Thienco không có ý coi thường thuyết của cụ Thiên Lương, người mà Thoa ngưỡng mộ, thần tượng đâu, vì thienco cũng ngưỡng mộ cụ mà... . Nhưng theo thienco có vẻ như khi lập thuyết cụ đứng trên vị trí của kẻ sĩ, thánh nhân để xét tất cả chúng sinh nên có vẻ hơi hơi quá... Dù sao cũng như ý Thoa nói mỗi người có một cách hiểu và quan điểm riêng để nhìn nhận vấn đề, có thể đúng với người này sai với người khác là chuyện thường, trong huyền học thì chẳng có công thức nào là 100% đúng cả, phải không.
Thienco có đọc được bài này và thienco cho rằng có lẽ đây là suy nghĩ của cụ :
Trong học thuyết Khổng tử, nhân vừa là lý tưởng đạo đức nhưng lại vừa là lý tưởng xã hội. Bởi vì, cứu cánh mang tính chất thánh thiện của nhân là mưu cầu "điều tốt lành cho khắp dân chúng, giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no" (bác thí ư dân nhi năng tế chúng). Cho nên khi (Ung Dã, VI/28) Tử Cống hỏi: "Giá như có một người đưa lại nhiều điều tốt lành cho khắp dân chúng, lại có thể giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no, thì thế nào (hà như?)? Có thể gọi là nhân được không? (Khả vị nhân hồ?) thì Khổng tử trả lời ngay, rằng đó không còn thuộc chuyện nhân mà thuộc chuyện thánh rồi. Và phải gọi người như thế là thánh mới đúng. Rồi Khổng tử còn nói rõ thêm rằng, dù là Nghiêu Thuấn đi nữa, cũng còn lo chưa làm nổi việc của thánh nhân đó. Thánh còn chưa làm được, huống hồ kẻ sĩ không phải là thánh. Rất có thể vì thế mà khi tiếp tục đối thoại với Tử Cống - cao đệ ở khoa ngôn ngữ (Tiên tiến, XI/2) - Khổng tử chỉ giải trình cách làm điều nhân (nhân chi phương) trong cảnh giới của kẻ sĩ như sau: Phàm kẻ sĩ có nhân, phải dẹp lòng vị kỷ, loại bỏ giới hạn tách biệt người với mình: hễ mình muốn tự lập được thì cũng thành lập cho người (kỷ dục lập nhi lập nhân), hễ mình muốn được thành đạt thì lo cho người cũng được thành đạt (kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Hãy lấy điều gần ngay trong lòng mình mà suy đạc đến lòng người, coi lòng người cũng như lòng mình, xem người cũng như mình, lấy cách đối đãi mình mà đối đãi với người (năng cận thủ thí). Thế mới gọi là cách làm nhân của kẻ sĩ vậy (khả vị nhân chi phương giã dĩ). Như vậy, quan điểm của Khổng tử rõ ràng là: làm điều nhân để trở thành thánh nhân là một điều trong thực tế chỉ là ảo tưởng, nhưng để trở thành người có đức nhân thì kẻ sĩ ai cũng có thể làm được, chỉ cần đạt ba điều kiện sau: Một là, mình đã lập được sự nghiệp thì cũng muốn người khác lập nên sự nghiệp. Con người ta thường mắc phải bệnh hại người để lợi mình: muốn có địa vị, chỗ đứng trong xã hội lại thường bài xích, lật đổ người khác và thông thường là "ố nhân thắng kỷ" (ghét người khác hơn mình). Hai là, mình muốn thành đạt trong cuộc đời, cũng muốn người khác thành đạt. Con người thường mắc bệnh đố kỵ, người có thì ghen ghét, người không có thì chê bai, chỉ biết vui mừng khi thấy mình hưng thịnh mà không hề vui mừng khi thấy người hưng thịnh. Do đó xảy ra tình trạng đố kỵ lẫn nhau không bao giờ dứt giữa người với người trong cùng một cộng đồng, dù chỉ có một nhúm người đi nữa. Ba là, làm bất cứ việc gì cũng biết lấy mình để đối chiếu, lấy mình làm thử để hiểu thấu ý muốn của người. Một người đối với mọi người, nhân hay bất nhân, có thể nhìn rất rõ từ bản thân mình. Cách làm điều nhân của kẻ sĩ được Khổng tử đề xuất trong cuộc đối thoại giữa ông với Tử Cống đã được Luận ngữ ghi chép lại (Ung dã/VI/28), có thể lạm dịch như sau: Tử Cống hỏi: "Giá như có người đưa lại nhiều điều tốt lành cho khắp dân chúng, lại có thể giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no, thì thế nào? Có thể gọi là người nhân được không?" Khổng Tử đáp rằng: "Sao lại có chuyện nhân ở đây (hà sự ư nhân)? (Đó là chuyện thánh chứ). Tất phải gọi người ấy là thánh mới đúng. Đến như Nghiêu Thuấn cũng còn lo không làm nổi việc đó của thánh nhân nữa là! Còn như người nhân, mình muốn gây dựng điều gì cho mình thì cũng gây dựng cho người điều đó, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt; biết lấy bản thân làm mục tiêu so sánh để hiểu thấu lòng người, khá gọi đó là phương pháp để thực hiện điều nhân vậy." (Luận ngữ chính văn, Ung dã/VI/28, bản chép tay xưa truyền lại) .
Thienco
Sửa bởi Thienco: 13/10/2011 - 01:32