Gửi vào 23/11/2022 - 14:11
ĐỘC GIÁC KINH
(vẫn tiếp theo)
Tiếp theo tới phần “Nhân”. Cái “nhân” để nhìn thấy bản thể (lý) là: “thường vô dục dĩ quan kì diệu”, và cái “nhân” để nhìn thấy hiện tượng (sự) là: “thường hữu dục dĩ quan kì kiếu”. Chỉ hai câu là xong phần “nhân”. Xong rồi nhưng Lão tử vẫn không quên nhắc lại, rằng “Thường vô dục” là bản thể, “thường hữu dục” là hiện tượng tưởng như nghịch nhau, nhưng thực ra là một. Hai cái “nhân” đó không lìa nhau, mà viên dung với nhau, tuy hai mà một: “Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh”. Đều huyền diệu cả: “đồng vị chi huyền”, huyền diệu vì từ đó sinh ra huyễn, thì thêm một lần huyền nữa, và huyễn cũng tức là huyền: “huyền chi hựu huyền”. Đây chính là chỗ Lão tử nói “tục đế tức chân đế” và nghĩa lý của Trung đạo, như sau này Long Thọ Bồ Tát viết: “Chúng nhân duyên sinh pháp / Ngã thuyết tức thị không / Diệc vi thị giả danh / Diệc thị trung đạo nghĩa”, vì có “chúng nhân duyên sinh pháp” cho nên mới “dĩ quan kì diệu”, và cũng vì “vi thị giả danh”, cho nên mới “dĩ quan kì kiếu”. Nghĩa lý bài kệ này của Ngài Long Thọ với đoạn trên trong Đạo Đức kinh thực ra là một. Tuệ giác gặp nhau kì diệu như thế đấy.
Các học giả đời sau bố cục Đạo Đức kinh làm 81 chương là thuần túy số học, chia đôi thành Thượng kinh và Hạ kinh. Trong khi chương một gồm “tông chỉ” và “nhân địa”, từ chương hai trở đi là “Dụ” (ví dụ, dẫn chứng…), tuy thỉnh thoảng cũng có câu trùng ý với chương một, song chỉ là nhắc lại mà thôi. Phần “Dụ” cũng là “đạo” đấy, bởi “dụ” không ra ngoài “đạo”, nhưng là đạo sinh diệt, không phải “thường đạo”. “Tông chỉ” và “nhân địa” là pháp “xuất thế gian”, tức là pháp “vô vi”. “Dụ” là pháp “thế gian”, tức là pháp “hữu vi”. Dùng pháp “thế gian” làm ví dụ, để diễn giải và minh họa cho pháp “xuất thế gian”, là việc chư Phật mười phương ba đời vẫn thường hay làm, không chỉ riêng Lão tử. Điều đó chứng tỏ tư tưởng Độc Giác của Lão tử đã hướng tới tuệ giác của Đại thừa. Tuệ giác ấy mách bảo chúng ta rằng cái gọi là “Đạo” ấy, nó ở ngay đây, trong ta và xung quanh ta, chứ không ở đâu khác. Tục đế tức Chân đế, phiền não tức Bồ Đề… Đó chính là tư tưởng Đại thừa.
Đọc Đạo Đức kinh dưới góc nhìn của Nhân Minh luận thì như vậy. Ngoài ra, từ chương 2 trở đi, còn nhiều cách đọc nữa, ví dụ đọc theo Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), thì sẽ thấy Đạo Đức kinh như một bộ luận về Bát Chánh Đạo của Phật Đà, bao gồm cả “chánh kiến”; “chánh tư duy”; “chánh mạng”, “chánh nghiệp”… Tóm lại có rất nhiều “cửa” kì diệu để thâm nhập Đạo Đức kinh mà kết thúc chương 1, Lão tử viết: “chúng diệu chi môn” có nghĩa là như vậy. Giáo Pháp của Phật cũng chỉ ra tới 84.000 pháp môn (84.000 cửa) để khai mở “tri kiến Phật”, cũng tức là khai mở năng lực Độc Giác của mỗi mỗi chúng sinh.
Trong khuôn khổ của một bài viết, thì không thể bàn chi tiết phần “Dụ” (tức là từ chương 2 trở đi) của bộ kinh được. Chỉ biết rằng vì những phản ngôn tiên chỉ, đầy tính khuyên bảo, dạy dỗ cuộc đời, thậm chí mắng mỏ (đàn ha)… của Lão tử, mà nhiều học giả đời sau đã tôn Ngài thành đệ nhất túi khôn của thiên hạ. Các học giả cũng đã bàn phần này đến nát cả ra rồi, vậy mà ngày nay vẫn xuất hiện một điều thú vị, đó là bản dịch và chú giải gần nhất, mới nhất và dũng cảm nhất của tiến sĩ Bùi Đại Dũng (như đã nhắc tới ở trên). Bản này được NXB HNV xuất bản vào quý 4/2022, vừa mới “bóc tem”. Đó chính là “nhân duyên”, khiến tôi “nổi cơn” viết những dòng này. Và cũng nhờ bản dịch và chú giải của Bùi Đại Dũng, mà tôi mới có tài liệu, để trích dẫn những câu dịch của các cụ học giả như trên. Xin cảm ơn tiến sĩ Bùi Đại Dũng.
Kho tàng giáo lý nhà Phật nói đến tên nhiều vị Phật, như Phật A Di Đà, Phật Nhiên Đăng, Phật Dược Sư, Phật A Súc… Nhưng duy chỉ có Phật Thích Ca Mâu Ni (cho đến nay) là có thật trong lịch sử. Cũng xuất hiện lai lịch một số vị Bích Chi Phật (Phật Độc Giác), song sử sách không hề thấy ghi chép. Có lẽ Lão tử là trường hợp duy nhất chăng? Năng lực Độc Giác của chúng sinh vốn là thường hằng, nên chủng tính giác ngộ bằng con đường Độc Giác cũng tồn tại thường hằng, từ vô thủy. Nhưng chỉ đến khi Phật Thích Ca xuất hiện, thì pháp tu của những hàng Độc Giác mới được bậc toàn giác “ấn chứng”, và thâu nhiếp một cách rõ ràng, mạch lạc, từ nhân địa tu hành đến quả vị tu chứng… vào trong giáo pháp của Ngài. Đó là pháp tu “Thập nhị nhân duyên” của những bậc Duyên Giác. Trước đó tại sao chưa có vị Bích Chi Phật nào chỉ ra điều này? Bởi vì chỉ có “đạo chủng trí” của một vị Phật thì mới làm nổi điều đó. Bích Chi Phật có “nhất thiết chủng trí”, song không có “đạo chủng trí”.
Pháp tu của hàng Độc Giác được thâu nhiếp vào kho tàng giáo Pháp của Phật Đà gọi là “Độc Giác thừa”, cùng với “Thanh Văn thừa”, được xếp chung vào hàng “Nhị thừa”, để phân biệt với “Bồ Tát thừa”. Nhưng tại sao “Thanh Văn thừa” và “Bồ Tát thừa” có thứ lớp tu chứng rõ ràng, từ “tam hiền” (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng) đến “tứ thánh” (Tu Đà hoàn, A Na Hàm, A La hán), rồi “thập thánh” (thập địa Bồ Tát)… trong khi “Độc Giác thừa” thì tịnh không thấy nói đến thứ lớp tu chứng? chỉ một phát đến thẳng quả vị Bích chi Phật? Có lẽ vì “Độc Giác thừa” là pháp tu “đốn ngộ”, không phải “tiệm ngộ” chăng?
Thực ra thì không có gì gọi là “đốn”, hay “tiệm” cả, bởi trong “đốn ngộ” vẫn có thứ lớp tu chứng, tức là “tiệm ngộ”, và ngược lại, trong “tiệm ngộ” vẫn có “đốn ngộ”. Trong kinh Viên Giác, Phật đã ân cần nhắc đi nhắc lại điều này. Đạo Đức kinh (có thể nói) là bộ giáo lý duy nhất (tính cho đến nay) của “Độc Giác thừa”, do một vị Độc Giác để lại. Vậy đầu đề ba chữ “Đạo Đức kinh” có nghĩa là gì?
“Đạo Đức kinh” là kinh nói về cái “Đức” của “Đạo”. Chứ không phải nói về “đạo đức”, “quy tắc”, “luân lý”, “tử tế” hay “có học”… như cách xưa nay chúng ta vẫn hiểu. Ở đây “Đức” là đại từ sở hữu của “Đạo”, thuộc về “Đạo”, cho nên đây là bộ kinh nói về cái “Đức” của “Đạo”. Chữ “Đức” ở đây cũng không hẳn như từ điển Hán Việt giảng là cái “đạo” để lập thân, là đức hạnh, là làm thiện... “Đức” ở đây phải hiểu là “dụng” của “Đạo”, nhờ “Đức” mà thấy được “Đạo”. Đó là năng lực, là công đức, bất sinh bất diệt, bất khả tư nghì... gắn liền với Đạo, không ra ngoài Đạo. Vì bất sinh bất diệt nên đó là pháp vô vi (xuất thế gian), thì không thể hiểu theo cách hiểu của đạo đức thế gian (pháp hữu vi) được. Cũng như “Đức” của Niết Bàn là “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, nhờ “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” mà thấy được Niết Bàn. “Đức” của Phật tính là “Bát Nhã, Pháp thân và Giải thoát”, nhờ “Bát Nhã, Pháp thân và Giải thoát” mà thấy được Phật tính... “Đức” của “Thường Đạo”, trong Đạo Đức kinh cũng tương tự như vậy. Vì “Thường Đạo” là năng lực Độc Giác, nên cũng chứa đầy đủ mọi công đức trí tuệ (Bát Nhã), cũng tồn tại thường hằng, ở mọi lúc, mọi nơi (Pháp Thân), cũng chính là Giác ngộ (Giải thoát)”. Tuyền bộ kinh hơn 5000 chữ, đều không ra ngoài ba cái “Đức” ấy.
