Quan điểm xưa, nhiều người coi Chúng Thủy Triều Đông cách là song Hao Mão Dậu và cả song Hao Dần Thân. Trong đó song Hao Mão Dậu chủ buôn bán, kinh thương mà giàu; còn song Hao Dần Thân chủ về kiếm tiền nhờ nghề có tính chất may rủi, tâm linh, ví như cờ bạc, bói toán...
"Song hao mão dậu. Chúng thuỷ triều đông. Ái mộ cự cơ. Tối hiềm hoá lộc"
Đương nhiên trong câu phú trên là Hóa Lộc chứ không phải Lộc Tồn, vì Đại Tiểu Hao và Lộc Tồn cùng trong vòng bác sĩ, đã song Hao thì thôi Lộc Tồn.
Như đã biết, Đại Tiểu Hao, được xếp vào hàng bại tinh, chữ "hao" nghĩa là hao tán. Vậy nên khi tọa Tài Phúc Điền hoặc đi với Lộc tinh chủ hao tài, tán lộc; Phúc có Hao Kiếp thì cô độc; Điền có Hao thì chủ tán nhiều hơn tụ (
Lưỡng Hao chiếu thủ Điền Tài, tán nhiều tụ ít mấy ai nên giàu)... Cho nên có câu "Chúng thủy triều đông... tối hiềm Hóa Lộc" là vậy.
Nhưng song Hao nhiều khi cũng đắc dụng chứ chẳng đùa. Giả như hạn gặp Không Kiếp Hình Kỵ mà dính Lưu Mã, chủ bệnh tật, tai nạn nhưng ngộ song Hao thì lại có thể giải được (phần nào). Nhưng xin nhớ rằng cách song hao Hóa Lộc Mão Dậu thì chủ có tiền mà không bền, chứ không phải là nghèo mạt, vậy ta nên cẩn thận khi luận đoán.
Một điều phải hết sức lưu ý: Cự Cơ tại Mão khác tại Dậu, ngộ Tiểu Hao khác với ngộ Đại Hao. Vị trí của Lưu niên văn tinh cũng có vai trò quan trọng nữa... Nói chung sẽ có nhiều thứ để xem xét đồng thời trong cách Chúng Thủy Triều Đông này.
Phú có câu:
"Cự Cơ chính hướng hạnh ngộ Song Hao, uy quyền quán thế". Tức Cự Môn, Thiên Cơ ở tứ chính (Tý Ngọ Mão Dậu) rất thích ngộ song Hao, chủ có quyền thế.
Khi Cự Cơ ở Mão Dậu, song Hao hành Hỏa đốt làm Kim cung (Dậu) hóa Thủy dẫn xuất tới Mộc cung (Mão), tại đây có 2 phản ứng, một là nước chảy (song hao) khiến đá (Cự Môn) mòn, từ đó làm cho Thiên Cơ trở lên mạnh mẽ vì được sinh xuất cho (phản ứng thứ hai). Cũng theo cách hiểu này, chúng ta có thể giải thích tại làm sao "tối hiềm Hóa Lộc", bởi Hóa Lộc là hành Mộc đới Thổ, khi đi cùng với song Hao Mão Dậu thì tính Thổ của Hóa Lộc trở mạnh, làm "tắc nghẽn" dòng chảy của song Hao, từ đó làm hỏng cách cục.
Còn khi Cự/Cơ nằm tại Tý Ngọ, khi đó gọi là Thạch Trung Ẩn Ngọc cách. Lúc này thì cũng cần nước chảy (Song Hao) khiến đá (Cự Môn) mòn để lộ ra viên ngọc tàng ẩn bên trong. Cách này lại rất thích Hóa Lộc Quyền Khoa đồng cung với Cự Môn, tựa hồ những viên ngọc quý ẩn sâu trong đá, chờ được khai phá. Duy chỉ có trường hợp với Lộc Tồn thì lại được cho rằng "sinh bất phùng thời" vì đã bị ẩn tàng, khó khai thác, khám phá, nhưng khi phát lộ ra thì cũng chẳng dùng "ngay" cho được.
Đó là Chúng Thủy Triều Đông cư Mệnh/Thân. Vậy ở các cung khác thì thế nào?! Thực ra cũng tùy để luận đoán, nhưng nói chung cũng chủ "vượt trội" hơn người.
"Tây Nương Tử (tức Tây Thi) áp đảo Ngô triều do hữu Cự Cơ, Song Hao, Quyền Ấn, Ðào Hồng Phu cung"
Dẫu sao, có quan điểm cho rằng "Song Hao Mão Dậu, tuy gọi là hao mà lại không chủ hao". Cũng ngầm hiểu rằng Mão Dậu là chỗ miếu địa của song Hao vậy.