Gửi vào 26/09/2016 - 15:03
Trong “Hoàng cực kinh thế”, Khang Tiết lấy mặt trời, mặt trăng, muôn sao, nước, lửa, đất, đá cau hế thể dụng của trời đất; lấy rét, nắng, ngày, đêm, mưa, gió, móc, sấm cai hết sự tiến hóa của vũ trụ; lấy tính, tình, hình sắc, thể chất, giống biết chạy, giống biết bay, loài cỏ, loài cây cai hết tính cảm ứng của vạn vật; lấy nguyên, hội, vận, thế, năm, tháng, ngày, giờ cai hết thời gian; lấy Tam Hoàng [1], Ngũ Đế [2], Tam Vương [3], Ngũ Bá [4], kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Thi, kinh Thư, kinh Xuân Thu cai hết sự nghiệp của thánh hiền. Khang Tiết lại suy lẽ âm dương tiêu trưởng, cho cuộc tịnh, suy, bĩ, thái ở đời là số nhất định. Ví như từ giớ tý (nửa đêm) đến giờ ngọ (nửa ngày) lúc âm tiêu dương trưởng, từ suy sang thịnh của một ngày; từ giờ ngọ đến giờ hợi là lúc dương tiêu âm trưởng, từ thịnh sang suy của một ngày. Nhân đó mà suy rộng ra, cứ mười hai giờ là một ngày, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, ba mươi năm là một thế, mười hai thế là một vận (360 năm), ba mươi vận là một hội (10.800 năm), mười hai hội là một nguyên (229.600 năm). Cuộc thịnh suy cứ lần lượt thay đổi nhau, hết thịnh đến suy, hết suy lại thịnh, cho đến khi nào hết một nguyên thì trời đất và vạn vật phải tiêu diệt, rồi một thế giới mới bắt đầu hình thành.
Khang Tiết bàn về sự vận hóa của vũ trụ, cuộc tiêu trưởng của âm dương rất cao, người chưa học thấu lẽ uyên áo của Dịch Lý, không thể nào hiểu được.
Có cái quan niệm về vũ trụ quan như thế, nên trong “Tiên thiên đồ thuyết”, Khang Tiết đã nói rằng: “Một chia ra hai, chia ra bốn, bốn chia ra tám” (Nhất phân vi nhị, nhị phân vi tứ, tứ phân vi bát dã). Những chữ một, hai, bốn, tám mà Khang Tiết dùng đó tức là chỉ Thái cực, lưỡng nghi, tư tượng và bát quái. “Hệ từ truyện” trong Dịch Kinh có câu “Dch có Thái cực mà sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”, chính là ý ấy.
Khang Tiết lại nói: “Tám phân thành mười sau, mười sáu phân thành ba mươi hai, ba mươi hai phân thành sáu mươi bốn”. (Bát phân vi thập lục, thập lục phân vi tam thập nhị, tam thập nhị phân vi lục thập tứ dã). Ấy là Khang Tiết nói về sự chuyển biến của tám quẻ thành ra sáu mươi bốn quẻ. Dựa vào Dịch kinh, Khang Tiết dùng lưỡng phân pháp để thuyết minh cái tình trạng phát sinh của vạn vật.
Khang Tiết chỉ học được “Tiên thiên bát quái đồ” ở Lý Chi Tài, Chi Tài học ở Mục Tu, Mục Tu học ở Trùng Phóng, Trùng Phóng học ở Trần Đoàn, mà Trần Đoàn lại thuộc phái Đạo gia. Cho nên, Khang Tiết tuy muốn tổ thuật cái đạo của Khổng Mạnh, nhưng không còn giữ thuần bản sắc của Nho gia nữa, vì đã chịu ảnh hưởng của Đạo gia rất nhiều.
Xem như những đoạn bàn về đạo, lý, tâm, tính, tình, ở trong “Quan vật thiên” và “Ngư tiều vấn đáp” [1]. Khang Tiết đã pha lẫn tư tưởng Lão Trang vào trong tư tưởng Khổng Mạnh:
“Tâm là Thái cực. Đạo là Thái cực”. (Tâm vi Thái cực. Đạo vi Thái cực).
“Cái học ‘tiên thiên’ là tâm; cái học ‘hậu thiên’ là tích; sự ra, vào, có, không, sống, chết, là đạo.” (Tiên thiên chi học, tâm dã; hậu thiên chi học, tích dã; xuất, nhập, hữu, vô, tử, sinh dã, đạo dã).
“Không có vật thể nào lớn hơn trời đất; trời đất sinh ra ở thái cực. Thái cực là cái tâm của ta; vạn hóa vạn sự do Thái cực sinh ra, tức là vạn hóa vạn sự của tâm ta cậy. Bởi thế mới nói: Cái đạo của trời đất có đủ ở người”. (Vật mạc đại ư thiên địa; thiên địa sinh ư Thái cực. Thái cức tức thị ngô tâm; Thái cực sở sinh chi vạn hóa vạn sự, tức ngô tâm chi vạn hóa vạn sự dã. Cố viết: Thiên địa chi đạo bị ư nhân).
“Tâm chuyên nhất không phân cia có thể ứng được vạn biến. Ấy sở dĩ người quân tử giữ cho tâm hư không mà bất động vậy.” (Tâm nhất nhi bất phân tắc năng ứng vạn biến. Thử quân tử sở dĩ hư tâm nhi bất động dã).
“Tính là thể hình của đạo; tính bị thương tổn, đạo cũng lây theo. Tâm là phú quách của tính; tâm bị thương tổn, tính cũng bị lây. Thân là khu vũ của tâm; thân bị thương tổn, tâm cũng bị lây. Vật là chu xa của thân; vật bị thương tổn, thân cũng bị lây.” (Tính giả, đạo chi hình thể dã; tính thương, tắc đạo diệc tùng chi hỹ. Tâm giả, tính chi phu quách dã; tâm thương, tắc tính diệc tùng chi hỹ. Thân giả, tâm chi khu vũ dã; thân thương, yawsc tâm diệc tùng chi hỹ. Vật giả, thân chi thu xa dã; vật thương, tắc thân diệc tùng chi hỹ [1]).
“Lấy vật xem xét vật, ấy là tính. Lấy ta xem xét vaaht, ấy là tình. Tính chung mà sáng suốt, tình riêng mà tối tăm.” (Dĩ vật quan vật, tính dã. Dĩ ngã quan vật, tình dã. Tính công nhi minh, tình thiên nhi ám).
“Sở dĩ gọi là xem vật đó, không phải lấy mắt mà xem nó. Không phải xem nó bằng mắt, mà xem nó bằng tâm; không phải xem nó bằng tâm, mà xem nó bằng lý…Không để ta ngưng trệ ở vật, thì có thể chi phối được vật”. (Phù sở dĩ vị chi quan vật giả, phi dĩ mục quan chi dã. Phi quan chi dĩ mục, nhi quan chi dĩ tâm dã; phi quan chi dĩ tâm, nhi quan chi dĩ lý dã…Bất ngã vật tắc năng vật vật).