

NHỮNG CÂU CHUYỆN THƯỜNG NGÀY
#181
Gửi vào 22/12/2014 - 00:20
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, câu nói đó của Thân Nhân Trung đã trở thành bất tử. Cũng trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên được khắc năm 1442, vị Thượng thư họ Thân, triều Lê, đã viết: “nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Trong xã hội ta ngày nay, khi cuộc sống của không ít người có thực tài còn gặp nhiều trắc trở thì việc nhắc lại tinh thần đãi ngộ, trọng dụng nhân tài của người xưa cũng là một cách “ôn cố tri tân” vậy.
*****
Lịch sử triều Lý Anh tông (1138-1175) có ghi lại một câu chuyện thật đáng nhớ về nhân vật Tô Hiến Thành. Ông là một đại công thần, từng đánh đông dẹp bắc, được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, nhận tước vương của hoàng đế ban cho. Những ngày cuối đời, ông lâm bệnh nặng, quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm chăm sóc ông với tất cả lòng tận tụy, còn quan Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá vì quá bận việc công nên không đến thăm ông được. Nhìn thấy tình hình sức khỏe của ông không có cơ may hồi phục, bà Thái hậu đã đến bên giường ông, xin ông đề cử người thay thế. Khi nghe ông đề cử Trần Trung Tá, bà Thái hậu tròn xoe mắt, đặt câu hỏi:” Tán Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang, ông lại không nói đến, thế là tại sao?”; và ông đã khảng khái trả lời: ”Vì Bệ hạ hỏi người nào đáng thay tôi, nên tôi nói là Trung Tá, nếu như bệ hạ hỏi người nào hầu việc ăn uống thì không phải Tán Đường còn ai?...”. Câu chuyện đó đã trở thành bài học sâu sắc về cách sử dụng nhân tài của người xưa. Người nắm chính sự phải biết phân biệt giữa tình cảm cá nhân, kể cả lòng biết ơn, với trách nhiệm đề bạt, lựa chọn người thật sự có tài, xứng đáng được giao phó trọng trách điều hành việc nước.
Nói đến cách tuyển chọn và trọng dụng người tài, dù là cách nay hàng ngàn năm hay trong thời đại khám phá vũ trụ bây giờ, khoa cử vẫn là phương cách đắc dụng nhất. Khoa thi đầu tiên ra đời tại nước ta vào năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân tông. Đó là kỳ thi Nho học tam trường và người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, sau làm đến chức Thái sư. Từ đó, các điều kiện khoa cử ngày một hoàn thiện, tiến đến việc tổ chức ba khoa thi tiếp liền nhau là thi Hương để lấy Cử nhân và Tú tài, thi Hội để lấy Tiến sĩ (và Phó bàng vào thời nhà Nguyễn), và thi Đình để xếp hạng tiến sĩ . Đình thí là kỳ thi ở bậc cao nhất, dành cho những người đỗ tiến sĩ trong kỳ thi Hội, được tổ chức tại sân cung điện nhà vua, nên còn gọi là Điện thí. Thời Lê-Trịnh, đầu buổi thi có sự hiện diện của cả vua Lê, chúa Trịnh. Đề bài do nhà vua đích thân ra, thí sinh làm bài với giấy do triều đình cung cấp, có lính mài mực hầu. Giám khảo chấm bài thi là những quan đại thần học cao hiểu rộng trong triều. Sau nghi thức xướng danh tiến sĩ tổ chức tại sân rồng, cũng với sự chứng kiến của vua và chúa, các tân khoa được ban mũ, áo, đai dành cho bậc tiến sĩ và được dự yến vua ban ở công đường bộ Lễ.
Tuy vậy, việc sử dụng người tài thời xưa không máy móc dựa vào kết quả khoa cử. Các Trạng nguyên, Bảng nhãn khi ra làm quan không được giao ngay cương vị nhất, nhị phẩm triều đình như nhiều tác giả các kịch bản, tuồng hát vẫn phóng đại. Đời vua Lê Thánh Tông, năm 1472, triều đình định lệ tuyển bổ các tiến sĩ, theo đó trạng nguyên được bổ hàm chánh lục phẩm, bảng nhãn hàm tòng lục phẩm, thám hoa hàm chánh thất phẩm, đệ nhị giáp hàm tòng thất phẩm, và đệ tam giáp hàm chánh bát phẩm. Điều đó chứng tỏ rằng dù được trọng thị trong xã hội, người đỗ đạt trong khoa cử vẫn phải có một thời gian nhất định trong hoạn trường chứng tỏ tài năng và phẩm hạnh của mình rồi mới thăng bổ vào các địa vị cao.
Xã hội xưa cũng nhận thức rõ rằng khoa cử dù hết sức cần thiết, cũng không phải là con đường tiến thân duy nhất của nhân tài xứ sở. Từ rất sớm, tiền nhân đã biết trọng dụng người tài qua phương thức tiến cử. Ngay trong thời kỳ đầu tiên của triều đại nhà Lê, vào tháng 10 âm lịch năm 1429, vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đã ban lời chiếu định rằng các đại thần văn võ từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử một người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan. Nhà vua cũng định rõ cách thưởng phạt đối với với kẻ tiến cử người tài: nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người thì được thưởng hậu. Câu cuối cùng của lời chiếu “Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ lấy ngọc bán rao làm xấu hổ mà để trẫm phải than về thiếu người tài” nói lên thành tâm của bậc quân vương đối với kẻ sĩ, dù nghèo hèn cũng không nên vì thế mà để đất nước mất đi một người tài. Đời vua Lê Huyền tông (1663-1671), nhà vua định việc tiến cử rõ ràng hơn: quan nhị phẩm được cử 4 người; từ tam đến ngũ phẩm được cử 3 người; từ lục đến bát phẩm được cử 2 người; “Cử được người xứng đáng thì được khen thưởng. Nếu thấy người được bảo cử phụ lòng người cử, làm càn những việc tham lam đen tối thì cho nói trước ra, khỏi phải tội lây; nếu giấu giếm không nói cũng phải tội như người ấy” (Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí – Tập I-Quan chức chí – NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội 1992, trang 581).
Cuối đời nhà Lê, năm 1786, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”, khi tình hình đã tạm ổn, ông nghĩ ngay đến một danh sĩ nức tiếng đương thời là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Trong hai năm 1786-1787, Nguyễn Huệ gửi liên tiếp ba thư mời phu tử ra giúp. Thư nào nhận được, phu tử cũng tìm cách thoái thác, lời lẽ trang nhã, tương kính, song rành mạch, dứt khoát. Là một tướng quân đầy mưu trí, dũng cảm, hàng vạn người quy phục dưới tay, lại bị một kẻ sĩ cự tuyệt lời mời, Nguyễn Huệ không lấy thế làm giận, khi đã là Bắc Bình vương, rồi Quang Trung hoàng đế, ông vẫn trì chí gửi thư, gửi chiếu mời La Sơn phu tử tới hội kiến hay góp ý về việc nước. Cuối cùng phu tử cũng xiêu lòng, một vài lần đến gặp ông hay trả lời thư hỏi kế sách của ông. Trong lúc ở Bắc hà Nguyễn Huệ tỏ lòng trân trọng Nguyễn Thiếp, thì trong Nam, sau khi lấy lại đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã vời xử sĩ Võ Trường Toản đến hội kiến và mời ra làm quan. Theo nội dung bi văn do cụ Phan Thanh Giản soạn khắc trên mộ bia Võ Trường Toản thì cụ Võ đã từ chối lời mời ra làm quan. Việc đó không làm phật lòng Nguyễn Ánh, năm 1792, cụ Võ qui tiên, được tin, chúa Nguyễn đã tỏ lòng tiếc thương và ân tứ hiệu “Gia Định Sùng Đức Võ tiên sinh” . Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là hai kẻ thù không đội trời chung, song tấm lòng trân trọng người tài của họ như chỉ có một. Dưới triều Nguyễn, việc tiến cử người tài được tiếp tục khuyến khích, tưởng thưởng, song phép vua sẵn sàng chế tài nếu như quan lại triều đình làm sai, cử người thiếu tài, thiếu đức vào bộ máy công quyền. Năm 1831, triều Minh Mạng, chính Nguyễn Công Trứ, Tham tri Hình bộ, đã rơi vào trường hợp này. Sử chép rằng, trước đó ông cùng Hiệp trấn Nam Định Nguyễn Nhược Sơn có tiến cử một người là Phi Quý Trại ở Nam Định làm Huyện thừa huyện Tiền Hải. Về sau, Tả thị lang bộ Hộ là Hoàng Quýnh từng làm việc ở Nam Định, biết Trại không có tài năng gì, chỉ lo lợi riêng mà cầu cạnh, bèn dâng sớ hặc. Trong sớ tấu, sau khi nêu rõ chứng cứ, Hoàng Quýnh viết: ”…hoàng thượng cũng chưa từng lấy tình thân ái mà cho riêng ai. Hai gã kia (chỉ Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Nhược Sơn-LN) nghĩ thế nào mà dám lấy quan tước của triều đình làm cái quà của mình để thù đáp riêng. Xin trị tội để ngăn chặn con đường cầu cạnh, mà răn những kẻ bề tôi dối vua làm riêng”. Nhà vua lệnh cho Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Nhược Sơn tấu trình rồi giao cho đình thần nghị xử. Cuối cùng, Công Trứ từ chức Tham Tri (tòng nhị phẩm, như Thứ trưởng ngày nay) bị giáng xuống Tri huyện Kinh huyện (lục phẩm); Nguyễn Nhược Sơn từ Hiệp trấn (chánh tam phẩm) bị giáng xuống Tri huyện Tiền hải (lục phẩm), riêng Quý Trại bị phạt 100 trượng, cho về dân (Đại Nam thực lục chánh biên – NXB Khoa học – Hà Nội 1964, trang 200).
Thực tế lịch sử cũng cho thấy thời xưa, việc trọng hiền tài không phải là độc quyền của giai cấp thống trị mà nền giáo dục theo khuôn phép thánh hiền đã hun đúc trong tâm hồn kẻ sĩ một tinh thần tôn trọng người tài. Vụ án danh sĩ Cao Bá Quát tự ý sửa chữa bài thi của thí sinh là một tiêu biểu của tinh thần trọng tài đó. Năm 1841, với chức danh hành tẩu bộ Lễ, họ Cao được bổ làm sơ khảo trường thi Hương Thừa Thiên, ông cùng một sơ khảo khác là Phan Nhạ thấy có mấy quyển bài thi viết rất hay mà tiếc thay người sĩ tử sơ suất để phạm trường qui, bài sẽ phải bị loại, chưa kể tác giả của nó còn có thể bị tội hình. Thương cho những người học trò có tài nhưng không may, Cao Bá Quát quyết liều cứu họ. Theo qui lệ trường thi, giám khảo không được sử dụng chung màu mực đen của thí sinh, ông bàn cùng Phan Nhạ lấy thỏi mực son màu đỏ dùng chấm bài hơ lên đèn cho ra muội đen rồi lấy đó mà sửa chữa mấy chữ phạm qui. Việc làm của hai người bị một viên giám sát trường thi bắt gặp và đàn hặc, cả hai bị tống giam, chờ xử tử, may mà vua Thiệu Trị cho chuyển thành án trảm giam hậu. Làm việc này chắc chắn rằng Cao Bá Quát không vì tư lợi, vì với cách rọc phách bài thi ngày xưa, giám khảo không hề biết người viết bài là ai. Họ Cao chỉ vì tiếc cho cái tài của những người học trò lỡ phạm trường qui mà sẵn lòng đánh đổi cả tính mạng của mình để cứu họ. Hành động của ông được xem là vi phạm phép nước, nhưng về mặt đạo lý, nó phản ánh một tâm hồn cao thượng biết yêu thương và trân trọng người tài.
Lê Nguyễn
21.12.2014
Các tân khoa tiến sĩ trong một kỳ thi Hội
Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn lời văn.
Tờ chiếu của vua Quang Trung Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Tượng danh sĩ Võ Trường Toản tại Ba Tri, Bến Tre
Thanked by 1 Member:
|
|
#182
Gửi vào 24/12/2014 - 10:54
Bài hát nghe trong mùa Giáng sinh (lời lấy trực tiếp từ Thánh thi trong Kinh thánh Hebrew): Boney M ~ Rivers of Babylon - From 1978
#183
Gửi vào 09/01/2015 - 11:49
Tâm lý học
10:22' AM - Thứ tư, 07/01/2015
Nhà triết học Heidegger từng viết rằng, khi chúng ta nhận thức về cái chết, nó biến đổi chúng ta từ 'tồn tại' sang 'hiện hữu'. Đó là, chúng ta chuyển từ sự lo lắng về làm thế nào mọi việc là như thế sang chỉ đánh giá cao mọi việc đang là như thế...
Lev Tolstoy từng viết rằng không có ý nghĩa nào trong cuộc sống mà cái chết không thể phá hủy. St. Augustine cũng viết tương tự như vậy, rằng sự nhận thức về cái chết có thể làm ông lo lắng liên tục, bởi vì mọi thứ mà ông ấy đánh giá cao trong cuộc sống, bao gồm cuộc sống của ông, có thể biến mất mọi lúc.
Ngược lại, nhiều nhà triết học và tâm lý học ( như Yalom, Heidegger) đã lập luận rằng, nâng cao nhận thức về cái chết có thể làm mọi người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và sống trọn vẹn hơn. Nhiều tu sĩ trong lịch sử cũng tin vào điều này - họ đã giữ những đầu lâu trên áo choàng của họ như những lời nhắc nhở thường xuyên về cái chết của cuộc sống.
Nghiên cứu gần đây của giáo sư tâm lý Laura King ở đại học Missouri và các cộng sự đã kiểm tra về sự tác động lẫn nhau giữa sự nhận thức về cái chết và giá trị được đặt vào cuộc sống. Cụ thể là, họ áp dụng nguyên tắc khan hiếm (rằng khi điều gì đó được xem là khan hiếm hơn thì nó tăng lên về giá trị) cho giả thuyết rằng nhận thức về cái chết nên làm nâng cao giá trị của cuộc sống bằng cách nâng cao nhận thức sự khan hiếm của cuộc sống.
Trong nghiên cứu 1, họ phân ngẫu nhiên những người tham gia hoặc trả lời những câu hỏi về cái chết của họ, hoặc những câu hỏi không liên quan đến cái chết. Họ phát hiện thấy nhóm từng suy nghĩ về cái chết sau đó đánh giá cuộc sống là quý giá hơn (gán ý nghĩa lớn hơn cho cuộc sống) hơn những người tham gia khác.
Trong nghiên cứu 2 và 3, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người đọc về cuộc sống có 1 giá trị lớn (về tâm lý hoặc về tài chính) hoặc có 1 giá trị thấp. Sau đó họ đo khả năng tiếp cận của những suy nghĩ liên quan đến cái chết (ví dụ, trả lời G R A _ _ với 'grave' (sự chết). Mọi người có những suy nghĩ về cái chết cao hơn sau khi đọc những bài luận cho rằng cuộc sống có rất nhiều giá trị.
Những nghiên cứu trên cho thấy giá trị cuộc sống có quan hệ phức tạp với những suy nghĩ về cái chết. Khi mọi người đánh giá cao cuộc sống hơn thì những suy nghĩ về cái chết cao hơn. Và, khi mọi người suy nghĩ về cái chết, họ tin rằng cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
Có phải Tolstoy đã sai khi nói rằng cái chết có thể phá hủy ý nghĩa của cuộc sống? Có thể Tolstoy đúng với một số nhỏ cá nhân. Nhưng trên quy mô lớn, những nghiên cứu trên cho thấy sự nhận thức về cái chết nâng cao nhận thức về ý nghĩa cuộc sống.
Nhà triết học Heidegger từng viết rằng, khi chúng ta nhận thức về cái chết, nó biến đổi chúng ta từ 'tồn tại' sang 'hiện hữu'. Đó là, chúng ta chuyển từ sự lo lắng về làm thế nào mọi việc là như thế sang chỉ đánh giá cao mọi việc đang là như thế.
Những nghiên cứu của King đã ủng hộ điều này. Khi được nhắc nhở về cái chết, mọi người tin rằng cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
Nguồn:
#184
Gửi vào 09/01/2015 - 12:10
Nguyễn Kiến Giang
(Ðầu năm 1993, tôi gặp anh Trần Văn Thủy ở nhà anh Trần Ðộ. Chúng tôi nói chuyên lan man với nhau, chẳng hiểu thế nào lại đụng tới chuyện đời sống tâm linh, và từ đó lại đụng tới chuyện cái chết. Thủy mượn bài “Con người và cái chết” của tôi. Ðọc xong, Thủy liền đề nghị tôi giúp làm một cuốn phim về chủ đề này. Tôi nhận lời. Tôi không biết viết kịch bản phim. Sản phẩm của tôi cuối cùng chỉ là bài bút ký này, trong đó có nhiều ý lấy từ bài viết kia. Hình như nó cũng gợi ý phần nào cho Thủy làm phim Một cõi tâm linh.)
*
Gần như đã thành một thói quen, đến nơi nào lạ, tôi thường đến viếng nghĩa trang nơi đó. (Nếu chợ là nơi phản chiếu phần nào đời sống vật chất thì nghĩa trang là nơi phản chiếu một phần văn hóa tâm linh của một địa phương). Có lẽ ít có đất nước nào lại có “sưu tập” nghĩa trang phong phú như nước ta. Những nghĩa trang có từ lâu đời đến những nghĩa trang mới tụ. Những nghĩa trang của nhiều tộc người khác nhau, mồ mả chôn cất kiên cố hay bị “bỏ” đi. Những nghĩa trang của người chết “thông thường” hay trong chiến tranh ác liệt. Những nghĩa trang của thường dân và của các bậc quyền cao chức trọng. Những nghĩa trang hiu hắt vài chục ngôi mộ và những nghĩa trang hàng nghìn mồ mả đến rợn người. Những nghĩa trang Trường Sơn kia, ai biết được hết những cung bậc tình cảm của người đến viếng...
Cảm giác khi đứng trước những nghĩa trang ấy cũng thật khác nhau. Những nấm mồ gây ấm lòng và những nấm mồ khiến buồn tê tái. Những nghĩa trang như nối dài cuộc sống bình thường và những nghĩa trang như sự kết thúc khủng khiếp của đời người.
Tôi quen một người đàn bà đã lớn tuổi. Gần hai mươi năm trời bà đi tìm mộ con, đứa con trai độc nhất, một trong vô vàn những chàng trai đã ngã xuốg trên chiến trường B, không tăm tích. Những bà mẹ của lính Mỹ chết trận tại Việt Nam, hai mươi năm sau họ còn lên tiếng đòi đưa thi hài con mình về nước. Họ nói với quốc hội Mỹ, họ nói qua báo chí, họ đòi con mình quyết liệt. Tôi chia sẻ tình cảm của họ, thật chân thành. Vậy là, tuy không có văn bản nào ghi cả, quyền đòi thi hài những đứa con chết trận đã thành một quyền con người thật sự. Người đàn bà đi tìm con gần hai mươi năm ấy, người mẹ Việt Nam ấy, không lên tiếng đòi gì cả, nhưng hãy nhìn những dấu chân bà - theo sau những dấu chân người lính - lần theo những địa chỉ không chỉ cái gì rõ ràng... Một dòng thư của bạn con bà báo về cái chết của thằng con trai một của bà, không thể vắn tắt hơn. Cái tên A La, nơi con bà chết ấy, không hề có trên bản đồ, cũng chưa có trong ký ức người dân. Nhưng bà vẫn đi tìm, từ nghĩa trang này đến nghĩa trang khác ở một vùng vô danh. Cho đến mùa hè năm nay, bà vẫn đi tìm con như bao năm trước... hết hy vọng đến vô vọng. Không biết có bà mẹ Mỹ nào âm thầm tìm kiếm dấu vết con mình như bà? Mà ở Việt Nam, đâu chỉ có một mình bà? Một con số có lẽ tất cả chúng ta đều cần biết: khoảng ba mươi vạn người mất tích trong cuộc chiến. Còn con số liệt sĩ được biết là khoảng một triệu...
Ở đất nước này, chúng ta mặc niệm những người ngã xuống trong chiến đấu với tiếng nhạc Hồn tử sĩ rất đỗi thân quen. Vâng, họ chính là những tử sĩ mà hồn tạo nên những luồng linh khí bay lượn trong cõi vô cùng, như một câu thơ trong Chinh phụ ngâm: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi...”
*
Mồ mả... Trên mặt đất, đâu chẳng có mồ mả. Tôi không nghĩ rằng chỉ người Việt mới tôn trọng mồ mả cha ông. Nhưng sự tôn trọng này ở người Việt quả là có một sắc thái riêng. Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Vì thế, xúc phạm mồ mả bao giờ cũng bị coi là một trọng tội, hơn nữa, một tội ác tày trời, không tội ác nào sánh tày. Ðối với người Việt, một dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống xâm lăng mà các nhà sử học coi đó là nét chủ đạo của toàn bộ lịch sử dân tộc, tội ác gì là ghê gớm nhất của những kẻ phản dân hại nước vậy? Ðó chính là tội “rước voi về dày mả tổ”. Ðúng thế, xúc phạm đến mồ mả chững người đã khuất là một tội ác “trời không dung, đất không tha”. Ngày xưa là thế, ngày nay cũng thế.
Vậy mà, trong khi những bà mẹ héo hắt đi tìm dấu vết con mình, như bà mẹ trên đây, lại có những kẻ đang tâm phá mồ mả. Ðể lấy của (có thật hay tưởng tượng), họ phá các lăng mộ của vua chúa, phá cả nơi yên nghỉ của các nhân vật lịch sử. Một chuyện mới xẩy ra, đụng tới Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Phi Khanh - thân phụ Nguyễn Trãi, vị anh hùng cứu nước, danh nhân văn hóa kiệt xuất thế kỷ XV- bị quân Minh bắt về Trung Quốc. Ông mất ở đó. Sau khi thất bại, tướng nhà Minh là Vương Thông không quên ơn Nguyễn Trãi tha tội chết cho cả đạo quân xâm lược thua trận, khi về nước đã tìm mộ Nguyễn Phi Khanh và cho đưa hài cốt ông về Việt Nam. Nguyễn Trãi chôn cất cha mình trên núi Yên Tử, giữa những đám mây mù bảng lảng. Mấy trăm năm, Nguyễn Phi Khanh nằm trên núi cao vòi vọi, giữa thiên nhiên trường cửu. Nhưng ngôi mộ Nguyễn ấy đã bị đào bới...
Cũng mới đây, ở Quảng Trị, vùng đất lửa trong chiến tranh, một chuyện kinh khủng xẩy ra, làm nhức nhối lòng người cả nước. Một lũ người làm hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ giả để bỏ túi hàng trăm triệu đồng kinh phí Nhà nước cấp cho để tìm kiếm, qui tập và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Xương súc vật được dùng thay xương người. Một bộ hài cốt chia ra, mỗi ngôi mộ một ít... Những kẻ đầu têu bị lãnh án đích đáng: tử hình.
Những chuyện khốn kiếp ấy, may thay, không nhiều và bị ngăn chặn kiên quyết. Nhắc lại những chuyện này cũng là điều bất đắc dĩ.
*
Mồ mả ở các vùng quê Việt Nam từ xa xưa đã trở thành một bộ phận thân thuộc của cảnh quan. Trừ các thành phố và một số nơi có nghĩa trang tập trung, nói chung ở nông thôn, con cháu cày cấy bên cạnh mồ mả cha ông nằm rải rác trên đồng ruộng. Người đang sống và người đã chết vẫn liền kề nhau, dù ở hai cõi âm - dương khác nhau. Ðó là thể hiện cách hiểu âm - dương không phải là hai cõi cách biệt trong tâm thức dân gian, hay đó là sự cố gắng để cho cõi âm không xa lánh hẳn cõi dương? Không thể trả lời rành mạch được. Chỉ có điều là trong tâm thức người Việt, sự cách biệt âm - dương không bao giờ là tuyệt đối.
