

#1741
Gửi vào 20/08/2014 - 08:01
“Được nhà nước giao để thực hiện một quyền nhất định, lẽ ra anh phải là người cầm cân nảy mực để giữ kỷ cương đất nước, thì anh lại bao che cho một lực lượng để làm bậy, đó là cái rất nguy hại”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Infonet khi đề cập đến những vấn đề nổi cộm từ chuyện thi tuyển đầu vào đến cách hành xử của một bộ phận công chức nhà nước thời gian qua. Một Phó Trưởng Ban tổ chức quận ủy Cầu Giấy liên quan đến vụ đâm chết người trong ô tô đang gây chú ý trong dự luận thời gian qua.
Những tiêu cực trong tuyển dụng công chức đã trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận. Hà Nội trước đây đã từng gây xôn xao với câu chuyện chạy công chức không dưới 100 triệu đồng, rồi vừa qua ở Bộ Công thương lại xảy ra câu chuyện tuồn đề cho "con ông cháu cha" trong thi tuyển công chức. Theo ông, những câu chuyện này nói lên điều gì về thực trạng tuyển dụng công chức hiện nay?
Điều này nói lên một thực tiễn mà bấy lâu nay người ta rất bức xúc về cái gọi là “chạy” việc, nhất là trong bối cảnh thiếu công ăn việc làm hiện nay. Đã có bao nhiêu cử nhân tốt nghiệp đang không có công ăn việc làm, mong muốn có được một việc làm, như cảnh phải xếp hàng thi vào Cục Thuế Hà Nội trong mấy ngày qua là rất rõ.
Điều đó chứng tỏ số lượng có nhu cầu về việc làm rất lớn. Trong bối cảnh đó, các cơ quan nhà nước đáng lẽ ra phải thực hiện quy định của pháp luật một cách nghiêm túc trong tuyển dụng, làm sao tuyển được người có trình độ, có năng lực đạo đức vào làm việc. Nhưng anh lại làm những việc trái quy định của pháp luật, tuyển dụng đối tượng toàn người nhà, người thân vào bộ máy nhà nước. Cái đó thể hiện công tác tuyển dụng không còn đúng với bản chất của nó nữa.
Liên quan đến câu chuyện bổ nhiệm, thời gian gầy đâu dư luận cũng đề cập đến câu chuyện "bố bổ nhiệm con". Điều này có phù hợp với quy định của pháp luật không, thưa ông?
Cái đó pháp luật không cấm. Vì có những trường hợp ông bố làm lãnh đạo cơ quan đó, rồi con cái họ thi vào một cách công khai, minh bạch, có đủ trình độ năng lực, tại sao lại không cất nhắc, bổ nhiệm? Cái chính là tập thể lãnh đạo ở đó đánh giá con người về điều kiện tiêu chuẩn, trình độ năng lực ra sao, rồi phải thực hiện theo đúng quy trình thủ tục và cần phải xem việc bổ nhiệm đó có đúng hay không?
Nhưng bấy lâu nay chuyện bổ nhiệm cứ làm một cách bậy bạ, không đúng quy trình bổ nhiệm nên dư luận mới bức xúc. Anh cứ nhăm nhăm cất nhắc, không chỉ là con cái, cháu chắt rồi cả người thân người quen thì không thể chấp nhận được. Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
Vậy theo ông cần phải làm gì để hạn chế, xóa bỏ những tiêu cực để có thể tuyển dụng và trọng dụng những người thực sự có năng lực trong bộ máy nhà nước?
Cái này Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ công chức, Chính phủ cũng có những quy định rất cụ thể đến vấn đề tuyển dụng, nhưng rất tiếc là các cơ quan lại không thực hiện việc đó nghiêm mà lại lợi dụng cái sơ hở của pháp luật để làm bậy, thậm chí còn cố tình làm trái các quy định của pháp luật.
Để làm được điều này, một câu trả lời rất dễ là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì mới tuyển được người tài, đáp ứng đúng nhu cầu của bộ máy nhà nước. Nếu cứ làm sai trái quy định của pháp luật như thế, cốt để tuyển được người rồi cầm tiền của người ta thì làm sao mà tuyển được người tử tế vào bộ máy nhà nước? Mà nếu cứ như thế thì bộ máy nhà nước không bao giờ được tăng cường, không thể có được một bộ máy thực sự mạnh mẽ.
Từ chất lượng trong thi tuyển đầu vào dẫn đến chuyện tha hóa đạo đức, lối sống của cán bộ công chức hiện nay không còn là điều hiếm gặp. Điển hình như ở Hà Nội mới đây, một Phó Trưởng Ban tổ chức quận ủy Cầu Giấy liên quan đến cả "xã hội đen" đâm chết người. Ông đánh giá như thế nào về cách hành xử của một cán bộ công chức có vị trí trong bộ máy nhà nước như vậy?
Thực chất đó là một hiện tượng bảo kê cho "xã hội đen" của một bộ phận cán bộ công chức có quyền trong bộ máy nhà nước. Được nhà nước giao để thực hiện một quyền nhất định trong bộ máy nhà nước, lẽ ra anh phải là người cầm cân nảy mực để giữ kỷ cương của đất nước, thì anh lại vì một lý do nào đó, mà phần lớn vì vụ lợi để rồi bao che cho một lực lượng để làm bậy, đó là cái rất nguy hại. Điều này vừa làm mất trật tự xã hội, vừa không đáp ứng được yêu cầu kỷ cương của nhà nước và làm mất niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước.
Việc xử lý những trưởng hợp này như thế nào, để không những đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp mà còn đảm bảo tính răn đe, thưa ông?
Trước đây cũng có nhiều trường hợp như thế, ví dụ như vụ Năm Cam, hay gần đây nhất là vụ Dương Tự Trọng, rồi cho đến giờ là đến Phó Ban tổ chức quận ủy Cầu Giấy.
Đó là những đối tượng cụ thể, khi đã xác định đúng có hành vi bảo kê cho những hành vi bất hợp pháp thì phải xử lý một cách rất nghiêm khắc, với hình thức cao nhất là phải loại những đối tượng đó ra khỏi bộ máy nhà nước. Có như vậy mới có thể giữ được bộ máy nhà nước thực sự trong sạch!
Thanked by 1 Member:
|
|
#1742
Gửi vào 20/08/2014 - 11:43
Thủ bút của Trần Trọng Kim-Thư gửi Hoàng Xuân Hãn
Thủ bút của Trần Trọng Kim
gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947
Nguyễn Đức Toàn
Viện nghiên cứu Hán Nôm
Trần Trọng Kim (1887-1953) là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, sử học có tiếng trong giới trí thức nước ta thời cận đại. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, như Nho giáo, Việt Nam sử lược, có đóng góp cho tri thức và nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà. Trong khi tiếp xúc với văn bản Nam quốc địa dư chí, tôi phát hiện ra bức thư này nằm giữa tờ bìa ngoài gấp đôi đã bị phết hồ dán kín lại, do thời gian lâu ngày lớp hồ khô đi, trong lúc kiểm tra văn bản bức thư vô tình rơi ra. Được biết một số sách Hán Nôm có nguồn gốc từ thư viện riêng của gia đình GS. Hoàng Xuân Hãn. Bức thư này có lẽ đã đến tay cụ Hoàng và được cụ Hoàng dấu kín vào tờ bìa của cuốn Nam quốc địa dư chí, mà sau này được hiến tặng lại cho thư viện. Đối chiếu với tập hồi ký Một cơn gió bụi của cụ Trần đã được xuất bản trong những năm 60, chúng tôi nhận định đây chính xác là bút tích và giọng văn của cụ Lệ thần - Trần Trọng Kim, vì những nhân vật trong thư nhắc đến đều là những gương mặt trí thức chính trị đương thời với cụ. Ngày tháng, sự kiện, giọng văn và tư tưởng trong bức thư hoàn toàn phù hợp với ngày tháng, sự kiện, giọng văn, tư tưởng của cụ Trần trong tập hồi ký đã nêu trên.
Chúng tôi xin được giới thiệu nội dung bức thư như một phần di cảo bút tích của một nhà giáo, một học giả uyên bác và đức hạnh, một nhà nghiên cứu Nho giáo tân học cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ nằm im lìm trong một tập sách cũ. Thấy rõ thêm mối quan hệ giữa hai gương mặt trí thức lớn của nước ta trong lịch sử cận đại. Bên cạnh đó, đặt ra vấn đề thận trọng và nghiêm túc trong công tác bảo quản các tư liệu Hán Nôm của chúng ta hiện nay.
Bức thư gồm 2 tờ viết 2 mặt.
Nội dung như sau :
Sài Gòn, ngày 8 tháng 5, năm 19471
Ông Hãn2
Hôm ông Phan văn Giáo3 đưa cái thư của ông vào cho tôi, tôi không gặp ông ấy. Tôi xem thư của ông, nhất là đoạn viết bằng chữ nôm, tôi biết rõ sự tình và tôi đã phiên dịch ra quốc-ngữ, gửi sang để Ngài4 xem.Gần đây tôi lại được thư khác của ông, do ông Giáo gửi lại cho tôi, đại khái cũng như thư trước. Cái tình thế nước ta bây giờ, tôi cũng hiểu đại khái như ông, cho nên trước khi tôi về, tôi đã dặn Ngài : Trừ khi có bằng-chứng chắc-chắn, thì ngài chớ nghe ai mà về. Sau khi tôi đã về đây rồi tôi lại viết thư ra nhắc lại lời dặn của tôi. Vậy sự ngài về chắc là không có.
Tôi sở dĩ về đây là vì Ngài và tôi ở bên ấy5, hoang-mang chẳng biết rõ gì cả, nhân có ông Cousseau6 do ông D’argenlieu7 sai sang gặp Ngài và tôi, nói Pháp sẵn lòng đổi thái-độ để cầu hoà-bình. Ngài thấy thế bảo tôi về tận nơi xem thái độ người Pháp có thật không, và nhân tiện xem ý tứ người Việt ta thế nào. Nếu làm được việc gì ích lợi cho nước và để cho dân đỡ khổ, thì ta cố làm cho trọn nghĩa-vụ của mình, nếu không thì lương-tâm ta cũng yên, vì đã cố hết sức mà không làm được8.
Tôi về đây hôm 6 tháng hai tây9, không gặp ông D’argenlieu, vì ông ấy sắp về Pháp. Ông ấy cho người bảo tôi chờ ông ấy sang sẽ nói chuyện. Tôi có gặp mấy người có chủ nhiệm về việc chính trị, nói chuyện thì tử-tế lắm và đồng ý hết cả. Nhưng xét ra họ nói một đường, làm một nẻo, toàn là những việc mưu-mô lừa dối cả. Lúc đầu tôi có xin cho tôi dược gặp ông, ông Hiền10 và Khiêm11, họ hứa sẽ cho vào ngay, nhưng mãi chẳng thấy ai vào. Tôi biết ý [tr1] cũng không hỏi nữa.
Tôi xem việc người Pháp làm, không thấy gì là chân thực. Họ thấy tôi giữ cái thái-độ khảng khái không chịu để họ lợi dụng, họ phao ra rằng tôi nhu-nhược và đa nghi không làm được việc. Họ cho những người Nam thân tín của họ đến nói muốn gặp tôi, tôi từ chối không gặp ai cả. Cũng vì thế tôi không muốn gặp ông Giáo. Tôi có nói với người Pháp rằng : Tôi về đây, là tin ở lời hứa hẹn của ông Cousseau là đại biểu của Thượng xứ Pháp, nay công việc không xong, thì cho tôi trả ra để bảo cho Ngài biết. Họ nói : Việc ấy cố nhiên rồi, nhưng ông hãy thong-thả chờ ít lâu. Họ nói thế, nhưng tôi biết là họ không cho tôi ra với Ngài, và họ lại cho người khác nói chuyện với Ngài12.
Dù sao, tôi cũng không ân-hận vì việc tôi về đây. Có về đây mới biêt rõ sự thực. Biết rõ sự thực thì cái bụng tôi yên không áy náy như khi ở ngoài kia. Bây giờ tôi nhất định không làm gì cả. Nếu thời cục yên-ổn thì tôi về ngoài Bắc, néu không tì xoay xở ở tạm trong này, chờ khi khác sẽ liệu.
Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng-nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái-quốc, nhưng cái lòng ái-quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa-vị và quyền-lợi, thành ra tranh dành nhau, nghi-kỵ nhau rồi lăng-mã lẫn nhau. Tôi về đây chỉ gặp Thảo13, Hoè14 và Sâm15. Tôi bảo Sâm nên tìm cách đoàn kết nhau thành khối, thì mới có thể đối phó với người ta được. Sâm cũng cho ý kiến ấy là phải. Song một độ thấy bẵng đi, không đến gặp tôi, rồi bất thình-lình xuất hiện ra Mặt trận quốc gia16, mà không cho tôi biết. Mãi mấy hôm nay mới đến nói rằng vì sự đi lại khó khăn, nên không kịp nói cho tôi biết việc ấy. Tôi bảo hắn rằng : Việc ông làm đó, là việc nên làm, nhưng trước hết phải xếp đặt cho chu-đáo, phải có đủ các cơ-quan tuyên truyền và bênh-vực việc làm của mình. Nhất là phải giao-thông với Mặt trận kháng chiến17, họ [tr2] có đồng ý, thì việc ông làm hoạ may mới có hiệu-quả. Nay việc chưa xếp đặt ra gì cả mà ông đã vội-vàng xướng xuất ra như thế, tôi e khó thành được. Hắn nói : Việc đã trót rồi, đã ném lao thì phải theo lao.
Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà minh thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái dịa vị bàng-quan mà thôi, thật là:
身 在 南 蕃 無 所 預
心 懐 百 憂 復 千 慮
(Thân tại Nam phiên vô sở dự,
Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.
= Thân ở cõi Nam không tham dự việc chính trị,
Lòng đã ôm trăm mối lo lắng lại thêm nghìn điều ưu lự)
Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản quá. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành-động của họ ở bên ta cũng như bọn cọng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin ở nghĩa quốc-gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc-gia để đạt cái chủ-nghĩa của họ. Lừa dối xảo-quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm.
Nay V.M. đứng vào cái địa-vị chống Pháp, tất là có cái thanh-thế rất mạnh. Nếu họ biết đổi cái thái-độ hung tàn bạo ngược đi, và tìm cách thu dụng các đảng phái khác, để lập thành một khối, không khuynh hướng hẳn về Cọng sản, thì có cơ thành công được, nhưng bảo con chó sói trở nên con cừu, thì có thể được không? Dù sao, đối với viêc nước mình, V.M phải chịu cái tiếng 功 之 首 罪 之 魁(Công chi thủ tội chi khôi = Công đứng đầu mà tội cũng đứng đầu). Đó là ý kiến riêng của tôi, còn các ông nghĩ thế nào tôi không biết.
Khi tôi ở Hương- cảng, ông Cousseau có cho tôi biết tin ông Oánh18 bị Tây giết, tôi thương ông Oánh quá, có làm bài tuyệt- cú gửi về, nhờ ông đem điếu ông ấy:
Khóc bạn Nguyễn Băng Hồ
Đất khách mơ - màng những thở - than,
Mảng tin bác bị lũ hung tàn.
Ngắn dài giọt lệ lòng thương bạn,
Căm giận quân thù đã tím gan.
Ông Oánh sinh thời là một người trung hậu ngay chính, ở đời này thật là ít có. Chẳng may vì duyên nghiệp mà phải cái nạn tai bay vạ gió. Thôi [tr3] thì cũng là một cách ông ấy trả nợ nước.
Tôi muôn nhờ ông một tí việc, khi tôi đi, tôi còn một bản đánh máy tập Vũ trụ đại quân19 gửi ông Oánh, nhờ ông thử hỏi nhà ông Oánh xem tập ấy có còn nữa không. Nếu còn, thì ông làm ơn giữ lấy cho tôi, kẻo công trình mất mấy năm trời mà mất đi, thì tiếc quá.
Nhờ ông nói với Khiêm, nhờ hắn đến qua chỗ nhà tôi ở Nhà Rượu20, xem có ai coi giữ cái nhà đã bị đốt21 đó không. Nếu có người coi, thì nhờ Khiêm thử vào trong nhà xem những sách vở có còn gì nữa, thì nhờ hắn nhặt đem về giữ lấy cho tôi. Còn cái nhà bên cạnh mà không hư hỏng lắm thì nhờ hắn xem có thể chữa sửa được không. Giá có thể chữa lại it nhiều rồi cho người ta tạm thuê để lấy tiền và cốt nhất là khi nào tôi có về được, mong còn có chỗ che sương che nắng.(Việc này không cần nữa, vì tôi đã gặp Khiêm ở đây rồi.)22
Ông có biết tin ông Bùi Kỷ23 bây giờ ở đâu không. Tôi về đây không có tin tức gì về đường nhà ông Bảng cả.
Nhà tôi và Chương24 đều có lời chúc ông bà được mạnh khoẻ. Tôi có lời thăm ông Hiền, Khiêm và Hoè và tất cả các bạn. Ông Hoè hôm ra Hà-nội có đến gặp tôi, nhưng vội quá, không viết được thư. Bây giờ ông Hoè ở đâu và làm gì?
Sau này ông có gửi thư cho tôi, nên để chờ khi nào có người chắc chắn vào đây, đưa đến cho tôi thì hơn. Không nên gửi người không được chắc chắn.
Nay kính thư
Trần Trọng Kim [tr4]
Chú thích :
1. 8/5/1947 : ngày viết thư. Một cơn gió bụi có ghi việc Cao uỷ Pháp là Bollaert ra Bắc : “ngày 8/5 mấy hôm trước khi ông Bollaert ra Bắc, ông Didier Michel hẹn đến gặp tôi”. Bức thư có lẽ được cụ Trần nhờ Didier Michel gửi hộ.
2. Ông Hãn: Chỉ Hoàng Xuân Hãn, nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục và Mỹ thuật của chính quyền Trần Trọng Kim trước Cách mạng tháng 8. Năm 1947 Hoàng Xuân Hãn còn đang ở Hà Nội.
3. Phan văn Giáo: Dược sĩ, chủ hiệu thuốc lớn ở Thanh Hoá, là nhà Tư sản nổi tiếng có tư tưởng thân Pháp. Bị bắt trong Cách mạng tháng 8, sau được thả ra. Sau năm 1945 tiến hành nhiều cuộc vận động để khôi phục chính thể quân chủ ở miền Nam.
4. Ngài : Chỉ vua Bảo Đại - Vĩnh Thuỵ, lúc này đã thoái vị. Sau được chính quyền cách mạng cử đi công cán Trung Quốc, thì ở lại không về và sang ở Hương Cảng. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd)
5. Bên ấy : Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra thì Trần Trọng Kim đang ở Huế. Bảo Đại thoái vị, ông về ở làng Tại Thế gần thôn Vĩ Dạ, đóng cửa đọc sách không ra ngoài. Đầu năm 1946 thì về Hà Nội, không tham gia việc gì nữa. Sau khi Bảo Đại đi sang Trung Quốc, rồi ở lại không về. Cuối tháng 5/1946, quân Tầu Tưởng rút dần về nước. Tháng 6/1946, Trần Trọng Kim theo một số người của Quốc Dân đảng sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Bảo Đại, và gặp nhau ở Hương Cảng.
6. Cousseau : Quan cai trị, từng làm Công sứ ở nhiều tỉnh tại Bắc Kỳ, là người móc nối dàn xếp đưa Bảo Đại từ Hương Cảng về nước để thành lập chính phủ theo ý người Pháp. (Phạm Khắc Hoè. sđd)
7. D’argenlieu : Cao uỷ Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1947 thì về nước cho Bollaert sang thay. (sđd)
8. Trần Trọng Kim, sđd, tr166, 167...
9. hôm 6 tháng 2 tây : ngày Trần Trọng Kim về đến Sài Gòn. Một cơn gió bụi có ghi : “ngày 5 đến Sài Gòn, nhưng đến sáng mùng 6 mới lên bờ.”
10. ông Hiền : Luật sư Vũ Văn Hiền, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tài chính. Bị quân Pháp bắt giữ sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở Hà Nội cùng với Phạm Khắc Hoè, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xuân Chữ, ... sau được thả ra. (Phạm Khắc Hoè, sđd)
11. Khiêm : Có thể là Phạm Duy Khiêm, người cùng tham gia với Trần Trọng Kim soạn sách “Việt Nam văn phạm”.
12. Trần Trọng Kim lúc này đã không còn giá trị. Người Pháp muốn tách ông ra khỏi Bảo Đại để không thể gây ảnh hưởng, cản trở ý đồ thành lập một chính phủ theo ý muốn của người Pháp.
13. Thảo : Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), luật sư toà Thượng thẩm Sài Gòn, là một luật sư rất có uy tín, thường đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động cấp dưới, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tư pháp, Phó chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ra chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hoà bình Việt Nam, đi nhiều nước vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, Uỷ viên trung ương mặt trận tổ quốc, Đại biểu quốc hội.
14. Hoè : Phạm Khắc Hoè, giữ chức Đổng chưởng lý văn phòng Ngự tiền của vua Bảo Đại. Sau này đi theo kháng chiến, bị Thực dân Pháp bắt đưa về miền Nam dụ dỗ quay trở lại phục vụ Bảo Đại không thành, phải thả ông ra ở Hà Nội, ông tìm cách trốn khỏi thành phố lên chiến khu, có viết tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Tập hồi ký này có nhắc đến việc ngày 16/4/1947, Phạm Khắc Hoè có đến chào từ biệt Trần Trọng Kim trước khi ra Hà Nội. Thư này viết sau khi Phạm Khắc Hoè đi Hà Nội gần một tháng (8/5/1947). (Phạm Khắc Hoè, sđd)
15. Sâm : Nguyễn Văn Sâm, Chủ tịch hội ký giả Nam Kỳ. Bị Thực dân Pháp an trí ở Sóc Trăng vì những hành động chống Pháp. Năm 1945, tham gia chính quyền Trần Trọng Kim, Hội viên hội đồng dự thảo Hiến pháp. Sau được phái đi làm Khâm sứ Nam Kỳ để tiếp thu Nam Kỳ được Nhật trao trả, chưa kịp thực hiện thì cách mạng tháng 8 bùng nổ. Là người tham gia thành lập Mặt trận quốc gia Việt Nam ở miền Nam, là thủ lĩnh đảng Việt Nam quốc dân độc lập, ông bị ám sát chết cuối năm 1947. (Nguyễn Quang Thắng, sđd)
16. Mặt trận quốc gia : Ngày 17-2-1947, Nguyễn Hải Thần, ông Nguyễn Tường Tam cùng một số nhân sĩ đã tiếp xúc với Bảo Đại và đã thành lập một Mặt Trận mệnh danh là Mặt Trận Quốc Gia nhóm tại Hương Cảng gồm: Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn có mục đích lợi dụng Bảo Đại để tranh thủ độc lập nhưng Bảo Đại cũng như các nhà thực dân khác không chịu được sự "khó tính" của Mặt trận này nên đã gạt khéo Mặt trận ra ngoài và sau này, Bảo Đại về lập chính phủ chỉ có nhân viên của các nhóm tư bản và của đế quốc cộng tác mà thôi. Với những thành phần "Nam kỳ quốc" và bọn tay chân của đế quốc, Pháp tạo ra các chiêu bài độc lập, tính đánh lừa dân chúng Việt Nam nhưng đã thất bại. Nguyễn Văn Sâm chắc cũng tham gia trong mặt trận này.
17. Mặt trận kháng chiến : Chỉ Mặt trận kháng chiến của nhân dân miền Nam (?)
18. ông Oánh : Tức Nguyễn Quang Oánh (1888-1946), anh ruột Nguyễn Văn Ngọc (hiệu Ôn Như). Làm Thanh tra các trường Sơ học, Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, từng cùng Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ biên soạn sách Tiểu học Việt Nam văn phạm giáo khoa thư. Toàn quốc kháng chiến, ông bị giặc Pháp ập vào nhà bắn chết ngày 22/12/1946. (Trần Văn Giáp, sđd); Nguyễn Băng Hồ : Chỉ tên hiệu của ông Nguyễn Quang Oánh là Băng Hồ.
19. Vũ trụ đại quan : Một trong các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Kim. (Trần Văn Giáp, sđd)
20. Nhà Rượu : Trần Trọng Kim có nhà ở khu vực gần Nhà máy Rượu Hà Nội (phố Nguyễn Công Trứ). Tức là căn nhà 41 phố Hàng Chuối (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb.Vĩnh Sơn, S., 1969)
21. “Cái nhà của tôi ở phố nhà Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách vở của tôi, có lắm quyển rất cổ rất quý, tích trữ trong mấy chục năm, đều hoá ra tro tất cả. Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc vì Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức”. Trần Trọng Kim, sđd.
22. Tác giả tự đánh dấu, và ghi chú sang bên cạnh thư, nhắc việc này thôi vì đã nhờ được rồi.
23. Bùi Kỷ : Tức cụ Phó bảng Bùi Kỷ (1887-1960), Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, cùng Trần Trọng Kim biên soạn nhiều tác phẩm : Truyện Thuý Kiều, Việt Nam văn phạm, Nho giáo. Chủ tịch Hội văn hoá kháng chiến liên khu 3, uỷ viên Hội Liên Việt liên khu, Chủ tịch hội hữu nghị Việt- Trung. (Trần Văn Giáp, sđd)
24. Chương: Tên người, lúc đầu tôi chỉ tra cứu được 1 người tên Chương là Luật sư Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Đến hôm 9.2.2014, bài viết nhận được phản hồi từ bà Phạm Thị Lệ Hương, 1 Việt kiều Mỹ cung cấp thông tin sửa sai cho, tên Chương là tên con gái cụ Trần Trọng Kim, tức bà "Trần Thị Diệu Chương, vì trong thư Cụ Kim thường kêu các Cụ ngang tuổi là Ông… mà không nói tên trống không như thế này, vả lại Cụ viết “nhà tôi [tức là vợ của Cụ] và Chương đều có lời chúc ông bà…” thì chắc chắn phải là người trong gia đình Cụ. Con gái độc nhất của cụ tên là Trần Thị Diệu Chương, vẫn còn sống ở Pháp, năm nay cỡ 90 hay trên 90 tuổi 1 chút (ngang tuổi ông Bùi Diễm là con trai Cụ Bảng Bùi Kỷ là first cousin của bà Trần Diệu Chương, vì Cụ Bùi Kỷ là anh của Cụ bà Trần Trọng Kim).] Sở dĩ tôi dám quả quyết như thế này là vì tôi là người trong họ của Cụ bà Trần Trọng Kim, nên tôi đọc thư của Cụ Kim viết cho Cụ Hoàng Xuân Hãn tôi hiểu như thế. Tôi có hỏi thêm những người trong họ thì mấy nguời đó cũng nghĩ như tôi viết cho anh ở trên." (trích thư phản hồi của bà Phạm). Tôi xin sửa lại chú thích này theo ý kiến phản hồi của bà Phạm và xin trân trọng cám ơn bà.
Thư mục tham khảo
1.Lệ thần - Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, S,. 1969
2. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, H,.1986
3. Nguyễn Quang Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. S,.1982
4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Hán Nôm II. H.,1987
5. La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn. Nxb GD, H,. 1998 (2t)
Phụ lục ảnh nguyên văn
Được đăng bởi vào lúc
Sửa bởi pth77: 20/08/2014 - 11:45
Thanked by 5 Members:
|
|
#1743
Gửi vào 20/08/2014 - 15:30
Một dạng đặc biệt của virut Ebola đã được tìm thấy ở lợn. Đây là lần đầu tiên căn bệnh nguy hiểm này được tìm thấy ở vật nuôi.
Ebola được tìm thấy ở lợn, tính mạng con người đang bị đe dọa
Theo báo cáo trong một tạp chí khoa học của Philippines, Reston Ebolavirus (Rebov) trước đây chỉ được tìm thấy ở khỉ và con người nhưng gần đây nó đã được phát hiện ở lợn. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về mặt lý thuyết rất có thể virut này đột biến ở lợn thành một dạng có thể lây bệnh cho con người. Philippines đã kiểm tra 141 người nghi mắc Ebola và sáu người trong số họ có thể đã làm việc ở các trang trại lợn hoặc tiếp xúc với các sản phẩm từ lợn. Điều này có nghĩa rất có thể họ đã bị nhiễm virut này từ lợn trong một khoảng thời gian nào đó. Tuy nhiên, rất may mắn cả người đều không cho thấy dấu hiệu phát tán của virut này.
Rebov là một chủng thuộc virut Ebola và thường thấy trong các loại động vật thuộc loài linh trưởng. Virut này có thể gây sốt huyết do virus dẫn đến đông máu và có thể gây tử vong. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, kiểm tra máu và mẫu mô được lấy từ lợn bị bệnh nhiễm trùng hô hấp nặng ở Philippines và thấy chúng bị nhiễm các chủng khác nhau của Virut Ebola. Điều này cho thấy, rất có thể trước khi phát hiện Virut Ebola ở khỉ từ Philippines sang Hoa Kỳ thì loại virut này đã xuất hiện ở lợn.
Sửa bởi vietnamconcrete: 20/08/2014 - 15:30
Thanked by 2 Members:
|
|
#1744
Gửi vào 20/08/2014 - 19:22
Cuối tháng 7, giữa cái nắng gay gắt của những ngày cuối hè, trong vai người đi xin việc, phóng viên NTNN đã rải… 20 bộ hồ sơ tới các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được con đường để được tuyển làm công nhân lại gian nan đến thế.
LTS: Bộ LĐTBXH mới đây công bố 172.000 cử nhân thất nghiệp. Đó là chưa tính con số cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng để đi làm công nhân. Đa số cử nhân đi làm công nhân là con em nông dân, không thể cạnh tranh bằng ngoại ngữ, kinh nghiệm trong ngành mà họ học; cũng không có “mối quan hệ” để thi làm công chức. Thực trạng này gây ra hệ lụy là lãng phí nguồn lực đầu tư (khoảng 200 triệu đồng/4 năm học); bị khinh rẻ bởi chính các công nhân; và lãng phí nhân lực cho xã hội... Phóng viên NTNN đã thâm nhập cuộc sống của các công nhân - cử nhân này để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Quy trình “lọc” cử nhân
Tại 2 cổng A và B của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có 2 bảng tin to đùng, lúc nào cũng dán kín các thông báo tuyển dụng. 12 giờ trưa 26.5, xung quanh 2 bảng tin này vẫn còn hàng trăm thanh niên đang chen chúc xem các thông báo. Phần lớn thông tin tuyển dụng đưa ra tiêu chuẩn như: Dưới 28 tuổi, chưa kết hôn. Một số còn nhấn mạnh không tuyển lao động có bằng đại học (ĐH), hoặc “chỉ nhận hồ sơ của ứng viên đúng trình độ”, yêu cầu lao động không đủ điều kiện, không nộp hồ sơ.
Sau khoảng 2 giờ đọc đến hoa cả mắt các thông báo trên bảng tuyển dụng tại cổng khu công nghiệp, tôi bắt đầu hành trình đi rải hồ sơ. Nơi tôi tìm đến đầu tiên là Công ty Hoya Glass Disk Vietnam (Lô J3 + J4 Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh).
Dù không ghi rõ là không nhận cử nhân nhưng ngay từ vòng tiếp nhận hồ sơ (gửi ở phòng bảo vệ), nhân viên bảo vệ đã làm bước “sàng lọc” khi đưa ra câu hỏi đầy thăm dò: “Cháu tốt nghiệp trường nào ra?”. Khi tôi nói học hết cấp III thôi thì ông mới nhận tập hồ sơ và đưa tôi một tờ giấy hẹn 5 ngày sau quay lại để phỏng vấn.
Sáng 31.7, theo lịch hẹn tôi tìm đến Công ty Hoya Glass Disk Vietnam. Đây là công ty 100% vốn của Nhật sản xuất trong lĩnh vực thủy tinh. Tham gia tuyển dụng đợt này có tới gần 500 lao động. Đa phần đều là nữ, tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết đều dưới 30. Sau một hồi phổ biến nội quy, chúng tôi được xếp hàng chờ gọi để nhà tuyển dụng… xem người và phỏng vấn. Lao động nào quá thấp bé, hoặc trông quá ăn chơi sẽ bị loại ngay từ vòng này.
Phỏng vấn trước tôi là Nguyễn Ngọc Mai (SN 1991, quê ở Đông Anh). Mai tỏ ra khá căng thẳng khi trả lời các câu hỏi. Tưởng đâu Mai đã trúng tuyển, nhưng bất chợt người tuyển dụng phát hiện cô tốt nghiệp ĐH Thương mại nên loại ngay. Nghĩ cảnh cả chục lần đi nộp hồ sơ không thành, phải ăn nhờ ở đậu phòng bạn cả tháng trời, Mai bật khóc, năn nỉ mà không được.
Người phỏng vấn tôi là cán bộ nhân sự tên M yêu cầu tôi giới thiệu về gia đình và bắt đầu kiểm tra hồ sơ.
- Em học ĐH ra à?
- Không ạ, em chỉ học phổ thông thôi.
- Em không cần nói dối, em không nói thì các chị cũng có nghiệp vụ để biết là em tốt nghiệp ĐH.
XEM THÊM:
- (PV e ngại) Vâng, em học ĐH Sư phạm ra nhưng vì nhà nghèo quá không có tiền xin việc, nên em phải đi làm công nhân.- Em học cao thế có làm ở đây lương cũng chỉ như các bạn không học gì thôi.
- Nhưng em chấp nhận mà chị. Chị giúp em với.
- Không được đâu em. Em tìm công việc khác phù hợp hơn mà làm.
Kiên nhẫn đợi tới cuối ngày, tôi được biết trong số gần 500 người cùng dự tuyển với mình hôm đó, có tới hơn 1 nửa bị loại vì “tội” có bằng cử nhân. Tuy nhiên, một nửa số qua được “quy trình loại cử nhân” cũng không ít người là cử nhân nhưng giấu được thân phận.
Tìm kiếm “bàn tay chai”
Tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), không khí tuyển dụng lúc nào cũng sôi động. Tuy khu công nghiệp này chỉ có hai nhà máy chuyên sản xuất giày da là Hong Fu và Hồng Mỹ, nhưng năm nào cũng có hàng chục đợt tuyển công nhân.
Sáng 23.7, trong vai lao động đi tìm việc, tôi ôm hồ sơ tới khu nhà ăn của khu công nghiệp này để dự tuyển và qua được vòng sơ tuyển nhờ khai là lao động phổ thông.
Ngày 25.7, tôi cùng hơn 200 thanh niên nữa được tiếp nhận vào làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi phải qua một vòng kiểm tra lạ lùng: Kiểm tra bàn tay chai!
Sau 3 giờ chờ đợi, chúng tôi mới được gặp ông Giám đốc bộ phận Kiểm hàng người Đài Loan tên Phú Lì (tên công nhân ở đây thường gọi). Ông này nổi tiếng là người khó tính. Vừa bước chân vào phòng, yêu cầu chúng tôi đứng xếp hàng theo đúng vạch kẻ trước bàn, sau đó ông ta quay sang nói với nữ phiên dịch tên Sang, yêu cầu từng lao động đưa tay cho ông ta kiểm tra. Ông ta lần lượt cầm bàn tay của 2 lao động kiểm tra chai tay và ký vào biên bản nhận người. Đến lượt tôi, ông ta thận trọng mở hồ sơ rồi nắm lấy tay tôi sờ qua sờ lại, ấn vào lòng bàn tay và lắc đầu lia lịa.
“Ông ta nói tay chị không có vết chai tay. Không có chai tay nghĩa là chị lười, không chăm làm việc” - Sang nhìn tôi nói.
Lo ngại bị loại, tôi liên tục khẳng định là có vết chai tay, trên tay còn có vết sẹo thì ông ta cầm tay, soi lại và cho rằng đó chẳng qua chỉ là vết sẹo hồi bé và có ý không muốn nhận. Mãi sau khi nhận thấy bộ mặt buồn bã của tôi, cùng với sự nài nỉ của 2 cô phiên dịch rằng: “Có chai tay mà, nhận người này đi” thì ông Phú Lì mới đồng ý ký vào biên bản nhận người.
Cách 4 dãy ghế là bàn tuyển dụng của Công ty Giày Hồng Mỹ. Mặc dù ra đời sau nhưng công ty này hiện đang được rất nhiều cử nhân, lao động phổ thông nộp hồ sơ bởi... thời gian tăng ca nhiều, lương cao hơn hẳn. 4/5 chàng trai ứng tuyển vị trí công nhân ngồi cạnh tôi lúc ấy đều đã tốt nghiệp ĐH. Cường (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) từng học chuyên ngành Marketing của Trường ĐH Thương mại, sau 2 năm bám trụ ở Hà Nội đã phải “đầu hàng” về quê xin việc.
“Cực chẳng đã thì mới phải về quê làm công nhân như thế này. Trước kia ở ngoài đó (Hà Nội) mình cũng từng làm đủ nghề, bán hàng cho OMO, làm nhà hàng… nhưng lương cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống” – Cường tâm sự.
Ngồi cạnh Cường là Nam (SN 1983) từng học Trường ĐH Lâm nghiệp TP.H-C-M. Nam tỏ ra khá thận trọng, rụt rè khi tiết lộ thân phận: “Mình học ĐH nhưng công việc giờ khó tìm quá. Về quê làm công nhân tuy không đúng chuyên ngành nhưng chí ít không phải thuê nhà, tiết kiệm ít tiền để còn cưới vợ”. Nói về tỷ lệ cử nhân trong số đang ngồi dự tuyển, Nam đưa ra con số quả quyết: Không ít hơn 40%!
Trong số 20 bộ hồ sơ được PV NTNN chuẩn bị để “rải” ở khắp các khu công nghiệp từ Hà Nội tới Thanh Hóa có 14 hồ sơ để nguyên tình trạng (là cử nhân, có bằng ĐH), 6 bộ được thay đổi lý lịch cá nhân từ độc thân thành có gia đình, chỉ khai tốt nghiệp THPT cho phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng. Kết quả, sau một tuần vật vờ ở khu công nghiệp, 14 hồ sơ nộp kèm bằng ĐH đều đã bị loại ngay “từ vòng gửi xe”. 6 hồ sơ chỉ khai tốt nghiệp THPT thì được nhận nhưng có tới 4 công ty phát hiện “khai man” hồ sơ và loại nốt.
#1745
Gửi vào 20/08/2014 - 20:05
#1746
Gửi vào 21/08/2014 - 05:01
Huy Đức
Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài “nhậm chức” dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.
Định xếp trang báo lại coi như nó chẳng liên can gì tới mình, nhưng anh bạn café cùng bàn thở dài, “sợ đến cuối nhiệm kỳ, tô phở tăng giá lên mấy trăm”! Nhớ cái Tết 2006, mấy tháng trước khi ông nhậm chức, tô phở 15.000 đồng đã bị báo chí la làng. Bây giờ tô phở cùng loại đã là 50.000 đồng. Khi ông lên, ký thịt gà loại thả vườn cũng chỉ mới 28.000 đồng, ký heo nạc mới 38.000 đồng… Như tôi đã từng phân tích, do những chính sách về tài chính, ngân hàng của ông mà khủng khoảng kinh tế của Việt Nam xảy ra từ tháng 3-2008 trong khi, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu có ảnh hưởng cũng chỉ có thể lan tới Việt Nam sớm nhất là tháng 12-2008.
Đầu năm 1998, sau cuộc phỏng vấn một nhà lãnh đạo, biết ông đang vui, tôi hỏi: “Anh vừa đi Yên Tử về có thấy những cục đá xung quanh chùa Đồng đầy những tên tuổi của Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo…?”. Thấy ông chưa thực sự hiểu câu hỏi của mình, tôi tiếp: “Những kẻ, cho dù thuộc hàng chăn trâu cắt cỏ như Chắt, như Tèo, khi đã leo lên tới đỉnh thì cũng cố đánh dấu cái nơi mình đã đặt chân lên. Cái mà một bậc nguyên thủ quốc gia mưu cầu phải là lưu danh chứ không phải là tiền bạc”. Tất nhiên, để được lịch sử ghi nhận công lao thì khó hơn chia phần trăm và nhận bao thơ.
Trong cái chính thể do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nguyễn Tấn Dũng là vị Thủ tướng có nhiều quyền lực nhất. Thời ông Phạm Văn Đồng, danh sách nội các thường chỉ được bên ông Lê Đức Thọ chuyển sang không lâu trước khi ông đọc trước Quốc hội. Ông Đồng là người trọng chữ nghĩa, nên ông thường yêu cầu bên ông Thọ cho ông thời gian để sửa những câu trong tờ trình bị viết sai chính tả, ngữ pháp. Ông Đồng thừa nhận ông Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng làm được nhiều việc nhất.
Thời ông Kiệt, tuy không có “tam quyền phân lập” nhưng lại có “tam nhân phân quyền”. Ông Kiệt cũng chịu chế ước rất nhiều bởi những người đồng nhiệm như Lê Đức Anh, Đỗ Mười. Khi ông Kiệt đang đẩy nhanh tiến độ công trình đường điện 500 kv, tư lệnh công trình của ông, Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bị xử tù 3 năm. Năm 1995, ông Kiệt viết thư yêu cầu cải cách chính trị, liền sau đó, ông Nguyễn Trung, trợ lý của ông, người chấp bút “thư gửi Bộ Chính trị” đã bị áp lực tới mức phải ra đi, còn ông Hà Sỹ Phu, người tàng trữ một bản sao bức thư, thì bị bắt.
Trong tình hình ấy, Chính phủ ông Kiệt vẫn hoàn thành một khối lượng lớn công việc, xây dựng được những bộ luật làm nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường vận hành. Và, đặc biệt, dù bị cản trở rất nhiều, vẫn đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ với EU và với những quốc gia một thời bị coi là kẻ thù như Đại Hàn, như Mỹ… Người kế vị ông, ông Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, người ta sốt ruột bởi nhịp độ cải cách chậm đi so với người tiền nhiệm. Nhưng, như ông Kiệt nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Ông Khải không có những tuyên bố làm nức lòng dân bởi ông không phải là một nhà chính trị. Nhưng nhờ là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.
Gần như toàn bộ các thiết chế pháp lý mà nền kinh tế đang vận hành đều được hình thành dưới thời ông Kiệt và được tiếp tục hoàn thiện hơn dưới thời ông Khải. Đặc biệt, chính phủ ông Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con. Chính quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng hoàn thành những vòng đàm phán gay go nhất trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, để lại cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một nền kinh tế đang tăng trưởng trên 8%, lạm phát chỉ hơn 6% và một Việt Nam có vị thế khá cao trên trường quốc tế.
Thật khó để gạch ra vài đầu dòng để nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng có thể là cơ hội bắt đầu để ông tiếp tục nắm quyền với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước.
Chính trị là “nghệ thuật của những điều có thể”. Có rất nhiều điều chúng ta muốn làm cho đất nước nhưng chúng ta không có quyền. Có rất nhiều điều có thể ông Dũng cũng muốn làm, nhưng thế và lực cũng không cho phép. Với năng lực của cá nhân Thủ tướng và đội ngũ cố vấn hiện thời, Chính phủ chưa nên ban hành chính sách gì mới. Việc đầu tiên, trong phạm vi quyền Hiến định của mình, Chính phủ nên sắp xếp lại các cơ quan chính phủ theo hướng tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.
Năm 2006, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một trạng thái tinh thần lãng mạn, đã lập ra một nhóm nghiên cứu giúp ông Nguyễn Thiện Nhân cải cách giáo dục. Khi đó, tôi đề nghị, ông Nhân thay vì đưa ra chính sách, trước hết phải sắp xếp lại bộ máy của Bộ Giáo dục theo hướng: lập các vụ, chỉ tham mưu chính sách cho bộ trưởng; lập các cục, chỉ thi hành hành chính công vụ. Không thể đòi hỏi các vụ của ông giảm bớt các thủ tục và thôi can thiệp vào công việc của các nhà trường khi chính họ là người hưởng lợi từ việc duy trì những thủ tục không cần thiết ấy. Nhưng, thay vì thao tác như một bộ trưởng ông Nhân đã làm phong trào “hai không” như một cán bộ đoàn.
Khi đã tách bạch hai chức năng này thì chỉ rất ít bộ còn các cục vì chức năng hành chính công vụ sẽ được giao cho địa phương. Bộ trưởng chỉ làm vai trò chủ yếu là hành pháp chính trị. Mỗi bộ có thể sẽ có một ông thứ trưởng chuyên nghiệp, một nhà kỹ trị đúng nghĩa, trông coi phần hành chánh công vụ thuộc ngành mình và chỉ ra tay khi có một cấp nào đó hiểu sai chính sách và chỉ hướng dẫn lại để các địa phương hiểu đúng về thủ tục và chính sách.
Tách bạch như vậy, chính phủ chỉ còn quan tâm tới việc hình thành những hành lang pháp lý sao cho người dân dễ thở, kinh tế phát triển: sáp nhập Thủ đô thì không nghĩ đến các dự án đất đai của đàn em; bãi bỏ thi cử thì không sợ mất khoản phần trăm từ việc in ấn đề thi… Những người chạy chức bộ trưởng sẽ không dám bỏ tiền triệu ra vì mai mốt không thể bán giấy phép mà thu hồi vốn. Và, Hà Nội đất chật sẽ không còn tấp nập xe cộ vào những khi lễ, tết vì chẳng ai còn có nhu cầu biếu quà.
Việc thứ hai, nhân sửa đổi Hiến pháp, nên áp dụng chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Đây là một vấn đề mà khi soạn thảo Hiến pháp 1992, Chính phủ Võ Văn Kiệt đã muốn làm nhưng điều kiện chính trị chưa chín muồi như bây giờ. Chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ mới được đưa vào Hiến pháp 1980 trong một hoàn cảnh mà ngay chính những người soạn thảo cũng không hiểu hết hệ lụy của nó. Khi trình dự thảo hiến pháp 1980, Chủ tịch Ủy Ban sửa đổi Hiến pháp Trường Chinh đề nghị áp dụng 5 hình thức sở hữu đối với đất đai. Nhưng, khi họp Trung ương, Tổng Bí thư Lê Duẩn có một bài phát biểu riêng về việc lấy tư tưởng “làm chủ tập thể” làm trung tâm. Sau khi phân tích “đạo lý của việc áp dụng phương thức sở hữu toàn dân đối với đất đai”, ông Lê Duẩn cho rằng tinh thần của Hiến pháp 1980 phải dựa trên ba yếu tố: làm chủ tập thể, chuyên chính vô sản và sở hữu toàn dân. Cả chuyên chính vô sản và làm chủ tập thể đã gãy và cái kiềng ba chân ấy chỉ còn cái chân sở hữu toàn dân cà nhắc.
Không chỉ lỗi thời về mặt lý luận, việc không tách bạch các hình thức sở hữu đất công, đất tư đã dẫn đến sự lúng túng trong việc ban hành các chính sách liên quan đến thuế và thu tiền sử dụng đất. Việc các chính quyền địa phương bị thao túng bởi các doanh nghiệp, tiếp tay cho họ cướp đất, đang là mầm mống của những vụ gây bất ổn về chính trị. Có lẽ chính quyền cũng nên biết xấu hổ khi người dân ở các vùng đất chống Mỹ như Bến Tre, Long An… giờ đây khi bị mất đất thay vì cậy đến chính quyền mà họ đã đổ máu để lập nên đã phải khăn gói đến cầu xin trợ giúp trước các cơ quan ngoại giao của Mỹ.
Có một việc mà cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều chưa làm được là cải cách khu vực kinh tế nhà nước, tiến tới dẹp bỏ kinh tế quốc doanh. Nhu cầu để quốc doanh “chết” xuất hiện từ cuối năm 1989 khi Chính phủ Đỗ Mười chống lạm phát thành công bằng cách áp dụng lãi suất tín dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường và buộc các doanh nghiệp phải tự hạch toán kinh doanh. Chính sách này đã làm cho nền kinh tế mạnh lên nhưng đồng thời đã đặt các doanh nghiệp quốc doanh trước nguy cơ phá sản. Ông Mười bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phê phán đã định quay lại chính sách bao cấp nhưng, trước sự can gián của những nhà cố vấn dũng cảm như Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Lê Đức Thúy, Nguyễn Văn Nam… ông đã chỉ lùi một bước: ném cái phao tín dụng để cứu quốc doanh. Kinh tế quốc doanh vì thế đã tiếp tục được bú bầu sữa từ độc quyền khai thác tài nguyên, độc quyền các thương quyền, đến được ưu đãi hơn về tín dụng.
Việt Nam, xét về bản chất, không còn là một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc gia độc đảng. Trong thâm sâu, những người đồng nhiệm của ông Dũng không còn coi ý thức hệ là kim chỉ nam cho dù độc đảng vẫn là lẽ sinh tồn của họ. Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông không vì niềm tin mà vì đấy là công cụ tấn công mà không ai dám cãi. Nhưng, với tư cách Thủ tướng, ông Dũng có thể thuyết phục các đồng chí của mình: Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thay vì lấy quốc doanh là chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo.
Năm 2005, năm trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, khu vực quốc doanh tuy nắm 54,9% tổng số vốn sản xuất kinh doanh, 51% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ tạo ra 38,8% doanh thu; Trong khi khu vực tư nhân chỉ chiếm 25% vốn sản xuất kinh doanh, 20,6% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chánh dài hạn nhưng đã tạo ra mức doanh thu chiếm 39,5%. Thế nhưng, năm 2006, thành phần kinh doanh kém hiệu quả này vẫn được ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước và 70% vốn vay từ nước ngoài. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia lại làm ra tiền ít nhất.
Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như “Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo”, đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được.
Viết đến đây thì nhận được tin tòa y án đối với Cù Huy Hà Vũ. Như vậy, không chỉ những người giúp việc viết diễn văn, các cố vấn chính trị của Thủ tướng cũng vẫn mang những tư duy rất cũ. Tiểu khí vẫn bị đánh thức. Thay vì, sau những nỗ lực sinh tử để thâu tóm quyền hành, bậc anh hùng phải bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách mở lòng đại xá. Hy vọng, sau khi Quốc hội phê chuẩn nội các, Thủ tướng sẽ có những người giúp việc hiểu được vai trò lịch sử của ông hơn.
nguồn: facebook tác giả.
Sửa bởi pth77: 21/08/2014 - 05:02
Thanked by 2 Members:
|
|
#1747
Gửi vào 21/08/2014 - 06:27
Thứ Năm, ngày 21/8/2014 - 02:45
- Zini
- Twitter
- Google Plus
Cả tuần qua, người dân thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) xôn xao bàn tán về việc hai lãnh đạo của Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ của tỉnh này đánh nhau trong quán nhậu ngay trong giờ hành chính khiến một vị phải vào bệnh viện khâu vết thương. Người dân đồn đoán, thêu dệt nhiều chi tiết và tếu táo là “ông ngoại, ông nội” đánh nhau.
Từ mâu thuẫn nhỏ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 14 giờ ngày 12-8 (thứ Ba), sau khi kết thúc một lớp học dành cho chuyên viên chính, ông C. (Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước) và ông K. (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ) có tiếp khách tại nhà hàng karaoke Bóng Trăng (đường Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài). Trong buổi nhậu, hai người có lời qua tiếng lại và xô xát. Hậu quả ông C. phải đi bệnh viện may nhiều mũi ở vùng tai, đầu.
Một nhân viên làm việc tại karaoke Bóng Trăng cho biết hơn 14 giờ ngày 12-8 xảy ra sự việc, người này đứng ở ngoài phòng karaoke và nghe có tiếng la trong phòng. Sau đó một số người ăn mặc rất lịch sự đưa một người bị chảy máu ở vùng đầu ra khỏi quán lên xe đi cấp cứu.
Quán karaoke Bóng Trăng nơi hai phó giám đốc sở xô xát gây thương tích. Ảnh: NĐ
Chúng tôi đã liên hệ với cơ quan ông K. và ông C., gọi điện thoại… xin gặp để trao đổi về sự vụ trên nhưng không thành.
Trong ngày 20-8, chúng tôi tiếp tục đến hai cơ quan của hai vị lãnh đạo trên xin gặp người đứng đầu cơ quan nhưng họ đều bận họp. Đến chiều tối cùng ngày, ông Vũ Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - người phát ngôn sở này thông tin cho chúng tôi: “Vụ việc chỉ là xích mích nhỏ trong lời nói dẫn đến xô xát, hai cán bộ này đã xin lỗi nhau rồi. Đây chỉ là chuyện cãi nhau do có hơi men mà thôi. Sở Nội vụ sẽ tham mưu hình thức xử lý sau. Còn việc nhậu trong giờ làm việc, ông C. được lãnh đạo Sở Nội vụ cử đi tiếp khách chứ không phải ăn nhậu tùy tiện trong giờ hành chính”.
Tỉnh yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm
Chiều 20-8, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước thông tin: Qua xác minh và báo cáo của lãnh đạo hai sở Nội vụ và Ngoại vụ, việc xô xát và ông C. của Sở Nội vụ bị thương là có. Báo cáo nêu nguyên nhân việc xô xát là do ông K. cầm ly bia đi mời một số người nhưng không mời ông C. nên nói qua nói lại. Sau khi khách về, ông K. cầm ly bia hắt vào người ông C. rồi dùng ly đánh ông C. làm ông này bị thương ở vùng tai, may nhiều mũi. “Ngay trong ngày 20-8, chủ tịch UBND tỉnh đã họp đột xuất, yêu cầu lãnh đạo Sở Nội vụ, Ngoại vụ báo cáo vụ việc. Lãnh đạo hai sở cho biết là hai ông C. và K. đã xin lỗi nhau và nhìn nhận do say nên có lời lẽ, hành động không đúng chứ không như dư luận đồn thổi”.
#1748
Gửi vào 21/08/2014 - 08:41
pth77, on 21/08/2014 - 05:01, said:
Chính trị chính em gì đó VN không dám bàn, chỉ nhớ trong cuốn "Chiến tranh tiền tệ" tác giả có nói một câu đại loại thế này: "buổi sáng mai tỉnh dậy, dân chúng vẫn hồn nhiên không biết người ta đã cướp của họ bao nhiêu tiền" - nghĩa là giá trị vật chất trong tay họ đã bị hao hụt đi qua các công cụ quản lý của ngân hàng, tiền tệ. Cứ nhìn vật giá tăng vùn vụt thì biết, cách đây mấy năm chúng ta bỏ bao nhiêu tiền ra cho một bữa ăn, bây giờ phải chi bao nhiêu cho một bữa ăn là đủ thấy....
Cái đó gọi là ăn cướp có trình độ.
#1749
Gửi vào 21/08/2014 - 09:04
Andrew, on 21/08/2014 - 06:27, said:
Điều này cho thấy cán bộ công chức nhà nước không phải nhu nhược như người dân tưởng. Dân đừng tưởng chỉ có giang hồ du thủ du thực mới biết đánh đánh giết giết - mà quan chức tuy không có việc gì làm (buổi trưa đi nhậu) nhưng lại rất có tinh thần mã thượng.
#1750
Gửi vào 21/08/2014 - 09:19
Vì sao trùm xã hội đen Minh ‘Sâm’ còn nguy hiểm hơn cả Năm Cam?
Minh “Sâm” đã thành công khi “tẩy rửa” sạch sẽ quá khứ của mình và đường hoàng đội lốt “doanh nhân” thành đạt.
Minh ‘Sâm’ còn nguy hiểm hơn cả Năm Cam?
Minh “Sâm” chính là cái tên gây chấn động dư luận thời điểm gần đây. Kể từ sau khi bị lột mặt nạ doanh nhân thành đạt, Minh “Sâm” đã lộ nguyên hình một ông trùm nguy hiểm và đầy thủ đoạn. Vụ việc Minh “Sâm” bị bắt giữ và đang phải đối diện với hàng loạt tội danh nghiêm trọng không chỉ khiến dư luận xôn xao mà còn khiến giới “hắc đạo” miền Bắc rúng động. Ảnh hưởng của Minh đối với giới giang hồ phía Bắc không quá lớn, tuy nhiên danh tiếng của Minh lại luôn như “sấm bên tai” của nhiều gã giang hồ và việc “thần tượng” bị hạ bệ đã mang tới cho thế giới ngầm những dư chấn không hề nhỏ.
Minh “Sâm” còn nguy hiểm hơn cả Năm Cam!
Nếu nói về “uy tín giang hồ”, tên tuổi cũng như mức ảnh hưởng tới thế giới ngầm, Minh “Sâm” hoàn toàn không có cửa nào khi đứng cạnh ông trùm quá cố Năm Cam. Chưa nói tới chuyện đất Kinh Bắc quá nhỏ bé so với mảnh đất Sài Gòn phồn hoa và màu mỡ, thứ duy nhất mà Minh “sâm” có thể vượt mặt ông trùm Năm Cam có lẽ chỉ là vấn đề tài chính. Còn lại, từ quan hệ giang hồ, những “cột trụ” chống lưng phía sau hay dàn sát thủ sẵn sàng đâm chém theo mệnh lệnh, Năm Cam mới xứng danh là “ông trùm” thứ thiệt của thế giới ngầm.
Tuy nhiên, theo cách nghĩ của những người trong ngành và cả người “trong nghề”, Minh “Sâm” thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Năm Cam và nếu như không bị bắt giữ sớm, không ai biết được ông trùm đất Kinh Bắc sẽ còn tung hoành ngang dọc và mang lại những mối nguy hại như thế nào đối với xã hội. Riêng về sự ảnh hưởng đối với đời sống người dân lương thiện, Minh “Sâm” có lẽ đã vượt mặt Năm Cam từ lâu, với hàng loạt những vụ việc nghiêm trọng và “quyền lực” đã được xác định một cách âm thầm nhưng đầy sức mạnh!
Danh tiếng giang hồ – con dao hai lưỡi
Sự “nổi tiếng” trong thế giới ngầm chỉ là niềm mơ ước của những gã giang hồ cắc ké. Còn đối với những ông trùm thực sự, tiếng tăm trong giang hồ đôi khi lại chính là vật cản đường tiến thân của chúng. Nếu như nhìn vào những bước đường sự nghiệp của các ông trùm, dễ dàng nhận thấy họ đều có rất nhiều những điểm chung: Tạo dựng tên tuổi bằng những phi vụ tội ác, thu nạp đàn em và kiếm chác lợi nhuận dựa trên “danh tiếng” giang hồ và cuối cùng, lại dùng chính những đồng tiền phi pháp để tẩy rửa chính hình ảnh của mình.
Tính cho tới thời điểm bị bắt, Năm Cam vẫn chưa thể hoàn thành bước cuối cùng: Dùng tiền bạc để tẩy rửa hình ảnh của mình để biến thành một người tử tế hoặc doanh nhân thành đạt. Dù tiền của “ông trùm” không ít, những hoạt động kinh doanh cũng được triển khai rất nhiều, tuy nhiên “tên tuổi” được hình thành từ trước giải phóng của Năm Cam không phải thứ có thể tẩy rửa trong một sớm một chiều. Cái danh hiệu “ông vua thế giới ngầm” của Năm Cam giống như một con dao hai lưỡi – vừa có thể thu nạp đàn em, trấn áp đối thủ, tạo dựng chỗ đứng trong giang hồ, nhưng cũng là yếu điểm chết người của ông trùm. Nhất cử nhất động của y đều có thể nằm trong tầm ngắm của chính quyền, lực lượng bảo vệ pháp luật và dù có đội bất cứ vỏ bọc nào, cái đuôi “giang hồ kỳ cựu” của Năm Cam vẫn là thứ lộ ra ngay trước mắt người đối diện.
Ông trùm Năm Cam.
Minh “Sâm” lại hoàn toàn khác. Dù tiền án tiền sự đầy mình, nhưng Minh đã thành công khi “tẩy rửa” sạch sẽ quá khứ của mình và đường hoàng đội lốt “doanh nhân” thành đạt. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp Minh dễ dàng “tung hoành” trên thương trường và cả giang hồ, dưới vỏ bọc của một người tử tế!
Dân giang hồ thường có câu đại loại:“Không sợ bọn xăm trổ kín người, chỉ sợ mỗi bọn giang hồ sơ mi cổ cồn trắng. Không sợ bọn xách dao xách súng, chỉ ngại mỗi bọn giang hồ xách ca táp đi đường!”Nhận định ấy không phải không có lý, bởi thực tế đã chứng minh, những tên tội phạm có học thức, có vỏ bọc sạch sẽ, biết làm ăn kinh tế thường là những tên tội phạm nguy hiểm vào bậc nhất, hơn xa những gã giang hồ sát thủ chỉ biết đâm và chém!
Minh “Sâm” chính là ví dụ điển hình cho những đối tượng “giang hồ cổ cồn trắng”. Trước Minh, đã có rất nhiều “ông trùm” khác đi theo con đường này như Khánh “trắng” ở Hà Nội hay Phương “Ninh Hột” tại Quảng Ninh, tuy nhiên Minh “sâm” chính là người thành công nhất. Nhìn vào cách gã tội phạm khét tiếng ung dung lên báo, thậm chí được phỏng vấn, ghi hình trên truyền hình với tư cách một doanh nhân thành đạt, những người hiểu chuyện không khỏi giật mình trước độ dài mà chiếc vòi bạch tuộc của Minh vươn tới… Riêng về điểm này, Minh “Sâm” đã vượt mặt hầu hết các ông trùm tại Việt Nam từ trước tới nay, kể cả Năm Cam. Nếu như Năm Cam chỉ có thể vươn đôi tay của mình tới cửa sau nhà các quan chức thoái hóa, thì với vỏ bọc quá sạch sẽ của mình, Minh “sâm” đã có thể đàng hoàng bước vào cửa lớn nhà bất kì ai…
Sự nguy hiểm của giang hồ – doanh nhân thành đạt
Tới một tầm như Minh “Sâm”, tiếng tăm giang hồ chỉ là thứ … vất đi. Thay vào đó, vỏ bọc lương thiện, tử tế mới là vũ khí quan trọng và nguy hiểm nhất. Quả thật, với những trang hồ sơ đang được lật giở về Minh “Sâm”, người ta mới hình dung được phần nào sự nguy hiểm mà tấm áo “doanh nhân” của Minh “sâm” mang lại. Một ví dụ tiêu biểu chính là kỳ tích giải phóng mặt bằng trong vỏn vẹn … 2 ngày mà Minh “Sâm” đã từng làm. Nhận được hợp đồng làm con đường dài hơn 2km, chạy qua khu dân cư, làng nghề đông đúc và đất đai có giá trị cao, việc giải phóng mặt bằng là một chuyện nan giải và cực kì khó khăn đối với tất cả những đơn vị khác, trừ công ty của Minh “Sâm”. Chỉ sau 2 ngày, 100% hộ dân đã đồng ý chấp nhận tiền đền bù để di dời – điều mà chưa ai từng dám tưởng tượng ra.
Nếu không có những “sức mạnh ngầm” đằng sau, Minh “Sâm” liệu có thể làm nên “điều thần kỳ” khó tin ấy? Câu hỏi đó có lẽ chẳng cần tới câu trả lời… Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này còn có một con số đáng chú ý khác: Giá trị của bản hợp đồng lên tới 500 tỷ. Khi bị bắt, tổng số tiền liệt kê được từ hoạt động phạm pháp của Năm Cam còn chưa tới một nửa con số khổng lồ này. Nhưng, đó chỉ là một trong số rất nhiều hợp đồng mà Minh “Sâm” và công ty của mình có được!
Tới thời điểm hiện tại, dù tội danh của Minh “Sâm” còn chưa được xác định hoàn toàn, nhưng những tố cáo liên tiếp bay tới cơ quan công quyền đang cho thấy ông trùm đất Kinh Bắc đáng sợ tới mức nào. Nếu như ngày trước, những đối thủ của Năm Cam e sợ gã bởi một lý do chính: Khả năng … chơi với “chèo” của ông trùm (Chèo: Tiếng lóng chỉ lực lượng công an của giới tội phạm. Khi Năm Cam bị bắt, hàng loạt cán bộ công an cao cấp cũng đã bị xử lý, trong đó có cả cựu giám đốc công an TP.H.C.M). Tuy nhiên, những đối thủ của Minh “Sâm” có lẽ còn có nhiều mối lo sợ hơn như vậy…
Tập đoàn tội phạm đúng nghĩa
Khái niệm tập đoàn tội phạm có lẽ chỉ được ra đời sau vụ án Năm Cam. Có điều, khái niệm này trong vụ Năm Cam chỉ đúng về mặt số lượng tội phạm, chứ chưa chắc đã đúng hoàn toàn. Năm Cam tập trung vào hoạt động cờ bạc, những phi vụ phạm pháp nguy hiểm, nhưng có quy mô trung bình và thu lợi nhuận đáng kể từ những hoạt động trên. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động của Năm Cam đều phải đặt dưới sự “chở che” của các cán bộ thoái hóa, bởi tất cả chúng đều là những hành vi phi pháp.
Đối với Minh “Sâm”, khả năng hô biến những hoạt động phi pháp trở nên hợp pháp đã đạt tới một trình độ siêu việt hơn ông trùm giang hồ đất Sài Gòn. Thay vì “hốt bạc lẻ” bằng những phi vụ ngoài vòng pháp luật, Minh “Sâm” đã đặt mình vào vị trí của một “ông trời con” khi tự mình ra luật, trang bị lớp vỏ bọc hoàn hảo cho lớp “luật rừng” để luật pháp khó lòng sờ gáy. Không chỉ vậy, việc xây dựng các công ty lớn, thâu tóm hoạt động kinh doanh tại địa phương bằng đầu óc của một doanh nhân cộng với “bàn tay sắt” của giang hồ đã khiến Minh “Sâm” trở nên vô cùng nguy hiểm. Không còn là một “ông trùm”, hình ảnh của Minh “sâm” được xây dựng như một doanh nhân đích thực và những thủ đoạn giang hồ cũng nghiễm nhiên được đội lốt “chiêu thức làm ăn”. Đó mới là điểm đáng sợ nhất mà Minh “Sâm” cùng tập đoàn tội phạm của y làm được.
Thâu tóm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, thu “tiền luật” từ các xe chở nguyên liệu, thành phẩm ra vào địa bàn y cai quản, bao tiêu sản phẩm từ các hộ kinh doanh với mức giá tự mình đặt ra chỉ là một phần nhỏ trong “cách làm ăn” của Minh “Sâm”. Số tài sản hàng trăm tỷ của y đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng có một điểm chung là ít nhiều đều có sự dính dáng của những “bàn tay sắt”. Không thể phủ nhận, Minh “Sâm” sở hữu một bộ óc rất thông minh và biết tính toán, khi mà hoạt động tội phạm của y được che phủ gần như hoàn hảo bởi vỏ bọc “kinh doanh”. Không ỷ y tất cả vào quyền lực giang hồ, cũng rất hiếm khi sử dụng tới tay chân hay vũ lực, Minh “Sâm” sử dụng bộ óc của mình trong khá nhiều vấn đề và đây cũng chính là điểm khiến ông trùm đất Kinh Bắc thêm nguy hiểm.
Một cựu điều tra viên chia sẻ:“Đối với loại hình tội phạm đội lốt doanh nhân, việc bắt giữ, xử lý hoặc tìm ra bằng chứng phạm pháp của chúng là điều không đơn giản. Ngoài việc có tri thức, có kinh nghiệm, chúng còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia về luật một cách hợp pháp, khi mang tư cách pháp nhân là chủ một công ty hay doanh nghiệp. Thậm chí, có những trường hợp giang hồ đội lốt doanh nhân điều hành cả công ty luật, mọi hoạt động trước khi diễn ra đều được tư vấn chu đáo về mặt pháp luật không phải là chuyện chưa từng xảy ra.”
Chạy trời không khỏi nắng
Tuy nhiên, dù có cố gắng tẩy rửa hình ảnh, xây dựng vỏ bọc cho mình ra sao thì Minh “Sâm” cũng không thể trốn chạy sự trừng phạt từ pháp luật. Những tấm hình chụp chung với quan chức địa phương, những tấm bằng khen từ chính quyền hay thậm chí danh hiệu được nhà nước trao tặng cũng không thể làm “bia đỡ” cho những hoạt động tội ác của y. Việc bị bắt giữ và khởi tố bởi hàng loạt tội danh, trong đó có những tội danh nghiêm trọng như Giết người đang đặt một dấu chấm hết cho sự nghiệp của “ông trùm” đất Kinh Bắc.
Cũng giống như Năm Cam, Khánh “trắng” hay Phương “Ninh Hột”, kết cục của các “ông trùm” thế giới ngầm đều là nhà đá, trường bắn hoặc những nơi tương tự. Dù đã tìm đủ mọi cách để trốn chạy, tẩy rửa, đổ không biết bao nhiêu tiền bạc để tìm chỗ dựa, tuy nhiên pháp luật vẫn là một tấm lưới thưa nhưng khó lọt. Tội phạm sẽ phải trả giá bởi những hành vi của mình, dù chúng có là ai đi chăng nữa. Hi vọng, sự sụp đổ của “đế chế” Minh “Sâm” tại đất Kinh Bắc sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh tới những ai còn đang mờ mắt bởi những món lợi bất chính, hay đặt nặng sự ảo tưởng về quyền lực của những đồng tiền nhuốm bẩn…
Nguồn:
Thanked by 1 Member:
|
|
#1751
Gửi vào 21/08/2014 - 09:53
vietnamconcrete, on 21/08/2014 - 09:04, said:
Điều này cho thấy cán bộ công chức nhà nước không phải nhu nhược như người dân tưởng. Dân đừng tưởng chỉ có giang hồ du thủ du thực mới biết đánh đánh giết giết - mà quan chức tuy không có việc gì làm (buổi trưa đi nhậu) nhưng lại rất có tinh thần mã thượng.
Sửa bởi Andrew: 21/08/2014 - 09:55
#1753
Gửi vào 21/08/2014 - 10:37
KimCa, on 21/08/2014 - 10:08, said:
chắc không còn trẻ trung gì nữa
bài này là tra tấn nhẹ thôi ,những bài báo cáo lịch sử chính trị khác mới hàng dữ.
Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?
TUẤN HƯNG
Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia.
Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Giơ-ne-vơ (Geneva), khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu "tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường", "phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước". Không chỉ bằng những tuyên bố, mà qua nhiều việc làm, thành tích cụ thể trong thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của các chính phủ, và dư luận rộng rãi trên thế giới. Ngày 12-11-2013, Ðại hội đồng LHQ khóa 68 đã bầu Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184 nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Trong phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tháng 2-2014, việc Việt Nam chấp thuận hơn 80% số khuyến nghị các quốc gia đưa ra đã thể hiện quyết tâm, thiện chí thúc đẩy, hòa đồng các giá trị nhân quyền với thế giới. Bên cạnh các hoạt động này, Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau, như hội thảo chia sẻ kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, diễn ra vào tháng 6-2013 tại Quảng Ninh.
Chính vì thế, dư luận Việt Nam rất bức xúc khi thấy một số cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế, một số cá nhân và chính phủ như cố tình bỏ qua các quan điểm tích cực cùng thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, mà phê phán thiếu thiện chí, thậm chí coi nhân quyền là điều kiện để xúc tiến các quan hệ. Như ngày 30-7, Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a cùng Ðại sứ quán Hoa Kỳ, EU, nhóm G4 (Ca-na-đa, Niu Di-lân, Na Uy, Thụy Sĩ) đã tổ chức tại trụ sở Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a ở Hà Nội hội thảo "Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay". Diễn biến hội thảo cho thấy, dường như diễn giả và phần lớn ý kiến phát biểu ít phù hợp với chủ đề "thảo luận về truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, kể cả những phương tiện truyền thông mới như các blog", "xã hội dân sự có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam", mà chủ yếu phê phán thiếu thiện chí, thiếu xây dựng đối với vấn đề được đặt ra; tập trung đề cập tới việc Nhà nước Việt Nam "đàn áp tự do ngôn luận", xử phạt một số trang mạng cá nhân đã "phê bình, chỉ trích Chính phủ", xử lý người gây rối an ninh - trật tự, cho rằng cuộc sống của một vài cá nhân gặp khó khăn là do cơ quan công quyền sách nhiễu,...? Về hiện tượng này, blogger Võ Khánh Linh nhận xét: "Hội thảo có vẻ như đã vượt ra khỏi giới hạn bày tỏ sự ủng hộ với thiện chí của Nhà nước Việt Nam đối với khuyến nghị của Ô-xtrây-li-a trong việc tạo môi trường thúc đẩy tự do ngôn luận, nó dường như hướng đến việc Ô-xtrây-li-a muốn "tranh thủ" việc này để "tạo môi trường hợp pháp" từ đặc quyền ngoại giao về trụ sở của mình cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam với mục đích chống Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia được phát biểu lên án chính quyền dưới lá bài hộ mệnh về cái gọi là "tự do ngôn luận"..."!?
Lý do khiến dư luận bức xúc không chỉ do nội dung của hội thảo, mà còn do danh sách khách mời và cách thức mà nơi tổ chức bày tỏ. Vì về công khai, khách mời là dành cho quan chức chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, các NGO, các tổ chức xã hội dân sự nhưng trên thực tế, dường như họ lại dành "biệt đãi" cho một số blogger mà chính phủ, hệ thống truyền thông và người dân Việt Nam từng công khai phê phán, thậm chí có người trong số họ từng bị pháp luật xử lý vì xâm phạm tới an ninh quốc gia. Chẳng lẽ Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a và các Ðại sứ quán đã phối hợp tổ chức hội thảo lại không biết gì về một số cá nhân, hội nhóm chỉ tồn tại trên in-tơ-nét (internet) thường xuyên đề cập tới tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với kiểu đưa tin cực đoan, một chiều, rất thiếu khách quan nhằm phục vụ ý đồ chính trị xấu, đặc biệt là được sự chỉ đạo của các đảng phái, hội nhóm thù địch với Việt Nam ở nước ngoài, như "tổ chức khủng bố Việt tân", "Voice", "dân làm báo",... Những người này đã đi ngược lại lợi ích dân tộc, đưa thông tin sai lệch nhằm tác động để nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam để họ có cơ hội lật đổ thể chế chính trị, gây rối loạn đất nước.
Trước hội thảo này, một số hội thảo khác đã được tổ chức có sự tham dự của một số đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, như hội thảo "Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế" tại trụ sở EU ngày 20-5-2014, thậm chí cả cái gọi là "hội thảo Quyền tự do đi lại" do một số kẻ trong cái gọi là "nhóm Tuyên bố 258" tổ chức tại một quán cà-phê ở Hà Nội. Các hoạt động này thường không hoàn toàn hướng tới giá trị thiết thực là chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy giá trị nhân quyền như công bố, mà dường như chỉ hướng tới việc cổ súy các thành phần hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam? Bên cái gọi là hội thảo, gần đây còn thấy đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam như đang gia tăng tiếp xúc với một số phần tử chống đối. Nội dung các cuộc gặp luôn được chính các thành phần đã được "ưu ái tiếp xúc" quảng cáo rùm beng trên internet mà qua đó cho thấy, mục đích là kêu gọi một số quốc gia gây sức ép để buộc Chính phủ Việt Nam thừa nhận những tổ chức bất hợp pháp, trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật đang thi hành án, cung cấp và hỗ trợ về tinh thần, vật chất giúp mấy hội nhóm này "đấu tranh bất bạo động"! Và gặp xong là họ liền vội vã khoe khoang như thành công đáng khích lệ, cổ vũ nhau hoạt động bất chấp quy định pháp luật và sự bức xúc của dư luận, thậm chí rùm beng rằng "chế độ sắp đến ngày sụp đổ", "thời cơ cách mạng đã chín muồi"!
Theo pháp luật Việt Nam, các hội thảo do cơ quan tổ chức quốc tế tiến hành tại Việt Nam phải tuân thủ Quyết định Về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam - số 76/2010/QÐ-TTg được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 30-11-2010. Trong đó, tại khoản 3, Ðiều 3 viết rõ: "Tổ chức nước ngoài khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế phải thực hiện theo quy trình sau: a. Có kế hoạch tổ chức trình cấp có thẩm quyền nêu tại khoản 2, Ðiều 3 của Quyết định này phê duyệt. Thời hạn trình ít nhất là 20 ngày trước ngày dự kiến tổ chức. Kế hoạch tổ chức cần nêu rõ: Lý do, danh nghĩa tổ chức, mục đích của hội nghị, hội thảo; thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo; địa điểm tham quan, khảo sát (nếu có); hình thức và công nghệ tổ chức (trong trường hợp hội nghị, hội thảo trực tuyến); nội dung, chương trình làm việc và các hoạt động bên lề hội nghị, hội thảo; thành phần tham gia tổ chức: cơ quan phía nước ngoài, cơ quan phía Việt Nam, cơ quan tài trợ (nếu có); Thành phần tham dự: số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu, bao gồm cả đại biểu có quốc tịch nước ngoài và đại biểu Việt Nam.
Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, cấp có thẩm quyền lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, địa phương liên quan; ra quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo đề nghị của các tổ chức nước ngoài hoặc trình Thủ tướng Chính phủ nếu vượt quá thẩm quyền của mình. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. b. Tiến hành hội nghị, hội thảo theo đúng chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. c. Gửi báo cáo tóm tắt kết quả hội nghị, hội thảo cho cấp có thẩm quyền trong phạm vi 15 ngày kể từ khi kết thúc hội nghị, hội thảo".
Trên thực tế, cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã lên tiếng rằng, Việt Nam không hoan nghênh tổ chức hội thảo, và coi đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ. Vậy bằng việc làm đó, phải chăng một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội không chỉ không tôn trọng pháp luật Việt Nam, cố ý can thiệp vào vấn đề nội bộ, tạo điều kiện "hợp thức hóa" một số cá nhân, tổ chức đang có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, mà còn vi phạm chính nguyên tắc ngoại giao được quy định tại Ðiều 41 - Công ước Viên năm 1961, trong đó các nhân viên ngoại giao: "1. Không làm phương hại đến các quyền ưu đãi và miễn trừ của mình, tất cả những người hưởng các quyền đó có nghĩa vụ lớn trong luật lệ của Nước tiếp nhận. Họ cũng có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Nước tiếp nhận",... "3. Trụ sở của cơ quan đại diện không được đem sử dụng một cách không phù hợp với các chức năng của cơ quan đại diện đã được nêu trong Công ước này hoặc trong những quy phạm khác của công pháp quốc tế, hoặc trong những hiệp định riêng hiện hành giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận"? Trên cơ sở lợi ích quan hệ được xây dựng, vun đắp nhiều năm giữa Việt Nam với các quốc gia, mong các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nêu trên cân nhắc kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn để không tái diễn các hoạt động tương tự. Ðồng thời, hy vọng các cơ quan chức năng của Nhà nước cần có phản hồi mạnh mẽ, để cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nào đó trước khi tiến hành bất cứ hoạt động gì cũng cần phải tôn trọng pháp luật Việt Nam cũng như tôn trọng các nguyên tắc ngoại giao theo quy định quốc tế.
lối viết dài ngoằn ,không chấm câu là một cách cố ý để làm mệt ...và đưa ng khác vào nhịp đêù đều của thôi miên...
#1754
Gửi vào 21/08/2014 - 10:38
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương nói:
"Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng"
Nguồn:
Thanked by 1 Member:
|
|
#1755
Gửi vào 21/08/2014 - 10:42
ttL, on 21/08/2014 - 10:32, said:
bài này là tra tấn nhẹ thôi ,những bài báo cáo lịch sử chính trị khác mới hàng dữ.
Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?
sao lại tránh câu hỏi thế nhỉ?
đọc văn kiện để làm gì, tớ không quan tâm đến mấy cái văn kiện, nó dài dòng, mất thời gian, đọc cũng chẳng để làm gì. Tớ chỉ quan tâm kết quả thế nào. Tớ chỉ quan tâm luật doanh nghiệp, đầu tư, luật đất đai...gồm những nội dung gì.
Tớ quan tâm đến các bài nghiên cứu khoa học kinh tế thực tiễn ở VN, phân tích hiệu quả của chính sách, chiến lược phát triển kinh tế... chứ tớ không quan tâm hứa hảo của ông nào đó làm gì.
Sửa bởi KimCa: 21/08/2014 - 10:50
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối |
---|
6 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 6 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ:












