#46
Gửi vào 04/12/2016 - 11:29
Nghị lực của Hoa hậu VN đầu tiên bị khinh bỉ, vùi dập vì không chồng mà chửa
Đăng lúc: 04.12.2016 10:19
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đã trải qua thời gian khủng hoảng, bị xã hội kỳ thị vì không chồng mà có con. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố, bà vẫn xây dựng cuộc sống của riêng mình khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam từng ngồi tù
Bà Công Thị Nghĩa (Thu Trang) sinh năm 1932, quê gốc tại Hà Nội nhưng sau khi học xong tiểu học, bà vào Sài Gòn sinh sống để thuận lợi cho công việc của gia đình. Theo An Ninh thủ đô, Năm 20 tuổi, bà tham gia vào tổ chức Việt Minh, với nhiệm vụ là hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Tháng 7.1952, mật thám của Pháp phát hiện ra vai trò của bà trong tổ chức, bà bị bắt giam tại bót Catinat.
Sau khi thụ án một thời gian, bà được thả khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thắng lý quan tòa trong phiên xử về tội danh mà bà mắc phải.
Ngày 20.2.1955 tại rạp Lido Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đã diễn ra tụ hội nhiều người đẹp đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Ban đầu, nghe bạn bè khuyên nhủ, bà chỉ định đăng lý dự thi cho vui. Nhưng cuối cùng, quá ấn tượng bởi vẻ đẹp sang trọng, đài các, bà đã vượt qua hàng loạt nhan sắc khác và chính thức đăng quang vương miện Hoa hậu. thời điểm đăng quang, bà chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng là 86-62-88.
Trở thành diễn viên và bắt đầu bi kịch
Nhờ danh tiếng và nhan sắc vốn có, bà Thu Trang bà trở thành nữ diễn viên trong nhiều bộ phim của Sài Gòn thời điểm đó như "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), “Lục Vân Tiên” (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)…
Đầu năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang theo bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật làm hậu kỳ và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Sau nhiều ngày gần gũi, bà đã phải lòng vị đạo diễn tài hoa. Chuyện gì đến cũng đến, bà có mang.
Sau này, trong cuốn hồi ký, bà đã viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu?
Bị khinh bỉ, vùi dập vì không chồng mà chửa
Những ngày tiếp theo của bà khi trở lại Sài Gòn mới thực sự là bi kịch. Đơn giản vì khi ấy, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con. Mặc cho điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Sau này, bà vẫn cho con theo họ của bố, bà đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên.
Trong cuốn hồi ký của mình, bà đã viết: “Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".
Sang Pháp định cư và là nguồn cảm hứng cho thi sĩ
Năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh. Tuy nhiên, ở Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học. Năm 1978 bà trở thành tiến sĩ sử học tại ĐH Paris VII.
Ít ai biết rằng, những câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con.
Ngoài ra, thi sĩ Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho bà, có bài công bố, có bài không công bố. Trong tập "Mưa nguồn" của thi sĩ Bùi Giáng, in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau: "Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này".
Hoa hậu Thu Trang và con trai
Họa sĩ Bửu Ý, có công bố bài thơ do họa sĩ chép lại mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho bà với tựa đề chính là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách, "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ, Trang rất tệ".
Sau nhiều năm, khi chuyện cũ đã trở thành dĩ vãng, Thu Trang về nước nhiều lần giảng dạy ngành du lịch tại nhiều ĐH nhưng giấu mình là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.
Theo GĐVN
#47
Gửi vào 08/01/2017 - 11:23
Ly rượu mừng, đệ nhất xuân ca
08:00 AM - 08/01/2017 Thanh Niên
Bìa bản nhạc Ly rượu mừng
Sau hơn 40 năm, bài Ly rượu mừng của Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) đã được phép hát trở lại vào đầu năm 2016.
Bài hát được xem là kinh điển dành cho những ngày xuân về, tết đến tại miền Nam trước 1975 giờ đây tiếp tục vang lên như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.
Ban hợp ca thăng long là tên một quán phở
Ly rượu mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác và ban hợp ca Thăng Long trình diễn vào năm 1952. Nhiều người tưởng rằng ban hợp ca Thăng Long thành lập tại Hà Nội. Nhưng thực ra ban Thăng Long được thành lập năm 1951 tại Sài Gòn sau khi tất cả gia đình họ Phạm vào định cư tại đây. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, linh hồn của ban Thăng Long, từng cho biết ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” theo tên quán phở của gia đình mở tại Chợ Ðại, vùng Việt Bắc, nơi lưu lại dấu chân của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến vào khoảng năm 1949.
Thoạt đầu ban hợp ca Thăng Long gồm Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Thái Thanh (vợ Lê Quỳnh). Sau này có thêm giọng ca Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương). Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì khi hát ca khúc này tại Đài Pháp - Á, ban Thăng Long đã thành công ngay. “So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát những bài đó”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương trả lời báo giới thời đó.
Với thành công từ Đài Pháp - Á, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Một bài viết của nhà thơ Du Tử Lê có ghi lại: “Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, một “quái kiệt” của miền Nam, người từng có thời gian đi hát chung với ban hợp ca Thăng Long từ nam ra bắc thì khi ra đời tại Sài Gòn, ban này như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc nhiều sân khấu miền Nam. Mỗi khi ban Thăng Long xuất hiện là một “cơn nóng sốt” đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng... như một điều gì vừa gợi óc tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...”.
Bài hát chúc tết
Trước khi Ly rượu mừng xuất hiện trên làn sóng điện vào dịp tết đầu những năm 1950 thì lúc đó chưa hề có một bản nhạc nào viết về xuân xuất hiện. Và nếu nghe kỹ lời nhạc thì bài Ly rượu mừng chính là một lời chúc tết. Trong cả bài hát chỉ có một chữ xuân mở đầu như là dịp để bài hát chúc tết bằng ly rượu: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”. Người nghe có cảm giác thích thú vì mình được ban Thăng Long chúc tết bằng âm nhạc. Sáng mùng 1, mở radio, sau này là đĩa nhựa hay băng Akai người ta có cảm tưởng thần tài đã đến trước cửa một cách tưng bừng, rộn rã của nhịp valse cung Fa trưởng tươi sáng. Lời bài hát bình dị, phù hợp với mọi người, dễ lọt lỗ tai và cũng hết sức dễ hát. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để người nghe nhớ đến bài hát.
Người được Phạm Đình Chương chúc tết là những ai? Trước hết là bác nông dân: “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi”. Tôi không hiểu sao Phạm Đình Chương là một nghệ sĩ nhà nòi nhưng lúc nào ông cũng có những cái nhìn hết sức trân trọng về những người cần lao như trong bài Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương và đến người nông dân trong bài ca chúc tết. Nếu chúng ta có dịp nghe lại những bài hát xuân khác xuất hiện sau này thì hiếm có bài nào nhắc đến hai chữ “nông dân” và “công nhân” hết sức ngọt, không hề gượng gạo: Người công nhân ấm no/Thoát ly đời gian lao nghèo khó. Phạm Đình Chương đã khiến người nghe là giới cần lao sung sướng là mình đã được nhạc sĩ tài danh chúc cho “thoát đời gian lao nghèo khó”. Đó chính là ước mơ đầu xuân của những người có thu nhập kém trong xã hội.
Năm 1952, đất nước vẫn còn chìm trong khói lửa. Những người con lên đường bảo vệ quê hương, nhạc sĩ đã mong mỏi: Kìa nơi xa xa có bà mẹ già/Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/Chúc bà một sớm quê hương/Bước con về hòa nỗi yêu thương. Và sau cùng, như ước vọng của mọi người, Phạm Đình Chương cũng tự chúc cho mình và gia đình được sống trong cảnh đất nước thanh bình: Bạn hỡi, vang lên/Lời ước thiêng liêng/Chúc non sông hòa bình, hòa bình.
Lời ca hay đầy hy vọng và phấn khởi của một bài hát chúc xuân lại được thể hiện qua 5 giọng ca quý của một ban hợp ca gia đình thuộc loại siêu đẳng Thăng Long là Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc và Khánh Ngọc. Một ký giả thời đó đã nhận xét: “Ba giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng và Khánh Ngọc quyện nhau như một. Giọng cao nam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh hòa với giọng Hoài Bắc giữ bè ba rất điêu luyện”.
Thường khi kết thúc một cái tết, hoặc một buổi gặp mặt người ta thường được nghe bài Auld Lang Syne, được Pháp hóa thành Ce n’est qu’un au revoir mà con nít tụi tôi thường hát: “Ò e, cây me đánh đu, tạc dăng nhảy dù, rô be bắn súng...”. Nhưng người Sài Gòn xưa thích nghe bài Ly rượu mừng vì đây là bài hát chúc tết cho mọi người được sống an vui trong một đất nước thanh bình, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười. Giới mộ điệu nghệ thuật đều cho rằng đây là bài đệ nhất xuân ca của VN thời đó.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14.11.1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, là con dòng hai của ông Phạm Đình Phụng. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm (con của người vợ đầu ông Phụng), Phạm Thị Quang Thái, Phạm Thị Băng Thanh gia nhập Ban văn nghệ Quân đội ở Liên khu 4.
Bài hát đầu tay ông sáng tác năm 18 tuổi là Ra đi khi trời vừa sáng. Ông lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc năm 1953. Những bản nhạc mà khi nhắc đến tên người ta đều nghĩ ngay đến ban Thăng Long là Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương, Ly rượu mừng... Nhạc sĩ Phạm Đình Chương mất năm 1991 tại Mỹ.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Sửa bởi tuphuongsg: 08/01/2017 - 11:30
Thanked by 2 Members:
|
|
#48
Gửi vào 08/01/2017 - 11:41
Huyền Chi - tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền viễn xứ
08/01/2017
TTO - Trong một tập sách in những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, ông có đưa vào một câu dưới bài Thuyền viễn xứ: “Huyền Chi, cô ở đâu?”. Đó cũng là câu hỏi của tôi khi nghe lại ca khúc đầy ắp cảm xúc này.
Huyền Chi và chồng - Ảnh: tư liệu gia đình
Huyền Chi là ai? Ít thông tin trên mạng cho biết cô là một cô gái phụ mẹ bán vải ở chợ Bến Thành. Cơ duyên nào khiến bài thơ của cô được nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy phổ nhạc?
Đầu năm 2016, tôi xem được những tấm ảnh của Huyền Chi và biết thêm nhiều thông tin về cô. Trong ảnh, Huyền Chi là một cô gái có nét đẹp của một diễn viên điện ảnh với dáng cao, cân đối và trắng trẻo. Cô gái ấy sinh ra ở vùng Tân Định, Sài Gòn, có lúc ra định cư tại Phan Thiết rồi quay về sống ở thành phố này tới nay.
Cô học tiếng Anh từ trước năm 1954 khi tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, đang được học hằng ngày ở các trường Tây tại Sài Gòn. Cô làm thơ khi còn rất trẻ, ra tập thơ duy nhất năm 18 tuổi rồi để thất lạc. Cô có một bài thơ được phổ thành ca khúc Thuyền viễn xứ của nhạc sĩ Phạm Duy dù chỉ gặp ông lần duy nhất trong đời.
Nghe Quang Dũng hát Thuyền viễn xứ
Bài thơ buồn của cô gái trẻ
Tôi gặp bà Hồ Thị Ngọc Bút tại quận 2, trước giờ bà dạy tiếng Anh tại nhà. Không thể nghĩ rằng bà đã 82 tuổi. Trước mặt tôi là một phụ nữ trắng trẻo, vóc dáng cao, khỏe mạnh.
Bà Ngọc Bút chính là nhà thơ Huyền Chi của những năm đầu thập niên 1950.
Đầu thập niên 1930 có một kỹ sư Hỏa xa (Ingénieur technique adjoint) tên là Hồ Văn Ánh, từng được đào tạo tại Pháp trong những khóa đầu tiên cho thuộc địa.
Năm 1940, ông làm giám đốc Hỏa xa các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang, có ngôi nhà riêng hai tầng khang trang ở Phan Thiết, một “wagon” riêng trên tàu hỏa đặc biệt cho gia đình tùy nghi sử dụng miễn phí.
Công việc của ông là tổ chức, đào tạo, kiểm soát và duy trì hệ thống Hỏa xa toàn quốc. Vì công việc, ông di chuyển và ở lại nhiều thành phố nên vợ ông lần lượt sinh sáu người con ở các nơi trên đường công tác.
Con gái út Ngọc Bút được sinh ra tại Sài Gòn khi ông làm việc tại đây. Khi ông đến Phan Thiết, Ngọc Bút được đi học tại Trường nữ tiểu học Phan Thiết.
Cuộc sống đang êm đềm thì biến cố xảy ra, bà nội của cô ở quê nhà Bắc Ninh bệnh nặng. Đáng lẽ cả gia đình đều phải về, nhưng trong nhà có một người con cũng đang bị bệnh nên chỉ có ba cô và hai anh chị cô về Bắc trước.
Dự tính khi con bớt bệnh, mẹ cô sẽ dẫn tất cả về luôn. Không ngờ đó là lần cuối cùng cô gặp cha, rồi do bom đạn, loạn lạc, tản cư và cuối cùng là cuộc chia đôi đất nước khiến gia đình cô phân cách vĩnh viễn.
Mẹ cô mở sạp bán vải tại cửa Nam chợ Bến Thành để sinh sống. Cô ở với mẹ, vừa đi làm vừa đi học, vừa dọn hàng giúp mẹ.
Trong thời gian hai miền Bắc - Nam được tự do thông thương năm 1954, mẹ đã trở về Bắc với cha cô, nhưng bốn người con vẫn ở lại miền Nam vì lúc ấy ai cũng đã có công ăn việc làm và cô cũng sắp kết hôn.
Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, Ngọc Bút có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng cô.
Vì vậy cô đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương trước khi nó biến thành sự thật. Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền viễn xứ.
Nhiều người hỏi: “Vì sao cô còn trẻ mà làm thơ buồn thế?”, cô trả lời: “Tôi tưởng tượng thôi mà!”. Nhưng thật ra nỗi đau âm ỉ trong lòng cô trong nhiều năm đã tạo nên những vần thơ ấy. Huyền Chi năm 1967 - Ảnh: tư liệu gia đình
Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm 1952, Ngọc Bút đến nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt xem tập thơ vừa in xong của mình. Tập thơ mang tên Cởi mở, gom lại 22 bài thơ do cô viết từ năm 16 tuổi.
Lúc đó tuy mới 18, cô đã tham gia biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương và gia nhập nhóm thơ - văn - nhạc lấy tên là Chim Việt. Những bài thơ trong tập đã được đăng rải rác trên một số báo, cô dùng bút danh Khánh Ngọc, rồi sau đó là Huyền Chi.
Buổi đó, nhạc sĩ Phạm Duy vừa đến và được bà Đào, chủ nhà in, giới thiệu về cô. Phạm Duy khi ấy còn trẻ, mới 32 tuổi nhưng đã nổi tiếng.
Ông vừa đưa gia đình vào Nam và đang thu xếp cuộc sống ổn định ở quê hương mới cho gia đình. Biết cô vừa in xong tập thơ, ông mượn xem và xin cô một tập để nếu có bài nào hay thì xin được phổ thành ca khúc.
Một thời gian sau, cô nghe được ca khúc Thuyền viễn xứ do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ lục bát của cô trên sóng phát thanh và thấy ca khúc này được in thành tờ nhạc khổ lớn rất thịnh hành lúc đó của hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu. Trên bìa hai ấn phẩm này ghi rõ: Nhạc: Phạm Duy, ý thơ: Huyền Chi.
Đó là khoảng thời gian cô vừa lập gia đình với ông Trần Phụng Tường, giáo sư trung học. Cô rời khỏi công việc biên tập thơ, theo chồng về Phan Thiết. Cô hầu như không tiếp tục làm thơ, lo toan làm ăn, mở hiệu sách, dạy tiếng Anh và chăm sóc tới bảy người con. Có lần trong tờ giấy in ca khúc Thuyền viễn xứ, cô thấy lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy: “Huyền Chi, cô ở đâu?”.
Thỉnh thoảng, cô vẫn nghe trên sóng phát thanh giọng hát Lệ Thu. Cô nhận thấy nhạc sĩ Phạm Duy rất tài tình, dùng ý bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, đều đặn của cô viết thành một ca khúc đầy cảm xúc. Ông chắt lọc ngôn ngữ trong thơ, thêm thắt và tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1975, bà Ngọc Bút cùng gia đình về lại Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn của bà và sống ở đây đến nay. Phu quân của bà đã tạ thế năm 2010 sau mười năm nằm một chỗ vì bệnh.
Trong khoảng thời gian này, bà được tin nhắn mong có cuộc gặp của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông hồi hương về Việt Nam, nhưng bà xin từ chối vì bận chăm sóc chồng. Sau đó, bà có nhận được khoản tiền tác quyền từ lời của ca khúc Thuyền viễn xứ từ nơi sở hữu tác quyền ca khúc này. Huyền Chi năm 16 tuổi - Ảnh: tư liệu gia đình
Đọc lại bài thơ Thuyền viễn xứ của bà Ngọc Bút, thấy thơ của một cô gái mới 16, 17 tuổi đã rất đằm sâu và mênh mang với giọng điệu và ngôn ngữ phóng khoáng:
“...Có thuyền viễn xứ Đà Giang / Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa / Hò ơi! Câu hát ngàn xưa / Ngân lên trong một chiều mưa xứ người / Đường về cố lý xa xôi / Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang / Sau mùa mưa gió phũ phàng / Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa / Lệ nhòa như nước sông Đà / Mái đầu sương tuyết lòng già mong con...”.
Gặp tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy, lời trong ca khúc mang sắc thái khác: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về...”.
Như một sự đồng điệu đồng cảm của người phổ nhạc. Có thể vì Phạm Duy cũng là một người xa xứ, khi đọc được bài thơ cũng là lúc ông vừa giã từ quê hương miền Bắc để trở thành cư dân của Sài Gòn, nơi ông có thời hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất.
Đến nay, ca khúc này rất gắn bó với người Việt hải ngoại. Họ thấy mình trong đó, như vẫn đang đi trên con thuyền viễn xứ.
PHẠM CÔNG LUẬN
Sửa bởi tuphuongsg: 08/01/2017 - 11:44
Thanked by 1 Member:
|
|
#49
Gửi vào 15/01/2017 - 12:27
Báo xuân Sài Gòn xưa
07:00 AM - 15/01/2017 Thanh Niên
Cái thú đọc báo xuân của người Sài Gòn từ xưa đã trở thành nét văn hóa, nhắc nhở về khát vọng tươi đẹp, những giá trị nhân văn mà đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng tờ báo đầu tiên trong nam làm báo xuân là Phụ nữ tân văn vào năm 1930. Nhưng trên thực tế, hai năm trước đó, năm 1928, tờ Đông Pháp thời báo đã làm báo xuân. Trong số báo này có in nhiều về xuân, về tết như bài Chơi xuân của Tản Đà: “Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thì cũng hoài. Vậy chơi xuân cũng là phải, song mà cách chơi thế nào cho lịch sự…”.
Tài liệu ghi chép rành rành nhưng đến nay mọi người vẫn chọn tờ Phụ nữ tân văn, có lẽ vì tờ báo này tràn đầy nét xuân đậm đà hơn so với các ấn phẩm khác. Thật vậy, tờ báo xuân 1930 của Phụ nữ tân văn thật ấn tượng khi ngoài bìa in chữ xuân thật lớn và trình bày bài thơ: “Vui xuân vui khắp xa gần/Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng/Đốt hương nguyện với xuân hoàng/Sao cho nước cũ ngày càng thêm xuân?/Xuân tới xuân đi xuân chẳng ở/Có yêu xuân, xin chớ phụ ngày xuân…”.
Bìa tờ Tin sớm số xuân 1971 ẢNH: L.M.Q
Duy trì báo xuân
Vì sao làng báo Sài Gòn đã giữ gìn, phát huy được nét đẹp làm báo xuân? Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam, vốn một đời chỉ sống bằng nghề cầm bút, ngần ngừ một lát ông quả quyết, đại khái, ấn phẩm báo xuân ở trong nam tồn tại mãi chính là từ tấm lòng chịu chơi, tính cách hào phóng của dân .
Cuối năm, sau khi quyết toán xong sổ sách, lời lỗ trong một năm, các vị chủ báo nghĩ rằng mình đã “kiếm cơm” quanh năm thì “năm hết tết đến” cũng phải chia ngọt xẻ bùi cùng cộng sự. Đó là tạo điều kiện cho họ có thể kiếm tiền xúng xính tiêu tết. Các chủ báo cho giấy, tiền công in ấn để các ký giả, công nhân, tạp dịch… trong tòa soạn chủ động thực hiện một ấn phẩm đặc biệt.
Ấn phẩm này có trang in nhiều hơn, dày hơn, hình thức đẹp hơn, tất nhiên giá bán cao hơn thường lệ và muốn bán được thì phải đầu tư chất lượng bài vở. Họ phát hành ấn phẩm đó rồi cùng chia nhau hưởng lợi. Nói cách khác, đây là cách thưởng “lương tháng 13” của chủ báo dành cho những người cộng sự đắc lực của mình trong suốt một năm cộng tác gắn bó.
Bìa tờ Sân khấu truyền hình xuân Nhâm Tý 1972
Lật những trang báo xuân ngày trước
Tờ Tiếng Việt xuân 1971 in hình bìa là ca sĩ Phương Hồng Quế. Ngay trang đầu là dòng chữ “Cung chúc tân xuân” với hình ảnh thiếu nữ đội nón lá tung tăng bên ngàn hoa sắc thắm. Do năm Hợi nên không thể thiếu “Năm heo nói chuyện lợn”, âu cũng là nét chung của báo xuân thuở ấy, tức năm con gì thì bàn về con ấy ở góc độ lịch sử, văn hóa. Và thêm một “đặc sản” không thể thiếu là Sớ Táo quân, năm nào cũng có. Một hình thức sử dụng thể loại vần vè tóm tắt tình hình, chính trị, xã hội, văn hóa trong năm qua.
Tờ Tin sớm số xuân 1971 chọn bìa là tranh vẽ những chú ủn ngộ nghĩnh. Có nhiều cây bút nổi tiếng cộng tác như Bình Nguyên Lộc, Ái Lan, Thiếu Sơn… Trích lại đôi câu “Quẻ đầu năm” cà rỡn thân tình về nghệ sĩ thuở ấy. Chẳng hạn: “Bạch Tuyết: Mua nhà Thủ Đức, khỏe thân ghê/Gánh cũ vừa đi lại trở về/Danh vọng lên như diều gặp gió/Ông chồng còn được đóng xi nê”… Nay, đọc lại cũng vui vui.
Tờ Tin Sáng xuân 1971 ngoài bìa là bàn tay thả cánh chim bồ câu khát vọng hòa bình, có sự cộng tác Lý Chánh Trung, Sơn Nam, Kiên Giang, Hồ Mộng Thu, Cung Văn… Thú vị nhất là 2 trang biếm họa, hài hước Một năm chó đã qua do họa sĩ Diệp Đình vẽ theo dòng tin nổi cộm nhất trong năm qua. Tất nhiên không thể thiếu Tin vịt nghe qua rồi bỏ của cây bút phiếm hàng đầu thuở đó là Tư Trời Biển, theo tôi biết, bút danh này do nhiều người cùng ký.
Bìa tờ Minh tinh xuân 1973
Tờ Thách đố, ca sĩ Thanh Tuyền và Thảo Ly được chọn cho bìa ấn phẩm xuân 1971.
Ngoài các bài xuân từ thể loại thơ, truyện ngắn, bút ký… là loạt bài về nghệ sĩ. Theo nhận định của báo này, trong năm 1970 tại miền Nam có “4 ban thoại kịch ăn khách nhất” là Ban Kim Cương, Ban Thẩm Thúy Hằng, Ban Sống Túy Hồng, Ban Dân Nam. Và họ cũng bình chọn “Diễn viên nổi bật nhứt trong năm”: Ngọc Đức, Khả Năng, Thanh Tú, Diễm Kiều, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan; và các phòng trà nổi đình nổi đám…
Tờ Sân khấu truyền hình số xuân năm 1972 là số báo khá độc đáo vì quy tụ các tên tuổi nổi tiếng trong nghệ sĩ. Năm qua, họ đã làm được gì, kế hoạch năm tới ra làm sao. Và đặc biệt là 4 trang in khổ lớn “Hợp soạn của 2 chiêm tinh gia nổi danh Huỳnh Liên - Minh Nguyệt”. Hai ông này cùng xem “Tử vi trọn năm” và “Cho số hên trọn năm để mua số kiến thiết!”. Có thể nói, chiêm tinh gia Huỳnh Liên “hot” nhất thời ấy, không một nhà báo chuyên nghiệp nào có thể “địch lại” mức độ xuất hiện dày đặc của ông trên các báo xuân thuở ấy.
Tờ Minh tinh số xuân 1973, ngoài bìa là hình nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Ngay trang trong là hình ba thiếu nữ với trang phục bắc - trung - nam. Thú thật, nay đọc lại số báo này đôi lúc tôi tủm tỉm cười vì có nhiều hình ảnh “độc” về nghệ sĩ và cách viết dí dỏm của các ký giả, nhà văn như Hề Ốm, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoàng Hương Trang, Phi Sơn... qua các bài như Nghệ sĩ đón tết, Xông đất làng văn nghệ văn gừng…
Ngược lên trước nữa, tờ Ngày mới số xuân 1959 đã “phá cách” là tranh vẽ in một màu cho tươi tắn, bắt mắt. Và quà tặng bạn đọc là “Tử vi năm Kỷ Hợi”. Dù còn có khá nhiều tờ báo xuân khác đã sưu tập được nhưng do khuôn khổ bài báo, tôi tạm dừng và chọn lấy Lời nói đầu trong tờ Phụ nữ diễn đàn xuân 1963 như một lời chúc xuân: “Tin tưởng để phấn khởi. Hy vọng để nỗ lực. Góp sức để thành công. Đó là lý lẽ của mùa xuân tin tưởng vậy”.
Báo xuân VN có tự bao giờ ?
Vinh dự này dành cho tờ Nam phong tạp chí xuất bản trong thời gian 1917 - 1934 tại Hà Nội do nhà văn hóa Phạm Quỳnh chủ bút, ra hằng tháng. Tờ báo này có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức VN những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1918, Nam phong tạp chí đã ra thêm một số xuân in toàn thơ văn có giá trị, nhưng không đánh theo số thứ tự, ngoài bìa chỉ ghi “Số Tết 1918”. Đó là tờ báo xuân đầu tiên của làng báo VN.
