Gửi vào 01/05/2014 - 01:47
Huỳnh Văn Lang tác giả hồi ký Cờ Bạc (sách xuất bản 1998)
Cụ Huỳnh là 1 nhân vật có tiếng trong giới cờ bạc liên quan đến đá gà của miền Nam trước 1975.
Ông biết xem tướng gà và áp dụng ngũ hành để hầu như tranh thắng với các tay khác không biết dụng thuật bói này .
Trong sách Cờ Bạc, ông có viết về Đặng Trần Cầm (người mà HC xem là sư phụ vì từng chỉ dẫn tôi khoảng những năm 2002-2003, từng "đả bại" danh thủ số 1 mà HC nhắc tới khi 2 người cùng toán việc làm của anh chàng vốn là đệ tử của VDTTL).
(trích từ mạng Internet)
Thế nhưng, gần đây nhân lúc đọc được quyển "Cờ Bạc" của Huỳnh Văn Lang do Nhà văn nghệ Tổng Phát Hành xuất bản vào năm 1998, người viết tự nhiên thấy những "cái đinh" kể ra trong quyển Cờ Bạc, nhất là những chương về nghệ thuật đá gà khả dĩ có thể dùng để giải thích những hiện tượng tréo cẳng ngỗng trong các phần đấu võ trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Theo tác giả Huỳnh Văn Lang (HVL) trong suốt "sự nghiệp" đá gà ăn tiền của ông kéo dài hàng chục năm sau khi rời chiếc ghế Tổng giám đốc Viện Hối đoái VNCH, ông đã kiếm tiền khá bộn trong việc nuôi gà đá và đá gà nhờ ở việc áp dụng thuyết Ngũ hành của triết lý Trung Quốc. Tác giả kể lại một ngày nào đó năm xưa ông được một người bạn tặng cho một quyển sách cũ viết về nghệ thuật đá gà áp dụng theo thuyết Âm Dương Ngũ hành do chính đức Tả quân Lê Văn Duyệt viết. Xin tạm trích một đoạn quan trọng của quyển Cờ Bạc:
"Theo Tả quân, ...con gà cũng như con người, cùng vạn vật đã sinh ra trong vũ trụ thì tất nhiên bị vũ trụ bao vây và chi phối, mà vũ trụ cùng vạn vật lại do định luật âm dương ngũ hành chi phối, vì tất cả đều do âm dương ngũ hành mà ra... Suy luận như vậy, Tả quân đã dùng luật Ngũ hành làm tiêu chuẩn căn bản cho môn chọi gà nòi của Ngài và còn để lại cho hậu thế những bài học nghệ thuật vừa cao siêu vừa hiệu nghiệm. Theo lời Ngài dạy:
Từ thuở khai nguyên vũ trụ thì có Hoả, Hoả tự thiêu để sinh ra Thổ, Thổ sinh ra Kim, Kim sinh ra Thủy, Thủy sinh ra Mộc, để rồi Mộc lại sinh ra Hoả, làm thành một chu kỳ tương sinh của Ngũ hành. Ðộng lực để vạn vật phát triển là SINH và KHẮC. Sinh là tạo, là dưỡng. Khắc là diệt, là trừ: Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Mộc Khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, để rồi Thủy khắc Hoả lại - thành một chu kỳ tương Khắc của Ngũ hành."
Tác giả thuật tiếp cách phân biệt Ngũ hành qua màu sắc của con gà và những phức tạp gặp phải khi con gà mang nhiều màu sắc khác nhau. Lông màu gì pha với màu gì, mồng gà màu gì và chân cẳng vảy vi mang màu gì. Sau khi đã minh định được màu sắc chính của con gà người chọi gà có thể xác nhận gà thuộc mạng nào, Kim hay Mộc, hay Thủy, hay Hoả hoặc Thổ, và đem nó đi so với gà sắp sửa phải đấu. Nếu gà mình mạng Hoả và gà đối phương thuộc mạng Kim - Hoả khắc Kim - gà bên mình rất có nhiều cơ hội để thắng. Và tác giả HVL đã xác nhận qua hằng trăm trận đấu gà từ năm 1969 cho đến đầu năm 1975 - cũng như Tả quân Lê Văn Duyệt trước khi viết quyển sách bí truyền đó, đã trải qua kinh nghiệm cở 400 độ đấu gà - luật Ngũ hành gần như có hiệu nghiệm gần đến 80-90 phần trăm. Theo khoa học, định luật Ngũ hành có vẻ rất có lý đó khi được áp dụng vào các vụ đấu gà được gọi định luật empirical (định luật thống kê). Ðịnh luật empirical rất nhiều khi vẫn có giá trị tương đương với những định luật thuần lý. Thí dụ về định luật thuần lý là luật vật lý về đun nước sôi. Ðịnh luật thuần lý luôn luôn đúng và đúng ở mọi chỗ, nói rằng khi ta đun nước nóng đến 100 độ, nước sẽ sôi và sôi ùng ục. Ðịnh luật thống kê có thể được thí dụ bằng một cuộc tổng tuyển cử lựa chọn chính quyền tại một nước dân chủ. Ðịnh luật sẽ nói rằng khi chính phủ đang cầm quyền làm mất lòng dân bằng những thất bại trong các chính sách kinh tế, y tế, và giáo dục, v.v. chính phủ đó sẽ bị thất cử dễ dàng. Ðó là luật thống kê, thường thường đúng nhưng không chính xác đến 100 phần trăm.
Thuyết Âm Dương - Ngũ hành ra đời vào khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc, cùng một lúc với Kinh Dịch, do ở một nhà "thông thái" tên Trâu Diễn (1) đã hệ thống hoá nó cho được mạch lạc. Ngũ hành cũng được áp dụng trong nghệ thuật Phong Thủy (Feng Shui) xem nhà xem hướng, rất phổ thông hiện nay trên toàn cầu. Tóm tắt Ngũ hành gồm có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, năm nguyên tố căn bản của vũ trụ. (Ở điểm này một vài học giả Tây Phương cho rằng Ngũ hành chịu nhiều ảnh hưởng của phái Zoroastre (2) của Ba Tư).
+ Kim tức kim loại, biểu tượng bằng màu Trắng, và theo Phong Thuỷ chỉ hướng TÂY (muốn dễ nhớ, nhớ người Âu Tây da trắng). Kim khắc Mộc, Kim có thể diệt được Mộc (nhớ cưa sắt cưa được gỗ), nhưng giúp được Thủy;
+ Mộc là gỗ, mang màu Xanh, đứng về hướng ÐÔNG. Mộc trị hay khắc Thổ (đóng cây vào đất - cây mọc từ đất mọc lên), nhưng giúp được Hoả (nhớ lửa cháy thường nhờ cây nhờ gỗ, giấy làm cháy lửa cũng do gỗ làm ra);
+ Thủy là Nước - biểu tượng màu Ðen, đi về hướng BẮC. Thủy trị Hoả (tất nhiên, nước dùng để chữa lửa) và hổ tương cho Mộc (cây cần nước để sống);
+ Hoả là Lửa - mang màu Ðỏ, biểu hiệu bằng hướng NAM. Hoả khắc Kim (nhớ lò luyện kim cần có lửa) và giúp được Thổ;
+ Thổ là Ðất - mang màu Vàng, đại diện bằng Miền Chính Giữa - TRUNG TÂM. Thổ khắc Thủy (nước thẩm thấu vào lòng đất hay đập đất ngăn được nước chảy) và tương thân với Kim.
Tóm tắt có hai chu kỳ ngũ hành:
+ Chu kỳ SINH: Kim sinh Thủy, Thủy sinh ra Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả tự thiêu sinh ra Thổ, Thổ sinh Kim.
+ Chu kỳ KHẮC: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, và Hoả lại khắc Kim.
(Hiểu kĩ như vậy ta hãy trở lại quyển Cờ Bạc của HVL trước khi đọc lại Kim Dung. Sau khi đọc được quyển sách bí truyền của Tả quân Lê Văn Duyệt, tác giả HVL đã cố gắng áp dụng thuyết ngũ hành theo sách Tả quân đi đá gà ăn tiền. Sau đó không lâu ông lại được cơ hội quen biết với một "ông già gân" chuyên nghề dạy võ gốc người Quảng Ngãi vào Nam sinh sống lâu năm, mang tên Tám Long. Chính ông tám Long khuyên tác giả nếu muốn thấu triệt thuyết ngũ hành hãy đọc lại các pho truyện tàu xưa như Ngũ Hổ, Tiết Nhơn Quí, Tiết Ðinh San, Võ Tắc Thiên, v.v.... sẽ thấy trong hầu hết các truyện tàu thuyết ngũ hành luôn luôn được ứng dụng triệt để. Các nhân vật chính trong các truyện tàu đều được mô tả qua màu sắc, điển hình trong truyện Thuyết Ðường thuật chuyện các người anh hùng lo chuyện lật đổ nhà Tùy để lập nên nhà Ðường với vị vua đầu tiên là Lí Thế Dân. Qua truyện đó, người đọc có thể để ý các hổ tướng được mô tả rõ rệt qua màu sắc và mạng lý theo Ngũ hành. Thí dụ, như Trình Giảo Kim mặt đỏ râu vàng, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi - đặc biệt có hai mạng: khi trên ngựa mạng Hoả (mặt đỏ) và khi xuống ngựa, mạng Thổ (râu vàng); như La Thành, mặt trắng, mình ưa mặc bạch bào đoản giáp trắng, hay dùng cây Bát cổn Ngân thương bạc, cỡi ngựa Kim Thiên Lý Câu: đúng thật mạng Kim; như Ðơn Hùng Tín, mặt xanh, chuyên mặc giáp xanh, hay dùng chiếc Kim đính Ðông dương sóc, cưỡi con ngựa Thanh tông mã, rõ ràng mang mạng Mộc; Tần Thúc Bảo lại khác, mặt vàng, áo giáp bằng đồng vàng, hay dùng đôi giản đồng và cưỡi ngựa có lông vàng như tơ, đích thị mạng Thổ; và Uất Trì Cung gốc thợ rèn, mặt đen, mặc thiết giáp bằng đồng đen, ra trận dùng ngựa ô tuyền, đúng là mạng Thủy. Quyển Cờ Bạc đưa một vài thí dụ chứng minh rằng các tác giả người Trung Quốc xưa và nay lúc nào cũng áp dụng thuyết ngũ hành (mạng này khắc mạng kia) trong các trận đánh với nhau. Khuôn khổ bài này có hạn nên chỉ xin trích lại một đoạn tả trận chiến giữa tướng Dương Lâm của nhà Tùy đấu với bên nhà Ðường. Bên nhà Tùy ngoài tướng Dương Lâm còn có Thập Nhị Thái bảo lập ra trận Nhất tự trường xà - toàn treo cờ xanh (mạng Mộc). Bên Ðường có Trình Giảo Kim và Tần Thúc Bảo - cả hai mang mạng Hoả và Thổ - đánh hoài nhưng không sao phá nổi trận. Sau nhờ có La Thành - mang mạng Kim - chỉ đấu với tướng Dương Lâm có 10 hiệp, đâm Dương Lâm một thương ngay tại mông, phá tan trận và thu được hơn hai vạn hàng binh của nhà Tùy. Kim khắc Mộc là như vậy. Tóm lại khi đọc truyện Tàu ta nên để ý trước bổn mạng của các nhân vật rồi sẽ xem họ đấm đá đấu chưởng với nhau ra làm sao. Hằng trăm trận ăn thua hay sống chết với nhau thường dựa sát vào những tương sinh tương khắc của luật Ngũ hành mà thôi. Thí dụ một cao thủ võ lâm mặt đỏ, cỡi ngựa màu đỏ (xích thố), mang kiếm giáp màu đỏ (mạng Hoả) chạy ngựa hay phi thân xuống núi đánh với một nhân vật võ lâm khác, cho dù đó là một bà lão mặt đen mặc quần áo màu đen (mạng Thủy), người đọc sành điệu luật Ngũ hành có thể đoán được rằng tác giả sẽ cho cao thủ từ trên núi xuống kia thế nào cũng sẽ bị thua chạy dài, nếu không bị chém đứt đầu thì cũng bị thương nặng tàn phế võ công!!! (3)
Tác giả của bài viết trên không nhắc đến đoạn ông Huỳnh Văn Lang một hôm đi cùng với bác D T Cầm xuống 1 tỉnh miền Nam để đá gà . Vào trận thì ông Huỳnh không hên thua nhiều, trong khi ông Cầm nằm võng nhìn trời cùng mây nước . Sau đó ông Cầm tính giờ hên để cho ông Huỳnh gỡ lại số tiền đã thua .
Người mà tính được tới giờ giúp cho chuyên gia dùng ngũ hành để quyết thắng trong đấu trường gà chọi, không phải là chuyện bình thường . Tôi đã thọ giáo từ cụ qua các vấn nạn, sau này vô duyên không có dịp học hỏi từ cụ được nữa, quả tiếc, cũng vì chút hiểu lầm mà tôi phải xa lìa cụ, và cụ nhắn đệ tử của VDTTL rằng, "Bảo ông L gì đó gọi cho tôi !" vậy mà tôi K gọi cho cụ nữa !