Gửi vào 10/08/2015 - 10:53
Bàn về cặp Quang-Quý, tôi có thể trình bầy theo thiên tượng có kèm cả video clip minh họa rõ ràng, nhưng nghĩ lại thì tôi thấy không cần thiết nữa bởi vì sự đơn giản và dễ hiểu mới lắng đọng lại.
Như trước đây Phuongkongfa đã trình bầy, ta đã biết một trong những cá tính của Không-Kiếp là tính cực đoan, trong khi khởi điểm của Quang và Quý lại là Tỵ và Dậu. Tại đó, Tỵ là nơi Nhật thuần Dương biểu hiện của sự sáng suốt, tại Dậu biểu hiện của sự quân bình (ngày và đêm bằng nhau).
Nên sự sáng suốt và quân bình cần phải có để chuyển hóa tính cực đoan. Trong đạo Phật cũng đã nói Trung đạo mới là con đường thích hợp để đi đến một sự giác ngộ rốt ráo.
Trở lại lá số của cụ Phan thanh Giản, điểm nào là thể hiện tính cực đoan trên lá số. Ta biết rằng, thời của cụ là " Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung. Phụ xử Thần tử, Thần bất tử bất hiếu "
Mà cụ trước tiên là một người con rất có hiếu đã xin ở tù thay cho cha, vậy không thể nào cụ muốn mang cái tiếng Thần bất trung. Nhưng cụ làm quan trong cái hoàn cảnh ( trạng thái Mộ ) chiều tà của thời phong kiến.
Vua ra lệnh giữ thành, cụ là Tướng ( nắm Quốc Ấn ) thì có vị tướng nào mà muốn mất thành vào tay giặc đâu. Nhưng hoàn cảnh thực tế cho thấy, dù có đánh thì chỉ đổ máu của dân lành và thành thì cũng chẳng giữ được.
Tướng tại trận tiền có thể kháng lại lệnh vua, một bên là sinh mạng của bao dân lành, một bên là lệnh của vua, tâm tư của cụ hẳn là có sự giằng xé dữ dội ( Cô-Quả ). Nhưng dẫu sao vua cũng chỉ là con trời, chẳng phải là trời, cụ chọn con đường " Trời đất vốn trọng đức hiếu sinh " hợp với lòng Trời cứu mạng cho biết bao quân lính, dân lành mà không vì cái tiếng trung quân mù quáng để phải đổ máu của dân lành ra tô vẽ cho cái tiếng trung quân.
Cụ mất đi để lại trời đất mặc cho gió thu, nhưng lòng son yêu nước thương dân của cụ vẫn chói sáng 9 chữ đời đời.