Jump to content

Advertisements




Ngỡ bây giờ là bao giờ


36 replies to this topic

#31 ThienTru01

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • Pip
  • 369 Bài viết:
  • 236 thanks

Gửi vào 01/05/2014 - 11:50

Em cũng tin luật nhân quả .

#32 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 12/05/2014 - 15:11

Ai là người tri kỷ

MỐI TÌNH TRI KỶ GIỮA THẦY VÀ TRÒ

Tôi nhớ hồi thượng tọa Bảo Lạc sang tham dự Đại giới đàn Nến Ngọc ở Làng Mai[1], thầy có phát biểu một câu rất cảm động. Thầy nói rằng ngày xưa thầy cũng có thầy, nhưng không biết trân quý những giây phút được sống cạnh thầy. Nhiều khi thầy trò giận nhau, và bây giờ thì thầy không còn nữa! Qua đến đây, thấy thầy trò Làng Mai xúm xít bên nhau rất đầm ấm, vui vẻ thì thầy rất cảm động, rất tiếc và rất thương cho thầy của mình.

Thầy trò được sống bên nhau, được ngồi với nhau trong thiền trà, trong pháp đàm, trong pháp thoại là một điều hạnh phúc. Trong cuốn Bước tới Thảnh thơi, chúng ta có chương "Ngồi uống trà với thầy". Chúng ta học trong chương đó rằng được ngồi uống trà với thầy có thể là một hạnh phúc lớn trong cuộc đời của người xuất gia. Tôi không nghĩ rằng tổ Huệ Năng, tổ thứ Sáu của thiền Trung Quốc, đã từng được uống trà với tổ Hoằng Nhẫn tức là tổ thứ Năm. Có lẽ tổ Huệ Năng chỉ được gặp riêng thầy của mình một lần, mà lại gặp lén lút ở trong thất riêng của thầy!

Trong pháp hội của tổ Hoằng Nhẫn có rất đông thầy. Giáo thọ lớn là thầy Thần Tú, rất giỏi, rất đẹp, còn Huệ Năng được coi như là cá chốt lòng tong, tức là một người không có trí tuệ, không có học thức, chỉ đáng để chấp tác dưới bếp, để giã gạo, gánh nước, bổ củi mà thôi. Nhưng sau khi Huệ Năng can đảm làm bài kệ kiến giải và nhờ một vị hành giả viết lên trên tường, thì tổ Hoằng Nhẫn biết được đây là một người có căn cơ lớn. Cho nên hôm đó, tổ Hoằng Nhẫn mới đi xuống bếp để gặp Huệ Năng, tại vì bếp là chỗ duy nhất để có thể gặp anh chàng học trò cưng mà mình ít khi được gặp, được nói chuyện. Như vậy thì ai nói rằng chỉ có học trò mới đi tìm thầy? Thầy cũng đi tìm học trò!

Khi tổ Hoằng Nhẫn xuống tới bếp thì thấy mọi người đang làm việc, và anh chàng mình đi kiếm thì đang giã gạo, mồ hôi mồ kê đầm đìa. Thầy hỏi một câu bâng quơ: Gạo trắng chưa con? Rồi tổ đưa ngón tay gõ ba cái lên trên cối giã gạo bằng gỗ. Không biết tổ có nói gì thêm hay không! Đêm đó Huệ Năng đúng giữa canh ba, tức mười hai giờ khuya, tìm lên phương trượng của thầy, thì thấy cánh cửa mở hé một chút, chứng tỏ rằng thầy đang chờ con, con khỏi cần gõ cửa.

Tôi nhớ lại hôm dự hội nghị ở Genève. Đó là lần sau cùng mà tôi gặp mục sư Martin Luther King, vì sau đó mấy tháng thì mục sư bị ám sát. Trong hội nghị đó tôi được gặp nhiều người, nhưng nhớ rõ hai người. Một là Martin Luther King[1], và một là nhà tâm lý học nổi tiếng tên là Erich Fromm. Đây là một hội nghị về hòa bình, do tổ chức World Council of Churches tổ chức, và thúc đẩy. Mỗi bên đều có công việc quá nhiều. Mục sư King có khoảng 10 thị giả, vì ông là một nhà lãnh đạo nhân quyền rất quan trọng ở bên Mỹ. Còn tôi thì chỉ có một chàng thị giả thôi. Nhưng vị thị giả này làm việc bằng 10 lần những thị giả khác. Nào là tổ chức họp báo, nào là viết Press Release, đủ thứ hết. Hôm đó mục sư Luther King gọi điện thoại xuống phòng tôi và mời tôi lên để cùng ăn sáng. Vì bận quá tôi không lên được, cho nên tôi hứa để ngày mai. Sáng hôm sau lên được, nhưng lên trễ đến nửa tiếng!

Khi lên tới thì tôi thấy mục sư King còn giữ thức ăn sáng cho tôi, để trong một cái mâm có đèn c*y đốt ở bên dưới cho nóng. Mục sư cũng chưa ăn sáng, còn đợi tôi lên để cùng ăn.

Tôi rất mừng là hôm đó tôi đã nói với mục sư King được một câu. Tại vì nói được câu đó thì sau này tôi không còn ân hận, tiếc nuối, vì tôi đã nói được một câu đúng là chánh ngữ. Tôi nói rằng: Này mục sư! Mục sư có biết rằng ở Việt Nam người ta xem mục sư như là một vị Bồ tát hay không? Một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, và đã đứng ra lên tiếng chống lại sự tàn sát ở Việt Nam. Vì vậy mà ở Việt Nam người ta coi mục sư là một vị Bồ tát, nghĩa là một người mang hết tất cả sức mình, hết năng lượng của mình để làm những việc có thể làm vơi được những đau khổ của chúng sanh.

Nhìn vào mặt ông ta, tôi thấy ông rất cảm động khi nghe câu nói đó. Nếu hôm đó không nói, thì sẽ không bao giờ tôi có cơ hội để nói với ông câu đó cả!

Vì vậy, hôm nay nếu gặp sư anh và mình muốn nói câu đó, thì mình phải nói liền, đừng đợi đến ngày mai. Gặp sư chị của mình cũng vậy. Nếu mình nói câu gì để biểu lộ sự trân quý của mình đối với sự có mặt của người kia, thì mình phải nói ngay ngày hôm nay, đừng đợi đến ngày mai. Tôi đâu biết đó là lần gặp chót giữa hai người! Mấy tháng sau thì nghe tin mục sư bị ám sát ở Memphis, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ!

Người thứ hai mà tôi nhớ là Erich Fromm một nhà tâm lý học có nghiên cứu về Phật học. Ông cũng có mời tôi lên ăn sáng, nhưng tôi đã đề nghị: Thôi đừng ăn sáng nữa, lên chơi và uống trà thôi. Khi lên tới phòng của Erich Fromm thì thấy cửa hé ra, tức là khỏi gõ cửa, cứ đẩy cửa vào thôi.

Lục tổ Huệ Năng cũng vậy, khi lên đến phòng thầy thì thấy cửa hé, chỉ đẩy cửa vào thôi. Đẩy cửa vào thì nghe tiếng thầy đang ngâm một bài kệ, chứng tỏ thầy đang thức để chờ mình. Tội nghiệp thầy thức tới 12 giờ khuya để chờ đệ tử, mà không biết đệ tử có biết thầy đang chờ mình hay không? Trong đêm tối, hai thầy trò bàn chuyện, và thầy làm lễ truyền đăng cho trò. Không có đèn, không có nhang, không có gì hết. Tổ thứ Năm đã truyền pháp cho tổ thứ Sáu vào lúc 12 giờ khuya. Đó là vì sự ganh tị của những người trong chúng.

Giữa thầy với trò thường có một mối tình. Mối tình này được làm bằng chất liệu gọi là tương ứng, tương cảm. Tình này không có chất liệu của sự vướng mắc. Tình này cũng có sự ngọt ngào, nhưng nó được làm bằng chất liệu của hiểu biết, của thông cảm. Khi một người hiểu được mình thì tự nhiên mình cảm thấy biết ơn người đó, dù người đó là học trò của mình, hay là con của mình. Từ cái hiểu đó nó phát sinh ra một thứ tình. Vì vậy mà ta nói tình đó được làm bằng chất liệu của sự đồng tâm tương ứng.

Trong thiền môn người ta thường dùng danh từ tâm ấn tâm. Nghĩa là dùng trái tim mà in vào trong trái tim. Một hình ảnh rất dịu ngọt mà cũng rất là thân thiết. Hai thầy trò đó đâu có nhiều giờ để uống trà với nhau, họ đâu có gặp nhau nhiều. Họ chỉ được gặp nhau hai lần thôi. Lần đầu là gặp ở dưới bếp, với sự có mặt của đông người, và chỉ hỏi vài ba câu bâng quơ, rồi thầy gõ ba tiếng lên cối giã gạo. Lần thứ hai là trong đêm khuya, hai thầy trò ngồi với nhau, và thầy có giảng cho trò một vài câu trong kinh Kim Cương. Vài câu thôi. Sau khi truyền pháp cho trò, thì thầy nói: Con không nên ở đây nữa mà nên đi về miền Nam để hành đạo. Tuy rằng thầy trò không được ngồi với nhau lâu, nhưng cái tình đó nó vô biên, nó bất diệt. Nếu trong thời gian mình ở với thầy, dù thời gian đó là dài hay ngắn, mà mình có được sự cảm thông, có được sự tương đắc thì sau này mình sẽ không hối hận. Mình sẽ không than phiền như thượng tọa Bảo Lạc đã than phiền. Cái tình đó quả thật là một mối tình, không thể nói ít hơn một mối tình!