Đạo Đức kinh, do một vị Độc Giác làm ra, có đủ ba đức Bát Nhã, Pháp Thân và Giải thoát, thì có thể coi là Giáo lý của Độc Giác thừa. Nghĩa là Đạo Đức kinh cũng tức là Độc Giác kinh.
Lão tử (khoảng 571 TCN - 471 TCN) sống gần như cùng thời với Thái tử Tất Đạt Đa, tức Ngài Cồ Đàm, tức Phật Thích Ca Mâu Ni. Địa lý y báo của hai Ngài cách xa nhau vạn dặm, một Tây Trúc, một Đông Độ, một vị thu nhận đệ tử, thường thường di chuyển và thuyết pháp, một vị tuyệt đối không nhận đệ tử, cũng không di chuyển, không thuyết pháp…
Nếu không có chuyện Doãn Hỷ, người giữ cổng thành của nhà Chu hốt nhiên đề nghị, thì Lão tử cũng không để lại bộ giáo lý này.
Đó là những chỗ khác nhau (bề ngoài) giữa Phật và Lão, cũng là khác nhau giữa Bồ Tát thừa và Độc Giác thừa, giữa Phật Đà và Bích chi Phật (tức Độc Giác Phật).
Có thể khẳng định Lão tử là Độc Giác, bởi vì thời ấy không có báo chí, không có internet, không có mạng xã hội… nên Phật và Lão tuyệt đối không có bất cứ thông tin gì về nhau. Nhưng hai Ngài biết nhau, chắc chắn như thế. Không phải biết nhau qua tin đồn, mặc dù thời nào cũng tồn tại quy luật “tiếng lành đồn xa…”, mà là biết rõ tới mức chứng được trí tuệ của nhau. Dù khó tin song cũng xin chớ thắc mắc. Bởi cái biết của các bậc giác ngộ thì bất khả tư nghì, là vô giới hạn về không gian và thời gian. Bằng chứng là khi Phật thuyết “Thập nhị nhân duyên” ở bên Tây Trúc, thì Lão tử ngồi trông kho sách của nhà Chu ở bên Đông Độ đã chứng quả Bích Chi Phật. Nghìn năm sau, Trung Hoa xuất hiện đại sư Thiên Thai Trí Giả (538-597), mỗi khi nhập “Pháp Hoa tam muội”, thì ngài lại thấy Phật vẫn đang thuyết kinh Pháp Hoa ở trên núi Linh Thứu. Và mỗi khi nhập “Thập nhị nhân duyên” tam muội, ngài lại thấy Lão tử đang ngồi ở cổng thành nhà Chu viết Đạo Đức kinh.
Phật tất nhiên biết rõ về Lão hơn là ngược lại, vì cái biết của chư Phật là “đạo chủng trí” (tỏ mọi đường đạo), cái biết của Lão mới dừng lại ở “nhất thiết trí” (tỏ mọi đường đời). Vì có “đạo chủng trí”, nên Phật không chỉ biết rõ về Lão, mà còn biết rõ cả Khổng, một trí tuệ khác, cũng cùng chung “thiên hạ” với Lão.
Khác với Lão tử có “căn tính” Độc Giác, không cần tới bất cứ ông thầy nào, thì Khổng tử có “căn tính” tương tự như Thanh Văn thừa, tức là anh học trò, dẫu rất thông minh đấy, nhưng nếu không có những vị tiền bối để tôn làm thầy như Văn Vương, Chu Công, không có sách để học như Kinh Thi, Kinh Lễ… thì không có Khổng tử. Học thuyết của Khổng tử là Nhân thừa, cứu cánh là làm Người, tức là trong phạm vi gầm Trời. Nhưng đời sau học Khổng chỉ cốt để làm vua, làm quan… nên không nhất thiết phải đạt tới Nhân thừa, chỉ cần hạ thấp học thuyết của Ngài xuống, thành Tiểu Nhân thừa là… quá đủ. Điều này đã được sử gia Tư Mã Thiên kể lại trong thiên “Khổng tử thế gia”.
Ở Lão tử, phải chăng cũng xảy ra tình huống tương tự? Cứu cánh của Độc giác thừa là Niết Bàn Vô lượng thọ, tức là xuất thế gian. Nhưng đời sau học Lão chỉ cốt thành “thọ giả” (cầu thọ) mà thôi. Nên Độc Giác thừa cũng bị hạ thấp xuống thành Tiên thừa, cứu cánh là chư thiên. Đời sau tôn Lão tử làm Đạo Tổ, thì cũng chỉ cầu đắc đạo tu Tiên, dẫu có lên tới được đỉnh Trời, thì vẫn còn luẩn quẩn trong phạm vi của thế gian.
-Nguon: Pham luu vu-