, nghĩa là chỉ bỏ đi tính định xứ. Theo lối suy nghĩ này thì mọi vật đều có liên hệ chặt chẽ và đồng bộ với nhau, nói cách khác là tính phi định xứ. Như thế không có gì tồn tại độc lập, mọi vật đều liên hệ chặt chẽ với vật khác. "Mỗi tế bào não của một người đều có liên hệ với từng con kiến đang trên mặt đất, với từng con cá đang bơi".


Thanked by 1 Member:

#9 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 02/11/2015 - 22:01

Thí nghiệm về liên đới lượng tử được các nhà khoa học châu Âu công bố tháng 10/2015 gây hứng thú lớn cho giới khoa học, là bởi các tác giả khẳng định rằng đã "bịt" hết những sơ hở có thể, nghĩa là khẳng định liên đới lượng tử là hiện tượng có thật, là đặc tính căn bản của tự nhiên.

Nếu thí nghiệm này được kiểm chứng độc lập bởi nhóm khoa học khác (yêu cầu bắt buộc cho những khẳng định khoa học), thì có thể tin chắc rằng thế phi định xứ là bản chất của thế giới lượng tử, theo đó mỗi lượng tử đều nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với các lượng tử khác. Và cũng có thể là thế đối với thế giới vĩ mô: rất có thể các sự kiện ở tận cùng vũ trụ lại ảnh hưởng ngay lập tức lên mỗi người, ngược lại, mỗi hành vi, thậm chí mỗi suy nghĩ của mỗi người lại ảnh hưởng lên toàn vũ trụ.

Với Thuyết tương đối, Einstein đã biến cơ học cổ điển của Newton thành quá khứ. Đến bây giờ, đến lượt nghịch lý EPR cũng đang dần trở thành quá khứ.

Hiện người ta đang nói về giải Nobel vật lý 2016 cho công trình này, cho dù có vẻ hơi sớm.

Tuy nhiên, còn một kẽ hở đặc biệt mà không bao giờ có thể "bịt" được, và nó khiến cho niềm tin về thế giới tất định kiểu Einstein không bao giờ thực sự tắt.

Thanked by 2 Members:

#10 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 03/11/2015 - 13:37

Có thể hình dung về kẽ hở mà không bao giờ có thể "bịt" được khi tiến hành một thí nghiệm về liên đới lượng tử thông qua tình huống như sau: Có hai người, gọi là Bob và Alice, thực hiện theo dõi một chuyến bay. Bob có nhiệm vụ chụp ảnh máy bay cất cánh (giả sử ở châu Âu), còn Alice chụp ảnh máy bay hạ cánh (giả sử ở Mỹ). Hai người có thể tùy ý thiết lập máy ảnh của mình để có được những bức ảnh tốt nhất, nghĩa là thiết lập của người này không liên quan gì đến thiết lập của người còn lại, nhưng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Bob và Alice không được phép trao đổi với nhau.

Nếu như Bob và Alice là hai đối tượng độc lập, thì từ thiết lập của Bob không thể nói gì về thiết lập của Alice và ngược lại (họ tùy ý thiết lập máy ảnh theo ý của riêng mình). Nhưng nếu Bob và Alice là các đối tượng liên đới, thì thiết lập của họ sẽ liên quan chặt chẽ với nhau, cho dù họ không hề thông tin gì cho nhau. Nghĩa là vì một lý do bí ẩn nào đó mà người nọ luôn biết người kia sẽ làm gì để thực hiện những hành động tương ứng.

Ví dụ trên cũng chính là điều mà người ta nghi ngờ xảy ra trong các thí nghiệm liên đới lượng tử: Có hai máy đo đặt xa nhau tùy ý, vậy nhưng hễ thiết lập cho máy đo thứ nhất một trạng thái nào đó thì máy đo thứ hai sẽ có những thiết lập trạng thái tương ứng, vì thế kết quả đo của chúng luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trở lại với Bob và Alice. Đằng sau sự "liên đới" giữa họ là câu chuyện về ý chí tự do (free will): mỗi họ đều tưởng rằng được tự do lựa chọn thiết lập cho máy ảnh của mình, nhưng thực ra không phải thế. Một khi Bob đã lựa chọn thiết lập A thì Alice buộc phải chọn thiết lập B và ngược lại, nói cách khác họ không hề có ý chí tự do như họ tưởng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi thừa nhận họ sống trong vũ vụ siêu tất định
(super-deterministic universe), và vì thế mọi hành vi của họ đều là tiền định (predetermine). Khi sống trong vũ trụ siêu tất định thì ý chí tự do chỉ là ảo tưởng (an illusion), nghĩa là không ai được tùy ý lựa chọn bất kỳ điều gì.

Đây chính là kẽ hở mà không bao giờ có thể "bịt" được do những người phản biện các thí nghiệm lượng tử liên đới đưa ra.

Nhưng nếu vũ trụ là siêu tất định, thì phải thừa nhận rằng mỗi người đều có một "số phận" không thể nào thay đổi được. "Số phận" thể hiện trong từng hành vi, từng suy nghĩ nhỏ nhất của mỗi người, nó giống như đặc tính có tính bao trùm, không chừa ra bất kỳ một khe hở nào cho quyền tự do.

Một lối thoát cho cách suy nghĩ trên (vũ trụ là siêu tất định, con người không khác gì con rối của số phận) là coi vũ trụ như một tổng thể, trong đó mọi thứ đều liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi bộ phận của nó giống như một tế bào trong một sinh thể. Đây chính là ý tưởng căn bản của Thuyết vạn vật nhất thể.

Thanked by 3 Members:

#11 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 04/11/2015 - 14:48

Liên đới lượng tử, hiện được xem là có thật, và nếu được xem như luật căn bản của tự nhiên, thì nó sẽ thu hẹp các nhận thức về vũ trụ, theo đó chỉ còn hai quan điểm có thể lựa chọn: Một là coi vũ trụ là siêu tất định, trong đó mọi sự kiện đều có tính tiền định, con người hoàn toàn không có ý chí tự do; Hai là coi vũ trụ có tính phi định xứ, trong đó mọi vật đều có liên hệ chặt chẽ với nhau (vạn vật nhất thể), tuy nhiên con người vẫn có ý chí tự do.

Nhận thấy quan điểm thứ 2 dễ được chấp nhận hơn, là bởi nó phù hợp với những khám phá khoa học, đồng thời khiến cho sự hiện diện của con người có ý nghĩa hơn hơn.

Thế nhưng, nếu vũ trụ có tính liên đới (phi định xứ), thì vì sao không gì có thể chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng (đặc điểm của tính định xứ)? (Năm 2014, một số nhà khoa học của Tổ chức vật lý nguyên tử châu Âu đã công bố có thể tạo ra các đối tượng chuyển động nhanh hơn ánh sáng, tuy nhiên việc kiểm chứng lại đã bác bỏ điều đó, và người đứng đầu nhóm khoa học này đã buộc phải từ chức).

Một số nhà khoa học cho rằng, tính phi định xứ có hàm nghĩa cao hơn so với việc truyền tin không vượt quá tốc độ ánh sáng. Có thể không gì vượt được tốc độ ánh sáng, nhưng vũ trụ vẫn có thể là phi định xứ. Theo cách lý giải này thì Vật B sẽ phản ứng đồng bộ với Vật A trước khi thông tin từ Vật A được truyền tới. Nhưng nếu thế thì vũ trụ lại có tính siêu tất định? Hay là còn có một con đường nào khác để Vật A "mách" cho Vật B biết phải làm gì?

Cho dù quan điểm vũ trụ vạn vật nhất thể là đúng, thì cũng khó mà nhận ra tính liên đới trong đời sống hàng ngày. Liệu có thể tin được rằng một ai đó trở nên lo lắng, bất an là do một ngôi sao xa xôi nào đó đột nhiên phát nổ? Có thể tin được không khi nói một người chết đi tương ứng với một vệt sao băng lướt qua bầu trời đêm? Ai đó có thể nói rằng hiện tượng thần giao cách cảm là minh chứng cho sự liên đới, nhưng cho đến nay thần giao cách cảm vẫn chưa được hiểu một cách tường minh.

Dù sao thì liên đới lượng tử cũng đại diện cho khái niệm kỳ lạ và khó hiểu bậc nhất trong vật lý.

Thanked by 2 Members:

#12 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 04/11/2015 - 22:16

Một thuyết khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có thể đưa ra các tiên đoán có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Thuyết lượng tử đặc biệt thành công trong việc tiên đoán các hạt hạ nguyên tử, từ những hạt "lớn" và "nặng" như là proton hay neutrino, cho tới những hạt cực kỳ nhỏ bé như neutrino (khối lượng xấp xỉ 0). Cũng chính thuyết này đã tiên đoán rằng liên đới lượng tử là hiện tượng có thật.

Năm 1964, John Bell đã chứng minh một định lý tối quan trọng, trong đó đưa ra một ngưỡng mà nếu vi phạm ngưỡng này thì các lượng tử sẽ liên đới với nhau. Bell's theorem đã trở thành kim chỉ nam cho các thí nghiệm lượng tử liên đới. Người ta nói rằng nửa đầu thế kỷ 20 là kỷ nguyên của Einstein, còn nửa sau thuộc về Bell.

Dù bao nhiêu thí nghiệm có kết quả tương tự nhau thì vẫn không thể đưa ra kết luận về vấn đề đang nghiên cứu, là bởi sẽ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm nếu như làm vậy. Vấn đề nghiên cứu cần phải được khẳng định trong các định lý lý thuyết.

Định lý Bell quan trọng tới mức có nhà khoa học đã gọi nó là phát kiến khoa học quan trọng nhất trong việc tìm hiểu vũ trụ. Định lý chứa đựng triết lý vũ trụ quan sâu sắc, có vai trò như lằn biên để phân biệt vũ trụ định xứ và phi định xứ, hơn nữa định lý còn chỉ ra một con đường cho khoa học thực nghiệm tiến hành và xử lý kết quả thí nghiệm.

Sửa bởi Theviolet: 04/11/2015 - 22:19


Thanked by 2 Members:

#13 secretsoflife

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 496 Bài viết:
  • 1550 thanks
  • Location0

Gửi vào 05/11/2015 - 02:58

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Theviolet, on 30/10/2015 - 21:10, said:

...Mục đích của tôi là tìm hiểu cái chung giữa khoa học và huyền học....

Về lưỡng tính sóng hạt: Trong thí nghiệm không có sự "quan sát" tại khe, để tránh tình trạng các chùm hạt va chạm giao thoa với nhau, TỪNG HẠT MỘT đã được bắn ra và một số những hạt này đã không theo đường thẳng mà phân tán ra như sóng và xác suất của những hạt này rơi vào đỉnh sóng (điểm thẳng) cao hơn những đỉnh sóng kế. Điều này cho thấy, trước khi có sự "quan sát", hạt VẪN LUÔN mang tính chất hạt KÈM THEO và ảnh hưởng bởi hành trạng sóng cho đến khi có sự "quan sát" chủ/khách để rồi hàm sóng bị sụp đổ chỉ còn lại tính chất hạt.


Nghịch lý của lưỡng tính sóng hạt nằm ngay ở tính chủ/khách. Ta xem xét nghịch lý này trên hai phương diện:

Tính chủ/khách của khoa học thực nghiệm: Sự cần có để có thể độc lập đối chiếu, tách rời giữa chủ thể và khách thể, bất kỳ ở lăng kính vũ trụ hay dưới lăng kính lượng tử. Ngay với thí nghiệm trên cho thấy, ẩn sau nghịch lý lưỡng tính sóng hạt ở thế giới lượng tử, rõ ràng có một "Thực tại tỉnh thức" để rồi "Thực tại tỉnh thức" này có thể "nhận diện" được tính đối đãi chủ/khách để mà đối ứng và làm "sụp đổ" hàm sóng (của nhất thể).

Tính chủ/khách của đạo học (tâm linh thực nghiệm): Tính chủ/khách cần phải được nhòe đi để Tiểu ngã có thể hòa nhập trở về với Đại ngã. Tuy rằng con người chúng ta luôn là một phần thể của vũ trụ, nhưng "tự ngã" chúng ta luôn gắn liền với dòng ý thức liên tục và kinh nghiệm riêng biệt để rồi từ đó ta mang theo một bản sắc khác biệt xa rời với đại thể.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Hình vẽ của nhà Vật lý John S. Bell



Về nghịch lý EPR (Einstein-Podolsky-Rosen): Thí nghiệm vào năm 1998, Nicolas Gisin cùng các cộng sự viên đã tạo ra một cặp Photon và tách gởi chúng qua cặp cáp quang đi đến hai nơi khác nhau với khoảng cách là 10km. Khi đến đầu bên kia, mỗi hạt tự có sự "chọn lựa" ngẫu nhiên giữa hai hành trình dài/ngắn khác nhau. Kết quả qua máy đo ở mỗi đầu cho thấy, cả hai hạt luôn có cùng sự lựa chọn giống nhau, trung bình 50/50 số lần chọn đường dài/ngắn, nhưng sự lựa chọn đều luôn trùng hợp. Câu hỏi được đặt ra là hai hạt Photon liệu có truyền thông tin (về sự lựa chọn) qua khoảng cách 10km? Nếu truyền thì bằng cách nào? Vì sự chênh lệch giữa thời gian chúng "thông tin" cho nhau là ngắn hơn 3/10 tỷ giây (đồng hồ nguyên tử lúc đó chưa cho phép đo dưới 10 phần tỷ giây/nhịp) trong khi với vận tốc ánh sáng - mà theo thuyết Tương đối thì không có vận tốc nào vượt qua khỏi vận tốc ánh sáng - thì với khoảng thời gian đó chúng chỉ có thể vượt qua 9cm. Với thí nghiệm EPR, các nhà vật lý cho rằng cho dù có đặt hai hạt Photon cách nhau hai đầu vũ trụ thì kết quả cũng như vậy. (Trước đó đã có một cuộc thí nghiệm của Alain Aspect vào năm 1982 với khoảng cách chỉ có 12m.)

Thí nghiệm trên cho thấy, ẩn bên dưới thế giới lượng tử là nhất thể, là "mẫu số chung" khởi nguyên của vạn vật, càng về gần với thế giới thực tại chúng ta - vốn giới hạn bởi tốc độ ánh sáng - thì càng tăng khoảng cách khác biệt (tiểu thể vs. đại thể). Làm cách nào để hai hạt nước ở trên hai bờ đại dương trở thành một thể với nhau? Bằng việc trở về với nhất thể đại dương. Điều trên cho thấy rằng, nếu hy sinh đi tính định xứ (tách biệt và xa rời nhất thể) hoặc hiện thực của thế giới chúng ta đang sống (giới hạn bởi vận tốc ánh sáng), hoặc cả hai, để trở về với "Vạn vật đồng nhất" thì hiện tượng nghịch lý EPR sẽ sụp đổ.

Thật ra, dưới cái nhìn của Thiền Mật, sự "giải thoát hoàn toàn" không nằm ở nơi "Vạn vật đồng nhất" mà còn bên dưới đó nữa. Ngay bên kia bức tường của hằng số không/thời gian Planck, nơi thăng giáng của bọt lượng tử. Đường nhập nội chưa bao giờ là tĩnh mà luôn luôn động. Động nhưng không loạn, cái động hài hòa của "bản giao hưởng của vũ trụ", càng quy nguyên thì càng động, cái động vô cùng vi tế...

Khoa học không thể giải quyết được bí ẩn tối hậu của thiên nhiên.

Vì là, trong phân tích cuối cùng, chính chúng ta là một phần bí ẩn mà ta đang cố gắng giải quyết.

(Science cannot solve the ultimate mystery of nature.
And that is because, in the last analysis, we ourselves are a part of the mystery that we are trying to solve.)

- Max Planck -



Thanked by 5 Members:

#14 Vô Danh Thiên Địa

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3526 Bài viết:
  • 5108 thanks

Gửi vào 05/11/2015 - 12:45

"Thật ra, dưới cái nhìn của Thiền Mật, sự "giải thoát hoàn toàn" không nằm ở nơi "Vạn vật đồng nhất" mà còn bên dưới đó nữa. Ngay bên kia bức tường của hằng số không/thời gian Planck, nơi thăng giáng của bọt lượng tử. Đường nhập nội chưa bao giờ là tĩnh mà luôn luôn động. Động nhưng không loạn, cái động hài hòa của "bản giao hưởng của vũ trụ", càng quy nguyên thì càng động, cái động vô cùng vi tế..."
----------------------
Một cách nhìn khác là không có động hay tỉnh trong Cái Một (The Whole) . Động tỉnh chỉ có ý nghĩa trong nhị nguyên tính .

Thanked by 1 Member:

#15 MysteryFate

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 416 Bài viết:
  • 410 thanks

Gửi vào 06/11/2015 - 16:15

Mọi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó, đó là phát biểu giản dị về tính nhân quả (causality). Trước nay tính nhân quả được coi là chân lý, theo đó đáp ứng của một hệ bất kỳ không thể xuất hiện trước tác động, tức là có tác động thì mới có đáp ứng. Nếu quan niệm vũ trụ là định xứ thì hiện tượng liên đới lượng tử sẽ vi phạm tính nhân quả, là bởi Vật B sẽ "phản ứng" theo Vật A trước khi thông tin từ Vật A truyền tới. Nhưng tính nhân quả có được duy trì trong vũ trụ phi định xứ hay không?

Trong vũ trụ phi định xứ, mỗi đối tượng không khu biệt mà "trải" ra trên toàn không gian. "Ở mọi nơi" là lời đáp cho câu hỏi "Đối tượng đang ở đâu?". Con mèo của bạn đang nằm trong tay bạn, nhưng nó đồng thời cũng đang rình chuột ở khu phố kế bên.

Trong vũ trụ phi định xứ, mọi đối tượng đều "quyện" vào nhau nên không có khoảng cách nào giữa chúng, vì thế chúng có thể ngay lập tức hành xử tương quan với nhau. Hành xử tương ứng "ngay lập tức" tương đương với thời gian không tồn tại trong thế giới liên đới. Và như thế tính nhân quả cũng không bị vi phạm.

Năm 2013, một nữ khoa học gia người Nga đã tạo ra một hệ liên đới mà nhìn từ phía bên ngoài thì thời gian không hề tồn tại. Thời gian chỉ là một "cảm giác" của các đối tượng trong hệ.

Phải chăng thời gian chỉ là ảo giác?

Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

29 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 29 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |