Trong sách (cổ) khi miêu tả sự thịnh suy của một triều đại hay một quốc gia, hoặc nói về một vị vua thường đề cập tới:
Khí vận: khi miêu tả một quốc gia hay một triều đại đang rực rỡ và có sức sống sẽ nói là "Quốc vận hưng long"; còn miêu tả một quốc gia trong thời gian yếu kém sẽ nói là "Quốc vận suy vi", hoặc ngắn là "mạt vận". Trong chiếu thư ngày xưa thường có câu mở đầu là "Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu viết" (phụng mệnh trời và dựa/cưỡi khí vận, Hoàng đế xuống chiếu rằng)...
Số mệnh: chúng ta thường nghe sách Tử vi miêu tả số mệnh qua cách cục thời gian sinh của một người (quy định bởi năm tháng ngày giờ): số (anh, cô này) là thượng cách, trung cách, phá cách...vv... Hoặc dân gian có câu cửa miệng "số khổ", "số sướng"...vv.
"Khí Vận" là gì, và "Số Mệnh" là gì?
Để miêu tả một cách hàn lâm sẽ rất dài dòng, đại khái như sách Đạo Gia miêu tả rất kỹ lưỡng về khái niệm "tính" và "mệnh" và có rất nhiều công pháp tu luyện "tính mệnh" (đại khái tạm hiểu là tu tâm dưỡng tính để bảo trì sinh mệnh); Nho giáo cũng nói "nhân chi sơ, tính bản thiện"; Phật giáo thì nói tới "chân như"... rất nhiều các lý thuyết cao siêu khó hiểu (cho phần đông người ta). Tôi tạm giải thích hai khai niệm nói trên theo cách đơn giản như sau:
- Khí vận: là đặc thù của mỗi giai đoạn tự nhiên vận hành như: sáng, trưa, chiều, tối; như xuân hạ thu đông. Đặc thù của buổi sáng hay mùa xuân thì tươi mát, trưa hay mùa hạ thì nóng; buổi chiều hay mùa thu thì thu liễm; buổi tối hay mùa đông thì rét lạnh. Đại khái "vận" là sự vận hành, "khí" là đặc thù của giai đoạn vận hành đó.
- Số mệnh: là đặc trưng bẩm thụ, là quy định và giới hạn (nhiều mặt) của một sự sống. Ví dụ như con chim có khả năng bay, con cá có khả năng bơi; loài rùa sống lâu, phù dung sớm nở tối tàn..vv..
Ý Nghĩa?
Qua dấu tích của các môn học thuật như Tam thức, Tử vi, Hà lạc, Địa lý..vv.. rất nhiều các môn "lý số" - ta có thể thấy được người xưa chú trọng thế nào đến vấn đề "khí vận", và "số mệnh":
- Tam thức, Hoàng cực: chuyên nghiên cứu "khí vận" ở tầm gần và xa; quy mô lớn và nhỏ.
- Địa lý: chuyên nghiên cứu phương pháp lợi dụng khí vận, cải tạo khí vận.
- Tử vi, Tử bình, Hà lạc...: chuyên cứu về số và số mệnh.
- Tướng học: chuyên nghiên cứu hình tướng con người để phán đoán số, và khí vận quấn thân người đó.
- Tôn giáo: đề ra việc tu tâm dưỡng tính, sinh hoạt, ứng xử để cải tạo vận mệnh, hay là để sống phù hợp khí vận (qua câu chữ là "ý trời", "ý chúa"..vv..
Như phía trên đã trình bày, mỗi môn học thuật chỉ tập trung chuyên sâu vào một khía cạnh nào đó. Và các môn tồn tại song song để bổ khuyết cho nhau. Một ví dụ điển hình ở trong môn Tử vi thường thấy là cùng một giờ có rất nhiều người sinh ra, nhưng không phải ai cũng giống nhau, cùng một giờ sinh ra vua mà chỉ có 1 vị vua - lý do là người ta tuy có số mà không có khí vận, người nào sinh ra ứng với khí vận của quốc gia mới có thể làm vua/tướng để nhận trọng trách dẫn dắt quốc gia (cộng đồng).
Để giải quyết vấn đề, người ta dùng Tam thức, Hoàng cực để biết được "vận", dùng Phong thủy để nhìn được "khí", qua đó tác động để cải tạo vận mệnh. Biết được điều này, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về số mệnh, và giải thích tại sao "số tôi rõ ràng là làm vua, mà sao chỉ bình thường" (giải thích: vì ngươi tuy có số, mà không có khí vận quấn thân - cũng như nói tuy có xe mà không có xăng chạy).
Chủ đề này rất sâu và còn vô khối thứ để bàn, nhưng tạm dừng tại đây.