Jump to content

Advertisements




THẾ GIỚI TÂM LINH CUẢ HỔ CÁP NGÔ DUY LÂM


45 replies to this topic

#16 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 21/01/2014 - 03:38

Một buổi sáng trước ngày ấn định, mẹ tôi đã thuê xe để đem xuống nhà ông thầy tại Ngã Tư Sở: vàng mã, nhà lầu, xe hơi, bảy hình nhân thế mạng tất cả đều làm bằng giấy trông cũng đẹp lắm, nhất là những người nữ thì cũng ‘mặt hoa da phấn’ để thay thế cho những người đã chết vì bom đạn trong thời kỳ chiến tranh, để rồi ngày hôm sau, mẹ tôi và chúng tôi mới xuống nhà ông thầy.

Khi xuống đến nơi, bước chân vào nhà tôi thấy chị tôi có hơi do dự một chút. Nhìn khuôn mặt và hai con mắt của chị Phượng mới thấy được rằng gia đình người chết đã oán hận ông thầy ghê gớm lắm vì đã khoán bùa không cho lai vãng vào nhà “sau khi đã ký hòa ước” thành ra mất ăn tới mấy tuần lễ.

Tôi lại được làm thủ tục để ngồi đồng cho gia đình người chết nhập vào để tiếp nhận tặng vật mà gia đình nạn nhân đã hứa vào mấy tuần trước; lần ngồi đồng này vì đã bị khuất phục bởi tài nghệ của Thầy nên tôi cứ để đồng lên sau khi hết bài thần trú; tôi được bỏ vuông vải điều để nhìn lên tượng Đức Phật, rồi lại nhìn xuống Hoả ngục, tôi thấy “hình như” tôi không còn cảm thấy sợ hãi nhiều như lần trước.

Thủ tục tiếp nhận tặng vật được bắt đầu bằng việc “điểm chỉ trên lá bùa” do ông thầy Cả đưa ra thì tôi lại cưỡng lại và không chịu “cho lấy dấu tay” (lăn mấy ngón tay trên đạo bùa) để xác nhận có sự thỏa thuận giữa “Âm và Dương” và những linh hồn này kể từ nay không còn được xuất hiện trên dương thế để phá phách mọi người. Thế là lại một con Bạch Xà rồi cũng với hai cái roi mây lúc bấy giờ tôi mới thuận “ký Hiệp Định đình chiến” với ông thầy.

Điểm chỉ xong, đạo bùa được để lên bàn thờ Phật đồng thời ông thầy Cả đọc một bài thần trú rồi thỉnh mấy hồi chuông xong thì đốt đạo bùa, lúc này ngoài sân, vàng mã đã được “Tôi” kiểm nhận từng món một và được ông thầy Hai cho đốt cho đến khi cháy hết và chỉ còn lại một đống tro hồng; lúc đốt, ở trong Điện thờ tôi nhìn ra đống lửa và khi thấy tro sắp tàn, không hiểu sao tôi “thở dài làm như luyến tiếc lắm thì phải”.

Đúng lúc này ông thầy Cả đã mang ly nước lạnh trên bàn thờ Phật đến bên cạnh đống lửa rồi lại niệm thần trú gọi tên từng Linh hồn của người chết rồi hất ly nước lạnh vào đống tro còn đỏ hồng thì ở trong Điện thờ, tôi tự động “bật ngửa” và thế là thăng đồng, tôi lồm cồm bò dậy mà nghe mỏi hết tứ chi, đi cũng không muốn nổi, mẹ tôi và Phụng đã phải đỡ tôi lên ngồi trên ghế mất vài phút sau mới hoàn hồn.

Thế là kể từ ngày rằm tháng bảy năm 1952, ngày chị tôi bị ma nhập cho đến ngày “dứt nợ với bảy Linh hồn” thì cũng gần nửa năm. Và cũng kể từ ngày “ký hòa ước” với những người chết, chị tôi đã trở về nếp sống bình thường, cũng lập gia đình (1953) rồi sinh chín người con trai và chỉ có một cô con gái mà thôi.

Vì thời cuộc đưa đẩy, miền Nam Việt Nam bị mất vào tay Cộng Sản chị tôi đã cùng với các cháu đến định cư tại Melbourne, trong đó có hai người con trai đã cắt tóc đi tu tại Linh Sơn Tự Melbourne, đó là: Thượng tọa Thích Tịnh Đạo, Đại đức Thích Tịnh Giác; suốt ngày đêm các thầy đã đem tiếng kinh tiếng kệ để đưa những Linh hồn của những người đã khuất về “ăn mày Phật”.





Thanked by 1 Member:

#17 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 01:19

Câu chuyện thứ hai:

Xuống đến quận Châu Phú, tôi được chỉ định làm Trung đội trưởng Trung Đội 2 Công Binh và thế là đầu tháng 7/1957 tôi đã khăn gói lên đường qua kinh Vĩnh Tế để đến xã Vĩnh Ngươn nhận trung đội của tôi. Xã Vĩnh Ngươn nằm ngay trên ngã ba của kinh Vĩnh Tế và sông Châu Đốc, trên đường đến biên giới Việt Miên bằng đường thủy, và chỉ cách chỗ đóng quân của Đại úy Nguyễn Đình Cận không đầy một cây số.

Sự liên hệ giữa các vong hồn trong việc xây dựng đất nước Việt Nam.

Đang ở giáp ranh Bến Hải, nay xuống vùng giáp ranh biên giới với nước bạn Cao Miên, tôi thấy lần chuyển dịch này của tôi cũng lên đến hơn một ngàn năm trăm cây số. Trung Đội của tôi do anh Thượng sĩ Nhất Vấn đang làm trung đội trưởng, nhưng vì sự cải tổ quân đội vào những lúc này cho nên các Thượng sĩ chỉ còn được giữ chức vụ trung đội phó mà thôi.

Sau khi nhận bàn giao đơn vị xong, tôi thấy nơi đóng quân của tôi là một ngôi đình bỏ hoang của xã Vĩnh Ngươn. Đền thờ “Thần Hoàng Làng” được dọn sạch để quân nhân các cấp có gia đình cũng như còn độc thân cùng chung sống dưới một mái đình, “trống thiên trống địa” trông không ra làm sao cả.

Anh Thượng sĩ Nhất Vấn, lúc này là trung đội phó của tôi, đã thu xếp cho tôi một chỗ ngủ ở phía trước bệ thờ, bên trái là chỗ ngủ của mấy chú lính độc thân còn bên phải là chỗ của mấy quân nhân có gia đình, có mang theo vợ và con nhỏ, cho nên đến đêm tối thì đình xã Vĩnh Ngươn có một âm thanh hỗn loạn như ở những trại tạm cư khi chúng tôi trở về lại Hà Nội vào năm 1948 vậy.

Sáng ngày hôm sau, vì tình hình lúc bấy giờ không có gì là nguy hiểm nên tôi bèn ra nhà dân để thuê một gian nhà để ở trọ đồng thời cũng nhờ ông bà chủ nhà nấu cơm nước cho tôi luôn cho nó tiện; tôi đã được anh chủ nhà tên là Út Trọn, làm nghề y tá, cho ở trong nhà của anh ta và nấu cơm cho tôi hàng ngày, cho đến khi tôi hoàn tất công việc xây đồn, tôi mới chia tay với anh Út Trọn.

Yên ổn chỗ ăn và chỗ ở xong tôi mới bắt tay vào việc đi thăm địa điểm xây cất đồn, nơi mà công tác đã khởi công từ bốn tháng qua trong khi vật liệu xây cất đã được chở đến đầy đủ nhưng công việc thì hầu như chưa đuơc hoàn tất phần làm đất và làm móng cho công tác xây tường đồn.

Ra đến địa điểm xây cất, tôi thấy nơi đây là một cái gò đất nổi lên ở giữa cánh đồng lúa bát ngát, gò đất chỉ cao hơn mặt ruộng chưa tới một thước, diện tích của gò đất thì không quá 2,000 mét vuông. Phía xa xa ta có thể thấy được nhũng ngôi nhà của người Miên cách chỗ xây đồn chừng hơn một cây số, đó là những làng của người Miên được thành lập dọc theo biên giới Việt Miên từ xa xưa và lẫn trong những ngôi nhà này cũng có một đồn lính có treo cờ của Vương quốc Cao Miên.




#18 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 01:23

Xe ủi đất được đem tới đây và cũng đã ủi được một ít đất ruộng lên gò đất để đắp nền đồn cho cao thêm lên, hầu tránh cho đồn không bị chìm trong nước hàng năm vào mùa nước nổi là mùa lụt của Châu Phú khi nước sông Châu Đốc dâng lên theo mực nước của sông Cửu Long.

Một số móng của tường đồn cũng đã được đào xong nhưng cừ tràm được dùng để tăng cường sức chịu nén cho nền móng của tường đồn thì không thể nào đóng sâu được vào trong nền của móng và anh Thượng sĩ Nhất Vấn cũng không hiểu tại sao.

Việc đóng cừ được thực hiện bằng máy ép hơi có áp xuất là 210 psi (14,78 kgs/cm2) với cái vồ (cái đầm) bằng thép, cán vồ cũng bằng thép hình lục giác có đường kính chừng 5cm (2”), còn đường kính của cừ tràm khoảng 8cm ở phần gốc.

Khi coi tổng quát xong, tôi cho đóng thử mấy cây cừ tràm chỉ dài có hơn hai thước xem sao, khi đóng cừ xuống được chừng 30 phân tây thì làm như có cái gì cản lại không cho cừ đóng xuống sâu hơn nửa. Tôi bèn cho tăng sức ép của máy để tiếp tục đóng tôi thấy cây cừ run rẩy nhưng không gẫy và cũng “nhất định” không xuống sâu thêm một tấc nào.

Thế rồi trong tiếng “gầm gừ” của máy ép hơi, cán vồ bằng thép đã bị bẻ “gãy làm đôi”. Tôi cho ngưng đóng rồi thay cán vồ khác để lại tiếp tục công việc nhưng thưa quý bạn: “Cán vồ mới thay lại bị bẻ gẫy làm ba khúc”. Cán vồ chỉ dài có hơn 30 phân mà bị bẻ gẫy làm ba đoạn trong lúc cây cừ tràm lại không bị sứt mẻ chút nào thật là điều quá lạ.

Báo cáo với ông Đại đội trưởng Nguyễn Đình Cận để trình về Tiểu đoàn ở Hóc Môn xin tiếp liệu thay thế; trong khi chờ đợi, tôi cho người mang hai cái cán vồ bị gãy ra quận Châu Phú để hàn lại rồi đem về tiếp tục công việc.

Sau khi hàn xong, buổi chiều hôm đó, tôi cho khởi sự việc đóng cừ tiếp thì lần này: cừ không xuống, cán vồ không gãy nhưng cái vồ (cái đầm) có kích thước với đường kính là 20cm, bề dầy của cái vồ từ ngoài bìa vào đến giữa từ 2,5cm đến 5cm đã bị bể làm năm mảnh thế là hết làm việc. Trong lúc thu xếp dụng cụ để rút quân về đình làng Vĩnh Ngươn, tôi đi một vòng chung quanh khu đất làm đồn, tôi thấy “mấy lóng xương chân, xương tay” bị xe ủi đất cầy lên và đã bị cán bể nát ra thành từng mảnh.



#19 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 01:27

Giật mình tôi vội gọi anh Vấn và hỏi:

- Cái này là cái gì đây anh Vấn?

- Dạ thưa Trung úy, “xương người chết”.

- Ở đâu ra mà nhiều thế này? Bộ xe ủi đất của mình đào lên để đắp nền đồn có phải không?

- Dạ đúng Trung úy. Hôm trước còn đào được mấy sọ người, lớn có, bé cũng có.

- Thế mấy cái sọ người anh để ở đâu rồi?

- Dạ lấp đất luôn vì có mấy thằng lính mất dạy của Trung đội lấy sọ người đứng tiểu vào đó cho nên tôi cho chôn lại rồi.

- Thật bậy quá, sao anh không cho tôi biết khi tôi vừa mới tới nhận việc?

- Dạ tôi thấy Trung úy còn trẻ, sợ rằng Trung úy không tin nên không dám nói ra.

- Thế mấy người có tin là người ta có “linh hồn” hay không?

- Dạ tôi tin người ta khi chết đi thì linh hồn vẫn còn tồn tại mà Trung úy.

- Thế phản ứng của anh và của trung đội ra sao khi xe ủi đất ngày nào cũng cầy lên những “hài cốt của người quá cố”?

- Dạ thưa Trung úy, mấy cậu không tin và muốn phá ảnh hưởng “ma quái” nên tụi nó có ý định dùng đồ ô uế vứt tùm lum trên mặt đất, để làm khu vực này không còn trong sạch nữa thì các Linh hồn sẽ “đi chơi” chỗ khác.

- Kết quả ra sao anh kể cho tôi nghe đi.

- Da, thế rồi mấy cậu lính của trung đội cũng chẳng làm ăn gì được và bọn lính đều bị quẳng xuống ruộng nước hết, sợ quá cho nên từ đó cho đến này không một đứa nào còn dám nghĩ đến chuyện phá phách những linh hồn của người đã khuất.

- Thôi được rồi anh cho rút quân và nghỉ làm việc ba ngày để tôi tìm biện pháp đối phó và sẽ có quyết định sau.


Thanked by 1 Member:

#20 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 02:41

Khi về đến nhà của anh Út Trọn tôi hỏi anh chủ nhà về tình hình trong mùa nước nổi, những thi hài của người chết được chôn cất ở đâu và như thế nào, nghe tôi hỏi, anh Út Trọn mới kể cho tôi biết như sau:

“Hằng năm cứ vào mùa nước lụt, cánh đồng lúa nước ngập mênh mông vì nước sông Châu Đốc tràn vào đồng và chỉ còn có mỗi một cái gò đất hiện được chọn làm nơi xây cất đồn là không ngập nước mà thôi, những người già cả, hay trẻ thơ trong xã kể cả dân chúng chung quanh vùng này, nếu có ai bị chết đều được đưa lén về đây để chôn cất.

Dân làng đều biết việc này nhưng không một ai dám ngăn cản và cứ thế hết năm này sang năm khác, người chết cứ chôn đè lên nhau cho đến lúc này thì chính tôi cũng không biết đã có bao nhiêu người được chôn cất tại đây”. (Gò đất nằm phía sau nhà anh Út Trọn chừng 400 thước).

Sau khi kể cho tôi nghe đến đây, tôi cũng nói cho anh Út Trọn biết về vụ gẫy cán đầm và bể mặt đầm vừa mới xẩy ra trong ngày hôm nay, nghe xong anh Út Trọn mới hỏi tôi:

- Bây giờ Trung úy tính sao?

- Gần đây có ngôi chùa nào không anh Út?

- Dạ gần nhà mình chừng vài trăm thước về hướng biên giới có một ngôi chùa của người Miên, tất cả sư, sãi đều là người Miên nhưng họ nói được tiếng Việt, mà Trung úy tính chi vậy?

- Sáng mai, anh Út dẫn tôi lên chùa để gặp nhà sư trụ trì của ngôi chùa này nhé.



#21 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 02:46

Thế là sáng ngày hôm sau, tôi và anh Út Trọn lên chùa và đươc vị sư trụ trì của ngôi chùa Việt Miên độc nhất của xã Vĩnh Ngươn tiếp chuyện. Sau khi thăm hỏi xã giao xong tôi mới vào thẳng vấn đề với nhà sư để xin được giúp đỡ.

Tôi trình bày tất cả những sự việc xảy ra trước khi tôi đên đây và những việc mới xảy ra vào ngày hôm trước đồng thời tôi xin nhà chùa dọn cho tôi một bàn thờ để ‘Rước Vong’ về chùa Ăn Mày Phật, sớm tối nghe tiếng kinh tiếng kệ để những linh hồn này được siêu thoát.

Để trả ơn nhà chùa, tôi hứa sau khi xây xong đồn những vật liệu còn dư tôi sẽ cúng chùa và cho lính Công Binh sữa chữa lại ngôi chùa cho khang trang hơn chấp nhận lời yêu cầu của tôi, nhà sư đã đồng ý ngày hôm sau sẽ cho làm lễ rước vong về chùa vào đúng giờ Ngọ, việc tổ chức lễ rước vong sẽ được nhà chùa lo liệu tất cả.

Trở về đơn vị, đúng giờ Ngọ của ngày hôm đó tôi đã ra gò đất một mình, đứng giữa gò đất tôi bắt đầu nói:

“Tôi là Trung úy Ngô Duy Lâm, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 1 Công Binh Kiến Tạo, tôi được lệnh xuống đây để xây cất một đồn lính để bảo vệ nhân dân địa phương chống lại sự quấy phá của người Miên. Vị trí xây đồn được chỉ định là gò đất này, nhưng tôi được biết nơi đây là nơi an nghỉ của những Linh hồn già cũng như trẻ từ bao nhiêu năm qua, tôi rất tiếc là vì việc nước không thể không làm được vậy tôi có mấy đề nghị với những linh hồn đang yên nghỉ tại đây như sau:

· Đúng giờ Ngọ ngày mai, chúng tôi sẽ làm lễ rước vong về chùa tại xã Vĩnh Ngươn để các linh hồn, không phân biệt tôn giáo, được ăn mày Phật. Sớm tối nghe kinh kệ để được siêu thoát và đầu thai kiếp khác.

· Nếu Linh Hồn nào có những điều ước muốn nào khác với ý định của tôi trong việc đưa linh hồn về chùa thì trong đêm nay hãy về báo mộng cho tôi biết, trong quyền hạn cùng như khả năng của tôi, tôi làm được điều gì tôi xin hứa sẽ làm theo ước muốn của người báo mộng.

· Nếu đến sáng ngày mai, tôi không được linh hồn nào báo mộng, tôi coi như các vong hồn đã chấp nhận lời yêu cầu của tôi và nghi lễ về Phật giáo sẽ được xúc tiến vào giờ Ngọ để “thỉnh các vong hồn” về chùa, “trả đất lại cho chính phủ” để tôi xây đồn bảo vệ đất nước. Tôi xin thành thật cám ơn các linh hồn trước.

· Sau buổi lễ ngày mai nếu mọi công tác xây cất không được xúc tiến như ấn định, tôi cũng xin lỗi quý vong hồn tôi sẽ xóa bài làm lại. Tôi sẽ sử dụng một khối lượng thuốc nổ để san thành bình địa khu vực này và các linh hồn sẽ không còn nơi tá túc. Đó không phải là ước muốn của tôi, xin quý vong hồn thông cảm. Đây là việc nước chứ không phải là việc nhà, vây xin quý vong hồn hãy chấp nhận lời yêu cầu của tôi để về chùa “ăn mày Phật”. Tôi xin đa tạ.


Thanked by 2 Members:

#22 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 22/01/2014 - 02:47

Sau khi tuyên bố với những người khuất mặt xong, trở về lại nơi đóng quân, tôi nhờ vợ của Trung sĩ An và vợ Trung sĩ Tô Hồng Lạc, hai anh đang là Tiểu Đội Trưởng của tôi, vì hai chị theo đạo Phật để sáng hôm sau mua nhang đèn, vàng mã, tiền giấy và hoa quả để rồi tôi cho lập bàn thờ tại nơi xây đồn vào ngày cúng vong.

Tôi cũng yêu cầu anh Út Trọn cho tôi được ăn cơm chay ngày hôm đó để chờ đến đêm xem có linh hồn nào báo mộng chăng. Tôi cũng đã thắp nhang cúng Phật và Đức Thổ Thần của gia đình anh Út Trọn xin cho phép các vong hồn được nhập cư để báo mộng cho tôi, sau đó tôi cho người liên lạc lên chùa để xin tổ chức đưa vong về chùa vào ngày giờ đã được ấn định trước.

Mọi việc diễn biến đúng như tôi đã tính, tôi không được vong hồn nào báo mộng nên lễ Rước Vong được nhà chùa tổ chức rất trọng thể vào ngày hôm sau và được bà con nhân dân xã Vĩnh Ngươn tham dự rất đông đảo, nhà chùa đã tụng kinh cầu siêu cho các vong hồn trong suốt 3 ngày đêm với sự tham dự của một số gia đình có người thân được chôn trên gò đất làm đồn.

Vàng mã và tiền giấy (tiền Âm Phủ) được chúng tôi đốt khi “tiễn vong ra khỏi nơi cư trú của họ”, việc làm này đã đem đến cho chúng tôi, những người lính Công Binh xây đồn, một sự thoải mái trong tinh thần vì đã làm được một việc mà chúng tôi cứ nghĩ rằng khó mà làm nổi.

Trưa ngày hôm sau, đúng giờ Ngọ, tôi dẫn quân và đem cơ giới công binh đến gò đất để chuẩn bị làm việc, trước khi tái khởi công công tác, tôi cũng thắp mấy nén nhang, và nói mấy lời cám ơn những người đã khuất rồi mới cho tiếp tục công tác đắp nền, đào móng, đóng cừ.

Trong lúc làm, nếu thấy nhũng hài cốt nổi lên thì đều được đặt vào một thùng gỗ để rồi đem lên chùa hỏa thiêu, công tác đã được Trung Đội của tôi tiến hành một cách nhanh chóng và đặc biệt là không có một trục trặc nhỏ nào xảy ra.

Gần bốn tháng sau thì việc xây cất hoàn tất, như đã hứa, tôi cho thuộc cấp đem hết vật liêu dư thừa lên tu bổ chùa trong một tuần lễ rồi mới từ giã nhà chùa, từ giã người sống cũng như người chết để di chuyển Trung đội đến nhận công tác xây một đồn khác tại xã Bắc Đay, quận An Phú, bên bờ sông Châu Đốc trên đường sang Miên.


Thanked by 4 Members:

#23 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/01/2014 - 02:30

Câu chuyện thứ ba

Trò chơi dấu quần áo giữa người sống và người chết tại Suối Đôi.

Mới có đứa con đầu lòng lại còn quá trẻ, nên trước khi đem con lên Pleiku để ở với tôi, nhà tôi cũng đã may năm bộ đồ lụa, với năm mầu sắc khác nhau để thay đổi hàng ngày. Một hôm sau bữa cơm chiều, mẹ con tắm với nhau xong thì nhà tôi thay bộ đồ để chờ sáng ngày hôm sau sẽ giặt luôn với đồ của tôi.

Nhưng đến sáng hôm sau thì bộ quần áo lụa của vợ tôi đã “không có cánh” mà bay mất tiêu rồi. Chái nhà làm bếp và phòng tắm cùng hầm trú ẩn có khoét một lỗ trên vách tôn của chái nhà để cho xe nước của Đại Đội chỉ huy và công vụ thuộc Liên Đoàn hàng ngày tiếp tế nước cho mọi gia đình: Cái lỗ tiếp nước chỉ có đường kính chừng mười phân vậy thì ai đã lấy mất bộ đồ ngủ của nhà tôi? Cũng cần nói thêm ở đây là gia đình vợ tôi theo đạo Công Giáo, còn tôi thì “theo Đạo vợ”.

Thế rồi tôi cũng chẳng quan tâm đến việc mất bộ đồ ngủ này nhưng đến ngày hôm sau bộ đồ ngủ thứ hai cũng lại bị lấy mất đi như bộ đồ ngủ ngày hôm trước, tức quá tôi lục khắp nhà để coi xem nhà tôi có để lẫn vào đâu hay không, sau một hồi tìm kiếm nhưng không thấy nên tôi đành an ủi nhà tôi:

“Em à, chắc có ai lấy chứ nhà này đâu có ma mà có thể dấu đồ của em, thôi để đấy rồi mai sẽ tính sau”.

Sang đến ngày thứ ba, vợ tôi sau khi thay xong bộ đồ thì không đem xuống để ở dưới phòng tắm như hai lần trước mà lại dấu trong giường ngủ của con trai chúng tôi rồi buông màn cho cháu ngủ, sau đó vợ chồng tôi đã sang nhà mấy người bạn chơi cho đến khi trời chạng vạng tối mới trở về. Khi vén màn coi thấy con chưa thức giấc nhưng khi nhìn đến bộ đồ dơ dấu ở dưới chân thằng bé thì nó cũng lại “không cánh mà bay” mất tiêu rồi trong lúc “cậu cả” của tôi vẫn còn ngủ một cách say sưa.

Khi hay được tin vợ tôi mất thêm bộ đồ thứ ba, ông Liên Đoàn Trưởng của tôi đã “nổi cơn lôi đình” thật sự vì ông nghĩ là “một người nào đó” của gia đình binh sĩ trong trại gia binh đã lấy cắp mấy bộ đồ ngủ của nhà tôi. Thiếu tá Bạch đã chỉ thị Trung úy Trần văn Đoàn, cùng với sĩ quan An ninh và các sĩ quan tham mưu của Liên Đoàn xuống “tổng kiểm soát tư trang” của các gia đình Hạ sĩ quan và binh sĩ đang cư ngụ trong trại gia binh của Liên Đoàn để tìm lại những bộ đồ đã mất cho vợ tôi...

Sau gần một ngày làm việc nhưng không có kết quả, mọi người đành ra về để tường trình lên ông Liên Đoàn Trưởng với nhiều nghi vấn không thể nào hiểu nổi trong việc mất mấy bộ đồ ngủ của nhà tôi.

Viết tới đây, tôi xin thưa với quý anh chị em trong trại Gia Binh thuộc Đại Đội Chỉ Huy và Công Vụ, Liên Đoàn 20 CBCĐ đồn trú tại Suối Đôi năm 1962, là những người bị quấy nhiễu trong lúc tìm lại những bộ đồ ngủ đã mất của nhà tôi, xin quý anh chị thông cảm và thứ lỗi cho tôi vì cuộc lục soát này ngoài ý muốn của tất cả mọi người.



Thanked by 1 Member:

#24 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/01/2014 - 02:32

Sau khi không tìm thấy gì lúc bấy giờ tôi mới được nghe một tin “động trời” về căn nhà vợ chồng tôi đang ở. Căn nhà này đã được sử dụng làm bệnh xá của Liên Đoàn trong lúc mới di chuyển từ Ngô Trang (Kon Trang Kla) cách thị xã Kontum 13 cây số về hướng bắc, hướng Tân Cảnh, để về Suối.

Đôi khi tôi đang theo học khóa Tâm lý Chiến tại Sài Gòn; bệnh xá đã đón nhận một chú lính bị chết vì bệnh từ công trường chở về để chờ mai táng tại Suối Đôi. Trong lúc tiễn đưa áo quan ra khỏi bệnh xá, mọi người đã quên không làm “thủ tục đưa linh hồn theo xác chết” ra nghĩa địa nên “linh hồn người chết vẫn còn quanh quất trong nhà” và gia đình của tôi đã “chiếm ngụ” căn nhà này mà không có lời yêu cầu đối với người chết.

Khi biết được đến đây thì đúng giờ Ngọ của ngày hôm đó tôi đã nói với vong hồn người quá cố:

“Anh là Trung úy, còn “chú mày” là lính của Liên Đoàn; “đùa” như vậy là đủ rồi, xin chú mày “trả” lại quần áo cho chị nhé”.

Đến buổi chiều, bộ quần áo thứ tư được thay xong để chờ giặt thì sáng ngày hôm sau “nó cũng lại biến mất” nhưng hai bộ đồ đã mất, bộ thứ nhất và thứ nhì “được trả lại” trên giây phơi đồ ở trong buồng tắm. Nhà tôi cầm lấy hai bộ đồ chưa giặt rồi nói:

- Anh ơi “nó” trả lại cho em hai bộ đồ đầu tiên nhưng còn giữ lại hai bộ kế tiếp, bây giờ anh tính sao? Em sợ quá.

- Thì em đem giặt sạch rồi mặc, không có sao đâu, đừng có sợ.

Nhà tôi đem giặt sạch rồi buổi chiều hôm đó lại thay bộ đồ khác và để trong đống đồ dơ chờ giặt thì ngày hôm sau, bộ đồ số năm cũng lại “biến” luôn nhưng “được” trả lại bộ đồ số ba, rồi cứ như thế lúc nào “nó” cũng giữ lại hai bộ “đồ dơ không biết để làm gì”.

Ông Bố vợ của tôi là Sĩ quan Pháo Binh của Quân Đoàn 2 khi biết được tin này đã hối thúc bà mẹ vợ tôi vào Suối Đôi để đón vợ con tôi rồi đưa về Sài Gòn vì theo bố mẹ vợ tôi nói: “Người sống không thể ở chung với người chết được”.

Nhà tôi ẵm con về Sài Gòn được mấy hôm... thì đúng lúc tôi đang đánh xi đôi giầy trận thì Anh Trưởng, Đại úy Nguyễn Như Quảng, xuất hiện tại chân cầu thang của nhà tôi, anh nói:

“Thằng Năm, cậu ở nhà “thủ trại”, anh đi xuống An Khê thăm Lê Viết Tri (Hoa Kỳ) ngay bây giờ nghe”.



Thanked by 1 Member:

#25 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 24/01/2014 - 02:48

Khi Anh Quảng đến nhà tôi, tôi quăng bàn chải và hộp xi đánh giầy trên sàn nhà để đứng dậy nói chuyên với Anh Quảng; lúc quay vào tôi thấy chỉ còn đôi giầy mà thôi còn hộp xi và cái bàn chải “đã biến mất tiêu đâu rồi”. Xin lỗi quý bạn, tôi chửi toáng lên:

- Ấy cái thằng mất dạy, đến tao mà “chú mày” cũng không chừa thì còn trời đất nào nữa.

Nghe tôi chửi rủa tưng bừng, anh Quảng quay lại hỏi:

- Cái gì mà thằng Năm chửi um sùm vậy?

- Dạ anh coi, mới đánh đôi giầy chưa xong thì anh đến. Ra nói chuyện với anh xong quay vào thì hộp xi và cái bàn chải giầy “đã bị nó dấu mất rồi”, thế này thì còn gì là “thể thống của Quân Đội nũa”?

- Ôi trời, cậu kiếm lại coi, và sau một hồi sục sạo của tôi và của anh Quảng chúng tôi cũng không thể nào kiếm ra hộp xi và bàn chải giầy được, tôi lẩm bẩm mấy câu rồi theo anh Quảng ra ngoài. Sau khi đi ăn cơm trưa ở trên Câu Lạc Bộ sĩ quan xong, tôi trở về nhà thì “nó đã nằm lù lù giữa nhà”. Thấy lại hộp xi và bàn chải giầy, tôi bèn nói:

- Thôi “đùa dai vừa vừa thôi nghe chú”, anh thấy đủ rồi, anh không muốn thấy chú dấu đồ của anh nữa nghe.

Chừng một tuần lễ sau Anh Cả từ Sài Gòn về, thì cũng đúng lúc đó anh Bác sĩ Quân Y của Liên Đoàn, Trung úy Phạm Lê Thăng có cô bạn gái từ Sài Gòn lên Pleiku và đến Liên Đoàn để trình Anh Cả: “Thưa Thiếu tá, em là vợ của bác sĩ Thăng”... Ông Bạch cho gọi tôi vào rồi nói:

- Thằng Năm hiện ở nhà có một mình, chú nhường nhà lại cho vợ chồng bác sĩ Thăng, còn chú thì sang nhà anh và ngủ với anh nghe chưa.

- Dạ được mà anh Cả, em ngủ chung phòng với Dục và Hạnh là được rồi. Ngủ với anh bị gò bó quá.

Thế rồi tôi giao nhà cho Bác sĩ Thăng căn nhà của vợ chồng tôi, và yêu cầu anh Thăng trả tiền thuê nhà một đồng một ngày cho tôi. Sau mấy tháng xa vợ và con, mặc dầu tôi được độc thân giai đoạn trong vài tháng và tuy rằng tôi cũng có những chuyện lẩm cẩm, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu tiếng cười của vợ và của con, khi mà căn nhà đã được anh chị Bác sĩ Phạm Lê Thăng trả lại khi chị Thăng về Sài Gòn.

Trong lúc việc dấu đồ của vợ tôi như trước kia theo tôi nó không còn xãy ra nữa, vì căn nhà đã bị ô uế bởi chị Thăng ở dơ. Cho nên tôi đã xin ông Liên Đoàn Trưởng để về đón vợ và con lên lại Suối Đôi, trong cảnh rau cháo có nhau cho chúng tôi bớt được cái cảnh chăn đơn gối chiếc khi tôi sống ở nơi khỉ ho cò gáy, bên cạnh Quốc Lộ 19 tại quận Lệ Trung.

Tôi đã đón gia đình lên lại Pleiku vào giữa năm 1962 trong lúc đó công việc của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên “Hai bộ đồ bị dấu trước ngày vợ tôi về Sài Gòn đã không được trả lại cho vợ tôi, tất cả mọi người đều không hiểu tại sao và cho đến lúc ngồi viết những trang hồi ký này thì cũng đã 42 năm qua đi, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao mấ.

Tại sao trả lại bộ này thì lại dấu bộ khác và “trò chơi dấu quần áo” của nhà tôi chỉ chấm dứt, khi vợ chồng bác sĩ Phạm Lê Thăng đến ở chơi chừng 2 tuần lễ. Tổng kết, nhà tôi mất hai bộ đồ bà ba bằng lụa không bao giờ tìm lại được, kể từ năm 1962 cho đến ngày nay.

Tôi viết ra đây câu truyện này để quý bạn đọc thấy được rằng: Người chết nhưng "linh hồn" không chết và vẫn còn có thể theo ta để "chọc phá", tin hay không tin tùy ý người đọc.

Thanked by 2 Members:

#26 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/01/2014 - 01:02

Quy Hồi Cố Thổ.

Tôi có ông anh ruột tên là Ngô Hán Đồng, anh tôi sinh năm Canh Ngọ tháng 12 năm 1930 tại Hànội.

Ngày 25/2/1972, tôi đang làm việc ở Trường Công Binh Bình Dương, tôi nhận được một cú điện thoại của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, báo cho tôi biết anh tôi đã tử nạn cùng với Tướng Soạn khi hai ông ra thăm viếng Khu Trục Ham (Destroyer) thuộc Đệ Thất Hạm Đội đang hoạt động ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng.

Vợ chồng tôi vội ôm mấy đứa con về Sàigòn giao chúng cho ông Bà Ngoại các cháu rồi chúng tôi bay ra Đà Nẵng vào ngày hôm sau. Sau đó tôi sang bên văn phòng của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh và được biết mọi tin tức liên quan đến cái chết của Anh tôi vào ngày hôm trước.

Ngược thời gian, khi anh tôi làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Phú Bổn (Cheo Reo), năm đó là năm 1967, sau khi anh tôi chấm dứt nhiệm vụ Tiểu Khu phó Tiểu Khu Bình Định, anh tôi có quen biết với một Đại Đức đang trụ trì tại một ngôi Chùa thuộc Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Phú Bổn.

Không biết do ai giới thiệu, anh tôi được nhà Chùa lấy cho một lá số Tử Vi, trong đó có một câu chú thích có lẽ cũng làm cho anh tôi không được vui lắm, tuy nhiên nó là chuyện tương lai nên chị dâu tôi có nói là anh tôi không quan tâm đến và cũng có thể là đã quên lá số Tử Vi này.

Sau Tết Mậu Thân, qua năm Kỷ Dậu 1969, anh chị tôi có thêm một cậu con trai Út khi về làm Tỉnh Trưởng Phan Rang, cháu hiện định cư tại Nauy cùng với mẹ và mấy anh chị em của cháu, tôi lại cũng không được biết do ai giới thiệu mà anh chị tôi lấy một lá số hay coi bói cho cháu với lời giải đoán khi cháu ra đời thì sẽ “có nhiều bất lợi” cho anh tôi vì sự xung khắc giữa Canh Ngọ và Kỷ Dậu.

Chị tôi cũng không nhớ ông Thầy Bói hay ông Thầy Tướng số đã chấm lá số Tử Vi cho người con trai út của anh tôi là ai nữa. Anh chị tôi đổi ra Đà Nẵng được chừng vài tháng thì đến Tết năm Nhâm Tý, 1972; có lẽ cũng tin vào Tướng Số Tử Vi hay sao cho nên anh tôi đã nhờ một ông Thày ở Đà Nẵng coi dùm xem trong mấy ngày Tết.

Ngày nào thì “tốt” cho việc chào cờ đầu năm của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Quân Đoàn vì Anh tôi tuổi Canh Ngọ mà nhằm năm Nhâm Tý (Tý Ngọ Mẹo Dậu: tứ hành xung) e rằng sẽ có nhiều điều không tốt cho anh tôi. Ông Thầy sau khi bấm quẻ đã cho giờ chào cờ đầu năm là giờ Tuất (8 đến 10 giờ sáng, giờ Việt Nam lúc đó tăng 1 giờ cho phù hợp với múi giờ của Hoa kỳ chênh nhau 12 tiếng); ngày thượng kỳ là ngày mồng ba Tết.




Thanked by 2 Members:

#27 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/01/2014 - 01:05

Đúng ngày giờ ấn định, mặc dầu còn nghỉ ăn Tết, quân nhân các cấp thuộc Bộ Chỉ Huy Pháo Binh tại Phước Tường đều tề tựu để làm lễ “Chào Cờ Đầu Năm” dưới quyền của Anh tôi, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đòan.

Khi lá Đại Kỳ kéo lên đến lưng chừng của cây cột cờ cao hơn 12 thước, lúc đó là 9 giờ sáng ngày mồng ba Tết, một ngọn gió, đúng ra là một cơn gió lốc nhỏ đã cuốn tung lá cờ, bụi đất mịt mù, khi ngọn gío qua đi trong mấy giây đồng hồ, lá Đại Kỳ đã không còn được đưa lên hay hạ xuống theo nhịp kéo dây của hai anh Hạ Sĩ Quan hầu cờ.

Sau mấy lần vật lộn với việc kéo dây cờ, lá cờ của Đơn Vị nhất định không lên cũng không xuống mà trở thành “cờ tang” (Half mast) trong Đơn Vị vì dây cờ đã mắc kẹt vào ròng rọc ở trên ngọn cột cờ khi trời nổi gió. Các sĩ quan dưới quyền anh tôi đã “chịu trận, chết trân” nhìn anh tôi trong lúc anh đang mồ hôi vã ra như tắm vì “điềm dữ quá”.

Đơn Vị phải đưa xe cứu nạn (Wrecker) đến để hạ cây cột cờ, sửa lại dây cờ rồi buổi lễ mới hoàn tất. Mọi người trong Đơn Vị tuy có bàn tán xôn xao nhưng không ai dám nghĩ đến một tai nạn “thảm khốc” sắp xẩy đến cho đại gia đình Pháo Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Khoảng ngày mồng tám Tết, văn phòng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, Tướng Soạn nhận được thư của Hạm Trưởng Khu Trục Hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội mời ra thăm viếng Chiến Hạm Destroyer, đồng thời quan sát Hải Pháo yểm trợ chiến trường đang diễn ra ở một vài nơi trên dãy núi Trường Sơn.






Thanked by 2 Members:

#28 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/01/2014 - 01:08

Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn và anh tôi, hai người rất thân với nhau vì cùng là “dân pháo thủ” cho nên ông Soạn đã rủ anh tôi đi theo, một phần cho có bạn còn phần kia là vì anh tôi đang là Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn, người có hỗn danh là Phù Thủy Pháo Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Khi nhận được giấy mời Trung Tướng Tư Lệnh Hoàng Xuân Lãm đã đồng ý cho hai ông đi thăm chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội và để có trực thăng đưa Tướng Soạn và anh tôi ra chiến hạm, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã cho ông Soạn xử dụng trực thăng của Tư Lệnh mà bay ra khơi.

Phi công trực thăng của Tướng Lãm là một ông Đại Tá thuộc Lục Quân Hoa Kỳ, ông Đại Tá này sắp chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai của ông trong vài tuần lễ tới, sẽ lái tầu đưa phái đoàn của ông Soạn ra thăm chiến hạm.

Thế rồi ngày 25/2/1972, là ngày 11 Tháng Giêng năm Nhâm Tý, lúc 9 giờ sáng, phái đoàn của Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn gồm có:

Phía Hoa Kỳ: Ngoài hai phi công chính và phụ cũng như hai xạ thủ đại liên ở hai bên thân tầu, còn có: một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ và một cố vấn, tôi không nhớ là cố vấn của anh tôi hay của ông Soạn như vậy phía Hoa Kỳ gồm có sáu người.

Bên Việt Nam: Tướng Soạn, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 1/V1CT; tùy viên của Tướng Soạn là Trung Úy Phương; Anh tôi, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn và Thiếu Tá Lê văn Sanh. Tuy nhiên khi ra đến trực thăng, Thiếu Tá Lê văn Sanh đã phải ở lại vì không còn chỗ trên tầu, cho nên Thiếu Tá Lê Văn Sanh đã thoát chết trong tai nạn này. Hiện nay Thiếu Tá Lê Văn Sanh đang sinh sống ở Houston Texas, USA.





Thanked by 1 Member:

#29 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/01/2014 - 01:20

Sau khi trực thăng rời Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, mấy phút sau phái đoàn của Tướng Soạn đã đáp an toàn trên sàn chiến hạm, sau đó trực thăng quay vào đất liền trong lúc Tướng Soạn và anh tôi được hướng dẩn thăm tầu, cũng như tham dự cuộc Hải Pháo yểm trợ cho mấy Đơn Vị của Việt Nam, đang hành quân trong dãy Trường Sơn.

Sau bữa ăn trưa, trực thăng cũa Tướng Lãm mới được gọi ra tầu để đưa phái đoàn vào lại đất liền. Khoảng 2 giờ chiều, sau lễ đưa tiễn phái đoàn của Tướng Soạn, mọi người kéo nhau lên tầu và trực thăng cất cánh ngay sau đó.

Khi trực thăng rời sàn tầu với chiều cao chừng hơn hai thước và chuẩn bị chuyển hướng vào đất liền, thì bất chợt một ngọn cuồng phong thổi ngang trên sàn của chiến hạm, ngọn gió đã quật chiếc trực thăng xoay hơn một nửa vòng tròn, cho nên đuôi trực thăng đã đập vào cột antenna của chiến hạm.

Kết quả là trực thăng gẫy làm đôi, đuôi trực thăng rớt ngay xuống nước còn thân trực thăng thì xoáy nhanh theo với chong chóng, rồi rớt xuống sàn chiến hạm trước khi rơi xuống biển với kết quả như sau:

1. Ông sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ vì chưa cột dây an toàn nên văng lên trên sàn tầu, bị thương nặng nhưng được cứu sống.

2. Một xạ thủ đại liên vì cũng chưa cột dây an toàn bị văng ra khỏi trực thăng và cánh quạt trực thăng đã phạt ngang cần cổ của anh ta nên anh chết ngay tức khắc nhưng thi hài thì vớt được liền trong ngày hôm đó.

3. Phi công chính, ông Đại Tá Lục Quân Hoa Kỳ sắp hết nhiệm kỳ, kẹt trong thân tàu, thi hài được tìm thấy sau này. Phi công phụ tìm cách ra được nhưng không hiểu sao một ngày sau mới vớt được thi hài của phi công phụ.

4. Anh xạ thủ đại liên thứ hai chết theo tầu, mấy ngày sau cũng mới vớt được xác.

5. Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn và anh tôi cùng anh sĩ quan tùy viên của ông Soạn đã chết theo tầu, nhưng thi hài của anh Trung Úy Phương được trôi dat vào bờ mấy ngày sau, còn riêng ba người là ông Soạn, anh tôi và ông Đại Tá Phi công thì không tìm thấy đâu.





Thanked by 2 Members:

#30 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 26/01/2014 - 01:25

Ngay khi tai nạn xẩy ra, mọi thủ tục cấp cứu và tìm kiếm người mất tích đã được Hải Quân Hoa Kỳ, cũng như bên Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Chiến Thuật cho thi hành. Máy Sonar được đem đến nhưng hai mươi bốn giờ qua đi mà chúng tôi chưa nhận được kết quả.

Sau khi nói chuyện với mấy sĩ quan Pháo Binh về những nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh tôi, tôi trở về nhà chị dâu tôi để sắp xếp những giấy tờ cùng chuẩn bị mọi việc phải làm cho gia đình chị tôi, trong lúc chờ đợi tin tức tìm lại thi hài những người mất tích.

Trong lúc lục và sắp xếp những giấy tờ quan trọng của anh trong hộc tủ, tôi mới thấy được lá số Tử vi của một Đại Đức trên Phú Bổn chấm số cho anh tôi vào năm 1967.

Cầm lá số trên tay, tôi đọc những dòng chữ bằng nét mực xanh và thấy chữ viết như “cua bò”, không ngay hàng thẳng lối đồng thời tôi lại chẳng biết một tý gì về Tử Vi nên coi mà cũng như không nhưng khi nhìn thấy ở giữa trang giấy có một dòng chữ viết bằng mực đỏ, có gạch đít dòng chữ này với nguyên văn câu viết tôi vẫn còn nhớ cho đến ngày nay:

“Năm 1972, nếu xuất dương thì thọ tử”.





Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |