Trở thành doanh nhân vì đam mê trở thành doanh nhân
Tôi nhớ có lần nói chuyện với một doanh nhân vốn có khiếu doanh nhân bẩm sinh; ông đang điều hành hơn bảy doanh nghiệp với hàng trăm nhân viên và doanh thu trên 100 triệu USD mỗi năm. Tôi thắc mắc có phải lúc nào ông cũng muốn trở thành doanh nhân và câu trả lời là “Không, hồi nhỏ tôi chỉ muốn trở thành bác sĩ. Nhưng mỗi lần mơ đến điều đó, tôi lại không hình dung mình trong chiếc áo khoác trắng đang chữa bệnh mà thay vào đó là hình ảnh người sáng lập và chủ sở hữu của bảy bệnh viện với một ngàn bác sĩ.”
Trong ví dụ này, chúng ta hấy được đặc điểm thứ hai của một doanh nhân. Trở thành doanh nhân vừa là phương tiện vừa là mục đích. Điều này rất giống với những gì xảy ra trong lĩnh vực sáng tạo. Khi các nhà khoa học hay nghệ sĩ muộn tạo ra cái mới, thì lĩnh vực, nguyên tắc hay chuyên môn của họ vừa là công cụ, vừa là mục đích. Một nhà văn tìm kiếm một văn phong mới cũng dùng văn chương vừa như là một công cụ vừa như là mục tiêu nhắm tới. Đây gọi là “động lực bên trong” mà dưới tác động của nó, mọi mảy may cân nhắc về rủi ro là vô nghĩa. Đơn giản là bạn khao khát điều bạn làm, thế thôi.
Đó là mong muốn hình thành trong bạn mà không đòi hỏi bất kỳ sự giải thích nào. Không cần phải hỏi liệu bạn có hạnh phúc với sự không chắc chắn này không. Trong ví dụ trên, tất cả những gì ông ta muốn là điều hành bảy bệnh viện. Có lý do gì không? Không. Nó cũng giống như khi vẽ nên bức Geurnica hay viết nên One Hundred Years of Solitude. Cũng thế, khi Paul Auster phát biểu trong lễ nhận giải thưởng Prince of Asturias Humanities, ông cố gắng giải thích về tác phẩm của mình “tại sao trên đời này lại có người muốn làm điều đó?” Lý do duy nhất tôi có thể tìm thấy là: bởi vì bạn phải làm như thế, bởi vì bạn không có sự lựa chọn nào khác. Không nghi ngờ gì, nhu cầu làm việc, sáng tạo và phát minh là động cơ thúc đẩy chính của con người. Nhưng những điều đó nhắm tới mục đích gì? Mục đích của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hư cấu, trong bối cảnh thế giới thực là gì? Tôi không thể nghĩ ra điều gì – ít nhất là theo cách thông thường.
Bạn có thể nghĩ rằng doanh nhân kinh doanh vì tiền, trở thành triệu phú, để lại danh tiếng trên thế giới, trở thành một ai đó, tạo công ăn việc làm, mang lại sự thịnh vượng cho thành phố của anh ta hay là bất kỳ điều gì đó được liệt kê trong danh sách những động cơ dài lê thê. Anh ta có thể cũng muốn một vài điều trong đó, nhưng một doanh nhân thực thụ không phải là chỉ có thế. Thực tế là một doanh nhân, cũng giống cách Auster đề cập đến việc sáng tác văn chương, không thể làm điều gì khác hơn.
Một doanh nhân thành đạt trong ngành bán thiết bị leo núi qua mạng hàng đầu mà tôi từng phỏng vấn cho biết: “Doanh nhân nhận biết tình huống của mình qua cảm giác trống trải bên trong. Không phải anh ta không hạnh phúc. Anh ta có thể đang hạnh phúc, nhưng trong sâu thăm, anh ta cảm thấy một nỗi trống trải cần được lấp đầy. Và cách duy nhất có thể lấp đầy khoảng trống ấy chính là tạo ra những khái niệm. Và không cần gì nhiều. Chỉ một điều đó thôi, anh ta cũng đủ nhận ra mình có phải là một doanh nhân hay không.”
Để ý thấy rằng khái niệm nhắc tới ở đây không khác gì nhiều so với khoảng trông bên trong thôi thúc một nghệ sĩ bắt tay sáng tác. Có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa động cơ của doanh nhân và nghệ sĩ mà Paul Auster nhắc đến.
Một vài người được phỏng vấn khẳng định với tôi họ có thể nhận biết một doanh nhân thực thụ bởi vì “anh có thể biết đâu là người thắng cuộc qua ánh mắt và cách anh ấy nhìn bạn khi đề cập đến công việc kinh doanh anh ta đang gây dựng. Và một khi công việc ấy thất bại, anh ta lại bắt tay làm lại từ đâu.”
Một người khác lại nói, “tôi có thể nhận diện một doanh nhân thực thụ qua cách anh ta kể cho tôi nghe về dự án của mình, và khi tôi hỏi, ‘anh có chắc không’, anh ta liền trả lời rằng anh ấy không mong ước điều gì hơn.”
Lòng nhiệt huyết: Vừa là động cơ vừa là nhiên liệu
Cậu bé ước mơ sở hữu bảy bệnh viện không mong muốn gì hơn khác ngoài việc trở thành một doanh nhân. Cũng như thế, người đàn ông yêu thích sự không chắc chắn không mong ước gì hơn ngoài việc trở thành lính cứu hỏa. Một người khao khát có được cơ hội tạo dựng một cái gì đó lớn lao, và người kia lại khao khát tìm kiếm sự rủi ro.
Cả hai khao khát ấy đều là yếu tố cốt yếu để trở thành một doanh nhân. Lòng yêu thích sự không chắc chắn và sự đam mê hoạt động kinh doanh giúp tạo nên cả động cơ lẫn nhiêu liệu thúc đẩy doanh nhân: lòng nhiệt huyết.
Nếu có một điểm nào là điểm chung cho hàng chục doanh nhân tham dự buổi phỏng vấn cho quyển sách này thì đó chính là điểm vừa nhắc đến này đây. Để trở thành doanh nhân, như đã đề cập, bạn phải có lòng nhiệt huyết tràn đầy và vô tận.
Dưới đây là một vài tuyên bố khá thuyết phục:
“Doanh nhân không tạo nên từ trường lớp. Không bao giờ. Trở thành một doanh nhân là một hành động thuộc về cảm xúc.”
“Một doanh nhân thực thụ không cần những động lực từ bên ngoài. Anh ta làm điều ấy vì bản thân mình; cái đó thuộc về tính cách.”
Nhiệt huyết đánh dấu sự khác biệt giữa doanh nhân thực thụ và doanh nhân “giả tạo”. Bản chất của một doanh nhân thực thụ giúp tạo nên lòng nhiệt huyết vô tận và không bao giờ cùng kiệt. Nếu không có nguồn động lực này, anh ta chỉ có thể trở thành chủ cửa hàng nhỏ, là cổ đông một công ty, hay cùng lắm chủ sở hữu một công ty. Nhưng nhất quyết không phải là doanh nhân với tất cả vinh quang của nó.
- Trích “Sách Đen về tinh thần doanh nhân” -
Thân!
Sửa bởi AnKhoa: 01/12/2011 - 17:59