Tác giả: THIÊN LƯƠNG
KHHB số 31- 20/12/1972 (Thái Thanh)
LỜI GIỚI THIỆU
Nhờ một mối duyên lành, chúng tôi được gặp cụ Thiên Lương, là một vị lão thành về Tử vi, nổi tiếng ở một công sở nổi tiếng.
Thoạt bước vào nhà, chúng tôi thấy ở cụ một nếp sống đạm bạc, giản dị, chính là nếp sống của một vị công chức về hưu với hai bàn tay trắng và sạch. Vị công chức ấy thật hiếm có, là vì nhà đầy sách vở xếp gọn gàng trên những cái giá trên tường, hầu hết là những sách Triết học Đông Phương, sách về Dịch Học, sách Tử Vi. Chúng tôi lại thấy những lá số nhiều miên man, trong đó có những lá số của những nhân vật đương thời (mà chúng tôi khỏi kể ra), và những lá số của những nhân vật lịch sử, những nhà cách mạng, những học giả (như cụ Phan Châu Trinh, cụ Phan Khắc Sửu, cụ Phạm Quỳnh…).
Những câu chuyện đầu tiên hướng ngay vào khoa Tử Vi, và không dè dặt, cụ Thiên Lương thẳng thắn nói lên những kinh nghiệm và những khám phá của cụ. Đó là những kinh nghiệm đặc biệt về vị trí của cung an Mệnh và cung an Thân so với cung năm sinh. Chúng tôi vốn biết sơ những kinh nghiệm ấy do một người bạn, đến lúc đó mới nghĩ rằng người bạn đó hoặc có liên lạc xa gần với cụ Thiên Lương, hoặc là một môn đệ của cụ.
Cụ Thiên Lương đã dựa trên mấy lá số để dẫn giải về kinh nghiệm ấy, như lá số của cụ Trần Văn Hương. Câu chuyện thật là thích thú vì mấy khi mà nghe được những kinh nghiệm của một nhà Tử Vi, hơn nữa nhà Tử Vi này đã có những thời kỳ trẻ tuổi tìm đến Tử Vi để rồi chống Tử Vi, rồi sau đó mới lại trở về Tử Vi, để rồi qua những cách có sẵn và những kinh nghiệm mà khảo cứu sâu hơn, đi vào những nguyên lý của từng cách rồi từ đó mà dẫn giải được những lẽ huyền vi của lá số. Cho đến giờ phút này, các vị uyên thâm về Tử Vi vẫn còn đi tìm tòi thêm, cho nên chúng tôi mới đặt ra vấn đề phổ biến kinh nghiệm cho mọi người cùng biết… Cụ Thiên Lương đã cười, với cái cười của những người có thực học và nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn còn dè dặt và càng khiêm tốn hơn. Cụ bằng lòng viết những bài cho Khoa Học Huyền Bí, để tặng quý bạn đọc và góp ý với các vị uyên thâm khác về Tử Vi.
Những bài của cụ Thiên Lương sẽ có các đặc điểm khác với những bài khác và như ý chúng tôi mong mỏi; nhân cụ đã xem số cho rất nhiều tướng tá, công chức cao cấp và nhân vật chánh trị đương thời, cũng như cụ đã sưu tầm và nghiên cứu các lá số của các nhà cách mạng và các nhân vật lịch sử, cụ sẽ lần lượt nêu tên các lá số đó, và cụ sẽ giải đoán những nét chính của lá số bằng cách nhận xét các sao và bằng các khám và kinh nghiệm riêng của cụ. Mở đầu là lá số ông Phạm Quỳnh, và sau đó là các nhân vật khác như cụ Phan-Khắc-Sửu, cụ Phan Châu Trinh, chen lẫn với những nhân vật đương thời.
Chúng tôi đề cập đến sự kiện khó khăn trong việc giải đoán một lá số ở một vài nét chính, chỉ một vài nét chính mà nói lên được cho đúng mới là tuyệt diệu. Thí dụ: quả quyết về những nét chính của cuộc đời, khẳng định năm vận mạng một người bốc lên thật cao hoặc tụt xuống thật thấp, đoán đúng hạn chết, chết thế nào, v.v… Nhà Tử Vi tài ba nói một vài câu chắc nịch là đủ, còn những chi tiết như vận hạn hàng năm, hoặc những nét đại cương về các cung, thì đã có sẵn các cách hiển hiện lên, chưa kể rằng những nét đại cương rất dễ đoán vì đại cương thì nói thế nào cũng gần gần với sự thật.
Bởi thế mà chúng tôi không thắc mắc ở bài viết dài hay ngắn của cụ Thiên Lương. Dài có khi thừa, ngắn mà có thể vẫn đủ. Chúng tôi nghĩ rằng những nét chính được nêu lên rồi, thì những nét phụ đi vào chi tiết sẽ dễ dàng hơn; đó có thể là công việc làm sau. Nhưng chúng tôi có thắc mắc một điều: là trong bài viết của cụ Thiên Lương, có một vài nét khó hiểu, đối với người chưa rõ kinh nghiệm của cụ. Cho nên chúng tôi mới nêu lên sự kiện ấy, nghĩ rằng đó là một cái kẹt cho chúng tôi, nêu lên là mong cụ phổ biến sớm những kinh nghiệm của cụ. Cụ cười một cách hồn nhiên; không, cụ không dấu những kinh nghiệm, cụ cũng không dấu tên hay dấu địa chỉ với ai, nhưng hãy cứ đăng một ít bài lên đã, rồi sau đó có những vị nào ưu ái, thắc mắc đến, sẽ hay. Đó cũng là một lối hành xử của người khiêm tốn.
Qua những bài viết của cụ thiên Lương mà chúng tôi xin trình bày ở đây, quý vị sẽ thấy một lối nhận xét mới về lá số tử Vi, xét đoán cả đến lý tưởng và tâm tư của mỗi con người, thấy cái hay của những người thành đạt và xuyên vào những cái dở của những con người xênh xang áo mũ và nhà lầu, xe hơi.
Và do chỗ đó, quý vị sẽ cũng như cụ thiên Lương, tự cảm thấy cái ngông của nhà tướng số, có quyền kinh miệt cái mũ cáo áo dài của người có công danh lớn, nếu thấy cái xấu của họ, hay vận mạng của họ sau này chẳng ra gì: hoặc là có quyền trọng kẻ bần hàn khi biết những tấm lòng vàng, những lý tưởng cao siêu ẩn trong manh áo rách.
Cụ Thiên Lương không xem số lấy tiền, không hệ lụy ai, không chịu sự ràng buộc nào, và cũng tùy theo cảm tình mà xem số… nên cụ cứ nói thẳng, và trong sự nói thẳng này, khen hay chê cũng không khiến cụ thắc mắc.
Chúng tôi xin được hân hạnh trình bày với quý bạn loạt bài của cụ thiên Lương, bắt đầu là bài “Tôi minh oan cho nhà học giả Phạm Quỳnh. Chúng tôi nghĩ rằng các bạn sành Tử Vi và từng là môn đệ hoặc thân hữu của cụ Thiên Lương biết ngay bút hiệu Thiên Lương là của ai
(Trần Việt Sơn)
Tôi minh oan cho nhà học giả PHẠM QUỲNH
Nhà Học giả Phạm Quỳnh bị thảm sát đến nay đã trên 27 năm, nay lại có dư luận hỏi nhà học giả đó có công hay có tội đối với đất nước. Trên diễn đàn chính trị cũng như văn học đã có những cuộc tranh luận sôi nổi nhưng chưa kết thúc.
Tôi nhớ lại cách đây 22 năm, một hôm có mấy người bạn gặp nhau bàn luận về số Tử Vi. Có một ông bạn đưa ra lá số tuổi Nhâm Thìn sanh ngày 26 tháng chạp giờ Dần nói lá số của nhà học giả Phạm Quỳnh.
Bữa nay tôi trình bày ra đây mong rằng các nhà cao thâm về số tử-Vi xin cho những lập luận xác đáng.
Căn cứ trên những trình bày của lá số, tôi không biết năm tháng ngày giờ có đúng hay không (theo như báo Văn Học đã nói là khai sinh ngày 1-12-1891), nhưng trên các tài liệu sách báo nói về tiên sinh thì đều nói là sanh năm 1892 tức là năm Nhâm Thìn như lá số ở đây đã ghi. Vậy căn cứ theo như lá số này tôi xin có một ít nhận xét như sau: Tiên sinh tuổi Nhâm Thìn mà mệnh đóng ở cung Hợi là một cái thế éo le, định mệnh đặt Tiên-sinh vào cái thế kẹt của cuộc đời. Đã là đời tài ba và có thực tài, thông minh có thừa như Tiên Sinh, bẩm tính thì cương nhưng hành động lại nhu.
Gặp thế nước nhà nhiều việc xấu thường dồn dập, tự biết mình không thể hành động được như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng hay Trương Công Định hay bạo hổ bằng hà nói toạc móng heo như Phan Chu Trinh. Nghĩ ra cũng chỉ để cảnh tỉnh quốc dân. Vốn mình bẩm sinh ra là nho sinh theo nghiệp bút nghiên, tưởng trả nợ nước non bằng bút nghiên có lẽ là đúng cách.
Tiên sinh ca tụng truyện Kiều, có thể Tiên Sinh đã thấy thân thế mình. Cái tính cách cô Kiều đàn ngọt hay hay, đa tình đa cảm, có khác gì thân thế Tiên-sinh (Tả Hữu, Hồng Đào, Khôi Việt). Cô Kiều bán mình chuộc tội cho cha có khác gì Tiên Sinh buộc mình phải hợp tác với thực dân để làm văn hóa cho đất nước. Tiên sinh đã thốt ra câu: “Người ta bảo tôi bán nước, khi tôi ra đời nước đã mất rồi, còn đâu mà tôi bán” ! Thật là chua cay !
Cho hay thân thế cô Kiều bao lần làm vợ khắp người ta, sau khi ân oán trả đền rốt cuộc cũng đến sông Tiền Đường rũ sạch nợ đời, thì Tiên sinh cũng bao lần Tổng thơ ký này, Chủ tịch nọ cho đến Thượng Thơ, Ngự Tiền Văn-Phòng rốt cuộc rồi cũng bị thảm sát, tưởng cái thế kẹt của Tiên-sinh đáng thương tiếc hơn là hài tội.
Cái “thân” của Tiên sinh lại đóng ở cung Mão: lại cái thế kẹt hơn, hơn là Mệnh ở cung Hợi (cả 2 phương diện cung và sao). Mặc dầu có Hóa Khoa nhưng Tướng Quân, Thiên Khôi bị Triệt vuốt đuôi (phải kể là trường hợp nhẹ). Trông vào Phúc Đức đẹp thì có đẹp, Nhật Nguyệt đắc địa đắc Tuần Không, chiếu hư không chi địa, nhưng ô hô Kình, Sát, Kiếp, Riêu kề bên phát rồi phải sát. Huống chi Lưu Hà Kiếp Sát tọa thủ ngay tại mệnh cũng như bản án tử hình (trường hợp án treo) đã dán ngay trước ngực từ ngày oe oe mang tiếng khóc đầu tiên ra đời.
Nói tóm lại số này là số của hạng người đa tài nhưng bạc mệnh, biết ra mà tu sớm, mặc cho nắng sớm mưa chiều (Hồng Loan ngộ Thiên Không) mới mong thoát khỏi.
Cho hay:
Mồi phú quý nhử làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh…
Xét cho kỹ, mấy ai là kẻ sĩ đã mang lấy nghiệp vào thân mà không phấn đấu cho đời biết tay. Nhưng càng phấn đấu, nghiệp quả càng sa lầy. Thân thế sự nghiệp của nhà học giả Phạm Quỳnh chỉ là hy sinh phụng sự cho đời, còn đối với mình chỉ là thiệt thòi và bạc bẽo.