Bát canh rau biếc nước trong
Phan Hướng Lê (Trung Quốc)
Vào cửa rồi nhìn sang phòng khách, anh không thấy chị ở đó. Mỉm cười, anh đi vào bếp, quả nhiên thấy chị đang dùng thìa xới cơm đảo cơm trong nồi. Bao giờ chị cũng làm như thế, bao giờ cũng phải đánh tơi cơm trong nồi cơm điện trước khi xới cơm ra bát. Anh từng hỏi tại sao, chị bảo: - Phải làm cho cạn hết nước đi thì cơm mới xuê, ăn mới thấy ngon.
Hiển nhiên chị đã nghe thấy tiếng anh mở cửa. Cơm bốc hơi nghi ngút, khuôn mặt chị có một thoáng nhòa trong hơi nước. Anh ngửi thấy mùi thơm của cơm. Cơm rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi thơm như thế bao giờ. Chỉ có gạo ngon mới có mùi thơn ấy. Anh biết chị chỉ dùng một loại gạo trồng ở miền Đông Bắc. Loại gạo này rất đắt vì trồng bằng phân hữu cơ.Gạo ngon bao giờ cũng giấu mùi thơm, phải cho nước vừa đủ, ngâm trong thời gian vừa đủ, sau đó dùng loại nồi cơm điện hàng tốt mà nấu. Khi đèn hiệu nhảy lên mức giữ độ móng thì ủ cơm trong thời gian vừa đủ, lúc ấy mùi thơn mới tỏa bung ra, không giữ lại chút gì, chẳng khác gì mùi lọ nước hoa đậm đặc nhỏ xíu bị đánh vỡ.
Chị là người phụ nữ thổi cơm khéo nhất mà anh được gặp. Anh nói ý nghĩ đó với chị, chị chỉ đáp:- Em yêu quý hạt gạo.Trước khi anh bật cười thành tiếng, chị nói thêm:- Em yêu quý hạt gạo ngon.
Anh rửa tay. Khi ngồi vào bàn, hai bát cơm đã đơm để trên bàn. Chỗ anh ngồi có thêm một chiếc bát không, đũa gác trên cái gác đũa hình con cá như thường lệ. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mấy con ốc hạt mít. Ốc không to nhưng rất sạch, con nào con nấy chẳng khác gì những viên ngọc trong hang núi sán nhờ nhờ, bên trong có lõi đen đen. Một đĩa nữa đựng rau có mùi thơm, màu tương non mỡ, cũng trong trong. Lâu nay ăn cơm ở nhà chỉ đơn giản như vậy bởi vì anh đều ăn tiệc ở ngoài, về nhà chỉ ăn thêm chút đỉnh.
Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới là món anh mong đợi nhất. Lập tức anh mở vung ra xem, trong âu có trắng, có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt. Chị bảo:- Anh dùng canh trước đi!Rồi chị ngồi xuống ăn cơm. Chị gắp chút rau, và mấy miếng cơm. Nhìn chị ăn cơm, dường như không cần thức ăn chị cũng ngon miệng.
Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng, xanh là rau, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Ngoài mấy thứ đó ra không có thứ gì khác nhưng mùi vị thì tuyệt hảo. Bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào, hơn nữa hoàn toàn chẳng khác nào đóa phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên.
Chỉ một ngụm thôi đã thấy mát lòng mát dạ, các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo, dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra, thật là một thứ canh ngon tuyệt.
Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít là một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào anh cũng chẳng biết, nhưng anh không xới thêm mà chỉ mỉm cười với chị. Chị cũng cười:- Cứ như là chưa ăn ở đâu đó thì phải!- Chỉ không có cơm mà ăn thôi. Nhưng bây giờ ai ăn cơm?
Điều anh nói là có thật. Công việc của anh phải tiếp khách ăn tiệc luôn, loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, mùi vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại. Chỉ đến khi húp bát canh của chị nấu, các giác quan mới dần dần tỉnh lại.- Em nấu sao được món canh này?
Chị nhoẻn nụ cười thật tươi, trong nụ cười dường như lấp lánh ánh mặt trời:- Ngon không anh?- Ngon lắm.- Thế thì húp thêm một chút nữa đi!- Húp đủ rồi. Rút cuộc món canh nấu như thế nào? Ai cũng bảo tiện nhà ông Vương Già có món canh ngon nhưng theo anh thì ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu. Nói cho anh nghe đi!
- Nói ra thì… kỳ thực rất đơn giản, song phải có lòng kiên trì.Sau này, nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra, ngụm canh đầu tiên vừa húp hơi bỏng môi một chút, sau đó thì thơm, ngọt, mát, êm… nối tiếp nhau nở bung ra trên lưỡi, một chút xơ rau mềm mại cuốn vào răng khiến người ăn vui vẻ chống đỡ, đậu phụ mịn màng trơn tuột ve vuốt cổ họng, rồi nước canh theo thực quản trôi xuống, trôi đến đâu biết đến đấy, cho đến khi là sát rất dễ chịu vào thành dạ dầy.
