Jump to content




Advertisements




Truyện ngắn huyền bí - hiendde


1072 replies to this topic

#691

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 16/09/2013 - 07:18

XỬ ÁN NƠI CÕI ÂM

Một buổi đẹp trời vào tháng 6 năm 1966, tôi được hân hạnh đi theo ông thầy Địa lý Dươmg Thái Bang, ông là thầy Địa lý nổi tiếng nhất Miền Nam, nhà của ông ở cư xá Đô Thành.

Hôm nay thầy Bang dẫn môn đệ, độ mươi lăm người, đi thực tập tìm huyệt và điểm huyệt tại Cát Lái gần Sàigòn. Lúc xe tôi đến nơi thì thấy nhiều người đang đào huyệt. Tôi nhìn qua nhìn lại đã thấy có năm ba ngôi mộ đã được chôn từ mấy tháng, mấy năm trước, hôm nay người ta định chôn thêm ba ngôi mộ nữa do cải táng (dời hài cốt từ một nơi khác đến đây an táng) theo lời dạy của thầy Dương Thái Bang.

Buổi trưa hôm đó tất cả mọi người được mời vào thành Cát Lái, được đãi ăn với nhiều món ăn thật ngon, vì những "khổ chủ" đãi tiệc là những gia đình giàu có, họ xin thầy Địa Lý ban cho họ được những ngôi mộ, mà theo lời thầy Địa lý thì thế nào con cháu của họ cũng phát phú quí giàu sang. Rượu thịt thật nhiều, gặp khí trời tươi sáng trong lành, cho nên tôi ăn uống no say. Ăn xong thì cũng đã hơn mười hai giờ trưa, và tất cả mọi người đều được mời nghỉ trưa trên các chiếc ghế bố nhà binh, sườn sắt với vải bố màu kaki sậm.

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Thình lình tôi bị lay dậy và thấy hai người cầm giáo dài và nhọn đứng hai bên. Mặt mày hung tợn, người đầy lông dài cả nửa tất, tuy họ hung tợn như hai con quỉ, nhưng tôi không có cảm tưởng sợ hãi gì, hai người cùng nói lễ phép:

- Xin mời ông đi theo chúng tôi !

Tôi không biết là đi đâu, họ dìu tôi qua một cánh đồng mênh mông, tôi thấy tôi không đi theo những con đường, mà có lúc như bay là là phớt qua những thửa ruộng. Tôi thấy mình mặt áo dài khăn đóng với quần trắng, tôi thấy cả thân hình tôi đang bay, tà áo bay nhẹ vì tôi lướt đi rất nhanh cùng với hai "người quỉ" nắm tay tôi hai bên, mà đôi lúc tôi như thấy mình tự bay một mình.

Đến một nơi vô cùng lạ lùng, tôi thấy mình đang đứng trên cao, trên bờ một thung lũng. Thung lũng do người đào chứ không phải thiên nhiên, vì đất xén thẳng đứng còn mới có màu vàng lợt, mép trên của thung lũng có cỏ xanh, với dấu xén còn nguyên. Trong cái thung lũng đó có nhiều tử thi, có người bị thương máu chảy nhiều nơi, lại có người đàn bà tóc xỏa mà một chân bị chặt mất, máu đang chảy, nhiều người bị thương đủ kiểu.

Tiếng than khóc và oán hờn vang lên từ thung lũng. Nhiều hồi tôi thấy họ rất gần mình (như độ vài thước tây), có vị tướng quân mặc áo giáp đen không có đầu, tôi rất sợ những người bị thương, thì tự nhiên thấy mình xa ra (không gian như thu ngắn hay giản ra tùy ý). Đại ý các lời kêu oan mà tôi chỉ nhớ là "oan cho chúng tôi lắm."

Nhiều giọng nói nghe rõ là:

- Ông phải xử cho chúng tôi ! Oan quá trời ơi !

Tôi trả lời với họ là tôi mới đi du học về (tôi từ Pháp về ngày 5 tháng 10 năm 1965), tôi có biết gì đâu mà xử. Nhưng họ nhất thiết kêu oan và nhiều người cùng nói:

- Ông đến đây rồi và ông phải xử cho chúng tôi !

Bất ngờ hai con quỉ khi nảy đẩy tôi ngồi xuống trên một cái ghế bành rất lớn, ghế bành đem đến từ bao giờ tôi không biết, đặt ngay sau lưng tôi, có hai tay dựa để tôi để tay mình lên đó, tôi thoáng nhận thấy cái ghế làm bằng gỗ quí, được chạm trổ tinh vi và có cẩn xa cừ. Tôi ngồi chễm chệ trên cái ghế đó mà lại có cảm tưởng êm ru như ngồi trên một tấm nệm, tôi vừa ngồi xuống thì hai con quỉ kéo một tấm màn đen trước mặt tôi.

Tôi không thấy cái thung lũng phía trước nữa, nhưng tai tôi vẫn nghe những lời người ta trình bày, tôi hiểu họ nói gì, nhưng điều lạ lùng là không biết mình nghe gì, thì sau đó tôi bắt đầu phán quyết về từng trường hợp một. Tôi không biết mình phán quyết những gì, nhưng tôi chỉ ý thức là minh đang nói, và chính mình cũng không nghe cái gì mình đang nói! Thật lạ lùng, thật huyền diệu! hình như có một sự bảo mật thiên lý mầu nhiệm, mà chính tôi cũng không ý thức được cái gì mình đang nói.

Một thời gian thật lâu sau đó, hình như các vụ kiện thưa đã được xét xử xong một cách thỏa đáng, không gian như nhẹ hẳn đi, cái không khí nặng trĩu kêu oan khi nảy không còn nữa, tôi vừa toan muốn đứng lên khỏi ghế thì thấy mình thức giấc, mồ hôi vãi ra như tắm. Cái cảm tưởng nhẹ nhõm, thân mình bồng bềnh khi nảy không còn nữa, mà tôi phải chống tay mới ngồi dậy được, thì ra tôi vừa mới chợp ngủ trên cái ghế nhà binh màu kaki sậm trong thành Cát Lái, chỉ độ một giờ. Những người cùng ngủ chung quanh tôi đều thức dậy và đã đi ra phòng khách, tôi là người thức dậy trể nhất.

Sau nầy tôi được biết rằng thành Cát Lái nầy được xây lên từ thời Pháp thuộc, dùng để nhốt tù nhân và cũng là nơi tra tấn dã man các người kháng chiến chống Pháp, tôi còn nghe đồn rằng nơi nầy có nhiều ma, oan hồn thường xuất hiện.

Sau đó trong cả chục năm trời tôi không biết có phải là điềm chiêm bao hay không. Thôi cho là như vậy đi. Nhưng giấc mộng đó cứ luôn luôn ám ảnh. Tôi đi hỏi các vị cao niên để biết cái gì kỳ lạ xảy đến cho tôi, nhưng không ai trả lời được. Có phải do tiềm thức mà mình mơ thấy như vậy. Điều nầy không thể có, vì tôi rất ghét kiện tụng.

Thế rồi một hôm tôi may mắn gặp ông Lương Sĩ Hằng, mà người ta thường gọi trong giới thân mật là ông Tám. Ông Tám là đệ tử của ông Đỗ Thuần Hậu vị sáng lập khoa Thiền Vô Vi ở Việt Nam. Tôi kể cho ông Tám nghe giấc chiêm bao lạ lùng ở thành Cát Lái năm 1966. Ông Tám cười rất tươi rồi nói ngay:

- Đâu có gì lạ, thường thường có những việc mà dưới âm phủ không xử được thì phải nhờ người trên dương thế xuống xử!

Đó là câu trả lời của ông Tám về các thắc mắc của tôi.

Bùi Như Hùng

Thanked by 2 Members:

#692

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 23/09/2013 - 06:44

KỲ BÍ CẬU BÉ CÓ ĐÔI CHÂN NÓNG NHƯ LÒ THAN HỒNG BỖNG TRỞ THÀNH "THẦN Y"

Mang đôi chân luôn nóng ran ngay từ khi mới sinh ra, những năm gần đây, Bắc còn khiến gia đình và người dân tò mò về khả năng chữa bệnh.

Thông tin về Đặng Sử Bắc, sinh năm 1996, trú thôn Ốc, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, mang căn bệnh lạ “nóng hai ống chân” và có khả năng chữa khỏi một số căn bệnh phổ biến hiện nay như khớp, thần kinh… khiến nhiều người rất tò mò. Tiếp xúc với Bắc, người ta mới thấu hiểu được nỗi đau hiện lên trên khuôn mặt em phải gánh chịu suốt bao năm nay do chứng bệnh lạ gây ra.

Sống được là nhờ nước

Ông Đặng Sử Linh sinh năm 1966, bố đẻ em Bắc, loay hoay múc vội thùng nước để kịp làm mát chân cho đứa con trai. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một cái thở dài như muốn trút bỏ bớt khó khăn và sự lo lắng về đứa con trai út Đặng Sử Bắc.

- Cháu bị bệnh này từ khi mới sinh ra, tìm đến hết thầy này, thuốc nọ, hễ ai chỉ ở mô thì tìm đến đó nhờ chữa nhưng bệnh tình chẳng tiến triển gì, ông Linh tâm sự.

Vợ chồng ông Linh sinh được ba người con, hai trai, một gái, hai người con đầu đều lành lặn và được cho ăn học tử tế, hiện họ đều đã lập gia đình và có công việc ổn định. Bắc là con trai út trong gia đình. Sinh ra mang khuôn mặt bầu bĩnh, sáng dạ và là một đứa trẻ rất thông minh, mới lên hai, ba tuổi, mặc dù chưa đi học nhưng Bắc đã biết đọc, biết viết.

Ông Linh cho biết thêm, căn bệnh lạ này của Bắc được gia đình phát hiện ra khi em lên hơn hai tuổi. Theo đó, vào một buổi sáng sớm, vợ chồng ông Linh bỗng nghe thấy Bắc la khóc thét rất khác thường. Sau đó em được bố mẹ đưa lên trạm xá thăm khám, nhưng các bác sĩ vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng trên.

Về nhà điều trị được vài ngày, Bắc vẫn không ngừng quấy khóc, đôi ống chân em bắt đầu có những biểu hiện đỏ tấy lên, gia đình ông Linh rất lo lắng nhưng nghĩ bệnh này chắc cũng đơn giản nên ban đầu họ chỉ dùng những lá thuốc cơ bản buộc vào chân Bắc. Được sự giúp đỡ tiền bạc từ người dân và số tiền chắt góp nhờ bán thóc lúa vừa thu hoạch, vợ chồng ông đưa Bắc ra nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.

- Nằm điều trị gần nửa năm trời, dùng bao nhiêu thuốc men nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Hết tiền nằm viện, vợ chồng tôi bắt buộc phải đưa Bắc về điều trị tại gia đình, ông Linh nói.

Suốt những năm đầu khi Bắc mới được năm, sáu tuổi, hễ ai giới thiệu thầy lang nào, dù xa hay gần, vợ chồng ông Linh cũng đều tìm đến cậy nhờ họ chữa khỏi bệnh cho Bắc. Thế nhưng tất cả cũng chỉ giúp Bắc đỡ bệnh được thời gian ngắn ban đầu rồi lại tái phát và ngày càng nặng hơn.

Thương con, suốt bao năm tháng qua, vợ chồng ông thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm bên con. Hết lo từng miếng ăn, giấc ngủ, vợ chồng ông Linh còn phải nghĩ ra cách để làm dịu bớt độ nóng ở hai ống chân cho Bắc.

- Cả ngày lẫn đêm cháu gào khóc vì nóng ran từ khớp gối xuống cả hai bàn chân, thương con, chúng tôi chạy đôn chạy đáo hỏi thăm người dân về phương cách giúp Bắc giải nhiệt. Ban đầu, chúng tôi dùng đá lạnh để chườm lên đôi chân cho Bắc bớt nóng nhưng cũng không ăn thua, ông Linh cho hay.

Đầu năm 2004, căn bệnh lạ của Bắc chuyển sang một gia đoạn nguy hiểm hơn khi suốt dọc từ khớp gối xuống đến đôi bàn chân Bắc không chỉ bị ửng đỏ.

- Hai ống chân mặc dù chẳng có gì tác động vào nhưng nó bỗng dưng cứ nứt xé thịt ra, thậm chí lộ cả hai ống xương ra ngoài. Tôi nghĩ cháu đau lắm nhưng điều đặc biệt là cháu không có biểu hiện gì đau đớn cả, ông Linh nói.

Để cứu chữa cho Bắc, ông Linh tiếp tục đưa con lên bệnh viện huyện Nông Cống nằm điều trị. Qua một thời gian ngắn, vết nứt thịt tạm thời dừng lại nhưng hiện tượng “bỏng trong” trên hai ống chân của Bắc vẫn tiếp diễn. Sau đó gia đình đưa Bắc về nhà tiếp tục điều trị do kinh phí nằm viện rất tốn kém, vắt kiệt hết sức lực và tài sản của gia đình ông Linh.

Ngồi bên cạnh Bắc, tay thoa thoa lên đôi bàn chân con, ông Linh tâm sự thêm:

- Bao năm qua, suốt thâu đêm, vợ chồng tôi nằm nghe con than khóc mà chẳng biết làm gì hơn. Hằng đêm, cháu vừa ngủ vừa phải để hai chân ngâm vào chậu nước lạnh. Ban ngày cũng thế, hễ vài chục phút mà không ngâm vào nước là chân cháu lại nóng ran lên, người ngồi gần có thể cảm nhận được hơi nóng, hoặc là dù đã ngâm chân vào nước nhưng cũng phải thay nước thường xuyên để giảm nhiệt cho nước.

Nói về việc học của Bắc, ông Linh nở nụ cười nhạt, nhìn xa xăm rồi bảo:

- Cháu chỉ được học ở trường đời chứ không được học ở trường lớp. Do mắc chứng bệnh lạ nên từ khi lớn lên, Bắc vẫn chưa được đi học. Những ngày đầu, cháu cũng có đến trường học nhưng rồi bệnh phát tác khiến bạn bè kinh hãi, việc ngồi lớp mà không được ngâm chân vào nước lạnh khiến Bắc không thể chịu được nên gia đình bắt buộc phải cho cháu ở nhà.

Mặc dù không được lên lớp học nhưng với vốn thông minh hiếm có tồn tại trong con người Bắc, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, cậu bé cũng có thể viết được mọi chữ cái, đọc thông thạo các văn bản và thực hiện được nhiều phép tính mà không phải ai không được đi học như Bắc cũng làm được.

- Mới hơn hai, ba tuổi cháu đã biết đánh vần chữ cái rồi sau đó đọc vanh vách, gia đình dù rất ngạc nhiên vì Bắc không được đi học nhưng vẫn biết. Đến nay, cháu đã có thể biết được toàn bộ mặt chữ và tính toán như một cậu bé được đi học, ông Linh cười.

Khi bố ngồi nói chuyện, Bắc vừa mới thiu thiu ngủ. Ông Linh bảo rằng, Bắc ngủ rất ít.

- Cả đêm cháu chẳng được ngủ, vừa chợp mắt được độ mươi phút thôi, ông Linh nói.

Khi ông Linh chưa nói hết câu thì từ trong nhà, Bắc vội bước ra với đôi chân tập tễnh, sưng tấy rồi đỏ ửng lên như hai quả ớt chín. Khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương, làn da trắng nõn, Bắc chạy lại sà vào lòng bố rồi thở hổn hển nói gấp gáp:
- Bố ơi, con nóng chân lắm, giúp con với.

Chẳng đợi lâu, ông Linh vội bế Bắc lên chạy ra sân giếng nơi đang để chậu nước lạnh chờ sẵn mỗi ngày.

Trở thành thần y khi đang đi chữa bệnh

Để kiểm chứng tính chân thực về thông tin cho rằng Bắc có khả năng chữa khỏi bệnh cho người dân, anh Giang, một người vốn đang mang căn bệnh khớp đã đồng ý làm bệnh nhân để Bắc trổ tài. Chỉ sau vài động tác, anh Giang đã được Bắc đặt úp bàn tay lên điểm đau, sau vài phút, việc chữa bệnh đã xong.

- Có một luồng khí nóng rất lạ từ người Bắc đi qua điểm tiếp xúc tay Bắc rồi truyền thẳng sang người tôi, anh Giang khẳng định.

Nói về khả năng đặc biệt này của con trai mình, ông Linh cho biết, khả năng trên được phát hiện trong một lần ông đưa Bắc lên nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa Nông Cống, tình cờ bắt gặp một cụ ông tên Đông, khoảng ngoài tám mươi tuổi, bị chứng bệnh suy tim cấp độ bốn, mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không được.

- Ngồi hành lang bệnh viện, thấy cụ sải bước chân mệt mỏi ra về trong tâm trạng thất vọng, Bắc tiến lại gần, làm quen rồi nhận lời cứu chữa cho cụ, chỉ sau một vài hành động đặt tay lên điểm đau, bệnh tình cụ ông đã giảm rất nhiều. Vài tháng sau, cụ ông tìm đến này và cảm ơn Bắc vì giúp cụ khỏi hẳn bệnh, thật là kỳ diệu, ông Linh nhớ lại.

Sau lần đó, nườm nượp người dân được cụ Đông mách bảo đã tìm đến nhà ông Linh, nhờ Bắc chữa bệnh. Cho đến nay, số người được Bắc nhận lời chữa bệnh đã lên đến hơn trăm người, trong đó đa số đã được khỏi bệnh.

- Chữa bệnh cho người ta cốt để lấy cái đức nên chẳng bao giờ gia đình tôi lấy tiền của họ cả. Những người ở gần nhà được Bắc chữa đã khỏi hẳn bệnh, còn người ở xa thì khỏi hết nhưng không biết giờ có tái phát lại không. Không phải chỉ chữa một lần là khỏi luôn mà phải trải qua nhiều ngày chữa liên tục mới khỏi được, ông Linh nói.

Ông Vũ Trung Hùng, Trưởng thôn Ốc cho biết:

- Gia đình ông Linh có con trai Đặng Sử Bắc mang căn bệnh lạ trên là sự thật và khả năng Bắc có thể chữa bệnh cho người dân là đúng.

Chiều xuống, bầu trời bắt đầu xám xịt mây đen báo hiệu trận mưa rào sắp ập đến. Chia tay chúng tôi, ông Linh bảo:

- Gia đình chỉ muốn tìm được một vị thầy có khả năng chữa khỏi bệnh cho Bắc. Còn việc cháu có khả năng đặc biệt trên, thì nhờ cơ quan chức năng nghiên cứu thêm.

- Khả năng tác động bằng năng lượng từ đôi bàn tay của người này, vào chỗ đau của người khác, có thể khỏi bệnh là có thực. Bộ môn Dưỡng sinh Tâm thể cũng áp dụng phương pháp đó, và chữa khỏi nhiều bệnh như thoái hóa cột sống, bệnh câm, điếc... Vì thế, việc cậu bé Đặng Sử Bắc ở Thanh Hóa, có thể chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp truyền năng lượng vào chỗ đau là chuyện bình thường. Người dân không nên thần thánh sự việc. (Tiến Sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng-UIA.)

Thanh Lê

#693

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 23/09/2013 - 07:30

HƯNG YÊN : DO MÃNG XÀ QUẪY ĐUÔI HAY DO PHÁ ĐÌNH CHUÀ GÂY TAI HOẠ?

Rộng chưa đầy 1 km2 nhưng vùng đất này trong hơn chục năm trở lại đây thường xuyên xảy ra nhiều người chết trẻ thì cũng gặp chuyện không may... Dân cư phần nhiều đã rời đi làm ăn hoặc chuyển đến chỗ khác sinh sống. Vì thế, người ta thường gọi nó là vùng đất ma.

Mục sở thị vùng đất ma

Chuyện về vùng đất ma này hỏi bất kỳ ai ở thôn Vũ Dương, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, họ cũng điều biết khá tường tận. Đây là vùng đất nằm ở vị trí cuối thôn, về cơ bản là xa hẳn khu trung tâm nên đến đây, ai cũng cảm nhận được không khí heo hút, vắng bóng người. Khu vực này hiện chỉ còn hai người sinh sống là hai hộ ở gần nhau. Hai người đàn bà một già, một trung niên đều sống một mình khiến không gian càng thêm vắng vẻ.

Theo lời kể của những người trong làng, về mặt địa thế, khu đất này được cho là xấu vì trước đây nó là một vùng trũng, có thể là đoạn lạch sông, mãi sau này người dân mới vượt đất trồng trọt và làm nhà ở đó. So với mặt bằng chung, vùng đất này như là một cái rốn đất trũng hẳn xuống so với những vùng đất khác của làng.

Cũng vì địa thế xấu như vậy nên hơn chục năm trở lại đây, những hộ sinh sống trên khu đất này đều gặp chuyện không may. Theo thống kê của ông trưởng thôn Nguyễn Văn Mỹ, số người chết ở vùng này phải lên tới hơn ba chục người, nhất là đều vào độ tuổi dưới bốn mươi. Nhiều người chết đột tử, chết đuối, chết tai nạn... khi mới đang ở độ tuổi thanh xuân.

Ngoài ra, những hộ sinh sống ở đây đều không được yên, không người có vấn đề thần kinh thì cũng có người bị ma làm. Bởi vậy, dù nhà cửa khá đông đúc nhưng xuống đó vào giữa trưa, chúng tôi vẫn có cảm giác như đứng giữ một khu phố bị bỏ quên, không người qua lại, không tiếng động vật kêu. Tất cả chìm vào một không gian u tịch, vắng vẻ đến ghê người.

Những khu vườn nhãn rậm rạp, những căn nhà bị bỏ hoàng, rêu phong bao phủ với những bức tường cũ kỹ khiến cho chúng tôi liên tưởng tới một bộ phim ma nào đó. Theo lời kể của người thanh niên dẫn chúng tôi xuống đây, ở khu vực này có một người đàn ông bị thánh hành, ông này hiện đã mất vì ung thư.

- Lúc sinh thời, ông này tụ nhận mình có khả năng nhìn thấy ma. Cứ vào cuối mùa nhãn, người ta thuê ông ấy đi chặt cành nhãn. Thời gian làm việc là vào ban đêm. Ông này không cần đèn đóm gì cả, một mình ở giữ những khu vườn nhãn rộng mênh mông làm việc. Ông ta kể đây là khu đất rất nhiều ma, cứ tối đến là họ tụ tập về nói chuyện với ông suốt đêm.

Vừa đi, người thanh niên dẫn đường vừa kể. Thực hư câu chuyện này không biết ra sao, nhưng cứ nhìn vào đoạn đường heo hút trước mặt là chúng tôi cũng cảm thấy rùng mình.

Cũng vì muốn trải nghiệm cảm giác khi đặt chân đến đây, chúng tôi có nhờ người thanh niên này dẫn đi vào ban đêm. Từ trung tâm làng có hai con đường dẫn vào khu đất. Một là đoạn đường chạy xuyên tâm vào giữa khu đất, đoạn này dù có đèn đường và một số hộ dân sống gần đó nhưng cũng khiến cho nhóm bạn đi cùng tôi giãy nảy đòi về.

Chưa thỏa mãn với cảm giác này, tôi tiếp tục yêu cầu anh bạn dẫn đường dẫn chúng tôi theo con đường vòng để vào khu đất. Người thanh niên nghe vậy vội nói: “Em chỉ dám dẫn các anh tới đầu xóm, còn sau đó tự các anh đi vào tìm hiểu nhé”.

Người thanh niên dẫn chúng tôi đi hết đường lớn chạy thẳng ra hướng bờ sông thì hết đường. Chúng tôi thấy một ngã rẽ hướng tay trái và một về hướng tay phải. Hướng tay trái thì dân cư ở khá tấp nập và có đèn đường rất sáng. Hướng tay phải là một con đường nhỏ, tối đen như mực, trổ dài thăm thẳm về phía xa. Con đường này một bên là sông, một bên là những căn nhà bỏ hoang. Xung quanh, những rặng tre và vườn nhăn âm u chạy dài làm con đường thêm nhỏ và tối đặc.

Qua ánh sáng mờ mờ của chiếc cánh cổng sắt đã khóa bị hoen gỉ, những ngôi nhà bỏ hoang không ai ở, lối đi cỏ dại mọc um tùm. Dù là tôi và anh bạn đi cùng không bao giờ có ma quỷ, hay những câu chuyện chỉ mang tính giai thoại nhưng cũng không khỏi rùng mình vì sự vắng lặng ở nơi đây.

Truyền thuyết mãng xà quẫy đuôi

Lý giải cho một loạt hiện tượng lạ xảy ra trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Mỹ, trưởng thôn cho biết:

- Tôi cũng chỉ được nghe các cụ truyền lại câu chuyện rằng khu đất đó vốn nằm trên địa thế đuôi của một con mãng xà lớn. Mỗi khi nó chuyển động thì những người sinh sống trên đó đều gặp chuyện không hay. Có lẽ những chuyện này liên quan tới truyền thuyết đó chăng. Thật hư thế nào thì chúng tôi còn phải chờ các nhà khoa học chuyên ngành xem xét nhưng quả là những người sống ở khu đó không nhiều thì ít đều gặp chuyện không hay lắm.

Bản thân ông Mỹ cho hay, thôn Vũ Dương trước kia có hai ngôi đình rất lớn mà dân làng vẫn gọi là đình trên, đình dưới. Trước năm 1945, đây là một vùng trù phú, kinh tế rất phát triển. Cảnh trên bến dưới thuyền diễn ra rất nhộn nhịp. Theo nhiều vụ bô lão trong làng hai ngôi đình như hai địa điểm trấn yểm linh khí của vùng đất này. Một ngôi trấn ở phía trên, một ngôi trấn ở phía dưới.

Tuy nhiên, sau năm 1945, do hai ngôi đình có diện tích quá lớn, theo lời kể của ông Mỹ trưởng thôn thì một ngôi đình mà mấy trung đoàn bộ đội ở cũng không hết, nên thực dân Pháp đã cho đốt hết. Hai ngôi đình bị cháy hầu như không còn gì. Thế rồi sau ngày hòa bình, thay vì tu bổ thì dân lại đua nhau phá đình, chùa, lấy gạch xây dựng các công trình khác. Thế là hai ngôi đình cổ đã bị xóa sổ từ đấy. Có lẽ vì chuyện này mà càng về sau, càng có nhiều chuyện không hay xảy ra ở vùng đất đó cũng vì hai ngôi đình đã bị phá bỏ.

