故清陽為天,濁陰為地;地氣上為雲,天氣下為雨;雨出地氣,雲出天氣。
故清陽出上竅,濁陰出下竅;清陽發腠理,濁陰走五藏;清陽實四支,濁陰歸六府。
Cố thanh dương vi thiên, trọc âm vi địa; địa khí thượng vi vân, thiên khí hạ vi vũ; vũ xuất địa khí, vân xuất thiên khí.
Cố thanh dương xuất thượng khiếu, trọc âm xuất hạ khiếu; thanh dương phát thấu lý, trọc âm tẩu ngũ tàng; thanh dương thực tứ chi, trọc âm quy lục phủ.
Nên dương trong là trời, âm đục là đất; khí đất lên thành mây, khí trời xuống thành mưa; mưa từ khí đất, mây tự khí trời (1).
Nên dương trong ra khiếu trên, âm đục ra khiếu dưới; dương trong ra tấu lý, âm đục vào ngũ tạng; dương trong đầy tứ chi, âm đục về lục phủ. (1).
CHÚ THÍCH:- Nguyên chữ là 地氣上為雲,天氣下為雨;雨出地氣,雲出天氣。nghĩa đen theo ngữ cảnh là: khí đất xuất thành mưa, khí trời xuất thành mây. Nhưng nếu ghép thì thành câu rất khó hiểu: “khí đất lên thành mây, khí trời xuống thành mưa; khí đất thành ra mưa, khí trời thành ra mây”. Nên mới dịch như vậy. Ý câu này nói rằng: dương gốc từ âm, âm gốc từ dương, âm dương là gốc của nhau, dương đi lên, âm đi xuống, khí dương gốc nó ở dưới đất, nó nhẹ nên bốc thành mây (nhẹ mà trong), khí âm gốc ở trên trời, nó nặng nên giáng thành mưa (nặng mà đục). Mưa rơi xuống đất thì lại bốc hơi lên quay lại thành mây, còn mây đầy hạt thì lại rơi xuống thành mưa, vậy thì gốc của mưa từ mây ra, gốc của mây từ mưa mới có. Đó là âm dương hoán đổi cho nhau, trong âm có dương, trong dương có âm, âm dương là tương đối. Vạn vật luôn vừa tương đối, vừa khắc vừa sinh nhau, gắn bó lệ thuộc, hỗ giao với nhau, vận động không ngừng, đó là quy luật của vũ trụ, nên mới gọi là Dịch (luôn chuyển động).
- Đoạn này liên hệ thân mình cũng là tiểu vũ trụ, cũng theo cùng một quy luật như vậy: phần dương nó đi lên, vì bên trên là chỗ của dương, phần âm nó đi xuống, vì bên dưới là chỗ đúng của âm. Nên thở thì lên trên, mà đại tiện, tiểu tiện thì xuống dưới, thở thì vốn không hôi thúi (thanh), mà tiểu tiện đại tiện thì hôi thúi (trọc), cái tinh hoa hóa khí nó phát ra tấu lý, phủ ra ngoài bì mao thành vệ khí, bảo vệ cơ quan, còn phần huyết dịch nó đi vào trong ngũ tạng vì nó là âm. Cái dương trong nó ra tứ chi, bởi vì chân tay là cơ quan máy động, còn âm đục nó đi vào phủ tạng, vì đó là nơi thu tàng.
水為陰,火為陽,陽為氣,陰為味。味歸形,形歸氣,氣歸精,精歸化,精食氣,形食味,化生精,氣生形。味傷形,氣傷精,精化為氣,氣傷於味。陰味出下竅,陽氣出上竅。味厚者為陰,薄為陰之陽。氣厚者為陽,薄為陽之陰。味厚則泄,薄則通。氣薄則發泄,厚則發熱。壯火之氣衰,少火之氣壯。壯火食氣,氣食少火。壯火散氣,少火生氣。氣味,辛甘發散為陽,酸苦涌泄為陰。
Thuỷ vi âm, hoả vi dương, dương vi khí, âm vi vị. Vị quy hình, hình quy khí, khí quy tinh, tinh quy hoá, tinh thực khí, hình thực vị, hoá sinh tinh, khí sinh hình. Vị thương hình, khí thương tinh, tinh hoá vi khí, khí thương ư vị. Âm vị xuất hạ khiếu, dương khí xuất thượng khiếu. Vị hậu giả vi âm, bạc vi âm chi dương. Khí hậu giả vi dương, bạc vi dương chi âm. Vị hậu tắc tiết, bạc tắc thông. Khí bạc tắc phát tiết, hậu tắc phát nhiệt. Tráng hoả chi khí suy, thiểu hoả chi khí tráng. Tráng hoả thực khí, khí thực thiểu hoả. Tráng hoả tán khí, thiểu hoả sinh khí. Khí vị, tân cam phát tán vi dương, toan khổ dũng tiết vi âm.
Thủy là âm, hỏa là dương, dương là khí, âm là vị (1). (2). Vị quy về hình, hình quy về khí, khí quy về tinh, tinh quy về hóa, tinh nhờ khí, hình nhờ vị, hóa sanh tinh, khí sanh hình(2) . Vị hại hình, khí hại tinh, tinh hóa thành khí, khí hại bởi vị (3). Vị âm ra khiếu dưới, khí dương xuất khiếu trên (4). Vị dày thời là âm, mỏng là dương của âm. Khí dày thời là dương, mỏng là âm của dương. Vị dày tất chảy ra, mỏng ắt thông suốt. Khí mỏng tất xì ra, dày tất phát nhiệt. Hỏa mạnh thì khí suy, hỏa ít thì khí tráng. Hỏa mạnh ăn khí, hỏa yếu bị khí ăn. Hỏa mạnh khí tán, hỏa yếu khí sinh. Khí vị, ngọt cay phát tán là dương, chua đắng chảy vọt là âm. (5)
CHÚ THÍCH:- Chữ 味 ở đây chỉ 5 vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt. Đoạn này khẳng định khí thì thuộc dương, vì nó nhẹ mà không có hình, vị thì thuộc âm, vì nó nặng mà có hình. Cho nên cuối chương Sinh khí thông thiên luận mới nói: “Nơi sinh của âm, gốc ở ngũ vị, năm cung của âm (1), đau ở ngũ vị”. Như vậy quan điểm Kì Bá xem ngũ cung, ngũ vị, ngũ tạng cùng một gốc đều âm.
- Vị quy về hình: ngũ vị tuy nếm được, nhưng nó vốn không thấy được bằng mắt, nương tựa vào vật ăn được, ăn vào mới biết nó vị gì. Nên nói là vị quy về hình.
Hình quy về khí, khí quy về tinh, tinh quy về hóa: Vật dù là động vật hay thực vật đều không tự nhiên mà có, nếu là cây cối phải bẩm thụ khí âm dương, ngũ hành, hút lấy dinh dưỡng là tinh hoa của đất mới mọc ra được, động vật cũng như người, phải hít thở thanh khí, ăn uống vào thân mình, Tỳ Vị mới vận hóa ra tinh hoa để chuyển thành khí huyết mới ra thành cơ thể. Nhờ vận hóa mới ra hình hài, nên nói là tinh quy về hóa, bởi vì hóa là gốc sinh ra tinh, khí quy về tinh, bởi tinh là gốc sinh ra khí và huyết, từ đó mà sinh ra hình, đó là hình quy về khí. Thực vật nhờ khí và tinh hoa của đất mà thành hình, động vật ăn vào vận hóa thành khí huyết, sinh ra hình dạng, còn người thì lại ăn chúng, Tỳ Vị vận hóa sinh ra tinh hoa, chuyển thành khí và huyết dịch, nuôi thành hình người. Nên nói rằng: hóa sanh tinh, khí sanh hình, tinh và khí thuộc về dương, hình và vị gốc là âm.
Đoạn này ý nói vạn vật trong trời đất rốt cuộc đều do hai khí âm dương lưu chuyển mà thành ra hình hài, người ăn động vật, động vật ăn thực vật, thực vật hút thanh khí và tinh túy đất đai, đất đai thì có từ vạn vật chết đi mục rữa mà thành. Quan điểm này đúng thật là chân lý, tinh hoa của Triết học phương Đông, về Dịch, nó nói lên nguồn gốc vạn vật bởi hai khí âm dương lưu chuyển mà hóa sinh ra ức vạn (Vô cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh muôn vật), Đạo gia cũng nói: Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu, câu này ít người hiểu đúng nghĩa của nó: giả sử nếu ta hỏi Trái Đất từ đâu ra, cỏ cây từ đâu ra thì có thể trả lời được, bởi vì truy ra được nguồn gốc, còn hỏi vũ trụ từ đâu ra không ai có thể nói được, cho nên Lão Tử gọi đó là Đạo, vô danh thiên địa chi thủy tức là “Nguồn cội của trời đất [thì không biết từ đâu nên] không có tên” vậy. Hai tư tưởng này trùng với thế giới quan của Phật giáo về chữ không: không không phải là không có gì, mà muôn vật trong trời đất phân thành sắc và không, sắc thì có hình hài, không không phải là không có gì, mà nó giống như hai khí âm dương lưu chuyển không có đầu cuối, không có bản ngã nhất định. Khi là vật này, khi là vật khác, trải qua muôn kiếp lâu xa không thể biết được nó từ đâu ra và đi về đâu, nó có tồn tại mà không thật hoàn toàn là vật gì vĩnh viễn, nó không có hình hài cố định nhưng cũng không phải là không có gì. Cũng như người chết thành đất, đất mọc thành cây, động vật ăn cây, người ăn động vật, tuy bây giờ là người nhưng phần nào là cây, phần nào là vậ,t không ai có thể chỉ rõ ra được nữa, cái tôi bản ngã chỉ là ảo tưởng cá nhân mà thôi. Điều này cho thấy chân lý chỉ có 1 và các trường phái triết học đều nói về chân lý như nhau!
- Vị hại hình, khí hại tinh: Hình nhờ ngũ vị ăn vào mới có, ngũ vị nhờ có hình để nương tựa biểu hiện thành vật ăn, nhưng ngũ vị nuôi người cũng có thể hại người, như ăn mặn thì hại Thận vậy. Tinh hóa chuyển thành khí nuôi người, nhưng tám khí bên ngoài cũng có thể hại người. Tinh hóa ra khí, nhưng ngũ tạng mất quân bình thì khí ấy hình khắc các tạng phủ khác, tinh ấy do vị sinh ra, nên nói là khí hại bởi vị vậy. Câu này rất thâm bí khó hiểu, tôi trí kém, cũng không có nhiều kinh nghiệm kiến thức, chỉ xin tạm hiểu là: vị với hình quy thuộc âm, nên vị hại đến hình, như ăn uống quá mặn ngọt đều hại đến thân thể, còn khí và tinh nó không có hình nên quy thuộc dương, khí có thể hại đến tinh, vì nó là đồng đạo, ở đây là vị bên ngoài nạp vào có thể hại đến thân mình, khí bên ngoài du nạp vào có thể hại đến tinh mình. Tinh của mình chuyển hóa thành khí của mình, mà ăn uống quá vị có thể hại đến tinh khí vậy!
- Vị thuộc âm, sinh hình, nó là âm nên đi xuống dưới, Tỳ Vị vận hóa thành tinh hoa, chuyển thành khí huyết, nạp về Can Thận tích trữ, huyết dịch nuôi thành cơ nhục đều có hình, chất nó thải ra đại tiện tiểu tiện cũng đều có hình. Khí thuộc dương nên nó không có hình, nó là dương nên do Phế ở phần dương chủ quản, thường xuyên lưu chuyển để thúc đẩy huyết dịch, hít vào thở ra đều luân chuyển lên trên, dù là tinh hóa khí, bao phủ lên người như vệ khí, hay thải ra trọc khí đều không có hình.
- Nguyên văn không nhắc đến vị mặn.