Thủ tướng: Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; thành trì bảo vệ chủ quyền
13/03/2022 Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn
Đặc biệt quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế...
Sáng 13-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Tại buổi làm việc, tỉnh Khánh Hòa đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một số đề xuất nhằm phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và phát triển bền vững; triển khai có hiệu quả nghị quyết 09 của Bộ Chính trị như: đề nghị bổ sung một số quy hoạch của tỉnh vào quy hoạch chung toàn quốc; phân cấp, phân quyền, cho phép triển khai một số dự án đầu tư lớn trên địa bàn; triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh; có tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, toàn diện, nhanh và bền vững; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; trở thành trung tâm của cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Tỉnh vừa có biển, đồng bằng, miền núi, có 3 vịnh, là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển, có hệ thống giao thông gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không. Đặc biệt, tỉnh có bờ biển dài, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử. Người dân thông minh, sáng tạo, hiền hòa, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao với hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn...
Trong năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt 13/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, chưa đồng bộ; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao.
Kết quả việc khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
"Khánh Hòa phải xem xét, nghiên cứu nguyên nhân của những hạn chế trên. Phải chăng do tỉnh thiếu chủ động, tích cực; tiềm năng lớn mà cơ chế chính sách còn hạn hẹp", Thủ tướng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, năm 2022 và những năm tới đây vẫn còn những khó khăn do phải khôi phục kinh tế nhanh, phát triển bền vững. Bên cạnh giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế còn phải xử lý các tác động của tình hình quốc tế và có thể phát sinh những khó khăn mới.
Do đó đề nghị Khánh Hòa tăng tính tự lực, tự cường; bám sát thực tiễn; dự báo tốt tình hình; linh hoạt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực, sáng tạo, thích ứng với tình hình.
Phát huy cho được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển, nhất là tranh thủ nguồn lực về vốn, trí tuệ, khoa học quản trị để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức triển khai, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trực tiếp là nghị quyết 09 của Bộ Chính trị phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử văn hóa, đoàn kết, phẩm chất tốt đẹp của người dân Khánh Hòa. Tỉnh tiếp tục tập trung cho bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ. xứng tầm với nhiệm vụ thời kỳ mới.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; khắc phục những hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm như trong quản lý đất đai, quản lý cán bộ, khắc phục sai sót sau thanh tra, kiểm tra.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Khánh Hòa phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; đa dạng hóa huy động nguồn lực cho phát triển, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ của cả khu vực... Trong đó nghiên cứu áp dụng mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công".
Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển. Trong đó khẩn trương quy hoạch và thực hiện các quy hoạch khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị sân bay Cam Lâm...
Đặc biệt quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo; củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.
Tỉnh rà soát lại đầu tư công, trên tinh thần cắt giảm những dự án chậm, kém hiệu quả, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, tránh manh mún, dàn trải, chia cắt, nâng cao chất lượng đầu tư công. Cơ cấu lại các khoản chi, trong đó giảm đầu tư thường xuyên, tăng tỉ lệ cho đầu tư phát triển; cơ cấu lại thị trường du lịch, thích ứng với tình hình.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành bàn bạc giải quyết theo thẩm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền giải quyết.
TTXVN