- Tất nhiên, đây chỉ là lời đồn chưa có kiểm chứng khoa học nhưng dân làng chúng tôi đã từng thảo luận về việc khôi phục lại ngôi đình cổ ngày xưa. Hy vọng những chuyện không hay sẽ bớt đi nhưng vì chưa có kinh phí và vấn đề giải phóng mặt bằng trên nền đình cũ vẫn không thực hiện được nên bao năm qua không làm được gì cả, ông Mỹ nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng, trước kia, làng còn một ngôi chùa rất lớn nhưng cũng bị phá và đốt hết. Ngày nay, người ta xây dựng lại một ngôi chùa nhỏ ngay trên đất của khu đất ma. Vì thế, dù là chùa nhưng người qua lại rất ít. Dân làng vì thế cũng ngại xuống chùa, chỉ trừ khi có dịp đặc biệt lắm. Hiện lãnh đạo thôn cũng như các cụ cũng tính phương án di chuyển ngôi chùa ra vị trí khác nhưng vẫn chưa thống nhất về mặt kinh phí và địa điểm.

P.Sang

Thanked by 1 Member:

#694

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 23/09/2013 - 08:04

BÍ ẨN NGÔI CHUÀ XÂY DỰNG TRANG NGHIÊM TỐ HẢO TỪ "NHỮNG GIẤC MƠ VÀ ĐIỀM BÁO LẠ"

Cả ba lần, khi đang định nhận lời về chùa khác, sư thầy Thích Minh Hiển đều giật mình bởi tiếng quát của một giọng phụ nữ trong giấc mơ:

- Thích tìm chỗ sướng à?

Sự trùng lặp ngẫu nhiên của những giấc mơ

Nằm trên địa phận thôn Cờ Đỏ, xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương, chùa Linh Quang vẫn đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng. Nếu như ở những miền quê khác, nhắc đến chùa chiền người ta liên tưởng ngay đến sự cổ kính nhuốm màu thời gian thì ở đây, mọi thừ có vẻ mới tinh.

Chia sẻ với Phóng Viên, ông Phạm Ngọc Đại, trưởng thôn Cờ Đỏ cho biết:

- Nhiều năm trước, khu đất của chùa là một nhà kho hợp tác xã gạch ngói cũ, trên diện tích chừng 30–40m2. Sau khi giải thể hợp tác xã, người dân đã ở lại thành lập làng, và xin lại khu nhà kho để làm nơi thờ cúng. Vì vậy nhân dân đã tạc tượng Phật bằng đất để lễ bái tu tập. Ngôi chùa được thành lập cách đây hơn mười năm, ngôi làng Cờ Đỏ cũng thành lập từ đó.

Xung quanh việc xây dựng chùa và ngay cả đến cái tên chùa cũng có nhiều sự việc kỳ lạ đến khó tin. Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới gặp được sư thầy Thích Minh Hiển, trụ chì chùa Linh Quang.

Sư thầy Thích Minh Hiển trước ở chùa Phúc Lộc, xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, giờ là Thành Phố Đà Nẵng, đi xuất gia từ năm mười một tuổi, và ở đó đến năm 2005 thì ra ngoài Bắc, và xin y chỉ vào Sư bà Thích Đàm Nhuần chùa Đông Thuần, thành phố Hải Dương.

Sau thời gian tu tập tại chùa Đông Thuần, nhân dân làng Cờ Đỏ có đến chùa Đông Thuần xin sư Bà cho thầy về hướng dẫn nhân dân tu tập. Khi đến chùa Cờ Đỏ (chùa Linh Quang bây giờ) sư thầy đã gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, cũng như khuôn viên chùa quá chật hẹp, nên sư thầy có ý định từ bỏ.

Nhưng khi đang ở chùa Đông Thuần, trung tâm thành phố Hải Dương, cả ba lần sư thầy định nhận lời về làm trụ trì chùa trong tỉnh, thì đều lặp lại một giấc mơ giống nhau. Sư thầy Minh Hiển chia sẻ:

Lần thứ nhất người ta mời thầy nhận chùa ở Gia Lộc, huyện Gia Lộc, đến xem thử, thầy thấy được. Toan nhận lời thì khi về, trong giấc ngủ thầy đã giật mình bởi tiếng quát của một giọng phụ nữ:

- Thích tìm chỗ sướng à?

Lúc này, nghe xong thầy chỉ nghĩ mình ngủ mê và không quan tâm lắm. Sau đó, một chùa ở Văn Thai, Cẩm Giàng, cũng mời đi về xem. Trong thời gian này, thầy còn đang đi học, thấy đó là chùa di tích thì mình chưa phải lo toan nhiều, sẽ thuận lợi cho việc học. Thế nhưng, đêm về, trong giấc mơ, giọng vang thét của người phụ nữ lại lặp lại:

- Thích tìm chỗ sướng à?

Cũng hơi thắc mắc nhưng thầy vẫn mặc kệ. Cho đến lần thứ ba, khi chùa Kim Thành mời thầy về thì giấc mơ này được lặp lại. Nghe quát xong thầy tỉnh ngay, nhưng không nhìn thấy ai. Lần đầu thầy nghĩ là mơ, lần hai, lần ba thì thầy thấy nó trùng lặp quá và không thể không nghĩ đến một cơ duyên ở nơi này.

Ngày 1.7.2006, người dân thôn Cờ Đỏ, xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương, mời về làm lễ. Mặc dù khi đó, chùa chỉ là một khu hoang tàn, dân làng thờ cúng trong một phòng nhỏ dột nát còn sót lại của hợp tác xã, thế nhưng khi được dân làng quý mến mời về, sư thầy đã nghĩ đến sự trùng lặp những giấc mơ trước đó. Lúc này, sư thầy Minh Hiển đến trước Tam Bảo và phát nguyện:

- Con xin ở lại đây và xây dựng nơi đây thành nơi tâm linh của Phật giáo.

Sư thầy chính thức về chùa vào tháng 8.2007. Dân làng cho sư thầy ở một phòng trọ sau lưng chùa. Đây là khu phòng xây cho công nhân thuê, có diện tích chừng 10m, phòng chỉ đủ để cái giường nhỏ. Sư thầy với bà vãi ở phòng trọ đó gần một năm, nhưng ở nhà trọ cũng phức tạp, ồn ào. Thấy trong khu đất nhà chùa có nhà bảo vệ cũ nát từ xưa, sư thầy bảo sửa để ở nhưng người dân can ngăn vì ở đó lắm ma. Khi đó, thầy chỉ nhỏ nhẹ:

- Tôi ở chứ mọi người có ở đâu mà lo.

- Thầy chẳng bao giờ thấy ma cả. Thế nhưng, đêm nào bà vãi ngủ trên sập gỗ chỉ cao 30cm nhưng nếu không bị giật màn, thì bị hất xuống đất. Bà vãi bảo, thầy không cúng con không ở đâu. Để bà vãi yên lòng, thầy cũng bảo bà vãi thổi xôi chè nhà chùa đi học về mua hoa quả rồi tối lễ, và khi tụng kinh tối xong thầy sắp lễ và nói:

- Tôi không biết các vị là ai, nhưng đã ở trong chùa hằng ngày chúng tôi đã cúng cháo cho các vị ăn, cho nên các vị phải lo tu tập và hộ trì Tam Bảo, tôi là phụ nữ, tôi không ở một mình nếu bà vãi không ở cùng, tôi cũng sẽ bỏ chùa về với sư phụ. Từ đó không thấy hiện tượng gì khác lạ nữa, sư thầy Thích Minh Hiển nói. Chùa được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007.

Từ ngoài đường năm đi vào chùa Linh Quang chỉ chừng trăm mét. Ngồi một quán nước cạnh đó, chúng tôi còn được nghe thêm về lời tiên đoán từ ba năm trước, khi thầy Minh Hiển chưa về trụ trì, của một ông già vô tình đi ngang đây. Bà bán hàng chậm rãi:

- Xưa kia, khu đất chùa rậm rạp, người dân chẳng ai dám đi ngang. Cả khu toàn lò gạch và ao. Khi có khu công nghiệp, người ta xây nhà trọ dần nên giờ mới đông đúc. Năm 2004, chỗ đường năm này có quán bán nước của bà cụ Sung, cạnh chỗ người ta làm lốp. Một hôm, xe của khách đi đường hỏng, có một ông già ghé quán uống nước. Lúc đó, chùa đang có diện tích 900m, vừa nhà kho sân đất và dân lập miếu thờ cúng. Ông già này nói chắc như đinh đóng cột:

- Ba năm nữa, làng này sẽ có một nhà chùa nữ về xây một ngôi chùa rất là to.

Mãi về sau, khi ngôi chùa đã xây được vài phần, người dân mới đem chuyện này nói lại với sư thầy. Bà bán nước vừa lấy tay phẩy cái quạt vừa tiếp lời:

- Lạ thật, mọi việc diễn ra theo đúng lời nói của ông già nọ.

Chia sẻ với chúng tôi, vị sư thầy này cũng chưa biết khi nào chùa sẽ hoàn thiện, tất cả còn phụ thuộc kinh phí. Mới đây, nhà chùa đã sơn phía trong nhà để an vị tượng. Việc xây dựng bị đứt đoạn nhiều.

Với sư thầy trụ trì chùa Linh Quang này, chuyện gắn bó với chùa là cơ duyên. Nhà Phật thường nói, mỗi người có một nhân duyên một nơi, dù còn nhiều khó khăn, vị sư này sẽ xây dựng nơi đây thành nơi tâm linh của Phật giáo. Dù chưa xây xong nhưng nhà chùa đã tổ chức tu tập khóa tu “một ngày an lạc” hiện trong chùa đã có một lớp học tình thương, lớp có bốn mươi ba em học sinh học đều đặn vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật. Lớp học mở từ tháng 5.2013 và được sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện, của nhà báo hải ngoại tên Nguyễn Á Độc Lập.

Hội này hỗ trợ 100USD một tháng để chùa trả lương cho hai giáo viên. Hiện, lớp có bốn mươi ba em học sinh, gọi là lớp học nhưng đây chỉ là mái che tạm. Phía Hội ủng hộ Nhà báo hải ngoại yêu nước ủng hộ ba máy tính. Sư thầy cũng đã tìm đến sinh viên trường Đại Học Ngoại ngữ Hưng Yên nhờ giúp, và hiện có hai sinh viên năm ba đã tình nguyện dạy.

- Thầy có tâm nguyện hoằng pháp, muốn tổ chức khóa tu cho phật tử. Từ trước thầy đã tổ chức nhưng một năm nay dừng lại, khi nào chùa xây dựng hoàn chỉnh thì tiếp tục. Ngoài khóa tu cho người lớn, thầy mong muốn tổ chức khóa tu cho lớp trẻ, đưa Phật pháp đến giới trẻ. Cả những khóa tu mùa hè, điều đó đòi hỏi phải có chỗ ăn ở cho các phật tử. Tất cả là dạy cho con người muốn làm điều tốt, tránh điều ác. Ở miền Bắc, xu hướng lên chùa chủ yếu là người già nhưng tâm nguyện của thầy muốn cả lớp trẻ cũng đến chùa, biết nghe lời. Các em vừa tụng kinh, vừa học Phật pháp vui chơi, giải trí, vị sư này nói.

Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Đại, trưởng thôn Cờ Đỏ cho biết, phía thôn cũng cố gắng giúp chùa những gì có thể, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ cho sư thầy về mặt tinh thần để thầy yên tâm tu học và xây dựng chùa được thuận lợi chứ nhân dân chúng tôi còn khó khăn lắm.

Viết tên chùa trong vô thức

Ngoài sự trùng lặp của ba giấc mơ, một điểm kỳ lạ nữa đó là về chuyện đặt tên chùa. Thời gian đầu, sư thầy phân vân trong việc vì người dân lấy tên làng Cờ Đỏ đặt tên chùa. Một đêm trong khi làm thủ tục cho việc xây dựng vì quá mệt, nên sư thầy nằm nghỉ thì ngủ quên, đang say giấc, sư thầy ngủ mơ thấy một vầng hào quang sáng rực.

Vị sư này tự dưng ngồi dậy lấy bút viết trong vô thức hai lần từ "Linh Quang" lên giấy, mà không hề có suy nghĩ trong đầu, viết không có chủ đích. Viết xong, do quá mệt nên sư thầy thiếp vào giấc ngủ. Sáng dậy, sư thầy còn thắc mắc sao viết chữ Linh Quang ở đây, chợt nhớ lại giấc mơ đêm qua, nên vị sư này quyết định dùng từ đó đặt tên cho ngôi chùa.

Và bây giờ chúng tôi đang đứng trước ngôi chùa mà trước đây chỉ là nhà kho, giờ đây là một ngôi chùa trang nghiêm ấm cúng, với bao nhiêu vất vả của sư thầy và công đức của thập phương. Diện tích chùa được mở rộng hơn 2000m. Chúng tôi cũng như sư thầy rất mong sự phát tâm công đức của quý thiện tín xa gần, để ngôi chùa sớm hoàn thiện làm nơi tâm linh cho phật tử tu tập đúng chánh pháp.

Yến Dương

Thanked by 1 Member:

#695

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 24/09/2013 - 22:36

KỲ BÍ TÍN NGƯỠNG "LÀM BỤT" Ở CAO BẰNG: BỤT TRONG ĐỜI THỰC

Ta thường dễ dàng bắt gặp hình ảnh ông Bụt hiền từ, có tài thiên biến vạn hóa trong những câu chuyện cổ tích, nhưng tại một vùng địa đầu xa xôi của Tổ quốc thì Bụt không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà là những con người bằng xương bằng thịt. Câu chuyện về những ông, bà Bụt giúp đỡ người dân xua đuổi tà ma, cúng tế, chữa bệnh trở nên rất thường tình đối với cộng đồng người Tày ở Cao Bằng. Xung quanh tín ngưỡng làm Bụt còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn, lạ lẫm.

Tôi đi xem "làm Bụt"

Một cô bạn là người dân tộc Tày của tôi một hôm đã nổi hứng rủ rê:

- Này, về Cao Bằng xem làm Bụt đi!

Lời mời vừa kỳ quặc vừa hấp dẫn đã đủ sức khơi dậy trí tò mò và lôi kéo tôi vượt gần ba trăm cây số, từ Hà Nội đến vùng rừng núi Cao Bằng, với mong muốn được nhìn thấy "Bụt" ngoài đời thực.

Hơn tám tiếng đồng hồ lắc lư qua những con đèo quanh co, hiểm trở, chúng tôi đã đặt chân lên đất Cao Bằng vào lúc sớm tinh mơ. Đầu tiên, cô dẫn tôi về nhà, nghe nói tối nay gia đình cô mời một bà Bụt về để làm lễ giải hạn, một dạng lễ cầu may mắn, cho đứa cháu gần đầy tuổi của cô. Thế là tôi sắp được chứng kiến một nghi lễ đậm chất dân tộc có cái tên đầy huyền bí...

Chị Đàm D. - mẹ của đứa trẻ sắp được giải hạn, dặn đi dặn lại với chúng tôi rằng:

- Các cô cậu có xem thì xem, chứ nhất định không được quay phim, chụp ảnh gì đâu. Không thì "Mẻ Bjoc" (mẹ đỡ đầu) của cháu nó sẽ giận mà bỏ đi. Con trai chị sẽ bị cái ốm đau, cái đen đủi tìm đến đấy!

Vậy là chúng tôi ngậm ngùi bỏ mọi thiết bị ghi hình ở ngoài, tôi thầm nhủ sẽ quan sát thật kỹ để kể lại cho quý bạn đọc.

Tám giờ tối, buổi lễ giải hạn cho đứa trẻ bắt đầu được tiến hành. Buổi lễ này nhằm mục đích cúng vía cho trẻ nhỏ, cầu "Mẻ Bjoc". Cũng phải giải thích thêm cái tên "Mẻ Bjoc" (Mẹ Hoa) cho bạn đọc. Sở dĩ, theo quan niệm của người Tày, thì mỗi đứa bé sinh ra đều có một người mẹ đỡ đầu chăm sóc cho phần hồn, còn mẹ đẻ chỉ nuôi dưỡng phần thân xác mà thôi. Mẹ Hoa là tên gọi của người mẹ đỡ đầu vô hình ấy. Buổi lễ hôm nay còn được gọi là lễ "Mặc áo vàng" cho trẻ con, nhằm mục đích cầu cúng để người mẹ ấy ban may mắn, phước lộc cho đứa trẻ.

Mọi người trong nhà đều tất bật chuẩn bị đồ cúng cho buổi lễ suốt từ chiều. Tôi quan sát thấy đồ lễ gồm: một con vịt còn sống, một con gà luộc, một miếng thịt lợn luộc, hoa quả... Đặc biệt hai thứ không thể thiếu là một chiếc áo màu vàng cho đứa trẻ và một bông hoa thật đẹp. Nhưng cả hai thứ đó tuyệt đối phải do họ hàng bên ngoại sắm sửa.

Theo một cụ già nhất trong gia đình kể lại, thì nghi lễ này tồn tại từ rất xa xưa. Còn có một tên gọi khác là "Dòn lầu quá thán" (Chui qua cổng vòm bằng cây sặt). Người mẹ phải bước qua một cái máng than và chui qua vòm cây sặt, để rũ bỏ mọi tà ma, vía dữ bám theo trêu ghẹo, quấy phá con cái mình.

Một thứ cũng rất quan trọng đó là một chiếc thuyền được làm bằng bẹ chuối, to gần bằng bắp chân trẻ em, được trang trí bằng giấy xanh đỏ, ngoài ra người nhà còn phải cắt giấy màu thành những hình nhân, dài độ 20cm tượng trưng cho những người bảo vệ giấc ngủ cho em bé, tránh ma quỷ quấy nhiễu. Chiếc thuyền bằng bẹ chuối thì nhằm nâng đỡ, dẫn lối cho trẻ tránh khỏi những tai nạn sông nước, ma sông sẽ không dẫn dụ, làm mờ mắt đứa trẻ đó được.

Sau khi chuẩn bị lễ vật xong xuôi, một thanh niên khỏe mạnh được phân công rước bà Bụt đến. Chúng tôi vô cùng háo hức được chiêm ngưỡng dung nhan của một vị Bụt xem như thế nào. Lát sau, một người phụ nữ gần năm mươi tuổi, với phong thái ung dung bước vào nhà. Theo sau bà, cậu thanh niên khệ nệ xách một bọc đồ lớn.
Người phụ nữ này được mọi người kính cẩn cúi chào. Bà có vóc người tròn trịa và nước da hồng hào của phụ nữ vùng cao. Sau khi kiểm tra đồ cúng xem đã đầy đủ theo lời dặn của mình chưa, bà Bụt tên Dự, bắt đầu lấy trong túi ra một bộ đồ lễ gồm: một chiếc mũ màu đỏ, gần giống mũ miện, được bọc vải; một chiếc áo choàng cũng màu đỏ, được trang trí tua rua vui mắt; một chiếc quạt để múa; một chùm nhạc xóc.

Sau này tôi được biết đó là dụng cụ để tạo ra âm thanh, dẫn đường cho các vị thần linh, âm binh, theo tiếng nhạc mà tới. Nói chung cũng gần như lễ lên đồng của người Kinh, trang phục của Bụt thiên về các màu sắc sặc sỡ nhằm tạo ra sự hưng phấn, giúp các ông, bà Bụt dễ nhập và xuất hồn.

Buổi lễ kéo dài từ tám giờ tối đến chín giờ sáng hôm sau. Bà Bụt luôn ngồi trước bàn thờ nghi ngút hương khói, và cầu khấn bằng tiếng Tày suốt cả đêm, đôi lúc bà thủ thỉ rất nhẹ nhàng, đôi lúc giọng bà lên cao, réo rắt như hát. Trong thời gian đó, người nhà cắt cử nhau nấu ăn, rót rượu, tiếp đồ lễ cho bà Bụt. Cứ làm lễ được hai, ba tiếng thì lại dừng nghỉ ăn uống rồi lại làm tiếp. Thời gian nghỉ mọi người có thể túm tụm nói chuyện rôm rả hoặc hỏi chuyện bà Bụt.

Nghe mọi người nói chuyện, tôi được biết bà Bụt Dự ở tận huyện Thông Nông, Cao Bằng, được gia chủ thân chinh đón ra thành phố. Bụt Dự khá nổi tiếng, từng làm hàng trăm nghi lễ giúp nhiều gia đình người Tày ở khắp tỉnh. Bụt Dự kể khi tiến hành lễ liên quan đến "Mẻ Bjoc" thì Bụt phải biết cách đàn hát thật hay, khấn thật dịu dàng để mẹ đỡ đầu vui lòng, thì hồn vía đứa trẻ mới khỏe mạnh, sáng láng.

Sau khi treo chiếc thuyền bẹ chuối lên xà nhà và gài những hình nhân giấy vào giường ngủ của đứa trẻ, buổi lễ Mặc áo vàng kết thúc. Bụt Dự không quên dặn dò gia chủ ba năm sau phải tiếp tục làm "Lễ cởi lừa" (Lễ cởi bè). Lúc ấy bà sẽ gỡ thuyền xuống, đem đi đốt. Từ đó đứa trẻ mới hết hẳn hạn, nó sẽ không bao giờ gặp tai nạn sông nước hay xe cộ nữa. Nghe cô bạn nói nhỏ gia đình phải chi cho buổi lễ vài triệu đồng, bao gồm cả tiền công làm Bụt lẫn tiền sắm đồ lễ.

Sau khi chứng kiến buổi lễ, chúng tôi lờ mờ hiểu ra rằng, Bụt là tên gọi của đội ngũ thầy cúng chuyên nghiệp, không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày. Theo người già kể lại thì làm Bụt không chỉ thực hiện cúng lễ, mà còn làm được nhiều việc khác như: bói (bói bệnh, bói yêu, bói làm ăn...) giải hạn (nối số cho người già, gọi hồn, cầu tự...) xem phong thủy...Đặc biệt Bụt còn có nhiệm vụ quan trọng là đưa linh hồn người chết về nơi yên nghỉ cuối cùng. Họ có vai trò làm cầu nối giữa thế giới âm và dương. Mọi đám ma đều không thể thiếu được các ông, bà Bụt là vì thế.

Thấy vẻ mặt tò mò chưa thỏa mãn của tôi, cô bạn tiếp tục rủ tôi hôm sau đến nhà một bà Bụt khác để bói chuyện làm ăn. Tôi hỏi sao không hỏi Bụt Dự luôn cho tiện, thì cô lắc đầu:

- Ở đây, mỗi Bụt lại giỏi ở một lĩnh vực khác nhau. Người làm tốt cái này, người làm tốt cái khác. Bụt Dự nổi tiếng cúng cho trẻ nhỏ mát tay, còn nếu muốn hỏi chuyện làm ăn thì phải đến tìm Bụt Liệu, nhờ bà lên hương thì mới chuẩn!

Sáng hôm sau, chúng tôi tìm đến Bụt Liệu. Nhà Bụt Liệu gần con sông Bằng trong xanh. Con đường dẫn vào nhà im ắng lạ thường, tách biệt hẳn với đường nhựa xe cộ ồn ã. Nhà Bụt Liệu nằm trên một con dốc cao, chúng tôi phải để xe máy ở dưới và đi bộ lên. Đập vào mắt tôi là một chiếc miếu nhỏ an tọa giữa sân, có bày tượng Phật Quan Âm, mùi nhang lan tỏa khiến không gian trở nên trầm mặc.

Đã là khách quen, cô bạn tôi nhanh nhẩu chào hỏi Bụt Liệu, đồng thời thoăn thoắt bày đồ lễ vào khay. Đồ lễ cũng đơn giản chỉ gồm chút ít bánh kẹo, cô bạn ý nhị đặt tờ hai trăm nghìn đồng xuống đáy khay. Bụt Liệu có dáng người nhỏ thó, khuôn mặt đượm buồn dẫn chúng tôi vào nhà. Gian nhà với chiếc bàn thờ to đồ sộ bày tượng, hoa quả, nhang khói. Ở trước bàn thờ, bà Bụt treo bộ đồ lễ màu đỏ rực, một chiếc đàn tính dựng ở góc tường. Giữa bàn thờ đặt một tấm gương to, quạt, bộ xóc và sổ sách.

Sau khi ghi tên tuổi và địa chỉ cô bạn tôi vào sổ, Bụt Liệu bắt đầu lên hương. Bà ngồi xếp bằng, tay xóc nhạc biểu thị cho âm thanh vó ngựa đón các âm binh dồn dập, thi thoảng bà lại giơ tay chỉnh lại chiếc gương to để soi đường cho các vị thần linh nhập xuống, miệng lầm rầm khấn. Sau ba mươi phút, Bụt Liệu ngừng xóc nhạc, ngoái lại dặn cô bạn tôi:

- Nếu muốn buôn may bán đắt thì kiêng mở cửa hàng vào tháng chín. Vì tháng chín là tháng Lộc Bản Mệnh, có lộc đến nhưng nguy hại đến tính mạng. Người mở hàng thì tránh người sinh năm 1980 là được!

Chúng tôi kính cẩn gật đầu, "Dạ" lia lịa rồi chào bà ra về.

Ai có thể "làm Bụt" ?

Nghe Bụt Dự kể lại không phải ai muốn trở thành Bụt cũng đượcm mà phải có cái duyên. Nghề Bụt là một nghề làm phúc cho thiên hạ, được mọi người kính nể, lại có thu nhập cao nên có xuất hiện một số người giả danh, mạo nhận mình là Bụt. Đó là những Bụt rởm, chỉ đọc qua đôi ba cuốn sách Tày cổ, đi theo vài buổi lễ mà bắt chước theo. Họ chỉ diễn trò múa hát để moi tiềng!

Theo Bụt Dự thì Bụt là một loại người đặc biệt trong cộng đồng Tày, do bản tính (căn Bụt) hoặc do tổ tiên di truyền mà bắt buộc phải trở thành Bụt? Có hai loại Bụt là: Bụt tự phát và Bụt di truyền. Bụt tự phát là trường hợp những người trải qua cơn bạo bệnh, hay gặp cú sốc tâm lý mà từ đó nảy sinh khả năng đặc biệt, có thể đọc được sách Trời, đoán tương lai, vận mệnh? Còn dạng khác là do di truyền, trong dòng họ có người làm Bụt mà truyền lại cho con cháu bí kíp nghề, muốn tránh cũng không tránh được căn Bụt theo đuổi.

Bụt Dự rơi vào trường hợp thứ hai. Bà kể, bà là một nông dân bình thường, đã có chồng và hai con. Gia đình ngoại của bà Dự vốn có gốc làm Bụt. Nhưng đến đời mẹ bà thì ngắt quãng, không theo nữa. Năm ba mươi tuổi, bà Dự tự nhiên gầy rộc đi, ốm đau liên miên nhưng đi khám thì không chỉ ra bệnh cụ thể nào cả.

Ngoài ra, bà Dự cũng hay gặp ác mộng, mê sảng, hoảng loạn. Càng ngày bệnh bà càng nặng, bà lại mắc thêm chứng mộng du, hay bỏ nhà đi lang thang trong đêm, người nhà phải khóa chặt các cửa lại. Khi đi xem bói thì được biết bà phải tiếp tục nối nghiệp của tổ tiên. Bà không muốn trở thành Bụt vì e ngại mọi người sẽ sợ hãi, e dè với mình. Vậy là bệnh bà ngày càng nặng, ngơ ngẩn lúc tỉnh lúc mê, nhưng hễ nghe thấy tiếng nhạc xóc bà lại tỉnh. Cuối cùng, bà quyết định bỏ nghề nông trở thành Bụt.

Tuổi của các ông, bà Bụt thường không cố định, có người bảy mươi tuổi mới hành nghề, có người mới hai mươi tuổi đã nổi danh. Giống như trường hợp anh La Ích Tỏa, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, hai mươi lăm tuổi, được mệnh danh là Bụt trẻ nhất Tây Bắc. Người ta gọi trường hợp của anh Tỏa là bị "thao théc" (trời nứt ra, thế lực siêu nhiên truyền xuống). Anh Tỏa sau một cơn bạo bệnh tự nhiên không thiết học hành nữa, mà chỉ say mê những chữ Nho dán trên bàn thờ. Anh quyết định khăn gói sang nhà thầy Mo Thường, nổi tiếng ở huyện Trùng Khánh để xin làm học trò, mặc dù gia đình phản đối rất dữ. Suốt 5 năm ròng rã, anh Tỏa đã rong ruổi khắp các nẻo đường trong tỉnh, thậm chí còn được mời sang nước ngoài để làm lễ.

Theo Bụt Tỏa thì: Những người theo nghề phải có công đức, không phân biệt giàu nghèo, đòi hỏi tiền bạc, hễ ai cần mời đến là đi ngay. Đối với Bụt, bận rộn nhất có lẽ là dịp đầu và cuối năm, đó là khoảng thời gian tập trung nhiều lễ hội và đợt giải hạn.

Đối với người dân tộc Tày thì coi Bụt gần như là một vị thánh sống giàu quyền năng, nhưng gần gũi với người thường. Làm Bụt vừa là một nghi lễ tâm linh, vừa là một liều thuốc an ủi, xoa dịu những nỗi đau trong cuộc sống của người Tày. Khoan chưa bàn đến tính thực hư của những câu chuyện đồn thổi chúng tôi được nghe.

Cô bạn tôi nói:

Không biết Bụt có quyền năng thật không. Nhưng em gái mình trước kỳ thi đại học có đến cầu may và được Bụt cho một tấm bùa để mang theo người. Đến ngày thi nó tin tưởng là được các vị thần phù trợ mà không hề bị áp lực tâm lý nào, bình tĩnh làm bài. Nhờ thế mà nó đỗ đại học đấy!

Cô cười, lấp lánh đôi mắt, ánh nhìn hướng lên dãy núi cao chót vót trước mặt. Rừng núi u linh chứa đựng hàng trăm ngàn điều huyền bí như mời gọi, thách thức con người đến khám phá.

Huyền Vũ

#696

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 25/09/2013 - 00:24

MAI TÁNG "BỤT" CHUYỆN KỲ DỊ BÂY GIỜ MỚI KỂ

Tục lệ mai táng kỳ dị

Trước khi trở về Hà Nội, chúng tôi có ghé qua thăm một số thầy Bụt khác, để tìm hiểu sâu thêm về tín ngưỡng này. May mắn thay, chúng tôi vô tình lượm lặt được khá nhiều thông tin độc đáo xung quanh tục mai táng của Bụt. Những câu chuyện này đã vén lên tấm màn, phô bày ra một thế giới những người làm Bụt đầy cay đắng, chứ không đơn thuần hào nhoáng như vẻ bên ngoài cái nghề có cái tên rất oách này.

Hàng trăm năm trước, qua lời kể của Bụt Liệu (nhân vật đã được nhắc đến trong bài "Kỳ bí tín ngưỡng làm Bụt ở Cao Bằng: Bụt trong đời thực", chúng tôi vô cùng sửng sốt, bàng hoàng: Nhiều người nghĩ rằng trở thành thầy Bụt là sung sướng lắm. Lúc nào cũng có người mang lễ vật đến dâng tận miệng, đi đâu cũng có kẻ đưa rước đàng hoàng, mà không biết được rằng sau này, khi chết đi rồi, họ mới thực sự chịu sự đày đọa khổ sở.

Theo Bụt Liệu, Bụt là những người có khả năng thiên phú dịch được sách Trời, chính vì vậy họ biết trước được người khác sẽ gặp phải những tai họa gì. Làm Bụt chính là dùng nghi lễ cầu, cúng nhằm mục đích chữa, giải, sau cho tai họa ấy một là tiêu biến hẳn, hai là nhẹ bớt đi, không đe dọa đến tính mạng người khác nữa.

Có một số hình thức giải hạn như: nối thêm số cho người già, cúng vía cho trẻ nhỏ, cắt tiền duyên, đốt hình nhân thế mạng chịu họa thay…Chỉ cần có người cầu đến là các ông, bà Bụt sẽ xuống tay giúp. Vô hình trung, các Bụt đã tiết lộ sách Trời, làm các âm binh bắt hụt mạng của những người đã hết số, gây mất cân bằng âm dương. Vì vậy, sau khi thầy Bụt chết đi thì phải chịu sự trừng phạt của thế giới âm. Linh hồn của họ nặng căn, sẽ bị làm khó khi đi xuống cửa quan âm, luẩn quẩn không siêu thoát được.

Bụt Liệu dặn kỹ con cháu khi khâm liệm cho mình, thì nhất định phải dùng quan tài gỗ tạp thật xấu, đám ma tổ chức phải thật đơn giản, không được rình rang, con cháu không được kêu khóc to, thì may ra tội của bà mới nhẹ bớt đi. Như thế hồn vía mới nhẹ nhàng siêu thoát được.

Đó chưa phải là câu chuyện kỳ quặc nhất tôi được nghe về tục lệ mai táng của các thầy Bụt. Theo già R. - một cụ già người Tày hơn tám mươi tuổi, mắt mũi đã kèm nhèm nhưng khi được hỏi về Bụt thì minh mẫn lạ thường. Cụ R. kể lại trước đây, bố chồng cụ vốn là một thầy Bụt nổi tiếng trong huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Ông rất thương người, ai nhờ cậy gì cũng tận tình giúp đỡ cả. Có nhiều khi làm lễ đuổi con ma xong rồi, thấy gia chủ nghèo quá, ông lại làm phúc không lấy tiền công. Nhưng khi đã chết đi, ông phải trải qua cách thức khâm liệm, mai táng vô cùng đáng sợ.

Đáng sợ ở đây không chỉ với ông mà còn cả với người nhà. Đó là sau khi ông tắt thở, cả nhà không ai được phép kêu khóc thương tiếc, mà phải cư xử bình thường như lúc ông vẫn còn sống. Bởi lẽ ông đã từng giúp quá nhiều người thoát khỏi bàn tay của Thần Chết. Vì vậy, sau khi chết đi, ông bị Thần Chết bắt phải quay ngược trở về dương gian, kéo theo sinh mạng người thân để thế vào chỗ những người chết hụt. Thế nên ông và gia đình phải bày kế đánh lừa Thần Chết. Vậy đánh lừa bằng cách nào?

Cụ R. tâm sự, mỗi khi nhớ lại tập tục đó cụ lại có cảm giác rợn người. Gia đình của Bụt không được phép khóc lóc, thương tiếc, cũng không được khâm liệm, chôn cất ngay mà phải dựng xác ông dựa vào cột nhà, cố định thật vững sao cho hệt như người đang đứng. Người nhà vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường trong ngôi nhà đó. Mỗi bữa, họ vẫn phải nấu cơm, cả nhà quây quần bên cạnh xác người chết. Người con trai cả phải mang cơm đặt vào miệng bố, hễ hạt nào rơi xuống thì con cháu phải nhặt ăn.

Cứ ròng rã như thế gần nửa tháng, khi ấy hồn ông đã luồn được vào cửa âm mà không bị Thần Chết phát giác thì người nhà mới được kêu khóc, khâm liệm và cử hành đám tang một cách bình thường.

Câu chuyện gợi tôi nhớ đến tích "Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống", sau khi Khổng Minh chết rồi mà vẫn trá hình bằng bức tượng gỗ để quân Thục đẩy ra trận, Tư Mã Ý sợ hãi bỏ chạy. Theo quan niệm của dân tộc Tày, cho dù những thế lực siêu nhiên có sức mạnh ghê gớm như thế nào thì bằng trí thông minh của mình, người Tày vẫn khéo kéo chống đỡ được. Theo cụ R. thì tục lệ mai táng kiểu này bây giờ hầu như đã mất hẳn:

- Bọn trẻ bây giờ làm sao nó chịu được như các ông, các bà ngày xưa nữa, cụ R. cười móm mém.

Cô bạn tôi quả quyết khẳng định chuyện để người chết trong nhà là hoàn toàn có thật. Cô kể lại rằng khi còn nhỏ, trong làng có người ốm chết đột ngột vào đúng mùa gặt. Cả làng coi đó là dấu hiệu xấu mang lại những điềm gở: mùa màng thất bát, lúa lép, sâu bệnh. Vì vậy, họ để người chết nằm gọn ghẽ trong nhà, phủ khăn trắng lên che mặt, đợi gặt xong xuôi mới phát tang. Đám ma phải được tổ chức thật linh đình, mổ bò, giết lợn, làm cỗ to để bù đắp cho người đã khuất, phải chọn ngày đẹp để chôn cất.

Một điều tối cần thiết của gia đình có người chết là người nhà tuyệt đối không được tắm rửa, chải đầu, đánh răng, thay quần áo, không được ăn thịt, không được dùng nước mắm. Nếu không làm theo thì thây người chết sẽ bị bốc mùi ngay, không ai dám lại gần.

Càng tìm hiểu người viết càng nhận ra đằng sau tín ngưỡng Bụt còn tồn tại vô vàn hủ tục kỳ quái, lạc hậu. Tội lỗi (tội tiết lộ sách Trời) của thế hệ trước thường truyền đến đời con cháu của Bụt, họ phải chịu trách nhiệm trả nợ. Chính vì vậy mà có những trường hợp người thân của Bụt bị căn Bụt đeo bám, bắt buộc phải nối nghề thì mới được yên.

Lại có trường hợp con cái của Bụt nặng thì bị chết yểu, loạn trí, nhẹ thì luôn gặp phải những tai họa trong cuộc sống. Thiết nghĩ đôi khi chính sự mặc định phải trả giá của đám đông mà người thân của Bụt không hình thành ý thức cố gắng, phấn đấu mà có tâm lý buông xuôi cho số phận. Vì vậy họ thường gặp phải những chuyện không may mắn. Trên bàn thờ gia tiên của dòng họ nào có người làm Bụt thì ngoài ba bát hương: một bát thờ Đắm (cội nguồn); một bát thờ lộc mệnh (gia phả dòng họ); một bát thờ hàm (các chức sắc của tổ tiên); thì nhất thiết phải có thêm một bát hương khác để thờ “Bụt”.

Hoặc có những gia đình muốn nhớ công ơn của các Bụt lâu dài, thì làm hẳn bàn thờ riêng cho ông, bà Bụt. Do đó mà hệ thống bàn thờ trở nên đa dạng. Theo quan niệm của người Tày, bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất trong nhà, tuyệt đối không ai được quay lưng lại phía bàn thờ. Trong làng xóm dẫu có điều gì bất hòa, xung khắc có thể có vài lời nặng nhẹ với nhau, nhưng tuyệt đối không ai dám đụng chạm đến tổ tiên của nhau.

Chúng tôi công nhận làm Bụt là một nghi lễ độc đáo, đậm bản sắc của dân tộc Tày. Nghi lễ Bụt là một sân khấu tâm linh kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật: ca hát, âm nhạc, múa, trò diễn… Đặc biệt các yếu tố diễn xướng được thực hiện trước bàn thờ và thần linh nên tạo ra một không khí vô cùng thiêng liêng.

Trong bản làng của người Tày, mỗi lần tổ chức làm Bụt đều là dịp tập hợp đông đủ những người thân trong gia đình, dòng tộc, người trong làng. Nghi lễ Bụt tùy theo mục đích có thể kéo dài đến tận hai, ba ngày đêm, như lễ gọi hồn người chết. Đặc biệt, trong buổi lễ khi Bụt nhập đồng, vào vai các vị thần linh thường náo nhiệt sôi nổi, lôi cuốn nhiều người tới xem và tham gia vào các cuộc múa nhảy. Hình thành nên một sợi dây vững chắc kết nối đời sống tâm linh của người Tày với nhau.

Mục đích nguyên thủy của tín ngưỡng Bụt hết sức nhân văn, đó là giải trừ mọi vận hạn, đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Nhưng dần dà, tín ngưỡng Bụt đã bị bóp méo đi nhiều. Bụt Liệu chia sẻ có nhiều người tìm đến Bụt thực hiện những lễ nhằm phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, khi thì cầu cúng cho kẻ thù của mình bị đau ốm, làm ăn thất bát. Trước những yêu cầu thất đức ấy, Bụt Liệu nhất quyết từ chối. Nhưng bà biết vẫn có những thầy Bụt vô lương tâm, sẵn sàng làm các lễ đó chỉ để kiếm tiền.

Có cả những trường hợp hy hữu bà đã từng gặp: như một bà mẹ chồng đến xin Bụt làm lễ phá hoại tình yêu của cô con dâu tương lai và con trai mình. Bởi lý do duy nhất là gia đình cô nghèo khó, khi đi về nhà chồng sẽ mang theo được ít của hồi môn. Chính vì trình độ dân trí thấp, sự tham lam, lòng ích kỷ cá nhân mà nhiều người đã vô tình nhuốm cho tín ngưỡng Bụt màu sắc dị đoan, méo mó, thấp hèn.

Ngoài ra, Bụt Liệu kể rằng có lẽ yêu cầu nhiều nhất bà được nghe là xin bùa yêu. Hầu hết người xin là phụ nữ. Có người xin với mong muốn giữ được chồng, có người thì xin để cướp chồng, người yêu của kẻ khác. Với những yêu cầu này, Bụt Liệu đều khéo léo thoái thác. Bà tâm sự mình cũng biết làm bùa yêu nhưng bà rất hiếm khi cho ai. Bởi ngoài độ công phu khi luyện bùa, bà còn lo sợ người ta sẽ sử dụng vào những mục đích xấu. Bụt Liệu chỉ ban cho người đến xin những lá bùa cầu bình an, may mắn, cầu công danh.

Tản mạn một chút về chuyện bùa yêu, cô bạn người dân tộc Tày của tôi giải thích:

- Mình sống ở Cao Bằng hai mấy năm nay mà chưa một lần nhìn thấy bùa yêu hoặc gặp người bị bỏ bùa lần nào. Có lẽ tại mình sống ở khu vực thành phố nên chưa rõ chứ mình nghe nhiều người kể lại rằng chuyện bỏ bùa để người ta yêu mình là có thật. Mẹ mình kể rằng những người phụ nữ dân tộc ở tít trong những bản làng, huyện lỵ heo hút hầu như đều biết cách làm bùa.

Những câu chuyện tôi được nghe bên cạnh bếp lửa bập bùng, hòa quyện với cái thâm u của đêm sơn cước càng làm tăng thêm sự kỳ bí của mảnh đất Cao Bằng, dòng thác Bản Dốc bọt tung trắng xóa, mà hãy nên một lần đến thăm gia đình người Tày, một lần xem lễ Bụt. Đôi khi không vì mục đích cầu cúng gì cả, mà chỉ để thưởng thức những điệu múa uyển chuyển, âm thanh nhạc xóc leng keng vui tai, làn điệu đàn tính mượt mà hay đơn giản hơn là ngồi bó gối nghe những cụ già Tày thủ thỉ những câu chuyện từ xa xưa cũng là một cái thú khó có thể bỏ qua.

Rời khỏi Cao Bằng, tôi cứ có suy nghĩ lẩn quẩn trong đầu rằng sau này, khi tôi quay lại, liệu rằng còn gặp được những nghệ nhân - thầy Bụt chân chính nữa hay không? Cô bạn tôi nói thời buổi này lắm thầy nhiều ma, vàng thau lẫn lộn lắm. Hơn nữa thế hệ Tày trẻ ngày nay không còn chuộng Bụt, đó cũng chỉ là thủ tục để cho có mà thôi.

Suốt trên quãng đường về Hà Nội, bên tai tôi văng vẳng câu nói của bạn lúc tiễn:

- Đất Cao Bằng đến một lần nhưng chẳng muốn rời đi, mà nghe lòng nao nao…

Huyền Vũ

#697

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 25/09/2013 - 00:40

TIẾP VIÊN MA CỨU NGƯỜI TRONG TAI NẠN MÁY BAY

Ủy ban điều phối các phi trường quốc gia của Thái Lan, đang tìm kiếm tiếp viên ma, đã giúp sơ tán người từ khoang máy bay bị tai nạn.

Hiện, Thái Lan đang điều tra vụ hạ cánh bất thường của chiếc Airbus, thuộc hãng hàng không Thai Airways International ở Bangkok,

Hôm 15.9.2013 máy bay hạ cánh xuống sân bay Bangkok, với một bên càng bị trục trặc và trượt ra khỏi đường băng. Trong tai nạn không ai bị thương, tuy nhiên mười ba người đã bị sang chấn trong quá trình di tản khỏi máy bay.

Tất cả hoảng loạn khủng khiếp, ai cũng nghĩ rằng máy bay cháy và đám đông vội vã xô đến cửa thoát hiểm. Các tiếp viên không đối phó nổi với tình huống này, và mấy người bị đè ngã va đập sang chấn.

- Ở đỉnh điểm của cơn hoảng loạn, tôi bỗng nhìn thấy một nữ tiếp viên hàng không mặc trang phục truyền thống của Thái Lan. Tôi không thể đọc được tên cô ở biển hiệu trên ngực áo. Cô ấy rất bình tĩnh hướng dẫn hành khách và trong nháy mắt khôi phục trật tự. Sau cuộc di tản khỏi máy bay không ai nhìn thấy cô gái kỳ diệu này một lần nữa, một trong những hành khách. cung cấp bằng chứng cho Uỷ ban điều tra.

Các chuyên viên nghiên cứu thế giới siêu thực cho rằng "thiên thần” ở đây, có thể là một trong những nữ tiếp viên hàng không, đã lìa trần trong vụ tai nạn của Thai Airways hồi tháng 12.1998.

Phương Anh

Thanked by 1 Member:

#698

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 29/09/2013 - 06:00

LƯƠNG Y NGUYỄN ĐỨC CẦN : SỐNG BÍ ẨN CHẾT CŨNG BÍ ẨN

Nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần lúc sống là một nhân vật được người đời xem là kỳ lạ.

Ông có khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Bí ẩn là thế, nhưng đó không phải là cách chữa bệnh mê tín mà có hàng ngàn người đã xem ông là vị ân nhân vì chữa khỏi bệnh cho họ. Và hơn ba mươi năm sau, những điều kỳ lạ về ông vẫn thu hút nhiều nghiên cứu xoay quanh ngôi mộ của ông.

Chữa bệnh như... phù thủy

Nguyễn Đức Cần là cái tên quá nổi tiếng trong những năm thập kỷ bảy mươi, tám mươi thế kỷ trước. Ông không chỉ là một vị lương y chữa bệnh tài tình, thương người nghèo mà còn là một nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã từng được ở cạnh cụ Nguyễn Đức Cần hai mươi bốn năm để nghiên cứu những điều kỳ lạ xung quanh con người này. Theo ông Hải, ông được gặp cụ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là qua sự giới thiệu của một người bạn làm giáo viên. Khi gặp ông Hải, người đó có kể cho ông nghe về một con người đặc biệt, một người chữa bệnh không dùng thuốc và anh coi đó là một sự kỳ bí.

- Lúc đầu tôi nói là nếu tôi chưa được nhìn tận mắt thì tôi không tin chuyện như vậy. Anh nói nếu tôi không tin thì có thể gặp trực tiếp một người ở số 10 hay 11 phố Lãn Ông - Hà Nội, đó là Trung tá bác sỹ Vũ Hữu Hiếu, ông Hải kể lại.

Ông Hiếu cho biết, ông bị bệnh nhũn não và đã được cụ Cần chữa khỏi mà không hề dùng thuốc.

- Sau đó, qua ông Hiếu, tôi biết nhà cụ ở 86 làng Đại Yên, Hà Nội, lên nhà cụ thì thấy biển ghi là không tiếp khách nhưng tôi cứ vào. Tôi lên cụ vào ngày mùng sáu Tết năm Giáp Dần. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy cụ cùng một số bệnh nhân vừa đi thăm đền Và, Sơn Tây, về và người bệnh đến đang ngồi chờ cụ chữa bệnh cho họ.

Thấy tôi ngồi mãi mà không nói câu gì, không xin chữa bệnh như mọi người, cụ có quay sang tôi, nói:

- Thưa ông, ông cần gì đấy ạ.

Tôi trả lời:

- Thưa cụ, tôi không đến để xin chữa bệnh. Tôi là một cán bộ nghiên cứu của Viện khoa học Việt Nam. Tôi có nghe người ta nói về việc chữa bệnh đặc biệt của cụ. Tôi muốn lên gặp cụ để tìm hiểu về vấn đề này. Nếu đây là một sự thực chúng tôi sẽ tìm cách giới thiệu dưới ánh sáng của khoa học.

Nghe vậy cụ tiếp tôi với một trạng thái khác và cụ trả lời:

- Vâng thưa ông, tôi chữa bệnh bằng cái đầu của tôi, nhưng người ta cứ bảo tôi là phù thuỷ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải kể về chuyện mà người ta đồn đại cụ Nguyễn Đức Cần giống như một nhà phù thủy bởi tài chữa bệnh "không giống ai". Sau khi cụ mất, những điều bí ẩn vẫn chưa thể lý giải bởi các nhà nghiên cứu và khoa học.

Để một lần "mục sở thị", chúng tôi tìm đến ngôi mộ của cụ Nguyễn Đức Cần ven quốc lộ 21B đoạn chạy qua cánh đồng thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người ta đồn rằng, ngôi mộ ấy có một nguồn năng lượng đặc biệt, có thể chữa bách bệnh mà không cần đến thuốc thang gì...

Từ sáng sớm, ánh sáng còn nhạt nhòa, bảng lảng trong sương giá, con đường 21B thưa thớt người qua lại. Nhưng quanh ngôi mộ giữa cánh đồng thuộc xã Thanh Mai đã có hàng chục người từ khắp nơi tề tựu. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều tự giác xếp hàng theo thứ tự, nhẹ nhàng, thành kính khấn vái rồi tĩnh tâm ngồi thiền mà không cần bất kỳ ai hướng dẫn.

Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ được xây trên nền đất cao, rộng khoảng gần 1.000m2 nằm giữa cánh đồng với những hàng cau thẳng tăm tắp, xanh mướt. Chính giữa là ngôi mộ xây với di ảnh và tấm bia khắc rõ tên húy cụ Nguyễn Đức Cần (Trưởng Cần).

Hơn mười một giờ trưa, khách đã vãn, chúng tôi mới có dịp tiếp cận vợ chồng ông Nguyễn Văn Ảnh và bà Nguyễn Thị Sinh, bà Sinh là con gái thứ hai của cụ Nguyễn Đức Cần, người chăm lo và hương khói cho khu mộ này. Với vẻ chân chất, thật thà, hai vợ chồng ông Ảnh chia sẻ, từ năm 1983, khi cụ Cần vừa mất, ngày nào cũng có người tìm đến.

Đặc biệt, vào ngày mồng Một, ngày Rằm, ngày lễ và ngày giỗ thì lượng người kéo đến đây đông lắm. Sở dĩ có chuyện này là do nhiều nguyên nhân, người thì đến để tưởng nhớ ân nhân của mình, người thì đến để "hấp thụ" nguồn năng lượng từ ngôi mộ để giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật...

Theo câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu được, cụ Nguyễn Đức Cần là một lang y chữa bệnh bằng phương pháp lạ, như chữa bệnh từ xa mà không cần dùng đến thuốc có tiếng ở Hà Nội vào những thập niên bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước. Nhờ phương pháp chữa bệnh này, đã có hàng nghìn người khỏi bệnh mà không tốn bất kỳ một đồng nào. Cuộc đời và thân thế của cụ cũng chứa nhiều điều bí ẩn.

Cụ Nguyễn Đức Cần sinh nhằm đúng vào đêm 30 Tết năm 1909 tại làng Đại Yên (nay thuộc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Cụ cưới vợ nhưng chỉ mấy ngày sau người vợ đã quay về nhà ngoại ở.

Công việc làm ăn của gia đình bắt đầu thua lỗ, rơi vào kiện cáo, bố cụ đổ bệnh, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Sau này, gia đình cụ mời được một thầy lang về chữa. Chẳng biết thầy lang đó chữa bằng cách nào, nhưng chỉ vài ngày thì bố của cụ khỏi bệnh. Không những thế, thầy lang đó bảo chỉ chữa bệnh làm phúc, không nhận tiền bạc của gia đình.

Và cũng từ đó, cụ Nguyễn Đức Cần đã theo thầy lang kia bôn ba khắp nơi chữa bệnh làm phúc. Đến một ngày, thầy lang dẫn cụ Cần lên đỉnh Mẫu, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội để tu luyện. Theo thầy lang kia thì đây là nơi "linh khí Việt Nam hội tụ", rất tốt cho việc tu luyện thần nhãn, hấp thụ dương quang và truyền dạy Tuệ quang...

Đến khoảng những năm 1940, cụ Cần bắt đầu chữa bệnh. Đầu tiên là những người trong họ tộc thân quen, sau mở rộng ra cho những ai có nhu cầu. Cách chữa bệnh của cụ rất đặc biệt: Không dùng thuốc và có thể chữa từ xa nhưng có tác dụng tốt với nhiều loại bệnh như thần kinh, dạ dày, xơ gan, thấp khớp, liệt, câm, điếc, hen suyễn...

Nhưng trên hết, cụ chữa bệnh mà không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai. Ngoài ra, vừa chữa bệnh, cụ vừa dạy mọi người phải sống có đức, nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa sai, hướng thiện, khiến các bệnh nhân yêu mến cụ lắm. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến khả năng, tâm đức của cụ mà tìm đến mong được giúp đỡ.

Ngày 30.4.1974 có thể coi là ngày đánh dấu của khoa học ngoại cảm ở Việt Nam, khi các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ, với sự phản biện của các bác sỹ công nhận việc chữa bệnh của cụ, đã cho kết quả ban đầu. Đến ngày 4.6.1983, sau khi chữa bệnh cho hai bệnh nhân xong, cụ qua đời một cách nhẹ nhàng.

Kỳ lạ đến hư vô

Nhiều nhà nghiên cứu cảm xạ học đều cho rằng, con người là một tổng thể, sống trong môi trường phức tạp mà chỉ cần một sự mất cân đối nhỏ từ bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể phát sinh bệnh tật. Sóng địa từ trường hiện diện khắp nơi trong vũ trụ và nó có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ chúng ta. Năng lượng cảm xạ địa sinh học sẽ mang lại cho chúng ta một sự hòa hợp tốt đẹp giữa con người với môi trường xung quanh.

Chính vì thế việc hấp thụ năng lượng địa sinh ở một môi trường tốt sẽ có tác dụng với sức khoẻ của người bệnh nói riêng và mọi người nói chung. Tuy nhiên, nếu nói xung quanh ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần có "năng lượng" chữa bệnh thì vẫn chưa có kết luận chính thức.

Ông Nguyễn Văn Ảnh cho biết, trước khi qua đời, cụ đã đi nhiều nơi để tìm chỗ an nghỉ của mình. Sau một thời gian thì tìm được khu đất giữa đồng thuộc xã Thanh Mai này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều người kéo đến ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần để mong có sức khỏe, bệnh tật thuyên giảm là do ông Nguyễn Tiến Huy, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai công bố "công trình nghiên cứu" của mình.

Theo đó, khi ông đo năng lượng của ông lúc đến mộ cụ Cần để thiền thì những ngày đầu, mỗi hôm chỉ tăng thêm từ 2-3BE, nhưng một thời gian sau đã tăng đột biến từ 115-200BE. Đặc biệt, khi ông đặt tay vào ngôi mộ thì thấy năng lượng truyền vào mình rất nhiều (!?)... Tuy nhiên, theo các nhà khoa học cảm xạ thì "công trình nghiên cứu" của ông Huy không đủ sức thuyết phục.

Dư luận lại một phen bán tín bán nghi về tác dụng của việc thiền tại khu mộ cụ Cần, khi một số nhà nghiên cứu về cảm xạ học (năng lượng địa sinh học) đo đếm rồi đưa ra kết luận rằng, chỉ số năng lượng địa sinh tại đây rất cao, với chỉ số Bovis lên tới 16.000 đơn vị. Bởi, theo một số nghiên cứu gần đây thì đa số những người mắc bệnh hiểm nghèo, là do họ sống tại một địa điểm có chỉ số Bovis dưới 3.000 đơn vị, trong một thời gian dài.

Việc sử dụng năng lượng địa sinh học vào chữa bệnh có trên thế giới từ lâu và được gọi là Y học bổ sung. Trên thực tế, cho đến nay mọi người chưa lý giải được vì sao nhiều bệnh y học tiên tiến không thể chuẩn đoán và chữa khỏi, nhưng khi sử dụng phương pháp này lại cho kết quả (?).

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Hiện tượng người dân tụ tập đến ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần là có thật. Tuy nhiên, khi chính quyền cử cán bộ xuống nắm tình hình thì thấy không có vấn đề gì ảnh hưởng đến an ninh, những người đến thăm viếng, ngồi thiền đều từ tấm lòng thiện tâm, không có sự vụ lợi hay truyền bá mê tín dị đoan...

Cho đến nay chưa thể khẳng định đây là hiện tượng mê tín dị đoan hay dựa trên cơ sở khoa học. Nhưng, có một thực tế rằng, ngày càng nhiều người đến với ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần, chính vì vậy thiết nghĩ chính quyền địa phương nên giám sát kỹ, tránh được những biến tướng, cũng như ảnh hưởng đến danh tiếng của một nhà văn hóa tâm linh của đất nước.

Phùng Bình


Thanked by 1 Member:

#699

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 01/10/2013 - 22:28

HUYỀN THOẠI LY KỲ VỀ "CỐT CẬU BẢY"

Từ hàng trăm năm nay, trong cõi tâm linh của giới huyền thuật, cậu Bảy Tây Ninh là một vị Bồ tát của người Việt. Pháp sư phái Trà Kha Khmer gọi cậu Bảy là Tà Bay. Pháp sư theo trường phái "bùa Lèo" gọi cậu Bảy là Vlav Bay. Pháp sư theo trường phái "bùa Xiêm" gọi cậu Bảy là Khạo Bay…

Trong khẩu quyết thần chú của nhiều trường phái huyền thuật, các pháp sư vẫn cầu tên cậu Bảy trong số hàng trăm vị thần tướng. Giới huyền linh ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, xem Quan Công là vị thần tướng có uy lực nhất trong số các vị thần tướng. Còn giới pháp sư vùng Đông Nam Á xem cậu Bảy mới là người uy lực nhất.

Hiện tại, giới pháp sư một số môn phái Trà Kha, Lỗ Ban vẫn thường xuyên tìm đến tận nơi phát tích của cậu Bảy để thiền định luyện phép, nhờ cậu Bảy chứng quả thăng cấp cho mình.

1. Nơi phát tích cậu Bảy nằm trên đỉnh cao nhất trong quần thể bảy ngọn lớn, và mười bốn ngọn núi nhỏ tạo thành hình chữ U, tọa lạc tại phía bắc tỉnh Bình Dương, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng.

Trong quần thể ấy có bốn ngọn chính gồm: Núi Cửa Ông, núi Ông còn gọi là núi Ông Cậu, núi Tha La và núi Chúa. Do bốn ngọn này tạo thành hình hai yên ngựa song song, nên từ thuở sơ khai người ta gọi quần thể núi ấy là Yên Ngựa. Dần dà sau này, người ta gọi luôn toàn bộ cụm núi ấy là núi Ông Cậu hoặc núi Cậu.

Hầu như không còn ai biết gốc tích thật của cậu Bảy. Từ thuở khai hoang, người ta đã thấy trên đỉnh Ông Cậu có một cái hang đá, được gọi là miếu thờ cậu Bảy. Bên trong ngôi miếu có bức tượng cậu Bảy đứng thủ bộ võ. Bên ngoài cửa miếu có tượng một con cọp nhe nanh như đứng gác.

Dù cụm núi Cậu nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương, nhưng người ta vẫn quen gọi ông là "Cậu Bảy Tây Ninh". Có lẽ do ngày xưa núi Cậu thuộc địa phận Tây Ninh, sau này chia tách địa giới hành chính lại, núi Cậu thuộc về tỉnh Bình Dương. Dù vậy, do thói quen, người ta vẫn cứ gọi theo tên cũ.

Có nhiều truyền thuyết và giai thoại liên quan đến cậu Bảy, nhưng không hiểu vì sao suốt hàng trăm năm nay, các nhà khảo cứu văn hóa, lịch sử lại bỏ qua. Đến tận bây giờ vẫn chưa có người thực hiện công trình nghiên cứu văn hóa, vật thể lẫn phi vật thể một cách trọn vẹn về di tích văn hóa tâm linh này. Trước năm 1975, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Minh, có nhắc đến núi Cậu trong quyển "Tây Ninh xưa và nay" nhưng chỉ sơ lược, thoảng qua.



Thanked by 1 Member:

#700

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 01/10/2013 - 22:32

Những bậc kỳ lão ở địa phương cho rằng, cậu Bảy và bà Lý Thị Thiên Hương, bậc Thánh trấn núi Bà Đen, Tây Ninh, có liên quan đến nhau. Có nhiều truyền thuyết kể rằng, ngày xưa núi Bà Đen có tên gọi là núi Một.

Vào thế kỷ XVIII, có bốn gia đình thâm giao ở Bình Định, theo chiếu khẩn hoang của chúa Nguyễn cùng nhau theo đoàn di dân xuôi Nam, khai hoang mở cõi gồm: gia đình ông Lý Thiên; gia đình ông Đặng Nhượn; Gia đình ông Ba Sánh và gia đình ông Chín Thép. Bốn gia đình vào định cư vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.

Quan trấn nhậm đương thời là Hà Đảnh, thấy bà Đặng Ngọc Phụng vợ ông Lý Thiên trẻ đẹp đã sát hại Lý Thiên, rồi bắt bà làm hầu thiếp dù bà đang mang thai. Bà cố sống ẩn nhẫn, chờ sanh con và tìm cách báo thù cho chồng. Bà sanh được một cô con gái xinh đẹp, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương.

Khi trưởng thành, Lý Thị Thiên Hương rất xinh đẹp, được nhiều chàng trai để ý muốn chạm ngõ cầu hôn, nhưng nàng không màng vì mải nuôi lòng báo oán cho cha. Một ngày nọ, nàng đi đảnh lễ cầu Phật trên núi Một, bất ngờ bị một toán cướp chặn đường. Giữa lúc nguy khốn, nàng được một tráng sĩ tên Lê Sĩ Triệt cứu thoát. Hai người trở thành tình nhân từ cuộc hội ngộ đó.

Lê Sĩ Triệt là con nuôi của nhà sư Trí Tân, trụ trì một ngôi chùa trên lưng chừng núi Một. Sư Trí Tân vốn là võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu. Trong một chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân trông thấy ven một tảng đá một bé trai sơ sinh còn sống nằm khóc giữa hai tử thi vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé lên núi đặt tên là Lê Sĩ Triệt, nuôi dưỡng và truyền kiếm thuật.

Lê Sĩ Triệt được sư Trí Tân cho phép cưới Lý Thị Thiên Hương làm vợ. Sau khi cưới, Thiên Hương kể rõ mối thâm thù giữa mình với cha ghẻ Hà Đảnh. Nghe vợ kể rõ nguồn cơn, Lê Sĩ Triệt giết ngay Hà Đảnh.

Vào thời điểm đó, nhà Tây Sơn vừa dấy binh, Gia Long tuyển mộ thêm binh sĩ. Lê Sĩ Triệt tòng quân đế trốn án sát nhân. Sau khi Lê Sĩ Triệt ra đi, Lý Thị Thiên Hương bỗng dưng mất tích.

Một hôm sư Trí Tân đang thiền định bỗng nghe tiếng gọi của Thiên Hương nơi triền núi. Ông bước ra thì thấy Lý Thị Thiên Hương vừa khóc vừa cho biết, thuộc hạ của Hà Đảnh đã giết cô ném xác nơi triền núi.

Sư Trí Tân theo lời chỉ của linh hồn Thiên Hương đi tìm thì thấy thi thể cô đã sạm đen. Sư Trí Tân đem thi thể cô về gần chùa an táng.

Lúc này Gia Long đang thất thế trước sức mạnh của Tây Sơn, nên bôn đào về phía Nam. Lê Sĩ Triệt lập nhiều công trạng đã trở thành võ quan cận thần của Vua Gia Long. Lê Sĩ Triệt đưa Vua Gia Long chạy vào vùng núi Một trốn tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn.

Khi quan quân đang đói lả dưới một tán cây cổ thụ, Gia Long mệt mỏi ngủ thiếp, mơ màng thấy một người con gái đen đúa xuất hiện, bảo những quả chín trên cây có thể cứu đói, khát cho binh sĩ. Vua tỉnh giấc cho người ăn thử. Quả nhiên vị chua của quả giúp binh sĩ đỡ khát và vị chát giúp đỡ đói.

Vua Gia Long đặt tên cây ấy là "tòng quân" (sau này nói trại thành chùm quân hoặc bồ quân). Vua Gia Long còn ban sắc chỉ phong cho Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ đó, người ta gọi núi Một là núi Bà Đen cho đến ngày nay.



#701

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 01/10/2013 - 22:35

Vua Gia Long tiếp tục bôn đào xuôi Nam. Trước khi rời đi, Gia Long giao cho Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho Thiên Hương, đồng thời chiêu binh chờ vua phục quốc. Khi Vua Gia Long vừa rời khỏi, quân Tây Sơn tràn lên núi. Lê Sĩ Triệt lánh sang núi Yên Ngựa, tìm đến ngọn núi cao nhất ẩn thân tu luyện phép thuật âm thầm tuyển mộ binh lính rèn luyện đao kiếm. Để che giấu tông tích, Lê Sĩ Triệt chỉ xưng là cậu Bảy.

2. Từ những tin đồn huyền bí, nhiều dòng giai thoại xuất hiện trong dân gian. Trong đó có chuyện, Bà (Lý Thị Thiên Hương) và Cậu (Lê Sĩ Triệt) thường xuyên đấu phép cùng nhau. Cậu hóa phép cho núi Bà ngày càng cao lên. Bà dùng phép biến hóa thành hàng ngàn con gà sang núi Cậu bới chỗ ở của Cậu.

Hai người bay qua lại giữa núi Bà, núi Cậu để đấu phép thuật. Từ những trận tỉ thí thư hùng của hai người, đã tạo nên những dấu tích kỳ bí vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay. Đó là vùng núi Cậu, có rất nhiều tảng đá có lằn ngang dọc như gà bới. Rải rác trên các tảng đá núi Bà lẫn núi Cậu vẫn còn những dấu chân khổng lồ của hai người.

Người ta đã phát hiện bên núi Bà có hai dấu châu khổng lồ, một dấu nằm trên tảng đá gần điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, một nằm trên tảng đá phía mạn bắc núi.

Ở cụm núi Cậu có ít nhất bảy dấu chân "tiên" nằm rải rác. Hai dấu nằm ở phía suối Trúc, còn gọi là hồ Than Thở Dầu Tiếng, hai dấu nằm gần miếu Cậu và ba dấu nằm rải rác dưới mạn sườn núi Ông Cậu. Người dân địa phương khẳng định, vẫn còn nhiều dấu chân "tiên" chưa được phát hiện. Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu về những dấu chân bí ẩn này.



#702

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 01/10/2013 - 22:47

Một dòng giai thoại khác thì cho rằng, vào thời Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh, cậu Bảy chính là Cử Đa, một võ quan triều Nguyễn tham gia lập mật khu kháng chiến Láng Linh, Bảy Thưa cùng Trần Văn Thành. Sau khi căn cứ kháng chiến Láng linh, Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành tử nạn, Cử Đa di chuyển khắp vùng rừng núi phía Nam, dùng tâm linh tiếp tục tuyển mộ nghĩa quân. Cử Đa đã để lại dấu tích khắp vùng núi Tà Lơn, Thất Sơn, núi Bà Đen và núi Cậu.

3. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Núi Cậu là căn cứ hoạt động cách mạng. Nơi đây được gọi là Định Thành căn cứ, để phân biệt Định Thành tạm chiếm lúc bấy giờ.

Giai đoạn này có một luồng giai thoại khác xuất hiện. Giai thoại này cho rằng, chính lực lượng cách mạng kháng chiến vùng Dương Minh Châu, đã tạo nên những truyền thuyết kỳ bí để tạo khu vực cấm, nhằm giữ bí mật trạm giao liên trên núi Ông Cậu. Cậu Bảy là mật danh của một cán bộ giao liên ẩn dưới áo ẩn sĩ luyện phép tiên.

Sau khi nhiều đời thủ từ, thầy Sáu tiếp tục đến đây tu luyện để đảm nhiệm vai trò giao liên. Thầy Sáu chính là Hòa thượng Thích Đạt Phẩm, thế danh là Đinh Văn Trên, thường được gọi là thầy Sáu. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Đạt Phẩm đã tôn tạo, xây dựng miếu cậu Bảy. Ông còn xây dựng dưới chân núi Ông Cậu một quần thể kiến trúc chùa Thái Sơn, thành điểm hành hương thu hút rất đông khách du lịch tâm linh.

Trên mái ngôi miếu thờ Cậu có ghi danh hiệu của Cậu Bảy là Tán Dương. Căn cứ vào các tài liệu tín ngưỡng phương Đông, không có vị Phật, vị thánh nào mang hiệu Tán Dương. Có lẽ do cách nói sai chính tả của người miền Nam, người ta đã nhầm lẫn giữa hiệu Tán Dương và Táng Vương.

Theo truyền thuyết phương Đông, Táng Vương chính là Táng Vương Bồ Tát, tức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Vị này có nuôi một con thần thú tên là Đế Thính. Đế Thính có hình dáng con hổ hung tợn nhưng tâm tính là con ngựa hiền lành. Đế Thính có khả năng nghe thấy được mọi diễn biến trên mặt đất, dưới lòng đất năm mươi dặm.

Hiện, nơi trước cửa miếu vẫn còn tượng một ông hổ trong tư thế mọp người lắng nghe. Có thể, ngày xưa, người tạo nên hình ảnh cậu Bảy đã tự xưng mình là Táng Vương, để có lý do truyền đạt thông tin tình báo quân sự của địch quân cho lực lượng kháng chiến?

4. Hàng năm, cứ đến mùng 7 tháng 5 âm lịch, ngày giỗ cậu Bảy, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về núi Cậu lễ bái. Trong số đó có hàng trăm pháp sư trong nước lẫn ngoài nước đến xin cậu chứng quả đắc đạo, thăng cấp. Rất nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi cũng như các nghệ nhân bóng rỗi, cũng đến ca hát ngợi ca công đức tâm linh của cậu. Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn mang tính tự phát chứ chưa được lễ hội hóa một cách bài bản.

Dù giai thoại hay truyền thuyết mang tính tâm linh huyền bí, xét về khía cạnh lịch sử, cậu Bảy đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Xét về khía cạnh văn hóa, di tích, cậu Bảy cần được nhìn nhận như một địa chỉ du lịch tâm linh chính thống. Danh hiệu cậu Bảy đã gắn liền với địa danh cụm núi, bỏ rơi di tích này chìm vào quá khứ là hoang phí một mảng lớn văn hóa tín ngưỡng của địa phương

Nông Huyền Sơn


#703

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 02/10/2013 - 06:42

GIAI THOẠI KỲ BÍ VỀ NGÔI MỘ CỔ CÔ NĂM CHÂU ĐỐC

Ngôi mộ và niềm tin tâm linh đó hiện hữu suốt hơn hai trăm năm nay, đối với người dân địa phương và khách vãng lai qua lại cung đường này. Và xung quanh đó có cả những chuyện lợi dụng buôn thần, bán thánh…

Đối với một số trường phái huyền thuật, "xác cô Năm Châu Đốc, cốt cậu Bảy Tây Ninh" là hai vị thần linh ứng luôn cứu trợ, phò nguy những trường hợp tai nạn, tai họa bất ngờ.

Môn phái võ bùa gồng Trà Kha của người Khmer, khi lên đài giáp chiến tỉ thí, võ sĩ thường đọc một bài chú cầu an, trợ lực:

- Ko nam chaudoc chau trakha puop khia á rập momo ni ni adi da phat. (Cầu xin cô Năm Châu Đốc ra oai thần trợ giúp, A Di Đà Phật).

Trước năm 1975, tại Sài Gòn, một số pháp sư thường mượn linh danh cô Năm để "nhập xác soi căn". Một số lính tráng thuộc lực lượng biệt động quân, dùng ảnh cô Năm có vẽ bùa thần, ép nhựa rồi để trong túi áo ngực trái để "đạn né". Một số tài xế lái xe đường dài hoặc tài công lái tàu khu vực phía Nam, dùng ảnh cô Năm treo trên cabin xe, tàu đốt nhang thờ phụng như thờ Phật Quán Thế Âm để cầu an.

Cho đến tận bây giờ, một số cư dân sinh sống ở vùng Châu Đốc vẫn còn thói quen: Mỗi khi đưa trẻ em đi trên quãng đường hơn năm cây số, cha mẹ đều khấn xin phép cô Năm để… an toàn khi tham gia giao thông.

Những bạn hàng ở chợ Châu Đốc, khi tranh chấp một "hợp đồng kinh tế miệng" thường cùng nhau đến mộ cô Năm thề độc:

- Xin cô Năm chứng giám soi xét. Ai ăn gian, ăn lận, xin cô Năm vặn cổ, hộc máu chết tươi.

Người ta đồn rằng, đã từng có trường hợp, sau khi khấn thề xong, người sai quấy lăn đùng ra ngất nên người ta càng tin vào sự linh nghiệm của cô.



#704

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 02/10/2013 - 06:50

Ngày nay, uy linh cô Năm đã lan sang cả đất Mỹ. Ở đường số chín, San Jose, California, có thầy tướng số mang pháp danh Diệu Phượng, dùng linh danh cô Năm Châu Đốc làm "bùa hộ mạng" câu khách mê tín.

Một thầy pháp tên Jo ở Los Angeles, thì dùng linh ảnh cô Năm "úm" thêm một vài món linh vật linh tinh, để bán cho dân mê bài đeo vào cổ, gọi là "the witch's physics".

Điều đó cho thấy cô Năm đã trở thành một vị thánh "nổi tiếng", không chỉ lẩn quẩn trong phạm vi núi Sam, mà vượt đại dương tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư ở nửa phía bên kia quả địa cầu. Vì sao cô Năm lại trở thành linh nghiệm như thế?

Giai thoại kể rằng, cô Năm là cô con gái xinh đẹp trong một gia đình người Tàu, họ Thái rất đông con, sinh sống bằng nghề bán thịt heo quay ở chợ Châu Đốc vào thời điểm giữa thế kỷ XVIII. Những buổi chợ ế, cô thường đội thúng heo quay trên đầu, rảo chân đi khắp khu vực rao bán heo quay. Tính tình cô Năm rất thẳng thắn và ghét kẻ mua già bán non, nên nhiều người quý mến. Nhiều gia đình khá giả dạm hỏi cưới cô Năm cho con trai, nhưng cô luôn từ chối. Cô thường nói:

- Ở vậy để trả hiếu cho cha mẹ.

Khi cô Năm bước vào tuổi mười tám, sắc đẹp trở nên lung linh bởi làn da trắng hồng và màu môi đỏ như cánh sen.

Một ngày nọ, mẹ cô Năm đang ngồi bán ở chợ Châu Đốc, thì thấy cô vào chợ đến khu vực bán vải mua một cây vải thô. Lấy làm lạ, mẹ cô chạy đến hỏi mua vải thô làm gì. Cô trả lời, mua về tẩn liệm. Nghe đến đó, mẹ cô tá hỏa vì nghĩ cha cô đã chết. Bà tức tốc bỏ ngang buổi chợ chạy về nhà, thì thấy chồng mình cùng chòm xóm đang dựng rạp chuẩn bị đám tang. Bà mừng rỡ chạy vào nhà thì thấy tử thi cô con gái thứ Năm, đang nằm giữa nhà chờ tẩn liệm.

Hỏi ra mới biết, cô Năm đang trên đường bán dạo thịt heo quay, bỗng dưng khuỵu chân nằm chúi xuống đường. Mọi người chạy đến thì thấy cô đã tắt thở... Tử thi cô được người dân tốt bụng thuê xe ngựa đưa về nhà. Thời đó, người ta cho rằng, những trường hợp đột tử như vậy là do "ngũ hành bắt hồn những người tốt để làm thánh". Mẹ cô Năm kể lại việc trông thấy cô đi chợ mua đồ tẩn liệm mình cho mọi người nghe nhưng không ai tin, cho đó là chuyện nhìn thấy người giống người.

Do nhà nghèo, ít đất nên cha mẹ cô Năm xin gia đình sui gia (bên vợ của người con trai thứ tư là hương chủ khu vực chân núi Sam) cho một thước đất ven triền núi Sam, làm nơi yên nghỉ cho cô. Thuở đó, khu vực chân núi Sam còn hoang sơ hiu quạnh, khỉ ho, cò gáy. Nhờ gia đình nhà sui tốt bụng, mộ cô Năm được xây bằng hợp chất vôi, ô dước.



#705

hiendde



 

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

 

Gửi vào 02/10/2013 - 06:56

Chuyện đồn thổi rằng, một thời gian ngắn sau đó, những tài xế xe tải có tuyến chạy ngang núi Sam, thường thấy một cô gái xinh đẹp đứng đón xe xin quá giang, ở gần khu vực mộ cô Năm. Thời đó, dân xe đường dài thường tìm cách quấy rối tình dục những phụ nữ xin quá giang xe. Và những gã tài xế có máu xấu đó đều bất ngờ bị đau bụng lăn lộn, cho đến khi đến tận mộ cô Năm tạ lỗi mới hết.

Từ đó, khi chạy ngang đoạn đường này, các tài xế thường ghé vào đốt nhang khấn cô rồi mới tiếp tục hành trình. Có người quả quyết rằng, trên những cung đường xa, nhờ có cô Năm độ trì, họ đã thoát nhiều vụ tai nạn hy hữu. Những người nghèo khó buôn bán ế ẩm, khi đến khấn cô Năm đều được ban lộc mua may, bán đắt.

Còn một giai thoại cũng không kém phần huyền bí, mà người dân địa phương hiện nay vẫn còn truyền tụng về sự linh ứng của cô Năm. Đó là chuyện tấm di ảnh. Thời cô Năm, máy ảnh chưa phổ biến, những gia đình khá giả thường thuê họa sĩ vẽ chân dung người lớn tuổi, để khi qua đời có di ảnh thờ. Cô còn trẻ, chưa vẽ chân dung nên khi chết không có di ảnh thờ.

Cả trăm năm sau khi cô Năm chết, mới có một chiếc tàu là hiệu ảnh di động trên sông cập bến Châu Đốc. Chủ hiệu ảnh là Bằng Robert từ Mỹ Tho trôi dần về Châu Đốc. Một ngày nọ, đang ế ẩm, ông chủ hiệu ảnh đốt nhang khấn xin cô Năm trợ giúp.

Vừa khấn xong, có một thiếu nữ xinh đẹp bước lên ghe yêu cầu chụp ảnh. Cô gái đề nghị thợ ảnh Bằng Robert lên bến, chụp cô đứng cạnh một chiếc xe hơi. Trên tay cô còn cầm một điếu thuốc hút đang nghi ngút khói. Chụp xong, cô gái đặt tiền cọc rồi lấy phiếu hẹn ngày đến lấy ảnh.

Trước khi rời đi, cô gái còn nói đùa:

- Mai mốt đắt khách, anh phải mua con heo quay ở chợ Châu Đốc cám ơn tôi mở hàng.

Sau đó, cô gái mất tăm, không đến lấy ảnh nữa. Điều lạ là từ ngày cô gái đến chụp ảnh thì chiếc tàu ảnh trở nên nhộn nhịp vì đắt khách. Nghĩ rằng cô gái không có tiền lấy ảnh, người thợ lấy bức chân dung treo lên vách tàu làm ảnh mẫu.

Con cháu của cô Năm đi ngang chiếc tàu chụp ảnh và nhận ra đó là chân dung… cô Năm. Họ báo cho Bằng Robert biết điều đó. Thế là Bằng Robert mua ngay một con heo quay đến tận mộ cô Năm tạ ơn. Ông ta còn bỏ tiền ra cất một ngôi miếu nhỏ thờ cô. Cho đến tận năm 1975, rất nhiều gia đình ở Châu Đốc vẫn dùng bức ảnh này để thờ trên bàn thờ gia tiên.








Similar Topics Collapse

2 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 2 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |