Dưới đây là một ánh nhìn khá tổng quát của luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội về vụ án HDH. Xin trích ra đây để quý vị nào quan tâm có thể đọc.
Thường vụ QH vào cuộc xem xét vụ án: Hồ Duy Hải có cơ hội sống?
- Theo tin247 -
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật vụ án Hồ Duy Hải.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc mới đây cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật vụ án Hồ Duy Hải sau khi một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, gửi văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hồ Duy Hải có cơ hội sống?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ án giết người, cướp tài sản ở Bưu cục Cầu Voi, Long An khiến hai nữ nhân viên bưu cục thiệt mạng gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Hung thủ trong vụ án được xác định là Hồ Duy Hải và bản án có hiệu lực pháp luật kết tội Hải về hai tội là giết người và cướp tài sản, đồng thời kết án tử hình đối với Hải.
Tuy nhiên Hồ Duy Hải và gia đình đang kêu oan, nhiều người cũng đang cho rằng Hải không phải là hung thủ thực sự.
Trong khi đó, Viện KSND tối cao và một số đại biểu QH dù không khẳng định Hải vô tội nhưng cũng cho rằng vụ án này đang có nhiều mâu thuẫn về chứng cứ chưa đủ cơ sở pháp lý chắc chắn để buộc tội nên có những đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, xét xử lại theo thủ tục chung...
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tòa án xét xử 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Ngoài hai cấp xét xử thì tòa án còn có 2 thủ tục xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật là thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
Khi bản án, quyết định đã có hiệu lực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, bản án, quyết định đó sẽ được xem xét lại. Cả hai thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp tỉnh đều do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị theo hai thủ tục này.
Luật sư Cường cho rằng, ngoài hai thủ tục xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định thêm một thủ tục đặc biệt là thủ tục xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hủ tục này được quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Cụ thể, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó.
Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án TAND tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị.
Do đó, theo luật sư Cường, nếu vụ án có tình tiết mới quan trọng có thể thay đổi bản chất của vụ án như có đối tượng xuất hiện và khai nhận mình là hung thủ hoặc có những chứng cứ, tài liệu, dấu vết mới xác định đối tượng gây án không phải là Hồ Duy Hải hay có chứng cứ tài liệu khác chứng minh chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải, xác định đối tượng này không có mặt trên hiện trường vụ án tại thời điểm vụ án xảy ra...
Nếu có những tình tiết mới như vậy có thể làm thay đổi bản chất vụ án thì vụ án sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm hoặc thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự nêu trên.
Ngoài ra, nếu có căn cứ cho thấy quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa mới ban hành "có vi phạm pháp luật nghiêm trọng", vi phạm này có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quyết định trước đó thì ủy ban thường vụ Quốc hội có thể yêu cầu hoặc Uỷ ban tư pháp của Quốc Hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở lại phiên họp để xem xét lại quyết định đó theo quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Vì sao dư luận có 3 luồng ý kiến khác nhau?
Luật sư Cường phân tích, vụ án trên nhận được sự quan tâm của dư luận bởi nhiều lý do khác nhau.
Theo đó, có quan điểm cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai (quan điểm của Hồ Duy Hải, gia đình và các luật sư bào chữa cho Hải...); có quan điểm cho rằng Hải không oan (chủ yếu là quan điểm của cơ quan tố tụng, tòa án hai cấp và hội đồng thẩm phán TAND tối cao...)
Quan điểm khác lại cho rằng cần phải hủy 2 bản án để xem xét lại cho khách quan (Quan điểm của VKSND tối cao, một số ĐBQH và một số chuyên gia pháp luật...).
Tuy nhiên, mỗi một quan điểm lại xuất phát từ những mức độ nắm bắt thông tin vụ án khác nhau, trình độ năng lực hiểu biết khác nhau và từ góc nhìn khác nhau của xã hội. Đó cũng là dư luận xã hội, phản ánh những quan điểm suy nghĩ của nhiều người trong xã hội.
Về nguyên tắc, mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về một vấn đề, đó là quyền tự do ngôn luận. Việc bày tỏ quan điểm, chính kiến khác nhau phụ thuộc vào mức độ thông tin mà họ tiếp nhận được, vào trình độ hiểu biết, vào thái độ của họ đối với cơ quan tố tụng nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung, ngoài ra cũng phụ thuộc vào vị trí của người đó trong xã hội.
Trong số 3 nhóm quan điểm nêu trên, có thể thấy rằng có những người vì thương người mẹ của Hải nhiều năm đi kêu oan cho con nên họ động lòng, có các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo trong suốt thời gian dài nên có những chứng cứ gỡ tội quan trọng mà tòa án chưa xem xét, cũng có những người vì thiếu niềm tin nên nghi ngờ phán quyết của các cấp tòa án...
Bên cạnh đó cũng có những quan điểm cho rằng phán quyết của tòa án là đúng người đúng tội trên cơ sở các chứng cứ buộc tội mà cơ quan tố tụng đã đưa ra, có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án...
Còn một quan điểm khác khá phổ biến trên dư luận xã hội cho rằng hai cấp tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ án, có thể dẫn đến oan sai nên cần phải hủy hai bản án để điều tra, xét xử lại...
Những quan điểm xã hội có thể luôn khác nhau đối với một vấn đề mà dư luận quan tâm. Tuy nhiên từ dư luận xã hội đến chân lý là còn cả một khoảng cách khá xa.
Dư luận xã hội chỉ phản ánh những thứ bề ngoài của vấn đề nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Nói cách khác lẽ phải không phải lúc nào cũng thuộc về đám đông.
Phán quyết trong một vụ án hình sự sẽ phụ thuộc vào hội đồng xét xử, hội đồng giám đốc thẩm, hội đồng tái thẩm theo nguyên tắc biểu quyết đa số.
Những người có thẩm quyền phán quyết là những người đã được pháp luật quy định, giao nhiệm vụ, họ có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia điều hành phiên toà để tranh tụng, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện. Họ có kinh nghiệm, có kỹ năng, có năng lực, có bản lĩnh và có thẩm quyền quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc.
Phán quyết của những người có thẩm quyền mới quyết định đến vụ việc đúng hay sai, thủ tục giải quyết như thế nào.
Bởi vậy, dù dư luận có đi theo hướng nào, nhóm dư luận nào chiếm đa số cũng không thể quyết định được số phận của tử tù Hồ Duy Hải.
Muốn thay đổi kết quả của vụ án này phải bằng những thủ tục pháp luật, do cơ quan có thẩm quyền, do người có thẩm quyền quyết định theo trình tự, thủ tục luật định.
Do đó, nếu không có căn cứ cho thấy đã có tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án hoặc có căn cứ cho thấy Hội đồng giám đốc thẩm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc tổ chức phiên họp giám đốc thẩm, ra quyết định giám đốc thẩm thì vụ án này sẽ dừng lại ở đây và Hải phải chấp hành hình phạt tử hình.
Nếu có căn cứ cho thấy Hội đồng giám đốc thẩm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới thì mới có cơ hội xem xét lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu trên và xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa mới ban hành. Vấn đề này sẽ chờ ý kiến giám sát của Quốc hội và những người có thẩm quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND họp lại theo thủ tục đặc biệt nêu trên.
Sửa bởi Expander: 19/05/2020 - 20:12