Bạn hãy nhìn dãy núi xanh lam kia (xin nói thêm: gần như ở nơi nào trên đất nước Việt Nam người ta cũng có thể nhìn thấy núi ở phía trời Tây, trừ đồng bằng Nam Bộ). Người Việt hay dùng mấy chữ “khuất núi” để chỉ sự ra đi của một con người. Khuất núi nghĩa là vẫn ở trên mặt đất này nhưng ở bên kia núi: sự xa cách được rút gần lại. Núi ở Việt Nam nói chung cũng là ở phía trời Tây, mà theo tín ngưỡng từ thời rất xa xưa, không rõ bắt nguồn từ đạo Phật hay từ đạo Lão, những tôn giáo này coi phương Tây là hướng thiêng liêng nhất, là tượng trưng cho sự bất tử và cõi cực lạc. ở miền Trung quê tôi, người ta chôn cất người chết đầu quay về núi, có lẽ vì thế. Núi là nơi kết tụ linh khí đất nước, giữ vị trí chủ đạo trong cảnh quan.
Ở đây chúng ta bắt gặp thêm một nét quan trọng trong tâm thức người Việt: cõi âm là cõi thân thuộc, cõi vĩnh hằng của con người. Không phải đi sang cõi âm mà là “về” cõi âm. Về - từ này hàm ý một sự trở về lại nơi cũ. Về cõi âm có nghĩa là về lại nơi gốc gác của con người. “Sống gửi thác về” - dù quan niệm về nơi cư trú của con người sau khi chết là ở đâu đi nữa, người Việt bao giờ cũng dùng từ “về” để chỉ sự trở về của con người sau khi sự sống kết thúc: về trời hay về cõi âm là cùng một ý. Hồi nhỏ, đi theo những đám tang, lòng tôi không ngớt nao nao vì một câu hò tiễn biệt:
Hò đưa linh, (là) hò đưa linh
Vong linh nay đã về trời
Chèo ba (ơi mà) nhịp bảy
Ðưa người (xa) cách xa...
*
Trong tín ngưỡng của người Việt, không có chỗ dành cho địa ngục chăng? Có, người Việt cũng có ý niệm về địa ngục như sự trừng phạt đối với cái ác của con người khi còn sống. Thuở nhỏ, lũ chúng tôi hay ra chơi ở chùa làng. Phần lớn những ngôi chùa làng đều có hai pho tượng Ông Thiện - Ông Ác, nhưng lũ chúng tôi sợ nhất là những cảnh trừng phạt của Diêm Vương dưới âm phủ. Ăn ở hiền lành, chẳng những sẽ được về trời êm thấm, mà còn tránh được những hình phạt ghê gớm sau khi chết: bỏ vào vạc dầu đun sôi, cưa thân hình làm đôi, bắt qua cầu có hàng đống rắn rết ngóc lên chực mổ vào người...
Nhiều thế hệ ngày xưa có lẽ một phần vì sợ hãi trước những cảnh trừng phạt khủng khiếp nơi địa ngục kia nên tránh được điều ác khi còn sống chăng? Tôi không muốn sa vào câu chuyện đạo đức thiện - ác ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng con người ngày xưa thường tính tới những gì xẩy tới sau khi chết, họ biết trù tính cho mình một cuộc đời sau khi chết. Nghĩa là họ tin chắc chắn rằng chết không phải là hết...
Chết không phải là hết. Niềm tin ấy có còn cần thiết nữa không, có cần phải được chứng minh theo lối duy lý không, hãy để những câu hỏi ấy cho các nhà triết học trả lời. Riêng tôi, bằng một sự cảm nhận trực giác nào đó, tôi nghĩ rằng cha ông ta đã hoàn toàn đúng khi tin chắc rằng chết không phải là hết. Chết là bước sang một cuộc đời khác, và ở đó người ta thụ lĩnh hậu quả tốt hoặc xấu của cuộc đời tước đó. Và bây giờ, bạn thử tưởng tượng xem người ta sẽ dễ dàng phạm tội ác như thế nào nếu không hề băn khoăn chút nào về những gì đón đợi mình sau khi chết. Phải chăng đó là mảnh đất nuôi dưỡng mọi thứ tôn giáo trên thế giới này? Và dù không theo hẳn một tôn giáo nào, tôi vẫn cho rằng niềm tin “chết không phải là hết” ít nhiều mang màu sắc tôn giáo ấy giúp cho người ta sống tử tế hơn nhiều. Vâng, tôi không theo một tôn giáo nào cả, nhưng cứ mỗt lần nghe những lời tụng niệm nguyện cầu cho người chết về nơi vĩnh hằng, tôi càng cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn rằng “chết không phải là hết”.
*
Ai chết đó, nhạc sầu chi lắm thế,
Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường...
(Huy Cận)
Những đám tang ngày ngày hiện lên trước mắt. Những đám tang hết sức khác nhau ở nông thôn và thành thị, của thường dân và của người nhiều danh vọng, của tín đồ đạo Phật và đạo Kitô, hay không của đạo nào cả, của nhà nghèo và nhà giàu... Hết sức khác nhau, nhưng cũng hết sức giống nhau ở những nét mặt buồn rười rượi của bạn bè, thân thích tiễn đưa... Lòng tôi chết lặng đi trong những đám tang lặng lẽ của tin đồ Kitô giáo, không nghe thấy một tiếng khóc to. Lòng tôi bị xé trong những đám tang có tiếng khóc gào thét của mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha...
Ngày xưa làng nào cũng có sẵn một bộ lễ tang được dân làng bảo quản cẩn thận nhất. Nhưng rồi có một thời, do hiểu sai lạc, người ta muốn làm tang lễ theo “kiểu mới”, chỉ cần xúm nhau khiêng cỗ quan tài trần trụi đi chôn cất, hoặc đặt quan tài lên một cỗ xe ba gác đẩy đi. Có phần hiểu sai lạc, nhưng cũng có phần do hoàn cảnh chiến tranh. Một trận máy bay trút bom xuống là hàng chục, hàng trăm người chết, không nguyên vẹn hình hài. Chỉ có thể giành lấy những lúc tạm ngớt tiếng bom đạn để chôn cất người thân. Lấy đâu ra những nghi thức, những phương tiện cần thiết để làm một lễ tang chu tất, đàng hoàng!
Biết bao nhiêu thứ phong tục hỗn hợp trong một lễ tang. Có thể nhìn thấy ở đó những cái hợp lý và những cái phi lý, nhưng hãy khoan vội phán xét khi chưa biết rõ những nghi thức đó. Một điều chắc chắn là những nghi thức đó đều chứa đựng một cốt lõi không thể xóa mờ: thương xót, tiếc nuối người đã mất và đưa họ - cả thể xác lẫn linh hồn - thật yên lành, không để họ cô đơn, mất đường về với bà con thân thích. Tiễn đưa, nhưng không vĩnh biệt mãi mãi. Bạn hãy nhìn những đốm vàng mã rắc trên đường kia, đó là để đánh dấu đường về cho linh hồn người chết. Bát cơm - ân huệ đầu tiên và cuối cùng của trời đất dành cho con người. Quả trứng - biểu hiện một vòng tái sinh... Người Việt chăm sóc người chết chẳng khác mấy với chăm sóc người sống.
Ngôi mộ là nhà ở mới của người qua đời.Và ngôi nhà mới ấy cũng phải được chọn đất, chọn hướng cẩn thận như khi dựng một ngôi nhà ở của người đang sống, có khi còn cẩn thận hơn. Hướng phải theo thuật phong thủy, đất huyệt phải khô ráo và có màu tươi. Ðộng mồ động mả là chuyện chẳng lành, có thể đó là nguyên nhân gây ra những nỗi bất hạnh cho người đang sống.
Lễ tang không kết thúc ở ngôi mộ vừa đắp. Lễ tang còn kéo dài nhiều năm tháng với sự chịu tang. Những vành khăn trắng trên đầu ghi nhận nỗi thương tiếc khôn nguôi đối với người vừa mất, nhắc nhở người ta sống cho tử tế.
*
Nhưng có những người chết không có phần mộ được ngưòi thân chăm sóc cẩn thận như vậy. Ðó là những người bất hạnh, không nơi nương tựa. Khi sống họ rất cô đơn. Chết đi họ biến thành những cô hồn. Chúng ta không quên họ. Họ được mọi người thay cho người thân chăm sóc. Những kỳ tảo mộ, sau khi dẫy cỏ và vun nấm cho những ngôi mộ thuộc gia đình mình, người ta không quên sửa sang lại những nấm mồ vô chủ. Cô hồn không có ngày giỗ riêng thì mọi người dành riêng một ngày để cúng họ, ngày rằm tháng bảy âm lịch. Tiết trời lúc đó cũng như chia sẻ nỗi buồn chung. Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt... - Nguyễn Du mở đầu Văn chiêu hồn bằng trời đất mưa sầu gió thảm ấy. Không biết những linh hồn cô đơn kia có được an ủi phần nào không, nhưng lòng người đang sống quả là thêm phần thanh thản. Thôi thì ít ra lễ cúng cô hồn ấy cũng dạy cho người ta đừng quên những kẻ cô đơn. Ôi, nếu đạo lý ấy được nhớ đến, được thực hiện trong cuộc đời hiện hữu này...
Cũng vào dịp này, theo một phong tục xa xưa, người ta đốt vàng mã cho người thân đã mất. Mời bạn đi với tôi đến phố Hàng Mã, ngay giữa khu phố cổ của Hà Nội. Tất cả những gì người sống dùng, người chết cũng được hưởng. Nhà cửa, áo quần, xe cộ, cho đến những con chó Nhật, những máy thu hình, những đồng đô-la... tất tật, không thiếu thứ gì. Chỉ có điều là tất cả những thứ đồ cúng ấy đều làm bằng giấy để đốt đi sau khi cúng. Người ta nghĩ rằng những thứ đó sẽ đến tay người thân đã chết và không để họ thiếu một thứ gì, “trần sao âm vậy”. Một anh bạn tôi, tiến sĩ nghệ thuật hẳn hoi, cho tôi biết anh vừa đốt cho “ông cụ”, một họa sĩ nổi tiếng, cả một bộ Âu phục kèm theo một bộ “đồ ta”. Anh bạn tôi kể lại chuyện này với vẻ mặt hài lòng không cần che giấu.
Chuyện vàng mã chắc chắn không liên quan gì với chuyện mỹ học. Nhưnng bạn nhìn kỹ mà xem, những vật đem đốt ấy đẹp làm sao, tinh tế làm sao. Tôi không nói đó là những tác phẩm nghệ thuật, nhưng là những sản phẩm mỹ nghệ thì không thể chối cãi. Tôi chợt nghĩ: phải chăng cái đẹp cũng cần thiết cho cả những người ở cõi âm? Tại sao lại không nhỉ! Và nếu quả thật như thế, thì phải chăng khoảng cách giữa sự sống và cái chết được rút ngắn thêm phần nào?
Chung quanh câu chuyện vàng mã đã xẩy ra bao nhiêu sự tranh cãi, thậm chí cả những lời lên án gay gắt. Tôi không có thẩm quyền phán xét. Tôi chỉ làm công việc cảm nhận nghệ thuật vàng mã. Nếu có ai hỏi tôi: vàng mã có cần thiết không, tôi xin chịu, không trả lời được. Nhưng nếu hỏi tôi vàng mã có
đẹp không, tôi trả lời không ngần ngại: đẹp!
*
Từ bao đời nay, người ta tranh cãi nhau có hồn hay không có hồn. Người Việt xưa và cả nay nữa, hầu hết đều tin là có hồn. Hồn là một tầng, và là tầng cao nhất, của mọi vật thể. Từ ngày còn ấu thơ, tôi hằng nghe nói tới “hồn sông núi”, “hồn cây cỏ”, “hồn người”... Vào cuộc đời, làm quen với nghệ thuật, lại được làm quen với những “hồn tranh”, “hồn thơ”..., với những tác phẩm được gọi là “có hồn”. Thật khó quan niệm một sự sống, một vật sống không hồn.
Hồn là vô hình. Nhưng hồn cũng là riêng của từng người. Người đang sống có thể gọi hồn người chết về. Có hẳn một số người - bây giờ thường gọi là những “nhà ngoại cảm” - được coi là có khả năng gọi hồn. Tin hay không tin, tùy bạn. xin mời bạn đến dự một buổi “gọi hồn”, cũng thường được gọi là “ngồi đồng”. Bạn nhìn kỹ xem những người sắp sửa lên đồng, nghĩa là sắp có hồn một người chết nhập vào họ. Những con người bình thường như mọi con người khác. nhưng khi họ lên đồng, mắt họ long lanh, mặt ửng đỏ và nói những lời không phải là của họ nữa. Họ tự giới thiệu mình là ai, từng sống và chết như thế nào, và căn dặn những người thân đang sống những lời tha thiết... Nhận ra hồn người thân mình (đúng hay không đúng) người nghe xúc động mạnh và nhiều khi khóc to lên như chưa bao giờ được khóc. Một sự “bùng nổ nước mắt” thật sự. Những cuộc lên đồng như vậy trước đây cũng như hiện nay, thường bị lên án là “mê tín dị đoan”. Có phần cũng như thế thật, nhưng có thật hoàn toàn như thế không? Riêng tôi, tôi chỉ rút ra từ đó một suy nghĩ: nếu người chết vẫn còn hồn đang sống và sống ngay chung quanh chúng ta, giữa chúng ta, hẳn chúng ta sẽ sống khác đi nhiều. Tôi chưa tin hẳn là có hồn, nhưng từ trong sâu lắng, tôi muốn, rất muốn có hồn. Lý do thật giản dị: có hồn, con người “chết không phải là hết”, hơn nữa, những mất mát lớn nhất của con người có thể được đền bù phần nào để con người sống yên hơn, mà sống yên chính là một trong những mong ước lớn nhất của mọi con người...
Có lẽ vì thế, người ta dùng đến cả thuật “chiêu hồn nhập cốt”. ở vùng quê tôi, từ hồi còn bé, tôi đã được dự nhưng buổi “chiêu hồn” như vậy. Nghi thức cũng đơn giản thôi. Gia đình nào có người thân chết mất xác (không tìm thấy được thi thể), thường mời một “thầy phù thủy” (pháp sư) đến làm lễ. Người ta kiếm một chiếc tiểu sành, đặt một hình nộm bằng cây dâu vào đó làm “cốt”, bên trên phủ một tấm giấy có ghi tên họ, quê quán... của người chết. Rồi thầy làm lễ mời hồn về nhập vào “cốt” và cử hành một lễ tang như thật, đưa chiếc tiểu từ nhà ra đến huyệt, có người thân mặc đồ tang đi theo. Chôn cất xong, người ta đắp lên một nấm mồ và coi nấm mồ giả ấy như một nấm mồ thật. Không biết hồn có về nhập vào cốt không, nhưng người trong gia đình đúng là có nguôi đi nỗi thương xót ít nhiều.
*
Với tất cả những thái độ và những nghi thức đối với cái chết nói trên, người Việt có phải là một tộc người có tôn giáo không? Một số nhà nghiên cứu cho rằng người Việt không có tôn giáo. Trước đây tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng gần đây tôi thấy không hoàn toàn như thế. Không phải chỉ vì ở Việt Nam hiện có những cộng đồng tôn giáo khá lớn, nhất là của Kitô giáo và Phật giáo. Mà ngay cả ở những người Việt không theo hẳn một tôn giáo nào, theo tôi, cũng mang một niềm tin nào đó mang màu sắc tôn giáo. Không chỉ có niềm tin, còn có những nghi thức mữa. Bạn hãy vào bất cứ một ngôi nhà nào, bạn sẽ nhìn thấy ở nơi trang trọng nhất hiện ra bàn thờ tổ tiên. Tin vào sự trường tồn của tổ tiên, thờ cúng tổ tiên là một phong tục lâu đời không thể xóa bỏ được, của người Việt. (Nhân thể, xin nói rằng ngay cả những tôn giáo bài xích thờ cúng tổ tiên, nhưng để có chân đứng trên mảnh đất Việt Nam, cũng phải thừa nhận và cho phép sự thờ cúng vô cùng thiêng liêng này).
Ngày xưa, bàn thờ tổ tiên được bài trí rất công phu. Những khám thờ với những chiếc bài vị ghi rõ tên họ các vị tổ tiên được thờ, đặt sau chiếc lư hương nghi ngút hương trầm và những cây đèn sáng trưng, những bát hương cổ kính... Ngày lễ, ngày giỗ, con cháu quỳ lạy trước bàn thờ. Bây giờ những bàn thờ tổ tiên được bày biện như vậy không còn mấy nữa, thay vào đó là những bàn thờ bày biện đơn giản hơn, nhỏ hơn, nhưng không kém phần nghiêm túc và thiêng liêng.
Ðúng, thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo, nếu hiểu tôn giáo phải có giáo lý và giáo hội chặt chẽ. Nhưng nếu hiểu tôn giáo như niềm tin sâu sắc của cá nhân và cộng đồng vào một cái gì thiêng liêng, siêu việt, như một sự hướng thượng của đời sống tâm linh con người, thì tôi có thể nói chắc rằng thờ cúng tổ tiên cũng là một thứ tôn giáo. Thứ tôn giáo này không thờ một thượng đế mà thờ tổ tiên, không có giáo lý nào khác ngoài giáo lý “uống nước nhớ nguồn”, không có giáo hội nào ngoài gia đình và gia tộc. Có thể nó không cao siêu lắm nhưng không vì thế mà không sâu sắc, không đi vào tiềm thức con người. Và chắc chắn nó là một tôn giáo hoàn toàn tự nguyện đối với những ai tin theo. Nếu cần đặt tên cho tôn giáo này, có thể gọi đó là đạo Hiếu.
Hiếu với tổ tiên là đạo lý cao nhất của tôn giáo này. Tổ tiên vừa thiêng liêng vừa thật gần gụi. Thượng đế nằm ở ngoài ta, còn tổ tiên nằm ngay trong chính bản thân ta. Dòng máu của ta chảy từ dòng máu tổ tiên ta. (Nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại, cơ sở của sự tờ cúng tổ tiên là những hồi ức về di truyền còn được gọi là “di truyền văn hóa”).
Tôi không rõ việc ghi chép gia phả có phổ biến owr các nước khác không, nhưng ở Việt Nam, đó là một truyền thống lâu đời. Có thời, việc này bị coi là “tàn dư phong kiến”. Nhưng hiện nay nó được phổ biến rất rộng. Nhiều người lao mình vào cuộc đấu tranh hàng 40 - 50 năm nay, tưởng đã quên mất tổ tiên mình, chỉ còn biết những sự nghiệp lớn lao của dân tộc, của giai cấp và nhân loại, hóa ra họ đang cất công đi tìm cái cội nguồn rất cụ thể của mình trong những di sản gia đình còn sót lại, phủ đầy bụi... Gia phả bằng chữ Hán thì nhờ dịch lại, bằng chữ quốc ngữ thì ghi thêm. Tổ tiên từ nơi mơ hồ nào đó hiện rõ với những tên tuổi và hành trạng của từng người. Những người chết đang sống lại trong lòng con cháu. Nghĩa là “chết không phải là hết”. Không biết khi làm công việc sưu tầm và bổ sung gia phả này, người ta nghĩ nhiều hơn tới tổ tiên hay tới bản thân mình? Tôi cho rằng có cả hai lý do đó (mà thật ra cũng chỉ là một). Ði tìm lại dấu vết tổ tiên, nhắc nhở mọi người nhớ tới tổ tiên, đó là đạo Hiếu đối với những thế hệ đã qua. Nhưng trong khi làm công việc này, chắc hẳn người ta cũng nghĩ rằng con cháu mình mai sau vẫn sẽ nhớ tới mình, giống như mình tưởng nhớ tới cha ông... Sự sống con người hiện tại, qua quá khứ tìm thấy lại, mhư được kéo dài tới tương lai. Sự sống đã có bộ mặt trường cửu dễ nhận biết. Cái chết chỉ là một dấu ngắt trong một bài văn dài...
*
Trong mạch thời gian vừa đứt đoạn vừa liên tục ấy, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Ðạo Hiếu thể hiện đối với những tổ tiên đã khuất, cũng như đối với những người lớn tuổi trong gia đình, đối với ông bà, cha mẹ. Sự thể hiện đạo Hiếu có khi cũng đi quá đà. Người ta thờ cúng cả người đang sống, hay nói đúng hơn, người đang sống tự thờ mình trong một “Sinh từ”, khiến thiên hạ đàm tiếu, chê bai. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hi hữu. Người Việt không thờ cúng người đang sống, dù đó là bố mẹ già như ở một vài nơi châu Phi. Nhưng chúng ta chăm sóc bố mẹ già hết lòng, việc đưa bố mẹ già vào “trại dưỡng lão” là xa lạ đối với chúng ta, trừ những người không có ai để nương tựa. Ðược phụng dưỡng cha mẹ già là một niềm vui. Người già sống giữa con cái, cháu chắt quây quần chung quanh cũng là một niềm vui. Ngày nay ở các thành phố, những gia đình gồm ba thế hệ - ông bà, cha mẹ, con cái - sống chung dưới một mái nhà ngày càng ít dần, có lẽ do điều kiện nhà ở chật chội hơn là do sự lan rộng của “gia đình hạt nhân”. Ngày xưa, ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn, ba thế hệ sống chung nhau là khá phổ biến. Nhưng đứa con do bố mẹ đẻ ra và nuôi nấng vẫn quấn quít với ông bà, vẫn nằm trong lòng bà trên chiếc võng tre đung đưa, nghe bà kể chuyện Tấm Cám, chuyện Phạm Công Cúc Hoa, chuyện bà con hàng xóm, ngườ xa kẻ gần... Chúng bú sữa mẹ nhưng còn bú cả sữa tinh thần của bà.
Giữa những người thân thương như vậy, cái chết đến với người già không lạnh lùng lắm, như khi người ta đón cái chết chỉ có một mình. Thậm chí người già còn chứng kiến sự chuẩn bị cho cái chết sắp tới của mình, khá bình thản. Ðây, chiếc quan tài sắm trước đặt ngay dưới bàn thờ hay ở đầu hồi, chưa sơn quét, và còn dùng để chứa vài thùng thóc ngừa lúc giáp hạt. Trước khi được đưa xuống huyệt, nó cũng chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong nhà, như những đồ vật thân thuộc khác.
Người già làm quen với cái chết như quen với những ngôi mộ gần gũi nằm giữa ruộng đồng cũng gần gũi, như quen với dãy núi xanh lam ở phương trời Tây kia. Một vòng đời đi qua, giống như một vòng đường từ nhà ra đồng, lên núi, rồi lại về nhà... Vậy đó!
*
Trời chưa sáng... Tôi mơ màng một lúc trước khi tỉnh dậy hẳn. Từ phía một nhà hàng xóm vang tới tiếng kèn tang não nuột. Lại một người vừa ra đi. Một nỗi buồn không cưỡng được. Nhưng không có gì thật đáng sợ. Như một qui luật tự nhiên không muốn có, tâm thức người Việt thấm vào tôi thật sâu lắng. Cái chết bao giờ cũng là một nỗi buồn ghê gớm, nhưng ngay từ trong những nhịp sống hàng ngày hôm nay, tôi bình thản chờ nó. Nó giống như một tấm gương soi, vô hình nhưng luôn luôn hiện hữu. Một cuộc sống tử tế hẳn sẽ được thưởng bằng một cái chết tử tế. Trong sự tiễn đưa ấm áp của người thân, của bạn bè, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...
Tháng tư 1993
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.
#185
Gửi vào 15/01/2015 - 12:21
Saigon Gompa
07:49' PM - Chủ nhật, 11/01/2015
Nếu một người kết hợp cả sáu hoạt động này, từng bước từng bước đưa nó trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của một người, thì sau đó đời sống bắt đầu, bằng chính nó, và sẽ ngày càng trở nên có định hướng hướng về lợi lạc của tất cả chúng sinh...
Người theo Phật giáo là một người không chỉ muốn sống tốt, mà còn muốn đạt tới giác ngộ và giải thoát. Con đường ngắn nhất để đạt tới đích này là xem tất cả mọi người cũng là những vị Phật và hành động giống như là một vị Phật cho tới khi bản thân thật sự trở thành một vị Phật. Sống trong một xã hội luôn luôn mang tới cho chúng ta những thử thách và yêu cầu mới, những gì xung quanh chúng ta chuyển biến rất nhanh. Những chuyển biến này giúp thiết lập một định hướng cho đời sống hàng ngày của chúng ta.
Sáu hành động giải thoát (Stk. Paramitas – Ba la mật đa) được Đức Phật dạy, chỉ ra bằng cách nào mà một người với động lực chính đáng có thể hành động một cách khéo léo vì lợi ích của tất cả chúng sinh và biến cuộc sống đời thường thành có ý nghĩa, hướng tới giác ngộ và giải thoát. Một mặt, các Paramitas là một chỉ dẫn cho chúng ta cách chuyển biến những hoàn cảnh đời thường thành có ý nghĩa. Mặt khác, chúng phản chiếu lên chúng ta bằng cách triệt tiêu những khuôn mẫu thói quen và tự coi mình là trung tâm, bởi vì điều cuối cùng đánh bẫy hoặc giải thoát chúng ta là con đường mà chúng ta giải quyết những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nếu mội người cố gắng để duy trì thái độ tò mò và nhớ tự cười bản thân trong khi điều phục tâm mình, người đó sẽ tạo nên những khám phá đầy kinh ngạc: Một người không chỉ càng lúc càng thường nghỉ ngơi một cách hạnh phúc trong cuộc đời mà còn thật sự tận hưởng đời sống đầy ý nghĩa vượt lên trên cả vùng thoải mái của bản thân.
1. LÒNG TỐT
Nói chung, bố thí là nền tảng căn bản cho tất cả mọi sự phát triển. Nó là sự thừa nhận cao nhất của mối tương quan của chúng ta và là một biểu hiện cho Phật tính của chúng ta. Nó bắt đầu với một nụ cười và một cái ôm mà chúng ta dành cho bạn đời của mình và cũng là rất thật cho sự phát triển của chính chúng ta, khi chúng ta từ bỏ những góc nhìn cũ kỹ. Chúng ta có thói quen nắm chặt lấy tất cả mọi thứ, bao gồm: vật chất, cảm xúc và trải nghiệm của chúng ta hoặc ý tưởng của chúng ta về bản thân, về người khác, và về thế giới. Thật ra, thay vì làm cho chúng ta hoặc người khác trở nên nhỏ bé, chúng ta có thể chỉ cần từ bỏ những khái niệm về chúng ta, về người khác. Chừng nào chúng ta còn đấu tranh chống lại cuộc đời, thay vì khám phá nó theo một cách tò mò và không sợ hãi, thì chúng ta còn không nhận ra rằng tất cả chúng sinh là giống nhau trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và rằng mọi thứ, bản thân nó đã rất phong phú và đầy tiềm năng.
Ngay khi chúng ta nhận ra bản chất căn bản của chúng sinh là tâm từ bi thay vì gây gổ, mối quan hệ của chúng ta với thế giới thay đổi hoàn toàn. Chúng ta nhận nhiều và nhiều hơn nữa niềm tin vào những giá trị tốt bẩm sinh của mỗi người và chúng ta phát triển nhiều và nhiều hơn nữa tâm từ bi thực tế. Từ đó, lòng tốt trở nên tự biểu lộ. Một người sẵn sàng cho đi, chia sẻ và từ bỏ là những người đã bắt đầu trở nên hạnh phúc hơn. Một người cho đi một cách tự tin những vật phẩm, cảm xúc tốt – ví dụ như là: sự thân thiết, bảo vệ và thời gian cho mọi người, hoặc những kiến thức giải thoát. Ở đây, điều quan trọng là không phá hỏng sự cởi mở được tạo lên từ lòng tốt và những mối liên hệ tốt bằng việc thực hiện những hành động xấu và gặt hái những hậu quả khó chịu.
2. THÁI ĐỘ CƯ XỬ VỚI MỌI NGƯỜI
Để thực hành chống lại những thói quen xấu, một người cần cải thiện thái độ cư xử với mọi người. Không có hy vọng có hạnh phúc và mãn nguyện nếu không từ bỏ những thái độ tiêu cực. Trách nhiệm của chính chúng ta là phải tạo ra nguồn gốc của hạnh phúc. Nếu chúng ta hiểu rằng thái độ chánh niệm, dựa trên tình thương và lòng từ bi là nền tảng cho những ấn tượng và kinh nghiệm tốt đẹp trong tâm chúng ta thì chúng ta bắt đầu hành xử, nói năng và suy nghĩ một cách có ý thức.
Khi cân nhắc 10 điều răn của Phật về thân – khẩu – ý, chúng ta thích nghĩ tới những giây phút phi thường nhưng chúng ta hoàn toàn bỏ lỡ mất những khả năng nhỏ trong đời sống hàng ngày để thực hành và phát triển. Nếu cần phải
- (1) bảo vệ người khác, chúng ta thích tưởng tượng ra những hình ảnh anh hùng và quên mất rằng cần phải đảm bảo rằng mọi người đều khỏe mạnh và đã đội nón bảo hiểm khi đi xe máy. Trong thế giới dư thừa vật chất, cần phải có một sự am hiểu sáng suốt về người khác để có thể
- (2) cho họ cái mà họ thật sự cần. Đồng thời, nếu một người tôn trọng không gian và đồ đạc cá nhân của người khác, người đó đã tiến bộ được rất nhiều. Hành động có ý nghĩa thứ ba là
- (3) trao tặng yêu thương tại nơi cần điều đó mà không làm hỏng mối quan hệ đối tác. Bốn mặt tích cực của lời nói là:
- (4) nói sự thật hoặc giữ im lặng;
- (5) đưa mọi người xích lại gần nhau hoặc hỗ trợ mọi người bên nhau;
- (6) nói năng một cách có suy nghĩ và có sự tôn trọng dành cho mọi người; và cuối cùng là
- (7) nói chuyện một cách có ý nghĩa để hỗ trợ người khác khám phá thế giới để từ đó, họ đạt tới những hạnh phúc và ý nghĩa lớn lao hơn. Khi chuyển hóa tâm mình, một người
- (8) phát triển lòng tự tin và ước mong điều tốt cho tất cả mọi người, hoặc
- (9) hạnh phúc về những gì mà người khác đã đạt được và bất kỳ điều gì có ý nghĩa mà họ đang làm và một người
- (10) cố gắng hơn nữa để suy nghĩ một cách lô-gíc, để hiểu nguyên lý của luật nhân quả và để nhận thấy sự phong phú không giới hạn trong vạn vật.
3. KIÊN NHẪN
Để không đánh bạc một cách thiếu suy nghĩ những vật chất và các điều kiện tốt cần thiết cho sự phát triển mà, thay vào đó, có thể nắm chắc chúng trong dài hạn, cần phải có kiên nhẫn. Sự giận dữ và ghen ghét là những cản trở lớn nhất. Một người tràn đầy hận thù và giận dữ sẽ không thể gieo trồng hạnh phúc trong dài hạn vì nếu chúng ta nhân nhượng thì chỉ trong ít phút, nó sẽ phá hỏng những ấn tượng tốt đẹp đã được nỗ lực xây dựng trong một thời gian dài. Chỉ những ai xóa bỏ được giận hờn và đam mê mới có thể luôn luôn hạnh phúc tại giờ phút này và sau này.
Kiên nhẫn không phải là kéo dài một điều gì đó hoặc chịu đựng một cách lặng lẽ ở góc nhà mà là ngồi một cách can đảm giữa ngọn lửa, hoặc duy trì được sự an lạc trong nội tâm và tạo cho mọi thứ và chúng ta một khoảng không gian và thời gian. Cuối cùng, tùy thuộc vào cách nhìn của chúng ta mà những điều chúng ta trải nghiệm là thiên đường hay địa ngục. Bằng cách không xem hận thù là nghiêm trọng, một người để cho cảm xúc này hòa vào không gian rộng mở và nhận thức rằng mọi thứ mang tới đau khổ ít có ý nghĩa hơn. Khi phải đối mặt với một hoàn cảnh khó khăn và mâu thuẫn, một người nên đợi cho tới khi gặp điều kiện thuận lợi và ngăn chặn một cách tuyệt đối những giận hờn, phẫn nộ, buồn chán trước khi hành động. Để có thể hành động một cách kiên định trong hoàn cảnh khó khăn, và chấp nhận một cách công bằng vô tư các hoàn cảnh không thể thay đổi được là một bằng chứng cụ thể của sức mạnh và sự trưởng thành. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta điều phục tâm mình. Thay đổi thói quen và thái độ ít khi nào có thể xảy ra chỉ sau một đêm và để thói quen hoặc thái độ mới trở thành không thay đổi cần sự bền bỉ và kiên trì. Bởi vì, với tất cả sự tự giác, ở đây, sự thân thiện và hài hước dành cho một người là phần thưởng lớn lao.
4. NHỮNG NỖ LỰC MANG LẠI NIỀM VUI
Hành động thứ tư mô tả cách mà một người có thể xóa bỏ sự lười nhác, tính tự mãn và cách nhìn sai lầm bằng những phương pháp của “nỗ lực mang lại niềm vui”. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, lười biếng đồng nghĩa với việc chúng ta làm hàng ngàn những việc không quan trọng. Thế giới của chúng ta tràn ngập những hoạt động sôi nổi tới mức chúng ta còn quá ít thời gian cho những việc quan trọng. Năng lực và sự kiên định nội tâm không phải là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành công do sự phát triển chỉ được nhận thấy thông qua việc vượt lên sức ì của chính chúng ta, sự tự thán và những thói quen xấu. Sự phát triển này xuất hiện tại thời điểm chúng ta ở ngoài vùng thoải mái của mình. Nếu một người không trông đợi sự ngợi ca cho những nỗ lực của mình và nếu một người tự do, không vướng vào những cảm xúc của sự quan trọng hoặc chủ nghĩa hoàn hảo, niềm hạnh phúc sâu sắc và đầy đủ sẽ hiện lên. Con đường có ý nghĩa duy nhất để tận dụng những điều kiện tốt của một người chính là thực hiện những khả năng tốt nhất của người đó một cách hạnh phúc và một cách vững vàng, với tất cả trách nhiệm mà không có hy vọng hoặc mong đợi nào.
5. THIỀN ĐỊNH
Bất cứ ai muốn phát triển những khả năng của mình một cách lâu bền và không muốn là một quả bóng cho cảm xúc và ý nghĩ đá lăn lóc cần giữ khoảng cách trong tâm. Thiền định tạo nên khoảng không gian và tự do cho ý thức của chúng ta và bắt đầu với việc làm dịu tâm thức và sự phát triển của nhận thức. Thông qua quá trình này, một người sẽ học cách để trở về với thời điểm hiện tại và quan sát cách mà cảm xúc và ý nghĩ tự trỗi dậy, thay đổi, và biết mất đi. Nếu một người đã hiểu rằng nguyên nhân chính để có hạnh phúc nằm trong tâm của chính mình và các điều kiện ngoại cảnh chỉ là biểu hiện của những điều kiện có hại hay có lợi thì từ đó, người đó sẽ không thấy những những biểu hiện bên ngoài là khổ đau và thay đổi. Tâm trở nên cân bằng, khó bị xáo trộn và sự sáng suốt nội tâm khởi sinh.
Chúng ta càng thực hành thiền định, chúng ta càng dễ duy trì góc nhìn tối cao và dựa vào đó mà cư xử trong các tình huống hàng ngày. Những điều dễ thương được xem như là niềm hạnh phúc và những điều khó khăn được xem như là một quá trình học tập và thanh lọc các tội lỗi. Nếu một người trải nghiệm điều gì đó tốt, người đó mong rằng tất cả mọi người đều trải nghiệm điều này hoặc điều gì đó tốt hơn và một người truyền đạt kinh nghiệm của những tình huống khó khăn cho người khác. Khi một người càng bỏ qua những vấn đề nhỏ và không lấy bản thân làm trung tâm và làm bạn với bất kỳ điều gì theo một cách cởi mở, không sợ hãi; người đó càng hiểu rằng làm điều tốt là một chuyện rất tự nhiên. Thêm vào đó, thiền định tạo nên những ấn tượng tốt sâu xa hơn trong tâm và do đó, là một điều kiện đặc biệt cho sự phát triển của tuệ giác.
6. TUỆ GIÁC
Sự phát triển tâm trí được đánh dấu bằng hai bước, đôi khi được mô tả như là sự tạo thành của hai sự tích tụ: sự phát triển của những ấn tượng tốt trong tâm (1 tới 5) và sự phát triển sâu sắc của tuệ giác (6). Những ấn tượng tốt đẹp không giới hạn được lưu chứa trong tâm thông qua những ý nghĩ, lời nói và hành động có ý nghĩa, và tại điểm này, tâm đạt tới một mức độ của bình an. Tại đây, những tư tưởng và cảm xúc bất an có thể được giải tỏa bằng cách ít chú tâm tới chúng ngay khi chúng trở nên rõ rệt, và đồng thời, duy trì một thái độ tốt. Chất lượng của những ấn tượng tốt cho phép một bước nhảy vọt về chất lượng. Khi những khả năng bị kìm hạm bởi những trạng thái nội tại cứng nhắc được giải phóng, một người hiểu được bản chất của sự vật một cách trực giác và rõ ràng. Người đó nhận ra rằng thực tế là chủ thể, vật thể và hành động là những phần của cùng một tổng thể. Từ đó, tuệ giác là sự thể hiện tự phát của tâm. Nếu vượt thoát ra khỏi tất cả mọi giới hạn, thuộc tính không có điều kiện của sự không sợ hãi, an lạc và lòng từ bi sẽ được biểu lộ. Sự hiểu biết này giải thoát tất cả mọi hoạt động từ bất kỳ sự hẹp hòi nào và biến nó thành không thể sử dụng cho sự khuếch đại của các nguyên mẫu lấy bản thân làm trung tâm.
Nếu một người kết hợp cả sáu hoạt động này, từng bước từng bước đưa nó trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của một người, thì sau đó đời sống bắt đầu, bằng chính nó, và sẽ ngày càng trở nên có định hướng hướng về lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đời sống của một người bắt đầu có nhiều ý nghĩa hơn và người đó càng mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Do đó, câu hỏi không phải là liệu một người có liên quan vào sự hối hả của đời sống hàng ngày hay không mà là liên quan như thế nào.
Nguồn: Saigon Gompa
#186
Gửi vào 15/01/2015 - 12:37
Anton Tsekhov
12:37' PM - Chủ nhật, 11/01/2015
Pyotr Semyonych, một tay chơi đã đến thời kỳ mệt mỏi, đầu bị hói, mặc chiếc áo ngủ bằng nhung có núm tua màu đỏ sẫm, tay đang mân mê những sợi tóc mai mềm mại, tiếp tục nói:
- Này moncher (bạn thân mến), nếu bạn thích, đây là một phương pháp khác - một phương pháp tinh vi nhất, khôn khéo nhất, độc địa nhất và cũng là một phương pháp nguy hiểm nhất cho các ông chồng. Chỉ có các nhà tâm lý học và các tay sành sỏi tâm lý phụ nữ mới có thể đem ra áp dụng. Trong khi sử dụng phương pháp này, the conditio sine qua non (điều kiện không thể thiếu) là phải kiên trì hết mực. Phương pháp không thích hợp với những ai không biết cách chờ đợi và kiên nhẫn. Theo đó, nếu bạn đang tìm cách chài mồi vợ của người đàn ông nào đó, thì bạn phải giữ một khoảng cách xa nàng chừng nào tốt chừng đấy. Vừa khi bạn thấy nàng quá đỗi quyến rũ thì hãy chấm dứt ngay việc thăm viếng, càng ít gặp càng hay và chính lúc ấy buộc lòng bạn phải từ bỏ thú vui được chuyện trò với nàng. Bạn gây ảnh hưởng với nàng từ đằng xa. Chẳng qua toàn bộ vấn đề là một cách thôi miên vậy thôi. Hẳn nhiên là nàng không nhìn thấy bạn nhưng nàng vẫn chịu ảnh hưởng của bạn, cũng giống như con thỏ cảm nhận được tia nhìn chăm chăm của con trăn. Bạn thôi miên nàng không phải bằng đôi mắt nhưng bằng cái lưỡi khôn khéo của bạn. Và con đường tốt nhất không gì bằng, là thông qua người chồng của nàng.
Chẳng hạn tôi say đắm yêu N.N và tôi muốn chiếm đoạt nàng. Đâu đấy, ở câu lạc bộ hoặc ở nhà hát, tình cờ tôi gặp chồng nàng.
- Vợ anh thế nào? - Tôi làm như vô tình hỏi anh ta - Này, chị ấy là một phụ nữ thật duyên dáng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ chị, anh ạ.
- Ở... nàng có gì mà mê hoặc cậu đến vậy hả? - người chồng hả hê đó buột miệng hỏi.
- Chị ấy đẹp nhất, thanh tú nhất. Chị có thể làm cho đá cũng phải động lòng yêu chị. Các anh là những ông chồng u mê đến lạ. Chỉ trong thời gian hưởng tuần trăng mật các anh mới nhận ra được giá trị của các bà vợ. Anh không thấy vợ anh là một phụ nữ lý tưởng sao? Này này, hãy mở mắt ra mà nhìn, mà tận hưởng số phận đã dâng tặng cho anh một người vợ như thế. Chỉ có những người đàn bà loại ấy mới thật sự cần thiết cho thời buổi này, thế hệ này.
- Ở nàng có gì mà anh cho là khác thường chứ? - người chồng gạn hỏi.
- Chị kiều diêm, chị duyên dáng, tràn đầy sức sống, chân thật, ngây thơ, thẳng thắn, đồng thời cũng rất chi là khó hiểu.
Và chuyện như thế còn đẩy xa hơn nữa. Ngay đêm đó, người chồng trước khi ngủ, chắc chắn sẽ thủ thỉ với vợ:
- Này em, anh mới gặp Pyotr. Hắn ca tụng em hết mực. Hắn mê mẩn vì em. Theo lời hắn thì em là một người đàn bà tuyệt đẹp, vô cùng yểu điệu và lại khó hiểu nữa. Rằng em có thể yêu một cách lạ lùng. Tất nhiên hắn nói rất nhiều về em... ha ha...
Sau đấy, vẫn không gặp nàng nhưng tôi vẫn nhắm tìm chồng nàng.
- Tiện thể, anh bạn già này... - tôi nói với anh - hôm qua một hoạ sĩ tôi quen đã đến tìm gặp tôi. Một ông hoàng nào đấy đã ra lệnh hắn phải vẽ chân dung có vẻ đẹp đặc biệt Nga. Vẽ như vậy hắn sẽ được thưởng hai ngàn. Hắn nhờ tôi tìm giùm một người mẫu. Tôi có ý định giới thiệu vợ anh với hắn nhưng bản thân tôi không thể làm được. Tuy nhiên chị ấy chính là mẫu người hắn đang cần. Khuôn mặt chị thật đáng yêu. Một người mẫu tuyệt vời như vậy mà thoát khỏi đôi mắt của nhà nghệ sĩ thì thật là tủi hổ. Quá là tủi hổ!
Ông chồng nào cũng đều nịnh vợ nên nhất định là sẽ lặp lại những lời ấy cho vợ mình nghe. Buổi sáng, người vợ sẽ ngồi rất lâu trước gương, săm soi nhan sắc của mình và thầm nghĩ: Do đâu anh ấy lại cho rằng khuôn mặt mình tiêu biểu người Nga nhỉ?
Vậy mà mỗi lần soi gương là nàng lại nghĩ đến tôi. Trong thời gian ấy, tôi vẫn làm như vô tình gặp gỡ chồng nàng. Sau mỗi lần gặp mặt ấy, người chồng khi trở về nhà cứ trân trân nhìn mặt vợ.
- Tại sao anh nhìn em như thế?
- Cái thằng cha Pyotr lại phát hiện là con mắt này của em thì đen hơn con mắt kia. Cả đời anh, anh có thấy gì đâu.
Người vợ lại ngồi trước gương, săm soi nhìn mình hồi lâu, suy nghĩ:
- Ừ, mắt trái hình như hơi đen hơn mắt phải... Không, mắt phải đen hơn mắt trái... Nhưng có lẽ với anh ấy thì như thế.
Sau lần gặp thứ tám hoặc thứ chín, người chồng nói với vợ:
- Anh gặp Pyotr tại nhà hát. Hắn xin lỗi đã không đến thăm em, lý do là không có thì giờ. Hắn nói hắn bận bù đầu. Hình như anh thấy khoảng bốn tháng nay hắn không đến thăm hai vợ chồng mình. Anh trách hắn chuyện này nhưng hắn rối rít xin lỗi, hẹn xong việc sẽ đến thăm.
- Nhưng đến khi nào công việc mới xong?
- Theo hắn nói, ít nhất phải một hoặc hai năm. Chẳng hiểu hắn làm cái quái quỷ gì. Ôi thằng cha thật lạ lùng! Hắn quấy rầy anh hoài như một tên khùng, lải nhải đủ điều: "Này, tại sao vợ anh lại không lên sân khấu nhỉ? Với một ngoại hình hấp dẫn như thế, với sự thông minh và đa cảm như thế mà ru rú làm người đàn bà nội trợ thì là một cái tội đối với chị. Chị ấy phải rũ bỏ mọi thứ. Hãy đi đến nơi nào mà tiếng nói bên trong thôi thúc. Những đòi hỏi tầm thường không thể dành cho những người đàn bà như thế bao giờ. Những phẩm chất như chị ấy thì không thể bị trói buộc trong thời gian và không gian".
Tất nhiên người vợ chỉ có ý tưởng mơ hồ về những gì câu chuyện thổi phồng kia muốn nói đến, tuy nhiên nàng mền nhũn cả người vì nỗi ngất ngây đến nghẹt thở ấy.
- Thật vô lý! - Nàng thốt lên, làm ra vẻ hững hờ - anh ta còn nói gì nữa không?
- Hắn nói là nếu hắn không bận rộn thì hắn bứng em ra khỏi anh ngay. Anh trả lời với hắn là, thích bứng thì cứ bứng đi, anh không vì em mà đọ kiếm với hắn đâu. Hắn liền la lên:
"Ồ, anh không hiểu chị ấy. Điều quan trọng là phải hiểu chị ấy. Chị ấy là một người khác thường, dữ dội, sẽ tìm lối thoát cho xem. Thật đáng tiếc tôi không phải là Turgenev, bằng không tôi sẽ đưa chị ấy vào tiểu thuyết ngay". Anh không sao cười được. Em à, hắn mê mệt vì em đấy. Anh mới nghĩ thầm: Ờ giá như người anh em sống với nàng hai, ba năm thì người anh em sẽ ca cẩm một giọng khác thôi. Một thằng cha quái gở!
Người vợ khốn khổ ấy kết thúc bằng một nỗi giày vò khao khát mong được gặp mặt tôi. Tôi là người duy nhất hiểu được nàng, chỉ với tôi nàng mới thổ lộ hết tâm can. Song lẽ tôi vẫn bướng bỉnh không đến thăm nàng. Đã lâu rồi nàng không gặp tôi. Người chồng vừa ngáp vừa truyền đạt những lời nhận xét của tôi và dường như nàng nghe được chính giọng nói của tôi, nhìn thấy rõ đôi mắt long lanh của tôi.
Thời gian tâm lý đã điểm. Một buổi tối, người chồng về nhà, mở miệng nói:
- Anh mới gặp Pyotr Semyonych. Hắn trông đờ đẫn, ủ rũ, chán chường.
- Sao thế? Anh ta có chuyện gì à?
- Anh không rõ. Hắn than là chán quá. Hắn nói: "Tôi cô độc. Không bà con thân thích. Không bạn bè. Không một ai hiểu tôi. Không một ai để tâm tình. Không ai hiểu tôi cả. Tôi chỉ mong có mỗi một điều: chết quách cho xong!".
- Đồ điên rồ! - người vợ bật thốt lên, nhưng trong thâm tâm thì nàng nghĩ: Đáng thương thật! Mình hoàn toàn hiểu anh ấy! Mình cũng cô độc. Cũng không có ai để hiểu mình trừ anh ấy ra. Còn ai ngoài mình để thấu hiểu tâm trạng của anh ấy?
- Đúng là một thằng cha quái gở! - người chồng tiếp tục - Hắn còn nói thế này: "Quá chán chường tôi không sao ở nhà được. Suốt đêm tôi đi thơ thẩn trong công viên".
Người vợ sốt vó cả lên. Nàng ngắc ngoải muốn chạy vụt đến công viên để thấy - dù chỉ bằng một mắt thôi - người đàn ông hiểu được nàng mà giờ đây đang mang tâm trạng thất vọng đến thế. Ai biết được chứ? Nếu mình nói chuyện với anh ấy, nếu mình nói một vài lời để an ủi anh ấy thì may ra anh ấy khoẻ khoắn hơn. Nếu mình nói rằng anh đã có một người bạn hiểu anh, đánh giá được anh thì có có lẽ anh sẽ tỉnh người lại. Nhưng mà điều này không thể... Phi lý quá. Thậm chí mình không được có ý nghĩ như thế nữa kia. Nếu mình không lưu ý, mình sẽ yêu anh ấy mất, mà như vậy quả là xuẩn ngốc và buồn cười biết bao.
Khi chồng nàng ngủ say, nàng liền ngẩng cao đầu, nó nóng như lửa đốt ấy, ngón tay ép chặt lên môi, suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bây giờ mình liều lĩnh ra khỏi nhà. Rồi sau đó, mình sẽ bịa ra chuyện đến quầy thuốc, đến nha sĩ. Mình phải đi thôi. Nàng quyết định.
Kế hoạch của nàng đã sắp sẵn: Mình đi theo cửa phía sau ra khỏi nhà, đáp taxi đến công viên; một khi đến đấy, mình sẽ đi bộ ngang qua anh ấy, liếc mắt nhìn anh rồi quay về nhà. Như thế nàng sẽ không làm tổn thương nàng và cho cả người chồng của nàng.
Nàng mặc quần áo, vội vã rời khỏi nhà, lao vút đến công viên. Công viên tối đen, vắng vẻ. Những thân cây trơ trụi yên giấc. Không thấy một bóng người. Nhưng nàng chợt thấy có bóng người. Chắc chắn là người đó rồi. Toàn thân nàng run rẩy, chầm chậm nàng tiến về phía tôi... và tôi tiến về phía nàng. Trong giây lát cả hai chúng tôi đều đứng bất động, nhìn sâu vào mắt nhau. Một khoảnh khắc khác lại trôi qua lặng lẽ và... con thỏ bất lực chui vào mõm con trăn.
#187
Gửi vào 19/01/2015 - 14:50
Trước khi những con tem bưu chính ra đời, thư từ đã trở thành một phương tiện thông dụng của cư dân ở châu Âu. Thời đó cước phí chuyển thư được trả bằng tiền, do người gửi thư hay nhận thư thanh toán. Năm 1838, một người Anh khá nổi tiếng tại Luân Đôn là Rowland Hill đã tình cờ chứng kiến một một sự việc độc đáo trên lĩnh vực thư tín. Bữa nọ, ông đang ngồi trong một quán nước thì người bưu tá đến trao cho cô giúp việc tại đây một phong thư. Sau khi quan sát kỹ bì thư, cô gái trả lại cho người bưu tá và không đồng ý thanh toán cước phí. R. Hill xin phép được trả thay nhưng cô gái cương quyết từ chối. Điều này khiến ông đâm ra nghi hoặc và cố tìm hiểu những bí ẩn trong cách xử sự của cô. Cuối cùng ông vỡ lẽ ra là cô và anh tình nhân đã thông tin với nhau qua một dấu hiện riêng trên bì thư, sau khi nắm bắt nội dung trên bì thư đó, cô gái trả lại thư để khỏi tốn cước phí.
Sự khám phá tình cờ này gợi cho R. Hill viết một tập sách mỏng nhan đề Post-office reform (cải cách bưu chính), đưa ra khuyến cáo: cần phải thu trước phí thư tín thông qua hình thức một mảnh giấy có đóng dấu xác nhận trên bì thư. Sáng kiến được sự ủng hộ của giới thương gia và nghị viện Anh. Một cuộc thi được tổ chức trên toàn nước Anh để cụ thể hóa những sửa đổi cơ bản trong ngành bưu chính: thống nhất giá biểu và thu trước cước phí. Trong cuộc thi, có hai sáng kiến vào chung kết, một là phát hành phong bì in sẵn có đóng dấu và hai là sản xuất một loại giấy nhãn dán dính được để dán vào bì thư. Cuối cùng sáng kiến thứ hai của một người thợ khắc huân chương tên W. Wyon được chọn
Ngày 6 tháng 5 năm 1840, cả nước Anh thực sự bước vào một cuộc cách mạng bưu chính. Công chúng được mời dán vào bì thư một loại nhãn màu đen in hình nữ hoàng Anh Victoria với bưu phí 1 xu (one penny). Tem được in lên một tờ giấy to, không đục lỗ giữa các con tem như bây giờ nên công việc cắt rời từng đơn vị một đã làm cho các nhân viên bưu chính mất nhiều thì giờ. Lượng thư tín gửi đi tăng gấp ba lần song mức thu lại giảm sút, còn không đến 70% mức cũ, vì một lý do dễ hiểu là sự thống nhất giá biểu trên cả nước Anh đã làm giảm cước phí nhiều lần so với mức cũ. Trước đấy, muốn gửi thư đi từ Luân Đôn đến Scotland phải trả 1 shilling thì nay chỉ cần mua một con tem với giá biểu 13 lần rẻ hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, phương thức “con tem 1 xu” của xứ sở sương mù đã được nhiều chính phủ khác mạnh dạn áp dụng: Brazil và một số tổng ở Thụy Sĩ vào năm 1843, Mỹ năm 1847, Bỉ và Pháp năm 1849. Tại Pháp, sáng kiến này đã được đệ trình từ lâu nhưng Quốc hội đã bác bỏ vào năm 1845. Phải đợi đến sau cách mạng 1848, tân Giám đốc bưu chính Etienne Arago mới mạnh dạn đưa tem thư vào cuộc sống thường nhật của người dân ở Pháp.
Ở Việt Nam, suốt thời kỳ quân chủ, ngành bưu chính là một công cụ đắc lực của triều đình để củng cố mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Từ thế kỉ XI, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) đã cho dựng ở mỗi cung đường quan lộ cách nhau 15 đến 20 km một nhà trạm để vừa làm nơi nghỉ chân của khách bộ hành lỡ bước, vừa làm nơi trung chuyển công văn giấy tờ và thay đổi ngựa trạm hay lính trạm. Thời ấy, thư từ được cho vào các ống tre, buộc chặt hai đầu, gắn nhựa thông hay sáp, có đóng dấu lên trên để vừa bảo mật, vừa tránh rơi rớt dọc đường. Trên ống công văn, người ta ghi mức độ khẩn và địa chỉ nơi nhận. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 1819, thời vua Gia Long, thuyền trưởng Pháp Rey đã lưu ý về hình ảnh đặc biệt này: “Ngay khi người ta nghe tiếng nhạc ngựa vang lên báo hiệu sự xuất hiện của sứ giả triều đình hoặc trông thấy lá cờ nhỏ bay phấp phới, các xe bò và xe bộ hành nép lại, con đường được thu dọn tất cả những gì cản trở bước tiến của người phu trạm, những người chở đò chuẩn bị đò để đưa qua sông và nếu đã rời bến sông, họ phải chèo cật lực, quay trở lại để rước người phu trạm…” (Bulletin des Amis du Vieux Hue 1920, tr.2).
Đến đầu thập niên 1860, khi chưa hoàn thành kế hoạch đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, người Pháp đã nghĩ đến công tác bưu chính và điện báo. Ngày 11 tháng 4 năm 1860, đại tá hải quân Dariès cho thiết lập văn phòng bưu chính đầu tiên của Pháp tại Nam kỳ với chức năng chủ yếu là chuyển giao công văn giữa các tổ chức hành chánh và quân sự của Pháp. Song phải đợi đến đầu năm 1863, công tác bưu chính mới nhắm đến công chúng dù lớp công chúng này cũng chỉ mới là một thiểu số kiều dân Pháp và công chức bản xứ làm việc cho Pháp. Nghị định số 15 ngày 13 tháng 1 năm 1863 của Phó Đô đốc Bonard, thống đốc Nam kỳ, quy định những nét căn bản đầu tiên cho việc gởi và nhận thư từ trong và ngoài địa phận Sài Gòn. Sở bưu chính Sài Gòn hoạt động theo phương thức tổ chức của cơ quan bưu chính chính quốc. Một người bưu tá duy nhất có nhiệm vụ đi phát thư tận nhà cư dân, mỗi ngày hai bận, bận thứ nhất từ 9 đến 10 giờ sáng, bận thứ hai từ 4 đến 5 giờ chiều. Mỗi khi tàu chở thư cập cảng Sài Gòn, một viên bưu tá trên tàu có nhiệm vụ đưa toàn bộ thư từ lên bờ và giao ngay cho Sở bưu chính. Các thường dân có thể đến nhận thư tại sở bưu chính hay chờ được phát tận nhà. Sở này làm việc sáng từ 7 đến 9 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ trừ Chủ nhật và ngày lễ.
Theo bố cáo ngày 30.5.1863, kể từ ngày 1.6.1863, tem bưu chính thuộc địa có 4 loại, được bán cho công chúng với 4 giá biểu sau:
1- Tem màu cam 0,04 (quan)
2- Tem màu nâu xám 0,10
3- Tem màu lục 0,05
4- Tem màu xám 0,01
Tem được bán mỗi ngày trừ Chủ nhật và ngày lễ tại cơ sở bưu chính ở Sài Gòn và những cơ sở thiết lập do quyết định ngày 30/5…”.
( Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF) 1863, tr. 352).
Ngày 2.6.1863, Đề đốc De La Grandière ban hành nghị định số 74 qui định thống nhất một giá biểu cho thư gửi trong nội thành, thư gửi từ Sài Gòn đi các tỉnh và ngược lại, hoặc thư gửi từ tỉnh này sang tỉnh khác, chỉ khác nhau theo trọng lượng, chẳng hạn:
* Thư cân nặng đến 10 gram dán tem 0,10 quan Pháp
* Thư từ 10 đến 20 gram dán tem 0,20 quan Pháp
* Thư từ 20 đến 100 gram dán tem 0,40 quan Pháp
* Thư từ 100 đến 200 gram dán tem 0,80 quan Pháp
* Thư từ 200 đến 300 gram dán tem 1,20 quan Pháp
(Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF) 1863, tr. 349-350).
Đến năm 1864, công chúng đã sử dụng rộng rãi tem thư do chính quyền thuộc địa phát hành trong phạm vi các địa phương đã lọt vào tay quân Pháp: Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công,… Một bức thư đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho mất 21 giờ, còn từ Sài Gòn đi Gò Công mất 16 tiếng. Trong thời gian này, tổ chức trạm của triều Nguyễn tại Nam kỳ vẫn chưa bị thực dân Pháp bãi bỏ. Bằng văn kiện số 117 ngày 10/08/1866, Phó Đô đốc De La Grandière, Thống đốc Nam kỳ, quy định các trạm tiếp tục công tác bưu chính trong những ngày lễ và Chủ nhật (BOCF 1866, tr. 123 – 124). Làm như vậy, Pháp giải quyết được lỗ hổng mà cơ quan bưu chính của họ tạo ra trong những ngày này. Tuy nhiên đến thập niên 1870, tổ chức trạm cũng bị bãi bỏ, khi nền bưu chính mới đã thực sự phát huy được tác dụng của nó.
Điều cần lưu ý là trong thời gian mấy thập niên đầu, tem thư chỉ sử dụng chủ yếu trong phạm vi thuộc địa Nam kỳ. Mãi đến năm 1892, người ta mới thấy một bộ tem được phát hành sử dụng chung cho các thuộc địa của Pháp trong đó có Đông Dương. Loại tem này có đến 14 giá biểu, từ 0,01 đến 5 quan Pháp, thể hiện chủ đề “hàng hải và thương mại” với hình vẽ hai người ngồi trên mũi thuyền cùng nắm lá cờ tam sắc của Pháp. Phần trên cùng con tem in hai dòng chữ: République francaise (Cộng hòa Pháp) và Colonies-Postes (Bưu chính thuộc địa), phần dưới chừa trống một khoảng để mỗi thuộc địa in giá biểu và tên xứ mình vào. Đến năm 1908, tem bưu chính mới thể hiện những hình ảnh đặc trưng của từng thuộc địa. Loại nhỏ có tem hình đầu người phụ nữ Nam bộ, giá biểu từ 0,01 đến 0,15 quan Pháp, tem hình đầu người phụ nữ Campuchia giá biểu từ 0,20 đến 0,50 quan Pháp; loại lớn có tem hình toàn thân người phụ nữ Campuchia (0,75 quan), phụ nữ Campuchia và em bé (1 quan), phụ nữ Mường chụp toàn thân (2 quan), phụ nữ Lào chụp toàn thân (5 quan), phụ nữ Bắc kỳ (10 quan)…Trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), chính quyền thuộc địa tăng giá biểu trên các tem đang lưu hành để hỗ trợ hoạt động của Hội chữ thập đỏ Pháp và các trẻ em mồ côi vì chiến tranh.
Về phương diện kỹ thuật, hai yếu tố mà thực dân Pháp chú trọng trong việc phát hành tem thư là chống giả mạo và có giá trị mỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu này, trong suốt 50 năm đầu, họ cho in tem thư tại nhà in Vaugirard ở Paris, về sau mới giao cho nhà in Viễn Đông ở Hà Nội. Năm 1927, lần đầu tiên người ta được thấy đợt tem mới phát hành với sự tham gia của các họa sỹ Việt Nam. Họa sỹ Tôn Thất Sa vẽ tem “người nông phu”, họa sỹ Nguyễn Đình Chi vẽ tem “Chùa Một Cột”, “nhà điêu khắc” và họa sỹ Phạm Thông vẽ tem “Đền Angkor”,…
Đến nay, sau hơn 150 năm, con tem bưu chính đã ghi dấu ấn của bao nhiêu thăng trầm trên đất nước Việt Nam. Nó được khai sinh để phục vụ yêu cầu củng cố và phát triển guồng máy cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương. Tuy nhiên cùng với thời gian, nó len lỏi vào sinh hoạt thường nhật và góp phần không nhỏ vào những mối giao lưu của người dân bản xứ Việt Nam. Từ lâu, việc sưu tập bưu hoa đã sớm trở thành một thú chơi tinh tế. Dù khoa học kỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao trong việc cải thiện đời sống con người, những con tem thư nhỏ nhắn vẫn tiếp tục hiện diện tại các quầy bưu chính như một thách thức của tính truyền thống trước quy luật đào thải của thời gian.
Lê Nguyễn
14.1.2015
(theo facebook tác giả)
Mẫu tem đầu tiên của thế giới in hình nữ hoàng Victoria, phát hành tháng 5.1840
Hai con tem phát hành tại Sài gòn năm 1872
Tem sử dụng chung cho các thuộc địa của Pháp thập niên 1890
Tem sử dụng tại Đông Dương đầu thế kỷ 20
Tem dán trên một bưu thiếp năm 1911
Một xe chở thư từ Sài gòn đi Tây Ninh đầu thế kỷ 20
Bố cáo ngày 30.5.1863 in trên công báo Pháp BOCF
Sửa bởi pth77: 19/01/2015 - 14:52
Thanked by 1 Member:
|
|
#188
Gửi vào 19/01/2015 - 15:08
(Sau câu chuyện về triết gia Trần Đức Thảo nhiều người đặt câu hỏi, lý do gì mà những trí thức có điều kiện phát triển như thế ở tại môi trường nước Pháp lại quyết định bỏ tất cả để về nước kháng chiến? Câu hỏi không hề đơn giản, nếu ta không đặt mình vào hoàn cảnh, điều kiện của chính những nhân vật đó, và phải phần nào hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ! Câu chuyện sẽ hơi dài và có quá nhiều nhân vật, ai không quan tâm thì nên bỏ qua, còn ai thấy “dân ta nên biết sử ta” thì tác giả hy vọng sẽ chia sẻ được một góc nhìn tổng thể về đề tài này, cũng đã ba phần tư thế kỷ trôi qua rồi...)
Thời điểm năm 1941 nước Pháp bị chia đôi, Paris nằm ở lãnh thổ bị Đức chiếm đóng, còn phía Nam thì vẫn nằm trong tầm quản lý của Thống chế Pétain. Thế chiến bắt đầu giai đoạn đẫm máu, khốc liệt nhất sau khi Đức bất ngờ tấn công Liên Xô 22/6/1941. Lúc cao điểm nhất có tới 80 nghìn người Việt Nam (thời đó vẫn bị gọi là An Nam) khoác áo “lính” của Pháp và ở châu Âu. Lính có 2 loại:”lính thợ”-làm lao động chân tay cho Pháp-Đức; “lính chiến” –các tiểu đoàn quân đội Pháp, nhưng thực chất toàn người Việt được tuyển mộ để đánh nhau với Đức. Thời đó Việt kiều tại Pháp có nhưng số lượng rất ít! Tại Paris có khoảng gần một nghìn người Việt đang theo học đại học, cao đẳng, hoặc đã học xong đang đi làm hay lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ...
Câu chuyện bắt đầu từ trường đại học Cầu đường Paris. Đây là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của Pháp, với phương châm tuy hơi tếu nhưng nói lên đòi hỏi rất cao của sinh viên trường này :“Người tốt nghiệp cầu đường phải biết làm bất cứ việc gì, kể cả làm cầu đường!”( và quả thật sau này ông Caquot-thầy giáo nổi tiếng của môn sức bền vật liệu, một trong những người đề xướng và áp dụng “bê tông dự ứng lực”, “linh hồn” của trường- sau 1945 được Chính phủ Pháp De Gaulle giao cho trọng trách phụ trách toàn bộ công cuộc tái thiết đất nước). Đây là trường trước kia của Hoàng Xuân Hãn, Xuphanuvông...(và cách đây chỉ vài năm thôi một trong 6 giảng đường lớn của trường Cầu đường được gắn tên Hoàng Xuân Hãn để tri ân người học trò kiệt xuất của trường vì thành tựu to lớn ở các lĩnh vực chính trị, khoa học kỹ thuật và công lao đối với nước Pháp!). Phạm Quang Lễ (tên thật của Trần Đại Nghĩa) vừa tốt nghiệp xong, và với bằng này ông có quyền xin học tiếp ở rất nhiều trường khác, lúc này ông học đồng thời ở trường Điện và trường Hàng không. Ông được một “đàn em” cùng trường-sinh viên năm cuối Trần Hữu Phương-mời tham gia cùng với anh em trong trường thành lập ra một sân chơi cho tất cả đồng hương. Gọi là “anh em” chứ tại trường lúc đó mỗi năm chỉ có một sinh viên Việt Nam-dưới năm Phương một năm là Trần Lê Quang, mới vào trường là Nguyễn Hy Hiền. Vì Phạm Quang Lễ quá bận học nên chỉ hứa sẽ cùng tham gia với anh em, thế nên mọi người rủ thêm Trần Văn Du (sinh viên của Alfort-một dạng của Viện vệ sinh dịch tễ). Và thế là ra đời “Hội ái hữu của những người Đông Dương ở Paris”!
Mấy sinh viên trường đó ngoài học cầu đường theo chính khóa còn hay chạy sang học ké thêm ở Sorbonne và College de France thế nên góp tiền nhau, tìm thuê ngay cạnh đó một gian nhà ở tầng một, rộng chỉ sáu bảy chục mét vuông, sơn sửa lại, mua bàn ghế và thậm chí mua cả một cái piano. Tất nhiên trong lúc Đức chiếm đóng, thời chiến như vậy thì Hội ra đời phải xin phép nhà cầm quyền Đức rồi, nhưng khi biết tiêu chí hoạt động của Hội là trợ giúp đồng hương Paris và đấu tranh với Chính phủ Pháp về vấn đề độc lập cho Đông Dương thì Hội nhanh chóng được chấp nhận cho hoạt động.
Với tài tổ chức của Hội trưởng Trần Huy Phương (có những lúc là Trần Văn Du làm thay hội trưởng, nhưng chưa bao giờ là Hoàng Xuân Mẫn như báo chí hay viết vậy) địa điểm này nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của đồng hương Việt Nam ở Paris. Họ thường tụ tập nhau vào chủ nhật hay thứ bảy, góp tiền liên hoan nhẹ, uống trà, trao đổi tin tức quê nhà, bàn chuyện học hành rồi bao giờ cũng đi đến chủ đề chính trị. Sau một thời gian, cũng vì lý do chính trị, Hội đổi tên thành “Hội Ái hữu của những người Việt Nam ở Paris”-tức là các hội viên tự thấy nếu có đấu tranh cho chủ quyền độc lập, thì phải từng nước đấu tranh chứ không thể hô hào cho cả Đông Dương được, và đây chính là tiền thân của các “Hội Việt kiều” ở Paris và Pháp sau này. Võ Quý Huân, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mẫn (cháu cụ Hoàng Xuân Hãn), Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông...là những hội viên tích cực nhất. Sau này có cả anh em lính thợ cũng qua lại Hội, rồi nhiều ông cố đạo người Việt cũng hay đến. Hội bắt đầu đủ mạnh để có thể tổ chức được cả những chương trình văn hóa nhỏ, ví dụ mời danh cầm Thái Thị Liên, vợ của ông Trần Ngọc Danh-sau này là đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp-sang biểu diễn...
Lúc đó ngoài học ra, các nhà trí thức trẻ tất nhiên phải quan tâm đến chiến sự xung quanh. Càng học hành cao, thì họ càng không thể nuốt được cái cảm giác ê chề là dân của nước thuộc địa đồng nghĩa với sự lạc hậu, nghèo hèn (mặc dù quả là đúng như vậy thật!!). Và càng nặng nề hơn nữa khi họ nhìn thấy “mẫu quốc” Pháp là thực dân sừng sỏ ngày nào, giờ đây bị Hitler chia cắt và sẽ nuốt dần thôi. Sau nữa họ lại thấy Liên Xô và quân đồng minh quyết chiến với phát xít Đức như thế nào, trong chiến cuộc đó Pháp chỉ có một vai trò quá nhỏ bé, không tương xứng! Thế mà nước Pháp rệu rã ấy vẫn một mực áp đặt chế độ thuộc địa lên những nước như Việt Nam, quyết không nhả ra! Gần như tất cả hội viên của Hội Ái hữu cảm nhận được rõ ràng và thống nhất rằng PHẢI ĐẤU TRANH MỚI CÓ ĐỘC LẬP-những người yêu nước trẻ tuổi này rất nhanh đi tới kết luận đó và sau này khi có nhiều thông tin hơn thì rất cảm tình với đường lối đấu tranh của H-C-M.
Thời đó thủ lĩnh của “cộng sản thứ thiệt” ở Paris là bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, ông là đảng viên cộng sản Pháp từ lâu và cũng là đàn anh của sinh viên lứa những năm 40. Ông đã nổi tiếng học giỏi từ khi còn ở nhà, đã học xong ra đi làm bác sỹ, nhưng chính bản thân lại liên tục đau ốm phải nằm viện liên miên, nên rất ít khi anh em ở HAH thuê xe đón ông từ viện về Hội để gặp gỡ, mà thường có gì cần hỏi thì vào thăm ông Viện ở trong bệnh viện. Cảnh thường thấy là ông Viện nằm trên giường bệnh, ôm quyển từ điển Anh-Pháp đọc liên miên rồi khoe “hôm nay t*o học xong chữ O”-tức là ông cứ thế học hết từ này đến từ khác, trang này đến trang khác, thế mà ông nhớ hết và sau này rất giỏi tiếng Anh! (Phải nói thêm là sinh viên Việt ở Pháp thời đó chỉ bắt đầu học tiếng Anh khi Anh bắt đầu tham gia cuộc chiến, và phải nghe đài Anh để có thông tin chính xác về chiến sự toàn châu Âu...). Vậy nên các trí thức, sinh viên người Việt lúc đó chỉ biết đến cộng sản qua hình tượng Đảng cộng sản Pháp là chính, còn biết về H-C-M qua đấu tranh giải phóng dân tộc tại quê nhà (cũng có tin tức thường xuyên trên báo Pháp, nhưng anh em phải tìm thêm nhiều nguồn khác nhau để chọn lọc...). Và phải khẳng định rằng từng sinh viên-hội viên của Hội Ái hữu tự tìm hiểu về chính trị chứ không hề có sự tuyên truyền, nhồi sọ, lôi kéo từ bất cứ phía đảng phái nào!
Năm 1945 Đức thua trận, quân đồng minh Anh-Mỹ giao trả nước Pháp cho tướng Le Clerc-tướng bộ binh của De Gaullle, thời kỳ “Cộng hòa thứ tư” bắt đầu. Các tri thức Việt tại Paris đón nhận tin độc lập ở quê nhà 02/9/1945 rất vui mừng, tuy vậy chỉ có thông tin một chiều qua báo Pháp, họ cũng chưa biết được nhân vật H-C-M là cộng sản, người của Quốc dân đảng (là của phe đồng minh) hay là một thế lực chính trị nào nữa. Hồi đó báo chí Pháp đưa tin theo chiều hướng: Việt Nam tuyên bố độc lập đối với Nhật (Việt Minh dành lại quyền từ chính quyền Bảo Đại do Nhật dựng lên). Và sau này Pháp (Le Clerc) đưa quân vào Sài Gòn với chiêu bài giúp Tây (các lực lượng còn lại trên đất Đông Dương) lập lại trật tự tại cựu thuộc địa của mình (mà trước kia đã bị Nhật cướp một cách bất hợp pháp qua việc dựng nên chính phủ Trần Trọng Kim)...
Ở Paris cuộc sống của các trí thức trẻ người Việt cũng có nhiều xáo động. Đức rút đi vơ vét theo hết sạch lương thực nên cuộc sống khá khó khăn. Tuy vậy Pháp vẫn giữ chế độ học bổng tiếp tục cho các sinh viên đang học, còn ai tốt nghiệp rồi thì có thể học tiếp lên hay đi tìm việc làm cho các công ty Pháp, các bác sỹ thì mở phòng khám...đó là một chính sách khuyến khích ở lại học và làm việc tương đối rõ ràng đối với những người là nguồn chất xám đáng quý ngay cả đối với xã hội Pháp. 1945 hầu như không có ai về Việt Nam cũng vì lý do tình hình ở nhà chưa rõ ràng đối với những kẻ xa nhà (mà người ít nhất cũng đã ra đi cách đây 6-7 năm rồi!).
1946 đoàn Việt Nam sang hội nghị Fontainebleau là một sự kiện lớn, được giới trí thức người Việt ở Paris và Pháp rất trông đợi. Hội Ái hữu là một trong những tổ chức tích cực đón tiếp, giúp đỡ đoàn nhất trong suốt thời gian đoàn ở Paris. Pháp đã công nhận H-C-M là Chủ tịch hợp hiến, tuy vậy chỉ đối với phần Bắc kỳ thôi, chứ không phải của toàn Việt Nam thống nhất (và đó cũng là chủ đề chính của hội nghị Fontainebleau!). Đoàn gồm: chủ tịch H-C-M, ông Phạm Văn Đồng-Phó thủ tướng (cụ Hồ kiêm Thủ tướng), Tạ Quang Bửu-bộ trưởng quốc phòng, Vũ Đình Huỳnh-bộ trưởng bộ Lễ nghi. Nhân vật đặc biệt: ông Đỗ Đình Thiện-trợ lý chủ tịch, nhưng thực ra cụ Thiện là “nhà tài trợ” cho chính phủ, mọi chi phí-rất nhiều đấy-cho chuyến đi lịch sử này đều do một tay cụ cống hiến, một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng quý! Cụ Hồ thì ở nhà riêng của Aubrach-lãnh tụ kháng chiến của phe Đảng cộng sản (họ chống Đức ngay trên đất Pháp, đối nghịch với phe De Gaulle-sang Anh để chống Đức), còn cả đoàn thì ở khách sạn hạng sang mấy tháng trời. Hội nghị Fontainebleau đi vào bế tắc, 2 điều khoản không thể chấp nhận được là:
-Pháp đòi hỏi H-C-M chỉ làm chủ tịch của Bắc kỳ, còn Trung kỳ và Nam kỳ thuộc sự cai quản của Bảo Đại. (Bảo Đại sau này lại mời Diệm đứng ra lập chính phủ, mà Diệm lúc đầu được Mỹ hậu thuẫn, mà đồng minh Anh-Mỹ lại không ủng hộ Mao, đứng chung với Tưởng Giới Thạch ở Hội đồng bảo an LHQ-thế nên mọi chuyện càng rối như canh hẹ! Cũng phải hiểu rõ rằng chính quyền của Bắc kỳ lúc này KHÔNG được sự ủng hộ của Stalin, chứ không thì Pháp đâu có dám ép Việt Nam nhiều như vậy, cũng chả cần gì hội nghị Fontainebleau, “kẻ chiến thắng” mà chỉ “hừ” nhẹ một tiếng thì cái đám quân thất trận như Pháp đời nào dám trái ý!).
-Pháp bắt bí bằng cách đòi đền bù cho các công ty, tài sản của mình nếu Việt Nam cứ đòi độc lập! Ví dụ rõ nhất là đòi đền bù mỏ than Hòn Gai, trước kia triều Nguyễn bán cho Pháp chỉ 10 quan!!! Nay Pháp đòi một cái giá thị trường mà cả chính phủ Việt Nam lúc đó nằm mơ cũng chả có được!
Tất nhiên người Việt ở Pháp càng thấy được bộ mặt trơ trẽn của tên thực dân mới là Pháp, qua đó càng thêm có cảm tình với chính phủ H-C-M. Và cũng phải nói H-C-M là một chính trị gia kiệt xuất, rất phong độ, uyên thâm và cảm phục được đa số bà con ta ở Pháp lúc đó!
Tạ Quang Bửu trước tốt nghiệp Trung tâm kỹ nghệ Paris, và lần này ông sang là lần thứ hai sau độc lập, lần trước ông đi cùng đoàn Quốc hội với các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng với nội dung chính là “hữu nghị”, cũng đã tiếp xúc nhiều với kiều bào. Với sự giúp đỡ của Trần Ngọc Danh ông đã tiếp xúc với một số trí thức trẻ để đề nghị họ về nước giúp đỡ chính phủ kháng chiến chống Pháp-vì với kết quả hội nghị như thế này, muốn giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc thì chỉ có cách là kháng chiến chống Pháp thôi! Tất nhiên đường lối đó phải được H-C-M đồng ý, Bác Hồ có nói chuyện với vài vị, nhưng cứ nói một cách sáo rỗng như báo chí sau này “các trí thức nghe theo lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, về nước kháng chiến” thì e rằng bỏ qua hết tài tổ chức cũng như công sức của bác Bửu và lòng hảo tâm của bác Thiện! Và trước nhất, họ tự nguyện quay về theo tiếng gọi của núi sông!
Không có cuộc “tuyển mộ” ầm ĩ nào, mà qua sự giới thiệu của Nguyễn Khắc Viện, Trần Ngọc Danh ông Bửu đã tiếp xúc với một số người theo ông đánh giá là cần thiết cho kháng chiến sau này, và hội tụ điều kiện để có thể về đợt này. (Trần Ngọc Danh hồi đó là đại sứ ta tại Pháp-chưa có tòa đại sứ, nhân vật đối với kiều bào Paris cũng gây rất nhiều đồn đoán mà không có giải đáp, ví dụ “là em của Trần Phú, người của Quốc tế cộng sản do Nga cử sang...”; sau này ông bị kỷ luật ra khỏi đảng, thực hư không biết thế nào!?). Điều kiện: đó là nhiều người muốn về nhưng đang “kẹt”, và có nhiều người chưa muốn về ngay-không phải ai cũng có đủ số tiền mua vé tàu về nước, và tuy ở Pháp khó khăn, nhưng tình hình ở trong nước vừa qua nạn đói năm Ất Dậu nghe nói còn khủng khiếp hơn nhiều!
Tất nhiên “Hội ái hữu” là nhóm mà ông Bửu quan tâm tới đầu tiên. Chủ tịch Hội những người An Nam tại Paris lúc đó là Trần Hữu Phương-người Sài Gòn-rất có cảm tình với chủ tịch H-C-M-nhưng anh không thể về được vì mới cưới vợ là một cô đầm dòng dõi quý tộc, nên bắt buộc phải theo đạo cùng dòng tu với nhà vợ, không theo kháng chiến được (sau này ông về miền Nam và làm Thống đốc một Ngân hàng). Nguyễn Hy Hiền nhận nhiệm vụ ông Phạm Văn Đồng giao, sang Pháp học thêm về thủy lợi, về sau. Trần Lê Quang chưa về ngay được, vì có về thì anh phải về với gia đình ở Sài Gòn (sau này ông về Nam, làm bộ trưởng bộ giao thông của miền Nam, có hai chị và em gái hoạt động cách mạng nội thành, còn người em trai được phong tặng "Anh hùng lực lượng vũ trang"). Năm 1975 ông là chuyên viên Liên hiệp quốc tại Beirut). Lê Văn Thiêm còn phải sang Đức bảo vệ nốt luận án tiến sỹ, Trần Đức Thảo và Phạm Huy Thông chưa thi xong thạc sỹ (Agrege-còn khó và quý hơn tiến sỹ)...Nhiều bác sỹ đang mở phòng mạch hay kỹ sư đang làm cho hãng Pháp không dễ bỏ ngang (và cũng phải đấu tranh tư tưởng lắm chứ!). Để từ bỏ “kinh đô ánh sáng” mà về bưng biền kháng chiến thì hành động này cũng đòi hỏi rất nhiều lòng dũng cảm, đó vừa là trách nhiệm cao cả (một đi không trở lại) lại vừa là một vinh dự to lớn (được chính phủ đài thọ vé về nước-đó cũng là một khoản tiền lớn thời bấy giờ!). Anh em hồi đó cứ đùa: “giá cụ Thiện có đủ tiền thì tốt nhất mang được hết số lính chiến người Việt về-mấy chục ngàn lính giúp cụ Hồ đánh Pháp thì chắc là kháng chiến sẽ mau chóng thành công...”
Cuối cùng 4 người được Tạ Quang Bửu giới thiệu để đi cùng tàu, theo đoàn với Bác Hồ về nước năm 1946 (sau hội nghị Fontainebleau) trên chiếc tàu “Dumont d'Urville” là:
-Trần Đại Nghĩa-lúc này vẫn tên Phạm Quang Lễ-về nhận chức thiếu tướng quân đội, cục trưởng Cục Quân giới-là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông đã giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong quân đội cũng như ngạch giáo dục, quản lý khoa học-kỹ thuật. Công lao rất lớn của ông là một “nhà quản lý” rất giỏi, trong những điều kiện khó khăn nhất mà pháp huy tối đa được sức mạnh tập thể, thế nhưng báo chí sau này cứ hay ca ngợi ông như một “nhà chế tạo vũ khí”, “nhà phát minh”-dễ gây hiểu sai cho vai trò và đóng góp của ông trong lịch sử nước nhà!
-Võ Quý Huân-kỹ sư đúc, chia tay con gái nhỏ với người vợ đầm (gốc Nga-gia đình quý tộc đã lưu vong sau 1917). Người đi đầu trong công cuộc phát triển ngành đúc-luyện kim cho miền Bắc.
-Võ Đình Quỳnh-con đại tư sản miền Trung, kỹ sư mỏ-anh của Võ Đình Bông. Ông về rồi vào Nam, bị kẹt luôn ở đó sau toàn quốc kháng chiến, trở thành ông trùm về gang thép tuy nhiên cự tuyệt không làm gì cho chính quyền miền Nam. Thế nhưng người em ruột lại khéo đổi tên, sang được Pháp, trở thành đảng viên đảng cộng sản Pháp, rồi đến 1952 lại từ Pháp trở về miền Bắc, sau này cống hiến rất nhiều cho ngành điện-than.
-Trần Hữu Tước-người “nổi tiếng” vì đi đâu cũng dẫn theo con chó, phong thái giống dân Tây- bác sỹ tai-mũi-họng lâu năm ở Paris, đã tốt nghiệp đi làm từ lâu-đi về cùng để dọc đường chăm sóc sức khỏe cho đoàn. Sau này sáng lập ra ngành tai-mũi-họng của miền Bắc Việt Nam.
Theo sự sắp xếp của ông Phạm Văn Đồng, sau đó vài tháng 5 trí thức Paris khác đã về theo tàu “Felix Roussel” (tổ chức mua vé, cho mỗi người 3000 quan để mua áo quần, đồ đạc) về Sài Gòn rồi sau đó được đưa vào chiến khu. Tàu đi đến Singapore thì nghe được tin “toàn quốc kháng chiến”.
-Hoàng Xuân Nhị-cháu Hoàng Xuân Hãn-Sorbonne (tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp)-đã dịch Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc và in ở Paris! Sau này làm uy viên phụ trách giáo dục & văn hóa trong Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Sau 1954 làm giáo sư văn chương ở trường Tổng hợp Hà Nội.
-Nguyễn Ngọc Nhật- tốt nghiệp Trường Trung tâm Cơ khí Paris, về cùng người vợ đầm. Sau này làm ủy viên phụ trách tôn giáo, mặt trận (bố là lãnh tụ Cao Đài ở Bến Tre, đã tặng hết tài sản cho kháng chiến). Nguyễn Ngọc Nhật chết trong tù tại Sài Gòn, người vợ sau đó quay lại Pháp. (Ông đã chết rất anh dũng, tôi đã có riêng một status về ông!)
-Trần Văn Du-bác sỹ thú y (tốt nghiệp trường Alfort-trường dược và thú y lớn nhất của Pháp-như kiểu Viện Pasteur ở nhà mình). Trong chiến khu ông làm giám đốc một quân y viện của Nguyễn Bình, bị Tây nhảy dù, bắt về Sài Gòn, bị bắt buộc làm việc cho Tây nhưng ông kiên quyết không chịu. Tuy vậy Tây phục tài ông nên cũng không làm khó dễ nhiều, cho ra ngoài làm riêng. Mới mất cách đây mấy năm, trước khi mất ông đã di chúc tặng lại Thành phố H.C.M cả một cơ sở thực nghiệm và chế biến vắc xin của mình! Ông lấy con gái của ông Thái Văn Toản-thủ tướng thời Khải Định-Bảo Đại, bà là công dân Mỹ nên có thể vì thế Tây phải nể nang mấy phần...
-Nguyễn Văn Thoại-bác sỹ dinh dưỡng, tiến sỹ sinh hóa, có thời gian giúp đỡ cho Bửu Hội (Bửu Hội là nhà bác học Việt Nam có nhiều nghiên cứu về ung thư, có thể nói là nhà bác học Việt Nam nổi tiếng nhất thời đó tại Pháp)-xin về để nghiên cứu về hoạt động của anh em trí thức ở chiến khu như thế nào. Về Nam, ông có đi thực tế một thời gian, nhưng sức khỏe yếu nên xin về. Muốn được đi cùng đoàn từ chiến khu miền Nam đi ra tận miền Bắc, vì theo lời đồn (có thể là ý kiến của ông Bửu Hội) trên đường Trường Sơn có một loại cây rất quý để chữa ung thư, nhưng sức yếu nên không đi được. Sau này quay lại Pháp sống và làm việc, sau 1975 ông thỉnh thoảng về Hà Nội chơi, và có kể là đã có người tìm ra loại cây quý kia, ông đã có mẫu vật trong tay, ở bên Pháp đang tiếp tục nghiên cứu. Kết quả chưa thấy được công bố...
-Nguyễn Hy Hiền-Đại học Cầu đường Quốc gia Paris, về chiến khu đổi tên thành Lê Tâm, nhận chức đại tá quân đội. Kỹ sư quân giới dưới quyền của tường Nguyễn Bình, tác giả súng không giật SS chế tạo tại rừng Sác. Sau khi tập kết ra Bắc ông chuyển sang ngành giáo dục đào tạo, rồi sau đó sang quản lý khoa học-kỹ thuật, và như một cơ duyên, ở nhiều cương vị ông đã song hành cùng người anh cùng trường đại học Cầu đường Paris, người thủ trưởng trực tiếp ở nhiều cơ quan là Trần Đại Nghĩa: Cục Quân giới, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Ủy ban Khoa học nhà nước...
Sau 2 đợt các trí thức về nước năm 1946 thì vẫn có lác đác những trí thức hàng đầu thu xếp xong công việc riêng để về, trong hoàn cảnh chiến sự ở nhà đang rất nóng bỏng. Không thể không nhắc tới:
-Lê Văn Thiêm: cử nhân trường đại học Sư phạm Paris (khoa toán), sau đó làm luận án tiến sỹ và phải sang Đức để bảo vệ. 1948 ông bảo vệ luận án tiến sỹ quốc gia tại Pháp, rồi 1949 ông từ Pháp về Bangkok-rồi đi đường bộ thằng về chiến khu trong bưng biền không qua Sài Gòn, sau đó lại quay lại Bangkok-Bắc Kinh, từ Bắc Kinh quay về Nam Ninh để cùng phụ trách giáo dục cho trường Khu Học Xá là nơi sơ tán và đào tạo con em cán bộ cách mạng miền Bắc qua (cùng các ông Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển). Sau hòa bình ông là viện trưởng Viện Toán đầu tiên, và có công lớn sáng lập ra những trường đại học đầu tiên của miền Bắc.
-Trần Đức Thảo: cử nhân và thạc sỹ của trường đại học Sư phạm Paris (khoa triết). Ông được chính chủ tịch H-C-M mời về nước từ đợt 1946, nhưng ông xin hoãn lại để hoàn thiện luận án tiến sỹ, đồng thời nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Marx-Lê, rồi 1952 mới về. Về số phận vinh quang và cay đắng của ông đã có rất nhiều bài viết...Hãy nhớ, Thảo là nhà triết học đúng nghĩa duy nhất mà Việt Nam ta đã từng có!
-Phạm Huy Thông: nói về các trí thức từ Paris về, không thể bỏ qua ông. Ông sang Pháp năm 1937 để học trên đại học, con người rất tài hoa, nhà thơ trở thành luật sư từ năm 21 tuổi. Sang Pháp, chắc là về học hàm học vị trong số người Việt không ai nhiều như ông. Là người có uy tín và tích cực bậc nhất tại Hội Ái hữu, năm 1946 ông cùng Hội Ái hữu được cụ Hồ chọn làm những người trợ giúp cho đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, và ông đã quyết định chọn cho mình con đường đấu tranh như con đường của cụ Hồ. Tuy vậy vì lấy vợ đầm nên ông chưa về ngay được, ông chọn con đường đấu tranh vì độc lập ngay trên đất Pháp. Rất có tài tổ chức, ông phụ trách Việt kiều hải ngoại (bây giờ mới có từ Việt kiều), làm giới chức Pháp khá đau đầu, chúng trục xuất ông về Sài Gòn năm 1952, vợ và con cũng theo ông về Việt Nam. Ông tham gia đấu tranh cùng với Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát...rồi bị địch bắt. Cũng như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Hữu Thọ... ông đã được trao đổi tù binh và ra miền Bắc năm 1955. Sau này người ta nhớ nhất về ông là Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội và Viện trưởng Viện Khảo cổ, tuy nhiên tài tổ chức và uy tín của ông có lẽ chưa được tận dụng hết!
Ngoài các vị kể trên thì cũng rất nên nhắc tới 2 trí thức từ Pháp về khác:
-Nguyễn Như Kim: “tri thức Việt kiều bất đắc dĩ”. Học trong nước, khi từ chiến khu Việt Bắc được giao mang 18kg vàng sang Thái Lan để mua khí tài cho miền Bắc và chở về bằng tàu biển, ông bị Pháp bắt cho vào tù, và khi thấy ông là tri thức, Pháp đưa cho ông 2 lựa chọn: hoặc bị xử (chắc chết) hoặc “phải” sang Pháp học, và tất nhiên ông phải chọn phương án 2 (chứ không phải như người ta hay viết, trong tù nhưng vẫn “xin ý kiến tổ chức” và “tương kế tựu kế, sang Pháp trau dồi kiến thức và chờ lệnh”-cuộc sống nhiều khi có những lý lẽ khác với người đời tô vẽ!). Ông học về điện và vô tuyến điện (có thể nói ông là người đầu tiên được học bài bản về vô tuyến điện thời đó). Quả là lòng yêu nước vẫn không nguôi ngoai trong ông, nên sau 1954 khi được ông Tạ Quang Bửu gửi lời mời, ông đã thu xếp để đưa cả vợ con về nước. Ông làm chủ nhiệm khoa Cơ-Điện đầu tiên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội (sau là khoa Điện-Điện tử) và sau là viện trưởng Viện Thông tin...
-Lê Bảo: học trường Hàng hải tại cảng quân sự Toulon (cũng là một trường rất nổi danh ở Pháp)-có thể nói là người được đào tạo bài bản nhất về đóng tàu. Sau 1954 ông đã về miền Bắc và khi đó khoa Cơ-Điện của ĐH Bách khoa được tách ra, ông làm chủ nhiệm khoa Cơ khí, tuy vậy sau này ông chưa có dịp áp dụng kiến thức về bộ môn đóng tàu...
Nhìn lại tiểu sử tóm tắt của các tri thức quay về từ Pháp, ta có thể thấy mấy điểm chung sau:
-họ tự nguyện về nước, xuất phát từ ý nguyện “đáp lời sông núi”, đa số chỉ trở thành đảng viên sau này.
-không có ai trở thành cán bộ lãnh đạo ở những cương vị chủ chốt cao nhất, tuy vậy tất cả họ đều đã áp dụng vốn kiến thức được học bên Pháp trên mọi cương vị. Đất nước chưa tận dụng hết khả năng của họ (cũng như chưa thu hút được hết trí thức giỏi khác từ Pháp về), khá đáng tiếc!
-là những tri thức thự thụ, họ đã sống hết mình và không có kẻ nào luồn cúi cầu vinh, cầu lợi. Họ xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo!
P.S. Chưa từng có cuộc gặp lại nào có tương đối đầy đủ những tri thức từ Pháp về.
Các nhân vật của status này đại đa số đã thành người thiên cổ, theo tác giả thì hiện nay chỉ còn 3 cụ đều đã ngoài 90: Lê Tâm (tức Nguyễn Hy Hiền), Lê Bảo (cả hai đều ở Hà Nội) và Trần Lê Quang (Mỹ).
Chắc bài viết mang tính chủ quan, còn có nhiều sai sót, xin ACE lượng thứ và góp ý thêm!
Nam Nguyen
(theo facebook tác giả)
Thanked by 3 Members:
|
|
#189
Gửi vào 19/01/2015 - 15:23
Tom Shachtman, Triệu phong dịch
14.01.2015
Nơi lạnh lẽo nhất vũ trụ nằm ở đâu? Không phải trên cung Hằng vì ở đó nhiệt độ chỉ xuống đến trừ 378 độ F. Cũng không phải ở ngoài không gian sâu thẳm vì ở đó chỉ phỏng chừng -455 độ F. Theo các khoa học gia, nơi lạnh nhất họ quan sát được là ở đây, chính ngay trên quả đất này.
Con số kỷ lục này là thành tích mới đạt được gần đây về môn vật lý siêu lạnh, sự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về vật chất khi đạt đến độ cực lạnh thì các nguyên tử và ngay cả đến ánh sáng cũng đều có những phản ứng hết sức bất thường. Khi ở khoảng dưới nhiệt độ -440 độ F một số phân tử bị mất đi tính điện trở, một hiện tượng được mang tên là siêu dẫn (superconductivity). Khi ở nhiệt độ thấp hơn nữa, một số chất khí ở thể lỏng trở nên “siêu lỏng” (superfluids) đến nổi có thể rò rỉ xuyên qua thành bình chứa; bấy giờ chúng thách thức luôn cả định luật về trọng lực vì chúng có thể trèo lên ra cả ngoài bình chứa.
Các vật lý gia công nhận rằng họ không bao giờ có thể đạt đến được nhiệt độ số không tuyệt đối (absolute zero) mà từ lâu người ta đã tính ra là -459,67 độ F (*). Đối với các nhà vật lý nhiệt độ là một sự đo lường nguyên tử di chuyển nhanh đến mức nào, một sự phản ảnh của năng lượng, và số không tuyệt đối là lằn mức cuối cùng mà ở đó người ta không rút được từ vật chất một nhiệt năng nào còn sót lại nữa cả.
Tuy thế một số nhà vật lý vẫn cố đạt đến càng gần được bao nhiêu càng tốt cái giới hạn lý thuyết đó. Để thấy rõ hơn, tôi đến viếng phòng thí nghiệm của Wolfgang Ketterle nằm trong trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) ở Cambridge. Nơi đây người ta đã tạo được cái kỷ lục mà – ít nhất theo cơ quan chuyên ghi nhận những thành tích kỷ lục trên thế giới Guinness World Record 2008 – là nhiệt độ lạnh nhất từng đạt được ở mức 810 phần ngàn tỷ của một độ F trên nhiệt độ số không tuyệt đối. Ketterle cùng các cộng sự viên tạo được thành tích này vào năm 2003 khi đang làm việc với một đám mây phân tử natri có bề ngang chừng một phần ngàn inch, các phân tử này được giữ đứng yên nhờ lực hút của nam châm.
Tôi yêu cầu Ketterle chỉ cho tôi xem nơi anh đã tạo được thành tích này. Trước khi được trình bày cho xem, chúng tôi đều phải mang kính bảo hộ mắt vào để tránh cho mắt khỏi bị mù vì tia hồng ngoại bắn ra từ chùm tia laser dùng để làm chậm lại tốc độ cực nhanh của các hạt nguyên tử. Từ phòng làm việc chan hòa ánh nắng, chúng tôi bước vào một phòng tối nơi đây chằng chịt những dây dợ, các dụng cụ vi tính công suất cao, nguồn phát chùm tia laser, các ống nghiệm chân không, cùng nhiều tấm gương nhỏ. “Ở chỗ này,” anh nói bằng một giọng cảm kích trong khi tay chỉ vào một cái hộp đen có một ống dẫn được bọc bằng lá nhôm. “Đây là nơi mà chúng tôi tạo được nhiệt độ lạnh nhất.”
Thành tựu của Ketterle dẫn đến trong khi đang theo đuổi tìm kiếm một dạng vật chất hoàn toàn mới được gọi tên là BEC (Bose-Einstein Condensate). Condensates (ngưng tụ hay hóa đặc) không phải là trạng thái khí, lỏng hay rắn thông thường. Chúng được hình thành một khi mà một đám nguyên tử – có khi nhiều đến cả triệu – cùng một lúc rơi vào trạng thái định lượng (quantum) và tất cả cùng hoạt động như chỉ là một đơn vị. Cả Albert Einstein lẫn Satyendra Bose, nhà vật lý người Ấn, vào năm 1925 đã từng tiên tri rằng các nhà khoa học có thể phát sinh được vật chất ấy khi đưa nguyên tử xuống đến gần nhiệt độ số không tuyệt đối. Bảy mươi năm sau, Ketterle thực hiện ở MIT, và hầu như đồng thời, Carl Weiman làm việc ở trường University of Colorado ở Boulder, và Eric Cornell thuộc Viện Tiêu Chuẩn và Kỹ Thuật Quốc Gia (National Institute of Standards and Technology) ở Boulder đã tạo được dạng Einstein-Bose condensates (BEC) đầu tiên. Ngay sau đó cả ba đều cùng được giải Nobel. Nhóm của Ketterle thì dùng BEC để khảo cứu tính chất căn bản của vật chất, ví dụ như khả năng có thể chịu ép, và để hiểu rõ hơn về hiện tượng kỳ quái xảy ra ở nhiệt độ thấp như siêu lỏng. Nói cho cùng thì Ketterle cũng như mọi nhà vật lý khác đều hy vọng khám phá ra được một hình thức vật chất mới có thể mang tính siêu dẫn ở nhiệt độ bình thường trong phòng, bấy giờ sẽ cách mạng hóa khả năng con người vận dụng được năng lượng. Với đa số những người được giải Nobel, niềm vinh dự ấy gắn liền với một chuỗi đời trong nghề nghiệp. Nhưng với Ketterle, anh chỉ mới 44 tuổi khi nhận giải Nobel, sự tạo ra BEC mở ra một lãnh vực mới để rồi đây anh sẽ cùng các cộng sự viên thám hiểm trong hằng thập niên tới.
Các nhà vật lý ở Massachusette đang cố công đạt đến nhiệt độ lạnh nhất đó là mức số không tuyệt đối.
Đối thủ khác của điểm lạnh nhất nằm ở phía bên kia Cambridge, nơi phòng thí nghiệm của Lene Vestergaard Hau ở trường Harvard. Thành tích tuyệt diệu của riêng bà là chỉ một vài phần triệu của một độ F trên nhiệt độ số không tuyệt đối, cũng sấp sỉ như của Ketterle và cũng đã đạt được trong khi đang tạo dạng BEC. “Bây giờ thì ngày nào chúng tôi cũng tạo những BEC.” Bà nói trong khi đi xuống một cầu thang dẫn đến một phòng thí nghiệm chất đầy dụng cụ. Giữa phòng là một bàn phẳng có kích thước bằng một bàn bi-da trên đó các gương nhỏ hình trái soan cùng những tia laser nhỏ bằng ruột viết chì được bố trí như một mê trận. Bám trụ với BEC, bà cùng các công tác viên đã thực hiện được điều bất khả thi: họ đã đưa ánh sáng xuống đến một tốc độ gần như đứng yên.
Tốc độ ánh sáng như chúng ta đều biết có một hằng số là 186.171 dặm/giây (khoảng 300.000 cây số/giây) trong môi trường chân không. Hiện thực thì khác, ví dụ ngoài môi trường chân không ánh sáng không những đi lệch mà còn bị chậm đi chút đỉnh khi đi qua thủy tinh hoặc nước. Tuy nhiên, vậy cũng chưa có gì đáng nói so với điều gì xảy ra khi Hau rọi một tia laser vào một dạng chất BEC; kết quả đưa đến tựa như khi ta thẩy một trái banh bóng chày vào một cái gối. “Thoạt đầu ta thấy tốc độ của ánh sáng giảm xuống bằng vận tốc của xe đạp,” Hau nói tiếp. “bây giờ thì nó như đang bò, và ta có thể làm nó đứng yên hẳn – đem hứng hoàn toàn vào trong BEC để chiêm ngắm, nghịch với nó rồi thả cho nó đi.”
Bà ta có thể vận dụng ánh sáng theo cách ấy bởi nhiệt độ và tỷ trọng của BEC làm chậm lại xung động của ánh sáng. (Mới đây bà Hau bước thêm được một bước nữa trong những cuộc thí nghiệm; đó là làm ngưng một nhịp xung động của ánh sáng trong một BEC rồi chuyển nó thành điện năng, truyền qua một BEC khác, rồi thả nó đi.) Hau sử dụng BEC để khám phá thêm về trạng thái tự nhiên của ánh sáng, và để hiểu thêm làm thế nào sử dụng “ánh sáng ở vận tốc chậm” – đó là ánh sáng bị hứng trong BEC – để có thể giúp cải thiện tốc độ điều giải của máy vi tính và đồng thời có thêm những phương cách lưu trữ dữ kiện mới.
Không phải nơi cuộc khảo cứu siêu lạnh nào cũng sử dụng đến dạng chất BEC. Ở Phần Lan nhà vật lý Juha Tuoriniemi vận dụng từ trường hạch các nguyên tử rhodium để đạt đến nhiệt độ 180 phần ngàn tỷ của một độ F trên nhiệt độ số không tuyệt đối. (Bất kể kết quả công bố của cơ quan ghi nhận kỷ lục Guiness, nhiều chuyên gia đánh giá Tuoriniemi đạt được nhiệt độ thấp hơn của Ketterle, nhưng điều đó còn tùy ở chỗ ta đo nhiệt độ trên một nhóm các nguyên tử, ví dụ một BEC, hay chỉ một phần của nguyên tử như hạch nhân.)
Có vẻ như nhiệt độ số không tuyệt đối là mục tiêu đáng phải bỏ công sức để đạt đến cho được, nhưng Ketterle thì cho là anh biết rõ câu trả lời hơn cả, anh nói: “Chúng tôi không mất công làm việc đó đâu. Mức chúng tôi đạt được đã lạnh quá đủ cho các cuộc thí nghiệm.” Đơn giản mà nói là không đáng phải bỏ công vô ích – chưa nói đến, theo các nhà vật lý hiểu rõ về lý thuyết của nhiệt và định luật nhiệt động học (the laws of thermodynamics) thì đây là điều bất khả thi. “Muốn lấy ra hết năng lượng, hết trọn không còn chừa lại một phần li ti nào để đạt đến năng lượng số không và số không tuyệt đối – chắc phải mất thời gian lâu bằng tuổi đời của vũ trụ để hoàn tất.”
(*) tương đương với -273.15 độ C.
theo:
#190
Gửi vào 27/01/2015 - 00:31
Nguyễn Ngọc Bích10:40' AM - Chủ nhật, 25/01/2015
Nước ta đã đi qua ngưỡng cửa của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và vào trong một ngôi nhà ở chung với 149 thành viên khác. Giống như cô dâu về nhà chồng hay chàng rể đến nhà cha mẹ vợ, mỗi người chúng ta khi ở trong ngôi nhà kia đều tự hỏi: WTO sẽ tác động tới tôi như thế nào?
WTO sẽ không tác động vào mỗi người chúng ta một cách trực tiếp như tia nắng chiếu lên đầu hay làn gió thổi trên da, hoặc như chiếc loa phát thanh của một đài phường chói vào tai ta, mà theo một cách thức chúng ta không nhận ra cho đến khi chúng ta cầm thành quả của nó dưới hình thức hàng hóa hay dịch vụ (gọi chung là sản phẩm) mà chúng ta phải bỏ tiền ra mua.
Tha hồ lựa chọn
Các quy định mà các cơ quan nhà nước đã hay sẽ ban hành, phê chuẩn hoặc phê duyệt sẽ làm cho các quy định của WTO được thực hiện trong hoạt động thương mại của xã hội. Trong xã hội, mỗi người chúng ta là người lao động làm việc ở doanh nghiệp hay cơ quan của mình, đồng thời cũng là người tiêu thụ ở siêu thị hay trong tiệm uốn tóc. Các quy định kia có tác động trực tiếp là làm cho hàng hóa từ nước ngoài được nhập vào nước ta nhiều, cho dịch vụ trong nước được cung cấp nhiều hơn so với trước kia. Ta gọi việc này là sự phong phú về sản phẩm. Và nó sở dĩ có là vì thương mại giữa nước ta và các nước khác được tự do hóa, thuế quan được giảm dần, đầu tư dự án (trực tiếp) và đầu tư tài chính (gián tiếp) được tạo nhiều điều kiện thông thoáng cũng như quyền sở hữu trí tuệ của ai thì ngươi đó được bảo vệ. Nói gọn lại là: ở trong ngôi nhà WTO chúng ta được hưởng sự phong phú về sản phẩm.
Sự phong phú đó cho chúng ta - là người tiêu thụ được tha hồ chọn lựa những thứ mình cần với những chất lượng và giá cả khác nhau. Đó là tác động thứ nhất của WTO đối với mỗi chúng ta. Nó đến với mỗi người qua sản phẩm chúng ta mua về. Có thể thấy ngay ở đây một kết luận rằng khi sản phẩm thừa mứa thì không ai lại chọn hàng dỏm, hàng xấu hay bán giá đắt. Hàng ấy phải là hàng xịn, tức là nó phải thật.
Hàng thật và làm thật
Ta chọn sản phẩm và trả tiền. Muốn có tiền chúng ta phải làm việc. Làm việc để tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ. Vậy như một lẽ tự nhiên khi chúng ta muốn người khác giao cho mình hàng thật, chúng ta cũng phải làm ra sản phẩm thật thì mới được lĩnh lương hay có lợi tức.
Ai buộc chúng ta? Người mà chúng ta nói: sếp lớn đấy! Vâng, chính người này do yêu cầu phải giữ cho cơ sở của mình được tồn tại trong sự phong phú của sản phẩm nên đã qua cách tổ chức khác nhau, bắt chúng ta mỗi người cũng phải làm thật, nếu không làm thì sẽ bị nghỉ việc. Sự phong phú của sản phẩm chính là kết quả của sự cạnh tranh. Chúng ta hưởng thành quả của sự cạnh tranh, nhưng sếp lớn của chúng ta phải đương đầu với sự cạnh tranh và ông ta đổ nó lên đầu chúng ta, theo kiểu: "Này, không làm thì đừng có ăn".
Đó là tác động khác của WTO. Là người tiêu dùng chúng ta đòi hàng thật, vậy khi làm người lao động chúng ta sẽ bị buộc phải làm ra hàng thật. Sinh hoạt xã hội là như thế, nó là sự có đi có lại và là làm cho nhau, cho nên khi ta đòi một người khác cái gì thì phải trả lại cho người ta cái đó. Vậy cái mà hai người phải có là "hàng thật" và “làm thật".
Sống thật với nhau
Vậy một cách rất vô tình, là người lao động hay người tiêu thụ chúng ta bị ràng buộc với nhau. Việc đó diễn ra dưới nhiều hình thức: người bán hàng phải thật với người mua, nhân viên phải thật với nhau, sếp này phải thật với sếp khác, doanh nghiệp phái thật với chính quyền. Cá xã hội phải giao dịch với nhau trong sự thật vì ngươi ta sống chung với nhau. Và sự thật sẽ tạo nên lẽ phải trái cùng sự tốt xấu. Cái nọ làm nảy sinh cái kia và xã hội sẽ tồn trọng sự lượng thiện để cho cuộc sống trở nên có phẩm chất, để cho chúng ta nói về chất lượng của cuộc sống.
Khi cái thiện được triển nở thì cái xấu sẽ từ từ bị loại bỏ. Sự loại bỏ diễn ra dưới các hình thức như: hàng bán sẽ không chạy vì xấu, người bán hàng xấu sẽ mất khách, người làm ra hàng tồi sẽ không được trả tiền công. Nếu sự thiếu thốn về vật chất tạo nên sự dối trá vì người ta phải nói dối nhau và ích kỷ, thì sự giàu có về vật chất tạo nên cái thật. Mức độ thật nhiều hay, có ngay bây giờ hay sau này thì tùy thuộc mỗi cá nhân và sự giáo dục mà họ đã được hưởng. Sự phong phú về vật chất là điều kiện xã hội tạo ra để người ta có thể sống thật với nhau.
Từ nay trở đi, về mặt lý thuyết, nếu chiều chủ nhật chúng ta được thoải mái mua hàng, xem phim, sáng thứ hai vào sở sẽ phải làm đúng số lượng và chất lượng công việc được giao phó. Làm sai sẽ bị nghỉ việc. Đấy là phần thưởng và giá trị dù bạn ở trong một doanh nghiệp hay một công sở. Chỉ có cái khác là ở các cơ sở kinh doanh kết quả công việc được định trên nguyên tắc "có thu tiền về được hay không", còn ở công sở thì là "làm được bao nhiêu”. Tuy nhiên, nếu nền hành chính kém coi thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt và mục đích gia nhập WTO sẽ không đạt được. Khi ở trong ngôi nhà WTO, mỗi người chúng ta trong địa vị của mình bị buộc phải làm thật, làm đúng và làm đủ như được yêu cầu. Từ công chức đến người lao động, từ doanh nhân đến chính quyền và ngay cả các bạn sinh viên và học sinh còn ở nhà trường đều bị đòi hỏi như thế, tức là bị tác động như vậy.
Nguồn:
#191
Gửi vào 27/01/2015 - 17:53
pth77, on 19/01/2015 - 15:08, said:
(Sau câu chuyện về triết gia Trần Đức Thảo nhiều người đặt câu hỏi, lý do gì mà những trí thức có điều kiện phát triển như thế ở tại môi trường nước Pháp lại quyết định bỏ tất cả để về nước kháng chiến? Câu hỏi không hề đơn giản, nếu ta không đặt mình vào hoàn cảnh, điều kiện của chính những nhân vật đó, và phải phần nào hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ! Câu chuyện sẽ hơi dài và có quá nhiều nhân vật, ai không quan tâm thì nên bỏ qua, còn ai thấy “dân ta nên biết sử ta” thì tác giả hy vọng sẽ chia sẻ được một góc nhìn tổng thể về đề tài này, cũng đã ba phần tư thế kỷ trôi qua rồi...)
Thời điểm năm 1941 nước Pháp bị chia đôi, Paris nằm ở lãnh thổ bị Đức chiếm đóng, còn phía Nam thì vẫn nằm trong tầm quản lý của Thống chế Pétain. Thế chiến bắt đầu giai đoạn đẫm máu, khốc liệt nhất sau khi Đức bất ngờ tấn công Liên Xô 22/6/1941. Lúc cao điểm nhất có tới 80 nghìn người Việt Nam (thời đó vẫn bị gọi là An Nam) khoác áo “lính” của Pháp và ở châu Âu. Lính có 2 loại:”lính thợ”-làm lao động chân tay cho Pháp-Đức; “lính chiến” –các tiểu đoàn quân đội Pháp, nhưng thực chất toàn người Việt được tuyển mộ để đánh nhau với Đức. Thời đó Việt kiều tại Pháp có nhưng số lượng rất ít! Tại Paris có khoảng gần một nghìn người Việt đang theo học đại học, cao đẳng, hoặc đã học xong đang đi làm hay lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ...
Câu chuyện bắt đầu từ trường đại học Cầu đường Paris. Đây là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của Pháp, với phương châm tuy hơi tếu nhưng nói lên đòi hỏi rất cao của sinh viên trường này :“Người tốt nghiệp cầu đường phải biết làm bất cứ việc gì, kể cả làm cầu đường!”( và quả thật sau này ông Caquot-thầy giáo nổi tiếng của môn sức bền vật liệu, một trong những người đề xướng và áp dụng “bê tông dự ứng lực”, “linh hồn” của trường- sau 1945 được Chính phủ Pháp De Gaulle giao cho trọng trách phụ trách toàn bộ công cuộc tái thiết đất nước). Đây là trường trước kia của Hoàng Xuân Hãn, Xuphanuvông...(và cách đây chỉ vài năm thôi một trong 6 giảng đường lớn của trường Cầu đường được gắn tên Hoàng Xuân Hãn để tri ân người học trò kiệt xuất của trường vì thành tựu to lớn ở các lĩnh vực chính trị, khoa học kỹ thuật và công lao đối với nước Pháp!). Phạm Quang Lễ (tên thật của Trần Đại Nghĩa) vừa tốt nghiệp xong, và với bằng này ông có quyền xin học tiếp ở rất nhiều trường khác, lúc này ông học đồng thời ở trường Điện và trường Hàng không. Ông được một “đàn em” cùng trường-sinh viên năm cuối Trần Hữu Phương-mời tham gia cùng với anh em trong trường thành lập ra một sân chơi cho tất cả đồng hương. Gọi là “anh em” chứ tại trường lúc đó mỗi năm chỉ có một sinh viên Việt Nam-dưới năm Phương một năm là Trần Lê Quang, mới vào trường là Nguyễn Hy Hiền. Vì Phạm Quang Lễ quá bận học nên chỉ hứa sẽ cùng tham gia với anh em, thế nên mọi người rủ thêm Trần Văn Du (sinh viên của Alfort-một dạng của Viện vệ sinh dịch tễ). Và thế là ra đời “Hội ái hữu của những người Đông Dương ở Paris”!
Mấy sinh viên trường đó ngoài học cầu đường theo chính khóa còn hay chạy sang học ké thêm ở Sorbonne và College de France thế nên góp tiền nhau, tìm thuê ngay cạnh đó một gian nhà ở tầng một, rộng chỉ sáu bảy chục mét vuông, sơn sửa lại, mua bàn ghế và thậm chí mua cả một cái piano. Tất nhiên trong lúc Đức chiếm đóng, thời chiến như vậy thì Hội ra đời phải xin phép nhà cầm quyền Đức rồi, nhưng khi biết tiêu chí hoạt động của Hội là trợ giúp đồng hương Paris và đấu tranh với Chính phủ Pháp về vấn đề độc lập cho Đông Dương thì Hội nhanh chóng được chấp nhận cho hoạt động.
Với tài tổ chức của Hội trưởng Trần Huy Phương (có những lúc là Trần Văn Du làm thay hội trưởng, nhưng chưa bao giờ là Hoàng Xuân Mẫn như báo chí hay viết vậy) địa điểm này nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của đồng hương Việt Nam ở Paris. Họ thường tụ tập nhau vào chủ nhật hay thứ bảy, góp tiền liên hoan nhẹ, uống trà, trao đổi tin tức quê nhà, bàn chuyện học hành rồi bao giờ cũng đi đến chủ đề chính trị. Sau một thời gian, cũng vì lý do chính trị, Hội đổi tên thành “Hội Ái hữu của những người Việt Nam ở Paris”-tức là các hội viên tự thấy nếu có đấu tranh cho chủ quyền độc lập, thì phải từng nước đấu tranh chứ không thể hô hào cho cả Đông Dương được, và đây chính là tiền thân của các “Hội Việt kiều” ở Paris và Pháp sau này. Võ Quý Huân, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mẫn (cháu cụ Hoàng Xuân Hãn), Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông...là những hội viên tích cực nhất. Sau này có cả anh em lính thợ cũng qua lại Hội, rồi nhiều ông cố đạo người Việt cũng hay đến. Hội bắt đầu đủ mạnh để có thể tổ chức được cả những chương trình văn hóa nhỏ, ví dụ mời danh cầm Thái Thị Liên, vợ của ông Trần Ngọc Danh-sau này là đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp-sang biểu diễn...
Lúc đó ngoài học ra, các nhà trí thức trẻ tất nhiên phải quan tâm đến chiến sự xung quanh. Càng học hành cao, thì họ càng không thể nuốt được cái cảm giác ê chề là dân của nước thuộc địa đồng nghĩa với sự lạc hậu, nghèo hèn (mặc dù quả là đúng như vậy thật!!). Và càng nặng nề hơn nữa khi họ nhìn thấy “mẫu quốc” Pháp là thực dân sừng sỏ ngày nào, giờ đây bị Hitler chia cắt và sẽ nuốt dần thôi. Sau nữa họ lại thấy Liên Xô và quân đồng minh quyết chiến với phát xít Đức như thế nào, trong chiến cuộc đó Pháp chỉ có một vai trò quá nhỏ bé, không tương xứng! Thế mà nước Pháp rệu rã ấy vẫn một mực áp đặt chế độ thuộc địa lên những nước như Việt Nam, quyết không nhả ra! Gần như tất cả hội viên của Hội Ái hữu cảm nhận được rõ ràng và thống nhất rằng PHẢI ĐẤU TRANH MỚI CÓ ĐỘC LẬP-những người yêu nước trẻ tuổi này rất nhanh đi tới kết luận đó và sau này khi có nhiều thông tin hơn thì rất cảm tình với đường lối đấu tranh của H-C-M.
Thời đó thủ lĩnh của “cộng sản thứ thiệt” ở Paris là bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, ông là đảng viên cộng sản Pháp từ lâu và cũng là đàn anh của sinh viên lứa những năm 40. Ông đã nổi tiếng học giỏi từ khi còn ở nhà, đã học xong ra đi làm bác sỹ, nhưng chính bản thân lại liên tục đau ốm phải nằm viện liên miên, nên rất ít khi anh em ở HAH thuê xe đón ông từ viện về Hội để gặp gỡ, mà thường có gì cần hỏi thì vào thăm ông Viện ở trong bệnh viện. Cảnh thường thấy là ông Viện nằm trên giường bệnh, ôm quyển từ điển Anh-Pháp đọc liên miên rồi khoe “hôm nay t*o học xong chữ O”-tức là ông cứ thế học hết từ này đến từ khác, trang này đến trang khác, thế mà ông nhớ hết và sau này rất giỏi tiếng Anh! (Phải nói thêm là sinh viên Việt ở Pháp thời đó chỉ bắt đầu học tiếng Anh khi Anh bắt đầu tham gia cuộc chiến, và phải nghe đài Anh để có thông tin chính xác về chiến sự toàn châu Âu...). Vậy nên các trí thức, sinh viên người Việt lúc đó chỉ biết đến cộng sản qua hình tượng Đảng cộng sản Pháp là chính, còn biết về H-C-M qua đấu tranh giải phóng dân tộc tại quê nhà (cũng có tin tức thường xuyên trên báo Pháp, nhưng anh em phải tìm thêm nhiều nguồn khác nhau để chọn lọc...). Và phải khẳng định rằng từng sinh viên-hội viên của Hội Ái hữu tự tìm hiểu về chính trị chứ không hề có sự tuyên truyền, nhồi sọ, lôi kéo từ bất cứ phía đảng phái nào!
Năm 1945 Đức thua trận, quân đồng minh Anh-Mỹ giao trả nước Pháp cho tướng Le Clerc-tướng bộ binh của De Gaullle, thời kỳ “Cộng hòa thứ tư” bắt đầu. Các tri thức Việt tại Paris đón nhận tin độc lập ở quê nhà 02/9/1945 rất vui mừng, tuy vậy chỉ có thông tin một chiều qua báo Pháp, họ cũng chưa biết được nhân vật H-C-M là cộng sản, người của Quốc dân đảng (là của phe đồng minh) hay là một thế lực chính trị nào nữa. Hồi đó báo chí Pháp đưa tin theo chiều hướng: Việt Nam tuyên bố độc lập đối với Nhật (Việt Minh dành lại quyền từ chính quyền Bảo Đại do Nhật dựng lên). Và sau này Pháp (Le Clerc) đưa quân vào Sài Gòn với chiêu bài giúp Tây (các lực lượng còn lại trên đất Đông Dương) lập lại trật tự tại cựu thuộc địa của mình (mà trước kia đã bị Nhật cướp một cách bất hợp pháp qua việc dựng nên chính phủ Trần Trọng Kim)...
Ở Paris cuộc sống của các trí thức trẻ người Việt cũng có nhiều xáo động. Đức rút đi vơ vét theo hết sạch lương thực nên cuộc sống khá khó khăn. Tuy vậy Pháp vẫn giữ chế độ học bổng tiếp tục cho các sinh viên đang học, còn ai tốt nghiệp rồi thì có thể học tiếp lên hay đi tìm việc làm cho các công ty Pháp, các bác sỹ thì mở phòng khám...đó là một chính sách khuyến khích ở lại học và làm việc tương đối rõ ràng đối với những người là nguồn chất xám đáng quý ngay cả đối với xã hội Pháp. 1945 hầu như không có ai về Việt Nam cũng vì lý do tình hình ở nhà chưa rõ ràng đối với những kẻ xa nhà (mà người ít nhất cũng đã ra đi cách đây 6-7 năm rồi!).
1946 đoàn Việt Nam sang hội nghị Fontainebleau là một sự kiện lớn, được giới trí thức người Việt ở Paris và Pháp rất trông đợi. Hội Ái hữu là một trong những tổ chức tích cực đón tiếp, giúp đỡ đoàn nhất trong suốt thời gian đoàn ở Paris. Pháp đã công nhận H-C-M là Chủ tịch hợp hiến, tuy vậy chỉ đối với phần Bắc kỳ thôi, chứ không phải của toàn Việt Nam thống nhất (và đó cũng là chủ đề chính của hội nghị Fontainebleau!). Đoàn gồm: chủ tịch H-C-M, ông Phạm Văn Đồng-Phó thủ tướng (cụ Hồ kiêm Thủ tướng), Tạ Quang Bửu-bộ trưởng quốc phòng, Vũ Đình Huỳnh-bộ trưởng bộ Lễ nghi. Nhân vật đặc biệt: ông Đỗ Đình Thiện-trợ lý chủ tịch, nhưng thực ra cụ Thiện là “nhà tài trợ” cho chính phủ, mọi chi phí-rất nhiều đấy-cho chuyến đi lịch sử này đều do một tay cụ cống hiến, một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng quý! Cụ Hồ thì ở nhà riêng của Aubrach-lãnh tụ kháng chiến của phe Đảng cộng sản (họ chống Đức ngay trên đất Pháp, đối nghịch với phe De Gaulle-sang Anh để chống Đức), còn cả đoàn thì ở khách sạn hạng sang mấy tháng trời. Hội nghị Fontainebleau đi vào bế tắc, 2 điều khoản không thể chấp nhận được là:
-Pháp đòi hỏi H-C-M chỉ làm chủ tịch của Bắc kỳ, còn Trung kỳ và Nam kỳ thuộc sự cai quản của Bảo Đại. (Bảo Đại sau này lại mời Diệm đứng ra lập chính phủ, mà Diệm lúc đầu được Mỹ hậu thuẫn, mà đồng minh Anh-Mỹ lại không ủng hộ Mao, đứng chung với Tưởng Giới Thạch ở Hội đồng bảo an LHQ-thế nên mọi chuyện càng rối như canh hẹ! Cũng phải hiểu rõ rằng chính quyền của Bắc kỳ lúc này KHÔNG được sự ủng hộ của Stalin, chứ không thì Pháp đâu có dám ép Việt Nam nhiều như vậy, cũng chả cần gì hội nghị Fontainebleau, “kẻ chiến thắng” mà chỉ “hừ” nhẹ một tiếng thì cái đám quân thất trận như Pháp đời nào dám trái ý!).
-Pháp bắt bí bằng cách đòi đền bù cho các công ty, tài sản của mình nếu Việt Nam cứ đòi độc lập! Ví dụ rõ nhất là đòi đền bù mỏ than Hòn Gai, trước kia triều Nguyễn bán cho Pháp chỉ 10 quan!!! Nay Pháp đòi một cái giá thị trường mà cả chính phủ Việt Nam lúc đó nằm mơ cũng chả có được!
Tất nhiên người Việt ở Pháp càng thấy được bộ mặt trơ trẽn của tên thực dân mới là Pháp, qua đó càng thêm có cảm tình với chính phủ H-C-M. Và cũng phải nói H-C-M là một chính trị gia kiệt xuất, rất phong độ, uyên thâm và cảm phục được đa số bà con ta ở Pháp lúc đó!
Tạ Quang Bửu trước tốt nghiệp Trung tâm kỹ nghệ Paris, và lần này ông sang là lần thứ hai sau độc lập, lần trước ông đi cùng đoàn Quốc hội với các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng với nội dung chính là “hữu nghị”, cũng đã tiếp xúc nhiều với kiều bào. Với sự giúp đỡ của Trần Ngọc Danh ông đã tiếp xúc với một số trí thức trẻ để đề nghị họ về nước giúp đỡ chính phủ kháng chiến chống Pháp-vì với kết quả hội nghị như thế này, muốn giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc thì chỉ có cách là kháng chiến chống Pháp thôi! Tất nhiên đường lối đó phải được H-C-M đồng ý, Bác Hồ có nói chuyện với vài vị, nhưng cứ nói một cách sáo rỗng như báo chí sau này “các trí thức nghe theo lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, về nước kháng chiến” thì e rằng bỏ qua hết tài tổ chức cũng như công sức của bác Bửu và lòng hảo tâm của bác Thiện! Và trước nhất, họ tự nguyện quay về theo tiếng gọi của núi sông!
Không có cuộc “tuyển mộ” ầm ĩ nào, mà qua sự giới thiệu của Nguyễn Khắc Viện, Trần Ngọc Danh ông Bửu đã tiếp xúc với một số người theo ông đánh giá là cần thiết cho kháng chiến sau này, và hội tụ điều kiện để có thể về đợt này. (Trần Ngọc Danh hồi đó là đại sứ ta tại Pháp-chưa có tòa đại sứ, nhân vật đối với kiều bào Paris cũng gây rất nhiều đồn đoán mà không có giải đáp, ví dụ “là em của Trần Phú, người của Quốc tế cộng sản do Nga cử sang...”; sau này ông bị kỷ luật ra khỏi đảng, thực hư không biết thế nào!?). Điều kiện: đó là nhiều người muốn về nhưng đang “kẹt”, và có nhiều người chưa muốn về ngay-không phải ai cũng có đủ số tiền mua vé tàu về nước, và tuy ở Pháp khó khăn, nhưng tình hình ở trong nước vừa qua nạn đói năm Ất Dậu nghe nói còn khủng khiếp hơn nhiều!
Tất nhiên “Hội ái hữu” là nhóm mà ông Bửu quan tâm tới đầu tiên. Chủ tịch Hội những người An Nam tại Paris lúc đó là Trần Hữu Phương-người Sài Gòn-rất có cảm tình với chủ tịch H-C-M-nhưng anh không thể về được vì mới cưới vợ là một cô đầm dòng dõi quý tộc, nên bắt buộc phải theo đạo cùng dòng tu với nhà vợ, không theo kháng chiến được (sau này ông về miền Nam và làm Thống đốc một Ngân hàng). Nguyễn Hy Hiền nhận nhiệm vụ ông Phạm Văn Đồng giao, sang Pháp học thêm về thủy lợi, về sau. Trần Lê Quang chưa về ngay được, vì có về thì anh phải về với gia đình ở Sài Gòn (sau này ông về Nam, làm bộ trưởng bộ giao thông của miền Nam, có hai chị và em gái hoạt động cách mạng nội thành, còn người em trai được phong tặng "Anh hùng lực lượng vũ trang"). Năm 1975 ông là chuyên viên Liên hiệp quốc tại Beirut). Lê Văn Thiêm còn phải sang Đức bảo vệ nốt luận án tiến sỹ, Trần Đức Thảo và Phạm Huy Thông chưa thi xong thạc sỹ (Agrege-còn khó và quý hơn tiến sỹ)...Nhiều bác sỹ đang mở phòng mạch hay kỹ sư đang làm cho hãng Pháp không dễ bỏ ngang (và cũng phải đấu tranh tư tưởng lắm chứ!). Để từ bỏ “kinh đô ánh sáng” mà về bưng biền kháng chiến thì hành động này cũng đòi hỏi rất nhiều lòng dũng cảm, đó vừa là trách nhiệm cao cả (một đi không trở lại) lại vừa là một vinh dự to lớn (được chính phủ đài thọ vé về nước-đó cũng là một khoản tiền lớn thời bấy giờ!). Anh em hồi đó cứ đùa: “giá cụ Thiện có đủ tiền thì tốt nhất mang được hết số lính chiến người Việt về-mấy chục ngàn lính giúp cụ Hồ đánh Pháp thì chắc là kháng chiến sẽ mau chóng thành công...”
Cuối cùng 4 người được Tạ Quang Bửu giới thiệu để đi cùng tàu, theo đoàn với Bác Hồ về nước năm 1946 (sau hội nghị Fontainebleau) trên chiếc tàu “Dumont d'Urville” là:
-Trần Đại Nghĩa-lúc này vẫn tên Phạm Quang Lễ-về nhận chức thiếu tướng quân đội, cục trưởng Cục Quân giới-là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông đã giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong quân đội cũng như ngạch giáo dục, quản lý khoa học-kỹ thuật. Công lao rất lớn của ông là một “nhà quản lý” rất giỏi, trong những điều kiện khó khăn nhất mà pháp huy tối đa được sức mạnh tập thể, thế nhưng báo chí sau này cứ hay ca ngợi ông như một “nhà chế tạo vũ khí”, “nhà phát minh”-dễ gây hiểu sai cho vai trò và đóng góp của ông trong lịch sử nước nhà!
-Võ Quý Huân-kỹ sư đúc, chia tay con gái nhỏ với người vợ đầm (gốc Nga-gia đình quý tộc đã lưu vong sau 1917). Người đi đầu trong công cuộc phát triển ngành đúc-luyện kim cho miền Bắc.
-Võ Đình Quỳnh-con đại tư sản miền Trung, kỹ sư mỏ-anh của Võ Đình Bông. Ông về rồi vào Nam, bị kẹt luôn ở đó sau toàn quốc kháng chiến, trở thành ông trùm về gang thép tuy nhiên cự tuyệt không làm gì cho chính quyền miền Nam. Thế nhưng người em ruột lại khéo đổi tên, sang được Pháp, trở thành đảng viên đảng cộng sản Pháp, rồi đến 1952 lại từ Pháp trở về miền Bắc, sau này cống hiến rất nhiều cho ngành điện-than.
-Trần Hữu Tước-người “nổi tiếng” vì đi đâu cũng dẫn theo con chó, phong thái giống dân Tây- bác sỹ tai-mũi-họng lâu năm ở Paris, đã tốt nghiệp đi làm từ lâu-đi về cùng để dọc đường chăm sóc sức khỏe cho đoàn. Sau này sáng lập ra ngành tai-mũi-họng của miền Bắc Việt Nam.
Theo sự sắp xếp của ông Phạm Văn Đồng, sau đó vài tháng 5 trí thức Paris khác đã về theo tàu “Felix Roussel” (tổ chức mua vé, cho mỗi người 3000 quan để mua áo quần, đồ đạc) về Sài Gòn rồi sau đó được đưa vào chiến khu. Tàu đi đến Singapore thì nghe được tin “toàn quốc kháng chiến”.
-Hoàng Xuân Nhị-cháu Hoàng Xuân Hãn-Sorbonne (tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp)-đã dịch Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc và in ở Paris! Sau này làm uy viên phụ trách giáo dục & văn hóa trong Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Sau 1954 làm giáo sư văn chương ở trường Tổng hợp Hà Nội.
-Nguyễn Ngọc Nhật- tốt nghiệp Trường Trung tâm Cơ khí Paris, về cùng người vợ đầm. Sau này làm ủy viên phụ trách tôn giáo, mặt trận (bố là lãnh tụ Cao Đài ở Bến Tre, đã tặng hết tài sản cho kháng chiến). Nguyễn Ngọc Nhật chết trong tù tại Sài Gòn, người vợ sau đó quay lại Pháp. (Ông đã chết rất anh dũng, tôi đã có riêng một status về ông!)
-Trần Văn Du-bác sỹ thú y (tốt nghiệp trường Alfort-trường dược và thú y lớn nhất của Pháp-như kiểu Viện Pasteur ở nhà mình). Trong chiến khu ông làm giám đốc một quân y viện của Nguyễn Bình, bị Tây nhảy dù, bắt về Sài Gòn, bị bắt buộc làm việc cho Tây nhưng ông kiên quyết không chịu. Tuy vậy Tây phục tài ông nên cũng không làm khó dễ nhiều, cho ra ngoài làm riêng. Mới mất cách đây mấy năm, trước khi mất ông đã di chúc tặng lại Thành phố H.C.M cả một cơ sở thực nghiệm và chế biến vắc xin của mình! Ông lấy con gái của ông Thái Văn Toản-thủ tướng thời Khải Định-Bảo Đại, bà là công dân Mỹ nên có thể vì thế Tây phải nể nang mấy phần...
-Nguyễn Văn Thoại-bác sỹ dinh dưỡng, tiến sỹ sinh hóa, có thời gian giúp đỡ cho Bửu Hội (Bửu Hội là nhà bác học Việt Nam có nhiều nghiên cứu về ung thư, có thể nói là nhà bác học Việt Nam nổi tiếng nhất thời đó tại Pháp)-xin về để nghiên cứu về hoạt động của anh em trí thức ở chiến khu như thế nào. Về Nam, ông có đi thực tế một thời gian, nhưng sức khỏe yếu nên xin về. Muốn được đi cùng đoàn từ chiến khu miền Nam đi ra tận miền Bắc, vì theo lời đồn (có thể là ý kiến của ông Bửu Hội) trên đường Trường Sơn có một loại cây rất quý để chữa ung thư, nhưng sức yếu nên không đi được. Sau này quay lại Pháp sống và làm việc, sau 1975 ông thỉnh thoảng về Hà Nội chơi, và có kể là đã có người tìm ra loại cây quý kia, ông đã có mẫu vật trong tay, ở bên Pháp đang tiếp tục nghiên cứu. Kết quả chưa thấy được công bố...
-Nguyễn Hy Hiền-Đại học Cầu đường Quốc gia Paris, về chiến khu đổi tên thành Lê Tâm, nhận chức đại tá quân đội. Kỹ sư quân giới dưới quyền của tường Nguyễn Bình, tác giả súng không giật SS chế tạo tại rừng Sác. Sau khi tập kết ra Bắc ông chuyển sang ngành giáo dục đào tạo, rồi sau đó sang quản lý khoa học-kỹ thuật, và như một cơ duyên, ở nhiều cương vị ông đã song hành cùng người anh cùng trường đại học Cầu đường Paris, người thủ trưởng trực tiếp ở nhiều cơ quan là Trần Đại Nghĩa: Cục Quân giới, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Ủy ban Khoa học nhà nước...
Sau 2 đợt các trí thức về nước năm 1946 thì vẫn có lác đác những trí thức hàng đầu thu xếp xong công việc riêng để về, trong hoàn cảnh chiến sự ở nhà đang rất nóng bỏng. Không thể không nhắc tới:
-Lê Văn Thiêm: cử nhân trường đại học Sư phạm Paris (khoa toán), sau đó làm luận án tiến sỹ và phải sang Đức để bảo vệ. 1948 ông bảo vệ luận án tiến sỹ quốc gia tại Pháp, rồi 1949 ông từ Pháp về Bangkok-rồi đi đường bộ thằng về chiến khu trong bưng biền không qua Sài Gòn, sau đó lại quay lại Bangkok-Bắc Kinh, từ Bắc Kinh quay về Nam Ninh để cùng phụ trách giáo dục cho trường Khu Học Xá là nơi sơ tán và đào tạo con em cán bộ cách mạng miền Bắc qua (cùng các ông Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển). Sau hòa bình ông là viện trưởng Viện Toán đầu tiên, và có công lớn sáng lập ra những trường đại học đầu tiên của miền Bắc.
-Trần Đức Thảo: cử nhân và thạc sỹ của trường đại học Sư phạm Paris (khoa triết). Ông được chính chủ tịch H-C-M mời về nước từ đợt 1946, nhưng ông xin hoãn lại để hoàn thiện luận án tiến sỹ, đồng thời nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Marx-Lê, rồi 1952 mới về. Về số phận vinh quang và cay đắng của ông đã có rất nhiều bài viết...Hãy nhớ, Thảo là nhà triết học đúng nghĩa duy nhất mà Việt Nam ta đã từng có!
-Phạm Huy Thông: nói về các trí thức từ Paris về, không thể bỏ qua ông. Ông sang Pháp năm 1937 để học trên đại học, con người rất tài hoa, nhà thơ trở thành luật sư từ năm 21 tuổi. Sang Pháp, chắc là về học hàm học vị trong số người Việt không ai nhiều như ông. Là người có uy tín và tích cực bậc nhất tại Hội Ái hữu, năm 1946 ông cùng Hội Ái hữu được cụ Hồ chọn làm những người trợ giúp cho đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, và ông đã quyết định chọn cho mình con đường đấu tranh như con đường của cụ Hồ. Tuy vậy vì lấy vợ đầm nên ông chưa về ngay được, ông chọn con đường đấu tranh vì độc lập ngay trên đất Pháp. Rất có tài tổ chức, ông phụ trách Việt kiều hải ngoại (bây giờ mới có từ Việt kiều), làm giới chức Pháp khá đau đầu, chúng trục xuất ông về Sài Gòn năm 1952, vợ và con cũng theo ông về Việt Nam. Ông tham gia đấu tranh cùng với Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát...rồi bị địch bắt. Cũng như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Hữu Thọ... ông đã được trao đổi tù binh và ra miền Bắc năm 1955. Sau này người ta nhớ nhất về ông là Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội và Viện trưởng Viện Khảo cổ, tuy nhiên tài tổ chức và uy tín của ông có lẽ chưa được tận dụng hết!
Ngoài các vị kể trên thì cũng rất nên nhắc tới 2 trí thức từ Pháp về khác:
-Nguyễn Như Kim: “tri thức Việt kiều bất đắc dĩ”. Học trong nước, khi từ chiến khu Việt Bắc được giao mang 18kg vàng sang Thái Lan để mua khí tài cho miền Bắc và chở về bằng tàu biển, ông bị Pháp bắt cho vào tù, và khi thấy ông là tri thức, Pháp đưa cho ông 2 lựa chọn: hoặc bị xử (chắc chết) hoặc “phải” sang Pháp học, và tất nhiên ông phải chọn phương án 2 (chứ không phải như người ta hay viết, trong tù nhưng vẫn “xin ý kiến tổ chức” và “tương kế tựu kế, sang Pháp trau dồi kiến thức và chờ lệnh”-cuộc sống nhiều khi có những lý lẽ khác với người đời tô vẽ!). Ông học về điện và vô tuyến điện (có thể nói ông là người đầu tiên được học bài bản về vô tuyến điện thời đó). Quả là lòng yêu nước vẫn không nguôi ngoai trong ông, nên sau 1954 khi được ông Tạ Quang Bửu gửi lời mời, ông đã thu xếp để đưa cả vợ con về nước. Ông làm chủ nhiệm khoa Cơ-Điện đầu tiên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội (sau là khoa Điện-Điện tử) và sau là viện trưởng Viện Thông tin...
-Lê Bảo: học trường Hàng hải tại cảng quân sự Toulon (cũng là một trường rất nổi danh ở Pháp)-có thể nói là người được đào tạo bài bản nhất về đóng tàu. Sau 1954 ông đã về miền Bắc và khi đó khoa Cơ-Điện của ĐH Bách khoa được tách ra, ông làm chủ nhiệm khoa Cơ khí, tuy vậy sau này ông chưa có dịp áp dụng kiến thức về bộ môn đóng tàu...
Nhìn lại tiểu sử tóm tắt của các tri thức quay về từ Pháp, ta có thể thấy mấy điểm chung sau:
-họ tự nguyện về nước, xuất phát từ ý nguyện “đáp lời sông núi”, đa số chỉ trở thành đảng viên sau này.
-không có ai trở thành cán bộ lãnh đạo ở những cương vị chủ chốt cao nhất, tuy vậy tất cả họ đều đã áp dụng vốn kiến thức được học bên Pháp trên mọi cương vị. Đất nước chưa tận dụng hết khả năng của họ (cũng như chưa thu hút được hết trí thức giỏi khác từ Pháp về), khá đáng tiếc!
-là những tri thức thự thụ, họ đã sống hết mình và không có kẻ nào luồn cúi cầu vinh, cầu lợi. Họ xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo!
P.S. Chưa từng có cuộc gặp lại nào có tương đối đầy đủ những tri thức từ Pháp về.
Các nhân vật của status này đại đa số đã thành người thiên cổ, theo tác giả thì hiện nay chỉ còn 3 cụ đều đã ngoài 90: Lê Tâm (tức Nguyễn Hy Hiền), Lê Bảo (cả hai đều ở Hà Nội) và Trần Lê Quang (Mỹ).
Chắc bài viết mang tính chủ quan, còn có nhiều sai sót, xin ACE lượng thứ và góp ý thêm!
Nam Nguyen
(theo facebook tác giả)
Là những trí thức yêu nước thực thụ, họ đã sống hết mình, cống hiến hết mình cho non sông đất nước và không có kẻ nào luồn cúi cầu vinh, cầu lợi.
Cảm phục!
#192
Gửi vào 29/01/2015 - 12:19
Năm 2010, trên báo Thanh Niên có cuộc thảo luận không ngã ngũ về chuyện ai là người VN đầu tiên biết lái máy bay. Cuối cùng báo này dành quyền thẩm định cho Hội Khoa học Lịch sử VN. Chuyện thẩm định thuộc quyền hạn và trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền, chúng ta, những người yêu sử và học sử, chỉ xin đóng góp chút tư liệu có được về đề tài này.
******
Thời Pháp thuộc, vào nửa đầu thế kỷ 20, vùng Phú Nhuận có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị, vốn là con trai của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, từng là một trong hai “công thần” bậc nhất của chính quyền thực dân Pháp tại miền Nam (người kia là Trần Bá Lộc). Không những thế, nhiều trường học và con đường ở các địa phương khác cũng mang tên Đỗ Hữu Vị. Điều này cho thấy trong con mắt của người Pháp, ông Vị cũng được xếp hạng “công thần” bậc nhất như thân phụ của ông. Ông sinh tháng 2 năm 1883 (có tài liệu ghi 1884) tại Chợ Lớn, thời niên thiếu theo học trường Taberd (Sài Gòn), sau đó được gia đình cho sang Pháp học tại trường Sainte-Barbe ở Paris. Năm 1904, Đỗ Hữu Vị được thu nhận vào trường Saint-Cyr, một trong những trường võ bị bậc nhất của Pháp lúc bấy giờ. Hai năm sau (1906), ông ra trường với cấp bậc Thiếu úy và được sung ngay vào trung đoàn số 1 tham gia các chiến dịch ở Maroc (Bắc Phi), từ Oudjda (1906) đến Casablanca (1907-1908), rồi Haut-Goir (1908) và vùng biên giới Algérie – Maroc (1908-1910).
Tháng 12.1910, Đỗ Hữu Vị gia nhập không quân Pháp.Theo lời học giả Phạm Quỳnh trong một bài viết dài bằng tiếng Pháp đăng trên tạp chí Indochine, ông Vị là “một trong những phi công quân sự đầu tiên của nước Pháp và chắc chắn là phi công đầu tiên của toàn vùng Viễn Đông”. Những năm 1912-1913, Vị sung vào phi đội Tây Maroc, được nhiều người biết đến sau chuyến bay trên bầu trời thành phố Fez, thành phố lớn thứ hai tại Maroc sau Casablanca. Tờ Illustration của Pháp số 3642 ra ngày 14.12.1912 có bài tường thuật về một chuyến bay của ông vào ngày 11.11.1912. Chiếc máy bay Blériot do ông lái xuất phát từ thủ phủ Casablanca lúc 11 giờ 15 phút, vượt 210 km và đáp xuống doanh trại của Pháp ở Gueliz thuộc thành phố Marrakech lúc 13 giờ 25 phút. Máy bay vừa dừng bánh, Vị đã được mọi người ùa ra đón tiếp nồng nhiệt. Chuyến bay trở về ngày 13.11, Vị chở theo Đại tá Mangin và bay theo hành trình Marrakech-Casablanca-Rabat dài gần 300 km trong điều kiện thời tiết khá xấu.
Trong những năm đầu thập niên 1910 đó, Đỗ Hữu Vị là đồng đội và bạn thân thiết của phi công Roland Garros, sinh năm 1888, gia nhập không quân Pháp năm 1909 và tử trận năm 1918, trước khi Thế chiến thứ nhất kết thúc không lâu, do máy bay bị quân Đức bắn hạ . Thập niên 1920, một sân vận động của Pháp được đặt tên Roland Garros để kỷ niệm thời gian phi công này học tại Paris, và ngày nay, giải quần vợt Roland Garros mang tên ông là một trong những giải đấu quốc tế danh giá nhất.
Tháng 6.1914, Đỗ Hữu Vị được phái về Đông Dương để học cách sử dụng xuồng lướt (hydroglisseur) trên sông Mekong và sông Hồng. Sau khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ vào tháng 10.1914, ông xin trở ra chiến trường chống lại quân Đức. Chính trong thời gian này, Đỗ Hữu Vị lập được nhiều công trạng với chính quốc. Ông tham gia các chiến dịch ở Champagne, một thủ phủ của Pháp, nổi tiếng qua việc oanh tạc nhiều lần lên phòng tuyến quân Đức và thu thập nhiều thông tin bổ ích cho Bộ chỉ huy quân sự Pháp. Năm 1915, trong lúc trời sắp có giông lớn, không nghe lời can ngăn của đồng đội, Vị lái máy bay hướng về phòng tuyến của quân Đức. Trong hành trình đầy nguy hiểm đó, một cơn gió lốc xuất hiện buộc ông phải tìm cách hạ cánh, song đã trễ, chiếc máy bay bị cơn gió quật ngã, Vị bị gãy tay, vỡ xương hàm và hôn mê nhiều ngày liền.
Nhiều tháng sau đó, tuy tìm lại được sự sống, song Đỗ Hữu Vị không thể quay lại với nghiệp phi công, đành trở về với binh chủng bộ binh, nơi xuất phát trong sự nghiệp quân sự của mình. Ngày 9.7.1916, ông chỉ huy một đại đội quân Pháp đụng độ với quân Đức gần ngôi làng Dompierre thuộc quận de la Somme và bị trúng đạn tử thương vào lúc 4 giờ chiều hôm đó. Đỗ Hữu Vị được an táng ngay tại Dompierre. Năm năm sau (1921, có tài liệu ghi 1920), người anh lớn của ông là Đỗ Hữu Chẩn, Đại tá trong quân đội Pháp, đã đưa hài cốt Vị về cải táng trong một khu vườn nhà gần Chợ Lớn.
***
Qua chút tư liệu trên, chúng ta có thể tin rằng Đỗ Hữu Vị là người Việt Nam đầu tiên – theo lời học giả Phạm Quỳnh, còn là người Viễn Đông đầu tiên – biết lái máy bay và đã thực hiện nhiều chuyến bay, chủ yếu trên bầu trời Maroc, đất nước từng là một xứ bảo hộ của Pháp từ năm 1912. Câu chuyện về Đỗ Hữu Vị làm ta liên tưởng ít nhiều đến cha ông là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một người đã có những hành vi tác tệ cho dân, cho nước mà các sách báo đã nói đến nhiều. Điều chúng tôi muốn nói thêm ở đây là vào những năm cuối đời, hình như có những lúc thiên lương trở về với những người như Trần Bá Lộc hay Đỗ Hữu Phương. Những năm 1896-1897, Tổng đốc Cái Bè Trần Bá Lộc đã dành nhiều công sức coi sóc việc đào một hệ thống kênh dài tổng cộng 103 km, nằm giữa hai hạt Vĩnh Long-Sa Đéc, sau được đặt tên là kênh Tổng đốc Lộc. Con kênh giúp ích khá nhiều cho người dân trong việc di chuyển và tưới tiêu trong nông nghiệp. Còn Đỗ Hữu Phương, từ đầu năm 1911, đã tích cực vận động xây dựng một ngôi trường dành riêng cho nữ sinh tại Sài Gòn. Được chính quyền thuộc địa cho phép mở cuộc lạc quyên, ông đã tích cực thực hiện cuộc vận động trong hơn hai năm liền. Năm 1913, công trình xây dựng trường được Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut đặt viên đá đầu tiên và mãi đến năm 1915 mới hoàn tất. Ngày 18.10.1915, ngôi trường mang tên ban đầu là “Ecole des jeunes filles indigènes” (“Trường con gái bản xứ”, sau được gọi là “Trường Áo Tím” rồi đổi thành “Trường Gia Long”, nay là “Trường Nguyễn Thị Minh Khai”) được Toàn quyền Đông Dương Roume cắt băng khánh thành. Trong diễn văn đọc tại lễ khánh thành, Roume không quên nhắc lại công lao của họ Đỗ trong công cuộc vận động tích cực để có được một ngôi trường riêng cho nữ sinh Sài Gòn. Tiếc là lúc ấy ông Phương đã qua đời được hơn một năm rưởi rồi (3.4.1914).
Lê Nguyễn
28.1.2015
(theo facebook tác giả)
ps: một số comment bổ sung:
- cấp bậc của ông Đỗ Hữu Vị khi tử trận là Đại úy
- về từ an-nam-mít (annamite) cũng có đôi điều cần nói. Lâu nay, người Việt mình vốn dị ứng với từ này, cho rằng thực dân Pháp “chơi xỏ”, người Việt ta. Tôi lại thấy chuyện không có gì trầm trọng, có khi lại là nỗi oan tình của người Pháp. Với hòa ước Giáp Thân 1884, về mặt nguyên tắc, nước ta chia ra ba phần: thuộc địa Nam kỳ, xứ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ tự trị. Trong ngôn ngữ của họ, người Pháp gọi Nam kỳ là Cochinchine, người Nam kỳ là Cochinchinois; Bắc kỳ là Tonkin, người Bắc kỳ là Tonkinois; Trung kỳ là Annam, người Trung kỳ là Annamite. Họ không có hậu ý gì khi đặt từ Annamite, song do chúng ta bị ám ảnh bởi cụm từ “An Nam đô hộ phủ” thời Bắc thuộc (nhà Đường) và những từ An Nam khác (như An Nam quốc vương) do triều đình phương Bắc đặt cho ta nên có những phản ứng không đáng có với từ annamite thời Pháp thuộc. Cũng cần nói thêm là ban đầu, từ annamite dùng để chỉ người miền Trung, sau lại được phổ thông hóa thành người Việt nói chung. Cụ thi sĩ Tản Đà từng lập tờ báo An Nam tạp chí mà đâu có mặc cảm gì.
- chuyện tưởng lầm "Tổng đốc Phương" là Nguyễn Trị Phương rất phổ biến, song nếu người ta am hiểu lịch sử hơn một chút thì sẽ không lầm, vì cụ Nguyễn Tri Phương chưa từng làm Tổng đốc bao giờ, và sự sai lầm về chức danh của cụ Nguyễn càng phổ biến hơn nữa trên nhiều sách, báo. Gần khu vực chợ Vườn Chuối, cạnh đường Điện Biên Phủ (xưa là đường Phan Thanh Giản) ngày trước có địa danh "vườn Bà Lớn", bá Lớn đây là chỉ vợ ông Đỗ Hữu Phương.
- gán cho cụ Nguyễn Tri Phương chức “Tổng đốc thành Hà Nội” vào năm 1873 là một nhầm lẫn lớn và phổ biến của nhiều người làm công tác sử học. Năm 1873, cụ được vua Tự Đức bổ làm “Tuyên sát Đổng sức đại thần”, chịu trách nhiệm về mặt quân sự toàn miền Bắc. Cụ chỉ huy quan binh thành Hà Nội chống cuộc tấn công của quân Pháp là với tư cách này. Vả lại, vào năm 1873, cũng chưa bao giờ có chức danh “Tổng đốc thành Hà Nội”, mà chỉ có chức Tổng đốc tỉnh Hà Ninh (bao gồm Hà Nội) do Bùi Thức Kiên nắm giữ, còn người đứng đầu thành Hà Nội là một quan võ, chức Đề đốc, hàm chánh nhị phẩm, ngang với Tổng đốc. Trong sử học, có nhiều nhầm lẫn, song nhầm lẫn về chức “Tổng đốc” của cụ Nguyễn Tri Phương là lớn và dai dẳng nhất.
Đỗ Hữu Vị (1883 -1916)
Loại máy bay Blériot Đỗ Hữu Vị từng sử dụng
Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (1841-1914)
Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải, thông gia của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (con trai ông Khải là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu lấy con gái Đỗ Hữu Phương)
Phi công Roland Garros (1888-1918) từng là đồng đội của Đỗ Hữu Vị, nay tên được đặt cho một trong những giải quần vợt danh giá của thế giới
Trường con gái bản xứ, tiền thân của trường Áo Tím, trường Gia Long và nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai. Việc quyên góp xây dựng trường này có công lớn của ông Đỗ Hữu Phương.
#193
Gửi vào 05/02/2015 - 12:02
Phan Bội Châu
10:56' AM - Thứ năm, 29/01/2015
Cuối năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ dành dụm được vài đồng bạc làm hành phí để lên Tokyo tìm cho được anh học sinh Trung Quốc, quê Vân Nam có tên Ân Thừa Hiến. Xuống khỏi xe lửa, 2 người gọi một phu xe và đưa danh thiếp "Ân Thừa Hiến" ra. Người phu không biết chữ Hán bèn đi tìm một đồng nghiệp khác biết chữ. Người này viết chữ trao đổi: "Bạn tôi không thông chữ Hán nên tiến tôi với các ông. Tôi biết chữ Hán nên nếu muốn đi đâu, các ông cứ viết chữ ra là tôi đưa các ông tới".
Nói rồi, người phu đưa 2 ông tới Chấn Võ Học Hiệu, hỏi học sinh Ân Thừa Hiến. Té ra anh này đang thuê nhà nơi khác chờ qua năm, không ai biết ở đâu.
Người phu xe nghĩ một lúc rồi kéo xe vào bên đường và nói: "Các ngài hãy cứ chờ tôi ở đây vài ba tiếng, tôi đi tìm chỗ ở của người đó, rồi sẽ quay lại".
Đứng chờ từ 2h đến 5h chiều, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ nghĩ, Tokyo quá rộng, lữ quán có muôn nhà, tìm chỗ ở một học sinh Tàu, gốc Vân Nam chỉ biết tên thiệt không lấy gì làm chắc, nếu cùng một nết với dân Việt, e sẽ kh*n n*n với vấn đề tiền nong... Ai dè sau 3h, anh phu xe mừng rỡ chạy về, dắt hai người đi thêm 1 tiếng, đến một lữ quán có treo biển với hàng chữ "Thanh quốc Vân Nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến".
Giờ mới hỏi đến tiền công, anh phu nói: "Hai hào năm xu". Phan Bội Châu làm lạ, rút một đồng bạc ra trao và tỏ tấm lòng đền ơn. Người phu xe đáp lại khảng khái: "Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ nhà ga Tokyo đến nhà trọ này, giá xe chỉ có ngần ấy. Vả lại các người là ngoại quốc, yêu mến văn minh nước NHẬT mà đến đây; Vậy ta nên hoan nghênh các vị, chứ không phải hoan nghênh tiền bạc đâu. Bây giờ, các người cho tôi tiền xe vượt quá lệ, thế là khinh bạc người NHẬT BẢN đó!".
Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ tạ ơn người phu xe đáng kính, lòng thêm tủi!
Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta xem với người phu xe Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao!
(Tự phán, Phan Bội Châu)
#194
Gửi vào 07/02/2015 - 19:29
Sáng hôm qua, 2-2-2015, Marina Litvinenko đã xuất hiện ở ghế nhân chứng trong phiên thẩm vấn cho tiến trình điều tra đang được tư pháp Anh tái lập, nhằm xác định ai là hung thủ thật sự giết chồng bà, Alexander Litvinenko.
Sinh ngày 4-12-1962 tại thành phố Voronezh (Nga), Alexander Litvinenko là cựu đại tá Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) và nguyên trung tá Cơ quan an ninh Nga (FSB). Sau khi rời Nga sang Anh (nhập tịch Anh tháng 10-2006) vào năm 2000 vì lý do tỵ nạn chính trị, tay cựu sĩ quan tình báo tiết lộ nhiều thông tin chấn động, chẳng hạn mình từng được chỉ thị khử Boris Berezovsky (thời điểm đó có chân trong Ban thư ký hội đồng an ninh quốc gia và là tay chân thân tín của Tổng thống Boris Yeltsin); rằng hai trong số tên khủng bố Chechnya tấn công một nhà hát tại Moscow năm 2002 thật ra là làm việc cho FSB. Còn nữa, đương sự kể với tờ báo Rzeczpospolita (Ba Lan) rằng FSB từng huấn luyện trùm Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tại Dagestan (nước cộng hòa giáp giới Chechnya) năm 1998…
Cái chết Litvinenko đầy ắp tình tiết gay cấn sặc mùi gián điệp Chiến tranh lạnh. Theo Times of London, vào 3g chiều ngày bị hạ độc (1-11-2006), Litvinenko có cuộc hẹn với giáo sư-chuyên gia an ninh Ý Mario Scaramella. Nội dung buổi gặp tại nhà hàng sushi Itsu ở Piccadilly (Luân Đôn) là cùng xem xét danh sách đối tượng có thể bị tình báo Nga khử trong đó có một số người Nga lưu vong tại Anh, cá nhân Litvinenko, Scaramella và cả Boris Berezovsky. Cuộc gặp kéo dài khoảng 30 phút và hai người hẹn gặp lại vào ngày 10-11.
Trước đó, 10g sáng cùng ngày, Litvinenko gặp ba người Nga tại quầy bar Pine trong khách sạn Millennium ở quảng trường Grosvenor (Luân Đôn). Một trong số đó là Andrei Lugovoy (đồng nghiệp cũ tại KGB, cựu cận vệ của cựu Thủ tướng Yegor Gaidar). Lugovoy có mặt tại Luân Đôn khoảng một tuần trước khi Litvinenko bị hạ. Lugovoy cho biết cuộc gặp chỉ bàn chuyện “làm ăn” (hai người Nga còn lại là Vyacheslav Sokolenko và Dimitry Kowtun).
Ngay trong đêm 1-11, Litvinenko bắt đầu thấy mệt. Ngày 3-11, đương sự nhập viện (bị nôn liên tục và mất nước trầm trọng); ngày 15-11, bác sĩ vẫn không thể xác định Litvinenko bị bệnh gì trong khi nạn nhân bắt đầu tiều tụy với tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy kịch (tóc rụng, da tái, mắt mờ…); và cuối cùng chỉ vài giờ trước khi Litvinenko chết (23-11), người ta mới biết nạn nhân bị đầu độc chất phóng xạ polonium 210.
Tính chất phức tạp của vụ án thể hiện ở nhiều chi tiết rối rắm. Theo Sunday Times, năm 2003, Litvinenko kể rằng mình từng hẹn gặp một người mang mật danh “Thiếu tá P” trên băng ghế bên ngoài nhà hàng Wagamama tại quảng trường Leicester (Luân Đôn) và nghe trình bày kế hoạch ám sát Tổng thống Vladimir Putin. “Thiếu tá P” cho biết ông muốn được Berezovsky tài trợ kế hoạch ám sát. Tuy nhiên, nghi rằng đây là cái bẫy mà FSB gài để thộp mình lẫn Berezovsky nên Litvinenko trình báo cảnh sát Anh. “Thiếu tá P” và một người Nga nữa bị bắt và sau đó trả cho Nga. Tháng 9-2004, hai tuần sau khi Litvinenko kể với một số nghị sĩ Anh về hoạt động FSB, nhà riêng của đương sự bị tấn công bằng bom xăng.
Ngay từ tiến trình điều tra ban đầu, người ta đã phát hiện dấu vết polonium 210 tại ba địa điểm (tiệm sushi Itsu; khách sạn Millennium và nhà riêng nạn nhân). Trong khi đó, polonium 210 là chất phóng xạ hiếm và dễ bay hơi (không thể lấy nếu không mò được vào phòng thí nghiệm hạt nhân chuyên biệt). Theo Donald G. Mcneil viết trên New York Times, polonium 210 là chất cực độc. Xét theo khối lượng, polonium 210 độc hơn cyanide khoảng 250 triệu lần và chỉ một hạt nhỏ bằng hạt bụi cũng đủ gây chết người, dù nó có thể mang đi (thực hiện đầu độc) dễ dàng bởi hạt alpha có thể dễ dàng được ngăn chặn phát xạ chỉ bằng một tờ giấy gói.
Hơn nữa, nó cũng quá nhỏ để có thể tạo ra vị khi nếm. Được Marie Curie phát hiện năm 1898 và đặt tên theo quê hương Ba Lan của bà, polonium rất hiếm trong tự nhiên. Polonium 210 gây tử vong bởi nó phóng ra hạt alpha với năng lượng đủ để xé toạc cỗ máy gien tế bào, giết chết tế bào lập tức hoặc biến thành khối u. Lượng alpha phóng thích từ polonium 210 nhiều hơn 5.000 lần so với cùng lượng radium. Các loại phóng xạ alpha không thể phát hiện bằng thiết bị nhận biết phóng xạ thông thường nên nó dễ dàng “vượt biên”. Không như các chất đồng vị phóng xạ chẳng hạn caesium-137 hoặc cobalt-60, polonium 210 không dùng cho phóng xạ y học nên nó không thể được đánh cắp từ bệnh viện mà chỉ từ các phòng thí nghiệm hạt nhân chuyên biệt.
Câu hỏi lớn nhất: ai là thủ phạm thật sự? Litvinenko bị “thuốc” như thế nào? FSB có dính dáng gì? Còn nhiều nghi vấn khác nữa, chẳng hạn ai cung cấp bản danh sách các đối tượng sẽ bị “thịt” cho Mario Scaramella? Đây là một trong những chìa khóa rất quan trọng. Một trong những chi tiết kỳ lạ nữa là dấu vết polonium 210, sau cái chết Litvinenko không lâu, bỗng xuất hiện khắp nơi, từ một sân vận động tại Luân Đôn, trong ba máy bay British Airways (tuyến Moscow-Luân Đôn) đến cả Tòa đại sứ Anh tại Moscow (trong văn phòng mà Andrei Lugovoy từng ghé vào để xin visa sang Luân Đôn)! Trong số báo ngày 6-12-2006, International Herald Tribune cho biết dấu vết polonium 210 đã xuất hiện tại 30 địa điểm! Đây có phải là cách mà (nhóm) thủ phạm dùng để đánh lạc hướng điều tra?Có một điều mà bây giờ có thể khẳng định: xét nghiệm tử thi Litvinenko cho thấy nạn nhân thật sự bị đầu độc bằng phóng xạ - bác sĩ Nathaniel Cary, trưởng nhóm xét nghiệm, công bố ngày 28-1-2015.
Trong biên bản điều tra công bố ngày 27-1-2015, chi tiết cuộc phỏng vấn cảnh sát với đương sự đã lần đầu tiên được tiết lộ. Trên giường bệnh trước khi chết, Litvinenko thuật: “Trên bàn có một ấm trà. Tôi rót một ít. Trong ấm không còn nhiều. Chỉ được nửa tách. Có lẽ khoảng 50 gr. Tôi nhấp vài ngụm. Đó là trà xanh, không đường, hơi lạnh. Tôi không thích loại trà lạnh không đường do đó tôi không uống tiếp. Có lẽ tôi uống 3-4 ngụm. Tôi uống chưa hết tách”. Theo bác sĩ trưởng nhóm xét nghiệm Nathaniel Cary (thuật vào ngày 28-1-2015), Litvinenko đã “cho vào cơ thể một lượng lớn polonium 210 vào ngày hoặc trong khoảng ngày 1-11-2006, chủ yếu, nếu không phải toàn bộ, bằng đường miệng, hơn là đường hô hấp”. Lượng phóng xạ được tính toán mà đương sự cho vào cơ thể là vượt xa giới hạn có thể sống sót.
Nhân vật đang bị tình nghi nhất là Andrei Lugovoy, người gặp trực tiếp Litvinenko vào ngày đương sự bị “thuốc”. Đến nay Moscow vẫn không đồng ý cho dẫn độ Lugovoy, người hiện là dân biểu Duma Nga. Khi tiến trình điều tra được tái lập (dự tính kéo dài 10 tuần; đến khoảng tháng 4-2015), Lugovoy nói rằng việc qui kết Moscow, cụ thể là Putin, đứng sau vụ ám sát Litvinenko là “không có căn cứ”; và bản thân đương sự chẳng liên can gì đến cái chết Litvinenko. Cần nhấn mạnh, Litvinenko từng viết hai quyển sách - Blowing Up Russia và The Lubyanka Gang – trong đó đương sự nói Putin có quan hệ với mafia St. Petersburg; và Putin cùng cơ quan an ninh Nga chính là thủ phạm gây ra vụ đánh bom chấn động năm 1999 trong khi đổ vấy cho khủng bố Chechnya.
……
Manh Kim
(theo facebook tác giả)
#195
Gửi vào 07/02/2015 - 20:44
Trích dẫn
Chổ nầy còn thiếu nhiều chi tiết . Lúc đầu kêu xe cứu thương họ tưởng rằng nôn ẹo bình thường nên bỏ đi . Khi vào BV cấp dưới vì BV chưa trang bị đủ dụng cụ nên họ cũng chưa biết , nhưng có BS cho rằng người nầy không có xạ trị nhưng triệu chứng giống như có xạ trị rồi . Đến khi được chuyễn vào BV cao cấp bậc nhất Luân đôn , ngày cuối họ mới biết bị đầu độc .
Theo tôi, Anh Litvinnenko là một điệp viên có hạng, Đại tá, đang là chống đối Putin mà để bị đâu độc, không đề phòng, là điệp viên tầm thường thôi .
Chữ Lugovoi (i nầy hay là y nầy) .
Thanked by 1 Member:
|
|
Similar Topics
Chủ Đề | Name | Viết bởi | Thống kê | Bài Cuối | |
---|---|---|---|---|---|
![]() Nhật ký những giấc mơ |
Vài Dòng Tản Mạn... | gaido111 |
|
![]() |
|
![]() nghiệm lý những lá số bất thường kỳ dị nhất |
Linh Tinh | minhgiac |
|
![]() |
|
![]() Lịch âm (nông lịch), chuyển từ dương sang âm lịch |
Thiên Văn - Lịch Pháp - Coi Ngày Tốt Xấu | Elohim |
|
![]() |
|
![]() Những lá số mệnh Thiên Lương cư ngọSưu tập và nghiệm lý |
Tử Vi | Transporter |
|
![]() |
|
![]() Quả Lão Tinh Tông - có những gì liên quan tới Tử Vi![]() |
Tử Vi | Quách Ngọc Bội |
|
![]() |
|
![]() Thương quan sinh tài cách |
Tử Bình | lethanhnhi |
|
![]() |
1 người đang đọc chủ đề này
0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn
Liên kết nhanh
Coi Tử Vi | Coi Tử Bình - Tứ Trụ | Coi Bát Tự Hà Lạc | Coi Địa Lý Phong Thủy | Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh | Coi Nhân Tướng Mệnh | Nhờ Coi Quẻ | Nhờ Coi Ngày |
Bảo Trợ & Hoạt Động | Thông Báo | Báo Tin | Liên Lạc Ban Điều Hành | Góp Ý |
Ghi Danh Học | Lớp Học Tử Vi Đẩu Số | Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý | Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở | Sách Dịch Lý | Sách Tử Vi | Sách Tướng Học | Sách Phong Thuỷ | Sách Tam Thức | Sách Tử Bình - Bát Tự | Sách Huyền Thuật |
Linh Tinh | Gặp Gỡ - Giao Lưu | Giải Trí | Vườn Thơ | Vài Dòng Tản Mạn... | Nguồn Sống Tươi Đẹp | Trưng bày - Giới thiệu |
Trình ứng dụng hỗ trợ:












