1
Người nhạc sỹ độc tấu, nguyên bản tiếng Anh - The Soloist
Viết bởi Lou, 28/06/15 10:50
Steve Trần The Soloist
No replies to this topic
#1
Gửi vào 28/06/2015 - 10:50
Bìa cuốn sách The Soloist của Steve Lopez trên website bán sách Amazon.
The Solist là một cuốn sách hay, đáng đọc, nói về tình bạn của một nhà báo viết cho tờ Los Angeles Times với một người vô gia cư bị thần kinh. Đầu tiên Steve Lopez, phóng viên chuyên trách của LA Times dưới sức ép của tờ báo đang sa thải nhân viên do ít người đọc báo giấy vì họ chuyển qua đọc trên Internet. Steve cố gắng tìm một đề tài để viết. Một hôm trên đường đến sở làm, anh gặp một người vô gia cư bẩn thỉu đang chơi những bản nhạc giao hưởng rất hay với một cây đàn violon cũ nát, đã đứt mất 2 dây và một dây sắp đứt. Anh dừng lại hỏi chuyện, thử xem có "moi" được một câu chuyện thú vị nào đó cho số báo sắp tới không? Nhưng anh không moi được gì vì người nhạc sỹ vô gia cư nói toàn chuyện trên trời dưới đất mà người thường như anh không hiểu được tựa như "Beethoven là lãnh đạo của thành phố Los Angeles". Sau khi dành thời gian lắng nghe âm nhạc của người điên. Anh ngạc nhiên với sự thông minh của người điên lúc tỉnh. Anh ta nói anh ta đã từng học ở trường âm nhạc cực kỳ nổi tiếng Julliard, nơi có những nhạc sỹ tài danh xuất chúng. Nhưng khoan, anh chàng này vô gia cư, người da đen, bẩn thỉu, tuổi đã tầm 50 làm sao mà có thể học được ở nhạc viện danh giá đó. Khi mà anh ta còn trẻ, thời kỳ còn phân biệt chủng tộc của những năm 60 thì càng không thể vì trường này toàn da trắng, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Thanh niên da đen chỉ đi làm lính trận đánh nhau ở Việt Nam mà thôi. Đã thế anh ta còn nói, anh ta chơi cùng một dàn nhạc giao hưởng với Yo Yo Ma và anh ta chơi cello chứ không phải violon,vừa nói anh ta vừa cầm cây vĩ cầm lên và chơi 6 bản độc tấu dành cho đàn cello của nhạc sỹ thiên tài Bach (Bach: The 6 Unaccompanied Cello Suites). Đúng là nói chuyện với người điên và nghe nhạc của người điên. Bản độc tấu viết cho đàn cello mà anh ta lại chơi bằng violon. Đúng là khùng nhưng mà nghe lại hay. Anh ta lại còn nói anh ta vốn là học cello, nhưng cây đàn đó to quá, không thuận tiện cho việc di chuyển, cây đàn violon nhỏ gọn, tiện lợi cho nghề ăn mày hơn, gọn nhẹ, dễ dấu và đỡ bị mất cắp, cho nên anh ta tự học chơi violon. Nói đến đây anh ta lại quay lại lảm nhảm tên các địa danh thành phố, tên các nhạc sỹ, và rồi lại chìm đi trong cái âm nhạc phiêu linh của anh ta giữa tiếng còi xe inh ỏi, giữa dòng đời hỗn độn của trung tâm thành phố LA. Steve trở về tòa soạn, gọi điện điều tra về thân thế của người điên, lại là một chuyện khùng khác, hay ở cạnh anh khùng bị lây.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, Steve nhận được phản hồi rằng, trường Julliard đã từng có sinh viên tên đúng như vậy theo học nhưng anh ta chưa bao giờ tốt nghiệp. Các giáo sư âm nhạc đều nói anh ta là một thiên tài. Vậy chuyện gì đã xảy ra ? Để lục lại câu chuyện của một người điên, vô gia cư, lúc mê lúc tỉnh, không có giấy tờ, không hồ sơ, lang thang không nhà không cửa suốt 30 năm trời quả không phải dễ. Steve đã làm được điều đó. Anh ta tên là Nathaniel Anthony Ayers, sinh ra và lớn lên ở Cleverland, Ohio, hoàn toàn là một người khỏe mạnh, có năng khiếu âm nhạc, theo học trường âm nhạc ở Cleverland, được các giáo sư âm nhạc ở đây khuyến khích theo học trường danh tiếng Julliard. Cậu bé da đen dành được học bổng ở đây và theo học cùng với những nhạc sỹ nổi tiếng, bạn bè sau này đều thành danh chỉ duy nhất Nathaniel là không bao giờ đạt được giấc mơ của mình. Một giấc mơ đẹp đã bị đánh cắp, một tương lại tươi sáng đổi đời cho cậu bé da đen sống ở khu phố nghèo đã không bao giờ thành hiện thực. Dưới áp lực của học hành, sự mặc cảm màu da, thân thế, áp lực cố gắng thành tài, trở nên nổi bật giữa những tài năng xuất chúng khác, cậu bé da đen đơn độc lần đầu tiên sống xa gia đình đã không chịu nổi, bộ óc nhạy cảm của cậu bị quá tải và vào năm thứ 3, bộ não của cậu đã hoàn toàn ngã gục. Cậu ra khỏi trường và bắt đầu sống cuộc đời lang thang từ đây nhưng cũng chính nhờ âm nhạc đã cứu vớt cuộc đời của cậu. Không nhà, không cửa, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc, lấy vỉa hè làm sân khấu, tối ngủ hầm đường cao tốc, đói vào nhà tế bần ăn, tài sản duy nhất là cây đàn vĩ cầm. Vậy mà cậu vẫn sống khỏe. Mặc dù là người vô gia cư, sống ở khu ổ chuột Skid Row của Los Angeles, nơi mà bên phải tập trung dân nghiện chích choác, khu bên trái toàn dân đập đá và khu chính giữa là nhà của người điên nhưng Nathaniel hoàn toàn khác biệt. Ông ta không nghiện bất cứ cái gì ngoài âm nhạc. Ông không uống rươu, không chích choác, ghét những kẻ hút thuốc, vứt đầy đót thuốc đầu lọc làm bẩn sân khấu vỉa hè của ông ta. Ông ta nói chuyện, xưng hô lịch sự như những quý ông đài các, hiểu biết có văn hóa. Ông sống ở đó nhưng tâm hồn ông không ở đó, trong suốt thời gian 30 năm hành nghề biểu diễn đường phố ông đã bị mất trộm tất cả 14 cây đàn violon. Mỗi lần mất ông lại phải tiết kiệm tiền để đi mua lại một cây đàn khác, trả tiền đàng hoàng. Những nhân viên cửa hàng âm nhạc rất ấn tượng với người nhạc sỹ vô gia cư này và có thể kể vanh vách về ông ta.
Trong quá trình tìm hiểu về Nathaniel, cũng chính là quá trình đấu tranh nội tâm của Steve. Nathaniel chỉ là một chủ đề cần khai thác, một người da đen, bị thần kinh, vô gia cư, không nguồn gốc. Vậy liệu có cần giúp đỡ Nathaniel điều trị, trả lại cuộc sống khỏe mạnh về tinh thần cho anh ta? Có cần giúp đỡ xin cho anh ta một chỗ trú thân trong các tòa nhà cứu trợ của chính phủ? Có cần giúp đỡ cho anh ta trở lại hòa nhập với cuộc sống bình thường? v…v. và v…v.
Steve đã làm cố gắng hết sức mình để giúp Nathaniel . Ngay từ khi bài báo viết ra đăng trên LA Times. Bài báo trở nên nổi tiếng, độc giả phản hồi và luôn đón đọc các số tiếp theo. Hàng loạt nhà hảo tâm xin được tài trợ, CEO của tập đoàn sản xuất âm nhạc lớn tặng Nathaniel một cây đàn cello, những người khác tặng các cây đàn violon, v…v và v…v. Ngoài công việc ở tòa soạn Steve bỗng nhiên có thêm trách nhiệm làm người quản lý, lo cho cuộc sống của Nathaniel, lo cho đống tài sản của Nat, vì Nat làm gì có nhà mà chứa ngần đó nhạc cụ và đồ tặng. Hàng loạt bác sỹ thần kinh, và nhà từ thiện cũng ngỏ lời giúp đỡ, dàn nhạc giao hưởng LA cũng mời Nat đi coi và giám đốc dàn nhạc giao hưởng LA hứa dành thời gian dạy cello cho Nat miễn phí, v….v và v…v.
Đọc đến đây, người đọc hẳn thấy tương lai đã rộng mở cho Nat, Steve tác giả cũng đã nghĩ vậy. Nhưng không chúng ta đang suy nghĩ theo khía cạnh và bộ óc của người bình thường. Nat không như vậy, ông ta từ chối chữa bệnh vì ông ta nghĩ ông ta là người bình thường. Ông ta từ chối vào sống trong nhà cứu trợ vì ông ta sợ bị cầm tù ở đó. Ông ta không muốn sống trong bốn bức tường vì nó cho ông ta cảm giác trong nhà thương điên, và căn phòng được cấp cho ông ta ở trong một khu dành để điều dưỡng người bị bệnh tâm thần để tiện cho bác sỹ theo dõi điều trị. Bạn cảm thấy thương cảm cho số phận của ông ta? Nhưng không bạn đã nhầm như lời Nat nói: “ Tôi đâu có cần sự thương hại”. Tôi sống khỏe cơ mà, tôi đựợc tự do làm điều tôi muốn, tôi thích chơi nhạc lúc nào tôi chơi, tôi không có vướng bận hay ràng buộc gì cả.
Rồi còn đống nhạc cụ, làm sao có thể để Nat mang ngần đó thứ theo để sống trên đường phố, nhỡ kẻ nghiện xì ke nào đó muốn cướp, Nat tiếc nhạc cụ chống trả lại và bị giết thì có phải là Steve gián tiếp gây hại đến Nat không? Thật là khó nghĩ. Nhà Steve thì xa, nếu để nhạc cụ ở tòa soạn thì để ở đâu, tòa soạn đâu phải nhà từ thiện và ai sẽ là người quản lý nhạc cụ đó để lúc nào Nat muốn đến chơi thì lấy? Điều nữa Nat đâu có phải người bình thường, đâu có phải người làm việc giờ hành chính. Nat sống theo lối sống tự do, tâm hồn không vướng bận với bất kỳ ràng buộc hay luật lệ gì của xã hội. Nếu cảm thấy có nhu cầu đi vệ sinh, ông ta có thể vạch quần và lái ngay giữa đường cơ mà. Steve còn công việc, còn trách nhiệm với tòa soạn, với gia đình đâu có thể đi theo Nat 24/24. Steve có vợ, ba con, những khoản nợ trả góp tiền mua nhà, nhưng hóa đơn cần phải thanh toán, những bài báo cần phải viết và nộp đúng kỳ hạn . Ngoài giờ làm việc, Steve cũng còn có trách nhiệm dành thời gian cho gia đình, cho cô con gái mới có 3 tuổi, rồi việc nhà việc cửa. Chỉ riêng tình tiết việc đưa Nat đi xem buổi hòa nhạc giao hưởng mà Nat cực yêu thích và mong muốn đến nhảy cẫng lên như trẻ con nhưng đến giờ đi thì Nat lại nũng nịu như con nít và nhất định không chịu gửi cái xe cút kít chứa chổi cùn dế rách ở bãi đậu xe mà muốn mang cả vào nhà hát để tiện trông nó, kẻo có kẻ ăn cắp. Cảnh Steve dỗ dành, dọa dẫm Nat như người cha làm với con cái khi chúng trái tính cũng làm cho một người kiên trì nản lòng thuyết phục mà buông xuôi.
Những đấu tranh tâm lý, những dằn vặt về đạo đức, liệu có nên cưỡng bức một người tâm thần như Nat vào nhà thương điên để điều trị hay không? Nhưng Nat hoàn toàn vô hại cho xã hội cơ mà. Nat không điên như những người điên khác. Nat không cướp giật, phá phách, không tệ nạn, ăn nói lịch sự, lễ phép, thậm chí còn làm sạch đường phố bằng việc cứ thấy đót thuốc vứt dưới đường ở bất kỳ đâu là cúi xuống nhặt vứt vào thùng rác, chỉ có điều miệng lẩm bẩm " Cái bọn m*t d*y, làm bẩn sân khấu của mình, Beethoven, Bach, Tchaikovsky, Yo Yo Ma, New York, Cleveland, Los Angeles, blah…blah."
Từ một người phóng viên chủ định khai thác nhân vật là người điên Nathaniel, Steve đã trở thành bạn và lo cho cuộc sống của Nat và đôi lúc phải dỗ dành Nat như là dỗ con. Từ một người nóng nảy, luôn bị stress vì áp lực chạy theo công việc, hạn nộp bài, Nat trở nên nhẫn nại và trầm tính.
Cuộc sống cứ diễn ra như vậy, thời gian trôi qua, Steve trở thành người bạn thân thiết của Nat. Từ một nhà báo, Steve tìm hiểu đọc sách nghiên cứu về bệnh thần kinh, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia bác sỹ điều trị có tiếng trong lĩnh vực này. Steve đã ngủ qua đêm vỉa hè ở khu ổ chuột cùng Nat, mặc dù được Nat dành cho một cái chăn" xịn" theo tiêu chuẩn của Nat nhưng chắc người thường cũng khó mà đắp lên người ngủ nổi, trong khi xung quanh, các con nghiện đang lên cơn ghiền, chích choác hoặc phê thuốc, xa xa cuối phố là những cô gái điếm rẻ tiền đang đứng chào mời khách qua đường hòng kiếm vài đồng mua thuốc để phê. Bên cạnh việc lang thang lọ mọ trong khu vực tệ nạn đựợc ví như ổ ung thư nơi thành phố của các Thiên Thần ( Los Angeles), Steve còn bay đi New York , đi dọc những hành lang mà Nat đã bước 30 năm trước, sống trong bầu không khí âm nhạc mà Nat đã từng sống, tìm hiểu về thời sinh viên của Nat, áp lực học hành ở đây, tìm hiểu về những bạn học cũ của Nat nay đã thành những nghệ danh nổi tiếng. Steve cũng tìm về cội nguồn của Nat, tìm được viện dưỡng lão nơi người cha ở, tìm được người chị gái ruột và nghe chuyện mẹ Nat mất và tình cảm của bà dành cho người con trai yêu quí. Steve nỗ lực cố gắng chắp vá lại hình ảnh cuộc đời của Nat mà chính Nát cũng không nhớ trong suốt 30 năm qua.
Tôi rất mừng và chắc nhiều đọc giả khác cũng mừng khi đọc kết thúc có hậu của câu chuyện. Ngày hôm nay, Nat đã tự sống được một mình trong một căn hộ được cấp, biết chăm sóc bản thân, có studio âm nhạc riêng, có đàn piano, 2 cây cello, 6 cây violon. Trong studio có ảnh chụp với người bạn học cũ Yo Yo Ma. Nat còn được chơi nhạc trên cây đàn violon nổi tiếng được nghệ nhân người Italy, Domenico Montagnana làm năm 1733. Cây đàn vĩ cầm này có giá hiện nay khoảng 2,5 triệu đô la và được Yo Yo Ma yêu quý nhất. Nat có thẻ VIP đi xem tất cả các buổi nhạc giao hưởng của dàn nhạc giao hưởng LA. Ngoài ra, Nat làm người giúp việc cho các bác sỹ tâm thần, làm cố vấn cho những người điên, chơi nhạc cho họ nghe.
Về phần Steve, Steve đã cân bằng được công việc, gia đình và tình bạn với Nat, một chủ đề trong bài viết của mình. Steve đã chuyển giao công việc quản lý cho chị gái của Nat. Một quỹ từ thiện dành cho những nghệ sỹ nửa tình nửa mê hay trong phút thăng hoa chót lầm đường lạc lối vào cõi u mê được thành lập. Thông tin chi tiết về quỹ này có thể xem ở đây: .
Khu ổ chuột Skid Row đã được thị trưởng LA cho dọn dẹp sạch sẽ hơn, các dự án đầu tư được khởi động với khoản ngân sách $50 triệu đô la để tân trang lại khu phố này để tạo điều kiện sinh sống, cơ sở hạ tầng vật chất cho những người vô gia cư và bệnh nhân tâm thần.
Câu chuyện này cũng làm tôi nhớ lại một cuốn sách (non-fiction) khác mà tôi đọc vài năm trước đây. Cuốn Musicophilia - Tales of Music and the Brain của Oliver Sacks, giáo sư khoa Thần kinh và Tâm Thần của trường ĐH Columbia, xuất bản lần thứ nhất năm 2007. Một cuốn sách viết về đề tài khoa học nhưng cực kỳ dễ đọc và thú vị, cho ta nhìn đến một khía cạnh khác của bộ não con người, nơi mà các nhà khoa học, bác sỹ vẫn đang mày mò nghiên cứu. Cuốn sách nói đến sự tác động của âm nhạc với não bộ con người, những bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được. Những bệnh nhân bị Parkinson, tự kỷ (autism), bị mất trí ( Alzheimer) quên hết tất cả mọi thứ không nhớ chính tên tuổi của mình, không nhận diện được người thân nhưng vẫn có thể hát rất nhiều bài hát, thậm chí ca cả một trường đoạn opera dài. Những thử nghiệm, nỗ lực của giáo sư Sacks trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Trong trường hợp của Nat cũng thế chăng?
Một khía cạnh khác tôi tìm thấy trong cuốn sách này là sự đam mê công việc, tính nhân văn của Steve Lopez. Ông đã tìm thấy những điều kì diệu trong cuộc sống hàng ngày xung quanh ta. Ông đã nhìn thấy tính nhân bản, khát vọng sống và quyền làm người trong những người điên. Ông đã giúp một tâm hồn đau khổ tìm lại được giấc mơ của mình sau 30 năm trời đánh mất.
Về khía cạnh nghề nghiệp, Steve quá thành công. Ông tổng hợp lại những bài báo trong chuyên mục dài kỳ của mình và xuất bản thành sách. Cuốn sách the Soloist được viết với phong cách báo chí với kiểu kết cấu "What, Who, When, Where, Why and How", đôi lúc có câu chỉ có đúng 2 ký tự "OD" chấm hết (OD viết tắt của từ Overdose nghĩa tiếng Việt là quá liều, ám chỉ những người nghiện bị chơi thuốc quá liều). Những tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, các chương sách được xáo trộn trình tự: quá khứ, hiện thực và tương lai, cho người đọc cảm giác hư hư thực thực. The Soloist là một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2009 và đã được dựng thành phim với diễn viên nổi tiếng Jamie Foxx trong vai Nathaniel Ayers và Robert Downey Jr trong vai Steve Lopez.
Cuốn sách làm tôi liên tưởng đến chuyện Justin Maxon, một sinh viên nhiếp ảnh người Mỹ sang Việt nam có mấy tháng, tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề thì ít nhưng biết lọ mọ vào các diễn đàn ảnh của người Việt học hỏi, tìm kiếm thông tin đề tài và đã khai thác được đề tài đắt giá ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội, ngay tại cây cầu nổi tiếng Long Biên bắc qua sông Hồng mà hàng trăm tay máy của Việt nam hàng ngày vẫn quần nát, từ chụp mẫu, thời trang, chụp cưới cho đến ảnh báo chí và cả triển lãm ảnh trên cầu. Lúc MadMax tham gia diễn đàn ảnh của Việt nam còn bị nhiều tay máy cao thủ của Việt nam đì lên đì xuống, chê ảnh xấu. Có một điều Justin đã làm được đó là nhìn thấy khía cạnh nhân bản ở hai mẹ con người điên, bị mắc virus HIV của căn bệnh thế kỷ ở ngay dưới gầm cầu vào những lúc tối tăm nhất của cuộc đời họ. Justin đã nhìn thấy tình mẫu tử, tình mẹ con, một tình cảm không thể thay thế được cho dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay gian khổ. Justin xứng đáng đoạt được giải thưởng nhiếp ảnh cao quý mà bất kỳ nhiếp ảnh gia nào cũng mong muốn, giải World Press Photo năm 2007.
Cuốn sách cũng làm tôi băn khoăn về cách hành xử của hai chính quyền, khi bài báo của Steve Lopez đăng lên. Thị trưởng thành phố gọi điện xin lỗi, hỏi thăm thông tin và xin được đi thị sát cùng với Steve Lopez. Steve từ chối vì không muốn dân anh chị khu vực đó biết Steve là nhà báo đến viết lung tung về khu vực làm ăn của họ và cũng không muốn đi cùng các chính trị gia với đoàn tùy tùng, vệ sỹ đình đám đến đó. Nhưng khi Steve đang lọ mọ, lang thang lấy tư liệu viết bài ở khu vực này cũng bắt bặp thị trưởng ăn mặc giản dị đi thị sát tình hình. Ông thị trưởng đã có những cố gắng đáng kể để thay đổi diện mạo và trị an khu vực này. Cuộc đời của nhiều người như Nathaniel cũng được thay đổi. Cho dù vậy, Steve vẫn thẳng tiếng trên báo rằng không tin lắm vào mấy lời hứa của các chính trị gia, dám phân tích thẳng thừng các việc làm được và chưa được của họ.
Tôi bỗng hỏi không biết hai mẹ con chị Mùi nổi tiếng khắp thế giới, có biết mình nổi tiếng hay không? Các vị lãnh đạo thành phố có bao giờ nghe đến giải ảnh báo chí này không? có biết về mẹ con chị không? Và số phận của hai mẹ con chị Mùi hôm nay ra sao?
Poster quảng cáo bộ phim The Soloist với Jamie Foxx và Robert Downey Jr.
Thanked by 1 Member:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối | |
---|---|---|---|---|---|
@pvcpvcp
Kính nhờ bác Pvcpvcp và mọi người xem giúp con hạn kết hôn ạ.@pvcpvcp |
Tử Vi | nguyenvankhoi |
|
||
Cảnh báo! Không có Luân hồi, con người chỉ sống có 1 lần |
Khoa Học Huyền Bí | Elohim |
|
||
Lá cọ Nadi hành trình tìm bản thân (tiếng Hoa) |
Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian | Elohim |
|
|
|
Video giả mạo mô tả cảnh bỏ phiếu bất hợp pháp của người Haiti ở Georgia có liên quan đến các diễn viên người Nga: FBI |
Linh Tinh | FM_daubac |
|
||
Đức Jesus là người gốc Arab |
Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian | Elohim |
|
|
|
Đương số Nguyễn Đức Kiên |
Tử Vi | Hà Uyên |
|
1 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Tử Vi | Tử Bình | Kinh Dịch | Quái Tượng Huyền Cơ | Mai Hoa Dịch Số | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Địa Lý Phong Thủy | Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp | Bát Tự Hà Lạc | Nhân Tướng Học | Mệnh Lý Tổng Quát | Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số | Khoa Học Huyền Bí | Y Học Thường Thức | Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian | Thiên Văn - Lịch Pháp | Tử Vi Nghiệm Lý | TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ: An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi | Quỷ Cốc Toán Mệnh | Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản | Quẻ Mai Hoa Dịch Số | Bát Tự Hà Lạc | Thái Ât Thần Số | Căn Duyên Tiền Định | Cao Ly Đầu Hình | Âm Lịch | Xem Ngày | Lịch Vạn Niên | So Tuổi Vợ Chồng | Bát Trạch |