Gửi vào 19/11/2013 - 10:29
Trích comment về Khoa học, Triết học và Tôn giáo ...
Ý kiến thứ 1 của bạn nói rằng mục đích của tất cả các nhà tư tưởng (không phân biệt là nhà khoa học hay triết gia, tôn giáo..) là mô tả thật chính xác chân lý của tự nhiên.
Theo tôi, ý kiến ấy không đúng, vì 3 dạng nhận thức đó có thể có liên quan đến nhau, thậm chí có lúc giao thoa với nhau, nhưng mục đích không giống nhau:
- Khoa học có mục đích khám phá ra chân lý vận hành của tự nhiên, như một bức ảnh chụp tự nhiên. Thí dụ: Khoa học quan tâm tới mối quan hệ tương tác vật chất trong tự nhiên, chẳng hạn công thức E = mc2 , rồi áp dụng làm bom nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
- Triết học có mục đích tìm kiếm quy luật khái quát của sự vận hành đó, thậm chí ý nghĩa của sự vận hành đó, ý nghĩa của bức ảnh chụp đó. Thí dụ: Bản chất của toán học là gì? Bản chất của nhận thức là gì? Bản chất của giáo dục là gì? Vì người ta ít để ý tới những câu hỏi này nên người ta thường phạm sai lầm trong định hướng nghiên cứu và giảng dạy khoa học. Một người giỏi toán (giỏi khoa học) có thể phạm sai lầm lớn trong giảng dạy toán học vì anh ta không biết bản chất của toán học là gì. Khoa học không quan tâm tới ý nghĩa của cái mà nó khám phá ra, vì thế có rất nhiều ứng dụng khoa học chống lại nhân loại, điển hình là bom hạt nhân,…
- Tôn giáo, nếu nó quan tâm tới tự nhiên thì cũng chỉ sử dụng những hiểu biết tự nhiên ấy để khẳng định công trình sáng tạo vĩ đại của Đấng Sáng tạo. Tôn giáo còn có mục đích giúp con người thoát khỏi “bể khổ” (Phật giáo), sống hòa hợp với tự nhiên (Lão giáo), sống hòa hợp yêu thương đồng loại (Thiên Chúa giáo), và trên hết, sống khiêm tốn và tôn thờ Thượng đế (nhiều tôn giáo lớn). Khoa học thường làm con người tự tin, tự phụ, bất chấp. Tôn giáo nhắc nhở con người biết mình tầm thường, bé nhỏ, biết kính sợ, biết tu thân. Khoa học không chịu trách nhiệm về đạo đức. Tôn giáo giúp con người sống đạo đức. Vì tôn giáo có mục đích khác hẳn khoa học: Phật giáo dạy con người tu luyện đạo đức để thăng tiến sau mỗi vòng luân hồi, Thiên Chúa giáo dạy con người phải biết sám hỗi với tội lỗi để trước sau cũng sẽ phải trình diện trước Chúa.
Nói một cách dễ hiểu: nếu khoa học giúp ích cho con người thì chỉ giúp ích được phần xác (phần thể chất), còn tôn giáo chăm sóc con người phần tinh thần, tâm linh. Triết học là cái ở giữa. Có lúc triết học chìa tay ra với khoa học. Có lúc chìa tay ra với tôn giáo. Khoa học rất giá trị, nhưng nếu chỉ có khoa học mà không có tôn giáo, con người có nguy cơ đánh mất phần hồn. Đó chính là nguy cơ trong xã hội hiện đại.
----------
PS: Mệnh lý phương Đông dường như "góp mặt" trong cả 3 lĩnh vực trên, Khoa học, Triết học và Tôn giáo, nhưng theo tôi, phần chính là ở Triết học.