Sau khi được đắc pháp thì Huệ Năng ra đi. Không xuống nhà tăng để lấy hành lý, mà nghe lời thầy, đi ra bến sông liền lập tức. Tổ Hoằng Nhẫn đã ân cần: Để thầy đưa con ra tới bờ sông!

Trong đêm khuya, hai thầy trò nhè nhẹ ra khỏi thiền viện và thầy đưa trò ra bến sông. Khi Huệ Năng xuống thuyền rồi và chắp tay chào thì thầy Hoằng Nhẫn lại nói: Để thầy ngồi trên thuyền với con một khúc. Những chi tiết này đã được ghi lại trong kinh Pháp Bảo Đàn.

Khi Huệ Năng cầm lấy mái chèo thì thầy Hoằng Nhẫn nói: Để thầy chèo cho con một khúc. Cái đó nếu không phải là tình thì là gì nữa? Đó là sự phát biểu của tình thương chân thật. Chèo đến một nơi đó, thầy nói: Thầy đã chèo cho con một khúc, thôi bây giờ con có thể tự chèo lấy. Huệ Năng thưa: Con có thể vượt qua những khó khăn, những bão tố đang chờ đợi con, xin thầy đừng lo. Khi tổ Hoằng Nhẫn nghe câu nói đó thì tổ yên lòng. Tổ trao tay chèo lại cho Huệ Năng. Huệ Năng cho thuyền cặp bến và tổ Hoằng Nhẫn bước lên bờ, đưa tay vẫy chào, rồi một mình trở về thiền viện, còn Huệ Năng thì một mình chèo về hướng Nam.

Mối tình đó đã sống ở trong thầy, sống ở trong học trò, và nó đã truyền lại cho đến ngày nay.

Khi con còn non yếu thì thầy dẫn dắt con đi, nhưng nay con đã vững chân vững tay, con có thể một mình chèo lái lấy. Con cám ơn thầy.

Nó đơn giản như vậy. Nhưng chưa hết, nếu đọc tiếp kinh Pháp Bảo Đàn rất hấp dẫn, thì mình thấy rằng sáng hôm sau thầy không ra ăn sáng. Thường thì thầy ra ăn sáng. Hôm đó thầy đã không ra ăn sáng, mà cũng không ra với đại chúng. Mãi cho đến chiều tối thì các thị giả mới tìm cách vào thăm thầy và hỏi: Bạch thầy, thầy có sao không? Ngài mới nói rằng: Ta không sao hết, nhưng y bát đã đi về phương Nam rồi. Tức là ngài cố ý đợi cho Huệ Năng đi rất xa, để người ta không đuổi kịp, rồi mới cho hay tin. Đó cũng là sự tiếp nối biểu hiện của mối tình thầy trò.

Ấy vậy mà cũng có một nhóm người chạy đuổi theo để dành lại y bát. Nếu quý vị muốn biết câu chuyện tiếp diễn như thế nào thì xin đọc tiếp kinh Pháp Bảo Đàn.

Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện một ông thầy thuốc rất giỏi, có nhiều con. Trong khi ông đi xa, ở nhà các con ông ăn nhằm những thức ăn độc nên lăn ra ngã bệnh. Đứa thì mửa, đứa thì ho, đứa thì đau bụng, đứa thì đau đầu, nhức mỏi, đủ hết các triệu chứng của độc tố. Khi người cha về, thấy các con đau đớn như vậy thì ông tùy theo bệnh trạng của từng đứa mà cho thuốc.

Có một số con của ông chấp nhận thuốc và uống thì lành bệnh. Những đứa khác không chịu uống thuốc, hỏi tại sao lại phải uống thuốc? Cha mình đang ở đây, nếu mình có mệnh hệ nào thì cha mình sẽ cứu, không cần uống thuốc! Cho nên chúng vẫn tiếp tục bị đủ thứ bệnh, và bệnh tình càng ngày càng nặng!

Cuối cùng ông cha nghĩ rằng: Có mình ở đây thì các con không chịu uống thuốc, chi bằng mình đi chỗ khác thì họa may chúng mới chịu uống. Vì vậy ông ra đi, và nhắn tin về là ông đã chết! Lúc đó mấy đứa con mới hết ỷ lại, mới chịu uống thuốc, và mới lành bệnh.

Có nhiều vị đệ tử cũng vậy. Khi thầy đang sống với mình thì không chịu thực tập những điều thầy dạy. Có người tiếp nhận và thực tập ngay những điều thầy dạy, nên đạt được sự chuyển hóa, và an lạc ngay trong thời gian ở với thầy. Có người lại nói thuốc của thầy mình hay thật, nhưng đâu cần uống bây giờ, mai mốt uống cũng được. Uống thuốc thì phải cữ ăn cái này, cữ ăn cái kia! Thôi, để hôm nay mình ăn cái này, ăn cái kia cho sướng miệng đã, rồi mai mốt uống cũng không muộn. Đó là lập luận của những người không chịu uống thuốc.

Trong số các đệ tử của tôi, có người cũng nghĩ như vậy. Ăn thua là mình học được pháp môn, mai mốt thực tập thì đâu có muộn! Hình như mình đã nắm được pháp môn đi thiền hành rồi, hình như mình đã nắm được pháp môn thở và làm mới rồi. Bỏ túi cái đã, mai mốt rồi thực tập. Vì vậy mà họ không chuyển hóa, không lành bệnh. Cho nên ông thầy rất rầu! Nhiều khi ông nghĩ giống hệt như ông thầy thuốc kia: Hay là mình phải đi nơi khác, hay mình phải chết đi thì học trò mình mới chịu thực tập!

Đó là tâm sự chung của những ông thầy. Nhưng có ai sẽ không phải là thầy? Tuy còn trẻ, tuy mình mới là sa di, sa di ni, hay tân tỳ khưu, tân tỳ khưu ni, nhưng "cái phần" của người tu nó bắt buộc mình phải lớn lên, rồi mình cũng phải thu nhận đệ tử, phải trở thành ông thầy. Mà hễ làm thầy là sẽ bị đau khổ vì học trò! Tại vì học trò có những người chịu thực tập những điều mình dạy, nhưng có những người không chịu thực tập. Có những người học trò chỉ cần những cái rất nhỏ, như sự chăm sóc, sự ngọt ngào của thầy thôi! Họ không biết rằng cái quan trọng nhất, quý hóa nhất mà mình có thể tiếp nhận từ thầy, không phải là sự chú ý, sự ngọt ngào, sự săn sóc nho nhỏ của thầy, mà là mối tình lớn kia, sự săn sóc lớn kia, sự ân cần, thương tưởng, sự tâm niệm mỗi ngày để cho học trò mình lớn lên, để cho học trò mình có thể nối tiếp được sự nghiệp của chánh pháp.

Họ không chịu tiếp nhận những cái đó để thực tập, mà chỉ đòi hỏi những cái nho nhỏ! Được thầy chú ý một chút, được thầy cưng thêm một chút, được thầy nói một câu ngọt ngào, được thầy săn sóc chút xíu. Mình chỉ cần những thứ thường tình, rơm rác như vậy thôi, mà không biết cái mà thầy muốn trao truyền cho mình, nó lớn hơn, nó quí trọng hơn cái đó nhiều lắm.

Vì vậy cho nên Huệ Năng tuy là làm việc suốt ngày ở dưới bếp, chưa bao giờ được hầu chuyện với thầy, nhưng đã là người tiếp nhận được tình thương cao cả nhất của thầy, và đã trở thành một người tri kỷ của thầy. Chữ tri kỷ ở đây có nghĩa là someone who really understands you.

Khi đọc kinh Pháp Bảo Đàn chúng ta thấy được mối tình tri kỷ giữa hai thầy trò. Họ đâu có nhiều thì giờ với nhau? Thời gian mà thầy gặp trò ở trong phòng lúc 12 giờ khuya, thời gian mà thầy đi bộ với trò ra bờ sông, thời gian mà thầy trò ngồi trên thuyền và thầy chèo cho trò một đoạn đường, thì đâu có lâu gì? Ấy vậy mà nó là tràn đầy, nó là muôn đời, nó còn sống mãi!

(còn tiếp - langmai.org)

#33 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 12/05/2014 - 15:37

THIỆN Ý MỘT MÌNH CHƯA ĐỦ TẠO MÙA XUÂN

Trong hai buổi pháp thoại vừa qua, chúng ta đã diễn bày về pháp môn gọi là pháp môn nói. Nói là một pháp môn thực tập có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho những người chung quanh mình. Chúng ta đã được trao truyền những phương pháp thực tập rất cụ thể để làm hạnh phúc cho mình và cho người ngay ngày hôm nay.
Nghe là một pháp môn khác. Trong hai buổi pháp thoại liên tiếp, chúng ta đã nói về nghe. Nếu biết thực tập phương pháp nghe, và chúng ta áp dụng những bài tập đã được trao truyền thì chúng ta cũng có thể tạo được hạnh phúc cho ta và cho người ngay trong ngày hôm nay.

Chúng ta cũng đã nói đến sổ công phu. Mỗi người trong chúng ta phải có một sổ công phu. Công phu đây là công phu thực tập. Hạ thủ công phu là phải đi vào sự thực tập chứ không phải lý thuyết suông. Hạ thủ tức là tay mình nắm lấy, đặt xuống việc thực tập.

Chúng ta biết rằng nghe có thể làm cho ta bớt khổ, nghe có thể thiết lập lại được nhịp cầu cảm thông, và thực tập lời quy nguyện: "Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ". Đó không phải là một lời phát nguyện suông, chúng ta có thể thực tập bằng nghe và bằng nói. Thành ra trong sổ công phu, ta phải nói ngày mai ta sẽ nghe ai, và phải nghe như thế nào; ngày mai ta sẽ nói với ai, và phải nói như thế nào; ngày mai ta sẽ viết cho ai, và phải viết như thế nào để tạo hạnh phúc cho người đó và cho ta, để thiết lập lại nhịp cầu truyền thông đã bị gãy đổ. Đó gọi là hạ thủ công phu. Mình phải thực tập như vậy mỗi ngày. Nếu chúng ta đợi đến khi học xong khóa mùa Đông hay chương trình 4 năm, thì e rằng trễ quá! Thực tập ngay từ bây giờ. Đức Khổng Tử cũng có nói: Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ? Vừa học mà vừa thực tập, đó há chẳng phải là niềm vui lớn hay sao?

Trước đây chúng ta cũng có trình bày về cái thể, cái tướng và cái dụng của lời nói. Trong Luận Đại Trí Độ, thầy Long Thọ có nói tới chánh ngữ như là sự thấu hiểu về bản chất của lời nói.

Thể là chất liệu làm ra lời nói. Nếu thật tình muốn lời nói của chúng ta là chánh ngữ, thì chúng ta phải biết cái thể (nature, substance) của lời nói. Cũng như cái bánh làm bằng bột, thì bột là chất của cái bánh. Lời nói cũng có bản chất của nó, mình phải biết bản chất của nó là bản chất gì. Nói ra từ tình thương đích thực, nói ra từ sự hiểu biết đích thực, nói ra từ cái tư duy chân chính. Trong trường hợp đó, ngữ có thể có cơ hội trở thành chánh ngữ. Nghĩa là lời nói của ta có thể phát xuất từ tình thương và trí tuệ của ta. Nhưng cái đó chưa đủ, tại vì không phải phát xuất từ trí tuệ và tình thương mà nó trở thành chánh ngữ được. Nó là một điều kiện căn bản, nhưng chưa phải là tất cả những điều kiện cần để có chánh ngữ. Điều kiện đó cần, nhưng chưa đủ!

Muốn là chánh ngữ thì cái tướng của ngôn ngữ cũng phải đúng nữa. Có chất đó, nhưng lời nói phải khéo léo. Vì vậy cho nên nghệ thuật nói cũng phải có mặt. Mình phải tập thì mới làm được. Đôi khi mình thương người kia thật, nhưng mình nói sao đó mà người ta tưởng là mình ghét, mình khi dễ người ta! Tội nghiệp lắm!

Thành ra mình phải học ăn, học nói, học gói, học mở.Gói lại sao cho nó gọn gàng, mở ra sao cho nó đẹp đẽ. Gói mở này tức là nghệ thuật diễn tả. Đừng tưởng đây là ăn bánh chưng! Đây là ngôn ngữ, đây là tài ăn nói. Khi có tài ăn nói thì anh gói rất gọn, và anh mở rất là nhẹ nhàng. Anh không tràng giang đại hải, anh nói thao thao bất tuyệt mà người ta không biết anh nói gì. Cái đó gọi là gói. Anh nói ít, nhưng anh nói rất hay, rất chính xác. Mở tức là anh diễn bày ra. Giáo pháp đức Thế Tôn được công nhận là diễn bày rất khéo. Đó gọi là thiện thuyết, khéo mở, khéo gói, tiếng Anh dịch là Well proclaimed, tiếng Pali là Swakkhato, tiếng Phạn là Svªkkhªta.

Đây không phải là khen cái thể của giáo lý. Thể của giáo lý là cái tuệ đã đành rồi, nhưng tuệ giác đó phải được diễn bày khéo léo, cái đó gọi là tướng.

Thành ra khi nói mà mình làm cho người ta đau khổ, và mình được sư anh hay sư chị nhắc, thì mình đừng gân cổ cãi rằng: "Em chỉ nói sự thật thôi"! Nói sự thật nhưng em nói thế nào để người kia đừng đau khổ, thì ngôn ngữ của em mới có cái thể tốt, và có cái tướng tốt. Nó là thiện thuyết. Vì vậy mà thiện ý của em, cái good intention của em là chưa đủ. Đừng tưởng rằng em có thiện ý là đủ rồi! Em phải có thiện xảo, phải khéo léo. Mà em phải học thì mới làm được.

Đức Thế Tôn rất khéo, khéo cho đến nỗi người ta gọi tiếng nói của ngài là viên âm, tức là tiếng nói tròn. Đức Thế Tôn nói như thế nào đó mà người nào cũng tưởng ngài nói riêng cho mình! Hôm nay đức Thế Tôn nói bài pháp này là riêng cho tôi thôi, và người nào cũng nghĩ như vậy. Đó là tài của đức Thế Tôn mà mình phải học cho được một phần ngàn, hai phần ngàn tiếng nói tròn của ngài.

Ngày xưa ở Huế có một tạp chí Phật học lấy tên là Viên Âm. Những người chủ trương có điều nguyện bắt chước đức Thế Tôn để giảng bày giáo lý đạo Bụt thế nào cho giáo lý đó thích hợp với thời đại, mang hạnh phúc lại cho người ta.

Sau khi có người công nhận cái chất của lời nói anh là tốt, là có trí, có bi, và cái tướng của lời nói anh là khéo rồi, thì anh khoan vui mừng, tại vì anh phải đem áp dụng để thấy rằng nó có công hiệu thật hay không! Nếu không công hiệu thì tuy chất của lời nói có tốt đến mấy, tướng của lời nói có tốt đến mấy thì lời nói đó cũng chưa phải là chánh ngữ. Vì vậy phải để ý đến cái dụng, cái công dụng, cái function, nghĩa là đem ra áp dụng xem nó thành công hay không. Nếu thành công, nếu nó tháo gỡ được cái kẹt của người kia, nó làm cho người kia bừng tỉnh, nếu nó làm cho người kia thiết lập được sự thông cảm, tạo dựng lại được niềm tin, thì cái dụng đó là cái hảo dụng. Lúc đó ngôn ngữ của anh mới thật sự là chánh pháp.

Khi anh có thiện thể và thiện tướng rồi; có hảo thể và hảo tướng rồi, và khi đem ra áp dụng vào trường hợp này thì thành công rồi. Nhưng, khi anh đem áp dụng vào trường hợp kia thì không thành công! Tại sao vậy? Tại sao cũng tâm niệm đó, cũng hình thức đó, mà đưa vào trường hợp kia lại không thành công? Không hành công tại vì đây là trường hợp khác! Như vậy nó chứng tỏ rằng trí tuệ quán chiếu của anh, cái tính cách khế cơ của lời nói anh chưa được viên mãn. Nói như vậy có nghĩa là cái phẩm chất của chánh kiến và chánh tư duy của anh còn thiếu kém. Tại vì nếu cái phẩm chất của chánh kiến và chánh tư duy đầy đủ thì tự nhiên cái tướng này sẽ thay đổi, và do đó cái dụng này sẽ thành công.

Biết bao nhiêu người thất bại khi có thiện chí. Có thiện chí muốn giúp người đó, nhưng rốt cuộc là không giúp được, có khi còn hại người đó nữa! Đó là vì không hiểu được người đó rõ ràng. Muốn hiểu thì phải có chỉ, có quán. Thể của ngôn ngữ là được làm bằng chất liệu của chánh kiến. Mà chánh kiến thì phải có chỉ và phải có quán.

Vậy thì sau khi chúng ta đã thử ngôn ngữ đó rồi và thấy không thành công thì chúng ta đừng trách rằng người kia không có khả năng thu nhận, người kia khép trái tim lại, không mở trái tim ra để đón nhận chân lý! Chúng ta thường trách như vậy, chúng ta hoàn toàn đổ lỗi cho người kia. Tôi đã làm hết sức tôi rồi, nhưng tôi chịu thôi! Không! Mình chưa làm hết sức mình đâu. Nếu làm hết sức thì mình không thất bại như vậy đâu.

(còn tiếp - langmai.org)

#34 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 12/05/2014 - 15:59

PHẢI NHÌN VÀO CĂN CƠ CỦA NGƯỜI ĐỂ TRUYỀN ĐẠT

Làm hết sức mình nghĩa là quán chiếu vào căn cơ của người kia để thấy được cái tướng này của ngôn ngữ, tuy nó thành công với người này, nhưng không thành công với người kia. Những danh từ mình dùng rất khéo léo, những văn cú mình dùng rất là hay, mình nghĩ là không thể nào hay hơn được, nhưng đưa vào trường hợp này nó vẫn thất bại.

Đó là tại mình không thấy được cái quá trình, cái tâm lý của người này. Vì vậy mình phải quán chiếu nhiều hơn nữa. Người kia có thể vì sợ, hay vì mặc cảm mà không tiếp nhận được cái tướng của ngôn ngữ của mình, cho nên mình phải thay đổi cái tướng của ngôn ngữ để cho người kia, khi nghe những lời nói này thì cái sợ, cái mặc cảm không trồi lên, và không chận đường ngôn ngữ của mình.