Lê Minh Quốc
TRẦN QUANG DINH- 15/01/2017
* Đọc mẩu tin cùng vài bìa báo Xuân còn lưu giữ ( hay thế ). Những cảm giác nôn nao , bồi hồi về những cái Tết năm xưa. Thật ra, người Sài Gòn nói riêng Tết hồi đó chuẩn bị ĂN TẾT có khi trước đó cả tháng trời. Giặt giũ mền mùng , rèm cửa từ từ , sơn phết nhà cửa, sửa chữa vặt nội thất , chuẩn bị quà Tết người thân, dưới quê , góp sức vun đắp CÂY MÙA XUÂN giúp Cô nhi viện , người gặp khó khăn , sắm Tết ( thực phẩm thường mua tận Chợ Lớn còn quần áo, giày dép...hay ra chợ Sài Gòn ( chợ Bến Thành ngày nay ) , o bế cây Hoàng mai trước sân nhà, " xin chữ " Thầy đồ câu đối , .....Món ăn tinh thần thì khó thiếu băng nhạc , báo Xuân...** Báo Xuân trước 75 với những nét đặc trưng riêng mang hơi hướng Tết cội nguồn , quê hương , ..Còn một nét đặc trưng của Văn hóa Sài Gòn nữa là lịch Xuân. Các nghệ sĩ thường " lên lịch " nhiều như : Thanh Lan, Thẩm Thúy Hằng, Mộng Tuyền, Thanh Nga, Băng Châu , Kiều Chinh, Thanh Mai, Như Loan, Băng Châu ,.......Những nét đẹp văn hóa của một góc- hồn Sài Gòn mãi khó quên trong ký ức !
119 thích
* Xuân 1 973 ; 1 974 lịch Tết Sài Gòn của nhiều Ngân hàng - nhớ rất rõ ảnh của 2 mỹ nhân Thanh Lan, Mộng Tuyền thường được " ưu ái " ở bìa lịch ( rồi mới đến tháng 1;2...hay từng đôi tháng - lịch 12 tờ hoặc 6 tờ + trang bìa ). Và , nghệ sỹ Thanh Lan mặc áo dài gấm đỏ, nở nụ cười tươi trẻ đang dán câu đối đỏ Tết , có đĩa trái cây , nhành mai vàng rực rỡ , dưa hấu, mãng cầu , đu đủ ..và dòng chữ CUNG CHÚC TÂN XUÂN 1974 chẳng hạn.
Thanked by 2 Members:
|
|
#50
Gửi vào 25/01/2017 - 21:28
Sài Gòn hồi mới vào
09:57 AM - 25/01/2017
Những ngày giáp tết giữa thập niên 1950, người dân khu Hòa Hưng bắt gặp những cụ đồ già người bắc vừa di cư vào nam ngồi trên vỉa hè đường Chason (Phạm Hồng Thái) gần chợ Hòa Hưng. Họ bày bán những liễn đối chữ Hán viết sẵn trên giấy điều.
Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng tại Sài Gòn trước 1975 gồm các nghệ sĩ từ miền Bắc vào như Hòa Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh đã chinh phục khán giả miền Nam với các ca khúc bất hủ của các nhạc sĩ tiền chiến và của Phạm Đình Chương, Phạm Duy Ảnh: Đinh Tiến Mậu
Thấp thoáng trong số liễn đối có những câu chúc phúc bằng chữ Việt viết theo Hán tự. Họ ngồi buồn vì ế khách. Cho đến lúc đó, dân Sài Gòn - Gia Định không còn mấy ai chơi liễn đối như hồi “đàng cựu” (thời Pháp chưa qua), hoặc nếu có thì đã quen vào Chợ Lớn mua liễn viết sẵn. Những ông đồ già ngồi trầm ngâm dưới nắng tháng chạp vàng ươm dễ chịu, nhưng trời đất xung quanh vẫn không phải mùa xuân xứ bắc với mưa xuân phơi phới bay mà họ mới rời xa.
Đó là một hình ảnh trong câu chuyện trên tờ báo xuân xưa tôi còn nhớ. Lớp người miền ngoài, vì hoàn cảnh đã rời quê hương vào sống trên đất Sài Gòn. Vượt qua những dị biệt ban đầu và cả nỗi nhớ quê dậy sóng mỗi đêm, họ thành cư dân miền Nam, cư dân Sài Gòn... Họ cảm nhận cuộc sống trên đất mới, tuy xô bồ nhưng dễ sống, tuy ồn ào nhưng thật lòng, tuy thiếu hoa mỹ nhưng biết thưởng thức những điều đẹp đẽ và còn tạo điều kiện cho nó thăng hoa. Tuy vậy, lòng hoài niệm của họ vẫn đầy ăm ắp, nên mới có những vần thơ nhớ bắc của Lê Minh Ngọc, ông chủ quán bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng: “Ngoài ấy trời xuân lạnh/rét căm lòng cỏ hoa/em nhìn mây không cánh/bay về phương trời xa/nghẹn ngào em thầm hỏi/người đi có nhớ nhà...”. Mới có những tản văn tuyệt tác của Vũ Bằng trong Thương nhớ Mười Hai với tháng hai nhớ hoa đào, tháng ba cảm nhận “trời chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm”.
Văn hóa mở cõi của đất miền Nam trù phú đã được tiếp thêm màu cổ điển từ những người con đất tổ ngàn năm, tạo dựng nên chất sinh động, đa dạng, thể hiện rõ nhất ở Sài Gòn, thành phố của hội tụ nhân tài tứ xứ.
Họa sĩ Tú Duyên, người con của làng cổ Bát Tràng, Bắc Ninh, từng theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ năm 1939, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và đóng góp sắc màu Bắc bộ qua các họa phẩm, trong đó có nghệ thuật sáng tác riêng gắn với tranh dân gian là “thủ ấn họa” Ảnh: tư liệu
“Chín giờ mới ra phố”
Tuy nhiên, thuở ban đầu luôn là khó khăn. Giống như tâm tình của những cụ già xứ bắc viết liễn ngày giáp tết ở lề đường sát chợ Hòa Hưng. Có nhiều khác biệt, và có lúc không chịu nổi.
Người mới vào đã có nhiều điều quá bỡ ngỡ trước vùng đất mới đầy nắng gió này. Họ ngạc nhiên khi thấy thuốc lá không được bóc ra ở phần trên bao thuốc, mà dùng tay khoét một lỗ ở phía gần đáy rồi rút điếu thuốc ra; khi uống cà phê lại đổ ra đĩa rồi húp từng ngụm; tờ bạc 1 đồng xé làm hai để thành 5 cắc cho tiện; nữ sinh kẹp tóc cao đến gáy, mặc quần trắng ống rộng gấp đôi bình thường và đi guốc mộc.
Phóng sự Sài thành xài tiền của Hà Việt Phương báo Đời Mới số 68 ra đời tháng 7 năm 1953, có kể một ông ngoài bắc vừa vào Sài Gòn. Khi biết ông định đi thăm người quen lúc 7 giờ sáng, bà chủ nhà trọ liền can ngăn, bảo lúc đó còn sớm quá, phải “chín giờ trở đi thì những người như ngài mới ra phố”. Bà này từ Huế vô nam đã lâu, nói rằng ai ở ngoài bắc vô cũng dậy sớm, đi chơi sớm và ngủ sớm. Nhưng người trong này thức khuya, đời sống về đêm nhiều hơn. Bà lớn giọng: “Tối, ngài ra các tiệm các chợ mà coi, cứ chật nức người là người, phần lớn là anh chị em lao động, kiếm được đồng nào thì xào ngay đồng nấy. Trong này không biết dành dụm chi cả. Bây giờ mới có người biết vá áo, biết nhặt rau, chứ trước thì dùng cái gì cũng là nguyên chất cả, hơi hỏng là “đổ bỏ” không hề chữa chạy bao giờ... Ban ngày kiếm được bao nhiêu tiền đến tối xài cho kỳ hết, mai sẽ kiếm tiền nữa. Lo chi. Không lụt lội, không mất mùa, không thất nghiệp...”.
Bà chủ còn hướng dẫn ông khách: Phu xích lô ở Sài Gòn, ai hay bận quần “cộc” (quần ngắn) thì người ấy phải là người “ngoài ta” (tức là bắc hay trung vào làm việc). Người trong này hoang phí, cái gì cũng ra tiệm. Ăn bận toàn quần áo vải lụa mỏng tanh. Người lao động trong này tiện là ngồi bệt xuống đất không sợ hư áo quần, rách là quăng đi may cái khác, hoang phí đến cả mồ hôi, vì có sẵn quần áo để thay...
Các tờ giới thiệu chương trình của đoàn Kim Chung. Đoàn Kim Chung, một đoàn cải lương của người bắc vào nam năm 1954 và cuối cùng đã có vị trí sáng giá trong làng cải lương miền Nam, thành lập tới sáu đoàn Kim Chung từ 1 đến 6, hòa nhập vào đời sống văn nghệ miền Nam, tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào vừa từ miền Bắc vào và “Nam hóa” dàn diễn viên, mời các cây bút viết tuồng người miền Nam tiếp tay trong việc cung cấp tuồng tích Ảnh: Sưu tầm của Lê Hoan Hưng
Người Sài Gòn hào hiệp
Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự Hồi mới vào của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.
Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu. Mới vào, ông bị lên cơn sốt rét vào nằm Bệnh viện Bình Dân. Vợ con ông và chị giúp việc lên xe xích lô máy chạy vòng vòng Sài Gòn - Gia Định tìm kiếm bà con họ hàng. Tìm mãi không ra, thấy trời đã tối, anh xích lô máy bèn đề nghị về tạm nhà anh ở Vườn Lài. Vừa về tới nhà, anh liền bảo vợ: “Má bầy trẻ đâu, tôi đón được một người làng xóm cũ đây!”. Anh là người bắc, lấy vợ nam và đã lanh trí nhận “người làng” để thêm thân tình, mong vợ trọng đãi khách. Chị vợ, người chất phác, lăng xăng đi quét bộ ván cho ba vị khách nằm nghỉ, đi nấu nước châm trà và còn ra tiệm mua thêm 10 đồng thịt quay về đãi cơm khách nữa. Vợ anh xích lô trong lúc ăn cơm không ngần ngại hỏi: “Chẳng hay anh của chị mần nghề gì?”. Chưa hiểu tiếng Sài Gòn nên chị Thượng Sỹ ngồi yên, anh xích lô đáp thay: “Anh ấy làm “nhật chình”!” (nhật trình: cách gọi báo chí cách nay trên dưới nửa thế kỷ ở miền Nam). Chị vợ gật gù: “Ờ, tốt lắm. Có phải như các ông nhà báo ở Sài Gòn thường viết bài bênh vực nhà lá bị đuổi đất không?”. Chị vợ anh xích lô có thiện cảm ngay với vợ người làm báo mới quen. Sáng hôm sau, anh xích lô tiếp tục chở cả nhà đi thăm nhà văn đang nằm bệnh viện. Ông Thượng Sỹ cảm động về câu chuyện này lắm. Vài ngày sau, ông khỏe nên cả nhà tiếp tục nhờ anh xích lô chở đi tìm bà con. Ông gặp một nhà văn quen biết nên tá túc nhờ vài hôm. Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay: “Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu”. Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng. Ông bà nói ngay với khách lạ: “Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn!”. Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.
Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng: “Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng!”.
Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật này: “Tôi cứ tưởng xảy nhà ra thất nghiệp... nào ngờ tôi lại hai lần “sa” vào hai cành gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt...”. Ắt hẳn trong thâm tâm, ông biết rằng còn do tính hào hiệp của người Sài Gòn, luôn sẵn sàng giúp người gặp khó khăn. Như khi xưa họ hoặc cha ông chân ướt chân ráo đến thành phố này đã được người ở đây giúp đỡ. Điều đó khiến ông nói lên ý nghĩ: “Nếu được tiếp tục nghề cầm bút ở đây, tôi sẽ quyết dùng ngòi bút phục vụ cho đời sống người bình dân lao động”. Đúng như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau, ông tiếp tục đi làm tại một tờ báo chứ không đi dạy học như ý định ban đầu.
Nhà văn Tam Lang, tác giả phóng sự nổi tiếng Tôi kéo xe, khi vào miền Nam cũng ấp ủ nhiều mộng ước. Trước khi vào sống hẳn tại Sài Gòn, ông từng vào đây để tĩnh tâm viết hai vở chèo cổ, theo như bài báo trên báo Đời Mới. Viết xong, ông bay ra bắc lập một gánh hát chèo. Theo tác giả Trương Thọ Phú, Tam Lang khi vào nam vẫn muốn làm sống lại chèo cổ ở Sài Gòn. Ông nói: “Chèo cổ là âm thanh thuần túy của đất nước, không như tuồng cổ là điệu hát bắt chước điệu tuồng Tàu, cũng không như tân nhạc bắt chước điệu hát của Tây. Đây là thứ âm thanh đặc biệt Việt Nam...”. Đây là tâm huyết của vua phóng sự đất bắc, mong phục hồi vốn văn hóa dân tộc trên vùng đất mới Sài Gòn. Tuy nhiên, chuyện đó đã không thực hiện được như chúng ta đã thấy. Trước kia, ông cũng không thực hiện được điều đó ở Hà Nội ngàn năm văn vật, lúc đó lại đang mê tân nhạc và... cải lương miền Nam.
Câu chuyện hội nhập vào cuộc sống Sài Gòn là một câu chuyện dài nhiều tập, nhiều chương. Trong đó, có nước mắt và nụ cười, có sự rộng rãi bao dung và cũng có những khắt khe, thiếu thông cảm và hiểu biết trong cư xử. Qua thời gian và yêu cầu của cuộc sống một đô thị lớn, tính bảo thủ bị pha loãng dần, sự chấp nhận lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ và người ta tìm cách dung hòa những dị biệt, hợp lực xây dựng cuộc sống yên ổn và phát triển. Sự dung hòa đó đã tạo nên chất Sài Gòn, cá tính Sài Gòn ngày hôm nay.
Phạm Công Luận
Thanked by 1 Member:
|
|
#51
Gửi vào 02/02/2017 - 21:05
Sài Gòn chuyện đời của phố: Nhà hàng Việt cao cấp đầu tiên
09:17 AM - 21/02/2016 Thanh Niên
Chia sẻ
Bên trong nhà hàng Hàng cơm Việt Nam - Ảnh: T.L
Nha Du Lịch thuộc chính phủ miền Nam thời trước đã lập ra một nhà hàng sang trọng có cái tên giản dị là Hàng cơm Việt Nam, khánh thành vào ngày 9.10.1957.
Một nhà hàng sang trọng chuyên về món ăn Việt là điều bình thường hiện nay. Ở đó, khách nước ngoài, người sành điệu có thể thưởng thức phong cách ẩm thực thuần Việt, từ thức ăn đến đồ uống, cảm nhận vẻ khác biệt, độc đáo trong cách ăn uống của một dân tộc, thấy được những dấu ấn của khí hậu, hệ thực vật, nền nông nghiệp trong bữa cơm hằng ngày của người Việt.
Nhiều quốc gia có chiến lược quảng bá nền ẩm thực độc đáo như Pháp, Ý, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ... Ẩm thực truyền thống chính là nét văn hóa riêng đáng tự hào, tạo sự thông cảm giữa các dân tộc và tạo sự thu hút trong công nghiệp du lịch.
Trở lại cuộc sống của Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950. Sau khi người Pháp rút về, cuộc sống tự chủ đã xuất hiện thay cho chế độ thuộc địa. Trong ngành ẩm thực, hệ thống nhà hàng hạng sang nấu ăn theo kiểu Pháp sót lại sau 1954 vẫn chiếm lĩnh khu vực trung tâm Sài Gòn, khu Tân Định - Đa Kao. Trong Chợ Lớn, nơi buôn bán sầm uất, có các nhà hàng theo phong cách ẩm thực Tàu, nhất là Quảng Đông, Triều Châu. Nấu ăn theo kiểu Việt hầu hết là ở các quán bình dân, rất đa dạng món ăn từ cơm tấm giò chả, nem chua chả rán, gà xé phay, mắm nêm, mắm Huế. Đồng bào di cư từ miền Bắc, người miền Trung di dân vào Nam góp thêm nhiều món ăn hấp dẫn vào thực đơn món Việt ở Sài Gòn. Tuy nhiên, có thể nói lúc đó ở thành phố này chưa có một nơi tương xứng để đón du khách với món thuần Việt, đủ tiện nghi, có phong cách phục vụ bưng dọn như các nhà hàng Âu - Mỹ. Kế hoạch phát triển du lịch miền Nam lúc đó đã chuyển động, các khiếm khuyết bắt đầu lộ dần và vấn đề này đã được đặt ra.
Và nhà hàng sang trọng Hàng cơm Việt Nam ra đời vì mục đích đó. Người quản lý là ông Bửu Hoàng, một người thuộc hoàng tộc triều đình Huế, nơi có phong cách ẩm thực Việt đáng tự hào. Chủ trương của nhà hàng cũng giản dị như cái tên nhà hàng: “giới thiệu du khách những món ăn thuần túy của VN”. Nhà hàng đặt tại số 40 Nguyễn Huệ, Q.1 (phải chăng hiện nay là nhà sách Fahasa cùng địa chỉ?).
Việc trang trí nhà hàng được chú trọng để tạo đẳng cấp. Màu đỏ là tông chính xuất hiện trên các khung cửa sổ, trần nhà. Phòng lắp máy điều hòa, ghế ngồi bằng da, rải rác là các chậu hoa vạn niên trang trí tạo vẻ tươi mát. Về thức ăn, ba đầu bếp tập trung chế biến các món Trung và Nam bộ trong thời gian đầu và ông Bửu Hoàng có ý định tiếp tục tìm một đầu bếp món Bắc thật giỏi để hoàn thiện thực đơn Việt của nhà hàng. Tuy chưa hoàn hảo theo ý muốn, thực đơn của nhà hàng thật phong phú với hơn 50 món khác nhau. Từ nem chua Huế, chả lụa, chả chiên, chả quế, bì, nem cuốn, bánh hỏi chả giò, gỏi gà, tôm sứa, chạo tôm, tôm nướng Rạch Miễu, lươn, ếch, canh chua, miến gà…
Thực khách đến gọi món, đầu bếp làm ngay. Các món ở đây được đánh giá cao như: gỏi gà Huế có nước dùng nấu với dứa và hoa chuối xắt nhỏ, cao lầu gần với món vằn thắn của Tàu, tôm nướng Rạch Miễu dùng tôm to bóc vỏ, bao một lớp lá mỡ trắng rồi mới nướng, món canh chua nấu với cá chẽm, măng, me, cọng bạc hà được nhiều du khách ưa thích thay cho món súp. Món “giò quốc tế” là món cá nấu như kiểu thịt đông, bỏ vào máy ướp lạnh, cắt thành khúc tròn như mặt đồng hồ trên dĩa, tô điểm thêm hai lá hành thành cây kim đồng hồ...
Không chỉ chú trọng đến món ăn thuần Việt, Hàng cơm Việt Nam còn đưa vào thực đơn thức uống cũng thuần Việt nốt, đó là rượu... ba xi đế, rượu đậu nành, rượu đào, Tôn Thọ tửu sản xuất trong nước bên cạnh rượu Tây.
Bên cạnh đó, trang phục của nhân viên phục vụ được trang bị đúng đẳng cấp nhà hàng hạng sang: nhân viên tiếp khách (lúc đó gọi là chiêu đãi viên) bận đồng phục trang trọng, cổ thắt nơ. Đầu bếp có trang phục riêng, đội mũ chuyên dùng.
Thời điểm đó có một hội nghị quốc tế phát triển kinh tế và xã hội khu vực châu Á tổ chức tại Sài Gòn. Các vị khách quốc tế, đại diện 21 quốc gia dự hội nghị đã trở thành những khách ngoại quốc đầu tiên thưởng thức món ăn Việt trong thực đơn cao cấp này tại nhà hàng Hàng cơm Việt Nam.
Tự hào và tìm cách khẳng định giá trị của ẩm thực Việt bằng cách tạo lập nhà hàng này là một cố gắng rất đáng trân trọng của những người có trách nhiệm, gần 60 năm trước ở Sài Gòn.
Phạm Công Luận
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
#52
Gửi vào 02/02/2017 - 21:26
Sài gòn chuyện đời của phố: Tiệm cho thuê sách, dấu ấn một thời
06:51 AM - 22/02/2016 Thanh Niên
Sách cho thuê có sức cuốn hút rất lớn với dân Sài Gòn ghiền đọc sách - Ảnh: P.C.L
Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954 đã có loại hình này rồi.
Các tiệm cho thuê sách tồn tại song song với các nhà bán sách, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người mê đọc sách nhưng ngân quỹ eo hẹp. Theo ước tính trên báo Thời Nay ra ngày 7.9.1974, đến thời điểm đó đã có khoảng 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn.
Trong một bài viết cũ thời blog còn phổ biến, một bác kể rằng trước phong trào di cư (tức năm 1954), việc cho thuê mướn sách đọc chỉ xuất hiện trước các cổng trường. Thuê bữa nay, ngày mai trả, giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm cho thuê sách là dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Tiệm cho thuê sách hiệu Thái Bình, do một phụ nữ người bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn thuê sách phải đặt tiền thế chân, khoảng 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.
Một tiệm cho thuê sách được cho là lâu đời có từ giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn là tiệm Đức Hưng ở đường Trần Quang Khải, quận Nhứt. Tiệm này đáng nhớ vì có sáng kiến cắt các kỳ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Từ Khánh Phụng đăng phơi-ơ-tông trên báo, đóng thành từng tập để cho thuê khi các truyện này chưa xuất bản thành sách, nên độc giả rất thích... Lúc đó, chỉ có khoảng 10 tiệm cho thuê sách ở cả Sài Gòn.
Tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Hoa rất am hiểu về sách. Đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, đủ các thể loại.
Ở Phú Nhuận trước đây có hai tiệm sách trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) ngay khu chợ Lò Đúc. Tiệm Tân Dân cũ kỹ từ các dãy tủ kệ đến diện mạo từng cuốn sách giấy đen ngòm vì mồ hôi tay bao độc giả thấm qua sau bao lần đọc. Chủ tiệm là một phụ nữ lớn tuổi không lập gia đình gốc miền Bắc, luôn nở nụ cười có nét móm duyên như Đức Mẹ. Tiệm Toàn Hiệp có chủ nhân là hai vợ chồng già là dân có học cùng ba người con, ai cũng hiểu biết về sách. Anh Hai của tôi khoảng năm 1961 đang học Trường Sư phạm, mỗi buổi chiều đều phải ra sạp báo gần trường học Chánh Tâm cũ của người Tàu góc đường Trương Tấn Bửu - Nguyễn Minh Chiếu (Trần Huy Liệu - Nguyễn Trọng Tuyển) để mua báo có đăng phơi-ơ-tông truyện chưởng Kim Dung cho ba tôi. Sau đó anh vọt xe ra mướn sách ở hai tiệm trên. Rõ là nếu không thuê sách để đọc thì cả nhà tôi không thể xem được nhiều sách như vậy. Sách về mỗi ngày, từ các cuốn trong bộ Z.28 của Người Thứ Tám, truyện chưởng Kim Dung cho hai ông anh. Tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Bà Lan Phương cho má tôi đọc khi ngồi sạp ở chợ. Tiểu thuyết Quỳnh Dao như Xóm vắng, Bên bờ quạnh hiu, Hải Âu phi xứ, Dòng sông ly biệt cho bà chị đang học Luật. Phần tôi thì đọc truyện tranh Lucky Luke, Xì trum, Lữ Hân Phi Lục và truyện trong tủ sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh... Với tốc độ đọc như vậy thì mua sách là điều nan giải. Chỉ có đi thuê như mọi người.
Sau này, khi biết nhà ai có tủ sách lớn từ trước 1975, tôi biết họ thuộc gia đình trung lưu trở lên mới kham nổi. Sài Gòn tuy được nơi khác xem là thành phố mải mê “làm ăn”, “ăn chơi” thâu đêm suốt sáng nhưng nhu cầu đọc sách báo thì ai cũng biết là rất lớn và đặc biệt là giới bình dân thích xem sách xem báo không thua ai.
Loại sách nào được ưa thích nhất ?
Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của ông không có tác giả nào của VN so nổi về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh, rồi đến sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi, hàng chữ “cấm cho thuê”.
Đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn. Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6.1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom.
Trên báo Tiền Phong ra ngày 24.6.1975, tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh Trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại. Hai tiệm sách ở chợ Lò Đúc gần nhà tôi cũng bị dẹp. Lúc đó, người dân mới biết tiệm Tân Dân lâu nay chính là cơ sở hoạt động bí mật của chế độ mới.
Khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.
Phạm Công Luận
Bạn đọc phản hồi (1 nhận xét)
Tayphong
Tiền Giang - 22/02/2016
Chúng ta đã mất những cái nên giữ lại, buồn.
7 thích
Sửa bởi tuphuongsg: 02/02/2017 - 21:28
Thanked by 1 Member:
|
|
#53
Gửi vào 03/02/2017 - 21:29
Sài Gòn chuyện đời của phố: Nhộn nhịp từ Bonard đến Lê Lợi
06:46 AM - 03/02/2017 Thanh Niên
Tiệm ảnh Mỹ Lai trên đường Bonard Ảnh: T.L Đức Vượng
Năm 1936, một người đàn ông từ làng Lai Xá, tỉnh Hà Tây vào Nam, đến mở một tiệm ảnh lấy tên Mỹ Lai ở số 48 đường Bonard (Lê Lợi), đoạn giữa đường Pellerin (Pasteur) và đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Năm 1955, chú bé Đức Vượng là con trai lớn của ông chủ tiệm ảnh Mỹ Lai chào đời. Anh sống ở khu trung tâm này cho đến khi tiệm ảnh dời đi năm 1973 và có một thời tuổi trẻ ở con đường vui nhất Sài Gòn, con đường mà nhiều người tứ xứ mơ sẽ có lần đi “bát phố Bonard”.
Sài Gòn lúc đó đã khoác lên một diện mạo khác hẳn, nhộn nhịp hơn rất nhiều. Nhà anh cách nhà sách Khai Trí số 60 - 62 Lê Lợi của ông Nguyễn Hùng Trương hơn chục căn. Sát bên nhà sách Khai Trí là nhà sách Phúc Thành, số 58. Nhà sách Phúc Thành có một cô gái xinh đẹp ở đó, sau này trở thành một phu nhân nổi tiếng. Khi lớn lên, Vượng nghe các bà chị kể hồi xưa khi chưa cưới được cô, ông tư lệnh không quân đã lái trực thăng bay lơ lửng trên đường Lê Lợi thả hoa xuống tặng người yêu. Chuyện ấy đến giờ không rõ thực hư nhưng lớp người già trên sáu mươi tuổi từng cư ngụ trên con đường này đôi khi vẫn nhắc như một “huyền thoại phố phường” thú vị mà họ đã từng nghe. Phía trên các tiệm buôn, tiệm dịch vụ là các căn hộ dãy tầng lầu, nơi ở của các gia đình người Pháp, công chức người Việt. Hầu hết con em các gia đình đó đều học trường Tây. Chỉ có hai người con ông Khai Trí, một trai một gái, là đi học trường Việt. Vào các buổi chiều hay cả ngày cuối tuần, hai bạn này đến phụ giúp ba mẹ trông nhà sách. Tuy là chủ tiệm sách lớn nhất miền Nam, mỗi ngày ông Khai Trí đến nhà sách làm việc như một công chức mẫn cán, áo sơ mi trắng bỏ vào quần, mang giày da đen. Bà Khai Trí bận áo dài hằng ngày ngồi ở quầy tính tiền. Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, không bận đi học hay không phải lo tráng phim rửa ảnh phụ bố, Đức Vượng thả bộ ra nhà sách Khai Trí, đứng đọc “cọp”, bao giờ chán thì thôi. Chung quanh anh, nhiều học sinh lớn nhỏ đứng cầm sách trên kệ đọc thoải mái, không ai la rầy.
Đường Lê Lợi xưa luôn có từng nhóm người lũ lượt đổ về mỗi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, đi dọc đường phố, băng ngang từng tốp để sang đường. Hầu hết ăn mặc rất diện, phụ nữ bận áo dài, nhiều người đàn ông bỏ áo vào quần, đeo kính mát, trẻ em bận đầm hay quần soọc có dây đeo. Một số phụ nữ bán hàng, nhất là các bà người gốc Bắc cũng bận áo dài. Đường Lê Lợi có nhiều cửa hàng chạy dọc từ rạp Rex đến chợ Bến Thành, mấy xe hộp quẹt, ống pipe (tẩu), khăn mù xoa... nhưng các quầy bán hàng trên vỉa hè chỉ được phép bày ra từ đường Pasteur đến chợ vì ở khu vực rạp Rex có cơ quan viện trợ của Mỹ đóng ở đó. Phía bên đường là dãy ki ốt bán sách dựa lưng vào bức tường nhà công chánh, phía trước một dãy nhà vệ sinh công cộng. Phía trước ki ốt, sát lề đường còn có những xe đẩy bán sách “chạy”, có nghĩa là không hợp pháp, cảnh sát đến là ôm chạy đi chỗ khác kẻo bị tịch thu. Bên đó, phía đoạn đường Lê Lợi từ thương xá Tax đến rạp Vĩnh Lợi cũng có nhiều cửa hàng nhỏ, nhớ nhất là một quầy bán bánh mì gà rô ti bên hông hẻm sát nhà hàng Thanh Bạch, có một tủ kính bên trong bày bánh mì, các đĩa gà vàng tươm mỡ, các thứ gia vị, rau thơm... Bánh mì rất ngon, ăn nhớ mãi đến giờ. Rảnh thì ra rạp Rex, Casino coi phim cao bồi bắn súng, phim phiêu lưu, chiến đấu, sử thi, nhớ nhất là mấy phim Ben-Hur, The Longest Day... Ở ngay trung tâm, đi đâu cũng chỉ cuốc bộ, vừa đi vừa ngắm người đẹp tứ xứ đổ về, mùi nước hoa trong nắng trưa thơm nồng.
Anh Tấn Thành, từng sống cùng gia đình ở khu trung tâm này trong hơn ba mươi năm, viết cho tôi: “Nếu đường Tự Do (Catinat) được mệnh danh là một “Champs-Élysée” của Sài Gòn ngày xưa, thì đường Lê Lợi (Bonard) là một bản sao thu nhỏ của một Sài Gòn năng động, thân thương và bình dị. Ở đây tập trung mọi sự đối nghịch đôi khi chan chát như một xã hội đang trong cơn chuyển mình để hoàn thiện bản thân. Tòa nhà Quốc Hội ở đầu đường, thì cuối đường là ga xe lửa nơi cưu mang biết bao cảnh đời tha phương cầu thực của những số phận bị quăng quật vì chiến tranh. Chợ Bến Thành, một biểu tượng sống động của Sài Gòn, nơi đáp ứng những yêu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân, là nơi con người hưởng thụ bầu không khí khoáng đạt như cánh chim biểu tượng tự do, phóng khoáng trong tay bức tượng Trần Nguyên Hãn trên công trường Diên Hồng thì đối diện với nó là những bàn đăng lính nhằm mục đích phục vụ chiến tranh, và bót cảnh sát nơi tự do con người bị giới hạn vì những lý do khác nhau. Đối lập với nhà sách Khai Trí thoáng đãng, sạch đẹp như tượng trưng cho tháp ngà tri thức của ông Nguyễn Hùng Trương là dãy chợ sách tạm bợ cạnh khu nhà vệ sinh công cộng dù mục đích của hai nơi này chỉ là một và rất cao cả - góp phần nâng cao dân trí cho người dân. Nước mía Viễn Đông, bò bía, phá lấu... là những món bình dân của mọi tầng lớp người thành thị thì bên này là kem Bạch Đằng sang trọng. Rạp Mini Rex A, B là đỉnh cao của sự thưởng ngoạn của những người yêu màn bạc thì cách đó không xa là rạp Vĩnh Lợi phục vụ cho người bình dân cùng chung sở thích. Nếu có “sự thống nhất giữa các mặt đối lập” thì Lê Lợi (Bonard) là một hiện thực cụ thể minh chứng cho khát vọng vươn lên của một thành phố trẻ nhưng số phận sao có lúc long đong”.
Phạm Công Luận
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
TRẦN QUANG DINH
- 03/02/2017
* Những cái tên như đường Lê Lợi , rạp hát Vĩnh Lợi ( tuy khán phòng không lớn lắm nhưng sang), Thương xá Tax, Mini Rex A, B nơi để tuổi ô mai đôi khi " cúp cua " xem phim đầy nét dễ thương ...Và nhất là nhà sách Khai Trí. Những ai sống ở Sài Gòn trước 75 ít nhất đôi lần ghé vào đây. Kho tàng kiến thức đúng như tên gọi . Phố Lê Lợi với nét kiến trúc nhà cửa đặc trưng không thể lẫn lộn.. ....Nó đã trở thành một phần văn hóa của đời sống .
70 thích Trả lời Báo nội dung xấu
Phụng
- 03/02/2017
May mắn là tôi đã từng vào xem phim ở cả 4 rap : Rex, Mini Rex A, B và Vĩnh Lợi.
14 thích
Thanked by 1 Member:
|
|
#54
Gửi vào 04/02/2017 - 21:45
Sài Gòn chuyện đời của phố: Dầu dừa, tóc mượn, vòng cẩm thạch cẩn
08:00 AM - 04/02/2017 Thanh Niên
Trong một tiệm làm tóc dành cho phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960Ảnh: Tư liệu Lê Hoan Hưng
Sau cơn mưa chiều tháng bảy, nhà nhà đã bật đèn thì cả xóm trong hẻm nhỏ Phú Nhuận lại nghe tiếng rao văng vẳng từ xa của bà Bánh Men: “Ai...i...i dầu dừa, dầu bông lài, dầu hải đường!”, rồi lại rao tiếp: “Ai...i...i xỏ lỗ tai, đeo bông liền!”.
Đó là những năm giữa thập niên 1960. Bà Bánh Men đi vào ký ức tôi từ những thứ dầu thảo mộc thơm tho bà đem bán cho phụ nữ trong xóm nhỏ này.
Những phụ nữ trong các xóm nhỏ Sài Gòn - Gia Định xưa, nghèo mấy cũng cố sao cho đẹp đẽ, tươm tất, thơm tho. Đó là lòng ham chuộng cái đẹp và tự trọng, muốn mình tươi tắn, rạng rỡ để vừa lòng ông xã, hãnh diện với chị em.
Thời nào cũng vậy, mái tóc được xem là thể hiện sức sống của cô gái. Đi xe đi đò, nhìn từ phía sau cô nào có mái tóc mướt dày thì mọi người thường cố nhìn mặt cho được. Muốn tóc mướt, phải dưỡng phải chăm. Thời đó, hầu hết phụ nữ miền Nam và một số tỉnh miền Trung dùng dầu dừa để xức tóc, vừa dưỡng vừa làm đẹp. Bà ngoại tôi cũng thắng dầu để phụ nữ trong nhà dùng. Tóc gội xong để khô, dầu rót vào lòng bàn tay xoa lên tóc. Dì Út đi học thì xức dầu dừa mỗi ngày, tóc luôn thoảng mùi dầu thơm nhẹ, nhìn mướt và nhờ dầu dưỡng tóc.
Dì Út nhớ lúc lên mười, cuối thập niên 1940, kẹp tóc bằng chiếc kẹp của Pháp mua ở tiệm chạp phô hay chợ Sài Gòn. Loại kẹp đó tốt, dùng hoài không bung, là miếng đồi mồi vàng nâu vừa dẻo vừa cứng dán trên miếng kim loại xi trắng. Dì kẹp tóc suốt những năm đi học Trường Gia Long. Đến tuổi cập kê mười sáu, bà ngoại dạy dì bới tóc kiểu “bánh lái, thả vòng”, tức có mảng tóc giống kiểu bánh lái của tàu thuyền chúi xuống phía sau và có những vòng tóc kế bên. Dì còn trẻ, không thích bới kiểu đó vì trông già quá. Má tôi buôn bán ở chợ thì bới tóc kiểu thông thường, mua cái lưới tóc bán ở chợ bao bên ngoài, xiên cái trâm qua để giữ tóc cho cứng là được. Hôm nào đi tiệc, má bới tóc, bao lưới y chang vậy nhưng xài cái trâm có nhận hột đá lấp lánh cho đẹp.
Bà ngoại ở nhà chỉ bới cho gọn, không kiểu cọ nhưng do tóc ít, bà phải dùng “tóc mượn”. Đây là mớ tóc giả kết lại bằng chính tóc mình. Phụ nữ từ tứ tuần tóc bắt đầu rụng nên khi bới chỉ đủ tạo một “củ tỏi” nhỏ phía sau, cần độn tóc cho búi tóc lớn như hồi trẻ. Thứ dùng độn tóc chính là “tóc mượn” do các bà tự làm. Tóc rụng, bà ngoại tôi không bỏ đi mà để dành. Có nhiều rồi, ngoại trải tóc trên mặt phẳng, vuốt từng sợi cho thẳng, so một đầu hoặc dùng kéo cắt cho bằng, đầu kia để dài tự nhiên. Xong, dùng vài sợ tóc se cho dính nhau thành một loại dây rồi cột chặt đầu bằng của mớ tóc. Số tóc làm sao có thể bó thành chùm có đường kính ít nhất ba phân, khi ghép vào đầu để búi mới đủ độ đầy đặn. Hầu như thời đó phụ nữ trung niên trở lên đều có dây “tóc mượn”. Người nào tóc nhiều cũng dùng để búi tóc đầy thêm. Ngoài chợ có bán loại tóc này nhưng ai cũng tự làm “tóc mượn” bằng tóc chính mình hay tóc người thân, ngại mua vì sợ mua phải tóc... người chết.
Miền Nam nắng chói, lại không muốn duyên phô hết ra ngoài, các bà thích dùng khăn dùng nón để che đầu. Bà nào có gốc miệt vườn Nam bộ thì khoái cái khăn rằn dệt nhiều màu xen kẽ nhau mà có bà gọi là “ịch bậu” theo tiếng Triều Châu. Dần dà, khi khăn “sạc” (châle) mỏng, nhẹ như voan nhập cảng từ Pháp xuất hiện nên từ thập niên 1960, khăn rằn đã bị coi là “quê”. Các bà Sài Gòn khi đi đám tiệc thường bận áo dài, xếp cái khăn lụa vuông thành hình tam giác rồi trùm lên đầu, lộ khuôn mặt hoặc quàng trên vai, thắt hai chéo khăn ở giữa ngực.
Thời Tây, người khá giả cùng lúc đeo tới 2, 3 hoặc có khi 5 sợi dây chuyền mà sợi nào cũng có mề đay hoặc dây chuyền tua (sợi dây có những mảnh vàng rũ xuống); tay đeo vòng cẩn hạt huyền, đá màu hay cẩm thạch; bông tai cẩm thạch hay huyền; cổ đeo dây chuyền với miếng mề đay bằng cẩm thạch chạm hình tượng Phật, chùm nho hay có khi là một vòng khuyên; ngón tay thì đeo cà rá nhận hột xoàn lấm tấm. Nữ trang thì đủ kiểu: vòng mắt tre bằng vàng tây, chạm khúc trơn khúc nổi như mắt cây tre; vòng cẩm thạch cẩn, từng đoạn cẩm thạch cẩn vào cái khuôn hình vòng bằng vàng 18K, nhận hột xoàn. Tai đeo bông cẩm thạch, ở giữa nhận hột xoàn hoặc để trơn. Trên cổ, ngay giữa nút áo cài hai cái cổ áo gắn cái broche bằng vàng tỉa hoa lá. Dây chuyền thì ráng làm sao xoắn như dây neo.
Mọi thứ tươm tất rồi, ra đường thêm cái bóp đầm, cái kiếng mát, giày cao gót, khăn mù xoa, xức dầu thơm hiệu... là coi như đủ bộ, không thua chị kém em.
Phạm Công Luận
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
Thanked by 1 Member:
|
|
#55
Gửi vào 08/02/2017 - 21:37
Sài Gòn chuyện đời của phố: Nhớ tiếng rao xưa
09:00 AM - 08/02/2017 Thanh Niên
Tranh vẽ trẻ bán báo
Với nhiều người Việt, đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ êm đềm chính là những tiếng rao, âm thanh trên đường phố. Nó lẩn khuất trong ngăn kéo ký ức, hiếm khi nghĩ tới nhưng bỗng nở bung ra, lao xao trong niềm nhớ khi ta động đến.
Hồi trẻ, tôi đọc bài Quà đêm trên rạch Tàu Hủ của Bình Nguyên Lộc trên một tờ báo và bật cười với nhận xét của ông khi nghe tiếng rao quà trong đêm Sài Gòn: “Ai ăn, bột khoai... đậu xanh... bún tàu... nước dừa... đường cát hôn!”. Điều ngộ nghĩnh là người rao kể rõ những thứ có trong món chè đó, rất thật thà, bộc tuệch.
Cô bạn người Nhật tôi quen kể rằng khi đến Sài Gòn, ngụ khách sạn nhỏ trong một con hẻm ở Q.1, không chiều nào cô không ra ngồi ngoài ban công để nghe tiếng rao rồi ghi âm và chụp ảnh. Cô thích lời rao của chị bán súp cua, chị bán chè, chị bán bánh tráng nướng. Cô không thích lời rao ghi âm sẵn. Cô hỏi về cái ông tối nào cũng lắc những miếng kim loại nghe leng keng đi qua (đấm bóp dạo) là bán món gì. Cô thích thú khi nghe tiếng hủ tiếu gõ lóc cóc. Cô mê chụp ảnh ông bán chổi lông gà vì mấy cái lông đuôi gà trống đẹp quá. Những lời rao đường phố không có trên quê hương cô. Cô mơ ước làm một cuốn sách chỉ về những người bán hàng trên đường phố và lời rao của họ. Cô khiến tôi nhớ ra rằng ở VN hình như chưa có ai quan tâm thực hiện một cuốn sách mô tả những điều đó. Dù nó đang mất dần qua mỗi ngày.
Nhưng có một người Pháp, từ hơn 70 năm trước (1943) đã làm việc này, dù không hẳn là viết một cuốn sách. Ông viết một bài dài về những lời rao trên đường phố Sài Gòn, có vẽ minh họa, ký âm từng tiếng rao. Đó là E.Berges. Những trang viết để lại của ông thật quý giá, vì nếu không ký ức về chuyện đó sẽ mất đi: “Sáng bửng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao hàng. Sự ồn ào của hàng ngàn kẻ buôn bán khiến không khí vui vẻ hẳn lên ở mỗi khu phố, mỗi con đường. Tiếng rao hàng vang lên từ Chợ Lớn đến Đa Kao, từ bến tàu Ba Son, chợ Mới (chợ Bến Thành) đến chợ Cũ (chợ Hàm Nghi), từ nhà thờ đến nghĩa trang. Suốt bảy ngày trong tuần, dưới ánh mặt trời miền Nam hay dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ đi, đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, các ông và nhất là vô số bà bán hàng rao vang dưới những gốc me hay phượng vĩ, quyến rũ những người thèm ăn bữa nhẹ hay mua vài món nho nhỏ dằn bụng...”.
Ông Berges tả cô hàng bán mía ghim: “Với một tay, cô điều chỉnh thúng trên đầu, tay còn lại rảnh, điều chỉnh bước đi nhịp nhàng. Cô ta cất giọng lúc này lúc khác thanh t*o: Ai ăn mía không? Cô bị vây lại ở đường Norodom (Lê Duẩn) bởi những đứa trẻ với hai xu mua được hai cây mía ghim”. Khi nói về cô bán cháo cá, ông không hề nhắc đến nhan sắc, mà chỉ nói về dáng điệu của cô và cách bán hàng: “Đã 5 giờ chiều, dài theo đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ), cất lên giọng rao hàng ngắn của cô hàng bán cháo cá. Cô dừng chân góc đường, để xuống vỉa hè hai nồi đựng, xếp xếp mau lẹ những chén trên mâm bằng tre, ở giữa hai nồi cháo, quạt lửa hong nóng nồi cháo và phục vụ cho những khách vội vã thích ăn cháo cá hay đậu nấu nhừ. Thỉnh thoảng, cô đổi món hằng ngày và rao: Ai ăn cháo cá, bún không?”.
Lũ trẻ nhỏ kiếm sống trên đường phố bán thức ăn chế biến sẵn, sách báo, dịch vụ tại chỗ như đánh giày. Ông Berges luôn quan sát chúng bằng đôi mắt dí dỏm: “Chúng có hai đứa, tuổi chừng tám đến mười, để tóc cẩu thả bay theo gió, ánh mắt ranh mãnh. Chúng đi trên đường Pellerin (Pasteur), rồi cười giỡn, rượt bắt nhau, thỉnh thoảng chửi bới và đột ngột chỉnh sửa lại túi bán hàng rồi rao: đậu phộng rang, hạt dưa. Chúng ngoác mồm rao lớn giọng, không để ý đến giờ nghỉ trưa”. Có khi chúng là những đứa bé bán báo: “Chúng tràn ngập trên đường Catinat (Đồng Khởi), ở những quán cà phê vỉa hè. Chúng rượt theo những bộ hành nhàn nhã, bằng những tiếng rao mời khó chịu mà tấn công liên tục khách uống bia. Trên đại lộ Norodom, trước nhà thờ, chúng chộn rộn, rình mò những người đạp xích lô và xe kéo, chạy lẹ tới họ, vừa chạy vừa lấy tiền. Chúng rao báo chữ Việt: Điện Tín, Sài Gòn ngày mai, thầy. Vào những chiều, khi nhà xổ số địa phương mở ra, cũng những đứa trẻ đó ngang dọc các đường phố, khoảng 22 giờ, bán vé số, giấy dò vé số trúng. Và sau đây là những lời tâng bốc sự giàu sang: Lô-tơ-ri, giấy dò số Đông Pháp, thầy!”. Có khi là thằng nhỏ bán bánh men, thứ bánh bây giờ chúng ta không thấy ai bán dạo nữa: “Nó để đầy bánh trong thùng gắn kiếng. Bánh nó làm bằng bột gạo lên men, rắc lên bánh loại bột thơm đậu và nước dừa. Nó đi bán trên đại lộ Catinat, với thùng bánh trên vai và rao: Ai ăn bánh men nước dừa không?”.
Theo quan sát của ông Berges, trên đường phố Sài Gòn 74 năm trước, người bán hàng rong đa phần là đàn ông. Đó là chú bán chổi lông gà với lời rao ngắn gọn: “Chổi lông gà không?”; những người bán chiếu bông: “Chiếu không?”; người bán tiết canh: “Ai ăn tiết canh không?”; người bán khoai lang: “Ai ăn khoai lang nấu đường không?”...
Phạm Công Luận
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
Bài viết đề cập trong bài và hình minh họa kèm theo được đăng trong cuốn Cris des rues au Vietnam Haiku de loin 2 do P.A.F (Pour l'analyse du folklore 1980) xuất bản.
Thanked by 2 Members:
|
|
#56
Gửi vào 08/02/2017 - 21:47
Sài Gòn chuyện đời của phố: Làng Lai Xá, trùm nghề ảnh Sài Gòn
07:23 AM - 06/02/2017 Thanh Niên
Ông chủ và toàn bộ nhân viên tiệm ảnh Khánh Ký ở Sài Gòn chụp chung năm 1924
Đầu thế kỷ 20, có một nhà nhiếp ảnh tiên phong người Việt mở rộng tầm hoạt động khắp ba kỳ, đặc biệt là ở Sài Gòn. Đó là ông Nguyễn Đình Khánh, còn gọi trân trọng là cụ Khánh Ký, từ tên gọi hiệu ảnh của ông
Ông Khánh sinh năm 1874, tên thật là Nguyễn Văn Xuân, người làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay ở xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ông học nghề ảnh từ năm 16 tuổi tại hiệu ảnh Du Chương của người Hoa ở Hà Nội. Năm 1892, ông khai trương hiệu ảnh tại phố Hàng Da, Hà Nội, lấy tên là Khánh Ký. Sau ông mở thêm các hiệu ảnh ở các nơi như Nam Định năm 1905, Sài Gòn năm 1907 tại số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Photo Khanh Ky Saigon”. Thời gian ở Sài Gòn, ông có chân trong Ủy ban Tổ chức tang lễ cụ Phan Chu Trinh năm 1926. Bộ ảnh về sự kiện này do hiệu Khánh Ký thực hiện đến giờ vẫn còn có người lưu giữ.
Ông Khánh Ký Khi mở các hiệu ảnh, ông Khánh Ký luôn quan tâm đến việc đào tạo thợ giúp việc làm ảnh là người trong làng Lai Xá. Luôn có vài chục người trong mỗi cửa hàng Khánh Ký vừa học vừa làm nên đã sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ làm ảnh. Từ đó, họ đi khắp nơi mở hiệu ảnh. Ông Khánh Ký có công lớn đào tạo và truyền nghề cho dân làng Lai Xá, trở thành làng nghề nhiếp ảnh duy nhất tại VN từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
Ở thành phố Sài Gòn đông dân và kinh tế phát triển nhất ba kỳ, người làng Lai Xá đã vào đây tạo dựng nghề ảnh và có thể nói đã tham gia sâu vào dịch vụ nhiếp ảnh ở thành phố này từ những năm đầu thế kỷ 20 và sau này. Tính đến năm 2000, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá thống kê được người gốc làng Lai Xá ở Sài Gòn có tới 114 hộ, 655 người. Hơn 16 năm qua, số dân gốc Lai Xá ở Sài Gòn còn cao hơn. Không tính các hiệu ảnh của ông Khánh Ký thuở ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở ra tại Sài Gòn từ thập niên 1930 - 1940 và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kê được (2016). Trong đó, có hiệu ảnh mở ra và duy trì hoạt động 80 năm nay như hiệu Mỹ Lai tại ngã tư Phú Nhuận.
Ông Đinh Tiến Mậu, chủ hiệu ảnh Viễn Kính, tác giả của nhiều bức ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa cũng là người gốc Lai Xá. Năm 1958, ông thuê nhà mở tiệm riêng, đến tiệm thứ tư mới đứng vững. Trong số đó, trụ lâu là tiệm King’s Photo ở 45 Ngô Quyền, Chợ Lớn trong suốt 6 năm. Tiệm cuối cùng của ông lấy tên là Viễn Kính, ở 277 Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) cũng là nhà riêng, mở từ năm 1963. Đến khoảng năm 2004 tiệm đóng cửa.
Ông Nguyễn Hữu Quý (sinh 1932) kể rằng khoảng những năm 1930, ông Khánh Ký đưa 4 - 5 người Lai Xá vào Sài Gòn học và làm nghề ảnh, trong đó có bố của ông là Nguyễn Hữu Quyền. Về sau, bố ông mở hiệu ảnh nhỏ ở Tân Định, lấy tên là hiệu ảnh Nguyễn Quyền. Đến năm 1950, ông Quý 18 tuổi được bố đón vào Sài Gòn để phụ giúp làm ảnh. Ông học làm ảnh ở đó ít năm thì tách ra làm riêng. Năm 1961, ông Quý làm thuê ở hiệu ảnh Văn Hoa photo của ông chủ cũng có gốc Lai Xá rồi sau lại chuyển sang hiệu khác. Ông có thể làm tất cả các khâu trong nghề ảnh nhưng chuyên về tô màu. Ông nhận thấy khách rất thích ảnh tô màu nhưng treo lên một thời gian ngắn thì màu nhợt nhạt đi, không giữ được lâu, cho dù dùng màu của Mỹ, Pháp. Ông bèn nghĩ cách dùng sơn dầu của giới họa sĩ vì thấy rất bền, tranh để hàng trăm năm và đã thành công. Ông nhận tô ảnh lớn các nghệ sĩ treo trước cửa nhà hát cải lương Kim Chung. Lúc đó, cả Sài Gòn chỉ có mình ông Quý tô màu cách này, rất đắt khách. Vì kỹ thuật này, ông Quý được giải nhất về ảnh tô màu trong một cuộc triển lãm ảnh của nghiệp đoàn các chủ hiệu ảnh thời đó.
Anh Đức Vượng, hiệu ảnh Mỹ Lai tại ngã tư Phú Nhuận, cho biết từ “Lai” trong tên “Mỹ Lai” là từ tắt của Lai Xá. Bố anh là Nguyễn Văn Đoàn, học nghề ảnh với cụ Khánh Ký. Khi lớn lên, ông Đoàn cùng một số trai làng theo cụ vào Sài Gòn làm ăn. Lúc đó, ông được gọi là Viên Đoàn, cách gọi theo phong tục miền Bắc xưa, vì cô con cả của ông tên là Viên. Năm 1936, ông Viên Đoàn mở hiệu ảnh tại đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), gần chợ Tân Định. Sau đó, ông mở tiếp hiệu ảnh thứ hai, lấy tên Mỹ Lai tại số 48 đường Bonard (Lê Lợi) và giao tiệm ảnh đầu tiên ở đường Paul Blanchy cho người em, sau này tiệm đóng cửa. Ông Viên Đoàn, năm 1973, đang làm ăn ở đường Lê Lợi thì bị lấy lại nhà không cho thuê nữa nên về ngã tư Phú Nhuận, mở tiệm cũng lấy tên Mỹ Lai trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng). Qua mọi biến động xã hội, gia đình ông vẫn duy trì nghề ảnh ở tiệm này với 80 năm hành nghề ảnh ở Sài Gòn không đứt đoạn đến nay.
Phạm Công Luận
(Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
Thanked by 2 Members:
|
|
#57
Gửi vào 08/02/2017 - 21:56
Sài Gòn - chuyện đời của phố: Chương trình ngâm thơ t*o Đàn
08:00 AM - 07/02/2017 Thanh Niên
Trong những đêm radio không phát cải lương cho cả nhà cùng thưởng thức, ba tôi lại nghe ngâm thơ t*o Đàn. Trước khi có chương trình, ông trải cái ghế bố dài ra, thay bộ đồ pyjama trắng, ngồi bên mép ghế bố đã trải tấm vải lót trắng, tay cầm cái radio đặt trên đùi. Ông rà đài và bắt đầu ngồi yên trong tư thế nghiêm cẩn nghe từng lời ngâm nga trong tiếng đàn, tiếng sáo, suốt gần một giờ đồng hồ.
Các nghệ sĩ: Hoàng Thư, Hồ Điệp, Tô Kiều Ngân và Đinh Hùng Ảnh: tư liệu
Đó là những buổi tối năm 1970. Lúc đó, trong nhà đã dùng đèn ống sáng sủa chứ không dùng bóng đèn vàng ệch âm u treo lơ lửng giữa nhà nữa. Nhưng tiếng ngâm thơ trong cái radio Philips vọng ra vẫn cứ buồn nẫu ruột đối với tôi. Ba tôi mê thơ Nguyễn Bính nên ông luôn nhắc bài Hành Phương Nam do Tô Kiều Ngân ngâm. Những lúc đó, ông bảo nhớ quê hương, nhất là những ngày cận Tết. Ông nhớ con sông Đồng Nai mùa nước lớn ở cù lao Phố xinh đẹp và những đình, chùa ở đó. Riêng tôi chỉ thấy cải lương nghe ban đêm đã buồn, ngâm thơ nghe càng buồn da diết.
Đến năm 13, 14 tuổi, tôi bắt đầu mê đọc sách, hay nghĩ vẩn vơ. Trong một đêm cúp điện tối thứ sáu, tôi nằm kê đầu lên thành giường thấp mà nghe lồng lộng tiếng ngâm thơ giọng Bắc của một nam nghệ sĩ đầy cảm xúc, mạnh mẽ mà rất ngọt ngào. Người ngâm là Nguyễn Thanh, với một bài thơ về Hà Nội của Tạ Tỵ, một họa sĩ có làm thơ, viết sách:
Hà Nội, chao ôi Hà Nội/Hà Nội với những con đường đọng tím/Những con đường câm nín/Những con đường chết lịm ở tim tôi.
Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời/Và nhảy múa khắp nẻo đường Hà Nội/Bao thương mến với bao nhiêu bối rối/Trôi về đây tàn phá cõi tâm linh/Trắng đêm thâu, trắng cả khối chân tình/Từng xác lá thu về vàng lối cỏ/Mùa úa héo dâng đầy đôi mắt nhỏ/Em ơi em! Có biết thuở nào khuây…
Giọng ngâm của Nguyễn Thanh quá cuốn hút, bài thơ hay đến nhức nhối, gọi về cả một trời mơ mộng của đứa con nít nhạy cảm.
Đinh Hùng, nổi danh từ khi còn ở ngoài Bắc, có các tập thơ nổi tiếng như Mê hồn ca, Truyện lòng, các vở kịch như Tiên và tục, Phan Thanh Giản... Vào Sài Gòn, ông cùng bạn bè lập ra chương trình t*o Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh Sài Gòn. Hẳn khi dựng chương trình, ông không nghĩ nó được đón nhận nồng nhiệt ở một thành phố sôi động nhất cả nước như vậy. Mỗi tối thứ hai, tư và sáu trong tuần, từ 9 giờ 15 đến 10 giờ, thính giả Sài Gòn lại chìm đắm trong thế giới của thơ ca. t*o Đàn trở thành diễn đàn chung của thơ ca kim lẫn cổ. Ông được sự hỗ trợ của nhà văn, nhà thơ Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Quang, Thái Thủy trong ban biên tập và diễn đọc.
Về giọng ca ngâm, theo báo Trẻ số 7 tập I năm 1960, phía nam thì nổi tiếng là Hoàng Thư. Ông có mặt từ buổi phát đầu tiên của t*o Đàn, giọng khỏe và ấm, có biệt tài ngâm diễn những vở kịch thơ và những bài thơ tự do như vào vai Phạm Thái trong vở kịch Quỳnh Như của Thanh Nam, hoặc Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng, tức là Nguyễn Thanh, giọng thổ pha kim hợp các bài bi hùng. Tô Lang tức Tô Kiều Ngân thổi sáo giỏi, ngâm thơ giọng Trung hay giọng Bắc đều hay. Quách Đàm nổi bật với các bài thơ thất ngôn và lục bát.
Về nữ, thường trực là Hồ Điệp, Thái Hằng và Giáng Hương. Giáng Hương kỳ cựu nhất với sở trường thơ mới (tám chữ và tự do) và kịch thơ. Khi trình bày kịch thơ, bà đọc nhiều hơn ngâm nhưng giọng đọc của bà lột tả được những nội dung buồn thảm, khiến nhiều người thích. Hồ Điệp có giọng mang phong cách cổ điển âm hưởng ca trù, thành công với các bài thất ngôn và lục bát, nhất là các đoạn thơ trong truyện Kiều, thơ thất ngôn của Bà Huyện Thanh Quan, thơ T.T.Kh, rất được thính giả gốc miền Bắc hâm mộ. Thái Hằng có giọng ngâm hiều dịu và vô cùng thiết tha, ngâm được hầu hết các loại thơ... Bên cạnh đó, giọng Đàm Mộng Hoàn được gọi là “giọng ngâm đổ hột đặc sắc”. Hoàng Oanh tham gia giai đoạn sau được xem là giọng ngâm “như sương như khói”.
Ngoài các giọng ngâm trên, có các nghệ sĩ tham gia chơi đàn phụ họa trong chương trình như Ngọc Bích, Phạm Đình Chương chơi dương cầm; Vĩnh Phan, Bửu Lộc chơi đàn thập lục đệm cho phần thơ cổ.
Chương trình t*o Đàn từ khi hình thành năm 1955 có ba người điều hành thay nhau. Nhà thơ Đinh Hùng phụ trách từ 1955 đến 1967 thì mất, chương trình chuyển cho nhà thơ Tô Kiều Ngân phụ trách trong hai năm 1967 - 1969. Sau đó, từ 1969 đến 1975 là nhạc sĩ Thục Vũ. Trong cuốn Ngâm thơ và nghe ngâm thơ Việt Nam nghệ sĩ Thạch Cầm bổ sung thêm các giọng ngâm tham gia t*o Đàn sau này như Đoàn Yên Linh, Hoàng Hương Trang, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân...
Năm 1971, nhạc sĩ Thục Vũ có sáng kiến phối hợp ngâm thơ với trình bày ca khúc tân nhạc, đặt tên là chương trình Thi nhạc giao duyên. Đó là sự khởi đầu mới mẻ và thu hút người nghe trẻ trung hơn. Các giọng ca tham gia chương trình cùng các giọng ngâm được tuyển chọn phù hợp với chương trình như Thái Thanh, Duy Trác, Châu Hà, Mai Hương và ca sĩ Thanh Lan. Thơ và nhạc bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Phạm Công Luận
(Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ và Phương Nam Book)TRẦN QUANG DINH
- 07/02/2017
* Nghệ sỹ - Minh tinh - Nữ danh ca THANH LAN ! Chị ấy là loại hiếm trong nghệ thuật nước nhà. Còn nữa: lồng tiếng cho phim, MC, dẫn chuyện, soạn lời Việt nhạc ngoại, viết kịch bản... Trước 75, Thanh Lan đã từng có thời gian đọc tin tức trên Đài Truyền hình Sài Gòn ( số 9 - Hồng Thập Tự; nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai ). Cảm phục, tự hào nhỉ !
40 thích
Thanked by 2 Members:
|
|
#58
Gửi vào 09/02/2017 - 22:16
Giật mình 1.001 kiểu quảng cáo ấn tượng của người Sài Gòn xưa
09:39 AM - 09/02/2017 Thanh Niên Online
Muốn xem người Sài Gòn quảng cáo như thế nào thì click xem video nhéThu Hương
Không hào nhoáng như các TVC quảng cáo ngày nay, người Sài Gòn xưa quảng cáo thương hiệu của họ một cách đơn giản nhưng lại vô cùng ấn tượng. Hãy cùng xem lại!
Từ những biển hiệu cửa hàng, những áp phích trên đường phố cho đến những hình vẽ trắng đen trên mặt báo, mỗi quảng cáo đều cho thấy óc sáng tạo và sự dí dỏm rất riêng của người Sài Gòn thời bấy giờ.
VIDEO: Những kiểu quảng cáo thú vị của người Sài Gòn xưa khiến bạn giật mình
Văn hóa quảng cáo là một phần không thể thiếu trong đời sống của mọi người dù ở bất kì giai đoạn lịch sử nào, bởi quảng cáo giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công việc mua bán phát triển. Nếu thời nay, người ta ưu tiên những mẫu quảng cáo ngắn gọn, tận dụng tối đa hiệu ứng màu sắc, hình ảnh thì người Sài Gòn xưa lại ưa chuộng cách quảng cáo bằng những câu ca dao, tục ngữ hoặc những câu nói rất "đời" để thu hút người dùng.
Mẫu quảng cáo của một tờ báo dành cho phụ nữ mang tính hài hước, dí dỏm nhưng cũng góp phần nói thay "tâm sự thầm kín" của người phụ nữ đang tìm mọi cách để giữ chồng Tư liệu
Quảng cáo giày đơn giản, đầy đủ thông tin và nhắm trúng tâm lý khách hàng. Đây là loại giày khá thịnh hành và được người lao động cũng như tầng lớp trung lưu lựa chọn Tư liệu
Quảng cáo của loại xe thịnh hành nhất của Sài Gòn ở giữa thế kỷ 20. Quảng cáo lấy điểm nhấn vào hình ảnh tình yêu đôi lứa cũng như những lợi ích của chiếc xe Tư liệu
Quảng cáo thương hiệu xăng dầu Shell vô cùng đáng yêu tại một cửa hàng xăng Tư liệu
Quảng cáo với câu chữ mộc mạc của một thợ may Tư liệu
Quảng cáo xà bông của thương hiệu Tân Phúc Hòa Tư liệu Sản phẩm xà bông (xà phòng) thương hiệu Việt Nam được ông Trương Văn Bền (1883 – 1956) gây dựng còn gọi là Xà bông Cô Ba. “Cô Ba” là một bức ảnh bán thân của người phụ nữ búi tóc theo kiểu miền Nam, in nổi trên mỗi cục xà bông, trụ sở và xưởng sản xuất xà bông nổi tiếng của ông Trương Văn Bền trong những thập niên giữa thế kỷ 20 nằm ngay trên đường Kim Biên (rue de Cambodge) nơi có chợ Kim Biên ngày nay.
Quảng cáo xà bông Cô Ba Tư liệu
Quảng cáo bằng tiếng Pháp của nhãn hiệu Xà bông Việt Nam hay còn gọi là Xà bông Cô Ba Tư liệu
Không chỉ có xà bông, nhãn hiệu Cô Ba còn nổi tiếng với mặt hàng dầu gió và dầu thơm, có mặt ở cả Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng Tư liệu
Đoạn quảng cáo rất có... liên quan giữa việc trồng lúa và việc chăm sóc răng miệng Tư liệu Nổi bật nhất trên thị trường quảng cáo trên báo chí lẫn quảng cáo ngoài trời phải nói đến các loại kem đánh răng, trong đó có Hynos, Perlon và Leyna… Kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh Bảy Chà da đen, miệng cười hết cỡ khoe hàm răng trắng tinh xuất hiện khắp nơi.
Kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh Bảy Chà đen nổi bật trên đường phố Sài Gòn Tư liệu
Kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh Bảy Chà đen nổi bật trên đường phố Sài Gòn Tư liệu
Những năm trước 1975, nước xá xị hiệu Con Cọp là thương hiệu quen dùng của nhiều người. Cách dùng câu từ quảng cáo của thương hiệu này cũng có vần điệu giúp người dùng dễ nhớ Tư liệu Ngoài sáng tạo về câu chữ, có thể thấy người Sài Gòn xưa còn rất chú trọng đến mặt hình ảnh và thẩm mĩ. Màu sắc, kiểu chữ và từng nét vẽ trên mỗi mẫu quảng cáo đều được phối hợp hài hòa và bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn của khách hàng.
Biển hiệu cửa hàng kem đánh răng Dạ Lan với hình vẽ tuýp kem đánh răng khổng lồ Tư liệu
Quán cà phê với sự kết hợp màu sắc hài hòa giữa biển hiệu và mành che nắng Tư liệu
Một quán ăn được gắn biển hiệu rất đẹp với những phông chữ lạ mắt Tư liệu
Nếu thấy một cửa hàng băng đĩa như thế này, bạn có muốn vào không? Tư liệu
Quảng cáo phim nước ngoài chiếu rạp Tư liệu
Sữa em bé của hãng Cal-best được quảng cáo là “Giúp cho trẻ em mạnh khỏe và chóng lớn” Tư liệu
Nếu không đọc kĩ thì ít ai phát hiện ra rằng những biển quảng cáo đầy màu sắc này là về thuốc trị bệnh Tư liệu
BGI có lịch sử từ năm 1927, ngoài Bia 33, BGI còn sản xuất các loại bia mang nhãn hiệu Bière Royale, Bière Hommel (bia nhẹ) và Tiger Beer (người ta thường gọi là “bia con cọp” vì có nhãn hiệu hình con cọp. BGI đã tự hào là “Một loại bia 5 châu lục” thông qua việc xuất cảng Bia 33 ra khắp thế giới Tư liệu
Những mẫu quảng cáo bia 33 Export của B.G.I Tư liệu Từ quảng cáo các mặt hàng tiêu dùng như sữa, rượu bia, thuốc lá, thuốc tây, thuốc cao đơn hoàn tán, xà bông… ngành quảng cáo thời ấy còn mạnh dạn tung ra một mặt hàng mà ít người dám nói đến chứ chưa nói gì đến việc quảng cáo: Đó là việc mua hòm cho thân nhân khi mãn phần của Nhà hòm Tobia.
Trên các mặt báo, những loại hòm này được quảng cáo một cách rầm rộ với những từ ngữ ấn tượng. Ngay từ thời này những cụm từ “Người Việt dùng hàng Việt” hay “Ta về ta tắm ao ta, dẫu là đục ao nhà cũng hơn”… cũng đã được sử dụng để kêu gọi khách hàng Tư liệu
Không những quảng cáo trên báo, hòm Tobia còn xuất hiện trên xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn. Dòng chữ “Hòm Tobia danh tiếng nhất” được vẽ ngay trên đầu xe. Quả là một bước ngoặt ngoạn mục trong ngành quảng cáo của Sài Gòn xưa Tư liệu
Nguyễn Hương
Thanked by 2 Members:
|
|
#59
Gửi vào 11/02/2017 - 21:40
Sài Gòn chuyện đời của phố: Phong cảnh Sài Gòn trên bình pha lê Steuben
06:39 AM - 11/02/2017 Thanh Niên
Họa sĩ Nguyễn Văn Long
Đầu năm 1954, Steuben Glass, một công ty danh tiếng của Mỹ, thành lập từ năm 1903, chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh và pha lê nghệ thuật, đã quan tâm đến việc thu thập bản vẽ của các nghệ sĩ đương đại vùng Viễn Đông và Cận Đông để thực hiện một bộ tác phẩm chạm khắc được gọi là Asian Artists in Crystal, trong đó thể hiện các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và truyền thống phương Đông, về Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Muốn thực hiện được điều này, cần phải có một người am hiểu về phương Đông để đảm nhận việc tìm kiếm và phối hợp cùng với các họa sĩ ở các nước phương Đông. Vì đã thực hiện nhiều cuộc hành trình trên khắp châu Á trong khi tìm kiếm các bản thảo và sách diễn họa cho bộ sưu tập Spencer của Thư viện Công cộng New York, ông Karl Kup, Trưởng ban Nghệ thuật và Kiến trúc thuộc Thư viện công cộng New York đã được ông Arthur A.Houghton, Jr., Chủ tịch của Steuben Glass, đề nghị đảm nhận dự án này. Là người nghiên cứu, ông hiểu biết về thiết kế tác phẩm nghệ thuật bằng thủy tinh, từ bước đầu là nghiên cứu trực quan công đoạn thổi, chế tác thủy tinh và nghệ thuật chạm khắc những tác phẩm thủy tinh quý hiếm và tinh xảo.
Với những thuận lợi đó, ông sớm nhận được sự cam kết hỗ trợ không chỉ từ các đại sứ quán, lãnh sự quán, và các viên chức phụ trách văn hóa các nước châu Á mà còn từ các tổ chức và cá nhân. Từ Mỹ, ông lên đường, quá cảnh ở Hawaii, và rồi đến Nhật Bản đầu tiên. Tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam (miền Nam) và Indonesia cũng nhanh chóng tham gia. Bên cạnh sự say đắm trong truyền thống của đất nước và niềm tin của họ, hầu hết các nghệ sĩ châu Á lúc đó chưa có nhiều kiến thức và hiểu biết về nghệ thuật của phương Tây.
Sau đó, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ và Sri Lanka, với tôn giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo là nguồn cảm hứng chủ đạo. Ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có sự gần gũi của các nghệ sĩ đối với quan niệm và biểu hiện của phương Tây. Ngược lại với Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka) và Đông Nam Á, nhiều họa sĩ Trung và Cận Đông đã cho thấy sự tuân thủ giới luật Mô-sê (Mosaic), được tìm thấy trong Kinh Koran và cấm đoán việc chạm khắc hình tượng.
Có 36 bản vẽ đã được thể hiện, được chạm khắc với những thiết kế bởi nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia ở vùng Viễn và Cận Đông.
Một tập hợp bản sao của các bản vẽ đã được trưng bày tại Trung tâm thủy tinh Corning; Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York; Marshall Field và Công ty Chicago; Gump ở San Francisco; và các cửa hàng khác... Tổng thống Hoa Kỳ, ông Dwight Eisenhower, đã dành 35 phút xem triển lãm tại The National Gallery of Art vào tháng giêng năm 1956.
Bềnh bồng trên sông nước (the floating village) của họa sĩ Nguyễn Văn Long
Làng nổi là một hình ảnh rất phổ biến ở Việt Nam, một đất nước đông dân cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc, nhất là ở miền Nam. Nhiều thế hệ trong một gia đình ở đây được sinh ra, lớn lên và chết đi trên những con thuyền tam bản có mái che, được neo đậu bên những cây cầu gỗ hay trên các bến sông.
Tác phẩm Bềnh bồng trên sông nước được triển lãm trong bộ sưu tập các thiết kế của các họa sĩ hiện đại châu Á chạm khắc trên pha lê Steuben - Hoa Kỳ tại nhiều nơi Ảnh: đăng trên cataloge của Công ty Steuben Glass
Họa sĩ Nguyễn Văn Long, nhà thiết kế bức Bềnh bồng trên sông nước (The Floating Village) được chạm khắc trên bình pha lê trong dự án trên, sanh quán tại Chợ Lớn, năm 1907. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương và đã nhận được một huy chương vàng tại Triển lãm Việt Nam ở Tokyo vào năm 1942 với bức tranh Thiếu nữ. Ông giảng dạy về môn vẽ lụa, sơn mài, trang trí tại Trường Mỹ nghệ Gia Định từ năm 1936 đến 1943. Sau đó, ông dạy tại Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (nay là Trường trung cấp Mỹ thuật Bình Dương). Từ năm 1949, ông dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia (Đại học Mỹ thuật TP.....) và là hiệu trưởng trường này từ năm 1966 - 1967. Ông từng tham dự trưng bày tác phẩm tại các cuộc triển lãm quốc tế ở Nhật, tòa thánh Vatican và Hoa Kỳ. Ông cũng đã được cử sang Cam Bốt, Thái Lan phụ trách việc thiết kế các gian hàng Việt Nam tại hội chợ triển lãm Nam Vang 1955, Bangkok năm 1956.
Ông vốn ngưỡng mộ trường phái ấn tượng của Pháp nên phong cách này đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông. Sở trường của ông là tranh lụa và sơn mài và ông am hiểu rành rẽ nghệ thuật biểu hiện bằng sơn dầu, vẽ than, màu bột, phấn màu... Bức Bềnh bồng trên sông nước thể hiện một cảnh rất đặc trưng của thành phố : cảnh sinh hoạt của những người dân sinh sống trên sông Sài Gòn ở khúc sông gần cầu Ông Lãnh bằng khí lực mạnh mẽ, và mang cảm giác chuẩn mực về tỷ lệ.
Năm 1959, bình pha lê này đã được tặng Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm từ tay đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Elbridge Durbrow, trong một buổi lễ long trọng tại dinh Độc Lập ngày 8 tháng 5, kỷ niệm ngày hai vị tổng thống gặp nhau tại Mỹ. Như vậy, bình pha lê này đã trở về Việt Nam sau 3 năm tham dự các cuộc triển lãm tại nhiều bảo tàng nổi tiếng tại Mỹ. Cho đến nay, không biết số phận chiếc bình pha lê này ra sao.
Phạm Công Luận
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
Thanked by 2 Members:
|
|
#60
Gửi vào 11/02/2017 - 21:52
Sài Gòn chuyện đời của phố: Ảnh cũ, người xưa
07:16 AM - 10/02/2017 Thanh Niên
Ảnh chụp thiếu nữ và trẻ em trong studio ở Sài Gòn ngày xưaẢnh: Tư liệu gia đình bà N.T.G - Sưu tầm của Hoàng Việt
Không biết tự bao giờ, nửa thế kỷ trước hoặc có khi xa hơn nữa, những ngày đầu năm, nhiều gia đình ở Sài Gòn thường diện những bộ trang phục đẹp nhất rồi đến tiệm cùng chụp với nhau vài kiểu ảnh.
Ở các tiệm hình, chủ tiệm đã có sẵn các tấm phông rất đẹp vẽ đủ thứ cảnh bằng màu bột trên vải bố. Nhà nào muốn có cảnh sống trong lâu đài sang trọng thì hai vợ chồng ngồi trên bộ ghế salon, các con đứng, phía sau là phông vẽ cảnh cầu thang, nền gạch bông, lan can lầu, cửa sổ có màn tha thướt ngó ra cảnh vườn bông um tùm. Ai yêu thiên nhiên thì đứng trước phông có cây cối, con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Ai thích du ngoạn phong lưu thì sẵn phông cảnh tháp Eiffel xa xa...
Các chủ tiệm ảnh còn chuẩn bị sẵn các thứ khác như ghế mây cho em bé ngồi, xe nhỏ để em bé cưỡi, súng đồ chơi hay nón cao bồi để giả làm tay thợ săn. Ảnh chụp phim lớn 6x6, rất nét. Vài ngày sau ra lấy ảnh, cả nhà sung sướng, tấm nhỏ bỏ album, tấm lớn lộng khung kiếng treo trên tường. Khách đến chơi xuýt xoa thấy ai cũng đẹp nhờ kỹ thuật bố trí ánh sáng chuyên nghiệp của thợ chụp hình, đã vậy còn dùng cọ chấm sửa mụn hay nếp nhăn trên mặt cho da thật láng.
Chụp ảnh cho khách trong ngày đầu năm, đối với anh Đức Vượng, chủ hiệu ảnh Mỹ Lai ở ngã tư Phú Nhuận là chuyện quá quen thuộc, dù đến nay hầu như đã mai một. Từ hồi còn nhỏ đầu thập niên 1960, anh đã phụ bố chụp và làm ảnh cho khách. Muốn chụp ảnh trong studio cho đẹp, từ những năm 1950, bố anh đã sắm sửa đủ các trang thiết bị. Ngoài máy ảnh có chân, dàn đèn, quan trọng nhất là những tấm phông bằng vải bố. Phải mua loại vải bố mịn, chắc và thuê họa sĩ vẽ cảnh vật theo ý mình muốn bằng màu đen trắng, xám. Tấm vải phải đủ lớn, phủ hết tường và dài đến mức có thể phủ luôn mặt đất, người được chụp có thể đứng lên trên vì không muốn thấy chân tấm phông, chỗ tiếp giáp với mặt đất. Nếu gặp phải tấm phông ngắn, chỉ vừa sát đất thì cần có sẵn vài dụng cụ như chậu hoa giả, chân cột để đặt vào che bớt tạo vẻ tự nhiên. Cảnh vẽ không được quá sắc nét, khi chụp trông mới tự nhiên, tạo cảm giác cảnh ở phía xa, ảnh có chiều sâu hơn. Nhà anh dùng hai tấm phông, đều là cảnh ngoại thất, một tấm ngoài sân căn biệt thự cổ và một tấm ngoài sân ngôi nhà ở hiện đại. Ngoài ra, còn có một tấm phông trơn màu xám nhạt, điểm xuyết chút mây trời nhè nhẹ xa xa. Khách có học, tinh tế thích phông này hơn.
Giống như các tiệm ảnh, tiệm Mỹ Lai phải trang bị thêm bàn ghế cổ điển hay tân thời phù hợp với phông. Có một thứ thường dùng là cái ghế mây cho các em bé khi chụp chung với gia đình hoặc chụp một mình. Nhà anh còn giữ lại cái ghế mây thời đó, thành ghế tròn xoe như mặt trăng. Bố anh thường bảo phải là ghế mây của người Hoa trong Chợ Lớn, mua ở vòng xoay Phú Lâm, mới chắc chắn và dẻo dai. Với kết cấu tròn như vậy, em bé ngồi trên ghế vững và đẹp. Nếu cần có thể phủ vải hoa lên thành ghế cho lạ mắt.
Anh Vượng nhớ những buổi sáng đầu năm, cửa tiệm vừa mở là đã thấy xa xa một chiếc xích lô chở nghễu nghện cả một gia đình, ông bố bận nguyên bộ complet, mẹ bận áo dài, hai đứa nhỏ diện áo sơ mi và một em bé trong lòng mẹ. Xe đổ xuống, cả nhà kéo vào ầm ĩ cả tiệm. Có khi vừa taxi, vừa xích lô đưa người đến, từng gia đình phải ngồi đợi đến phiên mình. Chụp xong, sẵn đang diện, họ lại ngoắc xe đi chúc xuân.
Các tiệm chụp hình thường bận rộn vào chiều thứ bảy, chủ nhật. Cuối tuần, nhiều người đến chụp ảnh. Một số gia đình đưa em bé dưới 1 tuổi đến, yêu cầu chụp em bé ở truồng nằm sấp, khoe cơ thể tròn trĩnh xổ sữa. Ảnh đó sẽ được phóng to treo trang trọng trên tường nhà qua nhiều năm, cả khi em bé đó lớn lên đi lấy chồng lấy vợ. Thỉnh thoảng, có gia đình đến chụp chung tấm ảnh với cậu ấm trong nhà sắp lên đường du học. Thanh niên, thiếu nữ đến chụp chân dung, chụp nửa người, nghiêng các kiểu, có khi gương mặt nửa sáng nửa trong bóng tối. Ảnh này dùng gửi người yêu hay bạn ở xa, đang trong quân ngũ hay đưa lên báo tham gia làm quen qua thư, kết bạn bốn phương...
Các tiệm chụp hình ở khu lao động thường đáp ứng nhu cầu thích chụp quần áo có hóa trang, như khăn voan kiểu Ấn, khăn choàng lông giả công chúa... của khách quanh đó. Ở khu vực đường Lê Lợi, đa số khách chỉ thích chụp ảnh giản dị chân phương, không hóa trang. Các tiệm ảnh khu người Hoa cũng chuộng hóa trang khi chụp ảnh. Kiểu chụp ảnh có phông màn đến thập niên 1990 thì nhạt dần. Đến nay, chỉ có các tiệm chụp ảnh cưới còn dùng phông, nhưng không vẽ cảnh, phông trơn và cũng điểm xuyết ít vân mây. Sau đó, chủ tiệm còn xử lý nhiều bước trên ảnh.
Phạm Công Luận
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP..... và Phương Nam Book)
Thanked by 1 Member:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối |
---|
24 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 24 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |