Tứ Trụ
Tứ trụ, trong tử vi cũng như tử bình là thời gian. Nói như thế thì quá tầm thường. Nhưng sẽ không tầm thường chút nào cả khi chúng ta biết rằng. Đông phương, người ta gọi Vũ Trụ, tương ứng với người Tây phương gọi là Không gian Thời gian. Vũ là Không gian, Trụ là Thời gian. Vì thế, tứ trụ không phải là bốn cột trụ, nó là bốn mốc thời gian. Vì thế gọi là Tứ Trụ, diễn nôm là Tứ Thời. Cho nên, Tử vi cũng như Tử bình, được lập bởi 4 trụ – thời gian này. Chứ không phải là 4 yếu tố, hay 4 cột trụ nào của số mạng cả. Nó chẳng khác gì như hàm trạng thái của hệ vật lý được xác định – theo quan điểm cổ điển – là Lagrangien – là một hàm L với hai biến x và t là hai biến không gian và thời gian vậy. Ở đông phương học, yếu tố Vũ được quán xét bởi Phong Thủy. Còn yếu tố Trụ được quán xét ở các môn tử vi và tử bình. Mặc dù ở cả các môn này, cả Vũ và Trụ đều được quán xét, nhưng với phong thủy thì yếu tố Trụ ẩn, còn tử vi và tử bình thì yếu tố Vũ ẩn, mà yếu tố Trụ nổi và được sử dụng trực tiếp. Điều này, nếu liên hệ với vật lý lượng tử thì chúng ta cũng sẽ rất dễ hiểu khi chúng ta xét hàm trạng thái của hạt vi mô. Nó có nguyên nhân sâu sa, bởi ngay từ đầu đông phương học đã không coi không thời gian là tách biệt. Điểm này, Descartes đã không xét đến.
Nhưng nếu chỉ nói đến đây thì rất tầm thường, mặc dù chúng ta đã có thể hiểu tứ trụ là bốn thời – thời gian của tử vi và tử bình. Và có thể cũng thấy ngay rằng, tử vi và tử bình thực chất chỉ là hai phép biểu diễn khác nhau của cùng một bài toán. Chúng ta cũng thấy nó tựa như là sự liên hệ giữa hai biểu diễn cơ học lượng tử như biểu diễn Heidenberg và biểu diễn Srodinger vậy. Và nói theo thời đại thì tử bình và tử vi có một "đối ngẫu Langland" như là đối ngẫu Langland của hình học và đại số vậy. Trong đó, tử vi ứng với hình học, tử bình ứng với đại số.
Nói thế cho dễ hiểu đối với những ai có tây phương học.
Bây giờ ta xét thuần túy đông phương. Bởi có hiểu đó là 4 Trụ, thì mới nói chuyện đông phương được. Do Vũ và Trụ là một cặp âm dương. Vũ âm, còn Trụ dương. Vũ thì tĩnh, Trụ thì động. Đúng với mệnh đề Dương động, Âm tĩnh. Trụ của đông phương đối với tử vi, lịch pháp là sự phối hợp thiên can địa chi. Với ngũ hành, ta có ngũ hành nạp âm. Đó là hình ảnh thời gian vuông – tròn, hình vuông nội tiếp hình tròn – do trời tròn, đất vuông. Trời quay về bên phải, bao lấy đất. Ngược lại Đất quay về bên trái nằm trong vòm trời mà hình thành nên thời gian, đó là Trụ. Được lập bởi thang "đo" thiên can và địa chi. Theo nguyên lý âm dương giao phối, vạn vật sinh. Thì Trụ với lịch pháp và tử vi, mô tả thiên văn khí tượng bốn mùa, con người sinh sinh hóa hóa mà phát triển, thì đương nhiên Trụ của nó phải là sự giao phối âm dương thiên địa. Chính là sự giao phối thiên can địa chi mà thành ra ngũ hành nạp âm.
Bởi vậy, lịch pháp, tử vi cũng như tử bình, dựa trên Trụ mà ngũ hành là ngũ hành nạp âm, đã đảm bảo một tiêu chuẩn khởi đầu, khả dĩ mô tả được vạn vật bốn mùa và đời sống con người !
Nhưng đi tiếp, chúng ta sẽ thấy. Trụ là thời gian. Thời gian động, nên trôi, chảy mãi vô tận. Đông phương cho thời gian tuần hoàn viên miễn. Vậy thời về mặt hình học ta cũng dễ thấy, hình vuông và hình tròn "đều quay". Nhưng hình vuông và hình tròn thì quay không thể đồng bộ được như hai bánh xe tròn của một chiếc xe được. Thể hiện thiên can thì chỉ có 5, còn địa chi thì có 6. Chính sự "khập khiễng" thiếu khuyết này cần được bù lấp để thỏa mãn cho cái gọi là thời gian phải Động. Hay nói theo đông phương thì Trụ phải đồng bộ. Người xưa đã bổ sung sự thiếu khuyết này bằng một chữ Tuần. Mục đích là để san bằng sự lệch giữa thiên can và địa chi trong hành trình của thời gian-Trụ. Theo tây học thì chúng ta gọi Tuần là một Đại lượng. Đông phương học, có nơi xem Tuần như một Thần sát. Tử vi, xem Tuần như một Sao. Qua đây, chúng ta thấy ngay, bản chất của Tuần là Thời gian. Nên chúng ta không lạ gì Tuần là Không – sau này khi đi sâu bản chất sao của tử vi, chúng ta sẽ thấy tuần có cái nghĩa Không. Nhưng ngay ở đây, chúng ta cũng thấy Tuần là Dương, động, ứng với Không. Đối lập với Triệt liên hệ với Vũ nên âm, ứng với Vong !
Đến đây, chúng ta thấy Cơ nhân có một cái gọi rất chặt chẽ, khoa học và thống nhất. Tuần dương, nghĩa Không, và Triệt âm với nghĩa Vong. Tuần có bản chất thời gian, triệt có bản chất vũ nên triệt ứng với phương vị. Nên mới nói là triệt lộ, ngăn cách. Như nói hình ảnh: Đường đi gặp triệt là tắc. Hoàn toàn mang ý nghĩa phương hướng của không gian. Trong khi Tuần có ý nghĩa ngưng trệ, là bản chất của thời gian.
Đến đây, chúng ta có thể thấy chỉ cần hiểu đúng khái niệm mà Cổ nhân đặt cho chúng ta gọi, chúng ta cũng sẽ thấy được nhiều điều bổ ích, thấy được bản chất. Mà ở đây, ví dụ là thấy được Tuần xuất hiện là bởi cái gì. Liệu chúng ta có Dám vứt bỏ Tuần đi không luận nữa không ?
Chúng ta thử vứt Tuần đi xem thế nào nhé. Có nghĩa là chúng ta đã xem thời gian đông phương không còn là vuông tròn nữa, không còn là ngũ hành nạp âm, do can chi âm dương phối hợp nữa. Tức là chúng ta đã vứt bỏ điều kiện tiên quyết để cho tử vi khả dĩ mô tả được cuộc đời của một con người !!! Tự nhiên chúng ta đã làm tử vi biến dạng đi một cách đáng sợ.
Chúng ta cũng thấy rằng, các kiến thức về Tuần ở trên, cũng như cách thiết lập Tuần là không có gì mới lạ cả. Có đầy đủ ở trong các sách. Nhưng chúng ta cần phải hiểu được bản chất của Vũ Trụ là không thời gian đông phương. Là một cặp âm dương thì chúng ta mới có thể hệ thống hóa mà thấy được bản chất cũng như thấy sự cần thiết phải có nó.
Nhân đây chúng ta cũng thấy năng lực tư duy siêu việt của cổ nhân. Đã nhìn thấy sự bất đối xứng âm dương của Vũ Trụ và xuyên qua nó mà xây dựng nên một nền lý học đồ sộ – đó không phải là Khoa học thì nó là cái gì ? Để có lý đâu chúng ta cứ thắc mắc cái sự bất đối xứng âm dương bởi các quái phối trên đồ thư rồi phán quyết là phải đổi Tốn – khôn ? Mới là khoa học ? Ngay đến bản chất của Vũ Trụ, cổ nhân đã thấy rằng không có sự đối xứng âm dương !!! Huống chi với một Đồ – Thư. Đó có phải là do chúng ta đã không hiểu lý học đông phương cho tới nơi chốn, nên mới có chuyện sáng tạo vô lối như thế không ?
Tiếp nữa, nếu chúng ta suy tư với tư duy tây phương, sẽ thấy rằng. Tây phương với triết học Descartes cho rằng không – thời gian là tuyệt đối độc lập với nhau. Không gian là trống rỗng. Thì tới Einstein không – thời gian không còn tách biệt, và không thời gian cũng không còn là trống rỗng nữa. Chúng đã chứa Vật chất. Vật chất đó là gì ? Tây học đang minh thuyết. Nhưng với đông phương học, Vũ Trụ là một Thể thống nhất, không tách rời, đã phối với nhau để "làm ra" vạn vật – theo nguyên lý âm dương giao hòa vạn vật sinh. Vậy bên trong Vũ Trụ là gì ? Chu Hy đã nói: "Trong khoảng trời đất, chỉ có một vật là Khí, chia ra làm hai thì là âm, dương (khí âm và khí dương), năm hành gây dựng (khí ngũ hành) muôn vật trước sau bị cai quản ở đó – trích kinh dịch.
Đó là Khí, Khí của Vũ Trụ, là "vật chất" đông phương đó. Chúng ta, những người học tây phương, cứ mãi không hiểu Khí là gì, nó từ đâu tới. Bản chất ra sao. Lại cứ đi tìm cách xác định, định nghĩa, rồi đo nó. Thì đây, có một đối ngẫu với không thời gian tây phương. Choán trong không thời gian là vật chất – như năng lượng. Thì choán trong Vũ Trụ chính là Khí. Nhưng "metric của Không thời gian và Vũ Trụ thì hoàn toàn khác nhau.
Tại sao Chu Hy không nói : Trong khoảng vũ trụ mà lại nói là trời đất ? Hậu học không hiểu trời đất của Chu Hy chính là vũ trụ càn khôn. Không hiểu vũ trụ can khôn chứa đầy Khí thì làm sao nắm được cấu trúc của quái dịch ! Cho nên có nhiều Vị đã vội vàng phê phán Chu Hy chẳng phải là sự lầm lỡ hay sao ?
Đến đây thì các Vị có thể hiểu làm thế nào để có thể khoa học hóa đông phương ? Chứ không phải là những mô tả bằng tư duy tây phương mà áp đặt cho đông phương học được. Muốn làm được cái việc áp đặt đó. Trước hết các Vị cần phải hiểu được Vũ Trụ đông phương cái đã. Hiểu rồi thì các Vị sẽ thấy việc áp đặt thật sự là khập khiễng. Bất toàn.
Còn nhiều thứ bất ngờ nữa lắm khi nghiên cứu lý học đông phương. Vấn đề Vũ Trụ mới là tầng thấp nhất của lý âm dương thôi. Nên tôi thấy, khoa học hóa đông phương học không đơn giản như các Vị đã trình bày. Chỉ nội Hiểu sao cho đúng cổ nhân, và có sự so sánh, đối chiếu để thấy được đối ngẫu giữa hai nền lý học, đã vô tận rồi.
Thân ái.