Tình cờ đọc được bài này, cũng có thể tham khảo được
NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI Ở VIỆT NAM CÒN TỒN TẠI ĐẾN BAO GIỜ?
Lê Phú Khải
Ở những nền tư pháp tử tế, khi một nghi phạm bị bắt thì người đi bắt phải nói với nghi phạm: Ông/Bà được phép mời luật sư. Từ đó trở đi, mỗi lần công an hỏi cung nghi phạm thì luật sư ngồi bên cạnh, luật sư có quyền không cho người hỏi cung hỏi câu này hoặc câu khác, vì “câu hỏi đó không đúng luật”! Vì luật sư là người nắm luật pháp hơn cả. Mỗi biên bản hỏi cung như thế phải có chữ ký chứng thực của luật sư thì lúc ra toà lời khai mới có giá trị.
Ở Việt Nam thì các vụ án luật sư không được tiếp cận hồ sơ từ đầu, chứ đừng nói gì đến ngồi cạnh nghi phạm khi bị hỏi cung. ... Những lời khai trong bóng tối như thế ở một nền tư pháp dân chủ đều không có giá trị pháp lý. Vì thế mới có nguyên tắc tối thượng là trọng chứng, không trọng cung.
...
Còn có gì trắng trợn, coi thường đạo lý và đểu cáng dã man hơn hả ông Nguyễn Hoà Bình chánh án?
Lúc ông từ miền quê nghèo Quảng Ngãi ra đi, ông có hình dung ra mình sẽ quyền thế và giàu có như thế này không, nhờ nền tư pháp mà đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành năm xưa tổng kết trong một câu bất hủ: “Chúng ta có cả một rừng luật, nhưng khi xử thì xử theo luật rừng!”?
Oan khiên chồng chất oan khiên lên đầu gần 100 triệu dân đen Việt Nam từ cái nền tư pháp bất lương đó! Đã có biết bao vụ án oan trong quá khứ vì nạn nhân bị ép cung và đánh đập tra tấn dã man!
Người viết bài này xin thống kê một số vụ điển hình:
– Có lẽ vụ điển hình nhất là vụ án mang tên Vụ gián điệp “H122”, năm 1948. Trong vụ này, hàng trăm cán bộ vô tội trong kháng chiến chống Pháp bị giam cầm, do họ bị ép cung, đánh đập mà phải “nhận tội”!
Sự việc tóm tắt như sau: Một tin đồn do Pháp tung ra đã lan truyền trong khu Việt Bắc là có một gián điệp mang bí số H122 đã được Pháp gài vào hàng ngũ ta, và H122 đã cung cấp nhiều tin tức quân sự quan trọng cho Pháp.
Một anh giám mã (coi giữ ngựa) cho một cơ quan đã bị nghi ngờ là H122. Lý do nghi ngờ rất đơn giản: Anh ta đã chạy ra sân lấy vào một chiếc khăn trắng trong lúc có tiếng máy bay của Pháp trên trời. Người ta nghi anh làm ám hiệu bằng chiếc khăn trắng cho máy bay Pháp đến. Thế là anh giám mã bị bắt, bị bức cung. Anh ta đã nhận mình là H122, rồi khai ra những người khác. Cứ thế, người bị bắt mới lại khai tiếp… Con số bị bắt đã lên đến hàng trăm, kể cả cán bộ cao cấp, và cả một bà bán xôi.
Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Đăng Ninh đã vào cuộc. Ông Trần Đăng Ninh đã đến tận hiện trường và xem xét rất kỹ. Ông thấy rất nhiều điều vô lý. Pháp không thể gài người vào ta mà lại chọn một anh chăn ngựa không biết chữ. Cái sân bé tí trước nhà anh chăn ngựa giữa rừng núi âm u thì không máy bay nào trên trời có thể nhìn thấy một cái khăn màu trắng… Cứ thế, cứ thế, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét, điều tra cụ thể, quyết liệt, và đã ra lệnh thả mấy trăm “phạm nhân” đang bị giam. Người ta đã gọi ông Trần Đăng Ninh là “Bao Công Việt Nam” từ vụ án đó.
Sau hoà bình 1954, ông Trần Đăng Ninh đã đi máy bay và cố nhìn xuống dưới để xem có thể thấy một cái “khăn trắng” nào không, và sau đó ông đã “an tâm” là mình đã xử án đúng.
– Vụ thứ hai, cũng rất điển hình, phức tạp, quyết liệt và đầy kịch tính, xảy ra vào các năm 1963-1964, là vụ án ở nhà máy cơ khí Gia Lâm Hà Nội. Giám đốc Võ Văn Khang bỗng dưng bị chết. Tám cán bộ đảng và công đoàn nhà máy bị bắt. Vì giám đốc công an Hà Nội lúc đó là ông Long, cho đây là vụ giết người. Bị bức cung khốc liệt, cả tám người đều nhận tội! Thế là án đã “nhanh chóng được phá”. Thành tích được nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để được khen thưởng. Nhưng Đại uý Tích ở công an Hưng Yên, khi khám nghiệm tử thi nạn nhân được vớt lên ở cửa sông Hồng, đã quả quyết báo lên ngay trong đêm với Cục trưởng Cục Cảnh sát Lê Hữu Qua là nạn nhân đã tự sát. Đại uý Tích đã làm báo cáo tường trình cụ thể, và ông cùng đồng nghiệp, cùng Cục trưởng Qua kiên quyết chống lại kết luận giám đốc Khang bị giết. Được Thứ trưởng Lê Quốc Thân ủng hộ, Giám đốc Long cũng kiên quyết đấu lại.
Bốn năm trời tranh cãi, hồ sơ biên bản vụ án đã lên cả tạ giấy. Bất phân thắng bại, nên cuối cùng phải mời một đoàn chuyên gia của Bộ Công an Cộng hoà Dân chủ Đức sang giúp. Người Đức đi sang một chuyên cơ gồm 10 chuyên gia các lĩnh vực. Trong đó có một chuyên gia được mệnh danh là “chuyên gia thắt cổ”. Ông này có một bộ sách dày, có hình vẽ và ghi chép tỉ mỉ các vụ án thắt cổ có từ thời Hy-Mã cổ đại đến sau này. Với ông chuyên gia này, chỉ cần nhìn hiện trường có người thắt cổ, ông có thể kết luận đến 50% là nạn nhân bị thắt cổ hay tự thắt cổ. Những chuyên gia Đức khẳng định rằng hung thủ luôn để lại dấu vết ở hiện trường. Và đã có dấu vết thì nhất định tìm ra hung thủ. Và quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn, vụ án đã được làm sáng tỏ với những luận cứ khoa học không thể chối cãi, không thể tranh luận gì nữa. Tám cán bộ “nhận tội” khi bị bắt đã được tha bổng. Theo lời Cục trưởng Qua, vụ án này đã được đưa vào giáo trình của ngành tư pháp nhiều nước.
Trước khi về, người Đức chỉ khuyên chúng ta không nên đổi tên đường, tên làng, tên xóm… Vì như thế sau này rất khó phá án.
– Vụ thứ ba là vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nguyễn Thanh Chấn bị tù đã 10 năm vì tội “giết người”! Bỗng kẻ giết người lù lù ra đầu thú nên ông Chấn được tha. Vậy thôi!
– Vụ thứ tư là vụ ông Đặng Kim Bền, một nông dân đã gần 70 tuổi ở An Giang, bị toà án tỉnh Tiền Giang kết án tử hình sau giảm xuống chung thân. Ông Bền mang một bó cây bù-đà để ở nóc xe khách. Khi bị công an hỏi bó lá cây này của ai? Ông đã nhận và bị kết án tử hình vì sự ng* d*t của bà chánh án tỉnh Tiền Giang, xem cây bù-đà có chất gây nghiện là cây thuốc phiện!
Khi đó tôi là phóng viên thường trú ở Đồng bằng sông Cửu Long, được bà vợ của ông Bền đi thăm nuôi chồng kể cho nghe hết sự tình về “tội” của chồng bà. Tôi đã làm tường trình lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lúc đó. Và bằng một đường dây riêng, bức thư đã đến tay Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông Bền được tha bỗng. Khi vợ ông Bền lên đón chồng về quê sau khi được ân xá, bà đã đền ơn nhà báo một ký đường Thốt nốt - đặc sản của quê bà. Cái biên lai gửi thư qua bưu điện lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đề ngày 25-9-1995, tôi còn giữ đến bây giờ làm kỷ niệm (Xem ảnh).
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến những dòng mở đầu trịnh trọng của Bản Tuyên ngôn Quyền Con Người của Cách mạng Pháp 1789: “Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.
không có toà án độc lập thì những đau khổ chung thân của gần trăm triệu dân đen Việt Nam còn mãi.
L.P.K.
Tác giả gửi BVN
Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn