Có mấy vấn để làm mình băn khoăn mãi đối với tử vi - tứ trụ học:
1/ Vừa đọc được một topic bên lyso.vn . Nội dung của topic đó không quá quan trọng mấy, nhưng lại có một comment khá tiêu cực bởi một nick tên: 4pillar như sau:
Trích dẫn
Làm quen với cộng đồng bên lyso.vn một thời gian, mình được biết người 4pillar này có sự hiểu biết về cả tử vi lẫn tứ trụ, trình độ thì chịu không đánh giá được cao thấp. Comment này của 4pillar đã khái quát được sự bất an và dè dặt của mình khi tìm hiểu đối với huyền học phương đông, về sự âm tính cùng ma giáo của nó. Một kết quả mà ai cũng từng tưởng tượng khi học được thứ học tri mệnh là phải đi đến sự "Đắc Đạo", đến sự bình an nào đó trong tâm hồn. Thay vào đó, nếu lướt qua những topic trên lyso cùng một vài diễn đàn tương tự, cái ta tìm được là những biểu hiện điên điên khùng khùng, tẩu hỏa nhập ma của những con người đang khủng hoảng trong cuộc sống khi tìm đến huyền học. Trớ trêu thay, những tưởng tìm được lối thoát cho cuộc sống, cho sự nghiệp, danh vọng, thì họ chỉ tìm thấy sự bế tắc kết tình trong câu bình luận của 4pillar như trên.
Mình thật sự không đủ khả năng cùng kiến thức về tử vi tứ trụ để phân định được quan điểm của 4pillar là đúng hay sai (và đây là thứ cần quan điểm chuyên sâu chân thành của các cao nhân), nhưng mình biết nếu đứng trên quan điểm khách quan mà nhìn nhận, 4pillar là một người bất mãn và bi quan với cuộc sống, và còn lây lan sự bi quan yếm thế này cho nhiều người khác, minh chứng bằng viêc có rất nhiều thành viên trên lyso.vn cảm ơn bài viết của 4pillar.
Nếu quả thật là như vậy, thì học tử vi tứ trụ có tác dụng gì chăng? Nếu ta đem lá số của mình cho một ông thầy phán, đó là ta đem vận mệnh của mình đặt vào tay kẻ khác để phán đúng sai rồi tự ám thị mình. Còn nếu ta tự học để tìm hiểu về mệnh lý, có khi nào ta lại rơi vào sự bế tắc, tẩu hỏa nhập ma?
2/ Là một người tò mò, mình có tìm hiểu qua vê chiêm tinh học của Phương Tây và Ấn Độ, qua việc thỉnh thoảng lại nghe một bài podcast về chiêm tinh học (Astrology) của một chiêm tinh gia khá nổi tiếng. Một điều mình nhận thấy rất rõ ràng đó là chiêm tinh học không quá chú trọng vào vận mệnh của con người cùng các vận hạn dự đoán tương lai. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tìm hiểu bản thể con người, tìm hiểu về nội lực cùng tính cách, tâm lý của cá nhân đó. Kể cả đối với nhưng chi phái Chiêm tinh học chuyên về dự đoán tương lai, cái mà một nhà chiêm tinh học quan tâm trước nhất đó là vấn để đạo đức, cùng triết lý liên quan đến việc dự đoán tương lai. Tỷ như việc có nên tự dự đoán tương lai cho chính bản thân? Nếu biết trước được sự việc sẽ diển ra trong tương lai, liệu có nên công bố nó? Mối quan hệ tương tác giữa các vì sao trên trời đối với vận mệnh con người là như thế nào?..... Theo mình đây là một cách nhìn lành mạnh hơn rất nhiều so với cách nhìn thông thường của các nhà huyền học phương Đông mà mình được biết.
Nói thể không phải để cổ súy nền học thuật của Tây mà khinh thường nền học thuật của Á Đông, mà để chúng ta nhìn nhận lại rằng có thật là ta đã hiểu hết về huyền học Á Đông? Khi mình lướt qua những topic bàn luận về tử vi tứ trụ, hầu hết chỉ là những topic liên quan đến vấn để "kỹ thuật" của mệnh lý, như việc sao này, hạn kia.... Mà lại ít quan tâm đến vấn đề đạo học trong mệnh lý, điều mà mình cho rằng quan trọng hơn cả. Phải chăng đây là tín hiệu của thời kỳ mạt pháp, khi mà thuật lấn át Đạo? Rằng những kẻ tưởng rằng mình tinh thông hơn ai hết thực chất lại là kẻ ngu độn hơn cả?
3/ Điều cuối cùng mà mình băn khoăn là nguồn gốc thật sự của huyền học và sự ma quái đi kèm với sự mờ ám của nó.
Một chiêm tình gia đã từng bình luận rằng:" Khi bạn thấy một vận hạn của một người trên tinh đồ, đó là bạn thấy được sự liên quan của các tinh thể đối với bản thân cá nhân của người đó, không có nghĩa là tinh thể đó gây ra sự kiện đó." Một định nghĩa tưởng chừng như đơn gian nhưng thật rất sâu sắc đối với mình. Nó đã giải tỏa được một khúc mắc trong lòng mình khi mới chỉ tìm hiểu về tử vi của Phương Đông. Đó là một quan điểm thoáng đạt của chiêm tinh gia đối với vấn đề vận mạng, điều mà mệnh lý Á Đông vẫn còn rất nghiêm khắc "giáo huấn" người học, điển hình là người học 4pillar ở ví dụ trên. Sự giáo huấn này vẫn rất hiệu quả cho đến tận ngày nay là bởi sự mờ ám trong nguồn gốc cùng các lý luận của học thuyết mệnh lý Á Đông, điều mà mình cho rằng có hại hơn có lợi. Vẫn biết huyền học thì phải "huyền". Nhưng nếu thay vì đi đến sự đắc, huyền lại thành "hắc", chúng ta có còn muốn níu giữ mãi chữ huyền đó không? Hay chúng ta muốn thật hiểu rõ cái học của người xưa để cải tiến cho phù hợp với ngày nay?
Ví dụ như việc trong 24 tiết khí thì có một tiết khí tên: Đại Tuyết. Vậy xin hỏi cái đất Việt Nam này có khi nào "Đại Tuyết"? Các bạn nghĩ thể nào về việc biến đổi khí hậu trái đất với việc ảnh hưởng lên tiết khí, ngũ hành? Tỷ như đến một ngày đứa trẻ sinh vào Đại Tuyết tiết khí nhưng trời nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu, vậy ta luận là thủy vượng hay hỏa vượng? Nếu đến tháng xuân cây cỏ tươi tốt như trong sách, nhưng thời nay tháng đấy chìm trong băng tuyết, vậy ta nên giải quyết vấn đề này như thể nào?
Thiệu Khang Tiết có nói về một chu kỳ đại hóa của vũ trụ cỡ 240000 năm (mình không nhớ được chính xác con số), vậy trong hai trăm ngàn năm đó không có sự biến dịch về ngũ hành ư? Khoa học nói mỗi vài nghìn năm tiết khí lại biến động lớn một lần, và chúng ta đang sống trong thời kỳ tiết khí biến đổi mạnh mẽ, vậy những điều này có ý nghĩa gì đối với mệnh lý học?
Trên đây là nhưng thắc mắc, trăn trở của mình, hoàn toàn không vì một mục đích dạy đời ai. Người học lý số khi đạt đến một ngưỡng nhất định thường sẽ tự phong cho mình làm "thầy" để được "phán". Nhưng nếu chúng ta lột đi lớp mặt nạ giả tạo đó, trần trụi làm những con người tò mò, thuần túy tò mò, liệu chăng sẽ có những chia sẻ thật lòng?