Làm vậy ta sẽ có thể điều phục được những căn cơ rất khó khăn. Trong kinh có nói đến những loại chúng sinh khó điều phục. Cương cường nan điều phục. Nhưng đối với đức Thế Tôn thì ngài làm hết sức ngài để có thể điều phục được những cái khó điều phục nhất. Còn mình, cứ thấy những cái khó điều phục, là mình bỏ và đi tìm những chỗ dễ điều phục! Như vậy là mình chưa hay lắm!

Trong sự giao tiếp hàng ngày, các thầy thường chúc nhau: Xin chúc thượng tọa pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ. Tôi không biết chúc như vậy có hay không? Chúng sinh dị độ tức là chúng sinh dễ độ. Phải chúc ngược lại! Chúc thượng tọa pháp thể khinh an, chúng sinh khó mấy cũng độ được! Chúc chúng sinh dị độ thì hư thượng tọa của mình! Về lời chúc pháp thể khinh an cũng vậy. Pháp thể khinh an là đừng bệnh gì cả. Nhưng trong luận Bảo Vương Tam Muội chúng ta học rằng, phải có bệnh chút ít mới tốt. Lâu lâu phải có bệnh thì mình mới biết quí sức khỏe của mình. Cho nên cũng đừng nên chúc pháp thể khinh an. Nên chúc thượng tọa lâu lâu mới bịnh một lần thôi. Mỗi lần bệnh như vậy thì mới biết rằng những khi không bệnh là quí vô cùng.


LINH CHÚ

Nói về chánh ngữ để làm hạnh phúc cho người, Làng Mai đã sáng tác ra những câu gọi là linh chú rất nổi tiếng, và hiện đang được thiền sinh nhiều nước trên thế giới thực tập, kể cả trẻ em. Thực tập những câu thần chú này thì có hạnh phúc liền lập tức. Thực tập những câu này thì phải có chất liệu của niệm, của định, của tuệ thì mới thành công. Nó là chánh ngữ. Nếu thực tập bừa bãi thì nó không phải là chánh ngữ! Cũng là câu linh chú đó, nhưng nó sẽ không linh.

Trong buổi công phu sáng ở các tự viện có đầy linh chú. Công phu sáng mà chúng ta đang thực tập ở tại nhiều nước Á Châu, chịu ảnh hưởng một cách rất nặng nề của truyền thống Mật giáo. Bắt đầu chúng ta tụng năm Hội chú Lăng Nghiêm. Tiếp đó, chúng ta tụng mười thần chú, và Tâm kinh Bát Nhã cũng được coi như là một linh chú. Chúng ta tin rằng hễ tụng chú nhiều thì chúng ta sẽ thực hiện được phép lạ.

Có nhiều người tụng chú Lăng Nghiêm và nghĩ rằng tụng chú Lăng Nghiêm thì sẽ không bị những người như là cô Ma Lăng - già kéo đi. Nhưng tụng hai ba chục năm mà vẫn bị cô ta kéo đi như thường! Đó là ở Việt Nam, mà ở bên Cali. cũng vậy! Tại vì tụng chú mà khi tụng lại không có niệm, không có định, không có tuệ. Tụng như những con vẹt. Vì vậy cho nên tụng kinh là một vấn đề lớn cần phải đặt ra.

Khi tụng kinh chúng ta thường để ý nhiều đến âm điệu của sự tụng niệm, mà không thực tập được niệm, định và tuệ. Chúng ta chỉ sợ tụng sai rồi thầy rầy hay người ta cười. Như Tâm Kinh chẳng hạn, chúng ta tụng mỗi ngày một lần, hai lần. Ngày nào cũng tụng hết. Nhưng chúng ta phải nói sự thật, chúng ta tụng như những con vẹt. Tâm Kinh tuy ngắn, nhưng vẫn còn dài như thường! Tại vì trong Tâm Kinh chỉ có hai ba câu là tinh túy. Đó là những câu: ... Chiếu kiến ngũ uẩn giai không; ... Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị; ... Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm ... Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức ... Chỉ có những câu đó là quan trọng thôi. Còn từ đoạn "Bồ-đề - tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố"... là không quan trọng lắm. Mấy câu đó chỉ là để ca ngợi những câu ở trên kia mà thôi.
Trong khi đọc mấy dòng trên mà tâm của chúng ta có quán chiếu, có thấy được sắc tức là không, không tức là sắc, có thấu triệt được nghĩa lý của "không có đắc và vì không có sở đắc" ... Nếu không thì chúng ta tụng bao nhiêu lần đi nữa, cũng không thành công!

Theo nguyên tắc của Mật giáo thì mỗi câu linh chú chỉ được đọc lên khi thân tâm hoàn toàn hợp nhất, có niệm, có định. Trong trạng thái thân tâm nhất như, vững chãi, mà thốt ra câu linh chú đó thì câu linh chú đó trở thành một lực lượng lớn, chuyển hóa cả thân tâm và cả thế giới. Đó là giáo lý căn bản của Mật giáo. Thân và ý mà là một khối thì lúc đó linh chú mới có hiệu nghiệm.

Đi từ trong nhà Thanh Phong hay từ nhà Linh Quy ra, sau khi khép cánh cửa lại và bước lên con đường ngập lá mùa Thu, thì lúc đó tâm của chúng ta nghĩ đến gì? Bàn chân của chúng ta bước như thế nào? Hai chân chúng ta chạm vào cái gì? Con mắt chúng ta chạm vào cái gì? Tâm của chúng ta chạm vào cái gì? Có phải là chúng ta đang đi trong giờ phút hiện tại hay không? Hay là tâm của chúng ta đang ở chỗ khác? Tâm ta có đang ở bên New York hay Los Angeles, hoặc Nha Trang hay Hà Nội? Đó là câu hỏi chính!

Bước chân của chúng ta phải đặt lên bây giờ và ở đây. Tâm của chúng ta cũng phải đi theo bước chân. Tất cả bí quyết của sự thực tập nằm ở chỗ đó. Mỗi bước chân đi như vậy nó làm rơi rụng không biết bao nhiêu là phiền não. Đi được ba bước như vậy thì có ba bông sen nở dưới chân. Đi được bảy bước như vậy thì có bảy bông sen nở dưới chân. Sen nở dưới chân không phải là chuyện huyền thoại. Không phải chuyện chỉ có đức Thế Tôn mới làm được. Tất cả chúng ta đều làm được. Nếu thân, ngữ, ý của chúng ta hợp nhất, thì bước lên lá sồi khô, lá sồi khô biến thành hoa sen, đem lại sự an lạc, nuôi dưỡng cho chúng ta ngay trong giờ phút hiện tại. Đó tức là chúng ta đang đọc câu thần chú bằng bàn chân của ta!

Thiền sư Lâm Tế nói: "Phép lạ là đi trên mặt đất", Địa thượng thần thông. Chúng ta là học trò của Lâm Tế, chúng ta phải đi được như thầy dạy. Mỗi bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông.

Từng bước chân tỉnh thức,
Làm hiển lộ pháp thân.

Ta chỉ có thể làm được cái đó ở đây thôi, nghĩa là trong giây phút hiện tại. Mỗi ngày chúng ta đi bao nhiêu bước, nhưng những bước chúng ta đi, có phẩm chất hay không? Cũng như mỗi ngày chúng ta tụng bao nhiêu câu thần chú, nhưng những câu thần chú chúng ta tụng có phẩm chất hay không? Nếu không có phẩm chất thì chúng ta có tụng hai mươi năm cũng vô ích thôi.

Ở Việt Nam có một bà đó, khoảng 50 tuổi, rất chăm niệm Bụt, nhưng tính bà cũng rất dữ. Nam Mô A Di Đà Phật, bà niệm suốt ngày. Bà thỉnh chuông, thỉnh mõ, đốt nhang rất nhiều, nhưng tánh nào vẫn tật đó, rất dữ. Chưởi người ta thì chưởi động đến cả tổ tiên dòng họ người ta. Vì vậy có một ông hàng xóm nghĩ rằng: Hôm nay mình phải dạy cho bà ta một bài học! Ông đợi bà lên chuông mõ, bắt đầu tụng niệm thì ông tới trước ngõ kêu: Bà ơi! Bà ta giật mình. Đến giờ người ta tụng kinh niệm Bụt mà đến ngõ réo như vậy là không dễ thương! Cho nên bà thỉnh mỏ lớn hơn, thỉnh chuông lớn hơn, để chứng tỏ ta đang tụng kinh, không được làm ồn. Nhưng ông này vì đã cố ý cho một bài học, nên ông làm lơ, càng lúc càng réo bà ta lớn hơn. Ban đầu bà ta nén xuống, nhưng vì chịu không nổi, cuối cùng bà liệng chuông, liệng mõ, ra đứng chống nạnh, nổi sân si lên, chưởi bới um sùm. Lúc đó ông ta mới bước vào nói: Bà ơi! Tôi mới kêu bà chưa tới 20 tiếng mà bà giận như vậy, còn bà đêm nào cũng kêu Bụt, ngày nào cũng kêu Bụt biết bao nhiêu ngàn tiếng, chắc Bụt giận bà dữ lắm!

Niệm Bụt mình cũng có thể làm như con vẹt, và mình có thể nghĩ rằng niệm như vậy thì có sự chuyển hóa, nhưng thật sự thì không có chuyển hóa gì cả! Tại vì tâm của mình không ở đó, thân của mình không ở đó khi mình niệm Bụt.

Khi giẫm lên con đường được trải bằng một thảm lá sồi, thì mình thấy hóa ra hạnh phúc của mình nó ở ngay đây! Giẫm trên thảm lá sồi mà đi như vậy, lòng không vướng bận, hạnh phúc hóa ra chỉ có như vậy thôi! Mình không cần có một ngôi chùa, mình không cần có một địa vị, một bằng cấp, mình chỉ cần biết đi là có hạnh phúc. Nhìn lên trời thấy có một ngôi sao Mai hay mặt trăng chưa lặn, mình mỉm cười, tại vì ngôi sao Mai kia, cũng như mặt trăng kia nó cũng mầu nhiệm vô cùng. Nhìn lên trời và mình nói: Sao ơi, tôi biết sao đang có mặt đó và tôi rất có hạnh phúc.

Ngày xưa đức Thế Tôn đã nhìn ngôi sao Mai đó. Chính ngôi sao đó, và ngài đã thấy được sự thật. Giờ đây mình cũng có hai con mắt, mình cũng nhìn ngôi sao đó. Đức Thế Tôn đã trao truyền cho mình cách nhìn. Cách nhìn đó đã được trao truyền lại cho mình qua bao nhiêu thế hệ của tổ sư. Mình có con mắt đó, nhưng mình không đem ra dùng. Mình chỉ muốn dùng nhục nhãn thôi, con mắt thịt thôi. Còn cái pháp nhãn, cái tuệ nhãn mà thầy đã trao truyền cho mình, mình không xài! Giống như chàng dũng sĩ trong Cửa Tùng Đôi Cánh Gài[1], xuống núi với tấm kính Mê Ngộ Cảnh thầy trao cho để giúp biết rõ thiện ác, chính tà. Kính tuy có trong túi nhưng chàng không đưa ra xài, cho nên mới lạc vào những nẻo tăm tối của các loài ác quỷ, và chàng cũng thành quỷ luôn!
Có một lần sang dạy ở Hàn quốc, tôi được mời cư trú trong một cư xá, chung quanh trồng toàn hoa ngọc lan trắng. Hoa nở lớn gần bằng hoa sen. Lúc tôi sang là mùa Xuân. Buổi sáng đi thiền hành lúc mặt trời sắp lên, đi dưới những cây ngọc lan nở trắng như vậy, mầu nhiệm vô cùng! Tôi thấy như là lan nở cho mình. Lan có nở cho mình hay không? Nếu mình nói lan nở cho mình thì mình có chủ quan quá không? Trong một bài hát của Phạm Duy, chúng ta nghe Phạm Duy nói hoa nở vì ai? Có thể là hoa không nở vì ai cả, nhưng nhờ mình có chánh niệm cho nên mình thấy hoa nở cho muôn loài, nở cho mình. Mình cũng là hoa, và mình cũng nở cho hoa. Tại sao hoa nở cho mình, mà mình lại không nở cho hoa? Sư cô không phải là một đóa hoa sao? Sư chú không phải là một đóa hoa sao? Tại sao không chịu nở, tại sao hà tiện? Tại sao sáng nay không chịu nở cho thầy, không chịu nở cho anh, cho chị, cho em?

Trong thơ tiền chiến có câu:

Huyền Trân ơi, Huyền Trân ơi!
Mùa Xuân đến rồi.
Giờ đây tám vạn bông trời nở,
Duy có tình ta khép lại thôi!

Tội nghiệp vô cùng. Anh bị ngọn gió độc nào, anh bị chất độc nào động tới mà trái tim anh co rút lại, không nở ra được như vậy? Giờ đây tám vạn bông trời nở, Duy có tình ta khép lại thôi! Sao mà tội nghiệp như vậy!

Sáng nay chúng ta phải nở ra, tại vì ngôi sao Mai kia là một bông hoa đang nở cho chúng ta. Nó đã nở cho đức Thế Tôn, và sáng hôm nay nó chờ ta. Ta đã ra tới sân, ta đang nhìn thấy nó, nó đã nở cho ta, tại sao ta không nở cho nó? Ta phải mở trái tim ra, ta phải nhìn ngôi sao, ta thở và nói: Sao ơi, cám ơn sao có mặt ở đó, tôi rất hạnh phúc. Lúc đó ta nở ra như một ngôi sao.

(còn tiếp - langmai.org)

#35 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 12/05/2014 - 16:46

NHỮNG CÂU LINH CHÚ LÀNG MAI

Ở đời ai lại không có những người thương? Chúng ta có cha, có mẹ, có anh, có chị, có em, có bạn, có thầy. Khi có chánh niệm thì ta nhận rõ được sự có mặt của những người đó là quí giá cho ta lắm. Họ là những bông hoa, họ đang nở cho ta. Còn ta đang co rút lại, ta phải nở ra cho họ! Vì vậy cho nên câu linh chú thứ nhất của Làng Mai là công nhận sự có mặt của người kia, nhìn người đó bằng chánh niệm, bằng khả năng có thể trân quí sự có mặt của người đó và mở miệng ra đọc một câu thần chú bằng tiếng Việt, không cần bằng tiếng Phạn:

"Bố ơi, con biết là bố đang còn sống bên con, nên con rất là hạnh phúc",

rồi xá một cái. Đó là một câu thần chú, và ta phải đọc câu thần chú đó trong trạng thái thân tâm nhất như. Thân và tâm ta phải có mặt 100% thì ta mới nên mở miệng đọc câu thần chú đó.

Nghe vậy thì người kia sẽ có hạnh phúc, sẽ nở ra như một đóa hoa. Lúc đó mình cũng là một đóa hoa, mình nở cho người kia, hạnh phúc có mặt liền lập tức. Nó là một thứ hạnh phúc có liền. Hạnh phúc trong khi thực tập câu linh chú thứ nhất nó còn mau hơn là làm cà phê uống liền, tại vì khỏi phải xé bọc cà phê ra, khỏi bỏ vào ly, khỏi chế nước sôi.

Hôm trước đi với sư anh Pháp Ứng ở Xóm Thượng, sư anh đưa cánh tay cho tôi vịn để đi xuống dốc cho có an ninh. Tôi quay lại nói rằng: Pháp Ứng ơi! Có con ở đây thầy sướng quá. Đó là tôi đọc câu thần chú thứ nhất: "Có con ở đây thầy rất là hạnh phúc". Tôi nói câu đó không phải là một câu nói ngoại giao, mà câu đó nó được làm bằng bản chất của chánh niệm, thấy sự có mặt của sư chú là quí giá cho tôi. Biết sư chú đã cho tôi hạnh phúc, đang cho tôi hạnh phúc và sẽ cho tôi hạnh phúc, cho nên tôi chỉ cần nói sự thật đúng lúc thôi, đó là nhờ chỉ, quán và niệm. Thân tâm tôi nhất như, tuy là đang đi, nhưng nhờ an trú trong hiện tại, tôi biết sự có mặt của sư chú, nên tôi đã đọc được câu linh chú thứ nhất của Làng Mai. Sư chú đáp lại liền: Có thầy ở bên con, con cũng rất hạnh phúc. Thành ra hai thầy trò cùng thực tập linh chú!

Có cần lặp lại 100 lần mỗi buổi sáng không? Đã nói được một lần, thì sau này mình không tiếc nữa. Huống hồ mình lấy đó làm sự thực tập hàng ngày của mình?

Cho nên hôm đó ở thủ đô Hán Thành tôi đã mỉm cười nhìn những hoa ngọc lan nở rộ và tôi nói: Hoa ngọc lan ơi, tôi biết hoa đang có đó và tôi rất hạnh phúc! Đi một mình giữa những đóa ngọc lan như vậy, mình thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống, mình sống những giờ phút của buổi sáng đó, không tiếc nuối gì cả. Không những hoa ngọc lan nở cho mình, mà lúc đó mình cũng là một bông hoa nở ra cho hoa ngọc lan nữa. Giữa hoa và mình có một mối tình tri kỷ, cũng như giữa hai thầy trò Huệ Năng và Hoằng Nhẫn.

Cho nên những giây phút mà quý vị sống ở Xóm Thượng, có thể là những giây phút quan trọng nhất trong đời của quý vị. Dù quý vị sống ở đó một tuần, hai tuần hay hai năm, thì mỗi giây phút của quý vị ở đó phải là những giây phút như vậy. Nếu không thì uổng phí quá. Những giây phút của quý vị ở Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Mới cũng phải như vậy. Những phương pháp đó tôi đã trao truyền. Nay đến lượt quý vị. Như những người chơi bóng chuyền, khi trái bóng đến tay, thì quý vị phải hành động. Không thể giữ bóng mà không chuyền lại cho người khác.

Đối với cha, với mẹ, với anh, với chị mình, đối với người chung quanh mình, đối với hoa đào, với ngôi sao, với con đường thiền hành, mình phải thực tập nhìn những thứ đó như là nhìn Huệ Năng của mình, nhìn tri kỷ của mình. Chúng ta thực tập để nâng đỡ cho những người chung quanh cùng thực tập. Nếu ta không thực tập thì những người chung quanh ta sẽ không được nâng đỡ, khuyến khích. Sự thực tập của mình có công hiệu tổng quát, nghĩa là mình làm điều này không phải chỉ cho mình, mà làm cho tất cả những người chung quanh mình. Công tác xây dựng tăng thân lớn lao nhất là công tác đó, nghĩa là phải biết nở ra trong từng giây từng phút trong sự sống hàng ngày.

Như vậy, câu linh chú đầu tiên của Làng Mai là:

Bố ơi, con biết bố còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc -
Mẹ ơi, con biết mẹ còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc -

Và "công thức" của câu linh chú thứ nhất là:

(((() ơi, (((() biết (((() còn đang sống đó và đang ngồi bên (RRR),nên (((() rất hạnh phúc -

Nếu trong đời anh, đời chị, mà chưa từng nói được câu đó, thì đó là điều đáng tiếc. Nếu chưa nói thì lát nữa phải đi gọi điện thoại. Nói điện thoại trong tinh thần pháp môn thực tập của chúng ta thì dù là điện thoại viễn liên cũng đáng để cho mình sử dụng.

Câu thần chú thứ hai, có khi mình đảo ngược lại, lấy câu thứ hai làm câu thần chú thứ nhất. Điều này không quan trọng mấy. Điều quan trọng là chúng ta phải thực tập những câu thần chú này. Câu thần chú thứ hai là:

Bố ơi, con đang có mặt thật sự bên bố đây -
Mẹ ơi, con đang có mặt thật sự bên mẹ đây -
Thầy ơi, con đang có mặt thật sự bên thầy đây -
(((() ơi, (((() đang có mặt thật sự bên (((() đây -

Thương yêu trong giáo lý của đạo Bụt, trước hết là phải có mặt. Tại vì nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Nhiều khi sống 24 giờ đồng hồ với người đó, nhưng anh không có mặt, không bao giờ có mặt bên người đó. Anh sống như là trong một quán trọ Y Pha Nho, trong một chung cư mà mình không cần biết người ở phòng bên cạnh là người thuộc quốc tịch nào, có những hạnh phúc nào, những đau khổ nào!

Có thể mình sống với bố, với mẹ, với những người anh, người chị của mình, nhưng mình chưa bao giờ có mặt với họ. Mình đi, mình về như là những mũi tên, cho đến khi người đó chết, người đó đi xa. Sống như chưa bao giờ mình đã từng gặp người đó. Người đó là ai mà mình nói mình thương?

Có một ông đó, ông nói với đứa con trai 12 tuổi của ông: Này con, mai là ngày sinh nhật của con, con muốn gì, nói cho bố biết, bố sẽ mua cho con. Nhưng chàng con trai đó không có hạnh phúc. Nó là con nhà giàu, và ông bố là giám đốc của một công ty rất lớn, muốn gì ông cũng mua cho được hết. Nhưng những quà cáp không làm cho nó hạnh phúc, vì bố nó chưa bao giờ có mặt với nó hết. Bố nó bận rộn quá. Tại vì sao? Tại vì khi mình giàu thì mình không muốn mình không giàu nữa! Đó là bệnh của chúng sanh. Hễ đã giàu rồi thì không thể chấp nhận được chuyện mình không giàu! Mà muốn tiếp tục giàu thì phải đổ hết thì giờ và tâm lực vào việc làm giàu. Vì vậy mà không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ăn, không có thì giờ để nhìn con, nhìn vợ, và cứ đi về như một mũi tên. Nhiều khi ở lại một thành phố lạ đến năm bảy ngày. Không có thì giờ gọi điện thoại về cho vợ, cho con. Thành ra vợ con của ông nhà giàu đó không có hạnh phúc.
Ông có đem tiền về thật, nhưng hạnh phúc đâu phải được làm bằng tiền? Tiền có thể giúp được một phần nào, nhưng hạnh phúc là sự thương yêu, và thương yêu là phải có mặt cho nhau. Ông ta không có thì giờ ăn cơm với con, ngồi chơi với con, nắm tay con đi dạo. Vì vậy mà lúc nghe bố hỏi, cậu bé đã trả lời: Con chỉ muốn bố! Ông ta có thức tỉnh được không thì không thấy nói!

Trong chúng ta có biết bao nhiêu người bị kẹt vào cái thế đó. Cho nên ta phải thực tập. Phải biết nói tội nghiệp quá! Trong quá khứ mình chưa bao giờ có mặt với con mình, có mặt với vợ mình! Chắc là mình phải thay đổi! Ông ta phải thả đi một số bò, để trở lại với vợ, với con, với cuộc sống trong hiện tại.

Trong số những người thiền sinh đến Làng Mai để tu học, có những người đã chứng tỏ khả năng thả bò của họ. Họ thấy cuộc sống của họ không có hạnh phúc, họ đã chạy theo sự thành công về sự nghiệp của họ, mà họ không thật sự sống sâu sắc những giây phút của đời sống của họ. Họ không có thì giờ để thương, để làm hạnh phúc, cho nên khi về lại nhà, họ đã thả những con bò rất bự. Đừng nói rằng sự giác ngộ không có. Nếu không giác ngộ thì làm sao người ta chịu thả những con bò bự như vậy? Nếu nghé mà không thả được thì bò làm sao thả cho được?

Nhiều khi trong phạm vi các thầy, các sư cô, mình nói đùa rằng ngôi chùa của mình cũng là một con bò, vướng vào con bò đó mình không có thì giờ để thở, để đi thiền hành, để ngồi uống trà; để sử dụng con mắt của Bụt, lỗ tai của Bụt, cái mũi của Bụt, hai bàn chân của Bụt.

Những thứ đó đã được thầy trao truyền rồi, nhưng vì "rét", mình không thả được. Thành ra ở Làng Mai, chúng ta phải dùng lỗ tai của thầy trao truyền, phải dùng con mắt của thầy trao truyền, cái mũi của thầy trao truyền, bàn tay của thầy trao truyền, hơi thở của thầy trao truyền. Đó là có hiếu. Cái dòng giống thánh, cái thánh chủng, mà nối tiếp được là do những thứ đó, chứ không phải là do chúng ta làm được ngôi chùa lớn, không phải vì chúng ta làm được những "Phật sự" lớn. Phật sự lớn nhất là có mặt và sống sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày để có thể tỏa chiếu được cái an lạc, cái hạnh phúc. Pháp thân là bài thuyết pháp lớn nhất.

Thành ra nếu người cha đó giác ngộ, thả được những con bò, một hôm nào đó, ngồi xuống bên con, thở và nói: Con ơi! con biết không? Bố thật sự đã ngồi với con, và thật sự anh ta làm được. Tâm anh ta đang không nghĩ đến business. Tâm của anh hiện giờ đang có mặt với con. Trời ơi, mấy ai có đứa con trai dễ thương như vậy? Hai cha con nắm tay nhau, thì chợt nhiên nơi đó trở thành thiên đường, và đứa bé chợt nhiên có hạnh phúc.

Mỗi khi lên Xóm Thượng, tôi đi trên Xóm thượng như đi trên một thiên đường. Những người con của tôi, tôi nắm tay cùng đi rất hạnh phúc. Mỗi khi đi ở Xóm Mới, Xóm Hạ tôi đều thấy như vậy hết. Mình phải có mặt cho nhau. Mình phải có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cách thức hay nhất để đầu tư cho tương lai. Tại vì tương lai chỉ được làm bằng một chất liệu thôi, đó là hiện tại. Làm cho chất liệu của hiện tại có phẩm chất, thì tự nhiên mình có tương lai sáng. Còn lo lắng cách mấy cũng không có tương lai. Tại chất liệu lo lắng, bồn chồn không thể nào làm nên một tương lai đẹp. Chỉ có chất liệu hạnh phúc bây giờ thì mới làm được một tương lai đẹp mà thôi.

Đây là một quá trình rèn luyện và thực tập. Cho nên khi quý vị về Làng Mai, và nghĩ rằng mình chỉ nghe pháp thoại rồi đem về nhà mới thực tập, thì không được. Tại vì Làng Mai là môi trường thuận tiện nhất để thực tập chuyện này. Tức là làm thế nào để nó trở thành một thói quen, rồi đến khi về trú xứ, mình mới thực tập được. Còn nếu trong thời gian ở tại Làng Mai mà mình không làm được những điều này cho thành thói quen, thì khi về thành phố của mình, mình sẽ không làm được. Ở thành phố mình khó làm lắm. Tại vì tất cả mọi người đều chạy, không ai có khả năng an trú. Ít có người biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại.

Do đó nếu quý vị ở được hai tuần hay hai tháng, thì trong thời gian đó mình phải quyết tâm tập cho được nếp sống này để nó trở nên một thói quen tốt, một tập khí tốt. Trong khi tập luyện như vậy, mình có hạnh phúc liền lập tức. Tại vì đó là giáo pháp Hiện pháp Lạc trú. Và cái quê hương đích thực của mình, cái tịnh độ của mình nó nằm ngay tại đó, trong giây phút đó, chứ không phải trong không gian khác, hay trong thời gian khác. Bây giờ hay là sẽ không bao giờ hết. Đó là nguyên tắc của chúng ta.

Nhắc lại câu linh chú thứ nhất: Bố ơi, mẹ ơi, con biết là bố đang có mặt đó, và con rất có hạnh phúc. Quý vị cứ làm đi, nếu làm không thành công thì tôi sẽ bồi thường! Khi tam nghiệp hợp nhất thì chắc chắn thành công, nó tạo ra một sự biến chuyển lớn liền lập tức, hạnh phúc sẽ có liền lập tức. Hãy thực tập với ngôi sao Mai, với trăng Rằm; hãy thực tập với lá sồi, với sư anh, sư chị.