Anh chị hợp thành một gia đình bạch kim mà ai cũng hâm mộ. Bạch kim có nghĩa là vừa có tiền vừa là bậc cổ cồn trắng. Cổ cồn trắng có nghĩa phiếm chỉ, chỉ những ai có học thức, co tu dưỡng nề nếp, kiếm tiền bằng tri thức và trí tuệ, chứ không phải bọn giàu xổi, trên tay đeo đến mấy chiếc nhẫn đá quý.
Anh vốn là cán bộ cơ quan “ăn thóc nhà vua”, sau vì không muốn vâng theo sắc mặt của người khác mà dần dần, từ hàng “cháu” trở nên “ông”. Anh đã sớm “xuống biển”, làm đủ mọi nghề, sau đó phát tài nhờ buôn địa ốc, sau đó buôn bán trên mạng, sau nữa là mở trường dành cho “quý tộc”. Bước tiến trong sự nghiệp của anh như con ngựa rừng bất kham, không ai có thể cản nổi.
Anh trở thành nhân vật có máu mặt nổi tiếng trong thành phố, là nhân vật ngôi sao để đài truyền hình phỏng vấn, là nhà giàu lớn quyên góp các tài khoản và làm từ thiện, là người đã qua bậc giáo dục cao đẳng nên phong độ, lời ăn tiếng nói của anh đều khiến mọi người trông vào và khen ngợi. Một lần đài truyền hình để cho các nữ cổ cồn trắng bầu mười người đàn ông thành đạt nhất trong phạm vi cả nước, anh đã được chọn, hơn nữa còn đánh bại mấy ngôi sao điện ảnh và ca nhạc. Các nữ cổ cồn trắng bây giờ rất tinh mắt. Bọn đàn ông nhảy nhót ra vẻ chỉ có thể đứng xa mà nhìn, làm sao có thể đứng gần bên anh? Nếu các cô còn biết mỗi tuần hai lần anh lái chiếc xe sang trọng đến nghe giảng về triết học bậc thạc sĩ ở một trường đại học danh tiếng thì các cô ắt hẳn phải kinh ngạc thốt lên: Có bao nhiêu thực lực mới có thể có thời gian và tâm trí nhàn nhã để thuộc được môn học đó chứ? Anh không hề nói hở cho người ta biết việc này, những chuyện như thế phải đợi cho người ta vô tình tự phát hiện ra mới hay. Càng không để ý đến càng có phong độ. Ở độ tuổi và danh phận như thế, sự lựa chọn đó là điều không cần phải suy nghĩ.
Đương nhiên anh đã kết hôn, mười bảy mười tám năm rôi. Vợ anh là bạn học thời đại học, là mối tình đầu, hơn nữa là quan hệ bao gồm cả tình yêu, tình dục và hôn nhân trong mối tình chớm nở. Hai người chưa bao giờ nghĩ họ còn có thể có cách lựa chọn nào khác. Lúc ấy họ cũng chưa biết cần phải để lại một khoảng thời gian. Năm thứ hai sau khi tốt nghiệp, họ đã làm lễ cưới và chẳng mấy chốc đã có con, đó chính là thằng bé đang học ở trường ký túc song ngữ chuyên đào tạo “đại bàng”. Con trai là niềm kiêu hãnh của họ, thằng bé chẳng những thông minh, thành tích họ tập vào loại ưu mà còn rất đẹp trai. Điều này không thể hoàn toàn qui công cho anh, bởi vì chị là hoa khôi của trường hồi ấy, không cần trang điểm cũng thanh tân đáng yêu như một cành non lá biếc.
Vì có một người vợ như thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đang bà làm kinh động, hơn nữa anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ đều đượm mùi vị hóa chất.
***
Sự xuất hiện của Đô Đô hoàn toàn là việc bất ngờ. Lúc đầu anh cảm thấy đó chỉ là cô bé chưa trút được vẻ ấy trĩ, như một bình hoa bằng thủy tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười, cho đó chỉ là trò đùa. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú, rất kín đáo song cũng rất chân thực. Cô bé ấy kém anh những hai chục tuổi, vừa xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi tiếng, mẹ là bác sĩ nổi danh, gia đình vốn định cho cô bé sang trường đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì không thể nghi ngờ là vì tiền được.
Lúc đầu, anh thật sự không để ý, vì anh cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy bảo con. Anh không hề nghĩ sẽ phụ bạc chị. Nếu anh phụ bạc thì thật sự chị chẳng còn gì hết. Một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi, không còn công việc, chẳng có sự nghiệp cũng chẳng có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông sau khi thành công rồi thì tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng rơi vào thói tục đó, mắc một căn bệnh thông tục thường thấy. Anh không phải loại đàn ông thông thường ấy, đó là yêu cầu anh đặt ra cho mình.
