1. Từ Bát Quái Đồ:
Bát Quái Đồ được hình thành từ những đơn quái (quẻ) bao gồm: Càn, Đoài, Ly, Tốn, Chấn, Khảm, Cấn, Khôn. Mỗi đơn quái bao gồm ba vạch. Tùy theo trật tự âm dương mà hình thành một quái tượng trưng cho các hiện tượng thiên nhiên.
Trong đơn quái, luận về tam tài thì mỗi một tài là một vạch. Vạch dưới cùng là tài Địa, vạch ở vị trí giữa là tài Nhân và vạch ở vị trí cao nhất là tài Thiên. Vì rằng mỗi tài là 1 vạch nên thể hiện một sự nhất quán. Tam tài nhất quán nên quái có tính thống nhất.
Luận về Trung Chính, việc xét hào có Trung, Chính hay không cũng khá đơn giản. Hào Trung chỉ một hào ở vị trí giữa, nên biết được quái Trung hay không thực là không khó. Hào Chính hay không cũng chỉ 2 hào còn lại.
Tám quái đơn này lại được xếp đặt theo 2 cách khác nhau để hình thành nên Bát Quái Tiên Thiên Đồ và Bát Quái Hậu Thiên Đồ.
Với Bát Quái Tiên Thiên Đồ, tám quái được sắp theo một quy luật âm dương tiêu trưởng. Sự vận hành của tám đơn quái trong Bát Quái Tiên Thiên theo trật tự từ Càn đến Khôn: Càn, Đoài, Ly, Tốn, Chấn, Khảm, Cấn, Khôn. Bát Quái Tiên Thiên có trật tự như thế là cách giải thích về vũ trụ tự nhiên cũng như sự biến hóa trong đạo tự nhiên. Như hai quẻ Càn và Khôn nằm trên và dưới, phân định rõ ràng như hình ảnh trời và đất của thiên nhiên. Giữa khoảng trời và đất là các yếu tố tự nhiên khác làm thành một hệ thống luân chuyển năng lực vũ trụ: đầm trạch, lửa, gió, sấm sét, nước, núi non.
Với Bát Quái Hậu Thiên Đồ, tám quái được sắp theo nguyên tắc khác với Bát Quái Tiên Thiên Đồ. Sự vận hành của tám đơn quái trong Bát Quái Hậu Thiên theo một trật tự rất khác từ Càn đến Đoài: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Trật tự đó nếu nhìn trên Bát Quái Dịch Đồ sẽ tạo nên một đường tròn khép kín. Có thể thấy, Bát Quái Hậu Thiên phản ánh một chu trình liên tục trong đạo tự nhiên. Trong đó, phải kể đến hai quẻ Ly và Khảm đã thay hai quẻ Càn-Khôn ở trục chính của Bát Quái Đồ. Trong phương cách tu luyện người tín đồ Cao Đài, thì phương ngôn “chiết Khảm điền Ly” là chủ đạo. Nếu căn cứ trên Dịch lý, thì nếu thực hành “chiết Khảm”, tức lấy “chất dương” của Khảm, để bổ sung cho “chất âm” của Ly thì Càn Khôn lại phân định rõ rệt như trong Bát Quái Tiên Thiên, tức là trở lại cái ban đầu, căn nguyên vậy.
H1. Đồ hình Bát Quái
Như vậy, thông qua hai đồ hình Bát Quái, tạm nhận định các ý nghĩa như sau:- Bát Quái Đồ phản ánh khái quát quy luật vận động của đạo tự nhiên, vũ trụ.
- Bát Quái Đồ phản ánh quy luật cao nhất và căn cơ của con người – đạo pháp
- Bát Quái Đồ là hình ảnh lý tưởng và là sự hoàn hảo của đạo tự nhiên, vũ trụ. Gọi là lý tưởng vì là Bát Quái Đồ tượng trưng cho những quy luật cao nhất, bất biến trong vũ trụ và đạo tự nhiên.
- Từ đó, có thể xem Bát Quái Đồ là tiềm thể trong mối liên hệ triết lý với Lục Thập Tứ Quái Đồ.
Lục Thập Tứ Quái Đồ được hình thành nhờ vào 64 quái (quẻ). Sáu mươi bốn quẻ này có được là nhờ vào sự kết hợp của các quẻ đơn với nhau mà thành.