Cũng nhắc lại câu thần chú thứ hai là Mẹ ơi, con đang thật sự có mặt một bên bên mẹ đây. Tại vì tặng phẩm lớn nhất mà mình có thể trao cho người thương của mình là sự có mặt đích thực của mình. Nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Mà có mặt không phải là chuyện dễ. Phải thực tập mới có mặt được. Phải biết nghệ thuật thở chánh niệm, phải có nghệ thuật thả bò, buông bỏ những lo lắng, suy tư, tham vọng, khổ đau, giận hờn thì mới thật sự có mặt cho người mình thương được.

Trong những buổi pháp đàm, chúng ta phải bàn với nhau, phải chia sẽ cho nhau, người này đã làm như thế này, đã thành công như thế kia, người kia chưa thành công được là tại vì kẹt cái này, kẹt cái khác. Chúng ta phải tới với nhau như một tăng thân để chia sẻ kết quả của những thực tập đó. Và chiều hôm đó sau buổi pháp đàm, chúng ta đem ra thực tập liền. Có như vậy thì chúng ta mới xứng đáng với cái hoài vọng, cái trông đợi của Bụt, của tổ và của thầy.

#36 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 13/06/2014 - 15:46

Triết lý sống mỗi ngày nên đọc


Sống và chết

Sống và chết có gì khác nhau? Khi chúng ta được sinh ra đời, người vui mừng không phải là bản thân chúng ta, mà là cha mẹ, người thân cuả chúng ta. Sau khi chúng ta chết, người khóc lóc cũng không phải là bản thân chúng ta, mà là con cái, người thân cuả chúng ta. Chúng ta không vui sướng vì ra đời, vì lúc đó không biết vui sướng; chúng ta không khóc lóc vì chết đi, vì sau khi chết sẽ không còn cảm giác.

Chúng ta không cách gì phát biểu cho cuộc sống, vì khi phát biểu ta đã đưyợc sinh ra rồi, bất luận được sinh ra trong một hoàn cảnh như thế nào, chúng ta đều không có tư cách quyết định; chúng ta cũng không có cách gì rơi lệ cho cái chết vì cho dù có chống trả thì sinh vật nào cũng phải chết.

Chúng ta mở đầu cuộc hành trình bằng tiếng khóc của bản thân, rồi lại kết thúc mạng sống trong tiếng khóc của người thân. Chúng ta rời khỏi cơ thể mẹ mà ra đời, rồi lại rời khỏi thế giới này mà chết đi. Chúng ta được đẩy lên sân khấu cuộc đời, rồi laị bị kéo xuóng. Chúng ta tựa hồ không hề có một quyền lực can thiệp nào vào hai vấn đề lớn nhất của cuộc đời, là sự sống và cái chết..

May mà trong vấn đề này,chúng ta vẫn có thể có một chút hành vi để khiến bản thân sinh ra bình thường,
nhưng có thể chết vĩ đại;


Ra đời trong cơn đau đẻ của một mình người mẹ,nhưng có thể từ bỏ thế gian này trong tiếng khóc đau thương của hàng triệu con người.

Những lời mẹ dạy con gái

Mẹ là người thầy đầu tiên và là người luôn sát cánh, nâng đỡ mọi khó khăn của cuộc sống. Những lời mẹ dạy về cuộc đời, tình yêu … cho con là những gì mẹ rút ra từ chính cuộc đời mẹ.

1. Về cuộc sống

- Con sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì, dù là nhỏ nhất, nếu lúc nào cũng chỉ ngồi im một chỗ.
- Biết trân trọng và đánh giá cao mọi niềm vui, dù là nhỏ nhặt nhất, trong cuộc sống. Đừng lúc nào cũng than vãn và mơ mộng về những thứ mà mình không thể có. Hạnh phúc là biết ước muốn vừa đủ.
- Những người khác có thể lấy đi của con nhiều thứ, ngoại trừ học vấn mà con đã dày công có được.


2. Về tình yêu

- Một người đàn ông đã yêu con thật lòng, anh ta sẽ tìm cách liên lạc lại với con cho dù con có hay không mong đợi điều đó.
- Con chỉ có thể làm thay đổi người đàn ông con yêu nếu anh ta thật tình cũng muốn thay đổi.
- Đừng bao giờ có tư tưởng kỳ vọng thái quá hoặc hoàn toàn ỷ lại vào sự chở che, giúp đỡ của bất kỳ người đàn ông nào, cho dù đó là chồng con. Người phụ nữ tài năng và hiện đại phải biết tự mình đi trên đôi chân của mình.
- Không nên chung sống một cách vội vàng với bất kỳ người đàn ông nào, bởi có thể anh ta không xứng đáng với tình yêu của con.
- Trong hai người đàn ông: một con có thể sống chung và một con không thể sống thiếu (anh ta), hãy chọn kết hôn với người đàn ông thứ hai.


3. Về hôn nhân gia đình

- Đừng quá cố chấp hoặc lúc nào cũng cằn nhằn những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hôn nhân. Hãy biết tôn trọng và tin yêu lẫn nhau.
- Để có hạnh phúc với một người đàn ông, con phải biết “kết hôn” với cả cha mẹ và những người thân trong gia đình anh ta.
- Đừng bao giờ phục vụ, chiều chuộng chồng như một người đầy tớ chỉ biết lắng nghe; nếu không, con không những sẽ đánh mất lòng tự trọng và bãn lĩnh của một người vợ hiện đại mà con có nguy cơ đánh mất luôn cả hạnh phúc gia đình.


4. Về vai trò làm mẹ

- Hãy luôn là người bảo vệ, chở che và chăm sóc con cái nhiều và tốt nhất.
- Thái độ thiên vị của người mẹ sẽ làm méo mó sự phát triển nhân cách của các con (cả đứa được thiên vị lẫn đứa không được thiên vị)
- Nếu muốn con tốt nhất thì phải biết sống mẫu mực.
- Tình thuơng đích thực của người mẹ là tình thương vô điều kiện đối với các con.


5. Về nội trợ

- Công việc nội trợ tuy không còn là gánh nặng của người phụ nữ hiện đại nhưng là một nghệ thuật sống và giữ gìn hạnh phúc.
- Đối với người đàn ông biết yêu thương vợ, bữa cơm gia đình thân mật và ngon miệng bao giờ cũng có giá trị hơn những bữa tiệc sang trọng chiêu đãi ở nhà hàng.


6. Về chuyện làm đẹp

- Hãy biết làm đẹp mỗi ngày vì chẳng người đàn ông nào là không thích vợ (người yêu) của mình quyến rũ.
- Nghệ thuật trang điểm là biết cách tôn vinh những nét đẹp vốn có của mình một cách tự nhiên chứ không phải là cố tình thoa son trát phấn một cách lố bịch và kệch cỡm.
- Vẽ đẹp đích thực nằm trong sự giản gị, tự nhiên và có phong cách.


Ảo tưởng, lý tưởng và hoài cảm

Trẻ con nhìn ngắm các vì sao, nói đó là những chiếc đèn lồng nhỏ lấp lánh, đưa tay ra có thể gỡ xuống.

Thanh niên nhìn ngắm các vì sao, nói đó là hàng tỉ tinh cầu, một ngày nào đó sẽ được con người chinh phục.

Người già nhìn ngắm các vì sao, nói đó là kiệt tác của Thượng Đế, vũ trụ huyền bí không thể nhìn thấu.

Trẻ con nhiều ảo tưởng
Thanh niên nhiều lý tưởng
Người già nhiều hoài cảm.
Người vô tri thường ảo tưởng;
Người khỏe mạnh thường lý tưởng;
Người suy thoái thường hoài cảm.
Ảo tưởng, lý tưởng, hoài cảm đại biểu cho ba giai đoạn của cuộc sống con người.


Đánh golf

Khi đánh golf, tuy cú gậy đầu và cú gậy cuối đều là một gậy, nhưng độ mạnh yếu và kỹ xảo lại khác nhau rất xa. Cú gậy đầu thường phải dùng lực mạnh nhất mới có thể đánh bóng được cao, bay được xa; còn cú gậy cuối thì thường phải dùng lực khá nhẹ thì mới có thể đánh được chính xác, lọt được vào lỗ. Nếu chỉ dùng một cách đánh thì chắc chắn sẽ không thành công.

Không chỉ đánh golf, mà làm bất cứ việc gì cũng chẳng phải như vậy hay sao ?

Cần phải có thể phách khỏe mạnh nhưng cũng cần phải có suy nghĩ kỹ càng, chặt chẽ; có can đảm đặt giả thiết thì càng phải có chứng thực cẩn thận. Nếu chỉ có sự thô bạo mà không có sự tinh tế; chỉ có vũ dũng mà không có mưu lược; hay chỉ có sự mềm mỏng mà thiếu đi sự hùng hồn; chỉ có khôn vặt mà không có khí phách lớn thì rất khó thành công.

Chiếc thuyền buồm nhỏ

Tôi là một chiếc thuyền buồm nhỏ vui vẻ, nhưng tôi không thích nghe câu chúc phúc “Thuận buồm xuôi gió”, vì tôi biết trên thế giới này có gió thuận thì có gió nghịch, có thuận cảnh thì có nghịch cảnh. Mà tôi thì xưa nay không bao giờ sợ gió ngược, vì tôi biết cách trương buồm như thế nào, giữ bánh lái như thế nào để tôi vẫn có thể di chuyển tới trước với góc bốn mươi lăm độ trong gió ngược.

Đương nhiên tôi còn biết: buồm càng lớn thì càng dễ dàng lướt gió rẽ sóng; gió càng lớn thì càng thổi buồm mạnh. Nhưng tôi còn hiểu rõ hơn: chiếc thuyền nho nhỏ không thể dùng buồm quá lớn, gió quá lớn sẽ làm lật thuyền của tôi.

Chính vì tôi biết kiềm chế ham muốn của bản thân và biết nắm vững hoàn cảnh xung quanh; chính vì tôi biết sáng tạo thuận cảnh trong nghịch cảnh, vậy tôi có thể trở thành một chiếc thuyền buồm nho nhỏ thành công, vui vẻ.

Những điều nghịch lý

Chúng ta xây dựng xa lộ rộng lớn nhưng chúng ta nhìn nhau bằng con mắt hẹp hòi.

Chúng ta mua nhiều đồ hơn nhưng sử dụng chúng ít hơn.

Những ngôi nhà ngày càng to hơn nhưng gia đình ngày một thu nhỏ lại. Nhà đẹp nhiều hơn, gia đình yên ấm ít hơn.

Chúng ta có nhiều tiện nghi nhưng có ít thời gian dành cho nhau.

Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn trước nhưng trí khôn kém đi, biết nhiều hơn nhưng óc phán xét suy giảm.

Chúng ta tích cóp của cải nhưng đồng thời làm rơi vụng những giá trị của con người. Với nhiều người, thu nhập đi lên, đạo đức đi xuống.

Chúng ta nói quá nhiều, nghe quá ít.

Chúng ta đang cố học cánh kiếm sống chứ không học cách sống. Chúng ta kéo dài được tuổi thọ nhưng cuộc sống vẫn ngắn ngủi.

Chúng ta vượt được vạn dặm để lên tới mặt trăng và trở về, nhưng không ít người cả đời không bước qua nổi bức giậu sang thăm người hàng xóm. Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng bất lực với chính mình.

Chúng ta xây dựng những công trình lớn nhưng chưa chắc đã là công trình tốt.

Chúng ta cố gắng làm sạch không khí trong lúc tự là ô nhiễm tâm hồn bản thân.

Chúng ta viết nhiều nhưng đọc ít. Chúng ta học cách hối hả nhưng không học được cách đợi chờ.

Chúng ta chế được những máy tính công xuất lớn và tốc độ nhanh đễ lưu trữ và xử lý thông tin trong vài phần tỷ của cái nháy mắt nhưng các dân tộc vẫn không hiểu nhau.

Chúng ta chia nhỏ được các nguyên tử nhưng bất lực trước thói quen định kiến.

Chúng ta có nhiều thứ để giải trí nhưng ngày càng ít được thư thả.

Nguồn: doanhnhan.edu.vn

Sửa bởi Búp Sen: 13/06/2014 - 15:51


Thanked by 1 Member:

#37 Búp Sen

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 644 Bài viết:
  • 1099 thanks

Gửi vào 30/06/2014 - 16:22

Lời chia sẻ trước khi ra đi của một bác sĩ bị ung thư


'Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ đã đem hạnh phúc đến cho tôi, khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui'.


Vi Tâm

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Bác sĩ Richard Teo Keng Siang.
Richard Teo Keng Siang, sinh năm 1972, là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, rất ham sống, ham làm việc và... ham làm giàu. Năm 40 tuổi, anh đã thành một nhà triệu phú. Một ngày, anh khám phá ra mình bị ung thư phổi đã tới thời kỳ 4. Buổi nói chuyện này diễn ra ngày 19/1/2012, 8 tháng sau khi anh biết mình đã bị ung thư.

Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh khi đưa lên mạng đã gây một xúc động rất lớn. Trang lưu niệm về anh có tới 4100 likes FB, 313 tweets, 175 shares, 122 G+.

“Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của mình và rất hài lòng khi được các giáo sư mời đến đây. Hy vọng sẽ giúp các em cách suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành để trở thành nha sĩ giải phẫu cũng như suy nghĩ về những việc chung quanh.

Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.

Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lĩnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi rất ganh đua. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS (National University of Singapore - ĐH Quốc gia Singapore) phát triển tia laser để chữa bệnh mắt.

Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi học hoàn tất, tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, vài năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Vì vậy, tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.

Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả 20 đôla Mỹ cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả 10 nghìn đôla Mỹ để hút mỡ bụng, 15 nghìn đôla Mỹ cho sửa ngực... Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Tại sao lại muốn thành bác sĩ tổng quát mà không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bệnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp.

Công việc làm ăn rất khấm khá. Bệnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, hai tháng, đến ba tháng. Quá nhiều bệnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi mướn một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Nam Dương, thu hút các “tai-tais” (tiếng dùng để chỉ các bà mệnh phụ nhiều tiền không đi làm) những người muốn có cuộc giải phẫu trong chớp mắt. Cuộc sống thật lên hương.

Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Malaysia và đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó. Với mớ tiền mặt, tôi sắm chiếc Ferrari. Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430. Một người bạn học cũ của tôi làm ngân hàng. Anh ta mua chiếc màu đỏ mà anh mong muốn từ lâu. Tôi sắm chiếc màu bạc.

Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Đến lúc mua nhà, xây cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.

Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng ba năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động manh. Tôi đi đến SGH (Singapore General Hospital: Bệnh viện chính của Singapore) và nhờ bạn học làm MRI (phương pháp tối tân soi chụp hình bộ phận trong người để chẩn bệnh) để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao? Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật. Tôi gần như muốn thốt lên: “Anh nói thiệt sao?” tôi đang sắp sửa chạy đi tập thể dục.

Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn - bao gồm cả PET scans, và họ tìm thấy tôi đang ở thời kỳ thứ 4 của ung thư phổi. Tôi nghĩ: “Từ đâu mà ra thế này?”. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng kế đó, tôi mất tất cả.

Đây là bản chụp của phổi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và thật sự, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3, 4 tháng tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát, dĩ nhiên rồi, làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng, tưởng rằng mình đã có mọi thứ trước đây.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được - sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Đây thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi. Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không, tôi đã chẳng cảm thấy vui khi nghĩ đến.

Các em có biết, Tết sắp đến. Trước đây, tôi thường làm gì? À, thì tôi thường lái chiếc xe hào nhoáng của mình một vòng, thăm viếng họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui, thật sự vui. Nhưng các em có nghĩ họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật kiếm sống có thể chia sẻ niềm vui cùng tôi khi thấy tôi khoe khoang chiếc xe bóng loáng? Chắc chắn là không. Họ sống khó khăn, đi xe công cộng. Thật sự những gì tôi làm chỉ khiến họ thêm ganh ghét, thậm chí có khi thành thù hận.

Những thứ này chúng ta gọi là đối tượng của sự ganh tị. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, cho người thân như tôi tưởng.

Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô ta tên là Jennifer. Chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau. Khi chúng tôi thả bộ, nếu cô ta thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm như thế? Tại sao phải để bẩn tay? Chỉ là một con ốc sên. Sự thật là cô ấy đã thấy được nguy cơ con ốc có thể bị đạp nát chết. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?

Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bệnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau, và họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bệnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng bệnh nhân có “thật” đối với tôi không? Không. Tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình.

Sự đau đớn, chịu đựng của bệnh nhân có “thật” không? Không. Dĩ nhiên là tôi biết tất cả các từ ngữ chuyên môn để mô tả về sự đớn đau mà họ phải trải qua, nhưng thật sự tôi không hề “cảm” được cho đến khi tôi trở thành bệnh nhân. Mãi đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu được cảm giác của họ. Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ trả lời các em là "Có". Vì bây giờ tôi thật sự hiểu được họ. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này.

Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều. Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.

Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.

Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bệnh, đôi khi chúng ta khuyên bệnh nhân chữa trị bệnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.

Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.

Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, “đối thủ” của chúng tôi và không hề thấy khó chịu. Nếu hạ thấp được họ xuống để nâng mình lên, chúng tôi làm. Điều đó đang xảy ra trong ngành y và ở mọi nơi. Tôi thử thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.

Điều thứ nhì, về số lượng bệnh nhân, dù ở bệnh viên công hay tư. Tôi có thể kể cho các em nghe, khi tôi làm trong bệnh viện, với tập hồ sơ bệnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong càng nhanh, càng tốt. Tôi chỉ muốn họ ra khỏi phòng khám bệnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì có quá nhiều bệnh nhân. Thực tế là vậy. Đây chỉ là một công việc, một công việc thường nhật. Lúc đó, tôi có thật sự biết về cảm xúc của bệnh nhân của tôi như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu điều gì họ đang trải qua không? Không, mãi cho đến khi sự cố xảy ra với tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một lỗi lầm lớn nhất trong xã hội của chúng ta.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bệnh nhân. Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bệnh nhân.

Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ mà các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa.

Cảm giác khủng khiếp! Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bệnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi! Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bệnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất...

Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ. Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.

Tôi sẽ ngưng với lời sau, trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”. Có lẽ một số các em đã đọc cuốn này. Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập tung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua trông thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt.

Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học này.

Nguồn: ngoisao.net

Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

4 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 4 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |