Gửi vào 07/06/2016 - 23:33
Trích bài của Đăng Phong :
Hai Mươi Mốt Năm Viện Trợ Mỹ Ở Việt Nam > [Mục 1] Chương I: Những ý đồ của Mỹ ở Việt Nam
Theo các con số thống kê chính thức của Mỹ, thì trong 21 năm (từ năm 1954 đến 1975), Mỹ đã viện trợ cho Nam Việt Nam hơn 26 tỷ đôla. Nhưng ngoài số tiền viện trợ cho ngụy quân và ngụy quyền, Mỹ đã trực tiếp đưa cả quân đội, các bộ máy quân sự, dân sự vào miền Nam. Nếu tính tất cả các loại chi phí, trong hơn 20 năm đó, Mỹ đã bỏ vào Việt Nam khoảng hơn 160 tỷ đôla.
Hầu như chưa có nơi nào trên thế giới mà Mỹ phải bỏ ra nhiều tiền của và nhiều người như thế.
Mỹ nhằm mục đích gì ở đây?
Đó là một trong những vấn đề then chốt để hiểu được bản chất của viện trợ Mỹ, ý nghĩa, tác dụng và hậu quả của nó.
1. Những lợi ích kinh tế trực tiếp
Trong suốt quá trình dính líu ở Việt Nam và ngay cả trước quá trình đó, tư bản Mỹ đã quan tâm đến những nguồn lợi ở Việt Nam: các tài nguyên, nhất là khoáng sản, các sản phẩm chiến lược, nhất là lúa gạo và cao su, những nguồn cung cấp nhân công, thị trường đầu tư và thị trường tiêu thụ hàng hóa v.v...
Từ lâu, tài nguyên của Đông Dương đã được báo chí và các chính khách Mỹ nhắc tới.
Năm 1950, tờ New York Times viết: "Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta đánh một ván bài lớn. Nó có thể xuất khẩu thiếc, tungstène, manganèse, than đá, gỗ, gạo, cao su, dừa, hạt tiêu và da thuộc. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ hai II, lợi tức thu được ở Đông Dương đã tới khoảng 300 triệu đôla hàng năm" (New York Times, Xã luận, ngày 12-2-1950).
Tổng thống Eisenhower trong diễn văn đọc ngày 4-8-1953 tại Seatle nói: "Nếu chúng ta mất Đông Dương thì khối lượng thiếc và tungstène mà chúng ta đánh giá rất cao sẽ không còn thuộc về tay chúng ta nữa. Chúng ta đang tìm cách nào rẻ tiền nhất để ngăn chặn điều bất hạnh có thể xảy đến, đó là việc mất khả năng lấy được những thứ gì chúng ta muốn lấy từ số tài nguyên giàu có của Đông Dương và Đông Nam Á" ("Nghiên cứu lịch sử" Hà Nội, số 124).
Ở đây, có một điểm đáng lưu ý:
-Trong số các tài nguyên và sản phẩm của Đông Dương có những thứ đối với nền công nghiệp hoặc thị trường nội địa của Mỹ, không phải là cần thiết trực tiếp, hoặc không cần tới mức gay gắt như vậy. Nhưng đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ, thì đó là những thứ cần phải nắm lấy để chi phối thị trường thế giới (trường hợp gạo, cao su, than đá và gần đây là dầu lửa).
Tờ New York Times số ra ngày 21-10-1962 nói về điều này: "Sự buôn bán và các sản phẩm của Đông Nam Á không phải là cần thiết đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng lại là rất quan trọng đối với chúng ta và các đồng mình của chúng ta".
Cũng vì thế ngay từ trước khi xâm lược Việt Nam, Mỹ đã thông qua con đường thương nghiệp để nắm lấy nhiều sản phẩm quan trọng của Đông Dương. Lúc đó, Mỹ chưa mua nhiều thóc gạo, vì thóc gạo chưa quan trọng chiến lược như sau này. Nhưng cao su thì ngay từ trước đại chiến thế giớ thứ II Mỹ đã mua khá nhiều. Từ năm 1930 đến 1939, Mỹ đã mua 39% tổng số cao su xuất khẩu của Đông Dương. Thời kỳ từ 1946 đến 1950 cao su chiếm 98% giá trị hàng hàng hóa của Đông Dương bán cho Mỹ (Henry Lauque, Activités économiqués americanes. Cahiers Internationaux, No-5-1942).
Có thể thấy rõ những tham vọng đó qua các "dự án phát triển" của các cơ quan nghiên cứu Mỹ về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt (trong các dự án đó, sự chấm dứt chiến tranh phải được giả định là Mỹ thắng). Trong tất cả các dự án đó, điểm được chú ý nhất là: khả năng xuất khẩu, mà đứng đầu là lúa gạo, cao su, gỗ, hải sản và dầu hỏa.
-Theo con số của nhóm nghiên cứu do Lilienthal phụ trách (công bố vào tháng 12 năm 1970) thì tổng mức xuất khẩu của Nam Việt Nam đến năm 1980 vào khoảng 425 triệu đôla hàng năm (Trích trong báo cáo của D.M.Donald, Giám đốc Phái bộ viện trợ Mỹ ở Sài Gòn (USAID) về tình hình Nam Việt Nam trước Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ ngày 17-3-1970. Tin tức của USIS, Washington, ngày 17-3-1970).
Các tác giả của dự án trên cũng còn tính đến khoảng 1985, mỗi năm miền Nam Việt Nam sẽ xuất cảng tới 1 tỷ đô la dầu hỏa.
Đầu tư là sự khai thác ở trình độ cao. Trong các dự án phát triển kinh tế của Nam Việt Nam, các cơ quan điều tra và nghiên cứu của Mỹ dự kiến khả năng thu hồi vốn đầu tư rất nhanh chóng. Có thể nêu một thí dụ: Kế hoạch sông Mê Công. Riêng về thủy điện, kế hoạch dự tính xây dựng cơ bản 1.300 triệu đôla. Nếu được hoàn thành, mỗi năm sẽ lãi 300 triệu đôla. Rồi nhờ có điện, chỉ riêng đẩy mạnh khai khoáng hàng năm cũng thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đôla nữa. Vì vậy, Mỹ đã "tự nguyện" đóng góp 1 tỷ đôla cho kế hoạch này.
Để nắm độc quyền đầu tư, ngay từ năm 1961 Mỹ đã yêu cầu Ngô Đình Diệm ký bản cam kết ưu đãi đầu tư của Mỹ, gọi là "Hiệp ước thân hữu và liên lạc kinh tế Việt-Mỹ". Trong Hiệp ước này, Diệm bảo đảm cho tư bản đầu tư của Mỹ được thuận lợi trong mọi ngành kinh tế, về mọi mặt-trong việc mua đất đai, nguyên liệu, sử dụng các phương tiện công ích, thuê nhân công, chuyển lãi hàng năm về nước, có hiệp đồng tiêu thụ các sản phẩm sản xuất ra, hứa sẽ không quốc hữu hóa trong một thời gian dài (tùy từng nghành, có ngành thì thời gian đó được đảm bảo tới 99 năm)...
Như vậy, tuy Mỹ chưa thực hiện, hoặc mới thực hiện đầu tư nhỏ giọt, song đó chính là một trong những mục tiêu mà Mỹ đã nhằm và đã chuẩn bị.
Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tham vọng này không chỉ nhằm vào viễn cảnh. Nó đã được thực hiện từ lâu. Ngay từ trước chiến tranh thế giới thứ II, tỷ lệ hàng hóa Mỹ trong tổng ngạch nhập khẩu của Đông Dương đã đạt tới mức cao: Trong thời kỳ 1930-1939: bông 27%, sản phẩm dầu lửa 19,1%, máy móc 17,5%, ô tô và phụ tùng 13,4%. Trong thời kỳ 1946-1950; bông, 9,3%, sản phẩm dầu lửa 7,7%, kim khí 4,9%, máy móc 19,3%, ô tô và phụ tùng 10%, sợi và hàng dệt 13,6%, thuốc lá 7,1%.
Trong thời kỳ tiến hành chiến tranh, việc tiêu thụ hàng hóa không những không gặp khó khăn, mà lại có thêm điều kiện để mở rộng. Số viện trợ hàng chục tỷ đôla và toàn bộ số phí tổn hàng trăm tỷ đôla, suy cho cùng, cũng là sự tiêu thụ một khối lượng hàng hóa khổng lồ.
Chiến tranh xâm lược đã dẫn đến một hiện tượng lạ lùng: hình như cái đất nước nhỏ bé và nghèo nàn này bỗng nhiên "tiêu xài" tới vài chục tỷ đôla mỗi năm; Nếu tính theo đầu người thì mỗi người dân Việt Nam mỗi năm tiêu xài gần hai ngàn đôla của Mỹ!