Lúc đầu anh thật sự không hề động tâm. Anh chỉ nghĩ làm sao để Đô Đô chỉ bị thương tổn nhẹ mà rút lui. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là dám lớn tiếng nói thẳng ra, vừa khóc vừa gào như chết đi sống lại, còn anh lại không hạ nổi quyết tâm đuổi việc cô ta. Đô Đô thật là một bình hoa bằng thủy tinh, vì yêu anh vô vọng nên bình hoa thủy tinh ấy đã đặt mình trên vách đã thẳng đứng, lúc nào cũng có thể rơi xuống tan tành thịt xương. Cuối cùng anh đàn phải giơ tay đỡ lấy cô ta.
Anh không bề nhà ăn cơm nữa. Sau đó, cả đến tối anh cũng không về nhà. Anh nói anh quá bận, không kịp về nhà. Sau đó lại nói, anh muốn ở một mình cho yên tĩnh.
Chị im lặng. cũng như những lần anh nói anh không về nhà ăn cơm, chị chỉ kín đáo lặng lẽ hồi lâu. Sức nặng đó đã đủ đè nén anh nhưng anh không dám dập máy. Cuối cùng chị bảo:
- Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.
Anh nghĩ, như thế có nghĩa là nếu anh không gọi điện thì chị không nấu cơm chờ anh, cũng chẳng nấu âu canh đó đợi anh về ăn. Đấy vẫn là nhà anh nhưng từ nay không có cơm cho anh nữa, không có ai đợi anh nữa. Anh hơi thấy trống bắng nhưng ngay lập tức cảm thấy nhẹ nhàng hẳn. Thế là hóa hay. Đương nhiên chị có cách nhìn của chị, có nỗi bực mình của chị và cả đau lòng nữa, nhưng với tính nết vốn có, chị không khi nào chủ động gây chuyện, làm cho tan tành. Nhiều năm nay, anh luôn cảm thấy mình chọn được đúng người để kết hôn, bây giờ một lần nữa anh cũng nghĩ như thế. Sau khi đã yêu người khác mà còn nghĩ như vậy thì thật vô lý, nhưng anh vẫn cảm thấy như thế.
***
Anh không thích thuê nhà, anh bảo cho dù chỉ ở ba tháng thôi thì cũng phải ở nhà của mình, anh không muốn ở nhà của người khác. Đô Đô thích thú nhìn anh nói, em cũng thế, em cũng thế. Anh bảo phải mua một căn nhà, trang bị đầy đủ, đồ đạc và đồ điện đồng bộ.
- Chỉ cần mang theo bàn chải đánh răng là ở được liền! – Anh vui vẻ nói.
Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách, cô không thích. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô.Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách, đây là nhà cha mẹ cô mua cho. Trang trí do cô tự làm, một phong cách gọn nhẹ mà hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ. Cả nhà toàn một màu trắng, đồ đạc đồng hồ theo kiểu Bắc Âu với những dụng cụ làm sạch toàn hàng nhập khẩu. Trong phòng ngủ ngay cả thảm cũng màu trắng. Đó không phải là phong cách mà tuổi trẻ như cô nên có, hẳn là cha mẹ cô đã nuông chiều làm hỏng con.
Để đón chào anh, Đô Đô sắm cho anh áo choàng tắm và dép lê hàng hiệu. Anh chưa hề nghe nói đến hãng ấy, chỉ nhớ Đô Đô bỏa đó là hãng chuyên cung cấp hàng cho hoàng gia một nước nào đó. Cô thích sự xa hoa chân thực hơn mắt nhìn thấy. Nhưng cô không sắm cho anh áo ngủ, cô bảo anh chẳng cần thứ đó. Đúng thế, một khi đã lên giường thì cả hai chẳng cần gì đến quần áo.
Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi nhanh như có cánh bay. Cũng có vấn đề nhưng là vấn đề nhỏ không lường trước: Cả hai cũng có lúc thấy đói.
Anh là nhân vật vủa một nửa công chúng, không thể đi ăn ngoài tiệm. Đô Đô một mình đi mua thức ăn nhanh Kentucky. Anh có thể chấp nhận món này nhưng cảm thấy buồn cười:
- Thằng con anh thích món này nhất!
Đô Đô phụng phịu, từ đó thôi không chịu mua nữa. Đành phải gọi các tiệm mang đến. Từ những món ăn đơn giản của nhà ăn phòng trà đến sữa đậu nành của hiệu Vĩnh Hòa, từ các món truyền thống kiểu Nhật đến cá món của tiệm Tị Phong Đường, từ món Pizza đến món mì ống của Ý, hai người đã nếm khắp lượt. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.
Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh còn phải che giấu anh khó nuốt trôi chúng. Thật là tạm bợ, có món thì như bã mía. Anh thấy nhớ bát cơm dẻo thơm, càng thấy nhớ bát canh nóng hổi ngọt ngào đánh thức được cả vị giác. Những đồ uống lạnh ngắt làm sao thay thế được món canh đó? So với bữa cơm tối mà anh được ăn ở nhà trước đây, những món này chỉ đáng vứt sọt rác!
Nhưng anh không dám nói ra. Chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô sẽ tức giận: Vậy thì đi ra ngoài mà ăn, món gì ngon mà chẳng có? Em đâu có thích ăn những của nợ này! Chỉ vì anh đấy thôi! Hoặc Đô Đô nói: Em biết ngay mà, anh lại thấy nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Phải chăng anh thấy hối? Thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!
Mỗi lần như thế anh đều phải mạo hiểm đưa Đô Đô đi ăn ở bên ngoài thì cô bé mới chịu yên.
Bữa cơm trở thành tâm bệnh của họ. Thậm chí sau khi hết giờ làm, trở về tổ uyên ương ấm êm đó, anh cũng thấy rầu lòng. Hay là anh nên đi ăn một chút gì ở đâu đó đã? Nếu không, đợi đến khi bước qua cửa thì ắt là những cử chỉ và lời lẽ yêu đương cuồng nhiệt đến tối trời tối đất, sau đó ăn mà chẳng ăn được đến no, nửa đêm phải thức giấc vì đói.
Theo cách phân chia phổ biến hiện nay, trong thành phố này Đô Đô có thể gọi thật sự là loại “xài sang”. Bảo thật sự vì cô xài sang rất phải lẽ, hơn nữa không phải lối làm bộ làm tịch trước người khác. Cô không bỏ quên những chỗ kín đáo, càng những chỗ nào người khác không nhìn thấy được thì cô càng bỏ công phu. Xưa nay anh chưa hề biết một người đàn bà chỉ vì hưởng thụ mà có thể thực sự không coi tiền là tiền đến mức kĩ tính đến thế. Áo lót của cô sang trọng đắt tiền hơn cả áo ngoài. Cô không trang điểm nhưng một bộ kem dưỡng da của cô bằng tiền lương cả tháng, hơn nữa nếu khi dùng cảm thấy không vừa ý là cô vứt đi liền.
- Dùng hàng xịn được cái gì nào? Khi đã quá đát, vứt những thứ mỹ phẩm nổi tiếng đó đi thì cảm giác lúc đó mới gọi là xa xỉ. Em thích như thế! – Cô nói.
Cô giải thích tại sao lại làm như thế:
- Em muốn tất cả những thứ nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy đều phải là thứ tốt nổi tiếng. Có như thế khí chất con người mới hay.
Đô Đô có hai sở thích: một là tập luyện cho khỏe mạnh, hai là đọc truyện của Murakami Harushige. Cô không những có tất cả tác phẩm của nhà văn này, mỗi loại không chỉ có một quyển mà có đủ loại quyển xuất bản khác nhau. Anh ngờ rằng chỉ cần trong nước có quyển nào là cô mua hết quyển đó, thậm chỉ còn có cả nguyên bản tiếng Nhật, mặc dù cô không biết tiếng Nhật.
- Em có thể học mà! – Cô nói như hát.
Hễ có thì giờ rảnh cô liền thuận tay lấy một truyện của Murakami, giở một trang bất kì nào đó ra đọc. Đọc một lúc, lông mày của cô sẽ hơi nhíu lại, khuôn mặt mịn màng dường như bỗng già đi đến mấy tuổi. Trên giá sách, trên xôpha, ở đầu giường, thậm chí trên bàn trang điểm trong toa lét đều có sách của Murakami. Có quyển gập lại, có quyển mở ra, bìa trước bìa sau úp sấp.
Anh có đọc truyện ấy mấy lần nhưng không sao đọc tiếp được, dường như chỉ là những mảnh đời khó hiểu và những mộng và ảo cảnh lạ lùng kỳ quặc, không thể hiểu tác giả nói gì hoặc định nói những gì. Lộn xộn như thế, kì quặc như thế, không hiểu Đô Đô đọc được những gì trong sách? Cái gì đã hấp dẫn cô? Anh không hỏi, sợ rằng cô không chịu giải thích mà còn cười anh là lạc hâu. Đô Đô còn trẻ quá, tuổi trẻ của cô khiến cho mọi việc cô làm đều có lý. Điểm này khiến anh cảm thấy cô đáng yêu, song cũng có chút khiến anh e dè.
Chẳng ngờ tới một hôm, anh vừa vào qua cửa đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô:
- Hôm nay có món ngon đây, em làm cho anh ăn nhé!
Anh ngạc nhiên nhìn cô như bất chợt cô vừa nói tiếng Anh, tuy rằng anh có thể nghe hiểu song nhất thời chưa phản ứng kịp. Đô Đô nhắc lại một lần nữa, bấy giờ anh mới tin ở tai của mình. Đây thật là một tin tốt lành, anh đã được báo một tin tốt lành nhất.
Anh theo Đô Đô đi vào bếp. Bếp lúc này không còn vắng lặng như thường ngày mà nhộn nhịp như một siêu thị thu nhỏ. Trên bàn bếp đặt hai cái thớt to tổ bố mới tinh, trên để hai con dao, một con đen đen để thái rau, một con bóng loáng mà dài, lưỡi hình răng cưa, bên cạnh để giăm bông hồng, dưa chuột xanh xanh, pho mát vàng óng, một túi rau to, một bánh mì dài, còn có những đồ hộp xanh đỏ rồi các loại bột nêm trong lọ, trong túi. Đó là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất, mọi thứ đều lung tung rối loạn, cả đến tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì như mỡ màu vàng rất đáng ngờ, nhưng cô tỏ ra rất nhiệt tình, thật lòng cởi mở.
Anh cảm động tỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng Đô Đô kiên quyết chối từ, bắt anh ra phòng khách nghỉ ngơi xem báo. Cô đẩy anh ngồi xuống xô pha, ấn báo vào tay anh, thậm chí còn pha cho anh một cốc trà. Anh nhìn cốc trà, hóa ra là trà Long Tỉnh. Cô cười, bảo:
- Em vừa mới mua đấy. Người vùng trồng chè nói là trà mới hái.
Sau đó cô đi vào bếp như một người vợ hiền. Đô Đô tất bật một lúc rồi cũng xong, mời anh ngồi vào bàn ăn. Anh vội vàng bước tới và nhìn thấy những món trên bàn ăn, mỗi người một đĩa sandwich, cắt thành miếng nhỏ xếp thành mấy chồng, bên cạnh điểm xuyết hạt ngô non và thỏi khoai rán. Giữa bàn là một đĩa lớn màu hồng hồng gồm nhiều thứ trộn với nhau, nhìn kỹ có thể nhận ra trong số đó có món gì đó như xúc xích. Thứ anh thông thuộc nhất là bia, nhãn hiệu Kỳ Lân.
- Thế nào? – Đô Đô hỏi.- Xem ra rất đẹp mắt đấy! – Anh đáp.
Anh quyết định bắt đầu bằng thứ dễ tiếp thu nhất nên khui bia rót cho mình và nhấm nháp. Đô Đô vừa cởi tạp dề vừa phấn khởi nói:
- Đây không phải những món bình thường đâu nhé mà là món của Murakami đấy!- Cái gì? – Anh nuốt vội ngụm bia hỏi.- Trong truyện, Murakami viết rất nhiều món ăn ngon, thế là Nhật Bản thành lập Hội những người bạn nếm món ăn ngon của Murakami, dựa vào cách ông miêu tả trong truyện mà soạn thành sách các món ăn của Murakami để mọi người cùng được thưởng thức. Hôm nay em làm các món này theo sách ấy đấy. Thú vị đấy nhỉ? Anh không ngờ chứ gì?
Thì ra là như vậy. Anh cầm một miếng sandwich hỏi:- Đây là món sandwich gì?- Sandwichh dưa chuột, giăm bông, phó mát. Cô cháu gái nhà sinh vật học trong truyện Ngày tận cùng của thế giời và cảnh tiên tàn khốc làm món này. Món này làm phức tạp lắm, rau quả phải ngâm vào nước lạnh thì lúc ăn mới giòn. Trước hết phải phết một lớp dầu thật dầy trên các lát bánh mì, nếu không nước trong rau quả sẽ làm ỉu bánh mì. Cuối cùng là cách cắt, thái, em phải mua riêng một con dao đấy. Thế nào, em cắt có ngay ngắn không?
Anh ăn một miếng. Để tránh khỏi phải đánh giá, anh chỉ vào thứ hồng hồng trên đĩa hỏi:- Đây là món gì?- Sốt cà chua với xúc xích Xtratbua. Em mua không được xúc xích Xtratbua, may mà trong sách có ghi xúc xích đúng vị của Vienne cũng được nên em thay bằng xúc xích Vienn. Nguyên liệu chính là cà chua hồng và xúc xích Vienn, các thứ gia vị là tỏi, hành tây, cà rốt, rau cần, dầu trám, dầu nguyệt quế, bách lý hương, húng, cà chua bột, muối, hạt tiêu, đường… Em đã nếm rồi, tất cả là mười ba thứ. Em vốn định làm món trứng cuộn nấm nhưng là món trong truyện Rừng Na Uy viết thời kỳ đầu, phong cách khác sau này. Vì thế em làm món này, món có trong truyện Ngày tận cùng của thế giới và cảnh tiên tàn khốc, cũng tức là món của ngày tận thế. Murakami ở qua đêm với cô gái trong thư viện rồi làm món ăn sáng này tại nhà cô ta.
Niềm thương yêu trỗi lên trong lòng anh nhưng anh vẫn không đụng đũa. Đô Đô cắt xúc xích thành mấy khúc bằng dao ăn rồi dùng nĩa xiên một đoạn đưa vào miệng:
- Chà, ngon quas! Khác thường, nồng cay, phong phú, đúng là Murakami!
Cô vừa ăn vừa uống bia, dần dần mắt lơ mơ xa vắng rồi lẩm bẩm nói: “Thật đúng là tâm tình thưởng thức mỹ vị trong thế giới đau buồn”, “thật là một ngày đáng nhớ khi từ biệt đời người!”. Anh biết cô ta đã bước vào thế giới của Murakami, cô đang diễn một vai trong đó và những lời cô vừa nói đều là lời nhân vât.
Anh cũng làm ra vẻ không do dự xúc món đó ăn. Món nhìn không đẹp mắt này hóa ra không đến nỗi khó nuốt. Nhưng mà nghĩ đến việc phải mất bao nhiều là thời gian, bày một trận thế khoa trương đến vậy với biết bao món phụ, thức nêm thì anh lại cảm thấy nực cười. Đây là cách hưởng thụ cuộc sống theo kiểu Murakami nhất hay sao? Thế thì phẩm cách của nhà văn này thật sự có vấn đề. Có điều, một nhà văn nổi tiếng như thế, lẽ ra không nên xô bồ như thế. Dần dà anh cảm thấy cái ông tên là Murakami này phải chăng có ý bỡn cợt những người sùng bái ông ta? Nghĩ như thế, anh cảm thấy không phải với Đô Đô, thế là anh cố gắng nhét vào miệng một xấp sandwich, trệu trạo nhai mấy cái rồi vội vàng tợp bia cho trôi xuống cổ, cảm thấy như mình đang ngồi trong khoang hạng ba của hãng hàng không trong nước nào đó.
Trò gì thế này, chẳng qua bánh mì cắt lát kẹp nhân, nhắm nghía thế nào cũng chỉ là thứ dùng để đối phó với cái bụng rỗng. Ngon ư? Chỉ lạ! Có đem cả Kawabata Yasunari ra cũng chẳng thể ngon hơn. Cứ xem các nhà tiểu thuyết Trung Quốc, xem Hồng lâu mộng ấy, những món ăn ngon, uống ngon trong truyện ấy mới gọi được là của ngon, mới gọi được là kiến thức chứ! Nhưng vì Đô Đô bận túi bụi hàng nửa ngày nên anh không thể làm cô buồn lòng. Huống hồ có nói chăng nữa thì dám chắc cô chẳng hiểu được một nửa.
Ăn xong bữa cươm Murakami khó quên đó, cuối cùng anh mới nói:
- Từ này không cần phải nhiêu khê đến thế, ăn ở nhà càng đơn giản càng thoải mái.- Hôm nay ăn như thế mà không thoải mái hay sao? – Đô Đô ngạc nhiên hỏi lại.
Anh nắm lấy bàn tay cô vuốt nhè nhẹ rồi nói:
- Anh không nói như thế, nhưng mà người giỏi làm cơm thì cho dù một bát canh nước trong rau biếc, ăn vào đã thấy sướng rồi!
Nói xong, anh thấy vầng trăng trên khuôn mặt cô đã bị mây mù che phủ. Anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.
Cả hai đều không muốn nghĩ đến một người, một người đang bà, nhưng người này bao giờ cũng xuất hiện khi họ không chú ý, chẳng khác gì một chủ nợ tinh không không bao giờ chặn xe con nợ ở giữa đường phố, bao giờ cũng để cho con nợ yên tâm lái xe về nhà. Về đến cửa, con nợ cũng không hề nhìn thấy có ai mặt mũi hầm hầm đứng đó. Thế là con nợ thở phào bước vào phòng bật đèn lên thì mới giật này người: trong góc phòng có một người điềm nhiên đứng đó, chính là cái người mà con nợ có tránh cũng không tránh được.
***
Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về. Nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị nhòm qua mắt cửa nhìn ra ngoài, quả nhiên không phải là anh mà là một phụ nữ.
Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị. Cô bé có vẻ mặt căng thẳng và làn da nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt hơi có vẻ cười, cô bé nói:
- Em là Đô Đô, em là bạn gái của chồng chị.
Chị hiểu ra ngay, hiểu ngay cô bé này là ai. Chị mở rộng cửa mời cô ta vào nhà, như một người phụ nữ lịch sự đối xử với bạn của chồng mình. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề nhìn thấy.
Chị cho Đô Đô tham quan nhà của họ. Sau đó hai người ngồi xuống uống trà, trong một lúc không tìm được lời nào để mở đầu câu chuyện. Đô Đô nói:
- Cảm ơn chị đã đón tiếp em. Thực ra hôm nay em đến một là muốn được thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu.
Nhận thấy vẻ kinh ngạc trên mặt chị, Đô Đô vội vàng giải thích:
- Em luôn được nghe anh khen chị là một cao thủ trong nghề nấu ăn, món đơn giản nhất mà nấu thành món ăn ngon nhất nên em thật sự tò mò muốn biết.
Chị dường như cảm thấy có chút khó nghĩ, lát sau, mới nói:
- Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.
Như một người khác được mời thật sự, Đô Đô ngồi bên bàn ăn chờ cơm. Cô thấy chủ nhà mang lên một bát cơm, hai cái đĩa nhỏ, sau đó là một âu sành. Cô ngạc nhiên mở to mắt: Chỉ có thế này thôi sao? Chủ nhà múc cho cô một bát canh, bảo:
- Ngày thường chúng tôi ăn cơm cũng chỉ có thế này. Anh ấy bao giờ cũng tự mình múc canh vì tính hơi háu ăn.
Đô Đô vừa nghe vừa nhìn cách thao tác và biểu hiện tình cảm của chị, lại chú ý xem canh gồm những thứ gì, dáng điệu bận rộn vô cùng. Khi nhận ra bà chủ không mang bát đũa lên, cô vội hỏi với giọng như cô là chủ:
- Chị không ăn sao?
Chị lắc đầu. Đô Đô không biết chị không muốn ăn hay chị không muốn ngồi ăn với cô nên không dám hỏi gì nữa. Cô húp một ngụm canh rồi không cần suy nghĩ đã reo “Oa!”, sau đó cô ngờ vực nhìn chủ nhà:
- Đây chính là món canh nước trong rau biếc sao?- Anh ấy gọi như thế – Chị đáp.- Chỉ có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không? – Đô Đô hỏi với vẻ mặt khẩn khiết, chẳng khác nào cô đang dự một lớp nấu ăn và trước mặt cô là cô giáo dạy nấu ăn.
Chị lặng thinh một lát dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó nói:
- Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy! Sườn chọn loại ngon, giăm bông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, khi đến mùa cua thì mua một con cua bể ở hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, bỏ tất cả vào cái âu sành, đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, không nêm thứ bột nêm nào khác.
Đô Đô nghi ngờ nhìn vào âu sành trước mặt. Sườn? Giăm bông? Tôm? Lại còn biết bao nhiêu thứ khác nữa nhưng làm gì thấy bóng chúng trong âu?
Chủ nhà chỉ thong thả nói tiếp:
- Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ vào rau cải vào. Những thứ này có thể hút hết váng mỡ.
Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món được gọi là nước trong rau biếc? Nước trong? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì cả. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Anh thật không hiểu vợ một chút nào. Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ đang đứng trước mặt mình. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác nhau xa biết mấy.
- Ngày nào chị cũng nấu một âu canh như thế này sao?- Phải. Sáng ra trở dậy thì đi chợ, sau đó chuẩn bị thong thả vào buổi sáng, buổi chiều mới hầm thật nhỏ lửa, vì anh ấy bao giờ cũng về muộn, còn kịp nấu chán.- Thế sao hôm nay chị cũng chuẩn bị món canh này? Anh ấy có…- Cô bảo anh ấy không về nhà ăn cơm chứ gì? Phải đấy, đến nửa năm nay rồi, nhưng hàng ngày tôi vẫn chuẩn bị món canh này, không chừng một ngày nào đó anh ấy bỗng trờ về thì sao? Vả chăng tôi đã quen rồi, nấu một âu canh, dù sao cũng có chút việc để mà làm.
Đô Đô ngồi ngây người ra ở đó, mãi một lúc sau mới nói:
- Chị cừ thật!
Chủ nhà cũng ngẩn ra một lát, sau đó mới thất thần khẽ nói:
- Suốt ngày anh ấy bận rộn vất vả như vậy, để cho anh ấy húp thêm được một ngụm canh cũng tốt!
Chị như tự nhủ, quên cả trước mặt mình còn có một người khác. Đột nhiên Đô Đô hỏi:
- Hôm nay chị bày cách nấu canh cho em, chị không sợ em biết cách làm thì anh ấy không bao giờ về nhà nữa hay sao?
Chủ nhà như chợt tỉnh lại, nhìn Đô Đô rồi cười. Nụ cười ấy như muốn nói: Thì anh ấy đã không về rồi đấy thôi! Lại như muốn nói: Sao anh ấy lại không trở về? Cũng còn như trách móc: Cô nói thế chẳng phải hơi quá hay sao? Lại như khoan dung, bởi vì bản thân vấn đề đó đã rất đáng cười.
Cười như thế xong, chị mới nhẹ nhàng hỏi:
- Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?
Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc nghĩ một lát rồi đáp:
- Em có thể làm như vậy, nhưng không cần phải thế nữa rồi.
Nói xong, cô đứng dậy bước đi. Ra đến cửa cô dừng chân, ngoảnh lại nói:
- Em không phải là chị.
Đô Đô ra về cũng đột nhiên như khi đã đến, chẳng có điều gì báo trước.
***
Một tháng đã trôi qua. Chiều muộn, như lệ thường chị ở trong bếp, âu canh đặt trên bếp gas, hơi nóng nhè nhẹ bốc lên. Ánh mắt chị xuyên qua ban công phía sau nhà nhìn ra, dường như chị nhìn thấy bãi cỏ dưới lầu, lại dường như nhìn vào một nơi không xác định.
Chuông cửa reo vang, chị nói “Đợi một chút” rồi ra mở cửa. Chị vừa phát hiện nhà hết gạo, chị phải mua túi gạo của cửa hàng gạo cố định ấy, vẫn là gạo Đông Bắc đúng nhãn hiệu ấy, hoàn toàn một màu xanh, không có thuốc trừ sâu độc hại, giá đắt gấp bốn năm lần gạo mới loại thường. Hẳn là nhân viên cửa hàng gạo mang gạo đến cho chị.
Chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra một lát rồi buột hỏi:
- Sao thế? Quên không mang chìa khóa à?- Ừ, quên! – Anh đáp.
Chị lập tức đi vào bếp, bỏ mặc anh đứng một mình. Anh không biết như thế là chị có ý gì, đã định bước theo vào nhưng lại cảm thấy không thỏa đáng, trong một lúc anh có cảm giác khắp người mọc gai. Một lát sau, từ trong bếp, chị nói vọng ra:
- Lát nữa người của cửa hàng gạo mang gạo đến, anh nhận gạo nhé!- Ừ! – Anh đáp.- Vẫn loại gạo mọi khi ấy!- Nhớ rồi!
Người mang gạo đã đến, anh đỡ lấy túi gạo từ tay người ấy, thuận miệng hỏi:
- Đã trả tiền chưa?- Trả rồi ạ. Bà bao giờ cũng trả trước – Người mang gạo đáp.
Anh nắm hai góc túi gạo bằng cả hai tay mang vào bếp, chị bảo:
- Để chỗ này.
Anh đặt gạo xuống đồng thời cảm thấy như trút được gánh nặng. Lúc ấy anh xác định mình đã có thể ngồi vào bàn ăn nên anh đến bàn ăn ngồi xuống. Chị như nhận thấy anh đã ngồi xuống bèn bảo:
- Rửa tay đi đã.
Anh rửa tay, ngồi lại vào bàn ăn thì chị bưng một khay to lên. Anh nghĩ nhà mình thì ra đã có cải tiến, chị không chia làm nhiều lần mang thức ăn lên nữa. Chiếc khay lớn đặt trên bàn, trên khay có hai bát cơm, hai đĩa thức ăn, một đĩa là đậu phụ nấu với tôm nõn, một đĩa là trứng xào cà chua. Trên khay cũng có một âu sành, đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh lập tức mở nắp âu ra, nói:
- Tôi húp canh trước đã.
Anh múc trong âu ra lưng bát canh, vẫn có xanh, có trắng, có đỏ, vẫn là màu nước canh trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp húp một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt, chẳng khác gì đang nằm trong chăn ấm áp bị người ta lôi ngay dậy, vừa lạnh lại vừa bực mình, lại hy vọng cố tỉnh ra khỏi giấc mơ ấy để trở về trong chăn ấm áp.
- Canh gì thế này? – Anh không dám nhổ ra, gắng nuốt ngụm canh trong mồm, hỏi vội.- Canh nước trong rau biếc đấy mà!- Sao lại khó nuốt thế? Canh trước đây có như thế này đâu? – Anh ấm ức tranh cãi.
Chị nếm một ngụm rồi nói:
- Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi. Anh còn muốn nó có vị gì nữa?
Anh đặt thìa xuống, xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, trên mặt không có một nét biến đổi nào. Chị vẫn thích ăn cơm, nhưng bây giờ chị không phải không cần thức ăn cũng ăn được như trước kia nữa. Chị xúc một thìa đậu phụ tôm nõn và một thìa cà chua xào trứng trộn vào với cơm rồi thản nhiên ăn, ăn rất ngon lành. Anh không ăn nữa, châm một điếu thuốc. Trước kia, anh không bao giờ hút thuốc trước mặt chi, nhưng bây giờ điều ấy chẳng có ý nghĩa gì nữa. Chị không hề nhìn anh lấy một cái.
Ăn xong miếng cơm cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó nhìn thẳng vào anh nói:
- Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Tôi tìm được việc làm rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.
- Đi làm? Làm gì? – Anh kinh ngạc hỏi.
- Giảng dạy ở trường nấu ăn.- Làm giáo viên nấu ăn sao?- Anh quên rồi à? Tôi vốn là một cô giáo. Tôi đã qua được cuộc thi tay nghề nấu ăn rồi.
Ngụm canh khó nuốt vừa nãy hình như lại cồn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:
- Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế?
Câu hỏi vừa buột ra, anh đã thấy bối rối. Anh không nên nói như thế. Người đuối lý là anh, chính anh có lỗi với chị, dù chị có làm điều gì di nữa anh cũng không có quyền chất vấn. Hơn nữa đã lâu rồi, anh có về nhà đâu? Chị biết tìm anh ở đâu mà bàn? Bây giờ anh nói như thế chỉ tạo cho chị một cơ hội để chị phản kích một trận nên thân, phản kích đến mức người anh không chỗ nào lành lặn.
Nhưng chị không hề phản kích, thậm chí chị không nói gì thêm. Chị chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu thấy mình ngu xuẩn. Ánh mắt ấy vừa trong sáng, nhưng lại thâm u xa vời, chẳng khác nào một đêm tối đen, trong khu vườn bỏ hoang xung quanh không một bóng người có một luồng khí trắng phun lên từ miệng giếng khiến người ta cảm thấy gai cả người.
(Sưu tầm)