Trong Trùng quái (quẻ kép), luận về Tam Tài thì mỗi tài lúc này là hai vạch. Tài Địa là hào 1 và hào 2, tài Nhân là hào 3, hào 4 cuối cùng tài Thiên là hào 5, hào 6. Mỗi tài 2 hào, mỗi hào hai thể hoặc âm hoặc dương. Như vậy nếu so với Tam Tài trong đơn quái thì, tam tài trong trùng quái phức tạp hơn. Qua đó, cho thấy lý tam tài trong trùng quái sẽ linh hoạt thay đổi đa dạng hơn lý tam tài trong đơn quái.
Luận về Trung-Chính, do gồm hai đơn quái mà thành, nên trong trùng quái mỗi quẻ xét tính Trung-Chính có phần khó hơn. Do vậy, có thể nói luận về Trung-Chính trong trùng quái phức tạp hơn so với luận về Trung-Chính trong đơn quái.
Bên cạnh đó, riêng với trùng quái, còn có khái niệm nội quái và ngoại quái. Nội quái là một đơn quái nằm bên dưới của ngoại quái. Ngoại quái là một đơn quái khác nằm bên trên nội quái. Cả nội quái hay ngoại quái đều là thành tố trong một chỉnh thể và có những ảnh hưởng, tác động lẫn nhau để dẫn đến tính chất của một quẻ. Ví dụ như quẻ Thủy Hỏa Ký Tế (gọi tắt là quẻ Ký Tế). Trong quẻ Ký Tế, ngoại quái là Khảm (nước), nội quái là Ly (hỏa). Nước chảy xuống, lửa bốc lên hiệp nhau làm thành việc. Do đó quẻ được gọi là Ký Tế nghĩa là đã thành, đã xong.
Sáu mươi bốn trùng quái này cũng có 2 sự kết hợp theo 2 trình tự khác nhau mà tạo nên Lục Thập Tứ Quái Đồ theo đức Phục Hy, gọi là Phụ Hy Lục Thập Tứ Quái Đồ và Lục Thập Tứ Quái Đồ theo đức Văn Vương, gọi là Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ.
Nếu Bát Quái Đồ là hình đồ phản ánh quy luật vận động của đạo tự nhiên thì Lục Thập Tứ Quái Đồ là hai đồ hình phản ánh quy luật vận động của đạo trong nhân sinh. Mỗi quẻ trong Lục Thập Tứ Quái là tượng trưng cho một tính chất của nhân sinh. Ví dụ như sau quẻ Càn là quẻ Quải, tức Trạch Thiên Quải. Quẻ này tượng cho hình ảnh nước vượt lên cao quá trời, ý nói có sức quyết liệt, nổ lực vô cùng. Hoặc như quẻ Thủy Lôi Truân, tượng cho hình ảnh có máy động dưới nước, ý nói nhìn thấy nước tràn đầy bên trên nhưng có khó khăn ngầm ẩn bên dưới đó.
Trên con đường tu thân luyện đạo của người tín đồ Cao Đài, việc suy niệm chu trình vận động của 64 quẻ theo dòng hậu thiên cũng cho thấy được những cách thực hành đạo pháp. Trong Đạo Học Chỉ Nam, chương 3: Đạo Pháp Nhất Đơn có viết: “Đạo Phục nhiệm mầu. Đạo Phục tức là Đông chí nhứt dương sanh. Mỗi người dầu mê đến đâu cũng có ngày phục lại, song vì người quá nghiêng theo dục lạc chìm nổi với bảy tình, lợi danh bưng bít, tài sắc ru ngủ không thấy được. Hoặc thấy được cũng không sao đem lại bản sơ; không được hườn phục nguyên đầu thì nó phải xuôi theo thế tục, nhơn tâm mà lậu tiết, soi phá hình hài, gây thêm tật bệnh”
Phục Hy Lục Thập Tứ Quái Phương Đồ Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Phương Đồ
H2. Lục Thập Tứ Quái Phương Đồ
Xem xét hai đồ hình của Lục Thập Tứ Quái, để nhận ra những ý nghĩa sâu xa về đạo học. Trong Phục Hy Lục Thập Tứ Quái Phương Đồ, bắt đầu từ quẻ Bát Thuần Càn nơi gốc phải cuối cùng di chuyển lên phía trên theo cùng một cột, các quẻ biến hóa phần nội quái. Nếu di chuyển về bên trái theo cùng một hàng, các quẻ lại chỉ biến hóa phần ngoại quái mà thôi. Tương tự nếu bắt đầu quẻ Bát Thuần Cấn ở vị trí giao nhau của hàng hai từ phía dưới, và cột hai từ bên phải, di chuyển theo hai hướng lên hay xuống theo cùng hàng thì nội quái biến hóa, qua bên trái hay phải theo cùng hàng thì ngoại quái biến hóa. Theo cách đó, mọi sự thay đổi biến hóa rất tuần tự và ổn định. Nay nếu xét trên Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Phương Đồ, căn cứ trên quẻ Bát Thuần Càn đi về hai hướng sẽ không có sự liên tục và tuần tự biến hóa nữa. Các quẻ kép này biến hóa, thay đổi cả nội quái, ngoại quái trong cùng một lúc. Từ đó cho thấy, Phục Hy Phục Hy Lục Thập Tứ Quái Đồ phản ánh sự vận hành của đạo trong nhân sinh một cách tuần tự, căn bản và nề nếp. Còn sự vận hành của 64 quẻ trong Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ theo một trình tự của nhân sinh, một trình tự của phức tạp, đa nguyên và biến hóa khôn lường của cõi nhị nguyên.
Đến đây, tạm đưa ra một vài ý nghĩa của Lục Thập Tứ Quái Đồ:
- Lục Thập Tứ Quái Đồ phản ánh khái quát quy luật vận động của đạo trong nhân sinh
Lục Thập Tứ Quái Đồ phản ánh quy luật cao nhất trong con người về đạo pháp. Tuy nhiên, do các quẻ đi vào chi tiết và mô tả sự vận động, tính chất nên tư tưởng về đạo pháp trong Lục Thập Tứ Quái là rất cụ thể và gắn liền với thực tiễn tu học của hành giả.- Lục Thập Tứ Quái Đồ là hình ảnh biến thiên của thực tại, của xã hội nhân sinh
- Từ đó Lục Thập Tứ Quái Đồ phản ảnh thực tại nên là hiện thực trong mối liên hệ triết lý với tiềm thể đạo học – Bát Quái Đồ.
Tương đồng
Không quá khó để nhận ra rằng cả Bát Quái và Lục Thập Tứ Quái đều xuất phát rất căn cơ từ Âm và Dương, cũng như các quy luật âm dương. Từ căn nguyên Thái Cực, hóa sinh lưỡng nghi là Âm và Dương đến sự tác hợp và biến hóa khôn cùng để kiến tạo nên đạo lý thuần chất của Bát Quái và sự phức tạp trong đạo lý nhân sinh thể hiện qua Lục Thập Tứ Quái.
Cả Bát Quái và Lục Thập Tứ Quái đều phản ánh những quy luật chung nhất, căn cơ nhất về đạo tự nhiên và nhân sinh. Dẫu là càng về sau, nhiều ý kiến, chú giải và luận giải chỉ tập trung vào Lục Thập Tứ Quái, mà chủ yếu là Văn Vương Lục Thập Tứ Quái, nhưng ý nghĩa căn cơ vẫn còn nằm trong Bát Quái. Vì Bát Quái là tư tưởng mộc mạc và phổ quát nhất về vũ trụ, đạo tự nhiên bằng sự đơn giản và thuần nhất trong tư tưởng của Bát Quái.
Khi các sự vật, hiện tượng có điểm tương đồng, chắc hẳn cũng có những tương quan nào đó!
Tương quan
Sự tương quan giữa Bát Quái và Lục Thập Tứ Quái thể hiện qua các mục như tương quan về đồ hình và quẻ, tương quan về các quẻ và tương quan về luật tắc.
Trong đồ hình, các quẻ của Bát Quái là những Tượng (images) thuần túy và sự vận động của các tượng đó phản ánh được sự vận động của đạo tự nhiên. Ví như Càn thì tượng trưng cho sự khinh thanh và cao vọi lấy Trời làm biểu tượng. Khôn tượng trưng cho sự trược, cái bên dưới, thấp, lấy Đất làm biểu tượng. Khảm tượng trưng cho sự trôi chảy, đi xuống, lấy Nước làm biểu tượng. Ly tượng trưng cho sự sáng, sức nóng, sự bốc lên, lấy Lửa làm biểu tượng. Cứ thế mỗi quẻ đều là tượng. Khi xem xét Lục Thập Tứ Quái, điểm nổi bật là một bộ các tính chất hay trạng thái của cuộc sống nhân sinh. Sáu mươi bốn quẻ là gần 64 trạng thái liên tục của nhân sinh. Ví dụ như quẻ Thủy Lôi Truân bàn về sự mới, cái mới sinh, đến quẻ Sơn Thủy Mông bàn về sự non yếu và còn mờ ảo chưa rõ ràng, rồi đến quẻ Thủy Thiên Nhu bàn về sự nuôi dưỡng sự non yếu, …cứ thế hình thành một vòng tròn luân chuyển của gần 64 trạng thái của kiếp nhân sinh trong đời sống nhị nguyên.
Như đã nói bên trên, bài học triết lý đầu tiên từ Bát Quái Đồ là tư tưởng về cái lý tưởng, cái căn cơ, cái căn nguyên tư tưởng cao đẹp đúc kết được qua sự nhất quán, đơn giản, thuần chất, vận động hữu lý và trung dung. Khi đến với Lục Thập Tứ Quái Đồ là đem tâm tưởng của nhân sinh quán xét hình ảnh nhân sinh thông qua trật tự và tính chất của 64 quẻ. Lục Thập Tứ Quái Đồ là biểu tượng của thực tại nhân sinh. Biểu tượng ấy vẽ lại cuộc sống nhân sinh thay đổi khôn lường, muôn mặt theo một cách trật tự ôn hòa và hữu lý, hữu căn.
Ở một chiều kích khác, có thể nói rằng Bát Quái Tiên Thiên là căn cơ của Bát Quái Hậu Thiên và Phục Hy Lục Thập Tứ Quái là căn cơ của Văn Vương Lục Thập Tứ Quái. Căn cơ ở đây được hiểu là nguồn gốc, nền tảng, điểm xuất phát. Suy nghĩ này hoàn toàn hợp với quan niệm cho rằng Đạo là căn cơ của Vạn Hữu. Trong đó quan niệm về Trời Đất đã tiến hóa từ Vô đến Hữu. Càn-Khôn trong Bát Quái Tiên Thiên là Trời Đất của vũ trụ toàn thể. Đến Bát Quái Hậu Thiên, Càn-Khôn là Trời Đất của luật tắc. Sang Phục Hy Lục Thập Tứ Quái Đồ, Càn-Khôn là Trời Đất đạo lý. Và cuối cùng, Càn-Khôn trong Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ là Trời Đất trong nhân sinh. Nghĩ như thế nên cũng không khó để thừa nhận rằng Bát Quái Đồ chính là tiềm thể và Lục Thập Tứ Quái Đồ chính là hiện thể trong quan niệm triết lý về đạo học.
Nếu xét trên quái (quẻ) thì đơn quái mang tính thuần chất hơn. Thứ nhất, luận về tam tài thì mỗi tài đơn chất là một hào hoặc âm hoặc dương. Thứ hai, luận về Trung-Chính thì đơn giản vì chỉ một hào để xét Trung hay bất Trung, ba hào để xét Chính hay bất Chính. Trong khi đó, tìm hiểu trùng quái sẽ thấy tính Cơ-Ngẫu rất phổ biến. Mỗi tài trong tam tài của mỗi quẻ kép đều có 2 hào. Mỗi quẻ kép đều có hai quẻ đơn có ảnh hưởng nhau làm nên chất của quẻ. Đi sâu vào từng hào một của quẻ kép cũng thấy tính chất Cơ-Ngẫu này.
Điểm tương quan thứ ba là về luật tắc. Trong Bát Quái Đồ, quy luật của trời đất là nội dung chính yếu. Đối với Lục Thập Tứ Quái Đồ thì luật vận hành của kiếp nhân sinh là tư tưởng nổi trội. Cả hai đều là quy luật cao nhất của đạo tự nhiên, khác nhau ở tầm vực mà nó xét đến. Do vậy mà chữ Thời trong Bát Quái Đồ là thời của thiên địa, còn chữ Thời trong Lục Thập Tứ Quái Đồ là thời của thiên địa của nhân sinh, tức là thời nhân sinh vậy.
4. Ý Nghĩa Triết lý từ Bát Quái Đồ đến Lục Thập Tứ Quái Đồ
Đặt một cách nhìn liên đới từ Bát Quái Đồ đến Lục Thập Tứ Quái đồ đã mở ra mối quan hệ triết lý, tư tưởng xuyên suốt của Dịch học.
Trước hết, là sự chuyển hóa của nhận thức đi từ 8 trạng thái của tự nhiên đến 64 trạng thái của nhân sinh. Tư tưởng về vũ trụ toàn thể đã đi từ mộc mạc nguyên thủy đến đa nguyên phức hợp. Thứ hai, yếu tố tâm linh đã chuyển từ nhận thức vũ trụ như nhiên, tức phần Thiên đạo đến nhận thức đạo lý nhân sinh, tức phần Nhân đạo. Thứ ba, quá trình vận động từ Bát Quái đến Lục Thập Tứ Quái là giai đoạn chuyển tiếp của con đường từ Vô biến hóa thành Hữu. Trong Tự quái của quẻ Trạch Sơn Hàm (䷞) có viết:“Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật; hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ; hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ; hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử; hữu phụ tử nhiên hậu hữu quân thần; hữu quân thần nhiên hậu hữu thượng hạ; hữu thượng hạ nhiên hậu lễ nghĩa hữu sở thố”. Nghĩa của Tự quái này là thiên địa là đầu mối của của vạn vật. Có thiên địa rồi mới có vạn vật và nam nữ. Đó là phần Vô, tức là phần tiềm thể, năng lực của vũ trụ. Nhờ Cái Vô sinh hóa mà cái Hữu, tức là phu phụ, phụ tử, quân thần, thượng hạ. Hữu ở đây tức là cái hình thể đã phân định và có tương tác ảnh hưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, cũng nói thêm rằng “lễ nghĩa” chính là yếu tố có nữa phần Vô và nữa phần Hữu. Nữa phần Vô thì “lễ nghĩa” phải noi theo cái đạo của Thiên Địa mà phân định luật tắc. Nữa phần Hữu là vì “lễ nghĩa” phải nương theo cái đạo của nhân sinh mà rạch ròi lý lẽ, cách thức. Cái Vô thể hiện trong Bát Quái ở cái ý nghĩa căn cơ, nguyên ủy. Cái Hữu thể hiện trong Lục Thập Tứ Quái ở cái ý nghĩa thực tại, định danh, định tính cho kiếp nhân sinh.
5. Ý Nghĩa Đạo học từ Bát Quái Đồ đến Lục Thập Tứ Quái Đồ
Trong giáo lý Đại Đạo, để nói lên hành trình của kiếp nhân sinh cũng như con đường trở về nguồn cội tâm linh ta có hình sau:
Trong đó điểm tâm chính là nguồn cội tâm linh, nơi từ đó con người bước ra khỏi vũ trụ đơn nhất để tham gia vào vũ trụ đa nguyên, đi trở ra cùng vạn hữu để hình thành nhân sinh (lộ trình a). Và để rồi từ nhân sinh, con người nhận thức và thực hiện chuyến đi ngược dòng trở về căn nguyên tâm linh của mình (lộ trình .
H3. Nhất tán vạn – Vạn quy nhất
Lồng ghép Bát Quái Đồ và Lục Thập Tứ Quái Đồ theo trình tự vận hành như đã bàn bên trên để rút ra được bài học về đạo học của người tín đồ Cao Đài. Lúc này, chấm điểm trung tâm không hẳn là một chấm điểm. Nó trở thành một năng lực tự nhiên, là căn cơ của vạn vật hóa sanh miên viễn để hình thành Thiên Địa tự nhiên. Chấm điểm đó được xem là Thái Cực, và Thiên Địa tự nhiên được tượng trưng bởi Bát Quái Tiên Thiên. Bát Quái Tiên Thiên tiếp tục vận động biến hóa phân định luật tắc cho một thế giới mới, thế giới nhị nguyên phức hợp được tượng trưng bằng Bát Quái Hậu Thiên. Rồi Bát Quái Hậu Thiên lại biến hóa khôn lường để hình thành nên một trật tự Thiên Địa mới gần với nhân sinh hơn, đó chính là hình ảnh của Phục Hy Lục. Sau cùng nhân sinh lớn lên và vận hành theo luật tắc mới thể hiện qua Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ.H4. Từ Bát Quái đến Lục Thập Tứ Quái
Mượn hình trên mà luận về ý nghĩa đạo học ta lại thấy được vận mệnh và sứ mạng của người tín đồ Cao Đài. Vận mệnh đó nói rằng con người đi ra từ Cội Nguồn Thiêng Liêng, còn gọi là Thái Cực đến Lục Thập Tứ Quái, tức cái thực tại đa nguyên, phức hợp. Lộ trình đó là đương nhiên và hoàn toàn không phụ thuộc vào sở nguyện của con người. Con đường đó có chiều dài là một đời người, hoặc 60 năm, hoặc 100 năm, hoặc ít hơn thế hoặc nhiều hơn thế.Sứ mạng của người tín đồ Cao Đài là lộ trình quay về, là con đường phản bổn hoàn nguyên. Lộ trình đó lại đi ngược từ Lục Thập Tứ Quái qua Bát Quái và cuối cùng hiệp cùng Thái Cực. Vì là con đường ngược dòng tự nhiên, nên chiều dài của nó là không xác định. Có khi là một đời người tu chứng đắc lập tức hồi nguyên. Có khi trãi muôn ngàn kiếp mà vẫn còn tham gia trong cảnh trần muôn vẻ, trãi đủ 64 thời của 64 quẻ. Lộ trình gian nan ấy chính là con đường gỡ bỏ những ràng buộc, những cái đa tạp, phức hợp để về với cái đơn nhất, tinh giản; gỡ bỏ cái cắc cớ, suy luận đa nguyên, vọng tưởng hoài nghi để trở về với cái thuần như chân tánh.
Có một điểm rất đáng chú ý trong Văn Vương Thập Lục Tứ Quái. Đó chính là chu trình vận hành của các quẻ được kết thúc ở quẻ Vị Tế, nghĩa là chưa xong. Điều đó như muốn nói lên rằng kiếp nhân sinh là sự dang dở, sự đứt đoạn, sự gãy đổ luôn yêu cầu, thôi thúc con người luôn cố hơn nữa vì một cái gì đó trong hiện kiếp, mà cả kiếp lai sanh. Ý nghĩa đó không hợp với sự giác ngộ của người tu hành, nhất là tín đồ Cao Đài. Người tu học lấy cái uyên thủy của tâm để hoàn chỉnh kiếp sống của mình. Sự hoàn thành không được đánh giá qua những gì còn sót lại nơi trần gian khi từ giã cõi trần. Sự viên mãn được phán xét bởi lòng thành tín, thủy chung vì Thầy, vì Đạo. Vị tế trong cái sự đời, nhưng viên mãn hoàn toàn trong Tiểu Linh Quang. Nên, việc “vị tế” ở Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ là số phận của nhân sinh, mà hiệp với Thiên Quang Thái Cực chính là cái kết của người tu học.
6. Các Vấn Đề Học Dịch Trong Giai Đoạn Tam Kỳ
Như vậy, việc học kinh Dịch trong giai đoạn hiện tại nhằm phục vụ cho nhận thức và thực hiện con đường trở về. Tức là đi ngược lại từ cái biểu kiến về cái chân thật, bản chất; đi từ cái đa tạp, phức hợp về cái căn cơ, duy nhất,…Vì thế nếu các vấn đề sau được làm rõ, phân định sáng tỏ hơn sẽ giúp rất nhiều trong việc tìm đường trở về:
- Phân định mối liên hệ đạo học giữa Bát Quái và Lục Thập Tứ Quái
- Làm sáng tỏ hơn ý nghĩa đạo học của Bát Quái Tiên Thiên đến Phục Hy Lục Thập Tứ Quái.
- Tiếp tục vận dụng lý Dịch để hiểu hơn về Thiên đạo, tức là Thiên Địa của vũ trụ và Nhân sinh, tức là Thiên Địa của nhân sinh.
Một đức Huyền Thiên hóa vạn loài,
Thâu tàng sinh trưởng luật vần xoay;
Phật Tiên, Thần Thánh đều do bởi,
Diệu hiệp Thiên cơ ở cõi này