Nhưng theo chính sự tính toán của các cơ quan nghiên cứu Mỹ, thì thu nhập thực tế của mỗi người dân Việt Nam chỉ vào khoảng trên dưới trăm đôla.
Vậy, nói đúng ra, trong số hàng trăm tỷ đôla hàng hóa mà Mỹ đổ vào đất nước này, chỉ có một phần rất nhỏ là những thứ hữu ích cho con người. Còn phần lớn là những hàng hóa để giết người và tàn phá (Năm 1968, số viện trợ kinh tế cho Nam Việt Nam là 536 triệu đôla, số đơn đặt hàng của các công ty sản xuất vũ khí cho chiến tranh Việt Nam là 8,4 tỷ đôla. Năm 1969, số viện trợ kinh tế là 413 triệu đôla, số đơn đặt hàng vũ khí cho chiến tranh Việt Nam là 7,4 tỷ đôla. Tin của AP.Washington ngày 19-4-1969).
Như vậy, phần lớn những khoản gọi là chi phí cho Việt Nam, thực ra, lai là chi phí cho nước Mỹ. Phần lớn cái gọi là viện trợ cho Việt Nam, thực ra, lại vào túi tư bản Mỹ. Điều này báo chí Mỹ cũng đã nói rõ. Tờ U.S.News and World report ngày 6-8-1962 viết: "Trong 6,1 tỷ đô la ngoại trợ trong tài khoản 1960-1961, có 4,8 (80%) tỷ được chi ngay ở Mỹ. Sơ dĩ như vậy vì 90% ngân khoản viện trợ quân sự đã ở lại nước Mỹ. Nếu không có viện trợ, xuất cảng của Mỹ sẽ tụt 12%, nông phẩm thừa sẽ tăng lên đáng sợ. Vậy ngoại viện thực ra lại là sự trợ cấp cho nền kinh tế Mỹ".
Ta biết, phần lớn viện trợ và các chi phí của Mỹ là lấy từ ngân sách. Ngân sách là tiền đóng góp của nhân dân Mỹ, thông qua thuế. Nhưng Mỹ hầu như không đem thẳng tiền mặt cấp cho một nước nào cả. Viện trợ hay chi phí đều bằng hàng hóa, chủ yếu là hàng hóa Mỹ, mua của các công ty Mỹ. Như vậy, viện trợ và chi phí chiến tranh chỉ là cơ hội để lấy tiền trong túi nhân dân Mỹ bỏ vào túi các nhà tư bản Mỹ, mà ngân sách là guồng máy thực hiện sự phân phối lại đó. Nguyên Chủ tịch Ngân hàng thế giới Eugener R.Black phân tích như sau:
"Chương trình ngoại viện của ta rất có lợi cho các xí nghiệp tư nhân Mỹ. Có ba nguồn lợi chính:
a.Ngoại viện tạo ra thị trường vững vàng và trực tiếp cho những hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
b.Ngoại viện khuyến khích sự phát triển thị trường mới ở hải ngoại của các công ty Mỹ.
c.Ngoại viện hướng nền kinh tế các nước nhận viện trợ vào một hệ thống tự do kinh doanh mà nhờ đó các công ty Mỹ có thể làm giàu" (Columbia Journal of World Business: Autumne, 1965).
Khi nói về những quyền lợi kinh tế trực tiếp mà Mỹ muốn tìm kiếm ở Việt Nam, có một điểm đáng lưu ý: trong hơn 20 năm dính líu vào Việt Nam, số của cải mà Mỹ đã bỏ vào lớn hơn nhiều so với số đã lấy được. Đó là điều nằm ngoài ý muốn của Mỹ.
Một là, cho đến tận 30-4 năm 1975, Mỹ vẫn chưa kết thúc được giai đoạn xâm nhập và bình định, là giai đoạn mà số phí tổn để chuẩn bị khai thác thường phải lớn hơn số của cải đã khai thác được.
Hai là, con số quyết toán cuối cùng những phí tổn của Mỹ ở Việt Nam là con số vượt quá xa dự kiến ban đầu. Năm 1972, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, rằng "cuộc chiến tranh Việt Nam có xứng đáng với cái giá phải trả về sinh mạng và của cải của Mỹ không?", Tướng Tylor trả lời: "Chắc chắn là cuộc chiến tranh này đã tốn kém hơn rất nhiều, nếu ta tính đến những tổn thất cụ thể đếm được so với những gì cụ thể mà ta thu lợi được" (The Americanin New and World 12-6-1972). Hầu hết các chính khách, các nhà quân sự, các nhà kinh tế và giới kinh doanh Mỹ, khi tham gia hoặc tán thành việc can thiệp vào Việt Nam đều không ngờ rằng những ý đồ của họ được thực hiện chậm trễ và tốn kém đến thế. Nếu như lúc nào, có ai trong họ giác ngộ được điều đó và muốn rút lui, thì người kế tiếp cũng kế tiếp cả sự tính toán chủ quan mà người đi trước đã muốn chấm dứt. Một trong những khía cạnh chua chát nhất trong sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam là: Mỹ đã tính sai liên tiếp, mà những người tỉnh ngộ muốn đi tới con đường đúng đắn thì lại liên tiếp bị đào thảo.
2. Vì lợi ích chiến lược của Mỹ trên trường quốc tế
Quả là Mỹ muốn khai thác những món lợi ở Việt Nam. Nhưng đó không phải là động cơ lớn nhất chi phối những hd của Mỹ ở đây. Lúa gạo, cao su, các khoáng sản... có thể là những sự hấp dẫn ban đầu. Càng vào sâu bao nhiêu lại càng thấy việc khai thác khó khăn bấy nhiêu.
Nhưng Mỹ không rút lui, cũng không dừng lại. Cái logic cay nghiệt đối với Mỹ là: vì tham vọng của Mỹ bị ngăn chặn, cho nên sức mạnh và uy tín của Mỹ bị đặt trước một sự thách thức.
Như vậy, khi việc khai thác của cải càng gặp khó khăn, thì lại nẩy sinh một động cơ khác, một sự hấp dẫn khác-phải giữ lấy "uy tín" của Mỹ, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn thông qua Việt Nam để giữ lấy "uy tín" của Mỹ trên thế giới. Động cơ này bản thân nó đã rất lớn. Trong quá trình xâm lược, trong quá trình thất bại liên tiếp, động cơ đó càng ngày lớn hơn lên và càng có sức lôi kéo mạnh mẽ đối với ý chí của Mỹ. Sức lôi kéo đó dần dần trở nên mạnh hơn sức lôi kéo của những vựa lúa, những rừng cao su, những bể dầu ở Nam bộ...
Nếu chỉ vì những món lợi trực tiếp, thì những khó khăn và thất bại có thể làm chi giới chính khách Mỹ phải tính toán lai và dừng bước.
Nhưng nếu là để cứu vãn uy tín của một cường quốc bá chủ thế giới, thì càng thất bại, cái động cơ đó càng mạnh hơn, càng lôi kéo Mỹ sa lây lâu hơn. Chỉ đến khi nào dùng hết sức mạnh có thể dùng đến, thi hành tất cả những thủ đoạn có thể thi hành, và không còn cách nào cứu vãnnổi thất bại nữa, thì Mỹ mới đành rút lui.
Các chính khách Mỹ đã tự nói lên điều day dứt của họ trong nhiều thập kỷ:
"Thực tế, việc mất Đông Dương tạo ra nguy cơ gây nên một phản ứng dây chuyền có thể đưa tới sự sụp đổ của toàn thể khu vực" (phát biểu của Eisenhower tháng 2 năm 1950) (Trích theo P.Deilers J.Laconture. La fin d;une guèrre. Ed du Seuil.P.1960.103)
"Nước Mỹ bỏ ra 400 triệu đôla cho cuộc chiến tranh này không phải để vứt đi. Chúng ta đã chọn biện pháp rẻ nhất để ngăn chặn sự biến đổi có thể mang lại những hậu quả khủng khiếp cho nước Mỹ, cho sự an toàn của chúng ta..." (phát biểu của Eisenhower tháng 9 năm 1950) (Humannité 15-2-1950).
"Nếu chúng ta mất Đông Dương thì chúng ta sẽ mất cả châu Á và chỉ còn là vấn đề thời gian để đi tới mất phần còn lại của thế giới" (phát biểu tại Quốc hội Mỹ đầu 1954 của Symilton thượng nghị sĩ bang Cleveland) (The Pentagon' Papers (Tài liệu mật của Lầu Năm Góc).Ek.Bantm, New York, 1971).
"Nếu người Pháp không thắng được trong cuộc chiến tranh này thì vị trí chiến lược toàn cầu của chúng tôi cũng như của các ngài có thể sẽ trở thành thảm họa" (Thư của Eisenhower gửi thủ tướng Anh Churchill ngày 4-4-1954, yêu cầu Anh nhúng tay vào Đông Dương).
"Mỹ phải giữ lấy miền Nam Việt Nam, y như đã giữ ở Nam Triều Tiên và Đài Loan. Ba vùng đó có một tầm quan trọng quyết định đến vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á" (Phát biểu của J.Dulles trước Ủy ban đối ngoại thượng nghị viện Mỹ ngày 30-4-1956).
"Việt Nam đang giới thiệu một sự thí nghiệm về trách nhiệm và quyết tâm của người Mỹ ở châu Á. Nếu như lúc này chúng ta chưa hẳn là cha đẻ của nước Việt Nam nhỏ bé này, thì sau này chắc chắn là chúng ta sẽ là bậc cha mẹ đỡ đầu của nước Việt Nam đó. Chúng ta đã chi phối sự khai sinh ra nó. Chúng ta đã trợ giúp cho cuộc sống của nó... Trong khi ảnh hưởng của Pháp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự suy sụp ở Việt Nam, thì ảnh hưởng của Mỹ phát triển một cách vững vàng. Đó là sản phẩm của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ rơi nó.Nước Mỹ nhất định sẽ gánh lấy trách nhiệm. Uy danh của chúng ta nhất định sẽ nâng lên một bước mới" (Lời phát biểu tại Quốc hội Mỹ năm 1956 của John Kennedy, khi đó mới là thượng nghị sĩ, sau này là Tổng thống Mỹ) (Frank N.Trager. Why Vietnam, New York Praeger 1960,p.112).
"Không thể cắt giảm thật nhiều viện trợ được, trừ khi Mỹ muốn rút khỏi Đông Nam Á và để cho vùng này rơi vào tay cộng sản. Một hành động như vậy dứt khoát không phù hợp với quyền lợi của Mỹ... Chúng tôi cũng muốn giảm bớt gánh nặng lắm chứ. Nhưng trước mắt, không thấy có hy vọng nào như vậy cả" (trả lời của J.Kennedy, Tổng thống Mỹ đối với đề nghị của phái bộ Mansfield về việc cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam sau khi phái bộ này đi khảo sát ở Nam Việt Nam về, hồi đầu 1963) (Tin tham khảo, ngày 7-3-1963).
"Phải thi hành tất cả mọi biện pháp nhằm ngăn chặn không cho cộng sản thắng lợi" (Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc.Namara. Tháng 3-1962) (Tin do hãng UPI đưa ngày 11-3-1963).
"Mất Việt Nam sẽ làm cho các nước còn lại ở Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tiêu vong... Có nhiều lý do rộng lớn chỉ rõ tại sao việc bảo vệ Nam Việt Nam là điều sống còn đối với chúng ta và đối với cả thế giới tự do" (Phát biểu của Dean Ruck, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, tại câu lạc bộ kinh tế New York ngày 21 tháng 4 năm 1963) (AP, ngày 22-4-1963).
"Tôi không muốn chứng kiến cái phòng tuyến đó bị bẻ gãy, để cho tất cả Đông Nam Á bị phơi lưng ra" (trả lời của Thượng nghị sĩ Mỹ Dirksen trong cuộc tranh luận với Fulbrigt tại Quốc hội Mỹ 1967) (International Herald Tribune số 7 và 8-10-1967).
"Nếu Hạ nghị viện biểu quyết ngừng viện trợ cho Nam Việt Nam trong một năm thì gây ra một thảm họa đối với nền an ninh của bản thân nước Mỹ và sẽ đẻ ra nhiều vấn đề mới đối với toàn thế giới" (Điều trần của T.E.Morgan, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, tháng 7-1968) (Theo tin của hãng Reuter Washington, ngày 16-7-1968).
"Nam Việt Nam là một khâu then chốt trong cuộc chiến đấu giữa chủ nghĩa cộng sản và thế giới tự do. Kết quả của cuộc chiến đấu ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến tình hình sau này ở châu Mỹ La tinh, châu Phi và cả châu Âu nữa" (Nixon) (The Pentagon' Papers đã dẫn).
"Trong ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ 20, không phải châu Âu và châu Mỹ La tinh, mà chính là châu Á sẽ gây nên một nguy cơ lớn nhất của một sự đụng độ có thể leo thang dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba" (Nixon) (Chấu Á sau Việt Nam).
Những đoạn trích dẫn trên giúp ta vừa hiểu rõ ý đồ của Mỹ ở Việt Nam, vừa giải thích sự dính líu chặt chẽ, lâu dài và tốn kém chưa từng thấy của Mỹ trong hơn 20 năm ở Việt Nam.
( hết trích )